Dịch giả: Trần Phương Lan
(Download file MP3 – 16.53 MB – Thời gian phát: 01 giờ,36 phút 16 giây.)
Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.
Font chữ:
Ðảnh Lễ Ðức Thế Tôn, Bậc A-La-Hán, Chánh Ðẳng Giác
1- Chuyện thứ nhất – Lâu Ðài Có Sàng Tọa (Pìtha-Vimàna)
Một thời đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi (Xá-vệ), ở Jetavana (Kỳ Viên) trong tinh xá ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc). Sau khi vua Pasenadi (Ba-tư-nặc), nước Kosala (Kiều-tát-la), đã cúng dường suốt bảy ngày lễ vật vô thượng lên Tăng chúng với đức Phật là thượng thủ và nhà đại phú Anàthapindika đã cúng dường suốt ba ngày để phù hợp với lễ vật của nhà vua, và đại đệ tử nữ cư sĩ Visàkhà (Tỳ-xá-khư) đã cúng dường đại lễ vật như thế, tin đồn về sự cúng dường vô thượng được truyền đi khắp cõi Jambudìpa (Diêm-phù-đề): ‘Phải chăng bố thí cúng dường chỉ đặc biệt phát sinh kết quả lớn khi đó là sự bố thí hào phóng với lễ vật cao sang như vậy, hay đúng hơn, đó là sự bố thí cúng dường tùy theo phương tiện của mình?’.
Khi Tăng chúng nghe lời bình luận này, chư vị trình lên đức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn bảo:
– ‘Không phải chỉ do hiệu lực của tặng vật mà việc bố thí cúng dường đặc biệt phát sinh kết quả lớn, song đúng hơn, do hiệu lực của tín tâm và phước điền của những người nhận được vật cúng dường. Vì vậy, dù chỉ nhỏ bằng một nắm thóc hay một tấm giẻ, một tọa cụ bằng cỏ lá hay một hạt đậu trong nước tiểu hôi thối của trâu bò, được cúng dường với lòng thành cho một người xứng đáng nhận lễ vật cũng sẽ có đại kết quả, đại vinh quang và thấm nhuần khắp nơi’.
Thiên chủ Sakkha (Ðế Thích) đã nói như vầy:
‘Nếu có tín tâm, thì không một vật cúng dường nào có thể nói là không quan trọng.
Khi nó được dâng lên đức Như Lai, Chánh Ðẳng Giác hay vị đệ tử của Ngài’.
Bấy giờ, chuyện này được phổ biến rộng khắp cõi Diêm-phù-đề.
Quần chúng tùy theo phương tiện của họ bố thí, cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn, du sĩ lữ hành và hạng người cùng khổ; họ cung cấp nước uống trong sân nhà hoặc để ghế ngồi ở cổng ra vào.
Thời ấy có một Tỷ-kheo đầy đủ hảo tướng oai nghi, đến khất thực đúng thời trước một nhà kia. Tại đó, vị thiện gia tín nữ chào đón vị ấy, cung kính đảnh lễ và trải một tấm vải vàng được ủi thẳng trên sàng tọa của bà rồi đem lại dâng vị ấy.
Bà cúng dường món ăn mà bà có thể sắm được và quạt hầu vị ấy. Vốn tâm tín thành, bà suy nghĩ: ‘Nay vừa phát sinh một phước điền vô thượng dành cho ta’.
Khi vị Tỷ-kheo đã thọ thực xong, vị ấy thuyết pháp về sự cúng dường sàng tọa và thực phẩm v.v… rồi ra đi. Khi bà ấy nghĩ về việc bố thí của bà và bài pháp thoại, tâm bà lập tức rung động với niềm hoan lạc và bà cúng dường vị Tỷ-kheo cả chiếc sàng tọa ấy nữa.
Ít lâu sau, bà mắc bệnh từ trần và được tái sinh vào cõi trời Ba mươi ba trong một lâu đài bằng vàng dài mười hai do-tuần (dặm). Bà có một đoàn tùy tùng hầu cận gồm một ngàn tiên nữ. Vì trước kia bà cúng dường sàng tọa, nên tại đấy xuất hiện cho bà một chiếc sàng tọa bằng vàng dài một do-tuần, du hành thật nhanh qua bầu trời, giống như một ngôi nhà có nóc nhọn. Vì thế nó được gọi là Lâu đài có sàng tọa. Vì chiếc sàng tọa được cúng dường trước kia có phủ tấm vải màu vàng lên, nên lâu đài này bằng vàng, chứng tỏ sự tương tự giữa nghiệp và quả. Vì sàng tọa đã được cúng dường với tâm hoan hỷ mãnh liệt, nên Lâu đài di chuyển rất nhanh. Vì lễ vật ấy được cúng dường với sự thích thú của người xứng đáng nhận nó, nên lâu đài có thể di chuyển tùy theo sở thích của bà. Vì hiệu quả tín tâm hoan hỷ của nữ nhân kia, nên lâu đài rực rỡ và sáng chói.
Bấy giờ vào một ngày lễ hội, chư Thiên đều đi được, mỗi vị tùy theo phương tiện do uy lực của mình đến Hỷ lạc Viên Nandana để vui chơi trong ngự uyển, vị Thiên nữ kia phục sức thiên y và điểm trang thiên bảo, khởi hành trong lâu đài có sàng tọa đầy oai nghi với cả ngàn thị nữ hộ tống.
Lúc ấy, Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành lên cõi thiên, vừa đến cảnh giới trời Ba mươi ba và xuất hiện gần chỗ Thiên nữ này. Khi thấy Tôn giả, vị Thiên nữ vô cùng hoan hỷ, cung kính bước xuống khỏi sàng tọa tiến đến gần vị Trưởng lão, cúi mình đảnh lễ với năm phần thân thể sát đất, rồi đứng lên bày tỏ sự tôn trọng với đôi tay chấp lại, mười đầu ngón sát vào nhau.
Mặc dầu vị Trưởng lão này nhờ thần lực đa diện của trí tuệ, đã tự mình thấy rõ như thể ngắm quả Myrobalan trong lòng bàn tay, các thiện nghiệp và ác nghiệp do Thiên nữ này cũng như các vị khác đã tạo ra, nhờ khả năng tri kiến của Tôn giả về nghiệp quả tương ứng, tuy nhiên, vì ngay khi vừa tái sanh cõi trời, các Thiên nữ liền hỏi: – ‘Tiểu nữ đã từ trần tại đâu và được tái sanh vào thế giới này?’ – ‘Tiểu nữ đã làm thiện nghiệp gì để được phước phần này?’, và theo lệ thường, chư vị ấy đều đi đến kết luận đúng đắn, do đó, vị Trưởng lão muốn làm sáng tỏ nghiệp quả cho thế giới chư Thiên, bèn bảo Thiên nữ này kể lại hạnh nghiệp vị ấy đã làm, rồi ngâm các vần kệ sau:
1. Tọa sàng kim sắc thật huy hoàng,
Di chuyển nhanh như ý của nàng,
Nàng đội vòng hoa, trang phục đẹp,
Sáng như tia chớp giữa mây ngàn.
2. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Thần lực nàng vì sao rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương?
4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
5. Khi được làm người giữa thế nhân,
Con mang sàng tọa nhỏ đem dâng,
Vái chào cung kính khách xa đến,
Tay chắp, cúng dường theo khả năng.
6. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
7. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đấy oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
2. Chuyện thứ hai – Lâu Ðài Có Sàng Tọa Thứ Hai (Dutiyapìthà-Vimàna)
Phần giải thích và bình luận chuyện này phải được hiểu tương ứng với những gì đã nói trong chuyện thứ nhất. Song có điểm dị biệt là:
Chuyện kể rằng một nữ nhân sống ở Sàvatthi thấy một Tỷ-kheo đến nhà bà khất thực; với tâm tín thành, khi muốn cúng dường vị ấy một tọa sàng, bà trải một tấm vải xanh trên tọa sàng của bà tặng vị ấy. Vì thế, khi bà tái sanh lên thiên giới, tại đó xuất hiện cho bà một sàng tọa làm bằng ngọc bích. Do vậy, có các vần kệ:
1. Tọa sàng ngọc bích thật huy hoàng,
Di chuyển nhanh như ý của nàng,
Nàng đội vòng hoa, trang phục đẹp,
Sáng như tia chớp giữa mây ngàn.
2. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Thần lực nàng vì sao rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương?
4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
5. Khi được làm người giữa thế nhân,
Con mang sàng tọa nhỏ đem dâng,
Vái chào cung kính khách xa đến,
Tay chắp, cúng dường theo khả năng.
6. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ,
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
7. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đấy oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
3. Chuyện thứ ba – Lâu Ðài Có Sàng Tọa Thứ Ba (Tatiyapìtha-Vimàna)
Tại Ràjagaha (Vương Xá) (như chuyện số 1), vị nữ nhân phát nguyện lúc dâng cúng sàng tọa của bà: ‘Ước mong hạnh nghiệp này sẽ làm nhân duyên cho ta được một sàng tọa bằng vàng trong kiếp sau’.
Do đó, có truyền thuyết như vầy:
1. Tọa sàng kim sắc thật huy hoàng,
Di chuyển nhanh như ý của nàng,
Nàng đội vòng hoa, trang phục đẹp,
Sáng như tia chớp giữa mây ngàn.
2. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Thần lực nàng vì sao rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương?
4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
5. Vì một hành vi nhỏ của con,
Ðây là kết quả sắc huy hoàng,
Ngày xưa khi ở trong tiền kiếp,
Con được làm người giữa thế gian.
6. Con gặp một vô lậu Thánh Tăng,
An nhiên tâm trí, chẳng mê lầm,
Với người, con có lòng thành tín,
Ðem đến tận tay chiếc tọa sàng.
7. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
8. Xin trình Tôn giả đại oai thần,
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đấy oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
4. Chuyện thứ tư – Lâu Ðài Có Sàng Tọa Thứ Tư (Catutthapìtha-Vimàna)
Hoàn cảnh chuyện này cũng ở Ràjagaha. Chuyện phải được hiểu như đã được tả ở Lâu đài thứ hai vì nữ nhân tặng sàng tọa sau khi trải tấm vải xanh lên đó, nên đời sau một Lâu đài bằng ngọc bích cũng xuất hiện cho bà. Phần còn lại cũng giống như chuyện đã được kể về Lâu đài thứ nhất. Do đó có truyền thuyết:
1. Toạ sàng ngọc bích thật huy hoàng,
Di chuyển nhanh như ý của nàng,
Nàng đội vòng hoa, trang phục đẹp,
Sáng như tia chớp giữa mây ngàn.
2. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Thần lực nàng vì sao rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương?
4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
5. Vì một hành vi nhỏ của con,
Ðây là kết quả sắc huy hoàng,
Ngày xưa khi ở trong tiền kiếp,
Con được làm người giữa thế gian.
6. Con gặp một vô lậu Thánh Tăng,
An nhiên tâm trí, chẳng mê lầm,
Với người, con có lòng thành tín,
Ðem đến tận tay chiếc tọa tàng.
7. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Là con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
8. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đấy oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
5. Chuyện thứ năm – Lâu Ðài Con Voi (Kunjara-Vima ana)
Ðức Thế Tôn lúc ấy đang trú tại Ràjagaha ở chỗ nuôi sóc trong Veluvana (Trúc Lâm). Bất ngờ một hôm có lễ hội được công bố khắp thành Ràjagaha. Mọi người đều phục sức thật đẹp và đi dự lễ hội.
