»» Ðại Kinh Mãn Nguyệt

Phần I  –  Phần II  –  Phần III

I. Nội dung kinh

(Mahāpunnama sutta)
Dịch giả: Thích Minh Châu

 


(Download file MP3
– 2.28 MB – Thời gian phát: 13 phút 17 giây.)

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:


Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở tại Savatthi (Xá-vệ), Pubbarama (Ðông Viên), Migaramatupasada (Lộc Mẫu Giảng đường).

Lúc bấy giờ trong ngày Bố-tát, ngày trăng tròn, trong đêm trăng rằm, Thế Tôn đang ngồi giữa trời, xung quanh có chúng Tỷ-kheo đoanh vây. Rồi một Tỷ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, chấp tay vái Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

— Con muốn hỏi Thế Tôn một vấn đề đặc biệt, nếu Thế Tôn cho con được phép nói lên câu hỏi.

— Vậy này Tỷ-kheo, hãy ngồi trên chỗ của Ông và hỏi như ý Ông muốn.

Rồi vị Tỷ-kheo ấy, sau khi ngồi xuống trên chỗ ngồi của mình, bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, có phải có năm thủ uẩn này, tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn và thức thủ uẩn?

— Này Tỷ-kheo, có năm thủ uẩn này, tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn.

— Lành thay, bạch Thế Tôn.

Tỷ-kheo ấy sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn nói, hỏi Thế Tôn một câu hỏi khác:

— Bạch Thế Tôn, năm thủ uẩn này, lấy gì làm căn bản?

— Này Tỷ-kheo, năm thủ uẩn này lấy dục làm căn bản.

— Bạch Thế Tôn, có phải chính chấp thủ ấy là năm thủ uẩn, hay là ngoài năm thủ uẩn, có một chấp thủ (khác)?

— Này Tỷ-kheo, không phải chính chấp thủ ấy là năm thủ uẩn, cũng không phải ngoài năm thủ uẩn có sự chấp thủ. Này Tỷ-kheo, khi nào có lòng dục, lòng tham đối với năm thủ uẩn, ở đấy chính là chấp thủ.

— Bạch Thế Tôn, phải chăng có thể có sự sai khác trong lòng dục, lòng tham đối với năm thủ uẩn?

Thế Tôn trả lời:

— Này Tỷ-kheo, có thể có. Ở đây, này Tỷ-kheo có người nghĩ như sau: “Mong rằng có sắc như thế này trong tương lai! Mong rằng có thọ như thế này trong tương lai! Mong rằng có tưởng như thế này trong tương lai! Mong rằng có hành như thế này trong tương lai! Mong rằng có thức như thế này trong tương lai!” Như vậy, này Tỷ-kheo, có sự sai khác trong lòng dục, lòng tham đối với năm uẩn.

— Nhưng bạch Thế Tôn, cho đến như thế nào là ý nghĩa chữ uẩn trong các uẩn?

— Này Tỷ-kheo, phàm sắc gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là sắc uẩn. Phàm cảm thọ gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là thọ uẩn. Phàm tưởng gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại… xa hay gần, như vậy là tưởng uẩn. Phàm những hành gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại… xa hay gần, như vậy là hành uẩn. Phàm thức gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại… xa hay gần, như vậy là thức uẩn. Cho đến như vậy, này Tỷ-kheo, là ý nghĩa chữ uẩn trong các uẩn.

— Do nhân gì, bạch Thế Tôn, do duyên gì được chấp nhận gọi là sắc uẩn? Do nhân gì, duyên gì được chấp nhận gọi là thọ uẩn? Do nhân gì, duyên gì được chấp nhận gọi là tưởng uẩn? Do nhân gì, duyên gì được chấp nhận gọi hành uẩn? Do nhân gì, duyên gì được chấp nhận gọi là thức uẩn?

— Bốn đại là nhân, này Tỷ-kheo, bốn đại là duyên được chấp nhận gọi là sắc uẩn. Xúc là nhân, xúc là duyên được chấp nhận gọi là thọ uẩn. Xúc là nhân, xúc là duyên được chấp nhận gọi là tưởng uẩn. Xúc là nhân, xúc là duyên được chấp nhận gọi là hành uẩn. Danh sắc là nhân, này Tỷ-kheo, danh sắc là duyên được chấp nhận gọi là thức uẩn.

— Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là thân kiến?

— Ở đây, này Tỷ-kheo, có kẻ vô văn phàm phu không hiểu rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không hiểu rõ các bậc Chơn nhân, không thuần thục pháp các bậc Chơn nhân, không tu tập pháp các bậc Chơn nhân, xem sắc như là tự ngã, hay xem tự ngã như là có sắc, hay xem sắc như là trong tự ngã, hay xem tự ngã như là trong sắc; xem thọ như là tự ngã, hay xem tự ngã như là có thọ, hay xem thọ như là trong tự ngã, hay xem tự ngã như là trong thọ; xem tưởng như là tự ngã, hay xem tự ngã như là có tưởng, hay xem tưởng như là trong tự ngã, hay xem tự ngã như là trong trưởng; xem hành như là tự ngã, hay xem tự ngã như là có hành, hay xem hành như là trong tự ngã, hay xem tự ngã như là trong hành; xem thức như là tự ngã, hay xem tự ngã như là có thức, hay xem có thức như là trong tự ngã, hay xem tự ngã như là trong thức.

— Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là không thân kiến?

— Ở đây, này Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử, đi đến các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, đi đến các bậc Chơn nhân, thuần thục pháp các bậc Chơn nhân, tu tập pháp các bậc Chơn nhân, không xem sắc như là tự ngã, hay không xem tự ngã như là có sắc, hay không xem sắc như là trong tự ngã, hay không xem tự ngã như là trong sắc; không xem thọ như là tự ngã…., không xem tự ngã như là trong thọ; không xem tưởng như là tự ngã… , hay không xem tự ngã như là trong tưởng; không xem hành như là tự ngã… , hay không xem tự ngã như là trong hành; không xem thức như là tự ngã… , không xem tự ngã như là trong thức. Như vậy, này Tỷ-kheo, là không thân kiến.

— Bạch Thế Tôn, cái gì là vị ngọt của sắc, cái gì là sự nguy hiểm, cái gì là sự xuất ly? Cái gì là vị ngọt của thọ, cái gì là sự nguy hiểm, cái gì là sự xuất ly? Cái gì là vị ngọt của tưởng, cái gì là sự nguy hiểm, cái gì là sự xuất ly? Cái gì là vị ngọt của hành, cái gì là sự nguy hiểm, cái gì là sự xuất ly? Cái gì là vị ngọt của thức, cái gì là sự nguy hiểm, cái gì là sự xuất ly?

— Này Tỷ-kheo, lạc hỷ gì duyên sắc khởi lên, như vậy là vị ngọt của sắc. Cái gì vô thường, khổ, bị biến hoại trong sắc như vậy là sự nguy hiểm của sắc. Sự nhiếp phục dục tham đối với sắc, sự đoạn diệt dục tham, như vậy là sự xuất ly của sắc. Này Tỷ-kheo, lạc hỷ gì duyên thọ khởi lên, như vậy là vị ngọt của thọ… như vậy là sự xuất ly của thọ. Này Tỷ-kheo, lạc hỷ gì duyên tưởng khởi lên, như vậy là vị ngọt của tưởng…. là sự xuất ly của tưởng. Này Tỷ-kheo, lạc hỷ gì duyên hành khởi lên như vậy là vị ngọt của hành… là sự xuất ly của hành. Này Tỷ-kheo, lạc hỷ gì duyên thức khởi lên, như vậy là vị ngọt của thức. Cái gì vô thường, khổ, bị biến hoại trong thức, như vậy là sự nguy hiểm của thức. Sự nhiếp phục dục tham đối với thức, sự đoạn diệt dục tham, như vậy là sự xuất ly của thức.

— Bạch Thế Tôn, do biết gì, do thấy gì, mà không có mạn tùy miên rằng: “Ta là người làm, sở thuộc của ta là người làm”, đối với tự thân có ý thức, và đối với cả tưởng ở ngoài?

