Hoa Nghiêm Tánh Khởi



HOA NGHIÊM TÁNH KHỞI


Nguyễn Thế Đăng

Theo kinh Hoa Nghiêm, được xem là kinh cao rộng nhất của Đại thừa, thì vũ trụ này là Báo thânHóa thân của Phật bổn nguyên Tỳ Lô Giá Na. Phật Tỳ Lô Giá Napháp thân của Đức Phật Thích Ca và tất cả chư Phật.

Báo thânHóa thân khởi sanh từ Pháp thân hay pháp giới tánh. Do đó vũ trụ hay pháp giới sanh khởi từ Pháp thân hay pháp giới tánh. Phẩm Bảo Vương Như Lai tánh khởi thứ 32 của Kinh Hoa Nghiêm 60 cuốn là phẩm đặc biệt nói về chủ đề tánh khởi này.

Pháp giới hay thân Phật thì cùng khắp nhưng vẫn thanh tịnhtịch diệt:

Thân Phật thanh tịnh thường tịch diệt

Quang minh chiếu sáng khắp thế gian

Không tướng không hành không hình bóng

Ví như mây nổi giữa không gian

Thân Phật như vậy cảnh giới định

Tất cả chúng sanh không thể lường

Thị hiện phương tiện khó nghĩ bàn

Thiên vương Huệ Quang đã ngộ được.

Thân Phật vô tận như hư không

Vô tướng vô ngại khắp mười phương

Như huyễn như hóa khắp ứng hiện

Biến Hóa Âm Vương đã ngộ được.

Thân Phật cùng khắp đồng pháp giới

Khắp ứng chúng sanh đều hiện tiền

Các thứ giáo môn thường dạy trao

Nơi pháp tự tại hay khai ngộ.

(Thế Chủ Diệu Nghiêm, thứ 1)

Phẩm Thập địa nói: “Toàn cả ba cõi chỉ là Nhất Tâm”.

Phật bổn nguyên Tỳ Lô Giá NaNhất Tâm hay pháp giới tánh, từ đó vũ trụ hay pháp giới xuất sanh và hiện hữu trong đó:

Nếu người muốn rõ biết

Tất cả Phật ba đời

Phải quán pháp giới tánh

Tất cả duy tâm tạo.

(Duy Ma cung kệ tán, thứ 20)

Tâm, Phật, và chúng sanh vốn là một, như kinh nói:

Như tâm, Phật cũng vậy

Như Phật, chúng sanh đồng

Tâm, Phật, và chúng sanh

Cả ba không sai khác.

(Duy Ma cung kệ tán, thứ 20)

Sở dĩ chúng ta không thấy được Phật hay pháp giới tánh vì những phiền não chướngsở tri chướng, là những “nghiệp chướng xấu ác” của mình che chướng tâm và mắt:

Chúng sanh nghiệp chướng xấu sâu dày

Trăm ngàn kiếp qua chẳng thấy Phật.

(Thế Chủ Diệu Nghiêm, thứ 1)

Vũ trụ này, pháp giới này xuất sanh từ pháp giới tánh, hiện hữu trong pháp giới tánhtiêu tan vào pháp giới tánh, đây là điều các kinh điển Đại thừa nói là Chân Như duyên khởi, Như Lai tạng duyên khởi…. Trong Kinh Hoa Nghiêm, tương đương với phẩm Bảo Vương Như Lai tánh khởi của bộ 60 cuốn là phẩm Như Lai xuất hiện thứ 37, bộ 80 cuốn. Trong phẩm này, Bồ tát Như Lai Tánh Khởi Diệu Đức thưa hỏi Bồ tát Phổ Hiền về sự xuất hiện của Như Lai, mà thân Như Lai thì “khắp đồng pháp giới”. Như vậy, pháp giới đồng với thân Phật này xuất hiện từ đâu, hiện hữu như thế nào. Đây là vấn đề tánh khởi. Hiểu rõ được tánh khởi hay Như Lai xuất hiện, chúng ta sẽ thấy được Như Lai, thấy Phật.

