(Download file MP3 – 23.84 MB – Thời gian phát: 02 giờ,18 phút 53 giây.)
Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.
IV. Ðại Phẩm
(I) (32) Chín Thứ Ðệ Trú (1)
1. – Này các Tỷ-kheo, có chín thứ đệ trú này. Thế nào là chín?
2. Này Hiền giả, ở đây có Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh có tầm và tứ. Diệt tầm và tứ… Thiền thứ hai… Thiền thứ ba… chứng và trú Thiền thứ tư. Sau khi vượt qua sắc tưởng một cách hoàn toàn, sau khi chấm dứt các đối ngại tưởng, không tác ý các tưởng sai biệt, biết rằng: “Hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ. Sau khi vượt qua Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Thức là vô biên”, chứng và trú Thức vô biên xứ. Sau khi vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Không có sự gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ. Sau khi vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Sau khi vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng và trú Diệt thọ tưởng định.
Này các Tỷ-kheo, đây là chín thứ đệ trú.
(II) (33) Chín Thứ Ðệ Trú (2)
1. – Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết về chín Thiền chứng thứ đệ trú này. Hãy lắng nghe… Này các Tỷ-kheo, thế nào là chín thứ đệ trú Thiền chứng?
2. Chỗ nào các dục đoạn diệt, và những ai sau khi đoạn diệt các dục, sống an trú, Ta nói rằng: “Chắc chắn Tôn giả ấy không có dục ái, được tịch tịnh, đã vượt qua, đã đến bờ bên kia với Thiền chi ấy”. Chỗ nào các dục được đoạn diệt? Những ai sau khi đoạn diệt các dục, sống an trú: “Ta không biết vậy, Ta không thấy vậy”, ai nói như vậy, người ấy cần được nói như sau: “Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo ly các dục… chứng và an trú Thiền thứ nhất. Tại đây, các dục được đoạn diệt, các vị ấy sau khi đoạn diệt các dục, sống an trú”. Chắc chắn, này các Tỷ-kheo, người không lường gạt, không man trá sẽ hoan hỷ, sẽ tùy hỷ với lời nói “Lành thay”. Sau khi hoan hỷ, tùy hỷ với lời nói “Lành thay” người ấy sẽ đảnh lễ, chắp tay và hầu hạ.
3. Chỗ nào các tầm và tứ được đoạn diệt, và những ai sau khi đoạn diệt, đoạn diệt tầm và tứ, sống an trú, Ta nói rằng: “Chắc chắn các Tôn giả ấy không có dục ái, được tịch tịnh, đã vượt qua , đã đến bờ bên kia với Thiền chi ấy”. Chỗ nào các tầm và tứ được đoạn diệt ? Những ai sau khi đoạn diệt tầm và tứ, sống an trú: “Ta không biết vậy, Ta không thấy vậy”, ai nói như vậy, người ấy cần được nói như sau: “Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ… chứng và trú Thiền thứ hai. Tại đây, các tầm và tứ được đoạn diệt, các vị ấy sau khi đoạn diệt tầm và tứ, sống an trú”. Chắc chắn, này các Tỷ-kheo, người không lường gạt, không man trá sẽ hoan hỷ, tùy hỷ với lời nói “Lành thay”. Sau khi hoan hỷ, tùy hỷ với lời nói “Lành thay” người ấy sẽ đảnh lễ, chắp tay và hầu hạ.
4. Chỗ nào hỷ được đoạn diệt, và những ai sau khi đoạn diệt hỷ, sống an trú, Ta nói rằng: “Chắc chắn các Tôn giả ấy không có dục ái, được tịch tịnh, đã vượt qua, đã đến bờ bên kia với Thiền chi ấy”. Chỗ nào hỷ được đoạn diệt? Những ai sau khi đoạn diệt hỷ, sống an trú. “Ta không biết vậy, ta không thấy vậy”, ai nói như vậy, người ấy cần được nói như sau: “Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chứng và trú Thiền thứ ba. Tại đây, hỷ được đoạn diệt. Các vị ấy sau khi đoạn diệt hỷ, sống an trú”. Chắc chắn, này các Tỷ-kheo, người không lường gạt, không man trá sẽ hoan hỷ, sẽ tùy hỷ với lời nói “Lành thay”. Sau khi hoan hỷ, sau khi tùy hỷ với lời nói “Lành thay” người ấy sẽ đảnh lễ, chắp tay và hầu hạ.
5. Chỗ nào xả lạc được đoạn diệt, và những ai sau khi đoạn diệt xả lạc, sống an trú, Ta nói rằng: “Chắc chắn các Tôn giả ấy không có dục ái, được tịch tịnh, đã vượt qua, đã đến bờ bên kia với Thiền chi ấy”. Chỗ nào xả lạc được đoạn diệt? Những ai sau khi đoạn diệt xả lạc, sống an trú. “Ta không biết vậy, ta không thấy vậy”, ai nói như vậy, người ấy cần được nói như sau: “Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ,… chứng và trú Thiền thứ tư. Tại đây, xả lạc được đoạn diệt. Các vị ấy sau khi đoạn diệt xả lạc, sống an trú”. Chắc chắn, này các Tỷ-kheo, người không giả dối, không lường gạt sẽ hoan hỷ, sẽ tùy hỷ với lời nói “Lành thay”. Sau khi hoan hỷ, sau khi tùy hỷ với lời nói “Lành thay” người ấy sẽ đảnh lễ, chắp tay và hầu hạ.
6. Chỗ nào sắc tưởng được đoạn diệt, và những ai sau khi đoạn diệt sắc tưởng, sống an trú, Ta nói rằng: “Chắc chắn các Tôn giả ấy không có dục ái, được tịch tịnh, đã vượt qua, đã đến bờ bên kia với Thiền chi ấy”. Chỗ nào sắc tưởng được đoạn diệt? Những ai sau khi đoạn diệt sắc tưởng, sống an trú. “Ta không biết vậy, ta không thấy vậy”, ai nói như vậy, người ấy cần được nói như sau: “Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các chướng ngại tưởng, không tác ý các sai biệt tưởng, biết rằng: “Hư không là vô biên”, chứng đạt và an trú “Không vô biên xứ”. Ở đây, các sắc tưởng được đoạn diệt. Các vị ấy sau khi đoạn diệt sắc tưởng, sống an trú”. Chắc chắn, này các Tỷ-kheo, người không lường gạt, không man trá sẽ hoan hỷ, sẽ tùy hỷ với lời nói “Lành thay”. Sau khi hoan hỷ, sau khi tùy hỷ với lời nói “Lành thay” người ấy sẽ đảnh lễ, chắp tay và hầu hạ.
7. Chỗ nào Không vô biên xứ tưởng được đoạn diệt, và những ai sau khi đoạn diệt Không vô biên xứ tưởng, sống an trú, Ta nói rằng: “Chắc chắn các Tôn giả ấy không có dục ái, được tịch tịnh, đã vượt qua, đã đến bờ bên kia với Thiền chi ấy”. Chỗ nào Không vô biên xứ tưởng được đoạn diệt? Những ai sau khi đoạn diệt Không vô biên xứ tưởng, sống an trú. “Ta không biết vậy, ta không thấy vậy”, ai nói như vậy, người ấy cần được nói như sau: “Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua Không vô biên xứ tưởng một cách hoàn toàn, biết rằng: “Thức là vô biên”, chứng và trú “Thức vô biên xứ”. Tại đây, Không vô biên xứ tưởng được đoạn diệt. Các vị ấy sau khi đoạn diệt Không vô biên xứ tưởng, sống an trú”. Chắc chắn, này các Tỷ-kheo, người không lường gạt, không man trá sẽ hoan hỷ, sẽ tùy hỷ với lời nói “Lành thay”. Sau khi hoan hỷ, sau khi tùy hỷ với lời nói “Lành thay” người ấy sẽ đảnh lễ, chắp tay và hầu hạ.
8. Chỗ nào Thức vô biên xứ tưởng được đoạn diệt, và những ai sau khi đoạn diệt Thức vô biên xứ tưởng, sống an trú, Ta nói rằng: “Chắc chắn các Tôn giả ấy không có dục ái, được tịch tịnh, đã vượt qua, đã đến bờ bên kia với Thiền chi ấy”. Chỗ nào Thức vô biên xứ tưởng được đoạn diệt? Những ai sau khi đoạn diệt Thức vô biên xứ tưởng, sống an trú. “Ta không biết vậy, ta không thấy vậy”, ai nói như vậy, người ấy cần được nói như sau: “Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua Thức vô biên xứ tưởng một cách hoàn toàn, biết rằng: “Không có vật gì”, chứng và trú “Vô sở hữu xứ”. Tại đây, Thức vô biên xứ tưởng được đoạn diệt. Các vị ấy, sau khi đoạn diệt Thức vô biên xứ tưởng, sống an trú. Chắc chắn, này các Tỷ-kheo, người không lường gạt, không man trá sẽ hoan hỷ, sẽ tùy hỷ với lời nói “Lành thay”. Sau khi hoan hỷ, sau khi tùy hỷ với lời nói “Lành thay” người ấy sẽ đảnh lễ, chắp tay và hầu hạ.
9. Chỗ nào Vô sở hữu xứ tưởng được đoạn diệt, và những ai sau khi đoạn diệt Vô sở hữu xứ tưởng, sống an trú, Ta nói rằng: “Chắc chắn các Tôn giả ấy không có dục ái, được tịch tịnh, đã vượt qua, đã đến bờ bên kia với Thiền chi ấy”. Chỗ nào Vô sở hữu xứ tưởng được đoạn diệt? Những ai sau khi đoạn diệt Vô sở hữu xứ tưởng, sống an trú. “Ta không biết vậy, ta không thấy vậy”, ai nói như vậy, người ấy cần được nói như sau: “Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ”. Tại đây, Vô sở hữu xứ tưởng được đoạn diệt. Các vị ấy, sau khi đoạn diệt Vô sở hữu xứ tưởng, sống an trú. Chắc chắn, này các Tỷ-kheo, người không lường gạt, không man trá sẽ hoan hỷ, sẽ tùy hỷ với lời nói “Lành thay”. Sau khi hoan hỷ, sau khi tùy hỷ với lời nói “Lành thay” người ấy sẽ đảnh lễ, chắp tay và hầu hạ.
10. Chỗ nào Phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng được đoạn diệt, và những ai sau khi đoạn diệt Phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng, sống an trú, Ta nói rằng: “Chắc chắn các Tôn giả ấy không có dục ái, được tịch tịnh, đã vượt qua, đã đến bờ bên kia với Thiền chi ấy”. Chỗ nào Phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng được đoạn diệt? Những ai sau khi đoạn diệt Phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng, sống an trú. “Ta không biết vậy, ta không thấy vậy”, ai nói như vậy, người ấy cần được nói như sau: “Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn… chứng và trú Diệt thọ tưởng định”. Tại đây, Phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng được đoạn diệt. Các vị ấy, sau khi đoạn diệt Phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng, sống an trú. Chắc chắn, này các Tỷ-kheo, người không lường gạt, không man trá sẽ hoan hỷ, sẽ tùy hỷ với lời nói “Lành thay”. Sau khi hoan hỷ, tùy hỷ với lời nói “Lành thay” sẽ đảnh lễ, chắp tay và hầu hạ.
Này các Tỷ-kheo, đây chín là thứ đệ trú Thiền chứng.
(III) (34) Niết Bàn
1. Như vầy tôi nghe:
Một thời, Tôn giả Sàriputta trú ở Ràjagaha, tại Veluvana, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Tại đấy, Tôn giả Sàriputta bảo các Tỷ-kheo:
– Này các Hiền giả, lạc là Niết-bàn này; này các Hiền giả, lạc là Niết-bàn này.
2. Khi nghe nói vậy, Tôn giả Udàyi nói với Tôn giả Sàriputta:
– Thưa Hiền giả Sàriputta, sao đây là lạc, khi ở đây không có cái gì được cảm thọ?
3. – Này Hiền giả, cái này ở đây là lạc, dầu rằng lạc ấy ở đây không được cảm thọ. Này Hiền giả, có năm dục trưởng dưỡng này. Thế nào là năm?
Các sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức… Các hương do mũi nhận thức… Các vị do lưỡi nhận thức… Các xúc do thân nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn.
Này Hiền giả, có năm dục trưởng dưỡng này. Này Hiền giả do duyên năm dục trưởng dưỡng này khởi lên lạc hỷ, này Hiền giả, đây gọi là dục lạc.
4. Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo ly các dục, ly ác, bất thiện pháp… chứng đạt và an trú sơ Thiền. Này Hiền giả, nếu trong khi Tỷ-kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với dục vẫn hiện hành; như vậy, đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Ví như, này chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh. Cũng vậy, với Tỷ-kheo ấy, các tưởng tác ý, câu hữu với dục vẫn hiện hành; như vậy, đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Này chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn này, này chư Hiền, cần phải hiểu Niết-bàn là lạc.
5. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ… đạt được Thiền thứ hai và an trú. Này chư Hiền, nếu trong khi Tỷ-kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với tầm vẫn hiện hành; như vậy, đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Ví như, này chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh. Cũng vậy, với Tỷ-kheo ấy, các tưởng tác ý câu hữu với tầm vẫn hiện hành; như vậy đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Này chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn này, này chư Hiền, cần phải hiểu Niết-bàn là lạc.
6. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo ly hỷ…. chứng và trú Thiền thứ ba. Này chư Hiền, nếu trong khi Tỷ-kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với hỷ vẫn hiện hành; như vậy, đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Ví như, này chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh. Cũng vậy, với Tỷ-kheo ấy, các tưởng tác ý câu hữu với hỷ vẫn hiện hành; như vậy đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Này chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn này, này chư Hiền, cần phải hiểu Niết-bàn là lạc.
7. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo đoạn lạc… đạt được Thiền thứ tư. Này chư Hiền, nếu trong khi Tỷ-kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với xả vẫn hiện hành; như vậy, đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Ví như, này chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh. Cũng vậy, với Tỷ-kheo ấy, các tưởng tác ý câu hữu với xả vẫn hiện hành; như vậy đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Này chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn này, này chư Hiền, cần phải hiểu Niết-bàn là lạc.
8. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo vượt khỏi các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các chướng ngại tưởng, không tác ý đến các tưởng sai biệt, biết rằng: “Hư không là vô biên” chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Này chư Hiền, nếu trong khi Tỷ-kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với sắc vẫn hiện hành; như vậy, đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Ví như, này chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh. Cũng vậy, với Tỷ-kheo ấy, các tưởng tác ý câu hữu với sắc vẫn hiện hành; như vậy đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Này chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn này, này chư Hiền, cần phải hiểu Niết-bàn là lạc.
9. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo vượt khỏi Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Thức là vô biên” chứng và an trú Thức vô biên xứ. Này chư Hiền, nếu trong khi Tỷ-kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với Không vô biên xứ vẫn hiện hành; như vậy, đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Ví như, này chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh. Cũng vậy, với Tỷ-kheo ấy, các tưởng tác ý câu hữu với Không vô biên xứ vẫn hiện hành; như vậy đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Này chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn này, này chư Hiền, cần phải hiểu Niết-bàn là lạc.
10. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo vượt khỏi Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Không có vật gì” chứng và an trú Vô sở hữu xứ. Này chư Hiền, nếu trong khi Tỷ-kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với Thức vô biên xứ vẫn hiện hành; như vậy, đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Ví như, này chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh. Cũng vậy, với Tỷ-kheo ấy, các tưởng tác ý câu hữu với Thức vô biên xứ vẫn hiện hành; như vậy đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Này chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn này, này chư Hiền, cần phải hiểu Niết-bàn là lạc.
11. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo vượt khỏi Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Này chư Hiền, nếu trong khi Tỷ-kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với Vô sở hữu xứ vẫn hiện hành; như vậy, đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Ví như, này chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh. Cũng vậy, với Tỷ-kheo ấy, các tưởng tác ý câu hữu với Vô sở hữu xứ vẫn hiện hành; như vậy đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Này chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn này, này chư Hiền, cần phải hiểu Niết-bàn là lạc.
12. Này chư Hiền, Tỷ-kheo vượt khỏi Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng và trú Diệt thọ tưởng định. Vị ấy, sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn tận. Với pháp môn này, này chư Hiền, cần phải hiểu Niết-bàn là lạc.
(IV) (35) Con Bò Cái
1. – Ví như, này các Tỷ-kheo, một con bò cái sống ở rừng núi, ngu si, không thông minh, không biết đồng ruộng, không thiện xảo đi đến các núi non hiểm trở. Nó suy nghĩ: “Ta hãy đi đến phương hướng trước kia chưa đi, ta hãy ăn cỏ trước kia chưa được ăn, ta sẽ uống nước trước kia chưa được uống”, và con bò cái ấy đã giơ chân sau lên, trước khi nó khéo đặt một cách tốt đẹp bàn chân trước, và nó không có thể đi đến phương hướng trước kia chưa đi, không có thể ăn cỏ trước kia chưa được ăn, và không có thể uống nước trước kia chưa được uống. Tại chỗ mà trước kia nó đặt chân, nó nghĩ: “Ta hãy đi đến phương hướng trước kia chưa đi, ta hãy ăn cỏ trước kia chưa ăn, ta sẽ uống nước trước kia chưa uống”, nó không có thể trở lui chỗ ấy một cách an toàn. Vì sao? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vì con bò cái ấy sống ở rừng núi, ngu si, không thông minh, không biết chỗ đồng ruộng, không thiện xảo đi đến các núi con hiểm trở. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có một số Tỷ-kheo ngu si, không thông minh, không biết chỗ đồng ruộng, không thiện xảo, ly dục, ly ác pháp… chứng và trú Thiền thứ nhất. Vị ấy không thực hành, không tu tập tướng ấy không làm cho sung mãn, không trú một cách khéo trú, vị ấy lại suy nghĩ: “Ta hãy diệt tầm và tứ… chứng và trú Thiền thứ hai”. Vị ấy không có thể diệt các tầm và tứ… không có thể chứng và trú Thiền thứ hai. Dầu cho vị ấy có suy nghĩ: “Ta hãy ly dục… chứng và an trú Thiền thứ nhất”, vị ấy cũng không thể ly dục… chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo rơi vào cả hai phía, đọa vào cả hai phía, ví như con bò cái ấy sống ở rừng núi, ngu si , không thông minh, không biết chỗ đồng ruộng, không thiện xảo đi đến các núi non hiểm trở.
2. Ví như, này các Tỷ-kheo, một con bò cái sống ở rừng núi, hiền trí, thông minh, biết đồng ruộng, biết thiện xảo đi đến các núi non hiểm trở. Nó suy nghĩ: “Ta hãy đi đến phương hướng trước kia chưa đi, ta hãy ăn cỏ trước kia chưa được ăn, ta sẽ uống nước trước kia chưa được uống”, và con bò cái ấy, sau khi nó khéo đặt một cách tốt đẹp bàn chân trước rồi giơ chân sau lên, và nó có thể đi đến phương hướng trước kia chưa đi, ăn cỏ trước kia chưa được ăn, và uống nước trước kia chưa được uống. Tại chỗ mà trước kia nó đặt chân, nó nghĩ: “Ta hãy đi đến phương hướng trước kia chưa đi, ta hãy ăn cỏ trước kia chưa ăn, ta sẽ uống nước trước kia chưa uống”, nó có thể trở lui chỗ ấy một cách an toàn. Vì sao? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vì con bò cái ấy sống ở rừng núi, hiền trí, thông minh, biết chỗ đồng ruộng, thiện xảo đi đến các núi non hiểm trở. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có một số Tỷ-kheo hiền trí, thông minh, biết chỗ đồng ruộng, biết thiện xảo, ly dục, ly ác pháp… có thể chứng và trú Thiền thứ nhất. Vị ấy thực hành, tu tập làm cho sung mãn tướng ấy, trú một cách khéo trú. Vị ấy lại suy nghĩ: “Ta hãy diệt tầm và tứ… chứng và trú Thiền thứ hai”. Vị ấy không lẫn lộn Thiền thứ hai, diệt các tầm và tứ… chứng đạt và an trú Thiền thứ hai. Vị ấy thực hành, tu tập, làm cho sung mãn tướng ấy, trú một cách khéo trú. Vị ấy suy nghĩ: “Ta hãy ly hỷ… chứng đạt và an trú Thiền thứ ba”. Vị ấy thực hành, tu tập, làm cho sung mãn tướng ấy, trú một cách khéo trú. Vị ấy suy nghĩ: “Ta hãy đoạn lạc, đoạn khổ… chứng đạt và an trú Thiền thứ tư”. Vị ấy không lẫn lộn Thiền thứ tư, đoạn lạc, đoạn khổ… chứng và an trú Thiền thứ tư. Vị ấy thực hành, tu tập, làm cho sung mãn tướng ấy, trú một cách khéo trú. Vị ấy suy nghĩ: “Ta hãy vượt qua các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các chướng ngại tưởng, không tác ý đến các tưởng sai biệt”, biết rằng: “Hư không là vô biên”, chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Vị ấy không lẫn lộn Không vô biên xứ, vượt qua các sắc tưởng một cách hoàn toàn… không tác ý đến các tưởng sai biệt, biết rằng: “Hư không là vô biên”, chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Vị ấy thực hành, tu tập, làm cho sung mãn tướng ấy, trú một cách khéo trú. Vị ấy suy nghĩ: “Ta hãy vượt qua Không vô biên xứ một cách hoàn toàn”, biết rằng: “Thức là vô biên”, chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ. Vị ấy không lẫn lộn Thức vô biên xứ, vượt qua Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Thức là vô biên”, chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ. Vị ấy thực hành, tu tập làm cho sung mãn tướng ấy, trú một cách khéo trú. Vị ấy suy nghĩ: “Ta hãy vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn”, biết rằng “Không có vật gì”, chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ. Vị ấy không lẫn lộn Vô sở hữu xứ, vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Không có vật gì”, chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ. Vị ấy thực hành, tu tập làm cho sung mãn tướng ấy, trú một cách khéo trú. Vị ấy suy nghĩ: “Ta hãy vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn”, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vị ấy không lẫn lộn Phi tưởng phi phi tưởng xứ, vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vị ấy thực hành, tu tập làm cho sung mãn tướng ấy, trú một cách khéo trú. Vị ấy suy nghĩ: “Ta hãy vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định”. Vị ấy không lẫn lộn Diệt thọ tưởng định, vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định.
3. Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo nhập vào và xuất ra khỏi Thiền chứng ấy, tâm vị ấy trở thành nhu nhuyến, kham nhậm. Với tâm nhu nhuyến kham nhậm, định được khéo tu tập, trở thành vô lượng. Vị ấy với định vô lượng khéo tu tập, tùy theo pháp gì, pháp gì cần được chứng ngộ với thắng trí, vị ấy hướng tâm về sự chứng ngộ với thắng trí. Tại đấy, tại đấy, vị ấy có được khả năng chứng đạt được, dầu thuộc loại xứ nào. Nếu muốn, vị ấy có thể chứng đắc nhiều loại thần thông, một thân có thể trở thành nhiều thân… với thân có thể đạt đến cõi Phạm thiên. Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng chứng đạt được, dầu thuộc loại xứ nào. Nếu muốn, vị ấy có thể chứng đắc Thiên nhĩ thông… Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng chứng đạt được, dầu thuộc loại xứ nào. Nếu muốn, vị ấy có thể chứng Tha tâm thông, với tâm của mình biết được tâm của các loại chúng sanh và các loại hữu tình: Tâm có tham biết là tâm có tham, tâm không tham biết là tâm không tham… tâm giải thoát biết là tâm giải thoát. Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng chứng đạt được, dầu thuộc loại xứ nào. Nếu muốn, vị ấy có thể: ‘Ta sẽ nhớ lại nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời… có thể nhớ được nhiều đời quá khứ, với các nét đại cương và các chi tiết”. Tại đấy, tại đấy vị ấy có khả năng chứng đạt được, dầu thuộc loại xứ nào. Nếu vị ấy muốn, vị ấy với Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân… “Ta có thể rõ biết các loài hữu tình theo nghiệp lực của chúng”. Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng chứng đạt được, dầu thuộc loại xứ nào. Nếu muốn, vị ấy có thể, do đoạn tận các lậu hoặc… sau khi chứng ngộ, chứng đạt, vị ấy an trú. Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng chứng đạt được, dầu thuộc loại xứ nào.
(V) (36) Thiền
1. – Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: “Y chỉ nơi sơ Thiền, các lậu hoặc được diệt tận”. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: “Y chỉ vào Thiền thứ hai, các lậu hoặc được diệt tận”. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng” Y chỉ vào Thiền thứ ba, các lậu hoặc được diệt tận”. “. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng” Y chỉ vào Thiền thứ tư, các lậu hoặc được diệt tận”. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: “Y chỉ vào không vô biên xứ… y chỉ vào Thức vô biên xứ… y chỉ vào Vô sở hữu xứ… Ta nói rằng: “Y chỉ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, các lậu hoặc được đoạn tận”.
2. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: “Y chỉ vào sơ Thiền, các lậu hoặc được đoạn tận”, như vậy được nói đến. Do duyên gì, được nói đến như vậy?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ly dục… chứng và trú sơ Thiền. Vị ấy, ở đây đối với cái gì thuộc về sắc, thuộc về thọ, thuộc về tưởng, thuộc về hành, thuộc về thức, các pháp ấy, vị ấy tùy quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là mụt nhọt, là mũi tên, là va chạm, là tật bệnh, là khách lạ, là biến hoại, là trống không, là vô ngã. Vị ấy tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, sau khi tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, vị ấy hướng dẫn đến giới bất tử: “Ðây là tịch tịnh, đây là thù thắng, tức là sự chỉ tức tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự diệt tận khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Vị ấy trú ở đây, đạt đến sự diệt tận các lậu hoặc, nếu không diệt tận các lậu hoặc, với pháp ái ấy, với pháp hỷ ấy, do đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, là vị hóa sanh, tại đấy chứng được Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa. Ví như người bắn cung, hay đệ tử người bắn cung tập bắn trên một hình nộm bằng cỏ hay trên đống đất sét, rồi người ấy có thể trở thành một người bắn xa, bắn nhanh, bắn thủng qua vật dày lớn.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ly dục… chứng đạt và an trú sơ Thiền. Vị ấy ở đây, đối với cái gì thuộc về sắc, thuộc về thọ, thuộc về tưởng, thuộc về hành, thuộc về thức, các pháp ấy, vị ấy tùy quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là mụt nhọt, là mũi tên, là va chạm, là tật bệnh, là khách lạ, là biến hoại, là trống không, là vô ngã. Vị ấy tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, sau khi tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, vị ấy hướng dẫn đến giới bất tử: “Ðây là tịch tịnh, đây là thù thắng, tức là sự chỉ tức tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự diệt tận khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Vị ấy trú ở đây, đạt đến sự diệt tận các lậu hoặc. Nếu không diệt tận các lậu hoặc, với pháp ái ấy, với pháp hỷ ấy, do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy là vị hóa sanh, tại đấy chứng được Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa.
Này các Tỷ-kheo, Ta nói y chỉ vào sơ Thiền, các lậu hoặc được đoạn tận, như vậy được nói đến. Do duyên này, được nói đến.
3. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng y chỉ Thiền thứ hai… y chỉ Thiền thứ ba… y chỉ Thiền thứ tư, các lậu hoặc được đoạn tận, như vậy được nói đến. Do duyên gì được nói đến?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn tận lạc, đoạn tận khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm, thanh tịnh. Vị ấy ở đây, đối với cái gì thuộc về sắc, thuộc về thọ, thuộc về tưởng, thuộc về hành, thuộc về thức, các pháp ấy, vị ấy tùy quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là mụt nhọt, là mũi tên, là va chạm, là tật bệnh, là khách lạ, là biến hoại, là trống không, là vô ngã. Vị ấy tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, sau khi tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, vị ấy hướng dẫn đến giới bất tử: “Ðây là tịch tịnh, đây là thù thắng, tức là sự chỉ tức tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự diệt tận khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Vị ấy trú ở đây, đạt đến sự diệt tận các lậu hoặc. Nếu không diệt tận các lậu hoặc, với pháp ái ấy, với pháp hỷ ấy, do đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, là vị hóa sanh, tại đấy chứng được Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa. Ví như người bắn cung, hay đệ tử người bắn cung tập bắn trên một hình nộm bằng cỏ hay trên đống đất sét, rồi người ấy có thể trở thành một người bắn xa, bắn nhanh, bắn thủng qua vật dày lớn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn tận lạc… chứng đạt và an trú sơ Thiền… thứ tư. Vị ấy ở đây, đối với cái gì thuộc về sắc, thuộc về thọ, thuộc về tưởng, thuộc về hành, thuộc về thức, các pháp ấy, vị ấy tùy quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là mụt nhọt, là mũi tên, là va chạm, là tật bệnh, là khách lạ, là biến hoại, là trống không, là vô ngã. Vị ấy tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, sau khi tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy. Sau khi tránh né tâm khỏi những pháp ấy, vị ấy hướng dẫn đến giới bất tử: “Ðây là tịch tịnh, đây là thù thắng, tức là sự chỉ tức tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự diệt tận khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Vị ấy trú ở đây, đạt đến sự diệt tận các lậu hoặc. Nếu không diệt tận các lậu hoặc, với pháp ái ấy, với pháp hỷ ấy, do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy là vị hóa sanh, tại đấy chứng được Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa.
Này các Tỷ-kheo, Ta nói y chỉ vào sơ Thiền, thứ hai… thứ tư, các lậu hoặc được đoạn tận, như vậy được nói đến. Do duyên này, được nói đến.
4. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: “Y chỉ vào Không vô biên xứ Thiền, các lậu hoặc được đoạn tận, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vượt khỏi các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các chướng ngại tưởng, không tác ý đến tưởng sai biệt, biết rằng: “Hư không là vô biên”, chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Vị ấy ở đây, đối với cái gì thuộc về thọ, thuộc về tưởng, thuộc về hành… vị ấy… do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là vị hóa sanh, tại đấy chứng được Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa.
Này các Tỷ-kheo, ta nói rằng: “Y chỉ vào Không vô biên xứ, các lậu hoặc được đoạn tận”, như vậy được nói đến. Do duyên này, được nói đến.
5. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: “Y chỉ vào Thức vô biên xứ… y chỉ vào Vô sở hữu xứ… các lậu hoặc được đoạn diệt”, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Không có vật gì”, chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ. Vị ấy ở đây, đối với cái gì thuộc về thọ, thuộc về tưởng… vị ấy… do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là vị hóa sanh, tại đấy chứng được Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa.
Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: “Y chỉ vào Vô sở hữu xứ, các lậu hoặc được đoạn diệt”, được nói đến như vậy. Do duyên này, được nói đến.
Như vậy, xa cho đến các tưởng Thiền chứng, cho đến như vậy, cần phải lấy trí để thể nhập. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các xứ này, như Phi tưởng phi phi tưởng Thiền chứng và Diệt thọ tưởng là những xứ, các Tỷ-kheo Thiền quán, khéo léo chứng nhập, khéo léo khởi xuất thiền chứng. Ta nói rằng : “Sau khi chứng nhập và khởi xuất, các xứ ấy cần phải được chơn chánh làm cho biết rõ”.
(VI) (37) Tôn Giả Ananda
1. Như vầy tôi nghe:
Một thời, Tôn giả Ananda trú ở Kosambi, tại khu vườn Ghosita. Tại đấy, Tôn giả Ananda bảo các Tỷ-kheo:
– Này chư Hiền Tỷ-kheo.
– Vâng, thưa Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Ananda . Tôn giả Ananda nói như sau:
2. – Thật vi diệu thay, thưa các Hiền giả! Thật hi hữu thay, thưa các Hiền giả, như thế nào là con đường thoát ly, thoát khỏi sự trói buộc, được Thế Tôn, bậc Trí giả, bậc Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tùy giác để các loài hữu tình được thanh tịnh, vượt khỏi sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, giác ngộ Niết-bàn. Ðây sẽ chỉ có mắt, chớ không có cảm thọ các sắc ấy và các xứ ấy; đây chỉ có tai, chớ không có cảm thọ các tiếng ấy và các xứ ấy; đây chỉ có mũi chớ không có cảm thọ các hương ấy và các xứ ấy; đây chỉ có lưỡi, chớ không có cảm thọ các vị ấy và các xứ ấy; đây chỉ có thân, chớ không có cảm thọ các xúc ấy và các xứ ấy.
3. Khi được nói vậy, Tôn giả Udàyi nói với Tôn giả Ananda:
– Này Hiền giả Ananda, người không cảm thọ xứ ấy, người ấy có tưởng hay không có tưởng?
– Này Hiền giả, người không cảm thọ xứ ấy, người ấy có tưởng, không phải không có tưởng.
Nhưng thưa Hiền giả, người không cảm thọ xứ ấy, người ấy tưởng cái gì?
4. – Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các chướng ngại tưởng, không tác ý đến các tưởng sai biệt, biết rằng: “Hư không là vô biên”, chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Này Hiền giả, vị ấy có tưởng như vậy, nhưng không cảm thọ xứ ấy.
5. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt khỏi Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Thức là vô biên”, chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ. Này Hiền giả, vị ấy có tưởng như vậy, nhưng không cảm thọ xứ ấy.
6. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt khỏi Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Không có vật gì”, chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ. Này Hiền giả, vị ấy có tưởng như vậy, nhưng không cảm thọ xứ ấy.
7. Này Hiền giả, một thời tôi sống ở Sàketa, rừng Anjanavana tại vườn nai. Rồi này Hiền giả, có một Tỷ-kheo-ni ở Jatilàgàha đến tôi, đảnh lễ tôi và đứng một bên. Ðứng một bên, này các Hiền giả, Tỷ-kheo-ni ở Jatilàgàha thưa với tôi:
– Thưa Tôn giả Ananda, Thiền định này không thiên tà dục, không dưỡng hận tâm; trong ấy, sự chế ngự không phải do hữu hành nhiếp phục, nhờ giải thoát, được vững chắc, nhờ vững chắc, được tri túc; nhờ tri túc, không có âu lo. Thưa Tôn giả Ananda , Thiền định này được Thế Tôn dạy, có quả gì?”
Ðược nói vậy, này Hiền giả, tôi nói với Tỷ-kheo-ni ở Jatilàgàha như sau: “- Thưa Chị, Thiền định này không thiên tà dục, không dưỡng hận tâm; trong ấy, sự chế ngự không phải do hữu hành nhiếp phục, nhờ giải thoát được vững chắc; nhờ vững chắc, được tri túc; nhờ tri túc, không có âu lo… Này Chị, Thiền định này được chánh trí là quả”.
Thế Tôn nói như vậy, này Hiền giả, vị ấy có những tưởng như vậy, nhưng không cảm thọ xứ ấy.
(VII) (38) Các Bà-La-Môn
1. Rồi hai vị Thuận thế Bà-la-môn đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Bà-la-môn ấy thưa với Thế Tôn:
2. – Thưa Tôn giả Gotama, Pùrana Kassapa, bậc toàn tri, toàn kiến, tự nhận mình là có tri kiến toàn bộ không dư, nói rằng: “Khi ta đi, ta đứng , ta ngủ, ta thức, tri kiến được an trú liên tục thường hằng”. Vị ấy nói như sau: “Với trí vô biên, ta sống, biết và thấy thế giới hữu biên”. Thưa Tôn giả Gotama, Nigantha Nàtaputta, bậc toàn tri, toàn kiến, tự nhận mình là có tri kiến toàn bộ không dư, nói rằng: “Khi ta đi, ta đứng , ta ngủ, ta thức, tri kiến được an trú liên tục thường hằng”. Vị ấy nói như sau: “Với trí hữu biên, ta sống, biết và thấy thế giới hữu biên”. Thưa Tôn giả Gotama, giữa hai bậc tuyên bố về trí này, giữa hai lời tuyên bố mâu thuẫn này, ai nói đúng sự thật, ai nói láo?
3. – Thôi vừa rồi, này các Bà-la-môn, hãy dừng lại ở đây: “Giữa hai bậc tuyên bố về trí này, giữa hai lời tuyên bố mâu thuẫn này, ai nói đúng sự thật, ai nói láo?”
Này các Bà-la-môn, Ta sẽ thuyết pháp cho các Ông, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.
– Thưa vâng, Tôn giả.
Các Bà-la-môn ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
4. – Này các Bà-la-môn, ví như bốn người đàn ông đứng bốn phương, đầy đủ với bước đi, với tốc lực tối thắng, với bước chân dài tối thắng. Họ đầy đủ tốc lực như sau: Ví như một người cầm cung, điêu luyện khéo được huấn luyện với bàn tay thiện xảo, bách phát bách trúng, có thể bắn một cách nhẹ nhàng một mũi tên ngang qua bóng của cây tàla. Như vậy là tốc lực của họ. Còn bước chân dài của họ, thời như sau: từ biển phía Ðông đến biển phía Tây. Rồi người đứng ở phương Ðông nói như sau: “Ta sẽ đi và đạt đến tận cùng của thế giới”. Dầu cho tuổi thọ của người này là một trăm năm, và người ấy sống một trăm năm, và bước đi trong một trăm năm – trừ khi người ấy ăn, người ấy uống, người ấy nhai, người ấy nếm, trừ khi người ấy đi đại tiện tiểu tiện, trừ khi người ấy ngủ để lấy lại sức, người ấy sẽ chết trước khi người ấy đạt đến tận cùng của thế giới”. Rồi người đứng ở phương Tây… rồi người đứng ở phương Bắc… rồi người đứng ở phương Nam nói như sau: “Ta sẽ đi và đạt đến tận cùng của thế giới”. Dầu cho tuổi thọ… người ấy sẽ chết trước khi người ấy đạt đến tận cùng của thế giới”. Vì cớ sao? Này các Bà-la-môn, Ta nói rằng, không phải với sức chạy như vậy, có thể biết được, có thể thấy được, có thể đạt được tận cùng thế giới. Này các Bà-la-môn, Ta nói rằng nếu không đạt được tận cùng thế giới, thời không thể chấm dứt đau khổ ở đời.
5. Này các Bà-la-môn, năm dục trưởng dưởng này được gọi là thế giới trong Luật của bậc Thánh. Thế nào là năm?
6. Các sắc do con mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức… các hương do mũi nhận thức… các vị do lưỡi nhận thức… các xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn.
Này Bà-la-môn, năm dục trưởng dưỡng này được gọi là thế giới trong Luật của bậc Thánh.
7. Ở đây, này các Bà-la-môn, Tỷ-kheo ly các dục… chứng đạt và an trú sơ Thiền. Này các Bà-la-môn, Tỷ-kheo này được gọi là vị đã đến tận cùng thế giới, và sống trong tận cùng thế giới. Nhưng các người khác nói về vị ấy như sau: “Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa thoát ly khỏi thế gian”. Này các Bà-la-môn, Ta cũng nói như sau: “Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa thoát ly khỏi thế gian”.
8. Lại nữa, này các Bà-la-môn, Tỷ-kheo diệt các tầm và tứ… chứng đạt và an trú Thiền thứ hai… Thiền thứ ba… Thiền thứ tư. Này các Bà-la-môn, đây gọi là Tỷ-kheo sau khi đến tận cùng thế giới, trú trong tận cùng thế giới. Nhưng các người khác nói về vị ấy như sau: “Vị này còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian”. Này các Bà-la-môn, Ta cũng nói như sau: “Vị này còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian”.
9. Lại nữa, này các Bà-la-môn, Tỷ-kheo vượt qua khỏi các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các đối ngại tưởng, không tác ý đến các tưởng sai biệt, biết rằng: “Hư không là vô biên”, chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Này các Bà-la-môn, đây gọi là Tỷ-kheo sau khi đến tận cùng thế giới, trú trong tận cùng thế giới. Nhưng các người khác, nói về vị ấy như sau: “Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian”. Này các Bà-la-môn, Ta cũng nói như sau: “Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian”.
10. Lại nữa, này các Bà-la-môn, Tỷ-kheo vượt qua khỏi Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Thức là vô biên”, chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ… Sau khi vượt khỏi Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Không có vật gì”, chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ… Sau khi vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Này các Bà-la-môn, đây gọi là Tỷ-kheo sau khi đến tận cùng thế giới, trú trong tận cùng thế giới. Nhưng các người khác, nói về vị ấy như sau: “Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian”. Này các Bà-la-môn, Ta cũng nói như sau: “Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian”.
11. Lại các Bà-la-môn, Tỷ-kheo vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định, thời sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn tận. Này các Bà-la-môn, đây gọi là Tỷ-kheo sau khi đến tận cùng thế giới, trú trong tận cùng thế giới. Vị này đã vượt khỏi sự triền phược của thế giới.
(VIII) (39) Chư Thiên
1. – Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có trận chiến kịch liệt giữa chư Thiên và các loài Asurà. Trong trận chiến này, này các Tỷ-kheo, các Asurà thắng, chư Thiên bị bại trận. Chư Thiên thất trận bỏ chạy, các Asurà mặt hướng về phía Bắc đuổi theo. Rồi này các Tỷ-kheo, chư Thiên suy nghĩ sau: “Các Asurà đang đuổi theo. Vậy chúng ta hãy đánh một trận thứ hai với các Asurà”.
