55. Thập Đại Đệ Tử – Thư viện sách


phatthichca2

Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh

(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)

3- Thập Đại Đệ Tử

1- Sàriputta (Xá Lợi Phất), trí tuệ đệ nhất.

Ông Sàriputta[1], nhỏ hơn đức Phật vài tuổi, sanh tại làng Upatissa (Nàlaka), quận Nàlandà, cha tên Vangantà[2], mẹ tên Rùpa Sari. Lúc có thai ông, bà Sari bỗng trở nên thông minh tuyệt vời, luận đạo và giảng kinh Veda rất hay, hơn cả chồng là ông Vangantà và anh là ông Dìghanakha. Ông Sàriputta có cả thảy 3 người em gái là Cala, Upacala và Sisupacala, và 3 người em trai là Cunda, Upasena và Revata. Cả 3 người em trai về sau đều xuất gia và đắc quả A-la-hán[3].

Theo phẩm Xá-Lợi Mục-Liên Nhân Duyêntrong Phật Bản Hạnh Tập Kinh 48, từ thuở nhỏ ông Sàriputta đã có thân tướng khôi ngô, khi lớn lên học tập các kỹ nghệ, thông hiểu bốn kinh Veda. Năm 16 tuổi, ông đã luận nghị hàng phục được người khác, các anh em trong dòng họ thảy đều quy phục. Ông trở thành người nổi tiếng trong làng nên có biệt danh là Upatissa. Ông kết bạn thân với ông Moggallàna ở làng Kolita bên cạnh. Một hôm, cả hai rủ nhau đến dự lễ cúng tế long trọng ở thành Ràjagaha, thấy mọi người vui chơi hỗn tạp, chợt nghĩ đến một trăm năm sau tất cả mọi người có mặt hôm nay đều chết và cảnh tượng hôm nay sẽ hoàn toàn đổi khác (cuộc đời vô thường), hai người bạn rủ nhau đi tìm thầy học đạo. Sau khi dọ hỏi các vị đạo sư đương thời, Sàriputta và Moggallàna đến thọ giáo với đạo sư Sanjaya, một trong sáu ngoại đạo. Chỉ trong bảy ngày, hai ông đã thông suốt được giáo chỉ của thầy, và được giao cho chức giáo thọ, có thể thay thầy để chỉ dạy cho các bạn đồng môn. Nhưng Sàriputta và Moggallàna chưa hài lòng, hai ông chia tay nhau đi tìm chân sư, Sàriputta đi về miền nam, Moggallàna đi về phương bắc, hẹn khi gặp được chân sư sẽ thông báo cho nhau để cùng đến học.

Chẳng bao lâu, ông Sàriputta đang đi trong thành Ràjagaha bỗng gặp đại đức Assaji đang đi khất thực. Thấy đại đức Assaji có vẻ mặt thanh thoát, tướng đi oai nghi tề chỉnh, ông đến hỏi :

– Kính bạch tôn giả, ngũ quan của ngài thật là trong sáng và thanh tịnh. Xin ngài hoan hỉ cho con biết vì sao ngài thoát ly thế tục ? Ai là vị tôn sư của ngài? Ngài truyền bá Giáo Pháp của ai ?

– Này đạo hữu, Đại đức Assaji đáp, bần tăng chỉ là một tu sĩ sơ cơ, chưa đủ khả năng giảng giải Giáo Pháp đầy đủ và rành rẽ cho đạo hữu.

– Kính bạch tôn giả, con là Sàriputta ở làng Upatissa, kính xin tôn giả tùy hỷ chỉ giáo ít nhiều, con sẽ cố gắng tự tìm hiểu được phần nào hay phần nấy. Xin ngài dạy cho con vài điểm thiết yếu, tóm lược cho con một vài ý quan trọng trong Giáo Pháp mà ngài đã học được.

– Đức bổn sư Gotama chỉ dạy rất nhiều, nhưng bần tăng chỉ thuộc được bốn câu kệ sau đây. Vậy bần tăng xin đọc cho đạo hữu nghe :

Ye dhamma hetuppabhava

tesam hetum tathagato.

Aha tesan ca yo nirodho

evam vadi mahà samano.

Có nghĩa là :

Các pháp đều do nhân duyên sanh.

Như Lai đã giải thích rõ ràng các nhân duyên đó

Và chỉ cách chấm dứt các pháp.

Vị Đại Sa môn dạy như thế.[4]

Bốn câu kệ đó vừa tóm tắt lý nhân duyên về sự sanh diệt của các pháp (vạn vật vô thường) vừa chỉ cách tu tập giải thoát (chấm dứt các pháp). Ông Sàriputta vốn rất thông minh, vừa nghe xong hai câu đầu liền bừng ngộ và đắc quả Tu-đà-hoàn (Sotàpatti). Từ đó về sau, để tỏ lòng biết ơn đối với Đại đức Assaji, mỗi khi nghe Đại đức Assaji ở nơi nào thì ông Sàriputta quay về hướng ấy chấp tay đảnh lễ, và lúc ngủ luôn luôn quay đầu về hướng ấy.

Đúng theo lời cam kết, Sàriputta đi tìm Moggallàna báo tin và đọc lại bốn câu kệ. Nghe xong, ông Moggallàna cũng đắc quả Tu-đà-hoàn. Hai ông liền đến thầy cũ là đạo sư Sanjaya Belatthiputta báo tin và mời thầy cùng đến thọ giáo với Phật. Đạo sư Sanjaya từ chối, nhưng có 155 đệ tử của ông cùng theo hai ông Sàriputta và Moggallàna đến Rừng Kè xin thọ giáo với Phật. Một tuần lễ sau, nhờ Phật dạy quán Tứ đại, Đại đức Moggallàna đắc quả A-la-hán. Đến tuần thứ hai, khi nghe đức Phật thuyết kinh Vedanà Pariggaha cho đạo sĩ Dìghanakha, Đại đức Sàriputta đắc quả A-la-hán. Chiều ngày hôm ấy, đức Phật triệu tập tất cả các đệ tử đến quanh ngài để tấn phong Đại đức Sàriputta làm đệ nhứt đệ tử, trí tuệ bậc nhứt.

