Đức Phật dạy Vô thường Vô ngã. Từ bỏ phải hiểu rằng không có của cải nào thực sự là của cải. Không có của cải nào là của cải, dù ở ngay thế giới này hay ở thế giới khác. Của cải đơn giản không trường tồn. Hãy bắt rễ vào trong suy nghĩ, của cải không tồn tại. Jesus gọi là nghèo trong tâm linh. Những người kinh nghiệm cái nghèo của mình trong linh hồn là những người từ bỏ. Họ biết rằng linh hồn đơn giản không có của cải, rằng không có của cải trong linh hồn.
1
Bồ tát Quán thế âm là biểu tượng của Từ bi, thì Bồ tát Di lặc là biểu tượng đẹp đẽ của Hỷ xả. Hình tướng của ngài là người to béo, áo mặc hở bụng, bụng căng tròn, phô cả rốn; Gương mặt tròn đầy luôn hỷ hả cười, không một chút buồn phiền, không một chút khó chịu; khi có lục tặc, sáu thằng giặc đang quấy phá, đứa chọc miệng, đứa chọc tai, đứa chọc mũi, đứa chọc mắt,… Ngài vẫn vui vẻ cười qua hàng ngàn năm nay.
Giáo lý của Đạo Phật, từ hai ngàn năm trăm năm trước đã khái quát sự nhận thức của con người qua quan niệm về sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) là sáu hình thái tiếp cận sự thật và sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp) là sáu đối tượng của sự thật. Sáu thức này là cơ bản của sự vật và nhận biết sự vật. Từ sáu căn và sáu trần mà sinh ra sáu dục. Sáu dục là mối loạn hàng ngày trong tâm trí của mỗi con người. Sáu dục là: (1) ham muốn nhìn sắc đẹp, nhìn những cảnh gợi dục; (2) ham muốn nghe âm thanh êm tai, những lời ca ngợi; (3) ham muốn ngửi mùi hương dễ chịu và quyến rũ; (4) ham muốn những món ăn ngon, bổ; (5) ham muốn xác thân thoả mãn dục, được sung sướng thụ hưởng; và (6) ham muốn ý nghĩ được thực hiện, tư tưởng của mình được triển khai và tung hô. Sáu dục được biểu tượng qua sáu thằng giặc nhỏ luôn quấy phá Bồ tát Di lặc, quấy phá Tâm trí và Tâm thức của mỗi con người. Khổ của con người cũng từ sáu dục này mà ra. Sáu dục thường liên hệ tới ba độc: tham, sân và si. Tham, sân và si là gốc của sáu dục; làm cho sáu dục khởi ra và phát triển mạnh lên. Tham, sân và si chính là nguồn gốc của sự khổ.
Vượt qua sáu dục và ba độc để lúc nào cũng vui cười đó là Niết bàn, con người thành Thượng đế. Sáu dục và ba độc là gốc làm sai lệch đi thật tướng của sự thật. Nó chính là lăng kính của Trí tuệ, nó là sợi dây lôi kéo Tâm trí với vô minh, với ngã chấp, luôn cho sự vật những ý nghĩa theo ngã, ngã sở, theo các tâm tham, sân, si, đầy phiền não, mà lãng quyên đi thật tướng của sự vật. Biểu tượng của Bồ tát Di lặc là không chấp lục dục để xa rời ba độc đó chính là hạnh hỷ xả.
Không chấp với sáu dục là một cách; nhưng nhận biết và xa lánh ba độc dường như là cách chủ động hơn, tích cực hơn.
2
Nhân loại nói chung, nhân loại của thời hiện đại nói riêng, phần đông đều cùng nhau tìm kiếm, tranh đấu để được sung sướng. Mà sung sướng lại là trạng thái thấp nhất, nó là trạng thái của sinh lý. Khi con người ham muốn sung sướng đắm mình trong nỗi ham muốn thì đó là Vô minh. Đó là nguồn gốc của Khổ. Sung sướng là mức tầm thấp nhất của con người, nó gần với loài vật hơn. Sung sướng là ngoại vi, nó phụ thuộc vào ngoại cảnh, nó phụ thuộc vào điều kiện. Mang lại niềm sung sướng cho con người là tiền bạc, danh vọng, quyền lực và tính dục. Con người nuôi dưỡng niềm sung sướng thì phải theo đuổi việc tìm kiếm tiền bạc, xây đắp danh vong, tranh đấu quyền lực, chiếm doạt tính dục. Đó là bốn dạng si mê, bốn dạng tham đắm, đó chính là bốn dạng vô minh của nhân loại. Con người tạo ra chiến tranh, tranh giành và giết chóc, lừa lọc, rồi đắm chìm trong đau khổ,… tất cả cũng chỉ vì bốn dạng ham muốn này gây ra.
