Kinh Nhật tụng

Tìm hiểu về kinh Nhật Tụng ( thuvienhoasen.org)

CÁC BÀI
HỌC PHẬT
PHÚC TRUNG Huỳnh Ái Tông
PL. 2555

Ý nghĩa kinh nhật tụng

I – Dẫn: Kinh có nghĩa là lời của Phật, Bồ Tát hay chư Tổ dạy cho đệ tử được ghi chép lại, những lời này là Chân Lý không thể thay đổi, hợp với trình độ mọi người. Kinh Nhật Tụng là kinh dùng để tụng hàng ngày ở chùa cũng như ở tại gia của cư sĩ. Trước đây và ngày nay, kinh Nhật Tụng gồm có các kinh: Công Phu Khuya (Chú Lăng Nghiêm), Qúa Đường, Cúng Ngọ, An Vị Phật, Cúng Vong, Phóng Sanh, Mông Sơn Thí Thực, Kinh Di Đà, Kinh Phổ Môn, Kinh Kim Cang, Hồng Danh Sám Hối, Kinh Vu Lan.

Cư sĩ thường chỉ tụng có Kinh Di Đà, Kinh Phổ Môn, Kinh Kim Cang, Hồng Danh Sám Hối. Khi nào thọ Bát ở chùa mới tụng thời Công Phu Khuya. Ngoài ra tại gia, Cư sĩ tụng kinh nào cũng tốt cả bởi vì khi tụng kinh thì tam nghiệp thanh tịnh (hành động, lời nói, ý nghĩ), hiểu được lời Phật dạy để thi hành cho đúng pháp. Có người tụng Kinh Dược Sư, Kinh Địa Tạng nhưng có rất nhiều người tụng Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (Kinh Pháp Hoa).

Il – Ý nghĩa Kinh: Trừ một số kinh dành riêng cho trong chùa tụng, những Kinh Cư Sĩ thường tụng có ý nghĩa sau:

1) Kinh A Di Đà: Kinh này Phật giảng cho Ông Xá Lợi Phất và những vị khác tại nước Xá Vệ, nơi vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc. Phật ca ngợi cảnh Tây Phương do Đức Phật A Di Đà làm giáo chủ, ai muốn sanh về cõi nước này thì nên phát nguyện, khi đã sanh về cõi này rồi thì không còn thối chuyển, người nào được sanh về cõi này, thấy mình ở trong hoa sen nở ra, mình ngồi ở trong hoa sen đó. Nếu có ai niệm danh hiệu Đức A Di Đà tu 1 đến 7 ngày, tâm không bị lọan động, khi chết sẽ có Phật A Di Đà, Đức Quán Thế Âm, Đức Đại Thế Chí hiện ra cho thấy, nếu trong lúc chết mà tâm không tán loạn thì được sanh về cõi Phật A Di Đà, nơi đây hết sức sung sướng nên còn có tên là cõi Cực Lạc, vỉ khi chưa thành Phật, Đức A Di Đà có 48 lời nguyện, khi nào Ngài thành Phật, cõi đó phải được như ngài nguyện vậy.

Pháp môn Tịnh Độ chỉ niệm Nam Mô A Di Đà Phật khi đi, đứng, nằm, ngồi để cầu sau khi chết, được sanh về cõi cực lạc. Khi tụng Kinh cho người chết, để cầu cho người chết được sinh lên cõi cao hơn, gọi là cầu siêu, tức là cầu cho sanh về cõi Cực Lạc và cũng để nhắc nhở lời Phật dạy cho những người khác, muốn sanh về cõi cực lạc phải niệm sáu chữ: ” Nam Mô A Di Đà Phật!”.

2) Kinh Phổ Môn: Đây chỉ là phẩm thứ 25, một trong 28 phẩm của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Phẩm này do Bồ Tát Vô Tận Ý hỏi Phật về Bồ Tát Quán Thế Âm, Phật chỉ rõ Ngài là vị Bồ Tát hay quán sát thế gian, nghe ai kêu cầu, Ngài liền đến cứu giúp, ban cho sự không sợ hãi, Ngài hiện ra khắp nơi, biến hiện thành ra như mọi người để tùy trường hợp mà cứu giúp. Ai muốn nhờ đến sự cứu giúp của Ngài thì hãy niệm danh hiệu của Ngài như: “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát” hay “Nam Mô Đại Từ Đại Bi Linh cảm cứu khổ, cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát.”

Gặp những khi hoạn nạn, bệnh tật người ta thường hay tụng kinh Phổ Môn để cầu Đức Quán Thế Âm cứu giúp cho được an lành, tai qua nạn khỏi nên gọi là Cầu An.

