GG : Tiểu kinh Saccaka – Kinh Trung Bộ Nikaya

II. NỘI DUNG KINH NGẮN NGƯỜI SACCAKA

1. Ni-Kiền-tử Saccaka là người giỏi biện luận, tánh ưa tranh luận, đã huênh hoang, lớn lối tuyên bố trước Hội chúng Vesàlì rằng: “Ta không thấy một Sa-môn, Bà-la-môn nào, là vị Hội chủ, vị Giáo trưởng, vị Sư trưởng Giáo hội, dầu tự cho là bậc A-la-hán. Chánh Đẳng Giác, khi đối thoại với ta, không ai là không run sợ, không hoảng sợ, không khiếp sợ; không ai là không toát mồ hôi nách. Dù ta có đối thoại với một cột trụ vô tình, cột trụ ấy khi đối thoại với ta cũng run sợ, cũng hoảng sợ, cũng khiếp sợ, huống nữa là một người thường”.

2. Một hôm, Saccaka cùng đại chúng Licchavi đến yết kiến Thế Tôn tại rừng Đại Lâm lúc Thế Tôn đang ngồi tại một gốc cây, Saccaka đặt câu hỏi:

“Tôn giả Gotama huấn luyện đệ tử như thế nào? Những bộ môn nào mà phần lớn Sa-môn Gotama giảng dạy dành cho đệ tử?”

Đức Thế Tôn trả lời Ngài huấn luyện đệ tử như thế nầy:

“Nầy các Tỷ kheo, sắc là vô thường, thọ…, tưởng…, hành…, thức là vô thường. Nầy các Tỷ kheo sắc là vô ngã, thọ…, tưởng…, hành…, thức… là vô ngã. Tất cả hành là vô thường, tất cả pháp là vô ngã”.

3. Quan điểm của Saccaka là:

“Sắc là tự ngã của ta, thọ là tự ngã của ta, tưởng…, hành…, thức là tự ngã của ta “.

4. Đức Thế Tôn vấn nạn Saccaka:

“Ông chủ trương sắc là tự ngã của ta, vậy ông có quyền hành gì đối với sắc ấy và có nói được rằng: sắc của tôi là như thế nầy, sắc của tôi không phải như thế nầy không?”

Saccaka cứng đầu, biết không thể trả lời, nên câm lặng cho đến khi thấy thần Kim Cang (Vajirapani) đứng trên đầu Saccaka sẵn sàng đánh đầu Saccaka vỡ bảy nếu Saccaka không trả lời, hình ảnh nầy chỉ có Thế Tôn và Saccaka thấy và biết. Saccaka sợ hãi, hoảng hồn, lông tóc dựng ngược, chỉ có thể tìm thấy sự che chở từ Thế Tôn nên đã trả lời câu hỏi của Thế Tôn, chấp nhận sự thật “Sắc là vô thường, vô ngã… “, chấp nhận quan điểm giáo lý của Thế Tôn, từ bỏ lập luận gian dối, quanh co của mình.

5. Saccaka đặt tiếp hai câu hỏi: “Cho đến mức độ nào, một đệ tử Thinh Văn của Thế Tôn trở thành tuân phụng giáo điển, chấp thuận giảng huấn, nghi ngờ được đoạn trừ, do dự được diệt tận, thành tựu vô úy, sống trong giáo hội Bổn sư, khỏi phải nương tựa một ai?”

Đức Thế Tôn dạy:

– “Đối với sắc, thọ tưởng, hành và thức, đệ tử Thanh Văn của Thế Tôn thấy như thật với chánh trí tuệ là: Cái nầy không phải là tôi, không phải của tôi, không phải là tự ngã của tôi” Cho đến mức đó một đệ tử Thinh Văn trở thành tuân phụng giáo điển, …, khỏi phải nương tựa một ai.

Saccaka lại hỏi:

“Cho đến mức độ nào Tỷ kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, các mục tiêu đã đạt, hữu kiết sử đã đoạn trừ, được Chánh trí, giải thoát?”

Thế Tôn dạy:

“Sau khi như thật quan sát: Cái nầy không phải là tôi, không phải của tôi, không phải là tự ngã của tôi, chứng được vô Chấp thủ giải thoát, thành tựu ba pháp vô thượng: Kiến vô thượng, Đạo vô thượng, và Giải thoát vô thượng.”

Sau cuộc đàm thoại, Saccaka và các Licchavis xin dâng cúng ngọ trai cho Thế Tôn và chư Tỷ kheo vào ngày hôm sau, và được đức Thế Tôn nhận lời.

Tham khảo : https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung-gg-035-36.htm

HT Thích Minh Châu

Hits: 113

Trả lời