13/02/2014 17:20:00 Thích Huệ PhápĐã đọc: 3314 https://tamhoc.org/dulieu/giaophap/nhancach-xahoi/Phatgiaonguyenthuycongbangxahoi_files/like.htmlCỡ chữ:
Các nhà tư tưởng Bà-la-môn đã tạo ra một xã hội phân chia đẳng cấp dựa theo chủng tộc hay thân thế của một người; trong khi đó, Phật giáo phân chia xã hội theo sự phát triển về tinh thần và đạo đức.
ĐĐ. Thích Huệ Pháp
Tiến sĩ Phật học. Đại học Delhi
Xã hội Ấn Độ thời đức Phật ra đời đầy dãy những bất công, bởi xã hội bị phân chia thành nhiều đẳng cấp khác nhau. Những đẳng cấp thấp bị tước hết những quyền căn bản của cuộc sống, họ sinh ra chỉ để phục vụ và nô dịch cho các tầng lớp cao hơn. Vào thời gian cách đây đến 2.500 năm, khi đó xã hội loài người còn chưa phát triển, không chỉ có Ấn Độ mới có một xã hội bất công như thế, cả thế giới này chúng ta có thể gọi tên không biết bao nhiêu là quốc gia mà người dân luôn là kẻ bị tước đoạt nhân quyền. Ngày nay, chúng ta vẫn còn chứng kiến nhiều quốc gia mà bất công trong xã hội vẫn còn hiện diện. Điều đó cho thấy, vào thời kỳ đó, Phật giáo đã làm một cuộc cách mạng để giải phóng con người khỏi ách bóc lột của các tầng lớp trên nhân danh Thượng đế để chiếm hữu tư liệu sản xuất quan trọng và gay go như thế nào!
Trước khi bước vào phân tích quan điểm của Phật giáo đối với công bằng xã hội, chúng ta thử xem hệ thống đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ thời ấy được quy định như thế nào trong bộ luật Manu của Hindu giáo.
1. LUẬT MANU
Ấn Độ giáo là tên sau này của Hindu giáo, hiện giờ được coi là tôn giáo chính của đất nước có trên một tỷ dân. Hindu giáo có mặt trên đất nước Ấn Độ từ rất sớm và đã để lại cho nhân loại nhiều học thuyết, trong đó ba bộ Thánh kinh là Vệ Đà, Upanisad và Chí Tôn Ca phản ảnh mọi mặt của cuộc sống vào thời gian đó. Ngoài ba bộ kinh điển thiêng liêng của Hindu giáo, bộ luật Manu ra đời nhằm điều chỉnh mọi hành vi trong cuộc sống xã hội. Từ bộ luật ấy, chúng ta sẽ thấy tư tưởng phân biệt đối xử đẳng cấp thể hiện rất rõ và đã tồn tại rất lâu trong xã hội Ấn Độ cách đây hơn 2.500 năm.
Bộ luật Manu của Ấn Độ cổ là một tác phẩm luật xuất hiện sớm nhất trong xã hội loài người. Đây là bộ luật có thể nói đã thể hiện bao quát hết mọi mặt của cuộc sống xã hội. Bộ luật gồm 12 chương, với 2.385 điều, được cho là đã xuất hiện vào khoảng năm 1.200 trước Công Nguyên. Đây là công cụ mà đẳng cấp Bà-la-môn dùng để kiểm soát xã hội. Hầu hết là những luật điều chỉnh hành vi xã hội do hai đẳng cấp Bà-la-môn và Sát Đế Lợi đặt ra, nhằm đem lại cho họ những quyền lợi to lớn trong xã hội.
