Nguồn
Link tài liệu cùng tác giả ( Nguyễn Hiền Đức ) , lịch sử đạo Phật đàng ngoài ( 12 bài chưa chỉnh sửa)
Trích dẫn bài 1
NGUYỄNHIỀN ĐỨC
Cử nhân Giáo khoa Sử học
Đại học Văn khoa Sài Gòn (1973)
LỊCH SỬ PHẬT GIÁO ĐÀNG NGOÀI
LỜI GIỚI THIỆU
của HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ QUẢNG
Ông Nguyễn Hiền Đức là Nhà Nghiên cứu Sử Phật Giáo đã từng cộng tác với Báo Giáo Ngộ và viết những bài sưu khảo có giá trị.
Hôm nay, ông đã hoàn thành được tác phẩm “Lịch Sử Phật Giáo Đàng Ngoài: 1593-1802” và gởi tặng tôi, xin ý kiến. Tôi nhận thấy đây là một công trình sưu tập công phu, có giá trị.
Tôi hoan hỷ giới thiệu đến tất cả mọi người muốn tìm hiểu lịch sử Phật giáo để hiểu biết thêm về những điều cần biết trên bước đường thăng hoa tri thức.
Mùa An Cư, Phật lịch 2543-1999
HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ QUẢNG
LỜI MỞĐẦU
Bộ sách “Lịch sử Phật giáo Việt Nam” bắt đầu được biên soạn từ năm 1979, sau nhiều năm nghiên cứu tài liệu, đi đến các chùa cổ, các di tích lịch sử trong khắp cả nước, bản thảo bộ sách hoàn thành bước đầu vào năm 1992, gồm tám quyển với hơn 5.000 trang :
1. Lịch sử Phật giáo Việt Nam (từ thời Du nhập đến đời Lý).
2. Lịch sử Phật giáo Việt Nam: Thời Nhà Trần (1225-1400).
3. Lịch sử Phật giáo Việt Nam: Thời Nhà Hồ – Hậu Lê – Mạc.
4. Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài (1593-1802).
5. Lịch sử Phật giáo Đàng Trong (1558-1802).
6. Lịch sử Phật giáo Việt Nam: Thời Nhà Nguyễn (1802-1945).
7. Lịch sử Phật giáo Việt Nam: Thời Hiện đại (1945-1992).
8. Lịch sử Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương.
Năm 1993, bắt đầu xin phép xuất bản quyển “Lịch sử Phật giáo Đàng Trong”. Sau nhiều trở ngại, khó khăn, đến đầu năm 1995, sách mới được xuất bản …
Đến năm 1999, Nhà Xuất bản Tôn giáo trực thuộc ban Tôn giáo của Chính phủ được thành lập, bộ Lịch Sử Phật giáo Việt Nam lại được xuất bản tiếp, với quyển “Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài “ (1593 – 1802). Nhưng rồi lại bị trở ngại … Năm 2005, Nhà Xuất bản Tôn giáo lại chấp thuận cho phép xuất bản sách này, nhưng lại gặp khó khăn …
Đến nay (năm 2009), Tủ sách Đạo Phật Ngày Nay và Nhà Xuất bản Phương Đông liên kết để xuất bản Bộ sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam trở lại, bắt đầu là quyển Lịch sử Phật giáo Đàng Ngòai (1593 – 1802) , tiếp theo là tái bản quyển Lịch sử Phật giáo Đàng Trong (1558 – 1802) với nhiều đính chính và bổ sung thêm gần trăm trang ; sau đó sẽ in tiếp các quyển : 1/ Lịch sử Phật giáo Việt Nam (từ thời Du nhập đến đời Lý) ; 2/ Lịch sử Phật giáo Việt Nam : Thời Nhà Trần (1225-1400) ; 3/ Lịch sử Phật giáo Việt Nam : Thời Nhà Hồ – Lê – Mạc (1400-1592) ; 4/ Lịch sử Phật giáo Việt Nam: Thời Nhà Nguyễn (1802-1945) ; 5/ Lịch sử Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương …
Nhân đây, chúng tôi trân trọng chân thành tri ân các bậc tiền bối về lịch sử Phật giáo Việt Nam : Ông Trần Văn Giáp, Thượng tọa Mật Thể, …; và một số tác giả của các sách mà chúng tôi tham khảo, trích dẫn trong sách này (Tiến sĩ Lê Mạnh Thát, Hòa thượng Thích Thanh Từ, …).
Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ của Đạo hữu Chánh Đức và các Thân hữu, quyển sách này được đưa lên Trang Nhà của Tủ sách Đạo Phật Ngày Nay và Học Viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.
Chúng tôi chân thành cảm tạ sự giúp đỡ nhiệt tình của các vị trụ trì các chùa khắp trong nước mà chúng tôi đã đến nghiên cứu …
Mặc dù đã cố gắng hết sức mình và cẩn trọng tối đa trong việc nghiên cứu và biên soạn, nhưng quyển sách này khó có thể tránh được những thiếu sót hoặc lầm lẫn do hạn chế nhiều mặt của tác giả, cũng như vì tài liệu về lịch sử Phật giáo Việt Nam vốn đã ít, lại chưa được sưu tập đầy đủ …. Ngoài ra, việc xuất bản gặp nhiều nghịch duyên, khó khăn, cản trở, … chưa được thuận lợi như ý …
Vì vậy, kính mong các bậc tiền bối, thiện tri thức và các học giả niệm thứ và giúp thêm ý kiến, cung cấp tài liệu để biên soạn lại hoàn hảo hơn trong kỳ tái bản.
Hy vọng qua quyển “Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài” này, cũng như quyển “Lịch sử Phật giáo Đàng Trong”, độc giả có được những nhận định mới tốt đẹp hơn và thấy được những tinh hoa của Phật giáo Việt Nam, những công đức thâm sâu và những huyền bí mầu nhiệm bất khả tư nghì của Chư Tổ sư và chư Thiền đức … ; từ đó, chúng ta cùng góp sức khôi phục lại giá trị chân thực, sự phong phú và sự huyền nhiệm thâm sâu của Phật giáo Việt Nam vốn đã bị mai một và mờ nhạt trong nhiều thế kỷ qua. Đồng thời, cũng hy vọng là trong thế kỷ XXI, Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo nói chung được phục hưng và phát triển rực rỡ như thời Lý – Trần, góp phần trong việc giáo hóa chúng sinh đem lại thanh bình, thanh tịnh và an lạc cho đất nước, cho thế giới và cõi Ta bà giả tạm này ./.
Tóc Tiên, ngày Rằm tháng Mười năm Kỷ Sửu (2009)
NGUYỄN HIỀN ĐỨC
LỜI DẪN NHẬP
Trước đây, một số sách cho rằng Phật giáo du nhập vào Việt Nam vào đầu kỷ nguyên Dương lịch, nhưng qua sự tích “Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung”, cũng như việc một số Nữ tướng của Hai Bà Trưng (40 – 43) xuất gia tu hành như : Tỳ kheo ni Quách A ở chùa xã Nhật Chiêu (tỉnh Vĩnh Phúc), Bà Bát Nàn ở chùa Tiên La (tỉnh Thái Bình), bà Thiều Hoa ở chùa Phúc Khánh (Hiền Quang, tỉnh Phú Thọ), hai bà Nguyệt Thai, Nguyệt Độ tu ở núi Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh), bà Phương Dung ở chùa Thanh Vân (Hà Nội) … , chúng ta thấy rằng : Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam ngay từ cuối thời Hùng Vương, vào thời vua A – Dục (Asoka) ở Ấn Độ (Thế kỷ III Trước Tây lịch) . Đến thế kỷ I, Phật giáo ở Việt Nam đã phát triển nên có nhiều chùa, chẳng những thế, Phật giáo thời đó đã có nhiều Tỳ kheo ni, mấy thế kỷ sau ở Trung Hoa mới có Tỳ kheo ni … .
