(Anenjasappāya sutta)
Dịch giả: Thích Minh Châu
(Download file MP3 – 2.32 MB – Thời gian phát: 13 phút 29 giây.)
Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.
Font chữ:
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Kuru (Câu-lâu). Kammassadhamma (Kiềm-ma-sắt-đàm) là thị trấn của dân chúng Kuru. Tại đấy Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”. — “Thưa vâng, bạch Thế Tôn”. Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
— Này các Tỷ-kheo, các dục là vô thường, trống rỗng, giả dối, thuộc ngu si tánh. Này các Tỷ-kheo, đây là lời chào xáo của kẻ ngu xây dựng trên giả dối. Các dục hiện tại, và các dục tương lai, các dục tưởng hiện tại và các dục tưởng tương lai, cả hai đều thuộc lãnh vực của ma, là cảnh giới của ma, là chỗ dinh dưỡng của ma, là chỗ ăn uống của ma.
Bất động
Ở đây, các ác bất thiện ý này dẫn đến tham dục, sân hận, khích động, và chính những pháp ấy tác thành chướng ngại ở đây cho Thánh đệ tử học tập. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Các dục hiện tại và các dục tương lai… cho Thánh đệ tử học tập. Vậy ta hãy an trú với tâm quảng đại, đại hành, sau khi chiến thắng thế giới, sau khi xác định vị trí của ý. Khi ta an trú với tâm quảng đại, đại hành chiến thắng thế giới, xác định vị trí của ý, các ác bất thiện ý: tham dục, sân hận, khích động sẽ không khởi lên; với các pháp ấy được đoạn trừ, tâm của ta không trở thành hạn hẹp, trái lại thành vô lượng, khéo tu tập”. Trong khi ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trở thành an tịnh trong giới xứ (của nó). Với tâm an tịnh, vị ấy thành tựu bất động ngay hiện tại hay thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, thức diễn tiến (samvattanikam vinnanam) có thể tùy theo đây đạt đến Bất động. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là đệ nhất hành đạo về lợi ích Bất động”.
Lại nữa này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Những dục hiện tại và những dục tương lai, những dục tưởng hiện tại, và những dục tưởng tương lai, phàm bất cứ sắc pháp gì, là bốn đại chủng và sắc do bốn đại tạo thành”. Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trở thành an tịnh trong giới xứ (của nó). Với tâm an tịnh, vị ấy thành tựu Bất động ngay trong hiện tại hay thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, thức diễn tiến ấy có thể tùy theo đây đạt đến Bất động. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là đệ nhị hành đạo về lợi ích Bất động.
Lại nữa này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Những dục hiện tại và những dục tương lai, những dục tưởng hiện tại và những dục tưởng tương lai, những sắc pháp hiện tại và những sắc pháp tương lai, những sắc tưởng hiện tại và những sắc tưởng tương lai, cả hai đều vô thường. Cái gì vô thường thời không đáng để được hoan hỷ, không đáng để được hoan nghênh, không đáng để được chấp trước”. Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trí trở thành an tịnh trong giới xứ (của nó). Với tâm an tịnh, vị ấy thành tựu Bất động ngay trong hiện tại hay thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, thức diễn tiến ấy có thể tùy theo đây đạt đến Bất động. Như vậy, này các Tỷ-kheo được gọi là đệ tam hành đạo về lợi ích Bất động.
Vô hữu xứ
Lại nữa này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Những dục hiện tại… và những sắc tưởng tương lai, và những bất động tưởng, tất cả tưởng, chỗ nào các tưởng ấy được đoạn diệt không có dư tàn, như vậy là tịch tịnh, như vậy là thù diệu, tức là vô sở hữu”. Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trí trở thành an tịnh trong giới xứ (của nó). Với tâm an tịnh, vị ấy thành tựu Vô sở hữu xứ ngay trong hiện tại hay thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, thức diễn tiến ấy có thể tùy theo đây đạt đến Vô sở hữu xứ. Như vậy, này các Tỷ-kheo được gọi là đệ nhất hành đạo về lợi ích Vô sở hữu xứ.
Lại nữa này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử đi đến khu rừng hay đi đến dưới gốc cây và suy nghĩ như sau: “Trống không là tự ngã hay ngã này sở hữu”. Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trí trở thành an tịnh trong giới xứ (của nó). Với tâm an tịnh, vị ấy thành tựu Vô sở hữu xứ ngay trong hiện tại hay thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, thức diễn tiến ấy có thể tùy theo đây đạt đến Vô sở hữu xứ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là đệ nhị hành đạo về lợi ích Vô sở hữu xứ.
