Skip to content
We'll be happy to help. Call Us Today: +1800-222-9876

Lời Phật dạy là một tiểu mục trong chuyên mục Phật học của báo Giác Ngộ. Tiểu mục này được xây dựng từ năm 2003, bằng cách trích tuyển nguyên văn hoặc một phân đoạn của những kinh thuộc Trường Bộ, Trung Bộ, Tăng Chi Bộ, Tương Ưng Bộ và Tiểu Bộ (Kinh tạng Nikàya) đồng thời kèm theo phần Lời bàn ngắn gọn, súc tích và thiết thực.

Nội dung Kinh tạng Nikàya bao hàm nền tảng căn bản giáo lý Phật đà, rất thiết thân, gần gũi, dễ hiểu và dễ ứng dụng thực hành. Trong những năm qua, Lời Phật dạy đã lần lượt giới thiệu đến độc giả rất nhiều pháp thoại với nhiều đề tài khác nhau. Từ những giáo lý căn bản như Tam quy, Ngũ giới cho đến Tứ đế, Duyên khởi, Vô ngã; từ những phương thức xây dựng đời sống gia đình an vui hạnh phúc cho hàng Phật tử tại gia đến các phương pháp tu tập chuyển hóa phiền não nhằm thành tựu các Thánh vị cho hàng đệ tử xuất gia v.v… đều được Lời Phật dạy chuyển tải đến bạn đọc.

Với khuôn khổ nhỏ hẹp của trang báo, chắc chắn rằng nội dung của Lời Phật dạy chưa thể hiện được hết đầy đủ yếu nghĩa của Kinh tạng. Tuy vậy, với sự tìm tòi rất công phu trong Kinh tạng đồ sộ, trích tuyển kinh văn phù hợp với các nội dung tu tập của từng thời điểm trong năm cùng với cước chú chi tiết nguồn gốc mỗi bản kinh và nhất là phần Lời bàn giản dị mà sâu sắc của tác giả đã giúp cho tiểu mục Lời Phật dạy được đông đảo bạn đọc quan tâm, ủng hộ.

Nay, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập và thể nghiệm lời Phật dạy của bạn đọc, tác giả tiểu mục Lời Phật dạy tập hợp các bài viết đã đăng báo theo từng chủ đề và in thành sách Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya (tập I, II và III). Thiết nghĩ, tập sách này là hành trang cần yếu cho những ai quan tâm nghiên tầm, học tập những tinh hoa mà Đức Phật đã dạy. Với những giá trị tư tưởng, văn bản học nguyên thủy và cổ xưa nhất của Kinh tạng Nikàya, hy vọng độc giả sẽ được gội nhuần trong phạm âm vi diệu của Thế Tôn, thuở Ngài còn tại thế.

Trân trọng giới thiệu sách Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya (tập I, II & III) đến với bạn đọc xa gần.

 

Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ

Hòa thượng THÍCH TRÍ QUẢNG

 

Slide 1 Heading
Lorem ipsum dolor sit amet consectetur adipiscing elit dolor
Click Here
Slide 2 Heading
Lorem ipsum dolor sit amet consectetur adipiscing elit dolor
Click Here
Slide 3 Heading
Lorem ipsum dolor sit amet consectetur adipiscing elit dolor
Click Here
Slide Heading
Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.
Click Here
Previous
Next

Lời Phật dạy trong kinh Nikaya – XIV. Ngủ nghỉ và thư giãn

NGỦ NGHỈ, THƯ GIÃN

    1. ĐÊM DÀI LẮM MỘNG

 

    Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Đại Lâm, giảng đường có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn cho gọi các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có năm hạng người ban đêm ngủ ít thức nhiều. Thế nào là năm?

