Skip to content
We'll be happy to help. Call Us Today: +1800-222-9876

Lời Phật dạy là một tiểu mục trong chuyên mục Phật học của báo Giác Ngộ. Tiểu mục này được xây dựng từ năm 2003, bằng cách trích tuyển nguyên văn hoặc một phân đoạn của những kinh thuộc Trường Bộ, Trung Bộ, Tăng Chi Bộ, Tương Ưng Bộ và Tiểu Bộ (Kinh tạng Nikàya) đồng thời kèm theo phần Lời bàn ngắn gọn, súc tích và thiết thực.

Nội dung Kinh tạng Nikàya bao hàm nền tảng căn bản giáo lý Phật đà, rất thiết thân, gần gũi, dễ hiểu và dễ ứng dụng thực hành. Trong những năm qua, Lời Phật dạy đã lần lượt giới thiệu đến độc giả rất nhiều pháp thoại với nhiều đề tài khác nhau. Từ những giáo lý căn bản như Tam quy, Ngũ giới cho đến Tứ đế, Duyên khởi, Vô ngã; từ những phương thức xây dựng đời sống gia đình an vui hạnh phúc cho hàng Phật tử tại gia đến các phương pháp tu tập chuyển hóa phiền não nhằm thành tựu các Thánh vị cho hàng đệ tử xuất gia v.v… đều được Lời Phật dạy chuyển tải đến bạn đọc.

Với khuôn khổ nhỏ hẹp của trang báo, chắc chắn rằng nội dung của Lời Phật dạy chưa thể hiện được hết đầy đủ yếu nghĩa của Kinh tạng. Tuy vậy, với sự tìm tòi rất công phu trong Kinh tạng đồ sộ, trích tuyển kinh văn phù hợp với các nội dung tu tập của từng thời điểm trong năm cùng với cước chú chi tiết nguồn gốc mỗi bản kinh và nhất là phần Lời bàn giản dị mà sâu sắc của tác giả đã giúp cho tiểu mục Lời Phật dạy được đông đảo bạn đọc quan tâm, ủng hộ.

Nay, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập và thể nghiệm lời Phật dạy của bạn đọc, tác giả tiểu mục Lời Phật dạy tập hợp các bài viết đã đăng báo theo từng chủ đề và in thành sách Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya (tập I, II và III). Thiết nghĩ, tập sách này là hành trang cần yếu cho những ai quan tâm nghiên tầm, học tập những tinh hoa mà Đức Phật đã dạy. Với những giá trị tư tưởng, văn bản học nguyên thủy và cổ xưa nhất của Kinh tạng Nikàya, hy vọng độc giả sẽ được gội nhuần trong phạm âm vi diệu của Thế Tôn, thuở Ngài còn tại thế.

Trân trọng giới thiệu sách Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya (tập I, II & III) đến với bạn đọc xa gần.

 

Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ

Hòa thượng THÍCH TRÍ QUẢNG

 

Slide 1 Heading
Lorem ipsum dolor sit amet consectetur adipiscing elit dolor
Click Here
Slide 2 Heading
Lorem ipsum dolor sit amet consectetur adipiscing elit dolor
Click Here
Slide 3 Heading
Lorem ipsum dolor sit amet consectetur adipiscing elit dolor
Click Here
Slide Heading
Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.
Click Here
Previous
Next

Lời Phật dạy trong kinh Nikaya – XXI. Chư thiên và Ma quỷ

CHƯ THIÊN & MA QUỶ



NHÂN DUYÊN PHƯỚC BÁO LÀM THIÊN CHỦ

Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Trùng Các giảng đường. Rồi Mahàli, người Licchavi đi đến đảnh lễ và bạch Thế Tôn:

Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có biết Thiên chủ Sakka không?

Này Mahàli, Ta biết Sakka và các pháp tác thành Sakka. Chính do chấp trì các pháp ấy, Sakka được địa vị Thiên chủ.

Này Mahàli, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị này chấp trì và thực hành bảy cấm giới túc. Thế nào là bảy cấm giới túc? Cho đến trọn đời, tôi hiếu dưỡng với cha mẹ. Cho đến trọn đời, tôi kính trọng các bậc gia trưởng. Cho đến trọn đời, tôi nói lời nhu hòa. Cho đến trọn đời, tôi không nói hai lưỡi. Cho đến trọn đời, với tâm xa lìa cấu uế và xan tham, tôi sống với tâm bố thí; hoan hỷ thí xả, nhiệt tình đáp ứng các nhu cầu, sung sướng phân phối vật bố thí. Cho đến trọn đời, tôi nói lời chân thật. Cho đến trọn đời, tôi không phẫn nộ; nếu tôi phẫn nộ, sẽ mau chóng dẹp trừ.

