Tư Liệu Nghiên Cứu Câu-Xá



Tư Liệu Nghiên Cứu Câu-Xá

TUỆ SỸ

 cau_xa_luan

Giới thiệu

Sinh vật, là một tổ chức có sự sống được tạo thành bởi một hay nhiều bộ phận có chức năng phản ứng đối với các kích thích từ ngoại giới, tiếp thu các yếu tố từ ngoại giới để chuyển hóa thành năng lượng duy trì sự sống, phòng hộ và phát triển. Những chức năng này được thực hiện bởi các bộ phận mà thuật ngữ Phật học Sanskrit gọi là indriya: căn.

Căn cứ trên tình trạng sở hữu bao nhiêu căn mà các sinh vật được phân chia thành các cấp bậc khác nhau trong chuỗi tiến hóa. Sinh vật hạ đẳng, tồn tại trong Dục giới, chỉ tồn tại với hai căn, là mạng căn (jīva-indriya) và thân căn (kāya-indriya).

Thân căn là một tổ chức hợp thành bởi các nguyên tố vật chất bao gồm bốn đặc tính (catvāri mahābhūtāni: bốn đại chủng) là khối lượng, hấp lực, nhiệt độ và vận động. Đặc tính của các nguyên tố nội giới hợp thành thân căn này không khác với các đặc tính của các nguyên tố ngoại giới hợp thành các vật thể vật chất. Chúng khác nhau ở chỗ, các yếu tố nội giới khi hợp thành một tổ chức mà từ trên đó mạng căn xuất hiện. Cho đến khi sự kết hợp của các yếu tố này tan rã, thân căn theo đó bị hủy, bấy giờ trạng thái chết xuất hiện. Trong nhận thức thông tục, hay trong nhiều tín ngưỡng tôn giáo, mạng căn này được hiểu là linh hồn (jīva). Khi linh hồn còn tồn tại trong thân thì sinh vật còn sống; khi linh hồn tách rời thân để đi đến một nơi nào đó bấy giờ thân trở thành xác chết.

Kinh Phật nói, tất cả sinh vật là tổ chức tồn tại bằng dưỡng chất (āhāra: thực). Nói theo ngôn ngữ thông tục, những dưỡng chất là các nguồn thực phẩm được tiếp thu từ ngoại giới thông qua các căn. Có loại dưỡng chất khi được tiếp thu vào nội giới phải được chuyển hóa để thành năng lượng cần thiết cho sự duy trì trạng thái cân bằng hòa điệu và phát triển các yếu tố của tổ chức nội giới như các loại thức ănthức uống có nguồn gốc từ thực vật, động vật, hay các chất vô cơ (kavaḍiṅkāra-āhāraḥ: đoàn thực). Thêm nữa, còn có loại dưỡng chất trực tiếp điều tiết trạng thái cân bằng các yếu tố nội giới của tổ chức để duy trì và phát triển sự sống, như ánh sáng, nhiệt độ. v.v. (sparśa-āhāraḥ: xúc thực).

Các sinh vật cao cấp trong Dục giới, như loài người, bắt đầu sự sống cũng chỉ với hai căn, mạng và thân căn. Các căn khác phát triển dần cho đến khi xuất thai thì có đủ năm căn. Căn thứ sáu, ý căn, chỉ phát triển tùy theo hoạt động của năm căn kia. Khi căn thứ sáu phát triển đến một mức nhất định, ý thức mới có thể y trên đó để hoạt động. Các cơ quan cần thiết cho hoạt động hướng thiện được phát triển tùy theo môi trường hoạt động của ý thức, dưới sự chi phối của môi trường, ảnh hưởng của xã hội; đó là năm thiện căn. Nó là một hệ thống bao gồm năm cơ quan.

Để phát triển cao hơn nữa thành các căn vô lậu, như tổ chức tồn tại nơi các Thánh giả để quán sát các Thánh đế và định hướng Niết-bàn, nhiều cơ quan tổ hợp thành hệ thống, trong đó chủ yếu gồm chín cơ quan cùng hợp tác: ý, hỷ, lạc, xả và năm thiện căn.

Loài người trong thời đại kiếp sơ xuất hiện chỉ với hai căn, thân và mạng. Trong quá trình phát triển, các căn phát triển dần song song với sự phát triển của các chủng loại vật chất được tiếp thu làm dưỡng chất; cho đến một giai đoạn nhất định, hai căn nữ và nam xuất hiện, bấy giờ mới có sự phân biệt tính phái.

Để hiểu rõ bản chất, cũng như sự cấu tạohoạt động của các căn, hay các cơ quan tổ chức thành sự sống này, được giới thiệu sau đây là đoạn dịch Việt trích từ luận Câu-xá, phẩm thứ hai: “Phân biệt căn”.

Bản dịch Việt được thực hiện bởi Nhóm Phiên dịch Phạn Tạng, dựa trên bản Hán dịch của Huyền Trang, A-tì-đạt-ma Câu-xá luận, quyển 3, Đại chánh 29, số hiệu 1558, tr. 13b11-18b8; đối chiếu với bản Sanskrit hiện hành Abhidharmakośabhāṣyam of Vasubandhu, tổng biên tập GS. Anantalal Thakur, Giám đốc Viện nghiên cứu K.P. Jayaswal, Patna, xuất bản K.P. Jayaswal Research Institute Patna, 1975, phần đầu của chương II, “Dvitīyaṃ kośasthānam”, đồng thời tham khảo bản sớ giải của Yaśomitra: “Abhidharmakośam Bhāsya Sphuṭārthā sahitam”, Abhidharmakośa & Bhāṣya of Acharya Vasubandhu with Sphutārthā Commentary of ācārya Yaśomitra, Part I, Critical eddited by Swami Dwarikadas Shastri, Bhauda Bharati, Varanasi, 1970.

Bản dịch Việt cũng tham khảo thêm các bản sớ giải Hán, 1. Câu-xá luận, quyển 3, Sa-môn Thích Quang (Phổ Quang) thuật, Đại chánh 41, số hiệu 1821; 2. Câu-xá luận sớ, quyển 3, Sa-môn Pháp Bảo soạn, Đại chánh 41, số hiệu 1822.

Ngoài ra, cũng tham khảo bản dịch Pháp, Louis de la Vallee Poussin, L’Abhidharmakośa de Vasubandhu, traduction et annotation, tome I, chapitre 2; Institut Belge des Hautes Etudes Chinoises, Bruxelles 1971. Bản dịch Anh căn cứ bản dịch Pháp, Abhidharmakośabhāṣyam, English translation by Leo M. Pruden, volume I, Asian Humanities Press, 1990.

Phẩm căn luận về năm đề tài chính:

I. Về 22 căn,

II. Về các pháp câu hữu, tức những yếu tố sắc tâm khi xuất hiện đồng thời xuất hiện cùng lúc với các yếu tố khác. Các yếu tố này tương tác và hợp tác, tổ chức thành một cơ cấu tồn tạihoạt động của sắc và tâm.

III. Các tâm sở, các chức năng tâm lý trong các hoạt động nhận thức.

IV. Các bất tương ưng hành, các nguyên lý nhận thức, các khái niệm trừu tượng, nhờ đó mà có nhận thức, phán đoán, về các chủng loại sai biệt, về tính đặc thù và phổ quát, đồng nhất và dị biệt…

V. Về các quan hệ nhân quả.

Nghiên cứu Phật học số này đăng tải tiết thứ nhất, về 22 căn. Các tiết còn lại sẽ lần lượt đăng tải trong các số Nghiên cứu tiếp theo.

Phẩm hai: PHÂN BIỆT CĂN

Tiết một: HAI MƯƠI HAI CĂN


 

I. Căn nghĩa là gì?

[13b11] Như vậy, các căn đã được liệt kê nhân nói về giới.[1] Căn được nói trong đó có nghĩa là gì?

Căn có nghĩa là tối thắng tự tại, quang hiển.[2] Từ đó tổng hợp thành căn có nghĩa là tăng thượng.[3] Theo ý nghĩa này, cái gì tăng thượng đối với cái gì?

Tụng:

1. Theo truyền thuyết, năm căn tăng thượng trong bốn ý nghĩa;

bốn căn, đối với hai;

năm và tám, trong nhiễm và tịnh.

Chúng tăng thượng theo mỗi cá biệt. //1/[4]

Luận:

i. Năm căn, mắt v.v., mỗi căn tăng thượng trong bốn dụng sự[5]: 1. trang nghiêm thân, 2. đạo dưỡng thân, 3. sinh thức các thứ, 4. bất cộng sự.[6] 

A. Quan điểm Tì-bà-sa

1-2. Hai căn, mắt và tai, (1) làm đẹp cho thân, vì nếu thân mà có mắt đui, tai điếc thì rất xấu. (2) Chúng đạo dưỡng thân, vì do mắt thấy, tai nghe mà tránh những chỗ nguy hiểm. (3) Phát sinh thức, nghĩa là chúng làm phát sinh hai thức[7] và các tương ưng của thức.[8] (4) Bất cộng sự, là mắt thấy sắc, tai nghe tiếng; chúng hoạt động với đối tượng riêng biệt.

3-5. Ba căn mũi, lưỡi, thân. (1) Về việc làm đẹp thân, cũng được nói như ở hai căn trên. (2) Chúng đạo dưỡng thân, vì ba căn này thọ dụng đoàn thực[9]. (3) Sinh thức các thứ: ba căn này làm phát sinh ba thức và các tương ưng của chúng. (4) Bất cộng sự, vì mũi ngữi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm.

ii. Nam, nữ, mạng và ý căn, mỗi căn tăng thượng trong hai dụng sự.

6-7. Nữ, nam căn tăng thượng trong hai: 1. hữu tình dị, 2. phân biệt dị.[10] Hữu tình dị: do hai căn này khiến có sự khác biệt giữa nam và nữ trong loài hữu tình. Phân biệt dị: cũng từ hai căn này mà có sự khác biệt về hình thể, giọng nói, bầu vú, v.v.

Có thuyết khác[11] chủ trương, chúng tăng thượng trong nhiễm và tịnh, nên nói trong hai.[12] Vì sao? Vì hạng người phiến-để bẩm sinh, phiến-để tổn hoại,[13] bán-trạch-ca[14] và hạng nhị hình[15] không có các pháp tạp nhiễm như bất luật nghi, vô gián, đoạn thiện; cũng không có các pháp thanh tịnh như luật nghi, đắc quả, li nhiễm.[16]

8. Mạng căn với hai tăng thượng. Nó kết nối, và duy trì chúng đồng phần.

9. Ý căn với hai tăng thượng: kết nối hậu hữu[17] và tự tại tùy hành[18].

Về sự kết nối hậu hữu, như Kinh[19] nói: “Bấy giờ, kiền-đạt-phược hiện tiền với một trong hai tâm, hoặc câu hành với ái hay câu hành với nhuế.”[20]

Về tự tại tùy hành, như Kinh nói: “Tâm dẫn dắt thế gian; tâm chi phối hoàn toàn. Một pháp tâm như vậy, tùy hành hết thảy pháp.”[21] 

iii. Năm thọ, gồm lạc v.v., và tám căn, gồm tín v.v., theo thứ tự, tăng thượng trong nhiễm và tịnh.

10-14. Năm thọ, gồm lạc v.v., tăng thượng trong nhiễm, vì các tùy miên như tham v.v. tiềm phục[22] trong đó.

15-22. Tám căn, gồm tín v.v., tăng thượng trong tịnh, vì các pháp thanh tịnh nương vào đó mà sanh trưởng.

Các luận sư khác nói, năm thọ như lạc v.v. cũng có tăng thượng trong tịnh. Như Kinh nói: “Vì có lạc nên tâm định. Khổ là sở y cho tín. Cũng do y hỷ, ưu và xả mà xuất ly.”[23]

Đó là truyền thuyết theo các luận sư Tì-bà-sa.

B. Quan điểm Kinh bộ

Các luận sư khác[24] cho rằng đạo dưỡng thân không phải công dụng của mắt các thứ[25], mà đó là tăng thượng của thức. Thức nhận biết mới có thể tránh được chỗ hiểm nạn, và thọ nhận đoạn thực.[26] Công dụng thấy sắc, và nghe tiếng, cũng không phải cái gì khác thức. Do đó, bất cộng sự đối với các căn như mắt v.v. không thể được quan niệm là có công dụng tăng thượng biệt lập với thức. Vì vậy, không do đây[27] mà mắt v.v. được quan niệm là căn.

Nếu vậy, nên quan niệm thế nào?

[13c24]

II. Ý nghĩa lập căn

Tụng:

Tăng thượng trong nhận thức đối tượng cá biệt,

Theo đó tổng quát đặt làm sáu căn.

Từ thân lập hai căn,

Tăng thượng trong nữ và nam tính. //2/[28]

Do tăng thượng trong tịnh hay nhiễm

Nơi chúng đồng phần:

Nên biết mạng, năm thọ.

Tín v.v… lập làm căn. //3/[29]

Điều chưa biết, và đã biết,

Căn đủ biết cũng vậy.

Tăng thượng trong Niết bàn,

Chứng đắc đạo liên tiếp. //4/[30]

Luận:

1-6. Nhận thức đối tượng cá biệt,[31] cái bắt nắm đối tượng riêng biệt của nó, đó là sáu thức thân[32]. Năm căn, bắt đầu là mắt, có công dụng tăng thượng đối với thức nắm bắt đối tượng riêng biệt; thứ sáu là ý căncông dụng tăng thượng đối với thức nắm bắt tất cả đối tượng[33]. Cho nên sáu căn, bắt đầu từ mắt, đều được lập làm căn.

Há không phải rằng sắc v.v… có công dụng tăng thượng đối với sự nhận thức[34], vậy chúng cũng có thể được lập làm căn?

Đối tượng, hay cảnh, không có tác dụng tăng thượng đối với thức. Vả, công dụng tăng thượng có nghĩa là uy lực tự tại[35]. Mắt có uy lực tự chủ (tối thắng tự tại) trong sự làm phát sinh thức nhận thức sắc, cho nên nó được nói là tăng thượng, (1) vì là nhân cộng thông[36] cho sự nhận thức về các loại sắc; và (2) vì thức tùy theo nhãn căn mà có sáng tỏ hay mù mờ: sắc thì không như vậy, vì cả hai trái ngược nhau.[37]

Cho đến ý căn đối với pháp cũng vậy.

7-8. Từ trên thân mà lập căn nữ và nam, vì chúng có uy thế (tăng thượng) trong tính biệt nữ nam. Thể của căn nữ nam không tách rời thân căn, [38] vì trong một phần của thân mà lập các tên này.[39] Theo thứ tự,[40] trong thân, căn nữ nam này có công dụng tăng thượng. Chỗ này có một chút khác biệt với chỗ khác nơi thân căn cho nên từ thân căn riêng lập thành hai căn. Do đặc trưng của người nữ về hình dáng, giọng nói, cử chỉ[41] và chí hướng[42], nên gọi là nữ tính. Do đặc trưng khác với người nữ về hình dáng, giọng nói, cử chỉchí hướng, nên gọi là nam tính. Sự sai khác của hai tính do căn nam, nữ, cho nên nói căn nữ nam có uy thế (tăng thượng) đối với hai tính.

9. Mạng căncông dụng tăng thượng trong sự tồn tại của chúng đồng phần.[43]

10-14. Năm thọ căn, bắt đầu là lạc, có công dụng tăng thượng trong tạp nhiễm. Vì sao? Vì trong Khế kinh nói: “Tham tùy tăng[44] trong lạc thọ; sân tùy tăng trong khổ thọ; vô minh tùy tăng trong cảm thọ không khổ không lạc”.[45]

15-19. Năm căn, bắt đầu là tín, có công dụng tăng thượng trong thanh tịnh. Vì sao? Vì do thế lực của chúng mà trấn áp các phiền não, dẫn khởi Thánh đạo. Nói “nên biết”[46] là khuyến cáo rằng mỗi một trong chúng đều được thừa nhận là căn.

20-23. Ba căn vô lậu[47] có công dụng tăng thượng trong sự chứng đắc các đạo liên tiếp[48] và chứng đắc Niết bàn, v.v…

Nói “cũng vậy”[49], nêu rõ mỗi loại rõ ràng đều có thể lập làm căn như đã nói. Nghĩa là, căn của sự chưa biết sẽ biết[50] có công dụng tăng thượng trong sự chứng đắc đạo của căn của sự đã biết[51]. Căn của sự đã biết có công dụng tăng thượng trong sự chứng đắc đạo của căn của sự biết hoàn toàn[52]. Căn của sự đã biết hoàn toàncông dụng tăng thượng trong sự chứng đắc Niết-bàn; vì tâm chưa giải thoát không thể chứng Niết bàn.

Từ “vân vân”[53] nêu rõ có những giải thích khác. Giải thích khác như thế nào? Căn của sự chưa biết sẽ biết có công dụng tăng thượng trong sự đoạn trừ phiền não thuộc kiến sở đoạn; căn của sự đã biết có công dụng tăng thượng trong sự đoạn trừ phiền não tu sở đoạn; căn của sự biết hoàn toàncông dụng tăng thượng đối với hiện pháp lạc trú[54]; vì do đây mà có sự lãnh thọ hỷ lạc của giải thoát.[55] 

III. Chức năng của căn

Hỏi: Nếu do tăng thượng mà lập làm căn, thì các chi[56] như vô minh chẳng hạn, cũng có thể được quan niệm là căn? Vì mỗi chi đều có công dụng tăng thượng riêng biệt, như nhân vô minh đối với quả là hành. Lại nữa ngữ cụ cũng có thể được lập làm căn? Ngữ cụ, tay, chân và nơi đại, tiểu tiện, thảy đều có công dụng tăng thượng trong các sự việc, theo thứ tự, nói, cầm nắm, đi đứng, thải bẩn, khoái lạc.[57] 

Đáp: Những sự thể như thế không thể lập làm căn. Bởi vì căn như đã được chấp nhận[58] có những đặc tính như sau[59]: 

Tụng nói:

Chúng là sở y của tâm; đây phân biệt;

Đây tồn tại, đây tạp nhiễm;

Đây chất liệu;[60] đây tịnh;

Do vậy lập làm căn. //5/[61]

Luận thích:

A. Quan điểm chính thống

1. Sở y của tâm: sáu căn, bắt đầu từ mắt; sáu nội xứ này là căn bản của hữu tình[62]. Hình tướng sai biệt của sở y (sáu căn) này[63] do căn nữ nam. Lại do mạng cănsở y này tồn tại trong một hạn kỳ. Sở y này trở thành tạp nhiễm do năm thọ căn. Chất liệu cho sự thanh tịnh của sở y này là do năm căn, bắt đầu từ tín. Sở y này trở thành thanh tịnh do ba căn cuối. Do ý nghĩa này, các cơ sở được lập làm căn đều rốt ráo. Ấy cho nên không thể chấp nhận rằng vô minh các chi, và công cụ ngôn ngữ các thứ có thể được lập làm căn. Vì chúng không có công dụng tăng thượng trong những thứ này.

B. Dị thuyết

Các luận sư khác lại có định nghĩa khác về đặc tính của căn.

Tụng:

Hoặc sở y của lưu chuyển

xuất sinh, tồn tại, thọ dụng:

Lập thành mười bốn căn đầu.

Hoàn diệt, với các căn cuối, cũng vậy. //6/[64]

Luận:

Từ “hoặc”[65] nêu rõ đây là ý của các luận sư khác.[66] Căn cứ trên sự lưu chuyểnhoàn diệt[67] mà lập thành 22 căn. Sở y của lưu chuyển là sáu căn, bắt đầu từ mắt. Sinh là do nam, nữ, vì (sáu căn) sinh từ đó. Tồn tại do mạng căn, vì tựa vào đó mà (sáu căn) tồn tại. Thọ dụng do năm thọ, vì nhân đó nó cảm giác đối tượng. Căn cứ theo đó mà lập 14 căn đầu.

Trong quá trình hoàn diệt, cũng căn cứ bốn nghĩa này[68], do loại biệt, lập thành 8 căn sau. Sở y của hoàn diệt là năm căn, bắt đầu từ tín. Trong ba căn vô lậu, do vô lậu đầu mà sinh, do vô lậu kế mà tồn tại, do vô lậu cuối mà thọ dụng.[69] Số lượng của các căn do đó không nhiều hơn, không ít hơn. Chính do duyên ấy mà Kinh lập thành 22 căn theo thứ tự.

C. Bác bỏ Số luận

Không nên nói ngữ cụ là căn của ngôn ngữ; vì ngôn ngữ do sai biệt học tập mà thành. Tay chân không thể làm căn đối với những việc cầm nắm, đi đứng; vì không có tính chất dị trạng.[70] Nghĩa là, do sự chuyển dịch của tay và chân với những hình dạng khác nhau trong những vị trí khác nhau mà nói là cầm nắm hay đi đứng. Lại nữa, không có tay chân cũng có thể cầm nắm hay đi đứng, như các loài bò sát. Cho nên tay chân không thể làm căn cho các hoạt động ấy.

Nơi xuất đại tiện không thể lập làm căn đối với việc thải chất bẩn; vì những vật nặng ở nơi khoảng trống đều có khuynh hướng rơi, lại do sức gió cuốn khiến nó bị phóng xuất.

Nơi xuất tiểu tiện không thể lập làm căn đối với việc phát sinh khoái lạc; vì khoái lạc này phát khởi từ nữ, nam căn.

Lại nữa cuống họng, răng, mí mắt, các khớp lóng, cũng có thể lập làm căn, vì chúng có lực tác dụng trong sự nuốt, nhai, mở nhắm, co duỗi. Hoặc tất cả những gì làm nhân, mà có lực tác dụng trong các hoạt động của chính nó, đều có thể lập làm căn. Những cái ấy tuy có công dụng nhưng không phải là tăng thượng, nên không lập làm căn. Các thứ như ngữ cụ v.v. cũng không phải là tăng thượng nên không thể lập làm căn.

IV. Đặc tính của căn

Trong đây, mắt v., cho đến căn nam như trước đã nói. Thể của mạng căn là hành bất tương ưng, nên nó sẽ được đề cập chi tiết trong đoạn nói về các hành không tương ưng. Thể của năm căn, bắt đầu từ tín, là tâm sở pháp, sẽ được đề cập chi tiết trong đoạn nói về các tâm sở pháp. Năm thọ, bắt đầu từ lạc, và ba căn vô lậu, không được giải thíchnơi khác, nên ở đây cần phải giải thích.

Tụng:

Khổ: thân không sướng thích.

Lạc: thân sướng thích,

Và tâm sướng thích tam thiền,

Các trường hợp khác, nó là hỷ //7/

Tâm không sướng là ưu;

Trung, xả; hai, không khác.

Kiến, tu, vô học đạo,

Y chín căn lập ba căn//8/[71]

Luận:

A. Năm thọ căn

Thân là cảm thọ thuộc thân[72] vì nương nơi thân mà sanh khởi. Tức thọ tương ưng với năm thức.[73] Nói “không sướng thích”, hàm nghĩa tổn não[74]. Những gì trong các cảm thọ thuộc thân mà gây tổn hại, nó được gọi là khổ căn.

Được nói là “sướng thích”, nó hàm nghĩa tăng ích.[75] Tức cái mà, trong những cảm thọ thuộc thân, giúp cho tăng ích, nó được gọi là lạc căn.

Và, thêm nữa, cảm thọ tương ưng với tâm trong định thứ ba, vì nó giúp tăng ích, cũng được gọi là lạc căn. Trong định thứ ba không có cảm thọ thuộc thân, vì ở đây năm thức không tồn tại[76]. Sự sướng thích của tâm được gọi là lạc. Trừ đệ tam thiền, trong ba địa dưới[77] sự sướng thích thuộc tâm được gọi là hỷ căn. [78] Trong tĩnh lự thứ ba, tâm sướng thích này an tĩnh, ly tham đối với hỷ[79], cho nên nó chỉ được gọi là lạc căn. Sự sướng thích thuộc tâm trong ba địa dưới còn thô động, còn tham đắm hỷ, nên chỉ gọi là hỷ căn.

Cảm thọ tương ưng với ý thức, gây tổn não, sự không sướng thích thuộc tâm[80] này được gọi là ưu căn[81].

Trung,[82] nghĩa là không phải sướng thích cũng không phải không sướng thích, tức cảm thọ không khổ không lạc. Cảm thọ xử trung này được gọi là xả căn.

Xả căn như vậy là cảm thọ thuộc thân hay cảm thọ thuộc tâm?

Nên nói, thông cả hai.[83]

Vì sao tổng hợp hai cái này (thân và tâm) lập thành một căn?

cảm thọ thuộc thân và thuộc tâm thảy đều không do phân biệt.[84] Thuộc tâm, khổ và lạc phần nhiều[85] phát sinh do phân biệt. Thuộc thân thì không như vậy, vì tùy theo sự chi phối của đối tượng, và vì đối với các vị A-la-hán[86] nó cũng phát sinh như vậy.[87] Do đó, hai cái này[88] có sự khác biệt khi được lập làm căn, thuộc thân hay thuộc tâm. Xả thì không có sự phân biệt[89], mà phát sanh một cách tự nhiên, vì thế, hợp nhất thân và tâm mà lập thành một căn.

Lại nữa, đặc tính gây tổn hại hay tăng ích của cảm thọ khổ và lạc thuộc thân và thuộc tâm khác nhau, do đó chúng lập thành căn riêng biệt. Xả thuộc thân và thuộc tâm giống nhau, vô phân biệt, đặc tính không khác biệt, không gây tổn hại cũng không làm tăng ích, do đó lập chung thành một căn.

B. Ba vô lậu căn

Ý, lạc, hỷ, xả, cùng với năm căn gồm tín v.v., chín căn như vậy ở trong ba đạo,[90] theo thứ tự, được lập thành ba căn vô lậu. Tại kiến đạo y trên chín căn, bắt đầu là ý, lập thành căn vị tri đương tri. Trong tu đạo, y trên chín căn này lập thành căn dĩ tri. Tại vô học đạo, cũng y trên chín căn này lập thành căn cụ tri.

Ba danh từ này được thành lập do bởi nhân gì? Trong kiến đạo, nó hoạt động[91] để biết cái biết chưa từng biết[92], nên nó được gọi là căn vị tri đương tri.[93] Trong tu đạo, không có cái chưa từng biết, nhưng vì mục đích đoạn trừ các tùy miên còn lại, do đó, cần phải thường xuyên nhận thức[94] đối tượng ấy[95], cho nên nó được gọi là dĩ tri[96]. Tại vô học đạo, biết rằng mình đã biết rồi, nên gọi là tri.[97] Cái có sự tri này được gọi là cụ tri[98]. Hoặc tập thành tánh đối với sự nhận thức này nên gọi là cụ tri[99]. Nghĩa là, do đạt được tận trí, vô sanh trí, nên biết một cách như thực rằng “Ta đã biến tri[100] khổ; không còn gì để biến tri nữa”[101]. Chi tiết, v.v…

Căn mà vị ấy có được gọi là căn vị tri đương tri, v.v…[102]

Như vậy, đã giải thích những điểm bất đồng về thể của các căn, sau đây sẽ biện luận về những điểm sai biệt trong các phương diện ý nghĩa.

V. Các vấn đề

1. Hữu lậuVô lậu

Tụng:

Trong 22 căn này, bao nhiêu căn thuộc hữu lậu, bao nhiêu vô lậu?

Duy vô lậu, ba căn cuối

Các căn thuộc sắc, và mạng, ưu, khổ,

Nên biết, chỉ hữu lậu.

Chín căn thông cả hai. //9/[103]

Luận:

Thể của ba căn cuối vừa được nói trong đoạn trên duy chỉ thuộc vô lậu. Vô lậu, nghĩa là không cấu bẩn.[104] Cấu cùng với lậu, tên gọi khác, nhưng thể đồng nhất.

Bảy căn thuộc sắc[105] và mạng, ưu, khổ, duy nhấthữu lậu. Bảy căn thuộc sắc gồm, năm căn, mắt v.v., và nữ, nam căn, vì chúng được liệt trong sắc uẩn.

Ý, lạc, hỷ, xả, và năm căn gồm tín v.v., chín căn này thông cả hữu lậu, vô lậu.

Có thuyết khác nói[106], năm căn gồm tín v.v., duy chỉ vô lậu. Vì vậy, Thế Tôn nói: “Nếu ai hoàn toàn không có năm căn này, gồm tín v.v., Ta nói người ấy thuộc hàng dị sinh, đứng ở bên ngoài.”[107]

Dẫn chứng này không hợp lý. Kinh căn cứ các căn vô lậu mà nói như vậy. Do đâu mà biết? Đoạn trước, Kinh căn cứ năm căn vô lậu gồm tín v.v., để thiết lập sự sai biệt của các Thánh vị, sau đó mới nói như vậy.[108] Hoặc các dị sinh tóm tắt có hai hạng, một nội, hai ngoại. Thuộc nội là hạng chưa đoạn thiện căn; thuộc ngoại, thiện căn đã bị đoạn.

Căn cứ hạng dị sinh thuộc nội mà nói như vậy: “Nếu hoàn toàn không có năm căn này, gồm tín v.v., Ta nói người ấy thuộc hàng dị sinh, đứng ở bên ngoài.”

Lại nữa, Kinh cũng nói: “Có các hữu tình sinh ra trong thế gian, hoặc trưởng thành trong thế gian, có những sai biệt về các căn thượng, trung, hạ; ngay cả khi Phật chưa chuyển Pháp luân.”[109] Do đó biết rằng tín v.v., thông cả hữu lậu.

Lại nữa, Thế Tôn nói: “Nếu Ta đối với năm căn này, gồm tín v.v., mà chưa như thật biết sự tập khởi, sự hoại diệt, vị ngọt, sự xuất ly, thì Ta đã chưa thể vượt qua thế gian bao gồm trời, người, và Ma, Phạm, cho đến chưa thể chứng đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác.”[110] Chi tiết v.v. Pháp vô lậu không thể trở thành phẩm loại như vậy để được quán sát. Cho nên, năm căn, tín v.v., thông cả hữu lậu, vô lậu.

Như vậy, đã nói xong về hữu lậu vô lậu.

2. Dị thục – Phi dị thục

Tụng:

Trong 22 căn, bao nhiêu là dị thục, bao nhiêu phi dị thục?

Mạng căn duy nhấtdị thục

Ưu căn và tám căn sau, phi dị thục

Sắc căn, ý căn và bốn thọ,

Mỗi căn gồm đủ cả dị thục và phi dị thục.//10/[111]

[15b09]

Luận

i. Mạng căn

Mạng căn duy nhấtdị thục.

a. Lưu và xả thọ hành

Nếu vậy, các thọ hành mà A-la-hán bảo lưu[112], các thọ hành đó chính là mạng căn; mạng căn ấy là dị thục của ai?

