Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikāya) »» Chương Tám Pháp – Phẩm 08 đến phẩm 10

Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikāya) »» Chương Tám Pháp – Phẩm 08 đến phẩm 10



(Download file MP3
– 15.1 MB – Thời gian phát: 01 giờ,27 phút 58 giây.)

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

A. Nội dung

VIII. Phẩm Song Ðôi

(I) (71) Lòng Tin (1)

1. – Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo có lòng tin nhưng không có giới; như vậy, vị ấy không đầy đủ chi phần này. Do vậy, cần làm đầy đủ chi phần ấy: “Làm thế nào để ta được đầy đủ cả lòng tin và giới?”. Và này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo có lòng tin và giới, như vậy, chi phần ấy được đầy đủ.
2. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có lòng tin, có giới, nhưng không nghe nhiều; như vậy, vị ấy không đầy đủ chi phần này. Do vậy, cần phải làm đầy đủ chi phần ấy: “Làm thế nào để ta được đầy đủ cả lòng tin, giới và nghe nhiều?” Và này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo có lòng tin, có giới và có nghe nhiều; như vậy chi phần ấy đã được đầy đủ.
3. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có lòng tin, có giới, có nghe nhiều, nhưng không thuyết pháp… có thuyết pháp nhưng không sống với hội chúng… sống với hội chúng nhưng không vô úy thuyết pháp cho hội chúng… vô úy thuyết pháp cho hội chúng, nhưng với bốn Thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, chứng được có khó khăn, chứng được có mệt nhọc, chứng được có phí sức…; với bốn Thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, chứng được không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức, nhưng không đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; như vậy, vị ấy không đầy đủ chi phần này. Do vậy cần phải làm cho đầy đủ chi phần ấy: “Làm thế nào để ta được đầy đủ lòng tin, có giới, có nghe nhiều, có thuyết pháp, có sống với hội chúng, có vô úy thuyết pháp cho hội chúng, với bốn Thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, chứng được không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát?” Khi nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có lòng tin, có giới, có nghe nhiều, có thuyết pháp, có sống với hội chúng, có vô úy thuyết pháp cho hội chúng, với bốn Thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, chứng được không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức; do diệt tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; như vậy, vị ấy được đầy đủ chi phần ấy.
Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được tịnh tín hoàn toàn và được viên mãn về mọi phương diện.

(II) (72) Lòng Tin (2)

1. – Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có lòng tin, nhưng không có giới; như vậy, vị ấy không đầy đủ chi phần này. Do vậy, cần phải làm cho đầy đủ chi phần ấy: “Làm thế nào để ta có lòng tin và có giới?” Và này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo có lòng tin và có giới; như vậy chi phần ấy đã được đầy đủ.
2. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có lòng tin, có giới, nhưng không nghe nhiều… có nghe nhiều nhưng không thuyết pháp… có thuyết pháp nhưng không sống với hội chúng… sống với hội chúng nhưng không vô úy thuyết pháp cho hội chúng… vô úy thuyết pháp cho hội chúng, nhưng đối với các tịch tịnh giải thoát, vượt qua các sắc thuộc vô sắc ấy, không sống với thân thấm nhuần…; Ðối với các tịch tịnh giải thoát vượt qua các sắc thuộc vô sắc ấy, sống với thân thấm nhuần; nhưng không đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; như vậy, vị ấy không đầy đủ chi phần này. Do vậy, cần phải làm cho đầy đủ chi phần ấy: “Làm thế nào để ta có được lòng tin, có giới, có nghe nhiều, là vị thuyết pháp sống với hội chúng, vô úy thuyết pháp cho hội chúng, với các tịch tịnh giải thoát vượt qua các sắc thuộc vô sắc ấy, sống với thân thấm nhuần, do đoạn diệt các lậu hoặc,… chứng ngộ, chứng đạt và an trú?” Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có lòng tin, có giới, nghe nhiều, thuyết pháp, sống với hội chúng, vô úy thuyết pháp cho hội chúng, đối với các tịch tịnh giải thoát vượt qua các sắc thuộc vô sắc ấy, sống với thân thấm nhuần, do đoạn diệt các lậu hoặc, … chứng ngộ, chứng đạt và an trú; như vậy, vị ấy được đầy đủ chi phần ấy.
Thành tựu tám chi phần này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được tịnh tín hoàn toàn và được viên mãn về mọi phương diện.

(III) (73) Niệm Chết (1)

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Nàtika, tại Ginjakàvasatha. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”. “Thưa vâng, bạch Thế Tôn”.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
2. – Niệm chết, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử. Này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy tu tập niệm chết.
3. Ðược nói như vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, con có tu tập niệm chết.
– Này các Tỷ-kheo, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?
– Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Mong rằng ta sống ngày và đêm tác ý đến lời dạy của Thế Tôn”. Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.
4. Một Tỷ-kheo khác bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.
– Này các Tỷ-kheo, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?
– Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Mong rằng ta sống trọn ngày, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn”. Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.
5. Một Tỷ-kheo khác bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.
– Này Tỷ-kheo, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?
– Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Mong rằng ta sống trọn nửa ngày tác ý đến lời dạy của Thế Tôn”. Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.
6. Một Tỷ-kheo khác bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.
– Này Tỷ-kheo, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?
– Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Mong rằng, cho đến khi nào ta còn ăn một phần đồ ăn khất thực, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn”. Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.
7. Một Tỷ-kheo khác bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.
– Này Tỷ-kheo, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?
– Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Mong rằng, cho đến khi nào ta còn ăn nửa phần đồ ăn khất thực, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn”. Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.
8. Một Tỷ-kheo khác bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.
– Này Tỷ-kheo, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?
– Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Mong rằng, cho đến khi nào ta còn ăn và nuốt bốn, năm miếng đồ ăn, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn”. Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.
9. Một Tỷ-kheo khác bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.
– Này Tỷ-kheo, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?
– Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Mong rằng, cho đến khi nào ta còn ăn và nuốt một miếng đồ ăn, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn”. Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.
10. Một Tỷ-kheo khác bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.
– Này Tỷ-kheo, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?
– Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Cho đến khi nào sau khi thở vào, ta thở ra, hay sau khi thở ra, ta thở vào, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn”. Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.
11. Ðược nghe nói như vậy, Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo ấy:
– Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này tu tập niệm chết như sau: “Mong rằng ta sống ngày và đêm, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã làm nhiều như vậy”.
– Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này tu tập niệm chết như sau: “Mong rằng ta sống trọn ngày tác ý đến lời dạy của Thế Tôn, ta đã làm nhiều như vậy. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này tu tập niệm chết như sau: “Mong rằng ta sống trọn nửa ngày tác ý đến lời dạy của Thế Tôn, ta đã làm nhiều như vậy”. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này tu tập niệm chết như sau: “Mong rằng ta sống trọn nửa ngày tác ý đến lời dạy của Thế Tôn, ta đã làm nhiều như vậy”. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này tu tập niệm chết như sau: “Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn phần đồ ăn khất thực, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã làm nhiều như vậy”. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này tu tập niệm chết như sau: “Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn nửa phần đồ ăn khất thực, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã làm nhiều như vậy”. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này tu tập niệm chết như sau: “Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn và nuốt bốn, năm miếng đồ ăn, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã làm nhiều như vậy”… Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này tu tập niệm chết như sau: “Mong rằng cho đến khi nào khi thở vào, ta thở ra, hay sau khi thở ra, ta thở vào, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã làm nhiều như vậy”. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là những vị sống không phóng dật, tu tập rất sắc sảo niệm chết để đoạn diệt các lậu hoặc. Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải tu học như sau: “Hãy sống không phóng dật. Ta sẽ tu tập một cách sắc sảo niệm chết, để đoạn diệt các lậu hoặc”.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.

