Bông hoa nhân quả

  08/10/2010 06:30:00 Pháp ĐăngĐã đọc: 6497          https://tamhoc.org/dulieu/giaophap/nhanqualuanhoi/Bonghoanhanqua_files/like.htmlCỡ chữ: 

image

Nghiệp Báo

Gieo bắp được bắp

Chỉ cần nhìn vào cách sống trong hiện tại thì ta có thể bắt đầu thấy được kết quả trong tương lai, không cần phải tìm câu trả lời từ người khác, thời gian khác hoặc nơi chốn khác. Thông thường, người ta dùng giáo lý nhân quả nghiệp báo để trả lời cho câu hỏi này. Họ thường nói:

“Ông tu ông đắc, bà tu bà đắc.

 Gieo gió gặp bảo,

Nghiệp người nào thì người nấy trả…”

Trả lời như thế đã có thể lóe lên một tia sáng về nơi chốn và hậu quả trong tương lai. Tuy nhiên, câu trả lời ấy chỉ mới trúng một phần, bởi vì trong nhân gian cũng có câu:

“Cha ăn mặn con khát nước,

Phước đức ông bà để lại cho con cháu,

Bụng làm dạ chịu…’’

Điều này chứng tỏ giáo lý ‘nhân quả nghiệp báo’ rất sâu sắc và vi diệu. Tuy thế, ta có thể nhìn nhân quả nghiệp báo vận hành tối thiểu theo hai đường hướng: Đó là nghiệp chung (cộng nghiệp) và nghiệp riêng (biệt nghiệp).

        Trước hết, ta phải hiểu nghiệp là gì? Chữ ‘nghiệp’ được dịch từ chữ ‘karma’ trong Phạn ngữ có nghĩa là hành động (action). Nghiệp gồm có ba loại: hành động của thân thể (thân nghiệp), hành động của lời nói (khẩu nghiệp) và hành động của suy tư, ý nghĩ (ý nghiệp). Ba loại hành động này mỗi khi phát ra thì chúng biến thành năng lượng ảnh hưởng tới bản thân, con người và hoàn cảnh chung quanh. Một câu nói có thể làm cho người khác sung sướng, hạnh phúc và tin yêu hoặc có thể làm cho kẻ khác buồn tủi, đau khổ và tuyệt vọng. Mỗi hành động, mỗi suy tư cũng đều như thế.

          Thầy Linh Tuyền là tri viên của chùa Từ Dung ở Hà Tiên. Mỗi khi chăm sóc cho hai cây trà mi trong chậu, thầy thường phát ra ý nghĩ khen ngợi, tán thán cây trà mi bên phải: “Con thật xinh đẹp, xanh tươi, mạnh khỏe, đáng quí”. Trong khi đó, thầy nguyền rủa cây bên trái: “Mi thật là xấu xí, già nua, đáng ghét, vô tích sự.” Thầy làm công việc suy tư như vậy đối với hai cây trà mi thường xuyên trong thời gian ba tháng. Kinh ngạc thay! Cây trà mi bên phải càng ngày càng xanh tươi, nở thật nhiều bông hoa xinh xắn. Trái lại, cây trà mi bên trái trở nên èo ọp, héo mòn. Nó chẳng nở được bao nhiêu hoa mà hoa lại rất xấu. Đó là cách thí nghiệm của thầy để thấy rõ sự tác động của ý nghĩ trên hai cây trà mi. Thầy làm như thế thật tội nghiệp cho cây trà mị bên trái. Chuyện này chẳng có gì phải nghi ngờ nữa. Ý nghĩ trong sáng, lành mạnh luôn tạo ra năng lượng nhẹ nhàng, an vui. Ý nghĩ đen tối, độc hại chắc chắn tạo ra năng lượng nặng nề, buồn đau. Năng lượng lành hay dữ đều biểu hiện rõ ràng trên nét mặt và đời sống của ta.

