Skip to content
We'll be happy to help. Call Us Today: +1800-222-9876

Lời Phật dạy là một tiểu mục trong chuyên mục Phật học của báo Giác Ngộ. Tiểu mục này được xây dựng từ năm 2003, bằng cách trích tuyển nguyên văn hoặc một phân đoạn của những kinh thuộc Trường Bộ, Trung Bộ, Tăng Chi Bộ, Tương Ưng Bộ và Tiểu Bộ (Kinh tạng Nikàya) đồng thời kèm theo phần Lời bàn ngắn gọn, súc tích và thiết thực.

Nội dung Kinh tạng Nikàya bao hàm nền tảng căn bản giáo lý Phật đà, rất thiết thân, gần gũi, dễ hiểu và dễ ứng dụng thực hành. Trong những năm qua, Lời Phật dạy đã lần lượt giới thiệu đến độc giả rất nhiều pháp thoại với nhiều đề tài khác nhau. Từ những giáo lý căn bản như Tam quy, Ngũ giới cho đến Tứ đế, Duyên khởi, Vô ngã; từ những phương thức xây dựng đời sống gia đình an vui hạnh phúc cho hàng Phật tử tại gia đến các phương pháp tu tập chuyển hóa phiền não nhằm thành tựu các Thánh vị cho hàng đệ tử xuất gia v.v… đều được Lời Phật dạy chuyển tải đến bạn đọc.

Với khuôn khổ nhỏ hẹp của trang báo, chắc chắn rằng nội dung của Lời Phật dạy chưa thể hiện được hết đầy đủ yếu nghĩa của Kinh tạng. Tuy vậy, với sự tìm tòi rất công phu trong Kinh tạng đồ sộ, trích tuyển kinh văn phù hợp với các nội dung tu tập của từng thời điểm trong năm cùng với cước chú chi tiết nguồn gốc mỗi bản kinh và nhất là phần Lời bàn giản dị mà sâu sắc của tác giả đã giúp cho tiểu mục Lời Phật dạy được đông đảo bạn đọc quan tâm, ủng hộ.

Nay, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập và thể nghiệm lời Phật dạy của bạn đọc, tác giả tiểu mục Lời Phật dạy tập hợp các bài viết đã đăng báo theo từng chủ đề và in thành sách Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya (tập I, II và III). Thiết nghĩ, tập sách này là hành trang cần yếu cho những ai quan tâm nghiên tầm, học tập những tinh hoa mà Đức Phật đã dạy. Với những giá trị tư tưởng, văn bản học nguyên thủy và cổ xưa nhất của Kinh tạng Nikàya, hy vọng độc giả sẽ được gội nhuần trong phạm âm vi diệu của Thế Tôn, thuở Ngài còn tại thế.

Trân trọng giới thiệu sách Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya (tập I, II & III) đến với bạn đọc xa gần.

 

Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ

Hòa thượng THÍCH TRÍ QUẢNG

 

Slide 1 Heading
Lorem ipsum dolor sit amet consectetur adipiscing elit dolor
Click Here
Slide 2 Heading
Lorem ipsum dolor sit amet consectetur adipiscing elit dolor
Click Here
Slide 3 Heading
Lorem ipsum dolor sit amet consectetur adipiscing elit dolor
Click Here
Slide Heading
Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo.
Click Here
Previous
Next

Lời Phật dạy trong kinh Nikaya – XXIII Sân hận

SÂN HẬN

 



GIẾT GIẶC PHIỀN NÃO

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana cùng chúng Tỷ kheo. Rồi Thiên chủ Sakka đi đến, sau khi đảnh lễ, nói lên bài kệ hỏi Thế Tôn:

Giết vật gì, được vui/ Giết vật gì, không sầu/ Có một loại pháp gì/ Ngài tán đồng sát hại/ Tôn giả Gotama?

Thế Tôn trả lời:

Giết phẫn nộ được vui/ Giết phẫn nộ không sầu/ Phẫn nộ với độc căn/ Với vị ngọt tối thượng/ Pháp ấy, bậc Hiền Thánh/ Tán đồng sự sát hại/ Sát pháp ấy, không sầu/ Hỡi này Vàsava!

