Hành Trình Bồ Tát Thường Bất Khinh

  02/07/2013 13:17:00 Thiên HạnhĐã đọc: 2662          https://tamhoc.org/dulieu/giaophap/botatdao/Hanhtrinhbotatthuongbatkhinh_files/like.htmlCỡ chữ: 

Bấy giờ có vị Tỳ kheo Bồ Tát tên Thường Bất Khinh. Đắc Đại Thế! Vì cớ gì tên là Thường Bất Khinh? Vị Tỳ Kheo đó phàm khi ngó thấy hoặc Tỳ kheo, Tỳ kheo ni hoặc ưu bà tắc, ưu bà di, thảy đều khen ngợi lễ lạy mà nói rằng :” Tôi rất kính quý ngài, chẳng dám khinh mạn. Vì sao? Vì quý ngài đều tu hạnh Bồ Tát đặng làm Phật.” (Kinh Pháp Hoa_Phẩm Thường Bất Khinh Bồ Tát)

Đã cảm vì một chân lý thường tại, thấy vì chân lý ấy vốn hiện hữu quanh đây, ngay trước mắt mình, cảm và thấy để rồi bộc lộ trong một hành vi trong ngần tưởng uyên nguyên bất tuyệt, chính Ngài đã nói thay chân lý hay chí ít, Ngài đã là sứ giả của chân  lý: Bồ Tát Thường Bất Khinh.

Nhãn quan biện chứng vô ngại
  Không có bóng dáng của sự phân khúc cắt lớp trong cái nhìn.Với tầm nhìn xuyên thời gian, Ngaì nói hộ chúng ta về cái bản sở thiện tính trong mỗi con người__điều khiến cho tầm giá trị muôn đời của một chúng hữu tình được khẳng định. Khả tính giác ngộ  đó là điều có thật, cho dù bây giờ đang hiển hiện trước mắt chúng ta là ai đi chăng      nữa : Sang cả-nghèo hèn, tài năng hay dốt nát,…Họ đều là những vị Phật, họ sẽ thành Phật, điều đó thật đáng trân trọng biết nhường nào!

Sự kính trọng tự bản chất là vô điều kiện
Như dòng sông vốn vô tư trong lộ trình về với biển cả, Ngài kính trọng tất cả những ai trên hành trình tiếp cận, bởi sự kính trọng đúng nghĩa là vô điều kiện. Đáng tiếc thay  cho nhân loại trên cõi thế được mệnh danh là hành tinh xanh này, bởi đã như muôn  đời truyền kiếp tồn tại những phương cách hành xử theo quy luật đối đãi, trong đó có cả cặp phạm trù đối đãi kính trọng và xem thường( khinh khi)_sự khinh trọng có điều kiện!
Có gì lạ không, khi tôi kính trọng người đó vì họ là thầy tôi, là ân nhân của tôi, là bạn tôi,…Lại thêm nữa, tôi kính trọng vì họ giàu có địa vị hơn tôi, họ tài giỏi hơn tôi, học vị họ cao hơn tôi,…còn ở phiến diện kia thì sao, quả sẽ không ít người đã và đang rơi vào hố sâu của sự khinh miệt kỳ thị những ai theo họ là thấp kém hơn mình, đó chính là thái độ xem thường những người nghèo khó, thiếu trình độ, địa vị thấp hơn mình,  thậm  chí còn sanh tâm ghê tởm những ai bần cùng đói rách, ra mặt xa lánh hoặc xua đuổi(!). Thế mới có cái gọi là giai tầng, giai cấp, thượng trung hạ lưu!
Bồ Tát Thường Bất Khinh_ vạn lần tri ân Ngài vì hình ảnh Ngài là bài học bất tư nghì đối với tất cả chúng ta: Hãy trân trọng vô điều kiện với tất cả mọi người, dù đó là ai.  Nếu ai cũng luôn an trú trong công hạnh đó, cuộc sống sẽ bình an hạnh phúc, các mối tương tác trong xã hội này thật có ý nghĩa nhường nào. Hãy học tập hạnh biết kính trong để mọi người cùng được lớn lên.

