Mười Tông Phái Phật Giáo Ở Trung Thành Thật Tông
I. DUYÊN KHỞI LẬP TÔNG
Tông này thuộc về Tiểu thừa, y cứ vào lý nghĩa của bộ Thành thật luận, do đó gọi là Thành Thật tông.
Bộ Thành thật luận do ngài Ha-lê-bạt-ma (Harivarman, Tàu dịch là Sư Tử Khải) học trò thông thái nhất của ngài Cưu-ma-la-đà (Kumaraladha) thuộc phái Tiểu thừa Tát-bà-đa làm ra, vào khoảng 900 năm, sau khi đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn. Như chúng ta đã biết qua trong phần lịch sử truyền giáo ở Ấn Độ, sau khi đức Phật nhập Niết bàn, phái Tiểu thừa chia ra thành nhiều nhóm, giải thích kinh điển của Phật không giống nhau. Nhận thấy nguy cơ có thể làm cho Phật giáo suy đồi vì sự không đồng quan điểm về giáo lý của các chi phái ấy, ngài Ha-lê-bạt-ma đã đem hết tâm lực và trí tuệ uyên bác của mình, rút nghĩa lý tinh túy trong các bộ kinh luận của Tiểu thừa, làm ra bộ Thành thật luận. Sở dĩ ngài dùng hai chữ “Thành thật” để đặt tên cho bộ luận của mình là hàm ý muốn nói rằng: những lý nghĩa trong bộ luận của mình là chân thật, đúng đắn hoàn toàn với giáo lý căn bản trong ba tạng kinh điển của Phật. Mà thật như thế, bộ Thành thật luận là bộ luận có thể tiêu biểu một cách trung thực giáo lý của Tiểu thừa.
Và cũng vì giá trị chân chính ấy mà bộ Thành thật luận được truyền sang Trung Hoa và được ngài Cưu Ma La Thập trong đời Dao Tần dịch ra văn Tàu, gồm có tất cả 16 cuốn, chia ra làm 202 phẩm. Nhưng mặc dù được người đời hâm mộ, bộ luận này phải đợi đến đời Nam Bắc triều mới lập thành một tông riêng tức là “Thành Thật tông”.
II. TÔNG CHỈ VÀ GIÁO LÝ CĂN BẢN
Tông này chủ trương “nhân không, pháp không”.
Như chúng ta đã biết, theo Câu Xá tông thì nhân không nhưng pháp lại có. Thành Thật tông, đi xa hơn, cho rằng nhân không thật, mà pháp cũng không thật.
Ðể giải thích chủ trương “hai không” này, Thành Thật tông lập ra hai môn là: Thế giới môn và Ðệ nhất nghĩa môn.
1. Thế giới môn: Môn nghĩa đen là cửa; Thế giới môn tức là cửa của Thế giới; nói một cách thông thường như ngày nay thường nói, “thế giới môn” tức là đứng về “phương diện thế tục, phương diện tương đối” mà quan sát suy luận.
Xét về phương diện tương đối, thì nhân cũng có, mà pháp cũng có. Thật vậy, theo sự nhận xét thông thường, thì ta có một cái thân; ta đi, đứng, nằm, ngồi; ta có một cái tâm để suy xét, phân biệt, nhớ chuyện quá khứ, tính chuyện tương lai? Thế mà bảo mà không có ngã thì thật là vô lý. Lại trong kinh cũng thường nói: ta thường tự ngăn ngừa và gìn giữ lấy ta, làm lành tự mình được hưởng điều lành; làm dữ, tự mình chịu hưởng quả dữ. Vậy nếu bảo rằng không có người, không có ta, thì thật là trái với nhận xét và lý luận thông thường.
Xét về các pháp cũng vậy, bảo rằng không thì cũng là vô lý. Nếu không có sắc pháp thì làm sao có thân ta, có cảnh giới chung quanh ta? Ừ, thì thân ta, do ngũ uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, giả hợp mà thành. Những thứ này cũng là pháp cả. Thí dụ nếu ta chia chẻ cái sắc pháp ra thành nhỏ mãi, thì cuối cùng, dù nhỏ đến không thể chia chẻ được nữa, cũng vẫn là sắc, chứ sắc không thể chia ra mà thành “không” được. Ngược lại, nếu đã là không, thì không thể đem cái “không” ấy nhân lên mãi mà thành “có” được. Cũng như trong toán học, dù có nhân bao nhiêu lần với con số không (zero), thì không cũng vẫn là không.
