Phần I  –  Phần II  –  Phần III

Kinh Ưu-ba-ly

(Upāli sutta)
Dịch giả: Thích Minh Châu


    

(Download file MP3
– 7.64 MB – Thời gian phát: 44 phút 29 giây.)

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:


Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở tại Nalanda, trong rừng Pavarikamba.

Lúc bấy giờ, Nigantha Nataputta trú tại Nalanda cùng với đại chúng Nigantha (Ly Hệ Phái). Rồi Nigantha Dighatapassi (Trường Khổ Hạnh Giả), sau khi đi khất thực ở Nalanda, ăn xong, trên con đường khất thực trở về, đi đến rừng Pavarikamba, chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, nói lên những lời hỏi thăm Thế Tôn. Sau khi nói lên những lời hỏi thăm thân hữu, vị này đứng một bên. Thế Tôn nói với Nigantha Dighatapassi đang đứng một bên:

— Này Tapassi, có những ghế ngồi. Nếu ông muốn, hãy ngồi xuống.

Khi nghe nói vậy, Nigantha Dighatapassi lấy một ghế thấp, rồi ngồi xuống một bên. Và Thế Tôn nói với Nigantha Dighatapassi đang ngồi một bên:

— Này Tapassi, Nigantha Nataputta chủ trương có bao nhiêu nghiệp để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp?

— Hiền giả Gotama, Nigantha Nataputta không có thông lệ chủ trương ‘nghiệp, nghiệp’. Hiền giả Gotama, Nigantha Nataputta có thông lệ chủ trương ‘phạt, phạt’.

— Này Tapassi, Nigantha Nataputta chủ trương có bao nhiêu loại phạt để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp?

— Này Hiền giả Gotama, Nigantha Nataputta chủ trương có ba loại phạt để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp, tức là thân phạt, khẩu phạt, ý phạt.

— Này Tapassi, nhưng có phải thân phạt khác, khẩu phạt khác, ý phạt khác?

— Hiền giả Gotama, thân phạt khác, khẩu phạt khác, ý phạt khác.

— Này Tapassi, ba loại phạt này, được chia chẻ như vậy, được phân biệt như vậy, Nigantha Nataputta chủ trương loại phạt nào tối trọng để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp, thân phạt chăng, khẩu phạt chăng, ý phạt chăng?

— Hiền giả Gotama, ba loại phạt này được chia chẻ như vậy, được phân biệt như vậy, Nigantha Nataputta chủ trương thân phạt là tối trọng để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp, khẩu phạt không bằng được, ý phạt không bằng được.

— Này Tapassi, có phải Ông nói thân phạt?

— Hiền giả Gotama, tôi nói thân phạt.

— Này Tapassi, có phải Ông nói thân phạt?

— Hiền giả Gotama, tôi nói thân phạt.

— Này Tapassi, có phải Ông nói thân phạt?

— Hiền giả Gotama, tôi nói thân phạt.

Như vậy Thế Tôn trong cuộc đàm thoại này đã làm Nigantha Dighatapassi xác nhận cho đến lần thứ ba quan điểm (của mình).

Khi nghe nói vậy, Nigantha Dighatapassi nói với Thế Tôn:

— Hiền giả Gotama, Hiền giả chủ trương có bao nhiêu loại phạt để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp?

— Này Tapassi, Như Lai không có thông lệ chủ trương ‘phạt, phạt’. Này Tapassi, Như Lai có thông lệ chủ trương ‘nghiệp, nghiệp’.

— Hiền giả Gotama, Hiền giả chủ trương có bao nhiêu loại nghiệp để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp?

— Này Tapassi, Ta chủ trương có ba loại nghiệp để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp, tức là thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp.

— Hiền giả Gotama, nhưng có phải thân nghiệp khác, khẩu nghiệp khác, ý nghiệp khác?

— Này Tapassi, thân nghiệp khác, khẩu nghiệp khác, ý nghiệp khác.

— Hiền giả Gotama, ba loại nghiệp này, được chia chẻ như vậy, được phân biệt như vậy, Hiền giả chủ trương loại nghiệp nào tối trọng để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp? Thân nghiệp chăng, khẩu nghiệp chăng, ý nghiệp chăng?

— Này Tapassi, ba loại nghiệp này, được chia chẻ như vậy, được phân biệt như vậy, Ta chủ trương ý nghiệp là tối trọng, để tác thành ác ý, để diễn tiến ác nghiệp, thân nghiệp không bằng được, khẩu nghiệp không bằng được.

— Hiền giả Gotama, có phải Hiền giả nói ý nghiệp?

— Này Tapassi, Ta nói ý nghiệp.

— Hiền giả Gotama, có phải Hiền giả nói ý nghiệp?

— Này Tapassi, Ta nói ý nghiệp.

— Hiền giả Gotama, có phải Hiền giả nói ý nghiệp?

— Này Tapassi, Ta nói ý nghiệp.

Như vậy Nigantha Dighatapassi trong cuộc đàm thoại này, sau khi đã làm Thế Tôn xác nhận cho đến lần thứ ba quan điểm (của mình), liền từ chỗ ngồi đứng dậy và đi đến chỗ Nigantha Nataputta.

Lúc bấy giờ, Nigantha Nataputta đang ngồi với một đại chúng gia chủ rất đông, do Upali (Ưu-ba-ly) người thuộc làng Balaka cầm đầu. Nigantha Nataputta thấy Nigantha Dighatapassi từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Nigantha Dighatapassi:

— Này Tapassi, Ông từ đâu đi đến, trong ban ngày (nóng bức) như thế này?

— Thưa Tôn giả, con từ Sa-môn Gotama đi đến đây.

— Này Tapassi, Ông có đàm luận gì với Sa-môn Gotama không?

— Thưa Tôn giả, con cùng với Sa-môn Gotama có cuộc đàm thoại.

— Này Tapassi, cuộc đàm thoại của ông với Sa-môn Gotama như thế nào?

