Con đường về Niết-bàn của Phật Gotama và của chư vị Tổ sư Tân Tiến khác nhau một trời một vực.
Người tu theo Phật Gotama phải tự lực hành trình từ thấp lên cao, theo một con đường nhất định. Ai ai cũng phải mua sắm hành lý, cất gói ra đi. Tùy năng lực, tùy trình độ, cứ chậm rãi tiến đến mức cứu cánh. Dọc theo con đường ngàn trùng diệu vợi, chỗ nào có cam go hiểm trở, có thú dữ rắn độc, chỗ nào có ao sen bóng mát, có trạm nghỉ chơn, Phật Gotama tỉ mỉ mách bảo cho biết trước. Mạnh ai nấy đi, tới đâu hay tới đó, tiến bước nào chắc bước nấy, dầu đuối sức dừng chơn, cũng đã có tiến được một đôi dặm đường, rồi từ đó tiếp tục tiến nữa, không cần lo nghĩ đến thời gian, không gian. Muốn cho mau tới mức, mà sức không đủ, có chạy cũng vô ích.
Người đi trên con đường vạn hải thiên sơn này là người chiến sĩ xung phong chiến đấu với Ma vương phiền não. Y giáp của họ là bác ái, sức mạnh của họ là tinh tấn, hành lý của họ là giới đức, khí cụ của họ là trí tuệ, chiến kỳ của họ là giải thoát, khẩu hiệu xung phong của họ là chơn lý.
Người tu theo các vị Giáo tổ Tân Tiến có nhiều đường lối. Thay vì phải xông pha ra mặt trận, họ ngồi tại văn phòng tham mưu, xem binh thơ đồ trận, tìm phát minh cho được phi cơ trực thăng, vượt khỏi quân thù, bay bổng về Niết-bàn. Hoặc họ dùng vô tuyến điện thoại cầu cứu tận phương Tây, giặc vừa hãm thành họ lên pháo tiễn bay mất.
Chiến lược Lục quân cũ kỹ của Phật Gotama dỡ thật, đã mệt nhọc khó khăn, lại không hy vọng thắng nổi quân thù; Nên nhiều người tự nguyện tùng chinh theo bộ đội Không quân của các vị Tướng lãnh Tân Tiến.
Hiện giờ nghe nói Phật Di Lạc và nhiều thần tiên đương lập căn cứ tại Việt Nam, để tuyển mộ một đội Không quân, chờ khi có tai nạn, rước những người có đức tin cứng rắn về Niết-bàn. Có hiếm người trí thức đã tình nguyện đầu quân.
Trình độ tín ngưỡng tới đây là cùng.
Đọc qua hai quyển Chọn đường tu Phật này, chắc chắn có nhiều người phẫn nộ và cho rằng đây là bọn Tiểu thừa muốn chỉ trích người Đại thừa. Xin thanh minh rằng chẳng phải vậy. Người Tiểu thừa làm sao biết được Đại thừa mà chỉ trích, bởi giáo lý Tiểu thừa (1) không có đề cập đến thừa nào cả và chẳng bao giờ dạy chỉ trích ai hơn là tự chỉ trích lấy mình. Chỉ trích chê bai đàn em, chính là thông lệ của người Đại thừa, bởi hai danh từ Đại thừa và Tiểu thừa vốn của Đại thừa đặt ra để phân loại người trí kẻ ngu.
(1) Đúng ra là Phật giáo Nguyên Thủy.
Người nào phẫn nộ, người ấy cũng chưa phải là người học Đại thừa, bởi người Đại thừa vốn không cố chấp, lại sẵn có đức tánh từ bi hỷ xả rộng lớn bao la.
Chỉ trích không hạp hạnh kiểm của Tiểu thừa, phẫn nộ chẳng phải trình độ của Đại thừa.
Tác giả bất quá là một đứa con của một gia đình Phật tử, đã chịu ảnh hưởng sâu xa của Đại thừa và Tiểu thừa, từ trẻ đến già, khi thì ở với bác, lúc lại về với chú. Phật tử đã từng sống chung chạ cả đôi bên và lắm lúc được bác chú dắt đi thăm hội hè. Có ở trong trường hợp đặc biệt ấy nên nó mới biết mà nói ra. Thấy sao nói vậy với tấm lòng bình đẳng ngay thật, chẳng phải nói để vạch lá tìm sâu với một ác ý phá hoại, mà trái lại với thiện tâm xây dựng.