Người đàn bà, này các Tỷ kheo, thao thức đến đàn ông, ban đêm ngủ ít thức nhiều. Người đàn ông, này các Tỷ kheo, thao thức đến đàn bà, ban đêm ngủ ít thức nhiều. Người ăn trộm, này các Tỷ kheo, thao thức đến đồ ăn trộm, ban đêm ngủ ít thức nhiều. Vị vua, này các Tỷ kheo, lo lắng các công việc của vua, ban đêm ngủ ít thức nhiều. Vị Tỷ kheo, này các Tỷ kheo, thao thức đến ly hệ phược, ban đêm ngủ ít thức nhiều.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Vua, phần Chúng ngủ rất ít, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.563)

LỜI BÀN:

Lấy đêm làm ngày là xu thế chung của đời sống hiện đại. Vì thế, chứng mất ngủ hoặc ngủ rất ít ngày càng gia tăng, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và hiệu quả lao động. Trong đó, ngoài những người do công việc phải ngủ ít, còn đa phần thao thức vì suy nghĩ, toan tính cho những tham vọng cố hữu của con người.

Thường thì những lúc cuộc sống bị biến động do áp lực công việc, tình cảm thái quá cùng với bao nỗi lo toan sẽ dẫn đến căng thẳng, khó ngủ hoặc không ngủ được. Ai đã từng “thức khuya mới biết đêm dài” và ít nhiều có cơ hội đối diện với chính mình khi xung quanh đều vắng lặng rồi tự khám phá rằng “đêm thấy ta là thác đổ”. Bóng đêm thật đáng sợ, vì đó là lúc con người cảm nhận một cách sâu sắc về những điều sâu kín, tiềm ẩn trong tâm hồn. Những niềm vui, nỗi buồn, yêu thương và thù hận, nhân cách cao thượng hay thấp hèn, những khát khao thầm kín, cháy bỏng… tất cả đều trào tuôn, sủi bọt và tung tóe trên dòng sông tư tưởng.

Đặc biệt nhất là những suy tư liên hệ đến ái và dục. Những đêm trắng thao thức dệt mộng vàng đã nung nấu và đốt cháy thời gian nghỉ ngơi của con người. Mặt khác, những dự định, toan tính cho sự nghiệp ngày mai đều góp phần làm cho con người thức nhiều, ngủ ít. Nhưng đêm dài lắm mộng nên ngoài những suy tư đem đến hạnh phúc cho cá nhân và xã hội còn có nhiều mưu đồ đen tối và xấu xa lợi mình, hại người.

Tuy nhiên, còn không ít người biết tận dụng quỹ thời gian ít ỏi của đời người để suy nghĩ, tìm cách đem lại lợi ích, an lạc và hạnh phúc cho tha nhân. Đặc biệt là sự thao thức đến việc kiện toàn nhân cách để trở thành con người hoàn thiện, có ích cho xã hội.

Mặc dù Thế Tôn không cho phép hàng đệ tử ngủ nghỉ quá nhiều, bởi tham đắm sự ngủ nghỉ sẽ chướng ngại tu tập và làm cho con người trở thành biếng nhác, nhưng Ngài cũng không tán thành việc ít ngủ để tư duy những việc không cần thiết. Phải biết tận dụng thời gian, tập trung vào công việc, nhất là những việc lợi mình và lợi người là phương châm sống của những người con Phật.L

2.THIỀN, LIỆU PHÁP CỦA GIẤC NGỦ BÌNH AN


Một thời, Thế Tôn trú ở Kimbilà, tại Veluvana, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có năm nguy hại này đối với người thất niệm, không tỉnh giác rơi vào giấc ngủ. Thế nào là năm?

Ngủ một cách khổ sở; thức dậy một cách khổ sở; thấy ác mộng; chư Thiên không phòng hộ; bất tịnh chảy ra.

Này các Tỷ kheo, đây là năm nguy hại đối với người thất niệm, không tỉnh giác rơi vào giấc ngủ.

Này các Tỷ kheo, có năm lợi ích này đối với người trú niệm, tỉnh giác rơi vào giấc ngủ. Thế nào là năm?

Ngủ một cách ngon lành; thức dậy một cách ngon lành; không thấy ác mộng; được chư Thiên phòng hộ; bất tịnh không chảy ra.