Bấy giờ Ðại vương Bimbisàra thể theo nguyện vọng của thần dân, ngự ra khỏi cung và đi dự lễ quanh kinh thành trong cảnh vô cùng uy nghi rực rỡ. Thời ấy một thiện nữ nhân trú tại Ràjagaha thấy cảnh huy hoàng của nhà vua, lòng đầy kinh ngạc thích thú, bèn hỏi những người có tiếng thông thái:
– Nhờ phước nghiệp gì ta tạo được cảnh vinh quang như thiên giới này?
Họ bảo nàng:
– Này bạn, một thiện nghiệp cũng như viên ngọc quý làm thỏa nguyện, hay cây thần ban điều ước này.
Khi nghe thế, nàng tự nhủ: ‘Ta thấy kết quả trên thiên giới còn vĩ đại hơn phần thưởng kia (do việc bố thí cúng dường)’. Từ đấy nàng trở nên nhiệt tâm thực hành các công đức thiện nghiệp.
Bấy giờ, cha mẹ gửi cho nàng một bộ y phục mới, một sàng tọa mới, một bó hoa sen, sữa lạc, mật ong, đường và gạo. Khi thấy các thứ này, nàng tự bảo: ‘Ta muốn bố thí, và bây giờ các lễ vật xứng đáng bố thí cúng dường đã có trong tay ta’. Và với lòng hoan hỷ, nàng chuẩn bị lễ vật, nhà cửa và bản thân vào ngày hôm sau.
Thời ấy Tôn giả Sàriputta đi khất thực trong thành Ràjagaha, vào đường phố với oai nghi của một người đang đặt xuống chiếc túi đựng một ngàn đồng tiền.
Người nữ tỳ của nàng thấy vị Trưởng lão liền thưa:
– Bạch Tôn giả, xin đưa bình bát cho tiện nữ.
Và nàng nói thêm:
– Xin Tôn giả đi lối này để làm đặc ân cho một tín nữ.
Tôn giả trao nàng chiếc bình bát. Nàng dẫn Tôn giả đến nhà. Lúc ấy nữ nhân kia chào đón và phục vụ Tôn giả. Trong lúc nàng thiết đãi ngài, nàng phát nguyện: ‘Do uy lực của phước nghiệp này, ước mong ta sẽ được mọi cảnh vinh quang trên thiên giới, đầy đủ các thiên tượng, trùng các và sàng tọa, và ước mong không lúc nào thiếu hoa sen’.
Kế đó, khi vị Trưởng lão đã thọ thực xong, nàng rửa bình bát và đổ đầy lạc, mật ong, đường, cùng các thứ khác, lại lấy một xấp vải trải lên sàng tọa và trao tận tay vị Trưởng lão.
Sau khi vị Trưởng lão đã giã từ, nàng ra lệnh cho hai gia nhân:
– Hãy đem sàng tọa này và bình bát đến tinh xá, cúng dường Trưởng lão ấy rồi trở về.
Họ tuân lệnh. Về sau, nàng từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài bằng vàng cao một trăm do-tuần và có một đoàn tùy tùng hộ tống, gồm một ngàn tiên nữ.
Do ước nguyện của nàng, một con voi quý cao năm do-tuần xuất hiện cho nàng, được quấn quanh mình với các vòng hoa sen và trang điểm cân đai toàn vàng.
Bấy giờ vào một ngày lễ hội, chư Thiên đều đi dự, mỗi vị tùy theo uy lực của mình đến Hỷ Lạc Viên Nandana để vui chơi trong ngự uyển.
(Từ đây về sau câu chuyện cũng giống như phần sớ giải Lâu đài thứ nhất). Như vậy chuyện này phải được hiểu như trong chuyện ấy, song ở đây, Tôn giả Moggallàna ngâm các vần kệ sau:
1. Voi nàng như ngọn núi huy hoàng,
Tô điểm cân đai đủ ngọc vàng,
Khả ái, oai hùng, đầy tốc lực,
Nhẹ nhàng di chuyển giữa không gian.
2. Ðây là một bảo tượng liên hoa,
Ánh sáng sen xanh, đỏ tỏa ra,
Chân cẳng voi đầy hương phấn phủ,
Sen vàng treo lủng lẳng trên ngà.
3. Rải rác hoa sen khắp mặt đường,
Phẳng lì, tô điểm cánh sen tàn,
Khiến lòng mê mẩn, đầy êm ái,
Vương tượng bước đi thật nhịp nhàng.
4. Trong lúc tượng vương tiến bước lên,
Chuỗi chuông vàng trổi khúc êm đềm,
Chung thanh chẳng khác nào âm nhạc
Năm thứ đàn tơ hợp tấu nên.
5. An tọa trên lưng đại tượng vương,
Xiêm y nàng trắng, khéo trang hoàng,
Trông nàng thù thắng về dung sắc,
Vượt hẳn bao tiên nữ cả đoàn.
6. Kết quả này do việc cúng dường,
Hay trì giới, hoặc chắp tay nàng?
Khi nàng được hỏi điều như vậy.
Hãy nói cho ta biết rõ ràng.
7. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
8. Thấy một Sa-môn đủ tướng hiền,
Hân hoan Thiền định, trí an nhiên,
Con dâng sàng tọa đầy hoa rắc,
Với một tấm khăn vải phủ lên.
9. Tâm tín thành, tay tự trải khăn,
Rải hoa sen nở đã gần tàn,
Cùng chung các cánh hoa sen rụng,
Khắp chốn bao quanh chiếc tọa sàng.
10. Kết quả này do thiện nghiệp duyên,
Nên con nhận được của chư Thiên
Ân tình phụng sự và thương mến,
Con được tôn vinh ở cõi tiên.
11. Quả thực kẻ nào có tín tâm
Muốn đem sàng tọa để cung dâng
Những người giải thoát, tâm thanh tịnh,
Sẽ được như con, hưởng phước ân.
12. Vậy do ước vọng được an lành,
Mong quả lớn sau sẽ đạt thành,
Phải tặng tọa sàng cho những vị
Mang thân đời cuối chẳng lai sanh.
6. Chuyện thứ sáu – Lâu Ðài Có Chiếc Thuyền (Nàvà-Vimàna)
Trong lúc đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi (Xá-vệ), mười sáu Tỷ-kheo đã an cư mùa mưa trong một ngôi làng, khởi hành đến Sàvatthi vào mùa nắng, bảo nhau: ‘Chúng ta sẽ đến yết kiến đức Thế Tôn và nghe Pháp’.
Trên đường đi, có một sa mạc không có nước, vì chư vị bị sức nóng bức bách và không tìm ra nước, chư vị liền đến vùng lân cận một ngôi làng. Tại đó, một nữ nhân cầm bình nước đang đi tới giếng.
Bấy giờ chư Tăng thấy nàng bèn bảo:
– Nếu ta đi đến nơi mà nàng đang đi, thì chúng ta có thể xin nước.
Chư vị đi theo nàng, thấy cái giếng, bèn dừng lại bên nàng. Nàng kéo nước từ giếng lên và thấy chư vị, nàng tự nhủ: ‘Những bậc chân chánh này đang khát nước’, rồi cung kính mời chư vị uống nước. Chư vị lấy cái lọc nước từ túi xách ra, lọc nước và uống thật nhiều nước như ý muốn, tẩm mát tay chân, nói lời chúc lành với nữ nhân vì đã tặng nước cho chư vị, rồi ra đi. Nàng ghi nhớ công đức ấy trong lòng và thỉnh thoảng nàng lại nghĩ đến việc ấy.
Về sau nàng từ trần và tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Do uy lực công đức của nàng, tại chỗ ấy đã xuất hiện cho nàng một Lâu đài vĩ đại, được làm tăng vẻ mỹ lệ bằng một cây thần ban điều ước. Chung quanh cây là một dòng suối chảy với nước trong như khối ngọc và đôi bờ cát trắng trải dài lấp lánh như những chuỗi ngọc trai và dải bạc.
Ở hai bên bờ và ngay cổng đi vào lạc viên của Lâu đài là một hồ sen lớn, được tô điểm với các chùm sen ngũ sắc và một chiếc thuyền bằng vàng.
Thiên nữ ấy an trú tại đó, hưởng thiên lạc, vui chơi nhàn nhã trong chiếc thuyền kia. Rồi một hôm, Tôn giả Mahà-Moggallàna trong lúc du hành đến cõi trời, thấy nàng Thiên nữ đang vui chơi như vậy, bèn hỏi:
1. Tiên nương đang đứng ở trong thuyền
Có mái vàng che phủ phía trên,
Nàng bước xuống hồ sen ngắt hái
Một hoa sen với cánh tay tiên.
2. Trùng các là nơi nàng trú thân,
Lâu đài có nóc nhọn nhiều tầng,
Khéo xây ngăn nắp và cân xứng,
Rực rỡ, sáng ngời khắp bốn phương.
3. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú gì nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
4. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Thần lực nàng vì sao rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương.
5. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
6. Khi được làm người giữa thế nhân,
Kiếp xưa sinh ở chốn phàm trần,
Con thấy chư Tăng đang khát nước,
Quyết lòng, con kéo nước lên dâng.
7. Quả thật ai đầy đủ nhiệt tâm,
Ðem dâng nước uống đến chư Tăng
Khát nhiều, mỏi mệt, ngày sau được
Suối mát đầy sen nở trắng ngần.
8. Bên mình nước mát với đôi bờ
Cát trắng viền luôn chảy lững lờ,
Ðầy đủ sà-la, xoài, ngọc quế,
Kèn, đào, ti-lak nở muôn hoa.
9. Phong cảnh càng tăng vẻ mỹ quang,
Lâu đài rực sáng tuyệt trần gian,
Ðây là kết quả hành vi ấy,
Ai tạo phước lành hưởng lạc an.
10. Trùng các là nơi con trú thân,
Lâu đài có nóc nhọn nhiều tầng,
Khéo xây ngăn nắp và cân xứng,
Rực rỡ, sáng ngời khắp bốn phương.
11. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
12. Xin trình Tôn giả đại oai thần,
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đấy, oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
7. Chuyện thứ bảy – Lâu Ðài Có Chiếc Thuyền Thứ Hai (Dutiyanàvà Vimàna)
Trong lúc đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, có một Tỷ-kheo đã đoạn tận lậu hoặc, vào đầu mùa mưa, muốn khởi sự an cư trong một làng xóm, nên vị ấy khởi hành sau buổi ngọ trai, lên đường đi từ Sàvatthi đến làng ấy.
Khi mệt mỏi vì khát nước và đường xa, vị ấy ghé đến một làng nọ. Thấy không nơi nào có bóng cây và nước uống trong vùng lân cận, lại bị cơn mệt nhọc trấn áp, vị ấy đắp thượng y đi vào làng, dừng chân ở cửa nhà thôn trưởng. Tại đó, có một nữ nhân thấy vị này bèn hỏi:
– Tôn giả từ đâu đến?
Và khi thấy vị ấy mỏi mệt, khát nước, bà mời vị ấy vào nhà và ngồi trên sàng tọa. Bà lại đưa nước rửa chân, dầu để xoa chân và quạt hầu vị ấy.
Khi cơn nóng đã dịu, bà dọn nước ngọt, thơm mát mời vị ấy. Vị Trưởng lão uống nước xong, cơn khát lắng xuống, vị ấy cám ơn bà và ra đi. Về sau bà từ trần, được tái sinh vào cõi trời Ba mươi ba. Mọi việc cần được hiểu như ở chuyện Lâu đài trước. Các vần kệ cũng giống như vậy.