Nhờ chấp trì bảy cấm giới túc này, Sakka được địa vị Thiên chủ.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 11, phẩm 2, phần Chư Thiên, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.511)

LỜI BÀN:

Thiên chủ Sakka là vua của cõi trời Tam Thập Tam, có đầy đủ phước báo và uy quyền trong Thiên giới. Địa vị Thiên chủ của Sakka có được nhờ tu tập bảy cấm giới trọn vẹn, đầy đủ khi còn làm người.

Bảy giới cấm này chính là nhân để tác thành phước báo của một vị Thiên chủ, đồng thời đó cũng là bảy nhân cách của một người đệ tử Phật. Chí nguyện cao cả của người con Phật là hướng đến giải thoát và giác ngộ. Tuy nhiên, nếu chưa đầy đủ phước đức, trí tuệ để chứng đắc quả Phật thì chí ít cũng được tái sinh làm trời, người và xa lìa khổ đau của tam đồ, ác đạo: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Như vậy, muốn tái sinh làm người, hàng đệ tử Phật phải gìn giữ và tu tập năm giới cấm trọn vẹn, đầy đủ. Muốn sinh vào cõi trời, làm vua của trời Tam Thập Tam, người Phật tử phải tu tập viên mãn bảy giới cấm. Trong đó, hiếu dưỡng với cha mẹ là vấn đề tối quan trọng, được đưa lên hàng đầu. Tiếp đến là kính trọng các bậc bô lão, tộc trưởng, gia trưởng. Mặt khác, trong lời ăn tiếng nói hàng ngày phải chân thật, nhu hòa, yêu thương và xây dựng. Đồng thời phải biết chia sẻ, bố thí và giữ tâm luôn an vui, không nóng giận, oán thù. Chỉ cần thực tập trọn vẹn bảy điều trên thì chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều an vui và hạnh phúc trong hiện tại và phước báo Thiên chủ ở vị lai.

Tương lai của mỗi người đều phụ thuộc vào sự tác nghiệp của chính họ trong hiện tại. Vì vậy, mỗi người con Phật phải tự quyết định lấy tương lai của chính mình bằng cách trang nghiêm phước báo tự thân, thọ trì bảy cấm giới.L

TRỘM HƯƠNG

Một thời, một Tỷ kheo trú giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.

Lúc bấy giờ, Tỷ kheo ấy ăn xong, trên con đường đi khất thực trở về, đi xuống hồ nước và ngửi mùi bông sen hồng.

Rồi một vị Thiên trú ở khu rừng ấy, thương xót Tỷ kheo, muốn hạnh phúc, muốn cảnh giác liền đi đến Tỷ kheo. Sau khi đi đến, vị Thiên ấy nói lên bài kệ: Hoa này từ nước sanh/Không cho, ông ngửi trộm/Như vậy một loại trộm/ Ta gọi ông trộm hương.

Tỷ kheo đáp: Không lấy đi không bẻ/Đứng xa ta ngửi hoa/Vậy do hình tướng gì/Được gọi là trộm hương/Ai đào rễ củ sen/Ăn dùng các loại sen/Do các hành động ấy/Sao không gọi trộm hương?

Vị Thiên trả lời: Người ti tiện độc ác/Lời ta không liên hệ/Nhưng chính thật cho ông/Chính lời ta tương ưng/Với người không cấu uế/Thường hướng cầu thanh tịnh/Với kẻ ác nhìn thấy/Nhỏ như đầu sợi lông/Vị ấy xem thật lớn/ Như đám mây trên trời.

Tỷ kheo nói: Thật sự này Dạ xoa/Ông biết ta, thương ta/Hãy nói lại với ta/Khi thấy ta như vậy.

Vị Tỷ kheo được vị Thiên ấy cảnh giác, tâm hết sức xúc động.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 9, phần Sen hồng hay sen trắng, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.449)

LỜI BÀN:

Thưởng sen là một thú tao nhã, điền viên thật bình an, trong sáng, thanh cao và thánh thiện như một biểu hiện đồng cảm, biết ơn đất trời trước sự ban tặng của thiên nhiên hào phóng. Chỉ có những người thật sự thảnh thơi, có tâm hồn cao khiết mới đủ tinh tế để cảm nhận hết những vẻ đẹp huyền nhiệm của tự nhiên.