2. Lần thứ hai, này các Tỷ-kheo, chư Thiên đánh với các Asurà. Lần thứ hai, này các Tỷ-kheo, các Asurà lại thắng trận, chư Thiên bại trận. Này các Tỷ-kheo, chư Thiên thất trận sợ hãi bỏ chạy, các Asurà mặt hướng về phía Bắc đuổi theo. Rồi này các Tỷ-kheo, chư Thiên suy nghĩ như sau: “Các Asurà đang đuổi theo. Vậy chúng ta hãy đánh một trận thứ ba với các Asurà”.
3. Lần thứ ba, này các Tỷ-kheo, chư Thiên đánh với các Asurà. Lần thứ ba, này các Tỷ-kheo, các Asurà lại thắng trận, chư Thiên bại trận. Này các Tỷ-kheo, chư Thiên thất trận sợ hãi bỏ chạy vào thành phố chư Thiên. Và này các Tỷ-kheo, chư Thiên đi vào trong thành của chư Thiên suy nghĩ như sau: “Nay ta hãy đi đến chỗ ẩn náu của những người sợ hãi. Hiện nay chúng ta sống với chúng ta, không có gì phải làm với các Asurà”. Này các Tỷ-kheo, các Asurà cũng suy nghĩ như sau: “Này chư Thiên đã đi đến chỗ ẩn náu của những người sợ hãi. Hiện nay chúng sống với chúng nó, không có gì phải làm với chúng ta.”
4. Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có trận chiến kịch liệt xảy ra giữa chư Thiên và các loài Asurà. Trong trận chiến này, này các Tỷ-kheo, chư Thiên thắng, các Asurà bị bại trận. Các Asurà thất trận bỏ chạy, chư Thiên mặt hướng về phía Nam đuổi theo. Rồi này các Tỷ-kheo, các Asurà suy nghĩ như sau: “Chư Thiên đang đuổi theo. Vậy chúng ta hãy đánh một trận thứ hai với chư Thiên”.
5. Lần thứ hai, này các Tỷ-kheo, các Asurà đánh trận với chư Thiên. Lần thứ hai, này các Tỷ-kheo, chư Thiên thắng trận, các Asurà bại trận. Này các Tỷ-kheo, các Asurà thất trận sợ hãi bỏ chạy, chư Thiên mặt hướng về phía Nam đuổi theo. Rồi này các Tỷ-kheo, các Asurà suy nghĩ như sau: “Chư Thiên đang đuổi theo. Vậy chúng ta hãy đánh một trận thứ ba với chư Thiên”.
6. Lần thứ ba, này các Tỷ-kheo, các Asurà đánh với chư Thiên. Lần thứ ba, này các Tỷ-kheo, chư Thiên thắng trận, các Asurà bại trận. Này các Tỷ-kheo, các Asurà thất trận sợ hãi bỏ chạy vào thành phố Asurà. Rồi này các Tỷ-kheo, các Asurà đi vào trong thành phố của các Asurà suy nghĩ như sau: “Nay chúng ta đã đi đến chỗ ẩn náu của những người sợ hãi. Hiện nay chúng ta sống với chúng ta, không có gì phải làm với chư Thiên”. Này các Tỷ-kheo, chư Thiên cũng suy nghĩ như sau: “Nay các Asurà đã đi đến chỗ ẩn náu của những người sợ hãi. Hiện nay chúng sống với chúng nó, không có gì phải làm với chúng ta.”
7. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo ly dục… chứng đạt và an trú sơ Thiền, trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo suy nghĩ như sau: “Với sự đi đến chỗ ẩn náu của sợ hãi, nay ta sống với tự ngã, không có việc gì phải làm với Màra”. Và này các Tỷ-kheo, chính Ác ma cũng suy nghĩ như sau: “Với sự đi đến chỗ ẩn náu của sợ hãi, Tỷ-kheo sống với tự ngã, không có việc gì phải làm với ta”.
8. Này các Tỷ-kheo, trong khi vị Tỷ-kheo diệt các tầm và tứ… chứng đạt và an trú Thiền thứ hai… Thiền thứ ba… Thiền thứ tư, trong khi ấy này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo suy nghĩ như sau: “Với sự đi đến chỗ ẩn náu của sợ hãi, nay ta sống với tự ngã, không có việc gì phải làm với Màra”. Và này các Tỷ-kheo, chính Ác ma cũng suy nghĩ như sau: “Với sự đi đến chỗ ẩn náu của sợ hãi, Tỷ-kheo sống với tự ngã, không có việc gì phải làm với ta”.
9. Này các Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo vượt khỏi các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các chướng ngại tưởng, không tác ý đến các tưởng sai biệt, biết rằng: “Hư không là vô biên”, chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là Tỷ-kheo này làm Ác ma mù mắt, đoạn tuyệt mắt của Màra, không còn dấu tích, khiến Ác ma không thấy đường đi lối về.
10. Này các Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo vượt khỏi Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Thức là vô biên”, chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ… Vượt khỏi Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Không có vật gì”, chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ… Vượt khỏi Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Trong khi Tỷ-kheo vượt Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định; vị ấy thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn tận. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là Tỷ-kheo này làm Ác ma mù mắt, đoạn tuyệt mắt của Màra, không còn dấu tích, khiến Ác ma không thấy đường đi lối về. Vị ấy đã vượt qua triền phược ở đời.
(IX) (40) Con Voi Lớn
1. – Này các Tỷ-kheo, khi nào các con voi, các con voi cái, các con voi trẻ, các con voi con đi đến trước, đến trước chỗ ăn của con voi lớn ở rừng cắt đứt các ngọn cỏ, thời này các Tỷ-kheo, con voi rừng lo âu, xấu hổ, nhàm chán. Khi nào, này các Tỳ kheo, Các con voi, các con voi cái, các con voi trẻ, các con voi con nhai ăn các bó cây gãy, các cành cây tại chỗ ăn của con voi lớn ở rừng, thời này các Tỷ-kheo, con voi rừng lo âu, xấu hổ, nhàm chán. Khi nào, này các Tỷ-kheo, các con voi , các con voi cái, các con voi trẻ, các con voi con đi trước, đi trước, xuống trũng nước của con voi rừng, dùng vòi quấy động, thời này các Tỷ-kheo, con voi rừng lo âu, xấu hổ, nhàm chán. Khi nào, này các Tỷ-kheo, các con voi cái bước xuống trũng nước của con voi rừng, cọ xát thân của con voi rừng, thời này các Tỷ-kheo, con voi rừng lo âu, xấu hổ, nhàm chán.
2. Trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, con voi rừng suy nghĩ như sau: “Này ta sống lẫn lộn với các con voi, các con voi cái, các con voi trẻ, các con voi con. Ta ăn các loại cỏ đầu ngọn bị cắt đứt, chúng nhai ăn các bó cây gãy và các cành cây của ta, ta uống nước bị vẩn đục; khi ta đi xuống trũng nước, các con voi cái đến cọ xát thân ta. Vậy ta hãy sống một mình, xa rời bầy voi”. Rồi sau một thời gian, con voi ấy sống một mình, xa rời bầy voi, ăn các loại cỏ đầu ngọn không bị cắt đứt, nó nhai ăn các bó cây gãy và các cành cây, nó uống nước không vẩn đục, khi bước xuống trũng nước, các con voi cái không đi đến cọ xát thân. Trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, con voi rừng suy nghĩ như sau: “Trước đây, ta sống lẫn lộn với các voi, các con voi cái, các con voi trẻ, các con voi con. Ta ăn các loại cỏ đầu ngọn bị cắt đứt, chúng ăn các bó cây gãy và các cành cây của ta, ta uống nước bị vẩn đục. Khi ta bước xuống trũng nước, các con voi cái đến cọ xát thân ta. Nay ta sống một mình, xa rời bầy voi, ta ăn các loại cỏ đầu ngọn không bị cắt đứt, chúng không ăn các bó cây gãy, và các cành cây của ta. Ta uống nước không vẩn đục. Khi ta bước xuống trũng nước, các con voi cái không đi đến cọ xát thân ta. Con voi rừng ấy với cái vòi bẻ gẫy cành cây, lấy cành cây cọ xát thân mình, và hoan hỷ làm cho nhẹ bớt cơn ngứa”.
3. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo sống lẫn lộn với các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, với vua và đại thần của vua, với các ngoại đạo sư và đệ tử của ngoại đạo, trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo suy nghĩ như sau: “Ta sống lẫn lộn với các Tỷ-kheo và Tỷ-kheo-ni, các nam cư sĩ và nữ cư sĩ, vua và các đại thần của vua, các ngoại đạo sư và các đệ tử của ngoại đạo. Vậy ta hãy sống một mình, xa rời họ”, vị ấy sống tại trú xứ xa vắng, ngôi rừng, gốc cây, núi non ghềnh đá, hang núi, bãi tha ma, rừng cao nguyên, ngoài trời, đống rơm. Vị ấy đi đến rừng, đi đến gốc cây, đi đến ngôi nhà trống, ngồi kiết-già, lưng thẳng, an trú niệm trước mặt. Vị ấy sau khi đoạn tận tham ở đời, sống với tâm ly tham, gạn lọc tâm khỏi tham. Sau khi đoạn tận sân, vị ấy sống với tâm ly sân, có lòng thương tưởng tất cả chúng sanh và loài hữu tình, gạn lọc tâm khỏi sân. Sau khi đoạn tận hôn trầm thụy miên, vị ấy sống với tâm ly hôn trầm thụy miên, tưởng đến ánh sáng, chánh niệm, tỉnh giác, gạn lọc tâm khỏi hồn trầm thụy miên. Sau khi đoạn tận trạo cử hối quá, vị ấy không có dao động, nội tâm an tịnh, gạn lọc tâm khỏi trạo cử hối quá. Sau khi đoạn tận nghi, vị ấy sống vượt qua nghi ngờ, không có nghi ngờ do dự, gạn lọc tâm khỏi nghi ngờ trong các thiện pháp. Vị ấy sau khi đoạn tận năm triền cái làm uế nhiễm tâm, làm yếu kém trí tuệ này, ly các dục… chứng đạt và an trú sơ Thiền; vị ấy hoan hỷ vì đã đối trị được cơn ngứa. Sau khi diệt tầm và tứ… chứng đạt và an trú Thiền thứ hai… Thiền thứ ba… chứng đạt và an trú Thiền thứ tư; vị ấy hoan hỷ vì đã đối trị được cơn ngứa. Vị ấy sau khi vượt qua các sắc tưởng một cách hoàn toàn, sau khi chấm dứt các đối ngại tưởng, không tác ý đến các tưởng sai biệt, biết rằng: “Hư không là vô biên”, chứng đạt và an trú Không vô biên xứ; vị ấy hoan hỷ vì đã đối trị được cơn ngứa. Sau khi vượt qua Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, vị ấy biết rằng: “Thức là vô biên”, chứng đạt vàn an trú Thức vô biên xứ… Sau khi vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, vị ấy biết rằng: “Không có vật gì”, chứng đạt và an trú Vô sơ hữu xứ… Sau khi vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ… Sau khi vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, vị ấy chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định, sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn tận, vị ấy hoan hỷ vì đã đối trị được cơn ngứa.
(X) (41) Tapussa
1. Như vầy tôi nghe:
Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla, tại một thị trấn của dân chúng Malla tên là Uruvelakappa. Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào Uruvelakappa để khất thực. Khất thực ở Uruvelakappa xong, sau bữa ăn, trên con đường khất thực trở về, Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda, nói rằng:
– Này Ananda, Thầy hãy ở đây, chờ cho Ta vào trong rừng Ðại Lâm để nghỉ ban ngày.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn đi vào rừng Ðại Lâm ngồi nghỉ ban ngày tại một gốc cây.
2. Rồi gia chủ Tapussa đi đến Tôn giả Ananda, sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Ananda và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, gia chủ Tapussa thưa với Tôn giả Ananda:
– Thưa Tôn giả Ananda, chúng tôi là người gia chủ, thụ hưởng các dục, vui thích các dục, ưa thích các dục, hoan hỷ các dục. Ðối với chúng tôi, thưa Tôn giả, là những gia chủ thụ hưởng các dục, vui thích các dục, hoan hỷ các dục, thật giống như một cái vực thẳm cho chúng tôi là sự xuất ly này. Tuy vậy, thưa Tôn giả, chúng tôi được nghe rằng trong Pháp và Luật này, tâm của các Tỷ-kheo trẻ tuổi hứng khởi trong sự xuất ly, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì thấy rằng đây là an tịnh. Chính ở nơi đây, thưa Tôn giả, là sự sai khác trong Pháp và Luật này giữa các vị Tỷ-kheo và phần đông quần chúng, tức là sự xuất ly này.
– Này Gia chủ, đây là một vấn đề để nói chuyện. Này Gia chủ, chúng ta hãy đi đến yết kiến Thế Tôn, chúng ta hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến, hãy hỏi Thế Tôn về ý nghĩa này. Thế Tôn trả lời như thế nào, chúng ta sẽ như vậy thọ trì.
– Thưa vâng, Tôn giả.
Gia chủ Tapussa vâng đáp Thế Tôn Ananda.
3. Rồi Tôn giả Ananda cùng với gia chủ Tapussa đi đến Thế Tôn, sau khi đến… bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, gia chủ Tapussa này nói như sau: “Thưa Tôn giả Ananda, chúng tôi là người gia chủ thụ hưởng các dục, vui thích các dục, ưa thích các dục, hoan hỷ các dục. Ðối với chúng tôi, thưa Tôn giả, là những gia chủ, thọ hưởng các dục, vui thích các dục, ưa thích các dục, hoan hỷ các dục, thật giống như một cái vực thẳm cho chúng tôi là sự xuất ly này. Tuy vậy, thưa Tôn giả, chúng tôi được nghe rằng trong Pháp và Luật này, tâm của các Tỷ-kheo trẻ tuổi hứng khởi trong sự xuất ly, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì được thấy rằng đây là an tịnh. Chính ở nơi đây, thưa Tôn giả, là sự sai khác trong Pháp và Luật này giữa các Tỷ-kheo và phần đông quần chúng, tức là sự xuất ly này”.
4. – Như vậy là phải, này Ananda! Như vậy là phải, này Ananda! Này Ananda, trước khi Ta giác ngộ, chưa chứng được Chánh Ðẳng Giác, còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: “Lành thay, sự xuất ly! Lành thay, sống viễn ly”. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi trong sự xuất ly ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Do nhân gì, do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi trong sự xuất ly ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh?” Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì Ta không thấy nguy hiểm trong các dục, vì Ta không làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy, lợi ích của xuất ly chưa được chứng đắc, Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi trong xuất ly ấy, không tịnh tín, không an trú, không giải thoát”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong các dục, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong sự xuất ly, Ta thưởng thức lợi ích ấy”, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi trong xuất ly, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”.
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy sự nguy hiểm trong các dục, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong sự xuất ly, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong xuất ly, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, sau một thời gian Ta ly dục… chứng đạt và an trú sơ Thiền. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với dục vẫn hiện hành. Như vậy, đối với Ta, đây là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên, như là một chứng bệnh. Cũng vậy, các tưởng tác ý câu hữu với dục vẫn hiện hành ở nơi Ta. Như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh.
5. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vậy Ta hãy chỉ tức các tầm và tứ… chứng đạt và an trú Thiền thứ hai”. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi đối với không có tầm ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Do nhân gì, do duyên gì, Tâm Ta không hứng khởi đối với không có tầm ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh?” Rồi Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì Ta không thấy nguy hiểm trong các tầm, vì Ta không làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy, lợi ích không có tầm chưa được chứng đắc, Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy”. Do vậy, tâm Ta không hứng khởi đối với không có tầm, không tịnh tín, không an trú, không giải thoát. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong các tầm, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích không có tầm, Ta thưởng thức lợi ích ấy”, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi trong không có tầm, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: “Ðây là an tịnh”.
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong các tầm. Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi ích không có tầm, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong không có tầm, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, sau một thời gian Ta diệt tầm và tứ… chứng đạt và an trú Thiền thứ hai. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với tầm vẫn hiện hành. Như vậy, đối với Ta, đây là một chứng bệnh. Cũng vậy, các tưởng tác ý câu hữu với tầm vẫn hiện hành ở nơi Ta. Như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh.
6. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vậy ta hãy ly hỷ… chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Nhưng này Ananda , tâm của Ta không hứng khởi đối với không có hỷ ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau như sau: “Do nhân gì do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi đối với không có hỷ ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh?” Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì Ta không thấy sự nguy hiểm trong hỷ, vì Ta không làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy, lợi ích không có hỷ chưa được chứng đắc. Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với không có hỷ ấy, không tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong hỷ, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong không có hỷ, Ta thưởng thức được lợi ích trong không có hỷ, Ta thưởng thức lợi ích ấy”, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi trong không có hỷ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”.
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong hỷ, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi ích trong không có hỷ, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong không có hỷ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, sau một thời gian, Ta ly hỷ… chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với hỷ vẫn hiện hành. Ðây đối với Ta, đây là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên như là một chứng bệnh. Cũng vậy các tưởng, tác ý câu hữu với hỷ vẫn hiện hành ở nơi Ta. Như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh.
7. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vậy ta hãy đoạn lạc, đoạn khổ… chứng đạt và an trú Thiền thứ tư”. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi đối với không khổ, không lạc, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Do nhân gì do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi đối với không khổ, không lạc, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh?” Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì Ta không thấy nguy hiểm trong xả lạc, vì Ta không làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Lợi ích không khổ, không lạc chưa được chứng đắc. Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với không khổ, không lạc ấy, không tịnh tín, không có an trú, không giải thoát”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong xả lạc, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong không khổ, không lạc, Ta thưởng thức sự lợi ích ấy”, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi trong không khổ, không lạc, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”.
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong xả lạc, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi ích trong không có hỷ, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong không khổ, không lạc, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: “Ðây là an tịnh”? Này Ananda, sau một thời gian, Ta xả lạc, xả khổ… chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với xả lạc vẫn hiện hành. Như vậy, đối với Ta, đây là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên như là một chứng bệnh. Cũng vậy các tưởng, tác ý câu hữu với hỷ vẫn hiện hành ở nơi Ta. Như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh.
8. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vậy Ta hãy vượt qua các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các đối ngại tưởng, không tác ý đến các tưởng sai biệt, chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi đối với Không vô biên xứ, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Do nhân gì do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi đối với Không vô biên xứ, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh?” Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì Ta không thấy sự nguy hiểm trong các sắc, Ta không làm cho sung mãn nguy hiểm ấy, lợi ích của Không vô biên xứ chưa được chứng đắc. Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với Không vô biên xứ, không tịnh tín, không an trú, không giải thoát”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong các sắc, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong Không vô biên xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy”, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi trong Không vô biên xứ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”.
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong các sắc, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi ích trong Không vô biên xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong Không vô biên xứ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, sau một thời gian, Ta vượt qua các sắc tưởng… chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với các sắc vẫn hiện hành. Ðây đối với Ta, đây là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên như là một chứng bệnh. Cũng vậy các tưởng, tác ý câu hữu với sắc vẫn hiện hành ở nơi Ta. Như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh.
9. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vậy Ta hãy vượt qua Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Thức là vô biên”, chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi đối với Thức vô biên xứ, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau : “Do nhân gì do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi đối với Thức vô biên xứ, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh?” Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì Ta không thấy sự nguy hiểm trong Không vô biên xứ, vì Ta không làm cho sung mãn nguy hiểm ấy, lợi ích của Thức vô biên xứ chưa được chứng đắc. Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với Thức vô biên xứ, không tịnh tín, không an trú, không giải thoát”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong Không vô biên xứ, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong Thức vô biên xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy”, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi trong Thức vô biên xứ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”.
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong Không vô biên xứ, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi ích trong Thức vô biên xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong Thức vô biên xứ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, sau một thời gian, Ta vượt qua Không vô biên xứ… chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với Không vô biên xứ vẫn hiện hành. Ðây đối với Ta, đây là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên như là một chứng bệnh. Cũng vậy các tưởng, tác ý câu hữu với Không vô biên xứ vẫn hiện hành ở nơi Ta. Như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh.
10. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vậy Ta hãy vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Không có vật gì”, chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi đối với Vô sở hữu xứ , không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau : “Do nhân gì do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi đối với Vô sở hữu xứ , không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh?” Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì Ta không thấy sự nguy hiểm trong Thức vô biên xứ, vì Ta không làm cho sung mãn nguy hiểm ấy, lợi ích của Vô sở hữu xứ chưa được chứng đắc. Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với Vô sở hữu xứ, không tịnh tín, không an trú, không giải thoát”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong Thức vô biên xứ, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong Vô sở hữu xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy”, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi trong Vô sở hữu xứ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”.
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong Thức vô biên xứ, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi ích trong Vô sở hữu xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong Vô sở hữu xứ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, sau một thời gian, Ta vượt qua Thức vô biên xứ… chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với các Thức vô biên xứ vẫn hiện hành, như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên như là một chứng bệnh. Cũng vậy các tưởng, tác ý câu hữu với Thức vô biên xứ vẫn hiện hành ở nơi Ta. Như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh.
11. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vậy Ta hãy vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi đối với Phi tưởng phi phi tưởng xứ, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau như sau: “Do nhân gì do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi đối với Phi tưởng phi phi tưởng xứ, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh?” Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì Ta không thấy sự nguy hiểm trong Vô sở hữu xứ, vì Ta không làm cho sung mãn nguy hiểm ấy, lợi ích của Phi tưởng phi phi tưởng xứ chưa được chứng đắc. Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với Phi tưởng phi phi tưởng xứ, không tịnh tín, không an trú, không giải thoát”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong Vô sở hữu xứ, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy”, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”.
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong Vô sở hữu xứ, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi ích trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, sau một thời gian, Ta vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn… chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với Vô sở hữu xứ vẫn hiện hành, như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên như là một chứng bệnh. Cũng vậy các tưởng, tác ý câu hữu với Vô sở hữu xứ vẫn hiện hành ở nơi Ta. Như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh.
12. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vậy Ta hãy vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi đối với Diệt thọ tưởng định, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau như sau: “Do nhân gì do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi đối với Diệt thọ tưởng định, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh?” Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì Ta không thấy sự nguy hiểm trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, vì Ta không làm cho sung mãn nguy hiểm ấy, lợi ích của Diệt thọ tưởng định chưa được chứng đắc. Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với Diệt thọ tưởng định, không tịnh tín, không an trú, không giải thoát”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong Diệt thọ tưởng định, Ta thưởng thức lợi ích ấy”, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi trong Diệt thọ tưởng định, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”.
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi ích trong Diệt thọ tưởng định, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong Diệt thọ tưởng định, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, sau một thời gian, Ta vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ… chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định, ta thấy với trí tuệ và các lậu hoặc đi đến đoạn diệt.
13. Cho đến khi nào, này Ananda, chín thứ đệ trú Thiền chứng này chưa được Ta thuận thứ nghịch thứ chứng đạt và xuất khởi, thời này Ananda, trong thế giới, với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta chưa xác chứng rằng ta đã chứng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Cho đến khi nào, này Ananda, chín thứ đệ trú Thiền chứng này đã được Ta thuận thứ nghịch thứ chứng đạt và xuất khởi, thời này Ananda, trong thế giới này, với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, cho đến khi ấy, Ta mới xác chứng rằng Ta đã chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tri và Kiến khởi lên nơi Ta. Ta biết rằng: “Bất động là tâm giải thoát của Ta. Ðây là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sanh nữa”.
V. Phẩm Pancala
(I) (42) Pancalacanda
1. Như vầy tôi nghe:
Một thời Tôn giả Ananda trú ở Kosambi, tại khu vườn Ghosita. Rồi Tôn giả Udàyi đi đến Tôn giả Ananda, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Ananda những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Udàyi nói với Tôn giả Ananda:
– Thưa Hiền giả, lời này được Thiên tử Pancàlacanda nói như sau:
“Bậc thiện trí tìm được,
Giải thoát trong triền phược,
Vị giác tỉnh với Thiền,
Bậc giác giả Mâu-ni,
Bậc từ bỏ, không chấp
Bậc anh hùng ẩn sĩ.”
Thưa Hiền giả, thế nào là triền phược? Thế nào là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến?
2. – Này Hiền giả, năm dục trưởng dưỡng này được Thế Tôn gọi là triền phược. Thế nào là năm?
Các sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn; các tiếng do tai nhận thức… các hương do mũi nhận thức… các vị do lưỡi nhận thức… các xúc do thân nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn.
Này Hiền giả, năm dục trưởng dưỡng này là triền phược, được Thế Tôn nói đến.
3. Ở đây, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo ly các dục… chứng và trú sơ Thiền. Cho đến như vậy, này Hiền giả, là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là tầm và tứ chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền phược.
4. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ… chứng đạt và an trú Thiền thứ hai. Cho đến như vậy, này Hiền giả, là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là hỷ chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền phược.
5. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả… chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Cho đến như vậy, này Hiền giả, là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là xả lạc chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền phược.
6. Lại nữa, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo đoạn lạc… chứng và trú Thiền thứ tư. Cho đến như vậy, này Hiền giả là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là sắc tưởng chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền phược.
7. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các đối ngại tưởng, không tác ý đến sai biệt tưởng, biết rằng: “Hư không là vô biên”, chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Cho đến như vậy, này Hiền giả là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là Không vô biên xứ chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền phược.
8. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo biết rằng: “Thức là vô biên”, vượt qua Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ. Cho đến như vậy, thưa Hiền giả là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là Thức vô biên xứ chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền phược.
9. Lại nữa, thưa Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Không có vật gì”, chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ. Cho đến như vậy, thưa Hiền giả là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là Vô sở hữu xứ chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền phược.
10. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Cho đến như vậy, thưa Hiền giả là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là Phi tưởng phi phi tưởng xứ chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền phược.
11. Lại nữa, thưa Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định. Sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn diệt. Cho đến như vậy, này Hiền giả là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn.
(II) (43) Vị Thân Chứng
1. – “Thân chứng, thân chứng”, này Hiền giả, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, này Hiền giả, thân chứng được Thế Tôn nói đến?
2. – Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo ly dục… chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất. Như thế nào, như thế nào, sau khi cảm xúc với thân, vị ấy như vậy, như vậy an trú xứ ấy. Cho đến như vậy, này Hiền giả, thân chứng được Thế Tôn nói đến với pháp môn.
3. – Lại nữa, này các Hiền giả, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ… Thiền thứ hai… Thiền thứ ba… chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Như thế nào, như thế nào, sau khi cảm xúc với thân, vị ấy như vậy, như vậy an trú xứ ấy. Cho đến như vậy, này Hiền giả, thân chứng được Thế Tôn nói đến với pháp môn.
4. – Lại nữa, này các Hiền giả, Tỷ-kheo, sau khi vượt qua các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các tưởng đối ngại, không tác ý đến các tưởng sai biệt, biết rằng: “Hư không là vô biên”, chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Như thế nào, như thế nào, sau khi cảm xúc với thân, vị ấy như vậy, như vậy an trú xứ ấy. Cho đến như vậy, này Hiền giả, thân chứng được Thế Tôn nói đến với pháp môn… (như trên) …
5. – Lại nữa, này các Hiền giả, Tỷ-kheo, sau khi vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định. Như thế nào, như thế nào, sau khi cảm xúc với thân, vị ấy như vậy, như vậy an trú xứ ấy. Cho đến như vậy, này Hiền giả, thân chứng được Thế Tôn nói đến với pháp môn.
(III) (44) Tuệ Giải Thoát
1. – “Tuệ giải thoát, tuệ giải thoát”, này Hiền giả, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, này Hiền giả, tuệ giải thoát được Thế Tôn nói đến?
2. Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo ly dục… chứng đạt và an trú sơ Thiền; với trí tuệ vị ấy rõ biết. Cho đến như vậy, này các Hiền giả, tuệ giải thoát được Thế Tôn nói đến với pháp môn… (như trên).
3. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định; sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn tận. Với trí tuệ, vị ấy rõ biết. Cho đến như vậy, này Hiền giả, tuệ giải thoát được Thế Tôn nói đến với pháp môn.
(IV) (45) Giải Thoát Cả Hai Phần
1. – “Giải thoát cả hai phần, giải thoát cả hai phần”, này Hiền giả, được nói đến. Cho đến như thế nào, này Hiền giả, giải thoát cả hai phần được Thế Tôn nói đến?
2. – Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo ly dục… chứng đạt và an trú sơ Thiền. Như thế nào, như thế nào, sau khi cảm xúc với thân, vị ấy như vậy, như vậy an trú xứ ấy; với trí tuệ, vị ấy rõ biết. Cho đến như vậy, này Hiền giả, là giải thoát cả hai phần được Thế Tôn nói đến với pháp môn… (như trên)…
3. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định; sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được diệt trừ. Như thế nào, như thế nào, sau khi cảm xúc với thân, vị ấy như vậy, như vậy an trú xứ ấy; với trí tuệ, vị ấy rõ biết. Cho đến như vậy, này Hiền giả, tuệ giải thoát cả hai phần được Thế Tôn nói đến với pháp môn.
(V) (46) Chính Thực Mình Thấy (1)
– “Pháp là chính thực mình thấy, pháp là thiết thực hiện tại”, này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(VI) (47) Chính Thực Mình Thấy (2)
– “Niết-bàn là chính thực mình thấy, Niết-bàn là chính thực mình thấy”, này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(VII) (48) Niết Bàn
– “Niết-bàn, Niết-bàn”, này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(VIII) (49) Hoàn Mãn Niết Bàn
– “Hoàn mãn Niết-bàn, hoàn mãn Niết-bàn”, này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(IX) (50) Hoàn Mãn Niét Bàn
– “Chi phần Niết-bàn, chi phần Niết-bàn”, này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(X) (51) Thiết Thực Hiện Tại Niết Bàn
1. – “Thiết thực hiện tại Niết-bàn, Thiết thực hiện tại Niết-bàn”, này Hiền giả, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, này Hiền giả, là thiết thực hiện tại Niết-bàn được Thế Tôn nói đến?
2. – Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo ly dục… chứng đạt và an trú sơ Thiền. Cho đến như vậy, này Hiền giả, là thiết thực hiện tại Niết-bàn được Thế Tôn nói đến với pháp môn.
3. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo sau khi vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định, sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được tận. Cho đến như vậy, này Hiền giả, là thiết thực hiện tại Niết-bàn được Thế Tôn nói đến với pháp môn.
VI. Phẩm An Ổn
(I) (52) An Ổn
– “An ổn, an ổn”, này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(II) (53) Người Ðạt An Ổn
– “Người đạt an ổn, người đạt an ổn”, này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(III) (54) Bất Tử
– “Bất tử, bất tử”, này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(IV) (55) Người Ðạt Ðược Bất Tử
– “Người đạt được bất tử, người đạt được bất tử”, này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(V) (56) Vô Úy
– “Vô úy, vô úy”, này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(VI) (57) Người Ðạt Vô Úy
– “Người đạt vô úy, người đạt vô úy”, này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(VII) (58) Khinh An
– “Khinh an, khinh an”, này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(VIII) (59) Thứ Ðệ Khinh An
Thứ đệ khinh an, thứ đệ khinh an, này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(IX) (60) Ðoạn Diệt
– “Ðoạn diệt, đoạn diệt”, này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(X) (61) Thứ Ðệ Ðoạn Diệt
1. – “Thứ đệ đoạn diệt, thứ đệ đoạn diệt”, này Hiền giả, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, này Hiền giả, thứ đệ đoạn diệt được Thế Tôn nói đến?
2. – Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo ly dục… chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, … cho đến như vậy, này Hiền giả, thứ đệ đoạn diệt được Thế Tôn nói đến với pháp môn.
3. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định; sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn tận. Cho đến như vậy, này Hiền giả là thứ đệ đoạn diệt được Thế Tôn nói đến với pháp môn.
(XI) (62) Có Khả Năng
1. – Này các Tỷ-kheo, có chín pháp không đoạn trừ thì không có thể chứng ngộ quả A-la-hán. Thế nào là chín?
2. Tham sân, si, phẫn nộ, hiềm hận, giả dối, não hại, tật đố, xan tham.
Chín pháp này, này các Tỷ-kheo, không đoạn trừ thì không có thể chứng ngộ quả A-la-hán.
3. Chín pháp này, này các Tỷ-kheo, được đoạn trừ thì có thể chứng ngộ quả A-la-hán. Thế nào là chín?
4. Tham, sân, si, phẫn nộ, hiềm hận, giả dối, não hại, tật đố, xan tham.
VII. Phẩm Niệm Xứ
(I) (63) Học Tập
1. – Này các Tỷ-Kheo, có năm pháp làm suy yếu học tập này. Thế nào là năm?
2. Sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, đắm say rượu men, rượu nấu. Này các Tỷ-kheo, đây là năm pháp làm suy yếu học tập.
3. Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm pháp làm suy yếu học tập này, Bốn niệm xứ cần phải tu tập. Thế nào là bốn?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú tùy quán thân trên thân, nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm, để nhiếp phục tham ưu ở đời. Vị ấy trú tùy quán thọ trên các cảm thọ…. trú tùy quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu ở đời.
Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm pháp làm suy yếu học tập này, Bốn niệm xứ cần phải tu tập.
(II) (64) Triền Cái
1. – Này các Tỷ-kheo, có năm triền cái này. Thế nào là năm?
2. Dục tham triền cái, sân triền cái, hôn trầm thụy miên triền cái, trạo hối triền cái, nghi triền cái. Này các Tỷ-kheo, có năm triền cái này.
3. Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm triền cái này, Bốn niệm xứ cần phải tu tập. Thế nào là bốn?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú quán thân trên thân… trú quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm triền cái, Bốn niệm xứ cần phải tu tập.
(III) (65) Dục Trưởng Dưỡng
1.- Này các Tỷ-kheo, có năm dục trưởng dưỡng này. Thế nào là năm?
2. Các sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn, các tiếng do tai nhận thức khả lạc… hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, có năm dục trưởng dưỡng này.
3. Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm dục trưởng dưỡng này, Bốn niệm xứ này phải tu tập.
(IV) (66) Thủ Uẩn
1. – Này các Tỷ-kheo có năm thủ uẩn này. Thế nào là năm?
2. Sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này các Tỷ-kheo, có năm thủ uẩn này.
3. Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm thù uẩn này, Bốn niệm xứ cần phải tu tập. Thế nào là bốn? …. Bốn niệm xứ cần phải tu tập.
(V) (67) Năm Hạ Phần Kiết Sử
1. – Này các Tỷ-kheo có năm hạ phần kiết sử này. Thế nào là năm?
2. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Này các Tỷ-kheo, có năm hạ phần kiết sử này.
3. Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận tâm hạ phần kiết sử này, Bốn niệm xứ cần phải tu tập. Thế nào là bốn? … Bốn niệm xứ này cần phải tu tập.
(VI) (68) Sanh Thú
1. – Này các Tỷ-kheo, có năm sanh thú này. Thế nào là năm?
2. Ðịa ngục, loài bàng sanh, cõi ngạ quỷ, loài Người, chư Thiên. Này các Tỷ-kheo, có năm sanh thú này.
3. Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm sanh thú này, Bốn niệm xứ cần phải tu tập. Thế nào là bốn? … Bốn niệm xứ này cần phải tu tập.
(VII) (69) Xan Tham
1. – Này các Tỷ-kheo, có năm xan tham này. Thế nào là năm?
2. Xan tham trú xứ, xan tham gia đình, xan tham lợi dưỡng, xan tham dung sắc, xan tham pháp.
3. Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm xan tham này, Bốn niệm xứ cần phải tu tập. Thế nào là bốn? … Bốn niệm xứ này cần phải tu tập.
(VIII) (70) Năm Thượng Phần Kiết Sử
1. – Này các Tỷ-kheo, có năm thượng phần kiết sử này. Thế nào là năm?
2. Sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử, vô minh. Này các Tỷ-kheo, có năm thượng phần kiết sử này.
3. Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, cần phải tu tập Bốn niệm xứ. Thế nào là bốn? … Bốn niệm xứ này cần phải tu tập.
(IX) (71) Năm Tâm Hoang Vu
1. – Có năm tâm hoang vu này. Thế nào là năm?
Này các Tỷ-kheo, ở đây vị Tỷ-kheo nghi ngờ, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín đối với bậc Ðạo Sư. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào nghi ngờ, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín đối với bậc Ðạo Sư, Tỷ-kheo ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn. Khi tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn, như vậy gọi là tâm hoang vu thứ nhất.
2. Này các Tỷ-kheo, lại nữa, vị Tỷ-kheo nghi ngờ đối với Pháp…. (như trên…) đối với Tăng… (như trên..) đối với Học pháp… tức giận đối với các vị đồng Phạm hạnh, không hoan hỷ, tâm dao động, trở thành hoang vu. Này các Tỷ-kheo, khi một vị Tỷ-kheo phẫn nộ đối với vị đồng Phạm hạnh, không hoan hỷ, tâm dao động, trở thành hoang vu, Tỷ-kheo ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh thần. Như vậy gọi là tân hoang vu thứ năm.
3. Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm tâm hoang vu này… Bốn niệm xứ cần phải tu tập.
(X) (72) Tâm Triền Phược
1. – Này các Tỷ-kheo, có năm triền phược này. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tâm không ly tham, không ly dục, không ly ái, không ly khao khát, không ly nhiệt tình, không ly ái nhiễm đối với các dục. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tâm không ly tham, không ly dục, không ly ái, không ly khao khát, không ly nhiệt tình, không ly ái nhiễm đối với các dục, tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn. Tâm của vị nào không hướng về… (như trên)… như vậy là tâm triền phược thứ nhất.
3. Này các Tỷ-kheo, lại nữa, Tỷ-kheo tâm không ly tham đối với thân… không ly tham đối với sắc… ăn quá sức bao tử có thể chịu nổi, hưởng thọ sung sướng về giường nằm, sung sướng về thụy miên… Này các Tỷ-kheo, lại nữa, Tỷ-kheo sống đời sống Phạm hạnh với hy vọng mong được thành một loại chư Thiên, “Với giới này, với luật này, với khổ hạnh này, hay với Phạm hạnh này, ta sẽ trở thành loại chư Thiên này hay loại chư Thiên khác”. Này các Tỷ-kheo, khi Tỷ-kheo sống đời sống Phạm hạnh với hy vọng được thành một loại chư Thiên, “Với giới này, với luật này, với khổ hạnh này hay với Phạm hạnh này, ta sẽ trở thành loại chư Thiên này hay loại chư Thiên khác”, tâm vị này không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn. Tâm vị nào… như vậy là tâm triền phược thứ năm.
4. Này các Tỷ-kheo, đây là năm tâm triền phược, muốn đoạn tận năm tâm triền phược này, Bốn niệm xứ này cần phải tu tập.
VIII. Phẩm Chánh Cần
(I-X) (73 – 81) Bốn Chánh Cần
(Giống như phẩm Bốn niệm xứ trước, chỉ khác ở đây Bốn chánh cần thế cho Bốn niệm xứ ở trên, và Bốn chánh cần được diễn tả như sau).
Thế nào là bốn?
– Ở đây, này các Tỷ-kheo, với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp từ trước chưa sanh không cho sanh khởi, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm. Với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sanh ra được trừ diệt, khởi lên ý muốn cố gắng…. trì tâm. Với mục đích khiến cho các thiện pháp đã được sanh có thể duy trì, không có mù mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm.
IX. Phẩm Bốn Như Ý Túc
(I-X) (82 – 92) Bốn Như Ý Túc
(Giống như phẩm Bốn niệm xứ trước, chỉ khác ở đây Bốn như ý túc thế cho Bốn niệm xứ ở trên, và Bốn như ý túc được diễn tả như sau).
Thế nào là bốn?
– Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với Dục định tinh cần hành…. câu hữu với Tinh tấn định tinh cần hành,… câu hữu với Tâm định tinh cần hành,… câu hữu với Tư duy định tinh cần hành.
X. Phẩm Tham
(I) (93) Thắng Tri Tham
1. – Này các Tỷ-kheo, để thắng tri tham, chín pháp cần phải tu tập. Thế nào là chín?
2. Tưởng bất tịnh, tưởng chết, tưởng yểm ly đối với các món ăn, tưởng không vui thích đối với tất cả thế giới, tưởng vô thường, tưởng khổ trên vô thường, tưởng vô ngã trên khổ, tưởng đoạn tận, tưởng ly tham.
Này các Tỷ-kheo, để thắng tri tham, chín pháp này cần phải tu tập.
(II) (94) Thắng Tri Tham
1. – Này các Tỷ-kheo, để thắng tri tham, chín pháp cần phải tu tập. Thế nào là chín?
2. Sơ Thiền, Thiền thứ hai, thiền thứ ba, Thiền thứ tư, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Diệt thọ tưởng định.
Này các Tỷ-kheo, để thắng tri tham, chín pháp này cần phải tu tập.
(III) (95 – 100) Liễu Tri Tham
1. – Này các Tỷ-kheo, để liễu tri tham… để diệt tận… để đoạn tận… để trừ diệt… để ly tham… để đoạn diệt… để trừ khử… để từ bỏ, chín pháp này cần phải tu tập.
2. Ðể liễu tri sân… si, phẫn nộ, hiềm hận, giả dối, não hại, tật đố, xan tham, man trá, phản bội, ngoan cố, bồng bột, mạn, tăng thượng mạn, kiêu, phóng dật… để thắng tri… để liễu tri… để diệt tận…để đoạn diệt… để trừ diệt… để ly tham… để đoạn diệt… để trừ khử… để từ bỏ, chín pháp này cần phải tu tập.
Thế Tôn thuyết như vậy, các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
(I) (32) Chín Thứ Ðệ Trú (1)
1. – Này các Tỷ-kheo, có chín thứ đệ trú này. Thế nào là chín?
