(Sutta Nipata)
Dịch giả: Thích Minh Châu
(Download file MP3 – 7.84 MB – Thời gian phát: 45 phút 38 giây.)
Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.
Font chữ:
Chương Hai – Tiểu Phẩm
(I) Kinh Châu Báu (Ratana Sutta) (Sn 39)
222. Phàm ở tại đời này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không
Mong rằng mọi sanh linh,
Ðược đẹp ý vui lòng,
Vậy, hãy nên cẩn thận,
Lắng nghe lời dạy này.
223. Do vậy các sanh linh,
Tất cả hãy chú tâm,
Khởi lên lòng từ mẫn,
Ðối với mọi loài, người.
Ban ngày và ban đêm,
Họ đem vật cúng dường,
Do vậy không phóng dật,
Hãy giúp hộ trì họ.
224. Phàm có tài sản gì,
Ðời này hay đời sau,
Hay ở tại thiên giới,
Có châu báu thù thắng,
Không gì sánh bằng được,
Với Như Lai, Thiện Thệ
Như vậy, nơi Ðức Phật,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.
225. Ðoạn diệt và ly tham,
Bất tử và thù diệu,
Phật Thích Ca Mâu-Ni,
Chứng pháp ấy trong thiền.
Không gì sánh bằng được,
Với pháp thù diệu ấy.
Như vậy, nơi Chánh pháp,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.
226. Phật Thế Tôn thù thắng,
Nói lên lời tán thán,
Pháp thiền định trong sạch,
Liên tục không gián đoạn,
Không gì sánh bằng được,
Pháp thiền vi diệu ấy,
Như vậy, nơi Chánh pháp,
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.
227. Tám vị bốn đôi này,
Ðược bậc thiện tán thán,
Chúng đệ tử Thiện Thệ,
Xứng đáng được cúng dường.
Bố thí các vị ấy,
Ðược kết quả to lớn.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.
228. Các vị lòng ít dục,
Với ý thật kiên trì,
Khéo liên hệ mật thiết,
Lời dạy Gotama!.
Họ đạt được quả vị,
Họ thể nhập bất tử,
Họ chứng đắc dễ dàng,
Hưởng thọ sự tịch tịnh,
Như vậy, nơi tăng chúng,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.
229. Như vậy cột trụ đá,
Khéo y tựa lòng đất,
Dầu có gió bốn phương,
Cũng không thể dao động,
Ta nói bậc chơn nhân,
Giống như ví dụ này.
Vị thể nhập với tuệ,
Thấy được những Thánh đế,
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.
230. Những vị khéo giải thích,
Những sự thật Thánh đế,
Những vị khéo thuyết giảng,
Với trí tuệ thâm sâu,
Dầu họ có hết sức,
Phóng dật không tự chế,
Họ cũng không đến nỗi,
Sanh hữu lần thứ tám.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.
231. Vị ấy nhờ đầy đủ,
Với chánh kiến sáng suốt,
Do vậy, có ba pháp,
Ðược hoàn toàn từ bỏ.
Thân kiến và nghi hoặc,
Giới cấm thủ cũng không;
Ðối với bốn đọa xứ,
Hoàn toàn được giải thoát;
Vị ấy không thể làm,
Sáu điều ác căn bản.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.
232. Dầu vị ấy có làm
Ðiều ác gì đi nữa,
Với thân hay với lời,
Kể cả với tâm ý,
Vị ấy không có thể
Che đậy việc làm ấy,
Vị ấy được nói rằng,
Không thể thấy ác đạo.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.
233. Ðẹp là những cây rừng
Có bông hoa đầu ngọn,
Trong tháng ba nóng bức,
Những ngày hạ đầu tiên,
Pháp thù thắng thuyết giảng,
Ðược ví dụ như vậy,
Pháp đưa đến Niết-bàn,
Pháp hạnh phúc tối thượng.
Như vậy, nơi Ðức Phật,
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.
234. Cao thượng, biết cao thượng,
Cho, đem lại cao thượng,
Bậc vô thượng thuyết giảng,
Pháp cao thượng thù thắng.
Như vậy, nơi đức Phật,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.
235. Nghiệp cũ đã đoạn tận,
Nghiệp mới không tạo nên,
Với tâm tư từ bỏ,
Trong sanh hữu tương lai.
Các hột giống đoạn tận,
Ước muốn không tăng trưởng,
Bậc trí chứng Niết-bàn,
Ví như ngọn đèn này.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.
236. Phàm ở tại đời này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không,
Hãy đảnh lễ đức Phật,
Ðã như thực đến đây,
Ðược loài Trời, loài Người,
Ðảnh lễ và cúng dường.
Mong rằng với hạnh này,
Mọi loài được hạnh phúc.
237. Phàm ở tại nơi này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không.
Hãy đảnh lễ Chánh pháp,
Ðã như thực đến đây,
Ðược loài Trời, loài Người,
Ðảnh lễ và cúng dường.
Mong rằng với hạnh này,
Mọi loài được hạnh phúc.
238. Phàm ở tại nơi này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không.
Hãy đảnh lễ chúng Tăng
Ðã như thực đến đây,
Ðược loài Trời, loài Người,
Ðảnh lễ và cúng dường.
Mong rằng với hạnh này,
Mọi loài được hạnh phúc.
(II) Kinh Hôi Thối (Amagandha) (Sn 42)
Bà-la-môn:
239. Các bậc Thiện chơn chánh,
Ăn hạt giống cây thuốc,
Ăn đậu đũa, đậu rừng,
Ăn lá, ăn rễ cây,
Ăn trái các dây leo,
Nhận được thật đúng pháp.
Vị ấy không nói láo,
Vì các dục thúc đẩy.
240. Ôi ngài Kassapa,
Ai ăn các món ăn,
Do người khác bố thí,
Khéo làm, khéo chưng dọn,
Trong sạch và thù thắng;
Ăn lúa gạo thơm ngon.
Ai ăn uống như vậy
Là ăn thịt hôi thối.
241. Này bà con Phạm thiên,
Chính Ngài tuyên bố rằng:
Ta không ăn đồ thối,
Ðể nuôi sống thân Ta.
Nhưng Ngài ăn món ăn
Bằng lúa gạo thơm ngon,
Ăn thịt các loài chim,
Nấu ăn thật khéo léo
Ta hỏi Kassapa:
Ý nghĩa sự kiện này,
Ngài định nghĩa thế nào,
Là ăn đồ hôi thối?
Ðức Phật Kassapa:
242. Sát sanh và hành hình,
Ðả thương và bắt trói,
Trộm cắp và nói láo,
Man trá và lừa đảo,
Giả bộ kẻ học thức,
Ði lại với vợ người,
Ðây là đồ ăn thối,
Ăn thịt không phải thối.
