Lời Phật dạy là một tiểu mục trong chuyên mục Phật học của báo Giác Ngộ. Tiểu mục này được xây dựng từ năm 2003, bằng cách trích tuyển nguyên văn hoặc một phân đoạn của những kinh thuộc Trường Bộ, Trung Bộ, Tăng Chi Bộ, Tương Ưng Bộ và Tiểu Bộ (Kinh tạng Nikàya) đồng thời kèm theo phần Lời bàn ngắn gọn, súc tích và thiết thực.
Nội dung Kinh tạng Nikàya bao hàm nền tảng căn bản giáo lý Phật đà, rất thiết thân, gần gũi, dễ hiểu và dễ ứng dụng thực hành. Trong những năm qua, Lời Phật dạy đã lần lượt giới thiệu đến độc giả rất nhiều pháp thoại với nhiều đề tài khác nhau. Từ những giáo lý căn bản như Tam quy, Ngũ giới cho đến Tứ đế, Duyên khởi, Vô ngã; từ những phương thức xây dựng đời sống gia đình an vui hạnh phúc cho hàng Phật tử tại gia đến các phương pháp tu tập chuyển hóa phiền não nhằm thành tựu các Thánh vị cho hàng đệ tử xuất gia v.v… đều được Lời Phật dạy chuyển tải đến bạn đọc.
Với khuôn khổ nhỏ hẹp của trang báo, chắc chắn rằng nội dung của Lời Phật dạy chưa thể hiện được hết đầy đủ yếu nghĩa của Kinh tạng. Tuy vậy, với sự tìm tòi rất công phu trong Kinh tạng đồ sộ, trích tuyển kinh văn phù hợp với các nội dung tu tập của từng thời điểm trong năm cùng với cước chú chi tiết nguồn gốc mỗi bản kinh và nhất là phần Lời bàn giản dị mà sâu sắc của tác giả đã giúp cho tiểu mục Lời Phật dạy được đông đảo bạn đọc quan tâm, ủng hộ.
Nay, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập và thể nghiệm lời Phật dạy của bạn đọc, tác giả tiểu mục Lời Phật dạy tập hợp các bài viết đã đăng báo theo từng chủ đề và in thành sách Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya (tập I, II và III). Thiết nghĩ, tập sách này là hành trang cần yếu cho những ai quan tâm nghiên tầm, học tập những tinh hoa mà Đức Phật đã dạy. Với những giá trị tư tưởng, văn bản học nguyên thủy và cổ xưa nhất của Kinh tạng Nikàya, hy vọng độc giả sẽ được gội nhuần trong phạm âm vi diệu của Thế Tôn, thuở Ngài còn tại thế.
Trân trọng giới thiệu sách Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya (tập I, II & III) đến với bạn đọc xa gần.
Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ
Hòa thượng THÍCH TRÍ QUẢNG
Lời Phật dạy trong kinh Nikaya – XIX Già chết
GIÀ CHẾT
CÓ SINH ẮT CÓ DIỆT
Một thời, Thế Tôn trú ở Savatthi, rồi một hôm vua Pàsenadi nước Kosala đi đến, ngồi một bên, bạch Thế Tôn:
Bạch Thế Tôn, có cái gì sinh mà không già và không chết không?
Thưa Đại vương, không có cái gì sinh mà không già và không chết.
Thưa Đại vương, dầu cho những vị Sát đế lỵ là những bậc đại phú, có tiền của lớn, có tài sản lớn, có nhiều vàng bạc, có nhiều tài sản, vật dụng, có nhiều ngũ cốc. Các vị ấy có sinh thì cũng không thoát khỏi già và chết.
Thưa Đại vương, dầu cho những vị Bà la môn là những bậc đại phú, có tiền của lớn, có tài sản lớn, có nhiều vàng bạc, có nhiều tài sản, vật dụng, có nhiều ngũ cốc. Các vị ấy có sinh thì cũng không thoát khỏi già và chết.
