Hanh trinh chiem bai Phat tich cua doanh nhan


image
Đoàn chiêm bái Phật tích Ấn Độ – Nepal

Đầu Xuân mới cũng là khi lòng người càng thêm hướng Phật, hướng Thiện và cầu mong một năm mới an lành. Nhân dịp đầu Xuân Tân Mão, mời quý độc giả theo dấu chân nữ doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo chiêm bái Phật tích Ấn Độ – Nepal.

LTS: Đầu Xuân mới cũng là khi lòng người càng thêm hướng Phật, hướng Thiện và cầu mong một năm mới an lành. Nhân dịp đầu Xuân Tân Mão, nữ doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo đã gửi tới Diễn đàn Kinh tế Việt Nam một trích bút ký chiêm bái Phật tích trích từ cuốn sách sắp xuất bản có tên “Chơi tới đâu, tu tới đó”.

Trong kinh, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, sau khi ta diệt độ, tất cả Thiện nam, Tín nữ, người mà có lòng tin nơi Phật pháp nên đi đến 4 nơi linh thiêng và ghi nhớ rằng đây là Lumbini, nơi Ta Đản sanh, đây là Bodhgaya nơi Ta Thành đạo, đây là Sarnath nơi Ta Chuyển Pháp luân và đây là Kushinagar nơi Ta nhập Niết bàn.”.

Trước khi lên đường chiêm bái Phật tích, tôi tập hợp sách của nhà nghiên cứu, giới xuất gia, cư sĩ, nhà báo…, viết về những Thánh tích Phật giáo ở Ấn Độ và Nepal; nhưng rồi tôi quyết định không đọc. Tôi muốn cảm thụ Phật tích với góc nhìn và cảm xúc của một hài nhi.

Bài này tôi viết cho những người trẻ chưa quy y Tam Bảo và những doanh nhân hiểu về Phật Pháp sơ khai như tôi. Thông qua bài viết này, tôi còn có mong muốn giới thiệu với độc giả sự tương kính, tương thân, tương ái, tương trợ, của từng thành viên trong đoàn với nhau, với xứ Phật và Đức Phật.

Phần 1: Cực trước, lạc sau

Con trai bé xíu của tôi hay nói đùa với má, “Không có việc gì khó / Chỉ sợ tiền không nhiều”, câu nói này có thể hợp với những chuyến đi Tây, đi Mỹ, đi Tàu, nhưng chẳng dính dáng gì đến xứ sở mà đoàn chúng tôi sẽ đi qua. Như Ni sư lớn tuổi nhất trong đoàn, người có duyên viếng xứ Phật nhiều lần, nói “Cái xứ mà có tiền cũng đành chịu đói vì không có ai bán và, nếu có bán thì cũng không hợp khẩu vị”.

Có lẽ vì thế mà hành lý của đoàn quá tải. Nào mì chay, cháo chay, miến chay, hủ tiếu chay, bột ngũ cốc, trà tây, trà ta, trà tàu, cà phê, ca cao, sô cô la và các loại thuốc phòng bệnh, trị bệnh, đóng gói. Nào tương, chao, bột nêm, sữa, phô mai, bơ, bánh, kẹo và các loại hạt ăn liền. Đó là chưa kể rong biển, muối mè, phù chúc, đậu hủ và các loại nấm đã qua chế biến.

Do công chuyện làm ăn, tôi thường phải đi nước này nước khác. Ngại tay xách nách mang, tôi chỉ đem theo một thứ nhẹ nhất, đó là “tiền”. Có lẽ vì vậy nên khi thấy số hành lý của đoàn quá “hoành tráng” tôi vừa thẹn, vừa mắc cười. Nhưng chỉ vài ngày sau tôi vỡ lẽ, nhờ chuẩn bị lương thực – thực phẩm chu đáo như vậy, đoàn mới đủ phước quay lại quê nhà một cách phổng phao. Và tôi, người èo uột nhất đoàn, nếu không được nuôi kỹ, khi về đến nhà chắc chắn sẽ được đạo diễn phim “Sao tháng tám” (phim đặc tả nạn đói 1945) mời thủ vai chánh!