Luật Manu quy định rõ ràng về những nghĩa vụ và bổn phận của mỗi đẳng cấp khác nhau, cho đó là những lời đấng Phạm Thiên mong muốn sau khi Ngài hoàn tất công việc tạo ra thế giới:
“Để bảo vệ Vũ Trụ này, đấng Phạm Thiên Toàn Năng đã phân công nhiệm vụ khác nhau cho những người được sinh ra từ miệng, cánh tay, đùi và bàn chân của Ngài”.[1]
“Đối với đẳng cấp tăng lữ Bà-la-môn (được sinh từ miệng đấng Phạm Thiên – NV) được phân công giảng dạy và học tập (thánh điển Vệ Đà), chủ trì tế lễ vì lợi ích của chính họ và người khác, được cho và nhận (của bố thí)”.[2]
“Đối với đẳng cấp Sát Đế Lợi – Vua quan (Kshatriya), đấng Phạm Thiên giao phó cho việc bảo vệ người dân, ban tặng quà cáp, được tham dự cúng tế, học kinh điển Vệ Đà, và tránh không sa vào những thú vui nhục dục”.[3]
“Đối với người thuộc Phệ Xá – Thương buôn (Vaisya) ban cho việc chăm sóc gia súc, ban cho quà tặng, tham gia cúng tế, học kinh điển Vệ Đà, buôn bán, vay tiền và khai phá đất đai”.[4]
“Một bổn phận duy nhất mà đấng Phạm Thiên ban cho đẳng cấp Thủ Đà La (Sudra) là phục vụ một cách tận tình cho ba đẳng cấp trên”.[5]
Điều đó cho thấy, đẳng cấp Thủ Đà La đã bị bóc lột một cách tàn nhẫn như thế nào! Những đẳng cấp trên được trao cho nhiều công việc béo bở, được đấng Phạm Thiên ưu ái trao cho quà tặng, được tham gia cúng tế, học tập kinh điển để mở mang trí óc. Trong khi đó, đấng Toàn Năng, đấng Chiếu Khắp chỉ trao cho đẳng cấp Thủ Đà La một vai trò duy nhất, một vai trò chẳng ai muốn nhận. Thế nhưng đó là điều mà bộ luật điều chỉnh hành vi xã hội của Ấn Độ cổ quy định nên không thể không thi hành.
Sự phân cấp giai tầng đó còn được thể hiện bất công qua việc hôn nhân cưới hỏi với quy định một người thuộc đẳng cấp Bà-la-môn có quyền cưới người phụ nữ thuộc cả ba đẳng cấp dưới, còn người thuộc đẳng cấp Thủ Đà La chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là cưới vợ cùng đẳng cấp với mình:
“Luật quy định rằng, một người phụ nữ thuộc đẳng cấp Thủ Đà La chỉ có thể là vợ của người cùng đẳng cấp; người thuộc đẳng cấp Phệ Xá có thể có vợ đẳng cấp Phệ Xá và Thủ Đà La; người đẳng cấp Sát Đế Lợi có thể có vợ cùng đẳng cấp mình và cả hai đẳng cấp thấp hơn; cả ba người thuộc đẳng cấp thấp nhất có thể làm vợ của người thuộc đẳng cấp Bà-la-môn”.[6]
Xã hội hầu như không có một biện pháp nào bảo vệ quyền lợi cho đẳng cấp Thủ Đà La. Bộ luật được coi là cổ nhất lịch sử loài người chỉ chăm chăm bảo vệ quyền lợi của tầng lớp Bà-la-môn và Sát Đế Lợi, với những điều luật như:
“Một người thuộc đẳng cấp Thủ Đà La, cho dù bị mua hay không mua, anh ta có thể buộc phải làm công việc nô lệ, vì anh ta được sinh ra cho việc đó, là làm nô lệ cho đẳng cấp Bà-la-môn”.[7] Hay “Một người đẳng cấp Thủ Đà La dù được giải phóng bởi chủ của mình, vẫn không thoát khỏi tình trạng nô lệ, vì đó là tình trạng bẩm sinh của anh ta, ai có thể giải thoát cho anh ta được?”[8]
Và khi ra tòa, một người thuộc đẳng cấp Bà-la-môn chỉ cần một cuộc nói chuyện là ổn thỏa; đẳng cấp Sát Đế Lợi thì chỉ cần khai báo thành thật; đẳng cấp thứ ba thì bị cảnh cáo phạt lúa, bò, tiền; còn đẳng cấp Thủ Đà La thì bị răn đe, trừng phạt rất nặng nề.[9]
Một người Sát Đế Lợi phỉ báng người thuộc đẳng cấp Bà-la-môn sẽ bị phạt một trăm tiền, sẽ bị phạt từ một trăm năm mươi đến hai trăm nếu đó là người đẳng cấp thứ Phệ Xá, và sẽ là nhục hình đối với một người Thủ Đà La dám phỉ báng đẳng cấp Bà-la-môn.[10] Ngược lại, nếu là một người Bà-la-môn phỉ báng người thuộc ba đẳng cấp kia sẽ bị phạt tiền theo thứ tự trên xuống như sau: năm mươi, hai mươi lăm và mười hai. Nếu một người Thủ Đà La chưởi mắng, thóa mạ ba đẳng cấp kia thì sẽ bị trừng phạt cắt lưỡi v.v…
Nói chung, rất nhiều điều luật hiện hành trong luật Manu đều đem lại sự bất lợi cho các đẳng cấp thấp, thiên vị đối với hai đẳng cấp mà luật cho là thượng đẳng: Bà-la-môn và Sát Đế Lợi. Với những gì ghi trong luật Manu của Ấn Độ giáo, chúng ta thấy có tất cả năm loại quyền lợi mà người thuộc đẳng cấp thấp bị tước đoạt là:
a. Không có quyền lợi về chính trị.
