Lời Phật dạy là một tiểu mục trong chuyên mục Phật học của báo Giác Ngộ. Tiểu mục này được xây dựng từ năm 2003, bằng cách trích tuyển nguyên văn hoặc một phân đoạn của những kinh thuộc Trường Bộ, Trung Bộ, Tăng Chi Bộ, Tương Ưng Bộ và Tiểu Bộ (Kinh tạng Nikàya) đồng thời kèm theo phần Lời bàn ngắn gọn, súc tích và thiết thực.
Nội dung Kinh tạng Nikàya bao hàm nền tảng căn bản giáo lý Phật đà, rất thiết thân, gần gũi, dễ hiểu và dễ ứng dụng thực hành. Trong những năm qua, Lời Phật dạy đã lần lượt giới thiệu đến độc giả rất nhiều pháp thoại với nhiều đề tài khác nhau. Từ những giáo lý căn bản như Tam quy, Ngũ giới cho đến Tứ đế, Duyên khởi, Vô ngã; từ những phương thức xây dựng đời sống gia đình an vui hạnh phúc cho hàng Phật tử tại gia đến các phương pháp tu tập chuyển hóa phiền não nhằm thành tựu các Thánh vị cho hàng đệ tử xuất gia v.v… đều được Lời Phật dạy chuyển tải đến bạn đọc.
Với khuôn khổ nhỏ hẹp của trang báo, chắc chắn rằng nội dung của Lời Phật dạy chưa thể hiện được hết đầy đủ yếu nghĩa của Kinh tạng. Tuy vậy, với sự tìm tòi rất công phu trong Kinh tạng đồ sộ, trích tuyển kinh văn phù hợp với các nội dung tu tập của từng thời điểm trong năm cùng với cước chú chi tiết nguồn gốc mỗi bản kinh và nhất là phần Lời bàn giản dị mà sâu sắc của tác giả đã giúp cho tiểu mục Lời Phật dạy được đông đảo bạn đọc quan tâm, ủng hộ.
Nay, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập và thể nghiệm lời Phật dạy của bạn đọc, tác giả tiểu mục Lời Phật dạy tập hợp các bài viết đã đăng báo theo từng chủ đề và in thành sách Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya (tập I, II và III). Thiết nghĩ, tập sách này là hành trang cần yếu cho những ai quan tâm nghiên tầm, học tập những tinh hoa mà Đức Phật đã dạy. Với những giá trị tư tưởng, văn bản học nguyên thủy và cổ xưa nhất của Kinh tạng Nikàya, hy vọng độc giả sẽ được gội nhuần trong phạm âm vi diệu của Thế Tôn, thuở Ngài còn tại thế.
Trân trọng giới thiệu sách Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya (tập I, II & III) đến với bạn đọc xa gần.
Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ
Hòa thượng THÍCH TRÍ QUẢNG
Lời Phật dạy trong kinh Nikaya – XVIII An cư
AN CƯ
1.AN CƯ
Một thời, Thế Tôn ở Kosambì, tại khu vườn Ghosita, dạy các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, có năm an ổn trú này, thế nào là năm?
Ở đây, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo an trú từ thân nghiệp đối với các đồng Phạm hạnh, trước mặt và sau lưng. An trú từ khẩu nghiệp đối với các đồng Phạm hạnh, trước mặt và sau lưng. An trú từ ý nghiệp đối với các đồng Phạm hạnh, trước mặt và sau lưng. Đối với các giới không bị bể vụn, không bị sứt mẻ, không bị uế nhiễm, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến thiền định, vị ấy sống thành tựu các giới như vậy đối với các đồng Phạm hạnh, trước mặt và sau lưng. Đối với tri kiến này, thuộc bậc Thánh đưa đến xuất ly, được người thực hành chân chánh đoạn diệt khổ đau, vị ấy sống thành tựu tri kiến như vậy đối với các đồng Phạm hạnh, trước mặt và sau lưng.