8. Chuyện thứ tám – Lâu Ðài Có Chiếc Thuyền Thứ Ba (Tatiyanàvà-Vimàna )
Trong lúc đức Thế Tôn du hành quanh thị trấn với hội chúng Tỷ-kheo đông đảo, Ngài đến một ngôi làng Bà-la-môn tên là Thùna ở quốc độ Kosala. Các gia chủ Bà-la-môn ở Thùna nghe tin: ‘Người ta nói rằng Sa-môn Gotama đã đến tại cánh đồng làng ta’.
Bây giờ các gia chủ Bà-la-môn là ngoại đạo có tà kiến, bản tính keo kiệt, bảo nhau:
– Nếu Sa-môn Gotama vào làng này và ở lại độ hai ba ngày, vị ấy sẽ an trú tất cả dân làng này vào Giáo pháp của vị ấy. Khi ấy giáo lý Bà-la-môn sẽ không có nơi nương tựa.
Và cố ngăn cản đức Thế Tôn dừng chân tại đấy, họ đưa thuyền bè ra khỏi bến đậu và làm cho cầu cống trở thành vô dụng. Họ lấp kín các giếng nước trừ một giếng cũ đầy cỏ rác và che giấu các mạch nước, nhà nghỉ và lầu trọ. Chuyện được kể trong Kinh Udàna (Cảm Hứng Ngữ) như vậy ở phẩm VII, 9.
Ðức Thế Tôn biết được ác nghiệp của họ và sinh lòng thương xót họ, bèn du hành giữa không gian cùng chư Tỷ-kheo vượt qua sông, rồi tiếp tục đi đến làng Bà-la-môn Thùna. Ngài rời đường cái và ngồi xuống một gốc cây.
Vào lúc ấy, một số nữ nhân đi ngang và xách nước gần đức Thế Tôn, trong lòng đã có sự giao ước: ‘Nếu Sa-môn Gotama đến đây, không được ai tiếp đón vị ấy, và khi vị ấy đến nhà nào thì không ai được đem thực phẩm cho vị ấy hoặc đệ tử của vị ấy cả’.
Rồi một nữ tỳ của một gia chủ Bà-la-môn đi đến với một ghè nước, thấy đức Thế Tôn được một hội chúng Tỷ-kheo vây quanh, nhận ra rằng chư vị đều khát nước và mệt mỏi; với lòng đầy tín thành, nàng muốn đem nước cúng dường chư vị. Nàng tự nhủ: ‘Cho dù dân chúng làng này đã quyết định không được cho Sa-môn Gotama thứ gì cả, thậm chí cũng không được đảnh lễ cung kính, tuy nhiên, nếu khi ta đã tìm ra các phước điền vô thượng, xứng đáng được cúng dường này, ta lại không làm nơi nương tựa cho ta bằng cách chỉ đem nước cúng dường mà thôi, thì biết bao giờ ta mới được giải thoát khỏi cuộc sống đau khổ trong đời sau? Ta hãy vui lòng để chủ ta và mọi người trong làng này đập ta, trói ta, ta vẫn quyết cúng dường nước cho phước điền như thế’.
Khi nàng đã quyết tâm như vậy, mặc dù các nữ nhân khác đang xách nước cố ngăn cản nàng, nàng vẫn không quan tâm đến tính mạng mình, nhấc ghè nước trên đầu xuống, đặt sang một bên, đến gần đức Thế Tôn với lòng đầy hân hoan, hạnh phúc, nàng đảnh lễ với năm phần thân thể sát đất, và dâng nước lên Ngài.
Ðức Thế Tôn nhận ra tín tâm của nàng, và để ban đặc ân cho nàng. Ngài rửa tay chân và uống nước mát. Nước trong bình không giảm xuống. Cô gái thấy vậy càng tăng tín tâm, đem nước đến lần lượt cho mỗi vị Tỷ-kheo, rồi cho tất cả chư vị. Nước cũng vẫn không giảm bớt. Lòng đầy hân hoan phấn khởi, với bình nước vẫn đầy như bao giờ, nàng trở về nhà.
Gia chủ Bà-la-môn của nàng nghe tin nàng đem cho nước uống. ‘Nó đã phá luật lệ của làng này và ta sẽ bị chê cười’, ông bảo. Lòng nổi cơn giận bừng bừng sôi sục, ông ném nàng xuống đất đấm đá túi bụi. Vì bị trận đòn tàn nhẫn ấy, nàng qua đời, được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba và một Lâu đài xuất hiện cho nàng như được tả trong chuyện Lâu đài có chiếc thuyền thứ nhất.
Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda:
– Này Ananda, hãy đem nước giếng cho Ta.
Vị Trưởng lão đáp:
– Bạch Thế Tôn, giếng ở đây đã bị dân chúng Thùna làm ô nhiễm. Con không thể lấy nước được.
Nhưng đức Thế Tôn ra lệnh cho vị này lần thứ hai, lần thứ ba, vị Trưởng lão cầm bình bát của đức Thế Tôn và đi về phía giếng. Khi vị ấy đến, nước giếng đã dâng đầy lên cao, tràn khỏi miệng, và chảy ra mọi phía.
Mọi thứ rác rến trồi lên mặt nước và chảy đi sạch. Vì nước dâng lên, các mạch nước khác cũng tràn đầy, nên làng này bị nước vây quanh, và vùng đất quanh làng bị chìm ngập. Các Bà-la-môn thấy việc hi hữu, lòng đầy kinh ngạc lẫn kỳ thú, họ đến xin đức Thế Tôn tha lỗi. Lập tức nước lụt biến mất dần.
Dân chúng liền cung cấp chỗ ở lên đức Thế Tôn và chư Tăng, thỉnh cầu chư vị ngày mai và ngày kế tiếp đi đến thọ trai. Sau khi đã chuẩn bị đại lễ cúng dường, họ dâng cao lương mỹ vị đủ loại cứng và mềm lên chư Tăng với đức Phật là vị thượng thủ.
Khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong, và cất tay ra khỏi bình bát, toàn thể dân chúng Thùna đều ngồi đảnh lễ cung kính quanh Ngài.
Ngay lúc ấy, Vị Thiên nữ quán sát thành tựu của nàng và nhận ra nguyên nhân chính là việc nàng cúng dường nước uống. Lòng đầy hoan hỷ, nàng nói:
– Tốt lắm, nay ta muốn đảnh lễ đức Thế Tôn, ta muốn tuyên bố cho thế giới loài Người biết thành quả to lớn của các thiện nghiệp, thậm chí rất nhỏ nhặt, được thực hành cho những người theo đúng chánh đạo.
Với nhiệt tâm tràn trề, cùng đoàn tùy tùng một ngàn tiên nữ hộ tống trong lạc viên của nàng có cả tòa Lâu đài kia, nàng xuất hiện với đại oai thần của Thiên giới trước sự chứng kiến của toàn thể dân chúng.
Nàng bước xuống khỏi Lâu đài, đến gần đức Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và đứng trong dáng điệu cung kính. Sau đó đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ kết quả công đức của nàng cho đám quần chúng trước mặt Ngài, bèn hỏi nàng qua các vần kệ:
1. Tiên nương đang đứng ở trong thuyền
Có mái vàng che phủ phía trên,
Nàng bước xuống hồ sen ngắt hái
Một hoa sen với cánh tay tiên.
2. Trùng các là nơi nàng trú thân,
Lâu đài có nóc nhọn nhiều tầng,
Khéo xây ngăn nắp và cân xứng,
Rực rỡ, sáng ngời khắp bốn phương.
3. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú gì nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
4. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Thần lực nàng vì sao rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương.
5. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Ðức Phật tòan giác hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
6. Khi được làm người giữa thế nhân,
Kiếp xưa sinh ở chốn phàm trần,
Con thấy chư Tăng đang khát nước,
Quyết lòng, con kéo nước lên dâng.
7. Quả thật ai đầy đủ nhiệt tâm,
Ðem dâng nước uống đến chư Tăng
Khát nhiều, mỏi mệt, ngày sau được
Suối mát đầy sen nở trắng ngần.
8. Bên mình nước mát với đôi bờ
Cát trắng viền luôn chảy lững lờ,
Ðầy đủ sà-la, xoài, ngọc quế,
Kèn, đào, ti-lak nở muôn hoa.
9. Phong cảnh càng tăng vẻ mỹ quang,
Lâu đài rực sáng tuyệt trần gian,
Ðây là kết quả hành vi ấy,
Ai tạo phước lành hưởng lạc an.
10. Trùng các là nơi con trú thân,
Lâu đài có nóc nhọn nhiều tầng,
Khéo xây ngắn nắp và cân xứng,
Rực rỡ, sáng ngời khắp bốn phương.
12. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
13. Nhờ đấy, nay con có lực thần,
Dung quang sáng chói khắp mười phương,
Ðây là kết quả phần công hạnh
Ðem nước dâng đức Phật cúng dường.
Sau đó đức Thế Tôn thuyết pháp và giảng Bốn Thánh Ðế. Khi pháp thoại chấm dứt, vị Thiên nữ được an trú vào sơ quả Dự Lưu.
9. Chuyện thứ chín – Lâu Ðài Có Ngọn Ðèn (Dìpa-Vimàna)
Trong lúc đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, vào ngày Bố-tát (trai giới) nhiều thiện nam tín nữ cư sĩ tuân thủ ngày này, thực hành sự bố thí buổi sáng trước giờ ngọ, mỗi người tùy theo phương tiện của mình, thọ thực trước giờ quy định và y phục chỉnh tề với áo khoác ngoài sạch sẽ, cầm vòng hoa, hương liệu đi đến tinh xá vào buổi chiều, hầu cận chư Tỷ-kheo làm phát khởi tín tâm và nghe pháp buổi chiều tối.
Trong lúc chư vị vẫn còn nghe pháp và muốn ở lại qua đêm trong tinh xá, thì trời tối dần. Lúc ấy một nữ nhân suy nghĩ: ‘Mọi người cần có đèn ở đây’, và bà đem đèn cùng các vật để thắp đèn từ nhà đến, thắp đèn lên, đặt trước pháp tòa và nghe pháp. Hài lòng vì đã cúng dường đèn, bà tràn ngập niềm hân hoan, hạnh phúc và ra về sau khi cung kính đảnh lễ chư Tăng.
Về sau bà từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài bằng ngọc báu rực rỡ. Song vì hào quang của thân thể Thiên nữ này quá vĩ đại, nàng sáng chói hơn các Thiên nữ khác và tỏa ánh sáng khắp mười phương.
Bấy giờ, một hôm Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành lên Thiên giới (như các truyện trước) nhưng ở đây, Tôn giả đặt câu hỏi bắt đầu bằng ba vần kệ:
1. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm
Ðang chiếu mười phương với ánh quang,
Nàng đứng, toàn thân đều tỏa sáng
Như vì sao cứu hộ trần gian.
2. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
3. Vì sao nàng có được hào quang
Thanh tịnh, vượt xa hẳn mọi nàng?
Vì cớ gì thân nàng rực rỡ,
Làm cho sáng chói khắp mười phương?
4. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Thần lực nàng vì sao rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương.
5. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
6. Thuở được làm người giữa thế nhân,
Kiếp xưa sinh ở chốn phàm trần,
Khi màn đêm tối buông dày đặc,
Con thắp đèn lên để cúng dâng.
