Nghĩa này giải thích chung Phật pháp trụ thế thời gian bao lâu trong các thụ kí.
Hỏi: Giáo pháp của Phật Thích-ca trụ thế được bao nhiêu năm?
Đáp: Chính pháp trụ một nghìn năm, tượng pháp trụ một nghìn năm, mạt pháp trụ một vạn năm. Thuyết này trích trong Kì-hoàn tinh xá bi.
Trong Thiện kiến tì-bà-sa cũng có thuyết này, nhưng vì độ người nữ xuất gia nên tổn chính pháp năm trăm năm. Lại có người nói chính pháp mất đi năm trăm năm, chỉ còn năm trăm, tượng pháp thì một nghìn năm, thế nên kinh Ma-da chỉ nêu một nghìn năm trăm năm mà thôi. Trung luận cũng ghi giống như vậy. Lại có người nói năm trăm năm chính pháp bị tổn đó chuyển qua tượng pháp, nên tượng pháp lại có một nghìn năm trăm năm. Cũng có người nói, nhờ tu Bát kính pháp nên chính pháp trở lại được một nghìn năm.
Hỏi: Vì sao có ba thời, nhưng lại chỉ nói đến tượng pháp và chính pháp?
Đáp: Chỉ nói tượng pháp và chính pháp, vì tượng pháp đã gồm thâu mạt pháp. Nói mạt pháp, là vì chia tượng pháp thành hai thời là tượng pháp và mạt pháp.
Hỏi: Vì sao biết tượng pháp tức là mạt pháp?
Đáp: Luận Thập nhị môn ghi: “Đời mạt pháp, chúng sinh phúc mỏng, căn tính chậm lụt”, tức nói tượng pháp là mạt pháp.
Hỏi: Thế nào là tượng pháp và chính pháp?
Đáp: Có rất nhiều nghĩa:
Một, thời kì Phật còn tại thế là chính pháp, thời kì sau khi Phật diệt độ là tượng pháp.
Hai, chưa có dị bộ[1] là chính pháp, sau khi có dị bộ là tượng pháp. Tức là chỉ sau khi Phật diệt độ một trăm mười sáu năm đã là thời tượng pháp.
Ba, khoảng thời gian người đắc đạo nhiều là chính pháp, đắc đạo ít là tượng pháp. Cho nên trong năm trăm năm thì người đắc đạo rất nhiều, sau năm trăm năm thì người được đạo rất ít, người không được đạo lại nhiều.
Bốn, y cứ việc phá chính pháp và không phá chính pháp mà chia thành chính pháp và tượng pháp. Phẩm Tà chính trong Đại kinh ghi: “Khoảng bảy trăm năm sau khi Như Lai diệt độ, sẽ có ma Ba-tuần đến phá hoại chính pháp của Như Lai”. Như vậy tức là sáu trăm năm chưa bị ma phá là thời kì chính pháp, đến năm bảy trăm thì bị ma phá là thời tượng pháp.
Năm, y cứ vào pháp ác khởi mà chia thành chính pháp và tượng pháp. Kinh Tượng pháp quyết nghi ghi: “Một nghìn một trăm năm sau, các pháp ác khởi gọi là thời tượng pháp”. Trong vòng một nghìn năm pháp ác chưa khởi thì gọi là thời kì chính pháp. Tuy nhiên, trong một nghìn năm tuy có pháp ác khởi mà chưa thạnh thì vẫn thuộc thời kì chính pháp, còn khi pháp ác đã thịnh thì thuộc thời kì tượng pháp.
Sáu, hai nghìn năm sau khi Phật diệt độ đều thuộc chính pháp. Đến một vạn năm thì Phật pháp chuyển sang suy vi là tượng pháp.
Bảy, các bồ-tát thấy pháp Như Lai không diệt, lại thường thấy các Đức Phật, tức là một vạn hai nghìn năm cho đến tất cả thời đều là chính pháp. Vì hàng Nhị thừa thấy pháp Phật có hưng có suy, nên mới có tượng có chính.
Hỏi: Vì sao chính pháp của Phật Thích-ca chỉ trụ một nghìn năm?