Theo kinh Thập Nhị Du, sau khi xuất gia, Sàriputta thường theo bên Phật, giúp ngài trong việc giáo hóa, tổ chức và điều hành Giáo Hội. Ông thường được Phật khen ngợi và tin dùng. Ông là người chủ chốt trong việc hướng dẫn cư sĩ Sudattà kiến lập tinh xá Jetavana từ đầu đến cuối. Khi Devadatta lập Giáo Hội riêng ở Gayàsìsa, chính Sàriputta và Moggallàna đã đến tận nơi thuyết pháp và khuyên nhủ các vị khất sĩ nên trở về với Phật. Cũng chính đại đức Sàriputta là người chuyên giảng rộng lại phần Giáo Pháp cao siêu (Abhidhamma) của đức Phật đã nói, để các vị khất sĩ được dễ hiểu.

Năm -545, Thượng tọa Sàriputta về làng Upatissa thăm mẹ bệnh nặng và đã săn sóc bà cho đến khi bà lâm chung. Sau lễ trà tỳ của bà Sari, sẵn có mặt đầy đủ bà con và dân cư quen biết trong làng, Thượng tọa thuyết pháp cho họ nghe. Mọi người đều chăm chú lắng nghe vì Thượng tọa nói hay lắm. Thượng tọa giảng về cuộc đời là vô thường và dẫy đầy những thống khổ về thân cũng như về tâm, Chánh Pháp là con đường duy nhất có thể đưa con người ra khỏi biển khổ sanh tử để đến niết bàn an lạc thanh tịnh. Sau thời pháp, Thượng tọa làm lễ quy y Tam Bảo cho gần mười người. Rồi đêm đó Thượng tọa ngồi nhập định trong tư thế kiết già. Đến sáng sớm hôm sau, chú thị giả Cunda mới biết là Thượng tọa Sàriputta đã nhập diệt có lẽ vào lúc nửa đêm, trong phòng nơi Thượng tọa được sanh ra. Trước đó Thượng tọa có nói là muốn nhập diệt trước Phật, và dặn Cunda nên đem y bát và xá lợi của Thượng tọa đến trình Phật và xin Phật cho chú đi theo kề cận ngài. Y bát và xá lợi của Thượng tọa Sàriputta được vua xứ Kosala thỉnh về Sàvatthi và xây tháp thờ tại Jetavana. Ngoài ra, dân làng Upatissa và Phật tử còn xây một tháp khổng lồ bằng gạch thờ ngài tại viện Đại học Nàlandà.

Theo kinh Pháp Hoa, đức Phật có thọ ký cho ngài Sàriputta sẽ thành Phật hiệu là Hoa Quang Như Lai (Padmaprabha), ở thế giới tên Ly Cấu (Viradja), vào kiếp Đại Bửu Trang Nghiêm (Mahà ratana vyuha kalpa).

Tác phẩm về ngài : A-tỳ-đạt-ma Tập Dị Môn Túc Luận (20 quyển); Luận Xá Lợi Phất A-tỳ-đàm (30 quyển).

2. Moggallàna (Mục Kiền Liên), thần thông đệ nhất.

Ông Moggallàna, sanh cùng một ngày với ông Sàriputta, người làng Kolita, gần Nàlandà, cha tên Moggalla(?), mẹ tên Moggali(?) (Thanh Đề), thuộc dòng Bà-la-môn, phong lưu, sang trọng. Ông là người thông minh trí tuệ, học rộng và có đức hạnh. Ông kết bạn thân với ông Sàriputta ở làng Upatissa, kế bên làng ông. Một hôm, cả hai rủ nhau đến dự lễ cúng tế long trọng ở thành Ràjagaha, thấy mọi người vui chơi hỗn tạp, chợt nghĩ đến cuộc đời vô thường, hai người bạn rủ nhau đi tìm thầy học đạo. Nhưng cha mẹ ông không thuận cho ông xuất gia. Ông tuyệt thực luôn mấy ngày liền. Cha mẹ ông đành chìu theo ý ông. Hai ông Moggallàna và Sàriputta liền rủ nhau đến nghe sáu vị đạo sư ngoại đạo thuyết pháp, cuối cùng hai ông đến xin thọ giáo với đạo sư Sanjaya. Chỉ trong bảy ngày, hai ông đã thông suốt được giáo chỉ của thầy, và được giao cho chức giáo thọ, có thể thay thầy để chỉ dạy cho các bạn đồng môn. Nhưng Sàriputta và Moggallàna chưa hài lòng, hai ông chia tay nhau đi tìm chân sư, Sàriputta đi về miền nam, Moggallàna đi về phương bắc, hẹn khi gặp được chân sư sẽ thông báo cho nhau để cùng đến học. Chẳng bao lâu, ông Sàriputta gặp được đại đức Assaji tại thành Ràjagaha (Vương Xá), và được đại đức Assaji đọc cho nghe bốn câu kệ của Phật về lý vô thường và đạo giải thoát. Sau khi nghe xong, ông Sàriputta liền đắc quả Tu-đà-hoàn. Khi ông Sàriputta tìm gặp ông Moggallàna và đọc lại bốn câu kệ trên thì ông Moggallàna cũng đắc quả Tu-đà-hoàn. Hai người liền dắt nhau đến gặp đạo sư Sanjaya báo tin và mời đạo sư cùng đến thọ giáo với Phật, nhưng đạo sư Sanjaya từ chối. Trong lúc đó 155 đệ tử của đạo sư Sanjaya xin tháp tùng với hai ông Sàriputta và Moggallàna đến xin xuất gia với Phật tại Rừng Kè, cách Ràjagaha 2 km về phía tây nam. Chỉ một tuần lễ sau ngày xuất gia, đại đức Moggallàna đắc quả A-la-hán khi thực hành pháp quán Tứ Đại do Phật dạy.

