ĐỨC PHẬT NÓI VỀ
SỰ CÚNG THÍ TỔ TIÊN VÀ NGẠ QUỶ[1]
LTS. – Vào dịp lễ Vu-lan Thắng hội, Phật tử có tục lệ cúng thí người chết. Dưới đây Tập san trích dịch đoạn kinh có liên hệ đến ý nghĩa cúng thí này.
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật ở trong Ca-lan-đà Trúc viên, thành Vương-xá. Bấy giờ có Phạm chí Sanh Văn[2] đi đến chỗ Phật, cùng Phật thăm hỏi an ủy xong, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
«Thưa Cù-đàm! Con có người thân tộc rất thương mến, bỗng nhiên qua đời. Con vì người ấy nên bố thí với tín tâm. Thế nào, bạch Thế tôn, người ấy có nhận được không?»
Phật bảo Bà-la-môn:
«Không phải nhất định phải được.[3] Nếu người thân tộc của ông sinh vào trong địa ngục, nó sẽ ăn thức ăn của chúng sanh địa ngục để nuôi sống sinh mạng của nó, chứ không nhận được đồ ăn thức uống mà ông bố thí với tín tâm. Nếu nó sinh vào súc sanh, ngạ quỷ, hoặc loài người, họ sẽ được đồ ăn thức uống của loài người, không nhận được đồ bố thí của ông.
«Này Bà-la-môn! Trong đường ngạ quỷ có một nơi tên là Nhập xứ ngạ quỷ.[4] Nếu người thân tộc của ông sinh vào trong Nhập xứ ngạ quỷ kia, thì sẽ nhận được thức ăn của ông.»
Bà-la-môn bạch Phật:
«Nếu người thân tộc của con không sinh vào trong đường Nhập xứ ngạ quỷ, thì thức ăn do tín tâm của con bố thí ai sẽ hưởng được?»
Phật bảo Bà-la-môn:
«Nếu ông với tín tâm bố thí cho người thân tộc, nhưng họ không sinh vào chốn Nhập xứ ngạ quỷ, thì có những thân tộc quen biết khác đã sinh vào trong chốn Nhập xứ ngạ quỷ đó sẽ được hưởng.»
Bà-la-môn bạch Phật:
«Thưa Cù-đàm! Nếu con vì tín tâm bố thí cho người thân tộc, nhưng họ không sinh vào trong chốn Nhập xứ ngạ quỷ, và cũng không có các thân tộc quen biết khác sinh vào chốn Nhập xứ ngạ quỷ, thì thức ăn do lòng tin bố thí đó ai sẽ hưởng?»
Phật bảo Bà-la-môn:
«Giả sử ông vì những thân tộc quen biết mà bố thí, nhưng họ không sinh vào trong chốn Nhập xứ ngạ quỷ, và lại cũng không có những người quen biết khác sinh vào chốn Nhập xứ ngạ quỷ, thì việc bố thí do lòng tin, tự mình sẽ được phước.[5] Của bố thí do lòng tin của người thí chủ đó, sẽ không mất đạt-sấn[6].»
Bà-la-môn bạch Phật:
«Thế nào là thí chủ hành thí, để người bố thí được đạt-sấn kia ?»
Phật bảo Bà-la-môn:
«Có người sát sanh, làm những việc ác, tay thường tanh máu,[7] tâm thường suy nghĩ đến đánh đập, sát hại, không hổ, không thẹn, tham lam, keo kiệt. Đó là nghiệp ác sát sinh.
«Có người lấy của không được cho; đối với tài vật, làng xóm, đất trống của người, cũng không xa lìa trộm cắp.
«Có người tà dâm; đối với những người được bảo hộ bởi cha mẹ, anh em, chị em, phu chủ, thân tộc cho đến người trao vòng hoa, mà dùng sức cưỡng bức, làm mọi việc tà dâm, không lìa bỏ tà dâm.
“Có người nói dối không chân thật: Hoặc ở chốn vua quan, các nhà nói chơn thật, nơi có nhiều người tụ tập cần lời nói thích đáng, nhưng lại nói lời không thật; không thấy nói thấy, thấy nói không thấy, không nghe nói nghe, nghe nói không nghe; biết nói không biết, không biết nói biết. Vì chính mình, vì người khác, hoặc vì tài lợi, biết mà nói dối không chịu lìa bỏ nói dối.
«Có người hoặc nói hai lưỡi, gây chia lìa; đem chuyện chỗ này đến nói chỗ kia, đem chuyện chỗ kia đến nói chỗ này, phá hoại lẫn nhau, làm cho tan rã sự hòa hợp, khiến kẻ ly gián vui mừng.