2. Ðệ nhất nghĩa môn: Ðệ nhất nghĩa môn, hay chân đế, là nói về phương diện tuyệt đối. Ðứng về phương diện này mà xét, thì Ngã và Pháp đều là giả có, chứ không thật có. Khi năm uẩn hòa hợp thì tạm gọi là ta; khi năm uẩn tan rã thì cái ta ấy cũng không còn nữa. Vả lại cái ta ấy, trong lúc còn sinh tiền, thì mỗi phút, mỗi giây cũng đều có đổi thay, biến chuyển chứ không thuần nhất và bất biến.
Các pháp cũng vậy, tương đối mà nói thì có, nhưng tuyệt đối mà xét thì cũng không thật có. Các pháp cũng do nhân duyên hòa hiệp mà tạm gọi là có, chứ không thể có một cách tuyệt đối, nghĩa là không thuần nhất và bất biến. Vì thế cho nên Phật dạy: “các pháp đều là như huyễn như hóa”. Kinh Bát Nhã cũng nói: “Sắc chẳng khác gì không , không chẳng khác gì sắc, sắc tức không, không tức là sắc”… Tóm lại, đứng về đệ nhất nghĩa môn mà xét, các pháp rốt ráo là chân không. Chân không là thế nào? Chân không có nghĩa là: chân lý của các pháp trong vũ trụ vốn là chân thật, nhưng không phải là có hình tướng như các hình tướng giả dối mà người đời thường thấy ở chung quanh. Cái “có” và cái “không” ở trong đời, đối với chân đế, hay đệ nhất nghĩa đế, đều giả dối, không thật.
Nên biết cái “không” hiểu theo nghĩa Chân đế, khác với “không” hiểu theo nghĩa Tục đế. Cái “không” của Chân đế thì gọi là Chân không; còn cái “không” của Tục đế là cái “không” đối đãi với cái “có” mà thành, đó là Không giới. Chân không thường vắng lặng tịch diệt ra ngoài cái đối đãi của “có” và “không” phàm tục. Còn Không giới chẳng qua là cái sắc đối với nhãn căn đó thôi. Chân không không phải là sắc; Không giới mới là sắc. Chân không, không thấy được; Không giới có thấy được. Chân không không đối tượng; Không giới thuộc về đối tượng. Chân không là vô lậu, Không giới là hữu lậu. Chân không là vô vi, Không giới là hữu vi.
3. Tương quan giữa Thế giới môn (Tục đế) và Ðệ nhất nghĩa môn (Chân đế): Theo Đệ nhất nghĩa môn thì chân lý của vũ trụ vốn là Chân không tịch diệt,vắng lặng; theo Thế giới môn thì có ta và người, có sắc và không, nghĩa là có ngã và pháp. Vậy thì giữa Thế giới môn và Ðệ nhất nghĩa môn có tương quan gì với nhau không? Làm sao từ Chân không tịch tịnh lại phát sinh ra ngã và pháp, nghĩa là từ chỗ Chân không lại phát sinh ra chúng sinh và sơn hà đại địa?
Thành Thật tông cắt nghĩa: đó là vô minh. Các pháp trong vũ trụ, thể tính vốn vắng lặng, tịch diệt, nhưng vì do tâm vọng tưởng phân biệt mà có rối loạn, lăng xăng. Nói một cách rõ ràng hơn, bản tính của vũ trụ vốn là không có ngã, không có pháp, nhưng vì “hai món chướng” mà thấy có ngã và pháp. Hai món chướng ấy là: Phiền não chướng và Sở tri chướng.
a) Phiền não chướng, tức là các nghiệp chướng về Kiến hoặc và Tư hoặc. Chướng này vì chấp cái ta là thiệt có, nên mới sinh các phiền não, rối loạn thâm tâm, chướng ngại đạo Niết bàn tịch tịnh. Chướng này, trong Câu Xá luận, thì gọi là “tính nhiễm ô vô tri”.
b) Sở tri chướng: cũng gọi là trí chướng. Căn bản của chướng này, là chấp các pháp thật có, làm che lấp cái tính vô điên đảo đối với các cảnh mình hay biết, làm chướng ngại đạo Bồ đề. Chướng này trong Câu Xá luận gọi là “bất nhiễm ô vô tri” (không nhiễm ô, nhưng vẫn thuộc về si mê không biết, vì làm cho mình không chứng rõ được chân lý).