Đại đức Moggallàna rất siêng năng tu tập thiền định nơi thanh vắng, nên chẳng bao lâu trở thành vị đệ tử thần thông bậc nhất của Phật.

Năm -566, sau khi chứng được ngũ thông, thầy dùng thiên nhãn tìm xem cha mẹ mình hiện giờ ở đâu. Thầy thấy cha hiện đang sanh vào một gia đình Bà-la-môn giàu có, còn mẹ thì phải đọa làm ngạ quỷ, chịu khổ sở đói khát. Thầy dùng thần túc thông mang cơm đến cho bà ăn, nhưng mỗi lần cơm đưa tới miệng thì biến thành lửa, không thể nào ăn được. Thầy liền cầu Phật chỉ dạy cách cứu mẹ khỏi khổ nạn ngạ quỷ. Phật dạy cách thiết lễ trai tăng long trọng vào ngày tự tứ mãn hạ, gọi là lễ Vu Lan Báo Hiếu. Thượng tọa Moggallàna nghe lời Phật dạy, thiết lễ Vu Lan cúng dường. Nhờ lòng hiếu thuận tha thiết của Thượng tọa, và thần lực hộ niệm của chư tăng thanh tịnh hiện tiền và chư Phật mười phương, bà Moggali (Thanh Đề), mẹ của Thượng tọa Moggallàna, liền cảm ứng được tâm lành, dứt hết tánh tham lam bỏn sẻn, được thoát cảnh ngạ quỷ, sanh về cõi trời Quảng Quả, cõi trời đầu tiên của Tứ Thiền.

Thượng tọa Moggallàna lại có tánh ngay thẳng kiên cường, thường hay chỉ trích những chỗ sai lầm trong giáo lý ngoại đạo, nên một hôm, vào năm 546 trước tây lịch, Thượng tọa bị một nhóm người võ trang gậy gộc phục kích và đánh chết dưới chân núi Isigili gần tinh xá Venuvana. Sau lễ trà tỳ, đức Phật chỉ nơi xây tháp an trí xá lợi Thượng tọa Moggallàna ở gần cổng tinh xá Venuvana (Trúc Lâm).

Theo kinh Pháp Hoa, đức Phật có thọ ký cho thầy Moggallàna về sau sẽ thành Phật hiệu là Đa Ma La Bạt Chiên Đàn Hương Như Lai (Tamalapatra Chandanagandha), ở thế giới Ý Lạc (Manobhirama), vào kiếp Hỷ Mãn (Ratiprapurana).

Tác phẩm về ngài : Mục Kiền Liên Pháp Uẩn Túc Luận (12 quyển) trong Đại Tạng Kinh.

3. Mahà Kassapa (Ma-Ha Ca-Diếp), hạnh đầu-đà đệ nhất.

(Xem Vị Tổ thứ nhất trong phần “Ba Mươi Ba Vị Tổ-Sư”)

4. Subhùti[5](Tu Bồ Đề), giải không đệ nhất.

Ông Subhùti, quê ở thủ đô Sàvatthi, xứ Kosala, cha tên Sumana, em trai ông Anàthapindika. Khi vừa chào đời, tất cả đồ đạc trong nhà bỗng nhiên biến mất, ba ngày sau mới trở lại như trước, do đó cậu bé được đặt tên là Subhùti, có nghĩa là Không Sinh. Thầy tướng số lại bảo đó là điềm rất tốt cho tương lai cậu bé, nên người nhà cũng gọi cậu là Thiện Cát.

Thuở nhỏ Subhùti có đồng nào thường đem cho người nghèo túng, có khi cởi áo ngoài cho luôn. Cha mẹ khuyên bảo không được bèn giữ Subhùti luôn trong nhà, không cho ra đường chơi. Subhùti đã không buồn, lại thích tìm đọc sách vở về triết học và tôn giáo. Subhùti thường tự hào nói với cha mẹ :

– Tất cả sum la vạn tượng trên vũ trụ đều hiện rõ trong tâm con, tâm con như hư không rỗng rang chẳng có chút gì.

Đến khi Phật vừa thành lập xong tinh xá Jetavana ở Sàvatthi, cha mẹ ông Subhùti đều đến quy y với Phật. Một hôm cha ông bảo :

– Này Subhùti, con thường tự cho mình có trí tuệ, thông hiểu chân lý, vũ trụ, nhân sinh. Nhưng sánh với đức Phật con còn thua rất xa. Đức Phật chẳng những có đại trí tuệ mà còn có đại thần thông, đại từ bi. Từ khi ngài quang lâm đến Sàvatthi, các quan chức, thân hào, nhân sĩ và dân chúng đến quy y với ngài thật đông. Cha định thỉnh đức Thế Tôn về nhà cúng dường để con có dịp học hỏi thêm.

Subhùti nôn nao gặp Phật, nên chiều hôm ấy ông lén đến Jetavana xem Phật là người thế nào. Đến nơi, Subhùti thấy Phật đang ngồi trên tòa cao thuyết pháp, thân tướng trang nghiêm, giọng nói đầm ấm, rõ ràng, vang xa, trước hằng ngàn thính chúng ngồi im lặng lắng nghe. Đức Phật nói đến đoạn kết bài pháp như sau :

– Này quý vị, sở dĩ thế gian dẫy đầy đau khổ bởi chiến tranh, chết chóc, cướp giựt, giết hại lẫn nhau, là vì chúng sinh mê lầm. Vạn vật đều vô thường, vô ngã mà chấp là thường, là ngã. Các lạc thú ở đời đều là nhân của khổ mà chấp là vui. Do đó phải chịu đau khổ luân hồi không lối thoát. Quý vị nên dũng mãnh tinh tấn tu Giới Định Tuệ để chứng ngộ rằng tất cả chúng sinh đều cùng chung một thể tánh, đến chừng đó cảnh giới niết bàn an lạc, thanh tịnh, thường hằng sẽ hiện đến với quý vị.