Này các Tỷ kheo, đây là năm lợi ích đối với người trú niệm, tỉnh giác rơi vào giấc ngủ.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Kimbilà, phần Thất niệm, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.713)

LỜI BÀN:

Cuộc sống lao động hàng ngày, đối với hầu hết mọi người thật gian nan vất vả. Một giấc ngủ say, đầy đủ và an lành vào ban đêm là cơ hội quý báu nhằm nghỉ ngơi, phục hồi sinh lực để bắt đầu cho một ngày lao động mới. Tuy vậy, để có một giấc ngủ bình an ngon lành, điều tưởng chừng như quá dễ dàng và đơn giản nhưng thực sự là niềm mong ước của rất nhiều người.

Tình trạng quá căng thẳng do áp lực công việc cùng với các biến động phức tạp của đời sống hiện đại đã làm tổn thương sự bình yên tinh thần. Con người đa phần phải sống trong hồi hộp, lo âu, buồn bực, hơn thua, hận thù và sợ hãi…

Chính tâm trạng bồn chồn này là kẻ thù phá hoại giấc ngủ, gặm nhấm đến cùng kiệt sinh lực và tinh thần của con người. Thuốc ngủ có thể tạm thời làm dịu đi những căng thẳng, ru ta vào giấc ngủ vùi ngổn ngang mộng mị nhưng tỉnh dậy trong tình trạng phờ phạc, mệt mỏi.

Theo tuệ giác của Thế Tôn, muốn ngủ bình an thì trong cuộc sống hàng ngày hoặc ít nhất trước khi ngủ, tâm hồn phải bình an, nhẹ nhàng và thư thái. Nói cách khác là phải tu tập chánh niệm hàng ngày và thực hành thiền buông thư trước khi ngủ.

Rũ bỏ mọi lo âu, toan tính; tâm trú niệm vào pháp môn (niệm Phật, niệm hơi thở…); vài phút thiền hành; thư giãn toàn thân; tuyệt đối không dùng các chất kích thích như trà, cà-phê… là liệu pháp rất tốt cho một giấc ngủ ngon lành.

Những ai biết trú niệm và tỉnh giác rơi vào giấc ngủ thì dễ dàng đạt được một giấc ngủ sâu, an lành. Giấc ngủ sâu dù ngắn vẫn đem lại sự an lạc, sung mãn cho thân tâm hơn hẳn ngủ nhiều trong chập chờn, ác mộng. Ngủ bình an là nền tảng của thức giấc bình an và ngược lại.

Ngủ an lành là một pháp tu có tác dụng nuôi dưỡng và bảo hộ thân tâm an lạc. Vì thế, hàng Phật tử trong cuộc sống hàng ngày thường tâm niệm nguyện ngày an lành, đêm an lành…L

3.NGỦ BAN NGÀY


Một thời, một Tỷ kheo trú giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng. Lúc bấy giờ, vị Tỷ kheo ấy thường hay ngủ ban ngày.

Rồi một vị Thiên ở trong khu rừng đó, thương xót vị Tỷ kheo ấy, muốn cảnh giác liền đi đến. Sau khi đến, vị Thiên nói lên bài kệ cảnh giác cho Tỷ kheo ấy:

Tỷ kheo, hãy thức dậy/Sao ông hãy còn nằm/Ông được lợi ích gì/Trong giấc ngủ của ông/Kẻ bịnh, kẻ trúng tên/Bị đánh, sao ngủ được/Vì lòng tin xuất gia/Bỏ nhà, sống không nhà/Tín ấy cần phát triển/Chớ để ngủ chinh phục.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 9, phần Săn sóc, hầu hạ [trích], VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.434)

LỜI BÀN:

Ngủ nghỉ là một trong những nhu cầu quan trọng của đời sống con người. Giấc ngủ có tác dụng trị liệu, nghỉ ngơi, thư giãn, phục hồi sức khỏe cho thân và tâm. Không ngủ, thiếu ngủ hoặc mất ngủ là bệnh hoặc sẽ dẫn đến bệnh. Tuy vậy, ngủ nhiều, ngủ quá thời gian cho phép cũng không phải là điều hay.