Thế nhưng, đối với vị Tỷ kheo, sự thưởng thức và cảm nhận tinh tế ấy lại là tội lỗi vì đang thực hiện hành vi ăn trộm. Thật lạ và ngạc nhiên đầy thú vị cho thế thường khi vật bị trộm thì vô hình, kẻ ăn trộm là người lương thiện và hành vi ăn trộm lại là thú thanh cao, lẽ nào yêu thiên nhiên lại là tội lỗi?

Thì ra, không phải Tỷ kheo trộm hoa mà trộm hương. Đối với người thường thì tâm niệm “nhìn bằng mắt chớ nhặt bằng tay” là một sự cảnh tỉnh tuyệt vời, nhưng đối với một hành giả hướng đến xả ly tham ái thì phải cảnh giác đắm nhiễm từ trong tâm ý. Bởi đam mê, thích thú dù thanh khiết và tao nhã đến mấy cũng là biểu hiện đa chiều của tham ái, dựa trên nền tảng của dục vọng.

Sở dĩ, vị Thiên cảnh tỉnh bởi kính trọng đức độ và cảm mến sự tu hành của vị Tỷ kheo nên trợ duyên. Theo vị Thiên ấy, “với người không cấu uế, thường hướng cầu thanh tịnh” thì những điều ác dù “nhỏ như đầu sợi lông, vị ấy xem thật lớn, như đám mây trên trời”. Vì thế, trộm hương dù đẳng cấp thượng thặng khiến những bậc thầy của đạo chích phải khâm phục, dù tinh vi đến độ tự thưởng, vô hình, không dấu vết, là cõi riêng người ngoài không thể biết… cũng vẫn là trộm, một trong nhiều hình thức của tâm tham, nên cần phải tránh.

Nguyện không lấy của không cho, đưa tay ra rồi rụt tay vào chưa phải là khó. Khi lục căn tiếp xúc với lục trần, để vượt thoát tham ái mới thật sự khó làm. Do vậy, muốn thu thúc lục căn, bảo hộ thân tâm, vững chãi trước trần cảnh cần phải chánh niệm thường trực, tỉnh giác cao độ. Đây cũng là nguyên tắc căn bản của việc hàng phục và an trụ tâm.L

TỤNG KINH

Một thời, một Tỷ kheo sống giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.

Lúc bấy giờ, vị Tỷ kheo ấy trước kia siêng năng tụng kinh rất nhiều, sau một thời gian, trở thành thụ động, im lặng.

Rồi một vị Thiên trú ở khu rừng ấy không còn được nghe pháp từ vị Tỷ kheo, liền đi đến, sau khi đến, vị Thiên ấy nói lên bài kệ sau: Này Tỷ kheo, sao ông/Sống chung các Tỷ kheo/Lại không chịu tụng đọc/Các kinh điển pháp cú/ Ai nghe thuyết Chánh pháp/Tâm được sinh tịnh tín/Và ngay đời hiện tại/Được mọi người tán thán.

Vị Tỷ kheo đáp: Trước kia đối pháp cú/Ta tha thiết tìm hiểu/Cho đến khi chứng được/Quả vị bậc ly dục/Từ khi chứng ly dục/Mọi thấy, nghe, xúc cảm/Nhờ trí tuệ hiểu biết/Đều được bỏ một bên/Chính các bậc Hiền thiện/Giảng dạy là như vậy.

(ĐTKVN, Tương Ưng I, chương 9, phần Tụng học kinh điển,

VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.445)

LỜI BÀN:

Nói đến tu tập, người ta liên tưởng ngay đến việc tụng niệm. Cố nhiên tu thì phải tụng kinh, niệm Phật nhưng không nhất thiết hễ tu là cứ phải tụng kinh, gõ mõ. Tụng niệm như thế nào là vấn đề còn tùy thuộc vào năng lực công phu và nội chứng của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu thực hành pháp thì tụng kinh là một pháp trợ duyên không thể thiếu cho việc thành tựu thiền định về sau.

Điều thú vị nhất trong pháp thoại này là việc tụng kinh không chỉ đem lại sự nhận thức sâu sắc về giáo pháp cho bản thân người tụng mà đồng thời đó còn là một thời “thuyết pháp”. Đối tượng nghe pháp là chư Thiên và quỷ thần mà mắt người bình thường thì không thể thấy nhưng chắc chắn những thời tụng kinh thanh tịnh ấy đó mang lại lợi ích thiết thực cho nhiều chúng sinh. Mặt khác, pháp thoại này cho thấy từ thời Thế Tôn còn tại thế, việc tụng kinh (pháp cú) là một trong những nội dung tu tập, hành trì có tính chất phổ biến đối với hàng Tỷ kheo tân học.

