Lời Phật dạy là một tiểu mục trong chuyên mục Phật học của báo Giác Ngộ. Tiểu mục này được xây dựng từ năm 2003, bằng cách trích tuyển nguyên văn hoặc một phân đoạn của những kinh thuộc Trường Bộ, Trung Bộ, Tăng Chi Bộ, Tương Ưng Bộ và Tiểu Bộ (Kinh tạng Nikàya) đồng thời kèm theo phần Lời bàn ngắn gọn, súc tích và thiết thực.
Nội dung Kinh tạng Nikàya bao hàm nền tảng căn bản giáo lý Phật đà, rất thiết thân, gần gũi, dễ hiểu và dễ ứng dụng thực hành. Trong những năm qua, Lời Phật dạy đã lần lượt giới thiệu đến độc giả rất nhiều pháp thoại với nhiều đề tài khác nhau. Từ những giáo lý căn bản như Tam quy, Ngũ giới cho đến Tứ đế, Duyên khởi, Vô ngã; từ những phương thức xây dựng đời sống gia đình an vui hạnh phúc cho hàng Phật tử tại gia đến các phương pháp tu tập chuyển hóa phiền não nhằm thành tựu các Thánh vị cho hàng đệ tử xuất gia v.v… đều được Lời Phật dạy chuyển tải đến bạn đọc.
Với khuôn khổ nhỏ hẹp của trang báo, chắc chắn rằng nội dung của Lời Phật dạy chưa thể hiện được hết đầy đủ yếu nghĩa của Kinh tạng. Tuy vậy, với sự tìm tòi rất công phu trong Kinh tạng đồ sộ, trích tuyển kinh văn phù hợp với các nội dung tu tập của từng thời điểm trong năm cùng với cước chú chi tiết nguồn gốc mỗi bản kinh và nhất là phần Lời bàn giản dị mà sâu sắc của tác giả đã giúp cho tiểu mục Lời Phật dạy được đông đảo bạn đọc quan tâm, ủng hộ.
Nay, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập và thể nghiệm lời Phật dạy của bạn đọc, tác giả tiểu mục Lời Phật dạy tập hợp các bài viết đã đăng báo theo từng chủ đề và in thành sách Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya (tập I, II và III). Thiết nghĩ, tập sách này là hành trang cần yếu cho những ai quan tâm nghiên tầm, học tập những tinh hoa mà Đức Phật đã dạy. Với những giá trị tư tưởng, văn bản học nguyên thủy và cổ xưa nhất của Kinh tạng Nikàya, hy vọng độc giả sẽ được gội nhuần trong phạm âm vi diệu của Thế Tôn, thuở Ngài còn tại thế.
Trân trọng giới thiệu sách Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya (tập I, II & III) đến với bạn đọc xa gần.
Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ
Hòa thượng THÍCH TRÍ QUẢNG
Lời Phật dạy trong Nikaya – XXXVI Ý nghiệp
Ý NGHIỆP
GIỮ TÂM TRONG SẠCH
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, vườn ông Anathapindika. Lúc bấy giờ Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, như một tấm vải cấu uế, nhiễm bụi, người thợ nhuộm nhúng tấm vải ấy vào các thuốc nhuộm xanh, vàng hoặc đỏ… vải ấy sẽ được màu nhuộm không tốt đẹp, không sạch sẽ. Vì sao vậy? Này các Tỷ kheo, vì tấm vải không được trong sạch. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, cõi ác chờ đợi một tâm cấu uế.
Này các Tỷ kheo, như một tấm vải thanh tịnh, trong sạch, người thợ nhuộm nhúng tấm vải ấy vào các thuốc nhuộm xanh, vàng hoặc đỏ… vải ấy sẽ được màu nhuộm tốt đẹp, sạch sẽ. Vì sao vậy? Này các Tỷ kheo, vì tấm vải được trong sạch. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, cõi thiện chờ đợi một tâm không cấu uế.