Xong phần thủ tục hải quan, ngồi lên được máy bay đồng hồ chỉ 21h5 phút. Đến sân bay Thái Lan đã sắp nửa đêm. Không có chuyến bay trực tiếp đến Bồ Đề Đạo Tràng, điểm đoàn muốn chiêm bái đầu tiên, chúng tôi đành phải chấp nhận quá cảnh tại Thái Lan cho mãi đến 12h trưa hôm sau mới có chuyến bay qua Gaya (Ấn Độ). 13 tiếng dật dờ trong sân bay Thái Lan có nhiều chuyện cười ra nước mắt.

Tôi nghĩ rất đơn giản, thuê vài phòng trong sân bay cho đoàn ngủ một đêm là xong. Thế mà lại không xong. Đoàn cử hai người trẻ đi thuê phòng, khi về, hai vị báo lại “để có nơi cho bảy người nghỉ qua đêm số tiền phải chi là 1.300 USD”. Chỉ mới nghe có vậy, chưa cần biết tiêu chuẩn phòng mấy sao, quý thầy, quý ni lắc đầu quây quẫy, dứt khoát ngủ bụi, không chịu cho tôi thuê. Ừ, thì ngủ bụi.

Chưa có kinh nghiệm ngủ bụi, vì vậy khi thấy dãy ghế inox trên lầu 4 trống người, đoàn chiếm và ngã lưng liền. Mới đầu còn nghĩ, đoàn tuy chậm nhưng có phước vì tìm được chỗ nằm riêng biệt, hoan hỷ lắm; nhưng chỉ mươi phút sau thì thấm lạnh. Lạnh từ lưng lạnh ra vì nằm trên ghế inox, lạnh từ trên lạnh xuống vì nằm áp mái lầu 4, nơi gần máy lạnh nhất. Đã thế, sát dãy ghế đoàn nằm là cái TV lớn, phát hình phát tiếng suốt đêm. Vận dụng hết khả năng kỹ thuật của các thành viên trong đoàn vẫn không sao bắt cái TV này im tiếng. Thôi thì, nằm co ro nhắm mắt nghe TV vậy.

Nằm khoảng hai tiếng đồng hồ, không ai bảo ai, tất cả đều bật dậy, người này ngó người kia, cười. Có người cất tiếng hỏi “Bộ đoàn mình không ai mang theo mũ, tất, áo lạnh hả?”. Một người trả lời thay, “Ai cũng có đầy đủ nhưng gởi hết theo hành lý rồi”. Huề trớt, có cũng như không!

Lo đoàn bệnh vì cảm lạnh, một lần nữa tôi đặt vấn đề thuê phòng. Tất cả lại lắc đầu dù môi của cả bảy người đã chuyển màu tai tái. Biết mười mấy ngày tới trong cuộc hành trình chiêm bái trên xứ Phật, đoàn sẽ phải dãi dầu nhiều hơn nữa, tôi nói đùa, “Đoàn mình ráng cực trước rồi…khổ sau”. Lại cười.

Cái khó ló cái khôn, một số vị trẻ trong đoàn bỏ vị trí đi thị sát dưới lầu 3. Mừng húm khi thấy có dãy ghế nệm bỏ trống, lại ấm hơn lầu 4 nhiều. Một vị liền ở lại giữ chổ, các vị khác quay về mời đoàn xuống chổ mới.

Trong đời tôi chưa bao giờ ngủ ở ghế nệm công cộng với tâm trạng thư thái như vậy. Thả mình xuống quất liền ba tiếng đồng hồ, không biết trời trăng. Mở mắt ra ngó quanh quất, thấy đoàn vẫn say giấc nồng, tôi chập chờn thêm mươi phút, khi bụng réo đói mới tỉnh hẳn.

Sau giấc ngủ bụi mặt ai nấy ngời sáng, tươi tỉnh. Lúc này trong đoàn có một sư cô đưa tờ 1.000 paht ra khoe “Lạnh quá, em đem Y ra đắp. Thức dậy thấy trong tay có tờ 1.000 paht của ai đó cúng dường”. Một Thầy trong đoàn buộc miệng nói vui “Tui lại cắn răng chịu lạnh, không đem Y ra đắp, chừ tiếc quá!”. Mọi người cười òa.

