Phần I  –  Phần II  –  Phần III

I. Nội dung

(Bāhitika sutta)
Dịch giả: Thích Minh Châu

 


(Download file MP3
– 2.19 MB – Thời gian phát: 12 phút 43 giây.)

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:


Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Savatthi, Jetavana, tại tịnh xá ông Anathapindika (Cấp cô độc).

Rồi Tôn giả Ananda vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Savatthi để khất thực. Ði khất thực ở Savatthi xong, sau bữa ăn, trên con đường khất thực trở về, Tôn giả đi đến lâu đài Pubbarama Migaramatu (Ðông Viên Lộc Mẫu giảng đường) để nghỉ trưa.

Lúc bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosala cưỡi trên con voi Ekapundarika và đi ra khỏi thành Savatthi trong buổi sáng sớm. Vua Pasenadi nước Kosala thấy Tôn giả Ananda từ xa đi đến, thấy vậy liền nói với vị đại thần Sirivaddha:

— Vị Tôn giả ấy, này Sirivaddha, có phải là Ananda không?

— Thưa phải, tâu Ðại vương, Tôn giả ấy là Ananda.

Rồi vua Pasenadi nước Kosala nói với một người khác:

— Này Người kia, hãy đi đến Tôn giả Ananda, sau khi đến, nhân danh ta cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Ananda, rồi thưa như sau: “Thưa Tôn giả, nếu Tôn giả Ananda không có công việc gì phải làm gấp, thưa Tôn giả, mong Tôn giả hãy vì lòng từ chờ đợi một lát”.

— Thưa vâng, tâu Ðại vương.

Người ấy vâng đáp vua Pasenadi xứ Kosala, đi đến Tôn giả Ananda, sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Ananda rồi đứng một bên. Ðứng một bên, người ấy thưa với Tôn giả Ananda:

— Thưa Tôn giả, vua Pasenadi nước Kosala cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Ananda, và thưa như sau: “Thưa Tôn giả, nếu Tôn giả Ananda không có công việc gì phải làm gấp, thưa Tôn giả, mong Tôn giả hãy vì lòng từ chờ đợi một lát”.

Tôn giả Ananda im lặng nhận lời. Rồi Tôn giả Ananda đi đến bờ sông Aciravati, sau khi đến, liền ngồi xuống trên chỗ đã đoạn sẵn, dưới một gốc cây. Rồi vua Pasenadi nước Kosala, cưỡi voi cho đến chỗ nào có thể đi voi được, rồi xuống voi đi bộ đến chỗ Tôn giả Ananda, sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Ananda rồi đứng một bên. Ðứng một bên, vua Pasenadi nước Kosala thưa với Tôn giả Ananda:

— Thưa Tôn giả, ở đây, mong Tôn giả Ananda ngồi trên thảm ngựa.

— Thôi vừa rồi, Ðại vương, Ðại vương hãy ngồi. Tôi đã ngồi trên chỗ ngồi của tôi.

Vua Pasenadi nước Kosala ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, vua Pasenadi nước Kosala thưa với Tôn giả Ananda:

— Thưa Tôn giả Ananda, có phải Thế Tôn không làm các thân hành mà các bậc Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách?

— Thưa Ðại vương, Thế Tôn không làm các thân hành mà các bậc Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách.

— Thưa Tôn giả Ananda, có phải Thế Tôn không làm các khẩu hành… không làm các ý hành mà các bậc Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách?

— Thưa Ðại vương, Thế Tôn không làm các khẩu hành, ý hành mà các bậc Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách.

— Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả! Thật hy hữu thay, thưa Tôn giả! Thưa Tôn giả, điều mà tôi không thể nói lên một cách đầy đủ trong một câu hỏi, đã được Tôn giả Ananda nói lên một cách đầy đủ trong câu trả lời câu hỏi. Thưa Tôn giả, khi người ngu si, thiếu kinh nghiệm tán thán hay hủy báng những người khác, mà không chứng nghiệm và suy xét, thì chúng tôi không y cứ vào đấy và xem như là lõi cây. Nhưng thưa Tôn giả, khi người có trí, có kinh nghiệm tán thán hay hủy báng những người khác, có chứng nghiệm và suy xét, thì chúng tôi y cứ vào đấy và xem như là lõi cây.

Nhưng thưa Tôn giả Ananda, thế nào là thân hành mà các vị Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách?

— Thưa Ðại vương, bất cứ thân hành gì bất thiện.

— Thưa Tôn giả, thế nào là thân hành bất thiện?

— Thưa Ðại vương, bất cứ thân hành gì có tội.

— Thưa Tôn giả, thế nào là thân hành có tội?

— Thưa Ðại vương, bất cứ thân hành gì có hại.

— Thưa Tôn giả, thế nào là thân hành có hại?