Năm pháp này, này các Tỷ kheo, là năm an ổn trú.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm An ổn trú, phần An ổn trú, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.522)
LỜI BÀN:
An cư nghĩa là ở yên, cuộc sống có yên ổn mới làm được mọi việc, vì thế phải an cư mới lạc nghiệp. Đối với đời sống xuất gia, được sống yên ổn là một nhu yếu quan trọng để từng bước hướng đến thanh tịnh tâm hồn, phát triển và thăng hoa tâm linh.
Trong ý nghĩa cao quý của an cư kiết hạ mà mỗi người xuất gia đều phải tuân thủ khi mùa mưa đến là thân an cư và tâm an cư thì được ở yên hay an ổn trú thuộc về thân an cư. Người xuất gia có truyền thống sống chung với Tăng đoàn, do vậy để đạt được hòa hợp, an vui cần phải tuân thủ những nguyên tắc, quy củ thiền môn mà Phật đã chế định và quan trọng hơn phải có một nghệ thuật sống tràn đầy chất liệu tuệ giác và tình thương.
Theo tuệ giác của Thế Tôn, muốn ở yên, một hành giả cần phải nỗ lực để kiện toàn tự thân bằng cách thực hành những nghệ thuật sống thoát tục. Trước hết, đối với ba nghiệp gồm suy nghĩ, lời nói và hành động phải được nuôi dưỡng và biểu hiện bằng tâm từ, phát xuất từ lòng yêu thương chân thật đối với những người bạn đồng tu, các đồng Phạm hạnh, trong mọi lúc và mọi nơi. Kế đến, muốn sống chung an lạc, một hành giả phải tuân thủ thanh quy, giới luật. Chính sự tự giác khép mình trong khuôn khổ, an trụ trong giới pháp của mỗi cá nhân tạo nên sự bình ổn trong cộng đồng, góp phần giúp đại chúng ở yên. Đặc biệt là sự thành tựu Chánh tri kiến, thấy rõ về sự thật của các pháp là vô thường, vô ngã; nhận thức đúng đắn về con đường xuất ly, ly dục, đoạn diệt khổ đau để thực hành trọn vẹn Bát Thánh đạo.
Mỗi người xuất gia là một tế bào trong cơ thể Tăng đoàn. Vì thế, một người sống an ổn sẽ góp phần tạo nên sự an ổn và thanh tịnh trong đại chúng. Đây cũng là một phần ý nghĩa an cư mà mỗi người con Phật cần thực hành và chứng đạt trong mùa an cư kiết hạ và trong đời sống tu tập hàng ngày.L
2.TỰ TỨ
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Đông Viên, giảng đường Lộc Mẫu, cùng đại chúng khoảng năm trăm vị Tỷ kheo, tất cả đều chứng quả A la hán.
Lúc bấy giờ, nhân ngày trăng tròn Bố tát Tự tứ, Thế Tôn ngồi giữa đại chúng, sau khi nhìn quanh đại chúng im lặng, liền bảo các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, Ta mời các ông nói lên, các ông có điều gì chỉ trích Ta hay không, về thân hay về lời nói?
Được nghe như vậy, Tôn giả Sàriputta từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính bạch Thế Tôn:
Bạch Thế Tôn, chúng con không có chỉ trích gì Thế Tôn về thân hay lời nói. Và bạch Thế Tôn, con xin mời Thế Tôn nói lên, Thế Tôn có điều gì chỉ trích con hay không, về thân hay về lời nói?
Này Sàriputta, Ta không có gì chỉ trích ông về thân hay về lời nói.
Bạch Thế Tôn, đối với năm trăm Tỷ kheo này, Thế Tôn có gì chỉ trích về thân và lời nói hay không?