Bản luận[113] nói: “Thế nào là vị tỳ kheo lưu các thọ hành? Đó là vị A-la-hán thành tựu thần thông[114] và đạt được tâm tự tại[115]. Vị ấy đem bố thí cho chúng tăng hay một cá nhân[116] bất cứ vật gì cần cho đời sống sa-môn tồn tại như y, bình bát các thứ[117]. Sau khi bố thí, vị ấy phát nguyện và liền nhập vào tĩnh lự biên tế[118] thứ tư. Vừa ra khỏi định, vị ấy khởi lên ý tưởng và miệng phát thành lời, rằng ‘Nghiệp nào của tôi mà đưa đến dị thục sung túc[119], mong rằng sẽ chuyển đổi đưa đến dị thục tuổi thọ[120].’ Bấy giờ, nghiệp đưa đến dị thục sung túc của vị ấy liền chuyển đổi đưa đến dị thục tuổi thọ.”

Một số luận sư khác cho rằng nó được kéo dài do bởi quả dị thục tàn dư của nghiệp quá khứ[121]. Chủ trương này nói, dị thục tàn dư từ nghiệp đã được thọ báo trong đời trước, nay do năng lực của định biên tế được tu tập, dị thục tàn dư ấy được dẫn trở lại và được thọ dụng.

Thế nào là vị tỳ-kheo xả các thọ hành? Đó là vị A-la-hán sở đắc thần thông và được sự tự chủ của tâm, vị ấy đem bố thí cho chúng tăng hay một cá nhân những thứ cần dùng như đã nói ở trên. Sau khi bố thí, vị ấy phát nguyện và nhập ngay vào tĩnh lự biên tế thuộc thiền thứ tư. Sau khi xuất định, vị ấy khởi lên ý tưởng và miệng phát thành lời, rằng “Nghiệp nào của tôi mà đưa đến dị thục tuổi thọ, mong rằng sẽ chuyển đổi đưa đến dị thục sung túc.” Bấy giờ, những nghiệp đưa đến dị thục tuổi thọ của vị ấy, liền chuyển đổi đưa đến dị thục sung túc.

Theo tôn giả Diệu Âm,[122] vị A-la-hán bằng lực của định biên tế của thiền thứ tư, đã dẫn các đại chủng thuộc sắc giới hiện tiền trong thân mình, các đại chủng ấy hoặc thuận lợi cho thọ hành, hoặc vi nghịch thọ hành. Do những nguyên nhân này mà vị A-la-hán lưu thọ hành hay xả thọ hành.

Nên nói thế này[123], do uy lực tự tại của định, vị A-la-hán chuyển thế phần của thời gian tồn tại[124] của các đại chủng các căn, thế phần được sản sinh từ nghiệp quá khứ[125], dẫn sinh thế phần được phát sinh do định mà trước kia chưa hề phát sinh. Vì thế, mạng căn trong trường hợp này chẳng phải là dị thục. Ngoài ra, mạng căn trong các trường hợp khác đều là dị thục.

b. Giới hạn lưu thọ hành

Từ vấn đề này mà phát sinh ra những vấn đề khác.

Do nguyên nhân nào vị A-la-hán lưu các thọ hành? Có hai nguyên nhân, 1. vì lợi íchan lạc cho người khác, 2. vì muốn Phật pháp tồn tại lâu dàithế gian. Vị ấy biết rằng thân thọ hành của mình sắp hết và biết không một ai có hai khả năng này.

Lại nữa, do nguyên nhân nào vị A-la-hán xả các thọ hành? Vị ấy biết rằng sự tồn tại của mình trên thế gian này chỉ đem lại chút ít lợi íchan lạc cho người khác, hoặc bản thân đang chịu các khổ bức vì bệnh tật. Như bài tụng nói:

Phạm hạnh đã khéo hành,

Thánh đạo đã khéo tu,

Khi mạng chung vui vẻ,

Như người không còn bệnh.[126]

[15c10] Trong đây, nên biết, y vào xứ sở nào và người nào có thể lưu và xả thọ hành? Đó là loài người trong ba châu[127], tương tục của nam, nữ, các A-la-hán thuộc bất thời giải thoát[128] đạt được tĩnh lự biên tế.[129] Do bởi trong thân vị ấy có định lực tự tại, không còn các phiền não.[130]

c. Phân biệt mạng hành và thọ hành

Kinh nói, “Đức Thế Tôn sau khi lưu các mạng hành, xả các thọ hành.”[131] Có sự khác biệt nào giữa mạng hành và thọ hành không?[132]

a. Có thuyết nói, không có sự khác biệt nào cả. Căn bản luận nói, “Mạng căn là gì? Đó là thọ trong ba giới.”[133]

b. Theo một số luận sư, quả của nghiệp đời trước gọi là thọ hành, quả của nghiệp hiện tại gọi là mạng hành.

c. Có thuyết nói, do bởi nó mà chúng đồng phần tồn tại gọi là thọ hành; do bởi nó mà đời sống tồn tại trong một thời gian gọi là mạng hành.

Từ “nhiều”[134] nêu rõ lưu và xả mạng hành và thọ hành xảy ra trong nhiều niệm; chẳng phải trong một sát na mà có sự lưu và xả mạng hành và thọ hành.[135]

Có thuyết nói, từ này nhằm bác bỏ thuyết cho rằng mạng và thọ là một thật thể tồn tại trong một thời gian dài.[136]

Có thuyết nói, từ này nhằm nêu rõ không tồn tại một thể là mạng hay thọ, nhưng chỉ là căn cứ trên các hành mà giả lập ra hai tên mạng hành và thọ hành như vậy. Nếu không như thế, thì Kinh đã không dùng từ “hành”.[137]

d. Thế Tôn xả thọ hành và lưu mạng hành

Vì sao Thế Tôn xả các thọ hành và lưu các mạng hành? Vì để nêu rõ Ngài đã tự tại với sự chết, cho nên xả các thọ hành; vì để nêu rõ Ngài đã tự tại với sự sống cho nên lưu các mạng hành.

Chỉ lưu trong ba tháng, không hơn không kém, vì quá ba tháng, Ngài không còn điều cần làm cho đối tượng được giáo hóa,[138] mà ít hơn ba tháng thì việc lợi sanh chưa được hoàn tất.

Lại nữa, để chứng minh điều mà trước kia Ngài nói, “Vì Ta tu tập hoàn hảo bốn thần túc, cho nên nếu muốn, Ta có thể trụ một kiếp hay hơn một kiếp.”[139]

Các luận sư Tì-bà-sa nói, điều đó nêu rõ hiện tại Thế Tôn đã chiến thắng uẩn matử ma, còn trước kia lúc ngồi dưới cây Bồ đề, Ngài đã chiến thắng thiên maphiền não ma.

Đã thảo luận các vấn đề thứ phát, nay sẽ thảo luận các vấn đề chính.

ii. Các căn thông cả hai

Ưu căn và tám căn cuối, như tín v.v., đều là phi dị thục, vì chúng là hữu ký. 12 căn còn lại thì gồm cả dị thục và phi dị thục. Theo nghĩa đã nói, đó là 7 sắc căn, ý căn và trừ ưu căn bốn thọ còn lại, chúng đều gồm cả dị thục và phi dị thục. Nếu 7 sắc căn trong trường hợp là sở trưởng dưỡng[140] thì chẳng phải dị thục, ngoài ra các trường hợp khác đều là dị thục. Ý căn và 4 thọ căn hoặc khi thiện hoặc ô nhiễm, hoặc oai nghi lộ, hoặc công xảo xứ, hoặc biến hóa tâm, tùy theo trường hợp mà chúng cũng không phải dị thục. Còn các trường hợp khác đều là dị thục.

iii. Ưu căn

Nếu nói rằng ưu căn là phi dị thục, thì đoạn kinh này sẽ giải thích thế nào? Khế kinh nói, có ba loại nghiệp, nghiệp thuận hỷ thọ, nghiệp thuận ưu thọ và nghiệp thuận xả thọ.

Căn cứ trên sự tương ưng với cảm thọ mà nói là thuận,[141] điều này không có lỗi gì. Nghĩa là, nghiệp tương ưng với ưu, nên nói nghiệp thuận cảm thọ ưu. Như xúc tương ưng với lạc nên nói xúc thuận cảm thọ lạc.

Nếu vậy, nghiệp thuận cảm thọ hỷ, thuận cảm thọ xả, cũng nên như thế? Vì chúng được đề cập như nhau trong một đoạn Kinh.[142]

Ngài muốn hiểu thế nào thì tùy ý, đối với tôi không có gì mâu thuẫn.[143] Hiểu là dị thục, hay hiểu là tương ưng, đều không sai.[144]

Nếu không có cách nào khác thì đoạn kinh ấy phải được hiểu như vậy.[145] Nhưng, thật sự nhân bởi đạo lý nào mà nói ưu căn là phi dị thục?

Vì ưu căn phát sinh do sự sai biệt[146] của phân biệt, và khi nó đình chỉ cũng vậy. Còn dị thục thì không phải như thế.

Nếu vậy, hỷ căn cũng chẳng phải dị thục; vì nó cũng do phân biệt mà sinh và cũng do phân biệt mà đình chỉ?

Nếu cho rằng ưu căn là dị thục thì (người nào) tạo vô gián nghiệp rồi, nhân đó liền sinh ra ưu. Nghiệp này lúc bấy giờ đáng lẽ nên gọi là quả đã chín[147]. Cũng như thế cho câu vấn nạn về hỷ căn.

Nếu cho rằng hỷ căn là dị thục thì (có người) tạo phước nghiệp thù thắng rồi nhân đó liền sinh ra hỷ. Nghiệp này lúc bấy giờ đáng lẽ cũng nên gọi là quả đã chín.

Tỳ-bà-sa nói như thế này: Vị đã ly dục thì không có ưu căn. Dị thục thì không như thế.[148] Cho nên nó là phi dị thục.

Nếu vậy, nên nói rằng, đối với các hữu tình ly dục, hỷ căn thuộc dị thục; do tính chất gì mà nhận biết?[149]

Bất kể cái kia có tính chất như thế nào, tính chất của cái này là như vậy[150]. Nghĩa là ở giai vị này cho phép có hỷ căn thuộc thiện. Dị thục vô kí thuộc loại tương ưng chẳng phải không có.[151] Trong giai vị này ưu tuyệt đối không thể có mặt,[152] do đó ưu được xác định là phi dị thục.[153]

Tám căn như nhãn v.v.,[154] nếu ở thiện thú, chúng là dị thục của thiện. Nếu ở ác thú thì dị thục của ác.[155] Ý căn bất kể ở thiện thú hay ác thú, thuộc cả hai. Hỷ, lạc, xả căn ở bất cứ cõi nào cũng đều là dị thục của thiện. Khổ căn bất cứ ở thiện thú hay ác thú, thảy đều là dị thục của ác. Hạng nhị hình trong thiện thú, chỉ có y xứ của căn vì đây là do ác nghiệpchiêu cảm; còn sắc căn thiện thú là do nghiệp thiện chiêu dẫn.

Như vậy đã nói xong dị thục v.v…

3. Hữu dị thụcVô dị thục

Tụng:

Trong 22 căn, có bao nhiêu căn là hữu dị thục[156], bao nhiêu căn vô dị thục?

Ưu xác định hữu dị thục.

Tám căn đầu, ba căn cuối, vô dị thục;

Ý, bốn thọ căn, tín v.v,

Tất cả đều thông hai. //11/[157]

[16b04]

Luận:

Ưu căn như đã tranh luận ở trước, nên biết, xác định là hữu dị thục. Y trên nghĩa “duy chỉ” và nghĩa “vượt thứ” mà bài tụng nói là xác định.[158] Tức nêu rõ rằng, ưu căn duy chỉ là hữu dị thục. Nói “vượt thứ” là bao gồm đủ hai nghĩa. Bao gồm cả hai nghĩa: (a) ưu căn không phải vô ký, vì nó phát sinh bởi tư mạnh[159]; (b) nó chẳng phải vô lậu, vì chỉ có mặt ở tán địa thôi[160]. Do sự vượt thứ lớp này nên ưu căn được đề cập trước tiên, rằng xác định nó là hữu dị thục.[161]

Tám căn đầu như mắt v.v, và ba căn cuối,[162] cũng xác định vô dị thục. Vì tám căn đầu thì vô ký, ba căn cuối thì vô lậu. Ngoài ra đều vừa hữu dị thục, vừa vô dị thục. Ý nghĩa chuẩn theo đó mà suy, tức ý căn, bốn thọ căn còn lại, năm căn như tín v.v… Từ “ vân vân” [163] là chỉ cho bốn căn nữa như tinh tấn v.v.. Tất cả mười căn[164] này, mỗi căn thông cả hai.

Ý, lạc, hỷ, xả căn, nếu là thiện, hay bất thiện, hữu lậu, chúng là hữu dị thục. Nếu vô ký, hay vô lậu, chúng là vô dị thục. Nếu khổ căn là thiện, hay bất thiện, nó là hữu dị thục. Nếu vô ký, nó là vô dị thục.

Năm căn như tín v.v., nếu hữu lậu, chúng là hữu dị thục. Nếu vô lậu, chúng là vô dị thục.

Như thế đã nói xong có dị thục, không dị thục.

4. Ba tánh

Tụng:

Trong 22 căn, bao nhiêu căn thiện? Bao nhiêu căn bất thiện? Bao nhiêu căn vô ký?

Tám căn cuối duy thiện.

Ưu thông thiện, bất thiện.

Ý, thọ còn lại: cả ba.

Vô ký thông tám căn đầu//12/.[165]

Luận:

Tám căn: tín, v.v., duy nhất[166] là thiện. Theo thứ tự, tuy chúng nằm sau, nhưng nương theo văn ở trên nên đề cập trước.

Ưu căn duy chỉ thông thiện và bất thiện.

Ý căn và các thọ còn lại, mỗi căn thông cả ba tánh.

Tám căn: mắt, v.v., duy chỉ thuộc tánh vô ký. [167]

Như vậy, đã nói thiện, bất thiện các thứ.

5. Giới hệ

Trong 22 căn, có bao nhiêu căn thuộc Dục giới hệ, bao nhiêu thuộc Sắc giới hệ, bao nhiêu thuộc Vô sắc giới hệ?

Tụng:

Dục, sắc, vô sắc giới,

Thứ lớp: trừ ba cuối;

Gồm nữ, nam, ưu, khổ;

Trừ năm sắc, hỷ, lạc.//13/[168]

Luận:

Dục giới trừ 3 căn vô lậu, do ở đây 3 căn này hoàn toàn không hệ thuộc[169]. Theo đó mà biết, liên hệ Dục giới chỉ có 19 căn.

Sắc giới, cũng như trước, trừ thêm bốn căn: nam, nữ, ưu, khổ. Suy theo đó mà biết, 15 căn thông cả Sắc giới hệ. Trừ nữ, nam căn, do sắc giới đã lìa pháp dâm dục và do nữ, nam căn làm thân xấu xí vậy.[170]

Hỏi: Nếu đã như vậy sao lại nói ở đó chỉ có thân nam? Căn cứ vào đâu mà nói? Như Khế kinh nói: “Không thể có bất cứ trường hợp nào thân nữ làm Phạm thiên. Chỉ có trường hợp xảy ra là thân nam làm Phạm thiên.”[171]

Đáp: Vị ấy có hình thể người nam đặc biệt, như thân nam có trong Dục giới.

Ở đây[172], không có khổ căn, vì thân thể trong suốt[173]; và cũng không có các pháp bất thiện. Không có ưu căn, vì do xa-ma-tha thấm nhuần tương tục, và cũng do ở đó hoàn toàn không có vật thể gây hại[174].

Vô sắc giới cũng như trên, trừ 3 căn vô lậu, nam, nữ, ưu, khổ căn; và trừ luôn cả năm sắc căn, hỷ, lạc căn. Suy theo đó mà biết, trừ tám căn này ra, các căn còn lại đều thông cả Vô sắc giới; tức các căn: ý, mạng, xả, năm căn: tín, v.v.

Như vậy, đã nói rõ sự hệ thuộc Dục, Sắc, Vô sắc giới.

6. Ba sở đoạn

Trong 22 căn, những căn nào thuộc kiến sở đoạn, căn nào thuộc tu sở đoạn, thuộc phi sở đoạn?

Tụng:

Ý, ba thọ thông ba.

Ưu thông kiến, tu đoạn.

Chín chỉ thông tu đoạn.

Năm thông tu, phi đoạn//14/[175]

Luận:

Ý, hỷ, lạc, xả căn, mỗi căn thông cả ba: kiến, tu, phi sở đoạn.

Ưu căn chỉ thông kiến và sở đoạn, vì chẳng phải là vô lậu.

Bảy sắc, mạng căn: duy chỉ thuộc tu sở đoạn, vì chúng không phải nhiễm ô. Khổ căn không phải là sản phẩm của thức thứ sáu,[176] và vì là hữu lậu, nên thuộc tu sở đoạn.

Năm căn: tín, v.v., vì chẳng phải pháp nhiễm ô, và vì chúng vừa là hữu lậu vừa là vô lậu, nên chúng thông cả tu sở đoạnphi sở đoạn.

Ba căn cuối chỉ thông với phi sở đoạn, vì là vô lậu, và vì pháp không tai hại thì không bị đoạn trừ.

Như vậy, đã nói nghĩa loại sai biệt của các môn.

17. Giới nào bao nhiêu căn được trước?

Tụng:

Dục giới, thai, trứng, thấp;

Tối sơ đạt được hai dị thục.[177]

Hóa sanh: sáu, bảy, tám,

Sắc, sáu; trên, duy mạng.//14[178]

Luận:

18. Căn được trước trong ba giới

Trong Dục giới, các loài sanh bằng thai, trứng và thấp, trong giai đoạn tối sơ thọ sanh, chỉ có hai căn thuộc dị thục thân và mạng; vì trong ba loại sanh đó các căn phát triển dần. Ba loại đó vì sao không có hai căn ý và xả? Trong thời gian tục sanh[179] hai căn này nhất định bị nhiễm ô.[180]

Trong giai đoạn tối sơ của hóa sanh, có 6 căn, 7 căn và 8 căn,[181] nghĩa là hạng vô hình[182] tối sơ có sáu căn, như thời kiếp sơ[183]. Sáu căn là gì? Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và mạng. Nếu hạng một hình,[184] tối sơ có bảy căn, như chư thiên v.v.;[185] hoặc hạng hai hình tối sơ có tám căn.

Loài hóa sanh há có thể có hai hình? Trong ác thú có thể có hạng hóa sanh hai hình.

Đã nói xong những căn tối sơ đạt được trong dục giới, nay theo thứ lớp nói đến sắc giớivô sắc giới.

Trong dục giới, dục vượt trội nên chỉ nói đến dục. Trong sắc giới, sắc vượt trội nên chỉ nói đến sắc. Khế kinh cũng nói: “Tịch tĩnh giải thoát, vượt qua sắc, thuộc vô sắc”[186]. Trong sắc giới, tối sơ sở đắc sáu căn là dị thục, cũng được nói như về loài hóa sanh không hình trong dục giới.

Trên, duy mạng:[187] trong vô sắc giới, định vượt trội,[188] sanh vượt trội[189] cho nên nói là trên[190]. Trong vô sắc giới, căn dị thục mà tối sơ có được, duy chỉ mạng chứ không phải căn nào khác.

Đã nói căn dị thục có được trong tối sơ.

19. Ở giới nào trong giai đoạn chết bao nhiêu căn diệt sau cùng?

Tụng:

Khi chết các căn diệt,

Cõi vô sắc có ba, cõi sắc có tám,

Cõi dục chết đột ngột căn mười, chín và tám,

Chết từ từ bốn thiện, tăng thành năm.//15[191]

Luận:

20. Khi chết căn diệt sau cùng

vô sắc giới, khi sắp mạng chung[192], ba căn mạng, ý và xả diệt sau cùng. Nếu ở sắc giới, khi sắp mạng chung thì ba căn trước và năm căn bắt đầu từ mắt, như vậy tám căn diệt sau cùng. Tất cả loài hóa sanh chắc chắn đủ các căn[193] mà sanh, tử. Nếu ở dục giới, khi mạng chung đột ngột[194], 10, 9 và 8 căn diệt sau cùng, nghĩa là hạng nhị hình thì 10 căn diệt sau tức là căn nam, nữ và tám loại trước. Hoặc hạng nhất hình chín căn diệt sau, ở trong nữ nam tùy theo đó trừ một loại. Hoặc hạng vô hình tám căn diệt sau, tức là không có căn nữ nam chỉ có tám căn trước, những điều có nói như vậy, y vào sự mạng chung đột ngột, hoặc từ từ mạng chung[195], bốn căn diệt sau cùng, nghĩa là ở dục giới, khi mạng chung từ từ, thân, mạng, ý, xả diệt sau cùng. Bốn loại này không có nghĩa diệt trước sau.[196] Những điều như vậy đã nói xong, nên biết chỉ y vào tâm nhiễm ô, vô ký[197]. Hoặc ở ba cõi khi chết, tâm thiện năm căn bắt đầu từ tín chắc chắn đều có đủ cho nên ở trước nói tất cả vị các căn, trong số đó đều nên thêm năm căn bắt đầu từ tín, nghĩa là đối với vô sắc tăng thêm căn cho đến dục giới từ từ mạng chung thì tăng đến chín, còn ở giữa bao nhiêu theo lý mà biết, trong phân biệt căn tất cả căn pháp đều nên suy xét chọn lựa.

Trong 22 căn, những căn nào chứng đắc quả sa môn nào?

Tụng :

Chín: đắc hai quả biên.

Bảy, tám, chín: hai giữa.

Mười một: A-la-hán

Nương vào một nói có thể có.//16[198]

Luận:

21. Căn chứng đắc quả sa môn

Biên[199] chỉ cho quả Dự lưu và A-la-hán[200], vì là ở đầu và cuối của quả sa môn. Trung[201] là hai quả giữa: Nhất laiBất hoàn. Chúng được kể là ở giữa do liên hệ với quả đầu và quả cuối. 

Quả Dự lưu do chín căn chứng đắc: ý và xả căn[202], năm căn bắt đầu từ tín, vị tri đương tri và dĩ tri căn, gồm chín căn. Vị tri căn ở trong vô gián đạo,[203] dĩ tri căn ở trong giai đoạn giải thoát đạo,[204] hai căn này hỗ trợ lẫn nhau chứng đắc sơ quả. Theo thứ tự, chúng là dẫn nhân,[205] và y nhân[206] để chứng đắc ly hệ.[207]

A-la-hán cũng do chín căn mà chứng đắc: ý, năm căn bắt đầu từ tín, dĩ tri, cụ tri căn và một trong ba căn hỷ, lạc hay xả.[208] Dĩ tri cănvô gián đạo, cụ tri căngiải thoát đạo, hai căn này hỗ trợ lẫn nhau chứng đắc quả tối hậu. Theo thứ tự, hai căn vị tri và dĩ tri có tính chất có thể làm dẫn nhân, y nhân để chứng đắc ly hệ.

Hai quả giữa tùy theo sự thích hợp, mỗi quả được chứng đắc bằng bảy, tám hay chín căn. Vì sao? Sự chứng đắc thứ tự[209] của quả Nhất lai, nếu y trên thế gian đạo[210], do bảy căn chứng đắc: ý và xả, năm căn bắt đầu từ tín; nếu y trên xuất thế đạo[211], do tám căn chứng đắc: bảy căn kể trên, và dĩ tri căn thứ tám. Vị chứng đắc siêu việt do ly tham tăng bội[212], do chín căn chứng đắc, như quả Dự lưu

Vị đắc quả Bất hoàn bằng sự chứng đắc thứ tự, nếu y trên thế gian đạo, do bảy căn[213] chứng đắc; nếu y trên xuất thế đạo, do tám căn chứng đắc, như quả Nhất lai chứng đắc thứ tự nói trên. Vị chứng đắc siêu việt bằng toàn ly dục tham[214] do chín căn chứng đắc, như quả Nhất lai siêu việt chứng đắc nói trên. Nói chung là như vậy, nhưng vẫn có sự sai khác; tức căn cứ theo địa mà có sự sai khác trong sự đắc quả này, cho nên trong ba căn: lạc, hỷ và xả, có thể tùy theo thích hợp mà chọn lấy một căn[215]. Quả do siêu việt chứng nói trên[216] chỉ một căn xả.

Lại nữa, quả Bất hoàn chứng đắc thứ tự, trong giải thoát đạo thứ chín, nếu nhập vào căn bản địa[217], y thế gian đạo, do tám căn chứng đắc[218]. Vô gián đạo trong địa kia tương ưng với xả thọ[219]; và trong giải thoát đạo lại có cảm thọ hỷ[220]. Hai thọ này hỗ trợ lẫn nhau chứng đắc quả thứ ba. Chúng là hai nhân cho sự chứng đắc ly hệ, như trên.

Nếu y xuất thế đạo, do chín căn chứng đắc.[221] Tám căn, như trên, thêm dĩ tri căn thứ chín. Vì cả trong vô gián đạogiải thoát đạo đều có căn này.

Há chẳng phải Căn bản A-tỳ-đạt-ma “Hỏi có bao nhiêu căn chứng đắc quả A-la-hán? Và đáp: có mười một căn” [222]? Vì sao đây lại nói do chín căn chứng đắc?

Thật sự, chứng đắc quả thứ tư chỉ do chín căn, nhưng Bản luận nói mười một là căn cứ nơi thân có thể có mà nói. Nghĩa là có thể có hạng Thánh giả sau khi nhiều lần thối thất địa vị vô học, rồi do một trong ba căn, lạc, hoặc hỷ, hoặc xả hiện tiền mà cũng nhiều lần chứng đắc trở lại quả A-la-hán. Vì vậy, Bản luận nói mười một căn. Nhưng không có trường hợp ba cảm thọ cùng khởi một lúc. Cho nên, ở đây nói nhất định chỉ có chín căn.

Trong quả Bất hoàn sao chẳng nói như vậy? Vì không có trường hợp do căn lạc chứng đắc quả Bất hoàn, rồi về sau thối thất. Cũng không có trường hợp sau khi thối thất, rồi do lạc cănchứng đắc trở lại; cũng không phải rằng vị mà trước đó đắc quả thứ ba do ly dục siêu chứng lại có thối thất. Vì quả vị ly dục này chứng đắc bởi hai đạo rất vững chắc.

Ở đây, cần tư duy phân tích, căn nào thành tựu? Trong các căn đó, bao nhiêu căn xác định là thành tựu?[223]

Tụng:

Mạng, ý và xả thành tựu,

Mỗi căn nhất định thành tựu ba.

Nếu lạc và thân thành tựu,

Mỗi căn nhất định thành tựu bốn.

Mắt v.v., và hỷ thành tựu,

Mỗi căn nhất định thành tựu năm.

Nếu khổ căn thành tựu,

Nhất định thành tựu bảy.

Nếu nữ, nam, ưu và tín v.v.

Mỗi căn nhất định thành tựu tám.

Hai vô lậu thành tựu mười một.

Vô lậu đầu thành tựu mười ba căn.//17,18,19.[224]

Luận thích:

22. Xác định căn thành tựu

Thành tựu một căn nào trong ba căn: mạng, ý và xả, căn ấy nhất định thành tựu cả ba căn này. Khuyết một trong ba căn này, các căn khác không thể thành tựu.[225] Trừ ba căn này, các căn khác không nhất định; hoặc thành tựu hay không thành tựu.

Trong đây bốn căn nhãn, nhĩ, tỷ và thiệt, (hữu tình) sinh ở Vô sắc giới, nhất định không thành tựu. Nếu sinh Dục giới, chưa sở đắc, hay đã hủy mất[226], cũng không thành tựu.

Thân căn, duy chỉ (hữu tình) sinh ở Vô sắc giới, nhất định không thành tựu.

Hai căn nam, nữ, (hữu tình) sinh hai giới trên, nhất định không thành tựu. Nếu sinh Dục giới, chưa sở đắc, hoặc đã hủy mất, cũng không thành tựu.

Hàng dị sanh sinh trong định thứ tư và Vô sắc giới nhất định không thành tựu lạc căn.

Hàng dị sanh sinh trong định thứ ba, thứ tư và Vô sắc giới nhất định không thành tựu hỷ căn.

Hàng dị sanh sinh trong Sắc, Vô sắc giới nhất định không thành tựu khổ căn.

Tất cả những vị đã ly dục tham nhất định không thành tựu ưu căn. Hạng đoạn thiện căn nhất định không thành tựu định năm căn gồm tín v.v…

Tất cả dị sanh và vị đã trụ quả nhất định không thành tựu định căn vô lậu thứ nhất.

Tất cả dị sanh, hàng kiến đạo, bậc vô học, nhất định không thành tựu căn vô lậu tiếp theo.

Tất cả dị sanh, và hàng hữu học, nhất định không thành tựu căn vô lậu cuối.

Nên biết, loại trừ các trường hợp đã nói trên, còn lại các trường hợp không bị loại trừ, các căn đều thành tựu.

Nếu lạc căn[227] thành tựu, nhất định thành tựu bốn căn: mạn, ý, xả và lạc căn này.

Nếu thân căn thành tựu cũng nhất định thành tựu bốn căn: mạn, ý, xả và thân căn này.

Nếu nhãn căn thành tựu nhất định thành tựu năm căn: mạn, ý, xả, thân cănnhãn căn.

Nên biết nhĩ, tỷ và thiệt căn cũng thành tựu năm căn. Bốn căn đầu như nhãn v.v…, căn thứ năm, chính nó.

Nếu hỷ căn thành tựu cũng nhất định thành tựu năm căn: mạn, ý, xả, lạc căn và hỷ căn.

Khi sinh lên địa vị tĩnh lự thứ hai, chưa chứng đắc tĩnh lự thứ ba, đã xả địa dưới mà chưa đắc địa trên,[228] bấy giờ thành tựu lạc căn nào?[229] Nên nói thành tựu lạc căn nhiễm ô của tĩnh lự thứ ba, vì còn lại[230] chưa sở đắc.

Nếu khổ căn thành tựu thì nhất định thành tựu bảy căn: thân căn, mạng căn, ý căn và bốn thọ, trừ ưu căn.

Nếu nữ căn thành tựu nhất định thành tựu tám căn: bảy căn như được nói trong khổ căn, và nữ căn là căn thứ tám.

Nếu nam căn thành tựu nhất định thành tựu tám căn: bảy căn như được nói trong khổ căn, và nam căn là căn thứ tám.

Nếu ưu căn thành tựu cũng nhất định thành tựu tám căn: bảy căn như được nói trong khổ căn, và ưu căn là căn thứ tám.

Nếu tín căn v.v. thành tựu cũng mỗi căn thành tựu tám: mạng, ý, xả và năm căn bắt đầu từ tín.

Nếu cụ tri căn thành tựu nhất định thành tựu mười một căn: mạng, ý, lạc, hỷ, xả căn, năm căn bắt đầu từ tín và cụ tri căn.

Nếu dĩ tri căn thành tựu cũng nhất định thành tựu mười một căn: mười căn đầu như trên và dĩ tri căn.