Tuy chỉ nghe được đoạn kết, Subhùti rất cảm động và mong sớm được học pháp tu Giới Định Tuệ, ông liền tiến đến trước Phật đảnh lễ xin xuất gia làm đệ tử. Đức Phật hoan hỉ chấp thuận.

Đại đức Subhùti vốn có tánh thương người nghèo khó, nặng nghiệp, không hiểu nổi giáo lý cao siêu, nên ông chỉ đến khất thực nơi nhà giàu có. Trái lại đại đức Mahà Kassapa chỉ đến khất thực nơi nhà nghèo, vì ông muốn cho họ có cơ hội làm việc phước thiện để tạo nghiệp lành cho đời sau. Khi đức Phật biết được, đều quở hai ông không có tánh bình đẳng, và khuyên các khất sĩ nên thực hành tánh bình đẳng bằng cách đi khất thực theo thứ tự từng nhà, không phân biệt giàu nghèo.

Thượng tọa Subhùti là người đứng ra thưa hỏi Phật trong kinh Kim Cang Bát-Nhã Ba-la-mật, và đã thâm nhập pháp Vô-ngã Độ-sanhđể an trụ tâmvà pháp Vô-tướng Bố thíđể hàng phục tâm. Từ đó Thượng tọa nổi tiếng là vị đệ tử “Giải không đệ nhất” và có tâm Từ vô lượng.

Sau hạ thứ 7, khi được đại đức Anuruddha báo tin đức Phật lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho thánh mẫu Mahà Màyà trong ba tháng sắp trở về, các vị đại đệ tử nô nức đi đón Phật. Uppalavannà (Liên-Hoa-Sắc), vị Tỳ kheo ni thần thông đệ nhất, là người đầu tiên bước đến đảnh lễ Phật và nói :

– Bạch Thế Tôn, đệ tử là Uppalavannà, người đầu tiên đến nghinh đón Thế Tôn, xin Thế Tôn chứng minh cho.

Đức Phật mỉm cười nói :

– Này Uppalavannà, người nghinh đón Như Lai trước nhất chẳng phải là sư cô đâu.

Uppalavannà lấy làm lạ hỏi :

– Bạch Thế Tôn, nếu chẳng phải con vậy là ai ?

Đức Phật nhìn các đệ tử, ôn tồn nói :

– Cám ơn quý vị khất sĩ đã từ xa xôi về đây tiếp đón Như Lai, nhưng người gặp Như Lai trước nhất chính là Subhùti. Thầy Subhùti hiện đang quán Tánh Không của các pháp và thực hành Tâm Không trong một hang núi ở Griddhakùta, do đó thầy mới là người thấy Phật trước nhất.

Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật có thọ ký cho thượng tọa Subhùti về sau sẽ thành Phật hiệu là Danh Tướng Như Lai (Sasiketu), ở thế giới Bảo Sanh (Ratana Sambhava), vào kiếp Hữu Bảo (Ratana Vabhasa).

5. Punna Mantàniputta[6](Phú-Lâu-Na Mãn-Từ-Tử), thuyết pháp đệ nhất.

Ông Punna Mantàniputta (Pali) còn gọi là Purana Maitrayaniputra (Phú-Lâu-Na Di-Đa-La-Ni-Tử) sanh cùng ngày với Phật, tại làng Donavatthu gần thủ đô Kapilavatthu, xứ Sàkya, con một vị quốc sư trong triều vua Suddhodana (Tịnh Phạn), mẹ là chị của ông Kondanna (Kiều Trần Như). Ông là người đoan chính, thông minh, học rộng, biết thiên văn, địa lý và cách khám bệnh cho thuốc, thông hiểu các kinh Veda, không thích việc trần thế.

Khi thái tử Siddhattha xuất gia, ông Punna Mantàniputta cùng 29 người bạn cũng xuất gia, vào núi Himalaya tu theo pháp Bà-lê-bà-giá-ca. Khi đức Phật thành đạo dưới cội Bồ-đề thì ông Punna Mantàniputta cùng 29 người bạn cũng đều đắc Tứ Thiền và Ngũ Thông. Tất cả dùng thần túc thông hiện đến Isipatana (Sarnath), xin xuất gia, về sau đều chứng quả A-la-hán. Đại đức được Phật công nhận là vị đệ tử thuyết pháp hay nhất.

Năm -565, đức Phật phái Thượng tọa Punna Mantàniputta đến xứ Sunaparantà để giáo hóa dân chúng nơi đây nổi tiếng là hung ác và thô bạo. Thượng tọa đến xứ Sunaparantà hoằng pháp rất thành công[7], chỉ trong vòng một năm, độ được 500 người quy y Tam Bảo, và 500 người xuất gia, thành lập tinh xá tu học và kiết hạ ngay trong năm ấy. Về sau, Thượng tọa nhập vô dư niết bàn tại xứ này.

Lúc Phật nhập niết bàn tại Kusinàgar, Thượng tọa Punna Mantàniputta bận đi hoằng hóa xa nên không kịp đến dự lễ trà tỳ. Khi Thượng tọa về đến Venuvana ở Ràjagaha thì cuộc kiết tập đã kết thúc. Sau khi được nghe đọc lại ba tạng Kinh, Luật, Luận vừa kiết tập, Thượng tọa Punna Mantàniputta cho ý kiến như sau :

– Thưa chư huynh đệ, các vị kiết tập Giáo Pháp như thế này là điều rất quý báu được mọi người cảm phục. Về nội dung toàn bộ, tôi không có ý kiến gì thêm. Nhưng về tạng Luật, tôi thấy có 8 điều ngăn cấm về ăn uống không đúng hẳn với bản ý của đức Thế Tôn, và có thể gây trở ngại cho việc điều hành của tăng đoàn trong một tinh xá. Như là cấm tự lấy thức ăn, cấm mang thức ăn từ nơi khác về, cấm ăn các thứ trái cây, cấm ăn những vật thực sản xuất từ hồ ao … Gặp năm thất mùa, gặp thời đói khó, khi đi xin không được thức ăn, đức Phật đều cho phép 8 việc trên.