Này Sàriputta, đối với năm trăm Tỷ kheo này, ta không có gì chỉ trích về thân hay về lời nói.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 8, phần Tự tứ [lược],
VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.419)
LỜI BÀN:
Trong cuộc sống ở thế gian, thường thì “tốt khoe, xấu che”, che được chừng nào tốt chừng nấy. Nhưng trong tu tập của chư Tỷ kheo thì ngược lại, cần phải soi sáng cho nhau, bất kể đó là ai nếu họ vẫn còn những điều hạn chế, lỗi lầm. Đặc biệt là sự hoan hỷ tiếp nhận và tri ân về những lời soi sáng chân tình của huynh đệ để thành tâm sám hối; không hề thù oán, để bụng hay giận hờn. Đây là điểm son của giáo pháp được thể hiện qua tinh thần Tự tứ.
Trước khi giải hạ, chúng Tăng họp lại làm lễ Tự tứ, mỗi người tự thỉnh cầu đại chúng vì thương mến mà chỉ lỗi cho mình. Ngay cả Thế Tôn, bậc Đạo sư cũng cầu thỉnh đại chúng Tỷ kheo “chỉ trích” Ngài. Khi một Tỷ kheo cầu thỉnh chỉ lỗi, tất cả những gì mà đại chúng đã thấy hoặc nghe, thậm chí chỉ nghi thôi cũng chỉ ra. Không cần nể nang hay châm chế gì cả vì đối tượng cầu thỉnh thành tâm mong mỏi được chỉ lỗi. Người được soi sáng nếu nhận thấy đúng là lỗi của mình thì lập tức ghi nhận và sám hối ngay. Vì thế, khi Tự tứ xong tâm hoàn toàn được thanh tịnh.
Đặc điểm của pháp Tự tứ trong Phật giáo là sự thỉnh cầu mọi người soi sáng cho mình, người chỉ lỗi và người được chỉ lỗi đều chân tình và hoan hỷ. Tự tứ là pháp diệt trừ tội lỗi, giúp hành giả hướng đến an tâm và thanh tịnh tâm. Lễ Tự tứ sẽ không có giá trị chuyển hóa thiết thực khi được thực thi chiếu lệ, hình thức.
Ngày nay, đạo tràng an cư kiết hạ nào cũng như pháp tổ chức Tự tứ, giải hạ. Tuy vậy, để tinh thần Tự tứ diễn ra đúng nghĩa trong chúng Tăng nhằm tịnh hóa Tăng già, thành tựu các Thánh quả là điều mỗi trụ xứ, đạo tràng an cư phải nỗ lực. Tự tứ như pháp sẽ đem lại lợi ích to lớn cho tiến trình thăng hoa và thanh tịnh của chúng Tăng. Nhờ Tự tứ, chúng Tăng ngày một trưởng thành hơn trong Chánh pháp. Vì thế, ngày Tăng Tự tứ cũng chính là ngày Phật hoan hỷ.L
3.THỜI ĐIỂM LÝ TƯỞNG ĐỂ NỖ LỰC TU HÀNH
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana gọi các Tỷ kheo:
Có năm phi thời để tinh cần, này các Tỷ kheo, thế nào là năm?
Tỷ kheo già yếu, bị bệnh chinh phục; Tỷ kheo bệnh hoạn, bị bệnh hoạn chinh phục; Khi có nạn đói, khất thực khó khăn; Lúc có giặc cướp, dân chúng đều chạy trốn; Khi Tăng chúng bị chia rẽ, có sự đấu khẩu, kết tội, tẩn xuất lẫn nhau.
Này các Tỷ kheo, đây là năm phi thời để tinh cần.
Có năm đúng thời để tinh cần, này các Tỷ kheo, thế nào là năm?
Tỷ kheo còn trẻ, trong tuổi thanh xuân; Tỷ kheo ít bệnh, ít não, thân thể điều hòa; Tỷ kheo ăn uống đầy đủ, khất thực dễ dàng; Khi sống trong vùng dân chúng an bình, không có sợ hãi; Lúc các Tỷ kheo sống hòa hợp như nước với sữa, ái kính lẫn nhau.
