(Download file MP3 – 20.38 MB – Thời gian phát: 01 giờ,58 phút 44 giây.)
Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.
I. Phẩm Người Ngu
1-10 Người Ngu
1.- Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetanava, tại vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo.
– Thưa vâng. Bạch Thế Tôn.
Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
– Phàm có sự sợ hãi nào khởi lên, này các Tỷ-kheo, tất cả sự sợ hãi ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm có những nguy hiểm nào khởi lên, tất cả những nguy hiểm ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm có những tai họa nào khởi lên, tất cả những tai họa ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí.
Ví như, này các Tỷ-kheo, ngọn lửa từ nhà bằng cỏ lau, hay từ nhà bằng cỏ, thiêu đốt các ngôi nhà có nóc nhọn, các ngôi nhà có trét trong và trét ngoài, ngăn chận được gió, các ngôi nhà có chốt cửa đóng chặt, có các cửa đóng kín. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có sự sợ hãi nào khởi lên, này các Tỷ-kheo, tất cả sự sợ hãi ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm có những nguy hiểm nào khởi lên, tất cả những nguy hiểm ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm có những tai họa nào khởi lên, tất cả những tai họa ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm có những nguy hiểm nào khởi lên, tất cả những nguy hiểm ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, người ngu có sợ hãi, người trí không sợ hãi, người ngu có nguy hiểm, người trí không có nguy hiểm, người ngu có tai họa, người trí không có tai họa. Này các Tỷ-kheo, không có sợ hãi đến với người trí, không có nguy hiểm đến với người trí, không có tai họa đến với người trí.
Do vậy, ở đây, cần phải học tập như sau: Thành tựu với ba pháp nào, một người ngu được biết là như vậy, hãy từ bỏ ba pháp ấy. Thành tựu với ba pháp nào, một người trí được biết là như vậy, hãy chấp nhận ba pháp ấy và thực hành chúng. Như vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập.
Này các Tỷ-kheo, tướng của người ngu ở trong hành động (của mình); tướng của người trí ở trong hành động (của mình). Trí tuệ chói sáng trong nếp sống (của mình)
Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Này các Tỷ-kheo, thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến.
Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, người trí được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện. Này các Tỷ-kheo, thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người trí được biết đến.
Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau: Thành tựu với ba pháp nào, người ngu được biết đến, hãy từ bỏ ba pháp ấy; thành tựu với ba pháp nào, người trí được biết đến; hãy chấp nhận ba pháp ấy, và thực hành chúng. Như vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập.
3.- Có những pháp này, này các Tỷ-kheo, là đặc tính của người ngu, là tướng trạng của người ngu, là ấn tích của người ngu. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ ngu suy nghĩ ác, nói ác và làm ác. Nếu người ngu này, này các Tỷ-kheo, không suy nghĩ ác, không nói ác và không làm ác, thời lấy gì người hiền trí biết được: “Người này là kẻ ngu, không phải là bậc chân nhân”? Vì rằng, này các Tỷ-kheo người ngu suy nghĩ ác, nói ác và làm ác, nên các người hiền trí biết được: “Người này là kẻ ngu, không phải là bậc chân nhân”. Có những pháp này, này các Tỷ-kheo, là đặc tánh của người ngu, là tướng trạng của người ngu, là ấn tích của người ngu.
Có những pháp này, này các Tỷ-kheo, là đặc tính của người hiền trí, là tướng trạng của người hiền trí, là ấn tích của người hiền trí. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người hiền trí suy nghĩ thiện, nói thiện và làm thiện. Nếu người hiền trí này, này các Tỷ-kheo, không suy nghĩ thiện, không nói thiện và không làm thiện, thời lấy gì người hiền trí biết được: “Người này là người hiền trí, bậc chân nhân”? Vì rằng, này các Tỷ-kheo người hiền trí suy nghĩ thiện, nói thiện và làm thiện, nên các người hiền trí biết được: “Người này là người hiền trí, là bậc chân nhân”. Có những pháp này, này các Tỷ-kheo, là đặc tánh của người hiền trí, là tướng trạng của người hiền trí, là ấn tích của người hiền trí.
4.- Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến. Thế nào là ba? Phạm tội, không thấy là có phạm tội; phạm tội sau khi thấy là có phạm tội, không như pháp sám hối; được người khác phát lộ có tội, không như pháp chấp nhận. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến.
Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người hiền trí được biết đến. Thế nào là ba? Phạm tội, thấy là có phạm tội; phạm tội sau khi thấy là có phạm tội, như pháp sám hối; được người khác phát lộ có tội, như pháp chấp nhận. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người hiền trí được biết đến.
5.-Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến. Thế nào là ba? Không như lý suy tư, đặt câu hỏi; không như lý suy tư, trả lời câu hỏi; khi người khác như lý trả lời câu hỏi với những câu, những chữ vuông tròn, với những hành văn trơn tru chải chuốt, không có chấp nhận. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến.
Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, người hiền trí được biết đến. Thế nào là ba? Như lý suy tư, đặt câu hỏi; Như lý suy tư, trả lời câu hỏi; khi người khác như lý trả lời câu hỏi với những câu, những chữ vuông tròn, với những hành văn trơn tru chải chuốt, liền chấp nhận. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người hiền trí được biết đến.
6.-Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm bất thiện, miệng nói bất thiện, ý nghĩ bất thiện. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến.
Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người hiền trí được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện. Thành tựu ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người hiền trí được biết đến.
7.-Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm có tội, miệng nói có tội, ý nghĩ có tội. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến.
Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người hiền trí được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm không có tội, miệng nói không có tội, ý nghĩ không có tội. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người hiền trí được biết đến.
8.-Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm có não hại, miệng nói có não hại, ý nghĩ có não hại. … (như trên)
Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người hiền trí được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm không có não hại, miệng nói không có não hại, ý nghĩ không có não hại. … (như trên)
9.-Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người ngu vụng về, không phải bậc chân nhân, tự mình xử sự như một kẻ mất gốc, bị thương tích, phạm tội, bị kẻ trí quở trách và tạo nên nhiều điều vô phước. Thế nào là ba? Thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác (như trên) …
Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người hiền trí không vụng về, là bậc chân nhân, tự mình xử sự không như một kẻ mất gốc, không bị thương tích, không phạm tội, không bị kẻ trí quở trách và tạo nên nhiều phước đức … (như trên) …
10.- Do thành tựu ba pháp, này các Tỷ-kheo, do không đoạn tận ba cấu uế, tương xứng như vậy, bị quăng vào địa ngục. Thế nào là ba? Ác giới và cấu uế của ác giới không được đoạn tận; tật đố và cấu uế của tật đố không được đoạn tận; xan tham và cấu uế của xan tham không được đoạn tận. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, do không đoạn tận ba cấu uế này, như vậy bị quăng vào địa ngục tương xứng.
Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, tương xứng như vậy được sinh lên cõi Trời. Thế nào là ba? Có giữ giới và cấu uế của các giới được đoạn tận; không có tật đố và cấu uế của tật đố được đoạn tận; không có xan tham và cấu uế của xan tham được đoạn tận. Thành tựu với ba pháp này, đoạn tận ba cấu uế này, tương xứng như vậy được sanh lên cõi Trời.
II. Phẩm Người Ðóng Xe
11. Ba Pháp
– Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo có danh tiếng, sống đem lại bất hạnh cho đa số, không an lạc cho đa số, không lợi ích cho đa số, đem lại bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài người. Thế nào là ba? Khuyến khích các thân nghiệp không tùy thuận; khuyến khích các ngữ nghiệp không tuỳ thuận, khuyến khích các pháp không tùy thuận. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo có danh tiếng sống … cho chư Thiên và loài người.
– Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo có danh tiếng, sống đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đem lại hạnh phúc an lạc cho chư Thiên và loài người. Thế nào là ba? Khuyến khích các thân nghiệp tùy thuận; khuyến khích các ngữ nghiệp tuỳ thuận; khuyến khích các pháp tùy thuận. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo có danh tiếng sống đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đem lại hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài người.
12.- Ba Chỗ
– Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh cần phải trọn đời ghi nhớ. Thế nào là ba?
Tại chỗ nào, này các Tỷ-kheo, một vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh được sanh ra; đây là pháp thứ nhất, này các Tỷ-kheo, một vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh cần phải trọn đời ghi nhớ.
Lại nữa, tại chỗ nào, này các Tỷ-kheo, một vua Sát-đế-lỵ được làm lễ quán đảnh, đây là pháp thứ hai, này các Tỷ-kheo, một vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh cần phải trọn đời ghi nhớ.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, tại chỗ nào, một vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh sau khi chiến thắng một trận, tại chỗ vị ấy chiếm như là cầm đầu trong cuộc chiến thắng; đây là pháp thứ ba, này các Tỷ-kheo, một vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh cần phải trọn đời ghi nhớ.
Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh cần phải trọn đời ghi nhớ.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có ba pháp này, một Tỷ-kheo cần phải trọn đời ghi nhớ. Thế nào là ba?
Tại chỗ nào, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa; xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; đây là pháp thứ nhất, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo cần phải trọn đời ghi nhớ.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, tại chỗ nào, Tỷ-kheo như thật biết rõ: “Ðây là khổ”, như thật rõ biết: “Ðây là khổ tập”, như thật rõ biết: “Ðây là khổ diệt”, như thật rõ biết: “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”; đây là pháp thứ hai, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo cần phải trọn đời ghi nhớ.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, tại chỗ nào, môt Tỷ-kheo, sau khi đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; đây là pháp thứ ba, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cần phải trọn đời ghi nhớ.
Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo cần phải trọn đời ghi nhớ.
13.- Ba Hạng Người
– Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, xuất hiện, có mặt ở đời. Thế nào là ba? Không hy vọng, có hy vọng, ly hy vọng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người không hy vọng?, Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người được sanh trong một gia đình thấp kém, gia đình một người đổ phân, hay gia đình một người thợ săn hay gia đình một người đan tre, hay gia đình người đóng xe, hay gia đình người quét rác, hay trong gia đình một người nghèo khổ, khó tìm được đồ ăn uống để sống, khó tìm cho được đồ ăn đồ mặc … Và người ấy xấu xí, khó ngó, lùn, thấp, nhiều bệnh hoạn, đui một mắt, còm, què, hay đi khập khễnh, không có được đồ ăn, đồ uống đồ mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, phấn sáp, chỗ nằm, chỗ ở hay đèn. Người ấy nghe nói như sau: “Vị Sát-đế-lỵ tên như vậy đã được các Sát-đế-lỵ làm lễ quán đảnh theo lễ quán đảnh của các Sát-đế-lỵ”. Người ấy không nghĩ như sau: “Không biết khi nào các Sát-đế-lỵ mới làm lễ quán đảnh cho ta theo lễ quán đảnh của Sát-đế-lỵ?”. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người không hy vọng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người có hy vọng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, trưởng nam của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, xứng đáng để được làm lễ quán đảnh, nhưng chưa làm lễ quán đảnh và đạt đến địa vị bất động (đã đến tuổi thành niên). Người ấy nghe nói như sau: “Vị Sát-đế-lỵ tên như vậy đã được các Sát-đế-lỵ làm lễ quán đảnh theo lễ quán đảnh của các Sát-đế-lỵ”. Người ấy suy nghĩ như sau: “Không biết khi nào các Sát-đế-lỵ mới làm lễ quán đảnh cho ta theo lễ quán đảnh của Sát-đế-lỵ?”. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người có hy vọng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người ly hy vọng? Ở đây này các Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh. Vị ấy nghe nói như sau: “Vị Sát-đế-lỵ tên như vậy đã được các Sát-đế-lỵ làm lễ quán đảnh theo lễ quán đảnh của các Sát-đế-lỵ”. Người ấy không nghĩ như sau: “Không biết khi nào các Sát-đế-lỵ mới làm lễ quán đảnh cho ta theo lễ quán đảnh của Sát-đế-lỵ? “Vì cớ sao? Sự hy vọng được làm lễ quán đảnh trước khi chưa làm lễ quán đảnh, hy vọng ấy được hoàn toàn chấm dứt. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người đã ly hy vọng.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, xuất hiện, có mặt ở đời. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có ba hạng người xuất hiện, có mặt giữa các Tỷ-kheo. Thế nào là ba? Không hy vọng, có hy vọng, ly hy vọng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người không hy vọng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người ác giới, tánh tình độc ác, sở hành bất tịnh, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn, nhưng hiện tướng là Sa-môn, không sống Phạm hạnh, nhưng hiện tướng có Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất tịnh. Người này nghe: “Tỷ-kheo có tên như vậy, do đoạn tận các lậu hoặc ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát”. Người ấy không suy nghĩ như sau: “Ðến khi nào, do đoạn tận các lậu hoặc ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, ta sẽ chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát?” Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người không hy vọng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người có hy vọng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo giữ tánh tình hiền thiện. Vị ấy nghe: “Tỷ-kheo có tên như vậy, đã đoạn tận các lậu hoặc ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát”. Người ấy suy nghĩ như sau: “Ðến khi nào, do đoạn tận các lậu hoặc ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, ta sẽ chứng đạt, chứng ngộ và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát?” Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người có hy vọng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người ly hy vọng? Ở đây này các Tỷ-kheo, một vị A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc. Vị này nghe: “Tỷ-kheo có tên như vậy … tuệ giải thoát”. Vị ấy không suy nghĩ như sau : “Ðến khi nào, do đoạn tận … tuệ giải thoát?” Vì cớ sao? Hy vọng được giải thoát trước khi chưa giải thoát, này các Tỷ-kheo, hy vọng ấy đã được hoàn toàn chấm dứt. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, là người ly hy vọng.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, xuất hiện, có mặt giữa các vị Tỷ-kheo.
14.- Pháp
– Phàm vua Chuyển Luân nào, đúng pháp, pháp vương, vị ấy cũng chuyển bánh xe (cai trị), không phải không có vua.
Ðược nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, ai là vua cho vua Chuyển Luân đúng pháp, pháp vương?
– Ðó là pháp, này Tỷ-kheo.
Thế Tôn nói:
– Ở đây, này Tỷ-kheo, vị Chuyển Luân, đúng pháp, pháp vương, y cứ pháp, cung kính pháp, kính trọng pháp, tôn kính pháp, lấy pháp làm tràng phan, lấy pháp làm cờ xí, lấy pháp làm tối thắng, ra lệnh hộ trì, che chở, ủng hộ đúng pháp đối với quần chúng.
Lại nữa, này Tỷ-kheo, vua Chuyển Luân, đúng pháp, pháp vương … ra lệnh hộ trì, che chở, ủng hộ đúng pháp đối với các Sát-đế-lỵ, đối với các tùy tùng, đối với quân đội, đối với các Bà-la-môn và gia chủ, đối với các thị trấn và quốc độ, đối với các Sa-môn, Bà-la-môn, đối với các loài thú và các loài chim.
Vua Chuyển Luân ấy, này các Tỷ-kheo, đúng pháp … sau khi ra lệnh hộ trì, che chở … đối với các loài thú và các loài chim, chuyển bánh xe đúng pháp. Bánh xe ấy không bị ngăn cản sự chuyển vận, bởi bất cứ người nào, hay bởi loài hữu tình thù nghịch nào.
Cũng vậy, này Tỷ-kheo, Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, đúng pháp, vị Pháp Vương, y cứ pháp, cung kính pháp, kính trọng pháp, tôn kính pháp, lấy pháp làm tràng phan, lấy pháp làm cờ xí, lấy pháp làm tối thắng, ra lệnh hộ trì, che chở, ủng hộ đúng pháp đối với thân nghiệp, nghĩ rằng: “Thân nghiệp như vậy cần phải hành trì, thân nghiệp như vậy không được hành trì”.
Lại nữa, này Tỷ-kheo, Như Lai, bậc A-la-hán … ủng hộ đúng pháp đối với khẩu nghiệp, nghĩ rằng: “Khẩu nghiệp như vậy cần phải hành trì, Khẩu nghiệp như vậy không được hành trì, đối với ý nghiệp”, nghĩ rằng “Ý nghiệp như vậy cần phải hành trì, Ý nghiệp như vậy không được hành trì”.
Như Lai ấy, này Tỷ-kheo, bậc A-la-hán … đúng pháp, sau khi ra lệnh hộ trì che chở … đối với thân nghiệp … đối với khẩu nghiệp … đối với ý nghiệp … chuyển bánh xe đúng pháp. Bánh xe ấy không bị ngăn chặn sự chuyển vận, bởi Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ác ma, Phạm thiên, hay bất cứ một ai ở đời.
15.- Người Ðóng Xe Hay Pacetana.
1. Một thời Thế Tôn ở tại Bàranàsi, Isipatana, chỗ Vườn Nai, tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo.
– Bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
– Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có vị vua tên là Pacetana. Rồi, này các Tỷ-kheo, vua Pacetana cho gọi người thợ đóng xe:
– “Này người đóng xe, sau sáu tháng, sẽ có trận chiến. Này người đóng xe, ông có thể làm cho ta một cặp bánh xe mới được không?”
– “Thưa Ðại Vương, có thể được”.
Người đóng xe trả lời cho vua Pacetana.
Rồi này các Tỷ-kheo, người đóng xe, sau sáu tháng trừ sáu ngày, làm xong một bánh xe. Rồi vua Pacetana bảo người đóng xe:
– “Sau sáu ngày, này người đóng xe, sẽ có trận chiến. Ðôi bánh xe mới có thể làm xong được không?”
– “Thưa Ðại vương, sau sáu tháng trừ sáu ngày, một bánh xe đã làm xong”.
– “Này người đóng xe, Ông có thể, với sáu ngày (còn lại) này, làm xong bánh xe thứ hai?”
– “Thưa Ðại vương, con có thể làm được”.
Người đóng xe trả lời cho vua Pacetana.
2.- Rồi này các Tỷ-kheo, người đóng xe trong sáu ngày, sau khi làm xong bánh xe thứ hai, cầm cặp bánh xe mới, đi đến vua Pacetana; sau khi đến, thưa với vua Pacetana:
– “Thưa Ðại vương, cặp bánh xe mới này đã làm xong cho Ngài”.
– “Này người đóng xe, cái bánh xe này làm xong trong sáu tháng trừ sáu ngày và cái bánh xe này làm xong trong sáu ngày, có cái gì sai khác giữa hai cái này, ta không thấy có cái gì sai khác hết”.
– “Có sự sai khác giữa hai cái này, thưa Ðại vương. Thưa Ðại vương, hãy nhìn sự sai khác”.
Rồi, này các Tỷ-kheo, người đóng xe đẩy cho chạy bánh xe được làm xong trong sáu ngày. Bánh xe ấy tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy (ban đầu) còn tồn tại rồi xoay quanh vài vòng và rơi xuống đất. Rồi nó đẩy cho chạy bánh được làm xong trong sáu tháng trừ sáu ngày. Bánh xe ấy tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy (ban đầu) còn tồn tại, rồi nó đứng lại như đang mắc vào trong trục xe.
3- “Do nhân gì, này người đóng xe, do duyên gì cái bánh xe được làm trong sáu ngày, tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy (ban đầu) còn tồn tại, rồi xoay quanh vài vòng và rơi xuống đất. Do nhân gì, này Người đóng xe, do duyên gì cái bánh xe được làm trong sáu tháng trừ sáu ngày, tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy (ban đầu) còn tồn tại, rồi nó đứng lại như mắc vào trục xe?”
– “Thưa Ðại vương, cái bánh xe này được làm xong sau sáu ngày, vành xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm; các căm xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm, trục xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm. Vì rằng vành xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm; vì rằng các căm xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm, vì rằng trục xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm nên bánh xe ấy tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy (ban đầu) còn tồn tại, rồi xoay quanh vài vòng rồi rơi xuống đất. Còn bánh kia, thưa Ðại Vương, được làm xong sau sáu tháng trừ sáu ngày, bánh xe ấy không bị cong, không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm; trục xe ấy không bị cong, không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm. Vì rằng vành xe không bị cong, không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm; vì rằng các căm xe không bị cong, không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm, vì rằng trục xe không bị cong, không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm nên bánh xe ấy tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy (ban đầu) còn tồn tại, nó đứng lại như đang mắc vào ở trong trục xe.
4.- Rất có thể, này các Tỷ-kheo, các thầy nghĩ rằng trong thời ấy, người đóng xe ấy là một người khác. Này các Tỷ-kheo, chớ có nghĩ như vậy. Trong thời ấy, ta chính là người đóng xe. Lúc bấy giờ, này các Tỷ-kheo, ta khéo léo về chỗ cong của gỗ, về chỗ hỏng của gỗ, về khuyết điểm của gỗ. Nay, này các Tỷ-kheo, ta là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, khéo léo về chỗ cong của thân, về chỗ hỏng của thân, về khuyết điểm của thân; khéo léo về chỗ cong của lời nói, về chỗ hỏng của lời nói, về khuyết điểm của lời nói; khéo léo về chỗ cong của ý, về chỗ hỏng của ý, về khuyết điểm của ý.
5.-Ðối với các Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo ni nào, thân cong không có đoạn tận, thân hư hỏng, thân khuyết điểm (không có đoạn tận), lời nói cong không có đoạn tận, lời nói hư hỏng, lời nói khuyết điểm (không có đoạn tận), ý cong không có đoạn tận, ý hư hỏng, ý khuyết điểm (không có đoạn tận), như vậy, này các Tỷ-kheo, vị ấy rời khỏi pháp luật này, ví như bánh xe ấy được làm xong sau sáu ngày.
Ðối với các Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo ni nào, thân cong được đoạn tận, thân hư hỏng, thân khuyết điểm (được đoạn tận), lời nói cong … ý cong được đoạn tận, ý hư hỏng, ý khuyết điểm (được đoạn tận), như vậy, này các Tỷ-kheo, vị ấy an trú trong pháp luật này, ví như bánh xe ấy được làm xong sau sáu tháng trừ sáu ngày.
Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy học tập như sau: “Chúng tôi sẽ đoạn tận thân cong, thân hư hỏng, thân khuyết điểm, chúng tôi sẽ đoạn tận lời nói cong, lời nói hư hỏng, lời nói khuyết điểm, chúng tôi sẽ đoạn tận ý cong, ý hư hỏng, ý khuyết điểm”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.
16.- Con Ðường Không Có Lỗi Lầm
– Thành tựu ba pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thực hành con đường không có lầm lỗi, và có những căn bản thắng tấn để đoạn diệt các lậu hoặc. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống và chú tâm cảnh giác.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo hộ trì các căn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì nhãn căn không được bảo vệ, khiến tham ưu, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự bảo vệ nguyên nhân ấy, phòng hộ nhãn căn, thực hành phòng hộ nhãn căn. Khi tai nghe tiếng … mũi ngửi hương … lưỡi nếm vị … thân cảm xúc … ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì ý căn không được bảo vệ, khiến tham ưu, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự bảo vệ nguyên nhân ấy, phòng hộ ý căn, thực hành phòng hộ ý căn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo hộ trì các căn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tiết độ trong ăn uống?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như lý giác sát thọ dụng các món ăn, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được an trú và được bảo dưỡng, để (thân này) khỏi bị thương hại, để hộ trợ Phạm hạnh, nghĩ rằng: “, Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ, và không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo tiết độ trong ăn uống.
Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo chú tâm cảnh giác?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ban ngày trong khi đi kinh hành và ngồi, gột sạch tâm khỏi các triền cái, ban đêm trong canh một, trong khi đi kinh hành và ngồi,, gột sạch tâm khỏi các triền cái, ban đêm trong canh giữa, nằm xuống như con sư tử về phía hông bên phải, hai chân gác lên nhau, chánh niệm tỉnh giác, tác ý tưởng thức dậy, ban đêm trong canh cuối, sau khi thức dậy trong khi đi kinh hành và ngồi, gột sạch tâm khỏi các triền cái. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chú tâm cảnh giác.
Thành tựu ba pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thực hành con đường không có lỗi lầm, và có những căn bản thắng tấn để đoạn diệt các lậu hoặc.
17.- Ba Pháp
– Có ba pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến hại mình, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai. Thế nào là ba? Thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến hại mình, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai.
Có ba pháp này, này các Tỷ-kheo, không đưa đến hại mình, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai. Thế nào là ba? Thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện. Có ba pháp này, này các Tỷ-kheo, không đưa đến hại mình, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai.
18.- Thiên Giới
– Nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các thầy như sau: “Chư Hiền, có phải Sa-môn Gotama sống Phạm hạnh để được sanh lên cõi Trời? “Này các Tỷ-kheo, được hỏi vậy, các Thầy có bực phiền, tủi nhục, chán ngấy hay không ?
– Thưa có , bạch Thế Tôn.
– Như vậy, này các Tỷ Kheo, các Thầy bực phiền, tủi nhục, chán ngấy đối với thiên thọ mạng; các Thầy bực phiền , tủi nhục, chán ngấy đối với thiên sắc, thiên lạc, thiên danh vọng, thiên thù thắng, còn nói gì, này các Tỷ Kheo, đối vói thân làm ác, các Thầy bực phiền, tủi nhục, chán ngấy như thế nào, đối với miệng nói ác…. đối với ý nghĩ ác, các Thầy cảm thấy bực phiền, tủi nhục, chán ngấy như thế nào.
19.- Người Buôn Bán
– Thành tựu ba chi phần, này các Tỷ-kheo, một người buôn bán không thâu nhận được tài sản chưa thâu nhận và không tăng trưởng tài sản đã được thâu nhận. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người buôn bán, vào buổi sáng không có nhiệt tâm chăm chú vào công việc, vào buổi trưa không có nhiệt tâm chăm chú vào công việc, vào buổi chiều không có nhiệt tâm chăm chú vào công việc. Thành tựu với ba chi phần này, này các Tỷ-kheo, một người buôn bán không thâu nhận được tài sản chưa được thâu nhận và không tăng trưởng tài sản đã được thâu nhận.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo thành tựu ba chi phần, không thâu nhận được thiện pháp chưa được thâu nhận, và không tăng trưởng được thiện pháp đã được thâu nhận. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vào buổi sáng không có nhiệt tâm chăm chú vào định tướng, vào buổi trưa không có nhiệt tâm chăm chú vào định tướng, vào buổi chiều không có nhiệt tâm chăm chú vào định tướng. Thành tựu ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo không thâu nhận được thiện pháp chưa được thâu nhận, và không tăng trưởng thiện pháp đã được thâu nhận.
Thành tựu ba chi phần, này các Tỷ-kheo, một người buôn bán thâu nhận được tài sản chưa thâu nhận, tăng trưởng tài sản đã được thâu nhận. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người buôn bán, vào buổi sáng có nhiệt tâm chăm chú vào công việc, vào buổi trưa có nhiệt tâm chăm chú vào công việc, vào buổi chiều có nhiệt tâm chăm chú vào công việc. Thành tựu với ba chi phần này, này các Tỷ-kheo, một người buôn bán thâu nhận được tài sản chưa được thâu nhận, và tăng trưởng tài sản đã được thâu nhận.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu ba pháp, Tỷ kheo thâu nhận được thiện pháp chưa được thâu nhận, tăng trưởng thiện pháp đã được thâu nhận. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ kheo vào buổi sáng có nhiệt tâm chăm chú vào định tướng, vào buổi trưa có nhiệt tâm chăm chú vào định tướng, vào buổi chiều có nhiệt tâm chăm chú vào định tướng. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo thâu nhận được thiện pháp chưa được thâu nhận, và tăng trưởng thiện pháp đã được thâu nhận.
20.- Người Buôn Bán
– Thành tựu với ba chi phần, này các Tỷ-kheo, người buôn bán không bao lâu đạt được về tài sản lớn mạnh và rộng lớn. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, người buôn bán có mắt, khéo phấn đấu và xây dựng được cơ bản.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người buôn bán có mắt? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người buôn bán biết các thương phẩm. Vật này mua như vậy, bán như vậy, sẽ đưa lại tiền như vậy, tiền lời như vậy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người buôn bán có mắt.
Như thế nào, này các Tỷ-kheo, là người buôn bán khéo phấn đấu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người thương gia khéo léo mua và bán các thương phẩm. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người buôn bán khéo phấn đấu.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người thương gia xây dựng được căn bản? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người buôn bán được các gia chủ hay con các gia chủ, được các nhà giàu, có tiền bạc lớn, có tài sản lớn biết đến như sau: “Người buôn bán này là người có mắt, khéo phấn đấu, có đủ sức cấp dưỡng vợ con, và thường trả tiền lời cho chúng ta. Chúng ta trao hàng hóa cho người này: “Này bạn thương gia, hãy lấy tiền này, xây dựng tài sản để nuôi dưỡng vợ con và thường thường trả tiền lời cho chúng tôi”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người buôn bán xây dựng được cơ bản.
Thành tựu với ba chi phần này, này các Tỷ kheo, người buôn bán, không bao lâu đạt đến tài sản lớn mạnh và rộng lớn.
Cũng vậy, này các Tỷ kheo, thành tựu với ba pháp, vị Tỷ-kheo không bao lâu, đạt đến lớn mạnh và rộng lớn về các Thiện pháp. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có mắt, khéo phấn đấu và xây dựng được cơ bản.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo có mắt? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thật biết rõ: “Ðây là khổ” … như thật rõ biết: “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo có mắt.
Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo khéo phấn đấu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống tinh cần tinh tấn, đoạn tận các pháp bất thiện, làm cho sanh khởi các pháp thiện, dõng mãnh, kiên trì, tinh tấn, không có từ bỏ gánh nặng đối với các thiện pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo khéo phấn đấu.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo xây dựng được cơ bản? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các Tỷ-kheo nghe nhiều, thông hiểu các tập Agàma (A-hàm), bậc trì Pháp, trì Luật, trì Toát yếu, thường thường đến yết kiến, phỏng vấn, đặt các câu hỏi: “Thưa Tôn giả, cái này là thế nào? Pháp này ý nghĩa gì? “Các Tôn giả ấy mở rộng những gì chưa được mở rộng, phơi bày những gì chưa được phơi bày, và đối với những đoạn sai khác còn có những chỗ nghi ngờ, các vị ấy giải thích các sự nghi ngờ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo xây dựng được cơ bản.
Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không bao lâu, đạt đến sự lớn mạnh và rộng lớn về các thiện pháp.
III. Phẩm Người
21.- Chứng Thực Với Thân
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi, tại Jetanava, vườn ông Anàthapindika. Rồi Tôn giả Savittha, Tôn giả Mahàkotthita đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến nói lên với Tôn giả những lời chào đón hỏi thăm … Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Savittha đang ngồi xuống một bên:
– Có ba hạng người này, này Hiền giả Savittha, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Thân chứng, kiến chí, tín giải. Ba hạng người này, này Hiền giả, có mặt, xuất hiện ở đời. Trong ba hạng người này, này Hiền giả, hạng người nào Hiền giả chấp nhận là hy hữu hơn, là thù diệu hơn?
– Có ba hạng người này, này Hiền giả Sàriputta, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Thân chứng, kiến chí, tín giải. Ba hạng người này, này Hiền giả, có mặt, xuất hiện ở đời. Trong ba hạng người này, thưa Hiền giả, hạng người tín giải, hạng người này, tôi chấp nhận là hy hữu hơn, là thù diệu hơn. Vì cớ sao? Vì rằng, thưa Hiền giả, với hạng người này, tín căn được tăng thượng.
Rồi Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Mahàkotthita:
– Có ba hạng người này, này Hiền giả Kotthita, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Thân chứng, kiến chí, tín giải. Ba hạng người này, thưa Hiền giả, có mặt, xuất hiện ở đời. Trong ba hạng người này, này Hiền giả, hạng người nào Hiền giả chấp nhận là hy hữu hơn, là thù diệu hơn?
– Có ba hạng người này, này Hiền giả Sàriputta, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Thân chứng, kiến chí, tín giải. Ba hạng người này, này Hiền giả, có mặt, xuất hiện ở đời. Trong ba hạng người này, thưa Hiền giả, hạng người thân chứng, hạng người này, tôi chấp nhận là hy hữu hơn, là thù diệu hơn. Vì cớ sao? Vì rằng, thưa Hiền giả, với hạng người này, định căn được tăng thượng.
Rồi Tôn giả Mahàkotthita thưa với Tôn giả Sàriputta:
– Có ba hạng người này, thưa Hiền giả Sàriputta, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Thân chứng, kiến chí, tín giải. Ba hạng người này, thưa Hiền giả, có mặt, xuất hiện ở đời. Trong ba hạng người này, này Hiền giả, hạng người nào Hiền giả chấp nhận là hy hữu hơn, là thù diệu hơn?
– Có ba hạng người này, này Hiền giả Kotthita, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Thân chứng, kiến chí, tín giải. Ba hạng người này, thưa Hiền giả, có mặt, xuất hiện ở đời. Trong ba hạng người này, thưa Hiền giả, hạng người kiến chí, hạng người này, tôi chấp nhận là hy hữu hơn, là thù diệu hơn. Vì cớ sao? Vì rằng, thưa Hiền giả, với hạng người này, tuệ căn được tăng thượng.
Rồi Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Savittha và Tôn giả Mahàkotthita như sau:
– Thưa các Hiền giả, tất cả chúng ta đã trả lời, tuỳ theo biện tài của mình. Thưa các Hiền giả, chúng ta hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến chúng ta sẽ hỏi Thế Tôn về ý nghĩa này. Thế Tôn trả lời chúng ta như thế nào, chúng ta hãy như vậy thọ trì.
– Vâng, thưa Hiền giả.
Tôn giả Savittha và Tôn giả Mahàkotthita vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Rồi Tôn giả Sàriputta, Tôn giả Savittha và Tôn giả Mahàkotthita đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống, một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sàriputta thuật lại với Thế Tôn tất cả câu chuyện đã xảy ra với Tôn giả Savittha và Tôn giả Mahàkotthita.
– Ở đây, này Sàriputta, thật không dễ gì để trả lời một chiều là hạng người này hy hữu hơn, thù diệu hơn trong ba hạng người kia. Sự kiện này xảy ra, này Sàriputta, là hạng người tín giải này là hạng người đang hướng đến A-la-hán, hạng người thân chứng này là hạng người Nhất Lai hay Bất Lai, hạng người kiến chí này là hạng người Nhất Lai hay Bất Lai.
Ở đây, này Sàriputta, thật không dễ gì để trả lời một chiều là hạng người này hy hữu hơn, thù diệu hơn trong ba hạng người kia. Sự kiện này xảy ra, này Sàriputta, là hạng người thân chứng này là hạng người đang hướng đến A-la-hán, là hạng người tín giải này là hạng người Nhất Lai hay Bất Lai, hạng người kiến chí này là hạng người Nhất Lai hay Bất Lai.
Ở đây, này Sàriputta, thật không dễ gì để trả lời một chiều là hạng người này hy hữu hơn, thù diệu hơn trong ba hạng người kia. Sự kiện này xảy ra, này Sàriputta, là hạng người kiến chí này là hạng người đang hướng đến A-la-hán, còn hạng người tín giải này là hạng người Nhất Lai hay Bất Lai, và hạng người thân chứng này là hạng người Nhất Lai hay Bất Lai.
Ở đây, này Sàriputta, thật không dễ gì để trả lời một chiều rằng hạng người này là hy hữu hơn và thù diệu hơn trong ba hạng người kia.
22.- Người Bệnh
– Có ba hạng người bệnh này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, một hạng người bệnh, dầu có được ăn các món thích hợp, hay không được các món ăn thích hợp, dầu có được các thuốc men thích hợp hay không được các thuốc men thích hợp, dầu có được sự chăm sóc thích đáng hay không được sự chăm sóc thích đáng, không được bình phục từ chứng bệnh ấy.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người bệnh, dầu có được ăn các món thích hợp, hay không được các món ăn thích hợp, dầu có được các thuốc men thích hợp hay không được các thuốc men thích hợp, dầu có được sự chăm sóc thích đáng hay không được sự chăm sóc thích đáng, được bình phục từ chứng bệnh ấy.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người bệnh, có được ăn các món thích hợp, không phải không được, có các thuốc men thích hợp, không phải không được, có được sự chăm sóc thích đáng, không phải không được, được bình phục từ chứng bệnh ấy.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, hạng người bệnh này, có được các món ăn thích hợp, không phải không được, có được các thuốc men thích hợp, không phải không được, có được sự chăm sóc thích đáng, không phải không được, được bình phục khỏi chứng bệnh ấy. Chính do duyên với hạng người bệnh này, này các Tỷ-kheo, các món ăn thích hợp với người bệnh đã được chấp thuận, các thuốc men thích hợp với người bệnh đã được chấp thuận, sự chăm sóc thích đáng với người bệnh đã được chấp thuận. Chính do duyên với hạng người bệnh này, này các Tỷ-kheo, các người bệnh khác cần phải được chăm sóc như vậy.
Ba hạng người bệnh này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có ba hạng người này, có mặt, xuất hiện ở đời, có thể so sánh với ba hạng người bệnh này. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được thấy Như Lai hay không được thấy Như Lai, được nghe Pháp và Luật do Như Lai trình bày, hay không được nghe Pháp và Luật do Như Lai trình bày, không có đi vào tánh quyết định, tánh chơn chánh đối với các Thiện pháp.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không được thấy Như Lai, được nghe Pháp và Luật do Như Lai trình bày, hay không được nghe Pháp và Luật do Như Lai trình bày, đi vào tánh quyết định, tánh chơn chánh đối với các Thiện pháp.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được thấy Như Lai, không phải không được thấy, được nghe Pháp và Luật do Như Lai trình bày, không phải không được nghe Pháp và Luật do Như Lai trình bày, đi vào tánh quyết định, tánh chơn chánh đối với các Thiện pháp.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được thấy Như Lai, không phải không được thấy, được nghe Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, không phải không được nghe, đi vào tánh quyết định, tánh chơn chánh đối với các Thiện pháp. Chính do duyên hạng người này, này các Tỷ-kheo, thuyết pháp được chấp nhận, và chính do duyên hạng người này, này các Tỷ-kheo, pháp được thuyết giảng cho các người khác.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời được ví dụ với ba hạng người bệnh.
23.- Chất Chứa.
– Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người chất chứa các thân hành có não hại, chất chứa các khẩu hành có não hại, chất chứa các ý hành có não hại. Sau khi chất chứa thân hành có não hại, chất chứa khẩu hành có não hại, chất chứa ý hành có não hại, người ấy sanh trong thế giới có não hại. Vì phải sanh trong thế giới có não hại, người ấy cảm giác các cảm xúc có não hại. Người ấy, vì cảm giác các cảm xúc có não hại, nên cảm giác các cảm thọ có não hại, nhất hướng đau khổ, như các chúng sanh ở trong địa ngục.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người chất chứa thân hành không có não hại … chất chứa ý hành không có não hại. Sau khi chất chứa thân hành không có não hại … chất chứa ý hành không có não hại, người ấy được sanh trong thế giới không có não hại. Ðược sanh trong thế giới không có não hại, người ấy cảm giác các cảm xúc không có não hại. Do cảm giác các cảm xúc không có não hại, người ấy cảm giác các cảm thọ không có não hại, nhất hướng lạc, như chư Thiên ở Biến Tịnh Thiên.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người chất chứa thân hành có não hại và không có não hại … chất chứa ý hành có não hại và không có não hại. Sau khi chất chứa thân hành có não hại và không có não hại … , sau khi chất chứa ý hành có não hại và không có não hại, được sanh vào thế giới có não hại và không có não hại. Ðược sanh vào thế giới có não hại và không có não hại, người ấy cảm giác các cảm xúc có não hại và không có não hại. Do cảm giác các cảm xúc có não hại và không có não hại, người ấy cảm giác các cảm thọ có não hại và không có não hại, xen lẫn lạc và khổ, ví như loài Người, một loại chư Thiên và một loại sanh trong đọa xứ.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
24.- Nhiều Lợi Ích
– Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, làm nhiều lợi ích cho người khác. Thế nào là ba?
Do người nào, này các Tỷ-kheo, có người được quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, người ấy là hạng người làm lợi ích nhiều cho người kia. Ðây là hạng người làm lợi ích nhiều cho người khác.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do người nào, người khác rõ biết: “Ðây là khổ”, rõ biết: “Ðây là khổ tập”, rõ biết: “Ðây là khổ diệt”, rõ biết: “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”, người ấy là hạng người làm lợi ích nhiều cho người kia. Ðây là hạng người làm lợi ích nhiều cho người khác.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do người nào, người khác đoạn trừ các lậu hoặc ngay trong hiện tại, với thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Ðây là hạng người làm lợi ích nhiều cho người khác.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, làm lợi ích nhiều cho người khác. Ta nói rằng không có một người nào khác làm lợi ích nhiều hơn cho người bằng ba hạng người này. Ta nói rằng người này không thể khéo trả ơn cho ba hạng người kia, như đảnh lễ, đứng dậy, chắp tay, hành động thân thiện, bố thí các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, thuốc trị bệnh …
25.- Vết Thương Làm Mủ
– Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Hạng người với tâm ví dụ như vết thương, với tâm ví dụ như chớp sáng, với tâm ví dụ như kim cang.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người với tâm ví dụ như vết thương? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người phẫn nộ, nhiều hiềm hận, dầu có bị nói chút ít, cũng tức tối phẫn nộ, sân hận, sừng sộ, biểu lộ sự phẫn nộ, sân hận và bực tức. Ví như một vết thương đang làm mủ, nếu bị cây gậy hay một miếng sành đánh phải, liền chảy mủ nhiều hơn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có người phẫn nộ và bực tức. Này các Tỷ kheo, đây gọi là hạng người được ví dụ với vết thương đang làm mủ.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người với tâm được ví dụ như chớp sáng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người như thật rõ biết: “Ðây là khổ”,.. như thật rõ biết “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”. Ví như một người có mắt, thấy các sắc trong đêm tối mù mịt, khi có chớp sáng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có người như thật rõ biết: “Ðây là khổ”, … như thật rõ biết: “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là hạng người với tâm được ví như chớp sáng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người với tâm được ví dụ như kim cang? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người, nhờ đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người, với tâm được ví dụ như kim cang.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
26.- Cần Phải Thân Cận
– Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Có hạng người này, này các Tỷ-kheo, không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường. Có hạng người, này các Tỷ-kheo, nên thân cận gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường. Có hạng người, này các Tỷ-kheo, sau khi cung kính, tôn trọng, nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người thấp kém về giới, định, tuệ. Hạng người như vậy, này các Tỷ-kheo, không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường, trừ khi vì lòng thương tưởng, vì lòng từ mẫn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đồng đẳng với mình về giới, định, tuệ. Hạng người như vậy, này các Tỷ-kheo, nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao? Với ý nghĩ: “(Cả hai) thiện xảo về giới, câu chuyện của chúng ta sẽ thuộc về giới, được diễn tiến (lợi ích) cho cả hai chúng ta, và sẽ làm cho hai chúng ta được an lạc. (Cả hai) là thiện xảo về định …… (Cả hai) là thiện xảo về tuệ, câu chuyện của chúng ta sẽ thuộc về tuệ, được diễn tiến (lợi ích) cho cả hai, và chúng sẽ làm cho hai chúng ta an lạc”. Cho nên, người như vậy nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường.
Thế nào là hạng người, này các Tỷ-kheo, sau khi cung kính, tôn trọng, nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người thù thắng về giới, định và tuệ. Hạng người ấy, này các Tỷ-kheo, sau khi cung kính, tôn trọng, cần phải gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao? Với ý nghĩ: “Như vậy, nếu giới chưa đầy đủ, ta sẽ làm đầy đủ, hay nếu giới được đầy đủ, ta sẽ hỗ trợ thêm cho chỗ này chỗ kia với trí tuệ. Hay nếu định chưa đầy đủ, ta sẽ làm cho đầy đủ, hay nếu định được đầy đủ, ta sẽ hỗ trợ thêm cho chỗ này chỗ kia với trí tuệ. Hay nếu tuệ chưa đầy đủ, ta sẽ làm đầy đủ, hay nếu tuệ được đầy đủ, ta sẽ hỗ trợ thêm cho chỗ này chỗ kia với trí tuệ”. Cho nên, với hạng người này, sau khi cung kính tôn trọng, nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
Người gần kẻ hạ liệt
Rồi cũng bị hạ liệt
Thân cận người đồng đẳng
Ðược khỏi bị thối đọa
Ai gần bậc thù thắng
Mau chóng được thăng tiến
Do vậy hãy sống chung
Bậc ưu thắng hơn mình
27.- Ðáng Ghê Tởm
– Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Có hạng người đáng ghê tởm, không cần phải gần gũi, không cần phải sống chung, không cần phải hầu hạ cúng dường. Có hạng người, này các Tỷ-kheo, cần phải nhìn một cách thản nhiên, không cần gần gũi, không cần phải sống chung, không cần phải hầu hạ cúng dường. Có hạng người, này các Tỷ-kheo, cần phải gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng dường.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người đáng ghê tởm, không cần phải gần gũi, không cần phải sống chung, không cần phải hầu hạ cúng dường? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ác giới, tính tình độc ác, sở hành bất tịnh, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn nhưng hiện tướng Sa-môn, không sống Phạm hạnh, nhưng hiện tướng có Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, đầy những tham dục, tánh tình bất tịnh. Hạng người như vậy, này các Tỷ-kheo, đáng ghê tởm, không cần phải gần gũi, không cần phải sống chung, không cần phải hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao? Vì rằng, dầu không thuận theo một chút nào tri kiến của người như vậy, nhưng tiếng xấu được đồn xa về người ấy là có bạn ác, có bằng hữu ác, tôn sùng kẻ ác. Ví như, này các Tỷ-kheo, một con rắn đi vào trong đống phân, dầu nó không cắn ai, người cũng bị (đống phân) làm cho ô uế. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, dầu không thuận theo một chút nào tri kiến của người như vậy … là tôn sùng kẻ ác. Cho nên, hạng người như vậy đáng ghê tởm, không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người cần phải nhìn một cách thản nhiên, không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người phẫn nộ, nhiều hiềm hận, dầu có bị nói chút ít cũng tức tối, phẫn nộ, sân hận, sừng sộ, hiện rõ phẫn nộ, sân hận và bực tức. Ví như, này các Tỷ-kheo, một vết thương làm mủ, nếu bị cây gậy hay mảnh sành đánh phải, thời chảy mủ ra nhiều hơn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có hạng người phẫn nộ, …… và bực tức. Ví như, này các Tỷ-kheo, một que lửa bằng gỗ tindukà, nếu bị cây gậy hay mảnh sành đánh phải, thời xịt lửa xịt khói ra nhiều hơn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, … Ví như, này các Tỷ-kheo, một hố phân được cây gậy hay mảnh sành quật vào, thời mùi hôi thối lại càng nhiều hơn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có hạng người phẫn nộ, sân hận và bực tức. Hạng người như vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải nhìn với cặp mắt thản nhiên, không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao? Vì nghĩ rằng: “Người ấy có thể nhục mạ ta. Người ấy có thể chửi mắng ta. Người ấy có thể làm hại ta.” Cho nên, hạng người như vậy cần phải nhìn một cách thản nhiên, không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường.
Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng người cần gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng dường?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người giữ giới, tánh tình hiền thiện. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao? Vì rằng, dầu không thuận theo chút nào tri kiến của người như vậy, nhưng tiếng tốt được đồn xa về người ấy là có bạn lành, là có bằng hữu lành, là tôn sùng kẻ lành. Cho nên, hạng người như vậy, cần phải gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng dường.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
Người gần kẻ hạ liệt
Rồi cũng bị hạ liệt
Thân cận người đồng đẳng
Ðược khỏi bị thối đọa
Ai gần bậc thù thắng
Mau chóng được thăng tấn
Do vậy hãy sống chung
Bậc ưu thắng hơn mình
28.- Nói Như Hoa
– Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Hạng người nói như phân, hạng người nói như hoa, hạng người nói như mật.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người nói như phân? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người khi đi vào hội trường, hay đi vào hội chúng, hay khi đi đến giữa các người bà con, hay khi đi đến giữa các người đồng một tổ hợp, hay đi đến giữa cung vua, hay bị dẫn như là người làm chứng, được nói: “Ngươi biết gì, hãy nói lên”. Người ấy không biết, nói rằng: “Tôi có biết”; có biết, nói rằng: “Tôi không biết”; không thấy, nói rằng: “Tôi có thấy”; có thấy, nói rằng: “Tôi không thấy”. Do vì mình hay vì người, hay vì một vài lợi vật nhỏ, mà đã cố ý nói láo. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người nói như phân.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người nói như hoa? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người khi đi vào hội trường, hay khi đi vào hội chúng, hay khi đi đến giữa các người bà con, hay khi đi đến giữa các người đồng một tổ hợp, hay đi đến cung vua, hay bị dẫn như là người làm chứng, được nói: “Ngươi biết gì, hãy nói lên”. Người ấy không biết, nói rằng: “Tôi không biết”; có biết, nói rằng: “Tôi có biết”; không thấy, nói rằng: “Tôi không thấy”; có thấy, nói rằng: “Tôi có thấy”. Không vì mình hay vì người, hay vì một vài lợi vật nhỏ mà đã cố ý nói láo. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người nói như hoa.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người nói như mật? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người đoạn tận ác ngữ, từ bỏ lời nói ác ngữ. Lời nói của người ấy không hại, tai ưa nghe, khả ái, đi thẳng đến tâm, lễ độ, được nhiều người ưa thích, được nhiều người thích ý, người ấy nói những lời như vậy. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người nói như mật.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
29.- Mù Lòa
– Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Người mù, người một mắt, người có hai mắt.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người mù? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không có mắt để có thể với mắt như vậy, thâu hoạch được tài sản chưa được thâu hoạch hay làm cho tăng trưởng tài sản đã được thâu hoạch; không có mắt để có thể với mắt như vậy, biết được pháp thiện và pháp bất thiện, có tội và không tội, pháp liệt và thắng, pháp thuộc thành phần đen và trắng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người mù.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có một mắt? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người có mắt để có thể với mắt như vậy, thâu hoạch được tài sản chưa được thâu hoạch hay làm cho tăng trưởng tài sản đã được thâu hoạch; nhưng không có mắt để có thể với mắt như vậy, biết được pháp thiện và pháp bất thiện, có tội và không tội, pháp liệt và thắng, pháp thuộc thành phần đen và trắng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người một mắt.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có hai mắt? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người có mắt để có thể với mắt như vậy, thâu hoạch được tài sản chưa được thâu hoạch hay làm cho tăng trưởng tài sản đã được thâu hoạch; và có mắt để có thể với mắt như vậy, biết được pháp thiện và pháp bất thiện, có tội và không tội, pháp liệt và thắng, pháp thuộc thành phần đen và trắng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người có hai mắt.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
Kẻ mù, mắt bị hư
Cả hai đều bất hạnh
Vừa công đức không làm
Vừa không được tài sản
Thứ đến là hạng người
Ðược gọi là một mắt
Liên hệ pháp phi pháp
Tầm cầu các tài sản
Với trộm và man trá
Cùng với cả nói láo
Vừa khéo góp tài sản
Vừa giỏi hưởng dục lạc
Từ đây đến địa ngục
Người một mắt bị hại.
Còn vị có hai mắt
Ðược gọi người tối thượng
Thâu hoạch các tài sản
Một cách đúng chánh pháp
Các tài sản đã có,
Tăng trưởng đúng chánh pháp
Bố thí, ý tốt đẹp
Không phân vân ngập ngừng
Ðược sanh chỗ hiền thiện
Ði chỗ ấy không sầu
Vậy hãy tránh thật xa
Người mù, người một mắt
Thân cận bậc hai mắt
Bậc tối thắng trượng phu!
30.- Lộn Ngược
– Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Hạng người với trí tuệ lộn ngược, hạng người với trí tuệ bắp vế, hạng người với trí tuệ rộng lớn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người với trí tuệ lộn ngược? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đi đến khu vườn (tinh xá) thường thường nghe pháp từ các Tỷ-kheo, các vị Tỷ-kheo thuyết pháp cho người ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Người ấy, tại chỗ ngồi ấy, đối với bài thuyết giảng ấy, không có tác ý đến đoạn đầu, không có tác ý đến đoạn giữa, không có tác ý đến đoạn cuối. Cũng vậy, khi người ấy từ chỗ ngồi ấy đứng lên, đối với bài thuyết giảng ấy, người ấy không có tác ý đến đoạn đầu, không có tác ý đến đoạn giữa, không có tác ý đến đoạn cuối. Ví như này các Tỷ-kheo, một cái ghè bị lộn ngược, nước chứa trong ấy tuôn chảy, không có dừng lại. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có hạng người đi đến khu vườn … không có tác ý đoạn cuối. Cũng vậy, khi người ấy từ chỗ ngồi ấy đứng lên … không có tác ý đoạn cuối. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người với trí tuệ lộn ngược.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người với trí tuệ bắp vế? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đi đến khu vườn (tinh xá). Người ấy, tại chỗ ngồi ấy, đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu, có tác ý đến đoạn giữa, có tác ý đến đoạn cuối. Nhưng khi người ấy từ chỗ ngồi ấy đứng dậy, đối với bài thuyết giảng ấy, người ấy không có tác ý đến đoạn đầu, không có tác ý đến đoạn giữa, không có tác ý đến đoạn cuối. Ví như này các Tỷ-kheo, trên bắp vế của một người, các loại đồ ăn được chồng lên như hạt mè, hột gạo, các loại kẹo và trái táo. Khi từ chỗ ngồi đứng dậy, vì vô ý, người ấy làm đổ vãi tất cả. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có hạng người đi đến khu vườn … Người ấy, tại chỗ ngồi ấy … có tác ý đoạn cuối. Nhưng khi người ấy tại chỗ ngồi ấy đứng dậy … không có tác ý đoạn cuối. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người với trí tuệ bắp vế.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có trí tuệ rộng lớn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đi đến khu vườn (tinh xá) … trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Tại chỗ ngồi ấy, vị ấy đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu … có tác ý đến đoạn cuối. Cũng vậy, khi vị ấy, từ chỗ ngồi ấy đứng lên, đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu … có tác ý đến đoạn cuối. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái ghè được dựng đứng, nước chứa trong ấy được giữ lại, không có chảy đi. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ở đây, có hạng người đi đến khu vườn (tinh xá) … trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Tại chỗ ngồi ấy, vị ấy đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu … có tác ý đến đoạn cuối. Cũng vậy, khi vị ấy, từ chỗ ngồi ấy đứng lên, đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu … có tác ý đến đoạn cuối. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người có trí tuệ rộng lớn.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
Hạng trí tuệ lộn ngược
Không thông minh, không mắt
Họ thường thường đi đến
Ðến gần các Tỷ-kheo
Ðoạn đầu của bài giảng
Ðoạn giữa và đoạn cuối
Họ không học được gì,
Họ không có trí tuệ
Hạng trí tuệ bắp vế
Ðược gọi là tốt hơn
Họ thường thường đi đến
Ðến gần các Tỷ-kheo
Ðoạn đầu của bài giảng
Ðoạn giữa và đoạn cuối
Ngồi trên chỗ mình ngồi
Nắm giữ được lời văn
Ðứng dậy không hiểu rõ
Quên mất điều đã nắm
Bậc trí tuệ rộng lớn
Ðược gọi tốt hơn cả
Họ thường thường đi đến
Ðến gần các Tỷ-kheo
Ðoạn đầu của bài giảng
Ðoạn giữa và đoạn cuối
Ngồi trên chỗ mình ngồi
Nắm giữ được lời văn
Thọ trì điều được nghe
Suy tư điều tối thắng
Với ý không dao động
Là hạng người như vậy
Thực hành pháp, tùy pháp
Có thể đoạn khổ đau.
IV. Phẩm Sứ Giả Của Trời
31. Ngang Bằng Với Phạm Thiên
– Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm Thiên. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các Ðạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường.
Phạm Thiên, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với cha mẹ. Các Ðạo sư thời xưa, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với cha mẹ. Ðáng được cúng dường, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với cha mẹ. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỷ-kheo, là cha mẹ đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu chúng vào đời.
Mẹ cha gọi Phạm Thiên,
Bậc Ðạo sư thời trước
Xứng đáng được cúng dường
Vì thương đến con cháu
Do vậy, bậc Hiền triết
Ðảnh lễ và tôn trọng
Dâng đồ ăn đồ uống
Vải mặc và giường nằm
Thoa bóp (cả thân mình)
Tắm rửa cả tay chân
Với sở hành như vậy,
Ðối với mẹ cha
Ðời này người Hiền khen
Ðời sau hưởng Thiên lạc
32. Ananda
1. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên; ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
– Rất có thể, bạch Thế Tôn, một Tỷ-kheo được định như vậy, trong cái thân có thức này, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tuỳ miên; đối với tất cả tướng ở ngoài, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tuỳ miên; và do chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tuỳ miên; vị ấy có thể chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy.
– Rất có thể, này, Ananda, một Tỷ-kheo được định như vậy … có thể chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy.
– Như thế nào, bạch Thế Tôn, rất có thể, một Tỷ-kheo được định như vậy … có thể chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy?
– Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo suy nghĩ như sau: “Ðây là an tịnh, đây là thù diệu, tức là chỉ tức tất cả hành, từ bỏ tất cả sanh y, đoạn tận tham, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Như vậy, này Ananda, rất có thể Tỷ-kheo được định như vậy, … có thể chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát .
Lại nữa, này Ananda, liên hệ đến vấn đề này, Ta đã nói như sau trong kinh tên là “Những câu hỏi của Punnaka”, chương về Pàràyana.
Do phân tích ở đời
Những vật cao và thấp
Với vị không dao động
Bởi vật gì ở đời,
An tịnh, không tối mù,
Không phiền muộn, không cầu
Ta nói người như vậy,
Ðã vượt khỏi sanh già.
Sàriputta
2. – Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Sàriputta đang ngồi xuống một bên:
– Này Sàriputta, Ta có thể thuyết pháp một cách tóm lược. Này, Sàriputta, ta có thể thuyết pháp một cách rộng rãi. Này Sàriputta, ta có thể thuyết pháp một cách tóm lược và rộng rãi. Và những người hiểu được thật là khó tìm!
– Nay đã đến thời, bạch Thế Tôn, nay đã đến thời, bạch Thế Tôn, để Thế Tôn thuyết pháp một cách tóm lược, thuyết pháp một cách rộng rãi, và thuyết pháp một cách tóm lược và rộng rãi. Sẽ có những người có thể hiểu rõ Chánh pháp.
– Vậy này Sàriputta, hãy học tập như sau: “Trong cái thân có thức này, sẽ không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên; đối với tất cả tướng ở ngoài, sẽ không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên; và do chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên, chúng tôi sẽ chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy!”. Như vậy, này Sàriputta, các Ông cần phải học tập. Khi nào Tỷ-kheo đối với thân có thức này, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên; đối với tất cả các tướng ở ngoài, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên; và do chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên; vị ấy chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy. Người như vậy, này Sàriputta, được gọi là Tỷ-kheo đã chặt đứt khát ái, đã cởi mở kiết sử, với chơn chánh hiện quán kiêu mạn, đã đoạn tận khổ đau.
– Lại nữa, này Sàriputta, liên hệ đến vấn đề này, ta đã nói như sau trong kinh tên là “Những câu hỏi của Udaya” trong chương Pàràyana.
Ðoạn tận cả hai pháp
Dục tham và sân hận
Và từ bỏ hôn trầm
Chận đứng mọi trạo hối
Với xả niệm thanh tịnh
Chạy trước pháp tư duy?
Ta nói trí giải thoát
Vô minh được phá tận.
33.- Các Nguyên Nhân
1. – Có ba nguyên nhân này, này các Tỷ-kheo, khởi lên các nghiệp. Thế nào là ba? Tham là nguyên nhân khởi lên các nghiệp. Sân là nguyên nhân khởi lên các nghiệp. Si là nguyên nhân khởi lên các nghiệp.
Phàm nghiệp nào được làm vì tham, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ tham, duyên khởi từ tham, tập khởi từ tham, tại chỗ nào tự ngã được hiện hữu, tại chỗ ấy, nghiệp ấy được thuần thục. Chỗ nào nghiệp ấy được thuần thục, chỗ ấy quả dị thục của nghiệp ấy được cảm thọ ngay trong hiện tại, hay trong đời sống kế tiếp, hay trong một đời sau nữa.
Phàm nghiệp nào được làm vì sân, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ sân … Phàm nghiệp nào được làm vì si, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ si … tại chỗ ấy, nghiệp ấy được thuần thục … hay trong một đời sau nữa.
Ví như, này các Tỷ-kheo, các hạt giống không bị bể vụn, không bị hư thối, không bị gió và nắng làm hư, còn tươi tốt được khéo gieo vào một đồng ruộng tốt, được trồng vào đất khéo sửa soạn, và được trời mưa xuống đều đặn, các hạt giống ấy, này các Tỷ-kheo, được lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm nghiệp nào được làm vì tham … hay trong môt đời sau nữa. Phàm nghiệp nào được làm vì sân … hay trong một đời sau nữa. Phàm nghiệp nào được làm vì si … hay trong một đời sau nữa.
Có ba nguyên nhân này, này các Tỷ-kheo, khởi lên các nghiệp.
2. Có ba nguyên nhân này, này các Tỷ-kheo, khởi lên các nghiệp. Thế nào là ba? Không tham là nguyên nhân khởi lên các nghiệp. Không sân là nguyên nhân khởi lên các nghiệp. Không si là nguyên nhân khởi lên các nghiệp.
Phàm nghiệp nào được làm vì không tham, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ không tham, duyên khởi từ không tham, tập khởi từ không tham. Vì rằng tham được từ bỏ, như vậy, nghiệp ấy được đoạn tận, được cắt đứt từ gốc rễ, được làm như thân cây tala, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai.
Phàm nghiệp nào được làm vì không sân … Phàm nghiệp nào được làm vì không si, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ không si … Vì rằng si được từ bỏ, như vậy, nghiệp ấy được đoạn tận, được cắt đứt từ gốc rễ, được làm như thân cây tala, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai.
Ví như này các Tỷ-kheo, các hạt giống không thể bị bể vụn, không bị hư thối, không bị gió và nắng làm hư, còn được tươi tốt, được khéo gieo. Và một người lấy lửa đốt chúng, sau khi lấy lửa đốt, làm cho chúng thành tro, sau khi làm thành tro, quạt chúng trong gió lớn, hay cho vào dòng nước sông chảy nhanh mang cuốn đi. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các hạt giống ấy được đoạn tận, được cắt đứt từ gốc rễ, được làm cho như thân cây tala, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm nghiệp nào được làm từ không tham … không thể sanh khởi trong tương lai. Phàm nghiệp nào được làm từ không sân … không thể sanh khởi trong tương lai. Phàm nghiệp nào được làm từ không si … không thể sanh khởi trong tương lai.
Có ba nguyên nhân này, này các Tỷ-kheo, khởi lên các nghiệp:
Phàm có hạnh nghiệp nào,
Sanh từ tham sân si,
Do kẻ vô trí làm
Dầu có ít hay nhiều
tại đây được cảm thọ,
Không phải tại chỗ khác
Do vậy vị Tỷ-kheo
Từ bỏ tham, sân, si
Làm khởi lên minh trí,
Từ bỏ mọi ác thú.
34.- Về Alavì
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Alavì, tại Gomagga, trong rừng Simsapà, trên chỗ có trải lá.
Rồi Hatthaka, người Alavì, đang đi bộ hành du ngoạn, thấy Thế Tôn đang ngồi trên chỗ có trải lá trong rừng Simsapà ở Gomagga, thấy vậy, liền đi đến Thế Tôn; sau khi đi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Hatthaka người Alavì bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn sống có an lạc không?
– Phải, này Hoàng Tử, ta sống được an lạc. Và những ai cảm thấy an lạc ở đời, Ta là một trong số những người ấy.
– Bạch Thế Tôn, lạnh là đêm mùa đông, thời gian giữa những ngày tám (trước và sau ngày rằm) là thời gian tuyết rơi, cứng rắn là đất do trâu bò dẫm đạp, mỏng manh là nệm làm bằng lá, lưa thưa là những lá của cây, lạnh là tấm vải cà sa, và lạnh là làn gió thổi.
Rồi Thế Tôn nói như sau:
– Dẫu vậy, này Hoàng Tử, Ta sống được an lạc. Và những ai cảm thấy an lạc ở đời, Ta là một trong số những người ấy. Vậy nay, này Hoàng Tử, ở đây ta sẽ hỏi Hoàng Tử, nếu có thể kham nhẫn, Hoàng Tử hãy trả lời. Hoàng Tử nghĩ thế nào, này Hoàng Tử? Ở đây, người gia chủ hay con người gia chủ có nhà có nóc nhọn, với các tường trét trong trét ngoài, che chở khỏi gió, chốt cửa được khóa chặt, các cửa sổ được đóng kín. Trong ấy, có một chỗ nằm có trải tấm thảm len với lông dài, với tấm vải giường bằng len trắng, chăn len thêu bông, nệm bằng da quý con sơn dương kadali, tấm thảm có tàn che phía trên và gối nệm đỏ cả hai đầu, có đèn thắp đỏ và bốn bà vợ đẹp hầu hạ. Này Hoàng Tử, Hoàng Tử nghĩ thế nào, người ấy nằm ngủ có an lạc không? Hay Hoàng Tử nghĩ thế nào?
– Bạch Thế Tôn, người ấy nằm ngủ an lạc. Nếu có những người cảm thấy an lạc ở đời, người ấy là một trong những người ấy.
– Hoàng Tử nghĩ thế nào, này Hoàng tử, với người gia chủ hay người con của người gia chủ ấy, khởi lên những nhiệt não về thân hay về tâm, do tham ái sanh. Bị nung đốt bởi những nhiệt não do tham ái sanh, người ấy có cảm thấy đau khổ không?
– Thưa có, bạch Thế Tôn.
– Người gia chủ hay con của người gia chủ ấy, này Hoàng Tử, bị nung đốt bởi những nhiệt não do tham ái sanh, cảm thấy đau khổ. Tham ái ấy, Như Lai đã đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây tala, làm cho không thể hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy ta cảm thấy an lạc.
Hoàng Tử nghĩ thế nào, này Hoàng Tử, với người gia chủ hay con của người gia chủ ấy, khởi lên những nhiệt não về thân hay tâm do sân sanh … do si sanh. Bị nung đốt bởi những nhiệt não do si sanh, người ấy có cảm thấy đau khổ không?
– Thưa có, bạch Thế Tôn.
– Người gia chủ hay con của người gia chủ ấy, này Hoàng Tử, bị nung đốt bởi những nhiệt não do si sanh, cảm thấy đau khổ. Si ấy, Như Lai đã đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây tala, làm cho không thể hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy ta cảm thấy an lạc.
Luôn luôn được an lạc,
Vị phạm chí tịch tịnh
Không bị dục uế nhiễm
Trong mát, không sanh y,
Mọi tham trước dứt đoạn,
Nhiếp phục tâm sầu khổ,
An tịnh, cảm thọ lạc
Với tâm đạt an tịnh.
35.- Diêm Vương
1-6
1.- Có ba Thiên sứ này, này các Tỷ-kheo, Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Sau khi thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Rồi này các Tỳ kheo, những người lính địa ngục với hai cánh tay bắt người ấy dẫn đến Vua Yama (Diêm vương) và thưa:
– “Thưa Ðại vương, người này không kính mẹ, không kính cha, không kính Sa-môn, không kính Bà-la-môn, không tôn kính các bậc lớn tuổi trong gia đình, Ðại vương hãy hình phạt nó”
Rồi vua Yama chất vấn người ấy:, cật vấn, nạn vấn người ấy về Thiên sứ thứ nhất:
– “Này người kia, người có thấy vị Thiên sứ thứ nhất hiện ra giữa loài người không?”
Người ấy trả lời:
– “Con không thấy, thưa ngài”
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy:
– “Này người kia, ngươi có bao giờ thấy giữa loài người, một người đàn bà hay đàn ông 80 tuổi, hay 90 tuổi, hay 100 tuổi, già yếu, cong như nóc nhà, lưng còm, chống gậy, vừa đi vừa run rẩy, bệnh hoạn, tuổi trẻ đã tận, răng rụng tóc bạc, hư rụng, sói đầu, da nhăn, đầu rung, tay chân da mồi khô đét?”
Người ấy nói như sau:
– “Thưa Ngài, con có thấy”.