Trong tác phẩm Lão hà tiện, của Molie, Công diễn lần đầu ngày 9 tháng chín năm 1668 trên sân khấu Hoàng gia (Palais – Royan); Người xem thật não lòng trông thấy cảnh gia đình Arpagông. Bố thì do quá ham muốn tiền bạc, đắm chìm trong nỗi khát khao làm giàu, đã trở nên một cách cực kỳ ích kỷ tàn nhẫn; con cái thì do tính xấu của bố xui khiến, nên hoang phí, hỗn hào đối với cả người bố của mình. Cho đến ngày nay, Lão hà tiện là một trong những vở kịch của Môlie được công diễn nhiều nhất, và được các nhà phê bình văn học trên toàn thế giới coi là một trong những tác phẩm lớn nhất của Môlie.
Môlie mượn đề tài của Plôt, một nhà văn La tinh. Đó là câu chuyện một người nghèo bỗng bắt được một cái niêu đầy vàng, không dám tiêu pha, chỉ nghĩ chuyện đem chôn giấu và luôn luôn lo lắng nghi ngờ, chỉ sợ có người lấy trộm. Do bao lâu nay nghèo khổ, chưa bao giờ có nhiều vàng trong tay như vậy. Nên tâm trạng luôn luôn lo lắng, và dường như còn khổ sở hơn lúc nghèo. Đến khi đứt lòng cho con gái cái niêu vàng, làm của hồi môn, thì hắn khỏi được bệnh lo ngại băn khoăn. Câu chuyện cũng gần giống như ngụ ngôn Anh thợ đóng giày và nhà tài phú (Le Savetier et le Financier) của La Foongten. Trong tác phẩm của mình, Môlie đã hướng sang một trọng tâm khác: vẽ nên điển hình của người ham muốn tiền bạc, ham muốn đến mực hà tiện, Ông đã mô tả tính hà tiện trong tất cả cái vẻ lố bịch chê cười, cái mặt xấu xa khả ố nhất và ghê gớm nhất của nó. Arpagông không phải chỉ là con người hà tiện trong văn học cổ, chỉ biết khư khư ôm ấp đống vàng, hắn là một tay tư sản giàu sụ của thời đại, đương tích cực tìm mọi phương kế kiếm cho thật nhiều tiền để tích luỹ; một tên cho vay nặng lãi, đem đồng tiền sinh lợi, và ham lợi đến quên cả bổn phận làm cha, mất cả tình máu mủ và mất cả tính người, trở nên điên rồ và lố bịch. Hắn quá ham muốn tiền bạc. Hắn sống một cách trưởng giả, nhưng trọc phú. Có xe, có ngựa, có kẻ hầu người hạ, có gia nhân mặc chế phục như ở những nhà quý tộc, nào mụ hầu phòng, nào anh đánh xe, nào đầu bếp, nào quản gia, rồi cũng túng tắng yêu đương, cũng tiệc tùng khách khứa, cho có thể diện, song tất cả những cái đó chỉ có mẽ ngoài, nhìn vào bên trong thì thấy tất cả tính chất đê tiện xấu xa của con người hà tiện, keo bẩn. Hắn đắm chìm trong nỗi đam mê tiền bạc. Hắn là nô lệ trung thành cho của lãnh chúa Vô cảm tiền bạc. Tâm trí của hắn và hắn là kẻ bị cầm tù trong kho tài sản giàu có của mình.
Bên cạnh nhân vật chính ấy, còn có những nhân vật phụ, trong số đó có hai nhân vật mà Môlie đã mô tả với một nét bút khá đậm đà, để hoàn thành bức tranh gia đình Arpagông, với tất cả ý nghĩa chua chát của nó: đó là Clêan và Êly, hai người con của Arpagông. Hai người đều có một mối tình yêu thắm thiết. Clêan thì yêu cô Marian, mà bố định lấy, đến nỗi thủ tiêu cả tình nghĩa cha con của cả đôi bên. Ely thì yêu Vale, nhưng bị bố ép gả cho một ông già (vì ông này có của và không đòi hồi môn), và đã đương đầu với bố già. Tình yêu là mối quan hệ đẹp đẽ nhất của con người, đã được Arpagong nhìn nhận qua danh mục của tài sản. Tình cảm cha con cũng chả còn ý nghĩa gì so với tiền vàng. Đó là dạng ham muốn đầu tiên, ham muốn tiền bạc.
Cái ham muốn thứ hai phải kể đến vua Kiệt nhà Hạ và vua Trụ nhà Thương. Hai vua bạo ngược vô đạo, hoang dâm nhất trong lịch sử các vua chúa Trung Quốc. Kiệt si mê Muội Hỷ, Trụ si mê Đát Kỷ.