(ĐTKVN, Trung Bộ I, kinh Ví Dụ Tấm Vải [lược],
VNCPHVN ấn hành, 1992, tr.87)
LỜI BÀN:
Con người sống trên đời quý ở tấm lòng, nơi cái tâm bởi “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Trong tu tập thì việc giữ tâm trong sạch lại càng quan trọng hơn vì “ý làm chủ các pháp” hay “nhất thiết duy tâm tạo”. Do vậy, quán sát tâm của mình hiện tại là thiện hoặc ác, tốt hoặc xấu, cao thượng hay thấp hèn… để biết chắc mình sẽ đón nhận một tương lai khổ hoặc vui thích ứng với các loại tâm ấy.
Theo tuệ giác của Thế Tôn, tâm ta giống như tấm vải và chính ta cũng là người thợ nhuộm, nhuộm cuộc đời mình với nhiều sắc màu chánh tà trong cuộc sống hiện tại. Ai cũng muốn tâm mình như tấm vải trắng để vẽ lên đó những bức tranh với các gam màu như ý nhưng thực tế thì cuộc mưu sinh nghiệt ngã đã ít nhiều làm tâm người hoen ố, dính đầy bụi trần. Khi bừng tỉnh, giác ngộ về lẽ thật của cuộc đời và con người, phát nguyện quay về gột rửa thân tâm, mới thấy tâm mình thực sự là tấm vải dơ, loang lổ màu tham lam, thù hận… và tang thương gần như rách nát.
Tuy nhiên, dù tấm vải tâm có dơ bẩn đến mấy thì trước đây nó vốn trong sạch và dẫu bị nhuốm bụi trần đậm đặc đến thế nào thì vẫn có thể gột rửa được. Vấn đề là ta có quyết tâm và nỗ lực để tẩy xóa, làm trong sạch tấm vải tâm của mình hay không? Chính sự bền bỉ, chuyên nhất trong việc chuyển hóa tâm theo khuynh hướng thiện sẽ khiến tâm ta trở thành thanh tịnh và trong sạch. Chỉ khi nào tâm chúng ta thanh tịnh như tấm vải sạch thì lúc ấy mới có thể nhuộm được màu tốt đẹp, như y, đồng thời một tương lai tốt đẹp sẽ chờ đón chúng ta. Ngược lại, nếu không ra sức chuyển hóa để làm trong sạch tâm mình thì chắc chắn trong hiện tại và mai sau không thể như ý mình được vì nhân và quả vốn chẳng tách rời.
Tu tập chính là tẩy xóa và gột rửa thân tâm. Tự thân mỗi cá nhân sẽ nhuộm màu cho cuộc đời mình, không ai có thể làm thay cho mình được. Do vậy, thực hành các thiện pháp để tâm trong sạch luôn là phận sự, trọng trách của mỗi người con Phật.L
TÀ TƯ DUY
Một thời, một Tỷ kheo trú giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng.
Lúc bấy giờ, Tỷ kheo ấy, khi đang nghĩ ban ngày, khởi lên những tư duy ác, bất thiện như dục tư duy, sân tư duy và hại tư duy.
Rồi vị Thiên trú ở khu rừng ấy, vì lòng thương xót, vì muốn lợi ích, muốn cảnh giác liền đi đến nói lên bài kệ cho Tỷ kheo: “Ông tác ý bất chánh/ Nên say đắm tư duy/ Hãy từ bỏ bất chánh/ Hãy tư duy chơn chánh/ Nương tựa Phật Pháp Tăng/ Giữ giới, không thối chuyển/ Ông chắc chắn chứng đạt/ Hân hoan và hỷ lạc/ Với hân hoan sung mãn/ Ông chấm dứt khổ đau”.