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy như sau:
– “Này người kia, với ngươi là người có trí, và lớn tuổi, Ngươi có nghĩ rằng: “Ta rồi cũng bị già, ta không vượt qua tuổi già. Vậy ta hãy làm điều lành, về thân, về lời nói, về ý?”
Người ấy nói như sau:
– “Không, thưa Ngài, con không có làm. Thưa Ngài, con phóng dật.”
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy:
– “Này người kia, chính vì do phóng dật, ngươi đã không làm các điều lành về thân, về lời nói, về ý. Thật vậy, này người kia, chúng sẽ làm cho ngươi, đúng theo sự phóng dật của ngươi. Ác nghiệp ấy của ngươi, không phải mẹ làm, không phải cha làm, không phải anh làm, không phải chị làm, không phải bạn bè thân hữu làm, không phải bà con huyết thống làm, không phải chư Thiên làm, không phải Sa-môn làm, Bà-la-môn làm. Ác nghiệp ấy chính do ngươi làm và Ngươi sẽ thọ lãnh quả dị thục của ác nghiệp ấy.
2. Rồi vua Yama, này các Tỷ-kheo, sau khi chất vấn, cật vấn, nạn vấn người ấy về vị Thiên sứ thứ nhất, liền chất vấn, cật vấn, nạn vấn người ấy về vị Thiên sứ thứ hai:
– “Này người kia, người có thấy vị Thiên sứ thứ hai hiện ra giữa loài người không?”
Người ấy trả lời:
– “Con không thấy, thưa ngài”
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy:
– “Này người kia, ngươi có bao giờ thấy giữa loài người, một người đàn bà hay một người đàn ông, bệnh hoạn khổ não nguy kịch, rơi nằm trong tiểu tiện, đại tiện của mình, cần người khác nâng dậy, cần người khác dìu nằm xuống?”
Người ấy nói như sau:
– “Thưa Ngài, con có thấy”.
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy như sau:
– “Này người kia, với ngươi là người có trí, và lớn tuổi, Ngươi có nghĩ rằng: “Ta rồi cũng bị bệnh, ta không vượt qua bệnh hoạn. Vậy ta hãy làm điều lành, về thân, về lời nói, về ý?”
Người ấy nói như sau:
– “Không, thưa Ngài, con không có làm. Thưa Ngài, con phóng dật.”
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy:
– “Này người kia, chính vì do phóng dật, ngươi đã không làm các điều lành về thân, về lời nói, về ý. Thật vậy, này người kia … ngươi sẽ thọ lãnh quả dị thục của các nghiệp ấy.”
3. Rồi vua Yama, này các Tỷ-kheo, sau khi chất vấn, cật vấn, nạn vấn người ấy về vị Thiên sứ thứ hai, liền chất vấn, cật vấn, nạn vấn người ấy về vị Thiên sứ thứ ba:
– “Này người kia, người có thấy vị Thiên sứ thứ ba hiện ra giữa loài người không?”
Người ấy trả lời:
– “Con không thấy, thưa Ngài.”
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy:
– “Này người kia, ngươi có bao giờ thấy giữa loài người, một người đàn bà hay một người đàn ông, chết đã được một ngày, hay chết được hai ngày, hay chết được ba ngày, sưng phù lên, xanh xám lại và nát rữa ra?”
Người ấy nói như sau:
– “Thưa Ngài, con có thấy”.
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy như sau:
– “Này người kia, với ngươi là người có trí, và lớn tuổi, Ngươi có nghĩ rằng: “Ta rồi cũng bị chết, ta không vượt qua sự chết. Vậy ta hãy làm điều lành, về thân, về lời nói, về ý?”
Người ấy nói như sau:
– “Không, thưa Ngài, con không có làm. Thưa Ngài, con phóng dật.”
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy:
– “Này người kia, chính vì do phóng dật, ngươi đã không làm các điều lành về thân, về lời nói, về ý. Thật vậy, này người kia … ngươi sẽ thọ lãnh quả dị thục của các nghiệp ấy.”
4. Rồi vua Yama, này các Tỷ-kheo, sau khi chất vấn, cật vấn, nạn vấn người ấy về vị Thiên sứ thứ ba, rồi giữ im lặng.
Rồi này các Tỷ-kheo, những người lính địa ngục bắt người ấy chịu hình phạt gọi là năm cọc. Họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào một bàn tay, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào bàn tay thứ hai, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào một bàn chân, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào bàn chân thứ hai, Họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào giữa ngực. Người ấy ở đây thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không có thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ. Này các Tỷ-kheo, rồi các người lính địa ngục bắt người ấy nằm xuống và lấy cái rìu chặt người ấy. Người ấy ở đây thọ lãnh … chưa được tiêu trừ. Này các Tỷ-kheo, rồi các người lính địa ngục dựng ngược người ấy, chân trên đầu dưới và lấy dao sắc chặt người ấy. Người ấy ở đây thọ lãnh … chưa được tiêu trừ. Này các Tỷ-kheo, các người lính địa ngục, cột người ấy vào một chiếc xe, kéo người ấy chạy tới, kéo người ấy chạy lui, trên đất được đốt cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Người ấy ở đây thọ lãnh … chưa được tiêu trừ. Rồi này các Tỷ-kheo, các người lính địa ngục đẩy người ấy lên, kéo người ấy xuống trên một sườn núi đầy than hừng, cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Người ấy ở đây thọ lãnh … chưa được tiêu trừ. Rồi này các Tỷ-kheo, các người lính địa ngục nắm ngược người ấy, chân phía trên, đầu phía dưới và quăng người ấy vào một vạc dầu bằng đồng nung đỏ, cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Người ấy ở đây, bị nấu với bọt nước sôi sùng sục, khi thì trôi nổi lên, khi thì chìm xuống đáy, khi thì trôi dạt ngang. Người ấy ở đây thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy được tiêu trừ. Rồi này các Tỷ-kheo, những người lính địa ngục quăng người ấy vào Ðại địa ngục. Này các Tỷ-kheo, Ðại địa ngục ấy:
Có bốn góc, bốn cửa
Chia thành phần bằng nhau,
Xung quanh có tường sắt,
Mái sắt lợp lên trên
Nền địa ngục bằng sắt
Nung đỏ cháy đỏ rực
Ðứng thẳng luôn có mặt
Rộng một trăm do tuần
Một thời xưa lắm, này các Tỷ-kheo, vua Yama suy nghĩ như sau: “Những ai làm ác nghiệp ở đời, phải thọ lãnh những hình phạt sai khác như vậy. Mong rằng ta được làm người, và Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện ở đời, ta có thể hầu hạ Thế Tôn, Thế Tôn thuyết pháp cho ta, và ta có thể thông hiểu pháp do Thế Tôn thuyết giảng”.
Này các Tỷ-kheo, điều ta đang nói, không phải ta nghe từ một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác; những điều ta đang nói chỉ được ta biết mà thôi, chỉ được ta thấy mà thôi, chỉ được ta hiểu mà thôi.
6.
Dầu Thiên sứ báo động,
Thanh niên vẫn phóng dật
Họ ưu buồn lâu dài,
Sanh làm người hạ liệt.
Ở đây, bậc Chân nhân,
Ðược Thiên sứ báo động,
Không bao giờ phóng dật
Trong diệu pháp bậc thánh
Thấy sợ trong chấp thủ
Trong hiện hữu sanh tử
Ðược giải thoát không thủ
Sanh tử được đoạn trừ
Ðược yên ổn không lạc
Ngay hiện tại tịch tịnh
Mọi oán hận sợ hãi
Các vị ấy vượt qua
Mọi đau đớn khổ sầu
Thảy đều được siêu thoát.
36.- Bốn Bậc Ðại Vương
– Này các Tỷ-kheo, trong ngày thứ tám của nửa tháng, các vị Ðại thần cố vấn cho bốn Ðại vương, đi du hành trong thế giới này để xem trong loài người, có nhiều người có hiếu với mẹ, có hiếu với cha, có kính Sa-môn, Bà-là-môn, có tôn trọng các vị gia trưởng, có làm lễ Uposatha (Bố-tát), có đề cao cảnh giác, có làm các công đức.
Này các Tỷ-kheo, trong ngày 14 của nửa tháng, các Hoàng tử của bốn Thiên vương, đi du hành trong thế giới này để xem trong loài người, có nhiều người có hiếu với mẹ, … có làm các công đức.
Này các Tỷ-kheo, trong ngày rằm lễ Uposatha, bốn vị Thiên vương tự mình đi du hành trong thế giới này để xem trong loài người, có nhiều người có hiếu với mẹ, … có làm các công đức.
Nếu chỉ có ít người giữa loài người, này các Tỷ-kheo, có hiếu với mẹ, … là các công đức, thời này các Tỷ-kheo, bốn vị Ðại vương liền báo với chư Thiên ở cõi trời thứ ba mươi ba, đang ngồi tụ họp tại hội trường Sudhammà:
– “Thưa chư vị, có ít người giữa loài người có hiếu với mẹ, … có làm các công đức”.
Rồi này các Tỷ-kheo, chư Thiên ở cõi trời thứ ba mươi ba không hoan hỉ nói:
– “Thật vậy, Thiên chúng sẽ bị tổn giảm và Asura chúng (A-tu-la) sẽ được sung mãn.”
Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu có nhiều người giữa loài người, có hiếu với mẹ, … có làm các công đức, thời này các Tỷ-kheo, bốn vị Ðại vương liền báo với chư Thiên ở cõi trời thứ ba mươi ba, đang ngồi tụ họp tại hội trường Sudhammà:
– “Thưa chư Vị, có nhiều người giữa loài người, có hiếu với mẹ, … có làm các công đức”.
Rồi này các Tỷ-kheo, chư Thiên ở cõi trời thứ ba mươi ba hoan hỷ nói
– “Thật vậy, Thiên chúng sẽ được sung mãn, còn các Asura chúng sẽ bị tổn giảm.
37.- Sakka
Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka đang thuyết giảng cho chư Thiên ở cõi Trời thứ Ba mươi ba, trong khi ấy, nói lên bài kệ như sau:
Ngày mười bốn, ngày rằm
Ngày tám trong nửa tháng
Kể cả phần đặc biệt
Khéo đầy đủ cả tám
Theo làm lễ Bố-tát
Vị ấy giống như ta.
Bài kệ ấy, này các Tỷ-kheo, đã bị Thiên chủ Sakka hát sai, không hát đúng, nói sai, không nói đúng. Vì cớ sao? Thiên chủ Sakka, này các Tỷ-kheo, chưa ly tham, chưa ly sân, chưa ly si. Còn vị Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, là bậc A-la-hán, lậu hoặc đã đoạn tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, mục đích đã thành đạt, hữu kiết sử đã đoạn tận, chánh trí giải thoát. Với vị Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, lời nói này mới là thích đáng.
Ngày mười bốn, ngày rằm
Ngày tám trong nửa tháng
Kể cả phần đặc biệt
Khéo đầy đủ cả tám
Theo làm lễ Bố-tát
Vị ấy giống như ta.
Vì cớ sao? Vị Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, đã ly tham, đã ly sân, đã ly si.
Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka đang thuyết giảng cho chư Thiên ở cõi Trời thứ Ba mươi ba, trong khi ấy nói lên bài kệ như sau:
Ngày mười bốn, ngày rằm
Ngày tám trong nửa tháng
Kể cả phần đặc biệt
Khéo đầy đủ cả tám
Theo làm lễ Bố-tát
Vị ấy giống như ta.
Bài kệ ấy, này các Tỷ-kheo, đã bị Thiên chủ Sakka hát sai, không hát đúng … Vì cớ sao? Ta nói rằng Thiên chủ Sakka, này các Tỷ-kheo, chưa giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Còn vị Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, là bậc A-la-hán … chánh trí giải thoát. Với vị Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, lời nói này mới là thích đáng:
Ngày mười bốn, ngày rằm
Ngày tám trong nửa tháng
Kể cả phần đặc biệt
Khéo đầy đủ cả tám
Theo làm lễ Bố-tát
Vị ấy giống như ta.
Vì cớ sao? Ta nói rằng, vị Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, đã thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, giải thoát khỏi khổ đau.
38.- Ðược Nuôi Dưỡng Tế Nhị
1. – Này các Tỷ-kheo, Ta được nuôi dưỡng tế nhị, tối thắng nuôi dưỡng tế nhị, cứu cánh nuôi dưỡng tế nhị. Này các Tỷ-kheo, trong nhà Phụ vương ta, các hồ nước được xây lên, trong một hồ có hoa sen xanh, trong một hồ có hoa sen đỏ, trong một hồ có hoa sen trắng, tất cả phục vụ cho ta. Không một hương chiên đàn nào ta dùng, này các Tỷ-kheo, là không từ Kàsi đến. Bằng vải Kàsi là khăn của ta, này các Tỷ-kheo. Bằng vải kàsi là áo cánh, bằng vải kàsi là nội y, bằng vải kàsi là thượng y. Ðêm và ngày, một lọng trắng được che cho ta để tránh xúc chạm lạnh, nóng, bụi, cỏ hay xương. Này các Tỷ-kheo, ba lâu đài được xây dựng cho Ta, một cái cho mùa đông, một cái cho mùa hạ, một cái cho mùa mưa. Và Ta, này các Tỷ-kheo, tại lâu đài mùa mưa, trong bốn tháng mưa, được những nữ nhạc công đoanh vây, Ta không có xuống dưới lầu. Trong các nhà của người khác, các người đầy tớ, làm công được cho ăn cơm tấm, cháo chua. Trong nhà phụ vương Ta, các người đầy tớ, làm công được cho ăn gạo, thịt gà và cơm nấu.
2.- Với Ta, này các Tỷ-kheo, được đầy đủ với sự giàu sang như vậy, được cứu cánh nuôi dưỡng tế nhị như vậy, ta suy nghĩ rằng: “Kẻ vô văn phàm phu tự mình bị già, không vượt qua khỏi già, khi thấy người khác bị già, lại bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm, quên rằng mình cũng như vậy. Ta cũng bị già, không vượt qua khỏi già, sau khi thấy người khác già, ta có thể bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm sao? Như vậy, thật không xứng đáng cho ta”. Sau khi quan sát về ta như vậy, này các Tỷ-kheo, sự kiêu mạn của tuổi trẻ trong tuổi trẻ được đoạn trừ hoàn toàn.
“Kẻ vô văn phàm phu tự mình bị bệnh, không vượt khỏi bệnh, thấy người khác bị bệnh, lại bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm, quên rằng mình cũng như vậy. Ta cũng bị bệnh, không vượt qua khỏi bệnh, sau khi thấy người khác bị bệnh, ta có thể bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm sao? Như vậy, thật không xứng đáng cho ta”. Sau khi quan sát về ta như vậy, này các Tỷ-kheo, sự kiêu mạn của không bệnh trong không bệnh được đoạn trừ hoàn toàn.
“Kẻ vô văn phàm phu tự mình bị chết, không vượt khỏi chết, thấy người khác bị chết, lại bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm, quên rằng mình cũng như vậy. Ta cũng bị chết, không vượt qua khỏi chết, sau khi thấy người khác chết, ta có thể bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm sao? Như vậy, thật không xứng đáng cho ta”. Sau khi quan sát về ta như vậy, này các Tỷ-kheo, sự kiêu mạn của sự sống trong sự sống được đoạn trừ hoàn toàn.
39. Kiêu Mạn
1. – Có ba kiêu mạn này, này các Tỷ-kheo, Thế nào là ba? Kiêu mạn của tuổi trẻ, Kiêu mạn của không bệnh, Kiêu mạn của sự sống.
Say sưa trong Kiêu mạn của tuổi trẻ, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu làm các ác hành về thân, làm các ác hành về lời nói, làm các ác hành về ý. Do làm các ác hành về thân, làm các ác hành về lời nói, làm các ác hành về ý, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Say sưa trong Kiêu mạn của không bệnh, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu làm các ác hành về thân…., về ý . Do làm các ác hành về thân, làm các ác hành về lời nói, làm các ác hành về ý, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Say sưa trong Kiêu mạn của sự sống, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu làm các ác hành về thân, làm các ác hành về lời nói, làm các ác hành về ý. Do làm các ác hành về thân, làm các ác hành về lời nói, làm các ác hành về ý, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Say sưa trong Kiêu mạn của tuổi trẻ, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo từ bỏ học pháp, trở lui lại đời sống thế tục. Say sưa trong kiêu mạn của không bệnh, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo từ bỏ học pháp, trở lui lại đời sống thế tục. Say sưa trong kiêu mạn của đời sống, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo từ bỏ học pháp, trở lui lại đời sống thế tục.
2.
Bị bệnh và bị già
Lại còn phải bị chết
Kẻ phàm phu ghê tởm
Người khác bị như vậy
Nếu ta cũng ghê tởm
Chúng sanh bị như vậy,
Không xứng đáng cho ta,
Với ta được sống vậy
Nên ta sống như thật
Biết pháp không sanh y
Sự say sưa không bệnh
Tuổi trẻ và sự sống
Tất cả ta nhiếp phục
Thấy xuất ly an ổn
Nơi ta khởi tinh tấn
Vì ta thấy Niết-bàn
Ta không còn có thể
Thọ hưởng các dục vọng
ta sẽ không trở lui
Ðích Phạm hạnh ta đến
40.- Tăng Thượng
1-4
– Này các Tỷ-kheo, có ba tăng thượng này. Thế nào là ba? Ngã tăng thượng, thế giới tăng thượng, pháp tăng thượng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ngã tăng thượng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đi đến ngôi rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, quan sát như sau: “Không phải vì y áo, ta xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Không phải vì món ăn khất thực, không phải vì sàng tọa, không phải vì nhân có mặt hay không có mặt ở đây mà ta xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, (nhưng với ý nghĩ như sau): “Nay ta bị rơi vào sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, rơi vào khổ, bị khổ chi phối. Có thể do làm như vậy, sự đoạn tận tất cả khổ uẩn này được hiện khởi lên (cho ta). Và ta đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, sau khi đã đoạn tận tất cả các dục vọng như vậy, lại còn đeo đuổi các dục vọng như kia hay còn ác tệ hơn. Như vậy, thật không xứng đáng cho ta”.
Vị ấy quan sát như sau: “Thắng tấn là tinh tấn của ta, không có thụ động; an trú là niệm của ta, không có thất niệm; khinh an là thân của ta, không có dao động; định tĩnh là tâm của ta, được nhứt tâm”. Vị ấy làm cho tăng thượng tự ngã, từ bỏ bất thiện, tu tập thiện, từ bỏ có tội, tu tập không tội, gìn giữ cho tự ngã được thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tự ngã tăng thượng.
2.- Như thế nào, này các Tỷ-kheo, là thế giới tăng thượng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đi đến ngôi rừng hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, rồi thẩm sát như sau: “Không phải vì y áo, ta xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Không phải vì món ăn khất thực, không phải vì sàng tọa, không phải vì nhân có mặt hay không có mặt ở đây mà ta xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, (nhưng với ý nghĩ như sau): “Nay ta bị rơi vào sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, rơi vào khổ, bị khổ chi phối. Có thể làm như vậy, đoạn tận của tất cả khổ uẩn này được hiện khởi lên cho ta. Và ta đã xuất gia như vậy, lại có thể suy nghĩ về dục tầm hay có thể suy nghĩ về sân tầm, hay có thể suy nghi về hại tầm. To lớn là đại chúng này sống ở trong đời. Trong đại chúng sống ở đời, có các vị Sa-môn, Bà-la-môn có thần thông, có thiên nhãn, có tha tâm thông. Các vị này có thể thấy từ xa, tuy ở gần nhưng không thể thấy chúng được, và chúng có thể biết tâm ta với tâm của chúng. Chúng biết về ta như sau: “Hãy xem thiện nam tử này, tuy vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, nhưng sống xen lẫn với các pháp ác, bất thiện”. Lại có các chư Thiên có thần thông, có thiên nhãn, có tha tâm thông. Các vị này có thể thấy từ xa, tuy ở gần nhưng không thấy chúng được, và chúng có thể biết tâm ta với tâm của chúng. Các vị ấy có thể biết về ta như sau: “Hãy xem thiện nam tử này, tuy vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, nhưng sống xen lẫn với các pháp ác, bất thiện.”
Vị ấy lại quan sát như sau: “Thắng tấn là tinh tấn của ta, không có thụ động; an trú là niệm của ta, không có thất niệm; khinh an là thân của ta, không có dao động; định tĩnh là tâm của ta, được nhứt tâm”. Vị ấy làm cho tăng thượng thế giới, từ bỏ bất thiện, tu tập thiện, từ bỏ có tội, tu tập không có tội, giữ gìn cho tự ngã được thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thế giới tăng thượng.
3.-Và này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp tăng thượng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đi đến ngôi rừng hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, rồi thẩm sát như sau: “Không phải vì y áo, ta xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Không phải vì món ăn khất thực, không phải vì sàng tọa, không phải vì nhân có mặt hay không có mặt ở đây mà ta xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, (nhưng với ý nghĩ như sau): “Nay ta bị rơi vào sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, rơi vào khổ, bị khổ chi phối. Có thể do làm như vậy, đoạn tận tất cả các khổ uẩn này được hiện khởi lên cho ta. Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có kết quả ngay tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí tự mình giác hiểu. Nay ta có những người đồng Phạm hạnh, chúng sống biết và thấy. Ta đã được xuất gia trong pháp và Luật khéo giảng như vậy, không lẽ ta lại có thể sống biếng nhác phóng dật. Như vậy, thật không xứng đáng cho ta”.
Vị ấy lại quán sát như sau: “Thắng tấn là tinh tấn của ta, không có thụ động; an trú là niệm của ta, không có thất niệm; khinh an là thân của ta, không có dao động; định tĩnh là tâm của ta, được nhứt tâm”. Vị ấy làm cho tăng thượng pháp, từ bỏ bất thiện, tu tập thiện, từ bỏ có tội, tu tập không tội, giữ gìn cho tự ngã được thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là pháp tăng thượng. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp tăng thượng này.
4.
Trên đời không giấu được
Ác nghiệp tự mình làm
Ngã của ngươi ta biết
Là thật hay là giả
Ngươi thật khinh thiện ngã
Mặt giáp mặt chứng kiến
Muốn che giấu tự ngã
Ðiều ác tự ngã làm
Chư Thiên và Như Lai
Thấy rõ ở trong đời
Sở hành của kẻ ngu
Làm các hạng tà vạy
Vậy vị ngã tăng thượng
Sở hành phải chánh niệm
Vị thế giới tăng thượng
Hãy khôn khéo, Thiền tịnh
Với vị pháp tăng thượng
Hãy sống theo tùy pháp
Ðại sĩ không thối thất
Tinh cần theo chân lý
Nhiếp phục được ma quân
Chiến thắng được tử thần
Với tinh cần tinh tấn
Sanh đã được đoạn tận.
Bậc đạo sĩ như vậy,
Hiểu thế gian diệu chí
Ðối với tất cả pháp
Không có gì xúc phạm
1-10 Người Ngu
1.- Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetanava, tại vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo.
– Thưa vâng. Bạch Thế Tôn.
Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
– Phàm có sự sợ hãi nào khởi lên, này các Tỷ-kheo, tất cả sự sợ hãi ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm có những nguy hiểm nào khởi lên, tất cả những nguy hiểm ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm có những tai họa nào khởi lên, tất cả những tai họa ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí.
Ví như, này các Tỷ-kheo, ngọn lửa từ nhà bằng cỏ lau, hay từ nhà bằng cỏ, thiêu đốt các ngôi nhà có nóc nhọn, các ngôi nhà có trét trong và trét ngoài, ngăn chận được gió, các ngôi nhà có chốt cửa đóng chặt, có các cửa đóng kín. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có sự sợ hãi nào khởi lên, này các Tỷ-kheo, tất cả sự sợ hãi ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm có những nguy hiểm nào khởi lên, tất cả những nguy hiểm ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm có những tai họa nào khởi lên, tất cả những tai họa ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí. Phàm có những nguy hiểm nào khởi lên, tất cả những nguy hiểm ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người hiền trí.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, người ngu có sợ hãi, người trí không sợ hãi, người ngu có nguy hiểm, người trí không có nguy hiểm, người ngu có tai họa, người trí không có tai họa. Này các Tỷ-kheo, không có sợ hãi đến với người trí, không có nguy hiểm đến với người trí, không có tai họa đến với người trí.
Do vậy, ở đây, cần phải học tập như sau: Thành tựu với ba pháp nào, một người ngu được biết là như vậy, hãy từ bỏ ba pháp ấy. Thành tựu với ba pháp nào, một người trí được biết là như vậy, hãy chấp nhận ba pháp ấy và thực hành chúng. Như vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập.
Này các Tỷ-kheo, tướng của người ngu ở trong hành động (của mình); tướng của người trí ở trong hành động (của mình). Trí tuệ chói sáng trong nếp sống (của mình)
Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Này các Tỷ-kheo, thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến.
Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, người trí được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện. Này các Tỷ-kheo, thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người trí được biết đến.
Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau: Thành tựu với ba pháp nào, người ngu được biết đến, hãy từ bỏ ba pháp ấy; thành tựu với ba pháp nào, người trí được biết đến; hãy chấp nhận ba pháp ấy, và thực hành chúng. Như vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập.
3.- Có những pháp này, này các Tỷ-kheo, là đặc tính của người ngu, là tướng trạng của người ngu, là ấn tích của người ngu. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ ngu suy nghĩ ác, nói ác và làm ác. Nếu người ngu này, này các Tỷ-kheo, không suy nghĩ ác, không nói ác và không làm ác, thời lấy gì người hiền trí biết được: “Người này là kẻ ngu, không phải là bậc chân nhân”? Vì rằng, này các Tỷ-kheo người ngu suy nghĩ ác, nói ác và làm ác, nên các người hiền trí biết được: “Người này là kẻ ngu, không phải là bậc chân nhân”. Có những pháp này, này các Tỷ-kheo, là đặc tánh của người ngu, là tướng trạng của người ngu, là ấn tích của người ngu.
Có những pháp này, này các Tỷ-kheo, là đặc tính của người hiền trí, là tướng trạng của người hiền trí, là ấn tích của người hiền trí. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người hiền trí suy nghĩ thiện, nói thiện và làm thiện. Nếu người hiền trí này, này các Tỷ-kheo, không suy nghĩ thiện, không nói thiện và không làm thiện, thời lấy gì người hiền trí biết được: “Người này là người hiền trí, bậc chân nhân”? Vì rằng, này các Tỷ-kheo người hiền trí suy nghĩ thiện, nói thiện và làm thiện, nên các người hiền trí biết được: “Người này là người hiền trí, là bậc chân nhân”. Có những pháp này, này các Tỷ-kheo, là đặc tánh của người hiền trí, là tướng trạng của người hiền trí, là ấn tích của người hiền trí.
4.- Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến. Thế nào là ba? Phạm tội, không thấy là có phạm tội; phạm tội sau khi thấy là có phạm tội, không như pháp sám hối; được người khác phát lộ có tội, không như pháp chấp nhận. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến.
Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người hiền trí được biết đến. Thế nào là ba? Phạm tội, thấy là có phạm tội; phạm tội sau khi thấy là có phạm tội, như pháp sám hối; được người khác phát lộ có tội, như pháp chấp nhận. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người hiền trí được biết đến.
5.-Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến. Thế nào là ba? Không như lý suy tư, đặt câu hỏi; không như lý suy tư, trả lời câu hỏi; khi người khác như lý trả lời câu hỏi với những câu, những chữ vuông tròn, với những hành văn trơn tru chải chuốt, không có chấp nhận. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến.
Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, người hiền trí được biết đến. Thế nào là ba? Như lý suy tư, đặt câu hỏi; Như lý suy tư, trả lời câu hỏi; khi người khác như lý trả lời câu hỏi với những câu, những chữ vuông tròn, với những hành văn trơn tru chải chuốt, liền chấp nhận. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người hiền trí được biết đến.
6.-Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm bất thiện, miệng nói bất thiện, ý nghĩ bất thiện. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến.
Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người hiền trí được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện. Thành tựu ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người hiền trí được biết đến.
7.-Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm có tội, miệng nói có tội, ý nghĩ có tội. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến.
Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người hiền trí được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm không có tội, miệng nói không có tội, ý nghĩ không có tội. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người hiền trí được biết đến.
8.-Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người ngu được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm có não hại, miệng nói có não hại, ý nghĩ có não hại. … (như trên)
Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người hiền trí được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm không có não hại, miệng nói không có não hại, ý nghĩ không có não hại. … (như trên)
9.-Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người ngu vụng về, không phải bậc chân nhân, tự mình xử sự như một kẻ mất gốc, bị thương tích, phạm tội, bị kẻ trí quở trách và tạo nên nhiều điều vô phước. Thế nào là ba? Thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác (như trên) …
Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, người hiền trí không vụng về, là bậc chân nhân, tự mình xử sự không như một kẻ mất gốc, không bị thương tích, không phạm tội, không bị kẻ trí quở trách và tạo nên nhiều phước đức … (như trên) …
10.- Do thành tựu ba pháp, này các Tỷ-kheo, do không đoạn tận ba cấu uế, tương xứng như vậy, bị quăng vào địa ngục. Thế nào là ba? Ác giới và cấu uế của ác giới không được đoạn tận; tật đố và cấu uế của tật đố không được đoạn tận; xan tham và cấu uế của xan tham không được đoạn tận. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, do không đoạn tận ba cấu uế này, như vậy bị quăng vào địa ngục tương xứng.
Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, tương xứng như vậy được sinh lên cõi Trời. Thế nào là ba? Có giữ giới và cấu uế của các giới được đoạn tận; không có tật đố và cấu uế của tật đố được đoạn tận; không có xan tham và cấu uế của xan tham được đoạn tận. Thành tựu với ba pháp này, đoạn tận ba cấu uế này, tương xứng như vậy được sanh lên cõi Trời.
II. Phẩm Người Ðóng Xe
11. Ba Pháp
– Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo có danh tiếng, sống đem lại bất hạnh cho đa số, không an lạc cho đa số, không lợi ích cho đa số, đem lại bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài người. Thế nào là ba? Khuyến khích các thân nghiệp không tùy thuận; khuyến khích các ngữ nghiệp không tuỳ thuận, khuyến khích các pháp không tùy thuận. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo có danh tiếng sống … cho chư Thiên và loài người.
– Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo có danh tiếng, sống đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đem lại hạnh phúc an lạc cho chư Thiên và loài người. Thế nào là ba? Khuyến khích các thân nghiệp tùy thuận; khuyến khích các ngữ nghiệp tuỳ thuận; khuyến khích các pháp tùy thuận. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo có danh tiếng sống đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đem lại hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài người.
12.- Ba Chỗ
– Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh cần phải trọn đời ghi nhớ. Thế nào là ba?
Tại chỗ nào, này các Tỷ-kheo, một vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh được sanh ra; đây là pháp thứ nhất, này các Tỷ-kheo, một vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh cần phải trọn đời ghi nhớ.
Lại nữa, tại chỗ nào, này các Tỷ-kheo, một vua Sát-đế-lỵ được làm lễ quán đảnh, đây là pháp thứ hai, này các Tỷ-kheo, một vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh cần phải trọn đời ghi nhớ.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, tại chỗ nào, một vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh sau khi chiến thắng một trận, tại chỗ vị ấy chiếm như là cầm đầu trong cuộc chiến thắng; đây là pháp thứ ba, này các Tỷ-kheo, một vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh cần phải trọn đời ghi nhớ.
Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh cần phải trọn đời ghi nhớ.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có ba pháp này, một Tỷ-kheo cần phải trọn đời ghi nhớ. Thế nào là ba?
Tại chỗ nào, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa; xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; đây là pháp thứ nhất, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo cần phải trọn đời ghi nhớ.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, tại chỗ nào, Tỷ-kheo như thật biết rõ: “Ðây là khổ”, như thật rõ biết: “Ðây là khổ tập”, như thật rõ biết: “Ðây là khổ diệt”, như thật rõ biết: “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”; đây là pháp thứ hai, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo cần phải trọn đời ghi nhớ.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, tại chỗ nào, môt Tỷ-kheo, sau khi đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; đây là pháp thứ ba, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cần phải trọn đời ghi nhớ.
Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo cần phải trọn đời ghi nhớ.
13.- Ba Hạng Người
– Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, xuất hiện, có mặt ở đời. Thế nào là ba? Không hy vọng, có hy vọng, ly hy vọng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người không hy vọng?, Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người được sanh trong một gia đình thấp kém, gia đình một người đổ phân, hay gia đình một người thợ săn hay gia đình một người đan tre, hay gia đình người đóng xe, hay gia đình người quét rác, hay trong gia đình một người nghèo khổ, khó tìm được đồ ăn uống để sống, khó tìm cho được đồ ăn đồ mặc … Và người ấy xấu xí, khó ngó, lùn, thấp, nhiều bệnh hoạn, đui một mắt, còm, què, hay đi khập khễnh, không có được đồ ăn, đồ uống đồ mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, phấn sáp, chỗ nằm, chỗ ở hay đèn. Người ấy nghe nói như sau: “Vị Sát-đế-lỵ tên như vậy đã được các Sát-đế-lỵ làm lễ quán đảnh theo lễ quán đảnh của các Sát-đế-lỵ”. Người ấy không nghĩ như sau: “Không biết khi nào các Sát-đế-lỵ mới làm lễ quán đảnh cho ta theo lễ quán đảnh của Sát-đế-lỵ?”. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người không hy vọng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người có hy vọng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, trưởng nam của vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, xứng đáng để được làm lễ quán đảnh, nhưng chưa làm lễ quán đảnh và đạt đến địa vị bất động (đã đến tuổi thành niên). Người ấy nghe nói như sau: “Vị Sát-đế-lỵ tên như vậy đã được các Sát-đế-lỵ làm lễ quán đảnh theo lễ quán đảnh của các Sát-đế-lỵ”. Người ấy suy nghĩ như sau: “Không biết khi nào các Sát-đế-lỵ mới làm lễ quán đảnh cho ta theo lễ quán đảnh của Sát-đế-lỵ?”. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người có hy vọng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người ly hy vọng? Ở đây này các Tỷ-kheo, vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh. Vị ấy nghe nói như sau: “Vị Sát-đế-lỵ tên như vậy đã được các Sát-đế-lỵ làm lễ quán đảnh theo lễ quán đảnh của các Sát-đế-lỵ”. Người ấy không nghĩ như sau: “Không biết khi nào các Sát-đế-lỵ mới làm lễ quán đảnh cho ta theo lễ quán đảnh của Sát-đế-lỵ? “Vì cớ sao? Sự hy vọng được làm lễ quán đảnh trước khi chưa làm lễ quán đảnh, hy vọng ấy được hoàn toàn chấm dứt. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người đã ly hy vọng.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, xuất hiện, có mặt ở đời. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có ba hạng người xuất hiện, có mặt giữa các Tỷ-kheo. Thế nào là ba? Không hy vọng, có hy vọng, ly hy vọng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người không hy vọng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người ác giới, tánh tình độc ác, sở hành bất tịnh, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn, nhưng hiện tướng là Sa-môn, không sống Phạm hạnh, nhưng hiện tướng có Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất tịnh. Người này nghe: “Tỷ-kheo có tên như vậy, do đoạn tận các lậu hoặc ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát”. Người ấy không suy nghĩ như sau: “Ðến khi nào, do đoạn tận các lậu hoặc ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, ta sẽ chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát?” Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người không hy vọng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người có hy vọng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo giữ tánh tình hiền thiện. Vị ấy nghe: “Tỷ-kheo có tên như vậy, đã đoạn tận các lậu hoặc ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát”. Người ấy suy nghĩ như sau: “Ðến khi nào, do đoạn tận các lậu hoặc ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, ta sẽ chứng đạt, chứng ngộ và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát?” Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người có hy vọng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người ly hy vọng? Ở đây này các Tỷ-kheo, một vị A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc. Vị này nghe: “Tỷ-kheo có tên như vậy … tuệ giải thoát”. Vị ấy không suy nghĩ như sau : “Ðến khi nào, do đoạn tận … tuệ giải thoát?” Vì cớ sao? Hy vọng được giải thoát trước khi chưa giải thoát, này các Tỷ-kheo, hy vọng ấy đã được hoàn toàn chấm dứt. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, là người ly hy vọng.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, xuất hiện, có mặt giữa các vị Tỷ-kheo.
14.- Pháp
– Phàm vua Chuyển Luân nào, đúng pháp, pháp vương, vị ấy cũng chuyển bánh xe (cai trị), không phải không có vua.
Ðược nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, ai là vua cho vua Chuyển Luân đúng pháp, pháp vương?
– Ðó là pháp, này Tỷ-kheo.
Thế Tôn nói:
– Ở đây, này Tỷ-kheo, vị Chuyển Luân, đúng pháp, pháp vương, y cứ pháp, cung kính pháp, kính trọng pháp, tôn kính pháp, lấy pháp làm tràng phan, lấy pháp làm cờ xí, lấy pháp làm tối thắng, ra lệnh hộ trì, che chở, ủng hộ đúng pháp đối với quần chúng.
Lại nữa, này Tỷ-kheo, vua Chuyển Luân, đúng pháp, pháp vương … ra lệnh hộ trì, che chở, ủng hộ đúng pháp đối với các Sát-đế-lỵ, đối với các tùy tùng, đối với quân đội, đối với các Bà-la-môn và gia chủ, đối với các thị trấn và quốc độ, đối với các Sa-môn, Bà-la-môn, đối với các loài thú và các loài chim.
Vua Chuyển Luân ấy, này các Tỷ-kheo, đúng pháp … sau khi ra lệnh hộ trì, che chở … đối với các loài thú và các loài chim, chuyển bánh xe đúng pháp. Bánh xe ấy không bị ngăn cản sự chuyển vận, bởi bất cứ người nào, hay bởi loài hữu tình thù nghịch nào.
Cũng vậy, này Tỷ-kheo, Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, đúng pháp, vị Pháp Vương, y cứ pháp, cung kính pháp, kính trọng pháp, tôn kính pháp, lấy pháp làm tràng phan, lấy pháp làm cờ xí, lấy pháp làm tối thắng, ra lệnh hộ trì, che chở, ủng hộ đúng pháp đối với thân nghiệp, nghĩ rằng: “Thân nghiệp như vậy cần phải hành trì, thân nghiệp như vậy không được hành trì”.
Lại nữa, này Tỷ-kheo, Như Lai, bậc A-la-hán … ủng hộ đúng pháp đối với khẩu nghiệp, nghĩ rằng: “Khẩu nghiệp như vậy cần phải hành trì, Khẩu nghiệp như vậy không được hành trì, đối với ý nghiệp”, nghĩ rằng “Ý nghiệp như vậy cần phải hành trì, Ý nghiệp như vậy không được hành trì”.
Như Lai ấy, này Tỷ-kheo, bậc A-la-hán … đúng pháp, sau khi ra lệnh hộ trì che chở … đối với thân nghiệp … đối với khẩu nghiệp … đối với ý nghiệp … chuyển bánh xe đúng pháp. Bánh xe ấy không bị ngăn chặn sự chuyển vận, bởi Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ác ma, Phạm thiên, hay bất cứ một ai ở đời.
15.- Người Ðóng Xe Hay Pacetana.
1. Một thời Thế Tôn ở tại Bàranàsi, Isipatana, chỗ Vườn Nai, tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo.
– Bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
– Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có vị vua tên là Pacetana. Rồi, này các Tỷ-kheo, vua Pacetana cho gọi người thợ đóng xe:
– “Này người đóng xe, sau sáu tháng, sẽ có trận chiến. Này người đóng xe, ông có thể làm cho ta một cặp bánh xe mới được không?”
– “Thưa Ðại Vương, có thể được”.
Người đóng xe trả lời cho vua Pacetana.
Rồi này các Tỷ-kheo, người đóng xe, sau sáu tháng trừ sáu ngày, làm xong một bánh xe. Rồi vua Pacetana bảo người đóng xe:
– “Sau sáu ngày, này người đóng xe, sẽ có trận chiến. Ðôi bánh xe mới có thể làm xong được không?”
– “Thưa Ðại vương, sau sáu tháng trừ sáu ngày, một bánh xe đã làm xong”.
– “Này người đóng xe, Ông có thể, với sáu ngày (còn lại) này, làm xong bánh xe thứ hai?”
– “Thưa Ðại vương, con có thể làm được”.
Người đóng xe trả lời cho vua Pacetana.
2.- Rồi này các Tỷ-kheo, người đóng xe trong sáu ngày, sau khi làm xong bánh xe thứ hai, cầm cặp bánh xe mới, đi đến vua Pacetana; sau khi đến, thưa với vua Pacetana:
– “Thưa Ðại vương, cặp bánh xe mới này đã làm xong cho Ngài”.
– “Này người đóng xe, cái bánh xe này làm xong trong sáu tháng trừ sáu ngày và cái bánh xe này làm xong trong sáu ngày, có cái gì sai khác giữa hai cái này, ta không thấy có cái gì sai khác hết”.
– “Có sự sai khác giữa hai cái này, thưa Ðại vương. Thưa Ðại vương, hãy nhìn sự sai khác”.
Rồi, này các Tỷ-kheo, người đóng xe đẩy cho chạy bánh xe được làm xong trong sáu ngày. Bánh xe ấy tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy (ban đầu) còn tồn tại rồi xoay quanh vài vòng và rơi xuống đất. Rồi nó đẩy cho chạy bánh được làm xong trong sáu tháng trừ sáu ngày. Bánh xe ấy tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy (ban đầu) còn tồn tại, rồi nó đứng lại như đang mắc vào trong trục xe.
3- “Do nhân gì, này người đóng xe, do duyên gì cái bánh xe được làm trong sáu ngày, tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy (ban đầu) còn tồn tại, rồi xoay quanh vài vòng và rơi xuống đất. Do nhân gì, này Người đóng xe, do duyên gì cái bánh xe được làm trong sáu tháng trừ sáu ngày, tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy (ban đầu) còn tồn tại, rồi nó đứng lại như mắc vào trục xe?”
– “Thưa Ðại vương, cái bánh xe này được làm xong sau sáu ngày, vành xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm; các căm xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm, trục xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm. Vì rằng vành xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm; vì rằng các căm xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm, vì rằng trục xe bị cong, có chỗ hỏng, có khuyết điểm nên bánh xe ấy tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy (ban đầu) còn tồn tại, rồi xoay quanh vài vòng rồi rơi xuống đất. Còn bánh kia, thưa Ðại Vương, được làm xong sau sáu tháng trừ sáu ngày, bánh xe ấy không bị cong, không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm; trục xe ấy không bị cong, không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm. Vì rằng vành xe không bị cong, không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm; vì rằng các căm xe không bị cong, không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm, vì rằng trục xe không bị cong, không có chỗ hỏng, không có khuyết điểm nên bánh xe ấy tiếp tục chạy cho đến khi sức đẩy (ban đầu) còn tồn tại, nó đứng lại như đang mắc vào ở trong trục xe.
4.- Rất có thể, này các Tỷ-kheo, các thầy nghĩ rằng trong thời ấy, người đóng xe ấy là một người khác. Này các Tỷ-kheo, chớ có nghĩ như vậy. Trong thời ấy, ta chính là người đóng xe. Lúc bấy giờ, này các Tỷ-kheo, ta khéo léo về chỗ cong của gỗ, về chỗ hỏng của gỗ, về khuyết điểm của gỗ. Nay, này các Tỷ-kheo, ta là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, khéo léo về chỗ cong của thân, về chỗ hỏng của thân, về khuyết điểm của thân; khéo léo về chỗ cong của lời nói, về chỗ hỏng của lời nói, về khuyết điểm của lời nói; khéo léo về chỗ cong của ý, về chỗ hỏng của ý, về khuyết điểm của ý.
5.-Ðối với các Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo ni nào, thân cong không có đoạn tận, thân hư hỏng, thân khuyết điểm (không có đoạn tận), lời nói cong không có đoạn tận, lời nói hư hỏng, lời nói khuyết điểm (không có đoạn tận), ý cong không có đoạn tận, ý hư hỏng, ý khuyết điểm (không có đoạn tận), như vậy, này các Tỷ-kheo, vị ấy rời khỏi pháp luật này, ví như bánh xe ấy được làm xong sau sáu ngày.
Ðối với các Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo ni nào, thân cong được đoạn tận, thân hư hỏng, thân khuyết điểm (được đoạn tận), lời nói cong … ý cong được đoạn tận, ý hư hỏng, ý khuyết điểm (được đoạn tận), như vậy, này các Tỷ-kheo, vị ấy an trú trong pháp luật này, ví như bánh xe ấy được làm xong sau sáu tháng trừ sáu ngày.
Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy học tập như sau: “Chúng tôi sẽ đoạn tận thân cong, thân hư hỏng, thân khuyết điểm, chúng tôi sẽ đoạn tận lời nói cong, lời nói hư hỏng, lời nói khuyết điểm, chúng tôi sẽ đoạn tận ý cong, ý hư hỏng, ý khuyết điểm”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.
16.- Con Ðường Không Có Lỗi Lầm
– Thành tựu ba pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thực hành con đường không có lầm lỗi, và có những căn bản thắng tấn để đoạn diệt các lậu hoặc. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống và chú tâm cảnh giác.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo hộ trì các căn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì nhãn căn không được bảo vệ, khiến tham ưu, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự bảo vệ nguyên nhân ấy, phòng hộ nhãn căn, thực hành phòng hộ nhãn căn. Khi tai nghe tiếng … mũi ngửi hương … lưỡi nếm vị … thân cảm xúc … ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì ý căn không được bảo vệ, khiến tham ưu, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự bảo vệ nguyên nhân ấy, phòng hộ ý căn, thực hành phòng hộ ý căn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo hộ trì các căn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tiết độ trong ăn uống?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như lý giác sát thọ dụng các món ăn, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được an trú và được bảo dưỡng, để (thân này) khỏi bị thương hại, để hộ trợ Phạm hạnh, nghĩ rằng: “, Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ, và không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo tiết độ trong ăn uống.
Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo chú tâm cảnh giác?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ban ngày trong khi đi kinh hành và ngồi, gột sạch tâm khỏi các triền cái, ban đêm trong canh một, trong khi đi kinh hành và ngồi,, gột sạch tâm khỏi các triền cái, ban đêm trong canh giữa, nằm xuống như con sư tử về phía hông bên phải, hai chân gác lên nhau, chánh niệm tỉnh giác, tác ý tưởng thức dậy, ban đêm trong canh cuối, sau khi thức dậy trong khi đi kinh hành và ngồi, gột sạch tâm khỏi các triền cái. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chú tâm cảnh giác.
Thành tựu ba pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thực hành con đường không có lỗi lầm, và có những căn bản thắng tấn để đoạn diệt các lậu hoặc.
17.- Ba Pháp
– Có ba pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến hại mình, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai. Thế nào là ba? Thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Ba pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến hại mình, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai.
Có ba pháp này, này các Tỷ-kheo, không đưa đến hại mình, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai. Thế nào là ba? Thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện. Có ba pháp này, này các Tỷ-kheo, không đưa đến hại mình, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai.
18.- Thiên Giới
– Nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các thầy như sau: “Chư Hiền, có phải Sa-môn Gotama sống Phạm hạnh để được sanh lên cõi Trời? “Này các Tỷ-kheo, được hỏi vậy, các Thầy có bực phiền, tủi nhục, chán ngấy hay không ?
– Thưa có , bạch Thế Tôn.
– Như vậy, này các Tỷ Kheo, các Thầy bực phiền, tủi nhục, chán ngấy đối với thiên thọ mạng; các Thầy bực phiền , tủi nhục, chán ngấy đối với thiên sắc, thiên lạc, thiên danh vọng, thiên thù thắng, còn nói gì, này các Tỷ Kheo, đối vói thân làm ác, các Thầy bực phiền, tủi nhục, chán ngấy như thế nào, đối với miệng nói ác…. đối với ý nghĩ ác, các Thầy cảm thấy bực phiền, tủi nhục, chán ngấy như thế nào.
19.- Người Buôn Bán
– Thành tựu ba chi phần, này các Tỷ-kheo, một người buôn bán không thâu nhận được tài sản chưa thâu nhận và không tăng trưởng tài sản đã được thâu nhận. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người buôn bán, vào buổi sáng không có nhiệt tâm chăm chú vào công việc, vào buổi trưa không có nhiệt tâm chăm chú vào công việc, vào buổi chiều không có nhiệt tâm chăm chú vào công việc. Thành tựu với ba chi phần này, này các Tỷ-kheo, một người buôn bán không thâu nhận được tài sản chưa được thâu nhận và không tăng trưởng tài sản đã được thâu nhận.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo thành tựu ba chi phần, không thâu nhận được thiện pháp chưa được thâu nhận, và không tăng trưởng được thiện pháp đã được thâu nhận. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vào buổi sáng không có nhiệt tâm chăm chú vào định tướng, vào buổi trưa không có nhiệt tâm chăm chú vào định tướng, vào buổi chiều không có nhiệt tâm chăm chú vào định tướng. Thành tựu ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo không thâu nhận được thiện pháp chưa được thâu nhận, và không tăng trưởng thiện pháp đã được thâu nhận.
Thành tựu ba chi phần, này các Tỷ-kheo, một người buôn bán thâu nhận được tài sản chưa thâu nhận, tăng trưởng tài sản đã được thâu nhận. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người buôn bán, vào buổi sáng có nhiệt tâm chăm chú vào công việc, vào buổi trưa có nhiệt tâm chăm chú vào công việc, vào buổi chiều có nhiệt tâm chăm chú vào công việc. Thành tựu với ba chi phần này, này các Tỷ-kheo, một người buôn bán thâu nhận được tài sản chưa được thâu nhận, và tăng trưởng tài sản đã được thâu nhận.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu ba pháp, Tỷ kheo thâu nhận được thiện pháp chưa được thâu nhận, tăng trưởng thiện pháp đã được thâu nhận. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ kheo vào buổi sáng có nhiệt tâm chăm chú vào định tướng, vào buổi trưa có nhiệt tâm chăm chú vào định tướng, vào buổi chiều có nhiệt tâm chăm chú vào định tướng. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo thâu nhận được thiện pháp chưa được thâu nhận, và tăng trưởng thiện pháp đã được thâu nhận.
20.- Người Buôn Bán
– Thành tựu với ba chi phần, này các Tỷ-kheo, người buôn bán không bao lâu đạt được về tài sản lớn mạnh và rộng lớn. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, người buôn bán có mắt, khéo phấn đấu và xây dựng được cơ bản.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người buôn bán có mắt? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người buôn bán biết các thương phẩm. Vật này mua như vậy, bán như vậy, sẽ đưa lại tiền như vậy, tiền lời như vậy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người buôn bán có mắt.
Như thế nào, này các Tỷ-kheo, là người buôn bán khéo phấn đấu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người thương gia khéo léo mua và bán các thương phẩm. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người buôn bán khéo phấn đấu.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người thương gia xây dựng được căn bản? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người buôn bán được các gia chủ hay con các gia chủ, được các nhà giàu, có tiền bạc lớn, có tài sản lớn biết đến như sau: “Người buôn bán này là người có mắt, khéo phấn đấu, có đủ sức cấp dưỡng vợ con, và thường trả tiền lời cho chúng ta. Chúng ta trao hàng hóa cho người này: “Này bạn thương gia, hãy lấy tiền này, xây dựng tài sản để nuôi dưỡng vợ con và thường thường trả tiền lời cho chúng tôi”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người buôn bán xây dựng được cơ bản.
Thành tựu với ba chi phần này, này các Tỷ kheo, người buôn bán, không bao lâu đạt đến tài sản lớn mạnh và rộng lớn.
Cũng vậy, này các Tỷ kheo, thành tựu với ba pháp, vị Tỷ-kheo không bao lâu, đạt đến lớn mạnh và rộng lớn về các Thiện pháp. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có mắt, khéo phấn đấu và xây dựng được cơ bản.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo có mắt? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thật biết rõ: “Ðây là khổ” … như thật rõ biết: “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo có mắt.
Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo khéo phấn đấu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống tinh cần tinh tấn, đoạn tận các pháp bất thiện, làm cho sanh khởi các pháp thiện, dõng mãnh, kiên trì, tinh tấn, không có từ bỏ gánh nặng đối với các thiện pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo khéo phấn đấu.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo xây dựng được cơ bản? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các Tỷ-kheo nghe nhiều, thông hiểu các tập Agàma (A-hàm), bậc trì Pháp, trì Luật, trì Toát yếu, thường thường đến yết kiến, phỏng vấn, đặt các câu hỏi: “Thưa Tôn giả, cái này là thế nào? Pháp này ý nghĩa gì? “Các Tôn giả ấy mở rộng những gì chưa được mở rộng, phơi bày những gì chưa được phơi bày, và đối với những đoạn sai khác còn có những chỗ nghi ngờ, các vị ấy giải thích các sự nghi ngờ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo xây dựng được cơ bản.
Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không bao lâu, đạt đến sự lớn mạnh và rộng lớn về các thiện pháp.
III. Phẩm Người
21.- Chứng Thực Với Thân
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi, tại Jetanava, vườn ông Anàthapindika. Rồi Tôn giả Savittha, Tôn giả Mahàkotthita đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến nói lên với Tôn giả những lời chào đón hỏi thăm … Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Savittha đang ngồi xuống một bên:
– Có ba hạng người này, này Hiền giả Savittha, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Thân chứng, kiến chí, tín giải. Ba hạng người này, này Hiền giả, có mặt, xuất hiện ở đời. Trong ba hạng người này, này Hiền giả, hạng người nào Hiền giả chấp nhận là hy hữu hơn, là thù diệu hơn?
– Có ba hạng người này, này Hiền giả Sàriputta, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Thân chứng, kiến chí, tín giải. Ba hạng người này, này Hiền giả, có mặt, xuất hiện ở đời. Trong ba hạng người này, thưa Hiền giả, hạng người tín giải, hạng người này, tôi chấp nhận là hy hữu hơn, là thù diệu hơn. Vì cớ sao? Vì rằng, thưa Hiền giả, với hạng người này, tín căn được tăng thượng.
Rồi Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Mahàkotthita:
– Có ba hạng người này, này Hiền giả Kotthita, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Thân chứng, kiến chí, tín giải. Ba hạng người này, thưa Hiền giả, có mặt, xuất hiện ở đời. Trong ba hạng người này, này Hiền giả, hạng người nào Hiền giả chấp nhận là hy hữu hơn, là thù diệu hơn?
– Có ba hạng người này, này Hiền giả Sàriputta, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Thân chứng, kiến chí, tín giải. Ba hạng người này, này Hiền giả, có mặt, xuất hiện ở đời. Trong ba hạng người này, thưa Hiền giả, hạng người thân chứng, hạng người này, tôi chấp nhận là hy hữu hơn, là thù diệu hơn. Vì cớ sao? Vì rằng, thưa Hiền giả, với hạng người này, định căn được tăng thượng.
Rồi Tôn giả Mahàkotthita thưa với Tôn giả Sàriputta:
– Có ba hạng người này, thưa Hiền giả Sàriputta, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Thân chứng, kiến chí, tín giải. Ba hạng người này, thưa Hiền giả, có mặt, xuất hiện ở đời. Trong ba hạng người này, này Hiền giả, hạng người nào Hiền giả chấp nhận là hy hữu hơn, là thù diệu hơn?
– Có ba hạng người này, này Hiền giả Kotthita, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Thân chứng, kiến chí, tín giải. Ba hạng người này, thưa Hiền giả, có mặt, xuất hiện ở đời. Trong ba hạng người này, thưa Hiền giả, hạng người kiến chí, hạng người này, tôi chấp nhận là hy hữu hơn, là thù diệu hơn. Vì cớ sao? Vì rằng, thưa Hiền giả, với hạng người này, tuệ căn được tăng thượng.
Rồi Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Savittha và Tôn giả Mahàkotthita như sau:
– Thưa các Hiền giả, tất cả chúng ta đã trả lời, tuỳ theo biện tài của mình. Thưa các Hiền giả, chúng ta hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến chúng ta sẽ hỏi Thế Tôn về ý nghĩa này. Thế Tôn trả lời chúng ta như thế nào, chúng ta hãy như vậy thọ trì.
– Vâng, thưa Hiền giả.
Tôn giả Savittha và Tôn giả Mahàkotthita vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Rồi Tôn giả Sàriputta, Tôn giả Savittha và Tôn giả Mahàkotthita đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống, một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sàriputta thuật lại với Thế Tôn tất cả câu chuyện đã xảy ra với Tôn giả Savittha và Tôn giả Mahàkotthita.
– Ở đây, này Sàriputta, thật không dễ gì để trả lời một chiều là hạng người này hy hữu hơn, thù diệu hơn trong ba hạng người kia. Sự kiện này xảy ra, này Sàriputta, là hạng người tín giải này là hạng người đang hướng đến A-la-hán, hạng người thân chứng này là hạng người Nhất Lai hay Bất Lai, hạng người kiến chí này là hạng người Nhất Lai hay Bất Lai.
Ở đây, này Sàriputta, thật không dễ gì để trả lời một chiều là hạng người này hy hữu hơn, thù diệu hơn trong ba hạng người kia. Sự kiện này xảy ra, này Sàriputta, là hạng người thân chứng này là hạng người đang hướng đến A-la-hán, là hạng người tín giải này là hạng người Nhất Lai hay Bất Lai, hạng người kiến chí này là hạng người Nhất Lai hay Bất Lai.
Ở đây, này Sàriputta, thật không dễ gì để trả lời một chiều là hạng người này hy hữu hơn, thù diệu hơn trong ba hạng người kia. Sự kiện này xảy ra, này Sàriputta, là hạng người kiến chí này là hạng người đang hướng đến A-la-hán, còn hạng người tín giải này là hạng người Nhất Lai hay Bất Lai, và hạng người thân chứng này là hạng người Nhất Lai hay Bất Lai.
Ở đây, này Sàriputta, thật không dễ gì để trả lời một chiều rằng hạng người này là hy hữu hơn và thù diệu hơn trong ba hạng người kia.
22.- Người Bệnh
– Có ba hạng người bệnh này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, một hạng người bệnh, dầu có được ăn các món thích hợp, hay không được các món ăn thích hợp, dầu có được các thuốc men thích hợp hay không được các thuốc men thích hợp, dầu có được sự chăm sóc thích đáng hay không được sự chăm sóc thích đáng, không được bình phục từ chứng bệnh ấy.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người bệnh, dầu có được ăn các món thích hợp, hay không được các món ăn thích hợp, dầu có được các thuốc men thích hợp hay không được các thuốc men thích hợp, dầu có được sự chăm sóc thích đáng hay không được sự chăm sóc thích đáng, được bình phục từ chứng bệnh ấy.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người bệnh, có được ăn các món thích hợp, không phải không được, có các thuốc men thích hợp, không phải không được, có được sự chăm sóc thích đáng, không phải không được, được bình phục từ chứng bệnh ấy.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, hạng người bệnh này, có được các món ăn thích hợp, không phải không được, có được các thuốc men thích hợp, không phải không được, có được sự chăm sóc thích đáng, không phải không được, được bình phục khỏi chứng bệnh ấy. Chính do duyên với hạng người bệnh này, này các Tỷ-kheo, các món ăn thích hợp với người bệnh đã được chấp thuận, các thuốc men thích hợp với người bệnh đã được chấp thuận, sự chăm sóc thích đáng với người bệnh đã được chấp thuận. Chính do duyên với hạng người bệnh này, này các Tỷ-kheo, các người bệnh khác cần phải được chăm sóc như vậy.
Ba hạng người bệnh này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có ba hạng người này, có mặt, xuất hiện ở đời, có thể so sánh với ba hạng người bệnh này. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được thấy Như Lai hay không được thấy Như Lai, được nghe Pháp và Luật do Như Lai trình bày, hay không được nghe Pháp và Luật do Như Lai trình bày, không có đi vào tánh quyết định, tánh chơn chánh đối với các Thiện pháp.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không được thấy Như Lai, được nghe Pháp và Luật do Như Lai trình bày, hay không được nghe Pháp và Luật do Như Lai trình bày, đi vào tánh quyết định, tánh chơn chánh đối với các Thiện pháp.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được thấy Như Lai, không phải không được thấy, được nghe Pháp và Luật do Như Lai trình bày, không phải không được nghe Pháp và Luật do Như Lai trình bày, đi vào tánh quyết định, tánh chơn chánh đối với các Thiện pháp.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được thấy Như Lai, không phải không được thấy, được nghe Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, không phải không được nghe, đi vào tánh quyết định, tánh chơn chánh đối với các Thiện pháp. Chính do duyên hạng người này, này các Tỷ-kheo, thuyết pháp được chấp nhận, và chính do duyên hạng người này, này các Tỷ-kheo, pháp được thuyết giảng cho các người khác.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời được ví dụ với ba hạng người bệnh.
23.- Chất Chứa.
– Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người chất chứa các thân hành có não hại, chất chứa các khẩu hành có não hại, chất chứa các ý hành có não hại. Sau khi chất chứa thân hành có não hại, chất chứa khẩu hành có não hại, chất chứa ý hành có não hại, người ấy sanh trong thế giới có não hại. Vì phải sanh trong thế giới có não hại, người ấy cảm giác các cảm xúc có não hại. Người ấy, vì cảm giác các cảm xúc có não hại, nên cảm giác các cảm thọ có não hại, nhất hướng đau khổ, như các chúng sanh ở trong địa ngục.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người chất chứa thân hành không có não hại … chất chứa ý hành không có não hại. Sau khi chất chứa thân hành không có não hại … chất chứa ý hành không có não hại, người ấy được sanh trong thế giới không có não hại. Ðược sanh trong thế giới không có não hại, người ấy cảm giác các cảm xúc không có não hại. Do cảm giác các cảm xúc không có não hại, người ấy cảm giác các cảm thọ không có não hại, nhất hướng lạc, như chư Thiên ở Biến Tịnh Thiên.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người chất chứa thân hành có não hại và không có não hại … chất chứa ý hành có não hại và không có não hại. Sau khi chất chứa thân hành có não hại và không có não hại … , sau khi chất chứa ý hành có não hại và không có não hại, được sanh vào thế giới có não hại và không có não hại. Ðược sanh vào thế giới có não hại và không có não hại, người ấy cảm giác các cảm xúc có não hại và không có não hại. Do cảm giác các cảm xúc có não hại và không có não hại, người ấy cảm giác các cảm thọ có não hại và không có não hại, xen lẫn lạc và khổ, ví như loài Người, một loại chư Thiên và một loại sanh trong đọa xứ.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
24.- Nhiều Lợi Ích
– Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, làm nhiều lợi ích cho người khác. Thế nào là ba?
Do người nào, này các Tỷ-kheo, có người được quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, người ấy là hạng người làm lợi ích nhiều cho người kia. Ðây là hạng người làm lợi ích nhiều cho người khác.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do người nào, người khác rõ biết: “Ðây là khổ”, rõ biết: “Ðây là khổ tập”, rõ biết: “Ðây là khổ diệt”, rõ biết: “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”, người ấy là hạng người làm lợi ích nhiều cho người kia. Ðây là hạng người làm lợi ích nhiều cho người khác.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do người nào, người khác đoạn trừ các lậu hoặc ngay trong hiện tại, với thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Ðây là hạng người làm lợi ích nhiều cho người khác.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, làm lợi ích nhiều cho người khác. Ta nói rằng không có một người nào khác làm lợi ích nhiều hơn cho người bằng ba hạng người này. Ta nói rằng người này không thể khéo trả ơn cho ba hạng người kia, như đảnh lễ, đứng dậy, chắp tay, hành động thân thiện, bố thí các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, thuốc trị bệnh …
25.- Vết Thương Làm Mủ
– Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Hạng người với tâm ví dụ như vết thương, với tâm ví dụ như chớp sáng, với tâm ví dụ như kim cang.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người với tâm ví dụ như vết thương? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người phẫn nộ, nhiều hiềm hận, dầu có bị nói chút ít, cũng tức tối phẫn nộ, sân hận, sừng sộ, biểu lộ sự phẫn nộ, sân hận và bực tức. Ví như một vết thương đang làm mủ, nếu bị cây gậy hay một miếng sành đánh phải, liền chảy mủ nhiều hơn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có người phẫn nộ và bực tức. Này các Tỷ kheo, đây gọi là hạng người được ví dụ với vết thương đang làm mủ.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người với tâm được ví dụ như chớp sáng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người như thật rõ biết: “Ðây là khổ”,.. như thật rõ biết “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”. Ví như một người có mắt, thấy các sắc trong đêm tối mù mịt, khi có chớp sáng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có người như thật rõ biết: “Ðây là khổ”, … như thật rõ biết: “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là hạng người với tâm được ví như chớp sáng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người với tâm được ví dụ như kim cang? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người, nhờ đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người, với tâm được ví dụ như kim cang.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
26.- Cần Phải Thân Cận
– Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Có hạng người này, này các Tỷ-kheo, không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường. Có hạng người, này các Tỷ-kheo, nên thân cận gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường. Có hạng người, này các Tỷ-kheo, sau khi cung kính, tôn trọng, nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người thấp kém về giới, định, tuệ. Hạng người như vậy, này các Tỷ-kheo, không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường, trừ khi vì lòng thương tưởng, vì lòng từ mẫn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đồng đẳng với mình về giới, định, tuệ. Hạng người như vậy, này các Tỷ-kheo, nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao? Với ý nghĩ: “(Cả hai) thiện xảo về giới, câu chuyện của chúng ta sẽ thuộc về giới, được diễn tiến (lợi ích) cho cả hai chúng ta, và sẽ làm cho hai chúng ta được an lạc. (Cả hai) là thiện xảo về định …… (Cả hai) là thiện xảo về tuệ, câu chuyện của chúng ta sẽ thuộc về tuệ, được diễn tiến (lợi ích) cho cả hai, và chúng sẽ làm cho hai chúng ta an lạc”. Cho nên, người như vậy nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường.
Thế nào là hạng người, này các Tỷ-kheo, sau khi cung kính, tôn trọng, nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người thù thắng về giới, định và tuệ. Hạng người ấy, này các Tỷ-kheo, sau khi cung kính, tôn trọng, cần phải gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao? Với ý nghĩ: “Như vậy, nếu giới chưa đầy đủ, ta sẽ làm đầy đủ, hay nếu giới được đầy đủ, ta sẽ hỗ trợ thêm cho chỗ này chỗ kia với trí tuệ. Hay nếu định chưa đầy đủ, ta sẽ làm cho đầy đủ, hay nếu định được đầy đủ, ta sẽ hỗ trợ thêm cho chỗ này chỗ kia với trí tuệ. Hay nếu tuệ chưa đầy đủ, ta sẽ làm đầy đủ, hay nếu tuệ được đầy đủ, ta sẽ hỗ trợ thêm cho chỗ này chỗ kia với trí tuệ”. Cho nên, với hạng người này, sau khi cung kính tôn trọng, nên gần gũi, nên sống chung, nên hầu hạ cúng dường.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
Người gần kẻ hạ liệt
Rồi cũng bị hạ liệt
Thân cận người đồng đẳng
Ðược khỏi bị thối đọa
Ai gần bậc thù thắng
Mau chóng được thăng tiến
Do vậy hãy sống chung
Bậc ưu thắng hơn mình
27.- Ðáng Ghê Tởm
– Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Có hạng người đáng ghê tởm, không cần phải gần gũi, không cần phải sống chung, không cần phải hầu hạ cúng dường. Có hạng người, này các Tỷ-kheo, cần phải nhìn một cách thản nhiên, không cần gần gũi, không cần phải sống chung, không cần phải hầu hạ cúng dường. Có hạng người, này các Tỷ-kheo, cần phải gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng dường.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người đáng ghê tởm, không cần phải gần gũi, không cần phải sống chung, không cần phải hầu hạ cúng dường? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ác giới, tính tình độc ác, sở hành bất tịnh, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn nhưng hiện tướng Sa-môn, không sống Phạm hạnh, nhưng hiện tướng có Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, đầy những tham dục, tánh tình bất tịnh. Hạng người như vậy, này các Tỷ-kheo, đáng ghê tởm, không cần phải gần gũi, không cần phải sống chung, không cần phải hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao? Vì rằng, dầu không thuận theo một chút nào tri kiến của người như vậy, nhưng tiếng xấu được đồn xa về người ấy là có bạn ác, có bằng hữu ác, tôn sùng kẻ ác. Ví như, này các Tỷ-kheo, một con rắn đi vào trong đống phân, dầu nó không cắn ai, người cũng bị (đống phân) làm cho ô uế. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, dầu không thuận theo một chút nào tri kiến của người như vậy … là tôn sùng kẻ ác. Cho nên, hạng người như vậy đáng ghê tởm, không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người cần phải nhìn một cách thản nhiên, không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người phẫn nộ, nhiều hiềm hận, dầu có bị nói chút ít cũng tức tối, phẫn nộ, sân hận, sừng sộ, hiện rõ phẫn nộ, sân hận và bực tức. Ví như, này các Tỷ-kheo, một vết thương làm mủ, nếu bị cây gậy hay mảnh sành đánh phải, thời chảy mủ ra nhiều hơn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có hạng người phẫn nộ, …… và bực tức. Ví như, này các Tỷ-kheo, một que lửa bằng gỗ tindukà, nếu bị cây gậy hay mảnh sành đánh phải, thời xịt lửa xịt khói ra nhiều hơn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, … Ví như, này các Tỷ-kheo, một hố phân được cây gậy hay mảnh sành quật vào, thời mùi hôi thối lại càng nhiều hơn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có hạng người phẫn nộ, sân hận và bực tức. Hạng người như vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải nhìn với cặp mắt thản nhiên, không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao? Vì nghĩ rằng: “Người ấy có thể nhục mạ ta. Người ấy có thể chửi mắng ta. Người ấy có thể làm hại ta.” Cho nên, hạng người như vậy cần phải nhìn một cách thản nhiên, không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường.
Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng người cần gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng dường?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người giữ giới, tánh tình hiền thiện. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng dường. Vì cớ sao? Vì rằng, dầu không thuận theo chút nào tri kiến của người như vậy, nhưng tiếng tốt được đồn xa về người ấy là có bạn lành, là có bằng hữu lành, là tôn sùng kẻ lành. Cho nên, hạng người như vậy, cần phải gần gũi, cần phải sống chung, cần phải hầu hạ cúng dường.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
Người gần kẻ hạ liệt
Rồi cũng bị hạ liệt
Thân cận người đồng đẳng
Ðược khỏi bị thối đọa
Ai gần bậc thù thắng
Mau chóng được thăng tấn
Do vậy hãy sống chung
Bậc ưu thắng hơn mình
28.- Nói Như Hoa
– Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Hạng người nói như phân, hạng người nói như hoa, hạng người nói như mật.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người nói như phân? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người khi đi vào hội trường, hay đi vào hội chúng, hay khi đi đến giữa các người bà con, hay khi đi đến giữa các người đồng một tổ hợp, hay đi đến giữa cung vua, hay bị dẫn như là người làm chứng, được nói: “Ngươi biết gì, hãy nói lên”. Người ấy không biết, nói rằng: “Tôi có biết”; có biết, nói rằng: “Tôi không biết”; không thấy, nói rằng: “Tôi có thấy”; có thấy, nói rằng: “Tôi không thấy”. Do vì mình hay vì người, hay vì một vài lợi vật nhỏ, mà đã cố ý nói láo. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người nói như phân.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người nói như hoa? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người khi đi vào hội trường, hay khi đi vào hội chúng, hay khi đi đến giữa các người bà con, hay khi đi đến giữa các người đồng một tổ hợp, hay đi đến cung vua, hay bị dẫn như là người làm chứng, được nói: “Ngươi biết gì, hãy nói lên”. Người ấy không biết, nói rằng: “Tôi không biết”; có biết, nói rằng: “Tôi có biết”; không thấy, nói rằng: “Tôi không thấy”; có thấy, nói rằng: “Tôi có thấy”. Không vì mình hay vì người, hay vì một vài lợi vật nhỏ mà đã cố ý nói láo. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người nói như hoa.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người nói như mật? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người đoạn tận ác ngữ, từ bỏ lời nói ác ngữ. Lời nói của người ấy không hại, tai ưa nghe, khả ái, đi thẳng đến tâm, lễ độ, được nhiều người ưa thích, được nhiều người thích ý, người ấy nói những lời như vậy. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người nói như mật.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
29.- Mù Lòa
– Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Người mù, người một mắt, người có hai mắt.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người mù? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không có mắt để có thể với mắt như vậy, thâu hoạch được tài sản chưa được thâu hoạch hay làm cho tăng trưởng tài sản đã được thâu hoạch; không có mắt để có thể với mắt như vậy, biết được pháp thiện và pháp bất thiện, có tội và không tội, pháp liệt và thắng, pháp thuộc thành phần đen và trắng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người mù.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có một mắt? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người có mắt để có thể với mắt như vậy, thâu hoạch được tài sản chưa được thâu hoạch hay làm cho tăng trưởng tài sản đã được thâu hoạch; nhưng không có mắt để có thể với mắt như vậy, biết được pháp thiện và pháp bất thiện, có tội và không tội, pháp liệt và thắng, pháp thuộc thành phần đen và trắng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người một mắt.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có hai mắt? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người có mắt để có thể với mắt như vậy, thâu hoạch được tài sản chưa được thâu hoạch hay làm cho tăng trưởng tài sản đã được thâu hoạch; và có mắt để có thể với mắt như vậy, biết được pháp thiện và pháp bất thiện, có tội và không tội, pháp liệt và thắng, pháp thuộc thành phần đen và trắng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người có hai mắt.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
Kẻ mù, mắt bị hư
Cả hai đều bất hạnh
Vừa công đức không làm
Vừa không được tài sản
Thứ đến là hạng người
Ðược gọi là một mắt
Liên hệ pháp phi pháp
Tầm cầu các tài sản
Với trộm và man trá
Cùng với cả nói láo
Vừa khéo góp tài sản
Vừa giỏi hưởng dục lạc
Từ đây đến địa ngục
Người một mắt bị hại.
Còn vị có hai mắt
Ðược gọi người tối thượng
Thâu hoạch các tài sản
Một cách đúng chánh pháp
Các tài sản đã có,
Tăng trưởng đúng chánh pháp
Bố thí, ý tốt đẹp
Không phân vân ngập ngừng
Ðược sanh chỗ hiền thiện
Ði chỗ ấy không sầu
Vậy hãy tránh thật xa
Người mù, người một mắt
Thân cận bậc hai mắt
Bậc tối thắng trượng phu!
30.- Lộn Ngược
– Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Hạng người với trí tuệ lộn ngược, hạng người với trí tuệ bắp vế, hạng người với trí tuệ rộng lớn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người với trí tuệ lộn ngược? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đi đến khu vườn (tinh xá) thường thường nghe pháp từ các Tỷ-kheo, các vị Tỷ-kheo thuyết pháp cho người ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Người ấy, tại chỗ ngồi ấy, đối với bài thuyết giảng ấy, không có tác ý đến đoạn đầu, không có tác ý đến đoạn giữa, không có tác ý đến đoạn cuối. Cũng vậy, khi người ấy từ chỗ ngồi ấy đứng lên, đối với bài thuyết giảng ấy, người ấy không có tác ý đến đoạn đầu, không có tác ý đến đoạn giữa, không có tác ý đến đoạn cuối. Ví như này các Tỷ-kheo, một cái ghè bị lộn ngược, nước chứa trong ấy tuôn chảy, không có dừng lại. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có hạng người đi đến khu vườn … không có tác ý đoạn cuối. Cũng vậy, khi người ấy từ chỗ ngồi ấy đứng lên … không có tác ý đoạn cuối. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người với trí tuệ lộn ngược.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người với trí tuệ bắp vế? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đi đến khu vườn (tinh xá). Người ấy, tại chỗ ngồi ấy, đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu, có tác ý đến đoạn giữa, có tác ý đến đoạn cuối. Nhưng khi người ấy từ chỗ ngồi ấy đứng dậy, đối với bài thuyết giảng ấy, người ấy không có tác ý đến đoạn đầu, không có tác ý đến đoạn giữa, không có tác ý đến đoạn cuối. Ví như này các Tỷ-kheo, trên bắp vế của một người, các loại đồ ăn được chồng lên như hạt mè, hột gạo, các loại kẹo và trái táo. Khi từ chỗ ngồi đứng dậy, vì vô ý, người ấy làm đổ vãi tất cả. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có hạng người đi đến khu vườn … Người ấy, tại chỗ ngồi ấy … có tác ý đoạn cuối. Nhưng khi người ấy tại chỗ ngồi ấy đứng dậy … không có tác ý đoạn cuối. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người với trí tuệ bắp vế.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có trí tuệ rộng lớn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đi đến khu vườn (tinh xá) … trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Tại chỗ ngồi ấy, vị ấy đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu … có tác ý đến đoạn cuối. Cũng vậy, khi vị ấy, từ chỗ ngồi ấy đứng lên, đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu … có tác ý đến đoạn cuối. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái ghè được dựng đứng, nước chứa trong ấy được giữ lại, không có chảy đi. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ở đây, có hạng người đi đến khu vườn (tinh xá) … trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Tại chỗ ngồi ấy, vị ấy đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu … có tác ý đến đoạn cuối. Cũng vậy, khi vị ấy, từ chỗ ngồi ấy đứng lên, đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu … có tác ý đến đoạn cuối. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người có trí tuệ rộng lớn.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
Hạng trí tuệ lộn ngược
Không thông minh, không mắt
Họ thường thường đi đến
Ðến gần các Tỷ-kheo
Ðoạn đầu của bài giảng
Ðoạn giữa và đoạn cuối
Họ không học được gì,
Họ không có trí tuệ
Hạng trí tuệ bắp vế
Ðược gọi là tốt hơn
Họ thường thường đi đến
Ðến gần các Tỷ-kheo
Ðoạn đầu của bài giảng
Ðoạn giữa và đoạn cuối
Ngồi trên chỗ mình ngồi
Nắm giữ được lời văn
Ðứng dậy không hiểu rõ
Quên mất điều đã nắm
Bậc trí tuệ rộng lớn
Ðược gọi tốt hơn cả
Họ thường thường đi đến
Ðến gần các Tỷ-kheo
Ðoạn đầu của bài giảng
Ðoạn giữa và đoạn cuối
Ngồi trên chỗ mình ngồi
Nắm giữ được lời văn
Thọ trì điều được nghe
Suy tư điều tối thắng
Với ý không dao động
Là hạng người như vậy
Thực hành pháp, tùy pháp
Có thể đoạn khổ đau.
IV. Phẩm Sứ Giả Của Trời
31. Ngang Bằng Với Phạm Thiên
– Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm Thiên. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các Ðạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường.
Phạm Thiên, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với cha mẹ. Các Ðạo sư thời xưa, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với cha mẹ. Ðáng được cúng dường, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với cha mẹ. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỷ-kheo, là cha mẹ đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu chúng vào đời.
Mẹ cha gọi Phạm Thiên,
Bậc Ðạo sư thời trước
Xứng đáng được cúng dường
Vì thương đến con cháu
Do vậy, bậc Hiền triết
Ðảnh lễ và tôn trọng
Dâng đồ ăn đồ uống
Vải mặc và giường nằm
Thoa bóp (cả thân mình)
Tắm rửa cả tay chân
Với sở hành như vậy,
Ðối với mẹ cha
Ðời này người Hiền khen
Ðời sau hưởng Thiên lạc
32. Ananda
1. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên; ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
– Rất có thể, bạch Thế Tôn, một Tỷ-kheo được định như vậy, trong cái thân có thức này, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tuỳ miên; đối với tất cả tướng ở ngoài, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tuỳ miên; và do chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tuỳ miên; vị ấy có thể chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy.
– Rất có thể, này, Ananda, một Tỷ-kheo được định như vậy … có thể chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy.
– Như thế nào, bạch Thế Tôn, rất có thể, một Tỷ-kheo được định như vậy … có thể chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy?
– Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo suy nghĩ như sau: “Ðây là an tịnh, đây là thù diệu, tức là chỉ tức tất cả hành, từ bỏ tất cả sanh y, đoạn tận tham, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Như vậy, này Ananda, rất có thể Tỷ-kheo được định như vậy, … có thể chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát .
Lại nữa, này Ananda, liên hệ đến vấn đề này, Ta đã nói như sau trong kinh tên là “Những câu hỏi của Punnaka”, chương về Pàràyana.
Do phân tích ở đời
Những vật cao và thấp
Với vị không dao động
Bởi vật gì ở đời,
An tịnh, không tối mù,
Không phiền muộn, không cầu
Ta nói người như vậy,
Ðã vượt khỏi sanh già.
Sàriputta
2. – Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Sàriputta đang ngồi xuống một bên:
– Này Sàriputta, Ta có thể thuyết pháp một cách tóm lược. Này, Sàriputta, ta có thể thuyết pháp một cách rộng rãi. Này Sàriputta, ta có thể thuyết pháp một cách tóm lược và rộng rãi. Và những người hiểu được thật là khó tìm!
– Nay đã đến thời, bạch Thế Tôn, nay đã đến thời, bạch Thế Tôn, để Thế Tôn thuyết pháp một cách tóm lược, thuyết pháp một cách rộng rãi, và thuyết pháp một cách tóm lược và rộng rãi. Sẽ có những người có thể hiểu rõ Chánh pháp.
– Vậy này Sàriputta, hãy học tập như sau: “Trong cái thân có thức này, sẽ không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên; đối với tất cả tướng ở ngoài, sẽ không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên; và do chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên, chúng tôi sẽ chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy!”. Như vậy, này Sàriputta, các Ông cần phải học tập. Khi nào Tỷ-kheo đối với thân có thức này, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên; đối với tất cả các tướng ở ngoài, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên; và do chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên; vị ấy chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát ấy. Người như vậy, này Sàriputta, được gọi là Tỷ-kheo đã chặt đứt khát ái, đã cởi mở kiết sử, với chơn chánh hiện quán kiêu mạn, đã đoạn tận khổ đau.
– Lại nữa, này Sàriputta, liên hệ đến vấn đề này, ta đã nói như sau trong kinh tên là “Những câu hỏi của Udaya” trong chương Pàràyana.
Ðoạn tận cả hai pháp
Dục tham và sân hận
Và từ bỏ hôn trầm
Chận đứng mọi trạo hối
Với xả niệm thanh tịnh
Chạy trước pháp tư duy?
Ta nói trí giải thoát
Vô minh được phá tận.
33.- Các Nguyên Nhân
1. – Có ba nguyên nhân này, này các Tỷ-kheo, khởi lên các nghiệp. Thế nào là ba? Tham là nguyên nhân khởi lên các nghiệp. Sân là nguyên nhân khởi lên các nghiệp. Si là nguyên nhân khởi lên các nghiệp.
Phàm nghiệp nào được làm vì tham, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ tham, duyên khởi từ tham, tập khởi từ tham, tại chỗ nào tự ngã được hiện hữu, tại chỗ ấy, nghiệp ấy được thuần thục. Chỗ nào nghiệp ấy được thuần thục, chỗ ấy quả dị thục của nghiệp ấy được cảm thọ ngay trong hiện tại, hay trong đời sống kế tiếp, hay trong một đời sau nữa.
Phàm nghiệp nào được làm vì sân, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ sân … Phàm nghiệp nào được làm vì si, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ si … tại chỗ ấy, nghiệp ấy được thuần thục … hay trong một đời sau nữa.
Ví như, này các Tỷ-kheo, các hạt giống không bị bể vụn, không bị hư thối, không bị gió và nắng làm hư, còn tươi tốt được khéo gieo vào một đồng ruộng tốt, được trồng vào đất khéo sửa soạn, và được trời mưa xuống đều đặn, các hạt giống ấy, này các Tỷ-kheo, được lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm nghiệp nào được làm vì tham … hay trong môt đời sau nữa. Phàm nghiệp nào được làm vì sân … hay trong một đời sau nữa. Phàm nghiệp nào được làm vì si … hay trong một đời sau nữa.
Có ba nguyên nhân này, này các Tỷ-kheo, khởi lên các nghiệp.
2. Có ba nguyên nhân này, này các Tỷ-kheo, khởi lên các nghiệp. Thế nào là ba? Không tham là nguyên nhân khởi lên các nghiệp. Không sân là nguyên nhân khởi lên các nghiệp. Không si là nguyên nhân khởi lên các nghiệp.
Phàm nghiệp nào được làm vì không tham, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ không tham, duyên khởi từ không tham, tập khởi từ không tham. Vì rằng tham được từ bỏ, như vậy, nghiệp ấy được đoạn tận, được cắt đứt từ gốc rễ, được làm như thân cây tala, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai.
Phàm nghiệp nào được làm vì không sân … Phàm nghiệp nào được làm vì không si, này các Tỷ-kheo, sanh ra từ không si … Vì rằng si được từ bỏ, như vậy, nghiệp ấy được đoạn tận, được cắt đứt từ gốc rễ, được làm như thân cây tala, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai.
Ví như này các Tỷ-kheo, các hạt giống không thể bị bể vụn, không bị hư thối, không bị gió và nắng làm hư, còn được tươi tốt, được khéo gieo. Và một người lấy lửa đốt chúng, sau khi lấy lửa đốt, làm cho chúng thành tro, sau khi làm thành tro, quạt chúng trong gió lớn, hay cho vào dòng nước sông chảy nhanh mang cuốn đi. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các hạt giống ấy được đoạn tận, được cắt đứt từ gốc rễ, được làm cho như thân cây tala, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm nghiệp nào được làm từ không tham … không thể sanh khởi trong tương lai. Phàm nghiệp nào được làm từ không sân … không thể sanh khởi trong tương lai. Phàm nghiệp nào được làm từ không si … không thể sanh khởi trong tương lai.
Có ba nguyên nhân này, này các Tỷ-kheo, khởi lên các nghiệp:
Phàm có hạnh nghiệp nào,
Sanh từ tham sân si,
Do kẻ vô trí làm
Dầu có ít hay nhiều
tại đây được cảm thọ,
Không phải tại chỗ khác
Do vậy vị Tỷ-kheo
Từ bỏ tham, sân, si
Làm khởi lên minh trí,
Từ bỏ mọi ác thú.
34.- Về Alavì
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Alavì, tại Gomagga, trong rừng Simsapà, trên chỗ có trải lá.
Rồi Hatthaka, người Alavì, đang đi bộ hành du ngoạn, thấy Thế Tôn đang ngồi trên chỗ có trải lá trong rừng Simsapà ở Gomagga, thấy vậy, liền đi đến Thế Tôn; sau khi đi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Hatthaka người Alavì bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn sống có an lạc không?
– Phải, này Hoàng Tử, ta sống được an lạc. Và những ai cảm thấy an lạc ở đời, Ta là một trong số những người ấy.
– Bạch Thế Tôn, lạnh là đêm mùa đông, thời gian giữa những ngày tám (trước và sau ngày rằm) là thời gian tuyết rơi, cứng rắn là đất do trâu bò dẫm đạp, mỏng manh là nệm làm bằng lá, lưa thưa là những lá của cây, lạnh là tấm vải cà sa, và lạnh là làn gió thổi.
Rồi Thế Tôn nói như sau:
– Dẫu vậy, này Hoàng Tử, Ta sống được an lạc. Và những ai cảm thấy an lạc ở đời, Ta là một trong số những người ấy. Vậy nay, này Hoàng Tử, ở đây ta sẽ hỏi Hoàng Tử, nếu có thể kham nhẫn, Hoàng Tử hãy trả lời. Hoàng Tử nghĩ thế nào, này Hoàng Tử? Ở đây, người gia chủ hay con người gia chủ có nhà có nóc nhọn, với các tường trét trong trét ngoài, che chở khỏi gió, chốt cửa được khóa chặt, các cửa sổ được đóng kín. Trong ấy, có một chỗ nằm có trải tấm thảm len với lông dài, với tấm vải giường bằng len trắng, chăn len thêu bông, nệm bằng da quý con sơn dương kadali, tấm thảm có tàn che phía trên và gối nệm đỏ cả hai đầu, có đèn thắp đỏ và bốn bà vợ đẹp hầu hạ. Này Hoàng Tử, Hoàng Tử nghĩ thế nào, người ấy nằm ngủ có an lạc không? Hay Hoàng Tử nghĩ thế nào?
– Bạch Thế Tôn, người ấy nằm ngủ an lạc. Nếu có những người cảm thấy an lạc ở đời, người ấy là một trong những người ấy.
– Hoàng Tử nghĩ thế nào, này Hoàng tử, với người gia chủ hay người con của người gia chủ ấy, khởi lên những nhiệt não về thân hay về tâm, do tham ái sanh. Bị nung đốt bởi những nhiệt não do tham ái sanh, người ấy có cảm thấy đau khổ không?
– Thưa có, bạch Thế Tôn.
– Người gia chủ hay con của người gia chủ ấy, này Hoàng Tử, bị nung đốt bởi những nhiệt não do tham ái sanh, cảm thấy đau khổ. Tham ái ấy, Như Lai đã đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây tala, làm cho không thể hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy ta cảm thấy an lạc.
Hoàng Tử nghĩ thế nào, này Hoàng Tử, với người gia chủ hay con của người gia chủ ấy, khởi lên những nhiệt não về thân hay tâm do sân sanh … do si sanh. Bị nung đốt bởi những nhiệt não do si sanh, người ấy có cảm thấy đau khổ không?
– Thưa có, bạch Thế Tôn.
– Người gia chủ hay con của người gia chủ ấy, này Hoàng Tử, bị nung đốt bởi những nhiệt não do si sanh, cảm thấy đau khổ. Si ấy, Như Lai đã đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây tala, làm cho không thể hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy ta cảm thấy an lạc.
Luôn luôn được an lạc,
Vị phạm chí tịch tịnh
Không bị dục uế nhiễm
Trong mát, không sanh y,
Mọi tham trước dứt đoạn,
Nhiếp phục tâm sầu khổ,
An tịnh, cảm thọ lạc
Với tâm đạt an tịnh.
35.- Diêm Vương
1-6
1.- Có ba Thiên sứ này, này các Tỷ-kheo, Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Sau khi thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Rồi này các Tỳ kheo, những người lính địa ngục với hai cánh tay bắt người ấy dẫn đến Vua Yama (Diêm vương) và thưa:
– “Thưa Ðại vương, người này không kính mẹ, không kính cha, không kính Sa-môn, không kính Bà-la-môn, không tôn kính các bậc lớn tuổi trong gia đình, Ðại vương hãy hình phạt nó”
Rồi vua Yama chất vấn người ấy:, cật vấn, nạn vấn người ấy về Thiên sứ thứ nhất:
– “Này người kia, người có thấy vị Thiên sứ thứ nhất hiện ra giữa loài người không?”
Người ấy trả lời:
– “Con không thấy, thưa ngài”
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy:
– “Này người kia, ngươi có bao giờ thấy giữa loài người, một người đàn bà hay đàn ông 80 tuổi, hay 90 tuổi, hay 100 tuổi, già yếu, cong như nóc nhà, lưng còm, chống gậy, vừa đi vừa run rẩy, bệnh hoạn, tuổi trẻ đã tận, răng rụng tóc bạc, hư rụng, sói đầu, da nhăn, đầu rung, tay chân da mồi khô đét?”
Người ấy nói như sau:
– “Thưa Ngài, con có thấy”.