Đáp: Vì chính pháp của Phật Thích-ca quá khứ chỉ trụ thế một nghìn năm mà Phật Thích-ca hiện tại vốn là một thợ gốm, đã từng phát nguyện: “Nguyện khi thành Phật, Ta cũng có hiệu là Thích-ca, chính pháp của Ta cũng được trụ thế một nghìn năm”. Vì việc này nên chính pháp chỉ trụ thế một nghìn năm.
Hỏi: Từ sau khi Phật diệt độ đến nay (khi soạn sách này) được bao nhiêu năm?
Đáp: Đã được một nghìn năm trăm chín mươi sáu năm.
Hỏi: Kinh ghi: “Chính pháp trụ thế một nghìn năm”, nhưng sao lại nói ngoài một nghìn năm lại có Phật pháp?
Đáp: Điều này không hề trái nhau. Bởi vì Phật pháp có hai loại: Chính đắc và Chính giáo. Chính đắc là người đắc đạo. Chính giáo là giáo chính pháp của Phật. Nói một nghìn năm Phật pháp diệt, là y cứ theo Chính đắc. Vì trong vòng một nghìn năm thì có nhiều người đắc đạo, ngoài một nghìn năm thì ít người đắc đạo, cho nên nói là Phật pháp diệt. Giáo chính pháp thì trụ thế một vạn năm.
Hỏi: Có bao nhiêu nguyên nhân khiến Phật pháp hoại diệt?
Đáp: Có bảy nguyên nhân, như kinh Tư ích đã nói rộng.
Hỏi: Có ba đại kiếp, ba tiểu kiếp. Trong kinh Pháp hoa, ngài Xá-lợi-phất nói chính pháp trụ thế ba mươi hai tiểu kiếp, tượng pháp cũng trụ ba mươi hai tiểu kiếp. Vì sao kinh chỉ trình bày tiểu kiếp mà không trình bày đại kiếp?
Đáp: Phải là tiểu kiếp, bởi vì đại kiếp thì không có thế giới, nên làm sao có Phật pháp trụ thế! Nay nói ba mươi hai kiếp, là nói đến tiểu kiếp mà thôi!
Hỏi: Ba đại kiếp thì gồm có cả cõi tịnh và cõi uế, còn ba tiểu kiếp chỉ có cõi uế. Nếu vậy thì khi ngài Xá-lợi-phất thành Phật thì đều là cõi tịnh, nhưng vì sao có tiểu kiếp khởi?
Đáp: Ấn Độ gọi kiếp là kiếp-ba, Trung Hoa dịch là phân biệt thời gian. Ở đây chỉ có thời gian lâu và mau chứ không nói kiếp, như số tiểu kiếp khởi đã hết nên gọi là tiểu kiếp, chứ thật ra không có tiểu kiếp khởi.
Hỏi: Thời gian của tiểu kiếp thì thế nào?
Đáp: Khi tuổi thọ con người từ tám vạn bốn nghìn năm giảm dần cho đến mười năm gọi là một tiểu kiếp.
Hỏi: Một đại kiếp chỉ bằng tám mươi tiểu kiếp. Vậy sao trong phẩm Thường Bất Khinh ghi: “Chính pháp của Đức Phật ấy trụ thế bằng với số hạt bụi trong bốn thiên hạ”?
Đáp: Đại kiếp có ngắn dài chẳng đồng. Đại kiếp ngắn thì chỉ có tám mươi tiểu kiếp, đại kiếp dài thì số lượng chẳng hạn định. Như một kiếp ở cõi Ta-bà chỉ bằng một ngày một đêm ở cõi Tây phương. Như vậy mới có trăm vạn a-tăng-kì phẩm như kinh Hoa nghiêm đã nói. Theo đây mà suy thì không nên nghi ngờ.
Luận về nghĩa Phật nhập niết-bàn để giải thích việc chư Phật nhập diệt trong kinh Pháp hoa.
Do sáu việc nên Phật mới vào niết-bàn:
- 1.Vì những chúng sinh đáng được độ đã hết cho nên vào niết-bàn.
2. Muốn khiến hàng Nhị thừa từ bỏ niết-bàn Tiểu thừa trở về niết-bàn Đại thừa. Bởi Như Lai xả bỏ thân này để trở về pháp thân, thì hàng Nhị thừa cũng nên xả bỏ thân này để cầu pháp thân Phật.