Tỷ kheo ấy, sau khi được vị Thiên cảnh giác, tâm hết sức xúc động.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 9, phần Bất chánh tư duy, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.446)
LỜI BÀN:
Khi phát tâm tu học, điều quan trọng là nguyện chuyển hóa và thăng hoa ba nghiệp thân khẩu ý. Đoan chính trong lời nói và hành động vốn đã khó nhưng chính trực trong tư duy, suy niệm lại càng khó hơn. Tuy tâm ý khó làm chủ nhưng không thể buông xuôi, bởi tư duy chân chính sẽ là nền tảng cho lời nói và hành động đúng đắn.
Điều thú vị là lời nói và hành động của ta, người khác có thể quan sát, đánh giá và bình phẩm nhưng tâm ý của mình thì chỉ tự mình biết lấy mà thôi. Ngoại trừ Phật, Bồ tát, chư Thiên và bản thân, không ai biết mình đang nghĩ gì. Dù suy tư là điều “chỉ mình ta với ta” nhưng vẫn tạo nghiệp, ý nghiệp. Khi tư duy không chính trực, tà vạy thì tham sân si, ba nghiệp ác về ý dấy khởi, làm vẩn đục đời sống tịnh nghiệp.
Để giữ gìn tâm ý ngay thẳng và thánh thiện, người con Phật luôn hướng đến Chánh tư duy. Luôn suy tư về điều thiện để làm lợi ích cho mình và người, hằng tư duy về Chánh pháp, công hạnh của Phật, Bồ tát và các vị cao tăng để noi theo. Ngoài ra, cần phải nhớ rằng tất cả những điều thầm kín trong tâm ý của mình, chư Phật, Bồ tát, chư Thiên, Hộ pháp và ma quỷ đều biết rõ. Do đó, để nhận được sự hộ niệm của chư vị, người tu cần phải tịnh hóa tư duy của mình bằng sự hổ thẹn, tự trách và đưa tâm về quỹ đạo tư duy chân chính.
Khi tư duy đạt đến sự trong sáng, thuần thiện, tâm ý sẽ thanh tịnh. Sự suy niệm sâu sắc, đúng đắn sẽ định hướng cho lời nói và việc làm hợp với điều thiện. Ngược lại, những tư duy tà vạy, bất chính hướng về tham vọng, làm hại sẽ dẫn dắt con người đi vào đường ác. Vì thế, cần phải tự uốn nắn, điều chỉnh bản thân bắt đầu từ nền tảng tư duy chân chính.L
TƯỞNG ĐIÊN ĐẢO
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, dạy các Tỷ kheo: Này các Tỷ kheo, có bốn tưởng điên đảo, tâm điên đảo,
kiến điên đảo này. Thế nào là bốn?
Trong vô thường, nghĩ là thường; trong khổ, nghĩ là không khổ; trong vô ngã, nghĩ là ngã; trong không thanh tịnh, nghĩ là thanh tịnh, này các Tỷ kheo, đây là bốn tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo.
Này các Tỷ kheo, có bốn tưởng không điên đảo, tâm không điên đảo, kiến không điên đảo này. Thế nào là bốn?
Trong vô thường, nghĩ là vô thường; trong khổ, nghĩ là khổ; trong vô ngã, nghĩ là vô ngã; trong không thanh tịnh, nghĩ là không thanh tịnh, này các Tỷ kheo, đây là bốn tưởng không điên đảo, tâm không điên đảo, kiến không điên đảo.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 4, phẩm Rohitassa, phần Tưởng điên đảo [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.650)
LỜI BÀN:
Người tu Phật thường đề cập đến vấn đề tuệ giác, tức nhận thức đúng như thật về các pháp. Sự thật về thân, tâm và thế giới như thế nào thì nhận thức như nó đang là. Thấy biết như vậy gọi là trí tuệ hay “tưởng không điên đảo, tâm không điên đảo, kiến không điên đảo”.
