KHÁI LUẬN VỀ VISAMYOGAPHALA – LY HỆ QUẢ
Phước Nguyên
************
Theo ngài Thế Thân giải thích : «pratisaṃkhyā-nirodho yo visaṃyogaḥ[1], trạch diệt là sự ly hệ (dứt trừ kết phược); tức là diệt đạt được do tuệ giản trạch. Ly Hệ Quả Sanskrit gọi là Visamyogaphala. Visam là thoát ly, tách rời, đoạn trừ, ly khai. Yoga là tương ưng, liên hệ. Nên Ly hệ, visamyoga: dứt khỏi sự trói buộc.
Kinh nói: “āryāṣṭāṅgasya mārgasya kleśanirodho visaṁyogaphalam| yaḥ punar laukikena mārgeṇa kleśanirodhaḥ sa nātyantam anuvartate pṛthagjanānām| tasmāttanna visaṁyogaphalam|”[2]sự diệt tận phiền não ô nhiễm của Thánh đạo tám chi, quả ly hệ. Sự diệt trừ phiền não ô nhiễm bằng thế gian đạo của phàm phu, vì nó không tiến hành đến cùng đích nên không phải là quả ly hệ[3].
Phala là quả. Ly hệ quả là quả do thể nhập bản tính Thanh Tịnh – Bất Sinh của Niết-bàn đem lại và cũng do thoát ly hết thảy phiền não mà sinh khởi.
Trong Tam Thập Tụng của ngài Thế Thân có bài tụng như sau:
“sarvabījaṁ hi vijñānaṁ pariṇāmas tathā tathā|
yātyanyo’nyavaśād yena vikalpaḥ sa sa jāyate|
由一切種識
如是如是變
以展轉力故
彼彼分別生
Thức, hạt giống của tất cả,
Do tác động hỗ tương,
Tiến hành biến thái như vậy, như vậy,
Do bởi đó, xuất hiện cấu trúc phân biệt thế này, thế kia[4].
Ngài Huyền Tráng, giải thích tụng này có đoạn như sau: “…Trừ ly hệ quả, vì nó không được sản sinh từ chủng tử,mà chỉ khi nào hiện khởi thắng đạo đoạn trừ kết sử bấy giờ nó mới xuất hiện…”[5]
Vì quả ly hệ (visaṃyogaphala) thuộc pháp vô vi, không sản sinh từ chủng tử. Ly hệ quả, đó là pháp vô vi, thiện, được chứng đắc do đoạn trừ các chướng bằng Thánh đạo vô lậu.
Ly hệ quả là quả thành tựu đại Niết Bàn do tu tập Đạo đế ở trong Tứ Thánh Đế.
Các Luận giảng, như Du-già, Hiển Dương, giải thích y trên tập khí y xứ mà đạt được quả dị thục. Y tùy thuận y xứ đạt được quả đẳng lưu. Y chân kiên y xứ được quả ly hệ. Y sĩ dụng y xứ được quả sĩ dụng. Y trên các y xứ còn lại đạt được quả tăng thượng… Nói chân kiến xứ, là chỉ các y xứ mà trong đó tất cả các công năng chứng quả ly hệ và trong xứ này quả phi ly hệ cũng đạt được. Nhưng trong đây hình thái của sự chứng quả ly hệ rất rõ ràng, do đó nói riêng.[6]
Cần hiểu rõ, đoạn trừ hay thoát ly ở đây có nghĩa như thế nào, nói là đoạn, vì nó có hai phạm trù đoạn:
a. Tự tính đoạn (svabhāva-prahāṇa), bị đoạn trừ do bản chất, khi đến giai đoạn đối trị nó nhất thiết bị đoạn trừ.
b. Sở duyên đoạn (ālambanakleśa-prahāṇa), do phiền não bị đoạn mà đối với sự thể làm sở duyên được thoát ly[7].
Và đoạn cũng có hai nghĩa:
Một, thoát ly hệ phược, đoạn trừ phiền não duyên vào đó, và các phiền não xen tạp vào đó. Nghĩa là, khi phiền não duyên các căn để khởi bị đoạn, bấy giờ các căn ấy được thoát ly, goi là duyên phược đoạn, tức sở duyên đoạn[8];
“…Khi phiền não duyên các căn để khởi bị đoạn…” Thuật từ Duy thức gọi là: Duyên bĩ phiền não, Thuật ký giải thích, phiền não trong bảy thức duyên đến đối tượng hữu lậu thiện hay vô ký vô phú. Các đối tượng này không phải là pháp hệ phược nhưng bị các năng duyên hệ phược. Nếu phiền não năng duyên bị đoạn, đối tượng sở duyên được nói là đoạn. Khi phiền não trong thức thứ bảy bị đoạn, thức thứ tám cũng được gọi là duyên phược đoạn cũng tức là sở duyên đoạn.