3) Hồng Danh Sám Hối: Kinh này có niệm đến 89 vị Phật, sám hối tất cả những tội lỗi trong nhiều đời nhiều kiếp, những tội do mình làm, bảo người khác làm, hay vui vẻ khi thấy người làm đều sám hối, những công đức lành đều hồi hướng về ngôi vị chánh đẳng chánh giác.

Kinh này người ta thường tụng vào những đêm 14 rạng Rằm hay đêm 30 rạng mồng một, cứ mỗi danh hiệu Phật là lạy một lạy, nhờ tụng kinh này thường xuyên, người ta sẽ bớt bao tội lỗi.

4) Kinh Kim Cang: Kinh này vốn từ Kinh Đại Bát Nhã, Phật giảng trong 22 năm, tại 4 chỗ, gồm 16 hội, chép thành 600 quyển. Tóm tắt kinh Đại Bát Nhã là Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật gọi tắt là Kinh Kim Cang, rút lại thành một bài là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh cũng gọi là Bổ Khuyết Chân Kinh, chỉ còn 260 chữ.

Trong Kinh Kim Cang Ngài Tu Bồ Đề hỏi Phật, nếu có người muốn đạt quả chánh đẳng, chánh giác thì phải làm sao để: – Hàng phục vọng tâm và làm sao để an trụ chơn tâm? và lời Phật dạy có thể tóm tắt trong câu : Đừng khởi vọng tâm trụ chấp nơi nào cả. Phật dạy không nên chấp bất cứ thứ gì là thực có, ngay cả:

Nhược dĩ sắc kiến ngã,
Dĩ âm thanh cầu ngã,
Thị nhơn hành tà đạo,
Bất năng kiến Như Lai.

và cuối kinh Phật dạy, nên xem các thứ trên đời như thế này:

Nhứt thiết hữu vi pháp,
Như mộng huyễn, bào, ảnh,
Như lộ, diệc như điển,
Ưng tắc như thị quán.

Chúng tôi tạm dịch:

Phải quán làm sao cho được thế này,
Bao gồm vạn vật ở trần ai,
Tuồng như mộng ảo nhu bọt ảnh,
Nhẹ tợ sương và tia chớp trong mây.

Kinh này có sức chấp phá cấp tốc các phiền não, phá chấp triệt để, nhanh chóng thành bậc chánh giác.

4) Các Kinh khác: Ngoài các kinh trên trong kinh Nhật Tụng, có nhiều người tụng kinh Pháp Hoa, đây là bộ kinh tối thượng thừa giáo hóa hàng Bồ Tát thành Phật, Phật giảng kinh này trong 8 năm nói rõ đạo Phật chỉ có một thừa đó là Phật thừa và chư Phật ra đời là để: Mở đường, chỉ lối cho chúng sanh giác ngộ để nhập vào sự hiểu biết của Phật. Trong kinh có 5000 vị đệ tử vì cống cao ngã mạn nên rời khỏi pháp hội, những vị còn lại đều được Phật thọ ký thành Phật sau này.

Phẩm Pháp Sư , Phật dạy rằng sau nầy ai là Pháp Sư, người truyền bá Giáo lý của Phật phải vào nhà Như Lai, Mặc áo Như Lai, Ngồi tòa Như Lai nghĩa là phải đầy lòng Từ Bi, hết sức nhẫn nhục, xem tất cả các pháp đều là KHÔNG.

Còn trong phẩm cuối cùng thứ 28, Phẩm Phổ Hiền Bổ Tát Khuyến Phát, Đức Phật có dạy, sau khi Ngài diệt độ, nếu ai muốn được kinh Pháp Hoa thỉ phải đắc 4 pháp:

– Được chư Phật ủng hộ.
– Nơi mình phải nảy sanh căn lành, cội đức.
– Phải có lòng Chánh định chắc quyết.
– Phải thấy mình có quả vị Phật vì muốn cứu độ tất cả chúng sanh.

Còn kinh Công Phu Khuya hay Chú Lăng Nghiêm, rút từ trong Kinh Lăng Nghiêm ra, đây là Chú mà Phật đã sai Ngài Văn Thù đem đến cứu Ngài A Nan, khi Ngài bị nàng Ma Đăng Già dùng thần chú của Ca Tỳ Ca La Tiên Phạm Thiên làm hại. Kinh này có công năng Định Tâm, thường đọc Kinh này hay trì Chú thì tai qua nạn khỏi, ma quái không xâm phạm, chư thiên thường hộ trì, muốn điều chi tốt lành đều được thành tựu. Vì công năng như thế nên các Chùa thời công phu đều tụng kinh này.