b. Không có được cơ hội và lợi ích về kinh tế.
c. Không có được công bằng xã hội.
d. Không có quyền công bằng về tôn giáo.
e. Không có cơ hội công bằng về xét xử.[11]
Trong khi đó, cũng vào thời gian đó, ở hai quốc gia Yona và Kamboja chỉ có hai giai cấp được thành lập, đặc biệt vai trò giai cấp của họ có thể thay đổi. Hai giai cấp đó là chủ nhân và người làm công. Vị trí đó bị hoán đổi nếu chủ nhân phá sản hay không còn khả năng kinh tế và ngược lại, người làm công, đầy tớ nếu tích tụ của cải, có thể trở thành chủ nhân ông, thuê lại người chủ củ của mình để làm công.[12] Hệ thống xã hội đó giống với xã hội chúng ta ngày nay.
2. PHẬT GIÁO
Đức Phật đã chỉ ra những sự thật đáng chú ý về sự khác biệt giữa người này với người kia trong xã hội qua những gì đề cập trong kinh Vasettha. Ngài đưa ra quan điểm của mình chủ yếu là để phá hủy cấu trúc xã hội già cỗi, một cấu trúc xã hội dựa trên nền tảng nguyên tắc hẹp hòi về đẳng cấp, tín ngưỡng, gia tộc và bất công. Ngài muốn thiết lập một xã hội mới dựa trên nền tảng bình đẳng, tình anh em và công bằng xã hội. Những nguyên nhân sau được đưa ra để cho thấy không có một lý do nào để tồn tại cái gọi là hệ thống đẳng cấp trong xã hội:
a) Về sinh học.
b) Về nghề nghiệp.
c) Về lịch sử.
d) Về xã hội.
e) Về đạo đức.[13]
“Sinh học”
Để làm sáng tỏ lý do về sinh học, đức Phật nói với hai thanh niên dòng dõi Bà-la-môn tên là Vasettha và Bharadvaja rằng, không có chỉ dấu khác biệt lớn nào giữa loài người với nhau, trong khi đó những loài động thực vật mới có tướng sinh dị biệt khác nhau:
“Hãy xem loại côn trùng
Bướm đêm, các loài kiến,
Chúng có tướng thọ sinh,
Do sanh, có dị loại.
Hãy xem loại bốn chân,
Loại nhỏ và loại lớn,
Chúng có tướng thọ sinh,
Do sinh, có dị loại v.v…”[14]
Ta cũng thấy rằng, không có sự khác nhau giữa những người thuộc đẳng cấp này với những người thuộc đẳng cấp khác. Có lẽ nào, tóc tai mũi lưỡi chân tay của đẳng cấp Bà-la-môn dài hơn, to hơn, trắng hơn những thứ đó của đẳng cấp Thủ Đà La? Ở các loài sinh vật, thực vật chúng có sự khác nhau để phân loại này với loài khác, hình dáng con mèo khác hoàn toàn so với con bò, con cá, con heo. Và trong cùng loài với nhau như loài bốn chân, cũng đã có hàng trăm hình dạng khác nhau. Thế nhưng, chúng ta không thấy những điểm khác nhau rõ ràng trên của hơn bảy tỉ người để có thể phân loại.