Đối với người tu hành, mê đắm ngủ nghỉ là một trong những yếu tố ngăn che, chướng ngại thiền định. Ngủ nhiều sẽ sinh biếng nhác, giải đãi, mê muội và mất thời gian cho công phu tu tập. Vì thế, muốn phát triển thiền định thì ngủ nghỉ cần phải được tiết chế, giảm thiểu trong đời sống hàng ngày.

Khi phiền não còn dẫy đầy, vô minh còn che lấp tâm trí thì người tu được xem như đang “bị bệnh, bị đánh, một kẻ bị trúng tên”, do vậy không nên lãng phí thời gian cho ngủ nghỉ, phải dồn hết thời gian để tu tập. Mặt khác, đời người vô thường, thân mạng mong manh, vì thế không nên hứa hẹn hay chờ đợi mà phải tinh tấn, nỗ lực tu học ở ngay đây và bây giờ.

Tuy hạn chế ngủ nghỉ đến tối đa, ngày đêm sáu thời công phu, thức khuya dậy sớm nhưng người tu vẫn khỏe khoắn, minh mẫn sáng suốt, không dật dờ đói ngủ. Bí quyết đem đến thành tựu này chính là thiền định và giấc ngủ sâu. Thiền định đã mang lại sự thư giãn cho thân thể, sâu lắng và an tịnh cho tâm hồn, nhờ đó các hành giả dễ dàng đạt đến giấc ngủ sâu khi ngủ. Không ác mộng, không chập chờn hay giật mình thức giấc, giấc ngủ sâu tạo ra sự nghỉ ngơi gần như tuyệt đối, nhanh chóng phục hồi sức lực, tạo ra sự sảng khoái, hưng phấn tinh thần, dù thời gian ngủ không nhiều.

Ngủ ít nhưng sâu và an lành là một trong những yếu tố người tu cần điều chỉnh thân tâm để thành tựu. Được như vậy, ngoài việc tiết kiệm được thời gian dành cho tu tập, người tu còn tránh được giải đãi, lười biếng và những chi phối của vọng tưởng do ngủ “nướng” phát sanh. Trừ bệnh tật, người tu không ngủ quá nhiều vào ban ngày, bởi không chỉ bị người chê cười, chư Thiên quở trách mà còn đánh mất hạnh tinh tấn, điều cần yếu cho việc phát triển, thành tựu thiền định.L

4.BỐN CÁCH NẰM


Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambi, tại khu vườn Ghosita, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có bốn cách nằm này. Thế nào là bốn?

Cách nằm của ngạ quỷ, cách nằm của kẻ hưởng thọ dục vọng, cách nằm của sư tử và cách nằm của Như Lai.

Thế nào là cách nằm của ngạ quỷ? Này các Tỷ kheo, phần lớn các ngạ quỷ nằm ngửa.

Này các Tỷ kheo, thế nào là cách nằm của người hưởng thọ các dục vọng? Phần lớn các người hưởng thọ các dục vọng nằm nghiêng phía bên trái.

Thế nào là cách nằm của sư tử? Này các Tỷ kheo, sư tử, vua các loài thú nằm nghiêng về phía hông bên phải, hai chân gác lên nhau.

Và này các Tỷ kheo, thế nào là cách nằm của Như Lai? Ở đây, này các Tỷ kheo, vị Tỷ kheo ly dục… chứng đạt và an trú Tứ thiền, đây là cách nằm của Như Lai.

Này các Tỷ kheo, có bốn cách nằm này.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 4, phẩm Sợ hãi phạm tội, phần Cách nằm [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.282)

LỜI BÀN:

Nằm là tư thế lý tưởng để nghỉ ngơi, thư giãn, ngủ nghỉ vốn không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Bình thường thì người ta nằm theo thói quen, thích sao thì nằm vậy hoặc nằm xoay trở với nhiều tư thế khác nhau. Không phải ai cũng ý thức được rằng cách nằm của mình có liên hệ rất nhiều đến sự an ổn thân tâm và sức khỏe.