       Vợ chồng anh Minh có sáu đứa con nhóc nheo nên cả vợ lẫn chồng làm lụng vất vả mà vẫn luôn luôn thiếu hụt. Trận lụt năm 1999 ảnh hưởng khắp xứ Huế, nặng nhất là ở các thị xã ven sông và hai bên đồng ruộng. Gia đình anh Minh mất hết của cải, vườn tượt, mùa màng. Nhà cửa đều hư hoại. Do đó, cả nhà phải nhịn đói lâu ngày. May mắn thay! Có ông chú họ từ ngoại quốc trở về thăm quê hương, thấy tình cảnh như thế, liền giúp cho gia đình anh một số tiền nhỏ để sống cầm chừng cho qua những ngày túng thiếu. Cả nhà vợ con đều hết sức sung sướng, mừng mừng tủi tủi. Anh Minh cảm thấy nhẹ nhõm cả tâm hồn. Đang vui phơi phới, bỗng nhiên, anh khởi lên ý tưởng muốn ăn món cá thu kho với bún tươi còn nóng hổi. Đói khát đã lâu ngày nên ước muốn ấy tạo ra một sự thèm khát đến nổi nước miếng cứ trào ra trong miệng anh. Ước muốn ấy là năng lượng, là hành động của ý (ý nghiệp). Nó thúc đẩy anh phải đi lên tới chợ Đông Ba tìm mua cá thu cho bằng được. Hành động đi ra chợ chính là năng lượng thôi thúc của thân thể. Ra tới chợ, thấy những con cá thu còn tươi xanh và ngon lành, anh liền mua đem về nhà. Đó là năng lượng thèm khát của thân thể (thân nghiệp). Trong khi đó, vợ con thiếu ăn đã nhiều ngày nên thân thể của họ ốm o. Lúc nấu món cá thu, người vợ liền than thở: “Anh không nên tiêu pha như thế! Anh phải biết thương vợ thương con. Tiền của chú cho không có bao nhiêu. Chúng ta hãy cần kiệm để sống qua cơn nghèo đói này.” Vừa nghe như thế, lòng tự ái của anh Minh lập tức nổi lên. Anh la mắng, rầy rà người vợ không tiếc lời. Đó là năng lượng nóng nảy của lời nói (khẩu nghiệp). Bực mình quá, anh không ở nhà ăn món cá thu cùng vợ con mà cùng chúng bạn nhậu nhẹt bia rượu hết cả số tiền. Cuối cùng, gia đình anh Minh trở lại tình trạng thiếu thốn như trước.

       Chỉ một ý tưởng thèm ăn món cá thu kho với bún tươi khỏi lên cũng đủ làm anh Minh tạo ra bao nhiêu đau khổ cho vợ con. Một món cá thu kho chẳng tốn kém bao nhiêu, nhưng vì tự ái nên anh tiêu sạch hết mấy trăm ngàn của chú, làm cho vợ con phải chịu đói khát. Thật tội nghiệp!

       Đây là câu chuyện có thật. Nó có thể thường xảy ra cho các gia đình, không phải chỉ vì món cá thu như trường hợp của anh Minh mà là sự bất đồng ý kiến, tự ái, nghi ngờ, cờ bạc, nhậu nhẹt… đã làm khổ đau cho nhau và làm tiêu tan hạnh phúc gia đình. Có lúc hành động đưa tới đau khổ gọi là ác nghiệp như trường hợp trên. Cũng có lúc, hành động đem lại an vui, hạnh phúc gọi là thiện nghiệp như bố thí, thương yêu, chăm sóc… Gặp lúc thiên tai, lụt lội, kẻ ít người nhiều góp sức gửi tiền về giúp đồng bào đang đói khát, rét lạnh, bệnh tật. Nhờ lòng thương xót của ta, biết bao người có cơm ăn, áo mặc và thoát khỏi nạn bệnh tật, chết chóc. Đó là những hành động lành có sẵn trong tâm của mỗi người.