Nếu vị tri căn thành tựu nhất định thành tựu mười ba căn: thân, mạng, ý, khổ, lạc, hỷ, xả, năm căn bắt đầu từ tín và vị tri căn.

Ít nhất tám căn không thiện

Thành tựu thọ, thân, mạng, ý căn

Kẻ ngu sanh ở Vô Sắc

Thành tựu thiện, căn mạng, ý, xả.//20[231]

[18a17] Thiện căn đã bị đoạn gọi là không thiện[232]. Người đoạn thiện căn, chí ít thành tựu tám căn: 5 thọ căn, thân, mạng, ý căn. Thọ nghĩa là năng thọ[233] vì nó lĩnh nạp, hoặc chỉ đặc tính của thọ nên gọi là thọ. Giống như căn cứ vào tính chất của viên mãn mà lập tên viên mãn.

Như hạng đoạn thiện căn tối thiểu thành tựu 8 căn, cũng vậy, hạng ngu sanh ở cõi Vô sắc cũng thành tựu 8 căn. “Ngu” tức dị sanh[234] vì chưa kiến đế. Tám căn là những gì? Đó là năm căn bắt đầu từ tín, và mạng, ý, xả căn. Năm căn bắt đầu từ tín hoàn toàn là thiện nên gọi chung là thiện.

Nếu vậy nó phải bao gồm ba căn vô lậu? Không. Vì ở đây chỉ căn cứ trên tám căn. Và vì nói kẻ ngu sanh ở cõi Vô sắc.

Tối đa, thành tựu nhiều nhất bao nhiêu căn ?

Tụng :

Nhiều nhất, thành 19;

Hai hình, trừ ba tịnh.

Thánh giả chưa ly dục

Trừ hai tịnh, một hình//21[235]

Luận:

[18a28] Những hạng hai hình đầy đủ các căn như nhãn căn v.v., trừ ba căn vô lậu, thành tựu 19 căn còn lại. Vô lậu gọi là tịnh[236] vì lìa hai thứ hệ phược[237]. Hạng hai hình tức hàng phàm phu ở cõi Dục, chưa ly tham đối với dục nên có 19 căn.

Chỉ có hạng này đủ 19 căn mà không có hạng nào nữa ư? Vị Thánh chưa ly dục cũng có đủ 19 căn, nghĩa là vị Thánh hữu học chưa ly tham đối với dục thành tựu nhiều nhất cũng đầy đủ 19 căn, trừ hai căn vô lậu và một caên giôùi tính. Nếu ở kiến đạo, trừ căn dĩ tri và căn cụ tri. Nếu ở tu đạo, trừ căn vị tri và căn cụ tri. Hai căn nam, nữ tùy theo đó mà loại trừ một căn. Do các vị Thánh không có hai hình.

Nhân nơi phẩm “phân biệt giới” mà phân biệt những gì là căn và những gì không phải, theo đó mà ở đây đã luận chi tiết xong về 22 căn.[238]

T.S.


[1] Xem phẩm i. “Phân biệt giới”, tụng 44. Kośa. kārikā i. 48.

[2] Bhāṣya: idi parmaiśvarye. Thuận chính lý 9 (tr. 377b3): do hai gốc động từ (giới nghĩa, skt. dhātu), (1) √id (ind, Hán âm: y-địa 伊地): có uy lực; (2) √idh, indh (Hán âm: nhẫn-địa 忍地): thắp sáng, đốt lửa. Theo đó, y-địa có nghĩa là tối thắng tự tại 最勝自
<lb n=”0377b04″/>在, nhẫn-địa có nghĩa là chiếu chước minh liễu 照灼明了 (cháy sáng tỏ rõ). Ở đây, duy chỉ ý nghĩa xí thạnh quang hiển 熾盛
<lb n=”0377b05″/>光顯 (chiếu sáng rực rỡ) chỉ cho căn. Cf. Quang ký (tr. 56a10): “Theo ngữ pháp Ấn-độ, một từ được cấu tạo do bởi tự giới 字界 (skt. dhātu: động từ căn) và tự duyên字緣(skt. pratyaya: giới từ hay tiếp vĩ từ). Trong đó, tự giới là tối thắng-tự tại; tự duyên là quang hiển. Tông hợp tự giới và tự duyên, cấu tạo thành từ căn có nghĩa là tăng thượng 根增上義…” (op.cit. tr. 56a20): “Phạn văn giải thích, y-địa ba-la-mê-phạt-la-duệ伊地波羅迷濕伐羅曳 (skt. idi paramaiśvarye). Trong đó, thấp-phạt-la (śvar) nghĩa là tự tại; duệ (-ye) là đuôi biến cách thứ bảy (đệ thất chuyển thanh), chỉ ý nghĩa “ở trong”; tức là ở trong y-địa (skt. idi) mà lập ý nghĩa tối thắng tự tại, do đó, tối thắng tự tại là nghĩa của động từ căn y-địa. Phạn văn giải thích, nhẫn-địa địa-bát-đáo 忍地地般到, (skt. indhi dīptau). Trong đó, địa-bát (skt. dīp-) có nghiã là rọi sáng 照明義; đáo (skt. –tau) là đuôi biến cách thứ bảy, tức là ở trong ý nghĩa rọi sáng mà lập động từ căn nhẫn địa.”

[3] Bhāṣya: tasya indantīti indriyāṇi/ ata ādhipatyārtha indriyaḥ, chúng nóuy lực, nên được gọi là các căn. Vì vậy, căn có nghĩa là cái có uy lực, hay có chủ quyền. Cđ.: “Căn có nghĩa là tối thắng tự tại, vì trong sự dụng của chính nó, nó có uy lực một cách tự chủ (tối thắng tự tại). Lại nữa, nó có nghĩa là trang sức rực rỡ (quang sức 光飾), vì trong thân nó rất tỏ rõ (tối quang hiển 最明顯). Quang ký (tr. 56a29): quang hiển, Phạn nói là nhân-đàn-để 因檀底 (skt. indanti: chúng nóuy lực; có thể Phổ Quang nhầm với indhate: chúng nó thắp sáng), là tự duyên, hỗ trợ tự giới là y-địa, thành nhân-điệt-rị-diệm 因姪唎焰 (skt. indriyam), nêu rõ nghĩa tăng thượng. Xí thạnh, Phạn nói địa-dật để 地逸底 (có lẽ đọc đủ là nhân-địa-dật-để, skt. indhyate: nó thắp sáng), đó là tự duyên, hỗ trợ tự giới nhẫn-địa thành nhân-điệt-rị-diệm, đây dịch là căn.”

[4] Ht. tụng ii.1 傳說五於四</l> <l>四根於二種 </l>
<lb n=”0377b11″/> <l>五八染淨中 </l> <l>各別為增上. kārikā ii.1.catuṣv artheṣu pañcānām ādhipatyaṃ dvayoḥ kila/ caturṇāṃ pañcakāṣṭānāṃ saṃkleśavyavadānayoḥ//

[5] Hán: tứ sự 四事; Cđ. sự dụng 事用; skt. catuṣv artheṣu, trong bốn mục đích.

[6] Skt. 1. ātmabhāvaśobhā, làm đẹp tự thân; 2. ātmabhāvaparikarṣaṇa, hướng dẫn tự thân; 3. vijñāna-samprayoga-utpatti, phát sinh thức và các tương ưng của thức; 4. asādhāraṇakāraṇatva, hoạt động cá biệt.

[7] Nhãn và nhĩ ṭhức; cakṣuḥśrotra-vijñānayor/

[8] Thức tương ưng, chỉ các tâm sở. Vyākhyā: sasaṃprayogayor iti sacaitasikayoḥ/

[9] Tự thể của đoạn thực (kavaḍikāhāra) bao gồm ba yếu tố: hương, vị và xúc, nhận thức bởi mũi, lưỡi, và thân.

[10] Skt. sattvabhedasattvavikalpabheda.

[11] Vyākhyā: pūrvācārya, các luận sư đời trước.

[12] Ư nhị 於二, trong tụng vanw Hán.

[13] Phiến-đệ 扇搋, skt. ṣaṇḍha/ ṣaṇḍhaka, hoạn hay căn khuyết, có hai loại: bản tính phiến-đệ 本性扇搋 (viyukta-ṣaṇḍhaka), khuyết do bẩm sinh; tổn hoại phiến-đệ 損壞扇搋 (vikāla-ṣaṇḍhaka), khuyết do thiến.

[14] Bán-trạch 半擇, skt. paṇḍaka, hoàng môn hay bất năng nam.

[15] Nhị hình 二形, skt. ubhayavyañjanaka, cùng lúc có cả hai căn nam và nữ.

[16] Quang ký (tr. 56c08): như ruộng nhiễm mặn, cỏ dại không thể mọc, và lúa mạ cũng không. Xem phẩm iv “Phân biệt nghiệp”: bất luật nghi (asaṃvara), tụng 44; vô gián, tụng 98; đoạn thiện, tụng 81; 

[17] punarbhavasambandha, kết nối đời sau, giữ vai trò kết sinh thức.

[18] vaśitabhāvānuvartana.

[19] Chưa rõ xuất xứ.

[20] Cf. Dẫn bởi Tì-bà-sa 60: “Do hội đủ ba điều kiệnnhập thai mẹ. 1. Cha và mẹ đều có nhiễm tâm. 2. Mẹ không bịnh và đến kỳ. 3. Kiền-đạt-phược (gandharva) chính thức hiện tiền. Khi kiền-đạt-phược hiện tiền lần lượt với hai tâm là ái và nhuế, bấy giờ mới có thể kết sinh, kết nối tái sinh.” Xem thêm, Tì-bà-sa 48.

[21] Dẫn bởi Tì-bà-sa 142, tr. 731b9. Nguyên văn skt. dẫn bởi Yaśomitra: cittena nīyate lokaḥ, cittena parikṛṣyate/ ekadharmasya cittasya sarvadharmā vaśānugā. Cf. Pāli, Saṃyutta. i. 39: cittena nīyati loko, cittena parikassati/ citassa ekadhammassa, sabbeva vasamanvagū’ti.

[22] Hán: tùy tăng. Skt. anuśayitva.

[23] Dẫn bởi Vyākhyā: sukhasya cittaṃ samādhīyate, duḥkhopaniśacchraddhā/ ṣaṇṇaiṣkramyāśritāḥ saumanasyādayaḥ. Cf. Tì-bà-sa 142, tr. 731c12. Xuất ly, chỉ sáu xuất ly (ṣaṇṇaiṣkramya); cf. Quang ký (57a28): “… do chán khổ mà dẫn khởi lạc Niết-bàn…” Quang ký (tr. 57b01): sáu xuất ly, chỉ xuất ly sáu cảnh.

[24] Quang ký (tr. 57b06): thức kiến gia. Vyākhyā: Sautrāntikā.

[25] Vyāhkyā: mắt và tai (cakṣuḥṣrota).

[26] Hán: thọ đoạn thực cố 受段食故, không có trong bản Skt. và Cđ.

[27] Quang ký (tr. 57b07): chủ yếu bác bỏ đạo dưỡng thânbất cộng sự.

[28] Ht. ii. 2: 了自境增上總立於六根 從身立二根 女男性增上 // Skt. ii. 2: svārthopalabdhyādhipatyāt sarvasya ca ṣaḍindriyam| strītvapuṁstvādhipatyāttu kāyāt strīpuruṣendriye||

[29] Ht. ii.3: 於同住雜染清淨增上故應知命五受信等立為根 // Skt. ii.3: nikāyasthiti-saṁkleśavyavadānādhipatyataḥ| jīvitaṁ vedanāḥ pañca śraddhādyāścendriyaṁ matāḥ|

[30] Ht.ii.4: 未當知已知具知根亦爾於得後後道涅槃等增上 // Skt.ii.4: ājñāsyāmyākhyam ājñākhyam ājñātāvīndriyaṁ tathā| uttarottarasaṁprāptinirvāṇādyādhipatyataḥ||

[31] Liễu tự cảnh; Skt. svārthopaladhi: nắm bắt đối tượng của riêng nó.

[32] Câu này không có trong bản Skt. và Cđ. Đại ý của Ht., nhấn mạnh rằng chính thức nắm bắt đối tượng chứ không phải căn.

[33] Liễu biệt nhất thiết cảnh; skt. sarvārtha-upalabdhi. Cf. Quang ký (57b15): trong năm thức mỗi thức duyên đối tượng của chính nó gọi là các biệt cảnh thức (svārtha-upalabdhi, Hán: liễu tự cảnh), riêng ý thức duyên với tất cả đối tượng gọi là nhất thiết cảnh thức (sarvārtha-upalabdhi), cũng gọi là tự cảnh. Theo giải thích này, từ tự cảnh (svārtha) trong tụng văn áp dụng cho cả sáu thức.

[34] Vyākhyā, dẫn Kinh: dvayaṃ pratītya vijñānasyotpattiḥ, duyên đến hai, căn và cảnh, thức xuất hiện.

[35] Ht. 增上用謂勝自在. Skt. adhikam hi prabhutvam ādhipatyam: cái có uy thế nổi bật, cái đó có công dụng tăng thượng.

[36] Hán: thông nhân, skt. sāmānyakāraṇa, nguyên nhân chung cho tất cả.

[37] Quang ký (57b26), sắc có hai điều trái ngược với căn: (1) không phải nhân cộng thông vì sắc xanh chỉ có thể làm phát sinh thức về xanh; (2) tỏ hay mờ không tùy thuộc sắc cảnh.

[38] Bhāṣya: nārthāntarabhūte, (chúng) không có đối tượng khác biệt. Vyākhyā: kāyendriyasvabhāvaṃ strīpuruṣendriyam; spraṣṭavyavijñānakatvāt, tự thể của thân căn cũng là nữ nam căn, vì cùng nhận thức đối tượng là xúc.

[39] Bhāṣya: kāyendriyabhāga upasthapradeśo, hạ môn trong một bộ phận của thân.

[40] Thứ tự: thân căn, rồi đến nữ căn, nam căn.

[41] Nguyên Hán: tác nghiệp; skt. ceṣṭā.

[42] Hán: chí lạc; skt. abhiprāya.

[43] Chúng đồng phần, skt. nikāyasabhāga, xem đoạn sau, về các bất tương ưng hành. Vyākhyā: Nhưng, theo các nhà Vaibhāṣika, ở đây chính ý (manas) có uy thế tăng thượng trong sự nối kết chúng đồng phần (đời này với đời sau).”

[44] Skt. anuśete: tiềm phục.

[45] Bhāṣyā: sukhāyāṃ vedanāyāṃ rāgo’nuśete; duḥkhāyāṃ pratighaḥ; aduḥkhāduḥkhāyām avidyā.”

[46] Hán: ưng tri應知, dẫn từ trong tụng văn; skt. mata: được đề cập. Bhāṣya không nêu chi tiết này.

[47] Tam vô lậu căn 三無漏根 Skt ājñāsīimyamākhyam ājñākhyam ājñātāvīndriya 1. đương tri căn 當知根 , skt. ājñāsyāmyākhya/ājñāsyāmīndriya thuộc trong kiến đạo (dảśanamārga); 2. dĩ tri căn 已知根 , skt ājñākhya/ājñendriya trong tu đạo (bhāvanāmārga); 3. cụ tri căn 具知根, skt. ājñātāvīndriya trong vô học đạo (aśaikṣamārga).

[48] Hậu hậu đạo 後後道 (utttarottaramārga), Quang ký (tr. 57c24): dĩ tri căn sau vị tri căn gọi là hậu đạo; cụ tri căn sau dĩ tri căn cho nên gọi là hậu hậu đạo.

[49] Hán: diệc nhĩ 亦爾, thích từ trong tụng văn; Skt. tathā. Vyākhyā: tathā hi taiḥ śraddhādibhiḥ, cũng như vậy, nghĩa là cùng với chúng, tức với tín v.v…

[50] Hán: vị tri đương tri căn. Skt. anājñātam-ājñāsyāmīndriya: “Tôi sẽ biết những gì chưa được biết”.

[51]Hán: dĩ tri căn. Skt. ājñendriya.

[52]Hán: cụ tri căn. Skt. ājñātāvīndriya.

[53] Hán: đẳng, thích từ trong tụng văn; Skt. ādi.

[54] Skt. dṛṣṭadharmasukhavihāra: an trú, hay tồn tại, với sự an lạc ngay trong hiện tại. Vyākhyā: dṛṣṭo dharmaḥ dṛṣṭadharmaḥ; dṛṣṭajanmety arthaḥ. sukho vihāraḥ sukhavihāraḥ; dṛṣṭadharme sukhavihāraḥ dṛṣṭadharmasukhavihāraḥ: Hiện pháp, chỉ pháp được thấy, được kinh nghiệm ngay trong đời này. Lạc trú, nghĩa là tồn tại với trạng thái an lạc.

[55] Vyākhyā: vimukti (giải thoát) = kleśaprahāṇam (đoạn phiền não), prīti (hỷ) = saumanasya (tâm hoan hỷ), sukham (lạc) = praśrabdhisukham (lạc do khanh an).

[56] Nguyên Hán: tính; đây chỉ các chi duyên khởi. Cđ.: hoặc 惑, chỉ các phiền não. Không có từ tương đương trong Bhāṣya. Quang ký (tr. 58a5) giải thích, tính ở đây chỉ cho tự tính (prakṛti) của Số luận (Saṃkhya); từ tự tính phát sinh các hiện tượng, cho đến năm tác căn là tay, chân, địa tiện xứ, tiện xứ và ngữ cụ.

[57] Giả thiết nạn vấn bởi Saṃkhyā (Số luận). Vyākhyā: ngoài các căn như con mắt, Saṃkhyā còn lập thêm năm căn khác gọi là năm tác căn (pañca karmendriyāṇi) như ngữ căn (vāgindriya) nhờ đó mà ngôn ngữ được phát biểu, thủ căn (pāṇīndriya) nhờ đó mà vật được cầm nắm,v.v. Saṃkhyakārikā 34; Hán dịch, Kim thất thập luận (T54, tr. 1251c11): 舌手足人根大遺五[作根, năm tác căn gồm lưỡi, tay, chân, sinh dục và hậu môn (vakpāṇipadopasthānapāyu).

[58] Vyākhyā: danh sách 22 căn được chính đức Thế Tôn lập.

[59] Quang ký (tr. 58b9): giới thiệu quan điểm của Hữu bộ. Bảo sớ (tr. 514c4): Luận chủ giải thích theo quan điểm Đàm-vô-đức.

[60] Hán: tư lương 資糧, skt. saṃbhāra.

[61] Hán: 心所依此別 此住此雜染此資糧此淨由此量立根. Skt. k. ii. 5: cittāśrayas tadvikalpaḥ, sthitiḥ saṃkleśa eṣa ca/ saṃbhāro vyavadānaṃ ca yāvantā, tāvad indriyam//

[62] maula-sattvadravya.

[63] Skt. tasya; Vyākhyā: tasya = tadāśrasya. Quang ký (tr. 58b08) , thử 此, chỉ sáu căn này.

[64] Hán, tụng ii. 6: 或流轉所依及生住受用建立前十四還滅後亦然. Skt. Kārikā ii. 6: pravṛtter āśrayotpattisthitipratyupabhogataḥ| caturdaśa tathā’nyāni nivṛtterindriyāṇi vā//

[65] Thích từ trong tụng văn; skt. .

[66] Quang ký (58b21): Đây là các luận sư thuộc chủ trương thức kiến thành lập các đặc tính của căn.

[67] Chánh lý (tr. 379c3): “Sự tiếp nối sanh tử, nói là lưu chuyển (pravṛtti). Sự chấm dứt sanh tử, nói là hoàn diệt (nivṛtti).” Tì-bà-sa (tr. 515b12): “Dẫn đến tái sanh, nói là lưu chuyển. Hướng đến Niết-bàn, nói là hoàn diệt”. Dẫn bởi Quang ký (tr. 58b22).

[68] Bốn nghĩa: sở y (āśraya), xuất sinh (utpatti), tồn tại (sthiti), và thọ dụng (upabhoga). 

[69] Thuận chánh lý (tr. 397c11): Đình chỉ sinh tửhoàn diệt; tức sáu xứ cuối cùng bị đoạn diệt. Sở y cho sự chứng đắc hoàn diệt này là năm căn, tín v.v. Chúng là nhân thù thắng để sinh trưởng tất cả thiện căn. Căn vô lậu đầu tiên làm phát sinh sự chứng đắc này. Căn vô lậu tiếp theo làm cho đắc này tồn tại. Căn vô lậu cuối khiến cho thọ dụng hiện pháp lạc trụ.

[70] Hán: dị tính 異性; Skt. anyatva, trạng thái biến đổi. Quang ký (tr. 58c20): tay, chân di chuyển từ chỗ này đến chỗ kia, nói là dị xứ (anyatra, vị trí khác); đưa lên, đưa xuống, co, duỗi, nói là dị tướng (anyathā, hình dạng biến đổi)

[71] Hán, tụng 7-8: 身不悅名苦即此悅名樂及三定心悅餘處此名喜心不悅名憂中捨二無別見修無學道依九立三根. Skt. duḥkhendriyam aśātā yā kāyikī vedanā sukham| śātā dhyāne tṛtīye tu caitasī sā sukhendriyam||7|| anyatra sā saumanasyaṁ aśātā caitasī punaḥ| daurmanasyamupekṣā tu madhyā ubhayī avikalpanāt||8|| dṛgbhāvanā’śaikṣapathe nava trīṇi …|

[72] Thích từ trong tụng văn Hán; skt. kāyikī vedanā: thân thọ; bản Hán, vì lý do âm tiết nên dịch lược từ thọ, cho nên cần giải thích như vậy. Vyākhyā: kāyikī iti mānasīnivṛttyartham, thuộc thân, loại trừ ý nghĩa thuộc ý.

[73] Đoạn thích từ này không có trong bản Skt. và Cđ. Vākhyā: tatra kāyā cakṣurādayaḥ pañca, paranāṇusañcaytvāt, trong đây, thân tức năm căn, gồm mắt, v.v., vì là tập hợp cực vi.

[74] Hán: bất duyệt 不悅, skt. aśāta, không vui sướng, không vui vẻ, không làm cho thích ý. Cđ. phi sở ái 非所愛, cái không được ưa thích. Bhāṣya: asātety upaghātikā, không sướng, tức tổn hại.

[75] Hán: nhiếp ích; skt. anugrāhika, cái giúp cho thuận lợi.

[76] Từ tĩnh lự thứ ba trở lên, cả năm thức không hoạt động, nên không có cảm thọ thuộc thân. Trong tĩnh lự này tuy chỉ có cảm thọ thuộc tâm, nhưng nó cũng được gọi là lạc. Vyākhyā: tṛtīye tu dhyāne prītivirāgatvāt sukhendriyam eva sā, na saumanasyendriyam, trong tam thiền, vì là trạng thái ly tham đối với hỷ, nên cảm thọ ở đây là lạc căn chứ không phải hỷ căn.

[77] Bhāṣya: kāmadhatau prathame dvitīye ca dhyāne, trong Dục giới, trong tĩnh lự thứ nhất và thứ hai.

[78] Hỷ, Skt. saumanasya; phân biệt với prīti, cũng được dịch là hỷ.

[79] Hán: ly hỷ tham; skt. prītivirāga, dứt trừ tham đắm hỷ. Kinh nói về tĩnh lự thứ ba (dẫn bởi Vyākhyā): prītivirāgād upekṣako viharati, do ly tham đối với hỷ, an trụ với xả.

[80] Hán: tâm bất duyệt, skt. aśātā caitasī.

[81] skt. daurmanasya-indriyam. Vyākhyā: upaghātikā caitasikī vedanā daurmanasyam, cảm giác không vui lòng, không vừa ý, thuộc tâm, gây tổn hại.

[82] Thích từ trong tụng văn; skt. madhya.

[83] Thích từ trong tụng văn, Hán: nhị: cả hai; skt. ubhayī.

[84] Thích từ trong tụng văn: vô biệt; skt. avikalpanāt. Vyākhyā: avikalpanāt iti/ abhinirūpanābhāvād ity arthaḥ, do không phân biệt, nghĩa là do không có kế độ phân biệt (phân biệt bằng cách định dạng). Xem phẩm i. k. 33.

[85] Vyākhyā: prāyeṇeti grahaṇaṃ samādhija-vipākajaprītisukhaparivarjanārtham, nói phần nhiều, mục đích loại trừ hỷ và lạc phát sinh do phân biệt và do dị thục.

[86] Hán: A-la-hán đẳng; Quang ký (60a12) : đẳng, chỉ ba quả trước A-la-hán. Skt. arhatām, biến cách sáu, số nhiều. Xem cht. dưới.

[87] Vyākhyā: prahīṇapriyāpriyakalpānām apy arhatām viṣayavaśenaiva kāyikasukhaduḥkhotpādāt, bởi vì, đối các A-la-hán cũng vậy, vốn đã loại trừ sự phân biệt cái gì đáng yêu và cái gì không đáng yêu, sự phát sinh của khổ lạc chính do bởi ảnh hưởng của đối tượng.

[88] Hán: thử. Quang ký (60a20) : chỉ khổ và lạc. Skt. tayoḥ, Vyākhyā: kāyikacaitasikayoḥ sukhayoḥ, duḥkhayoś ca indriyatvena bhedaḥ, khi được lập làm căn, có sự khác biệt của lạc thuộc thân (gọi là lạc căn, sukhendriya) với lạc thuộc tâm (gọi là hỷ căn, saumanasyendriya), và có sự khác biệt của khổ thuộc thân (khổ căn, duḥkhendriya) với khổ thuộc tâm (ưu căn, daurmansyendriya).

[89] Skt. avikalpayataḥ. Vyākhyā: avikalpayataḥ = anabhirūpayataḥ, không phân biệt tức không có kế độ phân biệt; hàm nghĩa không có sự cấu trúc bằng khả năng định dạng của thức. Quang ký (tr. 60a21) hiểu phân biệt ở đây có nghĩa là dị biệt.

[90] Ba đạo: kiến đạo (darśanamārga), tu đạo (bhāvanamārga), vô học đạo (akṣaiṣamārga).

[91] Hán: hành chuyển; skt. pravittaḥ. Vyākhyā: pravṛttaḥ: ājñāsyāmīti prārabdhaḥ, khởi sự (hoạt động, Hán: hành chuyển), nghĩa là, có ý đồ (hoạt động) rằng “tôi sẽ biết”.

[92] Vyākhyā: anājñātaṃ satyacatuṣṭayam, cái chưa biết, tức bốn Thánh đế. Quang ký (tr. 60a26): trong kiến đạo, với 15 sát-na, 8 nhẫn và 7 trí hoạt động để biết những điều chưa được biết là tám Thánh đế bao gồm thượng giớihạ giới. Hành này được gọi là vị tri đương tri.

[93] anājñātamājñāsyāmīndriya, Vyākhyā: aluksamāsaḥ, hợp từ không tĩnh lược, tức hợp từ y chủ (tatpuruṣa) trong đó đuôi biến cách của danh từ và đuôi biến hóa của động từ giữ nguyên không bị lược bỏ. Pāṇini 6.3.14.

[94] Hán: phục sác liễu tri: ājānati. xem cht. dưới.

[95] Cảnh, đối tượng ở đây chỉ bốn Thánh đế.

[96] Skt. ājña, Cđ. tri 知; Ht, dĩ tri 已知, không hàm ý quá khứ. Do động từ ā-jñā: ājānati, nó nhận thức, nó tri giác; Ht. sác liễu tri: thường xuyên nhận thức, nhận thức lặp lại nhiều lần.

[97] Bhāṣya: ājñātam ity avagama ājñātāvaḥ, sự nhận thức rằng “đây là cái đã được biết”, sự nhận thức ấy được gọi ājñātāva. Theo định nghĩa này, hậu tố āva trong ājñātāva đồng nghĩa với avagama: nhận thức, lãnh hội.

[98] Skt. ājñātvāvin (< ājñātāva), Cđ. tri dĩ, Ht. cụ tri.

[99] Bhāṣya: ājñātam avituṃ śīlam asyeti vā, cái có tập tính thủ hộ điều đã được biết này. Cđ. “vì nó thủ hộ cái đã được biết, cho nên nói là tri hộ (ājñātāva).” Theo định nghĩa này, hậu tố āva do động từ av: avati, nó thúc đẩy, xúc tiến, thủ hộ. Cf. Thuận chánh lý (): tập tri thành tánh cố, hoặc năng hộ tri cố.

[100] Skt. parijñātam, được nhận thức một cách toàn diện; đồng nghĩa với đoạn.

[101] Cf. Quang ký (60b29): “Ta đã biến tri khổ”, đó tận trí (kṣayajñāna). “Không còn gì để biến tri nữa”, đây là vô sanh trí (anutpādijñāna). “Ta đã đoạn tập”, đây là tận trí. “Không còn tập để đoạn nữa”, đây là vô sanh trí. “Ta đã chứng diệt”, đây là tận trí. “Không còn diệt để chứng nữa”, đây là vô sanh trí. “Ta đã tu đạo”, đây là tận trí. “Không còn đạo để tu nữa”, đây là vô sanh trí.”

[102] Cđ.: “Căn mà vị ấy sở đắc trong giai đoạn này được gọi là căn biết cái đã biết (dĩ tri tri căn已知[06]知根), hoặc căn thủ hộ cái đã biết (dĩ tri hộ căn已知護根).”

[103] Hán, tụng ii. 9: 唯無漏後三有色命憂苦當知唯有漏通二餘九根. Skt. k. ii. 9: … amalaṁ trayam| dṛgbhāvanā’śaikṣapathe nava trīṇi amalaṁ trayam| rūpīṇi jīvitaṁ duḥkhe sāsravāṇi dvidhā nava||

[104] Vô cấu, thích từ trong tụng văn theo bản Skt. amalam trayam, vô cấu, có ba căn. Bhāṣya: anāsram ity arthaḥ, malānām āsravaparyāyatvā, từ vô cấu trong tụng văn Skt. có nghĩa là vô lậu, vì cấu và lậu là hai từ đồng nghĩa.

[105] Hán: hữu sắc căn, skt. rūpīṇi (indriyāni), những căn thuộc sắc pháp.

[106] Cf. Quang ký (60c21): đây nêu thuyết của Hóa địa bộ, tức là Tì-bà-sa-bà-đề (skt. vibhāṣāvādī). Cf. Tì-bà-sa 2 (tr. 7c3): “Phân biệt luận giả (Vibhajyavādin) chủ trương năm căn gồm tín v.v. duy chỉ thuộc vô lậu.” Cf. Pāli, Kathāvatthu, xix. 8, sớ giải: tín thuộc thế gian, chỉ gọi là tín mà không nói là tín căn (tattha lokiyā saddhā saddhā eva nāma, na saddhindriyaṃ.), …. Đây là quan điểm của Thuyết nhân bộ (Hetuvāda) và Hóa địa bộ (Mahisāsaka).

