»» Kinh Phân Biệt Về Sự Thật

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

I. Nội dung kinh

(Saccavibhanga sutta)
Dịch giả: Thích Minh Châu

 


(Download file MP3
– 2.17 MB – Thời gian phát: 12 phút 39 giây.)

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:


Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn ở Baranasi (Ba la nại), Isipatana (chỗ chư Tiên đọa), tại Migadaya (Lộc Uyển).

Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”. — “Bạch Thế Tôn”. Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

— Vô thượng Pháp luân đã được Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác chuyển vận ở vườn Lộc Uyển, chỗ chư Tiên đọa, tại Ba-la-nại. Không một Sa-môn, Bà-là-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên hay một ai ở đời có thể chận đứng, chuyển vận ngược lại, tức là sự khai thị, tuyên thuyết, thi thiết, kiến lập, mở rộng, phân biệt, hiển lộ bốn Thánh-đế.

Thế nào là bốn? Sự khai thị, tuyên thuyết, thi thiết, kiến lập, mở rộng, phân biệt, hiển lộ Khổ Thánh đế; sự khai thị, tuyên thuyết… về Tập khổ Thánh đế; sự khai thị, tuyên thuyết… về Khổ diệt Thánh đế; sự khai thị, tuyên thuyết… về Khổ diệt đạo Thánh đế. Vô thượng Pháp luân, này các Tỷ-kheo, đã được Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác chuyển vận ở vườn Lộc Uyển, chỗ chư Tiên đọa, tại Ba la nại. Không một Sa-môn, Bà-la-môn… hay một ai ở đời có thể chận đứng, chuyển vận ngược lại, tức là sự khai thị, tuyên thuyết, thi thiết, kiến lập, mở rộng, phân biệt, hiển lộ bốn Thánh-đế.

Này các Tỷ-kheo, hãy thân cận Sariputta và Moggallana, Này các Tỷ-kheo, hãy gần gũi Sariputta và Moggallana; các vị ấy là những Tỷ-kheo hiền trí (pandita), là những vị sách tấn các đồng Phạm hạnh. Như một sanh mẫu, này các Tỷ-kheo, như vậy là Sariputta! Như một dưỡng mẫu, như vậy là Moggalana! Này các Tỷ-kheo, Sariputta hướng dẫn đến quả Dự lưu, còn Moggallana hướng dẫn đến tối thượng nghĩa. Này Tỷ-kheo, Sariputta có thể khai thị, tuyên thuyết, thi thiết, kiến lập, mở rộng, phân biệt hiển lộ một cách rộng rãi bốn Thánh đế.

Thế Tôn nói như vậy; nói như vậy xong, Thiện Thệ từ chỗ ngồi đứng dậy và đi vào tinh xá.

Tại đấy, Tôn giả Sariputta, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, liền gọi các Tỷ-kheo: “Này chư Hiền”. — “Thưa vâng, Hiền giả”. Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sariputta. Tôn giả Sariputta nói như sau:

— Chư Hiền, Vô thượng Pháp luân đã được Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác chuyển vận ở vườn Lộc Uyển, chỗ chư Tiên đọa, tại Ba la nại… sự khai thị, tuyên thuyết, thi thiết, kiến lập, mở rộng, phân biệt, hiển lộ về Khổ diệt đạo Thánh đế.

Và này chư Hiền, thế nào là Khổ Thánh đế? Sanh là khổ, già là khổ, (bệnh là khổ), chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ; cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.

Này chư Hiền, thế nào là sanh? Mỗi mỗi hạng chúng sanh, trong từng giới loại, sự xuất sản, xuất sanh, xuất thành, tái sanh của chúng, sự xuất hiện các uẩn, sự hoạch đắc các căn. Này chư Hiền, như vậy gọi là sanh.

Này chư Hiền, thế nào là già? Mỗi mỗi hạng chúng sanh, trong từng giới loại, sự niên lão, sự hủ hoại, trạng thái rụng răng, trạng thái tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ rút ngắn, các căn hủy hoại. Này chư Hiền, như vậy gọi là già.

Này chư Hiền, thế nào là chết? Mỗi mỗi hạng chúng sanh trong từng giới loại, sự tạ thế, sự từ trần, thân hoại, sự diệt vong, sự chết, sự tử vong, thời đã đến, các uẩn đã tận diệt, sự vất bỏ tử thi. Này chư Hiền, như vậy gọi là chết.

Này chư Hiền, thế nào là sầu? Này chư Hiền, với những ai gặp phải tai nạn này hay tai nạn khác; với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự sầu của người ấy. Này chư Hiền, như vậy gọi là sầu.

Này chư Hiền, thế nào là bi? Này chư Hiền, với những ai gặp phải tai nạn này hay tai nạn khác; với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự bi ai, sự bi thảm, sự than van, sự than khóc, sự bi thán, sự bi thống của người ấy. Này chư Hiền, như vậy gọi là bi.