- 3.Vì muốn trừ tâm khinh mạn của chúng sinh. Hàng căn tính cạn mỏng thì chỉ tin vào mắt thấy tai nghe, tức là tin Như Lai cũng có sinh, già, bệnh, chết giống như mình, nên khởi tâm xem thường thân Như Lai. Thế nên ở đây nêu Phật có hai thân: Một, hóa thân thì có xả bỏ mà vào niết-bàn, tức đồng với chúng sinh. Hai, pháp thân thì không sinh, già, bệnh, chết, tức khác với chúng sinh.
- 4.Vì muốn giúp chúng sinh khởi tâm khát ngưỡng. Nếu chúng sinh thấy Phật luôn thường còn, không diệt thì sinh tâm nhàm chán. Nếu Phật thị hiện diệt độ thì chúng sinh sẽ sinh tâm khát ngưỡng.
- 5.
- 6.Giúp những chúng sinh đã tinh tấn tu đạo. Vì muốn giúp họ nhanh chóng thành tựu đạo quả nên chư Phật thị hiện diệt độ.
KIM CANG TAM-MUỘI
Kim cang là thí dụ. Tam-muội, Hán dịch là trực tâm hành xứ, là định điều trực. Nếu kim cang dụ cho tam-muội thì gọi là Kim cang tam-muội, nếu dụ cho tâm, thì gọi là Kim cang tâm, nếu dụ cho bát-nhã thì gọi là Kim cang bát-nhã, nếu dụ cho pháp thân thì gọi là Kim cang thân. Nhưng kim cang là vật quí báu ở thế gian, thể thì cứng rắn, dụng thì sắc bén. Tất cả những vật khác đều không thể tổn hại nó, tức là thể cứng rắn; nó có thể chế phục tất cả vật khác, đó gọi là dụng sắc bén.
Lại nữa, bảo vật này đứng đầu trong thế gian, nên tam-muội cũng như vậy. Bảo vật này cũng là vô giá, nên tam-muội cũng vô giá. Lại nữa, màu sắc của bảo vật này không cố định, nên tam-muội cũng không cố định. Hoặc gọi là tam-muội, hoặc gọi là bát-nhã; chiếu soi mà vắng lặng là tam-muội, vắng lặng mà chiếu soi là bát-nhã. Trí của tam-muội này có thể đoạn trừ được những lậu hoặc vi tế, nên gọi là Kim cang tam-muội.
Tuy nhiên, chỉ một bề mượn vật này làm dụ mà thật chẳng phải dụ. Bởi kim cang là vật báu ở thế gian nếu được thì vui, mất thì buồn, nhưng tam-muội thì không như thế, không vui không buồn, mỗi khi đã được thì không bao giờ mất. Hơn nưa, kim cang thế gian sẽ bị hư hoại, còn tam-muội thì không như thế, hoàn toàn không hư hoại.
NGHĨA SINH KHÔNG VÀ PHÁP KHÔNG
Trong năm ấm tìm cầu chúng sinh không thể được, là Sinh không; tìm cầu pháp không thể được thì gọi là Pháp không, cũng gọi là Chúng sinh nhẫn. Vì chứng được Chúng sinh không, lại nhẫn chịu tướng vô ngã, nên gọi là Chúng sinh nhẫn. Pháp nhẫn cũng như thế. Luận Đại trí độ ghi: “Tu tập Chúng sinh nhẫn sẽ sinh khởi các phúc đức; tu tập Pháp nhẫn sẽ sinh các trí tuệ”. Theo nghĩa này thì Sinh không và Pháp không đều khó hành. Sinh nhẫn và Pháp nhẫn đã chia thành phúc và tuệ, thì Sinh không và Pháp không cũng phải như thế. Sinh không và Pháp không đã gọi là trí tuệ, thì Sinh nhẫn và Pháp nhẫn lẽ ra cũng đều gọi là đức.
Giải thích: Phép tắc chung thì như thế, nhưng Sinh không và Pháp không là tâm giải tự hành, cho nên đều là trí tuệ. Còn Sinh nhẫn và Pháp nhẫn là tự và tha đối nhau: Sinh nhẫn là nhẫn tha, còn Pháp nhẫn là tự hành.