Có sự khác nhau giữa cảm thọ hạnh phúc và khổ đau giữa các đẳng cấp? Lẽ nào đẳng cấp Bà-la-môn khi tạo ác nghiệp không bị sa vào các cõi ác thú địa ngục, hay chỉ có những tầng lớp khác mới chịu hậu quả như thế? Một khi quả dị thục chín muồi thì không có sự phân biệt đẳng cấp, ai cũng phải chịu ác báo giống nhau. Lại nữa, lẽ nào chỉ có giai cấp Bà-la-môn mới có từ tâm, lương thiện, từ bỏ ác nghiệp khi mạng chung được sinh lên thiên giới, còn các giai cấp khác thì không? Hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng điều đó là đúng.
Có phải chỉ có ngọn lửa của người thuộc đẳng cấp Bà-la-môn sáng hơn, nóng hơn ngọn lửa của các đẳng cấp khác? Cả hai người đó cùng kiếm lửa, tạo ra lửa bằng một loại cây giống nhau, vậy thì hai ngọn lửa đó có khác nhau về màu sắc, sức nóng không?
Ngay cả trong cùng một giai cấp Bà-la-môn, nếu một người đọc tụng, thông hiểu thánh điển Vệ Đà thì sẽ được mọi người tôn kính và cúng dường hơn những người không đọc tụng và thông hiểu thánh điển. Và hơn thế nữa, một Bà-la-môn không đọc tụng, không thông hiểu thánh điển nhưng có trì giới, hành thiện pháp thì được tôn kính, cúng dường hơn người thông hiểu thánh điển nhưng không trì giới và hành thiện pháp. Điều này nói lên rằng, giá trị của một người không nằm ở đẳng cấp mà đến từ khả năng kiến thức và đạo đức mà người đó sở hữu.[15]
Hai chàng trai trẻ Bà-la-môn tranh luận với nhau rằng: “Nếu ai thiện sinh từ mẫu hệ, phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không bị một vết nhơ nào, không bị một dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sinh, như vậy là làm một vị Bà-la-môn”.[16] Luận cứ này cũng không vững chắc, bởi trong luật Manu của Ấn giáo cho phép một người thuộc đẳng cấp Bà-la-môn được lấy vợ thuộc mọi đẳng cấp, nghĩa là có thể lấy vợ thuộc đẳng cấp Thủ Đà La kia mà. Nhà Phật học lừng danh Asvaghosa đặt nghi vấn về vấn đề này như sau: “Nếu cho rằng, mình thuộc đẳng cấp Bà-la-môn vì có cha mẹ thuộc dòng dõi Bà-la-môn, thì tôi phản đối điều đó trừ khi tổ tiên của họ phải thuần chủng, nghĩa là phải quan hệ huyết thống. Còn trong những trường hợp khác như cha là Bà-la-môn, mẹ là Thủ Đà La hoặc ngược lại thì đứa trẻ sinh ra không còn thuộc đẳng cấp Bà-la-môn”.[17] Xa hơn, đức Phật cũng đã chứng minh cho chàng thanh niên Ambattha về việc không có một thứ giai cấp tối thượng, một dòng dõi tinh khiết hơn các dòng dõi khác khi vạch trần lịch sử tổ tiên của chàng thanh niên kiêu mạn này:
Này Ambattha, ngươi thuộc dòng dõi nào? Đức Phật hỏi. Và khi chàng thanh niên trẻ tuổi kiêu mạng ấy trả lời, đức Phật dạy rằng: Này Ambattha, nếu theo phụ mẫu hệ của ngươi về thời quá khứ, thời dòng họ Thích Ca (Sakya) là thầy của ngươi và ngươi là con một nữ tỳ của dòng họ Thích Ca. Tổ tiên của dòng họ Thích Ca là vua Okkhala, vì muốn trao vương vị cho hoàng tử con bà hoàng hậu chính mà vua thương yêu nên đã đuổi những người con lớn của mình ra khỏi nước. Bị tẩn xuất, nên họ đến sống tại một khu rừng bên sườn núi Hy Mã Lạp Sơn. Vị sợ huyết thống của mình bị lẫn lộn với huyết thống khác nên các vị hoàng tử này đã ăn nằm với những người chị của mình. Khi đức vua biết những hoàng tử này vị sợ lẫn lộn huyết thống đang sống ở sườn núi tuyết đã thốt lên rằng: Những hoàng tử này thật là Sakya (cứng như lõi cây sồi), thật đúng là Sakya. Vì thế, vua Okkhala chính là tổ phụ của dòng họ Thích Ca. Vị vua ấy có một nữ tỳ tên là Disa, nữ tỳ này hạ sinh một đứa con da đen, đặt tên là Kanha, khi vừa mới sinh đã biết nói, khiến cho mọi người sợ hãi. Kanda chính là tổ phụ của dòng họ Khahayana, chính là dòng họ của ngươi. Vì thế, dòng họ Thích Ca là thầy của ngươi, và ngươi là con một nữ tỳ của dòng họ Thích Ca.[18]
Thêm nữa, trong cuộc đối thoại với chàng thanh niên Bà-la-môn Assalayana, đức Phật cũng đưa ra chứng minh không có sự khác nhau về mặt sinh học nào đối với con người để từ đó sinh ra phân biệt đẳng cấp. Một người Bà-la-môn sinh ra từ mẹ như trăm ngàn người mẹ khác. Họ cũng mang thai, sinh con và chăm sóc bú mớn. Vậy những người mẹ đẳng cấp Bà-la-môn có gì hơn những người mẹ bình thường khác?[19] Như vậy, ta có thể nói rằng, không có bất kỳ sự khác nhau nào về mặt sinh học để phân chia xã hội thành nhiều đẳng cấp khác nhau như thế.