– Đúng vậy, Thượng tọa Mahà Kassapa nói, nhưng Thế Tôn chỉ cho phép 8 điều ấy trong những hoàn cảnh rất đặc biệt mà thôi.

Theo quyển 4 kinh Pháp Hoa, đức Phật thọ ký cho Thượng tọa Punna Mantàniputta sẽ thành Phật hiệu là Pháp Minh Như Lai (Dharmaprabhasa), ở thế giới Thiện Tịnh, vào kiếp Bửu Minh.

6. Mahà-Kaccàna[8](Ma-Ha Ca-Chiên-Diên), luận nghị đệ nhất.

Ông Mahà Kaccàna (Mahà Katyayana) tên thật là Nàlaka, sanh ở thủ đô Ujjeni[9], xứ Avanti (A Bàn Đề), dưới triều vua Pajjota. Ông lớn hơn Phật độ 10 tuổi. Ông là con thứ hai của ông Bà-la-môn tên Kacca làm quốc sư trong triều vua Suddhodana. Ông là cháu gọi ông Asita Kàladevala (A Tư Đà) bằng cậu ruột.

Ông Mahà Kaccàna thọ giáo với người cậu ruột là đạo sư Asita, chứng được Tứ Thiền và Ngũ Thông. Ông được vua Bimbisa xứ Magadha thỉnh về làm đạo sư. Về sau vì không hiểu nghĩa hai câu kệ, ông nhớ đến lời tiên đoán của thầy ông là Asita về sự ra đời của đức Phật nên ông tìm đến xin Phật giải giúp. Nhân dịp này, Phật giảng cho ông nghe về Trung đạo, Tứ diệu đế và 12 Nhân duyên. Ông liền khai ngộ, xin xuất gia theo Phật, ít lâu sau đắc quả A-la-hán, được Phật khen là vị đệ tử luận nghị đệ nhất. Trên đường hoằng pháp, ngài Punna Mantàniputta thường thuyết pháp trước đại chúng, trái lại ngài Mahà Kaccàna thì thích thuyết pháp cho từng người để thuyết phục họ bằng cách luận nghị. Sau khi Phật diệt độ, Thượng tọa Mahà Kaccàna vẫn còn sống, giáo hóa chúng sanh, và thường cảm hóa những người theo ngoại đạo.

Theo kinh Pháp Hoa, đức Phật thọ ký cho Thượng tọa Mahà Kaccàna sẽ thành Phật hiệu là Diêm Phù Na Đề Kim Quang Như Lai (Djambunadaprabha).

Theo Câu Xá Luận Quang Ký 1 thì quyển A-tỳ-đạt-ma Thi Thiết Luận trong Lục Túc Luận là do ngài soạn.

Trong Mật tông, ngài được xếp vào ngôi thứ 6, hàng phía trên, bên trái Phật Thích Ca Mâu Ni trong biểu đồ Mạn-đồ-la (Mandala) Thai Tạng Giới : Ngài ngồi trên tòa lá sen, lòng bàn tay phải dựng đứng, co ngón áp út và ngón út lại, tay trái cầm một góc cà-sa đặt trước ngực.

7. Anuruddha[10](A Na Luật), thiên nhãn đệ nhất.

Anuruddha là em chú bác của thái tử Siddhattha, nhỏ hơn thái tử vài tuổi, sanh tại thủ đô Kapilavatthu, xứ Sàkya. Theo các kinh Khởi Thế 10, Luật Ngũ Phần 15, Chúng Hứa Ma-Ha Đế 2, thì Anuruddha là con của Dhotodana (Hộc Phạn). Còn theo Phật Bản Hạnh Tập Kinh 11, Luận Đại Trí Độ 3, thì Anuruddha là con của Amitodana (Cam Lộ Phạn). Nhưng theo quyển The Buddha and His Teachings của Hòa Thượng Narada xuất bản năm 1998 thì Anuruddha là con của Sukkodana (Bạch Phạn), và là em của Mahànàma.

Thuở nhỏ, Anuruddha đã rất hoạt bát, thông minh, có tài về âm nhạc, kỹ thuật, thường ca hát trước đông người và làm những điệu bộ khôi hài khiến mọi người vui cười, cảm mến. Chú bé Anuruddha lại thích chơi đánh bạc ăn bánh, khi thua hết bánh chú lại chạy tìm mẹ xin thêm. Có lần bà mẹ bảo “Bánh không có”. Anuruddha rất được mẹ nuông chìu, chưa hề biết “không có” là cái gì, bèn nói “Bánh không có cũng được, mẹ đưa cho con đi”. Bà mẹ lấy cái hộp không đưa cho chú xem. Nhưng lạ thay, khi mở hộp ra lại thấy đầy bánh trong hộp. Bà mẹ rất ngạc nhiên, cho rằng Anuruddha là một đứa bé phi thường, có phước báo lớn.[11]

Năm -588, sau hạ thứ 2, ông Anuruddha cùng đi với Bhaddiya, Devadatta, Bhagu, Kimbila, Ànanda và người thợ hớt tóc tên Upàli, đến thành phố Anupiya, xứ Malla, để xin xuất gia theo Phật. Khi mới xuất gia, đại đức Anuruddha có tật mê ngủ, giải đãi công phu. Một hôm, trong khi Phật thuyết pháp, đại đức Anuruddha ngồi ngủ gật, bị Phật quở trách[12]. Đại đức lấy làm tủi hổ, khóc suốt bảy ngày đêm không ngủ, vì thế vướng bệnh lao mắt rồi mù luôn. Đức Phật an ủi, cho biết đó là tiền nghiệp phải trả, rồi dạy thầy tu pháp Lạc Kiến Chiếu Minh Kim Cang Tam Muội[13](Aloka sanna kasina), là công phu tập trung tánh thấy vào Bổn Giác Chơn Như. Đại đức Anuruddha chuyên cần tu tập, ít lâu sau được thiên nhãn thông (dibba cakkhu), xem thấy mười phương thế giới rỗng suốt, rõ rệt dễ dàng như thấy trái xoài trong bàn tay. Đức Phật thọ ký cho thành bậc A-la-hán, và khen đại đức Anuruddha là vị đệ tử có thiên nhãn đệ nhất.

