Skip to content
We'll be happy to help. Call Us Today: +1800-222-9876

Lời Phật dạy là một tiểu mục trong chuyên mục Phật học của báo Giác Ngộ. Tiểu mục này được xây dựng từ năm 2003, bằng cách trích tuyển nguyên văn hoặc một phân đoạn của những kinh thuộc Trường Bộ, Trung Bộ, Tăng Chi Bộ, Tương Ưng Bộ và Tiểu Bộ (Kinh tạng Nikàya) đồng thời kèm theo phần Lời bàn ngắn gọn, súc tích và thiết thực.

Nội dung Kinh tạng Nikàya bao hàm nền tảng căn bản giáo lý Phật đà, rất thiết thân, gần gũi, dễ hiểu và dễ ứng dụng thực hành. Trong những năm qua, Lời Phật dạy đã lần lượt giới thiệu đến độc giả rất nhiều pháp thoại với nhiều đề tài khác nhau. Từ những giáo lý căn bản như Tam quy, Ngũ giới cho đến Tứ đế, Duyên khởi, Vô ngã; từ những phương thức xây dựng đời sống gia đình an vui hạnh phúc cho hàng Phật tử tại gia đến các phương pháp tu tập chuyển hóa phiền não nhằm thành tựu các Thánh vị cho hàng đệ tử xuất gia v.v… đều được Lời Phật dạy chuyển tải đến bạn đọc.

Với khuôn khổ nhỏ hẹp của trang báo, chắc chắn rằng nội dung của Lời Phật dạy chưa thể hiện được hết đầy đủ yếu nghĩa của Kinh tạng. Tuy vậy, với sự tìm tòi rất công phu trong Kinh tạng đồ sộ, trích tuyển kinh văn phù hợp với các nội dung tu tập của từng thời điểm trong năm cùng với cước chú chi tiết nguồn gốc mỗi bản kinh và nhất là phần Lời bàn giản dị mà sâu sắc của tác giả đã giúp cho tiểu mục Lời Phật dạy được đông đảo bạn đọc quan tâm, ủng hộ.

Nay, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập và thể nghiệm lời Phật dạy của bạn đọc, tác giả tiểu mục Lời Phật dạy tập hợp các bài viết đã đăng báo theo từng chủ đề và in thành sách Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya (tập I, II và III). Thiết nghĩ, tập sách này là hành trang cần yếu cho những ai quan tâm nghiên tầm, học tập những tinh hoa mà Đức Phật đã dạy. Với những giá trị tư tưởng, văn bản học nguyên thủy và cổ xưa nhất của Kinh tạng Nikàya, hy vọng độc giả sẽ được gội nhuần trong phạm âm vi diệu của Thế Tôn, thuở Ngài còn tại thế.

Trân trọng giới thiệu sách Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya (tập I, II & III) đến với bạn đọc xa gần.

 

Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ

Hòa thượng THÍCH TRÍ QUẢNG

 

Slide 1 Heading
Lorem ipsum dolor sit amet consectetur adipiscing elit dolor
Click Here
Slide 2 Heading
Lorem ipsum dolor sit amet consectetur adipiscing elit dolor
Click Here
Slide 3 Heading
Lorem ipsum dolor sit amet consectetur adipiscing elit dolor
Click Here
Slide Heading
Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.
Click Here
Previous
Next

Lời Phật dạy trong kinh Nikaya – XIII.Ăn uống và sức khỏe

Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya



Tập II

ĂN UỐNG & SỨC KHỎE

1.ĂN NHIỀU KHÔNG TỐT CHO SỨC KHỎE
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi. Lúc bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosala thường ăn những bữa ăn thịnh soạn. Rồi vua Pasenadi sau khi ăn xong, no đủ, thỏa thích, đi đến đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên.

Thế Tôn sau khi biết vua Pasenadi đã ăn xong, no đủ, thỏa thích, ngay lúc ấy liền nói bài kệ: Con người thường chánh niệm/Được ăn, biết phải chăng/Chừng mực, cảm thọ mạnh/Già chậm, tuổi thọ dài.

Lúc ấy, vua Pasenadi liền gọi thanh niên Bà la môn Sudassana đang đứng hầu sau lưng:

Này bạn, hãy học thuộc lòng bài kệ từ Thế Tôn, và trong khi dọn ăn cho ta hãy đọc lên bài kệ ấy, ta sẽ cấp thường nhật cho bạn một trăm đồng tiền vàng.

Thanh niên Sudassana vâng lời vua, học thuộc lòng bài kệ và mỗi khi dọn cơm cho nhà vua thường đọc lên bài kệ này.

Rồi vua Pasenadi tuần tự ăn uống hạn chế, cho đến chỉ ăn nhiều nhất là một nàlika. Sau một thời gian, thân thể nhà vua trở nên khỏe mạnh, tự xoa bóp chân tay và nói lên lời cảm hứng như sau: Ôi, thật sự Thế Tôn đã thương tưởng nghĩ đến lợi ích cho ta, cả hai đời hiện tại và vị lai!