Kiệt tên là Lý Quý, là vua dâm bạo, thường mang quân đi đánh phá các nước nhỏ buộc phải triều phục và dâng gái đẹp cho mình. Dân gian có bức họa miêu tả Kiệt, vác kích và hai bên có kèm hai người con gái đẹp để nói lên hành vi tai ác của Kiệt. Muội Hỷ là mỹ nữ nước Hữu Thi được dâng cho Kiệt để thoát nạn chiến tranh. Về sau nước Manh Sơn cũng dâng cho Kiệt hai nàng tuyệt đẹp là Uyển và Viêm để tránh họa diệt vong. Đắm mình trong nỗi ham muốn cuồng vọng của xác thịt, rượu chè, yến tiệc, Kiệt đã gây không biết bao nhiêu đau khổ cho dân chúng đẩy họ vào chốn lầm than cùng cực. Vì vậy người dân oán hận mà gọi Lý Quý là vua Kiệt. Các học giả sau này giải thích tên Kiệt như vậy là khớp với hành vi của bạo chúa nhưng chưa lột hết nỗi phẫn nộ và sự khinh bỉ của nhân dân. Vì theo các học giả thì kiệt, theo tiếng Quảng Đông là một âm rất tục.
Trụ tên là Tân. Vua Trụ còn tàn ác hơn cả vua Kiệt. Si mê Đát Kỷ, Trụ cho dựng Nhục lâm và Tửu trì làm trò vui cho Đát Kỷ; lập Sái bồn, Bào lạc để hành hạ nạn nhân cho đến chết để mua lấy tiếng cười của Đát Kỷ. Si mê Đát Kỷ, Trụ giết hại rất nhiều các quan đại thần; Tỷ Can, quan nhất phẩm triều đình, cũng không thể thoát chết. Đắm mình trong nỗi ham muốn cuồng vọng của xác thịt, rượu chè, yến tiệc, cũng như Kiệt, Trụ đã gây không biết bao nhiêu đau khổ cho dân chúng đẩy họ vào chốn lầm than cùng cực, không lo gì đến chính sự. Để rồi Trụ bị Văn Vương và Khương Tử Nha triệt hạ, lập lên nhà Chu. Đỗ Thành trong bài Sở là Việt là Văn Lang, trong An Việt Toàn Cầu, số tháng 12, cho rằng Trụ tức là trư là lợn. Trụ bị người đời chửi là lợn. Còn Đát Kỷ tức là đĩ.
Chỉ vì ham muốn tình dục mà Kiệt và Trụ muôn đời bị thế gian nguyền rủa. Thế gian phẫn nộ, khinh bỉ và người dân đã chửi tục muôn đời về Lý Quý, về Đế Tân, về Kiệt, về Trụ.
Cái ham muốn thứ ba, ham muốn danh vọng. Dù không muốn nhắc đến tên, nhưng nhân loại không bao giờ có thể quyên được tội ác của hắn. Đó chính là Herostratos. Một kẻ điên khùng ham muốn danh vọng. Trong hy vọng sẽ trở nên nổi tiếng, hắn đã phóng hỏa Đền thờ thần Artemis ở Ephesus, nằm ở miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ. Nhân loại sẽ nhớ mãi ngày xảy ra tội ác này, ngày 21 tháng 7 năm 356 trước Công nguyên. Đền thờ Artemis được xây dựng bằng đá cẩm thạch, được coi là ngôi đền đẹp nhất trong số khoảng 30 ngôi đền của người Hy Lạp xây dựng để thờ phụng thần Artemis, nữ thần săn bắn. Đây cũng là một trong Bảy kỳ quan thế giới cổ đại.
Không những không thèm lẩn tránh vì đã phóng hỏa ngôi đền linh thiêng, Herostratos còn rất tự hào nhận trách nhiệm với hy vọng tên tuổi mình sẽ trở thành bất tử trong lịch sử. Vì vậy, những nhà chức trách ở Ephesus đã không chỉ xử tử hình Herostratos mà còn biến hắn trở thành một người vô danh khi tuyên án. Đương nhiên biện pháp này cũng không thể ngăn cản Herostratos đi vào lịch sử như hắn mong muốn, vì sau đó nhà sử học cổ đại Theopompus đã ghi lại sự kiện này và tên của Herostratus đi vào lịch sử như kẻ đốt đền điên khùng nhất thời cổ đại, và để cho thế gian muôn đời nguyền rủa.
