Người Tu và Con Mắt Thứ Hai

  04/01/2016 17:50:00 Thích Đạt Ma Phổ GiácĐã đọc: 1381          https://tamhoc.org/dulieu/giaophap/nghevathuchanh/Nguoituvaconmatthu2_files/like.htmlCỡ chữ: 

image

Trên con đường tu học, nếu ta không can đảm bỏ bớt con mắt thứ hai, mà thậm chí còn thêm nhiều con mắt khác vào, ta không dứt khoát, không can đảm, không chịu buông xả, vậy làm sao ta có đủ khả năng để vươn lên, vượt qua cạm bẫy cuộc đời, trên cầu thành Phật, dưới cứu độ tất cả chúng sinh.

Nói đến con mắt thứ hai là nói đến cái thấy phân biệt của con mắt. Có ba người đi chợ cùng ghé vào hàng vải để mu, nhìn xấp vải cô A khen đẹp, chị B lại chê xấu, thím C thì thấy không đẹp mà cũng không quá xấu. Đẹp hay xấu tùy theo cách nhìn và sự phân biệt của mỗi người, vì sự hiểu biết, nhận thức không ai giống ai, nên có đẹp xấu khác nhau là vậy. Trong mỗi người chúng ta, ai cũng có hai con mắt, nhưng con mắt nào là mắt chánh, con mắt nào là con mắt thứ hai.

 Mắt chánh thì thấy biết đúng như thật mà không thêm một cái gì vào, nên thấy chỉ là thấy. Như chúng ta đi ra ngoài chợ, người-vật-đồ đạt được hiện bày trước mắt, đủ thứ sắc thái, hình ảnh xanh, vàng, đỏ, trắng, nhưng ta không chen vào một ý niệm nào, ta chỉ thấy như thế rõ ràng, không lầm lẫn.

 Có người hỏi thiền sư Bồ Tát Nghìn Tay Nghìn Mắt, “mắt nào là mắt chánh?”

 Thiền sư nói, “ví như người trong đêm tối, với tay ra phía sau tìm chiếc gối, ngay khi ấy là mắt chánh”.

 Trong đêm tối không có đèn, cái gì biết mà tìm gối? Khi chúng ta đã sống với con mắt chánh rồi thì con mắt thứ hai không thể tác động được. Vậy tất cả quý vị chọn mắt nào? – Dạ mắt chánh!

 Hai con mắt, nếu ta chỉ mắt trái hay mắt phải thì cả hai đều không đúng, vì cả hai đồng thời thấy thì bảo làm sao có con mắt thứ hai được? Vây ai trong chúng ta có thể chỉ ra được?

 Bồ Tát Nghìn Tay là tượng trưng cho việc làm không biết mệt mỏi vì lợi ích tha nhân, sẵn sàng dấn thân, đóng góp, chia sẻ và nâng đỡ để mọi người sống thương yêu nhau bằng trái tim hiểu biết. Ngàn mắt là tượng trưng cho trí tuệ sáng suốt, biết soi sáng lại chính mình và muôn loài vật mà không bị người-vật làm ngăn ngại, nhờ tâm định tĩnh sáng trong. 

 Để làm thế nào biết được con mắt thứ hai, chúng ta hãy nghe câu chuyện đức Phật trong một kiếp quá khứ, đang trên đường hành Bồ Tát đạo. Thuở ấy, Ngài đang làm vua trị vì thiên hạ, sống một đời vương giả, thụ hưởng cả cung vàng điện ngọc, vợ đẹp, con ngoan, và tất cả thần dân thiên hạ.

 Do túc duyên nhiều đời đã biết tu nhân tích đức, nhà vua chán ngán ngai vàng, không còn thiết tha, mong muốn những lạc thú trên trần gian này nữa. Ngài bỏ hết tất cả để đi vào rừng sâu, chuyên tu thiền định, mong được sớm giác ngộ, giải thoát mà cứu độ chúng sinh.

 Hoàng hậu hay tin nên đuổi theo và cuối cùng, gặp được nhà vua trên đường đi. Hoàn cảnh éo le như vậy, vua muốn tiến tu mà vẫn bị chướng ngại vì tình chồng, nghĩa vợ. Vua hết lòng năn nỉ và khuyên nhủ bà hãy quay về, tiếp tục hưởng vinh hoa phú quý, sống đời sung túc, dư dã. Lòng vua đã muốn, nhưng hoàng hậu không buông tha, ví ái ân sâu nặng nên nhất quyết một mực đòi đi theo, thà sống có đôi có lứa, giữ trọn vẹn một lòng chung thủy. 

