Skip to content
We'll be happy to help. Call Us Today: +1800-222-9876

Lời Phật dạy là một tiểu mục trong chuyên mục Phật học của báo Giác Ngộ. Tiểu mục này được xây dựng từ năm 2003, bằng cách trích tuyển nguyên văn hoặc một phân đoạn của những kinh thuộc Trường Bộ, Trung Bộ, Tăng Chi Bộ, Tương Ưng Bộ và Tiểu Bộ (Kinh tạng Nikàya) đồng thời kèm theo phần Lời bàn ngắn gọn, súc tích và thiết thực.

Nội dung Kinh tạng Nikàya bao hàm nền tảng căn bản giáo lý Phật đà, rất thiết thân, gần gũi, dễ hiểu và dễ ứng dụng thực hành. Trong những năm qua, Lời Phật dạy đã lần lượt giới thiệu đến độc giả rất nhiều pháp thoại với nhiều đề tài khác nhau. Từ những giáo lý căn bản như Tam quy, Ngũ giới cho đến Tứ đế, Duyên khởi, Vô ngã; từ những phương thức xây dựng đời sống gia đình an vui hạnh phúc cho hàng Phật tử tại gia đến các phương pháp tu tập chuyển hóa phiền não nhằm thành tựu các Thánh vị cho hàng đệ tử xuất gia v.v… đều được Lời Phật dạy chuyển tải đến bạn đọc.

Với khuôn khổ nhỏ hẹp của trang báo, chắc chắn rằng nội dung của Lời Phật dạy chưa thể hiện được hết đầy đủ yếu nghĩa của Kinh tạng. Tuy vậy, với sự tìm tòi rất công phu trong Kinh tạng đồ sộ, trích tuyển kinh văn phù hợp với các nội dung tu tập của từng thời điểm trong năm cùng với cước chú chi tiết nguồn gốc mỗi bản kinh và nhất là phần Lời bàn giản dị mà sâu sắc của tác giả đã giúp cho tiểu mục Lời Phật dạy được đông đảo bạn đọc quan tâm, ủng hộ.

Nay, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập và thể nghiệm lời Phật dạy của bạn đọc, tác giả tiểu mục Lời Phật dạy tập hợp các bài viết đã đăng báo theo từng chủ đề và in thành sách Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya (tập I, II và III). Thiết nghĩ, tập sách này là hành trang cần yếu cho những ai quan tâm nghiên tầm, học tập những tinh hoa mà Đức Phật đã dạy. Với những giá trị tư tưởng, văn bản học nguyên thủy và cổ xưa nhất của Kinh tạng Nikàya, hy vọng độc giả sẽ được gội nhuần trong phạm âm vi diệu của Thế Tôn, thuở Ngài còn tại thế.

Trân trọng giới thiệu sách Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya (tập I, II & III) đến với bạn đọc xa gần.

 

Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ

Hòa thượng THÍCH TRÍ QUẢNG

 

Slide 1 Heading
Lorem ipsum dolor sit amet consectetur adipiscing elit dolor
Click Here
Slide 2 Heading
Lorem ipsum dolor sit amet consectetur adipiscing elit dolor
Click Here
Slide 3 Heading
Lorem ipsum dolor sit amet consectetur adipiscing elit dolor
Click Here
Slide Heading
Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.
Click Here
Previous
Next

Lời Phật dạy trong kinh Nikaya – XX. THUYẾT PHÁP & NGHE PHÁP

THUYẾT PHÁP & NGHE PHÁP

 


BA HẠNG NGƯỜI NGHE PHÁP

Một thời, Thế Tôn trú ở Savatthi, tại vườn ông Anàthapindika dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có ba hạng người này xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Hạng người với trí tuệ lộn ngược, hạng người với trí tuệ bắp vế, hạng người với trí tuệ rộng lớn.

Này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người với trí tuệ lộn ngược? Ở đây, có hạng người thường đi nghe pháp. Người ấy, đối với bài thuyết giảng không có tác ý đến đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối. Khi đứng dậy, đối với bài thuyết giảng không có tác ý đến đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối. Ví như, một cái ghè lộn ngược, nước chứa trong ghè tuôn chảy, không dừng lại.

Này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người với trí tuệ bắp vế? Ở đây, có hạng người thường đi nghe pháp. Người ấy, đối với bài thuyết giảng có tác ý đến đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối. Nhưng khi đứng dậy, đối với bài thuyết giảng không có tác ý đến đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối. Ví như, trên bắp vế một người, để các hạt đậu, hạt gạo. Khi người ấy đứng dậy, khiến tất cả đều rơi vãi.

