II. NỘI DUNG BẢN KINH
1. “Ví dụ tấm vải” giới thiệu hai giai đoạn công phu giải thoát:
a) Giai đoạn đầu và rất là nền tảng là tẩy sạch các tâm cấu uế như “Ngũ cái”, các ác, bất thiện tâm phát sinh do “Ngũ cái”. Đây là bước công phu giữ tâm tịnh như một tấm vải tinh sạch. Định và Tuệ chỉ có thể phát triển tốt từ tâm này.
b) Giai đoạn tiếp là nhờ tâm tịnh mà thấy rõ mục tiêu phạm hạnh và thấy rõ sự thật của vạn hữu; từ thành tụu này, hành giả phát khởi lòng tin bất thối vào ngôi Tam bảo; từ tín, hân hoan sinh, hỷ sinh, khinh an sinh, định sinh. Tại đây, ở đệ tứ Sắc định, hành giả hành Tứ vô lượng tâm, vượt qua hết thảy các ngã tưởng, lần lượt đoạn trừ dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu, đắc quả A la hán, thành tựu phạm hạnh.
2. Có rất hiếm bản kinh trong 5 Nikàyas giới thiệu pháp môn “Tứ vô lượng tâm” như là pháp môn để đoạn tận lậu hoặc. Chỉ có vài bản kinh đề cập “Tứ vô lượng tâm” là pháp môn tu của các Chuyển Luân Thánh Vương vào cuối đời để thác sinh về Phạm Thiên (cõi Trời thứ nhất của Sắc giới). Nét giáo lý này rất đặc thù, rầt cần được tìm hiểu kỹ qua các công trình biên khảo công phu.
3. “Ví dụ tấm vải”, ngoài hai điểm giáo lý nêu trên, xác quyết rằng giải thoát nghiệp là công phu tu tập tâm, chuyển hóa tâm do mỗi người tự thực hiện cho chính mình, không thể, không bao giờ ngoại cảnh (sông, núi v.v…) hay các nghi lễ, chú thuật loại trừ được khổ nghiệp thay thế con người.
Tham khảo : https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung-gg-007.htm
BÀI KINH SỐ 7: KINH VÍ DỤ TẤM VẢI – SƯ TINH TUỆ
Hits: 53