Vô thường là sự biến dịch, thay đổi và không có định tính trong tất cả các sự vật, hiện tượng. Không cái gì cố định và đứng yên, tự thân chúng đang chuyển biến trong từng sát-na. Thấy được như thế thì chúng ta sẽ thiết lập được thăng bằng. Mọi được mất, hơn thua, vui buồn, vinh nhục và thăng trầm trong cuộc sống sẽ không tác động và chi phối đến ta nhiều, nhờ đó mà được bình an.
Khổ đau với nhiều hình thái khác nhau và những điều không như ý luôn đoanh vây đời sống con người. Không một ai sống ở trên đời mà hoàn toàn toại ý, không có những khổ đau. Nhận thức được điều này để chấp nhận thực tại, tìm cách vượt thoát và nhất là không lấy khổ làm vui bằng cách lẩn trốn trong những lạc thú, đam mê.
Chúng sanh và vạn pháp vốn do duyên sanh nên tụ tán phụ thuộc vào nhân duyên. Do đó, không hề có cái tôi, tự ngã hay tồn tại một thực thể thuần nhất, bất biến. Chấp thủ và bám víu vào tự ngã là cội nguồn của mọi tranh chấp, khổ đau và điên đảo.
Thân, tâm này vốn dĩ bất tịnh và nhiễm ô, luôn nhuốm màu dục vọng. Nhưng chúng ta cũng có thể tự thanh lọc thân tâm khiến cho ba nghiệp thân khẩu ý trở thành thanh tịnh. Tất cả đều bắt đầu từ tâm ý, nếu thú hướng bất tịnh và nhiễm ô là cội nguồn khổ đau, ngược lại hướng về thanh tịnh và vô nhiễm là nền tảng của an lạc.
Đa phần khổ đau của chúng ta là do nhận thức sai lầm, vọng tưởng điên đảo, nói cách khác là do vô minh, nhận lầm những huyễn ảo mà cho là thật. Tu tập là phát huy tuệ giác nhằm nhận ra sự thật về vô thường, khổ và vô ngã của vạn pháp để sống xả kỷ, vị tha và chuyển hóa phiền não, làm chủ bản thân trước vô vàn biến động của cuộc đời.L
KIÊU MẠN
Một thời Thế Tôn ở Àlavì, tại Gomagga, trong rừng Simsapà, dạy các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, có ba kiêu mạn này, thế nào là ba? Kiêu mạn của tuổi trẻ, kiêu mạn của không bệnh, kiêu mạn của sự sống.
Say sưa trong kiêu mạn của tuổi trẻ, này các Tỷ kheo, kẻ vô văn phàm phu làm các ác hành về thân, khẩu, ý. Do làm các ác hành ấy, sau khi mạng chung bị sanh vào cõi dữ, đọa xứ, địa ngục.
Say sưa trong kiêu mạn của không bệnh, này các Tỷ kheo, kẻ vô văn phàm phu làm các ác hành về thân, khẩu, ý. Do làm các ác hành ấy, sau khi mạng chung bị sanh vào cõi dữ, đọa xứ, địa ngục.
Say sưa trong kiêu mạn của sự sống, này các Tỷ kheo, kẻ vô văn phàm phu làm các ác hành về thân, khẩu, ý. Do làm các ác hành ấy, sau khi mạng chung bị sanh vào cõi dữ, đọa xứ, địa ngục.
Này các Tỷ kheo, say sưa trong kiêu mạn của tuổi trẻ, của không bệnh, của sự sống, vị Tỷ kheo từ bỏ học pháp, trở lui lại đời sống thế tục.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Sứ giả của trời, phần Kiêu mạn, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.261)
LỜI BÀN:
Kiêu mạn là tự cao, khinh khi người khác, một loại tâm lý khá phổ biến nơi những người có chút may mắn và thành công. Ở đời, thường thì “phước bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Do đó, có ít nhiều thành công thực ra cũng đáng tự hào nhưng đừng quá tự đắc, kiêu căng, say sưa và ngủ quên trong men chiến thắng vì ngày mai chưa biết sẽ ra sao vẫn là một nghi án luôn ám ảnh đời người.