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 11, phẩm 3, phần Sát hại gì, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.527)

LỜI BÀN:

Một trong những ý nghĩa của A la hán là giết giặc phiền não (sát tặc). Và người tu cũng là một chiến sĩ, luôn chiến đấu không ngừng với nội tâm, vượt lên cái ác để chiến thắng nghiệp lực, hoàn thiện chính mình. Hình ảnh Bồ tát Văn Thù, tay cầm kiếm trí tuệ sáng ngời, biểu trưng cho tinh thần chiến đấu và chiến thắng giặc phiền não của người tu.

Trong các phiền não, phẫn nộ hay giận dữ rất nguy hiểm, có sức tàn phá công đức khủng khiếp nhất. Phật dạy “Chớ coi thường đốm lửa nhỏ” bởi nếu không ngăn chặn kịp thời, ngọn lửa nhỏ ấy sẽ gây nên hiểm họa khôn lường. Giận thì mất khôn, không ai có thể lường trước mình sẽ làm gì trong cơn giận dữ. Chỉ một phút mất bình tĩnh, không kềm được nóng giận sẽ gây nên tai họa. Những nỗi đau khổ, những niềm ân hận của con người thường bắt đầu bằng phút nông nổi, tự đánh mất mình khi tức giận bùng phát.

Vì thế, chuyển hóa nóng giận là việc cần phải làm trong mỗi phút giây của đời sống hàng ngày. Ai cũng có phẫn nộ, nó tiềm ẩn trong tâm, tùy theo duyên mà bùng nổ. Do đó, luôn ý thức sự nguy hiểm của nóng giận để thực tập “một điều nhịn, chín điều lành”. Điều cần yếu là thiết lập đời sống hướng nội, thường xuyên thấy rõ tâm mình, để nhận ra những ý niệm giận dữ khi mới manh nha, còn trong trứng nước. Phát hiện cơn giận khi còn là đốm lửa nhỏ thì mới có khả năng giập tắt.

Để giập tắt một đám cháy, cần phát hiện sớm và đủ phương tiện chữa cháy. Cũng vậy, muốn chuyển hóa ngọn lửa sân hận, cần nhất là chánh niệm tỉnh giác và từ bi. Tỉnh giác là khả năng quán sát, rõ biết thân và tâm, hiểu mình và hiểu người. Nhận diện trọn vẹn về cơn giận đang hình thành với các tác động kích thích bên ngoài sẽ dễ dàng khống chế và chuyển hóa nó. Mặt khác, nước từ bi cam lồ phải luôn đầy đủ và sẵn sàng mới có thể tưới mát, giập tắt lửa sân kịp thời.

Cho nên tu tập trí tuệ và từ bi, hiểu rõ để yêu thương và tha thứ là phương thức giết giặc nóng giận hiệu quả nhất. Pháp này được Thế Tôn tán đồng và những người con Phật ứng dụng để xây dựng cuộc sống bình an.L

KHAM NHẪN

Một thời, Thế Tôn trú ở Kimbilà, tại Veluvana, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có năm nguy hại này cho người không kham nhẫn. Thế nào là năm?

Quần chúng không ái mộ, không ưa thích; nhiều người hận thù; nhiều người tránh né; khi mạng chung tâm bị mê loạn; sau khi thân hoại mạng chung, sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Này các Tỷ kheo, đây là năm nguy hại cho người không kham nhẫn.

Này các Tỷ kheo, có năm lợi ích này cho người có kham nhẫn. Thế nào là năm?

Quần chúng ái mộ và ưa thích; không có nhiều người hận thù; không có nhiều người tránh né; khi mạng chung tâm không bị mê loạn; sau khi thân hoại mạng chung, được sinh vào cõi thiện thú, thiên giới, cõi đời này.

Này các Tỷ kheo, đây là năm lợi ích cho người có kham nhẫn.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Mắng nhiếc, phần Không kham nhẫn, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.719)

LỜI BÀN:

Trong cuộc sống, để đạt đến thành công và nhất là mong ước kiến tạo hạnh phúc, hòa hợp, an vui trong gia đình, cộng đồng thì không thể thiếu sự kham nhẫn. Những ai đã từng trải trong đời thì kinh nghiệm sâu sắc về điều này bởi không ít người phải ngậm ngùi, ân hận và nuối tiếc đến suốt đời chỉ vì một phút nông nổi, thiếu kiềm chế, không kham nhẫn.