Này chư Hiền, thế nào là khổ? Này chư Hiền, sự đau khổ về thân, sự không sảng khoái về thân, sự đau khổ do thân cảm thọ, sự không sảng khoái do thân cảm thọ. Này chư Hiền, như vậy gọi là khổ.

Này chư Hiền, thế nào là ưu? Này chư Hiền, sự đau khổ về tâm, sự không sảng khoái về tâm, sự đau khổ do tâm cảm thọ, sự không sảng khoái do tâm cảm thọ. Này chư Hiền, như vậy gọi là ưu.

Này chư Hiền, thế nào là não? Này chư Hiền, với những ai gặp tai nạn này hay tai nạn khác; với những ai cảm thọ sự đau khổ này hay sự đau khổ khác, sự áo não, sự bi não, sự thật vọng, sự tuyệt vọng của người ấy. Này chư Hiền, như vậy gọi là não.

Này chư Hiền, thế nào là cầu bất đắc khổ? Này chư Hiền, chúng sanh bị sanh chi phối, khởi sự mong cầu: “Mong rằng ta khỏi bị sanh chi phối! Mong rằng ta khỏi phải đi thác sanh”. Lời mong cầu ấy không được thành tựu. Như vậy gọi là cầu bất đắc khổ. Này chư Hiền, chúng sanh bị già chi phối… chúng sanh bị bệnh chi phối… chúng sanh bị chết chi phối… chúng sanh bị sầu, bi, khổ, ưu, não chi phối, khởi sự mong cầu: “Mong rằng ta khỏi bị sầu, bi, khổ, ưu, não chi phối!” Mong rằng ta khỏi đương chịu sầu, bi, khổ, ưu não!” Lời mong cầu ấy không được thành tựu. Như vậy gọi là cầu bất đắc khổ.

Này chư Hiền, như thế nào là tóm lại, năm thủ uẩn là khổ? Như sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này chư Hiền, như vậy gọi là tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.

Này chư Hiền, thế nào là Khổ tập Thánh đế? Sự tham ái đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia; như dục ái, hữu ái, vô hữu ái. Này chư Hiền, như vậy gọi là Khổ tập Thánh đế.

Này chư Hiền, và thế nào là Khổ diệt Thánh đế? Sự diệt tận không còn luyến tiếc tham ái ấy, sự xả ly, sự khí xả, sự giải thoát, sự vô nhiễm (tham ái ấy). Này chư Hiền, như vậy gọi là Khổ diệt Thánh đế.

Này chư Hiền, thế nào là Khổ diệt đạo Thánh đế? Ðó là Thánh đạo tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

Này chư Hiền, thế nào là chánh tri kiến? Này chư Hiền, tri kiến về Khổ, tri kiến về Khổ tập, tri kiến về Khổ diệt, tri kiến về Khổ diệt đạo. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh tri kiến.

Này chư Hiền, thế nào là chánh tư duy? Tư duy về ly dục, tư duy về vô sân, tư duy về bất hại. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh tư duy.

Này chư Hiền, thế nào là chánh ngữ? Tự chế không nói láo, tự chế không nói hai lưỡi, tự chế không ác khẩu, tự chế không nói lời phù phiếm. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh ngữ.

Này chư Hiền, thế nào là chánh nghiệp? Tự chế không sát sanh, tự chế không trộm cắp, tự chế không tà dâm. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh nghiệp.

Này chư Hiền, thế nào là chánh mạng? Này chư Hiền, ở đây vị Thánh đệ tử từ bỏ tà mạng, sinh sống bằng chánh mạng. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh mạng.

Này chư Hiền, và thế nào là chánh tinh tấn? Này chư Hiền, ở đây Tỷ-kheo, đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn trừ diệt; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn khiến cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các thiện pháp đã sanh khởi, khởi lên ý muốn khiến cho an trú, không cho băng hoại, khiến cho tăng trưởng, phát triển, viên mãn; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh tinh tấn.

Này chư Hiền, thế nào là chánh niệm? Này chư Hiền, ở đây, Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời… quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên các tâm… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh niệm.

Này chư Hiền, thế nào là chánh định? Này chư Hiền, ở đây, Tỷ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Vị Tỷ-kheo ấy diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Tỷ-kheo ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh định.

Này chư Hiền, như vậy gọi là Khổ diệt đạo Thánh đế.

Chư Hiền, Vô thượng Pháp luân đã được Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác chuyển vận ở vườn Lộc Uyển, chỗ chư Tiên đọa, tại Ba-la-nại, Không một Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên hay một ai ở đời có thể chuyển vận ngược lại, tức là sự khai thị, tuyên thuyết, thi thiết, kiến lập, mở rộng, phân biệt, hiển lộ bốn Thánh đế.

Tôn giả Sariputta thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Tôn giả Sariputta dạy.

Source link

II. Phần lược giảng

III. Video giảng giải

https://www.youtube.com/watch?v=HDx1sQw660k

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 80

Post Views: 810