— Thưa Ðại vương, bất cứ thân hành nào có khổ báo.

— Thưa Tôn giả, thế nào là thân hành có khổ báo?

— Thưa Ðại vương, phàm thân hành gì đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, từ nơi thân hành ấy, các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm. Thưa Ðại vương, thân hành như vậy bị các Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách.

— Thưa Tôn giả, thế nào là khẩu hành… thế nào là ý hành bị các Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách?

— Thưa Ðại vương, bất cứ ý hành gì bất thiện.

— Thưa Tôn giả, thế nào là ý hành bất thiện?

— Thưa Ðại vương, phàm ý hành gì có tội.

— Thưa Tôn giả, thế nào là ý hành có tội?

— Thưa Ðại vương, phàm ý hành gì có hại.

— Thưa Tôn giả, thế nào là ý hành có hại?

— Thưa Ðại vương, phàm ý hành nào có khổ báo.

— Thưa Tôn giả, thế nào là ý hành có khổ báo?

— Thưa Ðại vương, phàm ý hành gì đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, từ nơi ý hành ấy các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm. Thưa Ðại vương, ý hành như vậy bị các Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách.

— Thưa Tôn giả Ananda, có phải Thế Tôn tán thán sự đoạn trừ tất cả bất thiện pháp?

— Thưa Ðại vương, Như Lai đã đoạn trừ tất cả bất thiện pháp và thành tựu các thiện pháp.

— Nhưng thưa Tôn giả Ananda, thế nào là thân hành không bị các Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách?

— Thưa Ðại vương, bất cứ thiện thân hành nào.

— Thưa Tôn giả, thế nào là thiện thân hành?

— Thưa Ðại vương, phàm thân hành nào không có tội.

— Thưa Tôn giả, thế nào là thân hành không có tội?

— Thưa Ðại vương, phàm thân hành nào không có hại.

— Thưa Tôn giả, thế nào là thân hành không có hại?

— Thưa Ðại vương, phàm thân hành nào có lạc báo.

— Thưa tôn giả, thế nào là thân hành có lạc báo?

— Thưa Ðại vương, phàm thân hành nào không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, từ nơi thân hành ấy, các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng. Thưa Ðại vương, thân hành như vậy không bị các Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách.

— Thưa Tôn giả Ananda, thế nào là khẩu hành… thế nào là ý hành không bị các Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách?

— Thưa Ðại vương, bất cứ thiện ý hành nào.

— Thưa Tôn giả, thế nào là thiện ý hành?

— Thưa Ðại vương, phàm ý hành nào không có tội.

— Thưa Tôn giả, thế nào là ý hành không có tội?

— Thưa Ðại vương, phàm ý hành nào không có hại.

— Thưa Tôn giả, thế nào là ý hành không có hại?

— Thưa Ðại vương, phàm ý hành nào có lạc báo.

— Thưa Tôn giả, thế nào là ý hành có lạc báo?

— Thưa Ðại vương, phàm ý hành nào không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, từ nơi ý hành ấy, các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng. Thưa Ðại vương, ý hành như vậy không bị các Sa-môn, Bà-la-môn có trí quở trách.

— Thưa Tôn giả Ananda, có phải Thế Tôn tán thán sự thành tựu tất cả thiện pháp?

— Thưa Ðại vương, Như Lai đã đoạn trừ tất cả bất thiện pháp, và thành tựu các thiện pháp.

— Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả! Thật hy hữu thay, thưa Tôn giả! Thật khéo nói thay việc này, thưa Tôn giả. Do Tôn giả Ananda mà chúng tôi, thưa Tôn giả, được hoan hỷ và thỏa mãn với những lời khéo nói của Tôn giả Ananda. Ðược hoan hỷ và thỏa mãn, thưa Tôn giả, với những lời khéo nói của Tôn giả Ananda, chúng tôi vui lòng tặng một con voi báu cho Tôn giả Ananda, nếu Tôn giả Ananda được phép nhận con voi báu. Chúng tôi vui lòng tặng con ngựa báu cho Tôn giả Ananda, nếu Tôn giả Ananda được phép nhận con ngựa báu. Chúng tôi vui lòng tặng một làng ân tứ cho Tôn giả Ananda, nếu Tôn giả Ananda được phép nhận một làng ân tứ. Nhưng thưa Tôn giả, chúng tôi được biết như sau: “Việc này Tôn giả Ananda không được phép”. Thưa Tôn giả, có cuộn vải ngoại hóa này, được gắn vào trong một cán dù, do vua Ajatasattu, con bà Videhi nước Magadha gởi cho tôi, dài mười sáu khuỷu tay, rộng tám khuỷu tay. Thưa Toân giả, mong Tôn giả Ananda vì lòng từ bi nạp thọ cho.