III – Kết: Khi tụng kinh, chúng ta cần hiểu kinh nào có công năng ra sao ? Phật dạy những gì, để tùy trường hợp mà ta tụng kinh, hay nói khác hơn là hiểu cho được nghĩa của Kinh để tu tập, áp dụng vào đời sống của người con Phật.

Ngày xưa chùa thường tụng kinh bằng chữ Hán, gọi là Kinh Chữ, ai không biết chữ có thể nghe, đọc theo dần dần thuộc lòng nhưng không thể nào biết rõ được ý nghĩa của Kinh. Ngày nay, kinh hầu hết đều có dịch ra chữ quốc ngữ. Chúng ta tụng và phải để tâm vào chăm chú vào thì sẽ hiểu hết ý nghĩa lời Phật dạy, theo đó chúng ta tu, có như vậy mới thật là lợi ích cho chính bản thân ta, và phần nào lợi ích cho những người chung quanh khi nghe ta tụng Kinh Nghĩa nầy.

Nội dung Kinh tám điều -kinh từ tâm

http://www.chuahoangphap.com.vn/thu-vien-kinh-sach/chi-tiet-kinh-nhat-tung-166/

KINH TÁM ĐIỀU – KINH TỪ TÂM

KINH TÁM ĐIỀU – KINH TỪ TÂM

 KỆ TÁN PHẬT

Đấng Pháp vương vô thượng

Ba cõi chẳng ai bằng,

Thầy dạy khắp trời người

Cha lành chung bốn loài.

Quy y tròn một niệm,

Dứt sạch nghiệp ba kỳ,

Xưng dương cùng tán thán

Ức kiếp không cùng tận. 

QUÁN TƯỞNG

Phật, chúng sanh tánh thường rỗng lặng

Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn,

Lưới đế châu ví đạo tràng,

Mười phương Phật bảo hào quang sáng ngời.

Trước bảo toạ thân con ảnh hiện.

Cúi đầu xin thệ nguyện quy y. 

LỄ PHẬT

Chí tâm đảnh lễ: Nam mô tận hư không biến pháp giới quá, hiện, vị lai thập phương chư Phật, tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng thường trụ Tam Bảo. (1 lạy) 

Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Ta-bà giáo chủ Điều ngự Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật, Đương lai hạ sanh Di-lặc tôn Phật, Đại trí Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát, Đại hạnh Phổ Hiền Bồ-tát, Hộ pháp chư tôn Bồ-tát, Linh Sơn hội thượng Phật Bồ-tát. (1 lạy) 

Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Tây Phương Cực Lạc thế giới Đại từ Đại bi A-di-đà Phật, Đại bi Quán Thế Âm Bồ-tát, Đại Thế Chí Bồ-tát, Đại nguyện Địa Tạng Vương Bồ-tát, Thanh tịnh Đại hải chúng Bồ-tát. (1 lạy) 

*

TÁN LƯ HƯƠNG

Lò hương vừa bén chiên đàn,

Khắp xông pháp giới đạo tràng mười phương

Hiện thành mây báu kiết tường,

Chư Phật rõ biết ngọn hương chí thiềng

Pháp thân toàn thể hiện tiền

Chứng minh hương nguyện phước liền ban cho. 

Nam mô Hương Vân Cái Bồ-tát Ma-ha-tát. (3 lần) 

*

CHÚ ĐẠI BI

Nam mô Đại bi Hội thượng Phật Bồ-tát. (3 lần) 

Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà la ni.

Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam mô a rị đa, bà lô kiết đế, thước bát ra da, bồ đề tát đoả bà da, ma ha tát đoả bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án, tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát toả.

Nam mô tất kiết lật đoả, y mông a rị da, bà lô kiết đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà dà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án, a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đoả, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, cu lô cu lô kiết mông, độ lô độ lô, phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Mạ mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê di hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá da, hô lô hô lô, ma ra, hô lô hô lô, hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì địa rị sắc ni na, ba dạ ma na, ta bà ha. Tất đà dạ ta bà ha. Ma ha tất đà dạ ta bà ha. Tất đà dủ nghệ thất bàn ra dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì, ta bà ha. Ma ra na ra, ta bà ha. Tất ra tăng a mục khê da, ta bà ha. Ta bà ma ha, a tất đà dạ, ta bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ, ta bà ha. Ba đà ma yết tất đà dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì bàn dà ra dạ, ta bà ha. Ma bà lợi thắng kiết ra dạ, ta bà ha. Nam mô hắc ra đát na, đa ra dạ da. Nam mô a rị da bà lô kiết đế, thước bàn ra dạ, ta bà ha. Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt đà dạ, ta bà ha. 

Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật. (3 lần) 

*

KỆ KHAI KINH

Phật pháp rộng sâu rất nhiệm mầu.