[107] Dẫn bởi Tì-bà-sa 2, tr. 8b1. Cf. Pāli, S. v. 202: yassa kho, bhikkhave, imāni pañcindriyāni sabbena sabbaṃ sabbathā sabbaṃ natthi, tam ahaṃ bāhiro puthujanapakkhe ṭhito’ti vadāmi.

[108] Dẫn bởi Tì-bà-sa 2, tr. 7c6: “Nếu ai với năm căn cực kỳ mãnh lợi, tu tập thường xuyên cho đến bình đẳng viên mãn, vị ấy thành A-la-hán, dứt sạch các lậu. Từ đó giảm xuống một bực, thành Bất hoàn. Thứ đến, giảm thêm một bực nữa, thành Nhất lai. Thứ nữa, giảm thành Dự lưu. Nếu hoàn toàn không có năm căn này, gồm tín v.v., Ta nói đó thuộc phẩm loại dị sanh, đứng ở bên ngoài.” Skt., dẫn bởi Vyākhyā: pañcemāni bhikṣava indriyāṇi/ katamāni pañca/ śraddhendriyaṃ yāvat prajñendriyam/ eṣāṃ pañcānām indriyāṇāṃ tīkṣṇatvāt paripūrṇatvād arhan bhavati/ tatas tanutarair mṛdutarair anāgāmī bhavati/ tatas tanutarair mṛdutaraiḥ sakṛdāgāmī/ tatas tanutarair mṛdutaraiḥ srotaāpannaḥ/tato’pi tanutarair mṛdutarair dharmānusārī/ tatas tanutarair mṛdutaraiḥ śraddhānusārī/ iti hi bhikṣava indriyapāramitāṃ pratītya phalapāramitā prajñāyate/ phalapāramitāṃ pratītya pudgalapāramitṃ prajñāyate/ yasyemāni pañcendriyāṇi sarveṇa sarvāṇi na santi tam ahaṃ bāhyaṃ pṛthagjanapakṣāvasthitaṃ vadāmi/ Xem thêm, Thức thân 1, T.1539 tr. 535c01.

[109] Lời của Phạm thiên bạch Phật, Bhāṣya: santi, bhadanta, sattvā loke jātā loke vṛddhās tīkṣṇendriyā api madhyendriyā api mṛdvindriyā api ity apravartita eva svadharmacakre. Đoạn kinh Phạm thiên thỉnh Phật chuyển Pháp luân, dẫn bởi Vyākhyā. Cf. Pāli, Mahāpadānasutta, D. ii. 38; Ariyapariyesanāsutta, M. i.169.

[110] Dẫn bởi Tì-bà-sa 2, tr. 7c14.

[111] Hán, tụng ii. 10命唯是異熟憂及後八非色意餘四受一一皆通二. Skt.: vipāko jīvitaṁ dvedhā dvādaśa antyāṣṭakādṛte| daurmanasyācca …||10|| Dị thụcmạng căn. 12 căn, tức trừ thêm 8 căn sau cùng và trừ ưu, thông cả hai.

[112] Hán: 諸阿羅漢留多壽行; Skt. arhan bhikṣur āyuhsamskārān sthāpayati: một vị tỳ kheo A-la-hán đình trú/ dừng lại các thọ hành.

[113] Phát trí 12 (tr. 981a12). Xem thêm, Tì-bà-sa 126, tr. 656a8.

[114] Quang ký: thành tựu thần thông, chỉ A-la-hán câu phần giải thoát (ubhayabhāgavimukta)

[115] Skt. cetovaśitva. Vyākhyā: cetovaśitvaṃ prāpta iti asamayavimuktaḥ, đạt đến trạng thái tự tại của tâm, chỉ cho vị A-la-hán bất thời giải thoát. Quang ký: đắc tâm tự tại, chỉ A-la-hán thuộc hạng bất động chủng tánh (akopyadharman), loại trừ trường hợp thời giải thoát.

[116] Hán: biệt nhơn 別人; Skt. pudgalāya. Quang ký (tr.61b06) giải thích, biệt nhơn ở đây chỉ cho những vị vừa xuất từ từ tâm định, vô tránh định, diệt tận định, kiến đạo, tu đạo.

[117]Hán: 諸命緣衣鉢等物隨分; Skt. pātraṃ vā cīvaraṃ vā anyatamānyatamaṃ vā śrāmaṇakaṃ jīvitapariṣkāram vā.

[118] Hán: biên tế tĩnh lự, hay cực biên tế tĩnh lự; Skt. prāntakoṭikaṃ dhyānṃ. Xem, ch. vii. k. 41. Quang ký (tr. 61b6) giải thích, các định thuộc thượng phẩm gọi là định biên tế.

[119] Hán: phú dị thục 富異熟; Skt. bhogavipāka: quả báo hưởng thụ.

[120] Hán: thọ dị thục 壽異熟; Skt. āyurvipāka.

[121] Hán: tàn dị thục quả 殘異熟果: quả dị thục của nghiệp trong các đời trước còn dư lại; Skt. vipākoccheṣa. Vyākhyā: vipākoccheṣaṃ vipacyata iti/ akālamaraṇenāparisamāpta-phalasya tyaktasya janmāntarakarmaṇo bhāvanābalena vipākoccheṣam ākṛṣya pratisaṃvedayate/ dị thục tàn dư của nghiệp đời trước bị xả bỏ khi quả chưa hoàn tất do bởi tử vong phi thời; do lực của tu định, dị thục tàn dư ấy được dẫn trở lại và được cảm thọ hiện tại. Cf. Tì-bà-sa 126, tr. 657a16.

[122] Tham chiếu Tì-bà-sa 126, tr. 657a27, 657c23.

[123] Quang ký (62c25): chủ trương của Kinh bộ. Thế Thân chấp nhận quan điểm này.

[124] Hán: trụ thời thế phần 住時勢分; skt. sthitikālāvedha.

[125] Bhāṣya: pūrvakarmajaṃ sthitikālāvedham indriyamahābhūtānāṃ vyāvarttayanti, chuyển thế lực thời gian tồn tại của các đại chủng chứ không phải chuyển các đại chủng. Thế lực này, chứ không phải các đại chủng, được sản sinh từ nghiệp quá khứ.

[126] Skt., dẫn bởi Bhāṣya: sucīrṇe brahmacarye’smin mārge caiva subhāvati/ tuṣṭa āyuḥkṣayāt bhavati rogasyāpagame yathā// Dẫn bởi Tì-bà-sa 126 (tr. 656c17).

[127] Trừ bắc Câu-lô châu.

[128] Hán: bất thời giải thoát; Skt. asamaya-vimukta. Huyền Trang (quyển 25, tr. 129a24) giải thích, bất thời giải thoátgiải thoát mà không cần chờ đợi thời gian. Nghĩa là muốn giải thoát thì liền nhập định bất cứ lúc nào mà không cần chờ đợi điều kiện tốt hay thời gian thích hợp. Còn gọi là bất động tâm giải thoát (akopyā cetovimuktiḥ), là tâm không còn bị lay động hay thối pháp.

[129] Văn pháp theo lối giảm trừ lần lượt: 1. trong 4 châu, trừ bắc châu; 2. trong ba châu còn lại, duy chỉ loài người; 3. trong loài người duy chỉ nam hoặc nữ, loại trừ phiến-để-ca các thứ; 4. trong nam hoặc nữ, chỉ hạng thuộc nhóm bất thời giải thoát; 5. trong các hạng bất thời giải thoát, chỉ vị đã đắc biên tế định; 6. trong các vị đắc biên tế định, duy chỉ các A-la-hán mới có thể lưu hoặc xả thọ hành.

[130] Bhāṣya: kleśaiś cānupastabdhā santatiḥ, “chuỗi tương tục (thân của vị ấy) không bị cố định bởi các phiền não.” Vyākhyā: dṛṣṭiprāptasya yad api samādhau vaśitvam asti, na nu tasya kleśair anupastabdhā santatiḥ, một vị kiến đạo cũng đạt được tự tại trong định, nhưng tương tục của vị ấy không phải là không bị cố định bởi các phiền não.

[131] Bhāṣya: bhagavān jīvitasaṃskārān adhiṣṭhāyāyuḥsaṃskārān utsṛṭavān. Cf. Mahāparinibbāna-sutta, D. ii. 99: atha kho bhagavā taṃ ābādhaṃ vīriyena paṭipaṇāmetvā jīvitasaṅkhāraṃ adhiṭṭhāya vihāsi, “bấy giờ đức Thế Tôn bằng nghị lực tinh tấn trừ khử cơn bịnh ấy, và sau khi bảo lưu mạng hành, Ngài an trú.” ibid. 106: atha kho bhagavā cāpāle cetiye sato sampajāno āyusaṅkhāraṃ ossaji, bấy giờ đức Thế Tôn tại miếu Cāpāla, với chánh niệm, chánh tri, xả thọ hành. Cf. Tì-bà-sa 126 (tr.657b6).

[132] Đại Tì-bà-sa 126 (tr. 657c11-25): liệt kê 14 quan điểm phân biệt thọ và mạng hành.

[133] Skt., dẫn bởi Bhāṣya: jīvitendriyaṃ katamat? traidhātukam āyuḥ.Cf. Chúng sự phần a-tì-đàm 1 (tr. 628c19); Phẩm loại túc luận 8 (tr. 723a29).

[134] Hán: đa ngôn多言, thích từ đa trong tụng văn, tương đương đuôi biến cách số nhiều của từ skt. Skt. bahuvacanam: chỉ số nhiều của mạng hành và thọ hành trong các từ skt. jīvitasaṅskārān, āyuḥsaṅskārān.

[135] Cf. op. cit., tr. 657c26.

[136] kālāntarasthāvaram ekam āyurdravyam, một thật thể là thọ tồn tại từ thời này sang đến thời khác. Quang ký (63b10): giải đáp của Kinh bộ, bác bỏ Chánh lượng bộ.

[137] Quang ký (63b10): theo giải thích của Kinh bộ, từ số nhiều là bằng chứng bác bỏ chủ trương của Hữu bộ. Chủ trương của Kinh bộ, mạng và thọ không có thật thể.

[138] Hán: sở há sự; Skt. vineyakārya.

[139] Bhāṣya: evam bhāvitair ahaṃ caturbhir ṛddhipādair ākāṅkṣan kalpam api tiṣṭheyam, kalpāvaśeṣam api. Cf. Mahāparinibbāna-sutta, D.ii. 103: yassa kassaci, ānanda, cattāro iddhipādā bhāvitā bahulīkatā, yānīkatā vatthukatā anuṭṭhitā paricitā susamāraddhā, so ākaṅkhamāno kappaṃ vā tiṭṭheyya kappāvasesaṃ vā, “Này A-nan, nếu ai tu tập, tu tập nhiều, bốn như ý túc, thực hành, tích luỹ hoàn hảo, làm thành như cỗ xe, làm thành căn cứ sở y, vị ấy nếu muốn có thể tồn tại một kiếp hay hơn một kiếp.”

[140] Sở trưởng dưỡng, aupacayika, xem chương i tụng 38.

[141] Trả lời của Tì-bà-sa. Thuận 順, từ Hán Ht. thường dùng để dịch đuôi tính từ –īya, mà Bhāṣya giải thích là hàm nghĩa liên hệ (saṃprayoga). Vyākhyā: daurmanasyaṃ vedanīyaṃ asminn iti daurmanasyavedanīyaṃ karma, nghiệp mà trong đó ưu phải được cảm thọ,hay nghiệp dẫn đến cảm thọ ưu, được nói là nghiệp thuận ưu thọ.

[142] Nạn vấn nêu bởi Luận chủ: Nếu ưu được nói trong đoạn Kinh này là phi dị thục, thì hỷ và xả được nói trong đó cũng phải là phi dị thục.

[143] Giải thích của Tì-bà-sa.

[144] Đuôi tính từ –īya, hàm nghĩa dị thục, hay hàm nghĩa tương ưng, đều được cả.

[145] Ý kiến của Kinh bộ.

[146] Giải thích của Tì-bà-sa. Quang ký: “Nhiều sự không như ý, nên gọi là sai biệt. Ưu căn duyên vào sự sai biệt này mà phát sinh.” Giải thíchthể không chính xác. Skt. parikalpaviśeṣa, phân biệt sai biệt, ở đây chỉ hoạt động nhận thức trong những phán đoán cá biệt, phân biệt cá biệt. Vyākhyā: parikalpaviśeṣair iṣṭacintanibhir, phân biệt sai biệt, hay phân biệt cá biệt, đồng nghĩa với tư duy về khả ái hay không khả ái.

[147] Bhāṣya: tatkarma vipakvaṃ syād. Nghiệp vô gián thuộc loại thuận sinh thọ (upapadyavedanīya), nhưng người tạo nghiệp, như A-xà-thế có thể có hối hận (kaukṛtya) sau khi đã gây nghiệp.

[148] Vyākhyā: na hi cakṣurādiko vipākabhūto vītarāgādīnāṃ vyāvartate, daurmanasyaṃ tu vyāvartate/ thật vậy, đối với những vị đã ly nhiễm, con mắt v.v., vốn thuộc loại dị thục, không bị loại trừ, nhưng ưu thì bị loại trừ. Dẫn kinh: avītarāgasya dviśalyā vedanoktā –kāyikaṃ duḥkhaṃ pratisaṃvedayate, caitasikaṃ ca daurmanasya iti/ vacanād vītarāgasya ca ekaśalyā kāyim eva duḥkhaṃ pratisaṃvedayata iti, đối với vị chưa ly nhiễm, có hai loại cảm thọ được nói là gai nhọn: cảm thọ khổ thuộc thân, và cảm thọ ưu thuộc tâm. Đối với vị đã ly dục, chỉ có một loại gai nhọn, cảm thọ khổ thuộc thân.

[149] Cf. Cđ. 諸離欲人亦無無記喜根。
<lb n=”0175b27″/>若爾果報有何相。Đối với những vị đã ly dục, không có hỷ căn thuộc vô ký. Nếu vậy, quả báo (dị thục) có tính chất gì (vô ký hay hữu ký)? Bhāṣya: saumanasyam apy eṣām avyākṛtam kīdṛśaṃ vipākaḥ syād/ Nếu vậy, hỷ căn của những vị đã ly nhiễm hẳn phải là vô ký, thế thì dị thụctính chất gì? Vyākhyā: samāpattisaṃgṛhītaṃ teṣāṃ saumanasyaṃ sambhavati, tac ca kuśalatvān na vipākaḥ, ato vaktavyam – kīdṛśaṃ teṣāṃ saumanasyaṃ vipāka iti/ Hỷ của những vị ấy phát sinh do trạng thái nhập định; hỷ này là thiện, do đó nó không phải là dị thục. Vì vậy, cần phái nói, hỷ của những vị ấy mà là dị thục, thì nó thuộc tính chất gì?

[150] yādṛśaṃ tādṛśam astu. Cđ. 隨其相若有宿業應位。Bất kể thuộc tính chất gì, nghiệp quá khứ có mặt thích ứng với giai vị này. Vyākhya: aparichadyamānam api tad asty eveti, vị đã ly nhiễm có hỷ căn, bất kể tính chất của hỷ căn ấy là gì, dị thục hay phi dị thục.

[151] Bhāṣya: sati tu sambhave saumanasyasyāsti vipākāvipākaśaḥ, na daurmanasya/ Cđ. 雖
<lb n=”0175b28″/>復如此。喜根可有殘果報。憂根則無。Mặc dù vậy, hỷ căn có thể có tàn quả báo (tàn dị thục), nhưng ưu căn thì không.

[152] sarvathā’py asamudācārād, tuyệt đối (toàn bộ) không hiện hành; Vyākhyā: samāpattyavasthāyām api, asamāpattyavasthāyām api, dù trong trạng thái chánh thọ (nhập định), hay trong trạng thái phi chánh thọ.

[153] Bhāṣya kết luận: quan điểm của Tì-bà-sa, không có ưu nào là dị thục (nāsty evaṃ daurmanasyaṃ vipāka iti).

[154] 八根 bát căn: gồm bảy sắc căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, nam, nữ, và mạng căn.

[155] Thiện dị thục: kết quả của nghiệp thiện. Ác dị thục, kết quả của nghiệp bất thiện.

[156] Hán: hữu dị thục 有異熟, skt. savipāka: cái có dị thục. Phân biệt ý nghĩa dị thục (vipāka) và hữu dị thục (savipāka). Tì-bà-sa 51, tr. 264a: “Cái mà cùng tồn tại với dị thục của riêng nó, cái đó được nói là hữu dị thục… Như nghiệp được gây ra đã trải qua trăm ức kiếp bấy giờ dị thục mới xuất hiện. Tuy cách nhau xa xôi nhưng nghiệp nhân trước kia được gọi là hữu dị thục – cái có dị thục.”

[157] Hán: 憂定有異熟前八後三無意餘受信等一一皆通二. Skt.: … tat tv ekaṁ savipākaṁ daśa dvidhā ||10|| mano’nyavittiśraddhādīni … (11a): Nhưng, nó (ưu căn) duy nhấthữu dị thục. Ý, các thọ còn lại (bốn thọ) và năm căn tín v.v., 10 căn này thông cả hai.

[158] Giải thích từ định 定trong bài tụng Hán. Skt. tu (tuy nhiên), Bhāṣya: tuśabda evakārārtho bhinnakramaś ca, từ tu, có nghĩa là duy chỉ và vượt thứ tự. Quang ký: Nói “duy chỉ”, vì ưu căn duy chỉ hữu dị thục. Nói “vượt hạn”, vì vượt thứ tự 22 căn mà đề cập ưu căn trước nhất.

[159] Hán; cường tư. Vyākhyā: vikalpaviśeṣotpādyatvān na tad avyākṛtam, nó không phải là vô ký, vì phát sinh do trường hợp cá biệt của phân biệt.

[160] asamāhitatvācca, do trạng thái phi đẳng đẫn (không tập trung định). Vyākhyā: avyākṛtaṃ hi pūtibījavan na vipākadānāya samartham/ anāsravaṃ tu tṛṣṇānabhiṣyanditatvān nālaṃ vipākadānāya, anābhiṣyanditasārabījavat/ vô ký thì không thể cho ra dị thục như hạt giống hư mục. Vô lậu cũng không thích hợp để cho ra dị thục, vì không được tẩm ướt bởi ái, như hạt giống không được tẩm ướt.

[161] Bhāṣya không có đoạn giải thích như bản Hán, nhưng kết luận: ato nāsty avipākaṃ daurmanasyam/ vì vậy, ưu không phải là vô dị thục.

[162] Giải thích câu tụng thứ hai.

[163] Giải thích từ đẳng 等 trong bài tụng Hán. Skt. ādi.

[164] Ý căn, bốn thọ căn (khổ, lạc, hỷ, xã), năm căn (tín, tấn, niệm định, huệ).

[165] Hán: 唯善後八根憂通善不善意餘受三種前八唯無記 //12/ Skt.: … aṣṭakaṁ kuśalaṁ dvidhā| daurmanasyaṁ mano’nyā ca vittis tredhā anyad ekadhā||11|Tám thiện; ưu thông cả hai; ý, các thọ còn lại (trừ ưu): thông cả ba. Số căn còn lại, duy chỉ một.

[166] Hán: nhất hướng; skt. ekāntena, một mực, một mạch.

[167] Skt. jīvitāṣṭamam cakṣurādi.

[168] Hán: 欲色無色繫如次除後三兼女男憂苦并餘色喜樂 //13/ Skt.: kāmāptam amalaṁ hitvā rūpāptaṁ strīpumindriye| duḥkhe ca hitvā ārūpyāptaṁ sukhe cāpohya rūpi ca||12||

[169] Bất hệ; skt. apratisaṃyukta, không liên hệ, không tương ưng. Giải thích từ hệ (skt. āpta: được đạt đến, hệ thuộc) trong các từ Dục hệ, hay Dục giới hệ (kāmāpta), v.v. Vyākhyā: adhātupatitam evety arthaḥ, nó có nghĩa là không hệ thuộc vào giới hệ.

[170] Thuận chánh lý (tr. 381b27) bác bỏ: “Âm tàng ẩn mật thì không có gì xấu xí.”

[171] Cf. Tăng nhất 38 (tr. 757c24): nữ có 5 chướng ngại: không thể làm vua Chuyển luân, Đế Thích, Phạm thiên vương, Ma vương và Phật. Cf. Bahudhātuka (M.iii.65): … anavakāso yaṃ itthī arahaṃ assa sammāsbuddho, netaṃ ṭhānaṃ vijjatīti ….rājā assa cakkavattī, … sakkattaṃ kareyya, … mārattaṃ kareyya, .. brahmattaṃ kareyya.., cơ hội này không xảy ra, người nữ thành vị A-la-hán Đẳng chánh giác; trường hợp này không xảy ra; … vua Chuyển luân, làm Sakka, làm Ma vương, làm Brahman …

[172] Trong Sắc giới hệ.

[173] Hán: tịnh diệu; skt. accha: không bị che tối, u tối; trong suốt (như thuỷ tinh)

[174] Hán: não hại sự; Skt . āghātavastu: không có vật thể hay nguyên nhân kích động, gây tổn hại

[175] Hán意三受通三憂見修所斷九唯修所斷五修非三非 //14/ Skt. manovittitrayaṁ tredhā dviheyā durmanaskatā| nava bhavanayā pañca tvaheyānyapi na trayam||13||

[176] Hán: lục sanh; skt. ṣaṣṭhaja.

[177] Skt. kā 14ab: kāmeṣv ādau vipākau dve labhyete nopapādukaiḥ/ trong Dục giới, tối sơ sở đắc hai dị thục, không có hóa sanh. Bhāṣya: do loại trừ hoas sanh, nên biết còn lại với noãn, thai và thấp sanh.

[178] Hán & Skt .

[179] Hán: tục sanh, hay kết sanh, Skt . pratisaṃdhi.

[180] Vyākhyā, dẫn iii. 38: upapattibhavaḥ kliṣṭaḥ sarvakleśaiḥ svabhūmikaiḥ/ sanh hữu bị nhiễm ô bởi tất cả phiền não thuộc giới địa riêng biệt. Quang ký: Ý và xả, trong giai đoạn tục sanh, tất nhiên có mặt, nhưng vì là nhiễm ô nên không phải là dị thục.

[181] Giải thích câu ba, tụng Hán. Skt. kā 14c: taiḥ ṣaḍ vā sapta vā aṣṭau vā, với ba, sáu hay bảy hoặc tám.

[182] Vô hình, hay vô căn, chỉ hàng không tính phái (không có cả nam và nữ căn); skt. avyañjana.

[183] Hán: kiếp sơ (kalpāgra): Ban đầu thành lập thế giới hữu tình. Skt. prāthamakalpikāḥ; Vyākhyā: yugādyutpannāḥ prāgāsan rūpivat sattvāḥ, các chúng sanh sanh trong thời thế giới tối sơ thành lập đều là những chúng sanh có sắc (từ Sắc giới đến).

[184] Một hình, một căn, hoặc nữ hoặc nam. skt. ekavyañjana.

[185] Skt. devādiṣu, Vyākhyā: ādiśabdena nārakādayo’pi gṛhyante, từ ādi (vân vân) bao hàm luôn cả địa ngục các thứ.

[186] Skt. śāntā vimokṣā; dẫn bởi Bhāṣya: ye ‘pi te śāntā vimokṣā atikrammya rūpaṇi ārūpyāḥ. Cf. Pāli, Skt. ii. 123 (Susimasutta): ye te santā vimokkhā atikkamma rūpe āruppā, te kāyena phusitvā viharathā”ti? no hetaṃ, āvuso. Những vị mà, sau khi vượt qua các sắc, đạt được tịch tĩnh giải thoát trong vô sắc; những vị ấy có an trú sau khi có lạc xúc bởi thân? Không, thưa hiền giả. Sớ giải: santā vimokkhāti aṅgasantatāya ceva ārammaṇasantatāya ca santā āruppavimokkhā. Tịch tĩnh giải thoát: giải thoát vô sắc với sự tịch tĩnh của chi và tịch tĩnh của sở duyên. Tham chiếu, Tạp A-hàm 12, T02, tr. 97a17. Dẫn bởi Tì-bà-sa 75, T27, tr. 389b26.

[187] Giải thích phần cuối câu tụng thứ tư. Skt. ekam uttare.

[188] Vyākhyā: yasmāt pūrvaṃ rūpasamāpattiḥ paścād ārūpyasamāpatti, tasmād rūpadhātur uttara ārūpyadhātuḥ, vì sắc định (sắc đẳng chí) trước rồi sau đó là vô sắc định, cho nên vô sắc giớitrên sắc giới.

[189] Vyākhyā: yasmāc copapattitaḥ pradhānataro rūpadhātor ārūpyadhātuḥ, bahūni kalpasahasrāṇi, tatrātipraśānto vipāko bhavati, ato’py asāv uttaraḥ, na tūpapattideśataḥ, vì vô sắc giới vợt trội hơn sắc giới về mặt thọ sanh, ở đây có dị thục cực kỳ tịch tĩnh, trải qua nhiều số kiếp, do đó nó cũng vượt trội hơn sắc giới; chứ không phải do phương vực thọ sanh.

[190] Thích từ trong văn tụng, Hán: thượng. Skt. uttare: tối thượng.

[191] Hán & Skt.

[192] Skt. uparaman ( pthicđ của động từ ram, cách 1, ít): chết.

[193] Skt. samagrendriyāḥ: các căn đầy đủ/ hoàn chỉnh.

[194] Skt. sakṛn-maraṇa: cái chết nhanh chóng/ tức thì.

[195] Skt. kramamṛtyoḥ (cách 6, ít , mṛtyu) : chết từ từ.

[196] Skt. na hi eṣām pṛthagnirodhah: những căn này có sự diệt không khác nhau. Hán: thử tứ tất vô tiền hậu diệt nghĩa.

[197] Skt. kliṣa- avyākṛta-cittasya (cách 6, ít).

[198] Hán & Skt.

[199] Thích từ trong kệ tụng. Skt . antya: cực biên.

[200] Skt. srota-āpattiphalam arhattvam ca. Vyākhyā giải thích thêm: yathā daṇḍasya dvau antau bhavataḥ, evaṃ paṃkti-avasthitaanāṃ caturṇāṃ phalānāṃ srota-āpattiphalaṃ, arhattvaphalaṃ ca ante bhavataḥ: như cây gậy có hai đầu, 4 thánh quả cũng vậy có hai quả biên là Tu đà hoàn và Alahán.

[201] Thích từ trong kệ tụng. Skt. madhye: ở giữa, chỉ cho hai quả Tư đa hàm (sakṛdāgāmiphalaṃ) và A na hàm (anāgāmiphalaṃ).

[202] Quang ký (67b03): sơ hướng và sở quả y trên vị chí địa (=định, anāgamya-dhyāna) mà chứng đắc, nên duy chỉ có xả thọ.

[203] Skt. ānantaryamārge. Xem đoạn sau, ch. vi, bản Hán quyển 25, tr. 132a08.

[204] Skt. vimukti-màrga. Hán: giải thoát đạo 解脫道. Xem đoạn sau, ch. vi, bản Hán quyển 25, tr. 132a08.

[205]Skṭ  āvāhakatva. Hán: dẫn nhân 引因. Quang ký (67b03):: “Dẫn nhân, tức đồng loại nhân. Vì nó dẫn đến chứng đắc ly hệ, sản sinh quả đẳng lưu và sĩ dụng. 

[206] Skt . sanniśrayatva. Hán: y nhân 依因: Quang ký (67b03): 因謂能作因。依者持也。同時能持離繫 得故。名曰依因 Y nhân, đây là năng tác nhân. Y, nghĩa là trì. Vì nó đồng thời duy trì sự chứng đắc ly hệ.

[207] Skt . visaṃyoga-prāpteḥ. Li heä( visaṃyoga), xem ch. i. tụng 6a-b.

[208] Trong cả 9 địa đều có thể chứng A-la-hán; trong ba thọ, tùy theo cảm thọ tương ứng trong mỗi địa.

[209] Hán: thứ đệ; Skt : ānupūrvīkaḥ, vị chứng quả Nhất lai theo thứ tự, lần lượt từ quả Dự lưu.

[210] Hán: thế gian đạo 世間道. Skt. laukika mārga, cũng nói là hữu lậu đạo; y trên định hữu lậu mà trấn áp các tùy miên, tu tập bằng 6 hành tướng. Căn cứ địa dưới với 3 hành tướng thô, khổ, chướng, mà quán địa trên với 3 hành tướng tĩnh, diệu, ly.

[211] Hán: y xuất thế đạo 依出世道. Skṭ lokottara mārga, cũng nói là vô lậu đạo, y trên định vô lậu, do hiện quán Thánh đế mà doạn trừ các tùy miên.

[212] Bội ly tham siêu việt chứng, skt. bhūyovītarāgaḥ prāpnoti, trong giai đoạn phàm phu, bằng hữu lậu đạo, vị ấy đã trấn áp 6 phẩm tham thuộc dục giới; khi vào giai đoạn Thánh đế hiện quán, cùng lúc đoạn trừ cả 6 phẩm dục tham, gọi là bội ly tham, chứng quả Nhất lai mà không ngang qua quả Dự lưu, nên gọi là siêu việt chứng. Xem ch. vi, tụng 29c-d.

[213] Bảy căn: ý, xả (y vị chí định), và năm căn, tín…

[214] Đoạn trừ toàn bộ 9 phẩm tham thuộc Dục giới chứng đắc Bất hoàn, bằng hữu lậu đạovô lậu đạo, như trong trường hợp đắc quả Nhất lai nói trên.

[215] Bhāṣya: atham tu viśeṣaḥ sukha-saumanasya-upakṣendriyāṇām anyatamam bhavati niśrayaviśeṣāt. Vyākhyā: yadi tṛtīyaṃ dhyānaṃ niśritya niāamam avakāamati, sukhendriyam tatra bhavati/ atha prathamadvitiiye dhyāne niśritya saumanasyendriyam tatra bhavati / atha anāgamyadhyāna-anantara-caturtha-dhyānām anyatamam niśritya, upekṣendriyam tatra bhavati. Y trên tĩnh lự thứ ba mà chứng nhập, ở đây là lạc căn; y trên hai tĩnh lự đầu, ở đây là hỷ căn; y trên vị chí, trung gian và đệ tứ tĩnh lự, ở đây là xả căn.

[216] Quả Nhất lai bằng siêu việt chứng, y trên vị chí định.

[217] Căn bản địa, chỉ sơ thiền.

[218] Như trên, thêm hỷ căn, y trên sơ hay nhị thiền.

[219] Vô gián đạo thứ chín trong vị chí định, tương ưng xả thọ.

[220] Giai thoát đạo thứ nhất y trên sơ hay nhị thiền, tương ưng hỷ thọ.

[221] Quang ký (67c01): nếu không nhập căn bản định, do tám căn đắc; nếu nhập căn bản, do chín căn.