— Này Tỷ-kheo, phàm có sắc gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, đối với tất cả sắc, thấy được như thật với trí tuệ là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”. Phàm có thọ gì… tưởng gì… hành gì… phàm có thức gì, quá khứ vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, đối với tất cả thức, thấy được như thật với trí tuệ là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”. Này Tỷ-kheo, do biết như vậy, thấy như vậy, nên không có mạn tùy miên rằng: “Ta là người làm, sở thuộc của ta là người làm”, đối với tự thân có ý thức, và đối với tất cả tướng ở ngoài.

Rồi một Tỷ-kheo khác khởi lên sự suy tư như sau: “Nếu được nói rằng, chư Tôn giả, sắc là vô ngã, thọ là vô ngã, tưởng là vô ngã, hành là vô ngã, thức là vô ngã; như vậy những hành động do vô ngã làm đã được ngã nào cảm thọ kết quả?”

Thế Tôn biết được tâm tư của Tỷ-kheo ấy với tâm tư của mình, liền nói với các Tỷ-kheo:

— Này các Tỷ-kheo, sự kiện này xảy ra, khi ở đây có kẻ ngu si, vô tri, vô minh, với tâm bị tham dục chi phối, lại nghĩ cần phải vượt qua lời dạy của bậc Ðạo sư với câu hỏi: “Nếu được nói rằng, chư Tôn giả, sắc là vô ngã, thọ là vô ngã, tưởng là vô ngã, hành là vô ngã, thức là vô ngã; như vậy những hành động do vô ngã làm đã được ngã nào cảm thọ kết quả?” Này các Tỷ-kheo, các Ông đã được Ta huấn luyện tìm kiếm nhân duyên, chỗ này chỗ kia, đối với những pháp này, pháp khác.

Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô thường?

— Vô thường, bạch Thế Tôn.

— Những gì vô thường là khổ hay lạc?

— Là khổ, bạch Thế Tôn.

— Những gì vô thường, khổ, bị biến hoại, có hợp lý chăng khi xem: “Cái này của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?”

— Thưa không vậy, bạch Thế Tôn.

— Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, thọ… tưởng… hành… thức là thường hay vô thường?

— Vô thường, bạch Thế Tôn.

— Những gì vô thường, là khổ hay lạc?

— Là khổ, bạch Thế Tôn.

— Những gì vô thường, khổ, bị biến hoại, có hợp lý chăng khi xem: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?”

— Thưa không vậy, bạch Thế Tôn.

— Do vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có sắc gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại… tất cả loại sắc, cần phải như thật quán: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”. Phàm có thọ gì, phàm có tưởng gì, phàm có hành gì, phàm có thức gì quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại.. tất cả loại thức, cần phải như thật quán: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc, yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm ly đối với hành, yếm ly đối với thức.

Do yếm ly nên ly tham, do ly tham nên được giải thoát. Trong sự giải thoát, vị ấy biết được vị ấy đã giải thoát. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm. Từ nay không còn trở lại đời sống thế này nữa”.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi sự giảng giải này được nói lên, tâm của sáu mươi vị Tỷ-kheo được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.

Source link

II. Phần lược giảng

Trung Bộ Kinh – Bài Kinh số 109
Kinh  Dài Mãn Nguyệt
(Mahàpunnamasuttam)
– Greater Discourse (At the Time) Of A Full Moon –

  1. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

* Đại Tạnh Kinh Việt Nam, 1992, tr.141, Trung III, ghi:

“Bạch Thế Tôn, do biết gì, do thất gì mà không có mạn tùy miên rằng:

‘Ta là người làm, sở thuộc của ta là người làm,’ đối với tự thân có ý thức và đối với tất cả tưởng ở ngoài? “

* Nguyên bản Pàli của đoạn trên là:

” Katham pana, bhante, Jànato Katham passato imasmin ca savinnanake bahiddhà ca sabbanimittesu ahamkàramamamkàramànànusayàna hontìti?”

* Bản dịch Anh ngữ, PTS, Oxford 1990, Vol III, p. 68 ghi:

“But, revered Sir, (for a man) knowing what, seeing what, are there no latent conceits that ‘I am the doer, mine is the doer’ in regard to this consciousness – informed body and on the phenomena external to it?”