Rồi Nigantha Dighatapassi kể lại cho Nigantha Nataputta nghe một cách đầy đủ cuộc đàm thoại với Sa-môn Gotama. Ðược nghe vậy, Nigantha Nataputta nói với Dighatapassi:

— Tốt lành thay, tốt lành thay, Tapassi! Sa-môn Gotama đã được Nigantha Dighatapassi trả lời, một đệ tử đa văn đã hiểu đúng đắn lời dạy bậc Ðạo sư. Làm sao một ý phạt hèn kém có thể sáng chói, so sánh với thân phạt cường đại này được? Thân phạt thật là tối trọng để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp, khẩu nghiệp không bằng được, ý nghiệp không bằng được.

Khi được nói vậy, gia chủ Upali thưa với Nigantha Nataputta:

— Tốt lành thay, tốt lành thay, Tôn giả Tapassi! Sa-môn Gotama đã được Tôn giả Tapassi trả lời như vậy, một đệ tử đa văn đã hiểu đúng đắn lời dạy bậc Ðạo sư. Làm sao một ý phạt hèn kém có thể sáng chói, so sánh với thân phạt cường đại này được? Thân phạt thật tối trọng để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp, khẩu phạt không bằng được, ý phạt không bằng được. Thưa Tôn giả, con sẽ đi và luận chiến với Sa-môn Gotama trong cuộc đàm thoại này. Nếu Sa-môn Gotama làm con xác nhận như đã làm Tôn giả Tapassi xác nhận thời cũng như một người lực sĩ tay nắm chặt lông một con cừu có lông dài, có thể kéo tới, giật lui, vần quanh; cũng vậy con sẽ dùng lời nói với lời nói, kéo tới, giật lui, vần quanh Sa-môn Gotama. Cũng như một người lực sĩ nấu rượu, sau khi nhận chìm một thùng rượu lớn xuống hồ nước sâu, nắm một góc thùng, có thể kéo tới, giật lui, vần quanh; cũng vậy, con dùng lời nói với lời nói, kéo tới, giật lui, vần quanh Sa-môn Gotama. Cũng như một lực sĩ nghiện rượu sống phóng đãng, sau khi nắm góc một cái sàng, lắc qua, lắc lại, lắc xoay quanh; cũng vậy, con sẽ dùng lời nói với lời nói, lắc qua, lắc lại, lắc xoay quanh Sa-môn Gotama. Và cũng như một con voi lớn sáu mươi tuổi, sau khi lặn xuống một hồ nước sâu, lại chơi trò phun nước; cũng vậy, con nghĩ, con sẽ chơi trò chơi phun nước với Sa-môn Gotama. Thưa Tôn giả, con sẽ đi và luận chiến với Sa-môn Gotama trong cuộc đàm thoại này.

— Này Gia chủ, hãy đi và luận chiến với Sa-môn Gotama trong cuộc đàm thoại này. Vì rằng, này Gia chủ, chỉ có ta hay Nigantha Dighatapassi, hay Ông mới có thể luận chiến với Sa-môn Gotama.

Khi được nói vậy, Nigantha Dighatapassi nói với Nigantha Nataputta:

— Thưa Tôn giả, con không được hài lòng để Gia chủ Upali luận chiến với Sa-môn Gotama. Thưa Tôn giả, Sa-môn Gotama là một huyễn sư, Sa-môn Gotama biết được huyễn thuật lôi cuốn những đệ tử ngoại đạo.

— Này Tapassi, không thể có sự kiện, không thể có trường hợp Gia chủ Upali trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama; có thể có sự kiện Sa-môn Gotama trở thành đệ tử của gia chủ Upali. Này Gia chủ, hãy đi luận chiến với Sa-môn Gotama trong cuộc đàm thoại này; chỉ có ta, Nigantha Dighatapassi, hay Ông mới có thể luận chiến với Sa-môn Gotama.

Lần thứ hai… (như trên)… Lần thứ ba… Nigantha Dighatapassi nói với Nigantha Nataputta:

— Thưa Tôn giả, con không được hài lòng để gia chủ Upali luận chiến với Sa-môn Gotama. Thưa Tôn giả, Sa-môn Gotama là một huyễn sư, Sa-môn Gotama biết được huyễn thuật lôi cuốn những đệ tử ngoại đạo.

— Này Tapassi, không thể có sự kiện, không thể có trường hợp gia chủ Upali trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama! Có thể có sự kiện Sa-môn Gotama trở thành đệ tử của gia chủ Upali. Này Gia chủ, hãy đi luận chiến với Sa-môn Gotama trong cuộc đàm thoại này; chỉ có ta, Nigantha Dighatapassi và Ông mới có thể luận chiến với Sa-môn Gotama!

— Thưa vâng, Tôn giả.

Gia chủ Upali vâng đáp Nigantha Nataputta, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Nigantha Nataputta, thân hữu hướng về Nigantha Nataputta, và đi đến rừng xoài Pavarika, chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, gia chủ Upali bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, không biết Nigantha Dighatapassi có đến tại đây không?

— Này gia chủ, Nigantha Dighatapassi có đến tại đây.

— Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có đàm thoại với Nigantha Dighatapassi không?

— Này Gia chủ, Ta có đàm thoại với Nigantha Dighatapassi.

— Bạch Thế Tôn, cuộc đàm thoại của Thế Tôn với Nigantha Dighatapassi như thế nào?

Rồi Thế Tôn kể lại cho gia chủ Upali một cách đầy đủ cuộc đàm thoại với Nigantha Dighatapassi, Khi nghe nói vậy, gia chủ Upali bạch Thế Tôn:

— Tốt lành thay, tốt lành thay, Tôn giả Tapassi! Thế Tôn đã được Tôn giả Tapassi trả lời như vậy, một đệ tử đa văn đã hiểu đúng đắn lời dạy bậc Ðạo sư. Làm sao một ý phạt hèn kém có thể sáng chói, so sánh với thân phạt cường đại này được, vì thân phạt thật là tối trọng để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp? Khẩu nghiệp không bằng được, ý nghiệp không bằng được.

— Này Gia chủ, nếu Ông có thể đàm luận y cứ trên sự thật, thời ở đây, có thể có cuộc đàm thoại giữa chúng ta.