Đối với tuổi trẻ, ưu điểm của họ là năng động, dám nghĩ và dám làm nhưng tuổi trẻ thường hay chủ quan, ỷ lại sức trẻ nên đôi lúc thành ra nông nổi. Sự tự mãn và năng động thái quá dễ dẫn đến những hành vi nổi loạn, tạo ra ác nghiệp. Sự thật thì có ai trẻ mãi, tuổi xuân chỉ một thời, hồn nhiên mà nhiều vụng dại, rồi khi tuổi trẻ đi qua để lại những hậu quả khó lường, những nỗi niềm riêng một đời ray rứt. Người có sức khỏe tốt, ít bệnh tật là một phước báo lớn. Có sức khỏe là có thể có tất cả song sức lực con người theo tháng năm dần dà suy giảm cho đến lúc “lực bất tòng tâm”. Chỉ sau một cơn bạo bệnh thôi sẽ làm cho chúng ta chín chắn hơn với những ý nguyện viển vông vá trời lấp biển, sực tỉnh giấc mộng hải hà.
Sự sống cũng vậy, có đó rồi không đó, sanh tử không hẹn, vì mạng người mong manh chỉ trong hơi thở. Do vậy nhận thức rằng ta sẽ chết, tuy có phần ảm đạm, phảng phất chút bi quan nhưng lẽ thật ấy sẽ giúp ích thật nhiều cho một sự sống đúng nghĩa, biết trân quý cuộc sống, làm ngay những việc cần làm.
Khổ đau ở đời có nhiều nguyên nhân nhưng xuất phát từ kiêu mạn về tuổi trẻ, sức khoẻ và sự sống chiếm phần không nhỏ. Khiêm cung là phương thuốc có khả năng trị liệu bệnh kiêu mạn. Biết khiêm tốn, lễ độ, biết mình biết ta, biết sống có hậu, không kiêu căng, tự phụ để không tạo ra ác nghiệp là biểu hiện của tuệ giác. Vì thế, thường hành khiêm hạ, tu tập hạnh “thường bất khinh” để diệt trừ kiêu mạn là điều cần làm của tất cả người con Phật.L
NGHIỆP MỚI VÀ CŨ
Một thời Thế Tôn ở giữa dân chúng Sakka, tại thị trấn Devadaha. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, Ta sẽ thuyết về các nghiệp mới và cũ, sự đoạn diệt của các nghiệp, con đường đưa đến sự đoạn diệt của các nghiệp. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ.
Này các Tỷ kheo, thế nào là nghiệp cũ? Mắt, cần phải quán là nghiệp cũ, được tác thành, được tư niệm, được cảm thọ. Tai, Mũi, Lưỡi, Thân và Ý cần phải quán là nghiệp cũ, được tác thành, được tư niệm, được cảm thọ.
Các Tỷ kheo, đây được gọi là nghiệp cũ.
Và này các Tỷ kheo, thế nào là nghiệp mới? Hiện tại phàm làm việc gì với thân, với lời nói hay với ý. Này các Tỷ kheo, đây được gọi là nghiệp mới.
Thế nào là nghiệp đoạn diệt? Này các Tỷ kheo, đó là sự đoạn diệt thân nghiệp, ngữ nghiệp và ý nghiệp.
Này các Tỷ kheo, thế nào là con đường đưa đến sự đoạn diệt của các nghiệp? Đây là con đường Bát Thánh đạo.