NGHĨA NIẾT-BÀN
Niết-bàn Ấn Độ phiên âm đầy đủ là Ma-ha bát-niết-bàn-na. Ma-ha Trung Hoa dịch là Đại. Luận Đại trí độ trình bày ma-ha có đầy đủ ba nghĩa là đại, thắng, đa, nhưng nghĩa Đại là chính yếu. Đại có sáu nghĩa:
- 1.Thường hằng: Đại kinh ghi: “Nói Đại, chính là thường hằng”.
- 2.Rộng lớn: Đại kinh ghi: “Nói Đại, vì tính của nó rộng lớn”.
- 3.Nhiều: Đại kinh ghi: “Giống như thành lớn có nhiều châu báu, Niết-bàn cũng như vậy, có nhiều châu báu diệu pháp, cho nên gọi là Đại”.
- 4.Sâu xa: Vì sâu xa khó lường, cho nên gọi là sâu xa. Kinh ghi: “Đại nghĩa là không thể nghĩ bàn; tất cả trời, người, Nhị thừa đều không thể suy lường được”.
- 5.Cao: Tất cả thánh nhân không thể sánh bằng. Kinh ghi: “Giống như ngọn núi lớn, mọi người thế gian không thể lên được, hàng Nhị thừa, Bồ-tát cũng không thể lên được, nên gọi là Đại”.
- 6.Vượt hơn: Trong thế gian, người vượt hơn tất cả mọi người thì gọi là Đại nhân; niết-bàn cũng như vậy, vượt hơn tất cả nên gọi là Đại.
Lại nữa, Đại có Thể đại và Dụng đại. Thể đại là pháp tính sâu xa, Dụng đại là ứng hóa cùng khắp. Cho nên kinh ghi: “Trụ Đại Niết-bàn thì có thể dựng lập nghĩa Đại”. Lại có Đại có đối đãi và Đại tuyệt đối đãi; đại mà có đối đãi thì chỉ là đại; đại bặt đối đãi mới là đại rốt ráo, chẳng những không có nhỏ mà cũng không có lớn; chẳng lớn chẳng nhỏ mới được ca ngợi là cực lớn. Cho nên kinh ghi: “Không khổ không vui, mới là vui lớn”.
Bát, Trung Quốc dịch là nhập, Niết-bàn dịch là diệt, Bát niết-bàn là nhập diệt, cũng gọi là diệt độ.
Sư Tăng Triệu nói: “Mối lo lớn vĩnh viễn diệt, vượt qua bốn lưu[2], nên gọi là diệt độ”. Nếu dịch là Giải thoát bất sinh thì đây chỉ là giải thích ý nghĩa, chứ chẳng phải phiên chính xác. Nếu dịch là Giải thoát bất sinh thì vật lẽ ra không sinh phi vật. Lại nữa, ngày nay đồng gọi là Niết-bàn thì tên gọi đã thành. Nhưng có Niết-bàn xưa và nay khác nhau. Niết-bàn ngày xưa là Giải thoát hữu dư, không bao gồm vô dư, tức đã thiếu thân trí. Niết-bàn ngày nay đầy đủ ba đức là pháp thân đức, giải thoát đức và bát-nhã đức. Niết-bàn có ba đức, pháp thân, bát-nhã và giải thoát, giống như chữ Y tất-đàm, như ba con mắt của trời Tự Tại.
Lại có Niết-bàn hữu dư và Niết-bàn vô dư. Hàng Tiểu thừa cho phiền não đã trừ, diệt hết kết phược thì gọi là Niết-bàn hữu dư; thân trí và quả lụy đã diệt là Niết-bàn vô dư. Đại thừa lại cho rằng nhân năm trụ địa đã có, nên gọi là Hữu dư, pháp vô thường diệt gọi là Vô dư. Luận Nhiếp Đại thừa trình bày đầy đủ bốn nghĩa: “Nay nói có hai loại phiền não là khách và cựu. Sinh diệt là phiền não khách và cựu. Hai món này đều đã đoạn tận, rốt ráo không còn”. Lại ghi: “Chỉ vì còn quán giải thoát nên gọi là Hữu dư, giải và quán đã sạch gọi là Vô dư”.