243. Ở đời, các hạng người,
Không chế ngự lòng dục,
Ðam mê các vị ngon,
Liên hệ đến bất tịnh,
Theo chủ nghĩa hư vô,
Bất chánh khó hướng dẫn,
Ðây là ăn đồ thối,
Ăn thịt không phải thối.
244. Ai thô bạo, dã man,
Sau lưng nói gièm pha,
Phản bạn không từ bi,
Lại cống cao ngạo mạn,
Tánh không có bố thí,
Không cho ai vật gì,
Ðây là ăn đồ thối,
Ăn thịt không phải thối,
245. Phẫn nộ và kiêu mạn,
Cứng đầu và chống đối
Man trá và tật đố,
Nói vô ích, huênh hoang,
Kiêu mạn và quá mạn,
Thân mật với kẻ ác,
Ðây là ăn đồ thối,
Ăn thịt không phải thối,
246. Ác giói, nợ không trả,
Làm người điểm chỉ viên,
Làm những nghề dối trá,
Ở đây, kẻ giả vờ,
Ở đây người bần tiện,
Những người làm ác nghiệp,
Ðây là ăn đồ thối,
Ăn thịt không phải thối.
247. Ở đời đối hữu tình,
Người không biết kiềm chế,
Lấy cướp sở hữu người,
Chú tâm làm hại người,
Ác giới và tàn nhẫn
Ác ngữ, thiếu lễ độ,
Ðây là ăn đồ thối,
Ăn thịt không phải thối,
248. Hạng tham ô, thù nghịch,
Tìm cách để giết hại,
Luôn luôn hướng về ác,
Sau chết sanh tối tăm,
Chúng sanh ấy rơi vào,
Ðịa ngục đầu xuống trước.
Ðây là ăn đồ thối,
Ăn thịt không phải thối,
249. Không phải do cá thịt,
Cùng các loại nhịn ăn,
Không phải do lõa thể,
Ðầu trọc và bện tóc,
Không do tro trét mình,
Mặc da thú khô cứng,
Không phải do săn sóc,
Nuôi dưỡng lửa tế tự,
Không do nhiều khổ hạnh,
Ðể được chứng bất tử,
Không bùa chú tế tự,
Các tế đàn thời tiết,
Làm con người trong sạch,
Nếu nghi hoặc chưa đoạn.
250. Do sống hộ trì căn,
Với các căn nhiếp phục,
Vững trú trên Chánh pháp,
Thích chân trực, hiền hòa,
Vượt khỏi các tham ái,
Ðoạn tận mọi khổ đâu,
Bậc trí không nhiễm dính,
Ðiều được thấy, được nghe.
251. Nhiều lần, Thế Tôn thuyết,
Ý nghĩa lời dạy này,
Bậc bác học kệ chú,
Thâm hiểu ý nghĩa ấy.
Bậc ẩn sĩ nói lên,
Với những kệ tuyệt diệu,
Bậc không ăn đồ thối,
Ðộc lập, khó hướng dẫn.
252. Nghe xong những lời dạy,
Lời Thế Tôn khéo nói,
Chấm dứt ăn đồ thối,
Ðoạn tận mọi khổ đau,
Vị ấy đảnh lễ Phật,
Với tâm ý nhún nhường,
Thỉnh cầu được cho pháp,
Xuất gia tại nơi đây.
(III) Kinh Xấu Hổ (Sn 45)
253. Ai mở miệng tuyên bố:
Tôi là bạn của anh,
Sở hành vượt xấu hổ,
Lại khinh chán bạn mình,
Không chịu khó gắng làm,
Công việc có thể làm.
Cần biết người như vậy,
Không phải bạn của tôi.
254. Ai đối với bạn hữu,
Chỉ làm với lời nói,
Lời nói đẹp, khả ái,
Nhưng chỉ lời nói suông,
Bậc trí biết người ấy,
Người chỉ nói, không làm.
255. Người luôn luôn chú ý,
Nghi ngờ sự thiếu sót,
Tìm kiếm các nhược điểm,
Người ấy không phải bạn,
Với ai có thể nắm,
Như con nằm trên ngực,
Người ấy mới thật bạn,
Không bị ai chia ly.
256. Ai mong lợi ích quả,
Tu tập các sự kiện,
Ðem lại sự hân hoan,
Tu tập sự an lạc,
Ðem lại thưởng, tán thán,
Gánh trách nhiệm làm người.
257. Uống xong vị viễn ly,
Uống xong vị an tịnh,
Không sợ hãi, không ác,
Hưởng vị ngọt, pháp hỷ.
(IV) Kinh Ðiềm Lành Lớn (Kinh Ðại Hạnh Phúc – Mahamangala Sutta) (Sn 46)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú tại Sàvatthi, ở Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi một Thiên nhân, khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, vị Thiên nhân ấy với bài kệ bạch Thế Tôn:
Thiên nhân:
258. Nhiều Thiên nhân và Người,
Suy nghĩ đến điềm lành,
Mong ước và đợi chờ,
Một nếp sống an toàn,
Xin Ngài hãy nói lên
Về điềm lành tối thượng.
Thế Tôn:
259. Không thân cận kẻ ngu,
Nhưng gần gũi bậc trí,
Ðảnh lễ người đáng lễ
Là điềm lành tối thượng.
260. Ở trú xứ thích hợp,
Công đức trước đã làm,
Chân chánh hướng tụ tâm,
Là điều lành tối thượng.
261. Học nhiều, nghề nghiệp giỏi,
Khéo huấn luyện học tập,
Nói những lời khéo nói
Là điềm lành tối thượng.
262. Hiếu dưỡng mẹ và cha,
Nuôi dưỡng vợ và con,
Làm nghề không rắc rối
Là điềm lành tối thượng.
263. Bố thí, hành đúng pháp,
Săn sóc các bà con,
Làm nghiệp không lỗi lầm
Là điềm lành tối thượng.
264. Chấm dứt, từ bỏ ác,
Chế ngự đam mê rượu,
Trong pháp, không phóng dật
Là điềm lành tối thượng.
265. Kính lễ và hạ mình,
Biết đủ và biết ơn,
Ðúng thời, nghe Chánh pháp
Là điềm lành tối thượng.
266. Nhẫn nhục, lời hòa nhã,
Yết kiến các Sa-môn,
Ðúng thời, đàm luận pháp,
Là điềm lành tối thượng.
267. Khắc khổ và Phạm hạnh,
Thấy được lý Thánh đế,
Giác ngộ quả Niết bàn
Là điềm lành tối thượng.
