SÁM HỐI
Toàn Không
1 )- Sám hối là gì?
Sám chữ Phạn là Samma, Sám là ăn năn lỗi trước, Hối là chừa phạm lỗi sau.
Sám hối là biết lỗi cũ sai lầm nên ăn năn hối hận và nguyện sau này không tái phạm tội lỗi như thế nữa.
2 )- Tại sao phải sám hối?
Chúng ta tạo tội rất nhiều trong đời sống, chúng ta cứ tiếp nối hết đời này sang đời kia như xâu chuỗi dài vô tận. Trong mỗi đời từ sinh tới chết tạo tội thêm mãi từ cái lỗi nọ cho tới cái lỗi kia trong mười điều ác. Ba điều về thân “sát sinh, trộm cướp, tà dâm”, bốn điều về miệng “nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, nói ác”, và ba điều về ý “tham lam, sân giận hận thù, si mê tà kiến”; những lầm lỗi này tạo thành sức mạnh gọi là “nghiệp lực”, nghiệp lực đưa chúng ta vào đường khổ não tức phải gánh qủa báo của tội lỗi.
Trong Kinh Lăng Nghiêm, đức Phổ Hiền Bồ Tát nói: “Nếu tội lỗi của chúng sanh có hình tướng, tất cả hư không cũng không chứa hết”; tội lỗi gây ra bởi chúng sanh từ vô thủy đến nay biết bao nhiêu, kể sao cho xiết.
Đức Phật dạy: “Tất cả chúng sanh trong sáu cõi (Trời, Thần, Người, Ngạ qủy, Súc sinh, Địa ngục) không loài nào hoàn toàn trong sạch, không giống nào dứt hết tội lỗi”. Riêng đối với con người, chúng ta thấy lòng “tham, sân, si” che khuất tất cả, nó làm tăng trưởng lòng dục vọng, từ ý nghĩ lời nói đến hành động thường hay gây tội lỗi; muốn xóa bỏ tội lỗi, Phật giáo có cách tẩy trừ nó bằng cách sám hối, nhưng khi sám hối rồi, không còn tái phạm nữa mới đúng với ý nghĩa của sám hối.
3 )- Tội lỗi từ đâu đến?
Tội lỗi của chúng sanh bởi chủng tử di truyền, chẳng hạn tính tham lam, mới sinh ra không ai dạy bảo thế mà những đứa bé đã biết; cũng không ai dạy bảo hờn giận, vậy mà gặp điều trái ý là chúng la khóc giận hờn; những tính xấu ấy khó dứt trừ, trong Kinh gọi là “Bản hữu chủng tử”, nghĩa là hột giống có sẵn từ lâu đời rồi. Những hột giống này lại làm duyên sinh ra các tội lỗi khác, gọi là “Phân biệt phiền não” hay “Khởi thủy chủng tử” là hạt giống mới nhiễm do ảnh hưởng thời đại, tập quán, phong tục, thói quen chi phối như nóng giận thì chửi bới đánh lộn, giết hại sinh vật để cúng lễ v.v….
4 )- Chuộc tội của thế gian ra sao?
Người thế gian khi có tội lỗi ông bà làng nước thường dùng lợn (heo) gà tiền bạc để xin lỗi tạ tội, cũng có khi “đoái công chuộc tội” như khi phạm tội với triều đình, quân ngũ. Có đạo dùng máu súc vật để rửa tội đối với thần linh, có khi tắm ở sông ở suối mà họ cho là linh thiêng, có khi cúng phẩm vật để xin thần linh tha tội; lại có khi chủ trương hành xác, tự đánh đập xác thân mình để được tha tội lỗi đã làm v.v…
Tất cả các cách chuộc tội như trên đều sai lầm, vì tội lỗi thuộc tâm lý không hình tướng, rất vi tế sâu xa, làm sao có thể lấy vật chất như máu, nước, phẩm vật hay hành hạ xác thân để làm cho sạch tội lỗi được?
5 )- Sám hối của Phật giáo ra sao?
Đức Phật dạy rằng: “Tội lỗi do tâm của người tạo ra, cũng phải từ tâm mà sám hối. Kẻ gieo giống xấu phải ăn trái dở, người trồng giống qúy được ăn qủa ngon, không ai có quyền thưởng phạt làm khác đi được cả”.
Thật rõ ràng chí lý hợp với khoa học thực nghiệm. Vậy muốn hết tội chúng ta phải từ tâm sám hối theo phương pháp của Phật giáo mà thực hành, có hai cách:
A- Về Sự (Sự việc làm): Có ba phương pháp:
1- Lập giới đàn sám hối: Thỉnh thanh tịnh Tăng (Chân tu, Thánh Tăng) chứng minh, người sám hối phải thành thật tỏ bày tội lỗi một cách thành khẩn, có tâm ăn năn và nguyện không tái phạm nữa; rất tiếc, ngày nay khó tìm được Thánh Tăng.
2- Quán tưởng sám hối: Phương pháp này cao hơn, dùng cho những người tu có trình độ cao, hoặc ở chỗ không có Tăng thanh tịnh. Người sám hối phải thành tâm lễ bái hình tượng Phật hoặc Bồ Tát, rồi trình bày tội lỗi đã phạm, nguyện ăn năn hối lỗi và không tái phạm. Làm như thế đến khi nào thấy được hào quang, thấy Phật hay Bồ Tát đến xoa đầu mới thôi (không phải sám hối một vài lần đâu).