Trăm nghìn muôn kiếp khó tìm cầu.

Con nay nghe thấy chuyên trì tụng.

Nguyện hiểu Như Lai nghĩa nhiệm mầu. 

Nam mô Thập phương thường trụ Tam Bảo. (3 lần) 

*

KINH TÁM ĐIỀU

Kinh tám điều người trên hiểu biết,

Con Phật thời nên hết đêm ngày,

Dốc lòng tụng niệm không ngơi,

Tám điều hiểu biết của người bậc trên

Thứ nhất biết thế gian không chắc,

Hiểu rõ ràng cõi nước yếu nguy.

Thân này nào có ra chi,

Đất nước, gió, lửa, hợp về lại tan,

Luống những chịu muôn ngàn đau khổ

Ngũ ấm không còn có mình sao?

Khác nào như cảnh chiêm bao,

Biến thiên sanh diệt ai nào chủ trương

Lòng này chính là nguồn độc ác,

Đem thân ra gánh vác tội tình.

Nay đà xem xét cho rành,

Dần dần xa lánh tử sanh có ngày.

Điều thứ hai ta đây hiểu biết,

Ham muốn nhiều chỉ mệt mà thôi.

Chết đi sống lại bao đời,

Tham là gốc khổ mấy người tỉnh đâu.

Ham muốn ít, không cầu cạnh mấy,

Thân tâm đều tự tại tiêu dao.

Điều thứ ba rõ trước sau,

Lòng không chán đủ tham cầu không ngơi.

Gây nên tội tầy trời tầy bể.

Bồ-tát không như thế bao giờ,

Biết vừa nên chẳng cầu dư.

Phận nghèo giữ Đạo sớm trưa an nhàn

Cốt sao cho trí khôn sáng tỏ.

Điều thứ tư cũng rõ gót đầu,

Biếng lười sa xuống vực sâu.

Nên cần tinh tiến để cầu tiến lên,

Phá sạch hết điều phiền não trước.

Bốn con ma dẹp hết là xong ( ),

Ngục ngũ ấm thoát khỏi vòng.

Thứ năm biết rõ thuỷ chung muôn loài

Thuần chỉ những sống say, chết ngủ.

Bồ-tát thường lấy đó làm lo,

Học hành chẳng quản công phu,

Nghe nhiều học rộng cốt cho thành tài

Trí tuệ lớn vẹn đầy sau trước,

Dạy muôn loài đều được an vui.

Sáu là hiểu rõ đầu đuôi,

Nghèo cùng khổ não lắm người thù riêng

Thường mắc phải ác duyên hoạnh hoạ

Bồ-tát cho khắp cả muôn loài,

Một niềm bình đẳng không hai,

Oán thân như một, lòng đầy từ bi.

Điều xấu cũ không hề vướng vít,

Kẻ xấu xa chẳng ghét không chê.

Thứ bảy biết ngủ nghê ăn uống,

Danh, sắc, tài, ham muốn là nguy.

Dù chưa thay đổi hình nghi,

Còn là người tục chẳng mê thói đời.

Áo bát pháp đêm ngày tưởng nhớ,

Theo đạo mầu chỉ cố xuất gia.

Giữ gìn trong ngọc trắng ngà,

Nết thanh cao giữ thật là thanh cao,

Lòng từ bi lúc nào cũng đủ.

Thứ tám là biết rõ tử sanh,

Khác nào lửa cháy bên thành.

Chứa chan khổ não nghĩ tình xót thương

Mở lòng rộng tìm đường cứu vớt,

Thay muôn loài chịu hết đắng cay,

Khiến cho hết thảy muôn loài,

Đều cùng giải thoát tháng ngày yên vui

Tám việc trước là nơi chư Phật,

Cùng các ngài Bồ-tát đại nhân,

Đều cùng hiểu rõ nguồn cơn,

Từ bi trí tuệ sửa tròn trước sau.

Làm việc đạo bấy lâu tinh tiến,

Thuyền Pháp thân chở đến Niết-bàn,

Là nơi yên tĩnh an nhàn,

Lại về cõi khổ cưu mang muôn loài.

Tám việc trước ta đây hiểu biết,

Mở đường ra cho hết thảy đi,

Khiến bao loài trước ngu si,

Biết sống chết khổ, bỏ lìa muốn năm( )

Theo đạo chính tận tâm tu tập

Nếu quả là con Phật tụng đây,

Trong khi nghĩ tám việc này,

Bao nhiêu tội lỗi tức thời sạch ngay.

Đạo Bồ-đề thẳng tới nơi,

Lên ngôi Chánh Giác chỉ giây phút thành

Đoạn tuyệt hẳn đường sanh nẻo tử,

Đời đời thường ở chỗ yên vui. 

Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật (3 lần). 

*

KINH TỪ TÂM

Tôi từng nghe kể như vầy,

Một thời Xá Vệ, tại ngay Kỳ Hoàn.

Thế Tôn cho gọi chúng Tăng,

Các thầy cung kính “thưa vâng” đáp lời

Thế Tôn thuyết giảng những lời,

Liên quan tu tập nên người từ tâm,

Là người rất đỗi ân cần,

Thương yêu trải khắp kẻ gần người xa

Tấm lòng nhân ái bao la,

Thật là thuần khiết, thật là cao thâm.

Hướng về tất cả chúng sanh,

Người từ tâm trọn quên mình mà thương

Không vì ái luyến vấn vương,

Không vì mong đợi chút đường lợi danh

Không vì ân nghĩa riêng đành,

Không vì cân nhắc với mình lạ quen.

Thương người quen lẽ tất nhiên,

Cũng thương những kẻ chưa quen bao giờ.

Xoá đi ngăn cách thân sơ,

Xoá đi ngần ngại hững hờ bấy lâu.

Tình thương lan toả đến đâu,

Giúp xây nơi ấy nhịp cầu cảm thông.

Người từ tâm đủ bao dung,

Đủ lòng độ lượng, đủ lòng thương yêu

Với người mưu hại đủ điều,

Bất nhân ác cảm gây bao hận thù.

Người từ tâm trước như sau,

Trải lòng ra mãi, đậm sâu thương người

Với người oán ghét bao đời,

Nguồn thương yêu ấy làm vơi tị hiềm.

Chuyện không hay chẳng trách phiền

Cho vơi bớt những nghiệp duyên với người.

Người từ tâm trước muôn loài,

Đem lòng thương xót cảnh đời không may.

Thương người sống kiếp đoạ đày,

Làm thân cầm thú nghiệp gây chẳng lành

Hoặc loài ngạ quỷ vô hình,

Hoặc trong địa ngục, tội tình vương mang.

Từ tâm như ánh trăng ngàn,

Dịu dàng soi thấu mọi đường trầm luân

Ở đâu có chúng hữu tình,

Thì nơi ấy có từ tâm hướng về.

Như tàng lá mát rộng che,

Chúng sanh vô lượng, tâm từ vô biên.

Tâm từ như suối triền miên,

Thấm vào mạch sống mọi niềm an vui.

Tâm từ làm gốc vun bồi,

Cho người cao thượng, cho đời vinh hoa

Thấy người khổ nạn khó qua,

Lòng mình đau xót như là khổ chung.

Thấy người hạnh phúc thành công,

Lòng mình sung sướng như cùng vui theo.

Thấy người lầm lỗi ít nhiều,

Lòng mình tha thứ, mến trìu càng hơn

Người từ tâm sống vẹn tròn,

Thương yêu bình đẳng, sắt son bền lòng

Cho dù không ước không mong,

Phước lành tự đến do công đức thành.

Một là ngủ được an lành,

Bởi lòng mình đã chân thành thương yêu

Bởi không lừa lọc dệt thêu,

Bởi không toan tính lắm điều chua ngoa

Tâm tình không gợn xấu xa,

Tham lam, sân hận, si mê mịt mờ.

Đầu hôm đến lúc tinh mơ,

Khổ ưu lặng tắt, thới thơ giấc nồng.

Hai là rời bước khỏi giường,

Lòng mình một mực bình thường yên vui

Khi đi đứng, lúc nằm ngồi,

Không còn tiếc nhớ đua đòi ước ao.

Từ tâm hoá giải đẹp sao,

Muộn phiền, sân hận tan vào hư không.

Lòng mình luôn giữ trắng trong,

Nguồn an lạc trải tựa đồng bao la.

Ba là từ ái lan xa,

Làm cho cảm ứng chan hoà cùng nhau

Ai ai cũng thấy mến yêu,

Đem lòng ngưỡng mộ người nêu tâm từ

Bốn là loài chẳng phải người,

Một khi cảm nhận biết người từ tâm.

Cũng dành cho những tình thân,

Hộ trì người được những thành tựu vui

Năm là thiên chúng cõi trời,

Xưa kia tu tập nên người từ tâm.

Thấy người nào tính ai lân,

Nay theo gia hộ để cùng tiến tu.

Sáu là hiểm nạn đang chờ,

Dầu sôi lửa bỏng mịt mù kiếm cung.

Cùng bao nhiêu thứ độc trùng,

Không sao xâm phạm đến vùng trú thân

Bảy do huân tập từ tâm,

Thác sanh Phạm chúng làm dân cõi trời

Được nhiều phước báo tuyệt vời,

Và tâm từ được trau dồi hơn thêm.

