Thế nào là 7 đức Phật quá khứ, nguyên thủy thất Phật?
Bảy vị Phật quá khứ hay 7 vị Phật nguyên thủy, quá khứ thất Phật, nguyên thủy thất Phật, là tên gọi chung chỉ 7 vị Phật được đề cập tới kinh sách Phật giáo, trong Đại bổn kinh của Trường bộ kinh (Trường a hàm kinh). Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni) thuộc Hiền kiếp là vị Phật cuối cùng trong số này.
Lịch sử chư Phật này ghi trong các kinh, luật: Tạp A-hàm 34, Trường A-hàm 1, kinh Đại Bản, Kinh Tăng Nhất A-hàm 45, Kinh Hiền Kiếp 7, Kinh Thất Phật Phụ Mẫu Tự Tính Tự, Kinh Thất Phật, Phật Bản Hạnh Kinh Tập 11, Hữu Bộ Tì-nại-da Phá Tăng Sự, Kinh Du Hành Bản Khởi… về nhân thân, sự ra đời, dòng họ, cha, mẹ, thê tử, đệ tử, thị giả, nơi ở, đạo tràng, chúng hội thuyết pháp đầu tiên.
Tập Dị Môn Túc Luận 3 (Đại 26, 378 hạ) đã đặt vấn đề: Đời quá khứ là gì? Và trả lời rằng:
“Các hành đã khởi, đã cùng khởi, đã sinh, đã cùng sinh, đã chuyển, đã cùng chuyển, đã nhóm họp, đã xuất hiện, rơi vào quá khứ, diệt hết và biến đổi thành tính quá khứ, loại quá khứ, thuộc về đời quá khứ, đó là nghĩa quá khứ thế”.
Một vấn đề nữa, quá khứ chư Phật trên thuộc về kiếp nào? Kiếp chia làm 3 loại: Đại kiếp, Trung kiếp và Tiểu kiếp. Đại kiếp hiện tại gọi là Hiền kiếp, Đại kiếp quá khứ gọi Trang Nghiêm kiếp, Đại kiếp vị lai gọi là Tinh Tú kiếp. Trong mỗi kiếp có 1.000 vị Phật ra đời. Như vậy 7 vị Phật trên thuộc về Quá khứ Trang Nghiêm kiếp, lần lượt ra đời từ đầu kiếp 91 trở đi, tức tuổi thọ loài người từ 80.000 tuổi, 70.000 tuổi… 30.000 tuổi đến Đức Phật Thích-ca Mâu-ni ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 4,5 trước Tây lịch.
Thường trong giai đoạn đầu, khi chư Phật ra đời đệ tử đều thanh tịnh, chư Phật chỉ nói một bài kệ ngắn gọn, đệ tử y theo đó tu hành nhanh chóng chứng quả giác ngộ. Nội dung chung nhất là luôn phải chiết phục thân, khẩu, ý, luôn ngăn chận đừng làm các điều ác mà phải hành động thiện, thể hiện điều thiện qua đi, đứng, nằm, ngồi, qua đối nhân, xử thế…
Vì thế trong Phẩm Tự, Kinh Tăng Nhất A-hàm 1 (Đại 2, 551 thượng) giải thích ý nghĩa cô đọng như sau: “Nghĩa của Tứ-hàm thì trong một bài kệ đều có đầy đủ giáo pháp của chư Phật và giáo pháp của Bích-chi-phật, Thanh văn. Sở dĩ như vậy là vì các điều ác đừng làm thì cấm giới đầy đủ, đạo hạnh thanh bạch; Còn tuân thủ làm các điều thiện thì tâm ý thanh tịnh, tự lòng mình trong sáng, đọan trừ tà kiến điên đảo, đó là lời chư Phật dạy, trừ bỏ ngu hoặc”.
1) Tỳ Bà Thi Phật:
Nhập Niết Bàn cách đây chín mươi mốt kiếp, thọ tám vạn tuổi. Ngài còn có tên gọi khác là Duy Vệ, trị vì đất nước tên Sát-mạt-đề. Thị giả của Tỳ-bà-thi Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác tên A-thâu-ca. Hội thuyết pháp thứ nhất của Tỳ-bà-thi Như Lai có sáu vạn hai ngàn Bí-sô đắc quả A-la-hán; hội thuyết pháp thứ hai có mười vạn Bí-sô đắc quả A-la-hán; hội thuyết pháp thứ ba có bảy vạn Bí-sô đắc quả A-la-hán.