Điều này lý giải một cách thỏa đáng cho truyền thống tụng kinh của những người đệ tử Phật rất thịnh hành và phổ biến hiện nay. Có nghĩa tụng kinh không phải là xu hướng tu hành theo kiểu “kệ kinh nhiều kẻ đọc suông”, phi chính thống như một vài người từng quan niệm. Tụng kinh là một pháp môn tu tập được ứng dụng cho hàng xuất gia thực thi ngay từ thời Thế Tôn còn tại thế.

Tuy nhiên, khi thành tựu Thánh quả, đoạn tận tham dục thì vị Tỷ kheo chỉ an tịnh trong hiện pháp lạc trú với tuệ giác thường trực và hoàn toàn tự chủ. Đây là thời điểm mà hành giả đạt đến “sự im lặng của bậc Thánh”. Ngay đây, việc tụng kinh hay không tụng kinh không còn là vấn đề nhưng vì để mọi chúng sinh (nhất là trời, thần) được nghe pháp thì tụng kinh lại càng cần thiết hơn.L

KHÔNG BỊ PHI NHÂN LÀM HẠI

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, gọi các Tỷ kheo:

Ví như, này các Tỷ kheo, những gia đình nào có nhiều phụ nữ và ít đàn ông, thì những gia đình ấy rất dễ bị đạo tặc, trộm cướp não hại.

Cũng vậy, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo nào không tu tập từ tâm giải thoát, không làm cho sung mãn, thì vị ấy dễ bị phi nhân não hại.

Ví như, này các Tỷ kheo, những gia đình nào có ít phụ nữ và nhiều đàn ông, thì những gia đình ấy khó bị đạo tặc, trộm cướp não hại.

Cũng vậy, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo nào tu tập từ tâm giải thoát, làm cho sung mãn, thì vị ấy rất khó bị phi nhân não hại.

Do vậy, này các Tỷ kheo, các ông cần phải học tập như sau: Chúng tôi sẽ tu tập từ tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành căn cứ địa, an trú và khéo thực hiện.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 9, phần Gia đình,

VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.461)

LỜI BÀN:

Phi nhân là những chúng sinh không phải loài người nói chung. Theo nhân sinh quan Phật giáo thì trong vũ trụ có nhiều loại chúng sinh, ngoài loài người còn có loài trời, A tu la, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Phi nhân là những chúng sinh thuộc nhóm thiên, thần, quỷ và vật, sống chung hoặc sống trong các “thế giới đan xen” với loài người.

Trừ các bậc Thánh có thể thấy biết và giao tiếp với phi nhân, còn đa phần chúng ta thì không có khả năng ấy. Tuy vậy, từ xa xưa trong nền tảng đạo đức, văn hóa ứng xử của người Á Đông đối với phi nhân luôn tôn kính nhưng thận trọng, cảnh giác (Quỷ thần kính nhi viễn chi – Khổng Tử). Quan điểm của Phật giáo cũng vậy, tôn trọng mọi chúng sinh vì tinh thần từ bi, bình đẳng và nhất là các chúng sinh đều có khả năng giác ngộ.

Các chúng sinh trong loài phi nhân cũng như loài người có cả thiện ác, tốt xấu lẫn lộn. Hơn nữa, chúng có thần lực hơn loài người nên có khả năng làm hại con người nếu bị xúc phạm hoặc có thể giúp đỡ con người trong một vài trường hợp đủ duyên. Vì thế nên từ xa xưa, con người thường hay cúng bái, cầu xin thần linh ban phước cho mình và giáng họa lên kẻ thù. Tín ngưỡng vào thần linh kiểu này đến nay vẫn còn.

Đặc điểm nổi bật của loài phi nhân (ác thần) là tự ngã, phẫn nộ và não hại. Nhất là khi chúng ta vô tình hay cố ý xúc phạm đến tự ngã, sở thích hoặc chỗ ở của họ. Trong những trường hợp trên, loài phi nhân thường không hỷ xả và bỏ qua mà tìm cách làm hại. Vì vậy nên đối với quỷ thần, tuy con người kính trọng mà phải tránh xa.

Cảm hóa loài phi nhân, theo tuệ giác của Thế Tôn là cần trải lòng từ với họ. Chính tâm từ bi hỷ xả sẽ là suối nguồn an tịnh có khả năng dung nhiếp và hóa giải phẫn nộ, não hại nơi loài phi nhân, đồng thời là phương tiện bảo vệ hữu hiệu nhất để phòng hộ sự làm hại của họ, nếu có.L

NGẠ QUỶ NGHE KINH

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi. Bấy giờ, Tôn giả Anuruddha ở Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika, thức dậy khi đêm vừa mới sáng, đang tụng đọc pháp cú.