Cái ham muốn thứ tư, ham muốn quyền lực. Dạng ham muốn này là khủng khiếp nhất, gây cho nhân loại nhiều khổ đau nhất. Trong thế kỷ thứ hai mươi, nhân loại đã phải chứng kiến bạo chúa Andolf Hittle, một kẻ điên khùng, đắm chìm tăm tối trong nỗi ham muốn quyền lực. Bắt đầu là Chủ tịch Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa (1921), rồi Thủ tướng Đức (1933), rồi là Lãnh tụ và Thủ tướng đế quốc kiêm nguyên thủ quốc gia nắm quyền Đế quốc Đức (1934). Rồi hắn thiết lập chế độ độc quyền quốc gia xã hội của Đệ tam Đế quốc, cấm tất cả các đảng đối lập và bức hại các đối thủ chính trị. Hắn thúc đẩy một cách có hệ thống quá trình tước đoạt quyền lợi và sát hại khoảng sáu triệu người Do Thái châu Âu cùng một số nhóm chủng tộc, tôn giáo, chính trị khác, được gọi là cuộc Đại đồ sát dân Do Thái. Hắn cũng là người châm ngòi nổ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Hắn cũng là một tác nhân chính tạo nên thảm hoạ khốc liệt của cuộc chiến tranh này.
Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, Các chiến sự đã xảy ra gần như nữa ẩu địa cầu, tại Đại Tây Dương, châu Âu, Bắc Phi, Trung Đông, Địa Trung Hải, Thái Bình Dương và phần lớn của Đông Á và Đông Nam Á. Cuộc chiến kết thúc tại châu Âu khi Đức đầu hàng vào ngày 8 tháng 5 năm 1945 nhưng vẫn còn tiếp diễn tại châu Á cho đến khi Nhật đầu hàng vào ngày 2 tháng 9 năm 1945. Khoảng 62 triệu người đã bị chết do cuộc chiến này (thống kê vẫn tiếp tục nghiên cứu), kể cả các hành động tàn sát diệt chủng của Đức Quốc Xã (Holocaust). 60% người chết là thường dân, chết vì bệnh dịch, nạn đói, nạn diệt chủng và bom đạn. Thiệt hại nặng nhất là Liên Xô với 23 triệu người chết, Trung Quốc với 10 triệu người, theo phần trăm dân số thì là Ba Lan với 16% (5,6 triệu người chết so với 34,8 triệu người trước chiến tranh). Chiến tranh thế giới thứ hai là một cuộc chiến tranh toàn diện, kể cả dân thường không ở mặt trận cũng bị đánh bom hàng loạt. Vũ khí nguyên tử, máy bay phản lực, ra-đa v.v. là một số phát minh trong cuộc chiến này.
Muôn đời nhân loại không thể quên được sự khốc liệt, chết chóc, kéo lùi sự phát triển của lịch sử từ cuộc chiến tranh này, của những kẻ điên khùng đắm chìm trong cuộc đua tranh quyền lực, mà điển hình nhất chính là Andolf Hitler.
Những con người này đã đắm chìm trong niềm ham muốn. Tâm thức họ đã bị cầm tù, trong những nhà tù tiền bạc, nhà tù tính dục, nhà tù danh vong và nhà tù quyền lực. Đó là bốn dạng ham muốn điển hình. Bốn dạng ham muốn này mà con người trở thành ba độc. Con người trở thành si mê và con người trở nên tham lam. Có si mê, có tham lam và rồi sân hận sẽ kéo đến ngay theo đó. Con người trở thành Vô Minh. Con người tự hành hạ mình. Con người hành hạ lẫn nhau. Con người trở thành hận thù với nhau, cuộc sống trở thành địa ngục.
Hãy nhận biết và xa cách với ba độc này, từ cái gốc là sự ham muốn.
3
Hãy bắt đầu với SI, bằng khái niệm tách rời. Tách rời không phải là gắn bó. Gắn bó và tách rời không phải cặp nhị nguyên của nhau.
Ham muốn quyến luyến, ham muốn hưởng thụ, ham muốn chiếm đoạt một vật nào đó, một sự việc nào đó, một con người nào đó, một đối tượng nào đó,… thì đó là gắn bó. Bình thường thấy một cái đẹp, thấy thức ăn ngon, thấy một tình huống thoải mái, thấy một môi trường thân thiện,… ham muốn nảy sinh ra để thưởng thức nó, để được chìm vào nó, được mất đi trong nó, đó là gắn bó. Gắn bó nghĩa là ham muốn trở thành bị trói buộc, ham muốn được chìm ngập trong cái gì đó bởi việc mất đi bản thân con người. Con người tù túng trong sự gắn bó đó. Những trường hợp điển hình: ham muốn tiền bạc của Arpagong, ham muốn tính dục của Trụ của Kiệt, ham muốn danh vọng của Herostratos danh và quyền lực của Hitler, đấy là sự ham muốn đã bị chìm ngập, đã mất đi bản thể của những con người đó. Đó chính sự gắn bó vô minh. Những con người đó thực sự đã bị cầm tù trong những niềm ham muốn điên rồ.