Như vậy, này các Tỷ kheo, Ta đã giảng về nghiệp cũ và nghiệp mới, đã giảng về nghiệp đoạn diệt, đã giảng con đường đưa đến nghiệp đoạn diệt.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ IV, phẩm Mới và cũ, phần Nghiệp [lược], Nxb Tôn Giáo, 2001, tr.223)
LỜI BÀN:
Mỗi người hiện hữu trên cuộc này với những đặc trưng, cá biệt là do nghiệp. Đồng thời trong từng phút giây của cuộc sống, chúng ta đang dệt nghiệp cho chính mình bằng sự tạo tác của thân, miệng và ý. Nghiệp được tạo ra trở lại tác động đến tự thân trong hiện tại cùng vị lai. Thành ra cuộc sống con người bị chi phối bởi một vòng nghiệp lực.
Nghiệp có nhiều chủng loại và tính chất khác nhau. Ở pháp thoại này, Thế Tôn chỉ ra hai loại nghiệp căn bản là nghiệp cũ và nghiệp mới. Sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) hay nói cách khác con người chúng ta chính là nghiệp cũ. Sở dĩ gọi là nghiệp cũ vì đó chính là sự kế thừa trung thực nhất nghiệp lực của chính mình đã gieo trồng trong quá khứ. Vì thế, hình dáng cao thấp, dung mạo đẹp xấu… của mỗi cá nhân đều do nghiệp cũ quyết định.
Tuy nhiên, chính những tác tạo của sáu căn ấy khi duyên với sáu trần cùng sáu thức đã tạo ra nghiệp mới. Thân, miệng và ý luôn tạo ra mười nghiệp thiện hoặc bất thiện đều bắt đầu từ sự dấy động của sáu căn này. Ngay đây, chúng ta thấy rõ một điều vô cùng quan trọng là nghiệp mới có thể chuyển hóa, thay đổi và chấm dứt.
Nếu thiết lập được chánh niệm, từng bước làm chủ các căn thì nghiệp mới hình thành theo khuynh hướng thiện, tích cực. Đó là bước đầu chuyển nghiệp. Để dứt nghiệp tức thanh tịnh ba nghiệp thân, khẩu và ý cũng từ sáu căn. Khi chánh niệm thường trực, sáu căn được làm chủ hoàn toàn thì nghiệp mới sẽ đoạn diệt. Có nhiều con đường để đạt đến dứt nghiệp, cơ bản nhất là tu tập Bát Thánh đạo và đây cũng là pháp hành cho tất cả những người con Phật hướng đến tịnh nghiệp, giải thoát.L
VƯỢT QUA DÒNG XOÁY CUỘC ĐỜI
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại vườn ông Anàthapindika. Rồi một vị Thiên đi đến đảnh lễ, sau khi đảnh lễ, bạch Thế Tôn:
Thưa Tôn giả, làm sao Ngài vượt khỏi bộc lưu?
Này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.
Thưa Tôn giả, làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu?
Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống; khi Ta bước tới, thời Ta trôi giạt. Do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.
Vị Thiên đáp: Từ lâu, tôi mới thấy/ Bà la môn tịch tịnh/ Không đứng, không bước tới/ Vượt chấp trước ở đời.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 1, phẩm Cây lau, phần Bộc lưu, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.9)
LỜI BÀN:
Ai đã từng dấn thân khám phá, chinh phục thiên nhiên thì đã có lần băn khoăn trước ghềnh thác hiểm trở, nước xoáy ầm ào (bộc lưu), nghĩ cách vượt qua nó mà không bị nhấn chìm hay cuốn trôi? Cũng vậy, đứng trước dòng xoáy cuộc đời với vô vàn cám dỗ và cạm bẫy, hạnh phúc và khổ đau, được mất và hơn thua, yêu thương và thù hận…, con người cũng loay hoay, ta phải vượt qua nó bằng cách nào? Một câu hỏi lớn cho không riêng gì loài người mà ngay cả loài Trời cũng phân vân, bối rối.