Mục đích duy nhất của Phật tử là tìm lẽ phải giữa ông Giáo chủ Thích Ca và các vị Tổ sư hậu lai. Lắm người đã có nêu vấn đề này ra nhiều lược rồi, nhưng họ sợ đánh trống động chuông, bứt mây động rừng, rồi sách vở của họ bán không chạy, nên công trình của họ không có kết quả.
Sợ con cháu lầm lạc, sợ ngoại quốc không kính nể (2) nên buộc lòng phải trình bày sự thật, và nhấn mạnh những chỗ chúng ta hay chấp nệ, mong các bạn đồng thuyền nhận định lại quan niệm của mình đối với Phật giáo. Có lẽ các bạn cũng muốn biết sự thật chớ? Thì đây: Bên chú có ông nội ruột, bên bác có ông nội ghẻ. Hai ông đều tử tế cả hai, nhưng bị ông nội ghẻ có nhiều con riêng hay kích bác ông nội ruột, mà bác mình lại vui sướng với những lời không chánh đáng ấy. Dòm lại coi ông nội ruột của mình là người thế nào, mà bác mình cũng hất hủi không nhìn nhận là cha. Chừng đó mới thấy ông nội ruột mình là người thật tốt, đã dày công xây dựng một sự nghiệp vô giá, để lại cho toàn thể thế gian thừa hưởng. Nhưng vì ganh tỵ mà ông nội mình bị bên bác truất phế. Méc với chú, chú vẫn làm thinh. Tức tri mới tìm cho biết nguồn cội của sự bất hòa giữa bác và chú. Câu chuyện chỉ có thế thôi.
(2) Ai có đi dự Hội nghị Phật giáo Quốc tế thì biết lấy.
Từ khi ông nội qua đời, gia đình xào xáo, chú bác phân ly, người Nam kẻ Bắc. Trong cảnh cốt nhục chia phôi, bác bỏ nhà ra đi với hai tay không, đến đâu bác khai thác điền địa đến đó. Nhờ tài khôn lanh xảo quyệt, bác kinh doanh lập nghiệp dễ dàng, mỗi nơi bác đều lập gia đình để bảo vệ tài sản.Vợ nhiều con đông, sanh ra kình chống, tranh giành quyền lợi, xung khắc từ lời ăn tiếng nói. Trước kia bác chia rẽ gia đình như thế nào, bây giờ con của bác cũng chia rẽ như thế ấy. Cơ đồ của bác vì đó mà phải làm cảnh hư đổ suy sụp.
Chú thì thật thà chơn chất, cặm cụi khuyết trương di sản của ông nội, lại nhờ con một dòng, trên thuận dưới hòa, trung hiếu lưỡng toàn, không trụy lạc theo văn minh vật chất, cố duy trì phong hóa tổ tiên. Sự nghiệp của chú càng ngày càng sung túc phát đạt.
Đã từng nhờ cậy bác, trong lúc hưng thời và có lúc cũng nương theo chú để lập thân, hai bên chú bác thương đồng. Nếu không phô trương lai lịch gia phổ, cho các anh bên nhà bác biết, để trở về với chú, cộng hưởng sự nghiệp của ông nội, cho đỡ phần nào trong cảnh nghèo túng, thì há chẳng phụ bạc bác mình hay sao!
Dầu bác có tự ái buông lời quở phạt chửi mắng, cháu cũng nguyện giữ chữ làm thinh, miễn là đạo nhà được xử cho vuông tròn. Vì vậy mà phải nói. Nói những điều khuất lấp, nghe thấy, với tấm lòng chơn chánh ngay thật và trình bày điều phải lẽ quấy, để hòa giải chú bác đôi bên sum họp, cùng chung hưởng hạnh phúc gia đình. Nói để thức tỉnh anh em chú bác, nói để đoàn tụ con cháu, để hòa hiệp bè bạn, để gây tình huynh đệ, để vạch con đường về cội rễ.
Dứt: Chọn Đường Tu Phật (Trùng Quang Cư Sĩ)
Hits: 40