Chán ghét có nghĩa là kinh tởm nảy sinh khi thấy cái gì đó đã tận hưởng được; ham muốn nảy sinh để thoát khỏi nó, để quay lưng lại nó. Khi có ham muốn hướng về một vật thì đó là gắn bó, khi có ham muốn rời xa một vật thì đó là chán ghét. Chán ghét nghĩa là gắn bó đảo ngược. Với người đàn bà này người đàn ông bị kéo lại gần, với người đàn bà khác người đàn ông muốn chạy xa. Chán ghét, không phải là tự do khỏi gắn bó, nó chỉ là gắn bó đảo ngược. Trong chán ghét có ham muốn. Chán ghét và gắn bó là cặp nhị nguyên của nhau; đều có nguồn gốc từ ham muốn.
Tách rời là vượt lên gắn bó và chán ghét; nó không cùng một cấp độ. Nó thiếu vắng gắn bó và thiếu vắng chán ghét. Sướng không có đó. Không có ham muốn tiền bạc, không có ham muốn tình dục, không có ham muốn danh vọng và không có ham muốn quyền lực, không ham muốn bất kể một cái gì khác. Đó là khi con người đã có hạnh phúc. Hạnh phúc đã không liên quan gì tới được và mất. Hạnh Phúc không liên quan gì tới ham muốn tiền bạc, tiền bạc nhiều con người có thể sướng, nhưng sẽ thù ghét nhau. Hạnh phúc không liên quan gì tới xác thịt tới đàn ông và đàn bà, đó là tính dục, hạnh phúc là sản phẩm của Tình yêu. Hạnh phúc cũng chả liên quan gì tới danh vong, vì hạnh phúc là cái ở bên trong, danh vọng là cái hão huyền ở bên ngoài. Càng nhiều quyền lực thì sướng có nhưng hạnh phúc thì không, vì các nhiều quyền lực thì càng tạo ra oán thù. Không có thu thêm cái gì để được hạnh phúc, cũng không có mất cái gì để được hạnh phúc. Hạnh phúc nó nằm ở bên trong. Hạnh phúc trở thành riêng của con người, không có kích thích từ bên ngoài; không có gắn bó, cũng không có chán ghét, cả hai đều thành vô nghĩa. Không còn ham muốn nảy sinh thì đó là tách rời.
Không có ham muốn nảy sinh, không phải là không có những điều ham muốn. Không có tiền bạc, ham muốn tiền bạc càng nhiều hơn. Không có Tình dục, ham muốn Tình dục càng khát khao hơn. Không có danh vọng, ham muốn danh vọng càng mãnh liệt hơn. Không có quyền lực, ham muốn quyền lực càng sục sôi hơn. Càng hạn chế ham muốn, ham muốn càng ẩn sâu vào trong bản thể, nó sẽ chuyển vào trong mơ, nó sẽ kích động đam mê, nó sẽ được tích tụ và nó sẽ bùng phát. Trong thiếu thốn, trong kìm nén ham muốn càng mạnh mẽ hơn càng sắc bén hơn. Xa rời tiền bạc, xa rời tình dục, xa rời danh vọng, xa rời quyền lực chưa phải là trạng thái thực của tách rời. Hãy cảnh giác với việc xa rời này. Xa rời không có nghĩa là hết, những cái đó, khi nó quay lại sẽ mạnh mẽ hơn, sẽ bạo tàn hơn.
Tiền bạc có đó, đàn ông và đàn bà có đó, danh vọng và quyền lực có đó; nhưng ham muốn không nảy sinh. Con người không chìm đắm trong nó. Không có ham muốn chạy theo nó. Đó là tách rời. Ở sâu bên trong, ham muốn không nảy sinh; mọi thứ tiền bạc, tính dục, danh vọng và quyền lực hiện diện, không có ham muốn nào nảy sinh; cũng không có ý định chống lại nó; con người vẫn nơi hiện tại, mọi thứ vẫn hiện diện bên ngoài, suy nghĩ ở bên trong không tạo ra bất kỳ hấp dẫn hay chán ghét nào, đó chính là trạng thái tối hậu của tách rời.
