Cực Lạc Và Ta Bà
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ
Pháp môn Tịnh độ được sáng lập và tu hành dựa trên tư tưởng “Yếm ly Ta bà, hân cầu Cực Lạc”. Song vì sao phải yếm ly Ta bà và lại hân cầu Cực Lạc? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phân tích sự khác biệt chính yếu giữa Cực Lạc và Ta bà qua các yếu tố sau:
A. Cảnh giới
1-Cảnh giới Cực Lạc thanh tịnh từ thân tâm tới ngoại khí. Thân thanh tịnh, và tùy ý sinh thân, không có sinh lão bệnh tử. Tâm thanh tịnh luôn an trụ trong niệm Phật tam muội thuần niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, không hề có vọng hay tà niệm, nên phàm kiến sắc văn thanh, đối lục trần đều vô nhiễm. Cảnh giới lại thanh tịnh thuần bằng bẩy báu, trang nghiêm vô cấu, không có rác rến bụi bậm, bùn sình hay phẩn uế. Khí hậu ôn hòa mát mẻ không có nóng lạnh, hạn hán, bão lụt, động đất thiên tai. Cư dân nơi Cực Lạc thân tâm thanh tịnh nên không có cảnh chém giết ăn uống, cướp đoạt sinh mạng hay tài sản của nhau. Vì vậy ở Cực Lạc không hề nghe nói đến tam ác đạo, hà huống là thấy.
2-Cảnh giới Ta bà bất tịnh từ thân tâm đến ngoại cảnh. Thân bất tịnh được xây dựng bằng xương, quét tô bằng máu thịt, là nơi chồng chất tụ hội của vô lượng bệnh khổ và món bất tịnh, như đờm dãi, phân niệu, và chịu sự chi phối của sinh lão bệnh tử, vì thân do tứ đại hợp thành, đại nào cũng có sinh lão bệnh tử, nên thân do tứ đại hợp thành cũng phải chịu định luật sinh lão bệnh tử. Tâm bất tịnh luôn phân biệt tắng ái thủ xả theo ngã chấp, nên khởi tranh chấp gây hại tương tàn lẫn nhau. Do thân tâm bất tịnh nên cảnh giới Ta bà có tam ác đạo. Cảnh giới thì bất tịnh chỉ gồm bùn đất, ô uế là nơi nhóm họp của các yếu tố gây mọi mầm bệnh. Khí hậu lại độc hại, lúc nóng lúc lạnh, đủ mọi thiên tai, xẩy ra bất ngờ, như địa chấn, hạn hán, lũ lụt, bão tố. Thân tâm và cảnh giới đã bất tịnh, lại từ bất tịnh đó sinh ra cảnh chém giết tranh dành sinh mạng và tài sản của nhau, lại nuôi dưỡng thân tâm bất tịnh đó bằng sinh mạng của chúng sinh, nên tam ác đạo nhân đây mà thành hình.
B.Cư dân
1-Cư dân Cực Lạc đều là những người có niềm tin vào nguyện lực cứu độ của đức Phật Di Đà cũng như nhất thiết chư Phật. Niềm tin này bao gồm 2 loại : tin Phật và tin pháp.
Tin Phật là người có đầy đủ tâm từ bi sẽ cứu ta và mọi người. Tin pháp là trí huệ của Phật thấu triệt mọi phương pháp cứu độ ta và chúng sinh. Đức tin bao quát hai phương diện, nếu thiếu một trong hai tất không thành đức tin :
-Thứ nhất tin Ta bà là khổ cần thoát ly
-Thứ hai tin Cực Lạc là vui cần nên sinh về.