— Bạch Thế Tôn, con sẽ đàm luận y cứ trên sự thật. Mong rằng ở đây có cuộc đàm thoại giữa chúng ta.

— Này Gia chủ, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, có người Nigantha, bệnh hoạn, đau khổ, bạo bệnh, từ chối nước lạnh, chỉ uống nước nóng. Người này, vì không được nước lạnh nên mệnh chung. Này Gia chủ, theo Nigantha Nataputta, người ấy tái sanh chỗ nào?

— Bạch Thế Tôn, có hàng chư Thiên được gọi là Manosatta (Ý Trước thiên). Ở đấy người ấy tái sanh. Vì sao vậy? Bạch Thế Tôn, vì người ấy chấp trước ý nên mệnh chung.

— Gia chủ, Gia chủ! Sau khi suy nghĩ kỹ. Ông hãy trả lời. Lời nói trước của Ông không phù hợp lời nói sau của Ông! Lời nói sau của Ông không phù hợp lời nói trước của Ông! Thế mà này Gia chủ, Ông đã nói như sau: “Bạch Thế Tôn, con sẽ đàm luận y cứ trên sự thật. Mong rằng ở đây sẽ có cuộc đàm thoại giữa chúng ta”.

— Bạch Thế Tôn, dầu Thế Tôn có nói như vậy, nhưng chỉ có thân phạt mới là tối trọng để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp. Khẩu phạt không bằng được; ý phạt không bằng được.

— Này Gia chủ, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, có người Nigantha được phòng hộ với sự phòng hộ của bốn loại chế giới, hoàn toàn tự chế ngự đối với nước, hoàn toàn chú tâm (vào sự chế ngự) đối với nước, hoàn toàn loại trừ đối với nước, hoàn toàn thấm nhuần (với sự chế ngự) đối với nước. Vị này khi đi qua, khi đi lại, đã giết hại rất nhiều sinh vật nhỏ bé. Này Gia chủ, theo Nigantha Nataputta, người ấy thọ quả báo nào?

— Bạch Thế Tôn, vì không cố ý, nên Nigantha Nataputta xem không phải là một đại tội.

— Này Gia chủ, nếu người ấy có cố ý thời như thế nào?

— Bạch Thế Tôn, là một đại tội.

— Này Gia chủ, ý thức (ấy), Nigantha Nataputta xem thuộc về loại gì?

— Bạch Thế Tôn thuộc về ý phạt.

— Gia chủ, Gia chủ! Sau khi suy nghĩ. Ông hãy trả lời. Lời nói trước của Ông không phù hợp với lời nói sau của Ông, lời nói sau của Ông không phù hợp lời nói trước của Ông. Thế mà này Gia chủ, Ông đã nói như sau: “Bạch Thế Tôn, con sẽ đàm luận, y cứ trên sự thật. Mong rằng ở đây sẽ có cuộc đàm thoại giữa chúng ta”.

— Bạch Thế Tôn, dầu Thế Tôn có nói như vậy, nhưng chỉ có thân phạt mới là tối trọng để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp. Khẩu phạt không bằng được, ý phạt không bằng được.

— Này Gia chủ, Ông nghĩ thế nào? Có phải Nalanda này là phú cường và phồn thịnh, dân chúng đông đúc, nhân dân trù mật?

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Nalanda này là phú cường và phồn thịnh, dân chúng đông đúc, nhân dân trù mật.

— Này Gia chủ, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, có người đi đến, với thanh kiếm đưa cao, người này nói: “Trong một sát na, trong một giây phút, ta sẽ làm cho tất cả mọi người ở tại Nalanda này thành một đống thịt, thành một khối thịt”. Này Gia chủ, Ông nghĩ thế nào? Người ấy có thể trong một sát na, trong một giây phút, làm cho tất cả mọi người ở tại Nalanda này thành một đống thịt, thành một khối thịt không?

— Bạch Thế Tôn, cho đến mười người, hai mươi người, ba mươi người, bốn mươi người, năm mươi người cũng không có thể, trong một sát na, trong một giây phút, làm cho tất cả mọi người ở tại Nalanda này thành một đống thịt, thành một khối thịt, huống nữa là chỉ một người nhỏ bé sao có thể sáng chói (làm thành) được?

— Này Gia chủ, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, có vị Sa-môn hay Bà-la-môn đến, có thần thông lực, có tâm tự tại. Vị này nói như sau. “Ta sẽ làm cho Nalanda này trở thành tro tàn với một tâm sân hận”. Này Gia chủ, Ông nghĩ thế nào? Vị Sa-môn hay vị Bà-la-môn ấy, có thần thông lực, có tâm tự tại, có thể làm cho Nalanda này trở thành tro tàn với một tâm sân hận không?

— Bạch Thế Tôn, cho đến mười Nalanda, hai mươi, ba mươi Nalanda, bốn mươi Nalanda, năm mươi Nalanda, vị Sa-môn hay vị Bà-la-môn ấy có thần thông lực, có tâm tự tại có thể làm cho các Nalanda ấy trở thành tro tàn với một tâm sân hận, huống nữa là một Nalanda nhỏ bé này, sao có thể chói sáng được (khỏi bị trở thành tro tàn được)?

— Gia chủ, Gia chủ! Sau khi suy nghĩ, Ông hãy trả lời. Lời nói trước của Ông không phù hợp lời nói sau của Ông! Lời nói sau của Ông không phù hợp lời nói trước của Ông! Thế mà này Gia chủ, Ông đã nói như sau: “Bạch Thế Tôn, con sẽ đàm luận y cứ trên sự thật. Mong rằng ở đây sẽ có cuộc đàm luận giữa chúng ta”.

— Bạch Thế Tôn, dầu Thế Tôn có nói như vậy, nhưng chỉ có thân phạt mới là tối trọng để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp. Khẩu phạt không bằng được, ý phạt không bằng được.

— Này Gia chủ. Ông nghĩ thế nào? Ông có nghe các rừng Dandaka, Kalinga, Mejjha, Matanga đã trở lại thành rừng như trước?

— Bạch Thế Tôn con có nghe: Các rừng Dandaka, Kalinga, Mejjha, Matanga đã trở lại thành rừng (như trước).