Khi ấy, một nữ Dạ xoa, mẹ của Piyankara dỗ cho con nín như sau: Này Piyankara/ Chớ có sinh tiếng động/ Vị Tỷ kheo đang tụng/ Những lời về pháp cú/Nếu chúng ta biết được/ Học được pháp cú này/ Rồi như pháp hành trì/ Chúng ta được lợi ích/ Không sát hại sinh vật/Không cố ý nói láo/ Tự học tập giới luật/ Chúng ta thoát ngạ quỷ.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 10, phần Piyankara,

VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.462)

LỜI BÀN:

Chuyện người xuất gia trì tụng kinh Phật đã có từ thời Thế Tôn. Tất nhiên, tụng kinh là nhiệm vụ quan trọng của người tu. Tụng đọc kinh điển mỗi ngày để ghi nhớ, hiểu sâu và thể nhập diệu pháp.

Việc tụng kinh không chỉ mang đến lợi ích cho riêng người đọc tụng mà các loài hữu tình khác nếu nghe được đều lợi lạc. Vì thế, trong quá trình trì tụng kinh pháp cần phải chính xác, rõ ràng và nhất là không sơ sót, bỏ mất câu chữ.

Trong lục đạo, trừ các chúng sinh trong địa ngục Vô gián bị đau khổ hành hạ liên tục và các chúng sinh loài súc sinh luôn ngu muội tăm tối, còn lại các loài khác đều có khả năng nghe hiểu được tâm ý, ngôn ngữ của loài người. Điều thú vị là một số ma quỷ có thiện tâm cũng thích nghe kinh Phật.

Ngạ quỷ thường sống chung với loài người nhưng chúng ta hầu như ít khi nhận biết hoặc ý thức về sự hiện hữu của họ. Nghiệp lực đặc

thù của loài này là tham lam, keo sẻn nên ngạ quỷ thường xuyên bị đói khát hành hạ. Tuy vậy, một số ngạ quỷ cũng biết phát tâm hướng thiện, tu hành. Mong muốn được nhanh chóng thoát khỏi cảnh khổ của Dạ xoa, mẹ của Piyankara là một điển hình.

Hình ảnh một ngạ quỷ mẹ dỗ con: “Đừng khóc con ơi, đừng có làm ồn, quý thầy đang tụng kinh đó, hai mẹ con chúng ta cần siêng năng nghe kinh và ứng dụng hành trì để mau thoát kiếp ngạ quỷ” thật đẹp và dễ thương như những đệ tử Phật thuần thành, không có chút bóng dáng gì của “đồ quỷ cái” cả.

Loài ngạ quỷ mà còn biết dạy nhau nghe pháp để tu học, huống hồ Phật tử chúng ta? Vì thế, mỗi khi tụng kinh, chúng ta cần phát tâm bố thí pháp và hồi hướng công đức cho chúng sinh. Năng lực chuyển hóa của kinh pháp là không thể nghĩ bàn. Mỗi chúng ta đều là “pháp sư” hóa độ vô lượng chúng sinh nếu tụng kinh Phật đều đặn, chính xác trong tâm từ ái và thanh tịnh.L

CHƯ THIÊN CẢNH GIÁC

Một thời, Tôn giả Ananda trú giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng. Lúc bấy giờ, Tôn giả Ananda sống quá bận rộn bởi nhiều liên hệ với cư sĩ.

Rồi một vị Thiên trú ở khu rừng ấy thương xót Tôn giả Ananda, muốn hạnh phúc, muốn cảnh giác, liền đi đến Tôn giả Ananda. Sau khi đi đến, vị ấy nói lên bài kệ với Tôn giả Ananda: Ông đã quyết lựa chọn/Đời sống dưới gốc cây/ Tâm ông quyết nhập một/Với mục đích Niết bàn/Cù Đàm, hãy thiền tư/Và sống chớ phóng dật/Đối với ông, ích gì/ Tạp thoại vô vị ấy.

Tôn giả Ananda được vị Thiên ấy cảnh giác, tâm hết sức xúc động.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 9, phần Ananda,

VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.438)

LỜI BÀN:

Đành rằng mối liên hệ giữa bốn chúng đệ tử Phật vốn hòa hợp như nước với sữa, luôn khắng khít và không thể tách rời. Thế nhưng, quá bận rộn bởi các liên hệ với cư sĩ chưa phải là điều hay đối với người xuất gia, vì duyên trần sẽ quấy đảo an tịnh nội tâm, làm chướng ngại thiền định.

