Skip to content
We'll be happy to help. Call Us Today: +1800-222-9876

Chuỗi tài liệu về thiền được tác giả Tâm Học sưu tầm từ nhiều nguồn ( đạo Phật và ngoại đạo) . Bài viết xem tốt nhất trên máy tính có độ phân giải trên fullHD và màn hình 14 inch trở lên .

Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, để hiểu rõ hơn về cách thiền, chúng ta phải tìm hiểu thiền là gì, nguồn gốc và truyền thống của thiền. 

Vậy thiền là gì? Thiền có nghĩa là quán chiếu về một đối tượng. Tức là lấy sự vật nào đó làm đối tượng, và nhìn vào nó.
Thứ hai là đến, tiếp xúc, nhận xét rất gần đối tượng đó, và đối tượng đó thuộc về thế giới hiện tượng. Thứ ba là loại trừ. Trong thiền tập, chúng ta có chủ tâm loại trừ những chất liệu, những yếu tố nó làm cho con người khổ đau, đen tối, mờ ám, bất an.
Nghĩa thứ tư, trong thiền tập tâm ý của chúng ta được định lại trên một đối tượng. Nhờ định lực đó mà chúng ta có sức mạnh, và với sức mạnh đó chúng ta đốt cháy được những phiền não.

Thiền là gì ? ( Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Tại sao phải tu Thiền?

Tại sao phải tu Thiền?

GN – Hành thiền không dễ. Nó đòi hỏi thời gian và nghị lực. Nó cũng đòi hỏi sự kiên định, kỷ luật và đam mê. Nó đòi hỏi nhiều cá tính mà chúng ta thường xem là khó chịu và tránh né chúng bất cứ khi nào có thể. Ta có thể tóm tắt rằng thiền đòi hỏi một tinh thần dám nghĩ, dám làm.

Không thể phủ nhận là ngồi xem truyền hình thì dễ hơn nhiều. Vậy tại sao ta phải quan tâm đến thiền? Tại sao phải lãng phí thời gian và năng lượng, khi ta có thể đi ra ngoài tận hưởng mọi thú vui. Tại sao? Rất đơn giản. Vì chúng ta là con người. Và cũng chính vì sự thật đơn giản: bạn là con người; bạn cảm thấy mình phải đón nhận bao thất vọng, khổ đau trong cuộc sống mà không thể làm chúng biến mất đi. Bạn có thể đẩy nó khỏi sự chú tâm của mình trong một khoảng thời gian nào đó; bạn có thể tìm quên lãng trong bao nhiêu tiếng đồng hồ nào đó, nhưng chúng luôn trở lại – thường vào những lúc bạn không ngờ nhất.

Bỗng nhiên, tựa như trên trời rớt xuống, bạn sẽ ngồi dậy, nhẩm tính lại, và nhận thức về hoàn cảnh thực sự của mình trong cuộc đời. Có điều gì không ổn với bạn? Bạn túng thiếu? Bạn sợ hãi? Bạn làm gì cũng thất bại. Bạn chỉ là một chúng sanh. Bạn phải hứng chịu cùng loại bệnh truyền nhiễm với mọi chúng sanh. Đó là con quỷ bên trong tất cả chúng ta, và nó có nhiều bộ mặt với nhiều cánh tay: sự căng thẳng triền miên, thiếu sự cảm thông đối với người, cũng như bản thân (kể cả những người gần gũi với bạn nhất), đè nén cảm xúc, giết mòn tâm hồn. Không có ai trong chúng ta hoàn toàn thoát khỏi chúng. Ta chạy trốn chúng. Ta xây cả một nền văn hóa để che giấu chúng, giả vờ là chúng không có mặt, và vùi đầu vào các dự án, mục tiêu, lo lắng về chỗ đứng của mình trong xã hội. Nhưng chúng không bao giờ mất đi. Chúng là luồng sóng ngầm dưới mọi suy tưởng, là tiếng nói thầm thì trong đầu không ngừng, “Chưa tốt đủ. Chưa đâu. Cần phải có nhiều hơn. Tốt hơn. Cần phải tốt hơn”. Đấy là con quỷ. Con quỷ có mặt ở khắp nơi dưới nhiều hình thức thô, tế vô tận.

Nhưng bản chất trải nghiệm của ta thì thay đổi. Thay đổi không ngừng nghỉ. Cuộc sống trôi qua trong từng khoảnh khắc, và không bao giờ giống nhau. Sự biến đổi không ngừng là bản chất của vũ trụ giác quan. Một tư tưởng vừa khởi lên trong đầu, nửa giây sau nó biến mất. Rồi một tư tưởng khác đến, sau đó cũng qua đi. Một âm thanh chạm đến tai, rồi im lặng. Mở mắt ra và cả thế giới ùa vào, chớp mắt, chúng lại biến mất. Người đến rồi đi qua cuộc đời bạn. Bạn bè xa rời, người thân ra đi. Vận may của bạn trồi sụt. Đôi khi bạn thắng, và cũng nhiều khi, bạn thua. Nó không ngừng như thế: thay đổi, thay đổi, thay đổi; không hai giây phút nào giống nhau.