Kham nhẫn là sự chịu đựng, chấp nhận, nhẫn chịu trước những điều không như ý. Tuy nhiên, tinh thần kham nhẫn theo lời dạy của Thế Tôn không đơn thuần là nhẫn nhịn mang tính đè nén, nuốt hận mà là sự vượt qua nghịch cảnh một cách an nhiên nhờ tuệ giác. Sự tĩnh tại, bất động trong mọi hoàn cảnh chính là tâm thái sáng suốt, vững chãi khi đã thấu triệt sự thật hư ảo về tự thân, con người và cuộc đời.

Có thể mọi người đều ít nhiều nhận ra lợi ích của kham nhẫn và những tác hại khi không kham nhẫn nổi các chướng ngại trong đời sống. Với tuệ giác và kinh nghiệm của Thế Tôn thì năm lợi ích của kham nhẫn và năm nguy hại của không kham nhẫn được trình bày trong pháp thoại trên thật rõ ràng. Tuy vậy, dù thấy rõ hai mặt lợi hại của vấn đề nhưng để thực hành kham nhẫn một cách trọn vẹn là điều không đơn giản.

Bước đầu tiên thực hành kham nhẫn là sự chịu đựng, dù sức chịu đựng vốn giới hạn, sẽ cực kỳ nguy hiểm khi quá ngưỡng. Tiếp đến phải vận dụng năng lực định tĩnh và tuệ giác nhờ thực tập thiền định trong đời sống của tự thân để kham nhẫn, vượt thoát. An nhiên trước mọi nghịch cảnh vì thấy rõ bản chất của nó, kham nhẫn được tất cả nhưng không cần cố gắng mới là Nhẫn nhục ba la mật.

Vận dụng trí tuệ để hóa giải tất cả những xung đột và mâu thuẫn nội tâm cũng như ngoại cảnh chính là nền tảng của sự an tâm, bình tĩnh, tự chủ, tự tại trước mọi biến động trong cuộc đời. Đây chính là bí quyết của việc tu tập kham nhẫn để vượt qua nghịch cảnh, chướng duyên nhằm đem đến sự bình an, hòa hợp, hạnh phúc và an vui trong đời sống mà mỗi người con Phật cần phải thực tập để thành tựu.L

NHỮNG HẠNG NGƯỜI NÓNG GIẬN

Một thời, Thế Tôn trú ở Bàrànasi, tại vườn Nai, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có ba hạng người này xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Hạng người như chữ viết trên đá, hạng người như chữ viết trên đất, hạng người như chữ viết trên nước.

Thế nào là hạng người như chữ viết trên đá? Này các Tỷ kheo, có người luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này tiếp tục lâu dài. Ví như chữ viết trên đá không bị gió hay nước tẩy xóa nhanh chóng, được tồn tại lâu dài.

Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người như chữ viết trên đất? Ở đây, này các Tỷ kheo, có người luôn luôn phẫn nộ và phẫn nộ của người này không có tiếp tục lâu dài. Ví như chữ được viết trên đất bị gió hay nước tẩy xóa mau chóng, không tồn tại lâu dài.

Thế nào là hạng người như chữ viết trên nước? Này các Tỷ kheo, có người dẫu bị nói một cách kịch liệt, bị nói một cách ác độc, bị nói một cách thô lỗ, tuy vậy, vẫn dễ dàng hòa hợp, thân thiện và hoan hỷ. Ví như chữ viết trên nước được mau chóng biến mất, không có tồn tại lâu dài.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Kusinàra, phần Chữ viết trên đá, trên đất, trên nước, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.517)

LỜI BÀN:

Con người sống ở đời thường hân hoan khi gặp những điều gì vừa ý đồng thời phản ứng giận dữ, gay gắt lúc gặp cảnh chẳng đẹp lòng. Phẫn nộ, sân hận với những điều trái ý là tâm lý bình thường của chúng sinh. Tuy nhiên, tùy theo nghiệp lực nặng nhẹ của mỗi người mà biểu lộ sự giận dữ với những sắc thái và cấp độ khác nhau.