Này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người với trí tuệ rộng lớn? Ở đây, có hạng người thường đi nghe pháp. Người ấy, đối với bài thuyết giảng có tác ý đến đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối. Khi đứng dậy, đối với bài thuyết giảng có tác ý đến đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối. Ví như, một cái ghè dựng đứng, nước chứa trong ấy được giữ lại, không có chảy đi.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Người, phần Lộn ngược [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.231)

LỜI BÀN:

Trong Phật giáo, nghe pháp là một trong những phương thức tu tập trí tuệ (văn tuệ). Nhờ nghe pháp mà am hiểu giáo lý và trực nhận ra nhiều vấn đề, rồi từ đó có thể chuyển hóa được các tật xấu, những khổ đau. Tuy nhiên, trong số khá nhiều người tham dự nghe pháp tại các đạo tràng, giảng đường thì không phải ai cũng hội đủ căn lành để nhận thức trọn vẹn giáo pháp.

Có hạng người nghe pháp chỉ để “gieo duyên”, không tập trung, không nắm bắt được giáo nghĩa và tất nhiên là họ không thể suy tư, chiêm nghiệm về lời Phật dạy để áp dụng trong cuộc sống thường ngày. Phật ví hạng người này như cái ghè úp ngược, không đựng được chút nước nào.

Hạng người thứ hai thì mau quên, khi nghe pháp có tập trung, hiểu được giáo pháp nhưng nghe xong thì thôi, chẳng lưu tâm nghiền ngẫm. Tuy có khá hơn hạng người thứ nhất nhưng vì ít lưu tâm nên dù nghe pháp nhiều vẫn hiểu biết giáo pháp rất khiêm nhường. Phật ví sự hiểu biết giáo pháp của hạng người này như hạt đậu, hạt gạo để trên bắp vế, đứng dậy là rơi ngay xuống đất, không dính lại.

Hạng người thứ ba nghe pháp được Phật khen ngợi, vì sau khi nghe hiểu thì thường xuyên nhớ nghĩ, tư duy, chiêm nghiệm về những gì đã được nghe. Nhờ vậy, giáo pháp luôn thấm nhuần trong cuộc sống, ứng xử của họ. Và hẳn nhiên hạng người này tu tập có chuyển hóa, đạt được an vui, giải thoát.

Vì thế, những người con Phật luôn tự răn nhắc mình để hướng đến là hạng người nghe pháp với trí tuệ rộng lớn: nghe, hiểu, ghi nhớ, chiêm nghiệm và thực hành.L

ĐÚNG THỜI

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, dạy các Tỷ kheo:

Có bốn thời gian này, này các Tỷ kheo, nếu khéo tu tập, khéo vận chuyển, tuần tự đưa đến sự đoạn diệt các lậu hoặc. Thế nào là bốn? Nghe pháp đúng thời, đàm luận về pháp đúng thời, chỉ đúng thời, quán đúng thời.

Này các Tỷ kheo, ví như trời mưa trên đỉnh núi, nước chảy theo khe núi tràn đầy thung lũng, sau đó tràn ngập ao hồ, tràn đầy sông suối rồi tràn xuống đại dương. Cũng vậy, bốn thời gian này, này các Tỷ kheo, nếu khéo tu tập, khéo vận chuyển, tuần tự đưa đến sự đoạn diệt các lậu hoặc.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 4, phẩm Ánh sáng, phần Thời gian, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.81)

LỜI BÀN:

Sự nghiệp tu tập của một người, để đoạn tận lậu hoặc, đạt đến giải thoát, cần tuân thủ theo một trình tự nhất định. Tiến trình này được Thế Tôn ảnh dụ như nước xuôi dòng từ trên đỉnh núi về đến biển khơi.

Nghe pháp là nhân tố quan trọng đầu tiên. Không nghe giảng, học tập, nghiên cứu và tìm hiểu giáo điển thì chắc chắn “tu mù”. Nghe pháp chính là một trong những pháp tu tác thành nên trí tuệ (Văn tuệ). Việc tìm hiểu kinh điển phải đúng thời, tức là phải đi theo trình tự, theo thứ bậc từ thấp đến cao, từ tục đế đến chân đế.

Sau khi nghe pháp, không phải ai cũng hiểu trọn vẹn, nắm bắt được tinh túy của giáo pháp. Vì thế, cần phải tư duy, chiêm nghiệm và đàm luận để đào sâu nghĩa lý. Pháp đàm là một phương thức học Phật pháp vô cùng cần thiết. Tư duy và thảo luận Phật pháp sẽ giúp hành giả thẩm thấu giáo pháp sâu sắc, chính xác hơn (Tư tuệ).

Văn tuệ và Tư tuệ vốn rất quan trọng, làm nền tảng cho Tu tuệ. Chỉ và quán, hay nói cách khác, tu tập định và tuệ là cơ sở cho mọi pháp môn. Chỉ là định, tức sự tập trung, ngưng đọng, lắng yên tất cả mọi tạp niệm. Quán là thẩm sát, thấy rõ như thật tự tính của vạn pháp. Chỉ và quán đúng thời là vận dụng chỉ quán nhuần nhuyễn, tương thích với thực tại của thân tâm để diệt tận phiền não, thành tựu chánh trí, chứng đắc giải thoát, Niết bàn.