7. Khi trời tốt mịt một đêm đen,
Ai thắp đèn cho tỏa sáng lên,
Sẽ tái sanh trong lầu bảo ngọc
Ðầy hoa nở rộ cạnh hồ sen.
8. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
9. Con là Thiên nữ tỏa hào quang
Thanh tịnh, vượt xa hẳn mọi nàng,
Vì thế toàn thân con rực rỡ,
Làm cho sáng chói khắp mười phương?
10. Xin trình Tôn giả đại oai thần,
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đấy, oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
10. Chuyện thứ mười – Lâu Ðài Do Cúng Mè (Tiladakkhina-Vimàna)
Bấy giờ đức Thế Tôn đang trú ở Sàvatthi, tại Kỳ Viên, trong tinh xá ông Cấp Cô Ðộc. Thời ấy tại Ràjagaha có một nữ nhân đang mang thai, rửa sạch mè và phơi khô vì bà muốn uống một ít dầu mè.
Thọ mạng của bà sắp chấm dứt, và bà có số phận phải chết ngay hôm ấy với các hạnh nghiệp chồng chất đưa đến tái sanh vào địa ngục.
Bấy giờ, đức Thế Tôn, trong khi quán sát thế gian vào lúc rạng đông, với Thiên nhãn Ngài thấy bà và suy nghĩ: ‘Nữ nhân này sắp chết hôm nay có thể tái sanh vào địa ngục. Vậy bây giờ Ta hãy làm cho bà ấy tái sanh thiên giới bằng cách nhận mè do bà ấy bố thí’.
Chỉ trong chốc lát, Ngài đi từ Sàvatthi đến Ràjagaha, và trong khi Ngài đi khất thực ngang qua thành Ràjagaha, Ngài đến cửa nhà bà. Nữ nhân ấy thấy đức Thế Tôn, lòng tràn ngập hân hoan hạnh phúc, vội đứng lên chắp hai tay, và thấy không có gì khác xứng đáng để cúng dường, bà rửa tay chân và lùa mè lại thành một đống, bà bụm cả hai tay lại, bốc đầy mè và đặt nắm mè vào bình bát đức Thế Tôn. Do lòng từ mẫn đối với bà, đức Thế Tôn bảo: ‘Mong con được an lạc’, rồi tiếp tục lên đường.
Ðêm ấy, lúc gần rạng đông, bà kia từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài bằng vàng rộng mười hai do-tuần.
Tôn giả Mahà-Moggallàna, trong lúc du hành lên cõi trời (như được tả trên đây), gặp bà và hỏi:
1. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm
Ðang chiếu mười phương với ánh quang,
Nàng đứng, toàn thân đều tỏa sáng
Như vì sao cứu hộ trần gian.
2. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú gì nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Thần lực nàng vì sao rực rỡ,
Dung quang sáng chói khắp mười phương.
4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
5. Trong đời sống trước giữa phàm trần,
Con được sinh làm một thế nhân,
Con gặp Phật-đà vô lậu hoặc,
An nhiên tâm trí, chẳng mê lầm.
6. Gặp Phật, con đầy đủ tín thành,
Cúng dường lễ vật chính tay mình,
Lòng không tham vọng, đem mè tặng
Ðấng Giác Ngộ là bậc xứng danh.
7. Vì thế sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
8. Xin trình Tôn giả đại oai thần,
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đấy, oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
11. Chuyện thứ mười một – Lâu Ðài Trinh Phụ (Patibbatà-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi. Trong thành ấy có một trinh phụ. Nàng sống hòa hợp với chồng, nhẫn nại và thông minh. Nàng không la mắng ai, dù khi hờn giận, nàng nói năng dịu dàng, chân thật, đầy tín tâm và cúng dường bố thí tùy theo phương tiện của nàng.
Khi lâm trọng bệnh, nàng từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Phần còn lại cũng giống như chuyện đã được kể:
1. Thiên nga, sếu, hạc với chim công,
Cu gáy du dương lượn khắp vòng
Lầu các, lạc viên, hoa tuyệt sắc,
Dập dìu bao ngọc nữ tiên đồng.
2. Thiên nữ đằng kia đại lực hùng,
Thay hình đổi dạng với thần thông,
Cùng đoàn tiên nữ vây quanh ấy
Múa hát vui chơi thật thỏa lòng.
3. Ðạt thành thiên lực đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?
4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
5. Khi được làm người giữa thế nhân,
Con là trinh phụ chẳng tà dâm,
Như hiền mẫu chở che con trẻ,
Không nói lời thô lúc hận sân.
6. Chân thật, đoạn trừ các vọng ngôn,
Hân hoan bố thí, tính ân cần,
Với tâm thành tín, con cung kính
Hào phóng cúng dường thức uống ăn.
7. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
8. Xin trình Tôn giả đại oai thần,
Công đức con làm giữa thế nhân,
Vì thế oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
12. Chuyện thứ mười hai – Lâu Ðài Trinh Phụ Thứ Hai (Dutiyapatibbatà-Vimàna)
Tại Sàvatthi, tương truyền có một nữ đệ tử tại gia là một trinh phụ, mộ đạo, đầy tín tâm. Bà giữ Ngũ giới, bố thí tùy theo phương tiện và khi từ trần, bà được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Phần còn lại như đã được tả ở trên:
1. Trụ bằng ngọc bích sáng muôn màu,
Thiên nữ oai nghi thượng thúy lâu,
Nhờ đại thần thông nàng lạc trú,
Thay hình đổi dạ thỏa mong cầu.
2. Tiên nữ vây quanh ở khắp nơi,
Ðàn ca múa hát mãi vui chơi,
Thần thông thiên giới nàng thành tựu
Do tạo đức gì ở cõi người,
Oai lực của nàng sao rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng mọi phương trời?
3. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
4. Khi làm người giữa cõi nhân gian,
Là đệ tử Ngài có Nhãn quang,
Con bỏ sát sanh loài thú vật,
Và không lấy của cải tha nhân.
5. Con chẳng hề ham uống rượu nồng,
Con không nói láo, chỉ yêu chồng,
Với lòng thành tín, con cung kính
Dâng cúng dồi dào thức uống ăn.
6. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
7. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đấy oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
13. Chuyện thứ mười ba – Lâu Ðài Của Nàng Dâu (Sunisà-Vimàna)
Tại Sàvatthi, trong ngôi nhà kia, có một nàng dâu vốn là một thiện gia tín nữ, thấy một Trưởng lão Tỷ-kheo đã đoạn tận lậu hoặc đến nhà khất thực, lòng nàng tràn ngập hân hoan, hạnh phúc, thầm nghĩ: ‘Một phước điền vô thượng đã xuất hiện cho ta’, nàng bèn cầm phần chiếc bánh nếp mà nàng đã nhận cho mình và cung kính cúng dường vị Tỷ-kheo. Vị ấy nhận bánh, nói lời tùy hỷ công đức và tiếp tục đi.
Về sau, nàng dâu ấy qua đời và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Phần còn lại cũng giống như đã được giải thích ở trên.
1. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm
Ðang chiếu mười phương với ánh quang.
Nàng đứng, toàn thân đều tỏa sáng
Như vì sao cứu hộ trần gian.
2. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Thần lực nàng vì sao rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?
4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
5. Con làm dâu ở tại nhà chồng,
Khi được làm người giữa thế nhân,
Thấy một Tỷ-kheo vô lậu hoặc,
An nhiên tâm trí, chẳng mê lầm.
6. Với người, con có tín tâm thành,
Dâng bánh bằng tay của chính mình,
Trước đã cúng người phần chiếc bánh,
Nay con hưởng thú Lạc Viên đình.
7. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
8. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân.
Nhờ đấy oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
14. Chuyện thứ mười bốn – Lâu Dài Nàng Dâu Thứ Hai (Dutiyasunisà-Vimàna)
Giống chuyện Lâu Ðài Nàng Dâu ở trước, chỉ trừ điểm: Ở đây, vật cúng dường là phần bánh bột gạo (Kummàsa)
15. Chuyện thứ mười lăm – Lâu Ðài Của Uttarà (Uttarà-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Ràjagaha, ở chỗ nuôi sóc trong Trúc Lâm. Thời ấy có một người nghèo tên là Punna, sống làm công cho một vị triệu phú chủ ngân khố ở Ràjagaha. Vợ y có tên Uttarà và con gái cùng tên Uttarà là hai người duy nhất trong nhà y.
Ngày kia, tại Ràjagaha có lễ hội suốt bảy ngày. Ông triệu phú nghe tin đó, nên khi Punna đến vào sáng sớm, ông bảo:
– Này chú, tất cả gia nhân ta đều muốn cử hành lễ hội, vậy chú muốn dự lễ hay muốn làm việc lấy tiền công?
Punna đáp:
– Thưa ông chủ, những việc như lễ hội để dành cho người giàu, chứ nhà con không có cả gạo để nấu cháo ngày mai nữa. Lễ hội có nghĩa gì với con chứ? Nếu có đôi bò, con sẽ đi cày.
Ông chủ đáp:
– Ðược rồi, thế thì lấy bò ra.
Punna đem đôi bò lực lưỡng và cây cày tốt về bảo vợ:
– Nàng ơi, dân chúng trong thành đang làm lễ hội. Còn ta sắp đi làm công vì nhà ta nghèo. Nhưng ngay hôm nay, nàng hãy nấu gấp đôi phần ăn dành cho ta và đem đến chỗ ta.
Sau đó y ra đồng.
Bây giờ, Trưởng lão Sàriputta đã nhập Diệt định suốt bảy ngày, vừa xuất định, bèn quán sát thế giới và suy nghĩ: ‘Hôm nay ta sẽ có dịp làm ân cho ai?’
Tôn giả thấy Punna xuất hiện trong phạm vi nhận thức của mình, liền quán sát thêm và suy nghĩ: ‘Nay người này có phải là thiện nam tử chăng? Y có thể làm ơn cho ta chăng?
Khi nhận thấy Punna là một thiện nam tử có khả năng làm ơn phước, và vì thế sẽ tạo nên kết quả lớn cho y, Tôn giả cầm y, bát đi ra đồng nơi y làm việc cày bừa, rồi đứng đó nhìn vào bụi cây ở cuối bờ ruộng.
Ngay khi Punna thấy vị Trưởng lão, y ngừng cày, đảnh lễ Tôn giả với năm phần thân thể sát đất và tự nhủ:
– Vị ấy cần cái tăm xỉa răng.
Y đưa Tôn giả cái tăm xỉa răng đã làm sẵn sàng để dùng. Sau đó Tôn giả kéo bình bát và khăn lọc nước từ túi xách ra và đưa cho y. Y tự nhủ: ‘Vị ấy cần nước uống’. Punna bèn cầm lấy khăn lọc nước uống và trao cho Tôn giả.
Tôn giả suy nghĩ: ‘Người này ở tại chính ngôi nhà cuối cùng trong làng. Nếu ta đi đến cửa nhà ấy, vợ y sẽ không thấy ta. Vậy, ta sẽ đứng lại ngay tại đây cho đến khi vợ y bước ra đường cái với phần ăn của y’.