Có hạng người rất dễ bị sân hận, chỉ cần nghịch ý thì lập tức đùng đùng nổi giận. Người dễ giận mà khó nguôi thì gần như vô phương cứu chữa, chẳng mấy ai dám gần gũi và thân thiết với hạng người này. Bởi giận thì mất khôn, không thể làm chủ lời nói cũng như hành vi một khi đã nổi giận. Như dòng chữ khắc sâu vào đá, khó phai mờ dù gió táp mưa sa, sự phẫn nộ tồn tại lâu dài sẽ thiêu đốt thân tâm, làm cho ai ôm ấp nó phải héo hon, cằn cỗi.

Nếu như mau giận mà chóng quên, nóng nảy chỉ vì trực tính, có chuyện liền nói ra không để bụng thì vẫn còn được cảm thông. Một người có nóng giận nhưng rồi sau đó biết lỗi, nhận thức được sự nguy hiểm mà tìm cách khắc phục, rất đáng được ca ngợi. Bởi chúng sinh thì ai cũng có nóng giận nhưng phải biết kiềm chế và nhẫn nhịn để điều phục. Giống như chữ viết trên cát, mưa gió dễ dàng xóa nhòa, người có giận cũng không nên giận lâu, nhanh chóng chuyển hóa cho thân tâm nhẹ nhàng, mát mẻ.

Không giận là trường hợp hiếm có ở trên đời, một người thành tựu tuệ giác vô ngã mới đạt đến khả năng này. Bậc thánh giả luôn hoan hỷ với những nghịch cảnh nhờ có đầy đủ trí tuệ và từ bi. Như chữ viết trên nước, có mà như không, chẳng có gì có thể làm lay động tâm tư của những vị này. Người con Phật trong quá trình hướng đến không sân hận của bậc Thánh, trước phải biết nhẫn nhịn đồng thời phát huy bi và trí để từng bước điều phục, chuyển hóa nóng giận của chính mình.L

NGƯỜI ÁC VÀ NGƯỜI HIỀN

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại vườn ông Anàthapindika. Rồi thôn trưởng Canda đi đến.

Bạch Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì có người được gọi là tàn bạo, có người được gọi là hiền lành?

Ở đây, này Thôn trưởng, có người tham, sân, si chưa được đoạn tận. Do tham, sân, si chưa được đoạn tận, người ấy bị người khác làm cho phẫn nộ. Do bị người khác làm phẫn nộ nên phẫn nộ hiện hành. Người ấy do vậy được gọi là người tàn bạo.

Này Thôn trưởng, đây là nhân, là duyên có người được gọi là tàn bạo.

Nhưng ở đây, này Thôn trưởng, có người tham, sân, si được đoạn tận. Do tham, sân, si được đoạn tận, người ấy không bị người khác làm cho phẫn nộ. Do không bị người khác làm phẫn nộ nên phẫn nộ không hiện hành. Người ấy do vậy được gọi là hiền lành.

Này Thôn trưởng, đây là nhân, là duyên có người được gọi là hiền lành.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ IV, chương 8, Tương ưng thôn trưởng, phần Canda [trích], Nxb Tôn Giáo, 2001, tr.479)

LỜI BÀN:

Một người sống lương thiện lúc nào cũng tâm nguyện làm lành tránh dữ. Nhưng để thực sự trở thành người hiền đúng nghĩa là chuyện không dễ dàng, bởi trong tâm ta vốn chứa lẫn lộn vô số mầm thiện ác. Những biểu hiện hiền lành trong đời sống nếu có cũng chỉ là phần nổi của khối băng lênh đênh trong đại dương mà ít ai biết được trong phần chìm của khối băng tâm ấy tiềm ẩn những gì. Vì thế, Đức Phật từng khuyến cáo chưa phải là bậc A la hán thì không nên chủ quan vào tâm ý của mình.

Pháp thoại này cho thấy khi tham, sân và si chưa đoạn tận thì chúng ta vẫn là người ác, có thể sẽ làm ác đến tàn bạo dù điều ấy chưa từng xảy ra. Và điều quan trọng là mấy ai hiện hữu trên cõi đời chứng đạt sự thanh tịnh tuyệt đối, dứt bặt ba phiền não căn bản ấy. Quán niệm về điều này thật sâu sắc để thấy rằng phiền não còn thì cái ác vẫn còn. Tâm ta là ngọn núi lửa được phủ lên một thảm thực vật hiền hòa, xanh tốt và chỉ cần chút duyên địa chấn thì nham thạch sân hận sẽ trào tuôn và nhấn chìm tất cả trong biển lửa phẫn nộ.