— Này Gia chủ, Ông nghĩ thế nào? Có thể Ông được nghe vì sao các rừng Dandaka, Kalinga, Mejjha, Matanga trở thành rừng như trước?

— Bạch Thế Tôn, con có nghe, các rừng Dandaka, Kalinga, Mejjha, Matanga trở lại thành rừng (như trước) vì tâm sân hận các vị ẩn sĩ.

— Gia chủ, Gia chủ! Sau khi suy nghĩ Ông hãy trả lời. Lời nói trước của Ông không phù hợp lời nói sau của Ông, lời nói sau của Ông không phù hợp lời nói trước của Ông. Thế mà này Gia chủ, Ông đã nói như sau: “Bạch Thế Tôn, con sẽ đàm luận y cứ trên sự thật. Mong rằng ở đây sẽ có cuộc đàm luận giữa chúng ta”.

— Bạch Thế Tôn, với ví dụ đầu tiên, con đã hoan hỷ, con đã thỏa mãn. Những gì con muốn nghe các vấn đáp sai biệt của Thế Tôn, nên con mới nghĩ đóng vai trò đối lập với Thế Tôn. Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện, trình bày, giải thích. Vậy nay con quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

— Này Gia chủ, hãy chín chắn suy tư. Chín chắn suy tư là tốt đẹp với những người trứ danh như Ông.

— Bạch Thế Tôn, con càng bội phần hoan hỷ, bội phần thỏa mãn với những lời Thế Tôn nói với con: “Này Gia chủ, hãy chín chắn suy tư. Chín chắn suy tư là tốt đẹp với những người trứ danh như Ông”. Bạch Thế Tôn, nếu các ngoại đạo được con làm đệ tử, họ sẽ trương cờ lên và tuyên bố: “Gia chủ Upali đã trở thành đệ tử chúng tôi”. Nhưng Thế Tôn lại nói với con: “Này Gia chủ, hãy chín chắn suy tư. Chín chắn suy tư là tốt đẹp với những người trứ danh như Ông”. Bạch Thế Tôn, lần thứ hai, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

— Này Gia chủ, đã từ lâu gia đình Ông như là giếng nước mưa nguồn cho các người Nigantha. Hãy cúng dường các món ăn cho những ai đến với Ông!

— Bạch Thế Tôn, con lại bội phần hoan hỷ, bội phần thỏa mãn với những lời Thế Tôn nói với con: “Này Gia chủ, đã từ lâu gia đình của Ông như là giếng nước mưa nguồn cho các người Nigantha. Hãy cúng dường các món ăn cho những ai đến với các Ông”. Bạch Thế Tôn, con nghe như sau: “Sa-môn Gotama đã nói: “Chỉ bố thí cho Ta, chớ bố thí cho các người khác. Chỉ bố thí cho các đệ tử Ta, chớ bố thí cho đệ tử những người khác. Chỉ bố thí cho Ta mới có phước lớn, bố thí những người khác không được phước lớn. Chỉ bố thí cho những đệ tử của Ta mới có phước lớn, bố thí cho những đệ tử của những người khác không có phước lớn”. Nhưng Thế Tôn lại khuyến khích con bố thí cho các vị Nigantha. Bạch Thế Tôn, và chúng con ở đây sẽ biết thời nên làm. Bạch Thế Tôn, lần thứ ba, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

Rồi Thế Tôn thuận thứ thuyết pháp cho gia chủ Upali, tức là thuyết về bố thí, thuyết về giới, thuyết về các cõi trời, trình bày sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự nhiễm ô các dục lạc, những lợi ích của xuất ly. Khi Thế Tôn biết gia chủ Upali tâm đã sẵn sàng, tâm đã nhu thuận, tâm không triền cái, tâm được phấn khởi, tâm được hoan hỷ, Ngài mới thuyết những pháp được chư Phật tán dương đề cao: Khổ, Tập, Diệt, Ðạo. Cũng như một tấm vải thuần bạch, các chấm đen được gột rửa rất dễ thấm màu nhuộm, cũng vậy, chính tại chỗ ngồi ấy, pháp nhãn xa trần ly cấu khởi lên với gia chủ Upali: “Phàm pháp gì được khởi lên, tất cả pháp ấy đều bị tiêu diệt”. Rồi gia chủ Upali, thấy pháp, chứng pháp, ngộ pháp, thể nhập vào pháp, nghi ngờ tiêu trừ, do dự diệt tận, đạt được vô sở úy, không y cứ người khác đối với các pháp bậc Ðạo sư. Gia chủ Upali bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, nay chúng con phải đi, chúng con có nhiều công việc, có nhiều phận sự phải làm.

— Này Gia chủ, Ông hãy làm những gì Ông nghĩ là hợp thời.

Rồi Gia chủ Upali hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài, rồi đi về trú xá của mình, sau khi đến bèn nói với người giữ cửa như sau:

— Từ nay trở đi, này người gác cửa, ta sẽ đóng cửa đối với các nam Nigantha, các nữ Nigantha. Cửa sẽ không đóng đối với các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, Nam cư sĩ, Nữ cư sĩ của Thế Tôn. Nếu có vị Nigantha nào đến, Ông hãy nói vị ấy như sau: “Tôn giả hãy đứng lại, chớ bước vào! Từ nay trở đi, Gia chủ Upali đã trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama. Cửa sẽ đóng đối với nam Nigantha, nữ Nigantha. Cửa sẽ không đóng đối với các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ của Thế Tôn. Nếu Tôn giả cần đồ ăn, hãy đứng ở đây. Và có người sẽ đem ra ở đây cho Tôn giả”.

— Thưa vâng, Tôn giả.

Người giữ cửa vâng đáp gia chủ Upali.

Nigantha Dighatapassi nghe như sau: “Gia chủ Upali đã trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama”. Rồi Nigantha Dighatapassi đi đến chỗ Nigantha Nataputta ở, sau khi đến liền nói với Nigantha Nataputta:

— Thưa Tôn giả, tôi có nghe gia chủ Upali đã trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama.