«Có người nói lời thô ác, mắng nhiết. Có những lời nói dịu dàng, êm tai, làm vui lòng, rõ ràng dễ hiểu, lời nói được ưa nghe, được nhiều người yêu mến, hợp ý, tùy thuận tam-muội. Xả bỏ những lời như vậy mà nói lời gắt gao, cộc cằn, bị nhiều người ghét, không ưa, không hợp ý, không thuận tam-muội. Nói những lời như vậy, không lìa bỏ lời nói thô. Đó gọi là ác khẩu. «Có người nói lời thêu dệt bại hoại, nói không đúng lúc, nói không thực tế, lời nói vô nghĩa, lời nói phi pháp, lời nói thiếu suy nghĩ. Nói những lời hư hỏng như vậy.
«Có người không lìa bỏ tham lam; đối với tài vật người khác khởi tham dục, nói rằng ‹Nếu ta có vật này thì rất tốt.›
«Có người không xả bỏ sân nhuế tệ ác; trong tâm suy nghĩ, ‹chúng sanh kia đáng bị trói, đáng bị roi vọt, gậy gộc, đáng giết, muốn cho nó khó sống.›
«Có người không bỏ tà kiến; có quan điểm điên đảo như vầy: ‹Không có bố thí, không có quả báo, không có phước, không có điều thiện điều ác, không có nghiệp thiện ác và quả báo, không có đời này, đời khác, không có cha mẹ, không có chúng sanh hoá sanh; thế gian không có A-la-hán, không có các vị chánh hành, chánh hướng[8] mà trong đời này hay đới khác, tự biết, tự mình chứng nghiệm rằng, ‹Ta, sự sinh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sinh đời sau nữa.›
«Đó gọi mười nghiệp bất thiện.
«Sau lại bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn, … cho đến những kẻ ăn xin bần cùng, đều bố thí tiền tài, áo quần, chăn mền, đồ ăn thức uống, đèn đuốc, những vật dụng trang nghiêm.
«Này Bà-la-môn! Thí chủ kia nếu lại phạm giới, sinh trong loài voi; nhưng vì người ấy đã từng bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn tiền của, áo quần, chăn mền, đồ ăn thức uống cho đến những vật dụng trang nghiêm, nên tuy ở trong loài voi, cũng nhận được phước báo nhờ đã bố thí, từ quần áo, đồ ăn thức uống cho đến những vật dụng trang nghiêm.
«Nếu lại sinh vào các loài súc sanh như trâu, ngựa, lừa, la v.v… nhưng cũng nhờ vào công đức thí ân trước, nên sẽ nhận được phước báo kia tùy theo chỗ sinh tương ứng mà được thọ dụng.
«Này Bà-la-môn! Nếu thí chủ kia lại trì giới, không sát sinh, trộm cướp, … cho đến chánh kiến, và bố thí cho các Sa-môn, Bà-la-môn, … cho đến những kẻ ăn xin nào là tiền của, áo quần, đồ ăn thức uống, đèn đuốc, thì nhờ công đức này mà sinh trong loài người, ngồi hưởng thụ phước báo này, từ áo quần, đồ ăn thức uống … cho đến những vật dụng như đèn đuốc.
«Lại nữa, này Bà-la-môn! Nếu người ấy lại trì giới, thì sẽ được sinh lên cõi trời, vì nhờ vào những thí ân nên được hưởng những thứ phước báo về tài bảo, áo quần, đồ ăn thức uống, … cho đến những vật dụng trang nghiêm cõi trời.
«Này Bà-la-môn! Đó gọi là người bố thí hành thí; khi người bố thí thọ nhận đạt-sấn, quả báo không mất.»