Thực ra, nằm đúng oai nghi cũng là một cách tu. Tư thế nằm phản ánh tâm trạng và ảnh hưởng sâu sắc đến sự an tịnh của thân tâm của người nằm. Theo tuệ giác của Thế Tôn, những người nào thích nằm ngửa thể hiện nỗi khát khao, bị khổ đau dằn vặt. Vì thế, nằm ngửa khó nhiếp phục tâm khát ái, vọng tưởng hơn các tư thế khác. Ngoài ra, nằm ngửa sẽ tạo ra sự hớ hênh, nhất là lúc ngủ say có thể đánh mất oai nghi.

Tư thế nằm nghiêng bên trái phản ánh tâm trạng của phần lớn những người ưa thích thọ hưởng dục vọng. Mặt khác, nằm nghiêng bên trái cũng ảnh hưởng không tốt đến hệ tuần hoàn. Vì thế, người tu thường không nằm theo hai tư thế này.

Nằm nghiêng bên phải, hai chân gác lên nhau như sư tử là tư thế hội đủ oai nghi, một trong những tế hạnh của người tu. Đây là tư thế nằm cát tường, tạo ra sự yên lành, an ổn cho thân thể và nhất là tâm luôn đạt được sự giác tỉnh.

Lý tưởng nhất là nằm với tâm an trú trong an tịnh của Tứ thiền, đây là cách nằm của Như Lai. Để đạt được cách nằm này, tốt nhất là rèn luyện thân tâm với tư thế nằm cát tường của sư tử. Tu tập cần phải được thực hiện liên tục trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi. Do vậy, chọn cách nằm đúng pháp để an tịnh thân tâm là một trong những nội dung tu tập quan trọng của mỗi người con Phật.L

5.NGỦ AN LÀNH


Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại rừng Sìta. Lúc bấy giờ, cư sĩ Anàthapindika (Cấp Cô Độc) đến Ràjagaha để làm một vài công việc, muốn yết kiến Thế Tôn.

Rồi cư sĩ suy nghĩ: Nay chưa phải thời, ngày mai mới phải thời để yết kiến Thế Tôn. Với ý nghĩ như vậy, Anàthapindika nằm ngủ. Trong đêm ấy, ông thức dậy ba lần, tưởng rằng trời đã sáng.

Rồi cư sĩ Anàthapindika đi đến rừng Sìta. Lúc bấy giờ, Thế Tôn thức dậy khi đêm vừa mãn và đang đi kinh hành ngoài trời.

Thế Tôn thấy Anàthapindika từ xa đi đến liền nói với cư sĩ:

Hãy đến đây, Sudatta!

Cư sĩ Anàthapindika cúi đầu đảnh lễ và bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, Ngài ngủ có an lạc chăng?

Thế Tôn trả lời:

Bà la môn tịch tịnh/Luôn sống trong an lạc/Không đèo bòng dục vọng/Thanh lương, không sinh y/Mọi tham ái đoạn diệt/Tịch tịnh, sống an lạc/Tâm tư đạt hòa bình.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 10, phần Sudatta [lược],

VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.465)

LỜI BÀN:

Trong khi chờ đợi những công việc quan trọng sắp xảy ra hay gặp những phiền muộn, rắc rối, đa phần chúng ta cảm thấy bồn chồn, thấp thỏm, không ngủ được. Sự thao thức ấy vốn xảy ra rất bình thường trong cuộc sống con người, nếu không biết cách khắc phục sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và công việc sắp đối diện. Cư sĩ Cấp Cô Độc cũng vậy, mong sớm được diện kiến Thế Tôn nên đã giật mình, thức giấc đến ba lần, cứ nghĩ là trời đã sáng và chắc chắn, ngày hôm sau sức khỏe của ông sẽ bị suy giảm vì mất ngủ.

Theo tuệ giác của Thế Tôn, ngủ an lành là một yếu tố quan trọng để giữ gìn sức khỏe, luôn tỉnh táo, vui vẻ, tươi tắn trong cuộc sống và nhất là tạo ra sảng khoái, làm thăng hoa tinh thần. Muốn được vậy, trước hết phải thiết lập một đời sống an tịnh cho cả thân và tâm.