Như Tôn giả Ananda, thị giả của Thế Tôn, bẩm tính thông minh, có trí nhớ phi thường lại rất dễ thương và hòa ái nên được hàng cư sĩ đặc biệt mến mộ. Và do đặc điểm của công việc thị giả cho Đức Phật nên phải xử lý vô số công việc đồng thời phải tiếp xúc, gặp gỡ rất nhiều hạng người. Từ đó, Tôn giả Ananda còn rất ít thời gian cho thiền định nhằm thanh lọc và thăng hoa tâm.

Vì thế, một vị Trời ở trong trụ xứ của Tôn giả Ananda đã trợ duyên, cảnh tỉnh với Tôn giả rằng sự bận rộn ấy tuy là Phật sự (có phước báo) nhưng đối với mục tiêu giải thoát Niết bàn thì chỉ là “phóng dật, tạp thoại vô vị”. Đây cũng là một bài học lớn cho chúng ta nhằm tránh bỏ gốc để chạy theo ngọn, nhận ra những việc cốt tủy mà hàng xuất gia cần phải làm.

Đối với người xuất gia, hai mục tiêu tự lợi và lợi tha cần phải thực hiện song hành. Tuy vậy, khi nội tâm chưa thực sự vững chãi trước những thách thức và cám dỗ của ngoại cảnh thì tự lợi, tức sự tu học cá nhân cần được ưu tiên hơn. Khi nội tâm chưa thực sự an tịnh và vững vàng mà chuyên lo lợi tha và quên mất phần tự lợi thì có khi mất cả chì lẫn chài.

Tôn giả Ananda thông tuệ đến thế, nhớ tất cả những lời dạy của Thế Tôn mà đến khi Thế Tôn nhập Niết bàn vẫn chưa chứng đắc Thánh quả A la hán là điều đáng cho tất cả chúng ta suy ngẫm.L

KHÔNG CHẾ NGỰ

Một thời, rất nhiều Tỷ kheo trú giữa dân chúng Kosala, tại khu rừng nọ, cống cao, ngạo mạn, ồn ào, lắm miệng, lắm lời, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, các căn không chế ngự.

Rồi một vị thiên trú ở khu rừng ấy, vì lòng thương xót, muốn hạnh phúc, muốn cảnh giác, liền đi đến các Tỷ kheo nói lên bài kệ sau:

Xưa sống thật an lạc/Chúng đệ tử Cù Đàm/Không tham tìm món ăn/Không tham tìm chỗ trú/Biết đời là vô thường/ Họ chấm dứt khổ đau/Nay tự làm ác hạnh/Như thôn trưởng trong làng/Họ ăn, ăn ngã gục/Thèm khát vật nhà người/ Con vái chào chúng Tăng/Đảnh lễ một vài vị/Vất vưởng không hướng dẫn/Họ sống như ngạ quỷ/Những ai sống phóng dật/Vì họ, con nói lên/Những ai không phóng dật/ Chân thành con đảnh lễ.

Các vị Tỷ kheo ấy được vị thiên cảnh tỉnh, tâm hết sức xúc động.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 9, phần Không chế ngự căn hay nhiều Tỷ kheo, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.448)

LỜI BÀN:

Từ thời Thế Tôn, lác đác vẫn có những hội chúng Tỷ kheo phóng dật, tham đắm lợi dưỡng, không mấy thú hướng tu hành để đạt đến giải thoát, Niết bàn. Nhất là về sau, khi Tăng đoàn phát triển lớn mạnh, người xuất gia ngày càng đông và những kẻ cơ hội đó trà trộn vào hàng ngũ xuất gia nhưng không vì mục tiêu giải thoát càng nhiều thì những tệ đoan bắt đầu gia tăng.

Rất dễ dàng để nhận ra một hội chúng Tỷ kheo kém phẩm chất, khiếm khuyết về phạm hạnh, không được thanh tịnh thông qua các biểu hiện như “cống cao, ngạo mạn, ồn ào, lắm miệng, lắm lời, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, các căn không chế ngự”. Và những hội chúng Tỷ kheo nào mà trong nội dung các hoạt động tu tập và Phật sự thiếu vắng tinh thần giới, định và tuệ thì hội chúng đó chỉ có hình thức, danh nghĩa mà thôi.

Có điều chắc chắn rằng, khi một hội chúng Tỷ kheo không thanh tịnh thì sự ngưỡng mộ và quy hướng của tín đồ suy giảm dần, ngày càng mất đi sự ủng hộ của hàng cư sĩ và chư Thiên. Do vậy, vai trò hộ pháp của cư sĩ và chư Thiên không chỉ tận lực ủng hộ về cúng dường tài vật mà còn thể hiện bằng tinh thần xây dựng, củng cố Tăng đoàn.