268. Khi xúc chạm việc đời,
Tâm không động, không sầu,
Không uế nhiễm, an ổn
Là điềm lành tối thượng.
269. Làm sự việc như vậy,
Không chỗ nào thất bại,
Khắp nơi được an toàn,
Là điềm lành tối thượng.
(V) Kinh Sùciloma (Sn 47)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú tại Gayà, ở Tamkitamanca tại trú xứ của Dạ-xoa Sùciloma. Lúc bấy giờ, Dạ-xoa Khara, Dạ-xoa Sùciloma đi qua Thế Tôn không bao xa. Dạ-xoa Khara nói với Dạ-xoa Sùciloma: Ðây là Sa-môn. Ðây không phải là Sa-môn. Ðây là Sa-môn hay là Sa-môn giả hiệu. Rồi Dạ-xoa Sùciloma đi đến Thế Tôn, sau khi đến cọ xát thân Thế Tôn. Thế Tôn tránh né thân của mình, rồi Dạ-xoa Sùciloma nói với Thế Tôn:
– Có phải Sa-môn sợ ta?
– Này Hiền giả, Ta không sợ Ông, nhưng xúc phạm với Ông là ác.
– Này Sa-môn, ta sẽ hỏi Ngài, nếu Ngài không trả lời cho ta, ta sẽ làm cho tâm Ngài điên loạn, hay bóp nát quả tim của Ngài, hay nắm chân của Ngài, ta sẽ quăng qua bờ bên kia sông Hằng.
– Này Hiền giả, Ta không thấy một ai trong thế giới chư Thiên, với chư Thiên, Ác ma và Phạm Thiên, trong quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn với chư Thiên và loài Người, lại có thể làm cho tâm Ta điên loạn hay bóp nát quả tim của Ta, hay nắm chân của Ta, sẽ quăng Ta qua bờ bên kia sông Hằng. Tuy vậy, này Hiền giả, Ông cứ hỏi Ta như ý Ông muốn.
Rồi Dạ-xoa Sùciloma với câu kệ nói với Thế Tôn:
Sùciloma:
270. Từ những nguyên nhân nào,
Tham và sân khởi lên?
Không ưa thích, ưa thích,
Sợ hãi từ đâu sanh?
Từ đâu được sanh khởi,
Các suy tầm của ý,
Như đứa trẻ độc ác,
Thả cho con quạ bay?
Thế Tôn:
271. Từ những nguyên nhân này,
Tham, sân được khởi lên,
Không ưa thích, ưa thích,
Sợ hãi từ đây sanh,
Từ đây được sanh khởi,
Các suy tầm của ý,
Như đứa trẻ độc ác,
Thả cho con quạ bay.
272. Sự hiện hữu của ngã,
Chính do thân ái sanh,
Như các loại cây bàng,
Do thân cây bàng sanh.
Sự triền phược các dục,
Thật rộng lớn vô cùng,
Như cây Màluvà,
Tỏa rộng lan khắp rừng.
273. Hãy nghe! Này Dạ-xoa,
Những ai được rõ biết
Từ đâu, khiến sanh khởi,
Họ tẩy sạch nhân ấy.
Họ vượt qua dòng nước,
Chảy mạnh khổ vượt này,
Trước chưa được vượt qua,
Không còn có tái sanh.
(VI) Kinh Hành Chánh Pháp (Sn 49)
274. Pháp hạnh và Phạm hạnh,
Ðược gọi là tối thượng hạnh,
Nếu là người xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà.
275. Nếu bản tánh lắm mồm,
Ưa làm hại như thú,
Ðời sống ấy ác độc,
Làm ngã tăng bụi trần.
276. Tỷ-kheo ưa cãi nhau,
Bị vô minh che đậy,
Không biết pháp luật dạy,
Pháp do Phật tuyên thuyết.
277. Bị vô minh lãnh đạo,
Hại bậc tu tập ngã,
Không biết đường ô nhiễm,
Ðưa đến cõi địa ngục.
278. Vị Tỷ-kheo như vậy,
Rơi vào chỗ đọa xứ,
Ði đầu thai chỗ này,
Ðến đầu thai chỗ khác,
Ði từ tối tăm này,
Ðến chỗ tối tăm khác.
Vị ấy sau khi chết,
Rơi vào chỗ khổ đau.
279. Như hố phân đầy tràn,
Sau nhiều năm chất chứa,
Cũng vậy, kẻ uế nhiễm,
Thật khó lòng gột sạch.
280. Hỡi này các Tỷ-kheo,
Hãy biết người như vậy,
Hệ lụy với gia đình,
Ác dục, ác tư duy,
Ác uy nghi cử chi,
Ác sở hành, hành xứ.
281. Tất cả đều đồng tình,
Tránh xa ngưòi như vậy,
Hãy thổi nó như bụi,
Hãy quăng nó như rác.
282. Hãy đuổi kẻ nói nhiều,
Kẻ Sa-môn giả hiệu,
Sau khi đuổi ác dục,
Ác uy nghi hành xứ.
283. Hãy giữ mình trong sạch,
Chung sống kẻ trong sạch,
Sống thích đáng, chánh niệm,
Rồi hòa hợp, sáng suốt,
Hãy chấm dứt khổ đau.
(VII) Kinh Pháp Bà-la-môn (Sn 50)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi nhiều Bà-la-môn đại phú ở Kosala già yếu, cao niên, trưởng lão, đã đến tuổi trưởng thượng, đã gần mãn cuộc đời, đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Bà-la-môn đại phú ấy bạch Thế Tôn:
– Thưa Tôn giả Gotama, hiện nay còn có những Bà-la-môn nào được thấy là theo pháp Bà-la-môn của những Bà-la-môn thời xưa?
– Này các Bà-la-môn, hiện nay không còn thấy các Bà-la-môn theo pháp Bà-la-môn của các Bà-la-môn thời xưa?
– Lành thay, Tôn giả Gotama hãy nói cho pháp Bà-la-môn của các Bà-la-môn thời xưa. Nếu Tôn giả Gotama không thấy gì phiền phức.
– Vậy này các Bà-la-môn, hãy nghe và khéo tác ý. Ta sẽ nói.
– Thưa vâng, Tôn giả.
Các Bà-la-môn đại phú ấy vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:
284. Các ẩn sĩ thời xưa,
Chế ngự, sống khắc khổ,
Bỏ năm dục trưởng dưỡng,
Hành lý tưởng tự ngã.
285. Phạm chí, không gia súc,
Không vàng bạc lúa gạo,
Học hỏi là tài sản,
Họ che chở hộ trì,
Kho tàng tối thượng ấy.