* Phần Việt ngữ cần dịch sát ý là:

“Bạch Thế Tôn do biết gì, do thấy gì, đối với thân sắc có ý thức và đối với tất cả thế giới hiện hữu bên ngoài, không có mạn tùy miên rằng; “Ta là người làm, người làm là của ta “.

  1. NỘI DUNG KINH MÃN NGUYỆT
  2. Lúc Thế Tôn trú ở Lộc mẫu Giảng Đường, thành Xá vệ, vào đêm trăng rằm, một Tỷ kheo đã bạch hỏi Thế Tôn mười câu hỏi rất đặc biệt về ngũ uẩn như sau:

1.1. Năm thủ uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức thủ uẩn?

Thế Tôn dạy: “Đúng vậy”.

1.2. Năm thủ uẩn lấy gì làm gốc rễ?

Thế Tôn dạy: “Lấy dục làm gốc rễ”

1.3. Chính chấp thủ là Năm thủ uẩn, hay là ngoài Năm thủ uẩn có một chấp thủ khác?

Thế Tôn dạy: “Không phải chính chấp thủ là Năm thủ uẩn, cũng không phải ngoài Năm thủ uẩn có một chấp thủ khác. Khi nào có lòng dục, lòng tham đối với Năm thủ uẩn, ở đây chính là chấp thủ”.

1.4. “Phải chăng có sự sai khác trong lòng dục, lòng tham đối với Năm thủ uẩn?”

Thế Tôn dạy: “Có thể có” Có người nghĩ: mong rằng trong tương lai Sắc sẽ như thế nầy, Thọ…, Tưởng …, Hành …, Thức … sẽ như thế nầy.”

1.5. “Cho đến như thế nào là ý nghĩa chữ uẩn trong các uẩn?”

Thế Tôn dạy: “Phàm Sắc gì, qúa khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là Sắc uẩn. Phàm … Thọ uẩn. Phàm .., Tưởng uẩn. Phàm Thức gì … , Thức uẩn.”

1.6. “Do nhân gì, duyên gì được chấp nhận là Sắc uẩn? … Thọ uẩn? … Tưởng uẩn? … Hành uẩn? … Thức uẩn? “…

Thế Tôn dạy: “Bốn đại là nhân, là duyên được chấp nhận là Sắc uẩn. Xúc là nhân, là duyên … Thọ uẩn. Xúc … Tưởng uẩn. Xúc là nhân là duyên được chấp nhận là Hành uẩn. Danh sắc là nhân, là duyên được chấp nhận là Thức uẩn.”

1.7.” Thế nào là thân kiến? “

Thế Tôn dạy: “… xem Sắc là tự ngã, hay xem tự ngã như là có Sắc, hay xem Sắc là trong tự ngã, hay xem tự ngã là trong sắc. Xem thọ là tự ngã … Xem tưởng là tự ngã… Xem thức là tự ngã … “

1.8. ” Thế nào là không thân kiến? “

Thế Tôn dạy: “… Không xem Sắc là tự ngã … không xem Thọ là tự ngã …, không xem Tưởng là tự ngã …, không xem Hành là tự ngã …, không xem Thức là tự ngã … “

1.9. “Cái gì là vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly của các uẩn?”

Thế Tôn dạy: “Hỷ lạc là vị ngọt … vô thường, biến hoại là nguy hiểm …, nhiếp phục hỷ lạc, dục tham đối với các uẩn là sự xuất ly các uẩn “.

1.10. “Bạch Thế Tôn, do biết gì, do thấy gì, đối với thân sắc có ý thức và đối với tất cả hiện hữu ở bên ngoài (hiện tượng giới), không có mạn tùy miên rằng ‘Ta là người làm, người làm là của Ta’?”

Thế Tôn dạy: ” Thấy sắc … thọ … tưởng … hành … thức thấy như thật với trí tuệ rằng: “Cái nầy không phải của Ta, cái nầy không phải là Ta, cái nầy không phải là tự ngã của Ta”

  1. Thế Tôn dạy như thế là vừa rõ ràng, đầy đủ, nhưng một vị Tỷ kheo khác bị ám ảnh bởi vô minh, chấp thủ tự ngã, nêu thêm một câu hỏi khác rằng:

“Nếu được nói rằng Sắc là vô ngã, Thọ là vô ngã, Tưởng là vô ngã, Hành là vô ngã, Thức là vô ngã, như vậy những hành động do vô ngã làm đão được ngã nào cảm thọ kết quả?”