NGHĨA CHÂN THÂN VÀ ỨNG THÂN
Kinh ghi: “Chân pháp thân của Phật giống như hư không, tùy theo vật mà hiện hình, như trăng trong nước”. Hư không dụ cho pháp thân là nhờ vào nghĩa hư không cùng khắp, không ngăn ngại. Trăng trong nước dụ cho ứng thân, như trăng trên bầu trời soi bóng xuống các dòng nước, các thân chiếu xét, vật cảm thì hiện ra hình. Hơn nữa, nước đục thì không thể thấy trăng, nước trong thì mới thấy trăng. Cũng vậy, dòng nước tâm của chúng sinh ô nhiễm thì không thấy thân Phật, nếu tâm đã trong sạch thì sẽ thấy Như Lai.
Lại cũng có ba nghĩa Phật. Địa luận và kinh Tượng pháp quyết nghi cũng trình bày ba thân Phật là pháp thân, báo thân, ứng thân. Thân vốn có xưa nay là pháp thân Phật. Pháp thân hiển lộ đáp lại nghĩa nhân là báo thân, ứng hiện theo căn cơ để giáo hóa chúng sinh là ứng thân. Kinh Kim quang minh trình bày ba thân Phật là pháp thân, ứng thân, hóa thân. Pháp thân thì như trước đã nói, còn ứng thân thì có ba nghĩa: Vì tương ứng với lí nên gọi là ứng thân, đây cũng là báo thân. Nhưng cả ba thân đều gọi là Phật, nên cả ba đều gọi là Giác. Giác nghĩa là gì? Nếu giải thích riêng thì pháp thân biết lí, báo thân biết hạnh, ứng thân biết cả lí và hạnh.
Lại ghi: Ba thân Phật biết đủ ba pháp, nhưng đã gọi là Phật thì lí nào lại không biết. Lại nữa, ba thân: Pháp thân, báo thân, ứng thân là do hợp ứng và khai chân. Khai chân là pháp thân và báo thân. Kinh Kim quang minh nêu ba thân Phật thì hợp cả chân và ứng. Chân ứng là ứng thân và hóa thân Phật. Nhưng hai thân ứng hóa này lại không khác thể, đều lấy chân như chính pháp làm thể. Chân như bản hữu là pháp thân Phật, thân đáp lại nhân là báo thân Phật, thân giáo hóa chúng sinh là hóa thân Phật. Lại nữa, ba thân Phật này đều thường hằng, vì pháp thân là vốn có nên thường hằng; báo thân Phật tu nhân để hiển thường hằng; ứng thân Phật thường thuyết pháp giáo hóa cho nên thường hằng. Cũng có thuyết cho rằng pháp thân và báo thân là thường hằng, ứng thân thì vô thường. Về việc ba thân Phật thuyết pháp, có lúc cho pháp thân Phật thuyết pháp, ứng thân Phật không thuyết pháp, có lúc lại nói ứng thân Phật thuyết pháp, báo thân Phật không thuyết pháp…
Lại có nhân ba thân Phật: Có thuyết nói nhân chỉ có hai loại là liễu nhân và sinh nhân. Pháp thân Phật là liễu nhân hiện, báo thân và ứng thân Phật là sinh nhân hiện. Có thuyết lại nói: Pháp thân Phật là liễu nhân hiện, còn báo thân thì đầy đủ hai nhân: Gần mà sinh khởi là sinh nhân, xa mà trợ giúp là liễu nhân. Như Đại kinh ghi: “Sáu độ là sinh nhân, Phật tính là liễu nhân, ứng thân Phật thì không có nhân nào khác, khi đã hiển hiện thì pháp thân và báo thân tự nhiên ứng vật”. Lại có thuyết nói: Thệ nguyện đại bi là nhân ứng thân. Chỉ vì thệ nguyện đại bi là liễu nhân của thân bát-nhã, khéo liễu đạt pháp thân.
NGHĨA HAI CHIM THƯỜNG VÀ VÔ THƯỜNG
Đại kinh ghi:
Thế nào cộng Thánh hạnh?
Như đôi chim sa-la
Ca-lân-đề,[3] trời, trăng
Thái Bạch và sao Mộc.
Nhưng như hai con chim cùng bay, thì có hai trường hợp: Một là bay trước và sau, tức là trước thì nói khổ và vô thường, sau mới nói thường, lạc, ngã. Hai là đồng thời cùng bay, tức là trình bày pháp Niết-bàn chẳng thường, chẳng phải vô thường mà cũng thường cũng vô thường.