Thưa Đại vương, cho đến các vị Tỷ kheo, những bậc A la hán đã đoạn tận các lậu hoặc, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích tối hậu, đã hoàn toàn giải thoát, cho đến thân này của các vị ấy cũng phải bị hủy hoại, cũng phải bị từ bỏ.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 3, phẩm 1, phần Vua, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.165)
LỜI BÀN:
Sinh diệt là lẽ thường nhiên vận động tương tục trong xoay vần của tạo hóa. Vạn sự vạn vật, từ vật chất đến tinh thần, từ hữu hình đến vô hình nếu được sinh ra tất nhiên sẽ bị diệt đi. Con người cũng vậy, một khi đã sinh ra trên cõi đời, dù sang hay hèn, đẹp hay xấu, hạnh phúc hay bất hạnh thì đều có một điểm chung là sẽ chết.
Làm người, ai cũng biết rất rõ rằng cái chết sẽ đến với mình. Tuy vậy, mấy ai ý thức về điều ấy một cách thường trực. Tất cả đều hy vọng mong manh rằng cái chết sẽ còn xa lắm, thậm chí cố tình lảng tránh, cố quên cái chung cục bi thảm của thân phận con người. Nhưng cái chết lại thân thiện và luôn ưu ái dành cho con người mọi lúc, mọi nơi.
Nhận thức một cách thường trực về sự chết đang chờ đón con người phải chăng là một tâm lý tiêu cực? Vì rằng sự sống của con người dưới nhận thức như thế tràn ngập bi quan chẳng khác nào kẻ tử tù đợi ngày hành quyết? Nhưng chết là một sự thật, nên nhận thức sâu sắc với sự chết sẽ đến với con người bất cứ lúc nào lại trở thành cơ hội. Cơ hội tốt để cuộc sống tạm bợ này trở nên có ý nghĩa, ít ra cũng đem lại lợi ích thiết thực cho cuộc đời.
Cuộc đời sẽ bớt tang thương hơn nếu mỗi người từng có đôi lần ưu tư về thân phận ngắn ngủi. Con người sẽ tha thứ, bao dung và bớt xung đột, tranh chấp hơn khi nhận ra kiếp người giả tạm, mong manh. Yêu thương sẽ thay thế hận thù, vị ngã sẽ chuyển thành vị tha, cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn, những gì chưa làm được phải nên làm là lẽ sống của con người khi nhận thức sâu sắc về sự chết.
Không ai thoát khỏi già chết, kể cả bậc Thánh nhân, vì thế phải sống hết mình, sống cho đáng sống.L
TUỔI XẾ CHIỀU
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Pubbàràma, trong lâu đài của mẹ Migàra. Lúc bấy giờ vào buổi chiều, Thế Tôn từ chỗ độc cư đứng dậy, ngồi sưởi ấm lưng trong ánh nắng phương Tây. Rồi Tôn giả Ananda đi đến, sau khi đảnh lễ, xoa bóp chân tay cho Thế Tôn, thưa rằng:
Bạch Thế Tôn, thật kinh hoàng thay, thật kỳ dị thay, màu da Thế Tôn nay không còn trong sáng; chân tay rã rời, nhăn nheo; thân được thấy còm về phía trước; các căn đang bị đổi khác, nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn và thân căn.
Sự thể là như vậy, này Ananda, tánh già nằm trong tuổi trẻ; tánh bệnh ở trong sức khỏe; tánh chết nằm trong sự sống. Như vậy, màu da nay không còn trong sáng; chân tay rã rời, nhăn nheo; thân được thấy còm về phía trước; các căn đang bị đổi khác, nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn và thân căn.
Thế Tôn lại nói thêm:
Bất hạnh thay tuổi già! Đáng sợ thay cuộc sống! Tuổi già làm phai nhạt sắc diện của màu da. Hình bóng ngày xưa khả ý, nay già đã phá tan! Ai sống được trăm tuổi, cuối cùng cũng phải chết, không bỏ sót một ai, tất cả bị phá sập.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 4, phẩm Về già, phần Già, Nxb Tôn Giáo, 2002, tr.338)
LỜI BÀN:
Sinh già bệnh chết là một quy luật của tạo hóa, là thân phận của kiếp người. Dù thành công hay thất bại trong cuộc nhân sinh ba vạn sáu ngàn ngày, ai cũng chợt đượm buồn khi tuổi đời xế bóng. Hoàng hôn và màu tím hiu hắt không còn thơ mộng mà bao trùm nỗi buồn man mác khi cuộc đời đã về chiều.