Một khi thật sự tin “Ta bà là khổ cần thoát ly”, tất quyết định lìa bỏ mọi dục lạc của Ta bà, nhạt lòng với ngũ dục. Tin “Cực lạc là vui nên sinh về”, tất quyết định vận dụng trọn ba nghiệp tiến tu tịnh nghiệp, tức đồng với quyết định tin vào năng lực từ bi cứu độ của Phật, nên niệm Phật tha thiết, cầu mong Phật tiếp dẫn về cõi nước của ngài. Đó là lý do niệm Phật, song niệm Phật cũng chính là niệm bản nguyện độ sinh của Phật. Niệm Phật hay niệm bản nguyện độ sinh của ngài lại phân thành hai trình độ. Thứ nhất niệm Phật hay niệm bản nguyện của ngài để được bản nguyện này tiếp độ. Thứ hai niệm Phật hay niệm bản nguyện của Phật để bản nguyện độ sinh của chư Phật phát khởi trong ta, dẫn đến hành nguyện độ sinh và cầu thành Phật.
Người tin Phật phát nguyện niệm Phật, lấy sự niệm Phật làm pháp tu hành, cầu sinh về cõi Phật. Tín nguyện hành của người này thuộc về trung và hạ phẩm, vì chỉ dựa vào “hạnh nguyện cứu độ” để được cứu. Người tin Phật phát nguyện độ sinh, lấy độ sinh làm pháp tu hành. Tín hành nguyện của người này thuộc trung và thượng phẩm, vì biết dựa vào “hành nguyện độ sinh” mà thành tựu vô lượng tịnh nghiệp cho ta và nhất thiết chúng sinh.
Tín là nền tảng nhập môn, từ tin vào nguyện lực cứu độ của Phật mà hành pháp “cầu cứu”, đó là hành môn của phàm nhân, có thể nói đây là dị hành môn của “dị hành đạo” (tịnh độ). Lại do tin vào nguyện có sức độ nhất thiết chúng sinh, điển hình như chư Phật chư Bồ tát thường hành, mà phát bồ đề tâm nguyện, thường hành bồ đề nguyện, độ khắp chúng sinh, nguyện hành này là nan hành môn của “dị hành đạo”.
Vì vậy ta có thể kết luận tín có hai loại. Thiển tín tức tin vào bản nguyện của Phật để được cứu. Thâm tín tức tin vào bản nguyện của Phật để hành pháp cứu độ chúng sinh.
Từ đức tin sâu hay cạn, người tu học Phật có hai cái nhìn về nguyện. Một, chỉ thấy nguyện độ sinh của Phật đối với ta, và ta phát nguyện được cứu. Hai, nhận chân do “nguyện độ sinh” mà ta được cứu, Phật được thành, cõi tịnh được lập. Lại biết thành Phật là cứu cánh của pháp môn tu tập tín nguyện hành, nên không thể bỏ qua yếu tố phát sinh công đức vô lậu của sự “phát nguyện độ sinh”, mà chỉ cầu phúc đức hữu lậu là được cứu của bản nguyện này.
Lại từ khía cạnh phát nguyện mà hành có rộng có hẹp, tùy theo hành mà “tín nguyện hành nơi tâm”, thanh tịnh nhiều hay ít. Do các yếu tố đó mà cảnh giới Cực Lạc thành có 9 phẩm, đại ý nói thanh tịnh có 9 phẩm bậc, tùy theo tâm thanh tịnh tới bậc nào thì sinh về phẩm ấy. Thanh tịnh chỉ cho tín nguyện hành, nếu tín nguyện hành càng sâu rộng thì phẩm bậc thanh tịnh càng cao. Điều này được đức Thế Tôn ấn chứng trong kinh Duy Ma Cật “Dục cầu tịnh độ, đản tịnh kì tâm. Tùy kì tâm tịnh, tất Phật độ tịnh”.
Tựu chung cư dân Cực Lạc đều tin vào lời dậy của Phật “Ta bà là khổ nên thoát, Cực Lạc là vui nên về”, tin vào nguyện tiếp dẫn của Phật, tin vào hành pháp niệm Phật được vãng sinh, đây là hàng trung và hạ cư. Tin vào nguyện tiếp dẫn của Phật mà phát và hành “nguyện tiếp dẫn” này là hạng trung và thượng cư. Nếu không hội đủ tín nguyện hành tất không thể sinh về cõi Phật này. Như trong kinh Di Đà dậy “bất khả dĩ thiểu thiện căn công đức đắc sinh bỉ quốc”. Thiện căn công đức tức tín nguyện hành, tức thanh tịnh lực.