“Nghề Nghiệp”
Sự khác nhau giữa người này với người kia trong xã hội là dựa trên nghề nghiệp của họ. Ví dụ, một người làm nghề buôn bán, thì họ được xem là thương gia, không phải là nghề nông, không phải thợ săn, không phải ngư ông, càng không phải giới tu sĩ Bà-la-môn:
“Chính do sự hành động,
Được gọi Bà-la-môn,
Chính do sự hành động,
Được gọi Sát Đế Lợi,
Hành động làm nông phu,
Hành động làm công thợ,
Hành động làm lái buôn,
Hành động làm nô bộc.”[20]
Con người không có sự khác biệt nào cả về ngoại hình. Họ khác nhau chăng là từ trí tuệ và nghiệp lực của họ. Đức Phật không công nhận việc một người Bà-la-môn dựa trên căn bản từ việc sanh ra, cũng như không chấp nhận việc Bà-la-môn tuyên bố họ sinh ra từ miệng của Đại Phạm Thiên. Một người trở thành Bà-la-môn hay thuộc đẳng cấp Thủ Đà La là do nghiệp lực của họ. Một người trở thành Bà-la-môn không phải do sanh ra trong gia đình Bà-la-môn mà do nghiệp hành thiện của họ. Tương tự như vậy, một người trở thành đẳng cấp thấp bởi hành nghiệp ác của họ.
“Lịch Sử”
Theo lời giải thích của đức Phật trong kinh trên, ta có thể thấy rằng, sự bình đẳng và hòa hợp của con người có thể đạt được. Đức Phật từ chối xác nhận giới đẳng cấp Bà-la-môn tuyên bố về đấng Siêu Nhiên. Trong kinh Khởi Thế Nhân Bổn (Agganna), đã cung cấp cho chúng ta những dữ kiện đáng tin cậy về lịch sử phát triển xã hội loài người.
Theo kinh Khởi Thế Nhân Bổn, thời kỳ đầu khi trái đất hình thành, xã hội loài người lúc đó sống hòa bình và hưởng thụ sự bình đẳng về vật chất. Càng về sau, những hành động bất thiện như trộm cướp, nói láo, tà hạnh xảy ra. Để kiểm soát tình trạng này, nhóm người trong xã hội đó muốn bầu lên một người có sức mạnh, có uy tín để răn đe và trừng phạt những kẻ gây rối. Vì thế, họ tập hợp lại với nhau, chọn một người có dáng dễ nhìn, thông minh và mạnh khỏe để lãnh đạo họ, người này có thể khiển trách và trừng phạt kẻ phạm tội. Đổi lại, họ cung cấp cho anh ta thực phẩm. Như vậy, người lãnh đạo được bầu bởi dân chúng. Những người lãnh đạo đó sau này đã trở thành đẳng cấp vua chúa. Đẳng cấp vua chúa được bầu bởi người dân chứ không phải được tạo ra bởi Thượng đế toàn năng. Và từ suy luận đó, có thể nói những hạng người khác trong xã hội cũng không phải do Thượng đế toàn năng tạo ra. Vì thế, tất cả lý thuyết của Bà-la-môn giáo, tuyên bố trên nền tảng siêu nhiên trở nên vô giá trị. Điều này nói lên rằng, đẳng cấp Bà-la-môn, vì để phục vụ cho lợi ích ích kỷ của mình, đã phân chia xã hội thành nhiều đẳng cấp khác nhau để cai trị và thâu tóm lợi ích kinh tế.