(IV) (74) Niệm Chết (2)

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Nàtika, tại Ginjakàvasatha. Tại đấy, Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:
– Niệm chết, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử. Vậy tu tập niệm chết như thế nào, làm cho sung mãn niệm chết như thế nào để đưa đến quả lớn, lợi ích lớn, nhập vào bất tử, cứu cánh bất tử?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi ngày vừa tàn và đêm vừa an trú, suy tư như sau: “Các nhân duyên đem đến cái chết cho ta rất nhiều: con rắn có thể cắn ta; con bò cạp có thể cắn ta; hay con rít có thể cắn ta. Do vậy, ta có thể mệnh chung; như vậy sẽ chướng ngại cho ta. Ta có thể vấp ngã và té xuống. Cơm ta ăn có thể làm ta mắc bệnh khi ăn, hay mật có thể khuấy động ta, đàm có thể khuấy động ta. Các gió như kiếm có thể khuấy động ta. Người có thể công kích ta, hay phi nhân có thể công kích ta, do vậy có thể làm ta mệnh chung. Như vậy sẽ là chướng ngại cho ta”. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy xét như sau: “Nếu ta còn có những pháp ác, bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta”. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo trong khi suy xét như vậy, biết được như sau: “Ta có những pháp ác, bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta”, thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy, để đoạn tận các pháp ác, bất thiện ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển chánh niệm và tỉnh giác. Ví như, này các Tỳ Kheo, áo bị cháy hay đầu bị cháy, thời để dập tắt áo ấy hay đầu ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn tinh cần nỗ lực, không có thối chuyển, chánh niệm và tỉnh giác. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy, để đoạn tận các ác, bất thiện pháp ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, chánh niệm, và tỉnh giác. Nếu Tỷ-kheo ấy, trong khi suy xét, biết được như sau: “Ta không có những pháp ác, bất thiện chưa đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta”. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải sống hoan hỷ hân hoan, ngày đêm cần phải học tập trong các thiện pháp.
3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi đêm vừa tàn và ngày vừa an trú, suy tư như sau: “Các nhân duyên đem đến cái chết cho ta rất nhiều: con rắn có thể cắn ta; con bò cạp có thể cắn ta; hay con rít có thể cắn ta. Do vậy, ta có thể mệnh chung. Như vậy sẽ là chướng ngại cho ta. Ta có thể vấp ngã và té xuống. Cơm ta ăn có thể làm ta mắc bệnh khi ăn, hay mật có thể khuấy động ta, hay đàm có thể khuấy động ta. Các gió như kiếm có thể khuấy động ta. Người hay phi nhân có thể công kích ta. Và như vậy có thể làm ta mệnh chung. Như vậy sẽ là chướng ngại cho ta.”
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy xét như sau: “Nếu ta còn những pháp ác, bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung trong ngày, chúng có thể là chướng ngại cho ta”. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo trong khi suy xét như vậy biết được như sau: “Ta có những pháp ác, bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung ngày hôm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta”. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy, để đoạn tận các pháp ác, bất thiện ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh cần, tinh tấn, nỗ lực không có thối chuyển, chánh niệm và tỉnh giác. Ví như, này các Tỳ Kheo, áo bị cháy hay đầu bị cháy, thời để dập tắt áo ấy hay đầu ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn tinh cần nỗ lực, không có thối chuyển, chánh niệm và tỉnh giác. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy để đoạn tận các ác, bất thiện pháp ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, chánh niệm và tỉnh giác. Nếu vị Tỷ-kheo ấy, trong khi suy xét biết được như sau: “Ta không có những pháp ác, bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung ngày hôm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta”. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải sống hoan hỷ, hân hoan, ngày đêm cần phải học tập trong các thiện pháp.
Này các Tỷ-kheo, niệm về chết tu tập như vậy làm cho sung mãn như vậy, được quả lớn, được lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử.

(V) (75) Ðầy Ðủ (1)

1. – Này các Tỷ-kheo, có tám đầy đủ này. Thế nào là tám?
2. Ðầy đủ tháo vát, đầy đủ phòng hộ, làm bạn với thiện, sống thăng bằng điều hòa, đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ.
Này các Tỷ-kheo, có tám đầy đủ này.
Tháo vát trong công việc,
Không phóng dật nhanh nhẹn,
Sống đời sống thăng bằng,
Giữ tài sản thâu được,
Có tín, đầy đủ giới,
Bố thí, không xan tham,
Rửa sạch đường thượng đạo,
An toàn trong tương lai,
Ðây chính là tám pháp,
Bậc tín chủ tầm cầu,
Bậc chân thật tuyên bố,
Ðưa đến lạc hai đời,
Hạnh phúc cho hiện tại,
Và an lạc tương lai,
Ðây trú xứ gia chủ,
Bố thí tăng công đức.

(VI) (76) Ðầy Ðủ (2)

1. – Này các Tỷ-kheo, có tám đầy đủ này. Thế nào là tám?
2. Ðầy đủ tháo vát, đầy đủ phòng hộ, làm bạn với thiện, sống thăng bằng điều hòa, đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, có tám đầy đủ này. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đầy đủ về tháo vát?
3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, thiện nam tử phàm làm nghề gì để sinh sống, hoặc nghề nông, hoặc đi buôn, hoặc nuôi bò, hoặc làm người bắn cung, hoặc làm việc cho vua, hoặc bất cứ nghề gì, trong nghề ấy, người ấy thiện xảo, không biết mệt, biết suy tư phương tiện vừa đủ để tự làm và điều khiển người khác làm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đầy đủ tháo vát. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đầy đủ phòng hộ?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, những tài sản của thiện nam tử, do tháo vát tinh tấn thâu hoạch được, do sức mạnh cánh tay chất chứa được, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch được đúng pháp, vị ấy gìn giữ chúng, phòng hộ và bảo vệ. Làm thế nào các tài sản này của ta không bị vua mang đi, không bị trộm cướp mang đi, không bị lửa đốt, không bị nước cuốn trôi, không bị các người con thừa tự không khả ái cướp đoạt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đầy đủ phòng hộ. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là làm bạn với thiện?
5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, thiện nam tử sống tại làng hay tại thị trấn. Tại đấy có những gia chủ, hay con người gia chủ, những người trẻ được nuôi lớn trong giới đức, hay những người lớn tuổi được lớn lên trong giới đức, đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ, vị ấy giao thiệp, nói chuyện, thảo luận với những người ấy. Với những người đầy đủ lòng tin, vị ấy theo học đầy đủ lòng tin; với những người đầy đủ bố thí, vị ấy theo học đầy đủ bố thí; với những người đầy đủ trí tuệ, vị ấy theo học đầy đủ trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là làm bạn với thiện. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sống thăng bằng điều hòa?
6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, thiện nam tử sau khi biết tài sản nhập, sau khi biết tài sản xuất, sinh sống một cách thăng bằng điều hòa, không quá phung phí, không quá bỏn xẻn. Người ấy suy nghĩ: “Ðây là tiền nhập của ta, sau khi trừ đi tiền xuất, còn lại như sau: không phải là tiền xuất của ta, sau khi trừ tiền nhập, còn lại như vậy”. Ví như, này các Tỷ-kheo, người cầm cân hay đệ tử người cầm cân, sau khi cầm cân, biết rằng: “Với chừng ấy, cân nặng xuống; hay với chừng ấy, cân bổng lên”. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thiện nam tử sau khi biết tài sản nhập, sau khi biết tài sản xuất, sinh sống một cách điều hòa, không quá phung phí, không quá bỏn xẻn, người ấy nghĩ rằng: “Ðây là tiền nhập của ta, sau khi trừ đi tiền xuất còn lại như vậy; không phải là tiền xuất của ta, sau khi trừ đi tiền nhập, còn lại như vậy”. Này các Tỷ-kheo, nếu thiện nam tử này, tiền nhập vào ít, nhưng sống nếp sống rộng rãi (hoang phí), thời người ta nói về người ấy như sau: “Người thiện nam tử này ăn tài sản của người ấy như người ăn trái cây sung”. Này các Tỷ-kheo, nếu người thiện nam tử này có tiền nhập lớn, nhưng sống nếp sống cơ cực, thời người ta sẽ nói về người ấy như sau: “Người thiện nam tử này sẽ chết như người chết đói”. Khi nào, này các Tỷ-kheo, sau khi biết tài sản nhập, sau khi biết tài sản xuất, sống nếp sống thăng bằng điều hòa, không quá phung phí, không quá bỏn xẻn, nghĩ rằng: “Như vậy, tiền nhập của ta, sau khi trừ đi tiền xuất, còn lại như vậy; không phải là tiền xuất, sau khi trừ tiền nhập, còn lại như vậy”. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là nếp sống thăng bằng, điều hòa. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đầy đủ lòng tin?
7. Ở đây, này các Tỷ-kheo, thiện nam tử có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: “Ðây là Thế Tôn… bậc Ðạo Sư của chư Thiên và loài Người, Phật, Thế Tôn”. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đầy đủ lòng tin. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đầy đủ giới?
8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, thiện nam tử từ bỏ sát sanh… từ bỏ không đắm say rượu men, rượu nấu. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đầy đủ giới. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đầy đủ bố thí?
9. Ở đây, này các Tỷ-kheo, thiện nam tử sống ở gia đình, với tâm không bị cấu uế xan tham chi phối, bố thí rộng rãi, với bàn tay rộng mở, vui thích từ bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, vui thích chia xẻ vật bố thí. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đầy đủ bố thí. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đầy đủ, trí tuệ?
10. Ở đây, này các Tỷ-kheo, thiện nam tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt, với Thánh thể nhập (quyết trạch), chơn chánh, chấm dứt khổ đau. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đầy đủ trí tuệ.
Tháo vát trong công việc,
Không phóng dật, nhanh nhẹn,
Sống đời sống thăng bằng,
Giữ tài sản thâu được,
Có tín, đầy đủ giới,
Bố thí không xan tham,
Rửa sạch đường thượng đạo,
An toàn trong tương lai,
Ðây chính là tám pháp,
Bậc tín chủ tầm cầu,
Bậc chân thật tuyên bố,
Ðưa đến lạc hai đời,
Hạnh phúc cho hiện tại,
Và an lạc tương lai,
Ðây trú xứ gia chủ,
Bố thí tăng công đức.