Tám là đầy đủ thiện duyên,

Người từ tâm biết thường xuyên chuyên cần.

Làm cho đức hạnh được thuần,

Thành vườn ruộng tốt gieo trồng đại bi

Đượm nhuần vô ngã, vô si,

Con đường giải thoát bước đi thêm gần

Khéo an trú, khéo tác thành,

Thân tâm an ổn, vững vàng lắng sâu.

Tâm từ khi được khéo tu,

Làm cho trói buộc bị mau yếu dần.

Không còn dấu vết tham sân,

Niết-bàn hiển lộ thênh thang giữa đời.

Thế Tôn thuyết giảng mấy lời,

Các thầy vui nhận, tin rồi làm theo. 

*

MA HA BÁT NHàBA LA MẬT ĐA TÂM KINH

Đức Bồ-tát hiệu Quán Tự Tại,

Dầy công tu huệ mới mở mang!

Chân như một áng linh quang,

Chiếu soi năm uẩn đều không có gì.

Bát-nhã huệ soi đi khắp chốn,

Dứt mọi đường khổ khốn tai nàn!

Xá-lợi tâm chớ nghi nan,

Sắc kia nào khác cái không đâu mà!

Cái không nọ nào xa cái sắc,

Sắc là không, không sắc như nhau.

Thọ, tưởng, hành, thức khác đâu,

Chân không xét cũng một mầu thế thôi

Này Xá-lợi nghĩ coi có phải?

Những pháp không xét lại thực là:

Chẳng sanh, chẳng dứt đó mà,

Sạch dơ, thêm bớt cũng là chân không

Ấy vậy phải xét thông mọi lẽ,

Như hư không sắc vẻ gì đâu?

Thọ, tưởng, hành, thức sạch làu,

Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt còn đâu nương nhờ

Thân, ý cũng hững hờ như thế,

Lục trần kia cũng kể là không.

Đã không nhãn giới suốt thông

Đến ý thức giới cũng không thấy gì.

Vô vô minh nương chi mà có?

Bổn tánh không soi nó phải tiêu!

Đã không lão tử hiểm nghèo,

Còn đâu già chết, hòng theo quấy rầy?

Khổ, Tập, Diệt, Đạo không thay!

Trí còn không có, đắc này được đâu?

Vô sở đắc là câu tuyệt diệu!

Bồ-tát xưa khéo liệu đường tu.

Chân không bổn tánh như như,

Nhờ huệ Bát-nhã thật hư soi làu!

Không ngăn ngại còn đâu lo sợ!

Mộng tưởng không tâm chẳng đảo điên

Chân như bổn tánh thiên nhiên,

Niết-bàn cõi ấy, chứng nên đạo mầu!

Tam thế Phật ngôi cao chứng quả,

Thảy đều nhờ Bát-nhã tu nên.

Bát-nhã này rất thiêng liêng!

Ấy đại thần chú giúp nên đạo thiền.

Ấy thần chú đại minh sáng chói!

Chú vô thượng vòi vọi cao xa!

Vô đẳng đẳng chú ấy mà,

Gồm đủ thần lực thật là tối linh!

Những khổ não thênh thênh trừ hết,

Lời nói này chân thật chẳng ngoa.

Vậy nên Bát-nhã thuyết qua,

Này câu thần chú niệm ra như vầy:

Yết đế, yết đế, ba la yết đế,

Ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha. (3 lần) 

VÃNG SANH THẦN CHÚ

Nam mô A-di-đà bà dạ. Đa tha dà đa dạ. Đa diệt dạ tha. A di rị đô bà tỳ. A di rị đa, tất đam bà tỳ. A di rị đa, tỳ ca lan đế. A di rị đa, tỳ ca lan đa. Dà di ni, dà dà na. Chỉ đa ca lệ, ta bà ha. (3 lần) 

NIỆM PHẬT

Di-đà thân Phật sắc vàng tươi,

Tướng tốt quang minh vẹn đủ mười.

Ánh sáng toả hình năm núi lớn,

Mắt trong tợ nước bốn nguồn khơi.

Hào quang hoá Phật bao nhiêu ức,

Bồ-tát hiện thân gấp mấy mươi.

Bốn tám lời nguyện mong độ chúng,

Hoa sen chín phẩm rước lên ngôi. 

Nam mô Tây Phương Cực Lạc thế giới Đại từ Đại bi A-di-đà Phật. 