(ĐTKVN (), Tương Ưng Bộ I, chương 3, phẩm 2, phần Đại thực, VNCPHVN (*) ấn hành, 1993, tr.186)

LỜI BÀN:

Ăn uống hàng ngày là cách tốt nhất để chuyển các dưỡng chất từ bên ngoài vào nuôi dưỡng và phát triển cơ thể, phục hồi sức lực. Tuy nhiên, nếu không biết tiết độ và chọn lựa thực phẩm phù hợp thì ăn uống lại là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh tật. Vì thế, từ rất xa xưa “bệnh tùng khẩu nhập” là một kinh nghiệm,kiến thức phổ thông về ăn uống cho mọi người.

Ngày nay, những bệnh tật có liên quan mật thiết đến việc ăn uống thiếu tiết độ như bệnh béo phì đang trở thành chứng nan y, là nguy cơ về sức khỏe và tuổi thọ cho xã hội, nhất là tại những quốc gia phát triển. Ăn uống quá nhiều cộng với việc ít vận động làm cho cơ thể tăng cân nhanh chóng đồng thời phát sinh nhiều tật bệnh rất khó chữa trị.

Vì thế, với tuệ giác của Thế Tôn, Ngài chỉ cho phép hàng đệ tử xuất gia ăn mỗi ngày một bữa đồng thời rèn luyện thân thể bằng cách đi bộ khất thực hàng ngày. Với chế độ ăn uống và thể dục hợp lý cộng với việc nỗ lực rèn luyện tinh thần bằng thiền định, những người đệ tử Phật dễ dàng phát triển trí tuệ, đạt được Thánh quả.

Truyền thống ăn chay của Phật giáo, ngoài việc nuôi dưỡng và phát triển tâm từ bi còn là liệu pháp dinh dưỡng rất có lợi cho sức khỏe, nhất là phương diện bổ dưỡng và tinh khiết. Khoa học về dinh dưỡng và trị liệu đã chứng minh cụ thể điều ấy. Ứng dụng và thực hành theo lời dạy của Thế Tôn, hiện nay vấn đề ăn chay và đi bộ đang trở thành thời thượng, được áp dụng rộng rãi khắp thế giới, đặc biệt ở Hoa Kỳ và các nước Tây phương.

Ở nước ta, tuy bệnh béo phì do ăn uống quá độ chưa trở thành vấn nạn của xã hội nhưng dấu hiệu của vấn đề đã xuất hiện ở các đô thị, đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em, thiếu nhi và một bộ phận nam giới (uống nhiều rượu bia). Noi gương vua Pasenadi, những người con Phật phải biết kham nhẫn, tiết độ và chừng mực trong ăn uống, thực hành ăn chay để thân thể được gọn gàng, tráng kiện đồng thời giúp cho tinh thần sáng suốt, minh mẫn. Đó cũng là cách tốt nhất để phát triển từ tâm, nâng cao tuổi thọ, giảm thiểu bệnh tật và là phương châm sống theo lời Phật dạy.L

(*) Đại tạng kinh Việt Nam

(**) Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

2.NĂM PHÁP LÀM GIA TĂNG TUỔI THỌ

Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Đại Lâm. Rồi Thế Tôn vào buổi chiều, từ thiền định đứng dậy, đi đến thăm một Tỷ kheo bị bệnh, sau đó bảo các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có năm pháp không gia tăng tuổi thọ. Thế nào là năm? Làm việc không thích đáng, không biết vừa phải trong việc thích đáng, ăn các đồ không tiêu hóa, du hành phi thời và sống không phạm hạnh. Năm pháp này, này các Tỷ kheo, không gia tăng tuổi thọ.

Nhưng này các Tỷ kheo, có năm pháp gia làm gia tăng tuổi thọ. Thế nào là năm? Làm việc thích đáng, biết vừa phải trong việc thích đáng, ăn các đồ ăn tiêu hóa, du hành phải thời và sống phạm hạnh. Năm pháp này, này các Tỷ kheo, làm gia tăng tuổi thọ.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Bệnh, phần Tuổi thọ, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.543)

LỜI BÀN:

Sống lành mạnh, ăn uống điều độ, làm việc chừng mực và giữ cho tâm hồn thanh thản là xu hướng chung của con người trong đời sống hiện đại nhằm sống lâu và khỏe mạnh. Bởi sự đầy đủ tiện nghi vật chất cùng với nhịp sống công nghiệp tất bật và giải trí đa dạng của đời sống hiện đại vẫn chưa đủ để phục vụ cho sức khỏe con người, đôi khi còn có tác dụng ngược lại.

Những căn bệnh hiểm nghèo như béo phì, tim mạch, rối loạn tâm lý… thường được gọi là bệnh “người giàu” rất phổ biến. Một trong những nguyên nhân góp phần gia tăng tai nạn giao thông là do ăn uống vô độ dẫn đến mất tự chủ. Đại dịch của thế kỷ, bệnh AIDS, nỗi kinh hoàng của mọi người đa phần xuất phát từ sự buông thả, quan hệ bừa bãi, phóng túng.