       Từ năm 1975 đến 1978, đồng bào vượt biển bị các nhà cầm quyền Mã Lai Á, Singapore, Thái Lan đối xử một cách tàn tệ. Họ không muốn phiền hà bởi sự chứa chấp những người tỵ nạn. Cảnh sát của họ cứ xô đẩy những chiếc thuyền gần như mục nát đầy ắp người ra biển trong lúc mưa to gió lớn. Họ chẳng thương tưởng gì tới tính mạng, sự than khóc, kiêu la cầu cứu của người tỵ nạn. Bên cạnh ấy, đồng bào bị hải tặc Thái Lan hiếp dâm, cướp bóc và chém giết. Cảnh tượng này thật kinh hoàng! Đau khổ thay cho những người vượt biển! Lúc ấy, thế giới chưa biết gì tới tình hình của những người tỵ nạn. Do đó, nhà cầm quyền các nước ấy và hải tặc Thái Lan tha hồ đàn áp, cướp bóc và hãm hiếp thật tàn bạo, tạo ra biết bao cảnh tan thương và chết chóc!

        Sư ông Làng Mai tổ chức ba chiếc thuyền bí mật để cứu người tỵ nạn. Tổ chức ấy có tên ‘máu chảy ruột mềm’. Đích thân Sư Ông điều khiển chương trình cứu người vượt biển. Đồng bào đau khổ thì Sư Ông cũng đau khổ không kém. Đó là hành động đại từ đại bi của một người bằng xương bằng thịt. Người đã cứu vớt được hàng trăm người vượt biển. Cũng chính nhờ thế, các nước trên thế giới mới biết về sự có mặt của lớp người tỵ nạn bằng thuyền (the boat people) ở các vùng Đông Nam Á. Nhờ vậy, liên hiệp quốc đã xen vào các nước ấy để bảo vệ nhân quyền (human right) và đồng thời tìm nước định cư cho họ.            

       Nghiệp chung là tổng cộng những hành động của một gia đình, một dòng họ hay một đất nước. Việt Nam là một nước có nhiều chiến tranh binh lửa trong suốt chiều dài lịch sử. Tổ tiên của ta đã hy sinh biết bao xương máu tranh đấu với người phương Bắc để thoát khỏi vòng đô hộ, bóc lột, đồng hóa của họ. Sở dĩ, bây giờ vẫn còn dòng giống Lạc Hồng, đó là nhờ vào sức chiến đấu của tổ tiên qua nhiều thế hệ. Ta hăng hái quyết đánh thắng kẻ xâm lăng. Nhưng hết giặc rồi thì những người trong nước lại đánh nhau, điển hình là thời tiền Lê có thập nhị tướng quân, hậu Lê có Trịnh Nguyễn phân tranh, đến Nguyễn Huệ, cuộc chiến Nam Bắc… Bởi thế, trong dòng máu và bản năng người Việt luôn có sẵn năng lượng mạnh mẽ của sự tranh đấu để sống còn. Đó là kết quả phấn đấu bao đời của tổ tiên đã trao truyền lại cho con cháu, và năng lượng này đã trở thành bản năng sinh tồn của người Việt. Chuyện tranh đấu này cũng thâm nhập vào trong các gia đình giữa anh chị em ruột thịt với nhau. Đó là năng lượng chung, nghiệp chung, hành động chung không lành lắm tạo ra biết bao đau khổ cho người Việt.

        Nghiệp riêng là hành động riêng của từng cá nhân, từng gia đình. Gia đình cũng có thể tạo ra hành động riêng khi so sánh hành động của làng xóm hay đất nước, nhưng rõ ràng hơn hết là nghiệp của mỗi cá nhân. Trong một gia đình có năm người con nhưng không có ai giống ai cả. Mỗi người có một tính nết riêng biệt, có người hiền lành, có người hung dữ, có người thông minh, lanh lẹ nhưng cũng có người ù lì, chậm chạp. Cũng cùng một cha mẹ nhưng năng lượng, tính tình, khả năng, dáng vóc của mỗi đứa mỗi khác do sự trao truyền khác biệt của ông bà tổ tiên, và đặc biệt là do nghiệp riêng của từng người con.