4. 84 pháp: Như chúng ta đã thấy trong Câu Xá tông, những hiện tượng của nhân sinh và vũ trụ, được phân loại thành 75 pháp. Theo Thành Thật tông, thì nhân sinh, vũ trụ lại được chia làm 84 pháp. Còn Pháp Tướng tông lại chia thành 100 pháp. Như thế, chúng ta nên hiểu rằng sự phân chia ra ít hay nhiều pháp chỉ là một vấn đề tương đối, chứ không có nghĩa nhất định. Sự phân loại các pháp này, chỉ có một mục đích là để nghiên cứu cho rõ ràng nhân sinh, vũ trụ mà thôi. 84 pháp mà Thành Thật tông đã phân loại là:
– 14 Sắc pháp: 5 Căn, 5 Trần, 4 Ðại.
– 50 Tâm pháp: 1 Tâm vương, 49 Tâm sở (so với Câu Xá tông, thì có thêm 3 Tâm sở là Hân (tính hớn hở), Yểm (tính nhàm chán) và Thùy miên và Câu Xá tông ghép thành một Tâm sở, còn Thành Thật tông thì chia làm hai là Thùy và Miên.
– 17 Phi sắc phi tâm pháp (tức là Bất tương ưng hành pháp). Về loại này, Thành Thật tông hơn bên Câu Xá tông 3 pháp: Thành Thật tông hợp “Mạng căn” và “Ðồng phận” lại là một, nhưng lại thêm: Lão, Tử, Phàm phu và Vô tác (tức là Vô biểu sắc bên Câu Xá tông).
– 3 Vô vi pháp (như bên Câu Xá tông) Trạch diệt vô vi, Phi trạch diệt vô vi và Hư không vô vi.
III. PHƯƠNG PHÁP TU HÀNH
Phương pháp tu hành của Thành Thật tông cũng gần giống như của Câu Xá tông; nhưng vì Câu Xá tông chủ trương “nhân không pháp hữu”; còn Thành Thật tông thì chủ trương “nhân không pháp không”, nên về phương pháp tu hành của Thành Thật tông, đặc biệt có hai pháp quán là: Ngã không quán và Pháp không quán.
1. Ngã không quán và Pháp không quán:
a) Ngã không quán: như quán trong cái bình không có nước, thì gọi là Không. Quán thân ta do năm uẩn hòa hợp giả tạm mà có, chứ không có một cái ta chân thật. Pháp quán này mục đích là để nhận rõ lý ngã (nhân) không, nên gọi là “Ngã không quán”.
b) Pháp không quán: như sau khi quán cái bình không có nước, lại quán thêm một tầng nữa để thấy rằng, thể chất của bình cũng không chân thật. Áp dụng pháp quán này trong thân người, hành giả đi đến kết luận rằng: không những cái ta là không thật, do ngũ uẩn tạo thành; mà chính các pháp tạo ra ngũ uẩn cũng không chân thật. Ấy là pháp quán về pháp không.
2. Ba tâm và diệt đế: Phương pháp này cũng gần giống như hai pháp quán trên, nhưng đi xa hơn một tầng, nghĩa là không chấp có, nhưng cũng không chấp không. Ba tâm là:
a) Giả danh tâm, tức là cái tâm chấp những giả danh, như chấp người ta là có thật. Ðối với sự chấp trước này, hành giả dùng trí huệ mà quan sát, biết nó đều là nhân duyên hòa hợp mà sinh, tức chứng được lý nhân không.
b) Pháp tâm, là cái tâm chấp pháp thể năm uẩn là thật có. Ðối với sự chấp trước này, hành giả dùng trí Chân không mà trừ bỏ, thấy được pháp không.
c) Không tâm là cái tâm chấp cái “không” là thật có, nghĩa là đã quán biết được Nhân ngã, Pháp ngã đều không, mà lại chấp cái “không” là thật. Như thế, chấp “có” đã là sai, mà chấp “không” lại càng sai hơn. Vậy phải quán Ngã, Pháp đều không, mà cái không ấy cũng không có tướng nắm bắt, nhận thấy được, như không giới. Rốt lại chỉ còn cái “Chân không” là chân lý tuyệt đối, ra ngoài “có” và “không” của phàm tục. Ðến đây tức là Diệt đế.