“…Phiền não xen tạp…” thuật ngữ Duy Thức gọi là Tạp bĩ phiền não, Xu yếu 2 giải thích, có ba loại: câu sinh tạp, dẫn sinh tạp, và gián sinh tạp. Theo Thuật ký:
a. Khi thức thứ bảy khởi phiền não, tuy duyên đến các pháp sáu thức các thứ nhưng sáu thức do đó mà thành tính chất hữu lậu; vì nó được gọi là sở ô y, sở y của pháp nhiễm ô. Các phiền não này thường xuyên khởi trong các trạng thái, ba tính, của sáu thức. Khi thức thứ bảy đoạn phiền não, sác thức được thoát ly.
b. Khởi xen kẽ nhau (gián sinh tạp), trong sáu thức, các pháp thiện và vô ký, trước sau khởi xen kẽ các phiền não.
c. Thiện hữu lậu do phiền não dẫn sinh nên thành hữu lậu tính (dẫn sinh tạp).
d. Tâm và các biến hành vốn không phải là nhiễm pháp nhưng cùng khởi với phiền não, chúng được gọi là phiền não phược (tương ưng phược, bị hệ phược do liên hệ). Khi phiền não bị đoạn, do liên bị cẳt đứt, tâm và các biến hành cũng được thoát ly và được nói là đoạn. Đây gọi là đoạn trừ phiền não xen tạp với nó. Nhưng trong bốn giải thích trên (a, b, c, d),
Thuật ký lựa chọn hai giải thích (b) và (c).
Hai, vì không sinh, tức vì sở y của nó bị đoạn nên nó vĩnh viễn không sinh nữa. Thuật ký giải thích: y tức nhân, tức sở y xứ. Có bốn phạm trừ đoạn: tự tính, tương ưng, duyên phược, và bất sinh. Bất sinh đoạn, tức không tái sinh vào ác thú, dị thục, vô tưởng định, v.v. Tức khi vào kiến đạo, sẽ không tái sinh vào những nơi đó. Phiền não lấy những nơi đó làm sở y được nói là bị đoạn[9].
Từ đâu mà đọan? Không từ quá khứ, vì đã diệt. Không từ bị lại, vì chưa sinh. Không từ hiện tại, vì không câu hành với đạo. Nhừn từ nơi phần thô trọng của các phiền não mà có đoạn. Vì để đoạn trừ các phẩm loại thông trọng như thế như thế mà phát sinh các phẩm đối trị như thế như thế. Khi phẩm đối trị nàg sinh thì phẩm thô trọng này diêt, bình đẳng bình đẳng; như ở đời khi ánh sáng hiện thì bóng tối mất. Do phẩm ly hệ này khiến phiền não vị an trụ trong pháp bất sinh. Đó gọi là đoạn[10]
Căn cứ theo sự đoạn trừ do bởi thoát ly hệ phược, nói rằng thiện hữu lậu và vô ký vô phú chỉ thuộc tu sở đoạn. Những pháp nào bị đoạn bởi kiến đạo? Năm kiến; tham, sân, mạn y kiến khởi; vô minh tương ưng, vô minh bất cộng, si đối với các Thánh đế; và nghiệp dẫn đến các ác thú. Những pháp nào bị đoạn bởi tu đạo? Tất cả pháp hữu lậu thuộc tính thiện, tất cả pháp vô ký vô phú; và trừ các pháp nhiễm ô bị đoạn bởi kiến dạo, tất cả các nhiễm ô còn lại[11].
Thuận Chánh Lý Luận giải thích: “Ly hệ quả là quả trạch diệt. Trạch là trí tuệ; diệt là lậu tận. Do lấy trí tuệ làm nhân tu tập, thoát ly và tận diệt mọi sự trói buộc của tham ái, khiến thành tựu Diệt đế. Nên, Diệt đế là quả ly hệ. Trạch hay trí tuệ là tu nhân và diệt hay giải thoát là kết quả. Nên, quả ly hệ là quả trạch diệt hay là quả Niết-bàn[12].
Thành Duy Thức Luận, Huyền Tráng giải thích: “Qủa ly hệ đạt được từ các nhân nhiếp thọ, dẫn phát, định dị, đồng sự, bất tương vi, và duyên tăng thượng… và Quả của mười thắng hành, về hữu lậu, có bốn, trừ quả ly hệ. Vô lậu, có bốn, trừ quả dị thục.”[13]. Đoạn trừ đối trị, là ly hệ quả; hiện tại tự tha thọ dụng, là sĩ dụng quả; tương lai càng phát triển: đẳng lưu quả; cảm tài sản lớn: dị thục quả. Đủ cả năm quả, do tu tập mười thắng hành[14].
Cần phân biệt rằng: Vị ly hệ tập, vì chưa thoát ly sự chướng ngại chân như. Sthiramati giải thích: do chân như chưa thoát ly khỏi những chướng ngại, mà có sự tập khởi của khổ, do đó nói là tập khởi do bởi sự chưa thoát ly hệ phược (avisaṃyoga).