Từ cuối thế kỷ II, khi Sĩ Nhiếp cai trị Giao Châu (năm 187-226), Phật giáo Việt Nam hưng thịnh với sự xuất hiện Trung tâm Phật giáo Liên Lâu (Luy Lâu), một số Cao tăng Ấn Độ như Ma-ha-kỳ-vực, Khâu-đà-la … đến hoằng hóa ở nước ta, với sự tích bà “Man Nương” ở chùa Dâu hay chùa Pháp Vân (tỉnh Bắc Ninh) ; và sự xuất hiện của Mâu Bác với Lý Hoặc Luận, Thiền sư Khương Tăng Hội với phái thiền Liên Hoa ! Trung tâm Phật giáo Liên Lâu ở Việt Nam phát triển cùng thời với Trung tâm Phật giáo Lạc Dương và trước cả Trung tâm Phật giáo Bành Thành của Trung Quốc, nhiều tăng sĩ ngoại quốc, đa số là các tăng sĩ của các nước Thiên Trúc (Ấn Độ), Nhục Chi, Khương Cư … dừng chân ở Giao Châu hoằng hóa một thời gian trước khi qua Trung Quốc. Ngoài ra, vào cuối thời Đông Hán (25-220), và thời Tam quốc, chiến tranh, loạn lạc xảy ra khắp nước Trung Hoa, nhất là vùng kinh đô Lạc Dương, khiến cho một số nhà trí thức và tăng sĩ ở đó, gồm cả người Trung Hoa và người ngoại quốc (Ấn Độ, Nhục Chi, Khương Cư…) đã phải chạy tản cư sang tị nạn ở Giao Châu. Vì vậy, Trung tâm Phật giáo Liên Lâu phát triển và hưng thịnh với nhiều nhà Phật học và tăng sĩ nổi tiếng như : Mâu Bác, Ma Ha Kỳ Vực, Chi Cương Lương Lâu, Khương Tăng Hội, Hàn Lâm, Bì Nghiệp, Trần Tuệ, Đạo Thanh, Đạo Cao, Pháp Minh… Có thể Khương Tăng Hội đã thành lập phái thiền Liên Hoa ở Liên Lâu thời đó (?).
Vào thế kỷ V, trước khi Sơ Tổ Thiền tông Trung Hoa là Bồ – đềà Đạt-ma đến Trung Quốc (năm 520), ở Giao Châu đã có nhiều tăng sĩ hoằng hóa nổi tiếng như Bồ-đề Đề-bà(?), Đàm Hoằng, Huệ Thắng, Thích Đạo Thiền … sau khi Thiền tông phát triển ở Trung Hoa với Sơ Tổ Bồ-đề Đạt-ma, Nhị Tổ Huệ Khả và Tam Tổ Tăng Xán … ; năm 580, đệ tử của Tam Tổ Tăng Xán là Tỳ Ni Đa Lưu Chi ( ? – 594) đã sang Việt Nam khai sáng phái thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi ở chùa Pháp Vân (chùa Dâu), với các Thiền sư nổi tiếng như Pháp Hiền, Pháp Đăng (chùa Phổ Quang), Thanh Biện (chùa Kiến Dương), Hòa thượng Nam Dương (chùa Long Tuyền), Định Không (chùa Quỳnh Lâm), Thông Thiện (chùa Lục Tổ), Phù Trì (chùa Long Thọ) ….
Năm 820, Thiền sư Vô Ngôn Thông ( ? – 826) cũng từ Trung Quốc sang Việt Nam hoằng hóa ở chùa Kiến Sơ, thành lập phái thiền Vô Ngôn Thông, nổi tiếng với các Thiền sư Cảm Thành, Thiện Hội, Vân Phong (chùa Khai Quốc), Đa Bảo, Thiền Lão, Định Hương, Viên Chiếu …
Vua Lý Thái Tổ khai sáng triều đại nhà Lý, đã được tu học ở các chùa từ nhỏ và lên ngôi với sự giúp đỡ của Thiền sư Vạn Hạnh, Đa Bảo … nên các vua nhà Lý đều sùng mộ đạo Phật và hết lòng hộ trì Phật pháp. Vào thời nhà Lý (1010-1225), ngoài các phái thiền trên, Thiền sư Thảo Đường (thuộc phái Vân Môn của Trung Quốc) thành lập thêm phái thiền Thảo Đường với các Thiền sư Bát Nhã, Ngộ Xá, Thiệu Minh, Phạm Âm, Chân Huyền …. Các phái thiền Liên Hoa, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường phát triển rực rỡ vào thời đại nhà Lý và đầu thời đại nhà Trần.