Như vậy, học hỏi, tư duy và thực hành pháp nếu được ứng dụng có thứ lớp, trình tự là nhân tố đưa đến sự thành công trong tu tập. Dụng công đúng thời là điều cần lưu tâm cho bất kỳ ai muốn tu học có kết quả. Ngày nay, người tu tuy nhiều nhưng chứng đắc các Thánh quả không nhiều, phải chăng chúng ta chưa thực sự “khéo tu tập” như lời chỉ dạy của Thế Tôn?L

THUYẾT PHÁP PHÂN BIỆT

Một thời, Thế Tôn trú ở Nalandà, tại rừng Pàvàrikamba. Rồi thôn trưởng Asibandhakaputta đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn:

Bạch Thế Tôn, vì sao đối với một số người, Thế Tôn thuyết pháp một cách hoàn toàn trọn vẹn và đối với một số người khác lại không như vậy?

Này thôn trưởng, ông nghĩ thế nào, một người cày ruộng có ba thửa ruộng. Một loại ruộng tốt, một loại bậc trung và một loại ruộng xấu. Người cày ruộng ấy muốn gieo hạt ở thửa ruộng nào trước?

Bạch Thế Tôn, tất nhiên người cày ruộng muốn gieo hạt giống vào thửa ruộng tốt trước.

Này thôn trưởng, cũng vậy, ví như thửa ruộng tốt là các Tỷ kheo, Tỷ kheo ni của Ta. Ví như thửa ruộng loại trung, là các nam nữ cư sĩ của Ta. Đối với họ, Ta thuyết pháp sơ thiện, trung thiện và hậu thiện, có nghĩa, có văn. Ta nói lên cho họ biết đời sống Phạm hạnh thanh tịnh. Vì họ sống lấy Ta làm chỗ nương tựa. Ví như thửa ruộng xấu là các ngoại đạo, Bà la môn, du sĩ. Đối với họ, Ta thuyết pháp sơ thiện, trung thiện và hậu thiện, có nghĩa, có văn. Vì rằng, nếu họ hiểu được chỉ một câu, như vậy là họ được hạnh phúc an lạc lâu dài.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ IV, chương 8, phần Thuyết pháp

[trích], Nxb Tôn Giáo, 2001, tr.493)

LỜI BÀN:

Tất cả chúng sinh đều có khả tính giác ngộ, tuy nhiên tùy thuộc vào duyên nghiệp của mỗi người mà khả năng ấy được phát huy và có những thành tựu nhất định.

Theo tuệ giác Thế Tôn, có ba nhóm đối tượng cơ bản cần phân biệt giáo hóa. Trước hết là những đệ tử xuất gia, những thửa ruộng tốt cần gieo hạt trước. Hoa trái giải thoát của Tứ thánh quả vốn đã tiềm tàng trong hàng ngũ xuất gia. Với lợi thế của đời sống xuất gia là không bị gia đình ràng buộc, có thể dành hết thời gian cho thiền định và như thế, sự chứng đắc các Thánh quả là điều chắc chắn họ sẽ gặt hái được. Đây cũng là lý do Thế Tôn ưu ái hàng trưởng tử.

Tiếp đến là hàng cư sĩ Phật tử, những đệ tử tại gia của Thế Tôn. Do đặc điểm sinh kế và nhiều ràng buộc với gia đình, xã hội nên không thể chuyên nhất tu tập giải thoát như hàng xuất gia. Tuy nhiên, hàng cư sĩ có một trọng trách to lớn là hộ pháp và vẫn có thể thành tựu những quả Thánh từ Sơ quả đến Tam quả. Do đó, hàng cư sĩ trong giáo pháp là những thửa ruộng loại trung, nếu gia tâm chăm bón thì cũng được đền bù xứng đáng.

Ngoài ra, đối với những thửa ruộng xấu, Thế Tôn vẫn gieo mầm hy vọng, mong mỏi nơi họ dự phần giác ngộ để được lợi ích. Do vậy, Thế Tôn thường quán sát căn cơ để tùy duyên giáo hóa, dù bình đẳng đối với tất cả chúng sinh nhưng phương tiện và pháp môn tuyên thuyết cũng như sự quan tâm cho mỗi nhóm đối tượng thì có khác biệt.L

GIÁO HÓA NGƯỜI NGHÈO

Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagha, Veluvana. Bấy giờ, một người bệnh hủi tên là Suppabuddha nghèo đói, ăn xin, khốn cùng. Từ xa, thấy hội chúng đang nghe Thế Tôn thuyết pháp, Suppabuddha nghĩ rằng: “Ở đây, có thể xin được cái gì để ăn”, liền đi đến. Khi đến nơi, biết Thế Tôn đang thuyết pháp, liền ở lại nghe pháp.

Rồi Thế Tôn, quán sát hội chúng biết rằng người hủi Suppabuddha có thể hiểu pháp nên tuần tự thuyết về bố thí, trì giới, thiên giới, sự nguy hiểm của các dục, sự xuất ly.

