Trâu nước cao thượng

Trâu nước cao thượng

Trong một khu rừng lớn ở Ấn Độ, có một con trâu nước vốn là một vị Bồ Tát hóa thân.

Con trâu nước này không giống đồng loại của nó. Với một màu lông đen xanh, nó có một thái độ nghiêm túc và trang trọng, lại có bản tính nhân từ và hiền hậu, giàu lòng thương người, biết chịu đựng và nhẫn nhục.

Vì thế có những con thú nhỏ nghịch ngợm hay phá quấy nó bằng những trò đùa ác độc, hay ức hiếp, làm nhục nó, để xem nó có chịu đựng được hay không.

Có một con khỉ xấu tính và ngu đần, thấy con trâu nước này dễ bắt nạt nên thường hay cưỡi lưng nó nhảy múa đùa giỡn không một chút sợ hãi. Hơn nữa, nó còn kiêu mạn mắng trâu rằng:

– Con trâu già xấu xí kia, ta không sợ mi đâu! Mi có khác gì cục đá ngu si bị vất bỏ bên bờ ao cho thiên hạ đánh đập chửi rủa, vậy mà sao cứ đứng chết tiệt, đực mặt ra đó không có phản ứng gì cả!

Không cần biết trâu đang ăn cỏ hay đang làm việc, con khỉ càng ngày càng phóng túng, lộng hành. Có lúc nó cưỡi lên đầu, lên sừng trâu mà phóng uế, có lúc nó khoa chân múa tay trên lưng trâu, thậm chí lấy cây thọc vào tai trâu, động đậy không ngừng. Trong lúc trâu đang ngâm mình trong ao tắm, thì nó lấy hai tay bịt mắt trâu lại không cho thấy đường đi, làm đủ cách ngăn không cho trâu hưởng cái vui thú của sự tắm mát.

Trâu nước nhẫn chịu mọi sự nghịch quấy của khỉ, tuy khỉ càng ngày càng lộng hành, một khắc cũng không tha nhưng trâu từ đầu chí cuối không một lần thốt ra lời oán than hay chửi rủa độc ác.

Không hiểu bằng cách nào mà chuyện trâu nước nhẫn nhục này lại đến tai trời Đế Thích. Có một hôm, trong lúc con khỉ đang quấy phá trên lưng trâu nước, trời Đế Thích bỗng hiện ra trước mặt trâu thở dài nói:

– Trâu nước! Với sức mạnh của ngươi, ngươi chỉ búng một cái là con khỉ hung hăng kia chết toi. Tại sao ngươi lại cứ nhẫn nhục chịu đựng cho nó bắt nạt đủ mọi bề như thế? Không lẽ ngươi không biết sức mạnh của chính mình hay sao? Tại sao không dạy cho nó một bài học đích đáng?

– Chính thế, tôi biết sức mạnh của của tôi có thể đập chết một con khỉ, nhưng tôi không muốn dùng sức mạnh ấy mà đối phó với một con vật nhỏ yếu. Giá như nó mạnh bằng tôi hay hơn tôi thì tôi đã không nhẫn nhục với nó như thế.

Trời Đế Thích lại khuyên trâu nước:

– Ngươi nhẫn nhục như thế tuy rất cao thượng, nhưng ngươi lại sẽ bị cái bọn vô lại ấy ngược đãi hoài, không có ngày nào thoát được tay chúng.

– Tôi đang tu thiện pháp, chỉ sợ không tu được, làm sao dám làm hại một con vật khác? Tôi muốn đem hạnh nhẫn nhục ấy mà đánh thức lương tâm của chúng nó. Mặc dù con khỉ này không hiểu được bài học không lời của tôi, nhưng khi nó bị người khác xử phạt đích đáng thì tự nhiên nó sẽ hối cải và hiểu ra.

Trời Đế Thích nghe thế, rất lấy làm kính phục, lớn tiếng tán thán:

– Trâu nước cao thượng kia! Thực hành nhẫn nhục với một nghị lực kiên cố chính là cái tâm của Bồ Tát dùng để hành đạo, chính loài người cũng phải tôn ngươi lên làm thầy. Nhẫn nhục được thì không có tâm sân hận; mà không sinh tâm sân hận thì giữ được trí tuệ; mà có trí huệ thì không có gì là không làm được. Hạnh nhẫn nhục của ngươi đã làm cho Trời, Người phải tôn kính.

Nói xong trời Đế Thích thuận tay nắm cổ con khỉ trên lưng trâu, giận dữ mà mắng rằng:

– Này con khỉ ngu si, quả báo đau khổ sẽ giáng xuống đầu mi, còn chưa chịu hiểu ra nữa hay sao?

Nói xong trời Đế Thích rời trâu nước nhẫn nhục mà trở về thiên cung.

Về sau trâu nước được hưởng hạnh phúc, và cuộc đời của con khỉ thì vô cùng bi thảm!

Dùng nhẫn nhục đối xử với người không có nghĩa là chịu thua họ, mà là chiến thắng họ một cách chân chính.

Hits: 12

Trả lời