Đến đầu thế kỷ thứ XIII, truyền thống phái thiền ở núi Yên Tử đã manh nha với Thiền sư Hiện Quang, Quốc sư Phù Vân, Thiền sư Tiêu Dao, vua Trần Thái Tông, Thượng sĩ Tuệ Trung … Sau khi xuất gia (năm 1299) với pháp hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, hay Trúc Lâm Đầu Đà, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã kết hợp các phái thiền Liên Hoa, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường và sơn môn Yên Tử để thành lập nên phái thiền Trúc Lâm, đặc trưng của Thiền tông Đại Việt.
Phái thiền Trúc Lâm phát triển mạnh vào thời Nhà Trần (1225 – 1400) với quan niệm “tu nhập thế”, khác biệt với Thiền Tông Trung Hoa ; vừa tu vừa hòa nhập trong cuộc đời để phổ độ chúng sinh; theo truyền thống của Lục Tổ Huệ Năng, tu thiền trong “tứ oai nghi”, vừa hoạt động trong cuộc sống xã hội, vừa tu thiền, vừa hoằng truyền Phật pháp. Phái thiền Trúc Lâm phát triển khắp nước, các buổi thuyết pháp được tổ chức ở nhiều chùa. Trúc Lâm Đầu Đà vân du khắp nước, vừa bài trừ mê tín dị đoan, vừa phổ truyền Phật pháp, giảng dạy về Thiền học. Theo ý chỉ của Điều Ngự Giác Hoàng, Tôn giả Pháp Loa đã đứng ra tổ chức khắc bản in bộ Đại Tạng kinh với hơn 5.000 quyển, trong đó gồm luôn cả một số sách của các thiền sư Việt Nam. Phái thiền Trúc Lâm nổi tiếng vào thời ba vị Tổ đầu tiên : Trúc Lâm, Pháp Loa, Huyền Quang và các thiền sư Thạch Lâu, Thạch Đầu, Đạo Tiềm, Ngu Ông, Vô Sở, Liễu Minh, Huyền Sách, Thiên Nhiên, Tông Cảnh, Phả Trắc, Hương Tràng, Pháp Đăng, Pháp Không … Bảo Phác, Bảo Sát và các vua Trần Thái Tông, Thánh Tông, Minh Tông cùng các cư sĩ Vô Sơn Ông, Nguyên Ức, Nguyễn Sưởng …
Nhà Hồ (1400 – 1407) cướp ngôi Nhà Trần, rồi Nhà Minh đô hộ Việt Nam (1407-1427) áp dụng chính sách đồng hóa, hũy diệt nền văn hóa Việt Nam …, nên Phật giáo bị suy hoại, phái thiền Trúc Lâm bị mất dấu, không còn thấy truyền thừa.
Vào thời Nhà Hậu Lê (1427 – 1527), vì lý do chính trị, Phật giáo bị suy thoái trầm trọng, Nho giáo được Triều đình nâng đỡ nên phát triển mạnh và trở nên hưng thịnh.
Đến thời nhà Mạc (1527-1592), Phật giáo mới được phục hưng chút ít, nhưng vì còn chịu ảnh hưởng của chính trị và chiến tranh Nam – Bắc Triều giữa Nhà Mạc ở Đông Đô và Nhà Hậu Lê ở Tây Đô … nên Phật giáo cũng suy yếu.
Đến thời Lê Trung Hưng (1592 – 1789), đất nước lại bị phân chia thành Đàng Ngoài và Đàng Trong với cuộc chiến tranh của Chúa Trịnh với Chúa Nguyễn … Trong thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, phái thiền Trúc Lâm được phục hưmg ỏ Đàng Trong với Thiền sư Minh Châu-Hương Hải (1628 – 1715). Nhưng năm 1682, Thiền sư Hương Hải cùng 50 thiền sư của phái thiền Trúc Lâm rời Đàng Trong của Chúa Nguyễn, ra Đàng Ngoài hoằng hóa, khiến cho phái Thiền Trúc Lâm bị coi là “chống Chúa Nguyễn” theo thần phục Chúa Trịnh, nên các Thiền sư Trúc Lâm còn lại ở Đàng Trong phải chuyển sang phái thiền Lâm Tế ; đồng thời các Chúa Nguyễn phải cử người sang Trung quốc mời các Thiền sư Trung Hoa như Tổ sư Nguyên Thiều của phái thiền Lâm Tế, hay Hòa thượng Thạch Liêm của phái thiền Tào Động … sang Đàng Trong giúp phát triển Phật giáo. Chính vì thế mà Phật giáo Đàng Trong lúc đó không có phái thiền Trúc Lâm mà chỉ có hai phái thiền Lâm Tế và Tào Động, Do đó, nhiều người cho rằng Phái thiền Trúc Lâm đã bị mai một, không còn truyền thừa ở Đàng Trong; nhưng thực ra, Phái Thiền Trúc Lâm không còn ở Đàng Trong chỉ trên danh nghĩa, còn trong thực tế và trong pháp môn tu hành, phái thiền Trúc Lâm vẫn tồn tại trong các thiền sư phái thiền Lâm Tế hay Tào Động ở Đàng Trong !