Này các Tỷ kheo, đây là năm đúng thời để tinh cần.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Triền cái, phần Thời gian để tinh cần [trích], VNCPHVN ấn hành,
1996, tr.411)
LỜI BÀN:
Siêng năng, chăm chỉ, chuyên cần là yếu tố cực kỳ quan trọng để dẫn đến mọi thành công trong cuộc sống. Tu tập cũng vậy, thiếu vắng nhân tố tinh cần thì chắc chắn sẽ thối đọa hoặc giậm chân tại chỗ, không thể tiến bộ tâm linh. Nỗ lực tu tập rất cần thiết song điều quan yếu cần phải xác định đúng thời điểm thì mới có kết quả cao, tiến bộ nhanh chúng.
Học tập, làm việc cho đến tu hành khi còn trẻ trung, sức khỏe tràn đầy, nhiệt huyết sung mãn mới đạt đến đỉnh cao phong độ. Một ngộ nhận khá phổ biến và thật đáng tiếc là khi trẻ cứ vô tư vui vẻ, đợi đến già thì tu hành cũng chẳng muộn. Đến khi tuổi già, sức yếu, thân thể bệnh hoạn, tinh thần bạc nhược thì lực bất tòng tâm, dẫu muốn tu cũng không kham nổi, cố gắng lắm cũng chẳng được gì nhiều. Vì thế, tuổi trẻ và sức khỏe là thời điểm tốt nhất cho mọi người thực hiện hoài bão của mình, nhất là trong tu tập lại càng cần thiết hơn.
Có thực mới vực được đạo, an cư mới lạc nghiệp, vì vậy tu tập sẽ thuận duyên hơn nếu được ngoại hộ an toàn, đầy đủ. Nhưng quan trọng nhất là được tu học trong một Tăng chúng hòa hợp, hạnh phúc. Sẽ thiệt thòi, mất mát lớn lao cho người tu khi huynh đệ, bằng hữu có những xáo trộn, mâu thuẫn và bất an. Đại chúng là điểm tựa quan trọng nhất để những người sơ tâm phấn đấu, dấn thân, phụng sự. Do vậy, xây dựng một hội chúng an tịnh nhằm trợ duyên cho mọi người nỗ lực tu học là điều cần làm.
Sự tinh cần luôn cần thiết cho tu tập nhưng những cố gắng ấy sẽ đạt kết quả cao, mỹ mãn hơn trong điều kiện thuận lợi nhất. Đó là tuệ giác mà mỗi người con Phật cần trạch pháp để hạ thủ công phu nhằm thành tựu giải thoát, an lạc.L
4.XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC CÚNG DƯỜNG
Một thời, Thế Tôn trú ở Koliya, dạy các Tỷ kheo:
Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ kheo, vị Tỷ kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là tám?
Ở đây, này các Tỷ kheo, vị Tỷ kheo giữ giới, chấp nhận và học tập các học pháp; nghe nhiều và khéo thể nhập với chánh kiến; làm bạn với thiện; có chánh tri kiến; chứng đạt Bốn thiền, hiện tại lạc trú; nhớ được nhiều đời trước; đắc thiên nhãn thanh tịnh; đoạn diệt các lậu hoặc.
Này các Tỷ kheo, thành tựu tám pháp này, vị Tỷ kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 8, phẩm Gotamì, phần Xứng đáng được cúng dường [1], VNCPHVN ấn hành,
1996, tr.670)
LỜI BÀN:
Người xuất gia, nguyện làm khất sĩ, sống nhờ tài vật bá tánh cung cấp, cúng dường. Cố nhiên, người tu không trực tiếp lao động sản xuất, làm ra của cải vật chất nhưng đóng góp của họ vào việc gìn giữ các giềng mối đạo đức, phát huy đời sống tinh thần cho xã hội rất lớn. Bằng việc trang nghiêm tự thân, hoàn thiện chính mình, hướng dẫn đạo đức xã hội, hàng xuất gia trở thành phước điền tối thắng cho Phật tử nương tựa, gieo trồng cội phước.