Cần nên nhận chân rằng tin “Ta bà là khổ” tức tin “nhân sinh thị khổ” hay “khổ đế”, có nghĩa Ta bà thuần khổ, mọi niềm vui ở thế giới này đều là chỗ ẩn náu của khổ, như Lão tử than “Họa hề! phúc chi sở ỷ. Phúc hề! họa chi sở phục” họa chỉ là chỗ dựa của phúc, phúc chỉ là chỗ ẩn náu của họa. Như vậy khi đã thật sự nhận thấy “nhân sinh thị khổ” hay “Ta bà là khổ cần thoát” tất nhiên mọi niềm vui thú của Ta bà chẳng còn trói buộc được nữa, giải thoát được ách dục lạc của uế độ, và chỉ còn một niềm vui thực sự cần có là “thoát ly Ta bà, vãng sinh Cực Lạc”, được như vậy tất nhiên đức tin mới năng sinh hiệu quả. Còn như vẫn luyến lưu Ta bà tất tâm cầu sinh Cực Lạc chưa đủ mạnh, do vậy tất nhiên tái sinh về lại cảnh lưu luyến, nên Cổ đức mới khuyến cáo “Ái bất trọng bất sinh Ta bà. Niệm bất nhất bất sinh Cực Lạc”.
Cư dân Cực Lạc do nguyện sinh, nên tư duy và hành động theo nguyện, nói cách khác “cử chỉ động niệm của cư dân Cực Lạc vô phi thị nguyện”, đều đã là nguyện nên “vô bất thanh tịnh”, chúng hữu tình thanh tịnh và an lạc này gọi là Thanh tịnh chúng.
Do vậy kết luận, những ai thật sự nhận chân “Ta bà là khổ cần thoát ly, Cực Lạc là vui nên sinh về” sẽ trở thành những cư dân trên Cực Lạc, và nếu phát tâm và hành bồ đề nguyện ắt mới thực sự là cư dân thích nghi với cõi Cực Lạc.
2-Cư dân Ta bà là những chúng sinh bị nghiệp kéo lôi, nghiệp này tự nhận là ngã, ngã đó bao quát thân tâm đều do nghiệp tạo nên. Nghiệp là thói quen suy nghĩ và hành động từ quá khứ lâu xa, một thói quen chấp ngã và pháp, một thói quen phụng sự cho tham dục của ngã, cho đó là hạnh phúc, và nếu ngược lại thì tự chịu đau khổ.
Khác với cư dân ở thế giới Cực Lạc thường đối trước mọi cảnh niệm Phật, pháp, tăng; cư dân ở Ta bà luôn khởi tắng ái thủ xả đối với mọi cảnh, nên luôn âu lo, chưa được cầu được, được rồi sợ mất, cả đời bất an. Chúng hữu tình tham dục bất tịnh đầy phiền não này gọi là chúng sinh. Cư dân Cực Lạc do nguyện thành, cư dân Ta bà do nghiệp sinh.
B. Yếu tố cấu tạo nên Cực Lạc và Ta Bà
1-Cực Lạc do nguyện độ sinh của chư Phật tạo thành, mà không do nơi nghiệp sinh. Do nguyện cứu độ, chư Phật thiết lập Tịnh độ để che chở cho chúng sinh – một thứ hữu tình do nghiệp tạo nên, có thể sinh hoạt trong cảnh giới không có nghiệp, mà chỉ có thuần nguyện, nhờ vậy những chúng sinh này không còn có môi trường tạo tác nghiệp, nên không thọ báo và phiền não. Lại do chỉ thuần phát và hành nguyện của chư Phật nên thọ báo an lạc và thanh tịnh, vì vậy đối với các pháp của cảnh giới “Phật nguyện” mà thường gọi là Tịnh độ này, những chúng sinh đó đều khởi niệm thanh tịnh phi tác nghiệp, nhờ vậy từ chúng sinh trở thành Thánh chúng, tất cả tà niệm, tạp niệm đều thành niệm Phật, niệm pháp và niệm tăng.