Trong lúc đó, thiền sư Hương Hải phục hưng và phát triển phái thiền Trúc Lâm ở Đàng Ngòai. Ngoài ra, Hòa thượng Chuyết Công cùng đệ tử là thiền sư Minh Hành -Tại Tại của phái thiền Lâm Tế của Trung Hoa sang Đàng Ngoài hoằng hóa đã tiếp thu thêm tinh hoa của phái thiền Trúc Lâm, và hai phái thiền Trúc Lâm-Lâm Tế ở Đàng Ngoài gần như sáp nhập vào nhau. Đến thời thiền sư Chân Nguyên và các thiền sư Chân Hiền, Chân Như, Chân Hỉ, Chân Tuệ, Chân An … ở Đàng Ngoài, hai phái thiền Trúc Lâm và Lâm Tế song hành, trở thành như nối tiếp truyền thừa của phái thiền Trúc Lâm-Yên Tử của Đại Việt và tiếp tục phát triển hưng thịnh cho đến thời Nhà Nguyễn …
Đến giữa thế kỷ XIX, ở Nam Bộ xuất hiện thêm Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương của Phật Thầy Tây An ; đến thời Pháp thuộc, chuyển thành Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hòa Hảo và Cao Đài …
Tóc Tiên , năm 1996 – 2009
Nguyễn Hiền Đức
LỊCH SỬ PHẬT GIÁO ĐÀNG NGOÀI
MỤC LỤC
LỜI GIỚI THIỆU
LỜI MỞ ĐẦU
LỜI DẪN NHẬP
NỘI DUNG CHÍNH
TỔNG QUAN PHẬT GIÁO ĐÀNG NGOÀI (1593-1802)
CHƯƠNG I: TRUYỀN THỐNG TRÚC LÂM – YÊN TỬ
A- QUÊ HƯƠNG CỦA PHÁI THIỀN TRÚC LÂM: NÚI YÊN TỬ
– Chùa Long Động
– Chùa Giải Oan
– Chùa Hoa Yên (Vân Yên)
– Am Ngọa Vân
– Am Vân Tiêu
B- CÁC THIỀN SƯ THUỘC TRUYỀN THỐNG YÊN TỬ:
– Các thiền sư: Hiện Quang, Phù Vân, Đại Đăng, Tiêu Dao, Huệ Tuệ
-Vua Trần Thái Tông
– Thượng sĩ Tuệ Trung
C- HÀNH TRẠNG TAM TỔ TRÚC LÂM:
1-Trúc Lâm Đầu Đà (Trần Nhân Tông)
2- Tôn giả Pháp Loa
3- Tôn giả Huyền Quang
D- DẤU CHÂN CÁC THIỀN SƯ TRÚC LÂM Ở BẮC HÀ (1593-1630)
– Tuệ Tông, Pháp Trang, Pháp Trừng, Pháp Viên, Tuệ Nhẫn, Pháp Thông, Đạo Trí, Đạo Sơn
– Đạo Chân và Đạo Tâm với chùa Đậu (Pháp Vũ)
– Thiền sư Viên Quang với chùa Hương
CHƯƠNG II: HÒA THƯỢNG CHUYẾT CÔNG VỚI PHÁI THIỀN LÂM TẾỞĐÀNG NGOÀI
1- Hòa thượng Chuyết Công
2- Thiền sư Minh Hành-Tại Tại
3- Chùa Phật Tích
4- Chùa Bút Tháp
5- Thiền sư Minh Lương-Nguyệt An
6- Thiền sư Chân Trú – Tuệ Nguyệt
7- Thiền sư Chân Tuệ và Chân Kiên
CHƯƠNG III: TỔ SƯ HƯƠNG HẢI VỚI PHÁI THIỀN TRÚC LÂM ỞĐÀNG NGOÀI
A- TỔ SƯ MINH CHÂU -HƯƠNG HẢI
1- Hàng trạng
2- Ngữ lục
B- TRUYỀN THỜA CỦA TỔ SƯ HƯƠNG HẢI