Theo Thế Thân: Trong vô gián đạo, đoạn phiền não đắc (ấn tượng phiền não). Vào giải thoát đạo, giải thoát phiên não, đắc và ly hệ đồng thời khởi. Như đuổi kẻ trộm ra khỏi nhà (vô gián đạo), sau đó đóng chặt cửa không cho nó vào lại (giải thoát đạo)[15]. Và Câu-xá cũng nói: “pratisaṃkhyānirodho yo visaṃyogaḥ”: trạch diệt là sự thoát ly hệ phược[16]. Chúng không phải là hệ phược.
Nếu duy chỉ đoạn trừ hệ phược mà chứng đắc trạch diệt, vậy hai vô vi – bất động và tượng thọ diệt – thuộc vào phi trạch diệt vì được nói là tạm thời thoát ly hệ phược. Trạch diệt vô vi duy chỉ cứu cánh diệt. Vì có trường hợp phi trạch diệt không vĩnh viễn diệt tận.
Phi trạch diệt, từ Sanskrit gọi là apratisaṃkhyānirodha, khi điều kiện cho các pháp sinh khởi đủ, mà những pháp đã xuất hiện thì pháp khác không xuất hiện được, ở tropng trạng thái tịch diệt, tịch tĩnh, đó gọi là phi trạch diệt[17]. Thế Thân giải thích: utpādātyantavighno’nyo nirodho’praisíaṃkhyayā – 畢竟礙當生 別得非擇滅[18]: các pháp do khuyết duyên mà tương lai vĩnh viễn không xuất hiện được gọi phi trạch diệt – diệt không do tư trạch. Và phi trạch diệt, diệt không do thoát ly hệ phược, vì tùy miên vĩnh viễn bị hại không do bởi nó[19].
Trường hợp phi trạch diệt không vĩnh viễn diệt tận do các duyên không hội đủ, lúc bấy giờ nó hoàn toàn không xuất hiện, chứ không phải vĩnh viễn không xuất hiện[20]. Có bốn ly hệ: do duyên sai thoát mà được hhoàn toàn ly hệ (phi trạch diệt vô vi), do giản trạch phiền não mà hoàn toàn ly hệ (trạch diệt vô vi), do khổ lạc tạm thời ly hệ (bất động vô vi), tâm tâm pháp tạm thời ly hệ (tưởng thọ diệt vô vi). Theo đó, bất động và tưởng thọ diệt vì tạm thời ly hệ nên được bao hàm trong phi trạch diệt[21].
Về các vô vi, theo Ngũ uẩn luận, có bốn: hư không vô vi, trạch diệt vô vi, phi trạch diệt vô vi, chân như vô vị. Theo các luận Bách pháp, Du-già, thêm bất động vô vi, tưởng thọ diệt vô vi, thành sáu. Du-già sư địa luận 3: hư không, phi trạch diệt, trạch diệt, thiện bất thiện, vô ký pháp, chân như, bất động, tưởng thọ diệt; như vậy có tám vô vi, nhưng tổng lược thành sáu. Tám háy sáu đều bình đẳng bình đẳng.
Tóm lại, Ly hệ quả là quả giải thoát, là quả vô vi, là quả Niết-bàn. Chứng nhập Ly-hệ quả là an trú bản lai tự tính tịch diệt, giải thoát hoàn mọi khát ái, ly khai mọi ấn tượng đảo ngược, thành tựu giải thoát tối thượng, lên bờ Nhất Như. Đó chính là Ý nghĩa của Ly-hệ quả vậy.
Rừng Lu-mu, An cư 2559
Phước Nguyên
[2] Bodhisattvabhūmi, tr. 72.
[3] Du-già 38, tr. 502b4.; Hiển dương 18, tr. 571a.
[4] Thành Duy Thức Luận, Huyền Tráng, bản Việt, Tuệ Sỹ dịch.
[5] Ibid. Tuệ Sỹ dịch.
[6] Cf. Du-già 38, tr. 502b4.; Hiển dương 18, tr. 571a.
[7] Thuận chánh lý 6 , tr. 362c28.
[8] Nghĩa diễn 10, tr. 190c.
[9] Liễu nghĩa đăng 5, tr. 754c11, 25 và tiếp.
[10] Tập luận 4 tr. 678c24; Tạp tập 7 tr. 727a22.
[11] Du-già 66 tr. 668a20.
[12] Thuận Chánh Lý Luận 18, T29, tr 437.
[13] Thành Duy Thức Luận 8, T31, tr.42.
[14] Tạp tập 12, tr. 750a29.
[15] Câu-xá 23 tr. 122a16.
[17] Du-già 53 tr. 593a19.
[18] Cf. Câu-xá, k. i. 3.
[19] Tạp tập 2, tr. 702c3.
[20] Phật địa luận 2 tr. 299b28.
[21] Hiển dương 18 tr. 572a29.
Nguồn : Source link
Hits: 21