Những gì thuộc bề nổi hay hình thức chủ nghĩa đều rơi rụng
  Ngài là hình ảnh của Bậc Trí giả giúp chúng ta có lối hành xử chính đáng, không bị vướng mắc vào những rào cản hình thức của đối tượng( thói đời: quen sợ dạ, lạ sợ áo quần). Đó chính là tri kiến chân thật( như tinh thần thọ ký nhất xiển đề thành Phật của Như Lai).
Bởi chạy theo hình thức mà biết bao người đã phải lao tâm khổ tứ để tạo dựng cho riêng mình một cơ ngơi hoành tráng, một địa vị khả dĩ để khi ra đời đủ để ngẩng mặt thị uy ; một học vị đủ để gây sự cả nể và tạo sức nặng cho phát ngôn ở chốn đông người, mặt khác là những phương tiện hào nhoáng trong sự mặc nhiên khẳng định một đẳng cấp nào đó,… nhưng đằng sau những gì phô bày đó thực chất là gì, chỉ biết rằng chủ nhân ông của chúng là những nạn nhân đúng nghĩa.
  Bồ Tát Thường Bất Khinh_Tri ân Ngài vì đã khai thị cho chúng con những gì thuộc về tinh túy cốt lõi và là chân giá trị của cuộc đời này.

Là niềm tin vào con người, vào cuộc đời
   Để có được niềm vui bạn hãy nhìn vào vẻ đẹp của một bông hoa, cũng như thế, hãy nhìn vào những đức tính tốt đẹp của mỗi con người. Khi dùng kiến quan tích cực ta sẽ thấy con người thật đáng yêu thương và trân trọng, cuộc sống quả thật diệu kỳ và chứa chất bao điều ý nghĩa( tinh thần tâm tịnh_độ tịnh của Kinh Duy Ma). Bởi bi quan chính là tâm lý của những kẻ bệnh hoạn từ trong những khởi đầu suy nghĩ. Đó là điều đáng tiếc cho những tâm hồn chưa được khai mở, thiếu tin tưởng vào chính mình và cả tha nhân.

Sự khiêm hạ với trí tuệ không phải là hình thức khiêm tốn đối phó xã giao
    Ngài nói những điều Ngài thấy, từ tư duy đến ngôn ngữ bộc bạch không mảy may bị khúc xạ bởi những ý tưởng ngụy tạo_sản phẩm của phiền não được ngôn cú hóa nhằm gây hưng phấn ảo giác cho người, tạo cơ hội hiện thực hóa động cơ ám muội về phía mình như cách đãi buôi thường thấy trong nhân gian. Sự vĩ đại ở đây chính là sức mạnh của niềm tin, sừng sững cao vời, bất chấp tất cả những vụn vặt đớn hèn của thói đời hơn thua ăn miếng trả miếng :

Trái qua nhiều năm như vậy, thường bị mắng nhiếc, chẳng sanh lòng giận hờn, thường nói:” Ngài sẽ làm Phật”. Lúc nói lời đó, chúng nhơn hoặc lấy gậy, cây, ngói, đá để đánh ném, Ngài liền chạy tránh đứng xa mà vẫn to tiếng xướng rằng:” Ta chẳng dám khinh quý Ngài, quý ngài đều sẽ thành Phật”.
       (Kinh Pháp Hoa_Phẩm Thường Bất Khinh Bồ Tát)

   Không ồn ào khoa trương mà dung dị hòa ái, đức tính khiêm cung như viên ngọc tâm hồn làm thăng hoa mọi nếp nghĩ, sáng trong ngay ở cách nhìn. Mới hay kính trọng người là kính trọng mình . Năng lượng của Bồ Tát Thường Bất Khinh trong mỗi con người sẽ đưa chúng ta đi xa hơn nâng chúng ta lên cao hơn trên lộ trình trở về cảnh giới giác ngộ

Hits: 44

Trả lời