1- Thiền sư Chân Lý-Hiển Mật
2- Thiền sư Như Đức
3- Thiền sư Như Nguyệt
4- Chùa Nguyệt Đường
C- MỘT SỐ CHÙA CỔ THUỘC PHÁI THIỀN TRÚC LÂM
1- Chùa Dâu (chùa Siêu Loại)
2- Chùa Phổ Minh
3- Chùa Côn Sơn (chùa Hun)
4- Chùa Lấm
5- Chùa Quỳnh Lâm
6- Chùa Vĩnh Nghiêm (Đức La)
7- Chùa Tiên Lữ
8- Chùa Bối Khê
9- Chùa Phổ Quang
10- Chùa Tây Phương
11- Chùa Thái Lạc
12- Chùa Phi Lai
CHƯƠNG IV: THIỀN SƯ CHÂN NGUYÊN VỚI SỰ SONG HÀNH CỦA HAI PHÁI THIỀN TRÚC LÂM-LÂM TẾ
A- THIỀN SƯ CHÂN NGUYÊN-CHÁNH GIÁC
1/- Hành trạng
2/- Tác phẩm
* Thiền Tông Bản Hạnh
* Nam Hải Quan Âm Bản Hạnh
B- CÁC THIỀN SƯ TRÚC LÂM – LÂM TẾỞĐÀNG NGOÀI
– Tuệ Uyên, Tuệ Nguyên, Tuệ Hiền, Tuệ Nhu, Tuệ Tĩnh
-Các Thiền sư hoằng hóa ở chùa Quang Khánh
– Các Thiền sư hoằng hóa ở chùa Quang Minh
-Thiền sư Chân Hỉ với chùa Đại Khánh
-Chân Phúc, Chân Hiền, Chân Tuệ
-Các thiền sư: Như Nhàn, Như Sơn, Như Trí, Như Chúc
-Thiền sư Như Thông với chùa Bảo Quang
-Thiền sư Như Lãng
-Thiền sư Như Huấn và Tánh Cơ
-Thiền sư Như Lý
-Thiền sư Như Hiện với chùa Nguyệt Quang
-Thiền sư Tánh Khoát, Tánh Mộ, Tánh Lương, Tánh Quảng
-Thiền sư Tánh Tuyên, Tánh Tĩnh, Tánh Chúc, Tánh Trạm, Tánh Đường
-Thiền sư Hải Bi
-Thiền sư Hải Thanh với chùa Bằng Trình
-Thiền sư Pháp Thông với sách “Mục ngưu đồ tụng lược giải”
CHƯƠNG V: PHÁI THIỀN TÀO ĐỘNG ỞĐÀNG NGOÀI
1- Thiền Sư Tri Giáo-Nhất Cú
2- Thiền sư Thông Giác-Thủy Nguyệt
3- Thiền sư Tông Diễn-Chân Dung
4- Thiền sư Hải Điện-Mật Đa
5- Thiền sư Thanh Lãng-Khoan Dực
6- Thiền sư Thanh Đàm-Minh Chánh
7- Thiền sư Thanh Nguyên-Giác Bổn
8- Thiến sư Giác Lâm-Lục Hòa
9- Thiền sư Quang Lư-Như Như (Tổ Quạ)
10- Chùa Hồng Phúc
11- Chùa Trấn Quốc
12- Chùa Bích Động
CHƯƠNG VI: THIỀN SƯ NHƯ TRỪNG-LÂN GIÁC VỚI PHÁI LIÊN TÔNG
1- Thiền sư Như Trừng-Lân Giác
2- Chùa Liên Tông (chùa Liên Phái)
3-Thiền sư Tánh Tuyền
4-Thiền sư Hải Quýnh-Từ Phong
5-Thiền sư Tịch Truyền-Kim Liên
6-Đại sư Chiếu Khoan-Tường Quang
7-Đại sư Phổ Tịnh-Từ Tánh
8- Đại sư Thông Vinh
9- Hòa thượng Phúc Điền (thiền sư An Thiền)
10- Chùa Kim Liên
CHƯƠNG VII: CÁC TỲ KHEO NI ỞĐÀNG NGOÀI
– Ni sư Pháp Giới, Pháp Tánh
– Ni sư Diệu Tuệ, Diệu Viên, Diệu Thành