Nam mô A-di-đà Phật. (Nhiều, ít tuỳ thời gian) 

Nam mô Đại bi Quán Thế Âm Bồ-tát. (3 lần) 

Nam mô Đại Thế Chí Bồ-tát. (3 lần) 

Nam mô Địa Tạng Vương Bồ-tát. (3 lần) 

Nam mô Thanh Tịnh Đại Hải chúng Bồ-tát. (3 lần) 

*

SÁM KHUYẾN TU

Chữ rằng công đức vô lường,

Mười phương chư Phật thường thường độ sanh.

Ai ơi gắng chí tu hành.

Để sau đến bậc Vô sanh mà nhờ.

Người đời sớm biết tri cơ,

Gương lu vì bụi, trăng mờ vì mây.

Chở che nhờ đức cao dầy,

Dẫu tu cho mấy chẳng tày tu tâm.

Đường mê xin chớ bước lầm,

Não phiền cũng bởi thân tâm của mình

Chớ nên hại vật sát sanh,

Tu nhân tích đức mới thành thanh cao

Cuộc đời như giấc chiêm bao,

Công danh phú quý khác nào lửa diêm

Phật Tiên xưa cũng người phàm,

Tỉnh thời làm Phật, mê làm chúng sanh

Nhớ xưa Vương Khải, Thạch Sùng,

Dẫu cho ngàn tứ muôn chung một thời

Của đời trả lại cho đời,

Giàu sang mà khỏi luân hồi đặng chăng?

Đổi thay máy tạo không ngần,

Bức tranh vân cẩu mấy tầng xa xa,

Khuyên đừng trách lẫn trời già,

Đáo đầu thiện ác chánh tà khác nhau.

Quả nhân chẳng trước thời sau,

Gẫm cơn báo ứng chậm mau mấy hồi.

Người đời nghĩ đó mà coi,

Giờ không toan liệu, sau rồi làm sao?

Khuyên đừng ngại chút công lao,

Nhắm vào bờ giác, tầm vào tận nơi.

Tâm minh vốn đã sẵn rồi,

Ở trong mình có, há ngoài đâu xa.

Trừ nghiệp chướng, giải oan gia,

Trì trai, niệm Phật ấy là công phu.

Tháng ngày thấm thoát phù du,

Bóng qua cửa sổ dễ hầu trở lui.

Thiện căn trước đã tài bồi,

Đèn khêu mới sáng, ngọc dồi mới xinh

Tránh vòng lục dục thất tình,

Ấy là khỏi lưới vô minh vướng nhầm.

Rõ ràng phước tội tại tâm,

Mình làm mình chịu không lầm mảy may

Máu tham tràn khắp xưa nay,

Lợi danh biết mấy cho đầy lòng ai.

Chớ ham chen lấn đua đòi,

Cũng đừng ỷ sức cậy tài là xong.

Vượn còn biết mến trăng trong,

Người sa vào chốn bụi hồng làm chi.

Hãy theo chánh lý mà suy,

Xét cho thấu đáo vô vi đạo thường.

Tu hành sớm tối lo lường,

Đừng ham những cảnh vô thường thế gian.

Cho hay hoa nở cũng tàn,

Pháo mà kêu lớn càng tan xác nhiều.

Chi bằng tìm chốn tiêu diêu,

Nương theo cõi Phật khỏi điều thị phi.

Dốc lòng niệm Phật A-di,

Sớm trừ vọng niệm, hiếu kỳ tử sanh.

A-di-đà Phật chứng minh,

Chí tâm quy mạng, phù sanh chẳng cầu

Căn lành phước huệ trồng sâu,

Rõ thông mùi đạo nhiệm mầu lắm thay

Hoa sen thượng phẩm cao dày,

Tây Phương Tịnh độ định ngày vãng sanh

Ai ơi, gắng chí tu hành,

Cho mau kết quả, quốc thành thẳng qua

Chúng con phát nguyện thiết tha,

Cầu về Cực Lạc, Di-đà phóng quang. 

HỒI HƯỚNG

Tụng kinh công đức vô biên

Xin đem hồi hướng mọi miền gần xa

Chúng sanh pháp giới bao la

Đều về Cực Lạc Di-đà Tây thiên.

Nguyện tiêu ba chướng não phiền

Nguyện khai trí tuệ vô biên sáng ngời

Nguyện trừ tội chướng bao đời

Hành theo Bồ-tát đời đời vị tha.

Nguyện sanh Tịnh độ Di-đà

Hoa sen chín phẩm là cha mẹ mình

Hoa khai ngộ pháp Vô sanh

Cùng chư Bồ-tát bạn lành với ta.

Nguyện đem công đức tạo ra

Hướng về khắp cả gần xa hưởng nhờ

Con cùng muôn loại thân sơ

Đều thành Phật đạo, đến bờ an vui. 