Thế Tôn đã vượt qua dòng xoáy sanh tử ấy, truyền lại cho hậu thế bằng kinh nghiệm xương máu của Ngài: để vượt qua dòng xoáy cuộc đời là không đứng lại và cũng không bước tới, tức sang bờ bên kia. Có điều là nếu không đứng lại thì đi, và không bước tới thì đứng, chứ không đi cũng không đứng thì biết làm thế nào để sang được bờ kia? Ấy vậy mà Thế Tôn và các vị Thánh đệ tử của Ngài đã làm được.
Cố nhiên vượt qua ghềnh thác cuộc đời khó hơn bội phần so với thác ghềnh thiên nhiên nên kỹ thuật cũng đặc biệt hơn. Không đứng lại bởi nếu đứng lại lập tức bị nhấn chìm. Đứng lại là chấp thủ, bám víu mà làm sao bám víu được khi mọi thứ đang trôi chảy? Bị cột chặt, trói buộc tất phải chìm đắm. Không bước tới vì nếu bước tới sẽ bị cuốn trôi. Bước tới là đắm trước, chạy theo sự sai sử của dục vọng mà dục vọng của chúng sanh thì vô tận, không có bến bờ. Dòng xoáy của tham dục sẽ cuốn phăng tất cả, sẵn sàng đạp lên mọi thứ kể cả nhân nghĩa. Một đời lao đao lẫn lộn buồn vui, thành công và thất bại… để rồi ra đi với hai bàn tay trần và chẳng biết về đâu chẳng phải trôi giạt là gì?
Vậy nên, người đệ tử Phật thận trọng vượt qua dòng xoáy cuộc đời bằng sự tỉnh táo, thấy rõ như thật bản chất hư ảo của cuộc đời. Không chấp thủ, không đắm trước với mọi thứ và cứ thế, sang bờ kia.L
ĐẶT TÂM ĐÚNG HƯỚNG
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika, dạy các Tỷ kheo:
Ví như, này các Tỷ kheo, sợi râu của lúa mì, hay sợi râu của lúa mạch bị đặt sai hướng, khi tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm đổ máu; sự tình này không xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ kheo, vì sợi râu bị đặt sai hướng. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, vị Tỷ kheo với tâm bị đặt sai hướng, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Niết bàn; sự tình này không xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ kheo, vì tâm bị đặt sai hướng.
Này các Tỷ kheo, ví như các sợi râu của lúa mì, hay sợi râu của lúa mạch được đặt đúng hướng, khi tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm cho đổ máu; sự tình này có xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ kheo, vì sợi râu được đặt đúng hướng. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, vị Tỷ kheo với tâm được đặt đúng hướng, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Niết bàn; sự tình này có thể xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ kheo, vì tâm được đặt đúng hướng.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 1, phẩm Đặt hướng và trong sáng, phần Tâm đặt sai hướng [trích], VNCPHVN ấn hành,
1996, tr.21)
LỜI BÀN:
Nhiều người nghĩ rằng tu hành là do nơi tự tâm, nói cách khác là tu tâm. Nhưng tâm của con người thì muôn hình vạn trạng “công cũng đứng đầu mà tội cũng đứng nhất” nên biết tu tâm nào. Theo kinh nghiệm của Thế Tôn, tuy là tu tâm nhưng tâm phải đặt đúng hướng thì mới có thể xuyên thủng vô minh, thành tựu tuệ giác, chứng đắc Niết bàn.
Một trong những đặc điểm của tâm là dịch chuyển, thay đổi rất mau lẹ như vượn chuyền cành, như ngựa phi ngoài đồng cỏ. Tâm thay đổi, sinh diệt trong từng sát-na nên việc hướng tâm, giữ tâm an trú vào thiện pháp là điều chẳng dễ dàng. Thường thì ban đầu ai cũng tinh tấn, hăng hái tu tập nhưng về sau cứ giải đãi, biếng nhác dần và không ít người thối thất.