Không có gì sai với điều đó. Biến đổi là bản chất của vũ trụ. Nhưng văn hóa nhân loại đã dạy chúng ta những cách phản ứng kỳ lạ đối với dòng chảy không dừng dứt này. Chúng ta phân loại kinh nghiệm. Chúng ta cố dán nhãn mọi suy tưởng, mọi thay đổi tâm lý trong dòng chảy vô tận này, bằng một trong ba khung trạng thái: tốt, xấu hay trung tính, không đáng để tâm đến. Sau đó, tùy theo cái khung đã chọn, chúng ta cảm nhận sự việc bằng một số phản ứng tâm lý quen thuộc. Nếu điều gì được cho là “tốt”, ta sẽ cố nắm giữ ngay tại đó. Ta bám vào đó, nắm chặt, ôm cứng, cố không để nó thoát khỏi ta. Khi điều gì đó không xảy ra theo như ý, ta lại bằng mọi cách cố lặp lại với hy vọng nó sẽ xảy ra theo như ý.

Hãy gọi thói quen tâm lý này là “chấp”. Ở phía bên kia của tâm là cái khung được dán nhãn “xấu”. Khi ta xem điều gì đó là “xấu” thì ta cố đẩy nó ra xa. Ta cố chối bỏ, chống báng, chỉnh sửa nó. Ta cố hủy bỏ nó bằng mọi cách có thể. Ta tranh đấu chống lại ngay cả trải nghiệm bản thân của mình. Ta chạy trốn những gì thuộc về ta.

Hãy gọi thói quen tâm lý đó là “tẩy chay”. Giữa hai phản ứng này là cái khung có nhãn dán “trung tính”. Chúng ta bỏ vào khung đó các trải nghiệm không tốt, không xấu. Chúng trung tính, nhạt nhẽo, bàng bạc. Chúng ta dồn các trải nghiệm vào khung trung tính này để bỏ lơ chúng, để quay về lại nơi nhộn nhịp, nơi của hành động, được gọi là vòng vô tận của ái và sân. Như thế khung của các trải nghiệm “trung tính” không được ta quan tâm đủ.

Hãy gọi thói quen tâm lý này là “thờ ơ”. Kết quả trực tiếp của tất cả những thứ điên cuồng này là một cuộc chạy đua không có đích đến, dồn dập chạy theo dục lạc, trốn chạy không dừng nghỉ khỏi khổ, và không dừng bỏ qua bao trải nghiệm của mình. Rồi ta lại hỏi sao cuộc sống vô vị. Kết luận là cách sống đó thất bại. Dầu bạn có cố gắng chạy đuổi theo dục lạc, tiếng tăm khó nhọc đến thế nào, cũng có nhiều lúc bạn không thành công. Dầu bạn có đào tẩu nhanh tới đâu, cũng có nhiều lúc khổ đau bắt kịp bạn.

Và giữa những khoảng thời gian ấy, cuộc sống trở nên nhàm chán đến độ bạn có thể hét lên. Tâm bạn đầy các quan điểm và phê phán. Bạn xây các bức tường quanh mình và bị kẹt trong nhà tù của chính cái thích và không thích của mình. Bạn đau khổ. Bạn  không thể có được mọi thứ mình muốn. Điều đó bất khả thi.

May mắn thay, bạn có sự lựa chọn khác. Bạn có thể học cách kiểm soát tâm, để thoát ra khỏi cái vòng quay vô tận của tham và sân. Bạn có thể tập không muốn những gì bạn thường muốn, để nhận ra các ham muốn nhưng không để chúng làm chủ mình. Điều đó không có nghĩa là bạn sẽ nằm xuống để mọi người có thể dẫm đạp lên. Điều đó có nghĩa là bạn tiếp tục sống bình thường, nhưng sống với một quan điểm hoàn toàn mới. Bạn làm những điều cần làm, nhưng không để hấp lực của chính các ái dục của mình sai khiến, làm chủ mình. Dầu có muốn điều gì đó, bạn cũng không chạy đuổi theo nó. Có sợ điều gì đó, bạn cũng không cần phải đứng run rẩy.

Sự huân tập tâm linh này rất khó. Đòi hỏi thời gian. Nhưng cố gắng để làm chủ mọi thứ là điều không thể; khó khăn đến độ không thể. Bạn không thể thay đổi triệt để cách sống của mình, trừ khi bạn bắt đầu thấy mình đúng như bạn đang là. Lúc đó, những sự chuyển đổi sẽ tự nhiên đến. Bạn không cần phải ép buộc, đấu tranh với bất cứ điều gì, hoặc tuân theo mệnh lệnh của ai đó có thẩm quyền. Sự thay đổi tự động xảy ra; và bạn thay đổi.

