Phần I  –  Phần II  –  Phần III

I. Nội dung kinh

(Cūlasunnata sutta)
Dịch giả: Thích Minh Châu


    

(Download file MP3
– 2.4 MB – Thời gian phát: 13 phút 57 giây.)

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:


Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá-vệ), tại Pubbarama (Ðông Viên), lâu đài của Migaramatu (Lộc Mẫu). Rồi Tôn giả Ananda, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

— Một thời, bạch Thế Tôn, Thế Tôn trú giữa các Sakka (Thích-ca). Nagaraka là tên một thị trấn của các Sakka. Tại đấy, bạch Thế Tôn, con được nghe trước mặt Thế Tôn, con được ghi nhớ trước mặt Thế Tôn như sau: “Này Ananda, Ta nhờ an trú không, nên nay an trú rất nhiều”. Phải chăng, bạch Thế Tôn, điều con đã nghe là nghe đúng, ghi nhớ đúng, tác ý đúng, thọ trì đúng?

— Thật vậy, này Ananda, điều Ông đã nghe là nghe đúng, ghi nhớ đúng, tác ý đúng, thọ trì đúng. Thuở xưa và nay, này Ananda, Ta nhờ an trú không, nên nay an trú rất nhiều.

Ví như lâu đài Lộc Mẫu này không có voi, bò, ngựa, ngựa cái, không có vàng và bạc, không có đàn bà, đàn ông tụ hội, và chỉ có một cái không phải không, tức là sự nhất trí (ekattam) do duyên chúng Tỷ-kheo; cũng vậy, này Ananda, Tỷ-kheo không tác ý thôn tưởng, không tác ý nhơn tưởng, chỉ tác ý sự nhất trí, do duyên lâm tưởng. Tâm của vị ấy được thích thú hân hoan, an trú, hướng đến lâm tưởng. Vị ấy tuệ tri như sau: “Các ưu phiền do duyên thôn tưởng không có mặt ở đây; các ưu phiền do duyên nhân tưởng không có mặt ở đây. Và chỉ có một ưu phiền này, tức là sự nhất trí do duyên lâm tưởng”. Vị ấy tuệ tri: “Loại tưởng này không có thôn tưởng”. Vị ấy tuệ tri: “Loại tưởng này không có nhân tưởng”. Và chỉ có một cái này không phải không, tức là sự nhất trí (ekattam) do duyên lâm tưởng”. Và cái gì không có mặt ở đây, vị ấy xem cái ấy là không có. Nhưng đối với cái còn lại, ở đây, vị ấy tuệ tri: “Cái kia có, cái này có”. Như vậy, này Ananda, cái này đối với vị ấy là như vậy, thật có, không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh, không tánh.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không tác ý nhân tưởng, không tác ý lâm tưởng, chỉ tác ý sự nhất trí do duyên địa tưởng. Tâm vị ấy được thích thú, hân hoan, an trú, hướng đến địa tưởng. Ví như, này Ananda, tấm da con bò đực được căng thẳng trên một trăm cọc gỗ, đặc tánh tấm da được đoạn trừ (vigatavasika); cũng vậy, này Ananda, Tỷ-kheo, không tác ý đối với tất cả vật gì trên đất này: đất khô và vùng lầy, sông và vùng lầy, các cây có thân và có gai, núi và đất bằng, vị ấy tác ý sự nhất trí do duyên địa tưởng. Tâm vị ấy được thích thú, hân hoan, an trú, hướng đến địa tưởng. Vị ấy tuệ tri như sau: “Các ưu phiền do duyên nhân tưởng không có mặt ở đây; các ưu phiền do duyên lâm tưởng không có mặt ở đây. Và chỉ có một ưu phiền này, sự nhất trí do duyên địa tưởng”. Vị ấy tuệ tri: “Loại tưởng này không có nhơn tưởng”. Vị ấy tuệ tri: “Loại tưởng này không có lâm tưởng, và chỉ có một cái này không phải không, tức là sự nhất trí do duyên địa tưởng”. Và cái gì không có mặt ở đây, vị ấy xem cái ấy là không có. Nhưng đối với cái còn lại, ở đây vị ấy tuệ tri: “Cái kia có, cái này có”. Này Ananda, cái này đối với vị ấy là như vậy, thật có, không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh, không tánh.

Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo không tác ý lâm tưởng, không tác ý địa tưởng, tác ý sự nhất trí do duyên Không vô biên xứ. Tâm vị ấy được thích thú, hân hoan, an trú, hướng đến Không vô biên xứ. Vị ấy tuệ tri như sau: “Các ưu phiền, do duyên lâm tưởng không có mặt ở đây; các ưu phiền do duyên địa tưởng không có mặt ở đây. Và chỉ có một ưu phiền này, tức là sự nhất trí do duyên Không vô biên xứ tưởng”. Vị ấy tuệ tri: “Loại tưởng này không có lâm tưởng”. Vị ấy tuệ tri: “Loại tưởng này không có địa tưởng, và chỉ có một cái này không phải không, tức là sự nhất trí do duyên Không vô biên xứ tưởng”. Và cái gì không có mặt ở đây, vị ấy xem cái ấy là không có. Nhưng đối với cái còn lại, ở đây vị ấy biết: “Cái kia có, cái này có”. Này Ananda, cái này đối với vị ấy là như vậy, thật có, không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh, không tánh.

Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo không tác ý địa tưởng, không tác ý Không vô biên xứ tưởng, chỉ tác ý sự nhất trí do duyên Thức vô biên xứ. Tâm vị ấy được thích thú, hân hoan, an trú, hướng đến Thức vô biên xứ. Vị ấy tuệ tri như sau: “Các ưu phiền do duyên địa tưởng không có mặt ở đây; các ưu phiền do duyên Không vô biên xứ tưởng không có mặt ở đây. Và chỉ có một ưu phiền này, tức là sự nhất trí do duyên Thức vô biên xứ tưởng”. Vị ấy tuệ tri: “Loại tưởng này không có địa tưởng”. Vị ấy tuệ tri: “Loại tưởng này không có Không vô biên xứ tưởng, và chỉ có một cái này không phải không, tức là sự nhất trí do duyên Thức vô biên xứ tưởng”. Và cái gì không có mặt ở đây, vị ấy xem cái ấy là không có. Nhưng đối với cái còn lại, ở đây vị ấy tuệ tri: “Cái kia có, cái này có”. Này Ananda, cái này đối với vị ấy là như vậy, thật có, không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh, không tánh.

Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo không tác ý Không vô biên xứ tưởng, không tác ý Thức vô biên xứ tưởng, chỉ tác ý sự nhất trí do duyên Vô sở hữu xứ tưởng. Tâm vị ấy được thích thú, hân hoan, an trú, hướng đến Vô sở hữu xứ. Vị ấy tuệ tri như sau: “Các ưu phiền do duyên Không vô biên xứ tưởng không có mặt ở đây; các ưu phiền do duyên Thức vô biên xứ tưởng không có mặt ở đây. Và chỉ có một ưu phiền này, tức là sự nhất trí do duyên Vô sở hữu xứ tưởng”. Vị ấy tuệ tri: “Loại tưởng này không có Không vô biên xứ tưởng”. Vị ấy tuệ tri: “Loại tưởng này không có Thức vô biên xứ tưởng, và chỉ có một cái này không phải không, tức là sự nhất trí do duyên Vô sở hữu xứ tưởng”. Và cái gì không có mặt ở đây, vị ấy xem cái ấy là không có. Nhưng đối với cái còn lại, ở đây, vị ấy tuệ tri: “Cái kia có, cái này có”. Này Ananda, cái này đối với vị ấy là như vậy, thật có, không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh, không tánh.

Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo không tác ý Thức vô biên xứ tưởng, không tác ý Vô sở hữu xứ tưởng, chỉ tác ý sự nhất trí do duyên Phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng. Tâm vị ấy được thích thú, hân hoan, an trú, hướng đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vị ấy biết như sau: “Các ưu phiền do duyên Thức vô biên xứ tưởng không có mặt ở đây; các ưu phiền do duyên Vô sở hữu xứ tưởng không có mặt ở đây. Và chỉ có một ưu phiền này, tức là sự nhất trí do duyên Phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng. Vị ấy tuệ tri: “Loại tưởng này không có Thức vô biên xứ tưởng”. Vị ấy tuệ tri: “Loại tưởng này không có Vô sở hữu xứ tưởng, và chỉ có một cái này không phải không, tức là sự nhất trí do duyên Phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng. Và cái gì không có mặt ở đây, vị ấy xem cái ấy là không có. Nhưng đối với cái còn lại, ở đây, vị ấy tuệ tri: “Cái kia có, cái này có”. Này Ananda, cái này đối với vị ấy là như vậy, thật có, không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh, không tánh.

Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo không tác ý Vô sở hữu xứ tưởng, không có tác ý Phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng, tác ý sự nhất trí do duyên Vô tướng tâm định. Tâm vị ấy được thích thú, hân hoan, an trú, hướng đến Vô tướng tâm định. Vị ấy tuệ tri như sau: “Các ưu phiền do duyên Vô sở hữu xứ tưởng không có mặt ở đây; các ưu phiền do duyên Phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng không có mặt ở đây. Và chỉ có một ưu phiền này, tức là sáu nhập duyên mạng, duyên với thân này”. Vị ấy tuệ tri: “Loại tưởng này không có Vô sở hữu xứ tưởng”. Vị ấy tuệ tri: “Loại tưởng này không có Phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng. Và chỉ có một cái này không phải không, tức là sáu nhập duyên mạng, duyên với thân này”. Và cái gì không có mặt ở đây, vị ấy xem cái ấy là không có. Nhưng đối với cái còn lại, ở đây vị ấy tuệ tri: “Cái kia có, cái này có”. Này Ananda, cái này đối với vị ấy là như vậy, thật có, không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh, không tánh.

Lại nữa, này Ananda, vị Tỷ-kheo không tác ý Vô sở hữu xứ tưởng, không tác ý Phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng, tác ý sự nhứt trí do duyên Vô tướng tâm định. Tâm vị ấy được thích thú, hân hoan, an trú, hướng đến Vô tướng tâm định. Vị ấy tuệ tri như sau: “Vô tướng tâm định này thuộc hữu vi, do tâm tư tạo nên. Phàm cái gì thuộc hữu vi, do tâm tư tạo nên, cái ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt”, vị ấy tuệ tri như vậy. Do vị ấy tuệ tri như vậy, thấy như vậy, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, tâm được giải thoát khỏi hữu lậu, tâm được giải thoát khỏi vô minh lậu. Trong sự giải thoát, là sự hiểu biết (nana) rằng đã được giải thoát. Vị ấy tuệ tri: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn phải trở lại trạng thái này nữa”. Vị ấy tuệ tri: “Các ưu phiền do duyên dục lậu không có mặt ở đây; các ưu phiền do duyên hữu lậu không có mặt có ở đây; các ưu phiền do duyên vô minh lậu không có mặt ở đây. Và chỉ ở một ưu phiền này, tức là sáu nhập duyên mạng, duyên với thân này”. Vị ấy tuệ tri: “Loại tưởng này không có dục lậu”. Vị ấy tuệ tri: “Loại tưởng này không có hữu lậu”. Vị ấy tuệ tri: “Loại tưởng này không có vô minh lậu. Và chỉ có một cái này không phải không, tức là sáu nhập duyên mạng, duyên với thân này”. Và cái gì không có mặt ở đây, vị ấy xem cái ấy là không có. Nhưng đối với cái còn lại, ở đây vị ấy biết: “Cái kia có, cái này có”. Này Ananda, cái này đối với vị ấy là như vậy, thật có, không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh, Không tánh.

Này Ananda, phàm có những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong quá khứ sau khi chứng đạt, đã an trú cứu cánh vô thượng thanh tịnh Không tánh (Sunnatam), tất cả các vị ấy sau khi chứng đạt đều chỉ an trú cứu cánh vô thượng thanh tịnh Không tánh này. Này Ananda, phàm có những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong tương lai, sau khi chứng đạt sẽ an trú cứu cánh vô thượng thanh tịnh Không tánh, tất cả các vị ấy sau khi chứng đạt đều sẽ an trú cứu cánh vô thượng thanh tịnh Không tánh này. Này Ananda, phàm có những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong hiện tại, sau khi chứng đạt và an trú cứu cánh vô thượng thanh tịnh Không tánh, tất cả các vị ấy sau khi chứng đạt nếu an trú cứu cánh vô thượng thanh tịnh Không tánh này. Do vậy, này Ananda, sau khi chứng đạt Ta sẽ an trú cứu cánh vô thượng thanh tịnh Không tánh. Như vậy, này Ananda, các Ông cần phải học tập.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Ananda hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.



Source link

II. Phần lược giảng

 

III. Video giảng giải

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 63

Post Views: 794