Giới Kệ:
忍辱爲第一
佛說無爲最
不以剃鬚髮
害他爲沙門
Phiên âm:
Nhẫn nhục vi đệ nhất
Phật thuyết vô vi tối
Bất dĩ thế tu phát
Hại tha vi sa-môn
Tạm dịch:
Nhẫn nhục là bậc nhất
Niết-bàn là tối thượng
Xuất gia não hại người
Không xứng danh Sa-môn
2) Thi Khí Phật:
Nhập Niết Bàn cách đây ba mươi mốt kiếp, thọ bảy vạn tuổi. Ngài còn có tên gọi khác là Phật Thức, trị vì đất nước tên A Lâu Na Hòa Đề. Thị giả của Thi-khí Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác tên Sát-ma-ca-rô. Hội thuyết pháp thứ nhất của Thi-khí Như Lai có mười vạn Bí-sô đắc quả A-la-hán; hội thuyết pháp thứ hai có tám mươi ức Bí-sô đắc quả A-la-hán; hội thuyết pháp thứ ba có bảy vạn Bí-sô đắc quả A-la-hán.
Giới kệ:
若眼見非邪
者不座牀亦復然
執志爲專一
是則諸佛敎
Phiên âm:
Nhược nhãn kiến phi tà
Tọa sàng diệc phục nhiên
Chấp chí vi chuyên nhất
Thị tắc chư Phật giáo
Dịch nghĩa:
Như mắt thấy sai quấy
Chỗ nằm ngồi cũng vậy
Giữ chí cho chuyên nhất
Là lời chư Phật dạy
3) Tỳ Xá Phù Phật: Nhập Niết Bàn cách đây ba mươi mốt kiếp, thọ sáu vạn tuổi. Ngài còn có tên gọi khác là Tùy Diệp, trị vì đất nước tên A-nâu-ưu-ma. Thị giả của Phật Tỳ-xá-phù, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, tên Ô-ba-phiến-đổ. Hội thuyết pháp thứ nhất của Tỳ-xá-phù Như Lai có tám vạn Bí-sô đắc quả A-la-hán; hội thuyết pháp thứ hai có bảy vạn Bí-sô đắc quả A-la-hán; hội thuyết pháp thứ ba có sáu vạn Bí-sô đắc quả A-la-hán.
Giới kệ:
不 害 亦 不 非
奉 行 於 大 戒
於 食 知 止 足
座 牀 亦 復 然
執 志 爲 專 一
是 則 諸 佛 敎
Phiên âm:
Bất hại diệc bất phi
Phụng hành ư đại giới
Ư thực tri chỉ túc
Tọa sang diệc phục nhiên
Chấp chí vi chuyên nhất
Thị tắc chư Phật giáo
Tạm dịch:
Không hại, không sai trái
Luôn hành trì đại giới
Ăn uống biết dừng đủ
Chỗ nằm ngồi cũng vậy
Giữ chí cho chuyên nhất
Là lời chư Phật dạy
4) Câu Lưu Tôn Phật: Xuất hiện vào kiếp thứ sáu trong hiền kiếp, thọ bốn vạn tuổi. Ngài còn có tên gọi khác là Câu Lâu Tần, trị vì đất nước tên Luân-ha-lợi-đề-na. Thị giả của Phật Câu-lưu-tôn, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, tên Một-đề-du. Câu-lưu-tôn Như Lai thuyết pháp một hội có bốn vạn Bí-sô đắc quả A-la-hán.
Giới kệ:
譬如蜂採花
其色甚香潔
以味惠施他
道士遊聚落
不誹謗於人
亦不觀是非
但自觀身行
諦觀正不正
Phiên âm:
Thí như phong thái hoa
Kỳ sắc thậm hương khiết
Dĩ vị huệ thí tha
Đạo sĩ du tụ lạc
Bất phỉ báng ư nhân
Diệc bất quán thị phi
Đản tự quán thân hành
Đế quán chánh bất chánh
Tạm dịch:
Như ong hút mật hoa
Hương sắc hoa càng thắm
Đem vị ban cho người
Tỳ kheo vào làng xóm
Không phỉ báng một ai
Thị phi chẳng nhìn đến
Chỉ xét hành vi mình
Có đoan chính hay không
5) Câu Na Hàm Mâu Ni Phật:
Xuất hiện vào kiếp thứ bảy, thọ ba vạn tuổi. Ngài trị vì đất nước tên Sai-ma-việt-đề. Thị giả của Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, tên To-rô-đế-lý-dã. Phật Câu-na-hàm Mâu-ni thuyết pháp một hội có ba vạn Bí-sô đắc quả A-la-hán.
Giới kệ:
執志莫輕戲
當學尊寂道
賢者無愁憂
當滅志所念
Phiên âm:
Chấp chí mạc khinh hý
Đương học tôn tịch đạo
Hiền giả vô sầu ưu
Đương diệt chí sở niệm
Tạm dịch:
Giữ tâm chớ khinh đùa
Cần học đạo tịch diệt
Hiền giả không sầu lo
Quyết tâm diệt sở niệm
6) Ca Diếp Phật:
Xuất hiện vào kiếp thứ tám, thọ hai vạn tuổi. Ngài trị vì đất nước tên Ba-la-tư. Thị giả của Ca-diếp Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, tên Tát-lý-phược mật-đát-la. Phật Ca-diếp thuyết pháp một hội có hai vạn Bí-sô đắc quả A-la-hán.