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy như sau:
– “Này người kia, với ngươi là người có trí, và lớn tuổi, Ngươi có nghĩ rằng: “Ta rồi cũng bị già, ta không vượt qua tuổi già. Vậy ta hãy làm điều lành, về thân, về lời nói, về ý?”
Người ấy nói như sau:
– “Không, thưa Ngài, con không có làm. Thưa Ngài, con phóng dật.”
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy:
– “Này người kia, chính vì do phóng dật, ngươi đã không làm các điều lành về thân, về lời nói, về ý. Thật vậy, này người kia, chúng sẽ làm cho ngươi, đúng theo sự phóng dật của ngươi. Ác nghiệp ấy của ngươi, không phải mẹ làm, không phải cha làm, không phải anh làm, không phải chị làm, không phải bạn bè thân hữu làm, không phải bà con huyết thống làm, không phải chư Thiên làm, không phải Sa-môn làm, Bà-la-môn làm. Ác nghiệp ấy chính do ngươi làm và Ngươi sẽ thọ lãnh quả dị thục của ác nghiệp ấy.
2. Rồi vua Yama, này các Tỷ-kheo, sau khi chất vấn, cật vấn, nạn vấn người ấy về vị Thiên sứ thứ nhất, liền chất vấn, cật vấn, nạn vấn người ấy về vị Thiên sứ thứ hai:
– “Này người kia, người có thấy vị Thiên sứ thứ hai hiện ra giữa loài người không?”
Người ấy trả lời:
– “Con không thấy, thưa ngài”
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy:
– “Này người kia, ngươi có bao giờ thấy giữa loài người, một người đàn bà hay một người đàn ông, bệnh hoạn khổ não nguy kịch, rơi nằm trong tiểu tiện, đại tiện của mình, cần người khác nâng dậy, cần người khác dìu nằm xuống?”
Người ấy nói như sau:
– “Thưa Ngài, con có thấy”.
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy như sau:
– “Này người kia, với ngươi là người có trí, và lớn tuổi, Ngươi có nghĩ rằng: “Ta rồi cũng bị bệnh, ta không vượt qua bệnh hoạn. Vậy ta hãy làm điều lành, về thân, về lời nói, về ý?”
Người ấy nói như sau:
– “Không, thưa Ngài, con không có làm. Thưa Ngài, con phóng dật.”
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy:
– “Này người kia, chính vì do phóng dật, ngươi đã không làm các điều lành về thân, về lời nói, về ý. Thật vậy, này người kia … ngươi sẽ thọ lãnh quả dị thục của các nghiệp ấy.”
3. Rồi vua Yama, này các Tỷ-kheo, sau khi chất vấn, cật vấn, nạn vấn người ấy về vị Thiên sứ thứ hai, liền chất vấn, cật vấn, nạn vấn người ấy về vị Thiên sứ thứ ba:
– “Này người kia, người có thấy vị Thiên sứ thứ ba hiện ra giữa loài người không?”
Người ấy trả lời:
– “Con không thấy, thưa Ngài.”
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy:
– “Này người kia, ngươi có bao giờ thấy giữa loài người, một người đàn bà hay một người đàn ông, chết đã được một ngày, hay chết được hai ngày, hay chết được ba ngày, sưng phù lên, xanh xám lại và nát rữa ra?”
Người ấy nói như sau:
– “Thưa Ngài, con có thấy”.
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy như sau:
– “Này người kia, với ngươi là người có trí, và lớn tuổi, Ngươi có nghĩ rằng: “Ta rồi cũng bị chết, ta không vượt qua sự chết. Vậy ta hãy làm điều lành, về thân, về lời nói, về ý?”
Người ấy nói như sau:
– “Không, thưa Ngài, con không có làm. Thưa Ngài, con phóng dật.”
Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy:
– “Này người kia, chính vì do phóng dật, ngươi đã không làm các điều lành về thân, về lời nói, về ý. Thật vậy, này người kia … ngươi sẽ thọ lãnh quả dị thục của các nghiệp ấy.”
4. Rồi vua Yama, này các Tỷ-kheo, sau khi chất vấn, cật vấn, nạn vấn người ấy về vị Thiên sứ thứ ba, rồi giữ im lặng.
Rồi này các Tỷ-kheo, những người lính địa ngục bắt người ấy chịu hình phạt gọi là năm cọc. Họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào một bàn tay, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào bàn tay thứ hai, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào một bàn chân, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào bàn chân thứ hai, Họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào giữa ngực. Người ấy ở đây thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không có thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ. Này các Tỷ-kheo, rồi các người lính địa ngục bắt người ấy nằm xuống và lấy cái rìu chặt người ấy. Người ấy ở đây thọ lãnh … chưa được tiêu trừ. Này các Tỷ-kheo, rồi các người lính địa ngục dựng ngược người ấy, chân trên đầu dưới và lấy dao sắc chặt người ấy. Người ấy ở đây thọ lãnh … chưa được tiêu trừ. Này các Tỷ-kheo, các người lính địa ngục, cột người ấy vào một chiếc xe, kéo người ấy chạy tới, kéo người ấy chạy lui, trên đất được đốt cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Người ấy ở đây thọ lãnh … chưa được tiêu trừ. Rồi này các Tỷ-kheo, các người lính địa ngục đẩy người ấy lên, kéo người ấy xuống trên một sườn núi đầy than hừng, cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Người ấy ở đây thọ lãnh … chưa được tiêu trừ. Rồi này các Tỷ-kheo, các người lính địa ngục nắm ngược người ấy, chân phía trên, đầu phía dưới và quăng người ấy vào một vạc dầu bằng đồng nung đỏ, cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Người ấy ở đây, bị nấu với bọt nước sôi sùng sục, khi thì trôi nổi lên, khi thì chìm xuống đáy, khi thì trôi dạt ngang. Người ấy ở đây thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy được tiêu trừ. Rồi này các Tỷ-kheo, những người lính địa ngục quăng người ấy vào Ðại địa ngục. Này các Tỷ-kheo, Ðại địa ngục ấy:
Có bốn góc, bốn cửa
Chia thành phần bằng nhau,
Xung quanh có tường sắt,
Mái sắt lợp lên trên
Nền địa ngục bằng sắt
Nung đỏ cháy đỏ rực
Ðứng thẳng luôn có mặt
Rộng một trăm do tuần
Một thời xưa lắm, này các Tỷ-kheo, vua Yama suy nghĩ như sau: “Những ai làm ác nghiệp ở đời, phải thọ lãnh những hình phạt sai khác như vậy. Mong rằng ta được làm người, và Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện ở đời, ta có thể hầu hạ Thế Tôn, Thế Tôn thuyết pháp cho ta, và ta có thể thông hiểu pháp do Thế Tôn thuyết giảng”.
Này các Tỷ-kheo, điều ta đang nói, không phải ta nghe từ một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác; những điều ta đang nói chỉ được ta biết mà thôi, chỉ được ta thấy mà thôi, chỉ được ta hiểu mà thôi.
6.
Dầu Thiên sứ báo động,
Thanh niên vẫn phóng dật
Họ ưu buồn lâu dài,
Sanh làm người hạ liệt.
Ở đây, bậc Chân nhân,
Ðược Thiên sứ báo động,
Không bao giờ phóng dật
Trong diệu pháp bậc thánh
Thấy sợ trong chấp thủ
Trong hiện hữu sanh tử
Ðược giải thoát không thủ
Sanh tử được đoạn trừ
Ðược yên ổn không lạc
Ngay hiện tại tịch tịnh
Mọi oán hận sợ hãi
Các vị ấy vượt qua
Mọi đau đớn khổ sầu
Thảy đều được siêu thoát.
36.- Bốn Bậc Ðại Vương
– Này các Tỷ-kheo, trong ngày thứ tám của nửa tháng, các vị Ðại thần cố vấn cho bốn Ðại vương, đi du hành trong thế giới này để xem trong loài người, có nhiều người có hiếu với mẹ, có hiếu với cha, có kính Sa-môn, Bà-là-môn, có tôn trọng các vị gia trưởng, có làm lễ Uposatha (Bố-tát), có đề cao cảnh giác, có làm các công đức.
Này các Tỷ-kheo, trong ngày 14 của nửa tháng, các Hoàng tử của bốn Thiên vương, đi du hành trong thế giới này để xem trong loài người, có nhiều người có hiếu với mẹ, … có làm các công đức.
Này các Tỷ-kheo, trong ngày rằm lễ Uposatha, bốn vị Thiên vương tự mình đi du hành trong thế giới này để xem trong loài người, có nhiều người có hiếu với mẹ, … có làm các công đức.
Nếu chỉ có ít người giữa loài người, này các Tỷ-kheo, có hiếu với mẹ, … là các công đức, thời này các Tỷ-kheo, bốn vị Ðại vương liền báo với chư Thiên ở cõi trời thứ ba mươi ba, đang ngồi tụ họp tại hội trường Sudhammà:
– “Thưa chư vị, có ít người giữa loài người có hiếu với mẹ, … có làm các công đức”.
Rồi này các Tỷ-kheo, chư Thiên ở cõi trời thứ ba mươi ba không hoan hỉ nói:
– “Thật vậy, Thiên chúng sẽ bị tổn giảm và Asura chúng (A-tu-la) sẽ được sung mãn.”
Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu có nhiều người giữa loài người, có hiếu với mẹ, … có làm các công đức, thời này các Tỷ-kheo, bốn vị Ðại vương liền báo với chư Thiên ở cõi trời thứ ba mươi ba, đang ngồi tụ họp tại hội trường Sudhammà:
– “Thưa chư Vị, có nhiều người giữa loài người, có hiếu với mẹ, … có làm các công đức”.
Rồi này các Tỷ-kheo, chư Thiên ở cõi trời thứ ba mươi ba hoan hỷ nói
– “Thật vậy, Thiên chúng sẽ được sung mãn, còn các Asura chúng sẽ bị tổn giảm.
37.- Sakka
Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka đang thuyết giảng cho chư Thiên ở cõi Trời thứ Ba mươi ba, trong khi ấy, nói lên bài kệ như sau:
Ngày mười bốn, ngày rằm
Ngày tám trong nửa tháng
Kể cả phần đặc biệt
Khéo đầy đủ cả tám
Theo làm lễ Bố-tát
Vị ấy giống như ta.
Bài kệ ấy, này các Tỷ-kheo, đã bị Thiên chủ Sakka hát sai, không hát đúng, nói sai, không nói đúng. Vì cớ sao? Thiên chủ Sakka, này các Tỷ-kheo, chưa ly tham, chưa ly sân, chưa ly si. Còn vị Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, là bậc A-la-hán, lậu hoặc đã đoạn tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, mục đích đã thành đạt, hữu kiết sử đã đoạn tận, chánh trí giải thoát. Với vị Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, lời nói này mới là thích đáng.
Ngày mười bốn, ngày rằm
Ngày tám trong nửa tháng
Kể cả phần đặc biệt
Khéo đầy đủ cả tám
Theo làm lễ Bố-tát
Vị ấy giống như ta.
Vì cớ sao? Vị Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, đã ly tham, đã ly sân, đã ly si.
Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka đang thuyết giảng cho chư Thiên ở cõi Trời thứ Ba mươi ba, trong khi ấy nói lên bài kệ như sau:
Ngày mười bốn, ngày rằm
Ngày tám trong nửa tháng
Kể cả phần đặc biệt
Khéo đầy đủ cả tám
Theo làm lễ Bố-tát
Vị ấy giống như ta.
Bài kệ ấy, này các Tỷ-kheo, đã bị Thiên chủ Sakka hát sai, không hát đúng … Vì cớ sao? Ta nói rằng Thiên chủ Sakka, này các Tỷ-kheo, chưa giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Còn vị Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, là bậc A-la-hán … chánh trí giải thoát. Với vị Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, lời nói này mới là thích đáng:
Ngày mười bốn, ngày rằm
Ngày tám trong nửa tháng
Kể cả phần đặc biệt
Khéo đầy đủ cả tám
Theo làm lễ Bố-tát
Vị ấy giống như ta.
Vì cớ sao? Ta nói rằng, vị Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, đã thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, giải thoát khỏi khổ đau.
38.- Ðược Nuôi Dưỡng Tế Nhị
1. – Này các Tỷ-kheo, Ta được nuôi dưỡng tế nhị, tối thắng nuôi dưỡng tế nhị, cứu cánh nuôi dưỡng tế nhị. Này các Tỷ-kheo, trong nhà Phụ vương ta, các hồ nước được xây lên, trong một hồ có hoa sen xanh, trong một hồ có hoa sen đỏ, trong một hồ có hoa sen trắng, tất cả phục vụ cho ta. Không một hương chiên đàn nào ta dùng, này các Tỷ-kheo, là không từ Kàsi đến. Bằng vải Kàsi là khăn của ta, này các Tỷ-kheo. Bằng vải kàsi là áo cánh, bằng vải kàsi là nội y, bằng vải kàsi là thượng y. Ðêm và ngày, một lọng trắng được che cho ta để tránh xúc chạm lạnh, nóng, bụi, cỏ hay xương. Này các Tỷ-kheo, ba lâu đài được xây dựng cho Ta, một cái cho mùa đông, một cái cho mùa hạ, một cái cho mùa mưa. Và Ta, này các Tỷ-kheo, tại lâu đài mùa mưa, trong bốn tháng mưa, được những nữ nhạc công đoanh vây, Ta không có xuống dưới lầu. Trong các nhà của người khác, các người đầy tớ, làm công được cho ăn cơm tấm, cháo chua. Trong nhà phụ vương Ta, các người đầy tớ, làm công được cho ăn gạo, thịt gà và cơm nấu.
2.- Với Ta, này các Tỷ-kheo, được đầy đủ với sự giàu sang như vậy, được cứu cánh nuôi dưỡng tế nhị như vậy, ta suy nghĩ rằng: “Kẻ vô văn phàm phu tự mình bị già, không vượt qua khỏi già, khi thấy người khác bị già, lại bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm, quên rằng mình cũng như vậy. Ta cũng bị già, không vượt qua khỏi già, sau khi thấy người khác già, ta có thể bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm sao? Như vậy, thật không xứng đáng cho ta”. Sau khi quan sát về ta như vậy, này các Tỷ-kheo, sự kiêu mạn của tuổi trẻ trong tuổi trẻ được đoạn trừ hoàn toàn.
“Kẻ vô văn phàm phu tự mình bị bệnh, không vượt khỏi bệnh, thấy người khác bị bệnh, lại bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm, quên rằng mình cũng như vậy. Ta cũng bị bệnh, không vượt qua khỏi bệnh, sau khi thấy người khác bị bệnh, ta có thể bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm sao? Như vậy, thật không xứng đáng cho ta”. Sau khi quan sát về ta như vậy, này các Tỷ-kheo, sự kiêu mạn của không bệnh trong không bệnh được đoạn trừ hoàn toàn.
“Kẻ vô văn phàm phu tự mình bị chết, không vượt khỏi chết, thấy người khác bị chết, lại bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm, quên rằng mình cũng như vậy. Ta cũng bị chết, không vượt qua khỏi chết, sau khi thấy người khác chết, ta có thể bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm sao? Như vậy, thật không xứng đáng cho ta”. Sau khi quan sát về ta như vậy, này các Tỷ-kheo, sự kiêu mạn của sự sống trong sự sống được đoạn trừ hoàn toàn.
39. Kiêu Mạn
1. – Có ba kiêu mạn này, này các Tỷ-kheo, Thế nào là ba? Kiêu mạn của tuổi trẻ, Kiêu mạn của không bệnh, Kiêu mạn của sự sống.
Say sưa trong Kiêu mạn của tuổi trẻ, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu làm các ác hành về thân, làm các ác hành về lời nói, làm các ác hành về ý. Do làm các ác hành về thân, làm các ác hành về lời nói, làm các ác hành về ý, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Say sưa trong Kiêu mạn của không bệnh, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu làm các ác hành về thân…., về ý . Do làm các ác hành về thân, làm các ác hành về lời nói, làm các ác hành về ý, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Say sưa trong Kiêu mạn của sự sống, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu làm các ác hành về thân, làm các ác hành về lời nói, làm các ác hành về ý. Do làm các ác hành về thân, làm các ác hành về lời nói, làm các ác hành về ý, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Say sưa trong Kiêu mạn của tuổi trẻ, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo từ bỏ học pháp, trở lui lại đời sống thế tục. Say sưa trong kiêu mạn của không bệnh, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo từ bỏ học pháp, trở lui lại đời sống thế tục. Say sưa trong kiêu mạn của đời sống, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo từ bỏ học pháp, trở lui lại đời sống thế tục.
2.
Bị bệnh và bị già
Lại còn phải bị chết
Kẻ phàm phu ghê tởm
Người khác bị như vậy
Nếu ta cũng ghê tởm
Chúng sanh bị như vậy,
Không xứng đáng cho ta,
Với ta được sống vậy
Nên ta sống như thật
Biết pháp không sanh y
Sự say sưa không bệnh
Tuổi trẻ và sự sống
Tất cả ta nhiếp phục
Thấy xuất ly an ổn
Nơi ta khởi tinh tấn
Vì ta thấy Niết-bàn
Ta không còn có thể
Thọ hưởng các dục vọng
ta sẽ không trở lui
Ðích Phạm hạnh ta đến
40.- Tăng Thượng
1-4
– Này các Tỷ-kheo, có ba tăng thượng này. Thế nào là ba? Ngã tăng thượng, thế giới tăng thượng, pháp tăng thượng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ngã tăng thượng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đi đến ngôi rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, quan sát như sau: “Không phải vì y áo, ta xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Không phải vì món ăn khất thực, không phải vì sàng tọa, không phải vì nhân có mặt hay không có mặt ở đây mà ta xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, (nhưng với ý nghĩ như sau): “Nay ta bị rơi vào sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, rơi vào khổ, bị khổ chi phối. Có thể do làm như vậy, sự đoạn tận tất cả khổ uẩn này được hiện khởi lên (cho ta). Và ta đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, sau khi đã đoạn tận tất cả các dục vọng như vậy, lại còn đeo đuổi các dục vọng như kia hay còn ác tệ hơn. Như vậy, thật không xứng đáng cho ta”.
Vị ấy quan sát như sau: “Thắng tấn là tinh tấn của ta, không có thụ động; an trú là niệm của ta, không có thất niệm; khinh an là thân của ta, không có dao động; định tĩnh là tâm của ta, được nhứt tâm”. Vị ấy làm cho tăng thượng tự ngã, từ bỏ bất thiện, tu tập thiện, từ bỏ có tội, tu tập không tội, gìn giữ cho tự ngã được thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tự ngã tăng thượng.
2.- Như thế nào, này các Tỷ-kheo, là thế giới tăng thượng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đi đến ngôi rừng hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, rồi thẩm sát như sau: “Không phải vì y áo, ta xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Không phải vì món ăn khất thực, không phải vì sàng tọa, không phải vì nhân có mặt hay không có mặt ở đây mà ta xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, (nhưng với ý nghĩ như sau): “Nay ta bị rơi vào sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, rơi vào khổ, bị khổ chi phối. Có thể làm như vậy, đoạn tận của tất cả khổ uẩn này được hiện khởi lên cho ta. Và ta đã xuất gia như vậy, lại có thể suy nghĩ về dục tầm hay có thể suy nghĩ về sân tầm, hay có thể suy nghi về hại tầm. To lớn là đại chúng này sống ở trong đời. Trong đại chúng sống ở đời, có các vị Sa-môn, Bà-la-môn có thần thông, có thiên nhãn, có tha tâm thông. Các vị này có thể thấy từ xa, tuy ở gần nhưng không thể thấy chúng được, và chúng có thể biết tâm ta với tâm của chúng. Chúng biết về ta như sau: “Hãy xem thiện nam tử này, tuy vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, nhưng sống xen lẫn với các pháp ác, bất thiện”. Lại có các chư Thiên có thần thông, có thiên nhãn, có tha tâm thông. Các vị này có thể thấy từ xa, tuy ở gần nhưng không thấy chúng được, và chúng có thể biết tâm ta với tâm của chúng. Các vị ấy có thể biết về ta như sau: “Hãy xem thiện nam tử này, tuy vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, nhưng sống xen lẫn với các pháp ác, bất thiện.”
Vị ấy lại quan sát như sau: “Thắng tấn là tinh tấn của ta, không có thụ động; an trú là niệm của ta, không có thất niệm; khinh an là thân của ta, không có dao động; định tĩnh là tâm của ta, được nhứt tâm”. Vị ấy làm cho tăng thượng thế giới, từ bỏ bất thiện, tu tập thiện, từ bỏ có tội, tu tập không có tội, giữ gìn cho tự ngã được thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thế giới tăng thượng.
3.-Và này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp tăng thượng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đi đến ngôi rừng hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, rồi thẩm sát như sau: “Không phải vì y áo, ta xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Không phải vì món ăn khất thực, không phải vì sàng tọa, không phải vì nhân có mặt hay không có mặt ở đây mà ta xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, (nhưng với ý nghĩ như sau): “Nay ta bị rơi vào sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, rơi vào khổ, bị khổ chi phối. Có thể do làm như vậy, đoạn tận tất cả các khổ uẩn này được hiện khởi lên cho ta. Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có kết quả ngay tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí tự mình giác hiểu. Nay ta có những người đồng Phạm hạnh, chúng sống biết và thấy. Ta đã được xuất gia trong pháp và Luật khéo giảng như vậy, không lẽ ta lại có thể sống biếng nhác phóng dật. Như vậy, thật không xứng đáng cho ta”.
Vị ấy lại quán sát như sau: “Thắng tấn là tinh tấn của ta, không có thụ động; an trú là niệm của ta, không có thất niệm; khinh an là thân của ta, không có dao động; định tĩnh là tâm của ta, được nhứt tâm”. Vị ấy làm cho tăng thượng pháp, từ bỏ bất thiện, tu tập thiện, từ bỏ có tội, tu tập không tội, giữ gìn cho tự ngã được thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là pháp tăng thượng. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp tăng thượng này.
4.
Trên đời không giấu được
Ác nghiệp tự mình làm
Ngã của ngươi ta biết
Là thật hay là giả
Ngươi thật khinh thiện ngã
Mặt giáp mặt chứng kiến
Muốn che giấu tự ngã
Ðiều ác tự ngã làm
Chư Thiên và Như Lai
Thấy rõ ở trong đời
Sở hành của kẻ ngu
Làm các hạng tà vạy
Vậy vị ngã tăng thượng
Sở hành phải chánh niệm
Vị thế giới tăng thượng
Hãy khôn khéo, Thiền tịnh
Với vị pháp tăng thượng
Hãy sống theo tùy pháp
Ðại sĩ không thối thất
Tinh cần theo chân lý
Nhiếp phục được ma quân
Chiến thắng được tử thần
Với tinh cần tinh tấn
Sanh đã được đoạn tận.
Bậc đạo sĩ như vậy,
Hiểu thế gian diệu chí
Ðối với tất cả pháp
Không có gì xúc phạm
Hits: 44