Hiểu được điều này, chúng ta không mấy ngạc nhiên khi gặp những phản ứng sân hận bộc phát dữ dội nơi những người vốn dĩ hiền lành, đồng thời chúng ta cũng không lấy làm khó hiểu về những hành vi giận dữ bất thường của chính mình. Bởi cái ác không hẳn là bản chất của con người song nó luôn tiềm ẩn chờ cơ hội để bùng phát. Nhận thức được điều này là một trong những điều kiện thiết yếu để tiến tới làm chủ và tịnh hóa tâm thức. Không chủ quan, không mất cảnh giác với chính mình, thực tập tỉnh thức trong mọi suy nghĩ, lời nói và hành động để kiểm soát thân tâm một cách trọn vẹn là phương thức để trở thành người hiền, và đây cũng là mục tiêu phấn đấu nhằm hoàn thiện tự thân của mỗi người con Phật.L

PHẪN NỘ

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, gọi các Tỷ kheo:

Có bốn loại rắn, này các Tỷ kheo. Thế nào là bốn?

Loại rắn có nọc độc nhưng không ác độc; loại rắn ác độc nhưng không có nọc độc; loại rắn có nọc độc và ác độc; loại rắn không có nọc độc, không có ác độc.

Cũng vậy, này các Tỷ kheo, có bốn hạng người được ví dụ như bốn loại rắn này có mặt ở đời. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ kheo, có hạng người rất mau phẫn nộ nhưng phẫn nộ không tồn tại lâu dài. Ví như loại rắn có nọc độc nhưng không ác độc.

Này các Tỷ kheo, có hạng người không mau phẫn nộ nhưng phẫn nộ tồn tại lâu dài. Như là loại rắn ác độc nhưng không có nọc độc.

Ở đây, này các Tỷ kheo, có hạng người rất mau phẫn nộ nhưng phẫn nộ tồn tại lâu dài. Ví như loại rắn có nọc độc và ác độc.

Này các Tỷ kheo, có hạng người không mau phẫn nộ nhưng phẫn nộ không tồn tại lâu dài. Như là loại rắn không có nọc độc, không có ác độc.

Có bốn hạng người này, này các Tỷ kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 4, phẩm Mây mưa, phần Các con rắn, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.23)

LỜI BÀN:

Tâm sân hận của con người thường được ví như hình ảnh ngọn lửa tàn phá những khu rừng hạn hán, thiêu đốt tất cả những gì tốt đẹp mà chính họ đã tạo dựng. Cơn giận bùng phát ra bên ngoài thường hung hãn như ngọn lửa lớn. Tuy nhiên, khi giận dữ được nén vào trong lòng thì nó ẩn tàng hiểm họa như nọc độc của rắn độc.

Nóng giận nhanh mà nguội lạnh nhanh, hạng người này bộc trực, ngay thẳng, không để bụng, điều gì không vừa ý thì nói ngay, nói rồi thôi. Xem ra nếu hiểu thì cũng dễ dàng thông cảm và sống chung với họ. Tuy vậy, hạng người này thường mang lại những tổn thương, tự ái cho nhiều người. Như loại rắn độc thường phun nọc độc nhưng dùng để tự vệ hơn là tấn công nhằm giết hại đối phương.

Hạng người khác ít nóng giận hơn hoặc có giận thì thường dồn nén mà không biểu hiện ra. Tuy họ có vẻ thoải mái, dễ chịu nhưng một khi đã ghim gút thì giận lâu, khó tháo gỡ. Như loại rắn không có nọc độc nhưng tâm tính ác độc. Ít giận nhưng một khi đã giận ai thì giận dai, không hỷ xả cũng là một tâm tính ác cần phải đoạn trừ.

Nguy hiểm nhất là hạng người dễ giận và giận lâu. Hiểm họa thật khó lường luôn chờ đón những người sống chung và chính bản thân của người ấy. Nếu không đủ tuệ giác và từ bi để dung nhiếp thì cần phải tránh xa hạng người này. Bởi cầm đuốc đi ngược gió thì sẽ có ngày cháy tay, gần rắn độc và hung dữ thì khó tránh khỏi tai họa.