 Trước tình thế ngặt nghèo đó, vua không biết giải quyết cách nào cho ổn thỏa. Trời Đế Thích muốn tiếp thêm sức mạnh cho ngài để vượt qua vòng luyến ái, nên mới hiện ra một người thợ mộc ở gần bên bìa rừng. Vua và Hoàng hậu vừa đi tới đã thấy anh thợ mộc đang cầm thanh gỗ, nhắm xem coi nó thẳng mực hay chưa? Nhưng anh ta chỉ nhắm bằng một con mắt, vua thấy lạ mới hỏi anh, “vì sao phải nhắm bớt một con mắt?”. Anh thợ mộc nói, “nếu có con mắt thứ hai thì hai con nó tranh nhau, khó nhìn chính xác được”.

 Vua nghe nói vậy, tâm ông bừng sáng ra, nên nghĩ rằng, “ta đã chán cảnh xa hoa, phù phiếm, đua chen, giành giựt của thế gian ái nặng, tình sâu, nên mới đi vào rừng sâu để tìm sự an tĩnh của nội tâm, một lòng muốn vứt bỏ hết mọi thứ trên cõi đời này. Nhưng bên cạnh ta còn có Hoàng hậu theo sau, đó cũng là con mắt thứ hai làm chướng ngại quá trình tu tập của ta”. Nghĩ vậy xong, nhà vua liền cám ơn anh chàng thợ mộc, rồi tiện tay bẻ một cành cây nhỏ đưa cho Hoàng hậu và hỏi rằng, “này, tiện thiếp có thể làm cho cành cây dính trở lại thân của nó như cũ được không?”

 Hoàng hậu thưa, “dạ thưa bệ hạ, không thể nào được ạ”.

 Nhà vua nói, “cũng vậy, khi nào cành cây dính trở lại thân như cũ, thì chúng ta sẽ sống trở lại với nhau, giờ thì chúng ta mỗi người có một con đường riêng”. Nói xong, nhà vua bỏ bà ở lại một mình rồi mất hút trong rừng sâu, để lại trong bà nỗi nhớ, niềm thương trong cô đơn, tiếc nuối và buồn khổ.

 Câu chuyện ngụ ngôn trên đã giúp chúng ta thấy được con mắt thứ hai chưa? Có nhiều người vì con mắt thứ hai nên sống ngu, chết dỡ suốt cả một đời, mà chưa có một ngày thật sự hạnh phúc. Tại sao chúng ta không dám can đảm nhắm bớt một con mắt, để được sống đời bình yên, hạnh phúc mà không bị phiền não tham-sân-si và mọi thứ ràng buộc của thế gian chi phối.

 Bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau chiêm nghiệm lại lời nói của anh thợ mộc coi ý nghĩa sâu xa của nó như thế nào. Nếu có con mắt thứ hai thì hai con nó tranh nhau nên khó nhìn chính xác khúc gỗ thẳng hay cong. Người tu như chúng tôi đã phát nguyện trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh, từ bỏ gia đình người thân để kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống nhằm thực hiện lý tưởng giác ngộ, giải thoát mà cùng nhau chia vui, sớt khổ.

 Nếu chúng ta không dứt khoát và có lập trường vững chắc, cứ để luyến ái tình thâm ràng buộc hoài, thử hỏi làm sao ta thực hiện ước mơ và hoài bão của mình. Tiền tài, danh vọng, vợ đẹp, con ngoan, uống ăn và ngủ nghỉ cứ như thế mà trở thành con mắt thứ hai, đeo bám ta dai dẵng từ đời này sang kiếp khác, không có ngày thôi dứt.

 Trên con đường tu học, nếu ta không can đảm bỏ bớt con mắt thứ hai, mà thậm chí còn thêm nhiều con mắt khác vào, ta không dứt khoát, không can đảm, không chịu buông xả, vậy làm sao ta có đủ khả năng để vươn lên, vượt qua cạm bẫy cuộc đời, trên cầu thành Phật, dưới cứu độ tất cả chúng sinh.