Để gia tăng tuổi thọ, theo tuệ giác của Thế Tôn, con người cần xây dựng và tuân thủ năm điều kiện trong đời sống. Đó là: có công việc phù hợp và lương thiện; làm việc chừng mực, biết nghỉ ngơi; ăn uống điều độ, dinh dưỡng; đi lại trong điều kiện thời tiết tốt và sau cùng là giữ gìn đạo đức và nhân cách, không rơi vào đam mê, sa đọa và trụy lạc.

Năm điều kiện trên dù được tuyên thuyết từ rất xa xưa nhưng thiết nghĩ vẫn là những chuẩn mực rất cơ bản để đem lại sức khỏe và sống thọ cho con người trong thời văn minh, hiện đại. Xây dựng một nếp sống lành mạnh, thân và tâm luôn bình ổn và nhẹ nhàng là một trong những liệu pháp hiệu quả nhất để giữ gìn sức khỏe.

Sống thọ và khỏe mạnh là một phước báo, là mơ ước của mọi người. Đừng để hối tiếc khi còn chưa quá muộn, đừng phí phạm sức khỏe và mạng sống vì một khi đã mất đi không bao giờ lấy lại được. Hãy sống và thực hành lời Phật dạy để có một đời sống an vui, khỏe mạnh và trường thọ.L

LỢI ÍCH CỦA KINH HÀNH

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có năm lợi ích của kinh hành. Thế nào là năm?

Kham nhẫn được đường trường; kham nhẫn được tinh cần; ít bệnh tật; đưa đến tiêu hóa tốt đẹp các thức ăn, thức uống; định chứng được trong khi kinh hành tồn tại lâu dài. Những pháp này, này các Tỷ kheo, là năm lợi ích của kinh hành.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Năm phần, phần Kinh hành, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.346)

LỜI BÀN:

Kinh hành hay thiền hành là một pháp tu quan trọng, được ứng dụng rộng rãi, phổ cập cho hàng đệ tử Phật. Không phân biệt tông phái, trình độ, căn cơ, bất kỳ đối tượng nào cũng có thể hành trì và gặt hái được kết quả, lợi ích thiết thực.

Kinh hành là đi bộ, đi dạo hoặc tản bộ trong trạng thái thân tâm chánh niệm. Đi nhưng không nhằm mục đích đến mà đi để “trở về”. Trở về với chánh niệm đương tại, rũ bỏ những âu lo, sầu muộn của quá khứ đồng thời buông xả những dự định, toan tính cho tương lai. Kinh hành là đi trong thảnh thơi, an lạc với mỗi bước đi của mình.

Nếu đi bộ mà không chánh niệm thì không phải kinh hành, song vẫn thu được nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ngày nay, đi bộ trở thành một môn thể thao đại chúng, là liệu pháp tích cực và dễ thực hành nhất nhằm nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật, nhất là những bệnh hiểm nghèo do đời sống hiện đại gây ra.

Thực tập kinh hành đều đặn trong cuộc sống hàng ngày, ngoài việc phục hồi và nâng cao sức khỏe, còn tạo ra hiệu ứng phấn chấn tinh thần, tâm tư thanh thản, tĩnh lặng. Lợi ích thiết thực nhất của kinh hành là sự kham nhẫn, siêng năng, nhẫn nại đối với công việc, đặc biệt là tăng cường khả năng chịu đựng đối với áp lực ngày càng cao của cuộc sống hiện đại. Mặt khác, kinh hành giúp điều hòa cơ thể, bền bỉ và dẻo dai, tăng cường chức năng tuần hoàn, tiêu hóa v.v… Đặc biệt, kinh hành giúp ổn định tinh thần, dễ dàng duy trì chánh niệm, phát huy và tập trung định lực cao độ, làm cơ sở cho việc thành tựu trí tuệ, giải thoát.

Với các lợi ích của kinh hành như lời Phật đã dạy, người Phật tử cần ứng dụng và thực tập kinh hành trong đời sống hàng ngày. Cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn nếu con người biết ứng dụng kinh hành để có được sự khỏe mạnh và an ổn tinh thần.L

TRĂM NĂM TRONG CÕI NGƯỜI TA

Một thời, Thế Tôn ở Ràjagaha, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Ở đấy, Thế Tôn dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, ngắn ngủi thay là tuổi thọ loài người ở đời này, rồi phải đi trong tương lai. Hãy làm điều lành. Hãy sống phạm hạnh. Không có gì sinh ra lại không bị tử vong. Này các Tỷ kheo, người sống lâu chỉ có một trăm năm, hoặc ít hơn, hoặc nhiều hơn.