Vị Tỷ kheo nầy đã bị Phật quở là thiếu trí tuệ để hiểu lời Thế Tôn dạy tất cả các pháp là do nhân duyên kết hợp mà có; và Sắc (Thọ, Tưởng, Hành, Thức) là vô thường dẫn đến khổ đau nên thật không hợp lý khi xem Sắc (Thọ, Tưởng, Hành, Thức) là: “Cái nầy là của tôi, cái nầy là tôi, cái nầy là tự ngã của tôi “.

  1. Tưởng cũng cần lưu ý rằng: Khi thời Pháp nầy vừa kết thúc, thì có sáu mươi vịTỷ kheo được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.

III. BÀN THÊM

  1. Bản kinh 109 là bản kinh về Ngũ thủ uẩn rất đặc biệt (về Ngũ thủ uẩn, trọn Tương Ưng Bộ Kinh III đề cập rất đầy đủ), cả đến câu hỏi thứ 11 của bản kinh, bị Thế Tôn quở trách, nhưng là câu hỏi mở ra nhiều vướng mắc của người đời. Câu hỏi sai một cách đầy ý vị!
  2. Câu hỏi thứ hai về gốc rễ của Ngũ thủ uẩn, gợi ý rõ sự hiện hữu của con người là do đâu? Thế Tôn đã dạy: “Lấy dục làm gốc rễ”. Dục vốn là căn nguyên của hiện hữu con người. Nói khác đi, dục là gốc của sinh tử khổ đau. Nó chẳng phải là nguyên nhân đầu tiên, mà do nhân duyên sanh như các pháp hữu vi khác: nó đến và đi một cách đầy mộng mị. Cái ngã gọi là con người cũng thế: nó đến và đi một cách đầy mộng mị!
  3. Câu hỏi thứ ba: “Chính chấp thủ là “Ngũ thủ uẩn” , hay ngoài “Ngũ thủ uẩn” có một chấp thủ khác? “

Thế Tôn đã dạy: “Không phải chính chấp thủ là Ngũ thủ uẩn, cũng không phải ngoài Ngũ thủ uẩn có một chấp thủ khác. Khi nào có lòng dục, lòng tham ái đối với Ngũ thủ uẩn, ở đấy chính là chấp thủ”.

Tại đây ta nên nhớ rằng: sự chấp thủ, tâm chấp thủ và lòng dục, lòng tham là thuộc Hành uẩn, nên không thể nói nó (chúng) ở ngoài Ngũ thủ uẩn. Lại nữa, bốn uẩn kia không rời khỏi Hành uẩn, làm nên Hành uẩn, nên không thể nói chấpthủ và dục tham ở ngoài năm thủ uẩn.

Dù hành uẩn có mặt trong bốn uẩn còn lại, nhưng không thể nói chính chấp thủ uẩn, dục tham ở ngoài năm thủ uẩn.

Câu hỏi thứ ba nầy cũng tràn đầy ý vị! Nó là sản phẩm của tư duy hữu ngã, tư duy nhị nguyên, nổi bật sắc màu của triết lý phương Tây: phân rõ minh và biệt (như triết lý của Descarte) giữa một ngã thể là chấp thủ và một ngã thể là năm thủ uẩn nghe thật là mộng mị!

Câu trả lời của Thế Tôn hẳn là rất thực tại, rất trí tuệ và rất Phật giáo!