— Này Tapassi, không thể có sự kiện, không thể có trường hợp gia chủ Upali trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama. Và có thể có sự kiện Sa-môn Gotama trở thành đệ tử của gia chủ Upali.

Lần thứ hai… (như trên)… Lần thứ ba Nigantha Dighatapassi nói với Nigantha Nataputta:

— Thưa Tôn giả, tôi có nghe gia chủ Upali đã trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama.

— Này Tapassi, không thể có sự kiện, không thể có trường hợp gia chủ Upali trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama. Có thể có sự kiện Sa-môn Gotama trở thành đệ tử của gia chủ Upali.

— Thưa Tôn giả, tôi sẽ đi và tìm biết gia chủ Upali có trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama hay không.

— Này Tapassi, hãy đi và tìm biết gia chủ Upali có trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama hay không.

Rồi Nigantha Dighatapassi đi đến trú xá của gia chủ Upali. Người giữ cửa thấy Nigantha Dighatapassi ở đường xa đi đến, khi thấy vậy liền nói với Nigantha Dighatapassi:

— Thưa Tôn giả, hãy đứng ở đây, chớ có bước vào! Từ nay trở đi, gia chủ Upali đã trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama. Cửa sẽ đóng đối với nam Nigantha, nữ Nigantha. Cửa sẽ không đóng đối với các vị Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ của Thế Tôn. Nếu Tôn giả cần đồ ăn, hãy đứng ở đây. Có người sẽ đem ra ở đây cho Tôn giả.

— Này Hiền giả, ta không cần đồ ăn.

Nói xong, Nigantha Dighatapassi đi trở lui, đến chỗ Nigantha Nataputta ở, sau khi đến, liền thưa với Nigantha Nataputta:

— Thưa Tôn giả, sự thật là gia chủ Upali đã trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama. Về vấn đề này, tôi đã không đồng ý với Tôn giả và đã nói: “Thưa Tôn giả, tôi không được hài lòng để gia chủ Upali luận chiến với Sa-môn Gotama. Thưa Tôn giả, Sa-môn Gotama là một huyễn thuật sư, Sa-môn Gotama biết được huyễn thuật lôi cuốn những đệ tử các ngoại đạo”. Thưa Tôn giả, nay gia chủ Upali của Tôn giả đã bị huyễn thuật của Sa-môn Gotama lôi cuốn rồi.

— Này Tapassi, không thể có sự kiện, không thể có trường hợp gia chủ Upali trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama. Có thể có sự kiện Sa-môn Gotama trở thành đệ tử của gia chủ Upali.

Lần thứ hai… (như trên)… Lần thứ ba, Nigantha Dighatapassi nói với Nigantha Nataputta:

— Thưa Tôn giả, sự thật là gia chủ Upali đã trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama. Về vấn đề này, tôi đã không đồng ý với Tôn giả và đã nói: “Thưa Tôn giả, tôi không được yên lòng để gia chủ Upali luận chiến với Sa-môn Gotama. Thưa Tôn giả, Sa-môn Gotama là một huyễn thuật sư. Sa-môn Gotama biết được huyễn thuật lôi cuốn những đệ tử các ngoại đạo. Thưa Tôn giả, nay gia chủ Upali của Tôn giả đã bị huyễn thuật của Sa-môn Gotama lôi cuốn”.

— Này Tapassi, không thể có sự kiện, không thể có trường hợp gia chủ Upali trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama. Có thể có sự kiện Sa-môn Gotama trở thành đệ tử của gia chủ Upali. Này Tapassi, ta sẽ đi và tìm biết gia chủ Upali đã trở thành đệ tử Sa-môn Gotama hay không.

Rồi Nigantha Nataputta cùng với đại chúng Nigantha đi đến trú xá của gia chủ Upali. Người giữ cửa thấy Nigantha Nataputta từ xa đi đến, khi thấy vậy liền nói với Nigantha Nataputta:

— Thưa Tôn giả, hãy đứng ở đây, chớ có bước vào! Từ nay trở đi, gia chủ Upali đã trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama. Cửa sẽ đóng đối với các nam Nigantha, các nữ Nigantha. Cửa sẽ không đóng đối với các vị Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ của Thế Tôn. Thưa Tôn giả, nếu Tôn giả cần các món ăn, hãy đứng ở đây. Có người sẽ đem ra ở đây cho Tôn giả.

— Này người giữ cửa, hãy đi đến gia chủ Upali, sau khi đến, hãy thưa với gia chủ như sau: “Thưa Tôn giả, Nigantha Nataputta cùng với đại chúng Nigantha đang đứng ở ngoài ngưỡng cửa và muốn yết kiến Tôn giả”.

— Thưa vâng, Tôn giả.

Người giữ cửa vâng đáp Nigantha Nataputta, đi đến gia chủ Upali, sau khi đến liền thưa với gia chủ Upali:

— Thưa Tôn giả, có Nigantha Nataputta cùng với đại chúng Nigantha đang đứng ở ngoài ngưỡng cửa và muốn yết kiến Tôn giả.

— Này Người giữ cửa, hãy vào soạn các chỗ ngồi trong căn phòng chính giữa có cửa.

— Thưa vâng, Tôn giả.

Người giữ cửa vâng đáp gia chủ Upali, sau khi cho vào soạn các chỗ ngồi trong căn phòng chính giữa có cửa, đi đến gia chủ Upali, sau khi đến, liền nói với gia chủ Upali:

— Thưa Tôn giả, các chỗ ngồi trong căn phòng chính giữa có cửa đã được sửa soạn. Tôn giả hãy làm những gì Tôn giả nghĩ là phải thời.

Rồi gia chủ Upali đi đến căn phòng chính giữa có cửa, sau khi đến tại chỗ ngồi nào là tối thượng, tối tôn, tối cao và tối thắng, sau khi ngồi trên chỗ ấy, liền bảo người gác cửa:

— Này Người giữ cửa, hãy đi đến Nigantha Nataputta: “Thưa Tôn giả, gia chủ Upali có nói: “Thưa Tôn giả, nếu muốn, Tôn giả hãy vào”.

— Thưa vâng, Tôn giả.