       Cùng đi trong một chiếc xe, cả bốn người đều chết trong một tai nạn chỉ trừ em bé mới hơn một tuổi vẫn còn sống. Em bé ấy bị văng ra khỏi hai tay của mẹ, lọt qua cửa xe và rơi ngay vào dòng sông. Nên em không bị thương tích trầm trọng gì cả. Tại sao thế? Theo cách hiểu của một số người, đó là nhờ vào năng lượng lành của em bé trong quá khứ. Cho nên em được bình an vô sự. Có người lại bảo em bé may mắn mà thôi. May mắn cũng được hoặc năng lượng lành cũng được, miễn sao là em bé vẫn còn sống là quí lắm rồi.

        Nghiệp riêng cũng có thể hiểu theo cách di truyền và giáo dục. Bố là bác sĩ thì con cái có cơ hội trở thành bác sĩ nhiều hơn. Sống bên bố nên các con tự động bắt chước công việc của bố. Đó là chưa nói tới hạt giống y học đã có sẵn trong tâm thức của bố trao truyền lại cho con cái. Mẹ là cô giáo thì con cái cũng có cơ hội trở thành cô giáo nhiều hơn. Đó là một sự thật thường xuyên xảy ra. Nghiệp riêng của gia đình là năng lượng, tài năng, kinh nghiệm, kiến thức được huân tập qua nhiều thế hệ. Bởi thế, cha mẹ sống hạnh phúc, thương yêu nhau thì lớn lên tự động các con cũng biết thương yêu và sống hạnh phúc với vợ hay chồng của chúng.

        Đó là ý nghĩa của sự huân tập, trao truyền và giáo dục để hành động, bản tính và tâm tư của mỗi người trở nên lành mạnh, đẹp đẽ thì gia đình và xã hội cũng sẽ lành mạnh, đẹp đẽ.

Cõi về trong em

       Đạo Bụt có nói tới chánh báo và y báo. Chánh báo là con người. Y báo là môi trường sống. Chánh báo làm ra y báo, và y báo ảnh hưởng trở lại chánh báo. Tức là con người tạo ra môi trường sống và nó ảnh hưởng trở lại đời sống của con người. Ta tạo ra máy vô tuyến truyền hình, các chương trình tin tức, ca nhạc, quảng cáo, phim ảnh… Xem các chương trình ấy, ta cũng hồi hộp, lo âu, vui buồn… Ta chế ra điện thoại di động để truyền thông. Mỗi khi điện thoại reo lên, ta nôn nóng bắt nó lên để trả lời. Ta hồi hộp, lo âu, bận rộn với nó. Nếu không biết làm gì, ta lấy nó ra để gọi chơi cho bớt đi nỗi trống trải trong tâm hồn. Điện thoại di động có ảnh hưởng thật sự tới phẩm chất đời sống của mọi người.

       Tôi về Làng Mai cách đây mười sáu năm. Làng Mai là quê hương tâm linh của tôi. Không ai bắt tôi về đó mà chính tôi muốn về. Tôi sinh ra là để trở thành đứa con của Làng Mai; nói cách khác, tôi thuộc về Làng Mai. Nơi ấy có Thầy, có các sư anh, sư chị và sư em, có pháp môn thực tập, giáo lý sâu sắc, có tình Thầy trò, tình huynh đệ, có rừng cây râm mát, bãi cỏ xanh tươi… Làng Mai là người mẹ nuôi dưỡng tâm hồn tôi, cho nên nó là “một cõi đi về” của đời tôi.