Lại nữa này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Ta không có bất cứ chỗ nào, cho ai và trong hình thức nào, và sở thuộc của ta không có bất cứ chỗ nào, cho ai và trong hình thức nào”. Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trí trở thành an tịnh trong trú xứ (của nó). Với tâm an tịnh, vị ấy thành tựu Vô sở hữu xứ trong hiện tại hay thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, thức diễn tiến ấy có thể tùy theo đây đạt đến Vô sở hữu xứ. Như vậy, này các Tỷ-kheo được gọi là đệ tam hành đạo về lợi ích Vô sở hữu xứ.
Phi tưởng, phi phi tưởng xứ
Và lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Những dục hiện tại.. và những sắc tưởng và những Bất động tưởng, và những Vô sở hữu xứ tưởng, tất cả các tưởng, chỗ nào các tưởng ấy được đoạn diệt không có dư tàn, như vậy là tịch tịnh, như vậy là thù diệu, tức là Phi tưởng phi phi tưởng xứ”. Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trí trở thành an tịnh trong trú xứ (của nó) . Với tâm an tịnh vị ấy có thể thành tựu Phi tưởng phi phi tưởng xứ ngay trong hiện tại, hoặc thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, thức diễn tiến ấy có thể tùy theo đây đạt đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là hành đạo về lợi ích Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Niết-bàn
Khi được nói như vậy, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
— Ở đây, bạch Thế Tôn, vị Tỷ-kheo hành trì như vậy và suy nghĩ: “Nếu trước không có như vậy, thời có thể không là của ta; nếu nay không có như vậy thời có thể sẽ không là của ta. Ta đoạn trừ những gì hiện có và những gì đã có”. Và như vậy vị ấy được xả. Bạch Thế Tôn, môt vị Tỷ-kheo như vậy có chứng được cứu cánh Niết-bàn không?
— Ở đây, này Ananda, một số Tỷ-kheo có thể chứng được cứu cánh Niết-bàn, và ở đây, một số Tỷ-kheo có thể không chứng được cứu cánh Niết-bàn.
— Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây, một số Tỷ-kheo có thể chứng được cứu cánh Niết-bàn, và ở đây, một số Tỷ-kheo có thể không chứng được cứu cánh Niết-bàn?
— Ở đây, này Ananda, một Tỷ-kheo hành trì như vậy và suy nghĩ: “Nếu trước không có như vậy thời có thể không là của ta. Nếu nay không có như vậy, thời có thể sẽ không là của ta. Ta đoạn trừ những gì hiện có và những gì đã có”. Và như vậy vị ấy được xả. Vị ấy hoan hỷ trong xả ấy, hoan nghênh, chấp trước xả ấy. Do vị ấy hoan hỷ trong xả ấy, hoan nghênh, chấp trước xả ấy, thức lệ thuộc xả ấy và thủ trước xả ấy. Có thủ trước, này Ananda, vị Tỷ-kheo không chứng cứu cánh Niết-bàn.
— Bạch Thế Tôn, vị Tỷ-kheo ấy thủ trước là thủ trước chỗ nào?
— Này Ananda, Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
— Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo ấy thủ trước, thủ trước như vậy là thủ trước tối thượng?
— Này Ananda, Vị Tỷ-kheo ấy thủ trước, thủ trước như vậy là thủ trước tối thượng. Này Ananda, đây là thủ trước tối thượng, tức là Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo hành trì như vậy và suy nghĩ: “Nếu (trước) không có như vậy thời có thể không là của ta. Nếu (nay) không có như vậy, thời có thể không là của ta. Ta đoạn trừ những gì hiện có và những gì đã có”. Như vậy, vị ấy được xả, vị ấy không hoan hỷ trong xả ấy, không hoan nghênh, không chấp trước xả ấy. Do vị ấy không hoan hỷ trong xả ấy, không hoan nghênh, không thủ trước xả ấy, thức không lệ thuộc xả ấy và không thủ trước xả ấy. Không thủ trước, này Ananda, vị Tỷ-kheo chứng cứu cánh Niết-bàn.
— Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Chính mười y cứ sự này sự kia, bạch Thế Tôn, sự vượt thoát dòng nước mạnh đã được Thế Tôn nói lên. Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là Thánh giải thoát?
— Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Những dục hiện tại và những dục tương lai, những dục tưởng hiện tại và những dục tưởng tương lai, những sắc pháp hiện tại và những sắc pháp tương lai, những Bất động tưởng, những Vô sở hữu xứ tưởng, và những Phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng, cái gì thuộc tự thân, là tự thân. Ðây là bất tử tức là tâm giải thoát không thủ trước”. Này Ananda, đây là đạo lộ về lợi ích Bất động được Ta thuyết giảng, đạo lộ về lợi ích Vô sở hữu xứ được Ta thuyết giảng, đạo lộ về lợi ích Phi tưởng phi phi tưởng xứ được Ta thuyết giảng, là sự vượt qua dòng nước mạnh do y cứ sự này sự kia được Ta thuyết giảng, Thánh giải thoát được Ta thuyết giảng.
Những gì, này Ananda, vị Ðạo sư cần phải làm, vì lòng từ mẫn mưu tìm hạnh phúc cho các đệ tử, những điều ấy đã được Ta làm, vì lòng từ mẫn của Ta đối với Ông. Này Ananda, đây là những gốc cây, đây là những khoảng trống. Hãy tu Thiền, này Ananda, chớ có phóng dật, chớ có hối hận về sau. Ðây là lời dạy của Ta cho Ông.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Ananda hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
Trung Bộ Kinh – Bài Kinh số 106
Kinh Bất Động Lợi Ích
(Ànanjasappàyasuttam)
– Discourse On Beneficial Imperturbability –
I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
Ghi Chú:
(1) Trong bản dịch Việt ngữ, Đại Tạng Kinh Việt Nam, 1992, đoạn thứ ba (kể từ đầu kinh ghi rằng):
“Ở đây, các ác, bất thiện ý này dẫn đến tham dục, sân hận, khích động và chính những pháp ấy tác thành chướng ngại trong việc tu tập của các đệ tử của các bậc Thánh… “
(2) Đoạn 4 của bản dịch Việt ngữ (ibid) ghi:
“Lại nữa, này các Tỷ kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: ‘Những dục hiện tại và những dục tương lai, những dục tưởng hiện tại và những dục tưởng tương lai, phàm bất cứ sắc pháp gì, là bốn đại chủng và sắc do do bốn đại chủng tạo thành’…” Viết đúng là:
“Lại nữa này các Tỷ kheo, vị đệ tử của bậc Thánh suy nghĩ như sau: ‘ những dục hiện tại và những dục tương lai, những dục tưởng hiện tại và những dục tưởng tương lai, và bất cứ sắc pháp gì đều là sắc pháp bao gồm bốn đại chủng và những gì do bốn đại chủng tạo thành ‘… “
(3) Phần giữa của đọan ba ghi:
“… Vậy ta hãy an trú với tâm quảng đại, đại hành, chiến thắng thế giới, sau khi xác định vị trí của ý…”
Viết đúng là:
“… Vậy ta hãy an trú với tâm quảng đại, đại hành, chiến thắng thế giới, với quyết định tâm…”
(4) Trang 102, Trung III, Đại tạng Kinh VN, 1992, ghi:
“Tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn: ‘Bạch Thế Tôn, ở đây vị Tỷ kheo hành trì như vậy và suy nghĩ: ‘Nếu (trước) không có như vậy, thời có thể không là của ta; nếu (nay) không có như vậy thời có thể sẽ không là của ta. Ta đoạn trừ những gì hiện có và những gì đã có’ . Và như vậy vị ấy được xả. Bạch Thế Tôn, một vị Tỷ kheo như vậy có chứng được cứu cánh Niết bàn không?”
Viết đúng (và sát nghĩa) nguyên bản là:
“… Tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn; ‘Bạch Thế Tôn, ở đây vị Tỷ kheo hành trì như vậy và suy nghĩ: ‘Nếu nó đã không hiện hữu, nó đã không là của ta; nếu nay nó không hiện hữu, nó không là của ta’; ta nay đoạn trừ những gì đang có và những gì đã có’ – như vậy vị Tỷ kheo chứng đắc xả. Bạch Thế Tôn, vị Tỷ kheo nầy có đắc được Niết bàn tối hậu không?”
II. NỘI DUNG KINH
1. Một thời Thế Tôn ở thị trấn Kammassadhamma thuộc dân Kuru đã giảng dạy cho các Tỷ kheo về sự hư đối, nguy hiểm của dục lạc (sensual pleasures); dục lạc thuộc ma giới cần được loại bỏ để thành tựu các lợi ích giải thoái.