Người giữ cửa vâng đáp gia chủ Upali, đi đến Nigantha Nataputta, sau khi đến, liền nói với Nigantha Nataputta:

— Thưa Tôn giả, Gia chủ Upali có nói: “Thưa Tôn giả, nếu muốn, Tôn giả hãy vào”.

Rồi Nigantha Nataputta với đại chúng Nigantha đi đến căn phòng ở giữa, có cửa.

Gia chủ Upali lúc trước mỗi khi thấy Nigantha Nataputta từ xa đi đến, sau khi thấy liền đi ra nghinh tiếp vào tại chỗ nào có chỗ ngồi tối thượng, tối tôn, tối cao và tối thắng, liền lấy thượng y lau chỗ ngồi ấy, giữ lấy và mời Nigantha Nataputta ngồi trên chỗ ngồi ấy. Nhưng tại chỗ có chỗ ngồi tối thượng, tối tôn, tối cao và tối thắng, gia chủ Upali lại ngồi trên chỗ ngồi ấy và nói với Nigantha Nataputta:

— Thưa Tôn giả, có những chỗ ngồi. Nếu muốn, Tôn giả hãy ngồi.

Khi nghe nói vậy, Nigantha Nataputta nói với gia chủ Upali:

— Này Gia chủ, Ông thật là điên cuồng. Này Gia chủ, Ông thật là ngu si. Ông nói: “Thưa Tôn giả, tôi sẽ đi luận chiến với Sa-môn Gotama”. Sau khi đi, Ông đã trở về bị trói buộc trong lưới lớn luận nghị. Này Gia chủ, ví như người đi với hai cao hoàn, đi về với cao hoàn bị thiến. Này Gia chủ, như người đi với hai con mắt, đi về với hai con mắt bị khoét. Cũng vậy, này Gia chủ, Ông nói: “Thưa Tôn giả, con sẽ đi luận chiến với Sa-môn Gotama, sau khi đi đã trở về bị trói buộc trong lưới lớn luận nghị”. Này Gia chủ, Ông đã bị huyễn thuật của Sa-môn Gotama lôi cuốn rồi.

— Thưa Tôn giả, vi diệu thay, huyễn thuật lôi cuốn này! Tốt lành thay, huyễn thuật lôi cuốn này! Thưa Tôn giả, nếu bà con huyết thống thân yêu của tôi được huyễn thuật này lôi cuốn, thời thật là an lạc, hạnh phúc lâu dài cho các bà con huyết thống của tôi. Thưa Tôn giả, nếu tất cả các người Sát đế ly được huyễn thuật này lôi cuốn, thời thật là an lạc hạnh phúc lâu dài cho tất cả các vị Sát-đế-lị. Thưa Tôn giả, nếu tất cả các người Bà-la-môn… nếu tất cả các người Vessa (Phệ-xá)… nếu tất cả các người Sudda (Thủ-đà) được huyễn thuật này lôi cuốn, thời thật là an lạc, và hạnh phúc lâu dài cho tất cả các người Sudda. Thưa Tôn giả, nếu thế giới với chư Thiên, chư Ma, chư Phạm thiên, với chúng Sa-môn và Bà-la-môn với chư Thiên và loài Người được huyễn thuật này lôi cuốn, thời như vậy là an lạc, hạnh phúc lâu dài cho thế giới với chư Thiên, chư Ma, chư Phạm thiên, với chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người. Thưa Tôn giả, tôi sẽ nói cho Tôn giả ví dụ này. Ở đây, những người có trí nhờ ví dụ sẽ biết rõ ý nghĩa của lời nói.

Thưa Tôn giả, thuở xưa có người Bà-la-môn đã về già, tuổi đã lớn, bậc trưởng lão, có người vợ còn trẻ, trong tuổi thanh xuân, (người vợ này) đang mang thai, sắp đến kỳ sinh nở. Thưa Tôn giả, người vợ trẻ nói với người Bà-la-môn: “Này Bà-la-môn, hãy đi phố mua một con khỉ con đực để cùng chơi với con tôi”. Thưa Tôn giả, được nói vậy, người Bà-la-môn nói với cô vợ trẻ: “Này mình, hãy chờ cho đến khi mình sanh. Nếu mình sanh con trai, tôi sẽ đi chợ mua một con khỉ con đực mang về để cùng chơi với đứa con trai của mình. Còn nếu mình sanh con gái, tôi sẽ đi chợ mua một con khỉ con cái và mang về để cùng chơi với đứa con gái của mình”. Thưa Tôn giả, lần thứ hai, người vợ trẻ nói với người Bà-la-môn ấy: “Này Bà-la-môn, hãy đi phố mua một con khỉ con đực để cùng chơi với con tôi”. Thưa Tôn giả, lần thứ hai, người Bà-la-môn ấy nói với cô vợ trẻ: “Này mình, hãy chờ cho đến khi mình sanh. Nếu mình sanh con trai, tôi sẽ đi chợ mua một con khỉ con đực mang về để cùng chơi với đứa con trai của mình. Còn nếu mình sanh con gái, tôi sẽ đi chợ mua một con khỉ con cái và mang về để cùng chơi với đứa con gái của mình”. Thưa Tôn giả, lần thứ ba, người vợ trẻ nói với người Bà-la-môn ấy: “Này Bà-la-môn, hãy đi phố mua một con khỉ con đực để cùng chơi với con tôi”. Thưa Tôn giả, người Bà-la-môn ấy vì quá yêu thương, quá ái luyến cô vợ trẻ của mình nên đi chợ mua một con khỉ đực, đem về và nói với cô vợ trẻ: “Này mình, đây là con khỉ con đực, tôi mua ở chợ và mang về, hãy để nó cùng chơi với con của mình”. Thưa Tôn giả, khi nghe nói vậy cô vợ trẻ ấy nói với người Bà-la-môn: “Này Bà-la-môn hãy đi, đem con khỉ con đực này đến Rattapani con người thợ nhuộm, sau khi đến hãy nói với Rattapani con người thợ nhuộm: “Này bạn Rattapani, tôi muốn con khỉ đực này được nhuộm với màu vàng, được khéo đập, khéo ủi xung quanh và cả hai phía được làm thành mềm dịu” Thưa Tôn giả, người Bà-la-môn ấy vì quá yêu thương, quá ái luyến cô vợ trẻ của mình đem con khỉ con đực này đi đến Rattapani, con người thợ nhuộm, khi đến xong liền nói với Rattapani, con người thợ nhuộm: “Này bạn Rattapani, tôi muốn con khỉ đực này được nhuộm màu vàng, được khéo đập, khéo ủi xung quanh, và cả hai phía được làm thành mềm dịu”. Thưa Tôn giả, được nói vậy, Rattapani, con người thợ nhuộm nói với người Bà-la-môn kia: “Này Tôn giả, con khỉ con đực này có thể nhuộm được, nhưng không có thể đập được, ủi được, không có thể làm thành mềm dịu”. Cũng vậy, thưa Tôn giả, là lý thuyết của những Nigantha ngu si, lý thuyết này có thể ăn nhuộm đối với những người ngu si, chớ không ăn nhuộm đối với người có trí. Thưa Tôn giả, người Bà-la-môn ấy, sau một thời gian, lấy một cặp áo mới, đi đến chỗ Rattapani, con người thợ nhuộm, sau khi đến, nói với Rattapani, con người thợ nhuộm: “Này Rattapani, tôi muốn nhuộm cặp áo mới này với màu nhuộm màu vàng, được đập và ủi xung quanh, và cả hai phía được làm thành mềm dịu”. Thưa Tôn giả, được nói vậy, Rattapani, con người thợ nhuộm, nói với người Bà-la-môn ấy: “Thưa Tôn giả, cặp áo mới này của Tôn giả có thể nhuộm được, có thể đập và ủi xung quanh và có thể làm thành mềm dịu”. Cũng vậy, thưa Tôn giả, là lý thuyết của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, có thể ăn nhuộm đối với người có trí, không phải đối với người ngu si, có thể đập được, ủi được, và có thể khiến trở thành mềm dịu”.