Vì thanh tịnh của Tăng đoàn, vì tồn vong của đạo pháp, chư Thiên và cư sĩ hộ pháp luôn quan tâm đến chư Tăng, ủng hộ và bảo vệ hết lòng, chia sẻ khi khó khăn, góp ý và thức tỉnh lúc phóng dật… với tất cả tâm từ như vị thiên trong pháp thoại trên đây, chính là trách nhiệm hộ pháp của mỗi người đệ tử Phật.L

ÁC MA XÚI GIỤC CAI TRỊ

Một thời, Thế Tôn ở Kosala, dưới chân núi Tuyết Sơn, tại một am thất nhỏ trong rừng.

Trong khi Thế Tôn thiền tịnh độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên: Có thể chăng cai trị mà không giết hại, không để người giết hại; Không chinh phục, không khiến người chinh phục; Không sầu muộn, không khiến người sầu muộn một cách đúng pháp?

Rồi Ác ma, biết được tâm tư Thế Tôn như vậy, liền đi đến nói với Thế Tôn:

Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy cai trị. Thiện Thệ hãy cai trị.
Này Ác ma, ông thấy gì mà ông nói với Ta như vậy?
Bạch Thế Tôn, Bốn như ý túc đó được Thế Tôn tu tập, làm cho sung mãn, khéo áp dụng. Và bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn muốn núi Tuyết Sơn, vua các loài núi trở thành vàng, Thế Tôn có thể quyết định như vậy, và ngọn núi có thể trở thành vàng.
Thế Tôn (nói kệ):

Dầu cho cả ngọn núi/Trở thành toàn vàng ròng/Cho đến hóa gấp đôi/Cũng không thỏa mãn được/Tham vọng của một người/Biết vậy để hành trì/Ai thấy rõ đau khổ/Và nguyên nhân đau khổ/Làm sao người như vậy/Có khuynh hướng ái dục?/Sau khi biết sinh y/Là ràng buộc ở đời/ Người biết vậy nên học/Giải trừ mọi buộc ràng.

Rồi Ác ma biết được: “Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta”, sầu khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 4, phẩm 2, phần Thống trị,

VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.257)

LỜI BÀN:

Pháp thoại này cho thấy Thế Tôn đã từng nghĩ đến việc thiết lập một xã hội đức trị lý tưởng, trong đó có cai trị mà “không giết hại, không để người giết hại; không chinh phục, không khiến người chinh phục; không sầu muộn, không khiến người sầu muộn”.

Quả đây là một ý tưởng tuyệt vời, tâm nguyện vì chúng sinh cao cả. Nhưng khi Thế Tôn vừa khởi lên tư tưởng này thì ác ma liền nắm bắt đồng thời cất lời xưng tán và động viên Ngài hãy thiết lập sự cai trị. Ngay lập tức, Thế Tôn biết được ác ma đang lợi dụng lòng tốt của Ngài nên liền xả niệm, an trụ vào vô tâm, tịch tịnh.

Với trí tuệ của bậc Giác ngộ, Ngài thấy rằng dù cho làm được điều khó làm nhất như biến ngọn Tuyết Sơn thành một khối vàng ròng nhưng nếu tâm tham chưa điều phục thì việc ấy chỉ tăng trưởng tham vọng, chấp thủ và buộc ràng mà thôi. Điều này thật đáng để cho những đệ tử Phật suy tư trước những hoài bão độ sinh to lớn, những Phật sự bộn bề và nhất là nỗ lực để cải thiện và kiện toàn các hình thái tổ chức xã hội cũng như Giáo hội… trong khi thân tâm còn nhiều ràng buộc và giới hạn của tập khí, phiền não.

Ác ma luôn ca ngợi và khuyến khích hành giả (chưa giải thoát) tham gia quản trị xã hội nhưng thực chất là đánh lạc hướng chúng ta lệch khỏi mục tiêu giải thoát và tăng trưởng tham ái quyền lực. Do đó, tùy duyên mà làm lợi ích cho đời, làm tất cả những hạnh lành nhưng phải buông xả tất cả, vô chấp để vượt qua mọi kềm tỏa và lợi dụng của ác ma.L

CÔ ĐỘC MÀ KHÔNG CÔ ĐƠN

Một thời, Tỷ kheo Vajjiputtaka trú ở Vesàli tại một khu rừng.

Lúc bấy giờ có một cuộc lễ tổ chức suốt đêm ở Vesàli.