(VII) (77) Dục

1. Tại đấy, Tôn giả Sàriputta gọi các Tỷ-kheo: “Này các Hiền giả Tỷ-kheo”.
– Thưa Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Tôn giả Sàriputta nói như sau:
2. – Này các Hiền giả, có tám hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là tám?
3. Ở đây, này các Hiền giả, Tỷ-kheo trong khi sống nhàn tịnh, không có tinh tấn, khởi lên ước muốn có lợi dưỡng. Vị ấy hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng. Dầu cho vị ấy hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng, nhưng lợi dưỡng không đến. Do không được lợi dưỡng, vị ấy sầu muộn, than van, khóc lóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh. Này các Hiền giả, vị ấy được gọi là Tỷ-kheo sống ham muốn lợi dưỡng, hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng; không được lợi dưỡng, vị ấy sầu muộn, than khóc, bỏ rơi diệu pháp.
4. Ở đây, này các Hiền giả, có Tỷ-kheo trong khi sống nhàn tịnh, không có tinh tấn, khởi lên ước muốn có lợi dưỡng. Vị ấy hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng. Do hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng, lợi dưỡng khởi lên. Với lợi dưỡng ấy, vị ấy đắm say, phóng dật, rơi vào tình trạng đắm say, phóng dật. Ðây gọi là Tỷ-kheo sống ham muốn lợi dưỡng, hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng; được lợi dưỡng, trở thành đắm say, phóng dật và bỏ rơi diệu pháp.
5. Ở đây, này các Hiền giả, có Tỷ-kheo trong khi sống nhàn tịnh không có tinh tấn, khởi lên ước muốn có lợi dưỡng. Vị ấy không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng. Do vị ấy không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn, lợi dưỡng không khởi lên. Vị ấy do không được lợi dưỡng, nên sầu muộn, than van, khóc lóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh. Ðây gọi là Tỷ-kheo sống ham muốn lợi dưỡng, không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng; không được lợi dưỡng, nên sầu muộn, than van và bỏ rơi diệu pháp.
6. Ở đây, này các Hiền giả, có Tỷ-kheo trong khi sống nhàn tịnh, không có tinh tấn, khởi lên ước muốn có lợi dưỡng. Vị ấy không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng. Dầu vị ấy không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng, lợi dưỡng khởi lên. Với lợi dưỡng ấy, vị ấy đắm say phóng dật, rơi vào trạng thái đắm say, phóng dật. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo sống ham muốn lợi dưỡng, không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng; được lợi dưỡng, bị đắm say, bị phóng dật và bỏ rơi diệu pháp.
7. Ở đây, này các Hiền giả, có Tỷ-kheo trong khi sống nhàn tịnh, không có tinh tấn, khởi lên ước muốn có lợi dưỡng. Vị ấy hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng. Dầu cho vị ấy hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng, lợi dưỡng không khởi lên. Vị ấy dầu không được lợi dưỡng, không sầu muộn, không than van, không khóc lóc, không đập ngực, không rơi vào bất tỉnh. Này các Hiền giả, đây gọi là Tỷ-kheo, sống ham muốn lợi dưỡng, hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng; không được lợi dưỡng, không sầu muộn, không than van, và không bỏ rơi diệu pháp.
8. Ở đây, này các Hiền giả, có Tỷ-kheo trong khi sống nhàn tịnh, không có tinh tấn, khởi lên ước muốn có lợi dưỡng, vị ấy hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng. Do vị ấy hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng, lợi dưỡng khởi lên. Với lợi dưỡng ấy, vị ấy không đắm say, không phóng dật, vị ấy không có rơi vào đắm say, phóng dật. Này các Hiền giả, đây gọi là Tỷ-kheo sống ham muốn lợi dưỡng, hăng hái, phấn chấn, tinh tấn để được lợi dưỡng; được lợi dưỡng, không đắm say, không phóng dật, không bỏ rơi diệu pháp.
9. Ở đây, này các Hiền giả, trong khi sống nhàn tịnh, không có tinh tấn, khởi lên ước muốn có lợi dưỡng. Vị ấy không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng. Do vị ấy không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn, lợi dưỡng không khởi lên. Vị ấy dầu không được lợi dưỡng, không sầu muộn, không than van, không khóc lóc, không đập ngực, không rơi vào bất tỉnh. Này các Hiền giả, đây gọi là Tỷ-kheo sống ước muốn lợi dưỡng, không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng; không được lợi dưỡng, không sầu muộn, không than van, không bỏ rơi diệu pháp.
10. Ở đây, này các Hiền giả, có Tỷ-kheo trong khi sống nhàn tịnh, không có tinh tấn, khởi lên ước muốn có lợi dưỡng. Vị ấy không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng. Dầu cho vị ấy không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng, lợi dưỡng khởi lên. Vị ấy, với lợi dưỡng ấy, không đắm say, không phóng dật, không rơi vào trạng thái đắm say phóng dật. Này các Hiền giả, đây gọi là Tỷ-kheo sống ham muốn lợi dưỡng, không hăng hái, không phấn chấn, không tinh tấn để được lợi dưỡng; được lợi dưỡng, không đắm say, không phóng dật, không bỏ rơi diệu pháp.
Này các Hiền giả, có tám hạng người này sống có mặt, hiện hữu ở đời.