2-Ta bà do nghiệp lực chúng sinh chiêu cảm thành. Tùy theo loại chủng nghiệp cấu tạo thành thân tâm, tham dục cũng theo thân tâm đó mà chọn đối tượng. Tuy chúng sinh có vô lượng chủng loại, nhưng đồng một thể sinh ra, gọi là tham dục tính. Từ tính tham dục này sinh ra vô số ham muốn, từ những ham muốn không giới hạn, nẩy sinh thủ xả khổ lạc, tranh chấp ăn giết lẫn nhau không có ngày cùng tận. Mọi suy nghĩ và hành động đều lấy ngã làm nền tảng khởi động, ngã lại do nghiệp chiêu cảm thành, do đó nói chính xác hơn, mọi tư duy của tâm và mọi hành động của thân đều do nghiệp chủ động, chính vì vậy mà kinh Địa Tạng mới nhấn mạnh “Chúng sinh Nam Diêm Phù đề cử chỉ động niệm vô phi thị nghiệp”, và đã là nghiệp tất nhiên điên đảo vọng tưởng, nên kinh dậy tiếp “vô bất thị tội”.
Cư dân ở Ta bà do vọng nghiệp sinh, tư duy và hành động theo nghiệp, tạo nên thế giới đầy bất tịnh của nghiệp gọi là tội. Chúng hữu tình này không thoát khỏi nghiệp, nên không sao lìa được tội, và môi trường của nghiệp tội. Môi trường tranh dành tham dục không có lúc hết này được gọi là thế giới Ta bà, và chúng hữu tình đó gọi là chúng sinh.
Ta bà và chúng sinh do nghiệp tạo thành. Cực Lạc và Thánh chúng do nguyện lập nên, vì vậy không nguyện tất không sinh Cực Lạc. Nguyện ở đây phải hiểu là “bồ đề tâm nguyện”, mà không đơn thuần là “nguyện sinh Tây phương”. Nhờ phát nguyện sâu rộng, biến khắp ba đời mười phương, khiến nghiệp lực bao đời đành phải chịu hủy diệt, nghiệp cảnh cũng tiêu ma, chỉ thuần còn cảnh giới Viên giác, ví như người tỉnh mộng tan, mộng cảnh chẳng còn dấu vết, nhường lại cho thật cảnh hiên bầy.
C. Sinh hoạt
1-Thánh chúng tức cư dân ở Cực Lạc lấy thượng cầu hạ hóa làm sinh hoạt duy nhất. Thượng cầu và hạ hóa là việc làm của mười phương ba đời nhất thiết chư Phật. Tất cả chư Phật đều đã làm, đang làm, sẽ làm và chỉ làm hai việc này, do đó gọi thượng cầu và hạ hóa là Phật sự – việc làm của Phật. Thánh chúng là những vị đang tu tập và chỉ hành các việc làm của Phật. Sinh hoạt của thánh chúng chính là Phật sự – thường vây quanh Phật thính pháp để thượng cầu, luôn hiện thân ở giữa chúng sinh để hạ hóa. Thân cận Phật để không bỏ bất cứ chúng sinh nào, ở giữa chúng sinh độ hóa để thân cận nhất thiết chư Phật. Đó là Phật sự sinh hoạt của thánh chúng, cảnh giới sinh hoạt này theo chỉ quy của niệm Phật tức thân cận Phật (đồng với giải đại đạo), niệm pháp tức y giáo không lìa (đồng với thâm nhập pháp tạng) và niệm tăng tức phụng hành vô tận (đồng với thống lý vô ngại).
Thánh chúng dùng Phật sự thượng cầu hạ hóa làm đại nguyện, nương vào lực của đại nguyện này không những cởi bỏ được lực trói buộc của nghiệp, mà còn tự tại vào trong cảnh giới của nghiệp như thể thỏng tay vào chốn chợ triền. Nhờ vậy thánh chúng được hưởng sự thanh tịnh an lạc từ thân tâm đến ngoại cảnh.