Tôn giả đợi đó một lát, và khi biết rằng vợ y đã lên đường, Tôn giả ra đi về phía thành phố. Khi người vợ thấy vị Truởng lão trên đường, bà suy nghĩ: ‘Thỉnh thoảng ta có một vật xứng đáng để cúng dường thì ta lại không thấy ai xứng đáng để nhận nó. Thỉnh thoảng ta gặp một người xứng đáng, ta lại không có gì xứng đáng cúng dường. Song hôm nay ta lại gặp một nguời xứng đáng, đồng thời ta lại có vật xứng đáng cúng dường. Chắc chắn ngài sẽ làm ơn cho ta’.
Bà đặt đĩa thức ăn xuống đó, đảnh lễ vị Trưởng lão với năm phần thân thể sát đất rồi thưa:
– Bạch Tôn giả, xin hãy làm ơn nhận cho tôi tớ của Tôn giả mà không quan tâm đến món thực phẩm này ngon hay dở’.
Lúc ấy vị Trưởng lão đưa bình bát ra, và khi bà cầm đĩa với một tay và trao thức ăn cúng dường Tôn giả bằng tay kia, Tôn giả bảo:
– Thôi đủ rồi.
Khi vừa đúng nửa dĩa được cúng dường, Tôn giả lấy tay che bình bát lại. Bà đáp:
– Bạch Tôn giả, một phần ăn không thể chia hai. Nếu Tôn giả không muốn làm ơn cho tôi tớ của ngài trong đời này thì xin Tôn giả làm ơn cho đời sau. Con muốn cúng dường tất cả, chứ không phải để lại bất cứ vật gì.
Nói vậy xong, sau khi đặt mọi vật vào bình bát, bà phát nguyện:
– Ước mong con được dự phần vào Ðạo pháp mà Tôn giả đã chứng đắc.
Tôn giả đáp:
– Mong được như vậy.
Tôn giả nói lời tùy hỷ công đức lúc đang đứng, và khi Tôn giả đã ngồi xuống một nơi thuận lợi có nuớc chảy, Tôn giả thọ thực.
Người vợ ấy về nhà, kiếm một ít gạo và nấu cơm nữa.
Trong lúc Punna đã cày xong nửa thửa ruộng, và không thể nào chịu nổi cơn đói, y tháo cái cày ra khỏi đôi bò, đi vào bóng cây, ngồi xuống nhìn ra đường.
Bấy giờ vợ y đang đi trên đường, cầm thức ăn và thấy y, bà suy nghĩ: ‘Chàng đang ngồi đó mong chờ ta vì bị cơn đói hành hạ. Giả sử chàng mắng chửi, bảo: ‘Nó đi trễ quá!’, và giả sử chàng lấy gậy đánh ta, thì việc ta làm vừa rồi sẽ không có kết quả gì. Vậy ta sẽ nói trước với chàng để ngăn cản việc ấy’.
Với ý tưởng này trong trí, bà bảo:
– Thưa phu quân, hôm nay, ngay chính ngày duy nhất này, hãy tạo nhiệt tâm, tinh tấn, đừng làm cho việc thiếp vừa làm trở thành vô hiệu quả. Trong khi thiếp đang đem cơm cho chàng từ sáng sớm, thiếp thấy vị Tướng quân Chánh pháp đi trên đường. Thiếp cúng dường ngài phần ăn của chàng và sau đó về nhà nấu cơm lại và đem đây. Xin phu quân hãy tạo nhiệt tâm.
Y đáp:
– Nàng đang nói gì thế?
Và khi đã nghe câu chuyện, y đáp:
– Này nàng, nàng đã làm rất chánh đáng khi đem phần ăn của ta cúng dường bậc xứng đáng này. Hôm nay, lúc tảng sáng, ta cũng cúng dường ngài cái tăm xỉa răng và nước súc miệng.
Và với tâm thành tín, y thỏa mãn với câu chuyện vợ y vừa kể, rồi mệt mỏi vì ăn cơm trễ trong ngày, y kê đầu lên lòng vợ và ngủ thiếp đi.
Bấy giờ, tất cả phần đất được cày từ sáng sớm, gồm cả đất được nghiền nát, đều trở thành vàng sáng chói và luôn giữ vẻ rực rỡ, như một đám hoa kanikàra màu vàng óng ả.
Khi Punna thức dậy, y nhìn và bảo vợ:
– Này nàng, ta thấy hình như cả đám đất được cày đã trở thành vàng. Nàng hãy cho ta biết, chẳng phải mắt ta bị lóa vì ta ăn cơm quá trễ lúc xế trưa đấy chứ?
Bà đáp:
– Thưa phu quân, thiếp cũng thấy đất có vẻ như thế.
Y đứng lên, đến đó cầm một cục đất đập vào đầu cái cày, thấy nó chính là vàng bèn kêu to:
– Ô kìa, kết quả việc bố thí cúng dường vị Tướng quân Chánh pháp xứng đáng ấy đã xuất hiện ngay hôm nay rồi. Song rõ ràng là ta không thể hưởng riêng số tài sản quá lớn như vậy.
Y đổ đầy vàng vào cái dĩa vợ y đem lại và đi đến cung vua, khi được vua cho phép, y bước vào đảnh lễ, và vua hỏi:
– Này nhà ngươi, có việc gì thế?
Y đáp:
– Tâu Hoàng Thượng, hôm nay mảnh đất hạ thần đã cày đều biến thành vàng khối cả, và vẫn còn nguyên như vậy. Số vàng ấy này cần phải được trình lên Hoàng thượng.
– Nhà ngươi là ai? Nhà vua hỏi.
– Tiểu thần tên là Punna.
– Song nhà ngươi đã làm gì hôm nay?
– Tảng sáng nay, tiểu thần dâng cái tăm xỉa răng và nuớc súc miệng lên vị Tướng quân Chánh pháp và vợ tiểu thần dâng ngài thức ăn được đem đến cho tiểu thần.
Khi vua nghe vậy, ngài bảo:
– Ngay hôm nay, kết quả do bố thí cúng dường đã xuất hiện. Này nhà ngươi, ta sẽ làm gì đây?
– Xin Hoàng thượng phái nhiều ngàn chiếc xe đi chở vàng về dâng Hoàng thượng.
Nhà vua truyền đoàn xe ra đi.
Khi quân của vua cầm vàng lên và bảo:
– Vàng này thuộc về Hoàng thượng.
Mỗi thỏi vàng họ cầm đều hóa thành đất. Khi họ về trình vua, ngài hỏi họ:
– Các người nói gì khi cầm vàng?
Họ đáp:
– Chúng thần bảo vàng thuộc về Hoàng thượng.
Nhà vua bảo:
– Thế thì các ngươi hãy đến lần nữa và bảo trong lúc nhặt vàng: ‘Vàng này thuộc về Punna’.
Họ tuân lệnh. Mọi thỏi vàng được nhặt lên vẫn giữ nguyên trạng. Họ mang vàng về chất thành đống trong sân chầu. Ðống vàng cao đến tám mươi cubít (khoảng 40 mét) . Nhà vua triệu tập đám thị dân đến hỏi:
– Người nào trong thành này có nhiều vàng như vậy chăng?
– Tâu Hoàng Thượng, không.
– Thế phải tặng cái gì cho người có như vậy?
– Tâu Hoàng thượng, chiếc lọng của một đại phú chủ ngân khố (setthi)
Nhà vua phán:
– Hãy cho ngươi ấy làm vị Ðại phú gia.
Rồi ngài trao cho y chiếc lọng Ðại phú gia và nhiều vàng bạc.
Lúc ấy Punna trình nhà vua:
– Tâu Hoàng thượng, suốt thời gian qua chúng thần ở đậu nhà người khác. Xin Hoàng thượng ban cho chúng thần một nơi để ở.
Nhà vua bảo:
– Thế thì hãy xem đây. Chốn này giống như rừng hoang. Hãy dọn dẹp sạch sẽ mọi sự và xây nhà mới.
Rồi vua chỉ cho y thấy cảnh nhà vị Ðại phú gia trước kia. Chỉ trong vài ngày, ngài đã truyền xây một nhà mới trên khuôn viên ấy, rồi cử hành lễ tân gia và lễ nhận chức vụ cùng một thể. Y lại làm lễ cúng dường Tăng chúng với đức Phật là vị thượng thủ suốt bảy ngày.
Sau đó, vị Ðại phú gia cũ ở Ràjagaha đi hỏi con gái của Puna về làm vợ cho con trai ông. Y đáp:
– Tôi không muốn gả con gái tôi.
Vị Ðại phú gia bảo:
– Ðừng làm như vậy. Ông đã được may mắn ngay thời gian ông đang ở nhà chúng tôi. Nay hãy gả con gái ông cho con trai tôi.
Punna đáp:
– Con trai ông không phải là kẻ mộ đạo. Con gái tôi không thể sống thiếu sự nương tựa Tam Bảo. Chỉ vì vậy mà tôi không muốn gả con gái tôi cho cậu ấy.
Sau đó nhiều người có địa vị đến khẩn cầu y:
– Ðừng phá vỡ mối giao hảo của ông với ông này. Xin hãy gả con gái cho con ông ấy.
Y chịu theo lời khẩn cầu của họ và gả con gái đúng vào ngày rằm trăng tròn tháng Asàlhi (khoảng tháng sáu-bảy). Nàng đi về sống với nhà chồng.
Từ khi về đó, nàng không được phép đến gần Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni, cũng không được bố thí cúng dường hoặc nghe pháp. Khoảng hai tháng rưỡi như vậy trôi qua, nàng hỏi đám nô tỳ hầu cận:
– Nay mùa mưa còn lại bao lâu nữa?
– Thưa tiểu thư, còn nửa tháng.
Nàng nhắn tin với cha: ‘Tại sao họ lại thả con vào cảnh lao tù như vậy? Thà rằng trước kia cha đóng dấu trên người con và cho con làm nô tỳ kẻ khác còn hơn gả con vào trong một gia đình không có lòng tin vào đạo. Từ lúc đến đây, con không được phép làm một thiện sự công đức nào cả, thậm chí cũng không được nhìn một Tỷ-kheo’.
Bấy giờ cha nàng, sau khi bày tỏ nỗi buồn phiền, bèn nói: ‘Than ôi, thật khổ thân con ta!’. Rồi truyền đem mười lăm ngàn đồng kahàpana đến giao cho nàng và nhắn tin: ‘Trong kinh thành này có một kỹ nữ sang trọng tên là Sirimà. Mỗi ngày nàng kiếm được một ngàn (kahàpana). Con hãy dùng số tiền này nhờ người đưa nàng đến gặp con, trao nàng cho chồng con, rồi con hãy tự mình thực hành mọi thiện sự như con muốn’.
Uttarà làm như vậy. Khi chồng nàng thấy Sirimà liền hỏi:
– Chuyện gì đây?
Nàng đáp:
– Thưa phu quân, trong nửa tháng này xin hãy để cho cô bạn của thiếp săn sóc chàng, còn suốt nửa tháng này thiếp không muốn làm gì ngoài việc cúng dường bố thí và nghe pháp.
Chồng nàng nhìn kiều nữ kia và dục vọng khởi lên, liền đồng ý ngay:
– Ðược rồi, tốt lắm.
Về phần Uttarà, nàng gởi lời cung thỉnh Tăng chúng với đức Phật là bậc thượng thủ: ‘Bạch Thế Tôn, suốt nửa tháng này xin đừng đi nơi nào khác, mà chỉ nhận lễ cúng dường tại đây’.
Khi nhận được sự đồng ý của bậc Ðạo Sư, nàng nói:
– Từ nay cho đến Ðại lễ Tự Tứ (Mahàpavàranà), ta sẽ có thể hầu cận bậc Ðạo Sư và nghe pháp.