Đại Bồ tát Phổ Hiền dạy phải quán sát tâm, vì “tâm, Phật, chúng sanh, cả ba không sai khác”:

Như tâm cảnh giới vô biên lượng

Chư Phật cảnh giới cũng như vậy

Như tâm cảnh giới từ ý sanh

Phật cảnh như vậy phải quán sát.

(Như Lai xuất hiện, thứ 37)

Quán Phật là quán Chân Như, quán pháp giới:

“Chư Phật tử! Như Chân Như: tiền tế bất sanh, hậu tế bất động, hiện tại bất khởi. Như Lai hạnh cũng vậy: chẳng sanh, chẳng động, chẳng khởi.

Như pháp giới: chẳng phải hữu lượng, chẳng phải vô lượng, vì vô hình vô tướng. Cũng vậy Như Lai hạnh chẳng phải hữu lượng, chẳng phải vô lượng, vì vô hình vô tướng.”

Muốn thấy Như Lai phải có tâm và mắt mở rộng khắp tất cả vì Như Lai ở khắp:

“Đại Bồ tát phải ở vô lượng nơi chốn mà thấy thân Như Lai. Phải khắp tất cả nơi thấy Như Lai. Ví  như hư không đến khắp tất cả chỗ sắc và phi sắc mà chẳng phải đến, chẳng phải chẳng đến, vì hư không chẳng có thân. Cũng vậy, thân Như Lai khắp tất cả chỗ, khắp tất cả chúng sanh, khắp tất cả pháp, khắp tất cả quốc độ, mà chẳng phải đến chẳng phải chẳng đến. Vì thân Như Lai là không có thân. Vì chúng sanhthị hiện thân Phật”. (Như Lai xuất hiện, thứ 37)

Muốn thấy biết cảnh giới Phật, tâm phải không chỗ trụ:

Có người muốn biết Phật cảnh giới

Phải tịnh ý mình như hư không

Xa lìa vọng tưởng rời bám chấp

Nơi tâm hướng đến đều vô ngại

……

Quang minh Như Lai cũng như vậy 

Hiện khắp trong tâm của trời người

Chư Phật hiện thân cũng như vậy

Tất cả mười phương đều khắp cả.

(Như Lai xuất hiện, thứ 37)

“Pháp thân Như Lai tạng, vào khắp trong thế gian, dầu ở tại thế gian, mà không nhiễm thế pháp” (Phẩm Phổ Hiền, thứ 36).

Thân Phật có trong thế gian, không chỉ ở cấp độ vĩ mô, mà còn trong cấp độ vi mô, trong mỗi vi trần, trong mỗi sát na:

Thân Phật tất cả tướng

Đều hiện vô lượng Phật

Vào khắp mười phương cõi

Trong mỗi mỗi vi trần

Mười phương những quốc độ

Vô lượng vô biên Phật

Đều ở trong mỗi niệm

Đều riêng hiện thần thông.

(Phẩm Như Lai hiện tướng, thứ 2)

Không gian nhỏ nhất là một vi trần, thời gian ngắn nhất là một sát na, một niệm, thì dung chứa, bao hàm cái lớn nhất của không gian và của thời gian, hiện bày pháp giới sự sự vô ngại, đặc trưng của kinh Hoa Nghiêm.

Trong mỗi trần đều có

Pháp mười phương ba đời

Trong mỗi trần đều có

Vô lượng những cõi Phật

……

Vô lượng vô số kiếp

Hiểu đó tức một niệm

Biết niệm cũng vô niệm

Như vậy thấy thế gian

(Phẩm Phổ Hiền hạnh, thứ 36)

Để thấy ở mức vi tế như vậy, tâm chúng ta phải thanh tịnh đến mức vi tế. Thiền định, thiền quán và định quán đồng thời đi liền với hạnh giúp chúng ta có được tâm vi tế. Tâm vi tế mở rộng, dung chứa và nhìn thấy pháp giới ở mức độ vi tế. Khi tâm được tịnh hóa để tương ưng với pháp giới thì gọi là “tâm đầy đủ Phật pháp”.