2. Dục lạc trong hiện tại, tương lai, các dục tưởng hiện tại và tương lai là pháp chướng ngại. Để loại bỏ chướng ngại nầy, vị Tỷ kheo cần làm sinh khởi và an trú vào các tâm vô lượng, tâm Sắc và vô sắc (tâm đại hành) để thành tựu tâm bất động trong hiện tại chìm sâu vào trí tuệ; vị Tỷ kheo cần thiền quán đối tượng của dục là các sắc, do Tứ đại và các sắc do Tứ đại sanh, khởi lên, an trú trong tâm thanh tịnh của thấy biết nầy; thiền quán các dục và các sắc (đối tượng của dục) là vô thường không đáng để ham muốn, chấp trước. Đó là ba hành đạo về “lợi ích bất động”
3. Vị Tỷ kheo cần thiền quán các dục, dục tưởng hiện tại và tương lai và cả bất động tưởng (thành tựu các pháp hành trên) nếu được đoạn diệt thì tâm liền an tịnh, thành tựu đệ nhất hành đạo về lợi ích vô sở hữu xứ.
4. Vị Tỷ kheo thiền quán: “Ngã và ngã sở là trống không”; đây là đệ nhị hànhđạo về lợi ích vô sở hữu xứ.
5. Vị Tỷ kheo thiền quán: “Ngã và ngã sở không có mặt bất cứ ở đâu, dưới hình thức nào”. Đây là đệ tam hành đạo về lợi ích Vô sở hữu xứ.
6. Vị Tỷ kheo thiền quán: Các dục, dục tưởng, Bất động tưởng, Sắc tưởng, tất cả các tưởng được đoạn diệt thì tâm tịch tịnh, thù diệu của Phi tưởng, phi phi tưởng xứ. Đây là hành đạo về lợi ích Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
7. Vị Tỷ kheo “đoạn trừ những gì đang có và đã có” sẽ đắc được xả. Nếu vị ấy hoan hỷ trong xả ấy, thủ trước xả ấy, thủ trước phi tưởng phi phi tưởng xứ, thì sẽ không thể đắc được Niết bàn tối hậu. Nếu không thủ trước xả ấy, thì sẽ đắc Niết bàn tối hậu.
III. BÀN THÊM
1. Dục lạc, hay ngũ dục lạc là đối tượng trói buộc tâm con người mãnh liệt nhất. Do dục tưởng mà lòng dục ngày càng mạnh, các dục lạc càng trói buộc mạnh mẽ hơn. Lòng dục và đối tượng của dục (sắc, thinh, hương, vị, xúc) trở nên như lẽ sống và sự thật của sự sống con người. Do dục mà nuôi dưỡng, phát triển tham, sân. Bản chất của dục là si muội, nên dục tưởng nuôi dưỡng và phát triển mạnh tham, sân, si (cội nguồn của các ác pháp, bất thiện pháp) và là chướng ngại lớn nhất của công phu tu tập giải thoát.
2. Bước giải thoát đầu tiên là đối đầu với dục lạc, dục tưởng và đoạn trừ chúng. Khi dục tưởng được cắt đứt thì tâm an tịnh, bất động có mặt, thiền quán được phát triển: cái thấy biết về sự thật duyên sinh, hữu vi, vô thường của các thứ sắc pháp và của dục tưởng được an lập, phát triển: trí tuệ được phát huy.
3. Phát triển mạnh thiền quán ấy, phát triển mạnh cái thấy biết rằng: Ngã và ngã sở không thực có, là trống rỗng, thì tâm sẽ vào giải thoát bất động của Vô sở hữu xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ. Tại đây, nếu hành giả hoàn toàn xả ly, không chấp thủ vào cảm thọ xả, vào tri kiến ấy thì sẽ thể nhập Chánh trí, đắc Niết bàn tối hậu.
Như vậy, ở đây Niết bàn là đồng nghĩa với Thủ diệt, Thọ diệt, Tưởng diệt hay ngũ thủ uẩn diệt. Nó cũng đồng nghĩa với Ái diệt.
4. Bản kinh 106 giới thiệu đích điểm, hay tinh yếu của công phu giải thoát. Tại đây, sắc thái đặc thù của giáo lý Phật giáo cũng hiện rõ. Vấn đề còn lại duy nhất của hành giả là quyết tâm đoạn dục, đoạn trừ chấp trước ngã và ngã sở.
Tìm hiểu Kinh tạng Nikaya – Tâm học là cuốn sách Online giới thiệu về bộ kinh Nikaya , các bản dịch và chú giải được Tâm Học soạn từ các nguồn đáng tín cậy trên mạng internet.
Tuy nhiên đây vẫn là sách chỉ có giá trị tham khảo , mang tính chủ quan của tác giả Tâm học.
Hits: 63