Sau khi đắc quả A-la-hán, Thượng tọa Anuruddha thường độ cho nhiều người. Một hôm, đang đi đường xa, gặp lúc trời tối, Thượng tọa ghé vào nhà trọ nghỉ đêm. Bị cô chủ quán trêu ghẹo, Thượng tọa liền dùng thần thông bay lên cao. Thấy phép lạ, cô chủ quán sụp xuống lạy, xin quy y Tam Bảo và nguyện sẽ trở nên một tín nữ đứng đắn. (Xem Tạng Luật, Phân Tich Giới Tỳ Khưu 2: 294)

Có lần Thượng tọa Anuruddha đang đi từ Sàvatthi đến Vesàlì. Trên đường đi gặp một thiếu phụ giận chồng, bỏ nhà chồng ở Sàvatthi đi về nhà cha mẹ ruột ở Vesàlì. Thiếu phụ yêu cầu thầy đi chung đặng che chở dùm. Anh chồng theo kịp, ngỡ rằng ông sư dắt vợ mình đi trốn, liền áp đến đánh. Thượng tọa Anuruddha lặng thinh đứng nhập định. Chồng của thiếu phụ thấy vậy, không dám nghĩ quấy, đổi giận làm vui, tỏ lời xin lỗi. Thượng tọa Anuruddha cũng là người theo sát bên cạnh Phật lúc Phật nhập niết bàn, và hướng dẫn thánh chúng tụng niệm sau khi Phật vừa nhập diệt.

Theo kinh Pháp Hoa, đức Phật thọ ký cho Thượng tọa Anuruddha và 500 vị đệ tử A-la-hán khác sẽ lần lượt thành Phật, cả thảy đồng một danh hiệu là Phổ Minh Như Lai (Samantàprabhasa Tathàgata).

8. Upàli[14](Ưu Ba Ly), trì luật đệ nhất.

Upàli là người thợ hớt tóc, kém hơn Phật độ 10 tuổi, ở xứ Sàkya, gần ranh giới xứ Malla. Năm -588, một hôm, sáu vị vương tử dòng Sàkya là Bhaddiya, Devadatta, Anuruddha, Bhagu, Kimbila và Ànanda đi bằng xe tứ mã từ thủ đô Kapilavatthu đến sát biên giới xứ Malla thì xuống xe, cho xe trở về, rồi cùng nhau đi bộ đến thành phố Anupiya thuộc xứ Malla, cách biên giới không xa. Anuruddha đề nghị mọi người cởi bỏ hết đồ trang sức quý giá, chỉ ăn mặc thật đơn giản trước khi qua biên giới. Mọi người tán thành. Họ cởi những xâu chuỗi ngọc và những chiếc vòng bằng vàng bằng bạc ra gói lại trong một cái áo. Khi vừa đến một làng nhỏ thì họ gặp một quán hớt tóc nghèo nàn. Anh thợ hớt tóc là một thanh niên trạc tuổi họ, mặt mày khôi ngô nhưng ăn mặc rách rưới. Anuruddha ghé vào quán hỏi thăm đường đi đến thành phố Anupiya. Anh thợ hớt tóc cho biết tên anh là Upàli và tình nguyện dắt sáu người khách lạ đi một đoạn đường sang biên giới.

Upàli đưa các vương tử qua khỏi biên giới xứ Malla, chỉ đường đi Anupiya, rồi vái chào các vương tử để trở về. Anuruddha cám ơn Upàli và trao cho Upàli cái áo gói đầy châu báu trong đó. Chàng nói :

– Này Upàli, chúng tôi muốn theo Phật xuất gia. Chúng tôi không cần dùng những thứ trang sức châu báu này nữa. Chúng tôi tặng lại anh. Từng ấy châu báu vàng bạc đủ để anh sống sung sướng suốt đời.

Các vương tử từ giã Upàli rồi lên đường. Anh thợ hớt tóc mở chiếc áo ra. Vàng ngọc làm anh ta lóe mắt. Anh không tin đây là sự thật. Bỗng nhiên anh cảm thấy lo sợ, anh cảm thấy mất hết sự an ổn thảnh thơi hằng ngày. Anh sợ kẻ tham biết được sẽ giết anh để cướp đoạt. Anh sợ quan quân biết được sẽ cho anh là kẻ trộm cắp. Upàli suy nghĩ. Anh thấy các vương tử giàu sang đến thế, quyền hành như thế mà vẫn bỏ hết để đi xuất gia, thì chắc việc xuất gia phải có cái gì quý báu hơn giàu sang danh vọng. Anh chợt có ý nghĩ liệng bỏ gói châu báu để đi theo các vị vương tử. Anh treo gói châu báu lên một cành cây gần đó, thầm nhủ rằng ai là người đầu tiên thấy gói châu báu này thì gói châu báu này sẽ thuộc về người ấy. Rồi anh lật đật chạy theo các vương tử.

Các vương tử ngạc nhiên thấy Upàli chạy theo vừa tới. Devadatta hỏi :

– Upàli, anh chạy theo chúng tôi làm chi ? Bọc châu báu anh để đâu ?

Upàli thở hổn hển, rồi kể lại câu chuyện. Anh ta nói đã treo gói châu báu lên một cành cây, vì khi cầm gói châu báu ấy trên tay anh cảm thấy lo sợ cho tánh mạng, tâm không an. Anh xin các vị vương tử cho phép anh cùng đi theo đến Anupiya để xin xuất gia với Phật. Devadatta cười ha hả :

– Anh mà cũng muốn đi xuất gia như chúng tôi à ?

Nhưng Anuruddha và Bhaddiya tán thành ngay :

– Hay lắm, như vậy chúng ta cùng đi. Có anh dẫn đường càng dễ dàng cho chúng tôi.