2-Chúng sinh tức cư dân ở Ta bà lấy thỏa mãn tham dục làm nhu cầu sinh hoạt. Lục căn đối lục trần đều sinh tham dục, mỗi trần lại có nhiều chủng loại, lục căn đối với mỗi chủng loại đó đều phát sinh tham dục, tắng ái, do vậy tham dục trở thành vô lượng. Sinh hoạt của chúng sinh là thủ xả tắng ái, chúng sinh chỉ biết tìm cầu an lạc bằng tắng ái thủ xả, mà lại đui điếc không biết do thủ xả tắng ái mà bất an. Vì vậy cảnh giới sinh hoạt của chúng sinh đầy dẫy tranh đoạt thắng bại, khổ lạc, nên chúng sinh phải chịu cảnh bất an và nhiễm ô từ thân tâm ra đến ngoại cảnh. Sự sinh hoạt nhiễm ô và bất an này là nhân tố để tiếp tục gây quả ô nhiễm bất an đến tận cùng tương lai, cho đến bao giờ chúng sinh biết phát nguyện thượng cầu hạ hóa, và nỗ lực tư tu, hành theo đại nguyện, mới xa lìa được nghiệp ô nhiễm bất an.
D. Niệm Phật và niệm Tam Bảo.
1-Chúng sinh do nghiệp bất tịnh chiêu cảm thành thân tâm và thế giới, do vậy muốn thoát ly cái thế giới cùng thân tâm bất tịnh này tất nhiên phải từ bỏ nghiệp bất tịnh. Song chúng sinh vốn từ vô thủy đã nhận nghiệp bất tịnh đó là thân tâm và thế giới của mình, nên không sao bỏ được nghiệp, vì bỏ nghiệp đồng với bỏ ta và thế giới của ta, phàm nhân bằng cách nào dám làm chuyện này, trừ phi được sự khai thị của Phật pháp, phát bồ đề tâm nguyện mới mong bỏ được cái nghiệp keo sơn khó bỏ đó. Điều chúng sinh cho là hạnh phúc nhất, chính là làm sao hưởng được ngũ dục tối đa, họ chỉ thấy ngũ dục là hạnh phúc, mà không biết vì ngũ dục mà phải tính toán mưu toan, tạo tác biết bao vọng nghiệp, chưa được thì cầu cho được, được ít thì cầu cho được nhiều hơn, khi được ngũ dục tràn đầy, thì lại sợ mất, vì sợ mất nên bất an, toan tính ưu tư, khổ sở vô bờ, đời này đã vậy các đời tương lai cũng lại như thế. Chúng sinh đa dục nên nào có thể tin được ngũ dục chỉ là một tấm lưới thêu dệt bằng hoa bên ngoài để giăng bẫy phàm nhân, một khi đã bước vào thì hẳn khó có ngày ra. Sinh hoạt của thế nhân là sống trong cảnh giới của nghiệp, hành mọi nghiệp để truy cầu dục lạc, một thứ hạnh phúc của nghiệp, càng truy cầu dục lạc càng lún sâu vào lưới nghiệp, nên càng phiền não khổ đau. Chúng sinh không chịu nhận rằng cả thân tâm và thế giới này của ta, cũng như của mọi chúng sinh đều do nghiệp ô nhiễm bất an tạo thành, nay muốn cho thân tâm cùng thế giới ô nhiễm bất an đó được an lạc và thanh tịnh tất nhiên là điều hoang tưởng. Bởi gốc sinh ra thân tâm và thế giới này vốn dĩ là nhiễm ô và bất an. Nếu muốn trừ diệt ô nhiễm và bất an tất phải diệt trừ từ gốc rễ, đó là tận trừ nghiệp chướng. Song nghiệp chướng khó trừ, chỉ có nguyện mới diệt được nghiệp. Do đó không phát nguyện tất không thể ra khỏi nhà lửa của nghiệp.