Loài người thọ mạng ngắn/Người lành phải lo âu/Như cháy đầu, hãy sống/Tử vong rồi phải đến/Ngày đêm có trôi qua/Thọ mạng có chấm dứt/Mạng người phải khô cạn/ Như suối nhỏ đầu non.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 4, phẩm 1, phần Tuổi thọ [lược], VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.241)

LỜI BÀN:

Trăm năm trong cõi người ta tuy có tới ba vạn sáu ngàn ngày nhưng thật là ngắn ngủi. Càng ngắn ngủi hơn vì mấy ai sống tới trăm năm. Vô thường sẽ lần lượt đến với mọi người mà không bao giờ hẹn trước. Do vậy, phải ý thức sâu sắc về thọ mạng, về sự tồn tại ngắn ngủi của kiếp người để xây dựng đời sống thật tốt đẹp và có ý nghĩa nhất.

Hãy đứng lên làm lại đời mình, làm đẹp cho cuộc đời. Hãy tha thứ và yêu thương, rũ bỏ tất cả niềm đau và thù hận. Thời gian rất quý giá, lại trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ. Đừng để một mai lực bất tòng tâm, đừng để bao ý niệm tốt đẹp phải theo mình về nơi đất lạnh. Mỗi ngày đi qua đời mình như con lừa đang trên đường dẫn đến lò sát sinh thì có vui gì khi cố níu kéo những ngọn cỏ bên vệ đường. Vì mạng người mong manh, nên phải làm điều lành, phải sống phạm hạnh.

Sở dĩ người ta tranh chấp, giành giật, đấu đá nhau chí tử một mất một còn vì không ý thức được sự thật của thân phận kiếp người. Cứ tưởng rằng thế lực, sức mạnh của mình là trường cửu nên chẳng bao giờ biết nhường nhịn, chia sẻ trong tinh thần đôi bên cùng lợi ích mà cứ lo tranh đoạt, thâu tóm cho riêng mình. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến xung đột, tàn hại và giết chóc lẫn nhau, gây biết bao đau khổ cho nhân loại.

Một đời người mấy ai sống tới trăm năm, tuy thời gian ấy không phải là dài nhưng cũng đủ cho ta chiêm nghiệm về những giá trị sống. Rốt cuộc thì trọng tâm của đời sống này là gì, phải chăng chỉ là hưởng thụ, tranh giành và chiếm đoạt? Chỉ cần một ngày giác ngộ được Chánh pháp, biết sống và làm đẹp cuộc đời, biết yêu thương, tha thứ và bao dung, biết nhận lãnh trách nhiệm về những nghiệp nhân đã gây tạo… thì dẫu vô thường, kiếp người tạm bợ nhưng cuộc đời này vẫn đẹp và đáng sống.

Vì thế, ý thức về vô thường, quán chiếu về thọ mạng ngắn ngủi, sự sống mong manh không phải là thái độ bi quan, tiêu cực mà ngược lại chính điều đó giúp chúng ta sống có ích hơn, không lãng phí cuộc đời, biết quý trọng sức khỏe, biết tận dụng thời gian quý báu để tu tập, làm tất cả những việc lành có thể để giúp mình và giúp người.L

5.THÂN BỆNH NHƯNG TÂM KHÔNG BỆNH

Một thời, Thế Tôn sống giữa dân chúng Bhayga, rừng Bhesaka, vườn Nai. Rồi gia chủ Nakulapità đi đến đảnh lễ bạch Thế Tôn:

Bạch Thế Tôn, con đã già, tuổi đã lớn, thân bệnh hoạn, luôn ốm đau, mong Thế Tôn hãy giảng dạy cho con để con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.

Này gia chủ, thật sự là như vậy, thân của gia chủ là bệnh hoạn, là ốm đau, bị ô nhiễm che đậy. Này gia chủ, ai mang cái thân này, lại tự cho là không bệnh, dầu chỉ trong một phút; người ấy phải là người thiếu trí!

Do vậy, này gia chủ, cần phải học tập như sau: Dầu cho thân tôi có bệnh, tâm sẽ không bị bệnh. Như vậy, này gia chủ, đây là điều gia chủ cần phải học tập.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ III, chương 1, phẩm Nakulapità, phần Nakulapità, Nxb Tôn Giáo, 2000, tr.9)

LỜI BÀN:

Con người sống trên đời quý nhất là sức khỏe, bởi có sức khỏe là có tất cả. Thế nhưng, trừ một vài trường hợp hi hữu đầy đủ phước báo về sức khỏe, chẳng biết ốm đau và thuốc thang là gì, còn lại hầu hết mọi người đều mang trong mình nhiều bệnh tật. Bệnh hoạn, ốm đau, già yếu là thuộc tính của đời sống con người, là quy luật của sự sống, là thân phận của chúng sinh.

Đã bệnh tất nhiên phải khổ, nỗi khổ càng được nhân lên khi về già. Già yếu và bệnh tật đã và đang gặm nhấm sự sống con người. Nỗi khổ này là một sự thật mà tự thân mỗi người đều chứng nghiệm được và chẳng ai tránh khỏi. Vậy thì người con Phật phải làm gì để vượt qua thân phận sinh lão bệnh tử?