Phật và tăng đoàn đang cư trú trong một vườn xoài cách thành phố Anupiya chừng hai cây số về phía đông nam, gần sông Anomà. Bảy người tìm tới nơi xin gặp Phật. Bhaddiya thay mặt cả nhóm trình lên Phật ý nguyện của họ xin được xuất gia. Phật im lặng chấp thuận. Bhaddiya nói tiếp :

– Bạch Thế Tôn, chúng con xin cho Upàli được xuất gia trước. Như vậy chúng con phải xem Upàli như một sư huynh để trừ ý niệm phân biệt kỳ thị còn sót lại trong lòng chúng con.

Đức Phật khen ngợi cả bảy người, rồi cho Upàli xuất gia trước, sau đến sáu vị vương tử. Ànanda tuy mới 18 tuổi cũng được xuất gia, nhưng chỉ thọ giới sa di[15]và học theo hạnh khất sĩ. Đúng 20 tuổi Ànanda mới được thọ giới khất sĩ.

Upàli chuyên tu trì giới luật rất nghiêm túc, được Phật khen là vị đệ tử trì luật đệ nhất và thường cử đại đức đi hòa giải những xích mích trong hàng khất sĩ.

Trong cuộc kiết tập kinh điển lần thứ nhất tại động Sattapanna ở Ràjagaha, Thượng tọa Upàli được đề nghị lên trùng tuyên tạng Luật, gồm 3 phần :

1) Pàtimokkha(Ba-la-đề-mộc-xoa, Giới Bổn) nói về giới hạnh của tăng ni, nhằm giúp cho 3 nghiệp và 6 căn được thanh tịnh.

2) Mahàvagga(Đại Phẩm) nói về các lễ xuất gia, sám hối, nhập hạ, cúng dường … trong một tập thể lớn tăng ni.

3) Cullavagga(Tiểu Phẩm) là những điều luật về thưởng phạt, hòa hợp tăng, xây cất chùa tháp, bổn phận và trách nhiệm của tăng chúng, trong một tập thể nhỏ tăng ni.

Trong Mạn-đồ-la (Mandala) Thai Tạng Giới của Mật tông, Thượng tọa Upàli được xếp vào vị trí thứ 7, hàng bên trái đức Thích Ca, với tướng Tỳ kheo, toàn thân màu da người, ngồi kiết già trên tòa lá sen.

9. Ràhula[16](La Hầu La), mật hạnh đệ nhất.

Ông Ràhula, sanh năm -595 tại thủ đô Kapilavatthu, xứ Sàkya, cha là thái tử Siddhattha, 29 tuổi, mẹ là công chúa Yasodharà, cùng tuổi với cha. Chữ “Ràhula” có nghĩa là “che án và trói buộc”. Tục truyền rằng Ràhula sanh nhằm lúc Rahulàsura-Ràja (La-hầu A-tu-la Vương) đưa tay che mặt trăng (nguyệt thực), nên có tên “Chướng Nguyệt”; Ràhula lại ở trong thai mẹ đến 6 năm, nên có tên “Phú Chướng” (che án và trói buộc).

Sau khi sanh Ràhula được 7 ngày, vua Suddhodana làm lễ đặt tên cháu nội thật long trọng. Đến nửa đêm, mọi người đều mỏi mệt ngủ say, thái tử Siddhattha thừa dịp tốt liền cùng Channa (Xa Nặc) lên ngựa Kanthaka (Kiền Trắc) vượt thành xuất gia.

Năm -588, lúc đức Phật trở về Kapilavatthu lần đầu tiên sau khi thành đạo, Ràhula xin xuất gia, lúc bấy giờ ông mới được 7 tuổi. Đức Phật bảo đại đức Sàriputta làm y chỉ sư truyền giới và đại đức Moggallàna làm vị A-xà-lê, rồi cho Ràhula làm khu-ô sa di, vị sa di đầu tiên, lo việc đuổi quạ để giữ yên tĩnh trong giờ các vị khất sĩ ngồi thiền.

Năm -581, tại tinh xá Badarikà, Ràhula được 15 tuổi, một hôm, sau khi phải dậy sớm quét lá một khu vườn rộng lớn, lúc trở về am thì am thầy đã bị thầy quản lý giao cho một vị khất sĩ khác ở. Ràhula còn đương đứng ngơ ngác thì một trận mưa to kéo đến, thầy phải chạy vào nhà vệ sinh ngồi đụt mưa. Dù vậy thầy vẫn không phiền trách ai, thầy đã giữ được tâm nhẫn nhịn và hòa nhã với tất cả mọi người. (Xem Tạng Luật, Phân Tích Giới Tỳ Khưu 2: 290)

Năm -579, Ràhula được 17 tuổi, đang đi khất thực với đại đức Sàriputta tại thành Ràjagaha (Vương Xá), bỗng có một tên lưu manh bước đến bỏ cát vào bát của thầy Sàriputta và lấy gậy đánh lên đầu Ràhula đến chảy máu. Thầy Sàriputta an ủi :

– Này Ràhula, nếu thật là đệ tử Phật phải có tánh nhẫn nhục, trong tâm không bao giờ khởi sân hận, nên đem lòng từ bi thương xót chúng sanh mê lầm. Đức Thế Tôn thường dạy chúng ta, lúc được khen tặng đừng sinh lòng cao ngạo, lúc bị hạ nhục đừng sanh lòng oán hận. Này Ràhula, nên điều phục tâm giận tức bằng tính nhẫn nhục và lòng từ bi để làm tăng trưởng giới đức.