Không sân hận hay nếu có thì nhanh chóng hỷ xả là một trong những đặc điểm lý tưởng để sống chung an hòa. Hạng người này hiếm có trên đời, phải nỗ lực tu tập trong thời gian dài mới mong thành tựu. Do vậy, nuôi dưỡng và phát triển từ bi, trí tuệ từng phút giây trong đời sống hàng ngày là điều cần yếu và quan trọng của mỗi người.L

TÂM NGƯỜI NHƯ VẾT THƯƠNG

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, dạy các Tỷ kheo:

Có ba hạng người này, này các Tỷ kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Hạng người với tâm ví dụ như vết thương, với tâm ví dụ như chớp sáng, với tâm ví dụ như kim cang.

Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người với tâm ví dụ như vết thương? Ở đây, này các Tỷ kheo, có người phẫn nộ, nhiều hiềm hận, dầu có bị nói chút ít, cũng tức tối phẫn nộ, sân hận, sừng sộ, biểu lộ sự phẫn nộ, sân hận và bực tức. Ví như một vết thương đang làm mủ, nếu bị cây gậy hay một miếng sành đánh phải, liền chảy mủ nhiều hơn.

Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người với tâm được ví dụ như chớp sáng? Ở đây, này các Tỷ kheo, có hạng người như thật rõ biết: “đây là khổ”,…, như thật rõ biết “đây là con đường đưa đến khổ diệt”. Ví như một người có mắt, thấy các sắc trong đêm tối mù mịt, khi có chớp sáng.

Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người với tâm được ví dụ như kim cang? Ở đây, này các Tỷ kheo, có hạng người, nhờ đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này các Tỷ kheo, đây gọi là hạng người, với tâm được ví dụ như kim cang.

Ba hạng người này, này các Tỷ kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Người, phần Vết thương làm mủ [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.220)

LỜI BÀN:

Trong ba hạng người mà Thế Tôn đã trình bày, chắc chắn rằng chúng ta không phải là hạng người với tâm như kim cang. Vì đó là tâm của các bậc Thánh A la hán đã đoạn tận phiền não, lậu hoặc, hoàn toàn thanh tịnh và giải thoát.

Và đôi khi, tâm của chúng ta chợt lóe sáng, như tia chớp xé tan màn đêm. Tiếc rằng, ánh chớp ấy tuy rất sáng nhưng ngắn ngủi, nên khi vụt tắt rồi thì bóng đêm lại tràn ngập. Khi chúng ta bình tâm, lắng lòng trong sạch thì có thể nhận diện rất rõ về những sự thật ở đời, luôn xảy ra trong cuộc sống xung quanh ta như sự mong manh, vô thường, những khổ đau trong cuộc sống và tình trạng không chủ thể (vô ngã) của tất cả. Những khi thấy được như thế, tâm ta trở nên nhẹ nhàng, bình an và thanh thản hơn trước những lo toan làm giàu, đua tranh, ghét ghen và thù hận… Những phút tâm lóe sáng như thế tuy không nhiều nhưng đã góp phần to lớn nuôi dưỡng tuệ giác và tình thương và vun đắp niềm tin yêu cho cuộc sống.

Còn lại thì đa phần chúng ta đều có tâm ở trạng thái như vết thương, sẵn sàng trào tuôn máu mủ và lở loét thêm mỗi khi đụng vào. Những tham lam, giận dữ gần như có mặt thường xuyên, phản ứng bén nhạy với các môi trường hoàn cảnh cuộc sống. Vì thế, đời sống chúng ta vốn đã vất vả, tất bật cho cho cuộc mưu sinh lại càng căng thẳng, phức tạp thêm. Do đó, chúng ta cần thiết lập đời sống hướng nội, giữ tâm thăng bằng, đồng thời quán sát sâu sắc hơn về thân tâm và cuộc sống để cho tâm được lóe sáng.L

Hits: 166

Website chia sẻ kiến thức , những tâm đắc về đạo Phật , cổ nhân xưa của 1 cá nhân ( không phải tổ chức , chùa ) . Mọi ý kiến đóng góp, khiếu nại xin gửi về hòm thư [email protected] . Điều khoản , nội quy

Wiki Tâm Học
Copyright 2020 @ Thiết kế bởi DragonKnightMT