Đặc biệt trong mùa an cư kiết hạ, chư Tăng ngừng du phương hoằng hóa, tập trung về an trụ tại các đạo tràng, thực hành an cư thì việc cúng dường của tín thí càng hậu hĩ, chu đáo hơn. Để xứng đáng là ruộng phước cho hàng Phật tử, các hành giả an cư cần nỗ lực, tinh tấn hơn trong phận sự an cư của mình.
Tôn trọng và gìn giữ giới luật là yếu tố quan trọng nhất, bởi giới luật là nền tảng xây dựng nên tất cả công đức, trí tuệ. Học tập kinh điển để thể nhập những ý chỉ sâu xa của giáo pháp. Mùa an cư là cơ hội vàng để các hành giả học hỏi, củng cố và trau giồi nhận thức về Phật pháp. Mặt khác, sự tu tập tinh chuyên trong một trụ xứ với đông đảo chư Tăng sẽ tác động và trợ duyên cho hành giả tinh tấn, tăng trưởng thiện pháp. Nhất là thành tựu chánh kiến, nhận thức đúng đắn về Chánh pháp làm kim chỉ nam cho tu học và phụng sự. Đặc biệt là nhờ tinh chuyên tu tập, mùa an cư là cơ hội thành tựu các thiền định, chứng đắc Tam minh, Lục thông và giải thoát tối hậu.
Thời Thế Tôn, sau mỗi mùa an cư, chúng Tăng nhờ thực hành tám pháp này nên thường chứng đạt, tăng tiến các Thánh vị từ Tu đà hoàn cho đến A la hán. Ngày nay, chư Tăng thực hành an cư là từng bước hướng về lộ trình này để xứng đáng là nơi nương tựa, gieo trồng cội phước cho hàng Phật tử tín tâm.L
5.ĐỨC PHẬT AN CƯ KHÔNG TIẾP KHÁCH
Một thời, Thế Tôn trú tại một khu rừng ở Icchànangala.
Tại đấy, Thế Tôn bảo các Tỷ kheo:
Ta muốn sống độc cư thiền tịnh trong ba tháng, không tiếp một ai, trừ một người đem đồ ăn đến.
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Rồi Thế Tôn, sau khi ba tháng an cư đã mãn, từ chỗ thiền tịnh độc cư đứng dậy, gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo đến hỏi: “Với sự an trú nào, này chư Hiền, Sa môn Gotama an trú nhiều ngày trong mùa mưa?”, các ông hãy trả lời: “Với định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, này chư Hiền, Thế Tôn an trú nhiều ngày trong mùa mưa”.
Này các Tỷ kheo, đây là Thánh trú, là Phạm trú, là Như Lai trú.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 10, phẩm 2, phần Icchànangala [lược], Nxb Tôn Giáo, 2002, tr.486)
LỜI BÀN:
Có lẽ ít ai ngờ rằng Thế Tôn cũng “nhập thất”, thực hiện quán niệm hơi thở một cách miên mật và không hề tiếp khách hay gặp bất cứ ai trong mùa an cư. Ngài quá mệt mỏi với thế sự rồi chăng hay chỉ “thị hiện” để răn dạy các Tỷ kheo và hậu thế chúng ta?
Tất nhiên, Thế Tôn cũng cần nghỉ ngơi bằng cách an trú thân tâm trong thiền tịnh và hiện tại lạc lạc trú. Nhưng quan trọng hơn là Ngài đã làm gương, cảnh sách các đệ tử đã lãng phí quá nhiều thời gian tu tập trong việc tiếp xúc, lễ lạt, họp hành, hội thảo… mà chểnh mảng phận sự an cư.
Mặt khác, Phật muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thiền định, nhất là pháp môn Tứ niệm xứ, nền tảng cho các Thánh quả. Đa phần các Tỷ kheo thời Thế Tôn nhờ thực hành niệm thân, thọ, tâm, pháp trong mùa an cư mà thành tựu giải thoát, chứng đắc các Thánh quả.