IV. QUẢ VỊ TU CHỨNG
Về quả vị tu chứng, tông này cũng giống như Câu Xá tông, có 27 từng bậc, tức là 27 vị Hiền Thánh.
a) Dự lưu hướng: Dự lưu hướng, nghĩa hướng tới dòng thánh; nói một cách nôm na, hành giả đang đi dần đến để nhập vào dòng thánh, như chiếc thuyền đang đi trên dòng sông con, để vào con sông cái. Dự lưu hướng gồm có 3 bậc sau đây:
1. Tùy tín hành: Tùy tín nghĩa là nghe theo lời dạy của các bậc đã chứng quả, rồi tin và tu tập theo.
2. Tùy pháp hành: Vị này không còn đợi có những lời dạy bảo của các bậc thánh hiền, nhưng chỉ thuận theo chính pháp mà tự tu hành.
3. Vô tướng hành: Là bậc kiến đạo, thấy được chân lý của tứ diệu đế, trí vô lậu đã phát sinh.
b) Dự lưu quả: Tức là quả Tu đà hoàn. Bậc này đã dứt hết những kiến hoặc trong ba cõi, dự vào dòng thánh đạo.
c) Nhất lai hướng: Bậc này đã dứt được năm phẩm tư hoặc ở cõi Dục giới, đang hướng đến quả Nhất lai.
d) Nhất lai quả: Bậc này đã dứt được phẩm tư hoặc thứ sáu ở cõi Dục giới, nhưng còn phải trở lại một lần cuối cùng (Nhất lai) ở cõi Dục giới.
đ) Bất hoàn hướng: Bậc này đã dứt được hai phẩm tư hoặc thứ bảy và thứ tám ở cõi Dục giới, và đang tu hành để hướng đến quả Bất hoàn, là quả đã thoát ra vòng Dục giới và không còn trở về Dục giới nữa.
e) Bất hoàn quả: Bậc này đã hoàn toàn dứt được 9 phẩm tư ở cõi Dục giới, cho nên không trở về cõi Dục giới nữa. Quả này gồm có 11 bậc như sau:
1. Trung ban: Bậc này, sau khi ở cõi Dục giới vừa chết, sắp sinh lên cõi Sắc giới, cái thân trung ấm tuy còn ở vào khoảng trung gian mà đã dứt trừ các mê lầm phiền não của cõi Sắc giới, nên vào ngay Niết bàn.
2. Sinh ban: Bậc này, sau khi lên cõi Sắc giới, chẳng bao lâu thì vào Niết bàn; ấy là do sự siêng năng về đường tu đạo mà mau tới vậy.
3. Hữu hành ban: Bậc này, sau khi sinh về cõi Sắc giới, tu hành tinh tấn mãi không nghỉ, mà vào được Niết bàn.
4. Vô hành ban: Bậc này trái lại, sau khi sinh vào cõi Sắc giới, vì trễ nải đường tu hành, nên thành quả dù chậm đến, nhưng cuối cùng cũng vào Niết bàn.
5. Lạc huệ ban: Bậc này, sau khi sinh về cõi Sắc giới, lại lần lượt sinh lên cõi Sắc cứu kính là cõi cao nhất ở cõi Sắc giới mới vào Niết bàn. Cõi trời Sắc giới có định, có huệ, bậc này dùng huệ làm vui nên gọi là “Lạc huệ”.
6. Lạc định bàn: Bậc này, không chịu vào Niết bàn nơi cõi Sắc giới, mà còn muốn chuyển sinh lên cõi Hữu đảnh là cõi cao của Vô sắc giới, mà vào Niết bàn. Trong cõi Vô sắc giới này, chỉ có định mà không có huệ, hành giả lấy định làm vui, cho nên gọi là “Lạc định”.
7. Chuyển thể: Bậc này, sau khi ở cõi Dục giới, chứng được quả Dự lựu và Nhất lai, đáng lẽ sinh về cõi Sắc giới hay Vô sắc giới, nhưng hành giả lại chuyển sinh lại cõi Dục giới mà tu hành, chứng được quả Bất hoàn rồi vào thẳng ngay Niết bàn.