Tuổi già, có lẽ không ai muốn mình già nhưng mà cái gì đến ắt phải đến. Con người có thể chạy trốn được nhiều thứ nhưng không thể chạy trốn thân phận. Tuổi già là tuổi của kinh nghiệm, hoài niệm và tiếc nuối. Giàu kinh nghiệm làm cho người già luôn hoài nghi và thận trọng, nhiều hoài niệm vì đã qua rồi một thời vang bóng và tiếc nuối vì còn nhiều việc chưa làm được khi lực bất tòng tâm. Nhưng ưu tư lớn nhất của người già là sức khỏe. Đâu rồi mái tóc xanh, làn da trơn láng mịn màng và những bước chân thoăn thoắt của một thời xẻ núi ngăn sông. Chỉ còn lại đây những bước chân run dưới tấm thân còng theo năm tháng, đôi mắt xanh mơ màng nay đã mờ đục, má hồng lỗ chỗ đồi mồi, mái đầu bạc phất phơ như những lằn vôi trắng xóa dần đi cả một đời người. Đa phần những người già đều lạc quan vì họ đã hoàn thành nhiệm vụ, đã tạo dựng nên những thế hệ kế thừa. Song chẳng có gì ngạc nhiên khi người già thường bệnh, hay buồn và có phần khó tính vì đó vốn dĩ là những thuộc tính của tuổi già.
Điều thú vị ở đây là Thế Tôn đã nhìn thấy được sự già nua ẩn tàng trong tuổi trẻ, mầm mống của bệnh tật len lỏi trong sức khỏe và cả cái chết tiềm tàng trong sự sống. Chính nhận thức về con người và thân phận với tuệ giác như vậy nên Thế Tôn cùng hàng đệ tử của Ngài an nhiên, tự tại. Không tự hào, kiêu căng và ỷ lại khi trẻ trung, khỏe mạnh đồng thời cũng không bi quan, chán nản và khổ đau khi tuổi xế chiều.
Tuổi già thì thường đau yếu và bệnh tật, già nua tàn phá ý chí và dung nhan, tuổi già là đèn xanh của thần chết. Vì vậy, những người con Phật phải biết trân quý tuổi trẻ và sức khỏe. Ai cũng sẽ già và phải chết nên cần làm ngay tất cả những gì cần thiết trong khi còn có thể.L
NIỆM CHẾT
Một thời, Thế Tôn trú ở Nàdika, tại Ginjakàvasatha.
Tại đấy, Thế Tôn dạy các Tỷ kheo:
Niệm chết, này các Tỷ kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn thời có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử. Tu tập niệm chết như thế nào để đưa đến quả lớn, lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử?
Này các Tỷ kheo, khi ngày vừa tàn, đêm vừa an trú, suy tư như sau: Các nhân duyên đem đến cái chết cho ta rất nhiều. Con rắn, con bò cạp hay con rít có thể cắn ta, ta có thể mạng chung. Ta có thể vấp ngã và té xuống. Thức ăn có thể làm cho ta mắc bệnh, làm ta có thể mạng chung… Như vậy sẽ là chướng ngại.
Này các Tỷ kheo, khi đêm vừa tàn, ngày vừa an trú, suy tư như sau: Các nhân duyên đem đến cái chết cho ta rất nhiều. Con rắn, con bò cạp hay con rít có thể cắn ta, ta có thể mạng chung. Ta có thể vấp ngã và té xuống. Thức ăn có thể làm cho ta mắc bệnh, làm ta có thể mạng chung… Như vậy sẽ là chướng ngại.
Này các Tỷ kheo, Tỷ kheo ấy cần suy nghĩ như sau: Ta còn những pháp ác, bất thiện chưa đoạn tận, nếu lỡ mạng chung đêm hoặc ngày nay, chúng có thể là những chướng ngại cho ta. Biết được như vậy, Tỷ kheo ấy tinh cần, nỗ lực, chánh niệm tỉnh giác, ngày đêm cần phải học tập trong các thiện pháp.
Này các Tỷ kheo, niệm chết, tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy thời được quả lớn, được lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Cần phải nhớ, phần Niệm chết, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.49)
LỜI BÀN:
Đời sống của con người thật quý giá nhưng cũng thật quá đỗi mong manh. Hôm nay còn khỏe mạnh, vui sống nhưng ngày sau sẽ ra sao vẫn là điệp khúc bí ẩn vấn nạn nhân sinh muôn thuở. Con người chỉ chạnh lòng, tê tái khi chứng kiến cảnh vô thường sống chết xảy ra với mọi người xung quanh mà chẳng mấy ai lưu tâm đến điều ấy có thể xảy ra với mình.