Ngày nay, các Tỷ kheo cũng thực hành an cư nhưng chưa thực sự hướng nội hoàn toàn. Phật sự đa đoan đã gặm nhấm hết thời gian và tâm lực, nên nếu không khéo vận dụng tu học thì an cư chỉ đạt được hình thức mà thôi.
Do vậy, thực hiện an cư cấm túc, không ra khỏi trụ xứ, ngày đêm nghiêm mật sáu thời công phu thiền định là điều cần làm. Một năm chỉ có ba tháng an cư, Đức Phật là bậc đã giác ngộ mà còn không tiếp khách, tinh chuyên tu tập, phải chăng đây là điều mà hàng hậu học phước mỏng nghiệp dày như chúng ta cần suy ngẫm?
Vẫn biết, an cư đích thực là ngay nơi tự tâm của hành giả và cứu cánh nằm trong phương tiện, những việc làm của Bồ tát vốn không thể nghĩ bàn. Nhưng nếu chưa phải là Bồ tát sở hành vô ngại thì noi gương Phật, hạn chế ngoại duyên, chuyên tâm thiền định, thực hiện phận sự an cư.L
6.KHÚC GỖ
Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambi. Trên bờ sông Hằng, Ngài thấy một khúc gỗ lớn trôi theo dòng sông, thấy vậy liền gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, các ông có thấy khúc gỗ to lớn này đang trôi theo dòng nước sông Hằng không?
Thưa có, bạch Thế Tôn.
Này các Tỷ kheo, nếu khúc gỗ ấy không đâm vào bờ bên này, không đâm vào bờ bên kia, không chìm giữa dòng, không mắc cạn trên miếng đất nổi, không bị người và chư Thiên nhặt lấy, không bị mắc vào nước xoáy, không bị mục nát bên trong; như vậy, này các Tỷ kheo, khúc gỗ ấy sẽ hướng về biển, sẽ xuôi theo biển, sẽ nhập vào biển.
Cũng vậy, này các Tỷ kheo, nếu các ông không đâm vào bờ bên này, không đâm vào bờ bên kia, không chìm giữa dòng, không mắc cạn trên miếng đất nổi, không bị người và chư Thiên nhặt lấy, không bị mắc vào nước xoáy, không bị mục nát bên trong; như vậy, này các Tỷ kheo, các ông sẽ hướng về Niết bàn, sẽ xuôi theo Niết bàn và sẽ nhập vào Niết bàn.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ IV, phẩm Rắn độc, phần Khúc gỗ, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.293)
LỜI BÀN:
Dấn thân tu học để đạt được hạnh phúc, an lạc, giải thoát và đem lại lợi ích cho mọi người là một việc khó khăn. Trong lộ trình tu tập, không phải ai cũng vượt qua chướng ngại, thuận buồm xuôi gió về đến bờ giác ngộ. Giống như khúc gỗ trôi theo dòng sông, phải trải qua thời gian, vượt qua rất nhiều trở ngại mới mong về biển.
Khúc gỗ xuôi theo dòng sông một cách tự nhiên, phó mặc thân phận cho dòng nước đẩy đưa, nhưng người tu xuôi về Niết bàn thì có định hướng rõ rệt và phải nỗ lực không ngừng. Trong đó, trí tuệ là nhân tố cực kỳ quan trọng, giữ vai trò quyết định chi phối tiến trình thăng hoa tâm thức. Trí tuệ giúp cho hành giả không bị kẹt vào đôi bờ tà kiến, không bị tham ái nhận chìm, không bị thế tục hóa và không bị mục nát giới thân huệ mạng. Nhờ đó, người tu vượt qua mọi trở ngại, xuôi về giải thoát.