— Này Gia chủ, quần chúng này gồm cả các vua chưa được biết như sau: “Gia chủ Upali là đệ tử của Nigantha Nataputta”. Này Gia chủ, nay chúng tôi xem Gia chủ là đệ tử của ai?

Ðược nói vậy, gia chủ Upali từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y qua một bên vai, chắp tay vái chào về hướng Thế Tôn và nói với Nigantha Nataputta:

— Thưa Tôn giả, hãy nghe, tôi là đệ tử của ai:

Bậc Trí sáng suốt,

Ðoạn trừ si ám.

Phá tan hoang vu,

Chiến thắng địch quân.

Ðau khổ đoạn diệt,

Tâm an bình tĩnh.

Giới đức trưởng thành,

Tuệ đức viên minh.

Phiền não nội tịnh,

Rời trần ly cấu.

Tôi thật chính là,

Ðệ tử Thế Tôn.

Do dự đoạn trừ,

Biết vừa, biết đủ,

Thế lợi tuyệt không,

Tâm tư hoan hỷ,

Làm Sa-môn hạnh,

Sanh ở nhân gian,

Thân này sau cùng,

Làm người nhân thế.

Bậc Thánh cao nhất,

Rời trần ly cấu.

Tôi thật chính là,

Ðệ tử Thế Tôn.

Không tâm do dự,

Khéo hành thiện xảo.

Bậc trì giới luật,

Ðiều ngự tối thượng.

Là Vô Thượng Sĩ,

Sáng chói hào quang,

Nghi hoặc đoạn trừ,

Soi sáng mọi nơi.

Kiêu mạn đoạn tận,

Vô nhân anh hùng.

Tôi thật chính là

Ðệ tử Thế Tôn.

Ngài bậc Ngưu Vương,

Tâm tư vô lượng,

Thâm sâu khôn lường

Bậc thánh Mâu ni,

Tác thành an ổn,

Bậc có Trí tuệ,

An trú Pháp vị,

Tự phòng hộ thân,

Vượt qua tham ái,

Bậc Giải Thoát Trí.

Tôi thật chính là,

Ðệ tử Thế Tôn.

Ngài bậc Long Vương,

Sống xa thế tục.

Kiết sử đoạn trừ,

Siêu đẳng giải thoát.

Biện tài từ tốn,

Trong sạch thanh tịnh,

Cờ xí triệt hạ,

Tham ái đoạn trừ,

Ðiều ngự nhiếp phục,

Hý luận diệt tận.

Tôi thật chính là,

Ðệ tử Thế Tôn,

Ðệ nhất tiên nhân.

Không tin lời đồn.

Ba minh thành tựu,

Ðạt quả Phạm thiên.

Tắm sạch thân tâm,

Văn cú thông đạt.

Khinh an yên ổn,

Chánh trí chứng đắc.

Công phá thành trì,

Thiên chủ Ðế thích.

Tôi chính thật là,

Ðệ tử Thế Tôn.

Ngài bậc Thánh Giả,

Tự tu tự tập.

Chứng điều phải chứng,

Thuyết giảng hiện tại,

Chánh niệm tỉnh giác,

Thiền quán tinh tế

Không thiên tà dục,

Không nuôi tâm hận.

Giao động không còn,

Thân tâm tự tại.

Tôi chính thật là

Ðệ tử Thế Tôn.

Sống theo chánh đạo,

Trầm tư Thiền tưởng,

Nội tâm không nhiễm,

Thanh tịnh trong sạch,

Không trước không chấp,

Không nguyện không cầu,

Ðộc cư độc tọa,

Chứng tối thượng vị,

Ðã vượt qua dòng,

Giúp người vượt qua.

Tôi thật chính là

Ðệ tử Thế Tôn,

Bậc chứng tịch tịnh,

Trí tuệ vô biên,

Trí tuệ quảng đại,

Tham ái đoạn tận.

Ngài là Như Lai,

Ngài là Thiện Thệ,

Không người sánh bằng,

Không ai đồng đẳng,

Giàu đức tự tin,

Viên mãn thành tựu.

Tôi thật chính là,

Ðệ tử Thế Tôn.