Ai sẽ quyết định vấn đề này? Các bậc chứng ngộ dạy rằng phải chính chúng ta. Chính mỗi người trong chúng ta phải hiểu sâu sắc điều này này. Chính mỗi người trong chúng ta phải tự quyết định điều này. Không ai có thể quyết định được cho chúng ta. Định nghĩa của tách rời là ở chỗ tâm thức nằm bên trong, lắng vào trong bản thân; không gì lôi kéo được và cũng không có gì tạo ra bất kì loại gợn sóng hay cơn sóng nào trong bản thể, không có cách nào để có thể làm cho con người thành bất hạnh nữa. Định nghĩa này là của riêng mỗi chúng ta, người tìm kiếm. Để ta có thể vào sâu bên trong, xây dựng cho mình một tiêu chuẩn, một chuẩn mực, để có thể kiểm tra chính mình. Điều khác đi cũng là vô nghĩa; tiêu chuẩn đó, chuẩn mực đó là của chính chúng ta, không để soi vào cho người khác, không để soi vào cho người thân, không để soi vào cho con cái.
Tách rời vượt lên ham muốn, vượt lên chán ghét; tách rời làm con người tỉnh thức; tách rời là bước thang tới cánh cửa phúc lạc.
4
Với Tham hãy tìm hiểu về khái niệm TỪ BỎ. Theo các bậc chứng ngộ đây là khái niệm phức tạp. Nghĩa chung của nó có thể là từ bỏ của cải của mình. Thực tế cần phải hiểu sâu sắc hơn.
Khi Đức Phật từ bỏ, Ngài đã từ bỏ cung điện của mình, từ bỏ Vương quốc của mình, từ bỏ mọi vàng bạc châu báu, từ bỏ mọi tiện nghi vương giả, từ bỏ quyền lực, từ bỏ danh vọng, từ bỏ mọi sự sùng bái,… Ngài đã từ bỏ mọi thứ. Nhưng tất cả mọi thứ đều đã có đó, có đó cả khi trước khi Ngài sinh ra. Nó đã từng là của Cha của Ngài, nó đã từng là của Ông Nội của Ngài. Rồi sau khi Ngài từ bỏ, tất cả mọi thứ đều còn đó, nó không mất đi, người khác nắm giữ. Nó sẽ là của con của Ngài, rồi là của cháu nội của Ngài… Vậy từ bỏ, là từ bỏ quyền sở hữu. Đó là một khía cạnh của từ bỏ, chưa phải từ bỏ toàn bộ.
Đức Phật dạy Vô thường Vô ngã. Từ bỏ phải hiểu rằng không có của cải nào thực sự là của cải. Không có của cải nào là của cải, dù ở ngay thế giới này hay ở thế giới khác. Của cải đơn giản không trường tồn. Hãy bắt rễ vào trong suy nghĩ, của cải không tồn tại. Jesus gọi là nghèo trong tâm linh. Những người kinh nghiệm cái nghèo của mình trong linh hồn là những người từ bỏ. Họ biết rằng linh hồn đơn giản không có của cải, rằng không có của cải trong linh hồn. Luân hồi là do duyên nghiệp. Luân hồi không phải để tiếp tục một kiếp mới với kho tàng của cải đã được tích tụ từ tiền kiếp. Cái tích tụ được, nếu có, cho một kiếp mới là cái khác. Có thể là cái rất nghèo trong cái mà nhiều người đang quan tâm. Và điều thú vị là ở chỗ khoảnh khắc tâm thức đi tới nhận ra rằng chẳng liên quan gì tới của cải, trong chính khoảnh khắc đó cái bất tử được kinh nghiệm… chính khoảnh khắc đó. Đó là điều Các bậc chứng ngộ đã dạy.
Một khía cạnh khác nữa, không nắm giữ ngay từ chỗ đầu tiên. Nhiều nhà Tôn giáo vì một lý do gì đấy, đã dạy cho môn đồ của mình, biến việc từ bỏ của cải thành một thứ của cải khác. Người ta từ bỏ tiền bạc của cải để đổi lấy uy tín. Người ta từ bỏ tiền bạc của cải để đổi lấy đức hạnh. Người ta từ bỏ tiền bạc của cải để đổi lấy giấy thông hành vào một thế giới khác sau khi chết. Người ta từ bỏ tiền bạc của cải bây giờ để đổi lấy hàng ngàn lần tiền bạc và của cải ở thế giới bên kia. Ngay trong hành động từ bỏ đó, họ đã không buông bỏ quyền sở hữu của mình. Họ cố gắng níu bám. Họ đã thu xếp, họ đã tính toán để cho tiền bạc của cải có thể nhiều hơn. Hãy cảnh giác với kiểu từ bỏ này. Nó thuộc về hai loại người; một là loại người tính toán, vì tham lam mà họ từ bỏ, họ hy vọng kiếm được lợi lạc hơn ở thế giới bên kia; loại thứ hai là loại ngây thơ, ngây thơ tin vào những nhà Tôn giáo giả hiệu. Đó là từ bỏ giả hiệu.