Như tấm vải được gột rửa những vết đen nên dễ nhuộm; cũng vậy, sau khi nghe pháp, trong tâm người hủi Suppabuddha khởi lên pháp nhãn xả ly trần cấu: Phàm cái gì được khởi lên, tất cả đều bị đoạn diệt, chứng quả Dự lưu. Rồi Suppabuddha phát tâm quy y Tam bảo, nguyện từ nay cho đến mạng chung, trọn đời quy ngưỡng.

(ĐTKVN, Tiểu Bộ I, chương 5, phẩm Trưởng lão Sona,

Nxb.TPHCM ấn hành, 1999, tr.203)

LỜI BÀN:

Không phải đến bây giờ mà ngay từ thời Thế Tôn tại thế, khi thấy hội chúng đông đảo thì những người ăn xin kéo đến, với ước mong đơn giản là có thể xin được thực phẩm để sống qua ngày. Vì thế, mỗi khi chùa có lễ hay hội thì những người ăn xin tụ về đông đảo, nhất là dịp lễ lớn thì họ đến càng đông hơn.

Cố nhiên Thế Tôn và các Tỷ kheo thời bấy giờ sống đời khất thực nên không có nhiều thực phẩm để san sẻ nhưng nhờ quán sát nhân duyên, Thế Tôn khéo thuyết giảng hợp với căn tánh của họ nên giáo hóa dễ dàng, đưa họ về với Chánh pháp, trở thành Phật tử chân chánh, thậm chí chứng đắc Thánh quả.

Ngày nay, chúng ta có nhiều cái để cho những người hành khất hơn, vì thế họ tập trung đến chùa vào những dịp lễ hội càng đông. Mỗi khi đến chùa lễ bái, tham quan, thư giãn và tĩnh tâm, nhìn thấy cảnh tượng này ai cũng không khỏi chạnh lòng.

Giải pháp cho vấn đề này thì có nhiều nhưng kết quả không mấy khả quan. Bởi vì nếu cho họ vật chất thôi thì chỉ là phương thức tạm thời, đôi khi bị những người biếng nhác lợi dụng. Nên chăng ngoài vật chất ra, người con Phật cần phát khởi lòng từ bố thí pháp, như Thế Tôn đã thuyết pháp giáo hóa Suppabuddha.

Người cho và nhận đều được lợi ích khi cả hai hiểu được ý nghĩa của việc mình làm. Do vậy, từ bi và trí tuệ phải song hành trong mọi hành xử của người con Phật, nhất là trong phương diện bố thí, để tất cả đều lợi lạc.L

DU HÀNH

Một thời, Thế Tôn trú ở Kimbilà, tại Veluvana, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có năm điều nguy hại này cho người sống du hành dài, du hành không có mục đích. Thế nào là năm?

Không nghe điều chưa được nghe; không làm cho thanh tịnh điều đã được nghe; có sợ hãi một phần điều đã được nghe; cảm xúc bệnh hoạn trầm trọng; không có bạn bè.

Này các Tỷ kheo, có năm lợi ích này cho người sống du hành có mục đích. Thế nào là năm?

Nghe điều chưa được nghe; làm cho thanh tịnh điều đã được nghe; không có sợ hãi một phần điều đã được nghe; không cảm xúc bệnh hoạn trầm trọng; có bạn bè.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Du hành dài, phần Du hành dài [1], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.723)

LỜI BÀN:

Du hành là không ở cố định một nơi, luôn di chuyển, gần như lang thang vô định cốt yếu nhằm không dính mắc vào các tiện nghi vật chất. Du hành là lối sống đẹp, thong dong nhẹ nhàng của các bậc xuất gia, khất sĩ. Chỉ ba y và bình bát, vị Tỷ kheo cứ thế bộ hành, vân du đó đây tự tại. Cơm ăn hàng ngày phụ thuộc vào tín thí, chỗ nghỉ là những gốc cây. Sống đơn giản tri túc và thiểu dục, không cần dự phòng cho tương lai; chỉ an trú vững chãi, chánh niệm từng phút giây trong hiện tại.

Đặc trưng của đời sống khất sĩ là du hành, với mục đích trợ duyên cho giải thoát. Thay đổi môi trường sống liên tục nhằm tránh xa sự tham đắm và chấp thủ. Ngay cả gốc cây mà không

nên ngủ quá ba đêm vì sợ khởi tâm ưa thích và bám víu, huống gì là tinh xá, chùa chiền và tín đồ… Mặt khác, du hành có mục đích là cơ hội quý giá để học hỏi, tầm cầu giáo pháp. Ra đi, tầm nhìn sẽ được mở mang, tri thức sẽ thêm hoàn thiện, bởi “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Đặc biệt là học hỏi những kinh nghiệm thực tập chuyển hóa nội tâm từ các bậc trưởng lão, tôn túc để chuyển hóa phiền não tự thân.

Được tiếp nhận và trao truyền kinh nghiệm tu tập là phúc duyên của hàng hậu học. Sự trải nghiệm của chư vị trưởng lão sẽ làm giàu thêm hành trang giải thoát cho người thực tâm cầu học, nhất là sự thân chứng mà chư vị đó kinh qua như nhân quả, nghiệp báo, tội phước và các diễn biến nội tâm trong thiền định. Những lời giáo huấn ấy như cam lộ tưới tẩm những tâm hồn bất an, đặc biệt là khơi dậy niềm tịnh tín giải thoát nơi các hành giả sơ cơ, nội tâm chưa thực sự an lạc, vững chãi.