“Xã Hội”
Kinh Madhura chỉ ra rằng, một người thuộc bất kỳ tầng lớp xã hội nào cũng đều được tôn trọng, kính nể từ các tầng lớp khác.[21] Tôn giả Đại Ca Chiên Diên đã chỉ cho đức Vua Madhura rằng không có sự khác biệt nào giữa những người dù khác nhau về chủng tộc, màu da hay đẳng cấp. Tất cả mọi người bất kỳ ở đẳng cấp nào cũng có thể tích lũy làm giàu. Điều đó cũng giống như trong xã hội ngày nay, một người với tiềm lực kinh tế mạnh dễ dàng trở thành ông chủ, và có thể thuê nhiều người làm công cho mình.
Như vậy, sự phát triển về kinh tế quyết định tình trạng xã hội của bất cứ người nào. Vì thế, những cái gọi là chủng tộc, đẳng cấp, màu da không giúp gì cho việc cải thiện tình trạng xã hội của một người.
Trong khi đó, ở một quốc độ khác lại có sự phân tầng rất đặc biệt, hệ thống đẳng cấp của xã hội đó không tồn tại, cũng không có một học thuyết nào cho rằng đẳng cấp do Phạm Thiên sinh ra trong xã hội đó. Một xã hội chỉ có hai giai cấp được nhắc tới, đặc biệt hơn, hai giai cấp này có thể hoán đổi cho nhau dựa vào tình trạng xã hội của họ. Đó là những gì mà kinh Assalayana mô tả:
“Thưa vâng, con có nghe. Trong các quốc độ biên địa như Yona, Kamboja, chỉ có hai giai cấp: chủ nhân và đầy tớ. Sau khi làm chủ nhân, lại trở thành đầy tớ, sau khi làm đầy tớ, lại trở thành chủ nhân”.[22]
Điều đó cho chúng ta thấy, tình trạng xã hội của một cá nhân thông qua tài sản họ có được. Một khi người đầy tớ chăm chỉ làm việc, tích lũy của cải, họ sẽ trở thành ông chủ. Còn người chủ với cái túi trống rỗng, hai bàn tay trắng thì trở lại làm đầy tớ.
Về những sự kiện xã hội, cũng đã nói lên được sự vô lý của cái gọi là hệ thống bốn đẳng cấp của Bà-la-môn. Mối quan hệ của một người với xã hội được đề cập rõ ràng trong kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt[23]. Theo đó, mối quan hệ của một cá nhân được chỉ định qua sáu phương hướng mà đức Phật dạy rõ cho chàng thanh niên Thi Ca La Việt: “Này Gia chủ tử, sáu phương này cần được hiểu như sau: Phương Ðông cần được hiểu là cha mẹ. Phương Nam cần được hiểu là sư trưởng. Phương Tây cần được hiểu là vợ con. Phương Bắc cần được hiểu là bạn bè. Phương Dưới cần được hiểu là tôi tớ, lao công. Phương Trên cần được hiểu là Sa Môn, Bà-la-môn”.
Trong một xã hội có mối quan hệ sâu sắc như vậy, việc mình tạo ra của cải vật chất luôn chia sẻ và sử dụng nó để làm cho gia đình mình hạnh phúc và còn chia sẻ với người khác. Và theo điều này thì hệ thống đẳng cấp là điều bất lợi cho sự phát triển của xã hội. Bình đẳng xã hội cần được thiết lập thông qua phương tiện kinh tế. Cả hai đẳng cấp Bà-la-môn và không phải Bà-la-môn khi sinh ra không có bất cứ phương tiện kinh tế nào trong tay, điều kiện kinh tế của họ dần dần được phát triển. Đôi khi, trong xã hội lúc bấy giờ ta cũng bắt gặp không ít những người thuộc đẳng cấp Bà-la-môn nghèo khó. Vì thế, ngay cả họ cũng phải đấu tranh để tìm kiếm cơ hội vươn lên.