Theo tuệ giác của Thế Tôn thì mạng người chỉ tồn tại trong hơi thở, một khi thở ra mà không thở vào là kết thúc một đời người. Do vậy, quán niệm và đối diện với sự thật của chính mình rằng cái chết sẽ đến với mình bất cứ lúc nào là điều mỗi người phải thực hành. Chính nhận ra sự mong manh, tạm bợ, nay còn mai mất của kiếp người sẽ giúp con người biết trân quý cuộc sống hơn. Những thành bại, được mất, hơn thua, tranh đoạt, tham vọng và thù hận v.v… sẽ chẳng có giá trị gì nếu như gần kề với cái chết. Mặt khác, nhận thức được án tử đang lửng lơ quanh mình nên con người nỗ lực làm ngay những việc cần làm, sống sao cho đáng sống.
Cuộc sống xung quanh ta luôn biến động, đầy dẫy những tai nạn, rủi ro và bất trắc. Ý thức rõ ràng về sự chết có thể đến với con người bất kỳ lúc nào, người con Phật không hẹn ngày mai. Sống trọn vẹn với giờ phút hiện tại, bớt tham ái, hỷ xả, tha thứ và luôn nghĩ đến mọi người đồng thời tinh cần thực hành các thiện pháp. Nghĩ đến vô thường, thần chết đang rình rập là một cách thể nghiệm sự thật của đời sống. Cuộc sống sẽ bớt khổ đau và con người sẽ thương nhau hơn nếu như mọi người biết suy niệm về cái chết.L
CHẾT DO TAI NẠN SẼ TÁI SINH VỀ ĐÂU?
Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu, khu vườn Nigroda. Rồi Mahànàma đi đến, sau khi đảnh lễ, ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn:
Kapilavatthu này, bạch Thế Tôn, rất phồn vinh, dân cư đông đúc, quần chúng chen chúc, chật hẹp. Bạch Thế Tôn, sau khi hầu hạ Thế Tôn hay các Tỷ kheo đáng kính, vào buổi chiều, con đi vào Kapilavatthu, con gặp con voi cuồng chạy, con gặp con ngựa cuồng chạy, con gặp người cuồng chạy, con gặp cỗ xe lớn cuồng chạy, con gặp cỗ xe nhỏ cuồng chạy. Trong khi ấy, bạch Thế Tôn, tâm con nghĩ đến Phật, Pháp và Tăng bị hoang mang. Rồi bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: Nếu lúc ấy con mệnh chung, thời sinh thú của con là gì, sinh xứ đời sau là chỗ nào?
Chớ có sợ, này Mahànàma! Không ác là cái chết của ông! Này Mahànàma, với những ai đã lâu ngày tâm tu tập trọn vẹn về tín, về giới, về sở văn, về thí xả, về trí tuệ; với những người ấy, dầu sắc thân này bị vô thường phá hoại, tan nát, hoại diệt, nhưng nếu tâm vị ấy được tu tập lâu ngày trọn vẹn về tín, giới, sở văn, thí xả và trí tuệ thì tâm của vị ấy thượng thặng, đi đến thù thắng.
Ví như, này Mahànàma, một người nhận chìm một ghè dầu vào trong hồ nước sâu và đập bể ghè ấy. Ở đây, các mảnh ghè vì chìm xuống nước nhưng dầu thì nổi lên, trồi lên trên. Cũng vậy, với ai đã lâu ngày tâm được tu tập trọn vẹn về tín, giới, sở văn, thí xả và trí tuệ; với những người ấy, dầu sắc thân này bị vô thường phá hoại, tan nát, hoại diệt, nhưng nếu tâm vị ấy được tu tập lâu ngày trọn vẹn về tín, giới, sở văn, thí xả và trí tuệ thì tâm của vị ấy thượng thặng, đi đến thù thắng.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 10, phẩm Saranàri, phần Mahànàma [1], Nxb Tôn Giáo, 2002, tr.539)
LỜI BÀN:
Cuộc sống của con người luôn đồng hành với vô vàn biến động, bất trắc. Thiên tai, địch họa, bệnh tật cùng với các tai nạn lao động, giao thông, hỏa hoạn… từng phút, từng giây đã cướp đi rất nhiều sinh mạng. Thân người thật mong manh, dễ vỡ, dù thận trọng đến mấy thì không ai dám xác quyết rằng ta sẽ an toàn trong những giây phút tiếp theo.