Giới kệ:
一切惡莫作
當奉行其善
自淨其志意
是則諸佛敎
Phiên âm:
Nhất thiết ác mạc tác
Đương phụng hành kỳ thiện
Tự tịnh kỳ chí ý
Thị tắc chư Phật giáo
Tạm dịch:
Đừng làm các điều ác
Vâng làm các điều thiện
Giữ tâm ý trong sạch
Là lời chư Phật dạy
7) Thích Ca Mâu Ni Phật:
Xuất hiện vào kiếp thứ chin, thọ trên dưới 100 tuổi (Khi giảng kinh, Ngài nói Ngài thọ trên dưới 100 tuổi, thật tế Ngài nhập Niết Bàn lúc 80 tuổi). Ngài trị vì đất nước tên Ca-duy-la-vệ. Thị giả của Thích Ca Như Lai, bậc Ứng cúng, Chánh đẳng giác, tên A-nan-đà. Phật Thích Ca thuyết pháp một hội có một ngàn hai trăm năm mươi Bí-sô đắc quả A-la-hán.(Nếu kể thêm vị Phật tương lai là Phật Di Lặc thì chúng ta có tất cả 8 vị Phật thị hiện ở cõi Ta bà này).
Giới kệ:
護口意清淨
身行亦清淨
淨此三行迹
修行仙人道
Phiên âm:
Hộ khẩu ý thanh tịnh
Thân hành diệc thanh tịnh
Tịnh thử tam hành tích
Tu hành tiên nhân đạo
Tạm dịch:
Giữ miệng, ý thanh tịnh
Thân hành cũng trong sạch
Ba nghiệp đều thanh tịnh
Đạo Như Lai tu hành
Giới Bồ-tát cũng hình thành từ 7 kệ trên, cho thấy rõ trong Tam Tụ Tịnh giới: Nhiếp luật nghi giới tức không làm các điều ác. Nhiếp thiện pháp giới tức làm tất cả các điều thiện, Nhiêu ích hữu tình giới làm lợi ích cho tất cả chúng sanh. Như vậy Bảy kệ giới của chư Phật quá khứ là giới luật căn bản của Đạo Phật, không luận xuất gia hay tại gia.
Để kết thúc xin dẫn ra bài kệ của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni mà trong Luật Bí Sô thuộc Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ coi đó là Giới Kinh được Ngài đúc kết sau khi Thành đạo:
Tỳ-bát, Thí-thức Khí
Tỳ-xá, Câu-lưu-tôn
Yết-nặc-ca Mâu-ni
Ca-diếp, Thích-ca Tôn
Như vậy Trời trong trời
Bậc Vô-thượng Điều ngự
Bảy Phật đều hùng mạnh
Hay cứu hộ thế gian
Đầy đủ đại danh xưng
Đều nói Giới kinh này.
Chư Phật và đệ tử
Đều cùng tôn kính giới
Do cung kính Giới kinh
Chứng đặng quả Vô-thượng
Người nên cầu xuất ly
Siêng tu trong Phật giáo
Hàng phục quân sanh tử
Như voi phá nhà cỏ
Ở trong pháp luật này
Thường tu không phóng dật
Làm khô biển phiền não
Sẽ hết ngằn mé khổ
Như Giới kinh này nói
Hòa hợp làm trưởng tịnh
Phải cùng tôn kính giới
Như trâu mao tiếc đuôi
Tôi nói Giới kinh rồi
Chúng Tăng trưởng tịnh xong
Phước lợi các hữu tình
Đều trọn thành Phật Đạo.
Trong 3 kiếp quá khứ, hiện tại, vị lai đều có cả nghìn vị Phật; tuy nhiên đại diện thường được nhắc tới cho các vị Phật quá khứ là Nhiên Đăng Cổ Phật (Dipankara), đại diện thường được nhắc tới cho các vị Phật hiện tại là Phật Thích Ca Mâu Ni, đại diện thường được nhắc tới cho các vị Phật vị lai là Di Lặc Tôn Phật (vị lai có ý nghĩa bề mặt là “chưa đến” hay thuộc về “tương lai”).
Số lượng các vị Phật theo kinh điển mô tả là hằng hà sa số (nhiều như cát sông Hằng), do vậy tìm hiểu khởi nguồn của chư Phật là không thể, quá phạm vi kiến thức mà một chúng sinh có thể biết, đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi được hỏi về vấn đề này bởi một người Bà La Môn, Ngài đã im lặng không trả lời vì nó thật sự không cần thiết, một việc vô nghĩa đối với giáo pháp tu tập để đạt giác ngộ.
Nguyên Phong
https://phatgiao.org.vn/the-nao-la-7-duc-phat-qua-khu-nguyen-thuy-that-phat-d35757.html
Hits: 499