Sự phát triển của loài người trong xã hội, không phải là sự sáng tạo của một đấng Toàn Năng nào cả. Trong kinh Khởi Thế Nhân Bổn có ghi chú cho chúng ta thấy rằng hệ thống đẳng cấp xã hội có thể biến mất một khi kinh tế phát triển. Trong trường hợp này, khi xem xét những sự kiện kinh tế, chúng ta có thể chứng minh sự bình đẳng và thống nhất của xã hội.
“Đạo Đức”
Phật giáo tin rằng, tiềm năng của một người sẽ giúp người đó đạt được quả vị giải thoát. Mọi người đều có khả năng thành Phật, đạt được hay không tùy thuộc vào việc lựa chọn con đường đi của họ. Các nhà tư tưởng Bà-la-môn xem họ là một thể thống nhất với đấng Tối Cao như Phạm Thiên. Họ tự hào về một thứ lý thuyết mà từ đó, chỉ có giới chức Bà-la-môn mới có thẩm quyền đạt được sự hợp nhất với đấng Tối Cao. Đây là thứ lấy đi tự do tư tưởng của con người.
Đức Phật trong thời gian đó, đã đặt chú ý của mình vào vấn đề trên. Ngài ủng hộ cho tất cả mọi người bất kể đẳng cấp nào, chủng tộc nào, màu da nào đều có thể gia nhập Tăng đoàn của mình. Không một ai có thể tự cho mình trong sạch hơn kẻ khác.
Đức Phật dạy rằng, không ai có thể khiến mình thanh tịnh hay nhiễm ô, chỉ có chính mình mới làm được điều đó:
“Tự mình, điều ác làm
Tự mình làm nhiễm ô,
Tự mình, ác không làm
Tự mình làm thanh tịnh.
Tịnh, không tịnh tự mình,
Không ai thanh tịnh ai.”[24]
Từ đoạn trích trên, ta có thể thấy rõ rằng, đức Phật đã giành lại sự tự do hoàn toàn cho con người. Ngài động viên các đệ tử hãy cố gắng tự thân nỗ lực, Như Lai chỉ là bậc thầy hướng đạo:
“Ngươi hãy nhiệt tình làm
Như Lai chỉ thuyết dạy…”[25]
Hay trong một trường hợp khác, đức Phật dạy rằng: Mình là chúa tể của chính mình; làm thế nào người khác có thể là chúa tể của chính mình được. Bằng cách chế ngự chính bản thân mình, chúng ta có thể đạt được quả vị khó đạt được:
“Mình tự y chỉ mình,
Nào có y chỉ khác,
Nhờ khéo điều phục mình,
Được y chỉ khó được.”[26]
Chúng ta thấy được rằng, Phật giáo nghiêng về tự do, dân chủ và nhân tính hơn là những triết lý vốn có trong xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Chính vì yêu cầu xã hội nên đã tạo ra nhiều tầng lớp trong xã hội. Con người đều giống nhau, đều có những hoạt động căn bản như đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ nghỉ, làm việc v.v… Đức Phật dạy rằng, chúng ta có thể tự giải phóng chính mình, đi theo con đường mà Ngài đã dạy.
Thiện nghiệp và ác nghiệp đồng hành với chúng ta ngay cả khi từ giã cõi đời này. Nó rất quan trọng, sẽ quyết định cuộc sống của chúng ta có được hạnh phúc hay đau khổ ngay trong đời này và đời sau. Theo triết học Phật giáo, con người là thừa tự của nghiệp lực mà mình tạo ra:
“Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo”.[27]
“Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.”[28]
Trong kinh Madhura cũng nói tới việc không có sự khác nhau giữa những người thuộc các đẳng cấp khác nhau nhận lấy quả báo thiện và ác do chính họ tạo ra. Thiện báo mà những người Bà-la-môn và Thủ Đà La nhận không có bất kỳ sai khác nào. “Ở đây, nếu có vị Bà-la-môn, ở đây nếu có vị Phệ Xá, ở đây nếu có vị Thủ Đà La từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân hận, theo chánh kiến, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy có thể sanh Thiện thú, Thiên giới”.