“Thâm tâm chẳng nhiễm tất cả pháp thế gian. Thâm tâm đầy đủ tất cả trí vi tế. Thâm tâm đầy đủ tất cả Phật pháp” (Ly thế gian, thứ 38).

Tánh là tánh Không, tánh Như, tánh Phật, tánh giác… Tánh khởi là mọi hiện hữu đều xuất sanh từ đó. Bồ tát Văn Thù hỏi Bồ tát Đại Thủ: “Chỗ giác ngộ của Như Lai chỉ là một pháp duy nhất, sao lại bảo rằng vô lượng pháp, hiện vô lượng cõi, diễn vô lượng âm, hiển thị vô biên các thứ cảnh giới, nhưng trong pháp tánh thì các tướng sai biệt này đều bất khả đắc”.

Bồ tát Đại Thủ nói kệ đáp:

……

Như đất chỉ một tánh

Mọi loài ở riêng chỗ

Đất không nghĩ đồng khác

Pháp chư Phật như vậy.

Cũng như một đại dương

Ngàn vạn lượng sóng khởi

Nước biển vẫn duy nhất

Pháp chư Phật như vậy…

Cũng như mặt đất kia

Mọc lên nhiều mầm mộng

Mặt đất chỉ là một

Pháp chư Phật như vậy.

(Bồ tát Vấn Minh, thứ 10)

Bồ tát Văn Thù hỏi Bồ tát Mục Thủ: “Phước điền Như Lai đồng một không sai khác, sao lại thấy quả báo chúng sanh chẳng đồng? Có nhiều loại sắc, có nhiều loại thân, nhiều loại căn, nhiều loại nhà, nhiều loại quyến thuộc, nhiều loại quan chức, nhiều loại công đức, nhiều loại trí huệ, nhưng tâm Phật thường bình đẳng, không có quan niệm riêng khác”. Bồ tát Mục Thủ đáp:

Tất cả vẫn là một

Theo giống mọc mầm khác

Đất không ý thân sơ

Phật phước điền cũng vậy.

Lại như nước một vị

Nhân đồ chứa có khác

Phật phước điền vẫn một

Do tâm người thành khác.

Như mặt gương sáng sạch

Theo hình mà hiện bóng

Phật phước điền cũng vậy

Tùy tâm được báo khác.

Bồ tát Hiền Thủ nói:

Thân của tất cả Phật

Chỉ là một Pháp thân

Nhất tâm, nhất trí huệ

Lực vô úy cũng vậy.

Tất cả các cõi Phật

Trang nghiêm đều viên mãn

Tùy chúng sanh thấy khác

Thấy chẳng đồng như vậy.

Tâm ý đã thanh tịnh

Hạnh nguyện đều đầy đủ

Người sáng suốt như vậy

Mới thấy được nơi đây.

(Bồ tát Vấn Minh, thứ 10)

Tất cả vẫn là một, một tánh, mà thấy có các hình tướng khác nhau, các hoàn cảnh khác nhau, sanh ra phân biệt ta người, của ta của người, tạo thành một thế giới xung đột giữa những khác biệt. Đó là cái gọi là thế giới sanh tử của chúng ta. Còn người tâm ý đã thanh tịnh thì thấy “ba cõi chỉ là Nhất Tâm”. Cho nên tu hành là đưa tất cả các sự khác nhau do tâm chúng ta phân biệt tạo ra trở về bản tánh của chúng là Một. Đưa tướng trở lại thật tướng của nó là tánh, đưa thức trở lại thật tướng của nó là trí. Phật là cái Một này, Một Thân này, cho nên thấy cái một trong tất cả, tất cả là một, đó là thấy Phật.