Với lòng hân hoan về việc ấy, nàng đi quanh sắp đặt mọi sự cần làm trong nhà bếp, bảo: ‘Hãy nấu cháo cách này, làm bánh cách nọ’.
Bấy giờ chồng nàng suy nghĩ: ‘Ngày mai là Ðại lễ Tự Tứ, vừa đứng ở cửa sổ nhìn ra nhà bếp vừa tự hỏi: ‘Bây giờ không biết con bé ngốc nghếch này đang bận làm gì?’ Chàng thấy nàng đang đi quanh, thân ướt đẫm mồ hôi, dính đầy tro bụi, lấm lem cả than lẫn bồ hóng do mọi việc chuẩn bị, liền nói:
– Con bé ngốc nghếch này không thụ hưởng xa hoa lạc thú trong một nơi như thế này. Nó cứ đi quanh quẩn với lòng hân hoan chỉ vì ước muốn hầu hạ đám Tỷ-kheo trọc đầu.
Rồi chàng cười to và bỏ đi. Khi chàng bỏ đi, Sirimà đang đứng cạnh chàng và tự nhủ: ‘Nay chàng thấy gì khiến chàng cười to vậy?’ Rồi nhìn ra cửa sổ ấy, nàng thấy Uttarà và suy nghĩ: ‘Chàng nhìn vợ và cười to, chắc có sự mật thiết giữa hai người’.
Bấy giờ chuyện kể rằng, mặc dù kiều nữ này đã làm khách mời suốt nửa tháng trong nhà này, tuy thế, vì nàng đang hưởng thụ xa hoa lạc thú, nàng quên nghĩ đến địa vị khách mời của mình, lại có ý tưởng: ‘Ta là chủ nhà này’.
Nàng đem lòng căm hận Uttarà và tự nhủ: ‘Ta sẽ phá nó’, liền đi xuống từ thượng lầu, vào nhà bếp và đến nơi người ta đang làm bánh, lấy cái muỗng lớn múc một ít dầu bơ nóng sôi, đi về phía Uttarà.
Uttarà thấy nàng đi đến, suy nghĩ: ‘Bạn ta đã làm ơn cho ta. Chu vi quả đất này quá hẹp, Phạm Thiên giới quá thấp, song đức độ của bạn ta thật vĩ đại vì nhờ nàng, ta mới có thể cúng dường và nghe pháp. Nếu ta tức giận nàng, thì dầu bơ này sẽ làm bỏng ta, nếu không, nó sẽ không làm bỏng ta’.
Dầu bơ ấy, dù được tưới trên đỉnh đầu nàng, vẫn giống như nước lạnh vì toàn thân nàng được thấm nhuần từ tâm. Rồi khi các nô tỳ của Uttarà thấy Sirimà tiến đến phía họ sau khi đã múc đầy một muỗng bơ khác và suy nghĩ: ‘Bơ này cũng sẽ nguội lạnh sao?’, họ đe dọa nàng:
– Ơ kìa, ác nữ nhân kia! Sao ngươi dám tưới dầu sôi trên đầu bà chủ ta?
Rồi từ mọi nơi trong nhà bếp, họ xông tới lấy tay chân đấm đá nàng và xô xuống đất. Dù Uttarà muốn ngăn cản họ, nàng cũng không thể chận họ được.
Sau đó Uttarà đứng bên Sirimà, xua các nô tỳ lui ra, và nói với Sirimà bằng giọng trách móc:
– Tại sao cô lại làm một việc tai hại như vậy?
Rồi nàng lấy nước ấm tắm cho kiều nữ và xoa đầu nàng ấy với loại dầu đã được lọc kỹ cả trăm lần.
Ngay lúc ấy, Sirimà nhận ra sự thực nàng chỉ là khách mời, bèn suy nghĩ: ‘Ta đã làm một việc tai hại khi rắc dầu sôi lên đầu nàng. Thậm chí nàng cũng không ra lệnh cho đám nô tỳ: ‘Giữ lấy nó!’, nàng lại còn xua họ đi ra khi họ đả thương ta và làm cho ta những việc đáng làm. Nếu ta không xin nàng thứ lỗi, đầu ta sẽ bị vỡ ra bảy mảnh’.
Nàng liền quỳ xuống chân Uttarà và nói:
– Xin bà tha thứ cho tôi.
Uttarà đáp:
– Ta là cô con gái còn có cha. Nếu cha ta tha thứ, ta sẽ tha thứ nàng.
– Thưa bà, tôi sẽ xin lỗi cả thân phụ bà là Ðại phú gia Punna nữa.
– Thân phụ Punna là người cha đã sinh ra ta trong vòng luân hồi sinh tử (samsàra). Song nếu vị thân phụ đã sinh ra ta trong vòng không luân hồi (Nibbàna) tha thứ nàng thì ta sẽ tha thứ.
– Thế ai là vị thân phụ sinh ra bà trong vòng không luân hồi?
– Ðức Phật Chánh Ðẳng Giác.
– Tôi không quen biết Ngài. Làm sao bây giờ?
– Bậc Ðạo Sư sẽ đến đây vào ngày mai với Tăng chúng của Ngài. Nàng hãy đem bất cứ lễ vật cúng dường nào nàng sắm được và đến đây xin Ngài tha thứ.
– Thưa bà, được lắm.
Sirimà nói xong, đứng dậy về nhà nàng, ra lệnh cho năm trăm nữ tỳ chuẩn bị nhiều loại món ăn cứng và mềm, và ngày hôm sau, nàng đem mọi lễ vật thiết đãi ấy đi đến nhà Uttarà rồi ngồi đợi, chứ không dám đặt thứ gì vào bình bát của Tăng chúng với đức Phật là vị thượng thủ. Chính Uttarà nhận lấy mọi lễ vật và sắp đặt mọi việc cả. Còn Sirimà và đoàn tùy tùng của nàng đợi khi buổi thọ thực hoàn tất, liền quỳ dưới chân bậc Ðạo Sư, lúc ấy bậc Ðạo Sư hỏi nàng:
– Cô có lỗi gì?
– Bạch Thế Tôn, hôm qua con đã làm như vậy như vậy, song bạn con đã chận đám nô tỳ ấy đang đả thương con. Thay vào đó nàng đã làm ơn cho con. Con nhận thấy đức hạnh của nàng, bèn xin nàng tha lỗi, song nàng bảo với con rằng khi nào con được Thế Tôn tha lỗi thì ‘Ta sẽ tha lỗi’.
– Có đúng như cô ấy nói không, Uttarà?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Bạn con đã đổ dầu sôi lên đầu con.
– Thế lúc ấy con nghĩ gì?
– Con nghĩ: ‘Chu vi quả đất quá hẹp, Phạm Thiên giới quá thấp, song đức hạnh của bạn con thật vĩ đại, bởi vì nhờ nàng giúp đỡ, con mới có thể cúng dường lễ vật và nghe pháp. Nếu con tức giận nàng thì dầu ấy cứ làm bỏng con; còn nếu không thì nó không làm bỏng con’. Nghĩ như vậy, con đã làm cho nàng được thấm nhuần từ tâm tỏa rộng.
Bậc Ðạo Sư bảo:
– Lành thay, lành thay. Uttarà, ta cần phải nhiếp phục hận sân như vậy.
Và để làm sáng tỏ ý nghĩa này: ‘Ta phải lấy vô sân nhiếp phục người sân hận, nhiếp phục người phỉ báng bằng cách không phỉ báng; nhiếp phục người mạ lị bằng cách không mạ lị; nhiếp phục người keo kiệt bằng cách đem cho tài vật của mình; và nhiếp phục người nói dối bằng lời chân thật’, Ngài ngâm vần kệ:
Ta lấy vô sân thắng hận sân,
Lấy hiền lương nhiếp phục tà gian,
Lấy hào phóng thắng người keo kiệt,
Lấy thật chân thắng kẻ vọng ngôn.
Khi Ngài đã ngâm vần kệ xong, Ngài thuyết giảng Tứ Ðế, Uttarà được an trú vào quả Nhất Lai. Còn chồng nàng và cha mẹ chồng nàng đều đắc quả Dự Lưu. Về sau, khi Uttarà từ trần, nàng tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba.
Khi Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành lên thiên giới như đã tả ở trên, thấy Thiên nữ Uttarà, bèn đặt câu hỏi nàng qua vần kệ bắt đầu với:
1. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm
Ðang chiếu mười phương với ánh quang,
Nàng đứng, toàn thân đều tỏa sáng
Như vì sao cứu hộ trần gian.
2. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức giữa thế nhân,
Thần lực nàng vì sao rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?’
4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng gỉải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
5. Tính con không tật đố, ghen hờn,
Keo kiệt, khi đang sống với chồng,
Tuân phục chồng, không hề giận dỗi,
Giữ ngày trai giới thật tinh cần.
6. Vào ngày mười bốn với mười lăm,
Mồng tám, những ngày có sáng trăng,
Ðặc biệt là ngày trong nửa tháng
Liên quan Bố-tát giới tu thân.
7. Con hành trì giới Bát quan trai,
Ðức hạnh bản thân giữ suốt đời,
Như vậy trong Lâu đài lạc trú,
Ðiều thân tiết độ, cúng dường hoài.
8. Hại mạng sát sanh, con tránh xa,
Giữ mình không dối trá sai ngoa,
Cũng không lấy vật gì phi pháp,
Tránh rượu nồng say, các dục tà.
9. Hân hoan giữ Ngũ giới tu hành,
Thánh Ðế con nghiên cứu thật tinh,
Ðệ tử đức Cồ-đàm Chánh Giác,
Nhãn quan thấu suốt, đại uy danh.
10. Bản thân giữ đạo đức nghiêm trang,
Ðạt được thanh danh thật vẻ vang,
Nay thọ hưởng công mình đã tạo,
Con thường hạnh phúc lẫn khang an.
11. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
12. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đấy oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
Và bạch Tôn giả, xin hãy làm ơn nhân danh con, cung kính đảnh lễ chân Thế Tôn và nói: ‘Tín nữ có tên Uttarà cung kính khấu đầu đảnh lễ chân Thế Tôn’ được chăng? Thực sự, bạch Tôn giả, nếu đức Thế Tôn có tuyên bố cho con đạt được một trong các Sa-môn quả, thì điều ấy cũng không lạ gì’.
Về sau đức Thế Tôn đã tuyên bố quả Bất Lai cho nàng.
16. Chuyện thứ mười sáu – Lâu Ðài Của Sirimà (Sirimà-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn đang trú tại Ràjagaha (Vương Xá) ở chỗ nuôi sóc trong Trúc Lâm. Thời ấy Sirimà, kỳ nữ sang trọng đã được nói đến trong chuyện trước, cũng từ giã nghề nghiệp ô uế của nàng, vì nàng đã đắc quả Dự Lưu và bắt đầu cúng dường thực phẩm hằng ngày cho tám vị trong Tăng chúng được chọn theo phiếu.
Từ buổi đầu, tám Tỷ-kheo đã đến nhà nàng hằng ngày. Nàng thường múc đầy các bình bát và nói: ‘Xin hãy dùng một ít bơ, hãy dùng một ít sữa…’ Phần ăn mỗi người nhận được đủ cho ba bốn người. Mỗi ngày số thực phẩm cúng dường có giá trị bằng mười sáu kahàpana (giá hai con bò sữa).