Theo tuệ giác của Thế Tôn, trước hết phải nhận ra già bệnh của thân là một sự thật, là bản chất của tấm thân tứ đại này. Hình hài, thân thể chỉ là trạm trung chuyển, điểm dừng tạm thời của bốn yếu tố đất, nước, gió và lửa vốn luân lưu bất tận. Bốn đại điều hòa tạm gọi là khỏe, không điều hòa gọi là bệnh, nhưng mấy khi bốn đại thực sự điều hòa. Nhận ra sự thật về già bệnh của thân có tính tất yếu để chấp nhận và thiết thân với nó là điều rất quan trọng. Đây là một tuệ giác.

Nhưng khổ đau lớn nhất của con người không phải do già bệnh mà do chấp thủ thân này là tôi, là của tôi và tự ngã của tôi. Thực ra, chẳng có gì trong bốn đại và năm uẩn này đích thực là tôi cả. Vì không phải là tự ngã nên ta không thể bắt bốn đại vận hành theo mong muốn riêng mình. Ta khát khao được khỏe mạnh, trường thọ trong khi bốn đại cứ lạnh lùng vận hành theo hướng già chết. Phải quán sát để thấy rõ ràng không chỉ thân thể mà cả cảm thọ, tri giác, tư duy và nhận thức không có chủ thể, không phải là tôi. Nhờ thấy rõ như vậy, khi năm uẩn thay đổi, biến hoại, mục nát thì người con Phật vẫn thản nhiên, không sầu bi khổ ưu não.

Đây chính là tuệ giác lớn mà Thế Tôn đã huấn thị cho gia chủ Nakulapità thực tập để vượt thoát khổ đau già bệnh và cũng chính là điều mọi người con Phật phải thực hành nhằm đạt đến bình an, bởi sự thật là “dầu cho thân tôi có bệnh, tâm sẽ không bị bệnh”.L

6.ĂN ĐÚNG GIỜ CÓ NĂM LỢI ÍCH

Một thời, Thế Tôn trú ở Kimbilà, tại Veluvana dạy các Tỷ kheo:

Có năm lợi ích này, này các Tỷ kheo, trong gia đình ăn cơm đúng thời. Thế nào là năm?

Đối với chư Thiên, lãnh thọ các vật cúng dường đúng thời; đối với các Sa môn từ bỏ ăn phi thời, cúng dường đúng thời; đối với khách đến thăm, mời cơm đúng thời; những người phục vụ, làm công được thoải mái; các món ăn, khi ăn đúng thời có đầy đủ chất bổ dưỡng.

Có năm lợi ích này, này các Tỷ kheo, trong gia đình ăn cơm đúng thời.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Du hành dài, phần Bữa ăn, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.728)

LỜI BÀN:

Ngày xưa, mỗi bữa ăn thường ngày, dù đạm bạc hay thịnh soạn, người xưa luôn cẩn trọng nhớ nghĩ đến cúng dường, mời thỉnh chứ không phải ngồi vào bàn là ăn như chúng ta bây giờ. Bày cơm ra, trước thành tâm cúng dường lên chư Thiên, thánh thần, bà con cô bác khuất mày khuất mặt, kế đến là quán sát xem đã tùy duyên cúng dường các bậc tu hành, các Sa môn, Bà la môn hay chưa và sau cùng, thân mời khách bạn (nếu có) rồi mới ăn cơm. Những nghi thức này có vẻ như lễ mễ, rườm rà, mất thì giờ đối với nhịp sống hối hả, tất bật trong hiện tại nhưng biểu hiện rõ nét sự cung kính, biết ơn, quan tâm đến mọi người. Và ít ai nghĩ rằng, chính sự thành tâm cúng dường, bố thí đó là cơ hội vun bồi phước báo cho tự thân và gia đình.

Mặt khác, việc ăn cơm và nghỉ ngơi đúng giờ sẽ tạo ra sự thoải mái cho nhân viên, những người làm công, giúp việc, góp phần nâng cao hiệu quả lao động. Những nhà quản lý lao động hiện nay sẽ ngạc nhiên và thích thú khi biết từ xa xưa, Thế Tôn đã quan tâm đến mối quan hệ giữa hiệu quả lao động, ăn uống và nghỉ ngơi.

Quan trọng nhất, ăn cơm đúng giờ thì thức ăn có đầy đủ chất bổ dưỡng. Chúng ta đều biết thức ăn sau khi chế biến xong sẽ dần phân hủy. Do vậy, cần phải ăn uống kịp thời, đúng giờ. Ngày nay, trong các lễ trai tăng, thực phẩm dâng cúng đa phần được chế biến từ rất sớm và lễ tiết cúng dường đôi khi quá rườm rà làm thức ăn nguội lạnh, điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của chư Tăng.

Thế Tôn không những quan tâm đến giác ngộ và giải thoát, Ngài còn đặc biệt chú trọng đến những vấn đề bình thường như ăn uống đúng giờ giấc. Thân và tâm vốn có quan hệ mật thiết, tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau. Do vậy, ngoài việc tu tập, tinh luyện tâm, người con Phật luôn chú trọng đến chăm sóc sức khỏe. Và một trong những liệu pháp nâng cao sức khỏe con người là sự điều độ, ăn uống đúng giờ.L

AI CŨNG CÓ BỆNH

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, gọi các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có hai loại bệnh này. Thế nào là hai? Bệnh về thân và bệnh về tâm.