Ngày nay, việc tu tập càng khó khăn hơn vì cuộc sống hiện đại có rất nhiều sự chướng ngại, cám dỗ. Tuy nhiên, dòng sông vừa đưa khúc gỗ vào những vướng mắc nhưng vừa là động lực đẩy nó về đại dương. Cũng vậy, dòng đời lắm nhiễu nhương nhưng đồng thời cũng là môi trường giúp người tu thử thách, rèn luyện để xuôi về biển giác.
Vì thế, nỗ lực thúc liễm thân tâm, trau giồi phạm hạnh, phát huy tuệ giác là điều mà tự thân mỗi hành giả phải thành tựu để chứng đắc Niết bàn. Chính sự tinh cần tu tập, an cư cấm túc của chư Tăng trong mùa an cư kiết hạ là một biểu hiện cụ thể nhằm tấn tu đạo nghiệp, khai mở tuệ giác, vượt qua chướng ngại, thành tựu giải thoát.L
7.KHÔNG NÊN SỐNG QUÁ LÂU TẠI MỘT NƠI
Một thời, Thế Tôn trú ở Kimbilà, tại Veluvana, dạy các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, có năm nguy hại này, nếu sống quá lâu tại một chỗ. Thế nào là năm?
Đồ dùng nhiều, cất chứa nhiều đồ dùng; nhiều dược phẩm, cất chứa nhiều dược phẩm; nhiều công việc phải làm, không khéo léo trong những công việc phải làm; sống lẫn lộn với gia chủ, tùy thuận trong sự liên hệ với gia chủ; và khi bỏ trú xứ ấy, ra đi với sự luyến tiếc.
Này các Tỷ kheo, đó là năm nguy hại nếu sống quá lâu tại một chỗ.
Có năm lợi ích này, này các Tỷ kheo, nếu sống đồng đều tại mỗi chỗ. Thế nào là năm?
Đồ dùng không nhiều, không cất chứa nhiều đồ dùng; dược phẩm không nhiều, không cất chứa nhiều dược phẩm; không nhiều công việc phải làm, khéo léo trong những công việc phải làm; không sống lẫn lộn với gia chủ, không tùy thuận trong sự liên hệ với gia chủ; và khi bỏ trú xứ ấy, ra đi không với sự luyến tiếc.
Này các Tỷ kheo, đây là năm lợi ích nếu sống đồng đều tại mỗi chỗ.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Du hành dài, phần Sống quá lâu [1], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.724)
LỜI BÀN:
Một trong những đặc điểm của đời sống xuất gia thời Thế Tôn là du hành, không ở cố định một nơi mà thường xuyên thay đổi. Chính đặc điểm của đời sống du hành với ba y và một bát đã trợ duyên rất nhiều cho thành tựu Phạm hạnh, hạn chế đến tối đa tham ái, chấp thủ và dính mắc.
Ngày nay, phần lớn các Tỷ kheo không sống du hành mà thường ở cố định nơi chùa viện của mình. Do vậy, những cảnh báo của Thế Tôn về những dính mắc liên quan đến danh lợi, công việc và tình cảm là điều mà người tu chúng ta phải suy ngẫm. Đơn cử như việc nhập chúng an cư, bổn phận quan trọng của người xuất gia, nhưng không phải ai cũng hội đủ duyên lành để thực hiện. Dù những lý do đưa ra như chùa neo người, chùa đang xây dựng, phải đáp ứng nhu cầu nghi lễ cho tín đồ v.v… để lý giải cho việc không tham dự an cư tập trung là hoàn toàn chính đáng, song những điều ấy lại biểu hiện rõ nét sự dính mắc. Và một khi đã dính mắc thì chắc chắn khó có thể tránh được nguy hại.