Tỷ kheo ấy được nghe tiếng nhạc khí, tiếng cồng v.v… đánh lên, tiếng ồn ào khởi lên, liền than thở, nói lên ngay lúc ấy bài kệ này: Chúng ta sống một mình/Trong khu rừng cô độc/Như khúc gỗ lột vỏ/Lăn lóc trong rừng sâu/ Trong đêm tối hân hoan/Như hiện tại đêm nay/Ai sống đời bất hạnh/Như chúng ta hiện sống.

Rồi một vị Thiên trú ở khu rừng ấy, có lòng thương xót vị Tỷ kheo ấy, muốn hạnh phúc, muốn cảnh giác liền đi đến vị Tỷ kheo. Sau khi đến, vị Thiên ấy nói lên bài kệ: Ông sống chỉ một mình/Trong khu rừng cô độc/Như khúc gỗ lột vỏ/Lăn lóc trong rừng sâu/Rất nhiều người thèm muốn/ Đời sống như ông vậy/Như kẻ đọa địa ngục/Thèm muốn sinh thiên giới.

Tỷ kheo ấy được vị Thiên cảnh giác, tâm hết sức xúc động.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 9 Tương ưng Rừng, phần Vajjiputta, VNCPHVN ấn hành 1993, tr.443)

LỜI BÀN:

Dù đã phát nguyện dấn thân, tự nguyện chấp nhận sống đời cô độc nhưng thỉnh thoảng bất chợt xuất hiện cảm giác cô đơn, trống trải âu cũng là chuyện thường tình. Đặc biệt, trong trường hợp hạnh phúc xuất thế chưa đạt được mà hạnh phúc đời thường lại không có thì cảm giác cô đơn lại dễ ùa về xâm chiếm tâm hồn chúng ta hơn, nhất là những khi xung quanh ta ngập tràn không khí lễ hội, ca nhạc ồn ào náo nhiệt.

Một ẩn sĩ sống cô độc trong rừng, vì thiếu chánh niệm cho nên chợt chạnh lòng, cảm giác cô đơn, xót xa cho thân phận bất hạnh. Đây là một biểu hiện quen thuộc của tâm hoang vu khi thiếu sự kiểm soát, thiếu ý thức về thực tại. Để khắc phục tình trạng này, hành giả nhanh chóng trở về thực tại bằng cách hướng tâm vào chánh niệm. Đề mục để duy trì chánh niệm có thể là niệm danh hiệu Phật, chú tâm vào hơi thở hoặc thiền quán về tâm thức đương tại… Khi đã an trú tâm vào chánh niệm thì cảm giác cô đơn bị đẩy lùi và triệt tiêu. Ai khắc phục được cô đơn tức người ấy đã nắm vững nghệ thuật của Người biết sống một mình.

Theo tuệ giác Thế Tôn, người tu nhờ biết duy trì chánh niệm thường trực nên dù sống cô độc mà không hề cô đơn. Bí quyết sống hạnh phúc, hoan hỷ vui tươi, tâm sung mãn tràn ngập bi trí của Người biết sống một mình là pháp lạc, hoa trái của chánh niệm. Một vị Trời nhận thức sâu sắc về hạnh phúc nội tâm của một ẩn sĩ nên khẳng định “rất nhiều người thèm muốn, đời sống như ông vậy”. Nhất là trong cuộc sống hiện tại với vô vàn biến động, đầy dẫy trói buộc, hệ lụy và hư dối thì một cuộc sống thanh bình, tĩnh tại nhưng sung mãn hạnh phúc tự nội vẫn là mong muốn, khát vọng của nhiều người.

Cô đơn, trống vắng và những tâm hồn đi hoang là hội chứng làm điêu linh tâm thức của con người hiện đại. Họ thường chạy trốn và sợ hãi cô đơn, nhất là khi phải đối diện với chính mình. Vì vậy, phải nhận diện và thân thiện với tâm hoang vu của bản thân để thấy rằng cô đơn không khủng khiếp và đáng sợ như ta tưởng, vì cô đơn vốn không thực. Hãy thắp sáng chánh niệm để làm chủ, an trú và nuôi dưỡng tâm bằng niềm hạnh phúc tự nội. Đây chính là bí quyết Cư trần lạc đạo của những người tu Phật.L

Hits: 194

Website chia sẻ kiến thức , những tâm đắc về đạo Phật , cổ nhân xưa của 1 cá nhân ( không phải tổ chức , chùa ) . Mọi ý kiến đóng góp, khiếu nại xin gửi về hòm thư [email protected] . Điều khoản , nội quy

Wiki Tâm Học
Copyright 2020 @ Thiết kế bởi DragonKnightMT