Những cái chết bất thình lình, bất đắc kỳ tử, đột tử do các tai nạn thật oan uổng nhưng luôn rình rập, đe dọa con người. Trong các trường hợp này, sự chết ập đến rất nhanh và đa phần các nạn nhân đều hoảng loạn trước khi chết. Đối với người ít tu tập thì chính điều này đã tạo ra cận tử nghiệp bất thiện, ảnh hưởng không tốt đến xu hướng tái sinh.
Tuy nhiên, theo tuệ giác của Thế Tôn, những ai đã tu tập lâu ngày trọn vẹn về tín, giới, sở văn, thí xả và trí tuệ thì dẫu bị hoang mang, không giữ vững chánh niệm trước lúc chết do tai nạn quá bất ngờ nhưng với nền tảng tu tập vững chắc, trọn vẹn đối với các thiện pháp, nhờ thiện nghiệp sâu dày sẽ giúp họ đi đến chỗ thù thắng, tái sinh vào cõi lành, không hề bị đọa lạc.
Sinh thuận, tử an là một phước báo lớn của con người. Một khi chưa biết nghiệp duyên của mình sẽ chết bình an hay bất an thì hãy cố gắng tu tập các thiện pháp. Sự chuẩn bị này sẽ vô cùng quan trọng, có ý nghĩa thiết thực cho đời sống hiện tại và cả những cái chết bất ngờ, nếu có, ở tương lai.L
TRỢ DUYÊN CHO NGƯỜI HẤP HỐI
Một thời, Thế Tôn trú ở Bhagga, rừng Bhesakàla, Lộc Uyển. Lúc bấy giờ, gia chủ, cha của Nakula bị trọng bệnh. Mẹ của Nakula nói với cha của Nakula như sau:
Thưa gia chủ, chớ có mạng chung với tâm còn mong cầu luyến ái. Đau khổ là người khi mạng chung với tâm còn mong cầu luyến ái. Thế Tôn đã quở trách người khi mạng chung với tâm còn mong cầu luyến ái.
Gia chủ có thể suy nghĩ: Mẹ của Nakula, sau khi ta mạng chung, không có thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa; Sau khi ta mạng chung, mẹ của Nakula sẽ đi đến một gia đình khác; Mẹ của Nakula, sau khi ta mạng chung, sẽ không muốn yết kiến Thế Tôn và chúng Tăng; Sau khi ta mạng chung, mẹ của Nakula sẽ không giữ giới một cách đầy đủ…
Thưa gia chủ, chớ có nghĩ như vậy! Sau khi gia chủ mạng chung, tôi có thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa; Gia chủ cũng đã biết, mười sáu năm nay tôi đã sống với gia chủ và thực hành phạm hạnh thế nào rồi; Sau khi gia chủ mạng chung, tôi sẽ yết kiến Thế Tôn và chúng Tăng nhiều hơn; Cho đến khi nào, các nữ đệ tử áo trắng của Thế Tôn còn giữ giới luật một cách đầy đủ, tôi là một trong những người ấy…
Do vậy, gia chủ, chớ có mạng chung với tâm còn mong cầu luyến ái.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Cần phải nhớ, phần Cha mẹ của Nakula [1], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.32)
LỜI BÀN:
Con người, đối diện với cái chết, nếu chưa phải là bậc Thánh thì đa phần đều lo âu, hoang mang và sợ hãi. Ngoài việc sợ chết, người lâm trọng bệnh biết mình không qua khỏi còn ân hận với những điều chưa làm được trong đời, tiếc nuối những niềm vui chưa hưởng trọn đồng thời trăn trở và thao thức thật nhiều về vợ con, tài sản, bè bạn… Sau khi ta nhắm mắt, họ sẽ làm gì? Sống như thế nào? Sản nghiệp ta đã dày công tạo dựng sẽ đi về đâu???