(VIII) (78) Vừa Ðủ

1. Tại đấy, Tôn giả Sàriputta gọi các Tỷ-kheo:
– Này chư Hiền, thành tựu sáu pháp, Tỷ-kheo là vừa đủ cho tự mình, là vừa đủ cho các kẻ khác. Thế nào là sáu?
2. Ở đây, này các Hiền giả, Tỷ-kheo nhanh nhẹn nắm được ý nghĩa trong các thiện pháp; là người thọ trì những pháp đã được nghe; là người suy tư ý nghĩa các pháp đã được thọ trì; sau khi biết ý nghĩa, sau khi biết pháp, thực hành pháp và tùy pháp; giọng nói dễ nghe, phát âm tốt, lời nói tao nhã, phân minh, phát ngôn không bập bẹ, giải thích nghĩa lý minh xác; có khả năng thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các vị đồng Phạm hạnh. Thành tựu sáu pháp này, này các Hiền giả, Tỷ-kheo là vừa đủ cho tự mình, là vừa đủ cho các người khác.
3. Thành tựu năm pháp, này các Hiền giả, Tỷ-kheo là vừa đủ cho tự mình, là vừa đủ cho các người khác. Thế nào là năm?
4. Ở đây, này các Hiền giả, Tỷ-kheo không nhanh nhẹn nắm được ý nghĩa trong các thiện pháp; là người thọ trì các pháp được nghe; là người suy tư ý nghĩa các pháp đã được thọ trì; sau khi hiểu nghĩa; sau khi hiểu pháp, thực hành pháp và tùy pháp; giọng nói dễ nghe…; làm cho hoan hỷ các vị đồng Phạm hạnh.
Thành tựu năm pháp, này các Hiền giả, Tỷ-kheo là vừa đủ cho tự mình, là vừa đủ cho người khác.
5. Thành tựu bốn pháp, này các Hiền giả, Tỷ-kheo là vừa đủ cho tự mình, không vừa đủ cho các kẻ khác. Thế nào là bốn?
6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nhanh nhẹn, nắm được ý nghĩa trong các thiện pháp; là người thọ trì các pháp được nghe; là người suy tư ý nghĩa các pháp đã được thọ trì; sau khi hiểu nghĩa; sau khi hiểu pháp, thực hành pháp và tùy pháp; giọng nói không dễ nghe; phát âm không tốt, lời nói không tao nhã, không phân minh, phát ngôn bập bẹ, giải thích lý không minh xác; không có khả năng thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các vị đồng Phạm hạnh.
Thành tựu bốn pháp, này các Hiền giả, Tỷ-kheo là vừa đủ cho tự mình, không vừa đủ cho các kẻ khác.
7. Thành tựu bốn pháp, này các Hiền giả, Tỷ-kheo là vừa đủ cho các kẻ khác, không vừa đủ cho tự mình. Thế nào là bốn?
8. Ở đây, này các Hiền giả, Tỷ-kheo nhanh nhẹn nắm được ý nghĩa trong các thiện pháp; là người thọ trì các pháp đã được nghe; không là người suy tư ý nghĩa các pháp đã được thọ trì; không có sau khi hiểu nghĩa; sau khi hiểu pháp, thực hành pháp và tùy pháp; giọng nói dễ nghe; phát âm tốt, lời nói tao nhã, phân minh, phát minh không bập bẹ, giải thích lý minh xác; có khả năng thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các vị đồng Phạm hạnh.
Thành tựu bốn pháp này, này các Hiền giả, Tỷ-kheo là vừa đủ cho các người khác, không vừa đủ cho tự mình.
9. Thành tựu ba pháp, này các Hiền giả, Tỷ-kheo là vừa đủ cho tự mình, không vừa đủ cho kẻ khác. Thế nào là ba?
10. Ở đây, này các Hiền giả, Tỷ-kheo không nhanh nhẹn nắm được ý nghĩa trong các thiện pháp; là người thọ trì các pháp đã được nghe; là người suy tư ý nghĩa các pháp đã được thọ trì; sau khi hiểu nghĩa; sau khi hiểu pháp, thực hành pháp và tùy pháp; giọng nói không dễ nghe … giải thích nghĩa lý không minh xác; không có khả năng thuyết giảng… làm cho hoan hỷ các vị đồng Phạm hạnh.
Thành tựu ba pháp này, này các Hiền giả, Tỷ-kheo là vừa đủ cho tự mình, không vừa đủ cho các kẻ khác
11. Thành tựu ba pháp, này các Hiền giả, Tỷ-kheo là vừa đủ cho các kẻ khác, không vừa đủ cho tự mình. Thế nào là ba?
12. Ở đây, này các Hiền giả, Tỷ-kheo không nhanh nhẹn nắm được ý nghĩa trong các thiện pháp; là người thọ trì các pháp đã được nghe; không là người suy tư ý nghĩa các pháp đã được thọ trì; không là người sau khi hiểu nghĩa; sau khi hiểu pháp, thực hành pháp và tùy pháp; giọng nói dễ nghe … giải thích nghĩa lý minh xác; có khả năng thuyết giảng … làm cho hoan hỷ các vị đồng Phạm hạnh.
Thành tựu ba pháp này, này các Hiền giả, Tỷ-kheo là vừa đủ cho các kẻ khác, không vừa đủ cho tự mình.
13. Thành tựu hai pháp, này các Hiền giả, Tỷ-kheo là vừa đủ cho tự mình, không vừa đủ cho người khác. Thế nào là hai?
14. Ở đây, này các Hiền giả, Tỷ-kheo không nhanh nhẹn nắm được ý nghĩa trong các thiện pháp; không là người thọ trì các pháp đã được nghe; là người suy tư ý nghĩa các pháp đã được thọ trì; là người sau khi hiểu nghĩa; sau khi hiểu pháp, thực hành pháp và tùy pháp; giọng nói không dễ nghe … giải thích nghĩa lý không minh xác; không có khả năng thuyết giảng… làm cho hoan hỷ các vị đồng Phạm hạnh.
Thành tựu hai pháp này, này các Hiền giả, Tỷ-kheo là vừa đủ cho tự mình, không vừa đủ cho các người khác.
15. Thành tựu hai pháp, này các Hiền giả, Tỷ-kheo là vừa đủ cho các kẻ khác, không vừa đủ cho tự mình. Thế nào là hai?
16. Ở đây, này các Hiền giả, Tỷ-kheo không nhanh nhẹn nắm được ý nghĩa trong các thiện pháp; không là người thọ trì các pháp đã được nghe; không suy tư ý nghĩa các pháp đã được thọ trì; không là người sau khi hiểu nghĩa; sau khi hiểu pháp, thực hành pháp và tùy pháp; giọng nói dễ nghe, phát âm tốt, lời nói tao nhã, phân minh, phát ngôn không bập bẹ, giải thích nghĩa lý minh xác; có khả năng thuyết giảng pháp thoại, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các vị đồng Phạm hạnh.
Thành tựu hai pháp này, này các Hiền giả, Tỷ-kheo là vừa đủ cho người khác, không vừa đủ cho tự mình.