Tham ái đoạn tận,

Giác ngộ chánh giác,

Khói mù tiêu tan,

Ô uế trừ sạch

Xứng đáng cúng dường,

Dạ xoa thanh tịnh.

Vô thượng Thánh nhân,

Không thể cân lường

Ðại nhân Ðại giác

Ðạt đến danh xưng.

Tôi thật chính là,

Ðệ tử Thế Tôn.

— Này Gia chủ, Ông chất chứa những ưu điểm này về Sa-môn Gotama từ bao giờ?

— Thưa Tôn giả, ví như một đống hoa, có nhiều loại khác nhau; người làm vòng hoa thiện xảo hay người đệ tử làm vòng hoa có thể kết thành một vòng hoa có những loại hoa sai biệt. Cũng vậy, thưa Tôn giả, Thế Tôn có nhiều đức tánh, có hàng trăm đức tánh. Thưa Tôn giả, và ai lại không tán thán những bậc đáng tán thán!

Vì Nigantha Nataputta không thể nghe lời tán thán Thế Tôn, nên ngay tại chỗ ấy đã thổ ra huyết nóng.



Source link

Phần chú giải

Trung Bộ Kinh – Bài Kinh số 56
Kinh Upàli
(Upàlisuttam)
– Discourse With Upàli –

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

– Thân phạt: Kàyadandam: Wrong deed of body: Hành động sai lầm của thân dẫn đến phiền não, rối loạn.

– Khẩu phạt: Vacìdandam: Wrong deed of speech: Hành động sai lầm của miệng (lời) dẫn đến phiền não, rối loạn.

– Ý phạt: Marodandam: Wrong deed of mind: Hành động sai lầm của ý dẫn đến phiền não rối loạn.

II. NỘI DUNG KINH UPÀLI

1. Tại rừng Pavarikamba, Nalandà, ngoại đạo sư Nigantha Dìghatapassi đến yết kiến Thế Tôn và trao đổi quan điểm về thuyết nghiệp (Kamma). Dìghatapassi xác định chủ trương về Nghiệp của Nigantha Nàtaputta rằng: “Có ba loại để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp, tức là thân phạt, khẩu phạt và ý phạt (khác nhau). Thân phạt là tối trọng dẫn đến ác nghiệp“.

Thế tôn thì chủ trương trong ba nghiệp, thân, khẩu, ý thì ý nghiệp là tối trọng để tác thành ác ý, để diễn tiến ác nghiệp.

2. Sau đó, Nigantha Nàtaputta cử gia chủ Upàli, thuộc Ni-kiền-tử, người thời danh, đến tranh luận với Thế Tôn về thuyết Nghiệp với sự chuẩn bị rất chu đáo hy vọng đánh bại thuyết Nghiệp của Thế Tôn. Nhưng sự thật thì ngược lại, sau khi Thế Tôn nêu lên sự thật căn cứ vào thực tại thì ý nghiệp là quyết định hình thành nghiệp. Upàli quy hướng Thế Tôn với lòng đầy ngưỡng mộ.

3. Upàli vốn là người nổi danh và rất giàu có, là chỗ dựa của các Nigantha về vật chất. Thế Tôn khuyên Upàli tiếp tục hộ trì cho Nigantha. Điều nầy khiến Upàli thêm quý kính thái độ xử sự của Thế Tôn, xin trọn đời làm đệ tử của Thế Tôn.

Thế Tôn tiếp tục nói Pháp khai ngộ Upàli, lần lượt theo trình tự các pháp: Bố thí, Giới hạnh, Cõi trời, sự nguy hiểm, ô nhiễm của các dục và sự xuất ly chúng: tiếp đến Tứ Thánh đế. Upàli, ngay chỗ nghe Pháp, đắt Pháp nhãn vô trần, ly cấu; “Phàm Pháp gì khởi lên, tất cả Pháp ấy đều bị tiêu diệt“. Upàli thấy Pháp, chứng Pháp, ngộ Pháp và thể nhập Pháp.

4. Từ đó, Upàli đóng cửa không tiếp đón và không hộ trì các Nigantha nữa. Nigantha Nàtaputta, sau đó, cùng với chúng Nigantha đến trú xứ của Upàli để biết rõ sự tình, Upàli đã là đệ tử đức Phật. Tại đó, Upàli đã hết lời tán dương vô số đức và tuệ của Thế Tôn. Nàtaputta phẫn nộ đến thổ huyết ngay tại chỗ.

III . BÀN THÊM

1. Bản kinh trên để lại một số điểm suy nghĩ:

– Dưới thời đức Phật, các hoạt động của Lục sư ngoại đạo phát triển trên cùng nhiều vùng đất với Phật giáo, hẳn là có nhiều cuộc tranh luận, trao đổi và nhiều va chạm. Hình ảnh phẫn nộ của Nàtaputta đã gián tiếp nói lên nhiều va chạm, bất ổn khác. Việc truyền bá Chánh pháp là một Phật sự rất khó khăn.

– Thái độ của ngoại đạo rất kiêu ngạo, thiếu hẳn sự hiểu biết.

– Đức Thế Tôn vẫn phải hứng chịu nhiều xuyên tạc, vu khống cho thái độ thù nghịch của ngoại đạo.

2. Thuyết nhân quả nghiệp báo vốn đã có mặt trong văn hoá Ấn trước thời đức Phật. Cả phái Ni-kiền-tử cũng chủ trương về Nghiệp nhưng xây dựng trên cơ sở nhận thức sai lạc.

3. Upàli sau khi chứng ngộ Pháp, đã hết lòng tôn kính đức Thế Tôn, ca ngợi trí tuệ vô biên, tham ái đoạn tận… Đây là một đoạn ngắn thuật lại lời ca ngợi Thế Tôn của Upàli rất điển hình:

” Sống theo chánh đạo
Trầm tư thiền tưởng,
Nội tâm không nhiễm.
Thanh tịnh trong sạch,
Không trước không chấp,
Không nguyện không cầu
Độc cư độc tọa,
Chứng đối thượng vị,
Đã vượt qua dòng,
Giúp người vượt qua… “

https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung-gg-051-60.htm

Video giảng giải

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 93

Post Views: 935