Chính những băn khoăn, tiếc nuối và lo sợ ấy là tâm mong cầu luyến ái đã tạo ra cận tử nghiệp tiêu cực, ảnh hưởng không tốt đến xu hướng tái sinh. Do vậy, trợ duyên cho người sắp chết bằng cách trấn an, hứa khả làm tròn bổn phận, sẽ thực hiện các di nguyện của người sắp chết để giúp tâm họ an ổn, thanh thản là điều cần làm.
Sinh thuận, tử an là một phước báo lớn. Để có được một sự ra đi nhẹ nhàng và bình an, chìm vào “giấc ngủ ngàn thu” một cách lặng lẽ không đau đớn, vật vã, quằn quại và hốt hoảng là điều không phải ai cũng có được. Sinh thời phải tu tâm dưỡng tánh, trồng phước tích đức, từ bi hỷ xả thật nhiều thì mới hy vọng có một cái chết bình an.
Đặc biệt là sự trợ duyên của người thân như nói pháp cho người hấp hối để họ nhận thức về lẽ vô thường, sinh tử; tụng kinh, niệm Phật để tâm họ an tịnh; nhắc lại những điều tốt mà họ đã làm trong đời; biểu hiện sự chu toàn trách nhiệm với gia đình khi họ vĩnh viễn đi xa… sẽ làm cho người hấp hối được thỏa nguyện và ra đi thanh thản. Chính những điều này đã góp phần xả ly luyến ái để trợ duyên cho người chết sinh về cảnh giới an lành.L
CHẾT – MỘT SỰ THẬT TẤT YẾU
Một thời, Thế Tôn ở Sàvatthi. Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến, sau khi đảnh lễ và ngồi xuống một bên.
Đại vương từ đâu đi đến giữa trưa thế này?
Bạch Thế Tôn, tổ mẫu của con già nua, đã đạt đến tuổi thọ và đã mệnh chung. Con rất yêu quý tổ mẫu. Bạch Thế Tôn, nếu con được cho một voi báu, hay để tổ mẫu con khỏi chết, con sẽ cho voi báu… Nếu con được cho một quốc độ, hay để tổ mẫu con khỏi chết, con sẽ cho quốc độ.
Thưa đại vương, tất cả chúng sinh đều phải chết, đều kết thúc trong sự chết, đều không vượt qua sự chết.
Thật vi diệu, thật hy hữu thay! Bạch Thế Tôn.
Như vậy là phải, thưa đại vương. Tất cả chúng sinh đều phải chết, đều kết thúc trong sự chết, đều không vượt qua sự chết. Ví như, tất cả đồ gốm được làm ra đều phải bể, đều kết thúc trong sự bể, đều không vượt qua sự bể.
Đại vương nên biết: Mọi chúng sinh sẽ chết/Mạng sống sẽ kết thúc/Tùy nghiệp, họ sẽ đi/Nhận lãnh quả thiện ác/ Ác nghiệp đọa địa ngục/Thiện nghiệp lên thiên giới/Do vậy hãy làm lành/Tích lũy cho đời sau/Công đức cho đời sau/Làm hậu cứ cho người.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 3, phẩm 3, phần Tổ mẫu [trích], VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.216)
LỜI BÀN:
Ai cũng biết rồi đây mình sẽ chết nhưng không biết chết lúc nào và cái chết đến với mình như thế nào? Bởi vì chết là một sự kết thúc tàn nhẫn và phũ phàng nên đa phần mọi người đều cố tránh, xem như cái chết còn xa lắm. Rồi khi một người thân trong gia quyến mất đi dẫu còn xuân xanh hay thượng thọ thì niềm đau thương, tiếc nuối dành cho người mất vẫn lớn vô hạn. Vì thế, trong đời sống phải trang bị nhận thức và phát huy tuệ quán để đối diện và vượt qua đau thương mất mát ấy.
Vua Pasenadi thực sự đau đớn khi tổ mẫu qua đời, dẫu đã thượng thọ. Ông thương tiếc cùng tột và nghĩ rằng có thể đổi cả vương quốc nếu được, để giành lại sự sống cho tổ mẫu. Nhờ gặp Thế Tôn, vua được khai thị hiểu rõ vô thường, có sinh thì có diệt, cái chết sẽ đến với mọi người là một sự thật tất yếu.