Ràhula vẫn bình tĩnh, đến một nhà bên vệ đường xin nước rửa vết thương và xin ít vải để băng bó, rồi thầy an nhiên nói :

– Bạch thầy, trên thế gian này sao có lắm kẻ si mê hung ác. Đến đâu cũng gặp toàn những việc đáng chán. Đức Thế Tôn dạy chúng ta nên có lòng đại từ đại bi đối với họ, để mặc hạng người cuồng bạo nhục mạ chúng ta. Các khất sĩ giữ hạnh nhẫn nhục để làm tăng trưởng giới đức, mà bọn cuồng si lại khinh chê, lại đi kính trọng những kẻ hung dữ độc ác hơn họ. Dù có nghe Phật dạy chân lý từ bi nhẫn nhục, họ cũng cho là đồ hôi thúi như xác chết. Đối với hạng người hung dữ không một chút căn lành thì có đem Chánh Pháp nói với họ cũng chẳng ích lợi gì.

Đức Phật dạy chú sa di Ràhula rất nghiêm, nhất là khi chú làm điều gì trái phép. Khi lớn lên, đại đức Ràhula nghiêm trì giới luật rất chu đáo, được mọi người khen là vị đệ tử mật hạnh đệ nhất. Ngài nhập diệt trước Phật, vào khoảng 48 tuổi, có tháp thờ xá lợi tại tinh xá Jetavana (tháp số 12).

Theo kinh Pháp Hoa, đức Phật có nói nhờ nguyện lực đời trước nên Ràhula được sanh làm con của Bồ tát vương tử, đến khi Bồ tát thành Phật, Ràhula trở thành con Phật. Chẳng những ở đời này, mà trong vô số kiếp về sau, Ràhula sẽ luôn luôn làm con trưởng nam của chư Phật để thọ lãnh pháp Phật, mãi cho đến khi tự mình thành Phật hiệu là Đạo Thất Bảo Hoa Như Lai (Saptaratana Padmavikramin).

10. Ànanda (A Nan), đa văn đệ nhất.

(Xem Vị Tổ thứ nhì trong phần “Ba Mươi Ba Vị Tổ-Sư”)



[1]Xem Tiểu Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ, kinh 259: Sàriputta.

[2]Xem “The Buddha and his teachings” của Narada, trang 114. Theo Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn thì cha của Sàriputta tên là Tyshya (Tissa, Đề Xá).

[3]Xem Buddhist Legends, quyển II, trang 209-211.

[4]Bài kệ bằng chữ Hán như sau: “Chư pháp tùng duyên sanh,

“Diệc tùng nhân duyên diệt.

“Ngã, Phật, Đại Sa môn,

“Thường tác như thị thuyết.

[5]Xem Tiểu Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ, kinh 1 (Subhùti); Trung A Hàm 43: kinh Câu Lâu Sấu Vô Tránh; Tăng Nhất A Hàm 3, 28; Luận Đại Tỳ-bà-sa 179; Luận Đại Trí Độ 53; Kinh Thí Dụ 1; Duy Ma Kinh Văn Sớ 13; Đại Đường Tây Vực Ký 1.

[6]Xem Tiểu Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ, kinh 4 (Punna Mantàniputta); Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Tạp A Hàm 10, 16; Trung A Hàm 2: Kinh Thất Xa; Tăng Nhất A Hàm 2, Phẩm Đệ Tử; Phật Bản Hạnh Tập Kinh 37: Kinh Mãn Nguyện Tử; Kinh Đạo Hành Bát Nhã 1, Phẩm Đạo Hạnh; Luận Phân Biệt Công Đức 4; Luận Đại Trí Độ 3; Huyền Ứng Âm Nghĩa 3, 8.

[7]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Tạp A Hàm 13; Luật Ma-ha Tăng-kỳ 23.

[8]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Trưởng Lão Kệ; Tạp A Hàm 9, 19, 20; Luật Ngũ Phần 21; Luật Thập Tụng 25; Pháp Hoa Kinh Văn Cú 1, hạ; Huệ Lâm Âm Nghĩa 8; Thai Tạng Giới Thất Tập, thượng.

[9]Theo Geography of Early Buddhism, trang 22, chữ Avanti.

[10]Xem Buddhist Legends, quyển III, trang 267-270; Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Trung A Hàm 18: kinh Bát Niệm; Trường A Hàm 4: kinh Du Hành; Phật Bản Hạnh Tập Kinh 58; kinh Phật Ngũ Bá Đệ Tử Tự Thuyết Bản Khởi, phẩm A-na-luật; Luận Đại Trí Độ 11.

[11]Xem Buddhist Legends, quyển III, trang 267-270.

[12]Xem Trường Bộ 33.

[13]Lạc Kiến Chiếu Minh Kim Cang Tam Muội: Trong khi thiền định, tập trung tư tưởng hoàn toàn vào sự nhận thức ánh sáng, cho đến khi nhắm mắt cũng thấy toàn ánh sáng khắp mọi nơi như lúc đang nhìn mặt trời mọc. Quán biết tánh của ánh sáng chu biến khắp pháp giới, thuộc tánh Bổn Giác Chơn Như. Xem Buddhist Legends, quyển I, trang 21-22; Vocabulaire Pali-Français, trang 101, chữ Kasina.

[14]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Tăng Nhất A Hàm 3, Phẩm Đệ tử; Luật Tứ Phần 4, 5; Luật Ngũ Phần 30; Luật Ma-ha Tăng-kỳ 32; Luận Đại Trí Độ 2.

[15]Sa di(Sàmanera), sa di ni(samaneri) là ngườI tập sự xuất gia nam và nữ.

Sa di phải thọ 10 giới: 1-Không sát sanh; 2-Không trộm cắp; 3-Không dâm dục; 4-Không nói dối; 5-Không uống rượu; 6-Không ngồi ghế cao, nằm giường rộng; 7-Không xức nước hoa, đeo đồ trang sức; 8-Không múa hát xướng ca, không xem, không nghe; 9-Không cầm giữ tiền bạc và vật quý giá; 10-Không ăn phi thời.

[16]Xem Từ Điển Phật Học Huệ Quang; Tạp A Hàm 1, 8; Phật Bản Hạnh Tập Kinh 55; Kinh Thập Nhị Du; Luật Tứ Phần 11; Duy Ma Cật Kinh Chú 3; Pháp Hoa Huyền Tán 1.



Source link

Hits: 41

Trả lời