Du hành còn là một phương thức vận động cơ thể, rèn luyện thể lực, thích ứng với nhiều môi trường sống khác nhau, tạo ra sự điều hòa và khỏe mạnh. Đồng thời, đời sống du hành sẽ mở rộng các quan hệ pháp lữ, thắt chặt thêm tình huynh đệ ở những trụ xứ khác nhằm trợ duyên và nương tựa lẫn nhau hướng đến giải thoát. Đây là những lợi ích thiết thực cho những hành giả sống du hành có mục đích.

Tuy nhiên, đối với những ai du hành không vì mục tiêu hướng đến giải thoát thì chỉ đơn thuần là du hí mà thôi. Vân du sơn thủy du lịch đó đây mà xa rời mục tiêu phạm hạnh và hướng đến giải thoát thì không phải là hạnh du hành. Vì thế, du hành có mục đích là điều tối cần thiết cho đời sống khất sĩ nhằm hướng đến giải thoát, an lạc.L

BỐN HẠNG NGƯỜI NGHE PHÁP

Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Vajji, làng Bhanda. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:

Có bốn hạng người, này các Tỷ kheo, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn? Nghe ít, điều đã nghe không được khởi lên; nghe ít, điều đã nghe được khởi lên; nghe nhiều, điều đã nghe không được khởi lên; nghe nhiều, điều đã nghe được khởi lên.

Ở đây, này các Tỷ kheo, có hạng người được nghe ít về kinh pháp. Với những điều đã nghe ít ỏi này, người ấy không biết nghĩa, không thực hành pháp.

Này các Tỷ kheo, ở đây, có hạng người được nghe ít về kinh pháp. Với những điều đã nghe ít ỏi này, người ấy biết nghĩa, thực hành pháp.

Ở đây, này các Tỷ kheo, có hạng người được nghe nhiều về kinh pháp. Với những điều đã nghe nhiều này, người ấy không biết nghĩa, không thực hành pháp.

Này các Tỷ kheo, ở đây, có hạng người được nghe nhiều về kinh pháp. Với những điều đã nghe nhiều này, người ấy biết nghĩa, thực hành pháp.

Này các Tỷ kheo, có bốn hạng người này hiện hữu ở đời.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 4, phẩm Bhandagàma, phần Học hỏi ít, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.560)

LỜI BÀN:

Nghe pháp là một trong những phương thức tu học của người con Phật. Muốn tu học thành công tất phải học tập, nghe pháp để hiểu và hành trì đúng Chánh pháp. Tuy nhiên, tùy theo khả năng mà

mỗi người trong quá trình nghe pháp nhận thức giáo pháp khác biệt nhau.

Trước hết, có hạng người ít nghe đồng thời với cơ duyên nghe pháp ít ỏi ấy cũng không hiểu pháp. Đây là một hạn chế lớn, vì không hiểu pháp sẽ đưa đến nhiều tai hại, hành trì sai lạc, nhất là vấn đề “tin mà không hiểu Ta chính là phỉ báng”.

Đối với hạng người ít nghe pháp nhưng hiểu được và thực hành những vấn đề đã nghe, điều này thật quý giá, đáng trân trọng. Chỉ cần hiểu pháp dù không nhiều nhưng đảm bảo sẽ nhận thức và hành trì đúng pháp và chắc chắn sẽ có nhiều lợi ích.

Trường hợp của hạng người nghe nhiều nhưng hiểu và hành trì chẳng bao nhiêu khá phổ biến. Thực tế cho thấy hiện nay người học pháp rất nhiều nhưng cốt tủy và tinh hoa của giáo pháp mà người học lãnh hội được không mấy khả quan. Nhất là phương diện hành trì pháp, nền tảng của chuyển hóa không được ứng dụng nên đa phần không vượt thoát khổ đau.

Cuối cùng, hạng người nghe pháp nhiều, hiểu và thực hành đầy đủ những điều đã được nghe là những hạt giống tốt trong Chánh pháp. Bởi hạng người này là những bậc chân nhân, chắc chắn sẽ tìm ra hạnh phúc, an lạc trong đời sống đồng thời nỗ lực đem kinh nghiệm giải thoát đó truyền bá cho mọi người cùng được lợi ích, an vui.

Người con Phật chân chánh là phải hiểu và thực hành Chánh pháp để từng bước chuyển hóa khổ đau, thiết lập hạnh phúc trong đời sống hiện tại. Vì thế, nghe pháp để hiểu, hiểu pháp để thực hành, thực hành pháp để thoát khổ là phương châm tu học của tất cả những người con Phật.L

BẢN LĨNH HOẰNG PHÁP

Một thời, Thế Tôn ở tại Rajagaha, Veluvana. Rồi Tôn giả Punna (Phú Lâu Na) đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn:

Lành thay! Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn vắn tắt thuyết pháp cho con. Sau khi nghe pháp, con sẽ sống an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

Này Punna, sau khi được nghe giáo giới vắn tắt của Ta, ông sẽ trú tại quốc độ nào?