(IX) (79) Thối Ðọa

1. – Này các Tỷ-kheo, có tám pháp này đưa Tỷ-kheo hữu học đến thối đọa. Thế nào là tám?
2. Ưa thích công việc, ưa thích nói chuyện, ưa thích ngủ nghỉ, ưa thích hội chúng, không phòng hộ các căn, không tiết độ trong ăn uống, ưa thích giao thiệp, ưa thích hý luận.
Này các Tỷ-kheo, tám pháp này đưa Tỷ-kheo hữu học đến thối đọa.
3. Này các Tỷ-kheo, có tám pháp này đưa Tỷ-kheo hữu học đến không thối đọa. Thế nào là tám pháp?
4. Không ưa thích công việc, không ưa thích nói chuyện, không ưa thích ngủ nghỉ, không ưa thích hội chúng, các căn được phòng hộ, tiết độ trong ăn uống, không ưa thích giao thiệp, không ưa thích hý luận.
Này các Tỷ-kheo, có tám pháp này đưa Tỷ-kheo hữu học đến không thối đọa.
(X) (80) Tám Căn Cứ Ðể Biếng Nhác và Tinh Tấn
1. Này các Tỷ-kheo, có tám căn cứ này để biếng nhác. Thế nào là tám?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có việc phải làm, vị ấy nghĩ: “Có việc ta sẽ phải làm. Nhưng nếu ta làm, thời thân sẽ mệt mỏi, vậy ta hãy nằm xuống”. Vị ấy nằm xuống, không cố gắng tinh tấn để đạt được những gì chưa đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ biếng nhác thứ nhất.
3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có việc phải làm. Vị ấy suy nghĩ: “Có việc ta đã làm, do ta đã làm, thân bị mệt mỏi, vậy ta hãy nằm xuống”. Vị ấy nằm xuống, không cố gắng tinh tấn để đạt những gì chưa đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ biếng nhác thứ hai.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có con đường Tỷ-kheo cần phải đi. Vị ấy suy nghĩ: “Có con đường ta sẽ phải đi. Nếu ta đi, thời thân sẽ mệt mỏi, vậy ta hãy nằm xuống”. Vị ấy nằm xuống, không cố gắng… chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ biếng nhác thứ ba.
5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có con đường Tỷ-kheo đã đi. Vị ấy suy nghĩ: “Ta đã đi con đường. Do ta đã đi con đường, nên thân bị mệt mỏi, vậy ta hãy nằm xuống”. Vị ấy nằm xuống, không cố gắng… chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ biếng nhác thứ tư.
6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi khất thực trong làng hay trong thị trấn, không nhận được các đồ ăn loại thô hay tế, đầy đủ như ý muốn. Vị ấy suy nghĩ: “Ta đi khất thực trong làng hay trong thị trấn, không nhận được các đồ ăn loại thô hay tế, đầy đủ như ý muốn. Nay thân ta mệt mỏi, không có thể chịu đựng. Vậy ta hãy nằm xuống”. Vị ấy nằm xuống, không cố gắng… chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ biếng nhác thứ năm.
7. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi khất thực trong làng hay trong thị trấn, nhận được các đồ ăn loại thô hay tế, đầy đủ như ý muốn. Vị ấy suy nghĩ: “Ta đi khất thực trong làng hay trong thị trấn, nhận được các đồ ăn loại thô hay tế, đầy đủ như ý muốn. Nay thân ta nặng nề, không có thể chịu đựng, nặng nề như loại đậu bị ngâm nước. Vậy ta hãy nằm xuống”. Vị ấy nằm xuống, không cố gắng… chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ biếng nhác thứ sáu.
8. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo bị bệnh nhẹ. Vị ấy suy nghĩ: “Nay bệnh nhẹ này khởi lên nơi ta, có lý do để nằm xuống, vậy ta hãy nằm xuống”. Vị ấy nằm xuống, không cố gắng… chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ biếng nhác thứ bảy.
9. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đau bệnh mới khỏi, mới khỏi bệnh không bao lâu, vị ấy suy nghĩ: “Ta đau bệnh mới khỏi, mới khỏi bệnh không bao lâu, thân ta do bệnh bị yếu, không có thể chịu đựng, vậy ta hãy nằm xuống”. Vị ấy nằm xuống, không cố gắng… chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ biếng nhác thứ tám.
Này các Tỷ-kheo, đây là tám căn cứ biếng nhác.
10. Này các Tỷ-kheo, có tám căn cứ này để siêng năng. Thế nào là tám?
11. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có việc phải làm. Vị ấy nghĩ: “Có việc ta sẽ phải làm. Nếu ta làm việc, thời không dễ gì để ta tác ý đến lời dạy của các đức Phật. Vậy trước hết, ta bắt đầu tinh tấn, để đạt được những gì chưa đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ”. Vị ấy bắt đầu tinh tấn để đạt được những gì chưa đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ siêng năng thứ nhất.
12. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã làm một công việc. Vị ấy suy nghĩ: “Ta đã làm một công việc. Do ta làm công việc, ta đã không có thể tác ý đến lời dạy của các đức Phật. Vậy trước hết, ta bắt đầu tinh tấn, để đạt được những gì chưa đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ”. Vị ấy bắt đầu tinh tấn để đạt được… chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ siêng năng thứ hai.
13. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có con đường Tỷ-kheo cần phải đi. Vị ấy suy nghĩ: “Ta sẽ cần phải đi con đường. Do ta đi con đường, không dễ gì để ta tác ý đến lời dạy của các đức Phật. Vậy trước hết, ta bắt đầu tinh tấn … để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ”. Vị ấy bắt đầu tinh tấn để đạt được… chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ siêng năng thứ ba.
14. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã đi con đường. Vị ấy suy nghĩ: “Ta đã đi con đường. Do ta đi con đường, ta đã không có thể nghĩ đến lời dạy của các đức Phật. Vậy ta hãy bắt đầu tinh tấn… để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ”. Vị ấy bắt đầu tinh tấn để đạt được… chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ siêng năng thứ tư.
15. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi đi khất thực trong làng hay trong thị trấn, không nhận được các đồ ăn loại thô và loại tế đầy đủ như ý muốn. Vị ấy suy nghĩ: “Ta đi khất thực trong làng hay trong thị trấn, không nhận được các đồ ăn loại thô hay loại tế đầy đủ như ý muốn, thân ta (do vậy) được nhẹ nhàng, có thể chịu đựng. Vậy ta hãy bắt đầu tinh tấn… để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ”. Vị ấy bắt đầu tinh tấn để đạt được… chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ siêng năng thứ năm.
16. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi đi khất thực trong làng hay trong thị trấn, nhận được các đồ ăn loại thô và loại tế đầy đủ như ý muốn. Vị ấy suy nghĩ: “Ta đi khất thực trong làng hay trong thị trấn, nhận được các đồ ăn loại thô hay loại tế đầy đủ như ý muốn. Thân ta có sức mạnh, có thể chịu đựng. Vậy ta hãy bắt đầu tinh tấn… để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ”. Vị ấy bắt đầu tinh tấn … chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ siêng năng thứ sáu.
17. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo mới khỏi một bệnh nhẹ. Vị ấy suy nghĩ: “Bệnh nhẹ này khởi lên nơi ta. Sự kiện này có xảy ra: bệnh này có thể tăng trưởng nơi ta. Vậy trước hết, ta hãy bắt đầu tinh tấn… chưa chứng ngộ”. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ siêng năng thứ bảy.
18. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo mới khỏi bệnh, được khỏi bệnh không bao lâu, vị ấy suy nghĩ: “Ta mới khỏi bệnh, được khỏi bệnh không bao lâu. Sự kiện này có xảy ra: bệnh này của ta có thể trở lại. Vậy trước hết, ta hãy bắt đầu tinh tấn để đạt được những gì chưa đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ”. Vị ấy bắt đầu tinh tấn, để đạt được những gì chưa đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Này các Tỷ-kheo, đây là căn cứ siêng năng thứ tám.
Này các Tỷ-kheo, có tám căn cứ siêng năng này.