Nhận chân được sự thật này, người con Phật nguyện sống hiền thiện và được chết thanh thản, không tham sống mà cũng chẳng sợ chết. Thực tế thì sự sống chết, sinh diệt đang diễn ra từng giây phút trong chúng ta. Chết không phải là hết, chấm dứt tất cả mà chỉ là sự thay đổi, chuyển sang một đời sống khác trong dòng luân hồi vô tận. Sự kết thúc này chính là tiền đề cho một sự bắt đầu mà đời sống ở tương lai hoàn toàn phụ thuộc vào nghiệp lực đã tạo ra trong hiện tại.
Một khi hiểu rõ chết là điều không tránh khỏi với tất cả mọi loài, người con Phật càng trân quý sự sống, bình thản với sự chết hơn đồng thời làm tất cả những gì cần làm để đem đến an vui cho mình và người, ở đời này và đời sau.L
CHẾT CÓ ĐÁNG SỢ KHÔNG?
Một thời, Thế Tôn trú ở Kapilavatthu, gọi Mahànàma:
Chớ có sợ hãi, này Mahànàma! Không ác sẽ là cái chết của ông. Không ác là cái chết của ông. Do thành tựu bốn pháp, này Mahànàma, vị Thánh đệ tử hướng về Niết bàn, xuôi về Niết bàn. Thế nào là bốn?
Ở đây, này Mahànàma, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng, thành tựu các Giới, được các bậc Thánh ái kính… đưa đến thiền định.
Ví như, này Mahànàma, một cây nghiêng về phía Đông, hướng về phía Đông, nếu bị chặt đứt nó sẽ ngã về phía nào?
Bạch Thế Tôn, nó sẽ ngã theo phía nó nghiêng, nó hướng về.
Cũng vậy, này Mahànàma, thành tựu bốn pháp này, vị Thánh đệ tử hướng về Niết bàn, xuôi về Niết bàn.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 11, phẩm Saranàni, phần Mahànàma [2], Nxb Tôn Giáo, 2002, tr.542)
LỜI BÀN:
Có lẽ điều đáng sợ và ám ảnh nhất cho mọi người ở trên đời là cái chết. Mỗi người có một cách nhìn nhận về sự chết khác nhau và hầu như ai cũng cố tình lẩn tránh nó nhưng cuối cùng thì phải đối diện.
Nếu như chết là hết, không còn gì cả thì sự sống hiện tại không mấy ý nghĩa. Giả như chết rồi hoặc sinh về cõi trời hoặc đọa xuống hỏa ngục vĩnh kiếp thì người ta luôn phập phồng, bất an vì đời sống vốn trộn lẫn hai mặt của thiện ác. Và khi bỏ xác thân này, thần thức sẽ theo nghiệp của tự thân đã gây tạo mà tái sinh vào cảnh giới tương ứng, xem ra điều này khá công bằng, con người không oán trách ai cả ngoài chính bản thân mình.
Theo tuệ giác của Thế Tôn, “Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp”. Tùy theo nghiệp mình tạo ra thiện hoặc ác mà gặt hái kết quả hạnh phúc hay khổ đau trong hiện tại và cả tương lai. Như một cây nghiêng, nghiêng về hướng nào thì khi bị chặt gốc sẽ ngã theo hướng đó.
Những người con Phật luôn xây dựng cây đời nghiêng theo hướng thiện, bằng cách chuyển hóa ba nghiệp thân khẩu ý từ xấu ác thành tốt đẹp, thì chắc chắn nó sẽ ngã theo hướng lành. Vậy thì cái chết sẽ là một sự thay áo mới, thăng hoa thêm, tốt đẹp hơn ở đời sống tương lai và như thế thì có gì phải đáng sợ.
Sự sống luôn trôi chảy, như dòng sông qua mỗi khúc quanh sẽ khác đi, thác ghềnh hoặc êm ả nhưng rồi sẽ xuôi ra biển lớn. Cái chết của con người cũng vậy, là bước ngoặt của dòng sống để mở ra một sinh lộ mới thênh thang hơn, sẽ xuôi về Niết bàn nếu người con Phật chuyên làm các việc lành, nhất là có niềm tin sâu sắc vào Tam bảo, giới luật và thành tựu thiền định.L
CỘI NGUỒN KHỔ ĐAU
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Đông Viên, Lộc Mẫu giảng đường. Lúc bấy giờ, người cháu trai của Visàkhà bị mệnh chung. Và Visàkhà với áo đẫm ướt, tóc đẫm ướt, vào lúc sáng sớm đi đến đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Visàkhà:
Này Visàkhà, bà từ đâu đến, với áo và tóc đẫm ướt, đi đến đây quá sớm như vậy?