286. Ðồ ăn được sửa soạn,
Ðược đặt tại ngưỡng cửa,
Với lòng tin, họ soạn
Ðể cúng bậc Thánh cầu.
287. Với vải mặc nhiều màu,
Với giường nằm trú xứ,
Từ quốc độ giàu có,
Họ đảnh lễ Phạm chí.
288. Không bị ai xâm phạm
Là Phạm chí thời ấy,
Không bị ai chiến hại,
Họ được pháp che chở,
Không ai ngăn chận họ,
Tại ngưỡng cửa gia đình.
289. Từ trẻ đến bốn tám,
Các Phạm chí thời xưa,
Họ sống hành Phạm hạnh,
Tầm cầu minh và hạnh.
290. Các vị Bà-la-môn,
Không đến giai cấp khác,
Không mua người làm vợ,
Chung sống trong tình thương,
Họ đi đến với nhau,
Trong niềm hoan hỷ chung.
291. Ngoại trừ thời gian ấy,
Thời có thể thụ thai,
Là người Bà-la-môn,
Không đi đến giao cấu.
292. Họ tán thán Phạm hạnh,
Giới, học thức, nhu hòa,
Khắc khổ và hòa nhã,
Bất hại và nhẫn nhục.
293. Vị tối thắng trong họ,
Là Phạm thiên, nỗ lực,
Vị ấy không giao hợp,
Cho đến trong cơn mộng.
294. Ở đời, bậc có trí,
Học theo hạnh vị ấy,
Họ tán thán Phạm hạnh,
Giới đức và nhẫn nhục.
295. Họ xin cơm, sàng tọa,
Vải mặc, bơ và dầu,
Thâu nhiếp thật đúng pháp,
Họ tổ chức tế tự,
Trong lễ tế tự ấy,
Họ không giết bò cái.
296. Như mẹ và như cha,
Như anh, như bà con,
Bò là bạn tối thượng,
Từ chúng, sanh được vị.
297. Bò cho ăn, cho sức,
Cho dung sắc, cho lạc
Biết được lợi ích này,
Họ không giết hại bò.
298. Họ đoan trang thân lớn,
Có dung sắc, danh xưng,
Bản tánh là nhiệt tình,
Trong hành thiện dứt ác,
Họ còn sống ở đời,
Dân chúng hưởng an lạc.
299. Giữa họ có đảo lộn,
Họ thấy vật nhỏ nhen.
Thấy huy hoàng nhà vua,
Thấy trang sức phụ nữ.
300. Các cỗ xe khéo làm,
Thắng với ngựa thuần thục,
Trang hoàng với tấm thảm,
Nhiều sắc lại nhiều màu.
Các trú xứ phòng ốc,
Khéo chia, khéo ngăn cách.
301. Ðàn bà mập vây quanh,
Chúng người đẹp hầu hạ,
Bà-la-môn tham đắm,
Tài sản lớn của người.
302. Ðọc các bài kệ tụng,
Họ đến Okkàla,
Ngài được tài sản lớn,
Ngài được lúa gạo nhiều.
Hãy thiết lập tế đàn,
Vì tài sản ngài lớn,
Hãy thiết lập tế đàn,
Vì tiền bạc ngài lớn.
303. Rồi vua, bậc lãnh tụ,
Vương chủ các xa binh,
Ðược các Bà-la-môn
Nhiếp phục và cảm hóa,
Tổ chức các tế đàn,
Về ngựa và về người,
Quăng con nêm, nước thánh,
Với các cửa then cài.
Lễ tế đàn này xong,
Họ cho các Phạm chí,
Rất nhiều loại tài sản.
304. Bò, giường nằm, áo mặc,
Nữ nhân trang sức đẹp,
Các cỗ xe khéo làm,
Thắng với ngựa thuần thục,
Trang hoàng với tấm thảm,
Nhiều sắc lại nhiều màu.
305. Các trú xứ đẹp đẽ,
Khéo chia, khéo ngăn cách,
Ðầy các loại lúa gạo,
Họ cho các Phạm chí,
Rất nhiều là tài sản.
306. Ở đây, được tài sản,
Phạm chí thích cất chứa,
Lòng dục chúng thỏa mãn,
Khát ái càng tăng trưởng,
Họ lại đọc kệ tụng,
Họ đến Okkàka.
307. Như nước, đất và vàng,
Tài sản và lúa gạo,
Cũng vậy là các bò,
Ðối với các loài, người.
Chúng là những vật dụng,
Cần thiết cho hữu tình.
Hãy thiết lập tế đàn,
Vì tài sản ngài lớn,
Hãy thiết lập tế đàn,
Vì tiền bạc ngài lớn?
308. Rồi vua, bậc lãnh tụ,
Vương chủ các xa binh,
Ðược các Bà-la-môn,
Nhiếp phục và cảm hóa,
Tổ chức các tế đàn,
Trăm ngàn bò bị giết
309. Không phải với bàn chân,
Cũng không phải với sừng.
Con bò hại một ai,
Chúng được khéo nhiếp phục
Như con dê, con cừu,
Chúng cho nhiều ghè sữa,
Tuy vậy, vua ra lệnh,
Nắm sừng bắt lấy chúng,
Giết chúng bằng dao gươm.
310. Rồi chư Thiên, Tổ tiên,
Ðế Thích, A-tu-la,
Với các hàng Dạ-xoa,
Ðồng thanh cùng la lớn,
Như vậy là phi pháp,
Khi gươm giết hại bò.
311. Trước đã có ba bệnh,
Dục, ăn không đủ già,
Do giết hại muôn thú,
Chúng lên đến chín tám.
312. Trượng phạt phi pháp này,
Từ xưa truyền đến nay,
Vật vô tội bị giết,
Còn người lễ tế đàn,
Thối thất khỏi Chánh pháp,
313. Vậy tùy pháp cổ này,
Bị bậc trí khiển trách,
Chỗ nào lễ tế đàn,
Như vậy, được xem thấy,
Quần chúng liền chỉ trích,
Các vị lễ tế đàn.
314. Như vậy, pháp bị hoại,
Hạng Thủ-đà, Phệ-xá,
Bị phân ly chia rẽ,
Các hạng Sát-đế-lị
Bị chia năm, chẻ bảy
Còn vợ khinh rẽ chồng.
315. Các Sát-lị hoàng tộc,
Các bà con Phạm thiên,
Cùng với hạng người khác,
Ðược gia tộc che chở,
Họ bỏ quên sanh chủng,
Họ rơi vào các dục.