Đức Phật không bao giờ xem xét một người nào đó quan trọng hơn hay ít quan trọng hơn thông qua đẳng cấp, chủng tộc, màu da của họ. Ngài luôn nhấn mạnh đến phẩm hạnh của một người. Trong giai đoạn đầu phát triển về Tăng già, tất cả ai cũng có thể sống và gia nhập Tăng đoàn. Lúc đó, gia tộc dòng họ Thích rất được tôn kính trong xã hội. Có một vài hoàng tử của gia tộc này xuất gia làm sa môn như Ananda, Bhagu, Kimbila và Devadatta. Một người thợ hớt tóc hoàng gia tên là Upali cũng muốn gia nhập Tăng đoàn. Đức Phật đã để cho Upali xuất gia trước rồi mới cho phép các vị hoàng tử kia xuất gia. Theo quy định của Tăng đoàn đức Phật, vì Upali xuất gia trước nên các vị hoàng tử kia phải kính trọng tôn giả Upali mặc dù tôn giả xuất thân từ gia đình đẳng cấp thấp.
Trong một trường hợp khác, những vị nữ giới xuất thân từ đẳng cấp thấp cũng được đức Phật cho gia nhập Ni đoàn, và sau này được mọi người kính trọng. Một trong số đó là tỳ kheo ni Punna đến từ gia đình nô lệ. Các vị tỳ kheo và tỳ kheo ni bất kể xuất thân từ đẳng cấp nào cũng thành tựu được quả vị thánh, được người đời kính trọng và tôn kính.
Trong kinh Phật Tự Thuyết, nói về buổi thuyết giới kinh, đức Phật có tuyên thuyết về sự hợp nhất của các đẳng cấp trong Tăng đoàn của Ngài. Ngài lấy ví dụ bốn con sông chảy ra biển. Một khi nước của bốn con sông chảy ra biển thì chúng lập tức mất tên trước đó của nó, và trở thành biển lớn.
“Ví như, này các tỳ kheo, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciracati, sông Sarabhù, sông Mahi, các con sông ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên họ trước, trở thành biển lớn. Cũng vậy, này các tỳ kheo, có bốn đẳng cấp này: Sát-đế-lị, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà, sau khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia trong Pháp và Luật được Như Lai tuyên bố sau này, chúng từ bỏ tên và họ của chúng từ trước, và chúng trở thành những Sa môn Thích tử”.[29]
Các nhà tư tưởng Bà-la-môn đã tạo ra một xã hội phân chia đẳng cấp dựa theo chủng tộc hay thân thế của một người; trong khi đó, Phật giáo phân chia xã hội theo sự phát triển về tinh thần và đạo đức. Trong khi Bà-la-môn tuyên bố sự hiện diện của đấng Thượng đế toàn năng thì đức Phật lại cho rằng, con người là kẻ thừa tự của nghiệp lực, do nghiệp lực chi phối.
***
[1]. The Laws of Manu, C.1. điều 87.
[2]. Sđd. điều 88.
[3]. Sđd. điều 89.
[4]. Sđd. điều 90.
[5]. Sđd. điều 91.
[6]. Sđd. C. III, điều 13.
[7]. Sđd. C. VIII, điều 113.
[8]. Sđd. điều 114.
[9]. Sđd. điều 88.
[10]. Sđd. điều 267.
[11]. Buddhism and the Race Question, str.14, 15; G.P Malalakera and K.N.Jayatilleke.
[12]. TB. kinh Assalayana, tr. 685.
[13]. Buddhism and The race question, str. 53, 54; G.P. Malalasekara and K.N. Jayatilleke (Sinhala edition).
[14]. TB. Kinh Vasettha, tr. 779.
[15]. TƯ. tr. 359.
[16]. TB. Kinh Vasettha, tr. 776.
[17]. Trd. Jayatilleke, 1992, tr. 44.
[18]. Tr.B. kinh Ambattha, tr. 169.
[19]. TB. tr. 684.
[20]. Sđd. tr. 686.
[21]. TB. Kinh Madhura, tr. 549.
[22]. TB. kinh Assalayana, tr. 685.
[23]. Tr.B. tr. 541.
[24]. PC. số 165.
[25]. PC. số 276.
[26]. PC. số 160.
[27]. PC. số 01.
[28]. PC. số 02.
[29]. TK. Kinh Phật Tự Thuyết, C. 5, Ph. Trưởng Lão Sona, kinh số 51.
Hits: 44