— Thôi vừa rồi, Ðại vương! Tôi đã đủ ba y.

— Thưa Tôn giả, sau cơn mưa lớn trên sườn núi, cả Tôn giả và tôi đã thấy lúc ấy sông Aciravati chảy mạnh, tràn qua hai bên bờ như thế nào. Cũng vậy, thưa Tôn giả, Tôn giả Ananda có thể làm cho mình ba y, từ nơi tấm vải ngoại hóa này. Còn ba y cũ, Tôn giả Ananda có thể đem phân phát cho các đồng Phạm hạnh. Như vậy sự bố thí này của chúng tôi được trôi chảy, như nước lan tràn qua bờ. Thưa Tôn giả, mong Tôn giả nhận cho tấm vải ngoại hóa này.

Rồi Tôn giả Ananda nhận lấy tấm vải ngoại hóa. Rồi vua Pasenadi nước Kosala thưa với Tôn giả Ananda:

— Thưa Tôn giả Ananda, nay chúng tôi phải đi. Chúng tôi có nhiều công vụ, có nhiều trách nhiệm phải làm.

— Thưa Ðại vương, nay Ðại vương hãy làm gì Ðại vương nghĩ là hợp thời.

Rồi vua Pasenadi nước Kosala hoan hỷ, tín thọ lời Tôn giả Ananda dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, thân bên hữu hướng về ngài, rồi ra đi.

Tôn giả Ananda, sau khi vua Pasenadi nước Kosala ra đi không bao lâu, liền đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda tường thuật lên Thế Tôn tất cả cuộc đàm thoại với vua Pasenadi nước Kosala rồi dâng tấm vải ngoại hóa lên Thế Tôn.

Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:

— Thật hạnh phúc thay cho vua Pasenadi nước Kosala! Thật tốt đẹp thay cho vua Pasenadi nước Kosala! Vua đã được yết kiến Tôn giả Ananda và được cúng dường.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Source link

II. Phần lược giải

Trung Bộ Kinh – Bài Kinh số 88
Kinh Bhàhitika (Tấm Vải Ngoại)
(Bhàhitikasuttam)
– Discourse On The Foreign Cloth  –

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

(Từ ngữ quen thuộc)

II. NỘI DUNG KINH TẤM VẢI NGOẠI

1. Vua Pasenadi gặp tôn giả Ànanda dọc dường, lúc tôn giả sau khi khất thực trở về và xin hỏi đạo tôn giả. Nhà vua nêu lên một số câu hỏi như sau:

1.1. ” Có phải Thế Tôn không làm các hành động thân, khẩu, ý mà người trí chỉ trích? “

1.2. Thế nào là thân, khẩu, ý hành bất thiện?

1.3. Thế nào là thân, khẩu, ý hành thiện?

Tôn giả Ànnada đã lần lượt trả lời với các câu trả lời làm vui lòng vua Pasenadi.

– Thế Tôn không có hành động thân, khẩu, ý nào khiến người trí chỉ trích, Ngài đã tận trừ tất cả ác pháp và phát triển viên mãn tất cả thiện pháp.

– Bất thiện, theo định nghĩa của tôn giả, là hành động có tội, có hại, đưa đến khổ báo: hành động tự hại, hại người, hại cả hai.

– Ngược lại là hành động thiện.

2. Vua Pasenadi, sau một lúc đàm đạo, đã rất hoan hỷ và dâng tặng tôn giả một tấm vải ngoại do Vua A-xà-thế vừa gởi tặng vua Pasenadi. Tôn giả từ chối vì đã có đủ ba y, nhưng nhà vua thỉnh cầu tôn giả nhận để may ba y mới và nhường lại ba y cũ cho các đồng phạm hạnh và tôn giả hoan hỷ nhận.

Sau đó, tôn giả trở về trú xứ trình lên Thế Tôn câu chuyện đàm đạo và dâng cúng Thế Tôn tấm vải ngoại.

III. BÀN THÊM

Bản kinh có hai điểm giáo lý cần được bàn rộng:

1. Vấn đề thiện, ác là vấn đề căn bản của đạo đức ở đời. Các hệ thống tư tưởng thường có quan điểm khác nhau về thiện ác. Ở đây tôn giả Ànanda cho một định nghĩa rõ ràng về thiện, ác. Đây là quan điểm tiêu biểu của Phật giáo.

2. Một vị Tỷ kheo, vừa là thị giả của Thế Tôn, thời danh vẫn sống một đời sống phạm hạnh giản dị, tri túc. Tôn giả hành khất thực với ba y vừa đủ, tránh dùng vải ngoại, vải sang. Đây mới thực là nét sống giá trị của một tu sĩ Phật giáo đáng được học hỏi, suy gẫm!

III. Video giảng giải

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 44

Post Views: 642