Một hôm, một Tỷ-kheo đã thọ hưởng buổi ngọ trai dành cho tám vị xong, bèn đi đến một tinh xá cách đó ba do-tuần (khoảng 20 km).
Bấy giờ, về buổi chiều, trong lúc vị ấy ngồi hầu cận chư Trưởng lão, chư vị hỏi:
– Này Hiền hữu, Hiền hữu đã thọ thực tại đâu ngay trước khi đến đây?
– Tiểu đệ đã dự buổi ngọ trai dành cho tám vị tại nhà cô Sirimà.
– Thế cô Sirimà đem cúng dường thực phẩm mà cô ấy đã làm cho ngon lành chăng?
– Tiểu đệ không thể nào tả hết buổi ngọ trai kia. Cô ấy cúng dường thực phẩm đã chuẩn bị rất thịnh soạn. Chỉ một phần ăn một người nhận được cũng đủ cho ba bốn người. Song còn đặc biệt thù thắng hơn cả lễ vật được bố thí là dung sắc của cô ấy, vì cô ấy có dung sắc tuyệt mỹ thế này thế này…’ Rồi vị ấy kể lại mọi vẻ đẹp hấp dẫn của nàng.
Bấy giờ, một Tỷ-kheo đã nghe lời tường thuật mọi vẻ diễm lệ của nàng, mặc dù chưa thấy nàng, chỉ mới nghe kể về nàng, vị ấy đã đâm ra si tình nàng và nghĩ thầm: ‘Ta muốn đi nhìn nàng’.
Vị ấy bèn nói về số hạ lạp (mùa an cư đã trải qua) và hỏi một Tỷ-kheo về vị trí của mình trong Giáo đoàn. Khi nghe vị kia bảo:
– Này Hiền hữu, ngày mai Hiền hữu sẽ là vị Tỷ-kheo trưởng thượng, Hiền hữu sẽ được dự một buổi ngọ trai dành cho tám vị.
Vị ấy liền cầm y bát ngay lúc ấy, và khởi hành từ lúc rạng đông, vị ấy vào phòng phát phiếu và đã làm vị Tỷ-kheo trưởng thượng, vị ấy đi thọ dụng một buổi ngọ trai dành cho tám vị.
Song ngay đúng lúc vị Tỷ-kheo đã thọ trai ngày hôm trước vừa ra đi, thì một căn bệnh phát ra trong thân thể Sirimà. Vì thế nàng cởi hết tư trang và đi nằm.
Lúc ấy đám gia nhân của nàng thấy các Tỷ-kheo đã đến để thọ buổi ngọ trai dành cho tám vị, liền báo tin cho nàng. Vì không thể chính tay cầm các bình bát hoặc mời chư Tăng an tọa, nàng ra lệnh cho các nữ tỳ:
– Này các chị, hãy cầm lấy bình bát, mời chư Trưởng lão an tọa, dâng chư vị nước cháo để uống, rồi dọn các thức ăn cứng (bánh trái), và khi đến giờ ngọ trai (buổi cơm chính trước ngọ), hãy múc đầy các bình bát và dâng chư vị.
Họ làm theo lệnh ấy, Nàng lại bảo:
– Hãy quàng tay qua người tôi và đưa tôi vào. Tôi muốn đảnh lễ chư vị Tôn giả.
Rồi nhờ họ dìu dắt, nàng được đưa vào tiếp kiến các Tỷ-kheo và đảnh lễ chư vị với thân hình run rẩy. Khi vị Tỷ-kheo (đã si tình nàng) thấy nàng, vị ấy suy nghĩ: ‘Dầu đang bệnh, nữ nhân này vẫn có dung sắc mỹ lệ sáng tươi, vậy thì lúc nàng khỏe mạnh, tô điểm mọi thứ nữ trang, nàng còn đẹp đến dường nào?’ và các lậu hoặc chất chứa từ vô lượng kiếp nổi dậy tấn công vị ấy. Vị ấy trở nên thẫn thờ, không thể ăn cơm được nữa, bèn cầm bát trở về tinh xá, đậy bình bát lại, để sang một bên, và trải một góc chiếc y rồi nằm xuống. Sau đó dù một bạn đồng tu đến van nài, vị ấy cũng không thể ăn gì được. Vị ấy cứ thế nhịn ăn.
Ngay tối hôm ấy, Sirimà từ trần. Nhà vua gửi lời nhắn với bậc Ðạo Sư: ‘Bạch Thế Tôn, Sirimà, em út của y sĩ Jìvaka đã từ trần’. Khi bậc Ðạo Sư nghe tin ấy, Ngài gửi lời nhắn với nhà vua: ‘Không nên hỏa thiêu thi hài Sirimà. Hãy đưa thi hài ấy xuống đặt ở chỗ các xác chết chưa thiêu và canh giữ để các loài diều quạ đừng ăn thịt nó’.
Nhà vua làm theo như vậy.
Ba ngày liên tiếp trôi qua, vào ngày thứ tư xác bắt đầu sình lên. Dòi bọ bắt đầu bò ra từ chín lỗ. Toàn thân chẳng khác nào một thùng gạo thối. Nhà vua truyền lệnh khắp kinh thành:
– Ngoại trừ trẻ con phải giữ trong nhà, tất cả mọi người nào không đi viếng Sirimà đều phải nộp phạt tám kahàpana (giá tiền một con bò sữa).
Rồi nhà vua gửi lời nhắn với bậc Ðạo Sư: ‘Xin chư Tăng cùng với đức Phật là vị thượng thủ hãy đến viếng Sirimà’.
Bậc Ðạo Sư thông báo với các Tỷ-kheo:
– Chúng ta sẽ đi viếng Sirimà.
Vị Tỷ-kheo trẻ đã nằm dài suốt bốn ngày không để ý gì lời ai nói, cũng không ăn uống gì. Thậm chí thức ăn trong bình bát đã hôi thối, vị ấy cũng không nhấc chân lên. Nay một vị đồng tu đi đến bảo:
– Này Hiền hữu, bậc Ðạo Sư sắp đi viếng Sirimà đấy.
Chỉ mới nghe nhắc đến tên Sirimà, vị Tỷ-kheo trẻ, dù đang đói lả người, cũng vùng dậy. Vị đồng bạn hỏi:
– Bậc Ðạo Sư sắp đi viếng Sirimà, thế Hiền hữu có đi không?
– Tôi sẽ đi.
Vị ấy đáp rồi vừa đổ cơm ra, vị ấy vừa rửa bình bát và cùng đi với Tăng chúng.
Bậc Ðạo Sư được chúng Tỷ-kheo vây quanh đứng thành một nhóm. Hội chúng Tỷ-kheo-ni, đám triều thần và thiện nam tín nữ đứng riêng thành từng nhóm. Bậc Ðạo Sư hỏi nhà vua:
– Thưa Ðại vương, cô ấy là ai thế?
– Bạch Thế Tôn, đây là em gái của Jìvaka, tên là Sirimà.
– Ðây là Sirimà ư?
– Chính thế, bạch Thế Tôn.
– Thế thì hãy đánh trống truyền lệnh khắp kinh thành rằng bất kỳ ai muốn đều có thể chiếm được Sirimà với giá một ngàn kahàpana.
Nhà vua truyền làm như vậy.
Chẳng có ai buồn nói ‘có’ hay ‘không’ trước lời đề nghị ấy cả. Nhà vua nói với bậc Ðạo Sư:
– Bạch Thế Tôn, không ai nhận lời cả.
– Thưa Ðại vương, thế thì hạ giá xuống.
Nhà vua lại bảo truyền lệnh bằng trống.
– Hãy lấy nàng với giá năm trăm kahàpana.
Khi không thấy ai nhận, nhà vua lại truyền trống lệnh:
– Hãy lấy Sirimà với giá hai trăm rưỡi!
– Với giá hai trăm.
– Với giá một trăm.
– Với giá năm chục.
– Với giá hai mươi lăm kahàpana.
– Với giá mười kahàpana.
– Với giá năm kahàpana.
– Với giá một kahàpana.
– Với giá một nửa kahàpana.
– Với giá một phần tư kahàpana.
– Với giá một màsaka (= 1/10 kahàpana).
– Với giá một kàkanikà (1/10 màsaka).
Và cuối cùng nhà vua truyền trống lệnh:
– Hãy nhận lấy không tốn tiền!
Song cũng chẳng có ai nói ‘có’ hay ‘không’ trước lời đề nghị trên cả. Nhà vua nói:
– Bạch Thế Tôn, không ai muốn nhận nàng dù chẳng tốn tiền.
Bậc Ðạo Sư bảo:
– Này các Tỷ-kheo, hãy xem đây, một nữ nhân được cả thế giới ái mộ ngay trong kinh thành này, ngày trước, họ đưa một ngàn kahàpana để hưởng một ngày bên cô ấy, thế mà bây giờ không ai muốn nhận lấy dù chẳng tốn gì cả. Ðấy sắc thân là như vậy, đầy mầm thối nát hủy hoại, chỉ được tô điểm ngọc vàng để làm cho hấp dẫn, thật ra đó là một đống thịt đầy thương tích vì có chín lỗ chảy chất ô uế, được kết hợp lại nhờ ba trăm cái xương, luôn luôn đau nhức, đã làm chủ đề cho biết bao tư tưởng vì thế giới ngu si này cứ chiêm ngưỡng nó, một tấm thân không chút bền vững.
Và Ngài ngâm kệ để thuyết giảng điều này:
Hãy ngắm hình nhân được vẽ màu,
Kết thành một đống vết thương đau,
Chủ đề của biết bao tư tưởng,
Nhức nhối, không bền vững chút nào.
Khi kết thúc bài giảng, vị Tỷ-kheo si tình nàng Sirimà đã xả ly mọi nỗi tham đắm dục vọng, vị ấy phát triển thiền quán và thành tựu quả A-la-hán. Tám mươi bốn ngàn người khác đắc Pháp nhãn.
Và thời ấy Thiên nữ Sirimà, sau khi đã chiêm ngưỡng cảnh vinh quang thành đạt của nàng, lại chiêm ngưỡng nơi nàng đã giã từ và thấy đức Thế Tôn được hội chúng Tỷ-kheo vây quanh cùng đám dân chúng đang tu tập quanh thi thể nàng.
Rồi được năm trăm tiên nữ của nàng hộ tống cùng năm trăm cỗ xe, nàng xuất hiện nguyên hình, bước xuống khỏi cỗ xe, đảnh lễ đức Thế Tôn cùng với đoàn tùy tùng của nàng rồi nàng đứng yên trong dáng điệu sùng kính.
Lúc ấy Tôn giả Vangìsa đứng gần đức Thế Tôn, liền thưa với Ngài:
– Bạch Thế Tôn, con xin phép hỏi một câu.
– Này Vangìsa, hãy hỏi đi. Ðức Thế Tôn đáp.
Tôn giả Vangìsa liền hỏi Thiên nữ Sirimà câu này:
1. Ðàn ngựa thắng cương khéo điểm trang,
Lực thần thẳng tiến xuống trần gian,
Năm trăm xa mã theo hầu cận,
Ðược đám quản xa giục bước đường.
2. Ðứng trong xa mã đại huy hoàng,
Tỏa sáng, dung quang thật vẹn toàn,
Rực rỡ như ngàn sao chiếu rọi,
Hỡi nàng Thiên nữ sắc vinh quang,
Từ loài sanh chúng nào đi đến
Ðảnh lễ dưới chân Phật Thượng nhân?