Vì thế, nhập chúng an cư ngoài ý nghĩa tu tập còn là cơ hội thay đổi môi trường sống, làm gián đoạn các nhân duyên tham ái đã tác tạo nơi trụ xứ. Dẫu biết rằng, những đạo tràng an cư phần lớn không tiện nghi, phù hợp với thói quen của mình nhưng kham nhẫn và tùy duyên, tùy hỷ được với hiện tại đã chứng tỏ một phần sự không dính mắc, giải thoát. Do vậy, những ai thực hiện phận sự an cư, chỉ xét về phương diện “sống đồng đều tại mỗi chỗ” thôi cũng đã gặt hái được nhiều lợi ích.L
8.CHƯ THIÊN CŨNG LUYẾN TIẾC AN CƯ
Một thời, nhiều Tỷ kheo trú tại khu rừng ở Kosala. Sau khi an cư ba tháng mùa mưa xong, các Tỷ kheo bắt đầu du hành.
Bấy giờ một vị Thiên trú ở khu rừng ấy, không thấy các Tỷ kheo nữa liền ưu buồn, nói lên bài kệ: Hôm nay tâm của ta/Cảm thấy không vui vẻ/Khi thấy nhiều chỗ ngồi/Trống không, không có người/Những bậc Đa văn ấy/Thuyết pháp thật mỹ diệu/Đệ tử Gotama/Hiện nay đang ở đâu?
Khi nghe như vậy, một vị Thiên khác nói lên bài kệ: Họ đi Magadha/Họ đi Kosala/Và một số vị ấy/Đi đến xứ Vajjà/ Như nai thoát bẫy sập/Chạy nhảy khắp bốn phương/Tỷ kheo không nhà cửa/Sống giải thoát như vậy.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 9, phần Đa số hay du hành, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.437)
LỜI BÀN:
Mỗi khi mùa mưa đến, chư Tăng lo thu xếp Phật sự, chuẩn bị nhập chúng an cư. Thời Thế Tôn tại thế, trụ xứ an cư có thể là tinh xá Trúc Lâm, Kỳ Viên hay thôn xóm và thường là những khu rừng. An cư xong, chư Tăng ngày nay trở về chùa, còn các Tỷ kheo ngày xưa thì tiếp tục du hành.
Trong mùa an cư, chư Tăng thuờng cầu nguyện hộ pháp, thiện thần, chư Thiên gia hộ cho đạo tràng được sung mãn, ổn định. Có điều mà chúng ta ít nghĩ đến là chư vị ấy cũng theo chúng Tăng nghe pháp và tu tập. Nên khi an cư xong, các Tỷ kheo ra đi, chư Thiên cũng buồn, lưu luyến và tiếc thương…
Như một vị Thiên ở rừng Kosala, khi chúng Tăng đi rồi, nhìn thấy khu rừng trống vắng và nhất là không được nghe diệu pháp nữa nên cảm thấy buồn. Thì ra, việc tu tập an cư của chúng Tăng không chỉ thăng hoa tự thân, làm ruộng phước cho Phật tử mà còn giáo hóa cả những người “khuất mặt”. Chư Thiên biết rõ từng tâm niệm của người phàm. Do đó, chúng Tăng phải đạt được thanh tịnh, hoan hỷ và hòa hợp đích thực mới cảm hóa được họ, ra đi khiến họ phải kính tiếc. Sau mỗi mùa an cư, chư Tăng thời Thế Tôn đa phần đều chứng Thánh. Còn các Tỷ kheo ngày nay, an cư xong dù chưa chứng quả nhưng cũng cảm nhận được đạo vị, đạo tình của an lạc và thanh tịnh.
Nhờ nỗ lực tu tập trong mùa an cư và đặc biệt là thành tựu pháp Tự tứ khi mãn hạ, chư Tăng đã tự thanh lọc và hoàn thiện mình để xứng đáng là nơi nương tựa của trời và người. Ngày Tăng Tự tứ, Phật hoan hỷ, chư Thiên hoan hỷ và Phật tử cũng hoan hỷ. Mùa an cư đi qua, đọng lại trong lòng mọi người là sự an lạc và luyến tiếc, mong hội ngộ vào mùa mưa sang năm là một sự thành tựu.L
Hits: 184