PHỤC NGUYỆN

Nam mô Thập phương thường trụ Tam Bảo. 

Nam mô Ta Bà Giáo chủ Điều ngự Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật. 

Nam mô Tây phương Cực Lạc thế giới Đại từ Đại bi A-di-đà Phật.

Tác đại chứng minh. 

Giờ này đệ tử, cùng với đại chúng, cung kính trước Phật, thành tâm đọc tụng, kinh… Và xưng danh hiệu Phật. Nguyện đem công đức này hồi hướng: đạo Phật sáng thêm, xe Pháp thường chuyển, gió hoà mưa thuận, đất nước hưng thịnh, thế giới hoà bình, nhân dân an lạc. 

Thứ nguyện: Cầu an đệ tử ….. cùng chư thiện nam tín nữ, nghiệp chướng tiêu trừ, tai qua bệnh khỏi, thân tâm an lạc,

thường được kiết tường, vạn sự như ý, phát tâm Bồ-đề, quay về chánh đạo, thấm nhuần mưa pháp, phước huệ song tu, gia quyến an khang, lòng tin Tam Bảo càng sâu, tâm từ đối chúng sinh tăng trưởng. 

Lại nguyện: Cầu siêu hương linh ….. cùng chư hương linh, cửu huyền thất tổ, các gia các tộc, chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn, nương nhờ sức Phật, đến được đạo tràng, nghe kinh nghe Pháp, sớm thoát đường mê, sinh về Tịnh độ. 

Khắp nguyện: Kẻ mất siêu thăng, người còn phúc lạc, âm dương lưỡng lợi, pháp giới nhân thiên, đồng thành Phật đạo.

Nam mô A-di-đà Phật! 

*

Tự quy y Phật, xin nguyện chúng sanh, thể theo đạo cả, phát lòng vô thượng. (1 lạy) 

Tự quy y Pháp, xin nguyện chúng sanh, thấu rõ kinh tạng, trí huệ như biển. (1 lạy) 

Tự quy y Tăng, xin nguyện chúng sanh, thống lý đại chúng, tất cả không ngại. (1 lạy) 

HÔ KỆ TỊNH TOẠ

Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

Kính thưa đại chúng, đã đến giờ hô kệ niệm Phật tịnh toạ, kính mời đại chúng chắp tay trang nghiêm trước ngực, lắng lòng thanh tịnh, nghe hô kệ niệm Phật tịnh toạ. 

“Đến giờ niệm Phật ngồi lặng yên,

Ba nghiệp thanh tịnh Phật hiện tiền,

Tin sâu lời Phật hằng niệm Phật,

Chí tâm hướng đến cảnh Tây thiên.”

“Biển ái sóng bao la,

Nhận chìm cả ta bà,

Muốn thoát luân hồi khổ,

Phải gấp niệm Di-đà.”

Ngưỡng mong đại chúng nhất tâm đồng niệm Phật.

Nam mô A-di-đà Phật! (3 lần) 

Hồi Hướng

Nam mô A-di-đà Phật!

Đã hết giờ tịnh toạ, kính mời đại chúng chắp tay đồng hồi hướng.

“Nguyện đem công đức này,

Hướng về khắp tất cả,

Đệ tử và chúng sanh,

Đồng sanh về Tịnh độ.” 

Kính chúc quý Phật tử có một đêm an lành trong chánh niệm.

Nam mô A-di-đà Phật!

Video giảng giải kinh Nhật Tụng

Download kinh Nhật Tụng

https://tuvienphuocduc.org/kinh/kinh_nhat_tung.pdf

Tóm lược của tác giả

Như vậy kinh nhật tụng được hiểu là kinh tụng hằng ngày , nó gồm rất nhiều kinh .. dưới là ý nghĩa 1 số kinh theo Bắc truyền mà Admin hiểu

+ Kinh Phổ Môn : kinh cầu an , bình an

+ Kinh lương hoàng sám : sám hối tội lỗi tiêu trừ nghiệp chướng

+ Kinh Báo hiếu vu lan : hay tụng vào rằm tháng 7 và những ngày gần đó ( thường tụng với mục cầu siêu cho người đã mất , ngoài ra còn 1 số mục đích khác nữa)

+ Kinh Dược Sư : Cầu chữa bệnh

+Kinh Địa Tạng : thường tụng cho đất , nhà cửa được bình an , tụng ở những chỗ nghĩa trang

…. ngoài ra 1 số chùa có những bản kinh Nhật tụng riêng , như chùa Giác Ngộ

Bên nam truyền cũng có nhiều bản kinh tụng , kinh tụng pali , kinh hạnh phúc ( là 1 kinh nhỏ thuộc kinh tụng nam truyền)

Hits: 757

Trả lời