Bạch Thế Tôn, con sẽ ở tại Sunàrapanta.

Này Punna, thô bạo, độc ác là người xứ Sunàrapanta. Nếu người xứ Sunàrapanta chửi bới, mắng nhiếc ông, ông nghĩ thế nào?

Bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ: Thật hiền thiện, người xứ Sunàrapanta! Vì những người này không lấy tay đánh đập ta.

Nhưng nếu họ đánh đập ông bằng tay, ông nghĩ như thế nào?

Bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ: Thật hiền thiện, người xứ Sunàrapanta! Vì những người này không đánh đập ta bằng gậy.

Này Punna, nhưng nếu người xứ Sunàrapanta sẽ đánh đập ông bằng gậy, thời ông nghĩ như thế nào?

Bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ: Thật hiền thiện, người xứ Sunàrapanta! Vì những người này không đoạn mạng ta bằng kiếm sắc bén.

Này Punna, nhưng nếu người xứ Sunàrapanta sẽ đoạn mạng ông với lưỡi kiếm sắc bén, thời ông nghĩ như thế nào?

Bạch Thế Tôn, nếu những người xứ Sunàrapanta sẽ đoạn mạng con với lưỡi kiếm sắc bén thì con sẽ nghĩ:

Chính họ đã giúp con loại bỏ cái thân ô trược này.

Lành thay, lành thay, này Punna. Ông có thể sống tại quốc độ Sunàrapanta.

Rồi Tôn giả đến xứ Sunàrapanta, trong mùa mưa ấy, Tôn giả độ được 500 cư sĩ.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ IV, phẩm Chana, mục Punna,

VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.105)

LỜI BÀN:

Gieo trồng, phát tán hạt giống Bồ đề vào tâm thức mọi người là sứ mạng thiêng liêng của đệ tử Như Lai. Để thực thi trọn vẹn sứ mạng cao cả ấy, người con Phật phải dấn thân, phụng hiến tất cả vì tương lai của Phật pháp, thậm chí phải dám xả thân vì đạo.

Một trong những yếu tố cơ bản và quan trọng nhất của vị Như Lai sứ giả là un đúc, trui rèn ý chí nhằm hoàn thiện tự thân, sắt son với tâm nguyện hoằng pháp. Không chỉ học rộng, biện tài, vị Như Lai sứ giả còn phải phát đại nguyện độ sinh cho đến không tiếc thân mạng.

Khi sự hoàn thiện đạt đến độ chín, trí tuệ và phương tiện hoằng pháp đầy đủ sẽ tạo ra bản lĩnh của một vị Như Lai sứ giả. Lúc bấy giờ, họ đủ khả năng đi đến bất cứ nơi đâu, bất chấp nơi ấy khó khăn đến thế nào cũng có thể hoàn thành viên mãn Phật sự.

Nơi Tôn giả Punna dung hội đầy đủ các yếu tố cần thiết của một vị Như Lai sứ giả. Là bậc tiên phong đầy bản lĩnh và thành công nhất trong công cuộc đưa Phật pháp đến những vùng xa. Tôn giả Punna, một bậc thầy đáng kính, một điển hình sinh động cho các vị Như Lai sứ giả trong thời hiện đại học tập và noi theo.L

NGHE PHÁP ĐƯỢC NHIỀU LỢI ÍCH

Một thời, Thế Tôn trú ở Kimbilà, tại Veluvana, Ngài cho gọi các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, nghe pháp có năm lợi ích này. Thế nào là năm?

Được nghe điều chưa nghe, làm cho trong sạch điều đã được nghe, đoạn trừ nghi, làm cho tri kiến chánh trực, làm cho tâm tịnh tín.

Này các Tỷ kheo, nghe pháp có năm lợi ích này.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Kimbila, phần Nghe pháp, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.708)

LỜI BÀN:

Tri thức là chìa khóa để mở cửa mọi kho tàng của cuộc sống. Ngay cả kho tàng trí tuệ Bát nhã vốn siêu việt ngôn ngữ và tư duy cũng rất cần đến tri thức trong giai đoạn tiếp cận đầu tiên. Ở phương diện thế gian, nếu không có tri thức thì cuộc đời sẽ tối tăm, nhân loại sẽ mãi khổ đau, lầm than, cơ cực. Trong hành trình tìm cầu chân lý, cũng vậy, nếu thiếu vắng tri thức thì sẽ không có chiếc bè để qua sông và chẳng thể nào có ngón tay để chỉ mặt trăng. Muốn có được tri thức ấy thì ngoài khả năng tư duy, nghe và đọc là những phương thức cơ bản đồng thời cũng tối ưu nhất.