IX. Phẩm Niệm

(I) (81) Niệm

1. – Khi chánh niệm tỉnh giác không có, này các Tỷ-kheo, với người không có chánh niệm tỉnh giác, tàm quý đi đến hủy diệt. Khi tàm quý không có, này các Tỷ-kheo, với người thiếu tàm quý, chế ngự các căn đi đến hủy diệt. Khi chế ngự các căn không có, với người thiếu chế ngự các căn, giới đi đến hủy diệt. Khi giới không có, với người thiếu giới, chánh định đi đến hủy diệt. Khi chánh định không có, với người không có chánh định, tri kiến như thật đi đến hủy diệt. Khi tri kiến như thật không có, với người thiếu tri kiến như thật, nhàm chán, ly tham đi đến hủy diệt. Khi nhàm chán, ly tham không có, với người thiếu nhàm chán, ly tham, giải thoát tri kiến đi đến hủy diệt. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây không có cành và lá, các mầm non của cây ấy không đi đến thành mãn, vỏ cây, giác cây, lõi cây không đi đến thành mãn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi chánh niệm tỉnh giác không có, với người không có chánh niệm tỉnh giác tàm quý đi đến hủy diệt… giải thoát tri kiến đi đến hủy diệt.
2. Khi chánh niệm tỉnh giác có mặt, với người có chánh niệm tỉnh giác, tàm quý đi đến đầy đủ. Khi tàm quý có mặt, này các Tỷ-kheo, với người đầy đủ tàm quý, chế ngự các căn, đi đến đầy đủ. Khi chế ngự các căn có mặt, với người đầy đủ chế ngự các căn, giới đi đến đầy đủ. Khi giới có mặt, với người đầy đủ giới, chánh định đi đến đầy đủ. Khi chánh định có mặt, với người đầy đủ chánh định, tri kiến như thật đi đến đầy đủ. Khi tri kiến như thật có mặt, với người đầy đủ tri kiến như thật, thời nhàm chán, ly tham đi đến đầy đủ. Khi nhàm chán, ly tham có mặt, với người đầy đủ nhàm chán, ly tham, giải thoát tri kiến đi đến đầy đủ. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây có cành và lá, các mầm non và lõi cây đi đến thành mãn, vỏ cây, giác cây và lõi cây đi đến thành mãn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi chánh niệm tỉnh giác có mặt, với người đầy đủ chánh niệm tỉnh giác… giải thoát tri kiến đi đến đầy đủ.

(II) (82) Tôn Giả Punniya

1. Rồi Tôn giả Punniya đi đến Thế Tôn, sau khi đến… Ngồi xuống một bên, Tôn giả Punniya bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, có khi Thế Tôn thuyết pháp, có khi Thế Tôn không thuyết pháp?
2. – Này Punniya, Tỷ-kheo có lòng tin, không đi đến yết kiến, Thế Tôn không có thuyết pháp. Khi nào Tỷ-kheo có lòng tin và đi đến yết kiến, như vậy Thế Tôn có thuyết pháp. Này Punniya, Tỷ-kheo có lòng tin, có đi đến yết kiến, nhưng không có hầu hạ, có hầu hạ nhưng không hỏi… có hỏi nhưng không lóng tai… có lóng tai nghe pháp, nhưng nghe pháp không có thọ trì… nghe pháp có thọ trì nhưng không suy nghĩ đến ý nghĩa các pháp được thọ trì… có suy nghĩ các pháp được thọ trì, nhưng sau khi biết nghĩa, sau khi biết pháp, không thực hành pháp và tùy pháp. Thế Tôn không thuyết pháp. Khi nào, này Punniya, Tỷ-kheo có lòng tin , có đi đến yết kiến, có hầu hạ, có hỏi, có lóng tai nghe, có thọ trì pháp, có suy tư ý nghĩa các pháp được thọ trì, sau khi biết nghĩa, sau khi biết pháp, thực hành pháp và tùy pháp, như vậy, Như Lai có thuyết pháp.
Thành tựu những pháp này, này Punniya, nhất định Như Lai thuyết pháp.

(III) (83) Cội rễ Của Sự Vật

1. – Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo đến hỏi: “Thưa Hiền giả, tất cả pháp lấy gì làm căn bản? Tất cả pháp lấy gì làm sanh khởi? Tất cả pháp lấy gì làm tập khởi? Tất cả pháp lấy gì làm chỗ tụ hội? Tất cả pháp lấy gì làm thượng thủ? Tất cả pháp lấy gì làm tăng thượng? Tất cả pháp lấy gì làm tối thượng? Tất cả pháp lấy gì làm lõi cây?” Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy trả lời các du sĩ ngoại đạo ấy như thế nào?
2. – Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm lãnh đạo, lấy Thế Tôn làm chỗ nương tựa. Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết ý nghĩa lời nói này. Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.
– Vậy này các Tỷ-kheo, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
3. – Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo có hỏi như sau: “Thưa Hiền giả, tất cả pháp lấy gì làm căn bản? Tất cả pháp lấy gì làm sanh khỏi? Tất cả pháp lấy gì làm tập khởi? Tất cả pháp lấy gì làm chỗ tụ hội? Tất cả pháp lấy gì làm thượng thủ? Tất cả pháp lấy gì làm tăng thượng? Tất cả pháp lấy gì làm tối thượng? Tất cả pháp lấy gì làm lõi cây?” Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy trả lời như sau: “Này chư Hiền, các pháp lấy dục làm căn bản. Tất cả pháp lấy tác ý làm sanh khởi. Tất cả pháp lấy xúc làm tập khởi. Tất cả pháp lấy thọ làm chỗ tụ hội. Tất cả pháp lấy định làm thượng thủ. Tất cả pháp lấy niệm làm tăng thượng. Tất cả pháp lấy tuệ làm tối thượng. Tất cả pháp lấy giải thoát làm lõi cây”. Ðược hỏi như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như vậy.

(IV) (84) Ðại Ăn Trộm

1. – Thành tựu tám chi phần, này các Tỷ-kheo, người ăn trộm lớn mau chóng đi đến đường cùng, không tồn tại lâu dài. Thế nào là tám?
Ðập người không đập, lấy trộm không để lại cái gì, giết nữ nhân, hiếp dâm thiếu nữ, xâm phạm người xuất gia; xâm phạm ngân khố của vua; làm việc quá gần nhà, và không khéo cất giấu.
Thành tựu tám chi phần này, này các Tỷ-kheo, người ăn trộm lớn mau chóng đi đến đường cùng, không tồn tại lâu dài.
3. Thành tựu tám chi phần, này các Tỷ-kheo, người ăn trộm lớn không mau chóng đi đến đường cùng, tồn tại được lâu dài. Thế nào là tám?
4. Không đập người không đập, lấy trộm có để lại cái gì, không giết nữ nhân, không hiếp dâm thiếu nữ; không xâm phạm người xuất gia, không xâm phạm ngân khố của vua, không làm việc quá gần nhà, và khéo léo cất giấu.
Thành tựu tám chi phần này, này các Tỷ-kheo, một người ăn trộm không mau chóng đi đến đường cùng, tồn tại được lâu dài.

(V) (85) Người Sa Môn

1. – Sa-môn, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Bà-la-môn, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Bậc Chánh trí, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Dược sư là đồng nghĩa với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Bậc Ly cấu, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Bậc Có trí, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Bậc Giải thoát, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.
Sa-môn đạt được gì,
Phạm chí thành mãn gì,
Bậc Chánh trí đạt gì,
Bậc Dược sư vô thượng,
Bậc Ly cấu đạt gì.
Bậc Vô cấu thanh tịnh,
Bậc Trí đạt được gì,
Bậc Giải thoát vô thượng.
Trong chiến trận Ta thắng,
Giải thoát khỏi triền phược,
Voi tối thượng nhiếp phục,
Ta, vô học, tịch tịnh.