[222] Phát trí 15, tr. 994b26: do 9 căn đắc quả Dự lưu. Đắc quả Nhất lai, với vị bội ly dục nhiễm nhập chánh tánh ly sinh, do 9 căn; với vị đắc quả Nhất lai từ quả Dự lưu, y thế tục đạo, do 7 căn; y vô lậu đạo, do 8 căn. Đắc quả Bất hoàn, với vị đã ly dục nhiễm nhập chánh tánh ly sanh, do 9 căn; nếu từ quả Nhất lai, y thế tục đạo do 7 căn, y vô lậu đạo do 8. Đắc quả A-la-hán, do 11 căn.

[223] Đắc (prāpti) và thành tựu (samanvāgata), xem đoạn sau, tụng 36. Cf. Phát trí 6, tr. 946c29; Tì-bà-sa 90, tr. 463b10.

[224] Hán & Skt.

[225] Cđ.: “Ba căn này quan hệ lẫn nhau, không hề tách rời nhau.” Quang ký (68b16): Vì ba căn này phổ biến trong cả chín địa; tất cả hữu tình đều có đủ, không thể khuyết một.

[226] Giai đoạn đầu tiên trong thai mẹ, các căn này chưa xuất hiện (đắc, prāti: lābha). Hoặc đã có nhưng đã mất (vihīna), do bị hư hoại, do chết.

[227] Đây chỉ lạc căn thuộc thân, như định nghĩa trên.

[228] Địa dưới, chỉ tĩnh lự thứ nhất. Địa trên, chỉ tĩnh lự thứ ba.

[229] Trong sơ thiền, có ba thọ: lạc thọ tương ưng với ba thức (mắt, tai và thân), hỷ thọ thuộc ý địa, và xả thọ tương ưng vứi bốn thức (mắt, tai, thân và ý). Trong nhị thiền, có hai thọ: hỷ và xả, đều thuộc ý địa; không có lạc thọ (thuộc thân) vì năm thức thuộc thân vắng mặt. Trongtam thiền, có hai thọ: lạc và xả, đều thuộc ý địa. Cf. ch. viii tụng 12. Đại ý câu hỏi: trong nhị thiền, vì đã xả thền dưới nên không có thân lạc, những cũng chưa chứng địa trên nên cũng không có ý lạc; vậy, trong nhị thiền, lạc căn thuộc loại nào?

[230] Hán: dư; Quang ký (68b28): đây chỉ thiện và vô phú vô ký. Căn thuộc các loại này chưa sở đắc, nên chỉ có loại thuộc nhiễm ô.

[231] Hán & Skt. kā 20: sarvālpaiḥ niḥśubhaḥ aṣṭābhiḥ vinmanaḥkāyajīvitaiḥ/ yuktaḥ bālas tathā arūpye upekṣāyurmanaḥśubhaiḥ//

[232] Thích từ trong kệ tụng. Skt. niḥśubha. Hán: vô thiện 無善. Vyākhyā: yaḥ samucchinnakuśalamūlaḥ/ sa ca kāmadhātav eva/ “chinatti strīpumān dṛṣticaritaḥ” (iv. 80) iti/ kāmavairāgyaṃ vāsya na sambhavati/ tasmād asya pañcāpi vedanendriyāṇi santi/ kāyendriyaṃ ca jīvitamanasī ca sta eva sarvatra/ cakṣurādīni tu na santi kramamaraṇāvasthāyām andhatvādyavasthāyāṃ ca teṣām abhāvāt: Hạng đoạn thiện căn là nam và nữ ở trong Dục giới, do sở hành tà kiến. Hoặc hạng ly nhiễm dục giới, không có đoạn thiện căn. Do đó, hạng đoạn thiện căn có năm căn là 5 thọ căn, thân, mạng và ý căn. Nhưng không có bốn căn còn lại, vì chúng không tồn tại trong trường hợp chết từ từ, và các trường hợp mù, điếc v.v…

[233] Hán: năng thọ 能受 . Thích từ thọ trong tụng văn. Bhāṣya: vedanā hi vit, vedayata iti kṛtvā/ vedanaṃ vā vit, yathā sampadanaṃ sampat/ giác tri tức cảm thọ. Nó làm cho có cảm giác, hay nó là sự cảm giác . Như quan hệ thành lập giữa từ sampadana sampat, sự viên mãn cùng là cái viên mãn. Ở đây, vì lý do âm vận, nên dùng từ vid thay vedanā.

[234] bāla iti pṛthagjanaskt.

[235]Haùn & Skt. kā. 21: bahubhir yukta ekānnaviṃśatyāmalavarjitaiḥ/ dviīliṅgaḥ āryo rāgy ekaliṅgadvyamalavarjitaiḥ

[236] Thích từ trong tụng văn. Skt. amala: vô cấu, đồng nghĩa với anāsrava: vô lậu.

[237] Quang ký (70a01): nhị phược, chỉ tương ưng phược và sở duyên phược. Hai phược này không được đề cập trong Câu-xá, nhưng, Tì-bà-sa 86, tr. 442c.

[238] Ht. hết quyển 3.

TUỆ SỸ 

(tiếp theo số trước)

Giới thiệu 

Luận Câu-xá, Chương II Phân biệt Căn, phân tích các tổ chức sống. Tổ chức sự sống là cơ cấu mà các thành phần của nó tồn tạihoạt động trong mối quan hệ tất yếu chịu chi phối bởi quy luật của pháp hữu vi. Không có một tồn tại độc lập, và cũng không có một hoạt động đơn độc. Khi một sự thể xuất hiện, quan hệ với nó là nhiều sự thể khác cũng đồng thời xuất hiện. Tùy theo mục đích của tồn tạihoạt động, một tập hợp bao gồm một số thành phần tất yếu, loại ra ngoài những yếu tố không tương thích, chống trái lẫn nhau. Quan hệ này được gọi là tất yếu câu sinh.

Bởi vì quan hệ câu sinh tùy thuộc bản chất của tồn tại, do đó, tổng quát mà nói, cơ cấu quan hệ phân thành hai hệ thống: các tổ hợp sắc và các tổ hợp tâm thức.

Tổ hợp sắc bao gồm những đơn vị cực nhỏ, có thể gọi là vật thể, hay chất thể (dravya). Khi họa sĩ phất lên khung vẽ một tảng màu; tảng màu ấy là sự tổng hợp của nhiều màu khác nhau theo sự lựa chọn tùy hứng của họa sĩ. Về cơ bản, có thể phân tích khối màu tổng hợp ấy thành ba màu chính. Mỗi màu chính như vậy là một chất thể (dravya). Tuy nhiên, trong ý nghĩa siêu hình, đó không phải là chất thể thực. Chất thể thực là cái mà tâm thức bắt nắm được. Xanh hay đỏ chỉ là phẩm tính, là dấu hiệu thông tin cho biết sự hiện hữu của chất thể. Nói cách khác, chất thể là tụ điểm mà trên đó màu sắc, tức các phẩm tính, được hiển hiện. Vậy, khi mũi ngửi được mùi hương, trong mùi ấy có bao nhiêu tụ điểm để cho phẩm tính hương được nhận thức? Nói cách khác, tất yếu cùng xuất hiện như là hương có bao nhiêu chất thể. Đây là phân tích về các tổ hợp sắc được nói trong phần “Sắc pháp câu sinh”.

Mặt khác, trong hoạt động của tâm thức, các yếu tố tồn tại của tâm thức cũng được phân tích như vậy. Khi nhận thức vươn bắt đối tượng tương ứng của nó, hoạt động nhận thức là một cơ cấu tác thành bởi các tổ hợp tâm lý, và mỗi tổ hợp bao gồm nhiều yếu tố khác nhau, gọi là các tâm sở. Mỗi tâm sở như vậy cũng được xem như là một chất thể. Tùy theo đối tượng nhận thức, mỗi tổ hợp có chức năng riêng. Trong mỗi tổ hợp, các chất thể tâm thức liên hệ cùng lúc xuất hiện và cùng hợp tác để bắt nắm đối tượng, phán đoánquyết định hành động phù hợp. Đây là phần phân tích về các tâm sở, các chức năng và những quan hệ tồn tạihợp tác của chúng.

Như vậy, trong tiết hai của chương này, về phân tích các chất thể câu sinh, bao gồm hai phần chính: (a) phần một, về chất thể vật chất, gọi là “sắc pháp câu sinh”; (b) phần hai, phân loại các tâm sở, tức phân tích các chất thể tâm thức, gọi là “tâm pháp câu sinh”.

Cũng như trong tiết 1, phần dịch Việt ở đây do nhóm Phiên dịch Phạn Tạng thực hiện.

Tuệ Sỹ

Phẩm hai: PHÂN BIỆT CĂN

Tiết hai: CÁC PHÁP CÂU SINH

 

[18b15][1] Ở đây, cần phải tư duy phân tích: Các pháp hữu vi, có những đặc tính bất đồng[2] như vậy; chúng sinh khởi độc lập với nhau,[3] hay tất yếu câu sinh?[4]

Tất yếu câu sinh.

I. SẮC PHÁP CÂU SINH

1. THÀNH PHẦN TỔ HỢP SẮC

Một cách tổng quát, hết thảy các pháp bao gồm trong năm phẩm loại: một, sắc; hai, tâm; ba, tâm sở; bốn, tâm bất tương ưng hành; năm, vô vi.

Vô vipháp không sinh khởi nên trong đây không đề cập. Nay, trước hết nói rõ sắc tất yếu có câu sinh.

Trong Dục giới, vi tụ không có thanh

Và không thuộc căn, có tám sự;

Loại câu hữu thân căn có chín sự.

Các căn khác, có mười sự //22[5]

[118b22] Tổ hợp sắc pháp cực kỳ vi tế gọi là vi tụ[6] để nêu rõ ở đây không còn cái gì nhỏ hơn nữa. Trong Dục giới, cực vi này, không có thanh và không phải là căn[7], bao gồm tám sự vật[8] cộng đồng sinh khởi, không giảm thiểu bất cứ một sự nào. Tám pháp đó là gì? Đó là bốn đại chủng và bốn sở tạo gồm sắc, hương, vị, xúc.

Các tập hợp cực vi không có âm thanh, nhưng có căn[9]; nhóm này có chín hoặc mười sự vật cộng đồng sinh khởi. Nếu là tụ câu hữu căn thân, có chín sự vật cộng đồng sinh khởi; trong đó tám sự như trên, và thân là thứ chín.

Vi tụ câu hữu với các căn còn lại gồm mười sự vật câu sinh[10], chín sự như trên, thêm một như mắt v.v. Mắt, tai, mũi, lưỡi tất yếu không tách rời thân. Vì trong hỗ tương đối chiếu, vị trí của chúng khác nhau.[11]

Các vi tụ nêu trên nếu có thanh phát sinh, theo thứ tự, số tăng dần chín, mười, mười một.[12] Bởi vì xứ nào khi sinh khởi câu hữu với thanh xứ ấy không tách rời khỏi căn, tức thanh sinh khởi do nhân đại chủng thuộc loại hữu chấp thọ.[13]

2. XÚC GIÁC VẬT CHẤT

i. Xúc đại chủng

Nếu bốn đại chủng không tách rời nhau khi sinh, vậy tại sao chỉ có thể tiếp nhận một trong các tính chất cứng, ướt, nóng, chuyển động trong các tụ, chứ không tiếp nhận những thứ khác cùng lúc?

a. Do thế dụng tăng

Ở trong một tụ mà cái nào có thế lực nhạy bén hơn[14] thì nó rõ ràng hơn nên có thể được tiếp nhận. Như cảm giác sự xúc chạm của một bó gồm kim nhọn và que.[15] Hoặc như nếm vị hỗn hợp của muối và bột gạo rang[16].

Vì sao trong tụ kia mà biết còn có các đại khác?

Do có các tác nghiệpduy trì, kết hợp, phát triển và vận chuyển[17].

b. Do duyên dụng tăng

1. Có thuyết nói:[18] do bởi khi gặp duyên, những thứ như cứng v.v., bèn có các trạng thái trôi chảy v.v… Như trong tụ của nước, do cực lạnh mà phát sinh cảm giác nóng.[19]

Tuy[20] không tách rời với nhau[21], nhưng dụng của lạnh tăng. Như cảm thọâm thanh, chỉ khác nhau do dụng có mạnh yếu.[22]

c. Thuyết chủng tử

Một số luận sư khác[23] nói, còn lại trong tụ này, do chủng tử chưa thành tự thể tồn tại,[24] vì Kinh có nói, “Trong tụ của gỗ có nhiều giới khác nhau.”[25] Giới ở đây là chủng tử.

ii. Xúc tạo sắc

Vì sao biết trong gió có sắc màu?[26]

Ý nghĩa này do tin chứ không do suy luận mà biết.[27] Bởi vì, hoặc do kết hợp với gió mà hương được tiếp nhận; hoặc vì nó không tách rời với sắc màu.[28]

3. SẮC TỤ THƯỢNG GIỚI

Như trước đã nói, do bởi hương và vị không tồn tại trong Sắc giới[29]; do đó, ở đó vi tụ khi không có thanh gồm sáu, bảy, tám phần tử câu sinh; khi có thanh gồm bảy, tám, chín phần tử câu sinh. Điều này có thể chuẩn theo đó mà biết, cho nên không cần đề cập.

4. PHẢN BÁC

Trong đây nói vật thể,[30] là y trên vật thể[31] mà nói, hay y trên xứ mà nói?[32]

Nếu vậy cái nào có lỗi?

1. Cả hai đều có lỗi.[33] Nếu y trên vật thể mà nói thì tám, chín, mười vật thể là quá ít, vì các tập hợp cực vi ắt có hình sắc[34] do nhiều cực vi tích tụ. Tính nặng, nhẹ tất yếu phải có một; tính trơn, nhám cũng như vậy, tất yếu chọn một; hoặc có trường hợp lạnh, đói, hoặc khát.[35] Nếu vậy, con số được nói trên phạm lỗi là quá ít.

Nếu y trên xứ[36] mà nói, thì tám, chín, mười vật thể là quá nhiều, vì bốn đại chủng được bao gồm trong xúc xứ, vậy nên nói số vật thể chỉ có bốn.[37] Vậy thì con số được nói trên phạm lỗi là quá nhiều.

2. Cả hai đều không có lỗi.[38] Nên biết rằng, ở đây nói vật thể là một phần y trên thể mà nói, đó là đại chủng làm sở y[39]; và một phần y trên xứ mà nói, đó là tạo sắc năng y[40].

3. Nếu vậy, yếu tố đại chủng[41] phải có nhiều, vì mỗi tạo sắc đều có sở ybốn đại chủng.[42]

4. Nên biết, ở đây là y trên thể loại[43] mà nói. Vì thể loại của tất cả bốn đại chủng không có sự sai khác.

5. Cần gì phải phân biệt bằng những từ như thế?[44] Từ ngữ được sử dụngtùy theo ý dục, nhưng ý nghĩa thì cần phải suy cứu[45].

 

II. TÂM PHÁP CÂU SINH

Như vậy đã giải thích xong sự tất yếu câu sinh của sắc. Các tất yếu câu sinh còn lại, nay tiếp theo sẽ giải thích.

Tâm, tâm sở tất yếu câu sinh

Cùng với tướng các hành,[46] hoặc (với) đắc//23ab.[47]

[19a01] Tâm và tâm sở tất yếu câu sinh, khi khuyết một[48] thì không thể sinh khởi.[49]

Các hành tức là tất cả pháp hữu vi. Đó là sắc, tâm, tâm sởtâm bất tương ưng hành. Từ “tất yếu câu sinh” trong câu tụng trên đọc liền xuống đây. Nghĩa là các hành như sắc, tâm, v.v., khi sinh chúng nhất định cùng sinh với bốn tướng của hữu vi.

Từ “hoặc đắc”,[50] nghĩa là trong các hành, đắc chỉ có thể cùng sinh với pháp thuộc hữu tình, mà không thể cùng sinh với các pháp khác, cho nên nói “hoặc”[51].

1. PHÂN LOẠI TÂM SỞ

Trên đây vừa đề cập đến tâm sở; vậy tâm sở là gì?

Tâm sở gồm có năm

Đại địa pháp, v.v., do loại biệt//23cd.[52]

[19a08] Các tâm sở pháp lại có năm phẩm. Năm phẩm ấy là gì? 1. Đại địa pháp, 2. Đại thiện địa pháp, 3. Đại phiền não địa pháp, 4. Đại bất thiện địa pháp, 5. Tiểu phiền não địa pháp.

i. Đại địa pháp

Địa là hành xứ [53]. Nếu pháp nào là hành xứ của pháp kia, thì nó được nói là “địa”[54] của pháp ấy. Vì môi trường hoạt động của những pháp ấy, cho nên gọi là đại địa. Trong đây, nếu những địa nào mà sở hữu tính cách rộng lớn, chúng được gọi là đại địa pháp.[55] Nghĩa là những pháp luôn luôn hiện hữu trong tất cả tâm.[56] Những pháp ấy là gì?

Thọ, tưởng, tư, xúc, dục,

Huệ, niệm và tác ý,

Thắng giải, tam-ma-địa,

Phổ biến tất cả tâm//.24[57]

[19a16] Theo truyền thuyết,[58] mười pháp đã được liệt kê như thế, chúng hòa hợphiện hữu khắp trong mọi sát na tâm.

1. Trong đây, thọ nghĩa là ba sự lãnh nạp[59] khác nhau: khổ, lạc và phi cả hai.

2. Tưởng[60] là nắm bắt hình tướng sai biệt của đối tượng.

3. Tư là cái khiến tâm tạo tác.[61]

4. Xúc[62] phát sinh bởi sự hòa hợp của căn, cảnh, thức,[63] có tác dụng xúc chạm.

5. Dục là mong muốn hành động được tiến hành.[64]

6. Huệ có khả năng tuyển trạch đối với pháp.[65]

7. Niệm là ghi nhớ rõ, không quên đối tượng.

8. Tác ý là cái khiến tâm cảnh giác.[66]

9. Thắng giải là cái ấn khả đối tượng.[67]

10. Tam-ma-địa[68] là tính chất tâm chuyên chú vào một điểm.[69]

Những đặc tính sai biệt của tâm và tâm sở rất vi tế, từng cái riêng biệt trong những hoạt động liên tục mà còn khó phân biệt, hà huống trong cùng một sát na chúng đồng thời hiện khởi.[70] Cũng như các loại thảo dược có hình sắc được sắc căn nắm bắt, mà hương vị sai biệt của chúng còn khó mà nhận biết được, hà huống với pháp vô sắc chỉ có nhận thức bằng giác huệ.

Như vậy đã nói xong mười đại địa pháp.

ii. Đại thiện địa pháp

Địa của pháp đại thiện gọi là đại thiện địa.[71] Trong đây, tất cả những pháp nào mà địa của đại thiện sở hữu, chúng được gọi là đại thiện địa pháp. Nghĩa là những pháp luôn luôn hiện hữu trong các thiện tâm. Những pháp ấy là gì?

Tín và bất phóng dật,

Khinh an, xả, tàm, quý,

Hai căn, bất hại, cần,

Hiện hữu khắp thiện tâm//25[72]

[19b02] Các pháp này duy chỉ phổ biến trong các thiện tâm.

1. Ở đây, tín nghĩa là làm cho tâm lắng sạch.[73] Có thuyết cho rằng, chấp nhận có đế, thật, nghiệp, quả gọi là tín[74].

2. Bất phóng dậttu tập các thiện pháp. – Nhưng, xa lìa các bất thiện pháp sao cũng gọi là tu[75]? – Vì nó (bất phóng dật) có đặc tínhchuyên chú nơi thiện.[76] Theo Kinh của một số bộ phái khác[77] có giải thích như sau: cái thủ hộ tâm gọi là bất phóng dật.

3. Khinh an là tính linh hoạt của tâm.[78] – Há chẳng phải Kinh cũng có nói thân khinh an sao?[79] – Tuy không phải không nói, nhưng nên biết cũng như nói về cảm thọ của thân vậy.[80] – Vậy sao có thể lập khinh an làm giác chi? [81] – Nên biết trong đây thân khinh an là tính linh hoạt của thân.[82] – Lại nữa, làm sao có thể nói thân khinh an là giác chi?[83] – Vì nó thuận với giác chi, nên không có gì sai lầm. Vì thân khinh an dẫn khởi giác chi là tâm khinh an giác chi.[84]

Có nơi nào khác được thấy nói như vậy chăng?[85]

Có. Như Kinh[86] nói: Hỷ và pháp thuận với hỷ[87] gọi là hỷ giác chi. Sân cùng với các nhân duyên đi cùng với nó[88] gọi là sân nhuế cái. Chánh kiến, chánh tư duy, chánh cần gọi là huệ uẩn.[89] Tư duy và cần tuy tính chất của nó không phải là huệ nhưng tùy thuận với huệ nên cũng gọi là huệ. Do đó, thân khinh antùy thuận với giác chi nên được gọi là giác chi thì không có gì sai.

4. Tính bình đẳng của tâm, tính không cảnh giác[90] gọi là xả.[91]

Làm sao mà trong một tâm vừa có tính cảnh giác của tác ý[92] vừa có tính không cảnh giác của xả cùng khởi lên một lần?[93]

Há trước chẳng nói là đặc tính của tâm và tâm sở rất vi tế khó nhận biết đó sao![94]

Có cái tuy khó nhận biết, nếu quan sát thẩm xét kỹ hẳn có thể nhận biết được. Nhưng điều này thì cực kỳ khó nhận biết, đó là hai cái tương phản lại không chống trái nhau[95]?

cảnh giác nơi một đối tượng này, và không cảnh giác nơi đối tượng khác. Hai trường hợp này hoàn toàn cách biệt nhau thì có gì là chống trái?[96]

Nếu vậy[97] thì hai tâm sở ấy phải không cùng duyên đến một cảnh. Hoặc tất cả đều phải tương ưng với nhau?[98] Các pháp khác thuộc cùng chủng loại như vậy, trong đó, nếu nó xảy ra,[99] nên theo lý thú ấy mà nhận định. Nay trong đây cũng nên biết như thế.

5-6. Hai loại tàm, quý sẽ giải thích sau.[100]

7-8. Hai căn[101] là vô tham, vô sân. Thiện căn vô sithể tính là huệ như đã nói trong đại địa pháp nên không cần lập lại trong đại thiện địa pháp.

9. Bất hại[102] là không gây tổn hại.

10. Cần là sự hăng hái của tâm.[103]

Như vậy đã nói xong đại thiện địa pháp.

iii. Đại phiền não địa pháp

Địa của pháp phiền não lớn nên gọi là đại phiền não địa.[104] Trong đó pháp nào mà có địa là phiền não, nó được gọi là pháp thuộc đại phiền não địa. Tức là những pháp luôn có mặt trong tâm ô nhiễm.

Đó là những pháp nào?

Si, dật, đãi, bất tín,

Hôn, trạo hằng duy nhiễm.//26ab[105]

[19c04] 1. Trong đây, si là ngu si, tức vô minh, vô trí, vô hiển.[106]

2. Dật nghĩa là phóng dật, tức không tu các thiện nghiệp. Đó là pháp được đối trị bằng sự tu tập các thiện.

3. Đãi nghĩa là giải đãi. Đó là cái được đối trị bởi cần (tinh tấn) như được nói trên.

4. Bất tín nghĩa là sự không trừng tịnh (lắng trong) của tâm, được đối trị bởi tín như đã nói.

5. Hôn là hôn trầm. Luận Đối pháp[107] nói: “Hôn trầm là gì? Tính nặng nề của thân, tính nặng nề của tâm; tính không linh hoạt của thân, tính không linh hoạt của tâm; tính hôn trầm của thân, tính hôn trầm của tâm. Đó gọi là hôn trầm.”

Đây là tâm sở, sao lại nói là thân? – Như nói cảm thọ thuộc thân thì đâu có lỗi gì[108].

6. Trạo nghĩa là trạo cử, nó khiến cho tâm không được yên tĩnh.[109]

Chỉ có sáu loại như thế gọi là đại phiền não địa pháp.

Há không phải rằng trong Căn bản A-tỳ-đạt-ma đại phiền não địa pháp được nói có mười tâm sở? Vả lại cũng trong luận ấy không nói đến hôn trầm?[110] – Mười tâm sở đó là những gì? – 1. Bất tín, 2. giải đãi, 3. thất niệm, 4. tâm loạn, 5. vô minh, 6. bất chánh tri, 7. phi lí tác ý, 8. tà thắng giải, 9. trạo cử, 10. phóng dật.

Này Thiên Ái, ở đây ngài chỉ biết bắt lời[111] mà không biết ý chỉ[112].

Vậy ý chỉ gì?

Thất niệm, loạn tâm, bất chánh tri, phi lý tác ý và tà thắng giải đã trình bày trong pháp thuộc đại địa nên không lặp lại trong đại phiền não địa pháp này nữa. Như thiện căn vô si, thể tính của nó là huệ nên nó không thuộc đại thiện pháp. Các tâm sở cũng như vậy. Nghĩa là, niệm nhiễm ô gọi là thất niệm. Định nhiễm ô gọi là tâm loạn. Các huệ nhiễm ô gọi là bất chánh tri. Tác ý, thắng giải nhiễm ô gọi là phi lý tác ý và tà thắng giải.[113]

Nếu vậy, pháp đại địa cũng gọi là pháp đại phiền não địa sao? Cần phân biệt bốn lựa chọn.[114] Thứ nhất: thọ, tưởng, tư, xúc, dục. Thứ hai: bất tín, giải đãi, vô minh, trạo cử, phóng dật. Thứ ba: năm pháp như đã nói trên: niệm v.v.[115] Thứ tư: trừ các trường hợp đã kể.[116]

Quan điểm khác[117] cho rằng tà đẳng trì (định),[118] không phải chính là tâm loạn này.[119] Trường hợp bốn lựa chọn nói trên không giống như đây.[120]

Lại nữa, quan điểm[121] cho rằng hôn trầm cùng tương ưng với tất cả phiền não, nhưng không được kể trong đại phiền não địa pháp. Vậy thuyết nào sai lầm?[122] 

giải thích nói, đáng lý nó được kể ở đây, nhưng không kể đến vì nó thuận đẳng trì. Theo giải thích này, hành giảhôn trầm có thể nhanh phát sinh định, hành giảtrạo cử thì không như vậy.[123]

Ai thuộc loại hành giả hôn trầm mà không phải là hành giả trạo cử? Ai là hành giả trạo cử mà không phải là hành giả hôn trầm? Hai trạng thái này không bao giờ không cộng hành. Tuy vậy, nên biết rằng tùy theo tính vượt trội của trạng thái nào mà nói đến hành giả loại ấy.

Tuy biết rằng tùy theo trạng thái nào vượt trội[124] mà loại hành giả ấy được nói đến, nhưng căn cứ bản chấtlập địa pháp. Cho nên địa pháp này được chứng minh chỉ có sáu. Vì Sáu tâm sở này duy chỉ cùng khởi với tâm nhiễm ô chứ không khởi với tâm khác.

Như vậy đã nói xong pháp đại phiền não địa.

iv. Đại bất thiện địa pháp

Cơ địa phổ biến của pháp bất thiện gọi là đại bất thiện địa.[125]

Trong đây pháp nào có đại bất thiện địa gọi pháp đó là đại bất thiện địa, nghĩa là pháp luôn hiện hữu với tâm bất thiện. Pháp ấy là gì?

Phổ biến tâm bất thiện,

Duy vô tàm, vô quý.//26cd[126]

[20a10] Duy hai tâm sở này chỉ câu hành với tất cả tâm bất thiện, đó là vô tàm, vô quý. Cho nên chỉ có hai loại này được gọi là pháp bất thiện địa. Đặc tính của hai pháp này sẽ được giải thích sau.[127]

Như vậy đã nói xong đại bất thiện địa pháp.

v. Tiểu phiền não địa pháp

Những cơ địa của pháp phiền não thứ cấp[128] gọi là tiểu phiền não địa. Trong đây pháp nào có tiểu phiền não địa, nó được gọi là tiểu phiền não địa pháp. Đó là những pháp cùng khởi với tâm nhiễm ô trong phạm vi hạn hẹp. Pháp ấy là gì?

Phẫn, phú, xan, tật, não,

Hại, hận, siểm, cuống, kiêu;

Loại như vậy được gọi

Tiểu phiền não địa pháp.//27[129]

[0020a18] Loại pháp như thế, duy chỉ[130] tương ưng với vô minh, thuộc tu sở đoạn, phát sinh trong phạm vi ý thức.[131] Chúng hiện hành riêng rẻ, cho nên gọi là tiểu phiền não địa pháp.[132] Những pháp này sẽ được giải thích chi tiết sau trong phần tùy phiền não.[133]

Ngoài năm phẩm tâm sở đã được trên đây, còn có các tâm sở bất định;[134] đó là các pháp ố tác, thụy miên, tầm, tứ, v.v…[135]

2. TẤT YẾU CÂU SINH

i. Dục giới

Trong đó, nên thuyết minh, trong những tâm phẩm nào có bao nhiêu tâm sở tất yếu câu sinh.

Dục có tầm có tứ,

Ở trong tâm phẩm thiện,

Hai mươi hai tâm sở;

Có khi thêm ố tác,//28[136]

Đối với bất thiện bất cộng,

Vớ kiến, chỉ hai mươi,

Bốn phiền não, phẫn v.v.,

Ố tác, hai mươi mốt.//29[137]

Hữu phú có mười tám,

Vô phú rằng mười hai,

Thụy miên khắp chẳng trái,

Nếu có đều thêm một.//30[138]

[20b01] Vả, trong dục giới phẩm tâm có năm: 1. thiện chỉ có một. 2-3. bất thiện có hai: tương ưng với bất cộng vô minhtương ưng với các phiền não khác; 4-5. vô ký có hai: hữu phú vô ký và vô phú vô ký.

Tuy nhiên, tâm ở dục giới nhất định có tầm có tứ, nên tâm phẩm thiện nhất định có hai mươi hai tâm sở cùng sinh, đó là mười đại địa pháp, mười đại thiện địa pháp và hai bất định tầm và tứ.

Không phải các thiện tâm luôn luôn có ố tác; khi có ố tác, nó tăng đến hai mươi ba.

Ố tác[139] là gì? Vì có bản chất ghét điều đã làm, gọi là ố tác. Nên biết trong đây pháp có sở duyênố tác gọi là ố tác, đó là tính truy hối của tâm mà sở duyênố tác[140]. Như giải thoát mônsở duyênkhông tính thì được gọi là không (giải thoát môn)[141]; vô tham mà có sở duyênbất tịnh thì được gọi là bất tịnh (quán).[142]

Lại nữa, điều được thấy trong thế gian, là quy ước theo sở y mà nói năng y. Như nói, “Tất cả thôn, ấp, quốc độ đều đến tụ họp.”[143] Ố tác chính là sở y của truy hối. Cho nên căn cứ sở y nói là ố tác.