2. Này Hiền giả, ở đây có Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh có tầm và tứ. Diệt tầm và tứ… Thiền thứ hai… Thiền thứ ba… chứng và trú Thiền thứ tư. Sau khi vượt qua sắc tưởng một cách hoàn toàn, sau khi chấm dứt các đối ngại tưởng, không tác ý các tưởng sai biệt, biết rằng: “Hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ. Sau khi vượt qua Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Thức là vô biên”, chứng và trú Thức vô biên xứ. Sau khi vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Không có sự gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ. Sau khi vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Sau khi vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng và trú Diệt thọ tưởng định.
Này các Tỷ-kheo, đây là chín thứ đệ trú.
(II) (33) Chín Thứ Ðệ Trú (2)
1. – Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết về chín Thiền chứng thứ đệ trú này. Hãy lắng nghe… Này các Tỷ-kheo, thế nào là chín thứ đệ trú Thiền chứng?
2. Chỗ nào các dục đoạn diệt, và những ai sau khi đoạn diệt các dục, sống an trú, Ta nói rằng: “Chắc chắn Tôn giả ấy không có dục ái, được tịch tịnh, đã vượt qua, đã đến bờ bên kia với Thiền chi ấy”. Chỗ nào các dục được đoạn diệt? Những ai sau khi đoạn diệt các dục, sống an trú: “Ta không biết vậy, Ta không thấy vậy”, ai nói như vậy, người ấy cần được nói như sau: “Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo ly các dục… chứng và an trú Thiền thứ nhất. Tại đây, các dục được đoạn diệt, các vị ấy sau khi đoạn diệt các dục, sống an trú”. Chắc chắn, này các Tỷ-kheo, người không lường gạt, không man trá sẽ hoan hỷ, sẽ tùy hỷ với lời nói “Lành thay”. Sau khi hoan hỷ, tùy hỷ với lời nói “Lành thay” người ấy sẽ đảnh lễ, chắp tay và hầu hạ.
3. Chỗ nào các tầm và tứ được đoạn diệt, và những ai sau khi đoạn diệt, đoạn diệt tầm và tứ, sống an trú, Ta nói rằng: “Chắc chắn các Tôn giả ấy không có dục ái, được tịch tịnh, đã vượt qua , đã đến bờ bên kia với Thiền chi ấy”. Chỗ nào các tầm và tứ được đoạn diệt ? Những ai sau khi đoạn diệt tầm và tứ, sống an trú: “Ta không biết vậy, Ta không thấy vậy”, ai nói như vậy, người ấy cần được nói như sau: “Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ… chứng và trú Thiền thứ hai. Tại đây, các tầm và tứ được đoạn diệt, các vị ấy sau khi đoạn diệt tầm và tứ, sống an trú”. Chắc chắn, này các Tỷ-kheo, người không lường gạt, không man trá sẽ hoan hỷ, tùy hỷ với lời nói “Lành thay”. Sau khi hoan hỷ, tùy hỷ với lời nói “Lành thay” người ấy sẽ đảnh lễ, chắp tay và hầu hạ.
4. Chỗ nào hỷ được đoạn diệt, và những ai sau khi đoạn diệt hỷ, sống an trú, Ta nói rằng: “Chắc chắn các Tôn giả ấy không có dục ái, được tịch tịnh, đã vượt qua, đã đến bờ bên kia với Thiền chi ấy”. Chỗ nào hỷ được đoạn diệt? Những ai sau khi đoạn diệt hỷ, sống an trú. “Ta không biết vậy, ta không thấy vậy”, ai nói như vậy, người ấy cần được nói như sau: “Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chứng và trú Thiền thứ ba. Tại đây, hỷ được đoạn diệt. Các vị ấy sau khi đoạn diệt hỷ, sống an trú”. Chắc chắn, này các Tỷ-kheo, người không lường gạt, không man trá sẽ hoan hỷ, sẽ tùy hỷ với lời nói “Lành thay”. Sau khi hoan hỷ, sau khi tùy hỷ với lời nói “Lành thay” người ấy sẽ đảnh lễ, chắp tay và hầu hạ.
5. Chỗ nào xả lạc được đoạn diệt, và những ai sau khi đoạn diệt xả lạc, sống an trú, Ta nói rằng: “Chắc chắn các Tôn giả ấy không có dục ái, được tịch tịnh, đã vượt qua, đã đến bờ bên kia với Thiền chi ấy”. Chỗ nào xả lạc được đoạn diệt? Những ai sau khi đoạn diệt xả lạc, sống an trú. “Ta không biết vậy, ta không thấy vậy”, ai nói như vậy, người ấy cần được nói như sau: “Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ,… chứng và trú Thiền thứ tư. Tại đây, xả lạc được đoạn diệt. Các vị ấy sau khi đoạn diệt xả lạc, sống an trú”. Chắc chắn, này các Tỷ-kheo, người không giả dối, không lường gạt sẽ hoan hỷ, sẽ tùy hỷ với lời nói “Lành thay”. Sau khi hoan hỷ, sau khi tùy hỷ với lời nói “Lành thay” người ấy sẽ đảnh lễ, chắp tay và hầu hạ.
6. Chỗ nào sắc tưởng được đoạn diệt, và những ai sau khi đoạn diệt sắc tưởng, sống an trú, Ta nói rằng: “Chắc chắn các Tôn giả ấy không có dục ái, được tịch tịnh, đã vượt qua, đã đến bờ bên kia với Thiền chi ấy”. Chỗ nào sắc tưởng được đoạn diệt? Những ai sau khi đoạn diệt sắc tưởng, sống an trú. “Ta không biết vậy, ta không thấy vậy”, ai nói như vậy, người ấy cần được nói như sau: “Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các chướng ngại tưởng, không tác ý các sai biệt tưởng, biết rằng: “Hư không là vô biên”, chứng đạt và an trú “Không vô biên xứ”. Ở đây, các sắc tưởng được đoạn diệt. Các vị ấy sau khi đoạn diệt sắc tưởng, sống an trú”. Chắc chắn, này các Tỷ-kheo, người không lường gạt, không man trá sẽ hoan hỷ, sẽ tùy hỷ với lời nói “Lành thay”. Sau khi hoan hỷ, sau khi tùy hỷ với lời nói “Lành thay” người ấy sẽ đảnh lễ, chắp tay và hầu hạ.
7. Chỗ nào Không vô biên xứ tưởng được đoạn diệt, và những ai sau khi đoạn diệt Không vô biên xứ tưởng, sống an trú, Ta nói rằng: “Chắc chắn các Tôn giả ấy không có dục ái, được tịch tịnh, đã vượt qua, đã đến bờ bên kia với Thiền chi ấy”. Chỗ nào Không vô biên xứ tưởng được đoạn diệt? Những ai sau khi đoạn diệt Không vô biên xứ tưởng, sống an trú. “Ta không biết vậy, ta không thấy vậy”, ai nói như vậy, người ấy cần được nói như sau: “Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua Không vô biên xứ tưởng một cách hoàn toàn, biết rằng: “Thức là vô biên”, chứng và trú “Thức vô biên xứ”. Tại đây, Không vô biên xứ tưởng được đoạn diệt. Các vị ấy sau khi đoạn diệt Không vô biên xứ tưởng, sống an trú”. Chắc chắn, này các Tỷ-kheo, người không lường gạt, không man trá sẽ hoan hỷ, sẽ tùy hỷ với lời nói “Lành thay”. Sau khi hoan hỷ, sau khi tùy hỷ với lời nói “Lành thay” người ấy sẽ đảnh lễ, chắp tay và hầu hạ.
8. Chỗ nào Thức vô biên xứ tưởng được đoạn diệt, và những ai sau khi đoạn diệt Thức vô biên xứ tưởng, sống an trú, Ta nói rằng: “Chắc chắn các Tôn giả ấy không có dục ái, được tịch tịnh, đã vượt qua, đã đến bờ bên kia với Thiền chi ấy”. Chỗ nào Thức vô biên xứ tưởng được đoạn diệt? Những ai sau khi đoạn diệt Thức vô biên xứ tưởng, sống an trú. “Ta không biết vậy, ta không thấy vậy”, ai nói như vậy, người ấy cần được nói như sau: “Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua Thức vô biên xứ tưởng một cách hoàn toàn, biết rằng: “Không có vật gì”, chứng và trú “Vô sở hữu xứ”. Tại đây, Thức vô biên xứ tưởng được đoạn diệt. Các vị ấy, sau khi đoạn diệt Thức vô biên xứ tưởng, sống an trú. Chắc chắn, này các Tỷ-kheo, người không lường gạt, không man trá sẽ hoan hỷ, sẽ tùy hỷ với lời nói “Lành thay”. Sau khi hoan hỷ, sau khi tùy hỷ với lời nói “Lành thay” người ấy sẽ đảnh lễ, chắp tay và hầu hạ.
9. Chỗ nào Vô sở hữu xứ tưởng được đoạn diệt, và những ai sau khi đoạn diệt Vô sở hữu xứ tưởng, sống an trú, Ta nói rằng: “Chắc chắn các Tôn giả ấy không có dục ái, được tịch tịnh, đã vượt qua, đã đến bờ bên kia với Thiền chi ấy”. Chỗ nào Vô sở hữu xứ tưởng được đoạn diệt? Những ai sau khi đoạn diệt Vô sở hữu xứ tưởng, sống an trú. “Ta không biết vậy, ta không thấy vậy”, ai nói như vậy, người ấy cần được nói như sau: “Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ”. Tại đây, Vô sở hữu xứ tưởng được đoạn diệt. Các vị ấy, sau khi đoạn diệt Vô sở hữu xứ tưởng, sống an trú. Chắc chắn, này các Tỷ-kheo, người không lường gạt, không man trá sẽ hoan hỷ, sẽ tùy hỷ với lời nói “Lành thay”. Sau khi hoan hỷ, sau khi tùy hỷ với lời nói “Lành thay” người ấy sẽ đảnh lễ, chắp tay và hầu hạ.
10. Chỗ nào Phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng được đoạn diệt, và những ai sau khi đoạn diệt Phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng, sống an trú, Ta nói rằng: “Chắc chắn các Tôn giả ấy không có dục ái, được tịch tịnh, đã vượt qua, đã đến bờ bên kia với Thiền chi ấy”. Chỗ nào Phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng được đoạn diệt? Những ai sau khi đoạn diệt Phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng, sống an trú. “Ta không biết vậy, ta không thấy vậy”, ai nói như vậy, người ấy cần được nói như sau: “Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn… chứng và trú Diệt thọ tưởng định”. Tại đây, Phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng được đoạn diệt. Các vị ấy, sau khi đoạn diệt Phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng, sống an trú. Chắc chắn, này các Tỷ-kheo, người không lường gạt, không man trá sẽ hoan hỷ, sẽ tùy hỷ với lời nói “Lành thay”. Sau khi hoan hỷ, tùy hỷ với lời nói “Lành thay” sẽ đảnh lễ, chắp tay và hầu hạ.
Này các Tỷ-kheo, đây chín là thứ đệ trú Thiền chứng.
(III) (34) Niết Bàn
1. Như vầy tôi nghe:
Một thời, Tôn giả Sàriputta trú ở Ràjagaha, tại Veluvana, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Tại đấy, Tôn giả Sàriputta bảo các Tỷ-kheo:
– Này các Hiền giả, lạc là Niết-bàn này; này các Hiền giả, lạc là Niết-bàn này.
2. Khi nghe nói vậy, Tôn giả Udàyi nói với Tôn giả Sàriputta:
– Thưa Hiền giả Sàriputta, sao đây là lạc, khi ở đây không có cái gì được cảm thọ?
3. – Này Hiền giả, cái này ở đây là lạc, dầu rằng lạc ấy ở đây không được cảm thọ. Này Hiền giả, có năm dục trưởng dưỡng này. Thế nào là năm?
Các sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức… Các hương do mũi nhận thức… Các vị do lưỡi nhận thức… Các xúc do thân nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn.
Này Hiền giả, có năm dục trưởng dưỡng này. Này Hiền giả do duyên năm dục trưởng dưỡng này khởi lên lạc hỷ, này Hiền giả, đây gọi là dục lạc.
4. Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo ly các dục, ly ác, bất thiện pháp… chứng đạt và an trú sơ Thiền. Này Hiền giả, nếu trong khi Tỷ-kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với dục vẫn hiện hành; như vậy, đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Ví như, này chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh. Cũng vậy, với Tỷ-kheo ấy, các tưởng tác ý, câu hữu với dục vẫn hiện hành; như vậy, đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Này chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn này, này chư Hiền, cần phải hiểu Niết-bàn là lạc.
5. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ… đạt được Thiền thứ hai và an trú. Này chư Hiền, nếu trong khi Tỷ-kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với tầm vẫn hiện hành; như vậy, đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Ví như, này chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh. Cũng vậy, với Tỷ-kheo ấy, các tưởng tác ý câu hữu với tầm vẫn hiện hành; như vậy đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Này chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn này, này chư Hiền, cần phải hiểu Niết-bàn là lạc.
6. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo ly hỷ…. chứng và trú Thiền thứ ba. Này chư Hiền, nếu trong khi Tỷ-kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với hỷ vẫn hiện hành; như vậy, đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Ví như, này chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh. Cũng vậy, với Tỷ-kheo ấy, các tưởng tác ý câu hữu với hỷ vẫn hiện hành; như vậy đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Này chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn này, này chư Hiền, cần phải hiểu Niết-bàn là lạc.
7. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo đoạn lạc… đạt được Thiền thứ tư. Này chư Hiền, nếu trong khi Tỷ-kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với xả vẫn hiện hành; như vậy, đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Ví như, này chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh. Cũng vậy, với Tỷ-kheo ấy, các tưởng tác ý câu hữu với xả vẫn hiện hành; như vậy đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Này chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn này, này chư Hiền, cần phải hiểu Niết-bàn là lạc.
8. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo vượt khỏi các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các chướng ngại tưởng, không tác ý đến các tưởng sai biệt, biết rằng: “Hư không là vô biên” chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Này chư Hiền, nếu trong khi Tỷ-kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với sắc vẫn hiện hành; như vậy, đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Ví như, này chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh. Cũng vậy, với Tỷ-kheo ấy, các tưởng tác ý câu hữu với sắc vẫn hiện hành; như vậy đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Này chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn này, này chư Hiền, cần phải hiểu Niết-bàn là lạc.
9. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo vượt khỏi Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Thức là vô biên” chứng và an trú Thức vô biên xứ. Này chư Hiền, nếu trong khi Tỷ-kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với Không vô biên xứ vẫn hiện hành; như vậy, đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Ví như, này chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh. Cũng vậy, với Tỷ-kheo ấy, các tưởng tác ý câu hữu với Không vô biên xứ vẫn hiện hành; như vậy đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Này chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn này, này chư Hiền, cần phải hiểu Niết-bàn là lạc.
10. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo vượt khỏi Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Không có vật gì” chứng và an trú Vô sở hữu xứ. Này chư Hiền, nếu trong khi Tỷ-kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với Thức vô biên xứ vẫn hiện hành; như vậy, đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Ví như, này chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh. Cũng vậy, với Tỷ-kheo ấy, các tưởng tác ý câu hữu với Thức vô biên xứ vẫn hiện hành; như vậy đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Này chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn này, này chư Hiền, cần phải hiểu Niết-bàn là lạc.
11. Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo vượt khỏi Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Này chư Hiền, nếu trong khi Tỷ-kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với Vô sở hữu xứ vẫn hiện hành; như vậy, đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Ví như, này chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh. Cũng vậy, với Tỷ-kheo ấy, các tưởng tác ý câu hữu với Vô sở hữu xứ vẫn hiện hành; như vậy đối với Tỷ-kheo ấy là một chứng bệnh. Này chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn này, này chư Hiền, cần phải hiểu Niết-bàn là lạc.
12. Này chư Hiền, Tỷ-kheo vượt khỏi Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng và trú Diệt thọ tưởng định. Vị ấy, sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn tận. Với pháp môn này, này chư Hiền, cần phải hiểu Niết-bàn là lạc.
(IV) (35) Con Bò Cái
1. – Ví như, này các Tỷ-kheo, một con bò cái sống ở rừng núi, ngu si, không thông minh, không biết đồng ruộng, không thiện xảo đi đến các núi non hiểm trở. Nó suy nghĩ: “Ta hãy đi đến phương hướng trước kia chưa đi, ta hãy ăn cỏ trước kia chưa được ăn, ta sẽ uống nước trước kia chưa được uống”, và con bò cái ấy đã giơ chân sau lên, trước khi nó khéo đặt một cách tốt đẹp bàn chân trước, và nó không có thể đi đến phương hướng trước kia chưa đi, không có thể ăn cỏ trước kia chưa được ăn, và không có thể uống nước trước kia chưa được uống. Tại chỗ mà trước kia nó đặt chân, nó nghĩ: “Ta hãy đi đến phương hướng trước kia chưa đi, ta hãy ăn cỏ trước kia chưa ăn, ta sẽ uống nước trước kia chưa uống”, nó không có thể trở lui chỗ ấy một cách an toàn. Vì sao? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vì con bò cái ấy sống ở rừng núi, ngu si, không thông minh, không biết chỗ đồng ruộng, không thiện xảo đi đến các núi con hiểm trở. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có một số Tỷ-kheo ngu si, không thông minh, không biết chỗ đồng ruộng, không thiện xảo, ly dục, ly ác pháp… chứng và trú Thiền thứ nhất. Vị ấy không thực hành, không tu tập tướng ấy không làm cho sung mãn, không trú một cách khéo trú, vị ấy lại suy nghĩ: “Ta hãy diệt tầm và tứ… chứng và trú Thiền thứ hai”. Vị ấy không có thể diệt các tầm và tứ… không có thể chứng và trú Thiền thứ hai. Dầu cho vị ấy có suy nghĩ: “Ta hãy ly dục… chứng và an trú Thiền thứ nhất”, vị ấy cũng không thể ly dục… chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo rơi vào cả hai phía, đọa vào cả hai phía, ví như con bò cái ấy sống ở rừng núi, ngu si , không thông minh, không biết chỗ đồng ruộng, không thiện xảo đi đến các núi non hiểm trở.
2. Ví như, này các Tỷ-kheo, một con bò cái sống ở rừng núi, hiền trí, thông minh, biết đồng ruộng, biết thiện xảo đi đến các núi non hiểm trở. Nó suy nghĩ: “Ta hãy đi đến phương hướng trước kia chưa đi, ta hãy ăn cỏ trước kia chưa được ăn, ta sẽ uống nước trước kia chưa được uống”, và con bò cái ấy, sau khi nó khéo đặt một cách tốt đẹp bàn chân trước rồi giơ chân sau lên, và nó có thể đi đến phương hướng trước kia chưa đi, ăn cỏ trước kia chưa được ăn, và uống nước trước kia chưa được uống. Tại chỗ mà trước kia nó đặt chân, nó nghĩ: “Ta hãy đi đến phương hướng trước kia chưa đi, ta hãy ăn cỏ trước kia chưa ăn, ta sẽ uống nước trước kia chưa uống”, nó có thể trở lui chỗ ấy một cách an toàn. Vì sao? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vì con bò cái ấy sống ở rừng núi, hiền trí, thông minh, biết chỗ đồng ruộng, thiện xảo đi đến các núi non hiểm trở. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có một số Tỷ-kheo hiền trí, thông minh, biết chỗ đồng ruộng, biết thiện xảo, ly dục, ly ác pháp… có thể chứng và trú Thiền thứ nhất. Vị ấy thực hành, tu tập làm cho sung mãn tướng ấy, trú một cách khéo trú. Vị ấy lại suy nghĩ: “Ta hãy diệt tầm và tứ… chứng và trú Thiền thứ hai”. Vị ấy không lẫn lộn Thiền thứ hai, diệt các tầm và tứ… chứng đạt và an trú Thiền thứ hai. Vị ấy thực hành, tu tập, làm cho sung mãn tướng ấy, trú một cách khéo trú. Vị ấy suy nghĩ: “Ta hãy ly hỷ… chứng đạt và an trú Thiền thứ ba”. Vị ấy thực hành, tu tập, làm cho sung mãn tướng ấy, trú một cách khéo trú. Vị ấy suy nghĩ: “Ta hãy đoạn lạc, đoạn khổ… chứng đạt và an trú Thiền thứ tư”. Vị ấy không lẫn lộn Thiền thứ tư, đoạn lạc, đoạn khổ… chứng và an trú Thiền thứ tư. Vị ấy thực hành, tu tập, làm cho sung mãn tướng ấy, trú một cách khéo trú. Vị ấy suy nghĩ: “Ta hãy vượt qua các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các chướng ngại tưởng, không tác ý đến các tưởng sai biệt”, biết rằng: “Hư không là vô biên”, chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Vị ấy không lẫn lộn Không vô biên xứ, vượt qua các sắc tưởng một cách hoàn toàn… không tác ý đến các tưởng sai biệt, biết rằng: “Hư không là vô biên”, chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Vị ấy thực hành, tu tập, làm cho sung mãn tướng ấy, trú một cách khéo trú. Vị ấy suy nghĩ: “Ta hãy vượt qua Không vô biên xứ một cách hoàn toàn”, biết rằng: “Thức là vô biên”, chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ. Vị ấy không lẫn lộn Thức vô biên xứ, vượt qua Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Thức là vô biên”, chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ. Vị ấy thực hành, tu tập làm cho sung mãn tướng ấy, trú một cách khéo trú. Vị ấy suy nghĩ: “Ta hãy vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn”, biết rằng “Không có vật gì”, chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ. Vị ấy không lẫn lộn Vô sở hữu xứ, vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Không có vật gì”, chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ. Vị ấy thực hành, tu tập làm cho sung mãn tướng ấy, trú một cách khéo trú. Vị ấy suy nghĩ: “Ta hãy vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn”, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vị ấy không lẫn lộn Phi tưởng phi phi tưởng xứ, vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vị ấy thực hành, tu tập làm cho sung mãn tướng ấy, trú một cách khéo trú. Vị ấy suy nghĩ: “Ta hãy vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định”. Vị ấy không lẫn lộn Diệt thọ tưởng định, vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định.
3. Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo nhập vào và xuất ra khỏi Thiền chứng ấy, tâm vị ấy trở thành nhu nhuyến, kham nhậm. Với tâm nhu nhuyến kham nhậm, định được khéo tu tập, trở thành vô lượng. Vị ấy với định vô lượng khéo tu tập, tùy theo pháp gì, pháp gì cần được chứng ngộ với thắng trí, vị ấy hướng tâm về sự chứng ngộ với thắng trí. Tại đấy, tại đấy, vị ấy có được khả năng chứng đạt được, dầu thuộc loại xứ nào. Nếu muốn, vị ấy có thể chứng đắc nhiều loại thần thông, một thân có thể trở thành nhiều thân… với thân có thể đạt đến cõi Phạm thiên. Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng chứng đạt được, dầu thuộc loại xứ nào. Nếu muốn, vị ấy có thể chứng đắc Thiên nhĩ thông… Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng chứng đạt được, dầu thuộc loại xứ nào. Nếu muốn, vị ấy có thể chứng Tha tâm thông, với tâm của mình biết được tâm của các loại chúng sanh và các loại hữu tình: Tâm có tham biết là tâm có tham, tâm không tham biết là tâm không tham… tâm giải thoát biết là tâm giải thoát. Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng chứng đạt được, dầu thuộc loại xứ nào. Nếu muốn, vị ấy có thể: ‘Ta sẽ nhớ lại nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời… có thể nhớ được nhiều đời quá khứ, với các nét đại cương và các chi tiết”. Tại đấy, tại đấy vị ấy có khả năng chứng đạt được, dầu thuộc loại xứ nào. Nếu vị ấy muốn, vị ấy với Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân… “Ta có thể rõ biết các loài hữu tình theo nghiệp lực của chúng”. Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng chứng đạt được, dầu thuộc loại xứ nào. Nếu muốn, vị ấy có thể, do đoạn tận các lậu hoặc… sau khi chứng ngộ, chứng đạt, vị ấy an trú. Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng chứng đạt được, dầu thuộc loại xứ nào.
(V) (36) Thiền
1. – Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: “Y chỉ nơi sơ Thiền, các lậu hoặc được diệt tận”. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: “Y chỉ vào Thiền thứ hai, các lậu hoặc được diệt tận”. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng” Y chỉ vào Thiền thứ ba, các lậu hoặc được diệt tận”. “. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng” Y chỉ vào Thiền thứ tư, các lậu hoặc được diệt tận”. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: “Y chỉ vào không vô biên xứ… y chỉ vào Thức vô biên xứ… y chỉ vào Vô sở hữu xứ… Ta nói rằng: “Y chỉ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, các lậu hoặc được đoạn tận”.
2. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: “Y chỉ vào sơ Thiền, các lậu hoặc được đoạn tận”, như vậy được nói đến. Do duyên gì, được nói đến như vậy?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ly dục… chứng và trú sơ Thiền. Vị ấy, ở đây đối với cái gì thuộc về sắc, thuộc về thọ, thuộc về tưởng, thuộc về hành, thuộc về thức, các pháp ấy, vị ấy tùy quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là mụt nhọt, là mũi tên, là va chạm, là tật bệnh, là khách lạ, là biến hoại, là trống không, là vô ngã. Vị ấy tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, sau khi tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, vị ấy hướng dẫn đến giới bất tử: “Ðây là tịch tịnh, đây là thù thắng, tức là sự chỉ tức tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự diệt tận khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Vị ấy trú ở đây, đạt đến sự diệt tận các lậu hoặc, nếu không diệt tận các lậu hoặc, với pháp ái ấy, với pháp hỷ ấy, do đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, là vị hóa sanh, tại đấy chứng được Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa. Ví như người bắn cung, hay đệ tử người bắn cung tập bắn trên một hình nộm bằng cỏ hay trên đống đất sét, rồi người ấy có thể trở thành một người bắn xa, bắn nhanh, bắn thủng qua vật dày lớn.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ly dục… chứng đạt và an trú sơ Thiền. Vị ấy ở đây, đối với cái gì thuộc về sắc, thuộc về thọ, thuộc về tưởng, thuộc về hành, thuộc về thức, các pháp ấy, vị ấy tùy quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là mụt nhọt, là mũi tên, là va chạm, là tật bệnh, là khách lạ, là biến hoại, là trống không, là vô ngã. Vị ấy tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, sau khi tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, vị ấy hướng dẫn đến giới bất tử: “Ðây là tịch tịnh, đây là thù thắng, tức là sự chỉ tức tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự diệt tận khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Vị ấy trú ở đây, đạt đến sự diệt tận các lậu hoặc. Nếu không diệt tận các lậu hoặc, với pháp ái ấy, với pháp hỷ ấy, do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy là vị hóa sanh, tại đấy chứng được Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa.
Này các Tỷ-kheo, Ta nói y chỉ vào sơ Thiền, các lậu hoặc được đoạn tận, như vậy được nói đến. Do duyên này, được nói đến.
3. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng y chỉ Thiền thứ hai… y chỉ Thiền thứ ba… y chỉ Thiền thứ tư, các lậu hoặc được đoạn tận, như vậy được nói đến. Do duyên gì được nói đến?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn tận lạc, đoạn tận khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm, thanh tịnh. Vị ấy ở đây, đối với cái gì thuộc về sắc, thuộc về thọ, thuộc về tưởng, thuộc về hành, thuộc về thức, các pháp ấy, vị ấy tùy quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là mụt nhọt, là mũi tên, là va chạm, là tật bệnh, là khách lạ, là biến hoại, là trống không, là vô ngã. Vị ấy tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, sau khi tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, vị ấy hướng dẫn đến giới bất tử: “Ðây là tịch tịnh, đây là thù thắng, tức là sự chỉ tức tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự diệt tận khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Vị ấy trú ở đây, đạt đến sự diệt tận các lậu hoặc. Nếu không diệt tận các lậu hoặc, với pháp ái ấy, với pháp hỷ ấy, do đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, là vị hóa sanh, tại đấy chứng được Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa. Ví như người bắn cung, hay đệ tử người bắn cung tập bắn trên một hình nộm bằng cỏ hay trên đống đất sét, rồi người ấy có thể trở thành một người bắn xa, bắn nhanh, bắn thủng qua vật dày lớn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn tận lạc… chứng đạt và an trú sơ Thiền… thứ tư. Vị ấy ở đây, đối với cái gì thuộc về sắc, thuộc về thọ, thuộc về tưởng, thuộc về hành, thuộc về thức, các pháp ấy, vị ấy tùy quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là mụt nhọt, là mũi tên, là va chạm, là tật bệnh, là khách lạ, là biến hoại, là trống không, là vô ngã. Vị ấy tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, sau khi tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy. Sau khi tránh né tâm khỏi những pháp ấy, vị ấy hướng dẫn đến giới bất tử: “Ðây là tịch tịnh, đây là thù thắng, tức là sự chỉ tức tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự diệt tận khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Vị ấy trú ở đây, đạt đến sự diệt tận các lậu hoặc. Nếu không diệt tận các lậu hoặc, với pháp ái ấy, với pháp hỷ ấy, do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy là vị hóa sanh, tại đấy chứng được Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa.
Này các Tỷ-kheo, Ta nói y chỉ vào sơ Thiền, thứ hai… thứ tư, các lậu hoặc được đoạn tận, như vậy được nói đến. Do duyên này, được nói đến.
4. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: “Y chỉ vào Không vô biên xứ Thiền, các lậu hoặc được đoạn tận, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vượt khỏi các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các chướng ngại tưởng, không tác ý đến tưởng sai biệt, biết rằng: “Hư không là vô biên”, chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Vị ấy ở đây, đối với cái gì thuộc về thọ, thuộc về tưởng, thuộc về hành… vị ấy… do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là vị hóa sanh, tại đấy chứng được Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa.
Này các Tỷ-kheo, ta nói rằng: “Y chỉ vào Không vô biên xứ, các lậu hoặc được đoạn tận”, như vậy được nói đến. Do duyên này, được nói đến.
5. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: “Y chỉ vào Thức vô biên xứ… y chỉ vào Vô sở hữu xứ… các lậu hoặc được đoạn diệt”, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Không có vật gì”, chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ. Vị ấy ở đây, đối với cái gì thuộc về thọ, thuộc về tưởng… vị ấy… do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là vị hóa sanh, tại đấy chứng được Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa.
Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: “Y chỉ vào Vô sở hữu xứ, các lậu hoặc được đoạn diệt”, được nói đến như vậy. Do duyên này, được nói đến.
Như vậy, xa cho đến các tưởng Thiền chứng, cho đến như vậy, cần phải lấy trí để thể nhập. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các xứ này, như Phi tưởng phi phi tưởng Thiền chứng và Diệt thọ tưởng là những xứ, các Tỷ-kheo Thiền quán, khéo léo chứng nhập, khéo léo khởi xuất thiền chứng. Ta nói rằng : “Sau khi chứng nhập và khởi xuất, các xứ ấy cần phải được chơn chánh làm cho biết rõ”.
(VI) (37) Tôn Giả Ananda
1. Như vầy tôi nghe:
Một thời, Tôn giả Ananda trú ở Kosambi, tại khu vườn Ghosita. Tại đấy, Tôn giả Ananda bảo các Tỷ-kheo:
– Này chư Hiền Tỷ-kheo.
– Vâng, thưa Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Ananda . Tôn giả Ananda nói như sau:
2. – Thật vi diệu thay, thưa các Hiền giả! Thật hi hữu thay, thưa các Hiền giả, như thế nào là con đường thoát ly, thoát khỏi sự trói buộc, được Thế Tôn, bậc Trí giả, bậc Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tùy giác để các loài hữu tình được thanh tịnh, vượt khỏi sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, giác ngộ Niết-bàn. Ðây sẽ chỉ có mắt, chớ không có cảm thọ các sắc ấy và các xứ ấy; đây chỉ có tai, chớ không có cảm thọ các tiếng ấy và các xứ ấy; đây chỉ có mũi chớ không có cảm thọ các hương ấy và các xứ ấy; đây chỉ có lưỡi, chớ không có cảm thọ các vị ấy và các xứ ấy; đây chỉ có thân, chớ không có cảm thọ các xúc ấy và các xứ ấy.
3. Khi được nói vậy, Tôn giả Udàyi nói với Tôn giả Ananda:
– Này Hiền giả Ananda, người không cảm thọ xứ ấy, người ấy có tưởng hay không có tưởng?
– Này Hiền giả, người không cảm thọ xứ ấy, người ấy có tưởng, không phải không có tưởng.
Nhưng thưa Hiền giả, người không cảm thọ xứ ấy, người ấy tưởng cái gì?
4. – Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các chướng ngại tưởng, không tác ý đến các tưởng sai biệt, biết rằng: “Hư không là vô biên”, chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Này Hiền giả, vị ấy có tưởng như vậy, nhưng không cảm thọ xứ ấy.
5. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt khỏi Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Thức là vô biên”, chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ. Này Hiền giả, vị ấy có tưởng như vậy, nhưng không cảm thọ xứ ấy.
6. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt khỏi Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Không có vật gì”, chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ. Này Hiền giả, vị ấy có tưởng như vậy, nhưng không cảm thọ xứ ấy.
7. Này Hiền giả, một thời tôi sống ở Sàketa, rừng Anjanavana tại vườn nai. Rồi này Hiền giả, có một Tỷ-kheo-ni ở Jatilàgàha đến tôi, đảnh lễ tôi và đứng một bên. Ðứng một bên, này các Hiền giả, Tỷ-kheo-ni ở Jatilàgàha thưa với tôi:
– Thưa Tôn giả Ananda, Thiền định này không thiên tà dục, không dưỡng hận tâm; trong ấy, sự chế ngự không phải do hữu hành nhiếp phục, nhờ giải thoát, được vững chắc, nhờ vững chắc, được tri túc; nhờ tri túc, không có âu lo. Thưa Tôn giả Ananda , Thiền định này được Thế Tôn dạy, có quả gì?”
Ðược nói vậy, này Hiền giả, tôi nói với Tỷ-kheo-ni ở Jatilàgàha như sau: “- Thưa Chị, Thiền định này không thiên tà dục, không dưỡng hận tâm; trong ấy, sự chế ngự không phải do hữu hành nhiếp phục, nhờ giải thoát được vững chắc; nhờ vững chắc, được tri túc; nhờ tri túc, không có âu lo… Này Chị, Thiền định này được chánh trí là quả”.
Thế Tôn nói như vậy, này Hiền giả, vị ấy có những tưởng như vậy, nhưng không cảm thọ xứ ấy.
(VII) (38) Các Bà-La-Môn
1. Rồi hai vị Thuận thế Bà-la-môn đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Bà-la-môn ấy thưa với Thế Tôn:
2. – Thưa Tôn giả Gotama, Pùrana Kassapa, bậc toàn tri, toàn kiến, tự nhận mình là có tri kiến toàn bộ không dư, nói rằng: “Khi ta đi, ta đứng , ta ngủ, ta thức, tri kiến được an trú liên tục thường hằng”. Vị ấy nói như sau: “Với trí vô biên, ta sống, biết và thấy thế giới hữu biên”. Thưa Tôn giả Gotama, Nigantha Nàtaputta, bậc toàn tri, toàn kiến, tự nhận mình là có tri kiến toàn bộ không dư, nói rằng: “Khi ta đi, ta đứng , ta ngủ, ta thức, tri kiến được an trú liên tục thường hằng”. Vị ấy nói như sau: “Với trí hữu biên, ta sống, biết và thấy thế giới hữu biên”. Thưa Tôn giả Gotama, giữa hai bậc tuyên bố về trí này, giữa hai lời tuyên bố mâu thuẫn này, ai nói đúng sự thật, ai nói láo?
3. – Thôi vừa rồi, này các Bà-la-môn, hãy dừng lại ở đây: “Giữa hai bậc tuyên bố về trí này, giữa hai lời tuyên bố mâu thuẫn này, ai nói đúng sự thật, ai nói láo?”
Này các Bà-la-môn, Ta sẽ thuyết pháp cho các Ông, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.
– Thưa vâng, Tôn giả.
Các Bà-la-môn ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
4. – Này các Bà-la-môn, ví như bốn người đàn ông đứng bốn phương, đầy đủ với bước đi, với tốc lực tối thắng, với bước chân dài tối thắng. Họ đầy đủ tốc lực như sau: Ví như một người cầm cung, điêu luyện khéo được huấn luyện với bàn tay thiện xảo, bách phát bách trúng, có thể bắn một cách nhẹ nhàng một mũi tên ngang qua bóng của cây tàla. Như vậy là tốc lực của họ. Còn bước chân dài của họ, thời như sau: từ biển phía Ðông đến biển phía Tây. Rồi người đứng ở phương Ðông nói như sau: “Ta sẽ đi và đạt đến tận cùng của thế giới”. Dầu cho tuổi thọ của người này là một trăm năm, và người ấy sống một trăm năm, và bước đi trong một trăm năm – trừ khi người ấy ăn, người ấy uống, người ấy nhai, người ấy nếm, trừ khi người ấy đi đại tiện tiểu tiện, trừ khi người ấy ngủ để lấy lại sức, người ấy sẽ chết trước khi người ấy đạt đến tận cùng của thế giới”. Rồi người đứng ở phương Tây… rồi người đứng ở phương Bắc… rồi người đứng ở phương Nam nói như sau: “Ta sẽ đi và đạt đến tận cùng của thế giới”. Dầu cho tuổi thọ… người ấy sẽ chết trước khi người ấy đạt đến tận cùng của thế giới”. Vì cớ sao? Này các Bà-la-môn, Ta nói rằng, không phải với sức chạy như vậy, có thể biết được, có thể thấy được, có thể đạt được tận cùng thế giới. Này các Bà-la-môn, Ta nói rằng nếu không đạt được tận cùng thế giới, thời không thể chấm dứt đau khổ ở đời.
5. Này các Bà-la-môn, năm dục trưởng dưởng này được gọi là thế giới trong Luật của bậc Thánh. Thế nào là năm?
6. Các sắc do con mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức… các hương do mũi nhận thức… các vị do lưỡi nhận thức… các xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn.
Này Bà-la-môn, năm dục trưởng dưỡng này được gọi là thế giới trong Luật của bậc Thánh.
7. Ở đây, này các Bà-la-môn, Tỷ-kheo ly các dục… chứng đạt và an trú sơ Thiền. Này các Bà-la-môn, Tỷ-kheo này được gọi là vị đã đến tận cùng thế giới, và sống trong tận cùng thế giới. Nhưng các người khác nói về vị ấy như sau: “Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa thoát ly khỏi thế gian”. Này các Bà-la-môn, Ta cũng nói như sau: “Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa thoát ly khỏi thế gian”.
8. Lại nữa, này các Bà-la-môn, Tỷ-kheo diệt các tầm và tứ… chứng đạt và an trú Thiền thứ hai… Thiền thứ ba… Thiền thứ tư. Này các Bà-la-môn, đây gọi là Tỷ-kheo sau khi đến tận cùng thế giới, trú trong tận cùng thế giới. Nhưng các người khác nói về vị ấy như sau: “Vị này còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian”. Này các Bà-la-môn, Ta cũng nói như sau: “Vị này còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian”.
9. Lại nữa, này các Bà-la-môn, Tỷ-kheo vượt qua khỏi các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các đối ngại tưởng, không tác ý đến các tưởng sai biệt, biết rằng: “Hư không là vô biên”, chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Này các Bà-la-môn, đây gọi là Tỷ-kheo sau khi đến tận cùng thế giới, trú trong tận cùng thế giới. Nhưng các người khác, nói về vị ấy như sau: “Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian”. Này các Bà-la-môn, Ta cũng nói như sau: “Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian”.
10. Lại nữa, này các Bà-la-môn, Tỷ-kheo vượt qua khỏi Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Thức là vô biên”, chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ… Sau khi vượt khỏi Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Không có vật gì”, chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ… Sau khi vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Này các Bà-la-môn, đây gọi là Tỷ-kheo sau khi đến tận cùng thế giới, trú trong tận cùng thế giới. Nhưng các người khác, nói về vị ấy như sau: “Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian”. Này các Bà-la-môn, Ta cũng nói như sau: “Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian”.
11. Lại các Bà-la-môn, Tỷ-kheo vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định, thời sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn tận. Này các Bà-la-môn, đây gọi là Tỷ-kheo sau khi đến tận cùng thế giới, trú trong tận cùng thế giới. Vị này đã vượt khỏi sự triền phược của thế giới.
(VIII) (39) Chư Thiên
1. – Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có trận chiến kịch liệt giữa chư Thiên và các loài Asurà. Trong trận chiến này, này các Tỷ-kheo, các Asurà thắng, chư Thiên bị bại trận. Chư Thiên thất trận bỏ chạy, các Asurà mặt hướng về phía Bắc đuổi theo. Rồi này các Tỷ-kheo, chư Thiên suy nghĩ sau: “Các Asurà đang đuổi theo. Vậy chúng ta hãy đánh một trận thứ hai với các Asurà”.
2. Lần thứ hai, này các Tỷ-kheo, chư Thiên đánh với các Asurà. Lần thứ hai, này các Tỷ-kheo, các Asurà lại thắng trận, chư Thiên bại trận. Này các Tỷ-kheo, chư Thiên thất trận sợ hãi bỏ chạy, các Asurà mặt hướng về phía Bắc đuổi theo. Rồi này các Tỷ-kheo, chư Thiên suy nghĩ như sau: “Các Asurà đang đuổi theo. Vậy chúng ta hãy đánh một trận thứ ba với các Asurà”.