Khi được vị Trưởng lão hỏi vậy, Thiên nữ giải thích về bản thân nàng:
3. Người bảo, tối cao giữa hữu tình
Là nơi Thiên chúng thích thay hình,
Từ sanh loại ấy, nàng Thiên nữ
Biến hóa hình dung thỏa ý mình,
Con đã đến đây xin đảnh lễ
Phật-đà tối thượng giữa quần sanh.
Khi Thiên nữ đã giải thích như vậy về sự tái sanh của nàng giữa chư Thiên Hoá Lạc, vị Trưởng lão lại muốn nàng kể về kiếp trước của nàng, công đức thiện nghiệp nàng đã tạo và lòng mộ đạo của nàng:
4. Thuở trước nàng theo thiện hạnh nào,
Vinh quang vô lượng ấy nhờ đâu,
Phi hành đại lực, đầy an lạc,
Tỏa sáng mười phương sắc nhiệm mầu.
5. Thiên chúng vây quanh, đầy mến thương,
Từ đâu tận số, đến Thiên đường,
Nàng vâng lời dạy người nào đó,
Có phải môn đồ Phật Thế Tôn?
Ðể giải đáp vấn đề được vị Trưởng lão hỏi, Thiên nữ ngâm các vần kệ này.
6. Ở kinh thành khéo dựng huy hoàng,
Hầu hạ quân vương thật vẻ vang,
Con được luyện chuyên về múa hát,
Si-ri-mà, chúng gọi tên con.
7. Giác giả tối cao, Phật Thế Tôn
Dạy con Khổ, Tập, ấy vô thường,
Niết-bàn, Khổ diệt, là trường cửu,
Ðây Ðạo thẳng ngay, Ðạo cát tường.
8. Khi nghe Bất tử, vô duyên sanh,
Tối thượng Như Lai Ðạo pháp lành,
Con chế ngự cao theo giới luật,
Trú an trong Phật Pháp quang vinh.
9. Khi hiểu Niết-bàn chẳng nhiễm ô,
Như Lai tối thượng thuyết minh cho,
Chính con đạt định tâm an tịnh,
Tịnh tín tối cao quả thật là.
10. Khi đắc Pháp kia chẳng diệt vong,
Làm con xuất chúng, vững an lòng,
Nổi danh thiền quán, không nghi hoặc,
Con đã được dân chúng kính nhường,
Con thọ hưởng bao niềm lạc thú,
Hân hoan tâm trí thật vô lường.
11. Thiên nữ là con thấy Pháp Ngài,
Môn đồ đức tối thượng Như Lai,
Vì con thấy Pháp, tâm an trú
Sơ quả Dự Lưu, chẳng đọa rồi.
12. Cung kính Pháp Vương sáng tuyệt trần,
Ðến gần đảnh lễ đấng Siêu nhân,
Và con đảnh lễ toàn Tăng chúng
Thích thú thiện hành, tạo phước ân.
13. Mừng vui, phấn khởi ở trong tâm,
Khi thấy Như Lai, Ðại trí nhân,
Là bậc vinh quang trên thế giới,
Ngài điều ngự những kẻ nhu nhuần
Ngài trừ diệt hết lòng tham ái,
Thích thú thiện lương, vị trưởng đoàn,
Con kính lễ chân Ngài tối thượng,
Từ bi, lân mẫn cõi phàm trần’.
Như vậy Thiên nữ Sirimà long trọng tuyên bố niềm tin nàng đã chấp nhận và bày tỏ lòng quy ngưỡng Tam Bảo. Nàng đảnh lễ đức Thế Tôn cùng Tăng chúng, rồi sau khi nàng trang nghiêm đi vòng quanh chư vị, nàng trở lại thiên giới.
Ðức Thế Tôn lấy việc nàng từ thiên giới xuống trần làm cơ hội thuyết giảng pháp thoại. Khi chấm dứt pháp thoại, vị Tỷ-kheo đã từng mơ tưởng Sirimà chứng đắc quả A-la-hán, và pháp thoại cũng rất lợi ích đối với toàn thể hội chúng ấy.
17. Chuyện thứ mười bảy – Lâu Ðài Của Kesakàri (Kesakàri-Vimàna)
Bấy giờ đức Thế Tôn trú tại Ba-la-nại trong vườn Nai ở Trú xứ chư Tiên (Isipatàna). Buổi sáng các Tỷ-kheo đắp y, cầm y bát và đi vào Ba-la-nại. Chư vị đến gần cửa nhà một Bà-la-môn.
Trong nhà ấy, có con gái vị Bà-la-môn, tên Kesakàri đang bắt chấy trên đầu mẹ nàng gần cửa, thấy các Tỷ-kheo đi ngang qua, bèn hỏi mẹ:
– Mẹ ơi, các vị này từ giã đời thế tục hình như còn ở độ tuổi xuân xanh, thanh lịch, đẹp trai, dáng ưa nhìn, không gặp tai họa khổ đau nào cả. Thế tại sao chư vị xuất gia ở tuổi này?
Mẹ nàng đáp:
– Này con, có vị Thích tử xuất gia từ dòng họ Thích-ca đã hiện ra ở đời làm bậc Ðạo Sư được gọi là đức Phật. Ngài thuyết pháp, hoàn thiện ở phần đầu, phần giữa, và phần cuối cả về ý nghĩa lẫn ngôn từ. Ngài tuyên bố đời Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ và thanh tịnh. Chư vị này đã xuất gia vì nghe pháp ấy.
Bấy giờ có một cư sĩ tại gia đã đắc Sơ quả và hiểu pháp, nghe được câu chuyện khi đi ngang qua đường ấy và đến gần hai mẹ con. Vị nữ nhân Bà-la-môn hỏi vị ấy:
– Này cư sĩ, nhiều thiện nam tử từ bỏ tài sản quý giá và đại gia tộc thân quyến để xuất gia trong dòng họ Thích-ca. Vì cớ gì họ xuất gia như vậy?
Vị cư sĩ nghe bà nói, liền đáp:
– Vì thấy sự nguy hiểm trong dục lạc và lợi ích của xuất gia.
Vị ấy giải thích đầy đủ chi tiết về động lực ấy theo khả năng hiểu biết cao nhất của mình, vừa nêu rõ các đức tính của Tam Bảo vừa thuyết giảng sự hữu ích tiện lợi của Ngũ giới liên hệ đến đời nay và đời sau.
Sau đó, thiếu nữ Bà-la-môn hỏi vị ấy:
– Thế chúng tôi có thể hưởng phần hữu ích tiện lợi mà Tôn giả vừa nói, qua sự quy y Tam Bảo và giữ Ngũ giới chăng?
Vị ấy đáp:
– Tại sao lại không? Những điều được đức Thế Tôn thuyết giảng cần được mọi loài hưởng phần đều nhau.
Rồi vị ấy cho nàng thọ Tam quy và Ngũ giới. Khi nàng đã chấp nhận Tam quy và hành trì Ngũ giới, nàng hỏi:
– Thế còn phải làm gì nữa ngoài việc này?
Thấy nàng có trí thông tuệ, người ấy nghĩ thầm: ‘Chắc hẳn nàng là một trong số người hội đủ khả năng điều kiện’. Và khi giảng giải bản chất của thân thể, vị ấy nói đến đối tượng của thiền quán là ba mươi hai phần của thân, vị ấy gợi lên cho nàng sự nhàm chán sắc thân và ngoài ra, sau khi làm cho nàng xúc động với một bài pháp thoại liên hệ đến Vô thường, Khổ, Vô ngã, vị ấy chỉ con đường đưa đến tuệ quán và từ giã nàng.
Nàng ghi nhớ mọi sự vị ấy nói và với niềm suy tư do nhận thức sự bất tịnh của thân, nàng phát triển tuệ quán và chẳng bao lâu chứng đắc Sơ quả Dự Lưu vì nàng thành tựu đủ mọi điều kiện.
Về sau nàng từ trần và được tái sanh làm Thiên nữ hầu cận Sakka Thiên chủ. Ðoàn tùy tùng của nàng gồm một trăm ngàn tiên nữ. Khi Sakka Thiên chủ thấy nàng, ngài kinh ngạc và ái mộ nàng, bèn hỏi các công đức nàng đã làm trước kia:
1. Cung điện này, nơi ta trú an,
Trụ bằng ngọc bích, sáng huy hoàng,
Khéo xây dựng để trường tồn mãi,
Mọi phía cây vàng tỏa bóng râm,
Ðã được tạo nên do kết quả
Của công đức thiện nghiệp ta làm.
2. Ai đã từng sanh trưởng ở đây,
Ðều là ngọc nữ cõi trời này,
Một trăm ngàn chẵn đoàn tiên nữ;
Vì thiện nghiệp nàng đã đến đây,
Nàng thật vinh quang đầy ánh sáng,
Ðứng kia Thiên nữ vẻ vang thay.
3. Như vầng trăng, chúa tể muôn sao,
Chiếu sáng hơn tinh tú biết bao,
Cũng vậy, nàng sáng ngời rực rỡ,
Giữa đoàn tiên nữ đẹp dường nào.
4. Nàng đã từ đâu xuất hiện đây,
Hỡi nàng tuyệt sắc đến trời này?
Ind-ra Thiên chủ cùng Thiên chúng
Tam thập tam Thiên giới hiện nay
Ngưỡng mộ Phạm Thiên và bởi thế
Chẳng ai nhàm chán ngắm nàng vầy.
Khi được Sakka Thiên chủ hỏi thế, vị Thiên nữ đáp hai vần kệ sau:
5. Ðế Thích ân cần đã hỏi han:
‘Nàng từ đâu đến, chốn từ trần?’
Xưa kia thành phố Kà-si ấy
Tên gọi Ba-la-nại lẫy lừng,
Tại đó, ngay trong thành phố nọ,
Ke-sa-kà ấy chính tiền thân.
6. Con có lòng thành tín Phật-đà,
Chuyên tâm quy ngưỡng Pháp, Tăng-già,
Ðoạn nghi, trọn vẹn con trì giới,
Ðạt thành các quả vị vừa qua,
Giáo pháp vững tin, đường Giác ngộ,
Thân thường không tật bệnh chi mà.
Sau đó, Sakka Thiên chủ hoan hỷ vì thành tựu công đức của nàng và cảnh vinh hiển trên thiên giới của nàng, bèn ngâm kệ đáp lại:
7. Chúng ta hoan hỷ đón mừng nàng,
Nhờ Giáo pháp, nàng chiếu ánh quang,
Tịnh tín, nàng hoàn toàn kính ngưỡng
Phật-đà, Giáo pháp, với chư Tăng,
Ðoạn nghi, trọn vẹn tu trì giới,
Ðạt đến các thành quả vẻ vang,
Giáo pháp vững tin, đường Giác ngộ,
Thân thường vô bệnh, được khang an.
Sau đó Sakka Thiên chủ kể cho Tôn giả Trưởng lão Mahà-Moggallàna về sự kiện này, Tôn giả lại trình với đức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn lấy đề tài ấy làm dịp thuyết pháp thoại cho hội chúng. Bài pháp ấy có ích lợi cho thế giới bao gồm cả Thiên giới nữa.
Tổng Kết
– Năm tọa sàng (bốn tọa sàng và một con voi), ba chiếc thuyền, một ngọn đèn, một nắm mè.
– Hai bà vợ, hai nàng dâu, Uttarà, Sirimà Kesakarikà.
Phẩm này được biết qua các chuyện trên.
Lâu Ðài Nữ Nhân : Phẩm Thứ Nhất
Hits: 58