Khi nghe nói vậy, các Bà-la-môn đại phú ấy bạch Thế Tôn;
– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thưa Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, trình bày rõ những gì bị che kín chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, hay đem đèn sáng vào trong bóng tối đễ những ai có mắt có thể nhìn thấy sắc. Cũng vậy, Pháp được Tôn giả Gotama với nhiều pháp môn trình bày giải thích. Chúng con xin quy y Tôn giả Gotama quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả Gotama nhận chúng con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, chúng con trọn đời quy ngưỡng.
(VIII) Kinh Chiếc Thuyền (Sn 55)
316. Từ vị nào một người,
Rõ biết được Chánh pháp,
Hãy đảnh lễ vị ấy,
Như chư Thiên, Inda,
Vị ấy được đảnh lễ,
Tâm tư sanh hoan hỷ,
Nghe nhiều, học hỏi nhiều,
Thuyết trình chơn diệu pháp.
317. Vị sáng suốt chú tâm,
Suy tư và quán sát
Thực hành pháp tuỳ pháp,
Trở thành vị hiểu biết,
Thông minh và thận trọng,
Không phóng dật, vị ấy,
Theo gương vị như vậy.
318. Ai phục vụ kẻ ngu,
Ngu si, tâm bé nhỏ,
Mục đích chưa đạt được,
Lại ganh tị tật đố,
Chính ở đây Chánh pháp,
Không phát triển tu tập,
Chưa vượt thoát nghi hoặc,
Người ấy bị tử vong.
319. Như người nhảy xuống sông,
Dòng sông nước ngập tràn,
Nước sông, nhớp đục ngầu,
Dòng nước chảy nhanh mạnh
Người ấy bị lôi cuốn,
Theo dòng nước trôi đi,
Làm sao nó có thể,
Giúp người khác vượt dòng.
320. Cũng vậy, với người nào,
Pháp không được tu tập,
Không quán sát ý nghĩa,
Của những vị nghe nhiều,
Tự mình không rõ biết,
Nghi hoặc chưa vượt qua,
Làm sao nó có thể,
Giúp người khác thiền định.
321. Như người được leo lên,
Chiếc thuyền mạnh vững chắc,
Ðược trang bị đầy đủ,
Mái chèo và tay lái;
Người như vậy ở đây,
Giúp nhiều người ngược dòng,
Rõ biết những phương tiện,
Thiện xảo và sáng suốt.
322. Như vậy, bậc sáng suốt,
Luôn luôn tự tu tập,
Bậc nghe nhiều hiểu nhiều,
Không còn bị dao động,
Vị ấy giúp đỡ được,
Các người khác tu thiền,
Làm khởi lên nguyên nhân,
Tha thiết muốn nghe pháp.
323. Do vậy, hãy thân cận,
Bậc chân nhân hiền sĩ,
Bậc sáng suốt, có trí,
Bậc nghe nhiều học nhiều.
Sau khi biết mục đích,
Cố gắng khéo hành trì,
Rõ biết được Chánh pháp,
Vị ấy được an lạc.
(IX) Kinh Thế Nào là Giới (Sn 56)
324. Thế nào là giới đức?
Thế nào là chánh hạnh?
Cần phải làm tăng trưởng.
Thân khẩu ý nghiệp nào?
Ðể người chánh nhập cuộc,
Ðạt được đích tối thượng?
325. Kính lễ bậc trưởng thượng,
Không ganh tị một ai,
Cần phải biết thời gian,
Ðể yết kiến Ðạo sư,
Biết được đúng thời khắc,
Thuyết pháp bắt đầu giảng,
Hãy cẩn thận lắng nghe,
Lời giảng được khéo nói.
326. Hãy đi đến đúng thời,
Trước mặt vị Ðạo Sư,
Từ bỏ tánh cứng đầu,
Với thái độ khiêm tốn,
Hãy nhớ nghĩ ức niệm,
Hãy chơn chánh hành trì,
Mục đích và Chánh pháp,
Chế ngự và Phạm hạnh
327. Vui thích trong Chánh Pháp
Hoan hỷ trong Chánh Pháp,
An trú trên Chánh pháp,
Biết phân tích Chánh pháp,
Sở hành không làm gì,
Có lời uế nhiễm pháp,
Chịu hướng dẫn lãnh đạo,
Lời trung thực khéo nói.
328. Bỏ cười đùa, lắm miệng,
Khóc than và sân hận,
Làm những điều man trá,
Lừa đảo, tham, kiêu mạn,
Bồng bột và bạo ngôn,
Cứng rắn và đam mê,
Sống từ bỏ tất cả,
Ly say đắm, kiên trì.
329. Thức tri được cốt lõi,
Những lời đươc khéo nói,
Ðươc nghe khéo thức tri,
Cốt lõi của thiền định,
Với con người hấp tấp,
Lại phóng dật buông lung,
Trí tuệ, đều được nghe,
Không có thể tăng trưởng.
330. An vui thích Chánh pháp,
Do bậc Thánh tuyên thuyết,
Họ trở thành vô thượng,
Về lời ý và nghiệp,
Họ an tịnh nhu hòa,
An trú trên thiền định,
Chứng đạt được cốt lõi,
Pháp được nghe, trí tuệ.
(X) Kinh Ðứng Dậy (Sn 57)
331. Hãy đứng dậy, ngồi dậy,
Với người mộng ích gì?
Kẻ bệnh ngủ làm gì?
Khi mũi tên phiền lụy.
332. Hãy đứng dậy, ngồi dậy,
Hãy kiên trì học tập,
Ðạt cho được an tịnh,
Ðừng để cho thần chết,
Biết Ông là phóng dật,
Mê hoặc, chinh phục Ông.
333. Chư Thiên và loài Người,
Sống y chỉ tầm cầu,
Hãy vượt ái dục này,
Chớ để thời khắc qua,
Khi thời khắc đã qua,
Bị sầu khổ địa ngụ.
334. Phóng dật là bụi nhơ,
Bụi do phóng dật khởi,
Với minh, không phóng dật,
Tự mình rút mũi tên
(XI) Kinh Ràhula (Sn 58)
Thế Tôn:
335. Thường chung sống người hiền,
Thầy có khinh miệt không?
Người cầm đuốc loài Người,
Ðược thầy tôn trọng không?
Ràhula:
336. Thường chung sống người hiền,
Con không có khinh miệt.
Người cầm đuốc loài Người,
Thường được con tôn trọng.
Thế Tôn:
337. Bỏ năm dục trưởng dưỡng,
Khả ái và đẹp ý,
Với lòng tin xuất gia,
Hãy trở thành con người,
Làm chấm dứt khổ đau.
338. Thân cận với bạn lành,
Sống trú xứ xa vắng,
Viễn ly không ồn ào,
Hãy tiết độ ăn uống
339. Y áo, đồ khất thực,
Vật dụng và sàng tọa,
Chớ có tham ái chúng,
Chớ trở lui đời này.
