Thất bồ đề phần – thất giác chi

PHÁ MÊ KHAI NGỘ
Lê Sỹ Minh Tùng40. Thất Bồ-đề
(Thất Giác Chi) (Seven factors of Enlightenments)

Là bảy nhánh hay là bảy phương tiện nhiệm mầu giúp chúng sinhđi đến chỗ giải thoát giác ngộ.

Ngày xưa lúc Đức Phật còn tại thế, Ngài đang tịnh tọa tại vườn Trúc Lâm, thành Vương Xá nhờ dùng thiên nhãn thông mà biết tôn giả Đại Ca Diếp lúc ấy đang lâm bệnh tại động Pipphali. Ngài liền đi đến chỗ tôn giả đang tĩnh dưỡng. Sau khi an tọa, Ngài dạy rằng:

– Này Đại Ca Diếp! sức khỏe ông như thế nào? Cơn đau có trầm trọng lắm không? Bệnh tình của ông đang phát tác hay đã thuyên giảm? Biến chứng thuận lợi hay bất lợi?

– Bạch Đức Thế Tôn! Cơn đau rất trầm trọng, biến chứng càng ngày càng nguy hiểm, không thuận lợi.

– Này Đại Ca Diếp! điều mà Như Lai đã giác ngộ, đã tu chứng và đã phát triển tròn đủ là Thất Giác Chi. Đó là con đường dẫn đến thượng trí, viên minh và Niết Bàn. Thật vậy, nầy Đại Ca Diếp! đó là bảy nhân sinh trí tuệ mà Như Lai đã giác ngộ, tu chứng, phát triển tròn đủ, con đường dẫn đến thượng trí viên minh Niết Bàn.

Vậy thất giác chi là gì mà có sức mạnh như thế?

1)Niệm giác chi (Satti sambojjhanga) (Mindfulness): có công năngtiêu diệt tà niệm và vọng tâm. Tà niệm là một trở ngại lớn lao đối với sáng kiến cải tạo của con người làm cho tiến trình giải thoát bị thoái hóa. Loại bỏ tà niệm thì chánh niệm phát khởi để giúp chúng ta thấu rõ chân tướng vô thường, khổ não và vô ngã của vạn hữutrong vũ trụ.

2)Trạch Pháp giác chi (Dhammavicaya Sambo-jjahanga) (Investigation): là phân tích, suy luận các pháp để biết đâu là chân và đâu là giả. Ngay cả những lời dạy của Đức Phật, Ngài cũng không bắt buộc hàng tứ chúng tin theo một cách mù quáng mà phải tìm hiểu xem giáo lý đó có thật sự đem lại hạnh phúc và giải thoát cho con người đúng theo tiêu chuẩn và cứu cánh của đạo Phật hay không? Chỉ có Phật giáo mới có thái độ phân tích khách quan và sáng suốt như thế. Nếu con người tin tưởng tôn giáo một cách mù quáng thì chỉ làm cho đời sống tinh thần của họ càng thêm mê muội và thoái hóa. Vì thế nếu muốn đạt đến Chánh tư duythì phải rèn luyện tu tập pháp môn nầy. Nên suy tư quán chiếu về ngũ uẩn giai không để không còn chấp ngã tức là nghĩ rằng thân nầy là thật Có thì thân tâm mới an lạc. nên gần gủi với bậc thiện tri thức và dĩ nhiên tránh xa kẻ ác tri thức.

3)Tinh tấn giác chi (Viriya Sambojjhanga) (Effort/Energy): Mặc dù giáo lý của Đức Phật là giải thoát giác ngộ, nhưng muốn đạt đếntrình độ tối thượng nầy đòi hỏi con người phải nổ lực, kiên trì để vượt qua mọi thử thách. Vì thế tinh tấn là điều kiện tối cần để thực hiện lý tưởng giải thoát giác ngộ nầy. Giáo lý của đạo Phật đòi hỏi rất nhiều cố gắng, hy sinh và kiên nhẫn để chống lại phiền não khổ đau. Nếu thiếu tinh tấn thì không thể nào dẹp tan được giặc phiền não và dĩ nhiên khổ đau sẽ gắn liền với chúng ta đời đời kiếp kiếp. Ngày xưa khi Đức Phật tịnh tọa dưới cội Bồ-đề thì Ngài thề rằng:

“Nếu ta ngồi đây mà không chứng được đạo quả, thì dù thịt nát xương tan, ta quyết không bao giờ đứng dậy”.

Vì tinh tấn như thế mà Ngài thành đạo.

Ngày nay chúng ta nên noi gương Đức Phật mà quyết tâmrằng:”Không có gì có thể cản trở bước tiến của ta, không khổ đau nào cò thể làm ta ngã lòng, thối chí và ta sẽ kiên trì tiến tới cho đếnkhi nào hoàn thành sứ mạng”.