Chư Phật xuất hiện nơi đời chỉ bầy cho chúng sinh “nghiệp là khổ tập” và “nguyện là diệt đạo”. Lại do chúng sinh căn cơ cao thấp khác nhau, nghiệp dầy hay mỏng, nên Như Lai phương tiện giúp chúng sinh lập nguyện. Đối với hàng nghiệp chướng sâu dầy khó bỏ, khó phát đại nguyện theo gương hành nguyện cứu độ chúng sinh của chư Phật, Như lai phương tiện dậy họ lập nguyện cầu sinh cõi Phật, để thân tâm hướng dần đến cảnh giới thanh tịnh, xa dần cõi uế, bằng cách niệm danh hiệu Phật, lấy niệm Phật làm nhân đưa đến quả thân cận Phật. Bằng vào phương tiện thiện xảo của nguyện lực này, khiến “chúng sinh do nghiệp tạo thành”, sinh về “cõi Phật do nguyện lập nên”, gọi là “đái nghiệp vãng sinh”. Cõi Phật đã do nguyện thành lập, tất cảnh giới này không có môi trường tạo nghiệp hay hành nghiệp, nên nói “vô tam ác đạo”, lại do không có môi trường hay cơ hội tạo nghiệp, nên những chúng sinh vừa vãng sinh không có bất kì nhân duyên nào có thể tạo vọng nghiệp để trở về uế độ. Không những vậy lại được nguyện lực của Phật và thánh chúng gột rửa mọi nghiệp chướng, khiến các chúng sinh này chuyển nghiệp thành nguyện, niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, vĩnh viễn không còn các thứ tà niệm. Chúng sinh đã phát đại nguyện xa lìa nghiệp chướng ắt thành Bồ đề tát đỏa (Bồ tát), trở thành thánh chúng thích nghi với sinh hoạt Phật sự ở cõi Phật. Thường dùng nguyện lực ra vào tự tại trong cõi nghiệp độ hóa chúng sinh.
2-Đối với hàng thượng căn nghiệp mỏng phúc dầy. Như Lai trực chỉ dậy bảo đại thừa Bồ tát đạo, thượng cầu hạ hóa, dõng mãnh vì cầu Phật đạo, vì độ chúng sinh, hành mọi nan hành. Hàng thượng căn này phát bồ đề tâm đại nguyện, học theo hạnh nguyện của nhất thiết chư Phật. Chư Phật nhờ phát nguyện thượng cầu hạ hóa mà thành quả bồ đề, không có pháp môn nào ngoài bồ đề tâm nguyện mà có thể thành được Phật quả. Hàng Bồ tát phát bồ đề tâm đại nguyện quán sát nhận chân >“do nguyện mà Phật thành, nhờ nguyện mà cõi lập”, nên “tu hành cấp vụ, lập nguyện cư tiên”, chuyện tu hành trước nhất là phải lập nguyện. Hễ nguyện thành tất Phật thành và cõi Phật cũng tự thành. Nguyện chính là pháp tối thắng để thành Phật và độ sinh. Nguyện là chân tâm, nghiệp là vọng tâm. Tâm vọng thành nghiệp, tâm chân thành nguyện.
3-Nguyện bao hàm phương pháp thành Phật và độ hóa chúng sinh. Thành Phật có nghĩa Phật hóa nhất thiết chúng sinh, và nhất thiết cảnh giới, không gì không phải Phật, như vậy thật nghĩa của sự thành Phật chính là độ nhất thiết chúng sinh cùng thành Phật đạo. Độ hóa chúng sinh là việc làm của chư Phật, là Phật sự khiến chúng sinh thành tựu Phật quả; nhờ hành Phật sự này mà thành Phật quả. Vì vậy thành Phật và độ sinh vốn chỉ là một, thành Phật độ nhất thiết chúng sinh là từ nơi “bản” thùy tích. Độ sinh thành Phật là từ tích quy về bản.