  1. Lời dạy của Thế Tôn cho câu hỏi thứ năm, hay là định nghĩa của Thế Tôn về năm thủ uẩn, mở ra một phương trời nhận thức mới về con người và thế giới, về mối tương quan bất khả phân giữa các hiện hữu (giữa vạn hữu). Đây là nội dung mở ra một tư duy mới, một nền văn hoá mới cho trái đất giải tỏa được các bế tắc, khủng hoảng của nhân sinh, giải quyết có cơ sở cho các khủng hoảng đạo đức, môi sinh và xã hội mà tư duy phương Tây đang bế tắc.
  2. Lời dạy của Thế Tôn cho câu hỏi thứ bảy và thứ tám là mở ra con mắt pháp cho đời, trừ được thân kiến là đắc “Pháp nhãn” thanh tịnh, ly trần ly cấu. Chỉ vì một vọng tưởng về một tự ngã thường hằng cho mọi hiện hữu mà tâm lý tham, sân, si khởi dậy kéo theo khổ đau và sinh tử. Con đường đi ra khỏi khổ đau sinh tử chính là sự nhiếp phục dục tham đối với các pháp, sự nhiếp phục chấp thủ ngã, không xem mọi hiện hữu (trong và ngoài tâm) là của Ta, là Ta, là tự ngã của Ta. Đây cũng là câu trả lời đúng cho câu hỏi thứ chín và câu hỏi thứ mười: chỉ sự xuất ly khỏi Năm thủ uẩn và chỉ rõ cách đoạn trừ mạn tùy miên (mànànussayà): “Tôi là người làm, người làm là của tôi”, điều mà vị Tỷ kheo thiếu giác tỉnh nêu ra trong câu hỏi thứ 11 của bản kinh.
  3. Phân tích câu hỏi thứ 11:

“Nếu được nói rằng Sắc là vô ngã , …, như vậy những hành động do vô ngã làm đã được ngã nào cảm thọ kết quả?”

6.1. Hỏi như thế là tâm lý người hỏi có một sự minh định rất hữu ngã rằng: vô ngã là một ngã tính và ngã tính ấy không có mặt một chủ thể hành động nên không có chủ thể nào nhận lãnh trách nhiệm của hành động. Với người nêu ra câu hỏi trên, thì hàm ẩn một sự xác định rằng chỉ có các ngã thể, ngã tính (hữu ngã) hành động và chỉ có ngã thể nhận lãnh hậu qủa của hành động. Trên thực tế, chỉ có sự hiện hữu của các nhân, các duyên từ vô thỉ đến vô chung, mà không có một ngã thể nào có mặt, nói gì đến chuyện có một ngã thể hành động, một ngã thể nhận lãnh trách nhiệm về hành động ấy. Thực ra chủ thể hành động là duyên sinh vô ngã, hành động là duyên sinh, vô ngã và hậu qủa cùng người nhận lãnh hậu qủa đều duyên sinh vô ngã thảy. Mơ hồ thay câu hỏi.

6.2. Tất cả hiện hữu vốn sự thật là duyên sinh vô ngã, nên chỉ có lòng dục và chấp thủ ngã hành động, và chỉ có lòng dục và chấp thủ nhận lãnh hậu qủa của hành động. Sự sống và thực tại thì không phải là những gì của ” logic “, của tư duy ngã tính, ai giác tỉnh được sự thật vô ngã thì tâm lý liền khởi sinh vô tham, vô sân, vô si. Với tâm lý vô dục, vô thủ trước thì cái gọi là nghiệp (Kamma = Volitional action) không được thành lập, dựa vào đâu mà nói tâm thức ấy tạo tác nghiệp và tâm thức ấy cảm thọ hậu quả? (!) Vì đó là sự thật nên sự kiện giải thoát nghiệp, giải thoát khổ đau, hay giải thoát mới có mặt. Trên thực tế, giải thoát có mặt, như Thế Tôn và các đệ tử là các bậc A-la-hán đã chứng tỏ. Khi giải thoát đã có mặt thì sự kiện gọi là thọ qủa của các nghiệp thiện, ác chỉ là sự hiện diện như là sự hiện diện của lông rùa, sừng thỏ, của giờ thứ 25, của xứ thứ 13, của giới thứ 19 vậy.

Điều quan trọng nhất đối với người nêu ra câu hỏi đầy ngờ vực thứ 11 là, trở về với tinh thần thiết thực hiện tại và trí tuệ của Phật giáo, là ý thức rõ rằng: dục vọng gây ra khổ đau, và nhiếp phục dục vọng để chấm đứt khổ đau: đây là mục tiêu của phạm hạnh mà không phải là huyền đàm, dong ruổi vào thế giới của khái niệm.

Chỉ có 10 câu hỏi đầu của bản kinh là đi vào truyền thống của kinh tạng Phật giáo mở ra các

III. Video giảng giải

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 50

Post Views: 577