Lại nói niết-bàn có thể kiến lập nghĩa Đại, đầy đủ cả hai phương tiện thường và vô thường, nên gọi là ‘đồng thời cùng bay’. Tuy nhiên, hai chim bay lại có nghĩa bay cao thấp khác nhau, tức là thường và vô thường có hơn và kém. Nay Ta vì ông mà nói pháp Tam tu thù thắng. Ba pháp khổ, vô thường, vô ngã là trước là thấp; thường, lạc, ngã là hơn, là cao. Đây là nghĩa Tam tu và Lục tu. Ngày xưa nói pháp Tam tu, kết hợp nay và xưa nên gọi là Lục tu.
Kinh ghi: “Giải thích nghĩa Mãn tự và Bán tự thế nào để thành nghĩa thường và vô thường? Một, vô thường là Bán tự, thường là Mãn tự. Vì sao? Xưa kia vì phá trừ vọng chấp của hàng ngoại đạo rằng trong sinh tử có thường, lạc, ngã, tịnh, cho nên mới nói khổ và vô ngã. Vì phá trừ tà kiến của ngoại đạo, phát khởi pháp Tiểu thừa nên gọi là Bán tự. Bệnh chấp thường đã diệt, thì mối họa vô thường lại phát. Lại nữa, kinh ghi: “Không lâu sau đó lại bị bệnh, cần phải dùng thường, lạc để giúp họ phát tâm bồ-đề”, nên gọi là Mãn tự.
Nếu ngày nay và xưa kia đều vì trị bệnh cho chúng sinh thì đều gọi là Mãn tự, còn như nay và xưa đối nhau, thì xưa Tiểu thừa nay Đại thừa, xưa Bán tự nay Mãn tự. Chỉ vì người mới tu hành không biết Phật thuyết thường, lạc này chỉ để dứt trừ bệnh chấp vô thường, mà cho là giáo rốt ráo. Cho nên, kế đến là nói thường và vô thường cần phải dứt trừ, đều chẳng phải cứu cánh, nên đều gọi là Bán tự. Chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, không hai mới gọi là Mãn tự.
Vì muốn phá trừ bệnh chấp hai, cho nên nói không hai là Mãn tự. Thực ra đây cũng chưa trọn vẹn, cũng chưa phải là Mãn tự. Trước nói thường và vô thường đều là Mãn thuộc dụng, kế đến nói chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, chẳng phải hai đều là Mãn thuộc về thể. Lại nữa, nếu chỉ nói thể Mãn thì cũng chẳng phải Mãn hoàn hảo. Nếu là chẳng phải thường, chẳng phải vô thường mà đầy đủ thường và vô thường, giống như hai con chim cùng bay, đầy đủ thể dụng thì mới gọi là Mãn tự.
NGHĨA PHẬT TÍNH
Chí đạo như như, chẳng mê chẳng ngộ; Phật pháp mênh mông, chẳng buộc chẳng thoát. Bởi do chúng sinh hư vọng, cố chấp thành mê, vàng mà lầm tưởng là lá cây, đao bén lại cho là hoa sen, màu sữa chẳng phân, dáng hình chẳng rõ, tùy theo dòng mà có sáu vị bất đồng, tranh giành ngói đá cho là báu vật. Cho nên, bậc Chủng Trí linh giác-Điều Ngự thế hùng dạy yếu chỉ kim vàng, bệnh mắt liền khỏi, nhờ phương thuốc của lương y mà mắt châu sáng lại.
Nói Phật tính, thì giác ngộ gọi là Phật, không thay đổi gọi là tính. Chư Phật ở mười phương lấy đây làm tính, cho nên gọi là Phật tính. Phật tính có năm, nhưng có nhiều cách giải thích khác nhau. Pháp sư Khai Thiện[6] nói: “Phật tính có năm loại là chính nhân, duyên nhân, liễu nhân, quả, quả quả. Chính nhân tức là tâm, phàm người có tâm đều sẽ thành Phật, cho nên tâm là chính nhân. Duyên nhân là mười hai nhân duyên. Liễu nhân tức là nhân phát sinh trí tuệ, thấu rõ bồ-đề. Quả tính tức là Bồ-đề. Quả quả tức Đại niết-bàn”.