Một người con Phật, muốn có tri thức đúng đắn để thiết lập chánh kiến thì phải đọc, nghe và tư duy thật nhiều về những lời Phật dạy. Thời Đức Thế Tôn còn tại thế, kinh Phật dưới dạng văn bản chưa hình thành. Do vậy, nghe pháp là phương cách duy nhất để học tập giáo pháp nhằm tư duy, tu tập rồi từng bước thể nhập, trực nhận chân lý. Muốn có một đề mục để tư duy, tất nhiên phải được nghe Phật hoặc chư Tăng giảng thuyết, khai mở trước về đề mục ấy. Vì thế trong ba loại trí tuệ: trí tuệ nhờ nghe pháp (văn tuệ), trí tuệ nhờ tư duy pháp (tư tuệ) và trí tuệ nhờ tu tập về pháp (tu tuệ) thì văn tuệ được thiết lập đầu tiên làm cơ sở cho tư tuệ và tu tuệ.

Nghe pháp để có nhận thức đúng đắn về Chánh pháp là một trong những nhiệm vụ cơ bản của người con Phật. Trong năm lợi ích của nghe pháp mà Phật đã nêu trên không ngoài mục đích nghe để hiểu, hiểu để tin và tin hiểu để thực hành. Một Phật tử nếu chỉ đơn thuần có niềm tin vào Tam bảo thì chưa đủ, ngoài niềm tin thì bắt buộc phải có sự hiểu biết chính xác, sâu sắc về giáo pháp. Vì rằng, niềm tin theo quan điểm của Thế Tôn phải là tịnh tín, tức do hiểu biết mới có niềm tin. Nếu tin mà không hiểu thì đồng nghĩa với sự phỉ báng, là mê tín. Do vậy, người con Phật phải thường xuyên nghe pháp; nghe pháp để tu học nhằm hoàn thiện tự thân và để hoằng pháp lợi sanh.

Ngày nay, để tiếp cận và học tập giáo lý của Đức Phật có vô số phương tiện. Tuy nhiên, nghe pháp vẫn là phương tiện tối thắng vì có tính trực quan, rất sinh động, đặc biệt là thính chúng có thể thảo luận trực tiếp với người giảng pháp để trực nhận chân lý. Vì thế, người Phật tử phải thường xuyên nghe pháp để phát huy nhận thức, hiểu biết sâu sắc hơn về giáo lý, phá tan những nghi hoặc, thành tựu niềm tin Tam bảo vững chắc, không thối chuyển.L

NĂM ĐỨC CỦA PHÁP SƯ

Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambì, tại vườn Ghosita. Lúc bấy giờ, Tôn giả Udàyi đang ngồi thuyết pháp với hội chúng đông đảo vây quanh. Tôn giả Ànanda thấy vậy bạch Thế Tôn:

Bạch Thế Tôn, Tôn giả Udàyi đang ngồi thuyết pháp với hội chúng đông đảo vây quanh.

Này Ànanda, thật không dễ gì thuyết pháp cho người khác. Để thuyết pháp cho người khác, này Ànanda, sau khi nội tâm an trú được năm pháp, mới nên thuyết pháp cho người khác. Thế nào là năm?

Ta sẽ thuyết pháp theo tuần tự; Ta sẽ thuyết pháp với mắt nhìn vào pháp môn; Ta sẽ thuyết pháp với lòng từ mẫn; Ta sẽ thuyết pháp, không phải vì tài vật; Ta sẽ thuyết pháp, không làm thương tổn cho mình và người. Này Ànanda, khi thuyết pháp cho người khác cần phải suy nghĩ như vậy.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Diệu pháp, phần Tôn giả Udàyi, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.611)

LỜI BÀN:

Thuyết giảng giáo điển, kinh pháp cho mọi người hiểu rõ lời Phật dạy và ứng dụng thực hành để chuyển hóa khổ đau, xây dựng hạnh phúc an vui là nhiệm vụ của mỗi người con Phật. Không kể là xuất gia hay tại gia, đệ tử Phật phải chung sức gánh vác sứ mạng hoằng pháp, đem ánh sáng Chánh pháp soi sáng cuộc đời, thông qua sự tu học của chính mình để làm lợi ích cho bản thân và xã hội.

Diễn thuyết Phật pháp mà chuyển hóa được người nghe đồng thời khiến họ trở nên thích thú tìm hiểu giáo pháp, hâm mộ pháp sư chẳng phải là chuyện dễ dàng. Phải tu luyện, tích lũy kinh nghiệm, trau giồi tri thức và hội tụ đầy đủ phước duyên mới trở thành một pháp sư giỏi, chinh phục được người nghe. Theo tuệ giác Thế Tôn, cơ sở để một pháp sư thuyết pháp thành công thì tâm phải an trú vào năm đức: Trình bày vấn đề theo trình tự; hiểu rõ về giáo pháp đang trình bày; động cơ thuyết pháp là từ bi; không thuyết giảng vì danh lợi; những điều nói ra không làm hại cho mình và người.