8. Hiện ban: Bậc này, không sinh vào cõi Sắc giới, Vô sắc giới, cũng không cần chuyển sinh, chỉ tu tập trong một thời kỳ, chứng luôn ba quả, rồi đi thẳng từ cõi Dục giới vào Niết bàn.
9. Tín giới: Bậc này, vì căn cơ hơi chậm lụt, nên chỉ tin theo lời dạy bảo của kẻ khác mà tu hành, chứng được quả Bất hoàn.
10. Kiến đắc: Bậc này, trái lại với bậc Tín giới nói ở trên, chứng được quả Bất hoàn là nhờ có căn cơ lanh lợi, tự nương theo trí huệ của mình mà thôi.
11. Thân chứng: Bậc này là bậc lợi căn tột độ, chứng được Diệt tận định.
Mười một bậc Bất hoàn quả kể trên này, không phải có thứ bậc tuần tự mà hành giả phải vượt qua. Ðây chỉ là 11 trường hợp khác nhau trong quả Bất hoàn, do căn cơ lanh lẹ, hay chậm lụt, do sở nguyện hay hoàn cảnh, tâm tính khác nhau mà ra. Nhưng dù sao, thì cũng là ở trong quả Bất hoàn cả, không có cao và thấp, hơn và kém, và đều gọi là A la hán hướng, nghĩa là đang hướng đến quả A la hán.
Nếu kể từ bậc đầu tiên là: Dự lưu hướng cho đến bậc Bất hoàn quả, gồm cả thảy 18 bậc, thì gọi là bậc Hữu học.
Còn chín bậc cuối cùng sau đây là chín bậc A la hán quả, cũng gọi là bậc Vô học.
g) A la hán quả: Quả vị này gồm có 9 bậc, cũng gọi là Vô học, nghĩa là không cần phải học hỏi gì nữa.
1. Thối pháp tướng: Thối nghĩa là thối lui. Thối lui ở đây không có nghĩa là thối lui về sinh tử, làm chúng sinh, mà chỉ thối lui về cảnh thiền định đã đặng, như các bậc độn căn La hán.
2. Thủ hộ tướng: Thủ hộ là gìn giữ bảo hộ. Thủ hộ tướng tức là bậc La hán gìn giữ bảo hộ cảnh thiền định đã được, không mất.
3. Tử tướng: Là bậc La hán rất nhàm chán thế gian, lại sợ thối mất chỗ chứng ngộ của mình, nên muốn vào liền cõi Niết bàn.
4. Trú tướng: Là bậc La hán, căn cơ không thể tu tới mà cũng không đến nỗi thối lui, chỉ giữ về bậc trung mà thôi.
5. Khả tấn tướng: Khả tấn là có thể tiến thêm nữa. Ðây là bậc La hán đã chứng được bậc thiền định, mà còn tu tới mãi.
6. Hoại tướng: Ðây là bậc La hán, căn cơ chậm lụt, nhưng vẫn giữ được không thối lui, mặc dù gặp phải duyên trở ngại.
7. Huệ giải thoát: Bậc La hán này đã chứng được Diệt tận định, được chân trí vô lậu, đã giải thoát các phiền não, nhưng chưa ly được sự chướng ngại về cảnh thiền định.
8. Cầu giải thoát: Ðây là bậc La hán đã giải thoát được cả huệ chướng và định chướng; nghĩa là không còn bị trí huệ hay thiền định làm chướng ngại nữa.
9. Bất thối tướng: Đây là bậc La hán có căn cơ lanh lợi, bao nhiêu công đức trí huệ đã tu tập đều không thối lui hay là tiêu mất được .