Như cây lớn, cành lá nghiêng về hướng nào thì khi bị cưa chắc chắn nó sẽ ngã về hướng đó. Như râu của hạt lúa mì, đặt đúng hướng mới có thể đâm thủng bàn chân. Cũng vậy, tâm của chúng ta phải nghiêng về giải thoát mới hướng cuộc đời về tịnh lạc. Tâm của chúng ta phải hướng về tuệ giác mới có thể chọc thủng vô minh. Do đó, tâm người tu phải luôn hướng về và an trụ trong Chánh pháp mới mong thành đạo nghiệp.
Ngày nay, người tu tuy nhiều nhưng người thành tựu đạo nghiệp không nhiều. Vậy nên “đặt tâm đúng hướng” cũng là một trong những vấn đề quan trọng mà mỗi người con Phật cần suy ngẫm và điều chỉnh để vượt thoát phiền não, thăng hoa tâm linh, thành tựu giải thoát, Niết bàn.L
LẮNG LÒNG THANH TỊNH
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, ví như một hồ nước trong sáng, không bị khuấy động. Tại đấy, một người đứng trên bờ, có thể nhìn thấy các con ốc, con sò, các hòn sỏi, các đàn cá qua lại trong nước. Vì cớ sao? Vì nước không bị khuấy đục.
Này các Tỷ kheo, cũng vậy, vị Tỷ kheo với tâm không bị khuấy đục, biết được lợi ích của mình và biết được lợi ích của người hay biết được lợi ích của cả hai, sẽ chứng ngộ các pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng của bậc Thánh; sự kiện như vậy có thể xảy ra. Này các Tỷ kheo, vì cớ sao? Vì rằng tâm không bị khuấy đục.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 1, phẩm Đặt hướng và trong sáng, phần Tâm đặt sai hướng [trích], VNCPHVN ấn hành,
1996, tr.23)
LỜI BÀN:
Lắng lòng thanh tịnh, giữ tâm chánh niệm trong sáng và thuần khiết là nền tảng căn bản của các phương thức thiền định Phật giáo. Nhờ thực tập nuôi dưỡng sự tĩnh lặng cho tâm hồn nên người ta tỉnh táo, sáng suốt và hành xử hợp tình hợp lý hơn đối trước mọi biến động của cuộc sống.
Tâm chúng ta như một hồ nước với nhiều trạng thái khác nhau, khi thì bình lặng trong suốt như pha lê, lúc thì đục ngầu sôi sục và còn lại là lăn tăn gợn sóng lao xao. Có một điều mà ai cũng đã từng kinh nghiệm là nội tâm càng bình yên, thanh thản chừng nào thì sự tự chủ của ta càng lớn và khả năng vượt thoát cám dỗ, nóng giận càng cao.
Khi tâm vắng lặng, những toan tính và lo âu vụn vặt đời thường tạm thời buông xuống, lúc bấy giờ ta mới cảm nhận sâu sắc về sự bình an. Đây là cơ hội quý báu nhất để chúng ta nhìn lại chính mình, thấy rõ mình là ai? Nhờ tâm không bị tham sân si khuấy đục nên hành giả “biết được lợi ích của mình và biết được lợi ích của người hay biết được lợi ích của cả hai” mà bình thường chúng ta chỉ biết có bản thân mình.
Do vậy, dù bề bộn thế nào mỗi ngày chúng ta phải dành một khoảng thời gian để lắng đọng tâm hồn. Có thể tịnh hóa thân tâm bằng tọa thiền, tụng kinh, lễ Phật, niệm Phật, thiền hành hay đi bộ, thưởng thức nghệ thuật, uống trà… với tâm buông xả, chánh niệm tỉnh giác. Thực hành đều đặn những phương thức thanh tịnh tâm như trên, không chỉ giúp tâm trí được thư giãn, nghỉ ngơi mà còn trưởng dưỡng những ý nguyện thiện lành và nếu hội đủ duyên lành có thể thăng hoa thành thanh tịnh và giải thoát.L
Hits: 158