Hiện nay, không khí học Phật và thuyết giảng giáo lý ở nước ta diễn ra khá sôi nổi ở khắp nơi. Từ những giảng đường, học đường Phật giáo cho đến các chùa viện, đạo tràng và những khóa tu đều có tổ chức thuyết pháp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu hết pháp sư là chư tôn đức Tăng, trong khi đội ngũ pháp sư Ni tuy có hoạt động nhưng khá khiêm nhường và gần như hiếm hoi lắm mới có một vài cư sĩ thăng tòa diễn thuyết giáo pháp cho quảng đại quần chúng.

Đây là vấn đề mà chúng ta cùng suy ngẫm để đa dạng hóa đội ngũ pháp sư, giảng sư. Vì theo tiêu chí của Thế Tôn, năm đức như đã nói ở trên mới chính là nền tảng để kiện toàn khả năng hoằng pháp, thuyết pháp của một cá nhân chứ không phân biệt là Tỷ kheo hay Tỷ kheo ni hoặc tại gia hay xuất gia…L

THUYẾT PHÁP NHƯ TỶ KHEO NI SUKKÀ

Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

Lúc bấy giờ, Tỷ kheo ni Sukkà đang thuyết pháp với đại chúng đoanh vây.

Rồi một Dạ xoa có lòng tịnh tín đối với Tỷ kheo ni Sukkà, đi từ đường này đến đường khác, từ ngã tư này đến ngã tư khác ở Ràjagaha, và ngay lúc ấy, nói lên những bài kệ này: Này người Vương Xá thành/Các người đã làm gì/ Mà nay lại nằm dài/Như say vì rượu ngọt/Không hầu hạ Sukkà/Đang thuyết pháp bất tử/Pháp ấy không trở lui/ Cam lồ không lưng vơi/Ta nghĩ người trí tuệ/Uống nước cam lồ ấy/Chẳng khác một trận mưa/Với kẻ khát lữ hành.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 10, phần Sukkà,

VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.468)

LỜI BÀN:

Thuyết pháp là nhiệm vụ căn bản (chỉ sau tu tập) của các Tỷ kheo. Các bậc Thánh tăng thời xưa thường tuyên thuyết giáo pháp trong khi đi khất thực, sau khi thọ trai, những lúc người khác tìm đến hỏi đạo, trong lúc cần phải tranh luận và phần lớn là thuyết pháp tại các tinh xá, giảng đường v.v… Ngoài Thế Tôn, các Tỷ kheo thì những Tỷ kheo ni và hàng cư sĩ cũng góp phần quan trọng vào sự nghiệp hoằng pháp. Những Thánh nữ A la hán thông tuệ như Khema (Trí tuệ đệ nhất), biện tài như Dhammadinnà (Thuyết pháp đệ nhất) đã làm rạng danh giáo pháp Như Lai. Tỷ kheo ni Sukkà tuy không được tôn vinh vào hàng đại đệ tử nhưng tài trí và đức độ hơn người đã thuyết pháp khiến cho quỷ thần quy phục, phát nguyện hộ trì.

Chúng ta cần thấy rằng, không hẳn là phải có bằng cấp chuyên ngành giảng sư hay có học vị cao mới thuyết pháp thành công. Tỷ kheo ni Sukkà chỉ với tâm thành, nhiệt huyết hoằng pháp cùng với khả năng thiền định, thâm nhập và thể nghiệm giáo pháp của tự thân mà cảm hóa được hội chúng trời người. Một pháp sư tuyên thuyết giáo pháp mà nhiếp phục được hội chúng đông đảo, ồn ào trở nên thanh tịnh vắng lặng đó là điều khó, nhưng chuyển hóa được các loài khác (chư Thiên, ma quỷ…) bỏ tà quy chánh lại càng khó hơn. Ngày nay, năng lượng giác ngộ và giải thoát, hay nói cách khác, phạm hạnh, đức độ, sự thực tu, thực chứng của vị pháp sư trở nên vô cùng quan trọng, nền tảng cho sự hoằng pháp thành công.

Pháp thoại này cũng cho thấy vai trò hộ pháp của chư Thiên và quỷ thần. Chúng ta thử tưởng tượng, một pháp sư đăng đàn thuyết pháp mà trong đạo tràng không chỉ hàng Phật tử mà có cả chư Thiên và quỷ thần vì kính trọng pháp sư mà động viên, nhắc nhở mọi người đến nghe pháp thì đạo tràng ấy sẽ trang nghiêm và hưng thịnh đến mức nào. Ngoài ra, thuyết pháp không nhất thiết là phải đăng đàn với hội chúng đông đảo và thao thao vô ngại biện tài mà chỉ cần thành tâm đọc tụng kinh điển một cách rõ ràng hay im lặng trong tư duy thiền quán các đề mục Chánh pháp cũng có thể giáo hóa chúng sinh.L

Hits: 157

Website chia sẻ kiến thức , những tâm đắc về đạo Phật , cổ nhân xưa của 1 cá nhân ( không phải tổ chức , chùa ) . Mọi ý kiến đóng góp, khiếu nại xin gửi về hòm thư [email protected] . Điều khoản , nội quy

Wiki Tâm Học
Copyright 2020 @ Thiết kế bởi DragonKnightMT