Này các Tỷ kheo, chúng ta thấy có chúng sinh tự nhận là mình không có bệnh về thân được một năm, được năm năm, được mười năm, được năm mươi năm, cho đến được một trăm năm.

Nhưng này các Tỷ kheo, rất khó tìm được ở đời là những chúng sinh tự nhận mình không có bệnh về tâm dù chỉ trong một khoảnh khắc, trừ những bậc Thánh đã đoạn trừ các lậu hoặc.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 4, phẩm Các căn, phần Bệnh [trích], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.86)

LỜI BÀN:

Bệnh tật là một nỗi khổ lớn, luôn gắn liền với đời sống con người. Hầu như không một ai tránh khỏi bệnh tật, có khác chăng là bệnh nặng hay nhẹ và bình phục chậm hay nhanh ở mỗi người.

Có vô số chứng bệnh đang hành hạ con người, chung quy không ngoài thân bệnh và tâm bệnh. Với tiến bộ không ngừng của y học, hiện nay nhiều căn bệnh nan y đã có thuốc chữa. Và tương lai, trong chừng mực nào đó, có thể nói giải quyết các vấn đề về thân bệnh không phải là điều khó, sẽ được thực hiện nhanh chóng nhờ các thành tựu y học hiện đại. Thực tế cho thấy hiện có nhiều người rất ít bệnh và một vài trường hợp cá biệt suốt đời gần như không bị bệnh.

Tuy nhiên, theo tuệ giác Thế Tôn, dù cho những người ấy có sức khỏe, tráng kiện đến mấy thì vẫn là người bệnh, vì tâm bệnh. Tâm con người mang bệnh thường trực với các triệu chứng là những biểu hiện liên tục của tham lam, thù hận, ganh tỵ, bực bội, căng thẳng, yêu ghét, buồn vui…, nói chung là tâm tán loạn, mất kiểm soát, không thể làm chủ chính mình. Thân và tâm vốn quan hệ mật thiết, tác động và chi phối hỗ tương lẫn nhau nên khó thiết lập được sự khỏe mạnh toàn diện, khi chỉ chú trọng giải quyết các vấn đề về thân bệnh mà bỏ quên hoặc xem nhẹ đến trị liệu tâm bệnh.

Và đây cũng chính là một trong những vấn đề then chốt của các phương thức trị liệu hiện đại. Tâm bệnh cũng cần nội soi, phẫu thuật, băng bó… và phải dùng các loại thuốc đặc trị tương thích như thân bệnh. Có nhiều phương thức trị liệu tâm bệnh nhưng Thiền định Phật giáo, có thể nói là đặc sắc và toàn triệt nhất. Hiện nay, ngành tâm lý trị liệu đã phát triển, thiền định được áp dụng và đem lại hiệu quả điều trị cao nhưng thực sự chưa được nhiều người quan tâm.

Thực ra tâm bệnh mới chính là căn nguyên cho các trường hợp thân bệnh. Vì vậy, dù thân đau yếu hay khỏe mạnh vẫn cần trị liệu tâm bệnh. Các phương thức Thiền định Phật giáo sẽ giúp chúng ta ổn định sức khỏe, tâm lý một cách an toàn và hiệu quả nhất. Hãy đến với Thiền để trị liệu thân tâm; để sống vui, khỏe và thọ.L

8.BỊ BỆNH VẪN TU ĐƯỢC

Một thời, Thế Tôn trú ở Vasàli, tại Đại Lâm. Vào buổi chiều, Thế Tôn đi đến thăm một Tỷ kheo bị bệnh nặng. Sau khi đến, Ngài ngồi xuống một bên và bảo các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, nếu năm pháp này không rời bỏ một kẻ ốm yếu bệnh hoạn, thời người ấy không bao lâu sẽ đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí sẽ chứng ngộ và an trú vô lậu tâm giải thoát và tuệ giải thoát. Thế nào là năm?

Ở đây, này các Tỷ kheo, vị Tỷ kheo sống quán bất tịnh trên thân, với tưởng ghê gớm đối với các món ăn, với tưởng không thích thú đối với tất cả thế giới, quán vô thường trong tất cả hành, và nội tâm an trú trong tưởng về chết.

Này các Tỷ kheo, nếu năm pháp này không rời bỏ một kẻ ốm yếu bệnh hoạn, thời người ấy không bao lâu sẽ đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí sẽ chứng ngộ và an trú vô lậu tâm giải thoát và tuệ giải thoát.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Bệnh, phần Người bị bệnh, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.539)

LỜI BÀN:

Hiện tại, sức khỏe của chư Tăng nói chung là một vấn đề cần được nghiên cứu nghiêm túc nhằm tìm ra nguyên nhân và phương pháp trị liệu, vì có khá nhiều vị bị bệnh. Tất nhiên bệnh tật là một thuộc tính cố hữu của con người, có thân ắt có bệnh. Đã bệnh thì không làm được việc gì nhưng nếu cố gắng thì vẫn tu được, kể cả những người đang lâm bệnh hiểm nghèo, đối diện với thập tử nhất sinh.