330. Chế ngự trong giới bổn,
Phòng hộ trong năm căn,
Hãy tu tập niệm thân,
Sống với nhiều nhàm chán.
341. Hãy từ bỏ tịnh tướng,
Hệ lụy với tham ái,
Tu tập tâm bất tịnh,
Nhất tâm, khéo định tĩnh.
342. Hãy tu tập vô tướng,
Bỏ đi, mạn tùy miên,
Do nhiếp phục kiêu mạn,
Ngươi sẽ sống an tịnh.
Như vậy, Thế Tôn thường giáo giới Tôn giả Ràhula với những bài kệ này.
(XII) Kinh Vangìsa (Sn 59)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế tôn sống ờ Alavi, tại điện Aggàlava. Lúc bấy giờ, giáo sư thọ sư của Tôn giả Vangìsa, tên là Nigrodhakappa tại điện Aggalava, mệnh chung không bao lâu. Rồi Tôn giả Vangìsa, trong khi thiền định độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên: “Không biết bậc giáo thọ sư của ta có hoàn toàn nhập Niết-bàn hay không hoàn toàn nhập Niết-bàn?”. Rồi Tôn giả Vangìsa vào buổi chiều, từ thiền tịnh đứng dậy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Vangìsa bạch Thế Tôn:
– Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi Thiền tịnh độc cư, con khởi lên tư tưởng như sau: “Không biết bậc giáo thọ sư của con có hoàn toàn nhập Niết Bàn hay không, hoàn toàn nhập Niết-bàn?”
Rồi Tôn giả Vangìsa, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, chấp tay vái chào Thế Tôn và với bài kệ, nói lên với Thế Tôn:
Vangìsa:
343. Con hỏi bậc Ðạo Sư,
Bậc trí tuệ tối thượng,
Ai chặt đứt nghi hoặc,
Ngay trong đời hiện tại?
Tại Aggàlava,
Tỷ-kheo đã mệnh chung,
Có danh vọng danh xưng,
Nhập Niết bàn tịch tịnh.
344. Nigrodhakappa,
Chính là tên vị ấy,
Chính Thế Tôn đặt tên,
Cho vị Phạm chí ấy,
Vị ấy đảnh lễ Ngài,
Sống tầm cầu giải thoát,
Tinh cần và tinh tấn,
Kiên cố thấy Chánh Pháp.
345. Bạch Thích Ca, chúng con
Ðệ tử Ngài, tất cả
Chúng con đều muốn biết
Bậc Pháp nhãn biến tri,
An trú tại chúng con,
Sẵn sàng để được nghe,
Ngài Ðạo sư chúng con,
Ngài là bậc Vô thượng.
346. Hãy đoạn nghi chúng con,
Cho con biết vị ấy,
Ðã được tịch tịnh chưa
Bậc trí tuệ rộng lớn,
Hãy nói giữa chúng con,
Bậc có mặt cùng khắp,
Như Thiên chủ Ðế Thích,
Lãnh đạo ngàn chư Thiên.
347. Phàm những cột gút gì,
Ở đây, đường si ám,
Dự phần với vô trí,
Trú xứ cho nghi hoặc;
Gặp được đức Như Lai,
Họ đều không còn nữa.
Mắt này mắt tối thắng,
Giữa cặp mắt loài Người.
348. Nếu không có người nào,
Ðoạn trừ các phiền não,
Như gió thổi tiêu tan
Các tầng mây dưới thấp,
Màn đen tức bao trùm,
Tất cả toàn thế giới,
Những bậc có hào quang,
Không có thể chói sáng.
349. Bậc trí là những vị
Tạo ra những ánh sáng,
Con xem Ngài như vậy.
Ôi! Bậc trí sáng suốt,
Chúng con đều cùng đến,
Bậc tu hành thiền quán,
Giữa hội chúng, chúng con,
Hãy nói về Kappa!
350. Hãy gấp phát tiếng lên,
Tiếng âm thanh vi diệu,
Như con chim thiên nga,
Giương cổ lên để hót,
Phát âm từng tiếng một,
Với giọng khéo ngân nga,
Tất cả bạn chúng con,
Trực tâm nghe lời Ngài.
351. Vị đoạn tận sanh tử,
Không còn chút dư tàn,
Vị tẩy sạch phiền não,
Con cầu Ngài thuyết pháp,
Kẻ phàm phu không thể
Làm theo điều nó muốn.
Bậc Như Lai làm được,
Ðiều được ước định làm,
352. Câu trả lời của Ngài
Thật đầy đủ trọn vẹn,
Ðược chơn chánh nắm giữ,
Bậc chánh trực trí tuệ.
Ðây chắp tay cuối cùng,
Con khéo vái chào Ngài,
Chớ làm con si ám,
Bậc trí tuệ tối cao.
353. Sau khi đã được biết
Thánh pháp thượng và hạ,
Chớ làm con si ám,
Bậc tinh tấn tối cao,
Như vào giữa mùa hè,
Nóng bức khát khao nước,
Chúng con ngóng trông lời,
Hãy mưa sự hiểu biết.
354. Kappa, sống Phạm hạnh,
Nếp sống có mục đích,
Phải chăng sống như vậy
Là sống không uổng phí?
Vị ấy chứng tịch tịnh,
Hay còn dư tàn lại,
Ðược giải thoát thế nào,
Hãy nói chúng con nghe!
Thế Tôn:
355. Vị ấy trên danh sắc,
Ðã đoạn tận tham ái,
Thế Tôn ở nơi đây
Ðã trả lời như vậy,
Vượt qua được già chết,
Không còn có dư tàn,
Thế Tôn nói như vậy,
Bậc tối thắng thứ năm.
Vangìsa:
356. Nghe vậy, con tịnh tín,
Với lời nói của Ngài,
Bậc ẩn sĩ thứ bảy?
Và lời hỏi của con.
Không phải là vô ích!
Và vị Bà-la-môn
Không có lừa dối con.
357. Nói gì thời làm vậy,
Thật xứng đệ tử Phật,
Chặt đứt lưới rộng chắc
Của thần chết xảo quyệt.
358. Ôi! Thế Tôn, Kappa
Thấy căn nguyên chấp thủ,
Thật sự đã vượt qua
Thế lực của Ma vương,
Thế lực thật khó vượt.
(XIII) Kinh Chánh xuất gia (Sn 63)
Người hỏi:
359. Tôi hỏi bậc ẩn sĩ,
Có trí tuệ rộng lớn,
Ðã vượt qua bờ kia,
Tịch tịnh, tự an trú.