Không cần biết người trùm Y là ai, khách vãng lai ở sân bay Thái Lan chỉ thấy tấm Y vàng là coi như thấy Phật, phát lòng từ tâm, cúng dường. Người cúng vắng lặng, người nhận vắng lặng, của cúng dường vắng lặng; sự vắng lặng ngát hương sen.

1.000 pahd đó đã ban cho đoàn mỗi người một ly sữa lót dạ buổi sáng trong sân bay Thái Lan. Khi uống, bảy người trong đoàn tĩnh tâm hồi hướng công đức. Ly sữa nóng thơm trong miệng.

Nhà hàng nơi chúng tôi uống sữa không bán thức ăn chay. Tôi lo lắng các thành viên trong đoàn bị đói. Lúc này quý sư cô mới dỡ “bửu bối” ra phân phát  mỗi người một ly hủ tiếu ăn liền. Để có nước sôi chế vào ly hủ tiếu là một màn ly kỳ hấp dẫn. Mặc đồ tu, nước được biếu không, mặc đồ thường phải móc 1 USD mới có nước; lại cười. Diễn xong màn nước sôi, mỗi người “ôm” một ly hủ tiếu nóng hôi hổi. Giữa chốn người qua kẻ lại, hơi bị mắc cỡ, nhiều người trong đoàn định nhịn đói. Nhưng vì “sự nghiệp” rong rủi trong mấy ngày tới, đành nín thẹn mà ăn.

Ăn sáng xong, chúng tôi đi dạo, lúc này mới phát hiện cũng ở lầu 3, cách chổ đoàn qua đêm mươi bước, có một nơi nhờ hoa lan bao che cho nên thành khu riêng biệt, bên trong có tám ghế dựa, nếu bật ra thì nằm thoải mái như ghế vip trên máy bay. Tám ghế này dành cho khách quá cảnh sử dụng, không tốn tiền.

Nhìn đồng hồ thấy còn 5 tiếng nữa mới bay tiếp, thế là một lần nữa đoàn đổi chổ. Để an ủi cho sự dại của mình suốt đêm qua, anh chàng trẻ nhất đoàn nhấn nhá một câu triết lý như cụ non, “Ai nên khôn mà không dại đôi lần”.

Nghe vậy tự nhiên tôi liên tưởng đến Đức Phật. Khi chưa thành chánh quả, Ngài đã trải nghiệm tận cùng sự khổ hạnh, mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè, dẫn đến thân kiệt, trí quệ. Bát cháo sữa của nàng Tu Xà Đề dâng cho Ngài lúc này cũng như nước tưới cây khô, nhờ vậy thân tươi, trí rạng. Ngài ngộ ra “cứng quá thì gãy, mềm quá thì cong”, trung đạo là nằm giữa sự “cứng” và sự “mềm” ấy.

Nhưng để nhận ra lằn ranh nằm giữa “cứng” và “mềm” không hề đơn giản. Người u mê suốt đời chệch choạc; kẻ ngông cuồng thì cho rằng mình là trung tâm. Chỉ có bậc trí tuệ mới làm chủ thân khẩu ý từng sát na để tránh lệch khỏi trung đạo.

Tôi suy nghĩ tiếp, dù không ai muốn nhưng, đôi khi, chúng ta cũng cần thấu đáo sự “cực”, cả thân lẫn tâm, để cảm nhận chân giá trị của sự “lạc”.

Tiếng loa trong sân bay phát thông báo mời hành khách bay qua Gaya chuẩn bị, cả đoàn lục đục thu xếp hành lý; tôi đành chấm dứt dòng suy luận của mình.

Ngày đầu của đoàn đầy ắp niềm an lạc. Với đoàn, hạnh phúc không chỉ là điểm đến, mà còn là từng giờ từng phút trên đường đi.

Theo: vef.vn





Source link

Hits: 38

Trả lời