Bạch Thế Tôn, đứa cháu khả ái và dễ thương của con đã mệnh chung. Cho nên con với áo và tóc đẫm ướt, đi đến đây vào sáng sớm như vậy.
Này Visàkhà, bà có muốn tất cả người ở Sàvatthi này là con và là cháu của bà không?
Bạch Thế Tôn, con muốn tất cả người ở Sàvatthi này là con và là cháu của con.
Nhưng này Visàkhà, có bao nhiêu người ở Sàvatthi mạng chung (chết) hàng ngày?
Bạch Thế Tôn, có mười người ở Sàvatthi mạng chung hàng ngày. Cho đến có một người ở Sàvatthi mạng chung hàng ngày. Bạch Thế Tôn, ở Sàvatthi không có thoát được số người bị chết.
Bà nghĩ thế nào, này Visàkhà? Như vậy bà có khi nào được khô vải và tóc không bị ướt không?
Thưa không, bạch Thế Tôn! Thật là vừa đủ cho con, số nhiều như vậy về con và về cháu.
Này Visàkhà, những ai có một trăm người thân yêu, những người ấy có một trăm sự đau khổ. Cho đến những ai có một người thân yêu, những người ấy có một sự đau khổ.
Những ai không có người thân yêu, những người ấy không có sự đau khổ. Ta nói rằng họ là người không có sầu, không có tham đắm và không có ưu não.
(ĐTKVN, Tiểu Bộ I, chương 8, phẩm Pàtaligàmiya [lược],
Nxb TP.HCM ấn hành, 1999, tr.286)
LỜI BÀN:
Sống trên đời, mỗi người đều có những người thân thương như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Khi xảy ra những mất mát, chia ly, ai cũng thương tiếc và khổ đau. Có lẽ niềm đau lớn nhất của con người là cuộc chia tay với những người rất thân yêu, vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại.
Niềm đau ấy là thuộc tính, là thân phận của con người, không ai tránh khỏi. Có điều là đau khổ ấy nhiều hay ít, thưa thớt hay dồn dập và thái độ tiếp nhận, đối diện với thực tế phũ phàng giữa mỗi người khác biệt mà thôi.
Ôm chặt lấy niềm đau hay vượt lên trên đau khổ để tồn tại là một câu hỏi lớn. Có thể ai cũng biết cách lý giải nhưng không phải người nào cũng làm được. Vì rằng, mất đi một người thân thương nhất là mất tất cả, có khi mất luôn phương hướng và điểm tựa của một đời người. Nhưng trớ trêu và nghiệt ngã thay cho cuộc đời là người mất ra đi thì đã đành nhưng người còn sống thì vẫn ở lại. Ở lại để tiếc thương, để thấm thía và để cảm nhận sâu thẳm tột cùng thế thái, nhân tình.
Theo tuệ giác Thế Tôn, chính sự luyến ái, thương yêu là cội nguồn của đau khổ. Tuy nhiên, những ai thiếu vắng thương yêu thì không thể là người. Vì thế, người con Phật vốn giàu lòng yêu thương nhưng phải vượt lên trên đau khổ bằng tuệ quán bởi niềm đau ấy không phải chỉ riêng mình. Như bà Visàkha nhận thức được rằng niềm đau ấy không chỉ riêng mình mà bao trùm cả thành Sàvatthi.
Đức Phật dạy những ai không có người thân yêu, những người ấy không đau khổ không có nghĩa là gỗ đá, vô cảm, quay lưng với thân nhân và cuộc đời mà chính là vượt lên tình chấp thương yêu vị kỷ, siêu việt cái tôi luyến ái cá nhân. Vì thế, người con Phật phải biết chấp nhận quy luật vô thường nghiệt ngã của cuộc đời để vượt lên niềm đau của tình cảm cá nhân, an trú trong hiện tại.L
Hits: 215