Về thân, một chế độ làm việc và ăn uống hợp lý rất cần thiết, tránh dùng nhiều những chất kích thích, chất béo; ăn chay cũng là một phương thức dưỡng sinh rất tốt cho giấc ngủ. Đặc biệt là phải thiết lập được sự bình ổn tinh thần. Dệt mộng, tơ tưởng, mong ước, hoạch định cho tương lai cũng rất cần cho cuộc sống nhưng nó cũng chính là thủ phạm quấy phá giấc ngủ an lành. Nói cách khác, chính lòng tham, dục vọng và những điều không như ý đã khuấy đảo tâm tư, làm cho con người đau khổ, bất an. Ngoài ra, những niềm vui thái quá cũng góp phần làm dao động, không ngủ được. Vì vậy, nhiếp tâm, tịnh tâm bằng những phương thức thiền định là điều cần thiết đối với mọi người.

Một người khi tâm thanh tịnh, không còn bị dục vọng chi phối, luôn sống trong niềm tịnh lạc thì lúc thức cũng như ngủ đều an lành. Mới hay, hạnh phúc đích thực ở đời là có thân thể khỏe mạnh và tinh thần an lạc, điều mà ông cha ta đã từng kinh nghiệm “Ăn được, ngủ được là tiên”.L

6.ĐÓI ĂN, MỆT NGỦ


Một thời, Thế Tôn ở Ràjagaha, tại Veluvana. Rồi Thế Tôn sau khi đã đi kinh hành ngoài trời đến khi đêm gần mãn, Ngài rửa chân, bước vào tinh xá nằm xuống phía hông bên phải theo thế nằm của con sư tử, hai chân gác lên nhau, chánh niệm tỉnh giác và nghỉ đến lúc thức dậy.

Rồi ác ma đi đến, nói lên bài kệ sau đây với Thế Tôn:

Sao Ngài còn nằm ngủ/Sao Ngài vẫn nằm ngủ/Sao Ngài ngủ như vậy/Như kẻ chết nằm co/Nghĩ rằng nhà trống không/Nên Ngài ngủ như vậy/Sao Ngài ngủ như vậy/Khi mặt trời đã mọc?

Thế Tôn đáp:

Khi không còn tham ái/Với lưới triền nọc độc/Người vậy được giải thoát/Không bị dẫn nơi nào/Ác ma, Bậc Giác ngộ/Mọi sinh y diệt tận/Vị ấy nếu có ngủ/Các ông làm được gì?

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 4, phẩm 1, phần Thụy miên, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.238)

LỜI BÀN:

Các thiền sư đời sau đã học theo hạnh “đói ăn, mệt ngủ” của Thế Tôn, đúng là “vô tâm đối cảnh hỏi chi Thiền”. Khi “việc làm đã xong, gánh nặng đã đặt xuống” thì các Ngài có thể tha hồ tùy ý, tự tại vô ngại. Đối với Thế Tôn, nằm ngủ hay tọa thiền, hai việc này xem ra chẳng khác gì nhau.

Chúng ta không thể nào đem tánh phàm để lượng Thánh, tức phán xét về hành vi, lời nói hay ứng xử phi phàm của Phật, Bồ tát hay các thiền sư đã giác ngộ. Bởi tất cả mọi biểu hiện đều trở thành diệu dụng độ sinh của các Ngài. Đôi lúc, các Ngài thể hiện một số việc làm có vẻ như trái đạo (hành tung của Tế Điên Hòa thượng chẳng hạn) nhưng thực ra đó chỉ là nghịch hạnh, nhằm giáo hóa những đối tượng đặc biệt và hết thảy những việc làm ấy đều không ngoài bi nguyện độ sanh.

Như Thế Tôn, Ngài vẫn nằm dài ngủ say khi mặt trời đã mọc khiến cho ác ma thấy rằng đây là cơ hội tốt để công kích Ngài. Nhưng ác ma đâu có ngờ rằng đó cũng là cơ hội cho Thế Tôn giáo hóa. Nhờ đó, ác ma thấy rằng, đối với người đã giác ngộ giải thoát thì ra khỏi lưới ma, không một thế lực nào có thể chi phối được, họ là thầy của trời người.