Làm sao một Tỷ-kheo,
Bỏ nhà, bỏ các dục,
Lại có thể chơn chánh
Du hành ở trên đời?
Thế Tôn:
360. Ai nhổ lên điềm lành,
Như vậy, Thế Tôn đáp
Các sao băng mộng mị,
Và các tướng lành dữ,
Vị ấy đoạn trừ được,
Các lỗi lầm điềm lành;
Tỷ kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.
361. Tỷ-kheo nhiếp phục tham,
Ðối với các dục vọng,
Tại thiên giới, nhân giới,
Vượt hữu, chứng tri pháp;
Tỷ kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.
362. Tỷ kheo bỏ hai lưỡi,
Bỏ phẩn nộ, xan tham,
Với tùy thuộc chống đối,
Ðoạn tận thật hoàn toàn,
Tỷ kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.
363. Sau khi đã từ bỏ,
Cả ái và phi ái,
Không chấp thủ một ai,
Không y chỉ chỗ nào,
Giải thoát được hoàn toàn
Các kiết sử trói buộc,
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.
364. Ai không tìm lõi cây,
Ðối với các sanh y,
Có thể nhiếp phục tham,
Ðối với các chấp thủ,
Vị ấy không y chỉ,
Không để ai dắt dẫn,
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.
365. Với lời và với ý,
Và với cả nghiệp làm,
Không chống đối một ai,
Chơn chánh biết diệu pháp,
Thường cố gắng hướng đến,
Ðường Niết bàn tịch tịnh,
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.
366. Tỷ-kheo không tự cao,
Khi người đảnh lễ mình,
Dầu có bị nhiếc mắng,
Không khởi tâm tức tối,
Ðược đồ ăn của người,
Không có sự tham đắm,
Tỷ kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.
367. Tỷ-kheo sau khi đoạn,
Tham dục và sanh hữu,
Từ bỏ, không làm hại,
Không trói buộc một ai,
Vị ấy vượt nghi hoặc,
Ðã rút ra mũi tên,
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.
368. Tỷ-kheo sau khi biết,
Ðiều thích đáng cho mình,
Không làm hại một ai,
Có mặt ở trên đời,
Sau khi đã biết pháp
Như thật, như thế nào,
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.
369. Với ai, các tuỳ miên,
Không còn có tồn tại,
Và cội gốc bất thiện,
Ðược nhổ lên tận trừ,
Vị ấy không tham dục,
Không có hy cầu gì.
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.
370. Ai đoạn tận lậu hoặc,
Ðoạn trừ cả kiêu mạn,
Mọi con đường tham dục,
Ðược chế ngự nhiếp phục,
Ðược nhiếp phục tịch tịnh,
Tự ngã được an lập,
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.
371. Có lòng tin, nghe pháp,
Thấy được quyết định tánh,
Bậc hiền không phe phái,
Giữa rất nhiều phe phái,
Có thể nhiếp phục được,
Tham, sân và hận thù,
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.
372. Thanh tịnh và chiến thắng,
Kéo lên màn che kín,
Tự tại trong các pháp,
Ðến bờ kia, bất động,
Ðoạn diệt các sở hành,
Thiện xảo trong chánh trí,
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.
373. Trong những thời quá khứ,
Trong những thời vị lai,
Vượt qua các chủ thuyết,
Trí tuệ thật thanh tịnh,
Với tất cả mọi xứ,
Ðược hoàn toàn giải thoát.
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.
374. Rõ biết được Pháp cú,
Chứng tri được Chánh pháp,
Thấy được sự mở rộng,
Ðoạn tận các lậu hoặc,
Ðối tất cả sanh y,
Ðược trừ diệt hoàn toàn,
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.
Người hỏi:
375. Bạch Thế Tôn, chắc chắn,
Thực sự là như vậy,
Tỷ-kheo được chế ngự,
Ðã an trú như vậy,
Ðã nhiếp phục hoàn toàn,
Tất cả các kiết sử,
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.
(XIV) Kinh Dhammika (Sn 66)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, trong khu vườn ông Anàthapindika. Rồi nam cư sĩ Dhammika đi đến Thế Tôn với năm trăm nam cư sĩ, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, nam cư sĩ Dhammika nói lên những bài kệ với Thế Tôn:
Dhammika:
376. Kính thưa Gotama,
Bậc trí tuệ rộng lớn,
Con xin kính hỏi Ngài,
Vấn đề đặc biệt này:
Với vị đệ tử Ngài,
Làm thế nào là thiện?
Nếu là vị xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Hay là vị có nhà,
Sống đời nam cư sĩ?
377. Ngài rõ biết đường đi,
Cùng mục đích tối hậu,
Của Thế Tôn đời này,
Và thế giới chư Thiên.
Không ai so sánh Ngài,
Bậc thấy nghĩa thù diệu,
Chính Ngài được tôn xưng,
Là đức Phật thù thắng.
378. Ngài biết tất cả trí,
Ngài trình bày Chánh pháp,
Vì lòng thương, từ mẫn,
Ðối với mọi chúng sanh,
Ngài mở rộng bức màn,
Bậc có mắt mọi nơi
Không cấu uế, thanh tịnh,
Ngài chói toàn thế giới.
379. Vị vua loài Nàgà
Tên Eràvano,
Ðã đến gần bên Ngài,
Ðược nghe: Ngài chiến thắng.
Vị ấy tìm đến Ngài,
Ðể nghe lời khuyên nhủ,
Sau khi nghe, thích thú
Nói lên lời: Lành thay!.
380. Vua Vessavana,
Kuvera đến Ngài,
Tìm hiểu hỏi han Ngài
Về vấn đề diệu pháp,
Ðược hỏi, ôi bậc trí,
Hãy nói lên cho vua!
Sau khi nghe, vị ấy,
Cũng thích thú, ưa thích.
381. Các bậc ngoại đạo này
Ưa luận tranh khẩu chiến,
Các tà mạng ngoại đạo,
Hay các Ni-kiền Tử,
Tất cả không vượt qua,
Hơn thắng trí của Ngài,
Như người đang đứng lại,
Không thắng kẻ đi mau.
382. Các Bà-la-môn này,
Ưa luận tranh khẩu chiến,
Có những bậc Phạm-chí,
Ðã đến tuổi trưởng thượng,
Tất cả đều trói buộc,
Bởi tư tưởng của Ngài,
Kể cả những hạng người,
Tự phụ nói khoe khoang.
383. Pháp này là tế nhị,
Ðem lại nguồn an lạc,
Ðã được bậc Thế Tôn
Khéo nói, khéo thuyết giảng,
Tất cả mọi hạng người,
Ðều thích thú ưa nghe,
Ðược hỏi, hãy nói lên,
Ôi đức Phật tối thượng.