Nhưng để đạt được cái thấy ban đầu đó là một việc khá vất vả. Bạn phải biết mình là ai, như thế nào mà không ảo tưởng, phê phán, hay có sự chống đối nào. Bạn phải xem lại vị thế của mình trong xã hội và chức năng của mình với tư cách là thành viên trong xã hội. Bạn phải xét đến các bổn phận và nghĩa vụ của mình đối với đồng loại, nhưng trên hết là bổn phận đối với bản thân với tư cách là một cá nhân sống cùng với các cá nhân khác. Và cuối cùng, bạn phải thấy tất cả rất rõ ràng là một đơn vị duy nhất, một tổng hợp của sự tương quan liên hệ không thể giảm thiểu.

Nói thì có vẻ phức tạp, nhưng nó có thể xảy ra tức tốc. Sự vun bồi tâm linh qua hành thiền là vượt bậc trong việc giúp bạn đạt được sự hiểu biết và hạnh phúc bình an đó. Thiền được gọi là Đại sư phụ (Great Master). Nó là lò lửa thanh lọc tâm, hoạt động chậm nhưng chắc, qua trí tuệ. Bạn càng có hiểu biết, bạn càng kham nhẫn, uyển chuyển, từ bi. Bạn trở thành những cha mẹ, hay các bậc thầy lý tưởng. Bạn luôn sẵn sàng tha thứ và quên lãng. Bạn cảm thấy dễ cảm thông với người vì bạn hiểu họ, và bạn hiểu họ vì bạn hiểu bản thân mình. Bạn đã quay nhìn vào tận bên trong, đã thấy sự tự ảo tưởng và những sa ngã, yếu kém của con người, để học thương yêu và tha thứ. Khi bạn đã biết thương mình, từ bi với mình, thì lòng thương cảm cho người khác sẽ tự động có mặt.

Một vị chứng thiền đã đạt được sự hiểu biết về cuộc sống thấu đáo. Vị đó liên hệ với thế giới bằng một tình yêu thương sâu đậm, không phê phán. Thiền rất giống như sự vun xới, khai vỡ một mảnh đất mới. Để biến rừng thành đồng bằng, trước tiên ta phải đốn cây, dời gốc. Sau đó phải xới đất, bón phân, gieo giống, và thu hoạch. Để vun trồng tâm, trước tiên ta phải dọn sạch những ô uế trên đường – nhổ tận gốc rễ để chúng không mọc trở lại. Sau đó bón phân: ta dồn năng lượng và kỷ luật vào mảnh đất tâm. Sau đó gieo giống, và thu hoạch sản phẩm của tín, giới, niệm và tuệ.

Mục đích của hành thiền là sự chuyển hóa bản thân. Cái “tôi” trước khi đi vào trải nghiệm thiền không giống với cái “tôi” sau đó. Thiền chuyển hóa cá tính của ta bằng quá trình tạo sự nhạy cảm, bằng cách khiến ta ý thức sâu xa đến ý nghĩ, lời nói và hành động của bản thân. Ngã mạn sẽ bay hơi, sự kỳ thị người khác sẽ cạn kiệt. Cuộc sống của ta sẽ bằng phẳng hơn. Vì vậy, thiền, nếu hành cho đúng, chuẩn bị cho ta đối mặt với những sự vô thường trong cuộc sống. Nó làm giảm căng thẳng, lo âu và sợ hãi. Trạo cử tiêu giảm, đam mê trở nên chừng mực. Mọi thứ bắt đầu có chỗ đứng, và cuộc sống của ta trở nên nhuần nhuyễn, thay vì là đấu tranh. Tất cả những điều này xảy ra là nhờ có trí tuệ.

Bhante Gunaratana
Diệu Liên Lý Thu Linh
(chuyển ngữ theo Why Bother With Meditation?)

Bhante Henepola Gunaratana, người Sri Lanka, là một Trưởng lão thuộc truyền thống Phật giáo Nguyên thủy. Sau khi qua Mỹ năm 1968, Sư lấy bằng tiến sĩ về Triết học ở Đại học American tại Washington D.C. Sư đã qua các nước châu Âu, châu Á, Úc và Nam Mỹ để hướng dẫn nhiều khóa tu thiền. 

Nguồn : giacngo.vn

Youtube : Tại sao chúng ta phải ngồi thiền – HT Thích Thanh Từ

 

Hits: 48

Website chia sẻ kiến thức , những tâm đắc về đạo Phật , cổ nhân xưa của 1 cá nhân ( không phải tổ chức , chùa ) . Mọi ý kiến đóng góp, khiếu nại xin gửi về hòm thư [email protected] . Điều khoản , nội quy

Wiki Tâm Học
Copyright 2020 @ Thiết kế bởi DragonKnightMT