Tuy nhiên, đối với hàng sơ cơ nhập đạo thì ngủ nghỉ là một trong những triền cái làm ngăn che tuệ giác, chướng ngại thiền định đồng thời còn là một trong năm món dục ưa thích nhất đối với chúng sinh. Vì thế, trong nhà thiền gọi mê ngủ là con ma, là rắn độc cần phải loại trừ. Khi việc lớn sinh tử chưa giải quyết xong thì đam mê ngủ nghỉ là đọa lạc, nhưng khi đã giác ngộ rồi thì ngủ hay thức đều là phương tiện tùy duyên hóa độ chúng sinh.L

7.LO TOAN


Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại vườn ông Anàthapindika. Tại đấy Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có hai hạng người các lậu hoặc tăng trưởng. Thế nào là hai? Hạng người lo lắng những việc không đáng lo lắng và hạng người không lo lắng những việc đáng lo lắng. Hai hạng người này, này các Tỷ kheo, các lậu hoặc tăng trưởng.

Có hai hạng người, này các Tỷ kheo, các lậu hoặc không tăng trưởng. Thế nào là hai? Hạng người không lo lắng những việc không đáng lo lắng và hạng người lo lắng những việc đáng lo lắng. Hai hạng người này, này các Tỷ kheo, các lậu hoặc không tăng trưởng.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩm Kẻ ngu [trích],

VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.157)

LỜI BÀN:

Biết lo toan tức có sự tiên liệu về kết quả của những việc mình sắp làm. Nhờ vậy mà có thể tránh được những sai sót, lầm lỗi không đáng có và hy vọng có thể đi đến thành công. Một người không có khả năng lo liệu và toan tính cho công việc của bản thân và gia đình thì xem như hỏng hoặc chỉ là người “ăn chưa no, lo chưa tới”.

Lo lắng hay biết lo xa là tốt. Tuy vậy không phải lúc nào lo lắng cũng là điều hay, bởi có những mối lo không cần thiết. Theo tuệ giác Thế Tôn, người lo lắng những việc không đáng lo lắng và không lo lắng những việc đáng lo lắng là nguyên nhân khiến cho các lậu hoặc tăng trưởng và ngược lại chỉ lo những điều đáng lo, còn lại phải xả buông để cho thân tâm an tịnh, thảnh thơi.

Con người sống ở đời mang nhiều nỗi lo: Lo làm giàu, lo tích lũy tài sản, lo mất mát, lo tranh danh đoạt lợi, lo tô bồi bản ngã… Những lo toan này gần như chiếm phần lớn thời gian của một đời người và là cội nguồn phát sinh mọi phiền não trong cuộc sống. Và cuối cùng thì dù sang hay hèn, thành công hay thất bại trong cuộc đời, không ai tránh khỏi điều họ luôn lo sợ, ám ảnh nhất là cái chết, sự mất mát và ra đi vĩnh viễn.

Trong khi đáng ra điều này phải ưu tiên lo lắng thật nhiều để nhận ra sự mong manh, tạm bợ, vô thường của thế gian mà xây dựng lối sống nhẹ nhàng, thanh thản và thương yêu nhau hơn. Nhờ lo lắng đúng đắn về những điều cần phải lo nên xả ly tham ái và chấp thủ, tôn trọng nhân quả, biết làm lành tránh dữ, xây dựng cuộc sống theo hướng thiện lành, góp phần thiết lập bình an và hạnh phúc cho cá nhân cùng toàn thể xã hội.L

 

Hits: 228

Website chia sẻ kiến thức , những tâm đắc về đạo Phật , cổ nhân xưa của 1 cá nhân ( không phải tổ chức , chùa ) . Mọi ý kiến đóng góp, khiếu nại xin gửi về hòm thư [email protected] . Điều khoản , nội quy

Wiki Tâm Học
Copyright 2020 @ Thiết kế bởi DragonKnightMT