384. Các vị Tỷ-kheo này,
Ðang ngồi đây tất cả,
Kể cả nam cư sĩ,
Tất cả đều chờ nghe,
Hãy để họ nghe pháp,
Bậc Vô uế Giác ngộ,
Như chư Thiên nghe lời,
Vàsava khéo nói!
Thế Tôn:
385. Tỷ-kheo, hãy nghe Ta,
Ta khiến các Thầy nghe,
Pháp đoạn trừ điều ác,
Tất cả hãy trọ trì,
Với ai thấy ý nghĩa,
Nghĩ ngợi có suy tư,
Hãy sống theo chánh hạnh,
Thích hợp với xuất gia.
386. Tỷ-kheo chớ ra ngoài,
Trong thời gian phi thời,
Hãy vào làng khất thực,
Ðúng thời, thì hãy đi,
Ai đi đứng phi thời,
Bị bẫy sập trói buộc.
Do vậy các đức Phật,
Không có đi phi thời.
387. Các sắc và các tiếng,
Các vị, hương và xúc,
Chính những loại pháp ấy
Làm mê hoặc chúng sanh.
Hãy nhiếp phục, lòng dục,
Ðối với các pháp ấy,
Hãy vào cho đúng thời,
Ðể dùng buổi ăn sáng.
388. Tỷ-kheo được đúng thời,
Các đồ ăn khất thực,
Hãy đi về một mình,
Ngồi tại chỗ an tịnh,
Suy tư hướng nội tâm,
Ý không chạy ra ngoài,
Làm cho thoát ra khỏi,
Mọi chấp thủ tự ngã.
389. Nếu vị ấy có nói,
Với một vị đệ tử,
Hay nói với một vị
Một Tỷ-kheo nào khác,
Hãy nói cho vị ấy,
Sự thù diệu Chánh pháp,
Không có nói hai lưỡi,
Không bài xích một ai,
390. Nhưng có những hạng người,
Dùng khẩu chiến bằng lời,
Những hạng người tuệ nhỏ,
Chúng ta không tán thán,
Triền phược trói buộc họ,
Từ chỗ này chỗ kia,
Ở đây họ dẫn tâm,
Ðưa tâm đi quá xa.
391. Ðồ khất thực, tinh xá,
Cùng sàng tọa trú xứ,
Nước để trừ bụi nhớp,
Y áo Tăng-già-lê,
Sau khi nghe Chánh pháp,
Do Thiện Thệ thuyết giảng,
Bậc đệ tử thắng tuệ,
Quán sát, hãy dùng chúng.
392. Do vậy đồ khất thực,
Sàng tọa và trú xứ,
Nước để trừ bụi nhớp,
Y áo Tăng-già-lê,
Ðối với những pháp ấy,
Ðừng để cho dính nhiễm.
Tỷ-kheo như giọt nước,
Không dính trên lá sen.
393. Trách nhiệm của gia chủ,
Ta cũng nói các Ông,
Làm theo đúng như vậy,
Ðệ tử là tốt lành.
Pháp Tỷ-kheo toàn diện,
Khó thành tựu đầy đủ,
Vì là người gia chủ,
Phải làm nhiều việc đời.
394. Chớ giết loài hữu tình,
Chớ bảo người giết hại,
Hay chấp nhận kẻ khác,
Giết hại các người khác,
Ðối với mọi sanh loại,
Từ bỏ các hình phạt,
Ðối với kẻ mạnh bạo,
Như đối kẻ run sợ.
385. Rồi hãy quyết từ bỏ,
Lấy của không được cho,
Ðệ tử khéo sáng suốt,
Vật gì, vật của ai,
Chớ khiến người khác lấy,
Chớ chấp nhận lấy trộm.
Hãy từ bỏ, chấm dứt,
Mọi của cải không cho.
396. Hãy từ bỏ, tránh xa
Ðời sống phi Phạm hạnh,
Như bậc trí tránh né,
Lửa cháy hố than hừng.
Nếu tự mình bất lực,
Không thể sống Phạm hạnh,
Thời chớ có xâm phạm
Vợ của các người khác.
397. Khi đi đến hội chúng,
Hay đi đến đoàn chúng,
Hay một mình một người,
Chớ nói lời nói láo,
Chớ khiến người nói láo,
Chớ chấp nhận nói láo,
Tất cả điều không thật,
Hãy tránh xa từ bỏ.
398. Chớ sống theo nếp sống,
Uống rượu và say rượu,
Với vị là cư sĩ,
Ðã chấp nhận pháp này,
Chớ khiến nguời uống rượu,
Chớ chấp thuận uống rượu
Sau khi biết uống rượu,
Cuối đường là điên cuồng.
399. Chỉ kẻ ngu say rượu,
Mới làm các điều ác,
Và khiến các người khác,
Sống buông lung phóng dật,
Hãy từ bỏ, tránh xa
Xứ phi công đức này,
Khiến điên cuồng si mê,
Làm kẻ ngu thỏa thích.
400. Chớ có giết hữu tình,
Chớ lấy của không cho,
Chớ nói láo không thật,
Chớ uống rượu say mê,
Từ bỏ phi Phạm hạnh,
Không hành trì dâm dục
Không có ăn ban đêm,
Không ăn lúc phi thời.
401. Chớ mang các vòng hoa,
Chớ dùng các nước thơm,
Hãy nằm trên mặt đất,
Trên thảm chiếu trải dài,
Tám hạnh này được gọi
Là hạnh ngày trai giới,
Do đức Phật giảng dạy,
Ðể chấm dứt khổ đau.
402. Từ nay ngày trai giới,
Chia nửa tháng hai phần,
Ngày mười bốn, mười lăm,
Hay ngày tám mỗi tháng,
Với tâm ý hoan hỷ,
Thực hành thần thông pháp
Gồm có đủ tám phần,
Khéo đầy đủ vẹn toàn.
403. Do vậy, vào buổi sáng,
Thực hành ngày trai giới,
Bậc có trí sáng suốt,
Với tâm tư tín thành,
Với tâm ý tùy hỷ,
Cúng dường Tỷ-kheo Tăng,
Với món ăn đồ uống,
Hợp với khả năng mình.
404. Hãy nuôi dưỡng mẹ cha,
Hợp pháp và đúng pháp,
Và cũng đúng với pháp,
Hãy làm nghề buôn bán,
Người gia chủ như vậy,
Sở hành không phóng dật,
Ðược sanh làm Thiên nhân,
Tên là: “Tự chói sáng”.
Hits: 42