Vả lại, y theo thể quả mà giả lập tên của nhân, như nói «Sáu xúc xứ này, nên biết, là túc tác nghiệp.»[144]

Nếu sở duyên là sự việc không được thực hiện,[145] sao gọi là ố tác? Đối với việc không làm cũng lập thành tên ố tác. Như truy hối rằng «Trước đây tôi đã không thực hiện sự việc như thế. Đó là việc làm xấu (ố tác) của tôi.»[146]

Ố tác như thế nào gọi là thiện? Đó là tính truy hối trong tâm đối với việc thiện đã làm, với việc ác mà không làm; trái lại, được gọi là ố tác bất thiện. Mỗi loại trong hai đều y trên hai cơ sở mà phát sinh.

1. Trong bất thiện, nếu là tâm phẩm bất cộng, tất có hai mười tâm sở câu sinh; đó là mười đại địa pháp, sáu đại phiền não địa pháp, hai đại bất thiện địa pháp, cùng với hai bất định là tầm và tứ.//

Sao gọi là tâm bất cộng[147]? Tâm phẩm này duy chỉ có vô minh[148], không có các phiền não khác như tham, v.v…

2. Trong bất thiện, tâm phẩm tương ưng với kiến cũng có 20 tâm sở câu sinh. Tên gọi như đã được nói trong tâm phẩm bất cộng trên, không phải thêm kiến[149] mà có 21; vì chính huệ trong 10 đại địa pháptác dụng đặc biệt nên được gọi là kiến.[150]

Nói rằng tâm bất thiện tương ưng với kiến, là nói trong tâm này hoặc có tà kiến, hoặc có kiến thủ hoặc giới cấm thủ.[151]

3. Trong tâm phẩm bất thiện tương ưng với bốn phiền não tham, sân, si, mạn, có 21 tâm sở câu sinh: 20 như ở bất cộng, thêm một trong 4 tâm sở, tham v.v…

4. Tương ưng với một trong các tùy phiền não, phẫn v.v… nêu trên, cũng có 21 tâm sở câu sinh: 20 như bất cộng thêm một trong các tùy phiền não, phẫn v.v…

5. Tâm phẩm tương ưng với ố tác bất thiện cũng có 21 loại tâm sở câu sinh, tức ố táctâm sở thứ 21.

Tổng quát mà nói, trong các phẩm tương ưng với bất thiện, bất cộng và kiến duy chỉ có 20, ngoài ra các phẩm tương ưng với 4 phiền nãotùy phiền não có 21.

6. Nếu trong tâm phẩm vô ký hữu phú[152] thì chỉ có 18 tâm sở câu sinh: 10 pháp đại địa, 6 pháp đại phiền não địa, cùng với 2 tâm bất định là tầm và tứ.

Tâm vô ký hữu phú ở trong Dục giới, là những thứ tương ưng với tát-ca-da-kiến và biên chấp kiến, trong đó kiến không tăng, nên hiểu, như trước đã giải thích.

Trong các tâm vô ký vô phú còn lại, được cho là chỉ có 12 tâm sở câu sinh: 10 pháp đại địa cùng với 2 bất định tầm và tứ.

Các luận sư nước ngoài[153] cho rằng ố tác cũng thông với vô ký; tâm phẩm tương ưng với nó bấy giờ có 13 tâm sở câu sinh.

7. Nên biết rằng thụy miên không trái nghịch với hết thảy tâm phẩm được nêu trên, vì nó thông cả 3 tánh thiện, bất thiệnvô ký.[154] Bất cứ tẩm phẩm nào có nó, đó đều có tăng: 22 tăng thành 23 tâm sở, nếu là 23 tăng thành 24. Tâm sở bất thiện, vô ký, nên biết cũng theo thể lệ này.

ii. Thượng giới

Đã nói định lượng của các tâm câu sinh với các tâm sở trong Dục giới. Nay sẽ nói đến Thượng giới.

Sơ định trừ bất thiện

Cùng ố tác, thụy miên;

Trung định loại trừ tầm;

Trên, trừ từ, các loại//31.[155]

[20c19] 1. Trong sơ tĩnh lự, loại trừ duy chỉ bất thiện, ố tác, thụy miên[156]; các tâm sở còn lại đã kể trên đều có mặt đầy đủ. Nói “duy chỉ bất thiện”,[157] là chỉ các phiền não gồm sân, và (tùy phiền não gồm) phẫn các thứ (nhưng) trừ siểm và cuống, và vô tàm vô quý. Nói “còn lại đều có mặt”, như được kể trong Dục giới.[158]

2. Tĩnh lự trung gian loại trừ những tâm sở đã loại trừ kể trên, lại trừ thêm tầm, ngoài ra đều có đầy đủ.

Tĩnh lự thứ hai trở lên cho đến Vô sắc giới, loại trừ những tâm sở đã loại trừ kể trên, lại trừ tầm và tứ.

Từ “các loại”[159] ở đây chỉ rõ trừ thêm cuống, siểm; ngoài ra như đã kể trên đều có đủ[160].

Kinh nói, cuống, siểm cao nhất cho đến Phạm thiên, vì quan hệ với đại chúng[161]; từ cõi này trở lên không còn 2 tâm này nữa.

Khi Đại Phạm thiên đang ngồi giữa hội chúng Phạm thiên của ông, bỗng Tỳ kheo Mã Thắng đến hỏi: “Trong địa vị nào thì bốn đại chủng này tận diệt không còn dư tàn?” Phạm vương không biết chúng diệt tận vô dư trong địa vị nào, bèn trả lời bằng cách nói lãng: “Ta là Đại phạm, là đấng Tự tại, là đấng Sáng tạo, là Tạo hóa chủ, là đấng Sinh sản, là đấng Dưỡng dục, là Tổ phụ của tất cả.” Sau khi nói như vậy, Phạm vương bèn dẫn Tỳ kheo Mã Thắng ra khỏi hội chúng Phạm thiên, nói những lời chữa thẹn, bảo Tỳ kheo quay trở về hỏi Phật[162].

Như vậy đã nói số lượng tâm sở của các tâm trong các giới địa. 

3. SAI BIỆT LOẠI TỢ

i. Vô tàmvô quý

Không tàm, quí: không trọng,

Không thấy sợ tội lỗi.

Ái, kính là tín, tàm,

Chỉ có ở Dục, Sắc.[163]

[21a07] 1. Sự khác nhau giữa vô tàmvô quý ở đây là, sự không cung kính, không sùng trọng,[164] không úy kỵ và không phục tùng[165] đối với các phẩm đức và người có phẩm đức,[166] gọi là vô tàm. Pháp đối nghịch với sự cung kính ấy, là pháp mà các bậc thiện sĩ chê trách, gọi là tội.[167] Đối với tội này không thấy sợ, gọi là vô quý. Ở đây nói sợ là nêu rõ quả không đáng ưa, nó làm phát sinh sự sợ hãi.

Nói “không thấy sợ” là muốn nêu rõ nghĩa gì? Muốn nói thấy mà không sợ, gọi là không thấy sợ, hay là không thấy (quả) đáng sợ kia, gọi là không thấy sợ?[168] Nếu vậy, sai lầm ở chỗ nào?

Cả hai đều có sai. Nếu thấy mà không sợ, nên biết đó là trí huệ.[169] Nếu không thấy (quả) đáng sợ kia nên biết đó là vô minh. Ở đây hợp từ này không nói đến sự thấy hay không thấy.

Vậy nó nói đến cái gì?

Ở đây chỉ rõ có một pháp, vốn là tùy phiền nào, nó làm nhân cho hai cái ấy, được gọi là vô quý.[170]

2. Có luận sư[171] nói: Đối với tội đã làm, quán sát mình mà không thấy xấu hổ, gọi là vô tàm; quán sát người mà không thấy xấu hổ, gọi là vô quý.[172]

Nếu vậy, hai sự quan sát này làm sao sinh khởi cùng một thời?

Không nói hai sự này sinh khởi cùng một thời, khi xét về mình hay về người. Nhưng khi xét về tự thân mà tâm không xấu hổ vượt trội gọi là vô tàm. Lại nữa, khi suy xét về người tâm không xấu hổ vượt trội gọi là vô quý.

ii. Tàm và quý

Sự khác nhau giữa tàm và quý, nên biết, ngược lại với những điều nói trên. Nghĩa là, trái với giải thích thứ nhất, theo đó có kính trọng, có tôn sùng, có sự úy kị, có sự tùy thuộc, được gọi là tàm; thấy sợ hãi đối với tội lỗi, được gọi là quý. Trái với giải thích thứ hai, theo đó, đối với tội đã tạo ra, tự xét mình thấy hổ thẹn gọi là tàm, xét người thấy hổ thẹn gọi là quý. Đã nói xong sự khác nhau giữa tàm và quý.

iii. Ái và kính

1. Sự khác nhau giữa ái và kính :[173] Ái nghĩa là yêu thương, thể của nó là tín. Ái có hai: nhiễm ô và không nhiễm ô. Nhiễm ô, đó là tham ái,[174] như thương yêu vợ con v.v., không nhiễm ô, đó là tín, như yêu kính sư trưởng.[175]

a. Tín mà không ái, đó là tín duyên đến khổ, tập.

b. Yêu kính mà không tín là ái nhiễm ô.

c. Có cả tín và yêu kính là tín duyên đến diệt, đạo.

d. Không tín không yêu kính: ngoài ba loại trên.

2. Luận sư khác nói: Tín là chấp nhận có đức. Do tín dẫn đầu, sau mới phát sinh yêu kính, cho nên ái không phải là tín.

Kính là kính trọng, thể của nó là tàm. Như đã giải thích ở trên, tàm nghĩa là kính trọng, tôn sùng

a. Tàm mà không kính: tàm duyên đến khổ, tập.

b. Có cả tàm và kính: tàm duyên đến diệt, đạo.

3. Có thuyết nói: Kính là sự sùng trọng. Do kính dẫn đầu mới phát sinh xấu hổ, cho nên kính không phải là tàm. Vì liên quan đến đối tượng là bổ-đặc-già-la, nên có và không có ái, kính có thể phân làm bốn phạm trù:

a. Ái không kính: đối với vợ con và những người cùng sống chung.

b. Kính không ái: đối với sư trưởng của người khác và những người cao quý có đức.

c. Có cả ái, kính: tình thương đối với sư trưởngcha mẹ, chú bác của mình.

d. Không ái không kính: ngoài ba phạm trù trên.

Như vậy, ái và kính chỉ có ở Dục giới, Sắc giới mà không có ở Vô sắc giới.

Há không phải rằng pháp đại thiện địa tín, tàm cũng có ở Vô sắc giới?

Ái, kính có hai, đó là duyên đến pháp và duyên đến bổ-đặc-già-la.[176] Ái, kính duyên đến pháp xuất hiện ở cả ba cõi. Ở đây ý nói duyên đến bổ-đặc-già-la, (nên nói) chỉ có ở Dục giới, Sắc giới mà không có ở Vô sắc giới.[177]

Như vậy, đã nói xong sự khác nhau giữa ái, kính.

iv. Tầm và tứ – mạn và kiêu

Tầm, tứ, mạn, kiêu khác nhau như thế nào?

Tầm, tứ: tâm thô, tế,

Mạn: tâm bốc đối người,

Kiêu: đắm nhiễm tự thân,

Tâm cao không kể người.[178]//33/

a. Tầm và tứ

[21b18] Sự khác nhau giữa tầm và tứ[179], chính là tâm thô, tế. Tính thô của tâm gọi là tầm, tính vi tế của tâm gọi là tứ.[180]

Làm thế nào hai tính này có thể liên kết nhau trong một tâm?

1. Có vị giải thích[181]: Như váng sữa nổi trên bề mặt nước lạnh, và ánh nắng mặt trời chiếu trên váng sữa. Váng sữa không bị tan chảy cũng không đông lại do nhân bởi nước và mặt trời. Trong một tâm có cả tầm và tứ cũng như vậy; tâm do tầm và tứ mà không quá thô hay quá tế, cho nên trong một tâm có đủ cả hai tác dụng.

Nếu vậy,[182] tầm và tứ là nhân của thô, tế, chứ không phải là tự thể của thô, tế. Như nước và ánh nắng mặt trời là nhân làm cho (váng sữa) đông lại hay tan chảy, chứ không phải tự thể của sự đông lại hay tan chảy.

Lại nữa, tính thô, tế được quan niệm theo sự đối đãi, được hình dung tương đối cao và thấp theo sai biệt giới địa và phẩm loại[183], cho đến cõi Hữu đảnh cũng vậy nên nói cũng có[184] tầm, tứ.[185]

Lại nữa, thô và tế không có sự sai biệt về thể loại[186], nên không thể dựa vào đó mà nói tầm tứ khác nhau.[187]

2. Giải thích khác[188] nói, hai pháp tầm, tứ là nhân tố phát sinh ngôn ngữ.[189] Như Kinh nói, “Sau khi suy tầm, sau khi tứ sát, rồi mới phát sinh ngôn ngữ; không phải không có suy tầm, không có tứ sát.”[190] Trong nhân tố ngôn ngữ này, thô gọi là tầm, vi tế là tứ.

Nếu trong một tâm mà tồn tại hai pháp thô và tế riêng biệt, theo lý, có mâu thuẫn gì không?[191]

Nếu có thể loại riêng biệt thì không có gì trái lý[192]; nhưng do không có thể loại riêng biệt, nên lý thành ra mâu thuẫn; vì trong một thể loại không cho phép thô, tế cùng lúc phát sinh.

Nếu nói thể loại cũng có sai khác?[193]

Hãy nói đặc điểm về sự khác nhau của thể loại này như thế nào.[194]

Đặc điểm về sự sai biệt của hai thể loại này thật khó mà nói, nhưng đặc điểm của sự sai biệt này được hiển thị bằng mức độ thượng hay hạ.[195]

Mức độ thượng hạ không hiển thị sự sai biệt, vì mỗi một thể loại có khi ở mức độ thượng, có khi hạ.[196]

Do vậy nên biết hai pháp tầm, tứ nhất định không thể được cho là cùng tương ưng trong một tâm.[197]

Nếu vậy tại sao trong khế kinh[198] nói sơ tĩnh lự có đầy đủ năm thiền chi[199]?

Nói đầy đủ năm thiền chi chính là nói trong một địa chớ chẳng phải một sát-na, do đó không có gì sai.

Như vậy đã nói xong sự sai biệt của tầm, tứ.

b. Mạn và kiêu:

1. Mạn là sự tự đề cao của tâm ý[200] đối với người khác. Sự đánh giá về phẩm đức ưu việt của mình đối với người, hay sự tự đề cao, tự thị của tâm, khinh miệt người, gọi nó là mạn.[201]

Nhưng[202], kiêu là sự mê đắm những gì thuộc về mình[203], do bởi đó khiến tâm cao ngạo, không còn biết đến ai.[204]

2. Các Luận sư khác[205] nói, như do uống rượu mà phát sinh bốc vui kích động[206], nên gọi là say[207]; cũng vậy, loại bốc vui phát sinh do tham được gọi là kiêu.

Đó là những đặc điểm khác nhau của mạn và kiêu.

Như thế, đã nói xong các tướng trạng tất yếu câu sinh của các phẩm loại tâm, tâm sở bất đồng.

v. Tâm-ý-thức

Nhưng, trong khế kinh, tùy theo nghĩa, tâm và tâm sở được nói đến với nhiều loại danh và tưởng khác nhau. Nay sẽ phân tích sự sai biệt của các danh nghĩa này.

Tâm, ý, thức đồng một thể

Tâm, tâm sở có năm nghĩa

Hữu y và hữu duyên,

Hành tướngtương ưng.//34[208]

[21c20] 1. Nó tập khởi nên nó được gọi là tâm.[209] Do suy lường nên nó được gọi là ý.[210] Do cá biệt nhận thức nên nó được gọi là thức.[211]

2. Lại có giải thích khác[212]: do sự sai biệt đa dạng của giới loại tịnh, bất tịnh, nên gọi là tâm.[213] Chính nó là sở y chỉ cho các thức khác nên gọi là ý[214]; là năng y chỉ nên được gọi là thức.[215] Cho nên, ba danh từ tâm-ý-thức với nội hàm của chúng, ý nghĩa tuy có khác nhưng thể của chúng đồng nhất.[216]

Cũng như ba tên gọi tâm, ý, thức; ba danh từ tâm-ý-thức với nội hàm của chúng, ý nghĩa tuy có khác nhưng thể của chúng đồng nhất; cũng vậy, các tâm, tâm sở được gọi là hữu sở y, hữu sở duyên, hữu hành tướng, và tương ưng, tên gọi và ý nghĩa tuy sai khác mà thể là một. Nghĩa là tâm, tâm sở đều được gọi là cái hữu sở y, vì có căn là sở y.[217] Hoặc chúng được gọi là cái hữu sở duyên, vì nắm bắt cảnh sở duyên.[218] Hoặc chúng được gọi là cái hữu hành tướng,[219] vì chúng sinh khởi hành tướng trên các sai biệt theo từng phẩm loại của các sở duyên[220]. Hoặc chúng được gọi là tương ưngđẳng hòa hợp[221].

Căn cứ trên ý nghĩa nào mà gọi là đẳng hòa hợp?

Vì có năm nghĩa. Tâm, tâm sở đồng đẳng theo năm nghĩa nên chúng được nói là tương ưng, vì sở y, sở duyên, hành tướng, thời gian, vật thể[222] đều bình đẳng.

Vật thể bình đẳng là gì? Trong một tương ưng, cũng như tâm thể là một, cũng vậy, mỗi một tâm sở pháp.[223]

Đã phân tích chi tiết nghĩa sai biệt của tâm, tâm sở.

T.S.


[1] Bản Hán, quyển 4.

[2] Tướng bất đồng 相不同, skt. bhinnalakṣaṇā; Vyākhya: những đặc tính bất đồng của các pháp hữu vi, như cái được tạo hình là sắc (rūpyate iti rūpam), cái cảm nghiệm là thọ (anubhavo vedanā), cái nắm bắt các tướng trạng là tưởng (nimittodgrahaṇaṃ), v.v., cf. i. 14c-d.

[3] Skt. bhinnotpādāḥ: sinh bất đồng, chỉ sự sinh khởi biệt lập.

[4] Skt. saha-utpāda. Hán: câu sinh 俱生: sinh đồng thời, sinh cùng lúc. Chỉ các pháp hữu vi không sinh khởi do không nhân hay do một nhân duy nhất, mà có nhiều duyên cùng sinh khởi. Giải thích của Vyākhyā về câu sinh: “utāho niyatasahotpādā api kecit santi iti”/ santi hi kecit sahotpādāḥ, na tu niyatasahotpādāḥ/ yathā cakṣurādisahotpādās tatvijñānādayaś cakṣurādīnāṃ sabhāga-tatsabhāgabhāvāt / tasmāt evaṃ pṛcchati: (Luận nói) “Hoặc phải chăng một số tất yếu câu sinh?” Một số câu sinh, nhưng không tất yếu câu sinh. Như câu khởi của mắt v.v. là thức v.v. tương ứng, nhưng mắt có đồng phần và bĩ đồng phần (i, 39b-d; khi mắt đồng phần bấy giờ nó câu sinh; khi là bĩ đồng phần, nó không câu sinh). Do đó, có câu hỏi như vậy.

[5] Hán & Skt. kā 22. kāme’ ṣṭadravyako’śabdaḥ paramāṇur anindriyaḥ/ kāyendriyī navadrayaḥ daśadravyo’ parendriyaḥ.

[6] Thích từ trong kệ tụng. Hán: vi tụ 微聚 (saṅghātaparamāṇu), tụ tập hay tập hợp cực kỳ vi tế. Trong tụng văn skt. nó là paramāṇu: cực vi. Do đó Bhāṣya giải thích: sarvasūkṣmo hi rūpasaṅghātaḥ paramāṇur ity ucyate, cực vi được nói ở đây chỉ cho tập hợp sắc cực kỳ vi tế. Vyākhyā chỉ rõ thêm: saṅghātaparamāṇur na dravyaparamāṇuḥ, đây chỉ cho cực vi của tập hợp chứ không phải cực vi của thật vật. Nói cực vi của thật vật, là chỉ cho vật thể (dravya) mà sắc được giảm trừ cho đến mức tối thiểu ở đó nó không còn có phương phần. Thuận chính lý 10 (tr.338c10-c14): “Trong sắc hữu đối, phân tích đến phần tử vi tế cuối cùng không thể phân tích thêm được nữa; phần tử này được gọi là cực vi…Nhiều cực vi như vậy liên kết nhau không tách rời thành tổ hợp; tổ hợp này được gọi là vi tụ.”

[7] Vô thanh vô căn 無聲無根; skt. aśabda, anindriya: các vi tụ khi chúng không làm phát sinh thanh và không tác thành căn. Nói vô căn, chỉ vi tụ thuộc ngoại giới. Vyākhya: kāmadhātau yadā śabdo’tra notpadyate, tadā niyatam aṣṭadravyaka eva bhavati, nāto nyūnadravyakaḥ, “Trong Dục giới, khi nào mà nơi đó thanh không phát sinh, bấy giờ tất yếu có tám vật thể, không giảm đi bất cứ một vật thể nào.” Thuận chính lý 10 (tr. 338c16-c18): Khi nào các đại chủng kích lẫn nhau bấy giờ mới phát sinh thanh. Nhưng không phải lúc nào chúng cũng kích lẫn nhau, trong trường hợp này nói là không có thanh. Vi tụ khi ấy là tổ hợp sắc gồm 8 vật thể. Nếu khi có thanh, vi tụ này gồm 9 vật thể.

[8] Hán: sự 事, chỉ sự vật hay vật thể, thật thể; skt. dravya.

[9] Hán: hữu căn 有根; skt. sendriya: căn câu hữu, cùng tồn tại với căn, chỉ tập hợp cực vi tác thành căn; vị tụ thuộc nội giới.

[10] Bhāṣya: aparam indriyaṃ yatra paramāṇau tatra daśa dravyāṇi, trong tụ cực vi nào mà có căn khác (mắt, tai…, trừ thân căn), ở đó có mười vật thể.

[11] Mỗi căn chiếm một vị trí riêng biệt nhưng cùng tồn tại với thân căn. Vyākhyā: yatrahi cakṣuḥ śrotrādi vā tatra kāyendrayeṇa bhavitavyam, tatpratibaddhavṛttitvāt cakṣurādīnāṃ: Nơi nào có mắt hay tai v.v. nơi đó có thân căn, vì sự sinh khởi của mắt v.v. phụ thuộc vào thân căn.

[12] Tụ 8 sự, cọng thêm thanh, tăng thành 9, v.v. Trong vi tụ thuộc thân căn, có 9 hoặc 10 sự; 8 sự kể trên, thêm thân căn, khi không phát thanh, có 9 sự; khi phát sinh thanh, có 10. Vi tụ các căn khác, 10 hoặc 11; loại suy như thân căn.

[13] Xem Ch. i. tụng 10b.

[14] Bảo sớ (tr. 526a12): Tì-bà-sa nêu hai thuyết: thể tăng và dụng tăng. Thuận chính lý theo thuyết thể tăng. Trên đây là thuyết dụng tăng. Thể tăng hay dụng tăng đều không tận lý. Như một lượng nước đủ cả sáu vị, sáu người cùng uống mà cảm giác tiên khởi bất đồng, không thể nói do bởi thể tăng hay dụng tăng. Cf. Tì-bà-sa 131, tr. 682c23, 683a9; Thuận chính lý 5, tr. 354b21.

[15] sūcītūnī(tūlī)kalāpasparśa; Ht. 針鋒與籌合
<lb n=”0018c05″/>觸; Cđ. 針鋒及
<lb n=”0178a02″/>綿觸.

[16] Hán, Ht.&Cđ. 麨, sao: phấn hay bột rang. Quang ký đọc là 麵 miến. Skt. saktulavaṇacūrṇarasa.

[17] Skt. dhṛti-saṃgraha-pakti-vyūhana, Ht. 持攝熟長; Cđ. 持攝熟引; các chức năng của đất, nước, lửa, gió; xem Ch.i. k.12. Vyākhyā: saṃgrahakarmaṇābdhātor astitvaṃ gamyate kāṣṭhādike/ anyathā pāṃsumuṣṭivat tad viśīryeta, yadi tatrābdhātur na syāt/ dhṛtikarmaṇāpsu nauprabhṛtīnāṃ pṛthivīdhātor astitvaṃ gamyate/ paktikarmaṇā tejodhātor astitvam gamyate/ yadi hi tan na syāt kāṣṭhādīkaṃ na pūtībhavet / vyūhanakarmaṇā vāyudhātor astitvaṃ gamyate/ prasarpaṇaṃ hi tasyana syāt, vṛddhir vā, yadi vāyudhātus tatra na syāt/: Do tác dụng kết dính mà biết trong gỗ v.v. có thủy giới. Trái lại, nếu trong nó không có thủy giới, nó sẽ rã ra như nắm đất. Do tác dụng duy trì mà biết có địa giới của các thứ như ghe thuyền trong nước. Do tác dụng phát triển (độ chín) mà biết có hỏa giới; mà nếu khônghỏa giới, gỗ các thứ sẽ không mục rã. Do tác dụng vận chuyển mà biết có phong giới, nếu ở đó không có gió thì không có tiến triển hay tăng trưởng.

[18] Vyākhya: thuyết của Bhadanta Śrīlābha. Quang ký (tr. 72a11): thuyết thứ hai của Hữu bộ.

[19] Vyākhya: tadyathā agnibhūte sati kaṭhinasya lohasya dravaṇam, tena jñāyate – lohe’abdhātur astīti/ tathā dravasya śaityādipratyayalābhe kāṭhinyam, tena jñāyate – pṛthivīdhātor atrāstitvam iti. Như khi gặp lửa, vật thể cứng như kim loại tan chảy; do đó biết rằng trong kim loại có thủy giới. Cũng vậy, đối với chất lỏng, khi gặp điều kiện lạnh chẳng hạn, nó trở thành cứng; do đó biết rằng trong chất lỏng đó có địa giới. Quang ký (tr. 72a13 ): “Như tụ nước do cực lạnh mà biến thành tuyết đông. Tuyết đông có tác dụng khô ráo, nên nói là phát sinh độ nóng… Lại như khi trời sắp đổ mưa, tụ nước trong hư không do cực lạnh mà kích phát điện chớp; do đó nói là phát sinh độ nóng.”

[20] Vyākhya: bác bỏ giải thích của Śrīlābha về dụng tăngđiều kiện (taṃ matam ācāryo dūṣayati).

[21] Ht. & Cđ. đều nói bất tương ly 不相離; Quang ký (tr.72a17): nóng và lạnh không tách rời nhau… (tr.72a19): Như trong địa ngục, khổ thọ mạnh, xả thọ yếu, nên chỉ nói đến khổ. Trong tam thiền, lạc thọ mạnh, xả thọ yếu nên chỉ nó đến lạc. Hoặc như khi tay và trống cùng chạm nhau mà phát ra tiếng, nhưng do tiếng của trống mạnh hơn nên chỉ nói tiếng trống. Bảo sớ (tr.526b7): bốn đại chủng, thể không tương ly, nhưng do dụng thắng nên một trong các đặc tính nổi bật. Như các đối tượng hỗn hợp, cái nào dụng thắng được cảm nhận trước. Skt. avyatibheda, có lẽ nên hiểu là bất tương ly 不相離; Vyāhkhya: yathā na ca śabdasya dravyāntareṇa vyatibhedo miśrībhāvo’sti, atiśayaś ca bhavati, svabhāvāt paṭuḥ śabdaḥ paṭutama iti/ như âm thanh không phải là hợp thể bất khả phân với vật thể khác, nhưng nó có cường độ là do bởi tự thể sai biệt, như lớn và lớn hơn.

[22] xem cht. trên.

[23] Vyākhya: ity apara iti sautrāntikāḥ, “luận sư khác”, đây chỉ các luận sư Kinh bộ.

[24] Trong sắc tụ, một số đại chủng hiện hành, một số trong trạng thái chủng tử (tiềm thế). Vyākhya: chủng tử (bīja) ở đây được hiểu là công năng (śakti, sāmarthya); tự thể (svarūpa) chỉ vật thể (dravya).

[25] Tạp A-hàm 18, T2 tr. 129a1: 比<pb ed=”T” n=”0129a”/>
<lb n=”0129a01″/>丘。禪思得神通力。自 在如意。欲令枯樹成
<lb n=”0129a02″/>金。即時 成金不異。及 餘種 種諸 物。悉成不
<lb n=”0129a03″/>異。所以者何。以彼枯樹有種種界故。”Tỳ kheo thiền tứ, đắc thần thông lực, tự tại như ý, muốn biến cây khô thành vàng, ngay tức thờibiến thành vàng không khác. Và các vật khác cũng vậy, đều biến thành không khác. Vì sao? Vì cây khô kia có đủ các giới.”

[26] Vyākhya: (Kinh bộ) chất vấn Hữu bộ. Tổ hợp sắc ngoại giới trong Dục giới có tám thành phần, trong đó sắc màu trong tổ hợp của gió hoàn toàn không được cảm nhận.

[27] Vyākhya: Tì-bà-sa giải đáp.

[28] Cđ. 於風四塵不定故 ở nơi gió, bốn đại bất định. Quang ký: trong gió có mùi thơm nên suy biết có hiển sắc. Gió có loại gió vàng (gió lốc), gió đen (= bão); nhưng ở đây chỉ loại gió mát – thanh phong, loại gió không có màu sắc được cảm nhận.

[29] Xem Ch.i k. 30b-d.

[30] Hán: sự 事, skt. dravya: vật thể, thực thể.

[31] Hán: thể 體, skt. dravya.

[32] Chất vấn Tì-bà-sa; xem đoạn trên: Tì-bà-sa quan niệm vi tụ trong Dục giới bao gồm tối thiểu 8 vật thể. Bhāṣya: dravyam eva dravyaṃ gṛhyate ahosvid āyatanam? Cđ. 為約
<lb n=”0178a14″/>物說物。為約入說物 căn cứ vật để nói vật, hay căn cứ xứ mà nó vật? Vākhya: mukhyavṛttyā yad dravyaṃ yasya svalakṣaṇam asti tad dravyaṃ gṛhyate? ahosvid āyatanam? dravyam ity adhikṛtam/ āyatanam api hi dravyam iti śakyate vaktum; sāmānyaviśeṣalakṣaṇasadbhāvāt/ Về nguyên nghĩa, từ dravya được nói trên đây nên hiểu chính là vật thể với đặc tính cá biệt của nó, hay nó chỉ cho xứ? Thật vậy, xứ cũng có thể được nói là vật thể, vì là tổng tướngbiệt tướng.

[33] Chỉ lỗi trong quan điểm Tì-bà-sa về thành phần vi tụ.