Thường thì đối với người đang lâm bệnh, thân thể bị hành hạ đau đớn khiến cho tâm tư phiền muộn, khổ não, thậm chí có lúc bi quan, tuyệt vọng. Ai đã từng bị bệnh dai dẳng hoặc mang những căn bệnh nan y thì kinh nghiệm sâu sắc về điều này. Trong dân gian có phương thức trị liệu “lấy độc trị độc”, cũng vậy, người bệnh có thể chọn đề mục thiền quán ngay nơi thân bệnh của mình. Thay vì lo nghĩ và sầu muộn, người bệnh hãy dũng cảm nhìn vào sự thật của chính mình.

Thấy rõ thân này là tạm bợ và bất tịnh. Thân thể chỉ là tập hợp của tứ đại, nhờ thức ăn vào ra mà hình thành. Thân này rồi đây sẽ tan rã, tứ đại sẽ phân tán và vạn sự vạn vật trên đời cũng vô thường tán tụ như vậy. Nhận diện một sự thật rằng không có cái gì vĩnh cửu, tồn tại mãi mãi chính là tuệ giác. Vậy thì, khi tấm thân bệnh hoạn này đã rệu rạo, hỏng hóc thì nếu có bỏ đi, chẳng có gì để luyến tiếc nữa. Và ngay cả cái chết cũng chỉ là một sự “thay áo mới”, không có gì để sợ hãi.

Một người bệnh duy trì liên tục các đề mục thiền quán như thế về thân tâm và thế giới thì chắc chắn không còn bận tâm, lo lắng nhiều về thực trạng của chính mình. Nếu nỗ lực hơn nữa, người bệnh có thể giác ngộ sự thật, thành tựu chánh trí và giác ngộ, giải thoát.L

9.BỐN LOẠI BỆNH CỦA NGƯỜI XUẤT GIA

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có bốn loại bệnh này cho người xuất gia. Thế nào là bốn?

Này các Tỷ kheo, người có dục lớn, bực bội tức tối, không tự bằng lòng với bốn vật dụng. Người ấy vì dục lớn, không bằng lòng với bốn vật dụng khởi lên thèm khát, ác dục, muốn được các lợi dưỡng, cung kính, danh vọng. Vị ấy nỗ lực, cố gắng để được các điều ấy. Sau khi tính toán, vị ấy đi đến các gia đình thuyết pháp. Như vậy, này các Tỷ kheo, đây là bốn chứng bệnh của người xuất gia.

Do vậy, này các Tỷ kheo, các ông cần học tập như sau: “Ta sẽ không có dục lớn, bực bội tức tối, tự bằng lòng với bốn vật dụng. Ta sẽ không khởi lên thèm khát, ác dục, muốn được các lợi dưỡng, cung kính, danh vọng. Ta sẽ không nỗ lực, cố gắng để được các điều ấy. Ta sẽ kham nhẫn nóng lạnh, đói khát và những lời nói khó chịu… Như vậy, này các Tỷ kheo, các thầy cần phải học tập.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 4, phẩm Các căn, phần Bệnh [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.86)

LỜI BÀN:

Mong muốn nhiều, bị lợi danh trói buộc là căn bệnh trầm kha của chúng sinh. Dẫu rằng phấn đấu để đạt lợi danh chính đáng không phải là điều xấu nhưng đối với sự nghiệp giải thoát thì đó là một chướng ngại. Và nguy hiểm hơn, khi hàng sơ tâm học đạo xem những thành tựu ấy là sự nghiệp, là mục tiêu hướng đến trên bước đường tu học.

Ai cũng biết rằng mong muốn nhiều là khổ nhiều. Tuy vậy, cám dỗ của vật dục, lợi danh luôn thôi thúc, mời gọi và cuối cùng không phải ai cũng vượt qua. Những vướng mắc ấy Thế Tôn gọi là bệnh và dĩ nhiên đã vương bệnh thì phải trị liệu, chạy chữa. Do đó, thiểu dục và tri túc là phương thuốc không thể thiếu cho hành trình trưởng dưỡng tâm linh, thăng hoa tuệ giác của người xuất gia.

Điều đặc biệt nơi pháp thoại này là một số người tuy nỗ lực làm những Phật sự nhưng mục đích vì mình chứ không phải hướng đến lợi ích chúng sinh. Thân cận, thuyết pháp cho hàng cư sĩ áo trắng nhưng không hướng đến mục tiêu giáo hóa, chuyển mê khai ngộ mà chỉ nghĩ đến lợi dưỡng, danh vọng và cung kính. Và chính điều này đã đặt ra không ít thắc mắc, nghi ngờ cho nhiều người trước những việc làm nhân danh từ bi, vô ngã, vị tha.