Sư Trang Nghiêm lại nói: Chúng sinh là tính chính nhân, như kinh ghi: “Chính nhân là các chúng sinh, duyên nhân là sáu ba-la-mật”. Ba nghĩa còn lại thì giống với pháp sư Khai Thiện đã trình bày. Phái Sơn Gia lại cho rằng trung đạo là Phật tính, như Đại kinh ghi: “Vì sao lại đánh mất yếu chỉ? Chẳng phải trước đây Như Lai đã từng nói trung đạo là Phật tính sao?”
Lại có thuyết nói Đệ nhất nghĩa không chính là Phật tính mà Đệ nhất nghĩa không tức là trung đạo. Phật tính vốn không có nhiều nghĩa, nhưng vì căn cơ chúng sinh nên mới chia Phật tính thành hai là tính chính nhân và tính duyên nhân. Tính duyên nhân còn gọi là bàng tính. Lại từ tính duyên nhân lại chia ra nhân và quả. Trong nhân lại có hai nhân là nhân và nhân nhân. Trong quả cũng chia thành hai là quả và quả quả. Trong nhân lại có cảnh và trí: Cảnh là nhân, trí là nhân nhân. Trong quả lại có Bồ-đề trí là quả, Niết-bàn là quả quả. Cho nên nay nêu ra năm tính: Nhân, nhân nhân, quả, quả quả, tính chính chẳng phải nhân chẳng phải quả.
Nhưng văn kinh có hai loại bốn câu:
Bốn câu thứ nhất: Nhân và nhân nhân, quả và quả quả. Đây đều là tính duyên duyên. Mười hai nhân duyên gọi là nhân, trí sở sinh là nhân nhân, vì từ nhân mà sinh nên gọi là nhân nhân. Bồ-đề là quả, niết-bàn là quả quả, vì niết-bàn là quả của quả đức, cho nên gọi là quả quả.
Bốn câu thứ hai: Là nhân chẳng phải quả, là quả chẳng phải nhân, là nhân là quả, chẳng nhân chẳng quả.
Có người cho rằng bốn câu này chỉ nêu được ba tính. Nay nói bốn câu này nêu đầy đủ cả năm tính duyên nhân và chính nhân:
– Là nhân chẳng phải quả: Mười hai nhân duyên.
– Là quả chẳng phải nhân: Tính niết-bàn quả quả.
– Là nhân là quả: Đầy đủ cả hai tính trí quán và bồ-đề. Hai tính này cũng đồng là quả. Nhưng trí tính lại là nhân là quả, trí quán là cảnh quả quả, là bồ-đề nhân nhân. Bồ-đề là quả của quán trí, mà là nhân của niết-bàn, cho nên đầy đủ hai tính là nhân là quả.
– Chẳng nhân chẳng quả là Phật tính tức tính chính. Nhưng tính chính chẳng phải nhân nhân, tạm gọi là tính chính nhân; chẳng phải quả quả, tạm gọi là chính quả. Như vậy thì ở đây Phật tính có ba nghĩa, đầy đủ như bốn câu thứ nhất.
Lại có người chia Phật tính thành bảy loại. Lời này không đúng. Tính chính nhân tuy có ba tên, nhưng chỉ là một pháp. Nếu đã gọi là tính chính thì không gọi là chính nhân, chính quả. Nếu gọi là chính nhân, thì không gọi là chính tính, chính quả. Cho nên chỉ là một pháp, đầy đủ như bốn câu, năm câu trước.
Hỏi: Tính chính nhân đã thỏa đáng, thì tính duyên nhân có thỏa đáng chăng?
Giải thích: Tính chính nhân chẳng nhân chẳng quả, cho nên thỏa danh nhân quả. Tính duyên nhân là nhân là quả, vậy đáng phải gọi là vật gì? Lại nữa, đối với tính chính nhân thì thỏa đáng, đối với tính duyên nhân thì không thỏa đáng; đối với tính chính nhân thì đúng, đối với tính duyên nhân thì không đúng; cả hai đều đúng, đều thỏa đáng. Kinh ghi: “Mười hai nhân duyên chẳng sinh chẳng diệt, chẳng nhân chẳng quả”. Cả hai đều chẳng phải, thì vì sao không gọi là thỏa đáng.