3. Lần thứ ba, này các Tỷ-kheo, chư Thiên đánh với các Asurà. Lần thứ ba, này các Tỷ-kheo, các Asurà lại thắng trận, chư Thiên bại trận. Này các Tỷ-kheo, chư Thiên thất trận sợ hãi bỏ chạy vào thành phố chư Thiên. Và này các Tỷ-kheo, chư Thiên đi vào trong thành của chư Thiên suy nghĩ như sau: “Nay ta hãy đi đến chỗ ẩn náu của những người sợ hãi. Hiện nay chúng ta sống với chúng ta, không có gì phải làm với các Asurà”. Này các Tỷ-kheo, các Asurà cũng suy nghĩ như sau: “Này chư Thiên đã đi đến chỗ ẩn náu của những người sợ hãi. Hiện nay chúng sống với chúng nó, không có gì phải làm với chúng ta.”
4. Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có trận chiến kịch liệt xảy ra giữa chư Thiên và các loài Asurà. Trong trận chiến này, này các Tỷ-kheo, chư Thiên thắng, các Asurà bị bại trận. Các Asurà thất trận bỏ chạy, chư Thiên mặt hướng về phía Nam đuổi theo. Rồi này các Tỷ-kheo, các Asurà suy nghĩ như sau: “Chư Thiên đang đuổi theo. Vậy chúng ta hãy đánh một trận thứ hai với chư Thiên”.
5. Lần thứ hai, này các Tỷ-kheo, các Asurà đánh trận với chư Thiên. Lần thứ hai, này các Tỷ-kheo, chư Thiên thắng trận, các Asurà bại trận. Này các Tỷ-kheo, các Asurà thất trận sợ hãi bỏ chạy, chư Thiên mặt hướng về phía Nam đuổi theo. Rồi này các Tỷ-kheo, các Asurà suy nghĩ như sau: “Chư Thiên đang đuổi theo. Vậy chúng ta hãy đánh một trận thứ ba với chư Thiên”.
6. Lần thứ ba, này các Tỷ-kheo, các Asurà đánh với chư Thiên. Lần thứ ba, này các Tỷ-kheo, chư Thiên thắng trận, các Asurà bại trận. Này các Tỷ-kheo, các Asurà thất trận sợ hãi bỏ chạy vào thành phố Asurà. Rồi này các Tỷ-kheo, các Asurà đi vào trong thành phố của các Asurà suy nghĩ như sau: “Nay chúng ta đã đi đến chỗ ẩn náu của những người sợ hãi. Hiện nay chúng ta sống với chúng ta, không có gì phải làm với chư Thiên”. Này các Tỷ-kheo, chư Thiên cũng suy nghĩ như sau: “Nay các Asurà đã đi đến chỗ ẩn náu của những người sợ hãi. Hiện nay chúng sống với chúng nó, không có gì phải làm với chúng ta.”
7. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo ly dục… chứng đạt và an trú sơ Thiền, trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo suy nghĩ như sau: “Với sự đi đến chỗ ẩn náu của sợ hãi, nay ta sống với tự ngã, không có việc gì phải làm với Màra”. Và này các Tỷ-kheo, chính Ác ma cũng suy nghĩ như sau: “Với sự đi đến chỗ ẩn náu của sợ hãi, Tỷ-kheo sống với tự ngã, không có việc gì phải làm với ta”.
8. Này các Tỷ-kheo, trong khi vị Tỷ-kheo diệt các tầm và tứ… chứng đạt và an trú Thiền thứ hai… Thiền thứ ba… Thiền thứ tư, trong khi ấy này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo suy nghĩ như sau: “Với sự đi đến chỗ ẩn náu của sợ hãi, nay ta sống với tự ngã, không có việc gì phải làm với Màra”. Và này các Tỷ-kheo, chính Ác ma cũng suy nghĩ như sau: “Với sự đi đến chỗ ẩn náu của sợ hãi, Tỷ-kheo sống với tự ngã, không có việc gì phải làm với ta”.
9. Này các Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo vượt khỏi các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các chướng ngại tưởng, không tác ý đến các tưởng sai biệt, biết rằng: “Hư không là vô biên”, chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là Tỷ-kheo này làm Ác ma mù mắt, đoạn tuyệt mắt của Màra, không còn dấu tích, khiến Ác ma không thấy đường đi lối về.
10. Này các Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo vượt khỏi Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Thức là vô biên”, chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ… Vượt khỏi Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Không có vật gì”, chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ… Vượt khỏi Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Trong khi Tỷ-kheo vượt Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định; vị ấy thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn tận. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là Tỷ-kheo này làm Ác ma mù mắt, đoạn tuyệt mắt của Màra, không còn dấu tích, khiến Ác ma không thấy đường đi lối về. Vị ấy đã vượt qua triền phược ở đời.
(IX) (40) Con Voi Lớn
1. – Này các Tỷ-kheo, khi nào các con voi, các con voi cái, các con voi trẻ, các con voi con đi đến trước, đến trước chỗ ăn của con voi lớn ở rừng cắt đứt các ngọn cỏ, thời này các Tỷ-kheo, con voi rừng lo âu, xấu hổ, nhàm chán. Khi nào, này các Tỳ kheo, Các con voi, các con voi cái, các con voi trẻ, các con voi con nhai ăn các bó cây gãy, các cành cây tại chỗ ăn của con voi lớn ở rừng, thời này các Tỷ-kheo, con voi rừng lo âu, xấu hổ, nhàm chán. Khi nào, này các Tỷ-kheo, các con voi , các con voi cái, các con voi trẻ, các con voi con đi trước, đi trước, xuống trũng nước của con voi rừng, dùng vòi quấy động, thời này các Tỷ-kheo, con voi rừng lo âu, xấu hổ, nhàm chán. Khi nào, này các Tỷ-kheo, các con voi cái bước xuống trũng nước của con voi rừng, cọ xát thân của con voi rừng, thời này các Tỷ-kheo, con voi rừng lo âu, xấu hổ, nhàm chán.
2. Trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, con voi rừng suy nghĩ như sau: “Này ta sống lẫn lộn với các con voi, các con voi cái, các con voi trẻ, các con voi con. Ta ăn các loại cỏ đầu ngọn bị cắt đứt, chúng nhai ăn các bó cây gãy và các cành cây của ta, ta uống nước bị vẩn đục; khi ta đi xuống trũng nước, các con voi cái đến cọ xát thân ta. Vậy ta hãy sống một mình, xa rời bầy voi”. Rồi sau một thời gian, con voi ấy sống một mình, xa rời bầy voi, ăn các loại cỏ đầu ngọn không bị cắt đứt, nó nhai ăn các bó cây gãy và các cành cây, nó uống nước không vẩn đục, khi bước xuống trũng nước, các con voi cái không đi đến cọ xát thân. Trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, con voi rừng suy nghĩ như sau: “Trước đây, ta sống lẫn lộn với các voi, các con voi cái, các con voi trẻ, các con voi con. Ta ăn các loại cỏ đầu ngọn bị cắt đứt, chúng ăn các bó cây gãy và các cành cây của ta, ta uống nước bị vẩn đục. Khi ta bước xuống trũng nước, các con voi cái đến cọ xát thân ta. Nay ta sống một mình, xa rời bầy voi, ta ăn các loại cỏ đầu ngọn không bị cắt đứt, chúng không ăn các bó cây gãy, và các cành cây của ta. Ta uống nước không vẩn đục. Khi ta bước xuống trũng nước, các con voi cái không đi đến cọ xát thân ta. Con voi rừng ấy với cái vòi bẻ gẫy cành cây, lấy cành cây cọ xát thân mình, và hoan hỷ làm cho nhẹ bớt cơn ngứa”.
3. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo sống lẫn lộn với các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, với vua và đại thần của vua, với các ngoại đạo sư và đệ tử của ngoại đạo, trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo suy nghĩ như sau: “Ta sống lẫn lộn với các Tỷ-kheo và Tỷ-kheo-ni, các nam cư sĩ và nữ cư sĩ, vua và các đại thần của vua, các ngoại đạo sư và các đệ tử của ngoại đạo. Vậy ta hãy sống một mình, xa rời họ”, vị ấy sống tại trú xứ xa vắng, ngôi rừng, gốc cây, núi non ghềnh đá, hang núi, bãi tha ma, rừng cao nguyên, ngoài trời, đống rơm. Vị ấy đi đến rừng, đi đến gốc cây, đi đến ngôi nhà trống, ngồi kiết-già, lưng thẳng, an trú niệm trước mặt. Vị ấy sau khi đoạn tận tham ở đời, sống với tâm ly tham, gạn lọc tâm khỏi tham. Sau khi đoạn tận sân, vị ấy sống với tâm ly sân, có lòng thương tưởng tất cả chúng sanh và loài hữu tình, gạn lọc tâm khỏi sân. Sau khi đoạn tận hôn trầm thụy miên, vị ấy sống với tâm ly hôn trầm thụy miên, tưởng đến ánh sáng, chánh niệm, tỉnh giác, gạn lọc tâm khỏi hồn trầm thụy miên. Sau khi đoạn tận trạo cử hối quá, vị ấy không có dao động, nội tâm an tịnh, gạn lọc tâm khỏi trạo cử hối quá. Sau khi đoạn tận nghi, vị ấy sống vượt qua nghi ngờ, không có nghi ngờ do dự, gạn lọc tâm khỏi nghi ngờ trong các thiện pháp. Vị ấy sau khi đoạn tận năm triền cái làm uế nhiễm tâm, làm yếu kém trí tuệ này, ly các dục… chứng đạt và an trú sơ Thiền; vị ấy hoan hỷ vì đã đối trị được cơn ngứa. Sau khi diệt tầm và tứ… chứng đạt và an trú Thiền thứ hai… Thiền thứ ba… chứng đạt và an trú Thiền thứ tư; vị ấy hoan hỷ vì đã đối trị được cơn ngứa. Vị ấy sau khi vượt qua các sắc tưởng một cách hoàn toàn, sau khi chấm dứt các đối ngại tưởng, không tác ý đến các tưởng sai biệt, biết rằng: “Hư không là vô biên”, chứng đạt và an trú Không vô biên xứ; vị ấy hoan hỷ vì đã đối trị được cơn ngứa. Sau khi vượt qua Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, vị ấy biết rằng: “Thức là vô biên”, chứng đạt vàn an trú Thức vô biên xứ… Sau khi vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, vị ấy biết rằng: “Không có vật gì”, chứng đạt và an trú Vô sơ hữu xứ… Sau khi vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ… Sau khi vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, vị ấy chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định, sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn tận, vị ấy hoan hỷ vì đã đối trị được cơn ngứa.
(X) (41) Tapussa
1. Như vầy tôi nghe:
Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla, tại một thị trấn của dân chúng Malla tên là Uruvelakappa. Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào Uruvelakappa để khất thực. Khất thực ở Uruvelakappa xong, sau bữa ăn, trên con đường khất thực trở về, Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda, nói rằng:
– Này Ananda, Thầy hãy ở đây, chờ cho Ta vào trong rừng Ðại Lâm để nghỉ ban ngày.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn đi vào rừng Ðại Lâm ngồi nghỉ ban ngày tại một gốc cây.
2. Rồi gia chủ Tapussa đi đến Tôn giả Ananda, sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Ananda và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, gia chủ Tapussa thưa với Tôn giả Ananda:
– Thưa Tôn giả Ananda, chúng tôi là người gia chủ, thụ hưởng các dục, vui thích các dục, ưa thích các dục, hoan hỷ các dục. Ðối với chúng tôi, thưa Tôn giả, là những gia chủ thụ hưởng các dục, vui thích các dục, hoan hỷ các dục, thật giống như một cái vực thẳm cho chúng tôi là sự xuất ly này. Tuy vậy, thưa Tôn giả, chúng tôi được nghe rằng trong Pháp và Luật này, tâm của các Tỷ-kheo trẻ tuổi hứng khởi trong sự xuất ly, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì thấy rằng đây là an tịnh. Chính ở nơi đây, thưa Tôn giả, là sự sai khác trong Pháp và Luật này giữa các vị Tỷ-kheo và phần đông quần chúng, tức là sự xuất ly này.
– Này Gia chủ, đây là một vấn đề để nói chuyện. Này Gia chủ, chúng ta hãy đi đến yết kiến Thế Tôn, chúng ta hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến, hãy hỏi Thế Tôn về ý nghĩa này. Thế Tôn trả lời như thế nào, chúng ta sẽ như vậy thọ trì.
– Thưa vâng, Tôn giả.
Gia chủ Tapussa vâng đáp Thế Tôn Ananda.
3. Rồi Tôn giả Ananda cùng với gia chủ Tapussa đi đến Thế Tôn, sau khi đến… bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, gia chủ Tapussa này nói như sau: “Thưa Tôn giả Ananda, chúng tôi là người gia chủ thụ hưởng các dục, vui thích các dục, ưa thích các dục, hoan hỷ các dục. Ðối với chúng tôi, thưa Tôn giả, là những gia chủ, thọ hưởng các dục, vui thích các dục, ưa thích các dục, hoan hỷ các dục, thật giống như một cái vực thẳm cho chúng tôi là sự xuất ly này. Tuy vậy, thưa Tôn giả, chúng tôi được nghe rằng trong Pháp và Luật này, tâm của các Tỷ-kheo trẻ tuổi hứng khởi trong sự xuất ly, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì được thấy rằng đây là an tịnh. Chính ở nơi đây, thưa Tôn giả, là sự sai khác trong Pháp và Luật này giữa các Tỷ-kheo và phần đông quần chúng, tức là sự xuất ly này”.
4. – Như vậy là phải, này Ananda! Như vậy là phải, này Ananda! Này Ananda, trước khi Ta giác ngộ, chưa chứng được Chánh Ðẳng Giác, còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: “Lành thay, sự xuất ly! Lành thay, sống viễn ly”. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi trong sự xuất ly ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Do nhân gì, do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi trong sự xuất ly ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh?” Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì Ta không thấy nguy hiểm trong các dục, vì Ta không làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy, lợi ích của xuất ly chưa được chứng đắc, Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi trong xuất ly ấy, không tịnh tín, không an trú, không giải thoát”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong các dục, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong sự xuất ly, Ta thưởng thức lợi ích ấy”, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi trong xuất ly, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”.
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy sự nguy hiểm trong các dục, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong sự xuất ly, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong xuất ly, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, sau một thời gian Ta ly dục… chứng đạt và an trú sơ Thiền. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với dục vẫn hiện hành. Như vậy, đối với Ta, đây là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên, như là một chứng bệnh. Cũng vậy, các tưởng tác ý câu hữu với dục vẫn hiện hành ở nơi Ta. Như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh.
5. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vậy Ta hãy chỉ tức các tầm và tứ… chứng đạt và an trú Thiền thứ hai”. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi đối với không có tầm ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Do nhân gì, do duyên gì, Tâm Ta không hứng khởi đối với không có tầm ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh?” Rồi Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì Ta không thấy nguy hiểm trong các tầm, vì Ta không làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy, lợi ích không có tầm chưa được chứng đắc, Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy”. Do vậy, tâm Ta không hứng khởi đối với không có tầm, không tịnh tín, không an trú, không giải thoát. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong các tầm, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích không có tầm, Ta thưởng thức lợi ích ấy”, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi trong không có tầm, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: “Ðây là an tịnh”.
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong các tầm. Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi ích không có tầm, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong không có tầm, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, sau một thời gian Ta diệt tầm và tứ… chứng đạt và an trú Thiền thứ hai. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với tầm vẫn hiện hành. Như vậy, đối với Ta, đây là một chứng bệnh. Cũng vậy, các tưởng tác ý câu hữu với tầm vẫn hiện hành ở nơi Ta. Như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh.
6. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vậy ta hãy ly hỷ… chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Nhưng này Ananda , tâm của Ta không hứng khởi đối với không có hỷ ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau như sau: “Do nhân gì do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi đối với không có hỷ ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh?” Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì Ta không thấy sự nguy hiểm trong hỷ, vì Ta không làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy, lợi ích không có hỷ chưa được chứng đắc. Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với không có hỷ ấy, không tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong hỷ, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong không có hỷ, Ta thưởng thức được lợi ích trong không có hỷ, Ta thưởng thức lợi ích ấy”, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi trong không có hỷ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”.
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong hỷ, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi ích trong không có hỷ, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong không có hỷ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, sau một thời gian, Ta ly hỷ… chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với hỷ vẫn hiện hành. Ðây đối với Ta, đây là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên như là một chứng bệnh. Cũng vậy các tưởng, tác ý câu hữu với hỷ vẫn hiện hành ở nơi Ta. Như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh.
7. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vậy ta hãy đoạn lạc, đoạn khổ… chứng đạt và an trú Thiền thứ tư”. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi đối với không khổ, không lạc, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Do nhân gì do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi đối với không khổ, không lạc, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh?” Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì Ta không thấy nguy hiểm trong xả lạc, vì Ta không làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Lợi ích không khổ, không lạc chưa được chứng đắc. Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với không khổ, không lạc ấy, không tịnh tín, không có an trú, không giải thoát”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong xả lạc, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong không khổ, không lạc, Ta thưởng thức sự lợi ích ấy”, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi trong không khổ, không lạc, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”.
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong xả lạc, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi ích trong không có hỷ, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong không khổ, không lạc, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: “Ðây là an tịnh”? Này Ananda, sau một thời gian, Ta xả lạc, xả khổ… chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với xả lạc vẫn hiện hành. Như vậy, đối với Ta, đây là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên như là một chứng bệnh. Cũng vậy các tưởng, tác ý câu hữu với hỷ vẫn hiện hành ở nơi Ta. Như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh.
8. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vậy Ta hãy vượt qua các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các đối ngại tưởng, không tác ý đến các tưởng sai biệt, chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi đối với Không vô biên xứ, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Do nhân gì do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi đối với Không vô biên xứ, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh?” Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì Ta không thấy sự nguy hiểm trong các sắc, Ta không làm cho sung mãn nguy hiểm ấy, lợi ích của Không vô biên xứ chưa được chứng đắc. Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với Không vô biên xứ, không tịnh tín, không an trú, không giải thoát”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong các sắc, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong Không vô biên xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy”, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi trong Không vô biên xứ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”.
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong các sắc, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi ích trong Không vô biên xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong Không vô biên xứ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, sau một thời gian, Ta vượt qua các sắc tưởng… chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với các sắc vẫn hiện hành. Ðây đối với Ta, đây là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên như là một chứng bệnh. Cũng vậy các tưởng, tác ý câu hữu với sắc vẫn hiện hành ở nơi Ta. Như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh.
9. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vậy Ta hãy vượt qua Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Thức là vô biên”, chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi đối với Thức vô biên xứ, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau : “Do nhân gì do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi đối với Thức vô biên xứ, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh?” Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì Ta không thấy sự nguy hiểm trong Không vô biên xứ, vì Ta không làm cho sung mãn nguy hiểm ấy, lợi ích của Thức vô biên xứ chưa được chứng đắc. Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với Thức vô biên xứ, không tịnh tín, không an trú, không giải thoát”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong Không vô biên xứ, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong Thức vô biên xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy”, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi trong Thức vô biên xứ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”.
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong Không vô biên xứ, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi ích trong Thức vô biên xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong Thức vô biên xứ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, sau một thời gian, Ta vượt qua Không vô biên xứ… chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với Không vô biên xứ vẫn hiện hành. Ðây đối với Ta, đây là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên như là một chứng bệnh. Cũng vậy các tưởng, tác ý câu hữu với Không vô biên xứ vẫn hiện hành ở nơi Ta. Như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh.
10. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vậy Ta hãy vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Không có vật gì”, chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi đối với Vô sở hữu xứ , không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau : “Do nhân gì do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi đối với Vô sở hữu xứ , không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh?” Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì Ta không thấy sự nguy hiểm trong Thức vô biên xứ, vì Ta không làm cho sung mãn nguy hiểm ấy, lợi ích của Vô sở hữu xứ chưa được chứng đắc. Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với Vô sở hữu xứ, không tịnh tín, không an trú, không giải thoát”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong Thức vô biên xứ, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong Vô sở hữu xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy”, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi trong Vô sở hữu xứ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”.
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong Thức vô biên xứ, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi ích trong Vô sở hữu xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong Vô sở hữu xứ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, sau một thời gian, Ta vượt qua Thức vô biên xứ… chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với các Thức vô biên xứ vẫn hiện hành, như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên như là một chứng bệnh. Cũng vậy các tưởng, tác ý câu hữu với Thức vô biên xứ vẫn hiện hành ở nơi Ta. Như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh.
11. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vậy Ta hãy vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi đối với Phi tưởng phi phi tưởng xứ, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau như sau: “Do nhân gì do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi đối với Phi tưởng phi phi tưởng xứ, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh?” Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì Ta không thấy sự nguy hiểm trong Vô sở hữu xứ, vì Ta không làm cho sung mãn nguy hiểm ấy, lợi ích của Phi tưởng phi phi tưởng xứ chưa được chứng đắc. Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với Phi tưởng phi phi tưởng xứ, không tịnh tín, không an trú, không giải thoát”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong Vô sở hữu xứ, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy”, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”.
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong Vô sở hữu xứ, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi ích trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, sau một thời gian, Ta vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn… chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với Vô sở hữu xứ vẫn hiện hành, như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên như là một chứng bệnh. Cũng vậy các tưởng, tác ý câu hữu với Vô sở hữu xứ vẫn hiện hành ở nơi Ta. Như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh.
12. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vậy Ta hãy vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi đối với Diệt thọ tưởng định, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau như sau: “Do nhân gì do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi đối với Diệt thọ tưởng định, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh?” Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì Ta không thấy sự nguy hiểm trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, vì Ta không làm cho sung mãn nguy hiểm ấy, lợi ích của Diệt thọ tưởng định chưa được chứng đắc. Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với Diệt thọ tưởng định, không tịnh tín, không an trú, không giải thoát”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong Diệt thọ tưởng định, Ta thưởng thức lợi ích ấy”, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi trong Diệt thọ tưởng định, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”.
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi ích trong Diệt thọ tưởng định, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong Diệt thọ tưởng định, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, sau một thời gian, Ta vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ… chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định, ta thấy với trí tuệ và các lậu hoặc đi đến đoạn diệt.
13. Cho đến khi nào, này Ananda, chín thứ đệ trú Thiền chứng này chưa được Ta thuận thứ nghịch thứ chứng đạt và xuất khởi, thời này Ananda, trong thế giới, với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta chưa xác chứng rằng ta đã chứng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Cho đến khi nào, này Ananda, chín thứ đệ trú Thiền chứng này đã được Ta thuận thứ nghịch thứ chứng đạt và xuất khởi, thời này Ananda, trong thế giới này, với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, cho đến khi ấy, Ta mới xác chứng rằng Ta đã chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tri và Kiến khởi lên nơi Ta. Ta biết rằng: “Bất động là tâm giải thoát của Ta. Ðây là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sanh nữa”.
V. Phẩm Pancala
(I) (42) Pancalacanda
1. Như vầy tôi nghe:
Một thời Tôn giả Ananda trú ở Kosambi, tại khu vườn Ghosita. Rồi Tôn giả Udàyi đi đến Tôn giả Ananda, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Ananda những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Udàyi nói với Tôn giả Ananda:
– Thưa Hiền giả, lời này được Thiên tử Pancàlacanda nói như sau:
“Bậc thiện trí tìm được,
Giải thoát trong triền phược,
Vị giác tỉnh với Thiền,
Bậc giác giả Mâu-ni,
Bậc từ bỏ, không chấp
Bậc anh hùng ẩn sĩ.”
Thưa Hiền giả, thế nào là triền phược? Thế nào là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến?
2. – Này Hiền giả, năm dục trưởng dưỡng này được Thế Tôn gọi là triền phược. Thế nào là năm?
Các sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn; các tiếng do tai nhận thức… các hương do mũi nhận thức… các vị do lưỡi nhận thức… các xúc do thân nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn.
Này Hiền giả, năm dục trưởng dưỡng này là triền phược, được Thế Tôn nói đến.
3. Ở đây, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo ly các dục… chứng và trú sơ Thiền. Cho đến như vậy, này Hiền giả, là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là tầm và tứ chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền phược.
4. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ… chứng đạt và an trú Thiền thứ hai. Cho đến như vậy, này Hiền giả, là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là hỷ chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền phược.
5. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả… chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Cho đến như vậy, này Hiền giả, là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là xả lạc chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền phược.
6. Lại nữa, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo đoạn lạc… chứng và trú Thiền thứ tư. Cho đến như vậy, này Hiền giả là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là sắc tưởng chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền phược.
7. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các đối ngại tưởng, không tác ý đến sai biệt tưởng, biết rằng: “Hư không là vô biên”, chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Cho đến như vậy, này Hiền giả là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là Không vô biên xứ chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền phược.
8. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo biết rằng: “Thức là vô biên”, vượt qua Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ. Cho đến như vậy, thưa Hiền giả là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là Thức vô biên xứ chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền phược.
9. Lại nữa, thưa Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Không có vật gì”, chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ. Cho đến như vậy, thưa Hiền giả là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là Vô sở hữu xứ chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền phược.
10. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Cho đến như vậy, thưa Hiền giả là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì?
Cái ở đây là Phi tưởng phi phi tưởng xứ chưa diệt. Chính cái ấy ở đây là triền phược.
11. Lại nữa, thưa Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định. Sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn diệt. Cho đến như vậy, này Hiền giả là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn.
(II) (43) Vị Thân Chứng
1. – “Thân chứng, thân chứng”, này Hiền giả, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, này Hiền giả, thân chứng được Thế Tôn nói đến?
2. – Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo ly dục… chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất. Như thế nào, như thế nào, sau khi cảm xúc với thân, vị ấy như vậy, như vậy an trú xứ ấy. Cho đến như vậy, này Hiền giả, thân chứng được Thế Tôn nói đến với pháp môn.
3. – Lại nữa, này các Hiền giả, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ… Thiền thứ hai… Thiền thứ ba… chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Như thế nào, như thế nào, sau khi cảm xúc với thân, vị ấy như vậy, như vậy an trú xứ ấy. Cho đến như vậy, này Hiền giả, thân chứng được Thế Tôn nói đến với pháp môn.
4. – Lại nữa, này các Hiền giả, Tỷ-kheo, sau khi vượt qua các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các tưởng đối ngại, không tác ý đến các tưởng sai biệt, biết rằng: “Hư không là vô biên”, chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Như thế nào, như thế nào, sau khi cảm xúc với thân, vị ấy như vậy, như vậy an trú xứ ấy. Cho đến như vậy, này Hiền giả, thân chứng được Thế Tôn nói đến với pháp môn… (như trên) …
5. – Lại nữa, này các Hiền giả, Tỷ-kheo, sau khi vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định. Như thế nào, như thế nào, sau khi cảm xúc với thân, vị ấy như vậy, như vậy an trú xứ ấy. Cho đến như vậy, này Hiền giả, thân chứng được Thế Tôn nói đến với pháp môn.
(III) (44) Tuệ Giải Thoát
1. – “Tuệ giải thoát, tuệ giải thoát”, này Hiền giả, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, này Hiền giả, tuệ giải thoát được Thế Tôn nói đến?
2. Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo ly dục… chứng đạt và an trú sơ Thiền; với trí tuệ vị ấy rõ biết. Cho đến như vậy, này các Hiền giả, tuệ giải thoát được Thế Tôn nói đến với pháp môn… (như trên).
3. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định; sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn tận. Với trí tuệ, vị ấy rõ biết. Cho đến như vậy, này Hiền giả, tuệ giải thoát được Thế Tôn nói đến với pháp môn.
(IV) (45) Giải Thoát Cả Hai Phần
1. – “Giải thoát cả hai phần, giải thoát cả hai phần”, này Hiền giả, được nói đến. Cho đến như thế nào, này Hiền giả, giải thoát cả hai phần được Thế Tôn nói đến?
2. – Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo ly dục… chứng đạt và an trú sơ Thiền. Như thế nào, như thế nào, sau khi cảm xúc với thân, vị ấy như vậy, như vậy an trú xứ ấy; với trí tuệ, vị ấy rõ biết. Cho đến như vậy, này Hiền giả, là giải thoát cả hai phần được Thế Tôn nói đến với pháp môn… (như trên)…
3. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định; sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được diệt trừ. Như thế nào, như thế nào, sau khi cảm xúc với thân, vị ấy như vậy, như vậy an trú xứ ấy; với trí tuệ, vị ấy rõ biết. Cho đến như vậy, này Hiền giả, tuệ giải thoát cả hai phần được Thế Tôn nói đến với pháp môn.
(V) (46) Chính Thực Mình Thấy (1)
– “Pháp là chính thực mình thấy, pháp là thiết thực hiện tại”, này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(VI) (47) Chính Thực Mình Thấy (2)
– “Niết-bàn là chính thực mình thấy, Niết-bàn là chính thực mình thấy”, này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(VII) (48) Niết Bàn
– “Niết-bàn, Niết-bàn”, này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(VIII) (49) Hoàn Mãn Niết Bàn
– “Hoàn mãn Niết-bàn, hoàn mãn Niết-bàn”, này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(IX) (50) Hoàn Mãn Niét Bàn
– “Chi phần Niết-bàn, chi phần Niết-bàn”, này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(X) (51) Thiết Thực Hiện Tại Niết Bàn
1. – “Thiết thực hiện tại Niết-bàn, Thiết thực hiện tại Niết-bàn”, này Hiền giả, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, này Hiền giả, là thiết thực hiện tại Niết-bàn được Thế Tôn nói đến?
2. – Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo ly dục… chứng đạt và an trú sơ Thiền. Cho đến như vậy, này Hiền giả, là thiết thực hiện tại Niết-bàn được Thế Tôn nói đến với pháp môn.
3. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo sau khi vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định, sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được tận. Cho đến như vậy, này Hiền giả, là thiết thực hiện tại Niết-bàn được Thế Tôn nói đến với pháp môn.
VI. Phẩm An Ổn
(I) (52) An Ổn
– “An ổn, an ổn”, này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(II) (53) Người Ðạt An Ổn
– “Người đạt an ổn, người đạt an ổn”, này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(III) (54) Bất Tử
– “Bất tử, bất tử”, này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(IV) (55) Người Ðạt Ðược Bất Tử
– “Người đạt được bất tử, người đạt được bất tử”, này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(V) (56) Vô Úy
– “Vô úy, vô úy”, này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(VI) (57) Người Ðạt Vô Úy
– “Người đạt vô úy, người đạt vô úy”, này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(VII) (58) Khinh An
– “Khinh an, khinh an”, này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(VIII) (59) Thứ Ðệ Khinh An
Thứ đệ khinh an, thứ đệ khinh an, này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(IX) (60) Ðoạn Diệt
– “Ðoạn diệt, đoạn diệt”, này Hiền giả, được nói đến như vậy.
(X) (61) Thứ Ðệ Ðoạn Diệt
1. – “Thứ đệ đoạn diệt, thứ đệ đoạn diệt”, này Hiền giả, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, này Hiền giả, thứ đệ đoạn diệt được Thế Tôn nói đến?
2. – Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo ly dục… chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, … cho đến như vậy, này Hiền giả, thứ đệ đoạn diệt được Thế Tôn nói đến với pháp môn.
3. Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định; sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn tận. Cho đến như vậy, này Hiền giả là thứ đệ đoạn diệt được Thế Tôn nói đến với pháp môn.
(XI) (62) Có Khả Năng
1. – Này các Tỷ-kheo, có chín pháp không đoạn trừ thì không có thể chứng ngộ quả A-la-hán. Thế nào là chín?
2. Tham sân, si, phẫn nộ, hiềm hận, giả dối, não hại, tật đố, xan tham.
Chín pháp này, này các Tỷ-kheo, không đoạn trừ thì không có thể chứng ngộ quả A-la-hán.
3. Chín pháp này, này các Tỷ-kheo, được đoạn trừ thì có thể chứng ngộ quả A-la-hán. Thế nào là chín?
4. Tham, sân, si, phẫn nộ, hiềm hận, giả dối, não hại, tật đố, xan tham.
VII. Phẩm Niệm Xứ
(I) (63) Học Tập
1. – Này các Tỷ-Kheo, có năm pháp làm suy yếu học tập này. Thế nào là năm?
2. Sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, đắm say rượu men, rượu nấu. Này các Tỷ-kheo, đây là năm pháp làm suy yếu học tập.
3. Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm pháp làm suy yếu học tập này, Bốn niệm xứ cần phải tu tập. Thế nào là bốn?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú tùy quán thân trên thân, nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm, để nhiếp phục tham ưu ở đời. Vị ấy trú tùy quán thọ trên các cảm thọ…. trú tùy quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu ở đời.
Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm pháp làm suy yếu học tập này, Bốn niệm xứ cần phải tu tập.
(II) (64) Triền Cái
1. – Này các Tỷ-kheo, có năm triền cái này. Thế nào là năm?
2. Dục tham triền cái, sân triền cái, hôn trầm thụy miên triền cái, trạo hối triền cái, nghi triền cái. Này các Tỷ-kheo, có năm triền cái này.
3. Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm triền cái này, Bốn niệm xứ cần phải tu tập. Thế nào là bốn?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú quán thân trên thân… trú quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm triền cái, Bốn niệm xứ cần phải tu tập.
(III) (65) Dục Trưởng Dưỡng
1.- Này các Tỷ-kheo, có năm dục trưởng dưỡng này. Thế nào là năm?
2. Các sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn, các tiếng do tai nhận thức khả lạc… hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, có năm dục trưởng dưỡng này.
3. Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm dục trưởng dưỡng này, Bốn niệm xứ này phải tu tập.
(IV) (66) Thủ Uẩn
1. – Này các Tỷ-kheo có năm thủ uẩn này. Thế nào là năm?
2. Sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này các Tỷ-kheo, có năm thủ uẩn này.
3. Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm thù uẩn này, Bốn niệm xứ cần phải tu tập. Thế nào là bốn? …. Bốn niệm xứ cần phải tu tập.
(V) (67) Năm Hạ Phần Kiết Sử
1. – Này các Tỷ-kheo có năm hạ phần kiết sử này. Thế nào là năm?
2. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Này các Tỷ-kheo, có năm hạ phần kiết sử này.
3. Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận tâm hạ phần kiết sử này, Bốn niệm xứ cần phải tu tập. Thế nào là bốn? … Bốn niệm xứ này cần phải tu tập.
(VI) (68) Sanh Thú
1. – Này các Tỷ-kheo, có năm sanh thú này. Thế nào là năm?
2. Ðịa ngục, loài bàng sanh, cõi ngạ quỷ, loài Người, chư Thiên. Này các Tỷ-kheo, có năm sanh thú này.
3. Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm sanh thú này, Bốn niệm xứ cần phải tu tập. Thế nào là bốn? … Bốn niệm xứ này cần phải tu tập.
(VII) (69) Xan Tham
1. – Này các Tỷ-kheo, có năm xan tham này. Thế nào là năm?
2. Xan tham trú xứ, xan tham gia đình, xan tham lợi dưỡng, xan tham dung sắc, xan tham pháp.
3. Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm xan tham này, Bốn niệm xứ cần phải tu tập. Thế nào là bốn? … Bốn niệm xứ này cần phải tu tập.
(VIII) (70) Năm Thượng Phần Kiết Sử
1. – Này các Tỷ-kheo, có năm thượng phần kiết sử này. Thế nào là năm?
2. Sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử, vô minh. Này các Tỷ-kheo, có năm thượng phần kiết sử này.
3. Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm thượng phần kiết sử này, cần phải tu tập Bốn niệm xứ. Thế nào là bốn? … Bốn niệm xứ này cần phải tu tập.
(IX) (71) Năm Tâm Hoang Vu
1. – Có năm tâm hoang vu này. Thế nào là năm?
Này các Tỷ-kheo, ở đây vị Tỷ-kheo nghi ngờ, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín đối với bậc Ðạo Sư. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào nghi ngờ, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín đối với bậc Ðạo Sư, Tỷ-kheo ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn. Khi tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn, như vậy gọi là tâm hoang vu thứ nhất.
2. Này các Tỷ-kheo, lại nữa, vị Tỷ-kheo nghi ngờ đối với Pháp…. (như trên…) đối với Tăng… (như trên..) đối với Học pháp… tức giận đối với các vị đồng Phạm hạnh, không hoan hỷ, tâm dao động, trở thành hoang vu. Này các Tỷ-kheo, khi một vị Tỷ-kheo phẫn nộ đối với vị đồng Phạm hạnh, không hoan hỷ, tâm dao động, trở thành hoang vu, Tỷ-kheo ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh thần. Như vậy gọi là tân hoang vu thứ năm.
3. Này các Tỷ-kheo, để đoạn tận năm tâm hoang vu này… Bốn niệm xứ cần phải tu tập.
(X) (72) Tâm Triền Phược
1. – Này các Tỷ-kheo, có năm triền phược này. Thế nào là năm?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tâm không ly tham, không ly dục, không ly ái, không ly khao khát, không ly nhiệt tình, không ly ái nhiễm đối với các dục. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tâm không ly tham, không ly dục, không ly ái, không ly khao khát, không ly nhiệt tình, không ly ái nhiễm đối với các dục, tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn. Tâm của vị nào không hướng về… (như trên)… như vậy là tâm triền phược thứ nhất.
3. Này các Tỷ-kheo, lại nữa, Tỷ-kheo tâm không ly tham đối với thân… không ly tham đối với sắc… ăn quá sức bao tử có thể chịu nổi, hưởng thọ sung sướng về giường nằm, sung sướng về thụy miên… Này các Tỷ-kheo, lại nữa, Tỷ-kheo sống đời sống Phạm hạnh với hy vọng mong được thành một loại chư Thiên, “Với giới này, với luật này, với khổ hạnh này, hay với Phạm hạnh này, ta sẽ trở thành loại chư Thiên này hay loại chư Thiên khác”. Này các Tỷ-kheo, khi Tỷ-kheo sống đời sống Phạm hạnh với hy vọng được thành một loại chư Thiên, “Với giới này, với luật này, với khổ hạnh này hay với Phạm hạnh này, ta sẽ trở thành loại chư Thiên này hay loại chư Thiên khác”, tâm vị này không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn. Tâm vị nào… như vậy là tâm triền phược thứ năm.
4. Này các Tỷ-kheo, đây là năm tâm triền phược, muốn đoạn tận năm tâm triền phược này, Bốn niệm xứ này cần phải tu tập.
VIII. Phẩm Chánh Cần
(I-X) (73 – 81) Bốn Chánh Cần
(Giống như phẩm Bốn niệm xứ trước, chỉ khác ở đây Bốn chánh cần thế cho Bốn niệm xứ ở trên, và Bốn chánh cần được diễn tả như sau).
Thế nào là bốn?
– Ở đây, này các Tỷ-kheo, với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp từ trước chưa sanh không cho sanh khởi, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm. Với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sanh ra được trừ diệt, khởi lên ý muốn cố gắng…. trì tâm. Với mục đích khiến cho các thiện pháp đã được sanh có thể duy trì, không có mù mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm.
IX. Phẩm Bốn Như Ý Túc
(I-X) (82 – 92) Bốn Như Ý Túc
(Giống như phẩm Bốn niệm xứ trước, chỉ khác ở đây Bốn như ý túc thế cho Bốn niệm xứ ở trên, và Bốn như ý túc được diễn tả như sau).
Thế nào là bốn?
– Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với Dục định tinh cần hành…. câu hữu với Tinh tấn định tinh cần hành,… câu hữu với Tâm định tinh cần hành,… câu hữu với Tư duy định tinh cần hành.
X. Phẩm Tham
(I) (93) Thắng Tri Tham
1. – Này các Tỷ-kheo, để thắng tri tham, chín pháp cần phải tu tập. Thế nào là chín?
2. Tưởng bất tịnh, tưởng chết, tưởng yểm ly đối với các món ăn, tưởng không vui thích đối với tất cả thế giới, tưởng vô thường, tưởng khổ trên vô thường, tưởng vô ngã trên khổ, tưởng đoạn tận, tưởng ly tham.
Này các Tỷ-kheo, để thắng tri tham, chín pháp này cần phải tu tập.
(II) (94) Thắng Tri Tham
1. – Này các Tỷ-kheo, để thắng tri tham, chín pháp cần phải tu tập. Thế nào là chín?
2. Sơ Thiền, Thiền thứ hai, thiền thứ ba, Thiền thứ tư, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Diệt thọ tưởng định.
Này các Tỷ-kheo, để thắng tri tham, chín pháp này cần phải tu tập.
(III) (95 – 100) Liễu Tri Tham
1. – Này các Tỷ-kheo, để liễu tri tham… để diệt tận… để đoạn tận… để trừ diệt… để ly tham… để đoạn diệt… để trừ khử… để từ bỏ, chín pháp này cần phải tu tập.
2. Ðể liễu tri sân… si, phẫn nộ, hiềm hận, giả dối, não hại, tật đố, xan tham, man trá, phản bội, ngoan cố, bồng bột, mạn, tăng thượng mạn, kiêu, phóng dật… để thắng tri… để liễu tri… để diệt tận…để đoạn diệt… để trừ diệt… để ly tham… để đoạn diệt… để trừ khử… để từ bỏ, chín pháp này cần phải tu tập.
Thế Tôn thuyết như vậy, các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
Hits: 29