3- Hồng danh sám hối (Lễ lạy niệm danh hiệu các vị Phật): Phương pháp này do Pháp sư Bất Động bên Trung Hoa soạn: Bốn niệm lạy đầu là mười phương chư Phật, mười phương tôn Pháp, mười phương Hiền Thánh, và mười danh xưng của Phật. Cộng với 53 niệm lạy danh hiệu Phật (Từ Phổ Quang Phật đến Nhất Thiết Pháp Tràng Mãn Vương Phật) trong Kinh “Năm Mươi Ba Vị Phật”. Cộng với 35 niệm lạy danh hiệu Phật (từ Thích Ca Mâu Ni Phật đến Bảo Liên Hoa Thiện Trụ Sa La Thụ Vương Phật) trong Kinh “Quán Dược Vương Dược Thượng”. Cộng với một niệm lạy đức Phật A Di Đà là 93 niệm lạy, thêm vào kệ “Phổ Hiền Đại Nguyện”; sám hối này mỗi lần vừa niệm, vừa lạy cộng hết thảy thực hành 108 niệm lạy.
Đức Phật Tì Bà Thi cách nay 91 kiếp về trước nói: “Nếu ai niệm lạy danh hiệu 53 vị Phật, nhiều kiếp không bị đọa vào ba đường ác”.
Còn 35 vị Phật sau, Kinh Bảo Tích nói: “Nếu chúng sanh nào phạm tội ngũ nghịch, thập ác, đến nhiều kiếp không thể sám hối, chỉ lễ lạy niệm 35 vị Phật này, bao nhiêu tội lỗi đều tiêu diệt hết”.
Công đức vô biên của chư Phật không thể nghĩ bàn như vậy, nên hầu hết các chùa thường làm theo phương pháp sám hối này. Cách sám hối Hồng Danh khá mất nhiều thời gian, nhưng dễ nhất, và kết qủa vững chắc; lại bảo vệ sức khoẻ cho người sám hối (giống như tập thể thao) vì các động tác miệng niệm tên các vị Phật, thân đứng lên qùy xuống lễ lạy 108 lần. (Có thể: đến chùa dự các buổi sám hối hoặc thỉnh sách “Nghi thức Hồng Danh Sám Hối” về hành trì trước bàn thờ Phật tại nhà).
B- Về Lý (Nghĩa lý): Có cách “Vô sinh sám hối”, rất cao và khó thực hành, chỉ bậc thượng căn mới thực hành được, có hai phương pháp:
1- Quán Tâm vô sinh: Là quán tự tâm mình hiện tiền không sinh, như trong Kinh Kim Cang nói: “Tâm qúa khứ không có, tâm hiện tại chẳng có, tâm tương lai cũng không”. Quán trong ba thời ấy đều không thấy tâm, không có tâm thì vọng niệm tức vọng tâm không có, nếu vọng tâm không có, tội lỗi cũng không; Kinh nói: “Tội lỗi từ tâm sinh cũng từ tâm diệt, nếu tâm không sinh, tội kia cũng chẳng còn, thế mới thật là sám hối”.
2- Quán Pháp vô sinh: Là quán sát thật tướng (chân tánh) của các pháp (muôn vật) không sinh, chữ “thật tướng” là cái tướng ấy không sinh chẳng diệt, không thêm chẳng bớt, không bị thời gian thay đổi, không bị không gian chuyển dời, xưa nay vẫn thế, nên gọi là thật tướng; cũng gọi là chân như Phật tánh, khi biết được thật tướng rồi thì giả tướng chẳng còn, tội lỗi là giả tướng không gá vào đâu mà tồn tại được nữa.
6)- Làm sao dứt trừ việc gây tội lỗi?
Trong các cách sám hối cả Sự lẫn Lý vừa trình bày ở trên, tùy theo căn cơ và hoàn cảnh của mỗi người mà áp dụng; không nên bỏ mặc tới đâu thì tới như người vô trí, cũng không nên sám hối lấy lệ mà phải có lòng thành khẩn chí cương quyết để dứt tuyệt nọc xấu. Chúng ta còn phải phát hạnh lành như thực hành bố thí, nhẫn nhục, trì giới, Từ Bi Hỉ Xả để dẹp tham sân; như thế tính tốt phát triển và tính xấu không có đất nẩy nở được nữa.
7)- Lợi ích của sám hối:
Trong các phương pháp sám hối của Phật giáo, xem ra không phải dễ dàng thực hành, nhưng người chí tâm thực hiện sẽ đạt được lợi ích cụ thể sau đây:
1- Làm cho tâm tính con người được trong sạch, tiêu diệt hết lỗi lầm đời hiện tại, mà cũng trừ hết tội ác của các đời qúa khứ.
2- Phát triển tính thành thật hạnh thanh cao của bậc Thánh hiền.
3- Dứt tội sinh phúc và thẳng tiến đến giải thoát an vui.
Nhờ các phương pháp sám hối của Phật giáo, con người có thể cải hóa lòng mình, làm cho đời sống cá nhân hạnh phúc tốt đẹp, đời sống xã hội được hòa bình yên ổn hơn lên.
Từ thuvienhoasen.org
Hits: 287