(VI) (86) Ðảnh Lễ

1. Một thời, Thế Tôn đang bộ hành giữa dân chúng Kosala với chúng Tỷ-kheo, đi đến một làng Bà-la-môn của dân chúng Kosala tên là Icchànangala. Tại đấy, Thế Tôn trú ở Icchànangala, tại khu rừng Icchànangala.
2. Các Bà-la-môn gia chủ trú ở Icchànangala được nghe: “Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Thích-ca, nay đã đến Icchànangala, trú ở Icchànangala, tại khu rừng Icchànangala, những tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Sa-môn Gotama: “Ngài là bậc Thế Tôn, A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn… Lành thay, nếu được yết kiến một bậc A-la-hán như vậy.” Rồi Bà-la-môn gia chủ sau khi đêm ấy đã mãn, đem theo rất nhiều đồ ăn loại cứng và loại mềm, đi đến Icchànangala, sau khi đến, đứng tại ngoài cửa nói lớn tiếng làm ồn ào.
3. Lúc bấy giờ, Tôn giả Nàgita là thị giả của Thế Tôn. Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Nàgita:
– Này Nàgita, những ai lớn tiếng, cao tiếng như những hàng cá, với đống cá lớn?
– Các người ấy, bạch Thế Tôn là các Bà-la-môn gia chủ ở Icchànangala đang đứng ở ngoài cổng vào, đem theo rất nhiều đồ ăn loại cứng và loại mềm cho Thế Tôn và chúng Tăng.
– Này Nàgita, Ta không có liên hệ gì với danh vọng, và danh vọng không có liên hệ gì với Ta. Này Nàgita, những ai tìm được có khó khăn, tìm được có mệt nhọc, tìm được có phí sức an ổn lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc mà Ta đã tìm được không khó khăn, tìm được không mệt nhọc, tìm được không phí sức, hãy để họ thọ hưởng lạc như phân, thụy miên lạc, lợi dưỡng, cung kính, danh văn lạc ấy.
– Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy chấp nhận! Thiện Thệ hãy chấp nhận. Bạch Thế Tôn, nay là thời Thế Tôn chấp nhận. Thế Tôn sẽ đi đến chỗ nào, tại chỗ ấy, các Bà-la-môn gia chủ ở thị trấn và ở quốc độ cũng sẽ đi đến với tâm hướng về Ngài. Ví như trời mưa nặng hạt, và nước mưa được chảy tùy theo chiều dốc. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn sẽ đi đến chỗ nào, tại chỗ ấy, các Bà-la-môn gia chủ ở tại thị trấn và quốc độ cũng sẽ đi đến, với tâm hướng về Ngài. Vì sao? Bạch Thế Tôn, do vì giới hạnh và trí tuệ của Thế Tôn.
– Này Nàgita, Ta không có liên hệ với danh vọng và danh vọng không có liên hệ gì với Ta. Này Nàgita, những ai tìm được có khó khăn, tìm được có mệt nhọc, tìm được có phí sức an lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc; còn Ta, Ta đã tìm được không khó khăn, tìm được không mệt nhọc, tìm được không phí sức, hãy để họ thọ hưởng lạc như phân, thụy miên lạc, lợi dưỡng, cung kính, danh văn lạc ấy. Này Nàgita, một số chư Thiên tìm được có khó khăn, tìm được có mệt nhọc, tìm được có phí sức an ổn lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc, mà Ta, Ta đã tìm được không có khó khăn, tìm được không có mệt nhọc, tìm được không có phí sức. Này Nàgita, khi nào các Thầy họp với nhau, tụ hội với nhau, sống an trú chú tâm trong nếp sống hội chúng, thời Ta suy nghĩ như sau: “Thật vậy, các Tôn giả này của Ta tìm được có khó khăn, tìm được có mệt nhọc, tìm được có phí sức an ổn lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc này; còn Ta, Ta đã tìm được không có phí sức an ổn lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc. Cho nên các Tôn giả của Ta mới họp với nhau, tụ hội với nhau, sống an trú chú tâm trong nếp sống hội chúng”.
4. Này Nàgita, khi nào Ta thấy các Tỷ-kheo, chơi giỡn lấy ngón tay đâm thọc nhau. Này Nàgita, Ta suy nghĩ như sau: “Thật vậy, các Tôn giả này của Ta tìm được có khó khăn, tìm được có mệt nhọc, tìm được có phí sức an ổ lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc; còn Ta, Ta đã tìm được… chánh giác lạc. Cho nên các Tôn giả của Ta mới chơi giỡn lấy ngón tay đâm thọc nhau”.
5. Ở đây, này Nàgita, khi Ta thấy các Tỷ-kheo sau khi ăn cho đến thỏa mãn, cho đến bụng có thể chứa được, rồi sống chú tâm vào lạc nằm xuống, lạc về xúc, lạc về ngủ, khi ấy, này Nàgita, Ta suy nghĩ như sau: “Thật sự, các Tôn giả này tìm được có khó khăn, tìm được có mệt nhọc, tìm được có phí sức an ổn lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc; còn Ta thời chứng được không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức an ổn lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc; vì rằng các Tôn giả này, sau khi ăn cho đến thỏa mãn, cho đến bụng có thể chứa được, rồi sống chú tâm vào lạc nằm xuống, lạc về xúc, lạc về ngủ”.
6. Ở đây, này Nàgita, khi ta thấy Tỷ-kheo trú ở cuối làng, đang ngồi Thiền định. Này Nàgita, rồi Ta suy nghĩ: “Nay người giữ khu vườn sẽ đến quấy rầy, hay một Sa-di sẽ làm vị ấy từ bỏ Thiền định”. Do vậy, này Nàgita, Ta không hoan hỷ Tỷ-kheo ấy trú ở cuối làng.
7. Ở đây, này Nàgita, Ta thấy một Tỷ-kheo trú ở rừng đang ngồi ngủ gục ở trong rừng. Này Nàgita, Ta suy nghĩ như sau: “Nay Tôn giả này khi đoạn trừ được buồn ngủ và mỏi mệt, sẽ tác ý đến tưởng về rừng và sống nhất tâm”. Do vậy, này Nàgita, Ta hoan hỷ với Tỷ-kheo ấy sống ở trong rừng.
8. Ở đây, này Nàgita. Ta thấy Tỷ-kheo sống ở rừng đang ngồi không Thiền định ở trong rừng. Này Nàgita, Ta suy nghĩ như sau: “Nay, vị Tôn giả này sẽ định tĩnh tâm chưa được Thiền định, và sẽ bảo vệ tâm đã được Thiền định”. Do vậy, này Nàgita, Ta hoan hỷ với Tỷ-kheo ấy sống ở trong rừng.
9. Ở đây, này Nàgita, Ta thấy Tỷ-kheo ngồi Thiền định ở trong rừng. Này Nàgita, Ta suy nghĩ như sau: “Nay Tôn giả này sẽ giải thoát tâm chưa được giải thoát hay sẽ bảo vệ tâm đã được giải thoát”. Do vậy, này Nàgita, Ta hoan hỷ với Tỷ-kheo sống ở trong rừng.
Khi nào, này Nàgita, Ta đi trên đường, không thấy một ai ở phía trước hay ở phía sau, này Nàgita, khi ấy, Ta cảm thấy sảng khoái cho đến vấn đề đại, tiểu tiện.