Nếu dùng oai đức, sắc, chủng tộc

Để thấy bậc Điều Ngự thế gian

Đây là mắt bệnh thấy điên đảo

Người này chẳng biết pháp tối thượng.

Như Lai chẳng lấy tướng làm thể

Mà là pháp vô tướng tịch diệt

Nhưng thân tướng oai nghi đầy đủ

Thế gian tùy thích đều được thấy.

……

Một thân là vô lượng

Vô lượng lại là một

Rõ biết các thế gian

Hiện hình khắp tất cả.

Thân này không từ đâu

Không tích tụ cái gì

chúng sanh phân biệt

Thấy Phật có nhiều thân.

Tâm phân biệt thế gian

Tâm ấy không chỗ có

Bậc giác biết điều này

Thấy thân Phật như vậy.

(Quang Minh Giác, thứ 9)

Khi thấy được “thật tướng của tất cả các pháp”, thấy được các pháp không sanh không diệt, đó là thấy Phật:

Tất cả pháp vô sanh

Tất cả pháp vô diệt

Nếu thấu rõ như vậy

Người này thấy được Phật.

(Tu Di đảnh kệ tán, thứ 14)

Như vậy tánh khởi là không khởi: đó là giải thoátgiác ngộ.

Phật thân khắp pháp giới

Khắp rưới những mưa pháp

Vô sanh, vô sai biệt

Thế gian hiện tất cả.

(Như Lai hiện tướng, thứ 2)

Thấy Như Lai là thấy Chân Như, và Chân Như thì vô sanh, không động, không khởi.

“Đại Bồ tát phải biết vô ngại hạnh là Như Lai hạnh, phải biết Chân Như hạnh là Như Lai hạnh. Như Chân Như, tiền tế bất sanh, hậu tế bất động, hiện tại bất khởi. Như Lai hạnh cũng vậy, chẳng sanh, chẳng động, chẳng khởi” (Như Lai xuất hiện, thứ 37).

Phật thì không sanh không diệt. Nhưng tâm và chúng sanh không khác với Phật nên ngay cả sự khởi niệm của tâm chúng sanh cũng là không khởi, không sanh, không diệt. Nếu như không sanh không diệt là giải thoátgiác ngộ của Phật thì không sanh không diệt của niệm khởi là con đường giải thoát cho chúng sanh. Thấy được niệm khởi chính thật là không khởi, đang khi sanh mà chính thật là không sanh, đó là con đường giải thoát cho chúng sanh.

“Đại Bồ tát phải biết tâm mình, niệm niệm thường có Phật thành Chánh giác, vì chư Phật Thế Tôn chẳng rời tâm này mà thành Chánh giác. Như tâm mình, tâm của tất cả chúng sanh cũng đều như vậy, đều thường có Như Lai thành Chánh giác, rộng lớn khắp cả, không chỗ nào chẳng có, chẳng lìa chẳng dứt, chẳng ngừng, đang nhập pháp môn phương tiện chẳng thể nghĩ bàn” (Như Lai xuất hiện, thứ 37).

Niệm khởi mà thấy thật tướng của niệm khởi ấy, đây là pháp môn phương tiện chẳng thể nghĩ bàn và cũng là một ứng dụng quan trọng của tánh khởi.

Danh hiệu của Bồ tát Như Lai Tánh Khởi Diệu Đức cho thấy những diệu đức của bậc giác ngộ đều từ tánh khởi. Những diệu đức đó chính là Diệu Đức của “tâm, Phật, chúng sanh, cả ba không sai khác”. Diệu Hữu từ tánh khởi, hay nói cách khác, từ tánh Không mà khởi, từ Chân Không mà khởi. Ở đây chúng ta thấy Kinh Hoa Nghiêm nói đến một chủ đề thuộc loại quan trọng nhất của Đại thừa, đó là Chân Không Diệu Hữu. Và nếu Kinh Hoa Nghiêm được cho là cao rộng nhất, vi diệu nhất của Đại thừa, thì Chân Không Diệu Hữu của kinh cũng ở mức cao rộng nhất, vi diệu nhất.