Từ bỏ phải là sự biến mất của thái độ nắm giữ, trong mọi chiều. Thuờng con người là cố chấp, lòng tham là cố chấp; người ta từ bỏ cái này nhưng lại cố gắng nắm giữ thứ khác. Từ bỏ tiền bạc, nhưng cố gắng nắm giữ đức tin, tin vào việc làm phúc của mình sẽ được lợi lạc về sau. Từ bỏ chức tước, nhưng lòng kiêu hãnh lại sáng lên, sáng lên vì đã từ bỏ. Lòng tham làm con người tinh ranh. Không nắm giữ được thì níu bám. Từ bỏ gia đình, nhưng lại nắm bám vào đạo tràng, đó chưa phải là từ bỏ tuyệt đối. Từ bỏ cuộc sống trần tục nhưng thế rồi níu bám vào những phép tu tiên, tu thánh; đó càng không phải là từ bỏ tuyệt đối. Đó là còn níu bám.
Cho nên từ bỏ không có nghĩa là từ bỏ của cải, từ bỏ không có nghĩa là từ bỏ gia đình, từ bỏ không có nghĩa từ bỏ quyền lực và danh vọng, từ bỏ không có nghĩa là từ bỏ cuộc sống trần tục. Từ bỏ nghĩa là buông bỏ thái độ níu bám, thái độ nắm giữ. Việc biến mất của thái độ nắm giữ, thái độ níu bám là từ bỏ.
Chính là qua loại từ bỏ này mà những người biết tới thực tại tối thượng để đi vào cái bất tử, cái bất diệt. Việc từ bỏ này sẽ là khả năng chỉ nếu con người bắt đầu sống với nhận biết lớn lao. Thế thì từ bỏ không còn là hành động bên ngoài nữa, mà trở thành trạng thái bên trong của hiện hữu. Người thức tỉnh vẫn còn tỉnh táo và tỉnh thức rằng nắm giữ phải không đóng lại trên bất kì cái gì, níu bám phải buông bỏ trên mọi phương diện, tất cả không còn cái gì trở thành sự tù túng. Không cái gì giới hạn được người đó. Khi người ta sống với nhiều nhận biết thế, thế thì người ta đang sống trong trạng thái từ bỏ.
Từ bỏ và tách rời là cánh cửa đi tới Phúc lạc.
5
Với Sân là khái niệm TỬ TẾ. Tử tế trong cái toàn bộ của cuộc sống.
Câu chuyện Thiền nổi tiếng của Thiền sư Hakuin, với câu trả lời: Thế à. Khi người ta Hùng hổ kéo đến Thiền viện sỉ vả, vu oan rằng, ngài đã làm một cô gái mang thai. Ngài lạ lẫm: Thế à. Rồi người ta mang đứa trẻ đến và bảo đây là con ngài, bắt ngài phải nuôi dưỡng, ngài thản nhiên: Thế à. Năm tháng qua đi, ngài lặng lẽ, nhọc nhằn nuôi đứa trẻ. Khi đứa trẻ lớn lên, người ta đến bắt lại, bảo nó không phải là con ngài. Ngài điềm nhiên tự tại: Thế à.
Đó không phải là dửng dưng. Đó không phải là mặc kệ. Đó là tử tế. Tử tế hành động, tử tế chấp nhận, tử tế nuôi nấng, tử tế trao trả và tử tế với mọi điều không tư tế. Ngài không đứng ngoài cuộc đời, ngài đi bên cùng cuộc đời, ngài chứng kiến và ngài hành động với sự Tử tế của mình.
Cuộc sống vốn nhị nguyên, có đêm và có ngày, ánh sáng và bóng tối, vui và buồn, tích cực và tiêu cực. Chúng không hề tách rời nhau. Tử tế trong cái toàn bộ của cuộc sống, là tử tế với cái tích cực và tử tế cả với cái tiêu cực.