(VII) (87) Bình Bát

1. – Này các Tỷ-kheo, nếu muốn, chúng Tăng có thể lật úp bình bát của một nam cư sĩ thành tựu tám pháp. Thế nào là tám?
2. Cố gắng đem lại thiệt hại cho các Tỷ-kheo, cố gắng đem lại bất lợi cho các Tỷ-kheo, cố gắng đuổi các Tỷ-kheo không cho trú ở, mắng nhiếc chỉ trích các Tỷ-kheo, làm ly gián giữa các Tỷ-kheo, hủy báng Phật, hủy báng Pháp, hủy báng Tăng.
Này các Tỷ-kheo, nếu muốn, chúng Tăng có thể lật úp bình bát của một cư sĩ thành tựu tám pháp này.
3. Này các Tỷ-kheo, nếu muốn, chúng Tăng có thể lật ngửa bình bát của một nam cư sĩ thành tựu tám pháp. Thế nào là tám?
4. Không cố gắng đem lại thiệt hại cho các Tỷ-kheo, không cố gắng đem lại bất lợi cho các Tỷ-kheo, cho trú ở, không cố gắng đuổi các Tỷ-kheo, không mắng nhiếc chỉ trích các Tỷ-kheo, không làm ly gián giữa các Tỷ-kheo, tán thán Phật, tán thán Pháp, tán thán chúng Tăng.
Này các Tỷ-kheo, nếu muốn, chúng Tăng có thể lật ngửa bình bát của một nam cư sĩ thành tựu tám pháp này.
(VIII) (88) Phản Ðối
1. – Ðối với nam cư sĩ thành tựu tám pháp, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo muốn, có thể nói lời phản đối. Thế nào là tám?
2. Cố gắng đem lại thiệt hại cho các gia chủ, cố gắng đem lại bất lợi cho các gia chủ, nhiếc mắng chỉ trích các gia chủ, làm ly gián giữa các gia chủ, hủy báng Phật, hủy báng Pháp, phỉ báng chúng Tăng, thấy người ấy tại các chỗ không xứng đáng.
Ðối với nam cư sĩ thành tựu tám pháp, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo muốn, có thể nói lời phản đối.
3. Ðối với nam cư sĩ thành tựu tám pháp, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo muốn, có thể nói lời tùy thuận. Thế nào là tám?
4. Không cố gắng đem lại thiệt hại cho các gia chủ, không cố gắng đem lại bất lợi cho các gia chủ, không nhiếc mắng chỉ trích các gia chủ, không làm ly gián giữa các gia chủ, tán thán Phật, tán thán Pháp, tán thán chúng Tăng, thấy người ấy tại các chỗ xứng đáng.
Ðối với nam cư sĩ thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo muốn, có thể nói lời tùy thuận.

(IX) (89) Buộc Tội

1. – Ðối với Tỷ-kheo thành tựu tám pháp, này các Tỷ-kheo, nếu chúng Tăng muốn, chúng Tăng có thể làm Yết-ma buộc tội. Thế nào là tám?
2. Cố gắng đem lại thiệt hại cho các gia chủ, cố gắng đem lại bất lợi cho các gia chủ, làm ly gián giữa các gia chủ, hủy báng Phật, hủy báng Pháp, hủy báng chúng Tăng, không thực hiện lời hứa đúng pháp cho các gia chủ.
Ðối với Tỷ-kheo thành tựu tám pháp, này các Tỷ-kheo, nếu chúng Tăng muốn, chúng Tăng có thể làm Yết-ma buộc tội.
3. Ðối với Tỷ-kheo thành tựu tám pháp, này các Tỷ-kheo, nếu chúng Tăng muốn, chúng Tăng có thể giải tỏa buộc tội Yết-ma. Thế nào là tám?
4. Không cố gắng đem lại thiệt hại cho các gia chủ, không cố gắng đem lại bất lợi cho các gia chủ, không cố gắng ly gián giữa các gia chủ, không hủy báng Phật, không hủy báng Pháp, không hủy báng chúng Tăng, thực hiện lời hứa đúng Pháp cho các gia chủ.
Ðối với Tỷ-kheo thành tựu tám pháp, này các Tỷ-kheo, nếu chúng Tăng muốn, chúng Tăng có thể giải tỏa buộc tội Yết-ma.

(X) (90) Hành Xử Ðúng Pháp

1. – Này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo đã bị hành tìm tội Yết-ma, cần phải chơn chánh hành xử với vị ấy, theo tám pháp: Không cho pháp truyền đại giới, không cho vị ấy y chỉ, không cho Sa-di hầu hạ, không cho phép được nói gì với Tỷ-kheo dầu đã chấp nhận, không cho phép giáo giới các Tỷ-kheo-ni, không được hưởng các quyết định của Tăng chúng, không được đặt trong một vị trí đặc biệt nào, không được phép trở lại vị trí cũ bởi bất cứ lý do nào.
Này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo đã bị hành tìm tội Yết-ma, cần phải chơn chánh hành xử với vị ấy theo tám pháp này.
(X) (90b) Một Số Nữ Cư Sĩ
Bojjhà, Sirimà, Padumà, Sudhanà, Manujà, Uttarà, Muttà, Khemà, Somà Rùpì, Cundì Bimbì, Sumanà, Mallikà, Tissà, mẹ của Tissà, Sonà, mẹ của Cunda Sonà, Kànà, mẹ của Kànà, Uttarà, mẹ của Nandà, Visàkhà, mẹ của Migàra, nữ cư sĩ Khujjuttarà và Sàmavatì, Suppavàsà, người thiếu nữ Koliya, nữ cư sĩ Suppiyà, nữ gia chủ mẹ của Nakula.

X. Tham Ái

(I) (1) Thắng Tri Tham Ái (1)

1. – Này các Tỷ-kheo, muốn thắng tri tham ái, tám pháp cần phải tu tập. Thế nào là tám?
2. Chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Này các Tỷ-kheo, muốn thắng tri tham ái, tám pháp này cần phải tu tập.

(II) (2) Thắng Tri Tham Ái (2)

1. – Này các Tỷ-kheo, muốn thắng tri tham ái, tám pháp cần phải tu tập. Thế nào là tám?
2. Một vị quán tưởng nội sắc, thấy các ngoại sắc có hạn lượng, đẹp xấu. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”. Ðó là thắng xứ thứ nhất.
3. Một vị quán tưởng nội sắc, thấy các loại ngoại sắc không có hạn lượng, đẹp xấu. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”. Ðó là thắng xứ thứ hai.
4. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc có hạn lượng, đẹp xấu. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”. Ðó là thắng xứ thứ ba.
5. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc vô lượng, đẹp xấu. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”. Ðó là thắng xứ thứ tư.
6. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu xanh, sắc màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”. Ðó là thắng xứ thứ năm.
7. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu vàng, tướng sắc vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”. Ðó là thắng xứ thứ sáu.
8. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu đỏ, tướng sắc đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”. Ðó là thắng xứ thứ bảy.
9. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”. Ðó là thắng xứ thứ tám.
Này các Tỷ-kheo, muốn thắng tri tham ái, tám pháp này cần phải tu tập.

(III) (3) Thắng Tri Tham Ái (3)

1. – Này các Tỷ-kheo, muốn thắng tri tham ái, tám pháp này cần phải tu tập. Thế nào là tám?
2. Tự mình có sắc, thấy các sắc, quán tưởng nội sắc là vô sắc, thấy các ngoại sắc; chú tâm trên suy tưởng (sắc là) tịnh. Vượt khỏi hoàn toàn sắc tưởng, diệt trừ các tưởng hữu đối, không tác ý đến những khác biệt với suy tư “hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ, với suy tư “Thức là vô biên”, chứng và trú Thức vô biên xứ. Vượt khỏi hoàn toàn Thức vô biên xứ, với suy tư “không có vật gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ. Vượt khỏi hoàn toàn Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vượt khỏi hoàn toàn Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng.
Này các Tỷ-kheo, muốn thắng tri tham ái, tám pháp này cần phải tu tập.

(IV) (4) Tham Ái

– Muốn liễu tri tham ái… muốn tận diệt tham ái… muốn đoạn tận tham ái… muốn trừ diệt tham ái… muốn hủy diệt tham ái… muốn ly tham tham ái… muốn đoạn diệt tham ái… muốn trừ khử tham ái… muốn từ bỏ tham ái, tám pháp này cần phải tu tập.

(V) (5) Các Pháp Khác

– Ðối với sân… đối với si… đối với phẫn nộ… đối với hiềm hận… đối với giả dối… đối với não hại… đối với tật đố… đối với xan lẫn… đối với man trá… đối với phản bội… đối với ngoan cố…. đối với bồng bột nông nổi… đối với mạn… đối với tăng thượng mạn… đối với đắm say… Muốn thắng tri phóng dật… muốn liễu tri… muốn diệt tận… muốn đoạn tận… muốn trừ diệt… muốn hủy diệt… muốn ly tham… muốn đoạn diệt… muốn trừ khử… muốn xóa bỏ phóng dật, tám pháp này cần phải tu tập.

Source link

Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.

Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả  Tâm học.

Hits: 155

Post Views: 870