Nguyện đã nhiếp pháp thành Phật và độ hóa, tức nhiếp Phật pháp tăng. Chư đại Bồ tát như Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm và Địa Tạng đều không cần xưng danh niệm Phật, vì luôn thường trụ trong đại nguyện, tức thường niệm bất đoạn Phật pháp tăng, niệm đại nguyện này không chỉ bằng khẩu nghiệp mà bằng cả ba nghiệp, điển hình như 10 nguyện của Bồ tát Phổ Hiền, đều là niệm Phật, niệm pháp và niệm tăng qua thân khẩu ý. Hành 10 nguyện này được vãng sinh thượng phẩm. Do đó chúng ta có thể kết luận đức Phật dùng “xưng danh niệm Phật” để khai thị “nguyện” cho chúng sinh, khi chúng sinh đã nhập vào đại nguyện của chư Phật, bấy giờ chúng sinh đã trở thành Thánh chúng tự phát đại nguyện, thường niệm Phật pháp tăng để ngộ nhập bản nguyện của chư Phật. Bất luận tông phái nào hễ phát đại nguyện thượng cầu hạ hóa, tất Phật đạo còn thành, hà huống lại không thể vãng sinh tịnh độ sao? Phật và tịnh độ đã sãn có đầy đủ trong nguyện, thế nên chỉ cần phát bồ đề tâm nguyện tất thành tựu Phật và tịnh độ.
Trong pháp tu hành hễ thân tâm nương nghiệp thì dẫu có hành thiện nghiệp cũng vẫn là nghiệp luân hồi sinh tử. Nếu thân tâm nương nguyện tất đó là thiện pháp tối thắng, đưa đến thanh tịnh an lạc hóa thân tâm và cảnh giới. Nên biết từ thiện của thế gian không sánh được với độ hóa của Phật pháp.
4-Nói tóm lại vì chúng sinh nghiệp lực sâu dầy không thể tự phát nguyện và hành nguyện được, nên Như Lai phương tiện chỉ bầy chúng sinh nương vào nguyện lực tiếp dẫn của A Di Đà Như Lai, làm nguyện vãng sinh cho bản thân, hành nguyện bằng xưng danh niệm Phật, nhờ vậy chúng sinh đầy nghiệp lực đó bắt đầu có nguyện và hành nguyện, dựa vào hành nguyện nói trên được vãng sinh Phật quốc, điều này có nghĩa nhờ có cái nguyện “nương vào bản nguyện của Như Lai”, và hành nguyện niệm Phật nên dựa vào nguyện này diệt trừ nghiệp chướng. “Nguyện sinh nghiệp trừ” đồng nghĩa lìa Ta bà sinh Cực Lạc.
Sau khi nguyện “thoát ly Ta bà vãng sinh Cực Lạc” thành tựu rồi, chúng sinh nghiệp trở thành Thánh chúng nguyện. Thánh chúng nương Tam bảo nguyện lực tức bồ đề tâm nguyện, hành pháp (niệm pháp) thượng cầu (niệm Phật) hạ hóa (niệm tăng). Niệm Phật tức giác ngộ thật đạo nhất thật đế, niệm pháp tức thâm nhập nhất thiết pháp môn, niệm tăng tức tùy cơ thuyết pháp.
Lại nữa xưng danh niệm Phật là dựa vào nguyện lực của tha Phật, lấy đó làm nguyện để trừ nghiệp chướng, đó là phương cách nương bản nguyện của Phật để được cứu. Sau đó lấy bản nguyện độ sinh của Phật làm bản nguyện độ sinh của bản thân, để cứu độ chúng sinh trên con đường thành Phật quả. Bản nguyện này đồng với bản nguyện của chư Phật, thường niệm Phật, pháp và tăng. Bấy giờ hành gỉa với Phật là một, Phật với cảnh giới thanh tịnh không hai. Do đó nên nói “Tự tính Di Đà, duy tâm tịnh độ”.
E. Kết luận
Bất luận tu pháp môn nào, nếu muốn thành Phật đạo tất phải phát bồ đề tâm nguyện. Không phát nguyện này tất không thành Phật đạo. Phàm hễ phát bồ đề tâm nguyện tất được tùy nguyện vãng sinh. Thế nên Liên tông thập nhất tổ Tỉnh Am đại sư dậy “nhập đạo yếu môn, phát tâm vi thủ. Tu hành cấp vụ, lập nguyện vi tiên”, thật là lời dậy vô gía. Người nào đón nhận được món quà này tất hiện đời là Hiền thánh, tương lai là Thiên nhân sư.
Côn Minh 12/6/09
Nguồn : Source link
Hits: 19