Tóm lại, mặc dù quả vị tu chứng của tông này có chia ra đến 27 bậc, nhưng đó là muốn chia chẻ một cách rốt ráo của từng trường hợp, chứ đại khái cũng giống như quả vị tu chứng trong Câu Xá tông. Thật vậy, nếu chúng ta đem so sánh quả vị của hai tông Câu Xá và Thành Thật, thì sẽ thấy như sau:
CÂU XÁ TÔNG | THÀNH THẬT TÔNG |
1. Tu đà hoàn (hay Nhập lưu) | 1. Dự lưu hướng và Dự lưu quả |
2. Tư đà hàm (hay Nhứt lai) | 2. Nhất lai hướng và Nhất lai quả |
3. A na hàm (hay Bất lai) | 3. Bất hoàn hướng và Bất hoàn quả |
4. A la hán (hay Vô sinh, Vô học) | 4. A la hán (Vô sinh, Vô học) |
V. KẾT LUẬN
Thành Thật tông, cũng như Câu Xá tông, đều thuộc các tông phái của Tiểu thừa Phật giáo. Giáo lý căn bản của hai tông cũng gần giống nhau, chỉ có khác ở điểm: Câu Xá tông thì chủ trương “nhân không pháp hữu”, còn Thành Thật tông thì chủ trương “nhân không pháp không”. Như thế, Thành Thật tông đã bước thêm một bước lại gần Ðại thừa Phật giáo hơn. Ðó là một điểm chứng minh rằng theo với thời gian, Tiểu thừa và Ðại thừa càng xích lại gần nhau hơn. Với cái đà ấy, chúng ta hy vọng rồi đây, giữa biên giới hai phái lớn của Phật giáo sẽ được xóa hết, chỉ còn lại một danh từ, một cái đạo chung cho cả thế giới là Đạo Phật.
Hoài bão ấy, hiện Tổng hội Phật giáo thế giới đang cố gắng thực hiện qua nhiều quyết nghị trong các Đại hội Phật giáo thế giới. Và ở Việt Nam hoài bão ấy đã được thể hiện trong những ngày đầu năm 1964, dưới danh hiệu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Trong Giáo hội này, các giáo phái Ðại thừa và Tiểu thừa đều thề nguyện chung sức chung lòng để phát huy nền Phật giáo Việt Nam mỗi ngày thêm rạng rỡ.
TỔNG KẾT VỀ MƯỜI TÔNG
Chúng ta đã có một cái nhìn tổng quát về mười tông. Chúng ta đã hiểu sơ qua sự thành lập, tông chỉ và giáo lý căn bản, sự tu hành và sự chứng quả của mười tông. Vì đây là những bài học phổ thông, nên chúng ta không thể đi sâu vào chi tiết, và phạm vi cũng như thời hạn không cho phép chúng tôi nói nhiều hơn nữa. Nếu quý vị độc giả nào muốn hiểu rõ ràng hơn, hãy tìm các kinh sách nói về mười tông ấy.
Mặc dù vắn tắt, qua những bài học này, chúng ta đã có thể nắm được những điểm chính căn bản của mỗi tông.
Mỗi tông, tuy có một tông chỉ một chủ trương riêng, nhưng tông nào cũng thờ đức Phật Thích Ca làm giáo chủ, và đều dựa trên các kinh điển của Ngài đã nói ra mà lập tông.
Sự sai khác chẳng qua là cách giải thích vũ trụ vạn hữu và phương pháp tu hành. Chứ còn những điểm chính căn bản, thì mọi tông phái đều công nhận giống nhau, là: có một chân như trong suốt, linh diệu bên trong vũ trụ vạn hữu, làm nền móng cho mọi hiện tượng ở thế gian này. Chúng sinh không nhận được cái chân như ấy, vì chúng sinh bị vô minh che ám; nhưng với phương pháp tu hành mà đức Phật Thích Ca đã dạy bảo, chúng ta sẽ giác ngộ và thể nhập với các chân như ấy.
Nếu sự giải thích vũ trụ vạn hữu có nhiều cách, và phương pháp tu hành có nhiều lối là vì xu hướng, trình độ, căn cơ của chúng sinh không đều; cũng như trong phương pháp chữa bệnh, phải tùy bệnh nặng nhẹ, phải tùy người mà cho thuốc. Làm sao cho bệnh nhân lành mạnh là lương y giỏi.
Chúng ta rất không may, ở vào thời kỳ mạt pháp, không có lương y giỏi. Nhưng sự giải thích căn bệnh và phương pháp chữa bệnh của các bậc đại lương y là giáo lý của các tông phái, đang còn đó. Chúng ta hãy tự nghiên cứu lấy căn bệnh của chúng ta, và hãy lựa phương thuốc nào thích hợp với bệnh của chúng ta mà uống thì chắc chắn chúng ta sẽ lành bệnh
Hits: 87