[34] Hán: tất hữu hình sắc, Bhāṣya: avaśyaṃ tad dravyasaṃsthānenāpi bhavitavyam: tất yếu phải có hình sắc (hình dáng) của vật thể. Vật thể (dravya) ở đây chỉ cho hiển sắc (sắc màu). Trong sắc không chỉ có hiển sắc (sắc màu) mà còn cả hình sắc (hình thể) nữa. Như vậy, con số các vật thể câu sinh trong sắc quá ít so với thực tế.

[35] Trong xúc, ngoài xúc bốn đại chủng, còn có xúc nếu không nặng thì nhẹ, không trơn thì nhám; 3 trưởng hợp của xúc về lạnh, đói, khát, khi có khi không, không nhất định.

[36] Hán: xứ 處, Skt. āyatanam. Quang ký (q.3, tr.72c22): xứ chỉ 12 xứ.

[37] Vyākhya: spraṣṭavyaṃ dvividhaṃ iti vacanāt/ tasmāt kāme caturdravyako’śabdhaḥ – rūpaṃ gandho rasaḥ spraṣṭavyam iti/ saśabdhas tu pañcadravyaka iti vaktavyam/ Vì Luận tụng (i.35) đã nói, xúc có hai loại; do đó trong Dục giới loại vô thanh có bốn vật thể, đó là sắc, hương, vị và xúc. Loại hữu thanh nên nói là có năm.

[38] Tì-bà-sa giải đáp.

[39] Vyākhya: yad āśrayabhūtam iti pṛthivyādīni catvāri/ cái làm sở y, đó là bốn đại chủng gồm địa v.v…

[40] Vyākhya: yad āśrayibhūtam iti/ rūpaṃ gandho rasaḥ spraṣṭavyaideśaśca/ cái làm năng y, đó là sắc, hương, vị và một phần của xúc.

[41] Hán: đại chủng sự 大種事; Skt. bhūtadravya: vật thể như là đại chủng.

[42] Quang ký: Các tạo sắc (upādāyarūpa) là sắc, hương, vị và xúc. Mỗi một tạo sắc này đều có sở ybốn đại chủng. Như vậy, một tập hợp sắc hay hương đều có 5 vật thể; 4 vật thể câu sinh, phải nói là 20. Nếu là tập hợp hữu thanh, con số phải là 25.

[43] Thể loại, Skt. jātidravyaṃ: vật thể (dravya) ở đây được hiểu là chủng loại (jāti). Vyākhya: yā hy ekasya bhūtacatuṣkasya jātis tām anyāṇi bhūtacatuṣkāṇi nātikrāmanti, chủng lọai của một tập hợp đại chủng là cái mà các tập hợp đại chủng khác không vượt quá giới hạn.

[44] Kết luận bởi Thế Thân. Vyākhya: kiñcid atra dravyam eva dravyaṃ gṛhyate yadāśrayabhūtam/ kiñcid āyatanadravyaṃ gṛhyate yadāśriyabhūtam/ yac caitad āśrayabhūtaṃ taj jātyā gṛhyata iti/ khi nào vật thể được hiểu là thực chất vật thể (dravyam eva), thì ở đây nó được hiểu là cái làm sở y; khi nào vật thể được hiểu như là xứ, khi ấy nó được hiểu là là cái năng y. Cái làm sở y này đươc hiểu theo chủng loại.

[45] Vyākhyā: chandata icchātaḥ saṃkṣepavistaravidhānānuvidhāyinyo vācaḥ pravartante/ arthas tu tāsāṃ parīkṣyaḥ/ Dục, ý dục hay ý muốn – Do ý muốn, và tùy thuận quy tắc tóm lược hay diễn rộng, mà ngôn từ phát sinh. Nhưng ý nghĩa của ngôn từ thì phải được tư duy.

[46] Skt. sarvaṃ saṃskṛtalakṣaṇaiḥ/ tất cả các pháp đều câu sinh với các tướng hữu vi.

[47] Skt. kā 23ab: citta caittāḥ sahāvaśyaṃ sarvaṃ saṃskṛtalakṣaṇaiḥ prāptyā vā/

[48] Tâm không thể khởi mà không có tâm sở,và ngược lại. Bhāṣya: na hy ete vinā’nyonyaṃ bhavitum utsahante.

[49] Vyākhyā: na cittaṃ caittair vinā utpadyate, nāpi caittā vinā cittenety avadhāryate/ na tu sarvaṃ cittaṃ sarvacaittaniyatasahotpādam, nāpi sarvacaittāḥ sarvacittaniyatasahotpādā iti: Không có các tâm sở thì tâm không được sinh khởi, không có tâm thì các tâm sở cũng không tồn tại. Nhưng, tất cả tâm không nhất định cùng sinh khởi với tâm sở, tất cả tâm sở cũng không nhất định cùng sinh khởi với tất cả tâm.

[50] skt. prāptyā vā.

[51] Skt: Bhāṣyā: vikalpārtho śabdaḥ: Từ “hoặc” có nghĩa là phân biệt. Vyākhyā: kiñcit prāptyā sahotpadyate yat sattvasaṃkhyātam, kiñcin na yad asattvasaṃkhyātam iti vikalpaḥ/ pratisaṃkhyāpratisaṃkhyānirodhayoḥ yady api prāptiḥ asti, na tu tāv utpadyete iti na tayor grahaṇam,/ sahotpādananiyamo hy amārambha iti, asattvasaṃkhyātasya prāptir nāstyti kim atra kāraṇam? sarvasattvasādhāraṇatvāt/ sahajayaiva ca prāptyā prāptimān sahotpadyate, na pūrvapaścātkālajayety avagantavyam: Phân biệt, nghĩa là cái nào cùng sinh khởi với đắc, cái đó thuộc về hữu tình chứ không phải phi hữu tình. Trạch diệtphi trạch diệt nếu có đắc, nhưng hai cái này không cùng sinh khởi; nên cả hai không được kể đến. Tất yếu câu sinh, vì chúng nhất định cùng khởi với nhau. Phi hữu tình không có đắc, vì sao? Vì tính phổ quát của tất cả chúng sinh, và chính vì cùng sinh mà cái sở hữu đắc cùng sinh khởi với đắc, không trước hay sau.

[52] Skt. Kā 23cd: pañcadhā caittā mahābhūmyādi bhedataḥ//

[53] Cđ. sở hành xứ 所行處. Skt. gativiṣaya: cảnh giới sở hành hay môi trường hoạt động. Thuận chính lý: 容止處.

[54] bhūmi, mặt đất, địa vức, phạm vi.

[55] mahābhūmika.

[56] Thuận chính lý (tr. 384a26): 心非大地法。非心俱生故。tâm không phải là đại địa pháp, vì không cùng sinh với tâm.

[57]Skt. Kā 24: vedanā cetanā saṃjñā cchandaḥ sparśo matiḥ smṛtiḥ/ manaskāro’dhimokṣaś ca samādhiḥ sarvacetasi: thọ, tư, tưởng, dục, xúc, huệ, niệm, tác ý, thắng giải, định; chúng hiện diẹn trong tất cả tâm. Trong đây, thứ tự của tư (cetanā) và tưởng (saṃjñā) không đồng nhất với Ht.

[58] Tức theo quan điểm của Tì-bà-sa. Vyākhya: kilaśabdaḥ paramatadyotane/svamataṃ tu chandādayaḥ sarvacetasi na bhavanti/ Từ “truyền thuyết” chỉ rõ đây là quan điểm của người khác. Theo Luận chủ, dục v.v. không phải hiện diện trong tất cả tâm sở. Quang ký: Theo ý Luận chủ, không cho rằng 10 pháp này có tự thể riêng biệt, nên nói là “truyền thuyết.”

[59] x. Ch.i k.14c: vedanā’nubhāvaḥ: thọ là sự cảm nghiệm.

[60] Bản Skt. nói tư cetanā trước tưởng saṃjñā. x. Ch.i. k. 14cd: saṃjñā nimittodgrahaṇātmikā, tưởng mà tự thể là sự nắm bắt ảnh tượng.

[61] Bhāṣya: cetanā cittābhisaṃskāro manaskarma, tư là ý nghiệp (hoạt động của ý), là sự tác hành (tạo tác) của tâm. Cđ. 作意謂心故為事。

[62] Bản Skt. nói dục (chanda) trước xúc (sparśa). Cđ. như Skt.

[63] Bhāṣya: sparśa indriyaviṣayavijñānasannipātạjā spṛṣṭi: xúc là sự xúc chạm phát sinh bởi tập hợp căn-cảnh-thức.

[64] Luận Pañcaskandha, dẫn bởi Vyākhyā: chandaḥ katamaḥ?abhiprete vastuny abhilāṣaḥ, dục là gì? Sự mong muốn trong những sự thể được yêu thích. Cf. Ngũ uẩn luận, T31, tr. 848c14.

[65]Skt. matiḥ prajñā dharmapravicayaḥ. Cđ. 慧謂般若。即是擇法。Vyākhyā: pravicinotīti pravicayaḥ/ pravicīyante vānena dharmā iti pravicayaḥ/ yena saṃkīrṇā iva dharmāḥ puṣpāṇīva pravicīyante, uccīyante ity arthaḥ/ ime sāsravāḥ, ime’nāsravāḥ, ime rūpiṇaḥ, ime arūpiṇa iti/ dharmāṇāṃ pravicayo dharmapravicayaḥ/ pratītatvāt prajñeti vaktavye ślokabandhānuguṇyena matir iti kārikāyām uktam: Nó tuyển trạch (=tư duy thẩm sát) nên gọi là sự tuyển trạch (=giản trạch). Do thẩm sát (tư trạch) mà các pháp được tuyển lựa (tuyển trạch). Các pháp giống như đống hoa lộn xộn, do bởi tư trạch mà chúng được tuyển trạch (lựa), được tuyển tập (chọn). Các pháp này hoặc là hữu lậu, hoặc vô lậu, có sắc, không có sắc. Sự truyển trạch các pháp gọi là trạch pháp. Vì tính liễu tri nên gọi là [thắng] huệ. Do tùy thuận với âm luật của thi tụng nên từ mati được dùng trong tụng văn (thay cho từ prajñā).

[66] Bhāṣya: manaskāraś cetasa ābhogaḥ: tác ý là sự thiên hướng của tâm tư. Vyākhya: ālambane cetasa āvarjanam avadhāraṇam ity arthaḥ/ Nghĩa là, sự chuyển chú, sự ấn khả của tâm nơi đối tượng.

[67] Bhāṣya: adhimokṣo’ dhimuktiḥ: thắng giải tức sự xác tín. Vyākhya: adhimuktis tad ālambanasya guṇato’vadhāraṇam/ rucir ity anye yathāniścayaṃ dhāraṇeti yogācāracittāḥ/ xác tín là sự xác nhận (ấn khả) đối tượng về mặt phẩm chất. Hoặc nó có nghĩa là yêu thích, tức là sự ấn khả (xác nhận) tùy theo đối tượng đã được quyết định, như tâm tu tập quán hành.

[68] Skt. samādhi.

[69] ekāgratā, 一境性, sự tập trung trên một điểm. Vyākhyā: agram (a-) ālambanam iti ekaḥ arthaḥ/ yat yogāt cittaṃ prabandhena ekatrālambane vartate, sa samadhiḥ/ yadi samādhiḥ sarvacetasi bhavati, kim arthaṃ dhyāneṣu yatnaḥ kriyate? Balavatsamādhi-niṣpādanārtham: Một nghĩa là (cảnh duyên với) đối tượng hợp nhất trên một điểm. Cái mà do sự tương hợptương tục chuyển hướng tâm vào đối tượng tập trung trên một điểm, cái đó gọi là định. Nếu ở trong tất cả tâm có định, vậy sự dụng công trong các thiền có tác dụng như thế nào? Có tác dụng thành tựu định lực kiên cố.

[70] Vyākhyā giải thích thêm: sa eṣa viśeṣaś cittacaitānāṃ durlakṣyaḥ prabandheṣv api tāvat kiṃ punaḥ kṣaṇeṣu kālaparyantalakṣaṇeṣu: chính mỗi sự sai biệt của tâm và tâm sở khó mà phẩm định được trong những hoạt động liên tục của chúng hà huống trong những sát na, nghĩa là trong những sát-na cực hạn của thời gian.

[71] Bhāṣya: kuśalā mahābhūmir eṣāṃ ta ime kuśalamahābhūmikā: những gì mà có nền tảng (cơ địa) phổ biếnbản chất thiện, những pháp ấy là cơ địa phổ biến của thiện.

[72] Skt. kā 25: śraddhā’pramādaḥ praśrabdhirūpekṣā hrīrapatrapā/ mūladvayam ahiṃsā ca vīryaṃ ca kuśale sadā//

[73] Tâm trừng tịnh 心澄淨; skt. cetasaḥ prasādaḥ. Vyākhya: kleśopakleśakaluṣitaṃ cetaḥ śraddhāyogāt prasīdati, udakaprasādakamaṇiyogād ivodakam/ tâm do tương ưng với tín làm lắng trong chất bẩn của phiền nãotùy phiền não, như nước lắng trong do liên hệ với minh châu tịnh thủy.

[74] Skt. satya-ratna-karma-phala-abhisampratyaya. Vyākhyā: ākāreṇa śraddhānirdeśaḥ, satyeṣu caturṣu ratneṣu ca triṣu karmasu ca śubhāśubheṣu, tatphaleṣi ca iṣṭāniṣṭeṣu/ thuyết minh tín bằng hành tướng, theo đó, (là sự thâm tín) nơi bốn Thánh đế, Tam bảo, nghiệp thiện và bất thiện, và quả ái và phi ái của chúng.

[75] Ở đây, tu 修, skt. bhāvanā, có nghĩa là sự phát triển, được hiểu là tu tập, do đó đặt vấn đề như vậy. Vyākhyā: bhāvanā nāma kuśalānāṃ pratilambhaniṣevaṇávabhāvā, tu tập (=phát triển) có tự thể là sự tập cận và thủ đắc các pháp thiện. Ch.vii. k.27: pratilambhaniṣevākhye śubhasaṃskṛtabhāvanā: tu tập thiện hữu vi là sự tập cận và chứng đắc.

[76] Vyākhya: yā teṣv avahitateti/ tad evaṃ sati bhāvanāhetāv ayaṃ bhāvanopacāraḥ kṛta iti/ Tính chuyên chú vào các pháp thiện, đó là tu nói theo quán lệ (bằng ẩn dụ), thực sự nó là nhân của tu.

[77] Bhāṣya: nikāyāntarīyāḥ sūtre. Đại chúng bộ? Cf. Tăng nhất, T2 tr. 563c14: 云何為無放逸行。所謂
<lb n=”0563c16″/>護心也。

[78] Tâm kham nhiệm tính 心堪任性. Skt. praśrabdhiś cittakarmaṇyatā. Cđ. 心於事有能。

[79] Quang ký (75b4): Nạn vấn bởi Kinh bộ. Kinh bộ cho rằng thân khinh an thuộc xúc mà tự thể là gió; do đó, tâm khinh an thuọctâm sở, thân khinh an thuộc xúc. Vyākhyā: kaś ca paryāyo yat praśrabdhisambodhyaṅgadvayaṃ bhavati? asti kāyapraśrabdhiḥ, asti cittapraśrabdhiḥ/ tatra yāpi kāyaprasrabdhis tad api praśrabdhisambodhyaṅgam abhijñāyai sambodhaye nirvāṇāya saṃvarttate/ yāpi cittapraśsrabdhis tad api praśrabdhisaṃbodhyaṅgam abhijñāyai saṃbodhaye nirvāṇāya saṃvarttata iti: Phải chăng tên gọi này có hai giác chi khinh an? một khinh an nơi thân, một khinh an nơi tâm. Cái gọi là khinh an nơi thân, đó là giác chi khinh an trong thắng trí và trong đẳng giác, hướng đến Niết-bàn. Sự khinh an của tâm cũng như vậy. Cf. Tạp A-hàm 27, T02 tr. 191c5: 有身猗息。有心猗息。彼身猗息。即是猗覺分。是智是等覺。能轉趣涅槃。彼心猗息。即是猗覺分。是智是等覺。能轉趣涅槃。

[80] Giải thích của Hữu bộ: tương ưng với năm thức là thân khinh an; tương ưng với ý thức là tâm khinh an.

[81] Quang ký, ibid. Kinh bộ hỏi: tương ưng với năm thức, nhưng năm thức vốn hữu lậu.

[82] Quang ký: đây là giải thích của Luận chủ. Một số cho là trả lời của Hữu bộ; sai lầm.

[83] Hữu bộ chất vấn Kinh bộ. Kinh bộ cho rằng thân khinh an thuộc khinh xúc, vậy nó là hữu lậu, làm sao lập làm giác chi?

[84] Trả lời của Kinh bộ. Quang ký: “Thuận, là thế nào? Do nhập định, trong thân có gió khinh an khởi lên, dẫn khởi giác chi là tâm khinh an.”

[85] Hữu bộ yêu cầu dẫn kinh làm giáo chứng.

[86] Chưa rõ xuất xứ.

[87] Thuận hỷ pháp 順喜
<lb n=”0019b13″/>法; Quang ký: chỉ những pháp câu hữutương ưng với hỷ. Skt. prītisthānīyāś ca dharmāḥ, những pháp thay thế hỷ/ tương đương hỷ; Cđ. 助喜
<lb n=”0178c05″/>法。

[88] Bhāṣyā: pratighaḥ pratighanimitaṃ ca: sân nhuế và các biểu hiện của sân nhuế. Vyākhyā: navāghātavastūni vyāpādanivaraṇam uktaṃ bhagavatā tadānukūlyāt/ Thế Tôn nói sân chướng cái là chín não hại sự, vì chúng cùng loại với sân. Xem Trường A-hàm 9, tr. 56b10; ibid 11 tr. 60a4.

[89] Cf. Trung A-hàm 58, tr. 788c12: 正
<lb n=”0788c12″/>見.正志.正方便。此三道[*]支聖慧聚所攝 。

[90] Vô cảnh giác tính 無警覺性; Skt. anābhoga, tính không thư triển; nơi khác Hán dịch: vô công dụng hành, hoặc vô khái phát tính. Cđ. 無所偏
<lb n=”0178c09″/>對。

[91] Skt: upekṣyā cittasamatā cittānābhogatā: xả là trạng thái bình đẳng của tâm, là trạng thái vô công dụng hành. Vyākhyā: yadyogāc cittaṃ samam anābhogaṃ vartate, sopekṣā saṃskāropekṣā nāma/ trividhā upekṣā – vedanopekṣā, saṃskaropekṣā, apramāṇopekṣā ceti, do vậy mà tâm tồn tại trong trạng thái bình đẳng, không dụng công, còn gọi là hữu xả, hành xả; ba loại xả là thọ xả (trong ba thọ), hành xả, và vô lượng xả (trong bốn vô lượng).

[92] Xem định nghĩa về tác ý ở trên, trong các đại địa pháp.

[93] Nạn vấn của Kinh bộ.

[94] Tì-bà-sa trả lời.

[95] Bhāṣya: asti hi nāma durjñānam api jñāyate/ idaṃ khalv atidurjñānaṃ yad virodho’py avirodhaḥ/ Quả thực, có cái rất khó biết nhưng ta vẫn có thể biết. Ở đây, điều này cực kỳ khó biết, đó là sự mâu thuẫn và không mâu thuẫn. Vyākhya: trong một sát na tâm có thể nhận biết được những cái tương phản, như xúc vv. cùng với pháp khác. Nhưng sự dụng công và không dụng công trong cùng một sát-na tâm mà được quan niệm là không mâu thuẫn, thì điều này cực kỳ khó nhận biết. Như khổ và lạc, hai cái tương phản này không thể được kinh nghiệm cùng lúc trong một sát-na tâm.

[96] Tì-bà-sa giải đáp.

[97] Lý giải bởi Kinh bộ.

[98] Cđ. 若爾一切相應法。不應共緣一境。Nếu vậy, tất cả các pháp tương ưng không thể cùng duyên đến một đối tượng chung. Bhāṣya: na tarhīdānīm ekālambanāḥ sarve samprayuktāḥ prāpnuvanti/

[99] Để bản: ưng cầu 應[17]求, nên đọc: ưng lai 應來 (theo Cđ.). Bhāṣya: āyāsyati: nó sẽ đến. Vyākhya: chủng loại tương phản (virodhajātīyaṃ) như tầm và tứ (vitarkavicārau). Tầm với tâm thô, tứ với tâm tế, khi cả hai cùng duyên đến một đối tượng trong cùng một tâm, bấy giờ được nói là tương phản. Chúng không đồng thời khởi, mà tuần tự khởi. Ý nghĩa này sẽ được nói trong đoạn sau, tụng ii.33.

[100] hrī-apatrāpya, sẽ được giải thích ở đoạn sau, tụng 32.

[101] Thích từ trong tụng văn.

[102] avihiṃsā aviheṭhanā.

[103] 勇悍; Cđ. 勇猛. Bhāṣya: vīryaṃ cetaso’bhyutsāha. Vyākhā: kuśalakriyāyāṃ yaś cetaso ’bhyutsāhas tad vīryam. yas tv akuśalādikriyāyāṃ cetaso’bhyutsāho naitad vīryam, kausīdyam eva tat pravacane paṭhyate; sīdanātmakatvā/ tathā hy uktaktaṃ bhagatā “ito bāhyakānāṃ yad vīryaṃ kausīdyameva tat “iti, cái mà làm cho tâm có sự hăng hái trong các sự nghiệp thiện, cái đó là cần (tinh tấn). Nhưng cái mà làm cho tâm hăng hái trong các sự nghiệp bất thiện, cái đó không gọi cần; trong kinh điển nói nó chính là giải đãi, vì bản bản chất trì trệ. Như Thế Tôn nói: cái gọi là cần/tinh tấn của những người ở ngoài giáo pháp này, cái đó là giải đãi.

[104] Bhāṣya: mahatī bhūmir mahābhūmiḥ/ kleśā mahābhūmir eṣāṃ ta ime kleśamahābhūmikāḥ… cơ địa (nền tảng) phổ biến, được gọi là đại địa; đại địa ấy ô nhiễm, nói là phiền não địa. Cđ.惑大地。

[105] Skt. k. 26ab. mohaḥ pramādaḥ kauśīdyamāśraddhyaṃ styānam uddhavaḥ/ kliṣṭe sadaiva/ si, phóng dật, giải đãi, bất tín, hôn trầm, trạo cử; tất cả duy chỉ ô nhiễm.

[106] Bhāṣya: moho nāmāvidyā, ajñānam asaṃprakhyānam. Vyākhya, dẫn k. iii 28: pháp là đối phần của minh gọi là vô minh (vidyāvipakṣo dharmo’nyo’vidyā). Quang ký (77a04): nhận thức rõ ràng, nói là hiển.

[107] Phát trí 2 (T26, tr.925b10): 云何惛沈。答諸身重性。心重性。身不調柔。心
<lb n=”0925b11″/>不調柔。身<gaiji cb=’CB0574′ des='[夢-夕+登]’ mojikyo=’M032592′ mofont=’Mojikyo M106′ mochar=’73DE’>珞</gaiji>瞢。心<gaiji cb=’CB0574′ des='[夢-夕+登]’ mojikyo=’M032592′ mofont=’Mojikyo M106′ mochar=’73DE’>珞</gaiji>瞢。身憒悶。心 憒 悶 。 心
<lb n=”0925b12″/>惛重性。 是謂惛沈.

[108] Vyākhyā: Cũng như thọ tuy thuộc tâm, nhưng vì nó nương nơi sắc căn nên nói thuộc thân; cũng vậy, hôn trầm thuộc thân, vì hôn trầm tương ưng với năm thức thân (yathā vedanā rūpīndriyāśrayatvāc caitasiky api kāyikīti vyāhkyātā/ tathā kāyikaṃ styānam, pañcavijñānakāyasamprayuktaṃ styānaṃ kāyikam ity ucyate).

[109] Vyākhyā: auddhatyaṃ… nṛtyagītādiśṛiṅgāraveśālaṃkāradyauddhatyasaṃniśrayadānakarmakaś caitasiko dharmaḥ/ trạo cửtâm sở pháp có nghiệp dụng làm sở y cho những sự ca múa, trang sức y phục mỹ diệu các thứ.

[110] Giới thân, T 26, tr. 614b14; Phẩm loại 2, T26 tr. 698c7; Tì-bà-sa 42, tr. 220a4: 一不信。二懈怠。三放逸。四掉舉。五無明。六忘念。七不正知。八心亂。九非理作意。十邪勝解。

[111] Tri ngôn chí 知言至; Cđ. 知
<lb n=”0179a04″/>至. Skt. prāptijña: chỉ biết sở đắc.

[112] Vyākhyā: pāṭhaprāmāṇyamātreṇa daśa kleśamahābhūmikāḥ prāptā ity etām eva prāptiṃ jānīte devānāṃ priyaḥ, na tv ācāryāṇām iṣṭim icchāṃ jānīte/ ko ‘yaṃ devānāṃ priyo nāma? “ṛjukajātīyo devānāṃ priyaḥ” ity eke vyācakṣate, aśaṭho hi devānāṃ priyaḥ bhavati, mūrkho devānāṃ priya ity apare “yo hīśvarāṇām iṣṭaḥ sa na tāḍanena śikṣate” iti mūrkho bhavatīti: Vyākhya: Thiên Ái chỉ biết sự truyền đạt tức chỉ biết nắm bắt mười đại địa thiện theo nguồn văn tự chứ không biết ý định của Luận chủ. Thiên Ái này là ai? Một số vị giải thích Thiên Ái là người thuộc loại chất trực (thẳng đuột), tức Thiên Ái là người không dối trá. Một số vị khác nói Thiên Ái là kẻ ngu khờ. Thật vậy, người mà Thiên Chúa sủng ái thì không thể học hành gì dù bằng sự đánh đập, tức người ngu khờ.

[113] Tì-bả-sa 42 tr. 220a11: đại phiền não địa có 10 nhưng tự thể chỉ có 5, đồng với đại địa pháp. Nhưng đại địa pháp thông cả nhiễm ô và không nhiễm ô; đại phiền não duy chỉ nhiễm ô.

[114] Tứ cú 四句. Tì-bà-sa 42 tr. 220a19. Vyākhyā, bốn lựa chọn: (1) đại địa nhưng không phải là đại địa phiền não; (2) đại địa phiền não nhưng không phải là đại địa; (3) vừa là đại địa vừa là đại địa phiền não; (4) không phải đại địa cũng không là đại địa phiền não.

[115] Vyākhyā: năm pháp, thất niệm v.v., chúng là đại địa và cũng là đại địa phiền não.

[116] Vyākhyā: trừ những pháp đã nói như các tâm sở đại địa phiền não v.v, và những pháp khác như sắc v.v.

[117] Tì-bà-sa tr. 220a24.

[118] Quang ký (tr.77b29): Có thuyết khác nói, đây chẳng phải nghĩa chính, có chấp định tà trong đại địa pháp.

[119] Quang ký (tr.77b29): không phải chính là tâm loạn trong đại phiền não trong địa pháp.

[120] Tì-bà-sa ibid. Trong trường hợp tứ cú ở đây, đại địa pháp, về danh có 20, về thể có 6: (1) có 6, gồm 5 pháp đã kể (thọ, tưởng, tư, xúc dục) và thêm tam-ma-địa; (2) có 6, gồm 5 pháp kể trên (bất tín, giải đãi, phóng dật, trạo cử, vô minh) và thêm tán loạn; (3) có 4 pháp: trong 5 pháp kể trên (vong niệm, bất chính tri, phi lý tác ý, tà thắng giải) trừ tâm loạn; (4) trừ các trường hợp đã nêu. Tì-bà-sa không tán thành quan điểm này. Vyākhyā: bốn sự lựa chọn khác: thêm tán loạn trong lựa chọn thứ hai, chứ không phải trong thứ ba; như vậy: (1) như trên; (2) bất tín, giải đãi, vô minh, trạo cử, phóng dậttán loạn; (3) bốn đại địa gồm niệm v.v. và bốn đại phiền nào gồm thất niệm, bất chính tri, phi lý tác ý, và tà định; (4) trừ các trường hợp đã kể.

[121] Xem Phẩm loại 2 (cht. 110) đã dẫn; Tì-bà-sa 38, tr. 197c1, “Hỏi: hồn trầm và trạo cử đều cùng có mặt trong tất cả tâm nhiễm ô, vì sao đây chỉ kể riêng trạo cử mà không kể hôn trầm?”; và nêu 9 giải thích.

[122]Vyākhyā: kim asya styānasya apāṭhe mama aparādhaḥ, kim ābhidhārmikasya iti/ abhidharmakārasya ayam aparādho na mama iti abhiprāyaḥ; styānasya sarvakleśasamprayogitvena abhimatatvāt: “không kể hôn trầm (trong đại phiền não địa) là sai lầm của tôi (giả thiết Luận chủ) hay của luận A-tì-đạt-ma (= Phát trí)? Đây là sai lầm của luận A-tỳ-đạt-ma chứ chẳng phải của tôi, vì quan niệm rằng hôn trầm tương ưng với phiền não.”

[123] Tì-bà-sa 38 ibd., giải thích 5: “Trạo cử thường có tác đông mạnh gây nhiễu loạn các loại tĩnh lự 4 chi hay 5 chi, do đó được biệt kể. Hôn trầmtính chất ngu độn, mà hoạt động có vẻ tương tự trạng thái đẳng trì (định), tương tự định. Khi hôn trầm hiện tiền thì có thể nhập định nhanh, khuyết điểm của nó nhỏ, vì vậy không được kể (trong đại phiền não địa).”

[124] Vyākhyā: evam api ca styānam auddhatyaṃ vā yasya pudgalasyādhimātram, sa pudgalaḥ taccaritaḥ styānacaritaḥ, auddhatyacarito vāvagantavyah. người mà trạng thái nào nổi bật, hôn trầm hoặc trạo cử, người ấy được biết là thuộc loại hành giả đó, hoặc hôn trầm, hoặc trạo cử.

[125] 大不善法地名大不
<lb n=”0020a07″/>善地。định nghĩa không có trong Bhāṣya và Cđ.

[126] akuśale tv āhrīkyam anapatrapā//

[127] Đoạn sau, tụng 32.

[128] parittakleśa, 小煩惱, Cđ. 小惑. Vyākhyā: parittaḥ, hạn hẹp = alpakaḥ, vi tiểu.