Tích cực có, nhưng tiêu cực sẽ xuất hiện liền ngay sau đó. Không thể có chỉ tích cực và không có tiêu cực. Điều đó là không tưởng, điều đó là phi tư nhiên. Muốn thấy sự huy hoàng của ánh sáng, con người phải có kinh nghiệm về bóng tối. Có đau khổ day dứt về nỗi buồn, mới thấy được sự tràn trề của niềm vui. Niềm vui có cái gì đó đóng góp cho sự trưởng thành của cuộc sống và nỗi buồn cũng vậy. Niềm vui đem tới sự tươi tắn, tuổi trẻ; niềm vui đem tới điệu vũ cho trái tim bạn. Nỗi buồn cũng đem tới nhiều món quà, nhưng nếu con người lại trốn khỏi nỗi buồn, thì con người đó không thể nhận biết về những món quà này. Buồn bã đem tới im lặng mà không niềm vui nào có thể đem tới được. Vui vẻ bao giờ cũng có chút ít ồn ào; buồn bã hoàn toàn im lặng. Vui vẻ bao giờ cũng có chút ít nông cạn; buồn bã thì sâu sắc, nó có chiều sâu. Vui vẻ bao giờ cũng làm con người quên đi bản thân mình; sẽ dễ dàng hơn để đắm chìm vào niềm vui. Nó giữ con người trong trạng thái vô ý thức. Buồn bã đem tới sự sáng tỏ bởi vì con người không thể nhấn chìm bản thân mình trong nó được. Cũng vậy, tích cực làm con người dễ thành công; tiêu cực là con người dạn dày. Tích cực làm con người thỏa mãn, làm con người sung sướng; tiêu cực làm con người nhận biết. Con người không thể đắm mình trong tiêu cực được, phải đứng ở ngoài, bởi vì con người không muốn nó, và con người sẽ nhận biết được nó. Hãy chấp nhận cả cái tiêu cực, chấp nhận cả nỗi buồn, để nhận biết thành công từ thất bại.
Trong sự hoà hợp nhị nguyên như vậy, mong muốn cái tích cực, cũng phải chấp nhận cái tiêu cực, nó sẽ đến ngay sau đó. Tiêu cực và tích cực bao giờ cũng cân bằng nhau; con người có nhiều hạnh phúc, cũng như sãn sàng có bất hạnh. Đỉnh núi cao khi đi cùng thung lũng, thung lũng càng sâu, thì đỉnh núi càng cao. Con người không thể tránh được cái chết, nếu níu bám lấy cuộc sống. Chính cuộc sống đem lại cái chết. Nếu sống mãnh liệt, đam mê, con người sẽ nhận biết về cái chết nhiều hơn là người sống theo kiểu dửng dưng, hờ hững, không mãnh liệt và không đam mê trong cuộc sống của mình. Người đó không thể rất tỉnh táo về cái chết được. Càng lao sâu vào trong cuộc sống, nhận biết của con người về cái chết sẽ càng lớn hơn. Điều tích cực và tiêu cực liên tục cân bằng lẫn nhau. Xin đừng dửng dưng với cuộc sống, sống hết mình theo mọi chiều của chiều của cuộc sống.
Tiêu cực và tích cực là hai mặt của một đồng tiền, đồng tiền vàng cuộc sống. Không tử tế với cái tiêu cực, vậy ứng sử thế nào với cái tích cực đến ngay sau đó? Cái tích cực đến ngay sau đó, con người sẽ ngượng ngập, sẽ không chiêm bái được hết các cung bậc tuyệt vời của nó. Cũng vậy, Không thể lấy ghét bỏ, để loại trừ ghét bỏ. Không thể lấy thù hận để loại bỏ thù hận, thù hận vẫn có đó; Thù hận được nuôi dưỡng bởi thù hận, nó sẽ mạnh lên, nó sẽ bạo tàn hơn. Xin hãy dùng Tình yêu để hoá giải thù hận. Chỉ có Tình yêu mới bước qua được thù hận. Chỉ có Tình yêu cuộc sống mới nhận biết được hết màu sắc, hết cung bậc của cuộc sống khi đã kinh nghiệm qua sự thù hận. Xin hãy tử tế với mọi điều bằng Tình yêu của mình. Tử tế với cái tích cực trong tính toàn bộ của nó và tử tế với cái tiêu cực trong tính toàn bộ của nó. Đó là tỉnh táo, đó là nhận biết và cuộc sống sẽ siêu việt, sẽ thành Niết bàn, con người thành Thượng đế.
6
Tách rời vượt lên ham muốn, vượt lên chán ghét; tách rời làm con người tỉnh thức, tránh được mọi điều Si mê; Từ bỏ, buông bỏ thái độ níu bám, thái độ nắm giữ, con người vượt lên sự Tham đắm; bắt đầu từ Tách rời, đến Từ bỏ con người sẽ Tử tế được với mọi điều Sân hận; đó là Niết bàn, con người trở thành Thượng đế. Đó là không gian ba chiều của Hỷ xả.
Có thể hiểu được Hỷ xả, nhưng chưa thể biết được Hỷ xả.
Bài viết này lấy cảm xúc từ các bài nói của Osho, và một số các bài viết của các tác giả khác. Xin bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả những Tác giả và Dịch giả của các bài viết, bài nói mà chúng tôi đã sử dụng để làm tư liệu và cảm xúc để viết bài này; xin chân thành hồi hướng công đức nhỏ bé của mình tới Quý vi. Nam mô Bổn sư Thích Ca Màu Ni Phật. Nam mô Chứng minh sư Bồ Tát Ma ha tát.
Hits: 38