– Ni sư họ Nguyễn
– Chùa Thầy (chùa Thiên Phúc)
– Ni sư Diệu Tâm với kinh Kim Cang thêu trên lụa
– Chùa Láng (chùa Chiêu Thiền)
– Bà Lê Thị Ngọc
CHƯƠNG VIII: CÁC CHÚA TRỊNH VÀ VUA LÊ VỚI PHẬT GIÁO ỞĐÀNG NGOÀI
1/- Từ Trịnh Kiểm đến Trịnh Tùng
2/- Bình An vương Trịnh Tùng
3/- Thanh Đô vương Trịnh Tráng
4/- Tây Đô vương Trịnh Tạc
5/- Đinh Nam vương Trịnh Căn
6/- An Đô vương Trịnh Cương
7/-Uy Nam vương Trịnh Giang
8/- Minh Đô vương Trịnh Doanh
9/- Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm
10/- Đoan Nam vương Trịnh Khải
11/- Nhà Tây Sơn diệt chúa Trịnh
12/-Nhà Tây Sơn đánh tan cuộc xâm lăng của nhà Thanh
13/- Án Đô vương Trịnh Bồng
14/- Vua Lê Chiêu Thống chết ở Trung Quốc
CHƯƠNG IX: CÁC CÔNG TRÌNH TRÙNG TU CHÙA ỞĐÀNG NGOÀI
– Một số công trình trùng tu chùa ở Đàng Ngoài
– Chùa Kiến Sơ
– Chùa Then với tháp Bình Sơn
– Chùa Keo (chùa Thần Quang)
– Chùa Tiêu Sơn
– Chùa Một Cột
– Chùa Trầm
– Chùa Diên Phúc (chùa Hành Thiện)
– Chùa Quán Sứ
– Chùa Linh Quang ( chùa Bà Đá)
– Chùa Phúc Lâm ( chùa Dư Hàng )
– Chùa Mía
-Chùa Cổ Lễ
CHƯƠNG X: PHẬT GIÁO ĐÀNG NGOÀI THỜI TÂY SƠN
A- TÌNH HÌNH ĐẠI VIỆT DƯỚI THỜI TÂY SƠN (1771-1802)
1/- Nhà Tây Sơn khởi nghĩa – Vua Thái Đức
2/- Vua Quang Trung
3/- Vua Cảnh Thịnh
B- NHÀ TÂY SƠN ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO
1/- Tây Sơn vương và vua Quang Trung đối với Phật giáo
2/- Phật giáo vào Thời vua Cảnh Thịnh
CHƯƠNG XI: THIỀN SƯ HẢI LƯỢNG VỚI THIỀN VIỆN TRÚC LÂM
1/-Tình Phái hầu Ngô Thời Nhiệm
2/- Thiền sư Hải Lượng với Thiền viện Trúc Lâm
3/- Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh
4/- Các Thiền Sư trong Thiền Viện Trúc Lâm
CHƯƠNG XII: ẢNH HƯỞNG PHẬT GIÁO TRONG VĂN HỌC BẮC HÀ
1/-Nguyễn Đăng
2/- Lâm Tuyền Kỳ Ngộ
3/- Truyện thơ nôm “Mục Liên bản hạnh”
4/- Nguyễn Đăng Cảo
5/- Nguyễn Đăng Đạo
6/- Cung tần Trương Thị Ngọc Trong với truyện thơ nôm “Thái hậu Ỷ Lan”
7/- Nguyễn Gia Thiều với “Cung oán ngâm khúc”
8/- Lê Quí Đôn
9/- Ngô Thời Sĩ
10/ Nguyễn Huy Oánh
11/- Cư sĩ Chuyết Sơn (Ninh Tốn)
12/- Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm với “Chinh phụ ngâm”
13/- Phan Huy Ích
14/-Phan Huy Thực
Hits: 81