Sau khi Bà-la-môn Sanh Văn nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
T02n0099_p0272b08║(一○四一)如是我聞。一時。佛住王舍城迦蘭陀
T02n0099_p0272b09║竹園。時。有生聞梵志來詣佛所。與世尊
T02n0099_p0272b10║面相問訊慰勞已。退坐一面。白佛言。瞿曇。
T02n0099_p0272b11║我有親族。極所愛念。忽然命終。我為彼故。信
T02n0099_p0272b12║心布施。云何。世尊。彼得受不。佛告婆羅門。
T02n0099_p0272b13║非一向得。若汝親族生地獄中者。得彼地
T02n0099_p0272b14║獄眾生食。以活其命。不得汝所信施飲食。
T02n0099_p0272b15║若生畜生.餓鬼.人中者。得彼人中飲食。不
T02n0099_p0272b16║得汝所施者。婆羅門。餓鬼趣中有一處。名
T02n0099_p0272b17║為入處餓鬼。若汝親族生彼入處餓鬼中者。
T02n0099_p0272b18║得汝施食。婆羅門白佛。若我親族不生入
T02n0099_p0272b19║處餓鬼趣中者。我信施。誰應食之。佛告婆
T02n0099_p0272b20║羅門。若汝所可為信施親族不生入處
T02n0099_p0272b21║餓鬼趣者。要有餘親族知識生入處餓鬼趣
T02n0099_p0272b22║中者。得食之。婆羅門白佛。瞿曇。若我所
T02n0099_p0272b23║為信施親族不生入處餓鬼趣中。亦無更
T02n0099_p0272b24║餘親族知識生入處餓鬼趣者。此信施食。誰
T02n0099_p0272b25║當食之。佛告婆羅門。設使所為施親族知
T02n0099_p0272b26║識不生入處餓鬼趣中。復無諸餘知識生
T02n0099_p0272b27║餓鬼者。且信施而自得其福。彼施者所作
T02n0099_p0272b28║信施。而彼施者不失達嚫。婆羅門白佛。
T02n0099_p0272b29║云何施者行施。施者得彼達嚫。佛告婆羅
T02n0099_p0272c01║門。有人殺生行惡。手常血腥。乃至十不善業
T02n0099_p0272c02║跡。如淳陀修多羅廣說。而復施諸沙門.婆
T02n0099_p0272c03║羅門。乃至貧窮.乞士。悉施錢財.衣被.飲食.燈
T02n0099_p0272c04║明.諸莊嚴具。婆羅門。彼惠施主若復犯戒。
T02n0099_p0272c05║生象中者。以彼曾施沙門.婆羅門錢財.衣
T02n0099_p0272c06║被.飲食。乃至莊嚴眾具故。雖在象中。亦得
T02n0099_p0272c07║受彼施報。衣服.飲食。乃至種種莊嚴眾具。若
T02n0099_p0272c08║復生牛.馬.驢.騾等種種畜生趣中。以本施惠
T02n0099_p0272c09║功德。悉受其報。隨彼生處所應受用。皆悉
T02n0099_p0272c10║得之。婆羅門。若復施主持戒。不殺.不盜。乃
T02n0099_p0272c11║至正見。布施諸沙門.婆羅門乃至乞士錢財.
T02n0099_p0272c12║衣服.飲食。乃至燈明。緣斯功德。生人道中。
T02n0099_p0272c13║坐受其報。衣被.飲食。乃至燈明眾具。復次。婆
T02n0099_p0272c14║羅門。若復持戒生天上者。彼諸惠施天上受
T02n0099_p0272c15║報。財寶.衣服.飲食。乃至莊嚴眾具。婆羅門。是
T02n0099_p0272c16║名施者行施。施者受達嚫。果報不失。時。生
T02n0099_p0272c17║聞婆羅門聞佛所說。歡喜隨喜。從坐起去.
[1] Trích dịch, Tạp A-hàm, quyển 37, kinh số 1041, Kinh Sanh Văn (T02n99, tr. 272b8). Tương đương Pali, Aṅguttara-nikāya, x, 177. Jāṇusoṇi-suttaṃ (S. v. p. 269ff).
[2] Phạm chí Sanh Văn 生聞梵志. Pali: Jāṇussoṇi brāhmaṇo.
[3] Pali: ṭhāne kho, brāmahṇa, upakappati, no aṭṭhāne’ ti, «trường hợp thích đáng thì hữu ích; trường hợp không thích đáng thì không.»
[4] Nhập xứ ngạ quỷ 入處餓鬼. Pali: pettivisaya, cảnh giới ngạ quỷ.
[5] Bản Pali: “Không có trường hợp trong một thời gian dài như vậy mà không có thân thích huyết thống nào sinh vào Nhập xứ ngạ quỷ. Nhưng, người bố thí không phải không có kết quả.“
[6] Đạt-sấn 達嚫. Từ phiên âm; Pali: dakkhiṇā, cũng dịch là cúng vật, thí vật. Phẩm vật cúng dường hay bố thí được cúng cho Tăng sau khi đã thọ trai. Đây chỉ sự thuyết pháp, chú nguyện hay hồi hướng của Tăng đối với vật được cúng dường.
[7] Nguyên bản Hán: „Nói chi tiết như trong kinh Thuần-đà (kinh số 1039).“ Ở đây chép lại đoạn liên hệ từ kinh đó cho đủ nghĩa; với một vài chi tiết thay đổi thích hợp.
[8] Nguyên Hán: đẳng thú đẳng hướng 等趣等向. Pali: sammaggatā sammāpaṭipannā.
Nguồn : Source link
Hits: 25