      Một sinh viên y khoa chịu khó kiên trì chăm học. Đêm ngày, anh đọc sách, nghiên cứu và học hỏi thì kiến thức y học, dược học và cơ thể của anh giàu có lên gấp bội lần. Vì vậy, trở thành bác sĩ là chuyện đương nhiên. Cũng vậy, nếu ta có khuynh hướng ăn chơi, nhậu nhẹt và bài bạc thì ta sẽ tìm về chốn sòng bài, quán rượu có những người ăn chơi, nhậu nhẹt và cờ bạc. Ta muốn kiếm ra nhiều tiền để ăn chơi, đánh bạc cho thỏa thích. Lâu ngày, nếu không có tiền thì ta nghĩ tới chuyện trộm cắp tiền của gia đình hoặc bà con hàng xóm. Và nếu không may mắn, ta có thể bị bắt, bị đánh đập hoặc đi vào chốn tù đày.

         Ta có thể tin rằng: nhân nào quả nấy, sống sao chết vậy. Đó là chuyện không thể nào tránh thoát. Ham muốn nhiều thì khi chết, ta sẽ tìm về nơi ham muốn đầy dục vọng của các loài súc sinh. Sân hận nhiều thì khi chết, ta sẽ đi về chốn lửa hồng của hận thù. Sống an lạc, nhẹ nhàng, thanh thoát thì khi chết, ta sẽ bước vào cõi thênh thang của tự do, thanh tịnh. Ưa làm thơ thì sẽ có một ngày thành thi sĩ. Ưa viết văn thì thế nào cũng thành nhà văn. Ưa âm nhạc thì trước sau gì sẽ thành nhạc sĩ. Ưa ca hát thì trước sau gì cũng trở thành ca sĩ. Thế thôi!

        Tóm lại, ta sẽ đi về đâu. Qua cái nhìn hiện thực về hành động của thân thể, lời nói và tư duy, nó trở nên quá rõ ràng mà không còn có bí hiểm. Thấy như thế, ta sẽ không bị những nỗi băn khoăn, lo lắng, suy tư làm nát óc nữa.

Hạt giống là gốc của mọi hành động

       Nghiệp có thể định nghĩa là hành động lành, là năng lượng tốt mỗi khi nó biểu hiện qua thân thể như: cứu người, săn sóc, đỡ đần, qua lời nói như: khích lệ, xây dựng, thương yêu hoặc qua cách tư duy nhẹ nhàng, lành mạnh. Trong khi đó, nghiệp dưới hình thức cô đọng hoặc ẩn tàng là nguồn năng lượng mà Duy Biểu Học gọi là hạt giống. Khi hạt giống bùng nổ tức là hành động đang xảy ra. “Chủng tử trở thành hiện hành” thì nó mới thật sự có tác động tới sự sống của ta và mọi người chung quanh.

       Khi hạt giống sân hận nằm yên chưa phát khởi thì cơn lửa chưa bùng cháy. Vì vậy, ta có thể sống an lành và hạnh phúc. Ta có thể nói lời hòa nhã với mọi người, nở nụ cười với sư em, và biểu lộ tình thương cho con mèo. Thế mà, mỗi khi nghe một lời nói không vừa ý, xúc phạm tới tự ái, cơn giận bắt đầu nổi dậy. Ngọn lửa bùng nổ trên mặt ý thức nên ta cảm thấy bất an, khó chịu. Nếu không biết thực tập bảo hộ cho nó thì ta la mắng thật hung dữ, đập phá một cách bạo động, tạo ra khổ đau cho ta và người chung quanh. Như thế, năng lượng của nghiệp đã chứa sẵn trong chiều sâu tâm thức.

         Con người là tổng thể của các hành động. (Men is the totality of his actions). Theo Duy Biểu Học, sự sống của ta được làm bằng các dòng sông thân thể, cảm thọ, tri giác, tâm hành và tâm thức. Nhìn vào nội dung của những dòng sông ấy, ta hiểu được bản chất của đời mình. Mỗi suy nghĩ, mỗi cử chỉ, mỗi ánh mắt, mỗi lời nói… đều tạo ra năng lượng tác động trên thân tâm và ảnh hưởng tới mọi người chung quanh. Nó có công năng làm cho ta và mọi người chung quanh vui buồn, khổ lạc… Và sau đó, năng lượng này sẽ dồn trữ lại trong tàng thức dưới hình thức những hạt giống gọi là nghiệp.