4)Hỷ giác chi (Piti sambojjhanga) (Joy): Trong thế gian nầy không có một cố gắng hay hành động nào lâu bền mà không tìm thấy hứng thú trong việc làm của mình. Việc tu học Phật thì cũng thế, càng tinh tấn nổ lực thì kết quả càng mỹ mãn vì vậy hoan hỷ là một yếu tố giúp cho con người phấn khởi trên đường tu đạokhó khăn để dẫn đến cứu cánh sau cùng là giải thoát. Khi đi sâu vào thiền định thì Tam thiền, có nghĩa là Ly hỷ diệu lạc có công năng đối trị với sân hận, bất mãn khiến cho tâm được mát mẻ và vui thích trong đối tượng thiền định.

5)Khinh an giác chi (Passaddhi sambojjhanga) (tranquility): là nhẹ nhàng và an tịnh. Khinh an có nhiệm vụhóa giải lửa phiền não để tâm không còn giao động. Người có tâm khinh an sẽ cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng thư thái như khách viễn hành trút bỏ được gánh nặng, nhờ thế họ có thể thong thả đi tới đích mà không gặp chướng ngại nào.

6)Định giác chi (Samadhi sambojjhanga) (Concentration): Nếu cái kính hiển vi rung động, không đứng yênmột chỗ thì ánh sáng mặt trời không thể tụ lại một điểm trên tờ giấy thì tờ giấy không thể nào bốc cháy được. Con người thì cũng thế, nếu tâm chúng ta bị giao động thì vọng tưởng tha hồ sanh khởi tức là tâm không thể tập trung và an trú trên một đối tượng nào. Do đó khi tâm đã định sẽ giúp chúng ta thấy rõ được bản chất chân thật của đối tượng trong thế gian nầy. Có người dùng định để phát triển thần thông, nhà thôi miên dùng định để chữa bệnh hay sai khiến kẻ khác làm theo ý họ. Còn Phật giáo chỉ dùng định để phát triển trí tuệ vì trí tuệ là điều kiện tối hậu để đạt đến lý tưởng giải thoát giác ngộ.

7)Xả giác chi (Upekkha sambojjhanga) (Equanimity): là tâm không bị chi phối bởi ngoại cảnh. Nghịch cảnhkhông bất bình và thuận cảnh không tham ái. Họ thản nhiên trước lời tán dương hay phỉ báng. Dù lợi lộchay mất mát, dù được địa vị hay không có danh vọng và dù vui hay khổ thì họ vẫn thản nhiên, tự tại. Tư tưởng Khổng Mạnh cũng khuyên con người dè dặt về sự khen chê trong nhân thế cho nên ngài Tuân Tử có nói rằng:

“Người khen ta mà khen đúng là bạn ta,

Kẻ chê ta mà chê đúng là thầy ta.

Còn kẻ nịnh ta là cừu địch của ta vậy”.

Kinh Phật có câu chuyện đại vương Maghadeva, người dám từ bỏ ngai vàng giữa lúc còn xuân trẻ để đổi lấy cuộc sống ẩn dật và tu tập. Rất nhiều dân chúng trong thành vì mến hành động cao cả của nhà vua nên quyết định bỏ nhà mà vào rừng tu tập với nhà vua. Sau thời gian tu tập thiền định dưới sự hướng dẫn của nhà vua, dân chúng chứng đắc quả vị Phạm Trú và tái sinh vào cõi trời Sắc giới. Vị vua ấy tức là tiền thâncủa Đức Phật Thích Ca vậy. Thật vậy con người càng có khả năng từ bỏ thì càng có khả năng tu tập. Khả năng tử bỏ càng nhiều thì sự tu tập và hiểu biết của con người càng sâu sắc hơn và do đó, sự chứng ngộsẽ càng triệt để và nhanh chóng hơn. Một khi giữ được tam xả thì phán đoán sẽ vô cùng sáng suốt và không còn chủ quan thiên lệch nữa.

Khi nghe xong, tôn giả Đại Ca Diếp hết sức hoan hỷ và nhờ vậy cơn bệnh trầm trọng bổng nhiên tan biến. Làm sao tôn giả Đại Ca Diếp có thể bình phục chỉ vì nghe được đoạn kinh trên? Nên nhớ Đức Phật chính là y vương vì với tâm đại hùng, đại lực và đại từ bi đã dùng một chân lý siêu việt để an định tâm thần cho tôn giả. Thêm vào đó chính tôn giả đã lắng nghe với tâm tôn kính, trong sạch và sáng suốt thì dĩ nhiên kết quả rất mầu nhiệm vô lường.

Tóm lại, nếu con người tu chứng và phát triển đầy đủ thất giác chi thì đây là con đường dẫn họ đến thượng trí, viên minh và chứng ngộ Niết bàn.

Phật dạy rằng:

“Bình đẳng của Bồ-tát là: không thương, không ghét, không khinh, không trọng, không sợ sanh tử, chẳng cầu Niết Bàn”.

Hits: 403

Trả lời