Tham vốn hằn sâu vào tâm thức của mọi người. Chưa chứng A la hán thì tham vẫn còn. Vì thế, phải cảnh giác với tâm tham, biết chấp nhận, kham nhẫn và bằng lòng với hiện tại để sống thanh thản, nhẹ nhàng. Hay nói cách khác, đối với người xuất gia, tham là bệnh. Căn bệnh này sẽ được giảm thiểu và chữa lành nếu siêng năng dùng các phương thuốc thiểu dục, tri túc, kham nhẫn và nỗ lực thiền quán để quét sạch vô minh, thành tựu tuệ giác.L

10.SỨC MẠNH

Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, Ngài cho gọi các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có tám sức mạnh này. Thế nào là tám?

Này các Tỷ kheo, sức mạnh của con nít là khóc; sức mạnh của đàn bà là phẫn nộ; sức mạnh của người ăn trộm là vũ khí; sức mạnh của vua chúa là uy quyền; sức mạnh của kẻ ngu là áp đảo; sức mạnh của bậc hiền trí là cảm hóa; sức mạnh của vị nghe nhiều là thẩm sát; sức mạnh của Sa môn, Bà la môn là nhẫn nhục.

Này các Tỷ kheo, đây là tám sức mạnh.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 8, phẩm Gia chủ, phần Sức mạnh [1], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.587)

LỜI BÀN:

Nói đến sức mạnh, chúng ta thường liên tưởng ngay đến những người to khỏe, vai u và thịt bắp. Thực ra thì mỗi người đều có một sức mạnh riêng, một thứ vũ khí riêng để tồn tại. Biết được thế mạnh của mỗi hạng người để xây dựng sống hòa hợp và an vui là đỉnh cao của nghệ thuật sống.

Tiếng khóc là sức mạnh của trẻ con. Tiếng khóc ấy cất lên như làn roi quất vào lòng mẹ, có quyền uy chi phối hành động đương tại của mẹ để hướng về nó. Người mẹ sẽ buông hết công việc, thậm chí bất chấp hiểm nguy, lao về phía con khi con khóc.

Phái yếu vốn dĩ chân yếu tay mềm, dịu dàng duyên dáng nhưng khi họ nổi giận thì chớ xem thường. Như nước trong đại dương, những con sóng lăn tăn vỗ về bờ cát ngoan hiền ấy một khi đã biến thành cuồng nộ thì cuốn phăng và nhận chìm tất cả.

Cố nhiên ăn trộm thì luôn sợ người ta phát giác, phải hành sự thật nhanh, lặng lẽ, gọn gàng rồi chuồn êm. Muốn thao tác được vậy, người ăn trộm phải có những khí cụ đặc biệt như khóa vạn năng, kềm cộng lực… Khi bị phát giác và truy đuổi, họ không ngần ngại sử dụng vũ lực để thoát thân.

Đối với vua quan, sức mạnh đích thực của họ là uy quyền. Trong bối cảnh của một xã hội lạc hậu, thiếu dân chủ thì chân lý luôn nằm trong tay kẻ mạnh. Vua quan có thể dựa vào quyền lực để biến hóa vô cùng nhằm thủ lợi và củng cố thêm sức mạnh quyền uy của họ.

Người thiếu thông minh thì dùng sức mạnh cơ bắp. Áp đảo, lấn lướt đồng loại theo kiểu “lấy thịt đè người”, dùng sức mạnh để ức hiếp kẻ yếu là vũ khí đồng thời là sức mạnh của họ.

Bậc hiền trí thì hiếm khi dụng lực mà chuyên về dụng tâm. Phát huy trí tuệ và từ bi để cảm hóa người ác thức tỉnh, quay về sống đời hiền thiện là sức mạnh của những bậc hiền trí.

Đối với những bậc học rộng, nghe nhiều, hiểu biết sâu sắc về cuộc sống thì sức mạnh của họ là thẩm sát. Chính những người này mới có khả năng thẩm định, xem xét và đánh giá các vấn đề.

Nhẫn nhục là sức mạnh của Sa môn, Bà la môn. Người tu không cần dựa dẫm vào các loại sức mạnh và quyền lực thế gian, bởi họ có sức mạnh riêng. Nhẫn nhục về hình thức có vẻ như chịu đựng, thụ động nhưng thực ra nhẫn được mọi chuyện mới đích thực là đại hùng và đại lực. Vượt qua mọi chướng ngại trong cuộc đời với tuệ giác vô thường, vô ngã thì mới có thể an trú và bất động.L

Hits: 481

Website chia sẻ kiến thức , những tâm đắc về đạo Phật , cổ nhân xưa của 1 cá nhân ( không phải tổ chức , chùa ) . Mọi ý kiến đóng góp, khiếu nại xin gửi về hòm thư [email protected] . Điều khoản , nội quy

Wiki Tâm Học
Copyright 2020 @ Thiết kế bởi DragonKnightMT