       Tàng thức chính là kho chứa của tất cả những hạt giống, là nhà máy giữ gìn năng lượng nghiệp lực. Năng lượng này là sức mạnh đẩy ta đi về tương lai. Hành động đang xảy ra qua ba nghiệp như lời nói, cử chỉ bàn tay và ý nghĩ có thể thấy được, bởi vì nó ở trên phương diện hình tướng. Ta băng bó cho con mèo, tưới nước cho chậu cây, giúp rửa vài cái nồi là những hành động lành. Ngồi yên lắng nghe bạn tâm sự, viết lá thư nâng đỡ tinh thần cho em là những hành động dễ thương có tính chất nuôi dưỡng. Cũng thế, những tên ăn trộm đang suy nghĩ cách ăn cướp tiệm vàng bên cạnh nhà. Cách đi, đứng, nhìn…của họ có vẻ không còn tự nhiên nữa. Họ bàn tính với nhau lúc nào có thể đột nhập để cướp vàng… Do đó, cảnh sát tình báo có thể giám sát đến hành động và sắc mặt của những tên ấy thì có thể tìm cách ngăn chặn hay tóm được hành động bất chính của họ. Ta suy nghĩ chuyện này rồi chuyện kia, người thương kẻ ghét, buồn giận trách móc… Nếu có chánh niệm, ta có thể thấy được dòng điện suy tư, bởi vì chúng đang diễn biến trên vùng ý thức.

        Trái lại, khi các hạt giống là năng lượng ngấm ngầm ở dưới tàng thức thì ta không thể thấy được, bởi vì chúng thuộc về bản thể của nghiệp mà danh từ chuyên môn gọi là “dẫn nghiệp”. Cũng giống như điện, tuy chưa phát ra ánh sáng từ những ngọn đèn hoặc âm thanh từ những máy dĩa, nhưng dòng điện vẫn đang hoạt động ngấm ngầm trong dây điện. Ta không thấy hình tướng của điện nhưng vẫn có điện lực nơi từng sợi dây và ổ điện. Chỉ cần cắm sợi dây vào ổ điện thì bóng đèn sẽ sáng lên, máy nhạc sẽ phát ra thành dòng nhạc.

       Tóm lại, ta có thể nói tất cả những hành động đều do hạt giống trong tàng thức tạo thành. Một người hát hay, bởi người ấy đã có sẵn hạt giống về âm nhạc. Các nhạc sĩ nỗi tiếng như Mozart, Chopin, Trịnh Công Sơn…đã có sẵn tài năng âm nhạc trong chiều sâu tâm thức. Do đó, mới có tám tuổi mà Mozart đã có thể làm ra nhiều bản nhạc hết sức phức tạp, sâu sắc và tuyệt vời. Có thể âm nhạc trong Ông đã có mặt từ lâu đời nhiều kiếp, nên nó chỉ biểu hiện ra thành tài năng. Từ nhận thức này, câu hỏi “ta sẽ đi về đâu?” trở nên quá rõ ràng và thiết thực. Ta đi đâu đều tùy thuộc ở bản chất của tất cả các hạt giống trong tàng thức.

       Những hạt giống này là gia sản thiêng liêng của cha mẹ, ông bà và tổ tiên trao truyền bằng con đường di truyền (genetic inheritage). Bên cạnh đó, có loại hạt giống được huân tập từ thời thơ ấu. Khi còn bé, tâm thức ta rất nhạy bén, do đó, sự tiếp nhận qua con mắt, lỗ tai, tình cảm, suy tư thật sâu đậm. Ta chưa biết gì nhiều nên thân tâm là một tờ giấy trắng. Cha mẹ, bạn bè, học đường, xã hội có thể tô điểm lên những vết son của tươi sáng, niềm tin, hạnh phúc, tha thứ… hay in vào đó những vết đen của buồn chán, lo âu và hận thù. Tiếp xúc với cái gì thì ta là cái đó.

Hits: 22

Trả lời