 Ta cũng phải mạnh dạn và can đảm dứt khoát như nhà vua thì họa may mình mới có thể thực hiện lý tưởng cao cả, trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh. Ta dám chấp nhận bỏ cha mẹ, xa lìa người thân yêu, để sống đời giác ngộ, giải thoát, nhưng ta lại không chịu buông tất cả, để được tất cả như đức Phật khi xưa.

 Ta bây giờ có gì để buông, sự nghiệp chưa có, tình yêu cũng không, mọi thứ ta đang sống đều nhờ vào tấm lòng của Phật tử bốn phương, họ phải nhín ăn, bớt mặc để ta có thời gian mà tu học.

 Ta chỉ chuyên làm một việc như vậy, mọi cái, mọi thứ đều có người khác lo, nên khi mới xuất gia, trước tiên ta phải cắt ái, lìa người thân, để sống đời giải thoát, thế mà ta không chịu, cứ lình xình, lẹp xẹp, để cho tháng ngày trôi qua suông.

 Bây giờ, chúng ta hãy quán lại kỹ, coi thế gian này có gì là quan trọng để đáng cho ta luyến tiếc, đam mê, say đắm hay không? Người tu chúng ta phải lấy trí tuệ làm đầu, nhờ có trí tuệ, ta mới soi sáng được mọi vật mà biết rõ nguyên nhân, để ta không tham đắm, luyến tiếc, bị dòng đời cuốn trôi.

 Thân này già mà ta bảo nó không già được không? Thân này bệnh ta bảo nó không bệnh được không? Thân này chết ta bảo nó không chết được không? Cái mà nó theo ta hằng ngày, ta còn không giữ được, huống hồ là những thứ khác.

 Vậy mà ta vẫn sống với con mắt thứ hai hoài, ta phải can đảm như nhà vua mới được. Cầm nhánh cây đã bẽ gãy trên tay, vua hỏi người đẹp, “thiếp có thể làm dính cành cây với thân cây lại được không? Nếu không thì hai ta mỗi người có một con đường riêng, nàng hãy ở lại để tiếp tục con đường của nàng, ta phải đi để đến con đường của ta. Vì ta biết khi ta đến đó, ta vẫn ăn-uống-ngủ nghỉ-làm việc và phục vụ như bao người khác, nhưng ta có tâm trong sáng và định tĩnh, nhờ vậy ta hay soi sáng muôn loài vật mà không bị ai làm chướng ngại. Ta chấp nhận xa lìa người thân, dứt tình ân ái, để đi đến phương trời cao rộng mà không lúc nào bị con mắt thứ hai làm mê mờ”.

 Ngày xưa, thiền sư Triệu Châu trong một lần về thăm bổn sư, vị thầy thế phát xuất gia; gia đình, người thân hay tin đến thăm đông đảo. Sư biết vậy liền nói, “lưới ái trần tục không có ngày thôi dứt, ta đã từ bỏ để sống đời cao thượng, nên không muốn gặp lại”. Nói xong, sư liền mang bát ra đi liền trong đêm đó.

 Ta phải mạnh dạn và dứt khoát như vậy, mới có thể làm nên việc lớn mà cứu người, giúp thế gian. Sau nàu, thiền sư Triệu Châu nổi tiếng khắp thiên hạ và sống đến 120 tuổi, độ vô số người, không thể tính kể. Nhờ dứt khoát không chấp nhận để con mắt thứ hai làm lay động, nên thiền sư đã thành tựu đạo giác ngộ, giải thoát một cách dễ dàng.

 Thiền sư Hoàng Bá nói:Vượt khỏi trần lao việc khó làmNắm chặt đầu dây giữ lập trườngChẳng phải một phen sương lạnh buốtHoa mai đâu dễ ngửi mùi hương!

 Ta muốn sống đời an lạc, hạnh phúc với lý tưởng cao thượng, ta phải dứt khoát lìa khỏi con mắt thứ hai, để vượt qua phong ba, bão táp của cuộc đời. Nhưng muốn được như vậy thì ta phải làm sao? Nắm chặt đầu dây giữ lập trường, ta phải cương quyết, mạnh dạn hơn, một đi không trở lại, hai đi không trở về, ba đi vì quyết chí, vượt thoát mọi trần lao, để ta và người cùng nhau thưởng thức hương thơm và mùi vị của hoa mai. Vậy có ai dám dứt khoát và can đảm bỏ con mắt thứ hai, để thưởng thức hương vị của hoa mai không?

Hits: 45

Trả lời