Giải thích: Đây là lệ chung. Nay trình bày nghĩa Niết-bàn mười hai duyên chẳng nhân chẳng quả, chẳng phải nhân quả sinh tử. Nghĩa nhân Phật tính như vậy, thì tính chính nhân chẳng nhân chẳng quả, tức chẳng phải nhân quả Phật tính, cho nên không theo lệ này.
Lại có bốn câu Phật tính: Hàng xiển-đề không, hàng thiện căn có. Hàng xiển-đề có, hàng thiện căn không. Cả hai đều có. Cả hai đều không.
Cách giải thích thì không giống nhau.
Một, hàng xiển-đề không, hàng thiện căn có: Hàng thiện căn có tức tính quán trí. Hàng xiển-đề không tức không có tính này.
Hai, hàng xiển-đề có, hàng thiện căn không: Hàng xiển-đề có tức có tính cảnh giới thiện. Hàng thiện căn không tức không có tính cảnh giới ác.
Ba, cả hai đều có tức cả hai đều có tính chính nhân, vì chính nhân là tâm.
Bốn, cả hai đều không tức cả hai đều không có tính quả đức. Phái Thiên Thai Sơn Môn giải thích: Phật tính chẳng thiện chẳng ác, thiện ác chỉ là phương tiện.
Nghĩa trong lí và ngoài lí: Trong lí thì xiển-đề có Phật tính, ngoài lí thì hàng thiện căn không có Phật tính. Trong lí thì hàng thiện căn có Phật tính, ngoài lí thì xiển-đề không có Phật tính. Hai hạng người đều có Phật tính là trong lí, hai hạng người đều không có Phật tính là ngoài lí.
Người có năm tính: Hàng phàm phu thì giống như sữa có lẫn lộn máu, Tu-đà-hàm và Tư-đà-hàm thì như sữa nguyên chất, A-na-hàm như sữa đặc, A-la-hán như ván sữa, Bích-chi như thục tô, Phật như đề hồ. Lại có thuyết cho là Phật tính có bảy loại, sáu loại, hoặc năm loại, như phẩm Ca-diếp đã giải thích rộng.
Đạo Tạng nguyện đem công đức biên soạn Tam luận lược chương này, hồi hướng cho cha mẹ bảy đời, cha mẹ hiện tại, cùng tất cả bốn loài chúng sinh trong sáu nẻo.
Trong Vạn tục tạng ghi: “Sách này nghi là do người trong nước trích chép ra, nhưng chỗ sao chép ấy là những lời của đại sư Gia Tường soạn, nên mới thâu thập cất giữ như vậy”.
Đức Thuận
Trích dịch từ Tam Luận lược chương (phần cuối) của Đại sư Gia Tường Cát Tạng.
———————————————————-
[1] Dị bộ 異部: các tông phái bất đồng.
[2] Bốn lưu 四流:Bốn pháp khiến cho chúng sinh nổi trôi không dừng, đó là: kiến lưu, dục lưu, hữu lưu, vô minh lưu. Kiến lưu là kiến hoặc nơi ba cõi. Dục lưu là tất cả các hoặc nơi cõi dục, chỉ trừ kiến hoặc và vô minh hoặc. Hữu lưu là tất cả các hoặc ở hai cõi trên, chỉ trừ trừ kiến hoặc và vô minh hoặc. Vô minh lưu là vô minh nơi ba cõi.
[3] Ca-lân-đề 迦鄰提 (S: Kācalindikāka; Cg: Ca-lân-đề-địa): loài chim sống dưới nước, lông mềm nhẹ tựa bông, khi Thánh vương ra đời, chim này mới xuất hiện (ĐPB).
[4] Bán tự 半字: nguyên âm (ma-đa) và phụ âm (thể văn) tách rời nhau chưa thành một chữ, dụ cho chín thể kinh Tiểu thừa.
[5] Mãn tự 滿字: nguyên âm (ma-đa) và phụ âm (thể văn) kết hợp lại hoàn tất một chữ Phạn, dụ cho kinh điển Phương quảng Đại thừa.
[6] Pháp sư Khai Thiện 開善: chỉ cho pháp sư Trí Tạng. Vì sư trụ trì chùa Khai Thiện ở Chung Sơn, đời Lương. Đây là vì lấy tên chùa để gọi sư.
Nguồn : Source link
Hits: 28