Thế giới là một Diệu Hữu sanh khởi từ tánh Không, thế nên thậm chí trong mỗi hạt bụi của thế giới đều chứa tất cả bí mật vi diệu của toàn thể vũ trụ:

“Ví như có cuốn sách lớn bằng Đại thiên thế giới ghi chép tất cả những sự trong Đại thiên thế giới… Cuốn sách lớn này dầu lượng bằng Đại thiên thế giới mà ở trọn trong một vi trần. Như một vi trần, tất cả vi trần cũng đều như vậy.

Bấy giờ có người trí huệ sáng suốt thành tựu thiên nhãn thanh tịnh thấy cuốn sách ở trong vi trần thì không lợi ích gì cho chúng sanh, bèn nghĩ nên dùng sức tinh tấn phá vỡ vi trần đó để đem cuốn sách lớn ra làm cho chúng sanh được lợi ích. Người ấy liền dùng phương tiện phá vỡ vi trần đem cuốn sách lớn ra, làm cho chúng sanh đều được lợi ích. Như nơi một vi trần, tất cả vi trần cũng đều như vậy”. (Như Lai hiện tướng, thứ 37).

Tất cả đều là Diệu Hữu:

Tất cả pháp đều Như

Cảnh giới Phật cũng vậy.

(Đâu Suất kệ tán, thứ 24)

Tất cả vũ trụ hiện bày cái tối hậu:

“Dùng nhất thiết trí biết tất cả pháp giới chính là tướng Niết bàn” (Thập Địa, thứ 26).

Tất cả như vậy vì do tánh khởi. Vì từ tánh Phật khởi cho nên tất cả đều là Phật pháp. Kinh nhắc lại nhiều lần:

“Tất cả pháp đều là Phật pháp” (Ly thế gian, thứ 38).

Đi vào pháp giới Hoa Nghiêm thì tất cả những cái được thấy, nghe, chạm, biết đều là Phật:

“Đại Bồ tát dùng trí huệ vô ngại biết tất cả cảnh giới thế gianNhư Lai cảnh giới. Biết tất cả cảnh giới, tất cả pháp cảnh giới, tất cả chúng sanh cảnh giới, chân như vô sai biệt cảnh giới, pháp giớichướng ngại cảnh giới, thật tế vô biên tế cảnh giới, hư không vô phần lượng cảnh giới, cảnh giới không cảnh giới, đều là Như Lai cảnh giới.

“Như tất cả thế gian cảnh giới vô lượng, Như Lai cảnh giới cũng vô lượng. Như cảnh giới ba đời vô lượng, Như Lai cảnh giới cũng vô lượng. Cho đến như cảnh giới không cảnh giới vô lượng, Như Lai cảnh giới cũng vô lượng. Như cảnh giới không cảnh giới không có ở tất cả nơi chốn, Như Lai cảnh giới cũng vậy, không có ở tất cả nơi chốn” (Như Lai hiện tướng, thứ 37).

Tất cả Diệu Hữu khởi từ Chân Không, nên Diệu Hữu khởi mà đồng thời không khởi, vì tánh khởi thì vô sanh. Diệu Hữu khởi nhưng đồng thời chính là Chân Không, nên Diệu Hữuvô sanh.

Diệu Hữu là tánh khởi, nghĩa là Diệu Hữu đồng thời, đồng hiện với Chân Không và sẵn có như Chân Không. Như thế Diệu Hữu cũng chính là giải thoátgiác ngộ.



Nguồn : Source link

Hits: 23

Trả lời