[129] krodhopanāhaśāṭhyeṣryāpradāsamrakṣamatsarāḥ/ māyāmadavihiṃsāśca parīttakleśabhūmikāḥ/ Cđ. 嫌恨諂嫉<gaiji cb=’CB0107′ des='[女*石]’ uni=’59AC’ >妬</gaiji>。佷覆及慳<gaiji cb=’CB0385′ des='[怡-台+吝]’ uni=’608B’ >悋</gaiji>。誑醉
<lb n=”0179a25″/>并逼惱。是十小惑地。

[130] Hán đọc là 唯修所斷。意識地起。無明
<lb n=”0020a19″/>相應; Cđ., như Ht. Nhưng skt. avidyāmātreṇa bhāvanāheyeṇa manobhūmikenaiva ca samprayogāt. Theo đây, từ duy 唯 trong 2 bản Hán nên đọc luôn xuống 2 từ dưới, và từ tương ưng 相應 đọc thông lên 2 từ trên. Vyākhyā: avidyāmātreṇeti, nānyena rāgādinā kleśena, “duy chỉ tương ưng với vô minh, không tương ưng với phiền não nào khác, như tham v.v.” Loại vô minh này được gọi là vô minh độc hành (kevalā) hay bất cộng (āveṇkikī avidyā); xem Ch. v. k. 14.

[131] Ý thức địa 意識地, manobhūmika; Cđ. 依心地. Vyākhyā: manobhūmikenaiveti na pañcavijñānakāyikena, duy chỉ tương ưng với ý địa, không tương ưng với năm thức thân.

[132] Định nghĩa không có trong Bhāṣya và Cđ.

[133] Phần sau, Ch.v. k.14 (phẩm Tùy miên).

[134] Vyākhyā: …aniyatā iti/ ye kādācit kuśale, kadācid akuśale, kadācid avyākṛte cetasi bhavanti: các bất định, là những thứ khi thì có mặt trong tâm thiện, khi thì có mặt trong tâm bất thiện, khi thì có mặt trong tâm vô ký.

[135] Vyākhyā; ādiśabdenārativijṛmbhikātandrībhakte’samatādaya upakleśāḥ kleśāḥ ca rāgādayo’py aniyatatvena gṛhyante/ na hy ete rāgādayaḥ pañcānāṃ prakārāṇāṃ anyatam asmin niyatā bhavanti/ na mahābhūmikāḥ, sarvatra cetasy abhāvāt/ na kuśalamahābhūmikāḥ, kuśalatvāyogāt/ na kleśamahābhūmikāḥ, sarvatra kliṣṭe tad abhāvāt/ na hi sapratighe cetasi rāgo bhavati, sarāge ca cetasi pratigha iti / evam anye‘pi kleśā vaktavyāḥ: “Từ ‘vân vân’ (ādi, trong tụng văn) được hiểu là bao gồm trong bất định các tùy phiền não như bất lạc, tần thân (dã dượi), quyện (mệt mỏi), bất tiết thực (ăn uống không điều độ) v.v., và kể cả các phiền não như tham v.v… Bất định, vì những pháp này, như tham v.v., không nhất định có mặt trong 5 tâm phẩm. Chúng không là đại địa vì không có mặt trong tất cả tâm, không là thiện đại địa vì không tương ưng với tính thiện; không là đại phiền não địa vì nó không hiện hữu trong tất cả tâm bị nhiễm ô. Tham không có mặt trong tâm câu hữu sân; và sân không có mặt trong tâm câu hữu tham. Những phiền não khác cũng nên nói như vậy.”

[136] savitarkavicāratvāt kuśale kāmacetasi/ dvāviṃśatiś caitasikāḥ kaukṛtyam adhikaṃ kvacit// 28

[137]kārikā 29: āveṇike tv akuśale dṛṣṭiy ukte ca viṃśatiḥ / kleśaiś caturbhiḥ krodhādyaiḥ kaukṛtyenaikavimśatiḥ//

[138] nivṛte‘ṣṭādaśa, anyatra dvādaśāvyākṛte matāḥ/ middhaṃ sarvāvirodhitvād yatra syād adhikaṃ hi tat//30.

[139] kaukṛtya.

[140] Vyākhyā: yadi kaukṛtyālambano dharmaḥ kaukṛtyam ucyate, tatsamprayuktā api anye cittacaitāḥ kaukṛtyaṃ prāpnuvanti; teṣām aprādhānyāt / vipratisārāvasthāyāṃ hi kaukṛtya-lakṣaṇaṃ caitasikaṃ kaukṛtyākāram udbhūtavṛttikam, anye cittacaitāḥ tadākāreṇānuvartante, kasya cid eva hi dharmasya kasmiṃś cit cittakalāpe prādhānyam iti varṇayanti: Nếu pháp có sở duyên ố tác được gọi ố tác, các tâm và tâm sở khác tương ưng với nó cũng nên cho là có ố tác, vì chúng kém thế hơn. Thật vậy, đặc tính ô tác trong trạng thái truy hối là hành tướng ố tác của tâm sở tăng thịnh; các tâm, tâm sở khác do bởi hành tướng này mà tùy thuận khởi theo. Điều đó có nghĩa là pháp nào thực sự có ưu thế trong toàn bộ tâm phẩm nào thì gọi tên theo pháp đó.

[141] Vyākhyā: skandhānām antarvyāpārapuruṣarahitālambanaṃ vimokṣamukhaṃ samādhiviśeṣaḥ śūnyatā iti ucyate/ loại tam-muội thù thắng này được gọi là không tính, là giải thoát mônsở duyêncông dụng nhân vi nội tại của các uẩn bị loại trừ.

[142] Vyākhyā: vinīlakavyādhmātakādyaśubhālambano’lobho’śubhety ucyate, vô tham mà có sở duyên là sự bất tịnh của xác chết tái sanh, sình chướng, vô tham ấy được gọi là bất tịnh.

[143] sthānena sthāninām iti deśaḥ, lấy trú xứ để nói cư dân.

[144] Túc tác nghiệp 宿作
<lb n=”0020b14″/>業, paurāṇaṃ karma, nghiệp (được gây trong) đời trước.

[145] Hán: vị tác sự 未作事; skt. akṛta, theo ngữ cảnh, nên hiểu là “sự việc (đã) không được làm.”

[146] na mayā sādhu kṛtaṃ yat tan na kṛtam iti, tôi đã làm điều không tốt, là đã không làm việc đó.

[147] Bất cộng 不共, Skt : āveṇika, Cđ. độc hành 獨行.

[148] avidyā kevalā, Cđ. độc hành vô minh 獨行
<lb n=”0179b22″/>無明.

[149] xem giải thích đoạn tiếp theo.

[150] Vyākhyā: mahābhūmika eva kaścit prajñāviśeṣo dṛṣṭir iti/ santīrikā yā prajñā sā dṛṣṭiḥ/ kiến, chính là huệ đặc biệt trong đại địa pháp. Huệ quyết đoán được nói là kiến.

[151] Trong năm loại kiến, tà kiến, kiến thủgiới thủ thuộc tính bất thiện; hữu thân kiếnbiên kiến thuộc vô ký.

[152] nivṛtāvyākṛta; Vyākhyā: kleṥāc chāditaṃ kuṥalākuṥalatvena avyākṛtaṃ yat tat nivṛtāvyākṛtam/ anācchāditaṃ tv anivṛtāvyākṛtam vipākajairyāpathikaṥailpasthānikanairmāṇikasvabhāvam: cái không được xác định là thiện hay bất thiện, bị phiền não che phủ, cái đó gọi là hữu phú vô ký. Vô phú vô ký không bị phiền não che phủ, đó là dị thục sinhoai nghi lộ – công xảo xứ và biến hóa tâm.

[153] Ngoại phương chư sư 外方諸師; skt. bahirdeśakā; Vyākhyā: kaśmiramaṇḍalād ye bahirdeśasthitās te bahirdeśakāḥ/ những vị cư trú ngoài phạm vi Kaśmira là những (luận sư) nước ngoài.

[154] Vyākhyā: middhaṃ pracalāyamānāvasthāyāṃ svapnadarṥanāvasthāyāṃ vā kuśalākuśalāvyākṛtatvād/ trong trạng thái ngủ gà gật hay lúc thấy chiêm bao, thụy miên thiện, bất thiện, hay vô ký. Quang ký (80b28): trong trường hợpchiêm bao, thụy miên thông cả ba tính; không chiêm bao, duy chỉ vô ký.

[155] kārika 31: kaukṛtyamiddhākuṥalānyād ye dhyāne na santy ataḥ/ dhyānāntare vitarkaṥ ca vicāraṥ cāpy ataḥ param//

[156] kaukṛtyaṃ middhaṃ ca sarvathā nāsti, ố tácthụy miên hàn toàn khong có mặt Vyākhya: / na kuśalaṃ nāpy avyākṛtam, kuta evākuālam iti sarvathā middhaṃ kaukṛtyaṃ ca nāsti/ thiện và vô ký còn không có, hà huống bất thiện, do đó nói ố tácthụy miên hoàn toàn không có mặt.

[157] yat kaṣcid akuśalam, bất cứ những gì thuộc bất thiện; Cđ. 諸惡隨一.

[158]Vyākhyā: Tâm thiện có hai mươi hai tâm sở câu sinh như trước nói; tâm hữu phú vô ký, bất cộngtương ưng với kiến giống như tâm ở dục giới có mười tám tâm sở câu sinh; tâm tương ưng với các phiền nảo khác như tham mạn nghi và tương ưng với các tùy phiền não như huyễn siểm cuống thì có mười chín tâm sở câu sinh. Ở đây mười chín tâm gồm những tâm ấy (mười tám tâm sở trước) và một phiền não hoặc tùy phiền não. Tâm vô phú vô ký ở nơi biến hóa, oai nghi lộ và dị thục sinh thì có mười hai tâm sở câu sinh

[159] Thích từ trong tụng văn, Skt: api (cũng = kể thêm); Hán: đẳng 等.

[160] Vyākhyā: kuṥale vitarkavicāranirmuktā viṃṥatiḥ/ āveṇike dṛṣṭiyukte ṣoḍaṥa/ rāgādikleṥasamprayukte madopakleṥasamprayukte ca saptadaṥa/ daṥa mahābhūmikāḥ ṣaṭ kleṥamahābhūmikāḥ/ sa ca kleṥaḥ sa vopakleṥaḥ/ anivṛtāvyākṛte daṥa mahābhūmikā ya eveti gamanīyam: trong tâm thiện có hai mươi tâm sở trừ tầm và tứ; tâm bất cộng, tương ưng với kiến thì có mười sáu tâm sở. Tâm tương ưng với các phiền não như tham v.v., và tương ưng với tùy phiền não như kiêu thì có mười bảy: mười đại địa, sáu đại địa phiền não và một phiền não hoặc tùy phiền não. Tâm vô phú vô ký được biết có mười đại địa.

[161] Hán: chúng tương y 眾相
<lb n=”0020c26″/>依; skt. parṣatsambandha; Vyākhyā: yeṣāṃ parṣad asti teṣāṃ parṣadgrahaṇārthaṃ māyāṥāṭhyaṃ pravartate/ aṣṭau parṣadaḥ paṭhyante- kṣatriyaparṣad, brāhmaṇaparṣad, gṛhapatiparṣad, ṥramaṇaparṣad, cāturmahārājikaparṣat, trastriṃṥatparṣat, māraparṣad, brahmaparṣat/ tāsām anyatam āpi ūrdhvam ato nāstīti māyāṥāṭhyābhāvaḥ/ brahmaṇas tu parṣadasti: những ai có đồ chúng, đối với những người ấy vì mục đích duy trì đồ chúng mà khởi lên siểm và cuống. Tám chúng được nói là chúng sát-đế-lợi, chúng bà-la-môn, chúng gia chủ cư sĩ, chúng sa môn, chúng tứ đại thiên vương, chúng Đao lợi, chúng ma thiên, chúng Phạm thiên. Thượng phương (ūrdhva) không có bất cứ chúng hội nào trong số này, do đó không có siểm và cuống. Nhưng Phạm thiên thì có huyễn (cuống) và siểm.

[162] Xem Trường A-hàm, kinh số 24 “Kiên cố”, bản Hán T1 (tr.102a27); Pāli, D. 11. Kevaddha. Cf. Tì-bà-sa 129, T27 (tr.670b26).

[163] kārikā 32: ahrīr agurutā avadye’ bhayādarśitvam atrapā/ prema śraddhā gurutvaṃ hrī te punaḥ kāmarūpayoḥ//

[164] Vô sùng 無崇; Cđ. 無自在心. Skt. apratīśatā: sự bất kính; BHS. ngữ nguyên không rõ, hoặc do prati-īkṣ: trông đợi, đoái nhìn hướng đến; nhưng Vyākhyā: śiṣyaṃ prati iṣṭa iti pratīśī gurusthānīyaḥ, nāsti pratīśo’syety apratīśaḥ/ vị được kinh trọng đối trước môn sinh là hàng sư trưởng có sự tôn kính. Trái lại là bất kính.

[165] Vô sở kỵ nạn vô sở tùy thuộc 無所忌難無所隨屬; skt. abhayavaśavartitā; Cđ.無敬畏心無隨
<lb n=”0180a05″/>屬他心. Tì-bà-sa 34 (tr.179a12): 於
<lb n=”0179a17″/>自在者無怖畏轉是謂無慚。

[166]Quang ký (tr.81b05) giải thích: Các phẩm đức là giới, định, v.v. Và bậc có phẩm đức là những bậc thầy…

[167] Tội; skt. avadya; Vyākhyā: avācyam avadyam, tội là điều bị chê trách.

[168] Phân tích hợp từ abhayadarśtitva: abhayasya darśanam? bhayasya adarśanam?

[169] Hán: trí tuệ. Theo Quang ký (tr.81b22), trí tuệ ở đây là tà kiến.Vyākhyā: prajñayā hy abhayaṃ paśyati/ atha punar evaṃ kriyeta- bhayaṃ draṣṭuṃ śīlam asyeti bhayadarśī, na bhayadarśī abhayadarśī. Do bởi nhận thức (huệ) mà thấy không có sự lo sợ. Hoặc nói cách khác, người có bản tính hay thấy có sự lo sợ, gọi là người thấy sợ. Trái lại là người không thấy sợ.

[170] Vyākhyā: tayoḥ prajñāvadyoḥ, của hai cái ấy, là huệ và vô minh.

[171] Tì-bà-sa 34, tr. 179c14.

[172] Vyākhyā: hrī lajjāyam/ trapūṣ lajjāyām, động từ căn hrī (tàm) và trap (quý) đều có nghĩa là xấu hổ, e thẹn; Dhātupātha xxiv.3, Pāṇini iv.4. 122)

[173] Cđ. 愛樂
<lb n=”0180a20″/>及信.

[174] kliṣṭaṃ tṛṣṇā.

[175] Tì-bà-sa 29, tr. 151a8.

[176] dvividhā hi śraddhā – dharmeṣu pudgaleṣu ca; evaṃ saprtīśatāpi, tín có hai: tin pháp và tin người; sự sùng kính cũng vậy.

[177] te ceha premagaurave abhiprete, ở đây hai thứ này (tín và tàm) được hiểu là ái và kính.

[178] kārikā 33: vitarkacārāvaudāryasūkṣmate māna unnatiḥ/madaḥ svadharme raktasya paryādānaṃ tu cetasaḥ.

[179] Tầm-tứ, skt. vitarka-vicāra, Cđ. 覺觀.

[180] Tì-bà-sa 42, tr. 219a7, a16.

[181] op.cit. tr. 219b4.

[182] Quang ký (tr. 82c2): nạn vấn bởi Thế Thân.

[183] Sai biệt giới địa (bhūmibhedāt), chỉ trạng thái thô tế sai biệt trong chín địa. Sai biệt phẩm loại (prakārabhedāt), chỉ trạng thái thô tế theo mức độ thượng trung hạ của chín cấp phiền não.

[184] Hán: ưng hữu 應有; skt. syātām; giả thiết để chất vấn; không ngụ ý khẳng định. Quang ký ibid., Luận chủ dẫn Kinh bộ để chất vấn Hữu bộ. Tì-bà-sa 52 tr. 269b10: Thí dụ bộ cho rằng tầm tứ có mặt cho đến Hữu đỉnh. Bộ này dẫn Kinh nói, theo đó, tính thô của tâm gọi là tầm; tính vi tế của tâm gọi là tứ. Bởi vì tính thô và tế đều có thể được tìm thấy từ Dục giới cho đến Hữu đỉnh, do đó chủ trương suốt cả ba giới đều có tầm tứ.

[185] Vyākhyā: sai biệt theo địa giới, như so với sơ thiền thì Dục giới là thô vì phải dụng công nhều hơn; so với Dục giới thì sơ thiền là tế vì dụng công ít hơn. Tì-bà-sa 52 (269b22): “Hoặc có nơi nói, Dục giới thì thô, sơ tĩnh lự thì tế. Trong đây tầm tứ thông cả thô và tế, vì tầm và tứ có mặt trong cả hai giới địa. Hoặc có nơi nói, sơ tĩnh lự là thô, tĩnh lự thứ hai là tế. Trong trường hợp này tầm-tứ đều là thô chứ không phải tế; vì sơ tĩnh lự trở lên không có tầm tứ. Trong những trường hợp như vậy, thô tế được quan niệm có nhiều phẩm loại, không nên quan niệm cố định.”

[186] jāti, chủng loại.

[187] Vyākhyā: vitarkavicārayor jātibheda iṣyate- anyo vitarkaḥ, anyo vicāra iti/na caudārikatvena sūkṣmatvena ca vitarkavicārayor yathākramaṃ svabhāvabhedo yuktaḥ/ kiṃ kāraṇam? jātibhinnayor hi vedanāsaṃjñayor audārikasūkṣmatā bhavati/ na ca punar audārikasūkṣatayaiva tayoḥ svabhāvabhedaḥ, kiṃ tarhi? anubhavalakṣaṇatayā nimittodgrahaṇalakṣaṇatayā ca tayoḥ svabhāvabhedaḥ, tasmād apy anayor nāsti lakṣaṇam: đây muốn nói về sự khác biệt chủngloại của tầm và tứ. Tầm và tứ là hai loại khác nhau; không thể nói chúng có tự thể sai biệt do bởi trạng thái thô và tế. Cũng như thọ và tưởng khác nhau về chủng loại mà có thô tế khác nhau, nhưng không phải do thô và tế mà cả hai có tự thể khác nhau. Bởi vì, chúng có tự thể khác nhau do bởi đặc tính của thọ là lãnh nạp, và của tưởng là nắm bắt ảnh tưởng. Vì vậy, thô và tế không phải là đặc tính để phân biệt tầm và tứ.

[188] Vākhyā: giải thích của Sautrāntika. Quang ký: giải thích thứ hai của Tì-bà-sa.

[189] Ngôn ngữ hành 言語行; skt. vāksaṃskārāḥ. Vyākhyā: vāksaṃskārā iti vāksamutthāpakā, ngôn ngữ hành là nhân đẳng khởi của ngôn ngữ, tức động cơ làm phát sinh ngôn ngữ.

[190] vitakya vicārya vācaṃ bhāṣate, nāvitarkya nāvicārya.” Cf. Cūḷavedallasutta. M.i. 301: vitakkavicārā vacīsaṃkhāro… pubbe kho…vitakketvā vicāretvā pacchā vācaṃ bhindati...

[191] Vyākhyā: chất vấn bởi Tì-bà-sa.

[192] Bhāṣya thêm: vedanāsaṃjñāvat, “như thọ và tưởng”; chi tiết không có trong Ht. và Cđ.

[193] Quan điểm của Tì-bà-sa.

[194] Kinh bộ hỏi.

[195] Trả lời của Tì-bà-sa. Vyākhyā, dẫn Saṅghabhadra: trong một tâm có cả thô và tế, không có gì mâu thuẫn, do thời gian hoạt động khác nhau. Khi trong toàn bộ tâm có tầm hoạt động, bấy giờ là tâm thô; khi có tứ hoạt động, bấy giờ là tâm tế. Như biểu thị của tham si hành giả. Tuy tham và si câu hành, nhưng tùy theo hoạt động của tham hay si mà nói là tham hành giả (rāgacarita) hay si hành giả (mohacarita). Cf. Thuận chính lý 11, tr. 394a18.

[196] Quan điểm của Kinh bộ. Quang ký. Nạn vấn của Luận chủ.

[197] Bhāṣya: ity apare, đây là quan điểm của một số luận sư. Vyākhyā: đây là ý kiến của Luận chủ. Cđ. hữu dư sư thuyết 有餘師說. Ht. không có chi tiết này. Quang ký: đoạn văn này nêu quan điểm của Luận chủ. Pañcaskandhaka, dẫn bởi Vyākhyā: tatra pūrvācaryā āhuvitarkaḥ katamaḥ/ paryeṣako manojalpaś cetanāprajñāviśeṣaḥ/ yā cittasyaudārikatā// vicāraḥ katamaḥ/ pratyavekṣako manojalpaś cetanāprajñāviśeṣḥ/ yā cittasya sūkṣmatā// Các luận sư đời trước nói, “Tầm là gì? Sự tầm cầu bởi ý ngôn, với sự sai biệt tư và huệ, là cái có tính chất thô. Tứ là gì? Sự tư sát bởi ý ngôn, với sự sai biệt tư và huệ, là cái có tính chất tinh tế.” Đoạn trích dẫn này được tìm thấy tương đồng trong Đại thừa ngũ uẩn luận của Thế Thân, T31 (r.849b28).

[198] Quang ký: Các luận sư Tì-bà-sa dẫn Kinh để chất vấn.

[199] Định thức về sơ thiền, Skt., dẫn bởi Vyākhyā: viviktaṃ kāmair viviktaṃ pāpakair akuśalair dharmaiḥ savitarkaṃ savicāraṃ vikekajaṃ prītisukhaṃ prathamaṃ dhyānam upasampadya viharatīti, “(hành giả) chứng và trú sơ thiền, trạng thái viễn ly các dục, viễn ly các pháp ác bất thiện, có tầm, có tứ, có hỷ lạc do định sinh.”

[200] Tâm tự cử tính 心自舉性, Skt. cetasa unnati; Cđ. tâm cao 心高.

[201] Vyākhyā: bhūtenābhūtena vā parato utkarṣaparikalpena “śūro’rthavān asmi śīlavān buddhisampannaḥ” iti vā yā cetasa unnatiḥ sa māno nāma caitasiko dharmaḥ/ có thực hay có không thực, tự khoa đại rằng “tôi mạnh, tôi giàu, tôi có đạo đức, có trí tuệ”, sự đề cao của tâm như vậy gọi là tâm sở mạn. Tì-bà-sa 43, tr. 223a9: “Trong đây, mạn có đặc điểm là tự cao tự thị mình hơn người về dòng họ, nhan sắc, sức mạnh, tài sản, địa vị, trí tuệ v.v…”

[202] St. tu, không có tương đương trong Ht. và Cđ. Vyākhā: tuśabdo viṣeṣanārtho bhinnakramaś cāvagantavyaḥ/ “Từ tu (trong tụng văn) hàm nghĩa loại biệt, và cần được hiểu không theo thuận tự.

[203] Hán. 自法 Skt: svadharma. Tì-bà-sa 43, ibid.: “Trong đây, kiêu có đặc điểm là sự cao ngạo của tâm, không so sánh với người mà tự mê đắm những thứ cho là mình có như dòng họ, nhan sắc, sức mạnh, tài sản, địa vị, trí tuệ, v.v…”

[204] Hán: linh tâm ngạo dật vô sở cố tánh 令心傲逸無所顧性. Cđ: kỳ tâm loạn vị 其心亂味. Skt. cetasaḥ paryādānam/ Vyākhyā: yena svadharmeṣv eva rūpaśauryādiṣu raktaṃ cetaḥ paryādīyate sannirudhyate sa rāganiṣyando madaḥ/ yaḥ svadharmeṣv eva raktasya darpacetasaḥ paryādānāt kuśaladharmakriyābhyaḥ pratisaṃhāro mada ity ācāryasaṅghabhadraḥ/ Kiêu, đó là lưu loại của tham, do bới nó mà tâm bị dính trước trong những gì thuộc về chính minh như sắc đẹp, sự dũng mãnh, v.v., khiến tâm bị khánh kiệt, bị chặn lại. A-xà-lê Saṅghbhadra giải thích rằng, kiêu, đó là sự khước từ các hành vi thiện pháp do bởi tính chất vô cố vì tâm cao ngạo, mê đắm những gì thuộc về mình. Cf. Thuận chính lý 11, (tr.394c06). 憍謂染著自法為先。令心傲逸。無所顧性。 於 自 勇 健 財 位 戒 慧 族 等法中。 先起染著。心生傲逸。於諸善本無所顧眄。故名為憍。

[205] Vyākhā: giải thích không được Tì-bà-sa chấp nhận.

[206] Hân cử sai biệt 欣舉差別; saṃpraharṣaṇa-viśeṣa, một thứ kích động đặc biệt.

[207] Skt. mada, kiêu ngạo; cũng có nghĩa say sưa, cuồng hỷ; Cđ. túy 醉.

[208] Hán & skt: Cittaṃ mano’tha vijñānam ekārthaṃ cittacaitasāḥ/ sāśrayālambanākārāḥ samprayuktāśca pañcadhā

[209] cinotīti cittam. Định nghĩa về tâm trong các kinh luận Phật giáo. Theo định nghĩa này, citta do động từ căn ci: cinoti: nó tích lũy. Vyākhyā: kuśalam akuśalaṃ vā cinotīty arthaḥ/ nairuktena vidhinaivaṃ siddham/ Nó tích lũy (nghiệp) thiện hay bất thiện; đây là định nghĩa theo ngữ nguyên. Quang ký: “Phạn nói chất-đa 質多, đây gọi la tâm. Nó có nghĩa là tập khởi. Do lực của tâm mà tập khởi tâm sở và các sự nghiệp.” Giải thích này không hoàn toàn phù hợp với ngữ nguyên Sanskrit.

[210] manuta iti manaḥ/ Nó tư duy, gọi nó là ý. Do động từ căn man: suy nghĩ. Quang ký: “Phạn nói mạt-na 末那, đây gọi là ý; có nghĩa là tư lượng.”

[211] vijānātīti vịjñānam/ Vyākhyā: vijānāty ālabanam iti vijñānam, kartari lyuṭ. Nó nhận thức đối tượng, gọi nó là thức. Vĩ ngữ lyuṭ lập thành danh từ hành động. Cf. Pāṇini 3.3.115. Quang ký: “Phạn nói tì-nhã-nam 毘若南, đây gọi là thức, có nghĩa là liễu biệt.”

[212] Vyākhyā: định nghĩa của Sautrāntika, hoặc của Yogācāra.

[213] Bhāṣya: citaṃ śubhāśubhair dhātubhir iti cittam/ “Gọi nó là tâm, vì được tích lũy bởi các giới loại tịnh và bất tịnh.” Vyākhyā: vāsanāsanniveśayogena sautrāntikamatena, yogācāramatena vā/ “Quan điểm của Sautrāntika hay Yogācāra nói nó là nhà chứa của các tập khí.” citam, tích tập hay tích lũy, bản Ht. đọc là citram: đa dạng.

[214] tad āśrayabhūtam manaḥ, cái làm năng y. Cf. Ch.i. k. 9, dẫn bởi Vyākhyā: ṣaṇṇam anantarātītaṃ vijñānaṃ yad dhi tan manaḥ/ thức nào trong sáu thức thuộc quá khứ vô gián (trực tiếp), thức ấy là ý (căn).”

[215] āśritabhūtam vijñānam/ Vyākhyā: “dvayaṃ pratītya vijñānasyotpattiḥiti vacanāt/ Vì Kinh có nói, duyên đến hai (căn và cảnh), thức sinh khởi.

[216] Hán: nghĩa dị thể nhất. Skt. eko’rthaḥ, nghĩa đồng nhất. Vyākhyā: yac cittaṃ tad eva manas tad eva vijñānam ity eko’rtho, “tâm tức ý, tức thức, nghĩa (nội hàm) là một. Tì-bà-sa 72 (tr.371b6): “Có thuyết nói, tâm-ý-thức có sai biệt, vì danh sai biệt. Vả lại, thời gian cũng sai biêt: Quá khứ gọi là ý, vị lai gọi là tâm, hiện tại gọi là thức. Lại nữa, sự thi thiết cũng có sai biệt: tâm sinh khởi trong giới, ý sinh khởi trong xứ, thức sinh khởi trong uẩn. Lại nữa, nghĩa cũng có sai biệt: tâm là nghĩa chủng tộc, ý là nghĩa sinh môn, thức là nghĩa tích tụ. Lại nữa, nghiệp cũng có sai biệt: viễn hành là tâm nghiệp, tiền hành là ý nghiệp, tục sinh là thức nghiệp.”

[217] Hữu sở y, sāśraya: sa-āśraya, trong đó sa-: hữu, theo nghĩa saha: câu hữu; vì không tồn tại độc lập, mà phải cùng tồn tại với sở y của nó.

[218] Hữu sở duyên 有所緣; sālambana; Cđ. hữu cảnh 有境. Vyākhyā: na hi vinālambanena cittacaittāutpadyante, vì nếu khôngsở duyên thì tâm và tâm sở không thể xuất hiện.

[219] Hữu hành tướng 有行相; Skt. sākāra; Cđ. hữu tướng 有相; ảnh của đối tượng được ghi trên thức gọi là hành tướng (ākāra).

[220] Vyākhyā: yena te sālambanāḥ tasyaivālambanasya prakāreṇa grahaṇāt/ katham? vijñānaṃ hi nīlaṃ pītaṃ vā vastu vijānāti/ upalabhata ity arthaḥ/ tadeva tathālambanaṃ vastu vedanānubhavati, saṃjñā paricchinattti, cetanābhisaṃskarotīty evam ādi/ atha vā – tasyaivālambanasya vijñānaṃ sāmānyarūpeṇopalabhyatārūpaṃ gṛhṇāti, viśeṣarūpeṇa tu vedanānubhavanīyatārūpaṃ gṛhṇāti, saṃjñā paricchedyatārūpaṃ gṛhṇātīty evam ādi/ (Hữu hành tướng) cũng là hữu sở duyên, là những cái mà do bởi đó đối tượng của nó được nắm bắt theo phẩm loại. Bằng cách nào? Thức biết được, nghĩa là nó nắm bắt, vật có màu xanh hay đỏ; thọ cảm nghiệm chính sự vật đó như là sở duyên như vậy; tưởng thì phân biệt, tư thì tạo tác. Nói cách khác, hoặc thức nhận thức sắc được nắm bắt bằng tổng tướng của chính sở duyên ấy; thọ nắm giữ sắc được cảm nghiệm bằng biệt tướng; tưởng nắm giữ sắc được phân tích v.v…

[221] samprayuktāḥ, samaṃ prayuktavāt. Phân tích từ samprayuktāḥ = samaṃ (đẳng: tương đẳng, đồng đẳng, cộng đồng) + prayuktatva (hệ thuộc, kết hợp).

[222] Nguyên Hán: sự 事; Skt. dravya; Cđ. vật 物. Vật thể ở đây được hiểu là thể chất.

[223] Trong một sát-na, không có hai tâm đồng khởi; tâm sở cũng vậy. Vyākhyā: vedanādravyam ekam evotpadyate na dve trīṇi vā, (trong một sát-na) duy chỉ một thể của thọ sinh khởi, không có hai hay ba.



Nguồn : Source link

Hits: 29

Trả lời