VỀ VẤN ĐỀ CHỦNG TÁNH/GIAI CẤP TỐI THẮNG
QUA VĂN HỆ NIKĀYA VÀ A-HÀM
Phước Nguyên
*******
I. Ý NGHĨA TỪ CHỦNG TÁNH TRONG KINH ĐIỂN ĐẠI THỪA
Trước khi truy nguyên ý nghĩa từ chúng tánh trong văn hệ Nikāya Pāli và A-hàm, chúng ta đi qua ý nghĩa của nó trong Kinh điển Đại-thừa, việc làm này cũng là điều thường thấy trong cách thức trình bày, để có thể có được quan điểm xuyên suốt về vấn đề, mà không bị vướng mắc ở nơi những phạm trù tư tưởng hay khái niệm. Ở đây, chúng ta tạm mượn kinh Nhập Lăng-già, thuộc kinh điển Đại-thừa, để làm cơ sở khi nói về ý nghĩa này.
Kinh Saddharmalaṅkāvatārasūtram, Hán dịch tương đương: Đại Thừa Nhập Lăng Già kinh[1], đức Thế Tôn dạy về chủng tánh như sau:
“pañca abhisamayagotrāṇi … śrāvakayānābhisamayagotraṃ, pratyekabuddha-, tathāgata, anitya-taikataragotraṃ agotram[2]”: “Phật y trên năm hạng chủng tánh mà thành lập năm thừa[3]: Chủng tánh Thanh văn thừa; Bích-chi-phật thừa; Như lai thừa; Bất định thừa; và vô tánh thừa.
Các hữu tình đã được nói là bản lai có năm chủng tánh khác nhau do đó cần phải xác định có chủng tử pháp nhĩ, không phát sinh do bởi huân tập. Tại sao ? Nhập Lăng-già 2[4] nói rõ, về chủng tánh của năm thừa do hiện chứng:
“Punar mahāmate pañcābhisamayagotrāṇi. katamāni pañca? yad uta śrāvakayānābhi-samayagotraṃ, pratyekabuddhayāna-, tathāgatayāna-, aniyataikataragotraṃ, agotraṃ”: Này Đại Huệ, có năm chủng tánh được hiện chứng. Đó là, chủng tánh hiện chứng Thanh văn thừa, chủng tánh hiện chứng Độc giác thừa, chủng tánh hiện chứng Như lai thừa, chủng tánh bất định, và không chủng tánh.
Giải thích vấn đề này của kinh Lăng già ta có thể dẫn ở Vô thượng y kinh 1[5], hay Thiện dũng mãnh bát-nhã 1 tức Đại Bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh, quyển 593, hội thứ 16[6]Hạng chủng tánh bất định, là không nhất định sẽ chứng thừa nào, mà tùy theo điều kiện ban đầu; gặp nhân duyên với thừa nào thì phát tâm và thành tựu cứu cánh trong thừa đó. Hạng vô chủng tánh, mà kinh gọi là nhất-xiển-đề, là hạng không có chủng tánh Niết-bàn”.
Cũng theo kinh Lăng-già: “Nhất-xiển-đề là hạng không có Niết-bàn tánh. Hạng này không có tín tâm để tin rằng có sự giải thoát nên không hề có ý hướng về sự nhập Niết-bàn”[7].
Nhóm chủng tánh này cũng được chia thành hai nhánh: Nhánh đoạn thiện căn do không có một chút gốc rễ thiện gì để có thể tin tưởng có giải thoát và Niết-bàn. Nhánh thứ hai, Bồ-tát do đại bi nên vĩnh viễn không hề có ý hướng Niết-bàn[8].
Như vậy, tóm lại các loại chủng tánh được kể trong kinh Lăng-già gồm: Chủng tánh Thanh văn thừa; Bích-chi-phật thừa; Như lai thừa; Bất định thừa; và vô tánh thừa.
Ngoài ý nghĩa từ chủng tánh được dùng ở đây, để chỉ cho năm loại chủng tánh đã kể trên, trong văn hệ Pāli và A-hàm từ Sanskrit gotra: chủng tánh, Pāli gọi là gotta: chủng tộc còn được dùng với ý nghĩa khác, tức để chỉ cho bốn chủng tánh đó là: Sát-lị, Bà-la-môn, Cư sỹ và Thủ-đà-la[9].
II. CHỦNG TÁNH/GIAI CẤP NÀO LÀ TỐI THẮNG?
Một thời, khi Thế Tôn cư trú tại thành Xá-vệ, trong vườn Thanh Tín, giảng đường Lộc Mẫu, cùng đại chúng Tỳ-kheo. Bấy giờ ngài nói có bốn chủng tánh như sau:
“Này Bà-tất-tra, có bốn chủng tánh, trong đó có cả người thiện lẫn người ác; có kẻ được người trí khen, cũng có kể bị người trí chê. Bốn chủng tánh ấy là: Sátlị, Bà-la-môn, Cư sỹ, Thủ-đà-la”[10].
Và khi đề cập đến chủng tánh hay chủng tộc nào là tối thượng trong bốn chủng tánh trên, đức Thế Tôn đã từng dạy:
“Khattiyo seṭṭho janetasmiṃ, ye gottapaṭisārino”[11]:
“Những ai tin vào chủng tộc, thì Sát-lợi là tối tôn”.
Từ chủng tộc Pāli gọi là gotta, nó cũng được hiểu là giai cấp, tầng lớp, tầng bậc, từ Sanskrit tương đương ở đây là gotra: chủng tánh, ở đây cũng hiểu là chủng tử (bīja), là giới (dhātu), là tánh (prakṛti).
Như vậy, chúng ta lần lượt đi vào một số kinh văn, để hiểu rõ hơn về vấn đề Thế Tôn dạy về chủng tánh hay giai cấp tối thượng như thế nào.
*Kinh Tiểu Duyên[12]:
Lúc bấy giờ, Thế Tôn cư trú tại Xá-vệ, trong vườn Thanh Tín, giảng đường Lộc Mẫu, cùng đại chúng Tỳ-kheo một nghìn hai trăm năm mươi vị.
Tại đây, Thế Tôn nói về giai cấp bậc nhất, qua bài kệ sau:
“Trong đời, Sát-lị nhất
Với ai y chủng tánh
Minh Hành thành đầy đủ
Bậc nhất trong Trời-Người“[13]Nguyên văn ở trong Đại Tạng Kinh 1, Trường A-hàm có khác biệt một chút như vầy:
“ 生中剎 利勝
能捨種姓去”[14]:
“Trong đời Sát-lị là nhất;
Ai hay rời bỏ chủng tánh.”
Câu này Pāli có tương đương: “khattiyo seṭṭho janetasmiṃ, ye gottapaṭisārino”: với những ai y chỉ chủng tánh (giai cấp), sát-lị là bậc nhất trong loài thọ sinh.
Bản Hán có lẽ đọc là gottanissārino: hiểu thành 能捨種姓去[15]: những ai rời bỏ chủng tánh. Cách hiểu này không phù hợp với nội dung toàn kinh và đoạn dịch Hán bài kệ tương tự trong kinh A-ma-trú sẽ dẫn ở bên dưới, cũng ở Trường A-hàm. Nên căn cứ theo đây có thể tạm hiệu chỉnh lại là: Với ai y chủng tánh. Như vậy, phù hợp với Pāli và toàn bộ tư tưởng với những kinh văn tương đương.
*Kinh A-ma-trú[16]
Một thời, đức Thế-Tôn du hành nước Câu-tát-la, cùng đại chúng Tỳ-kheo, rồi đến Y-xa-năng-già-la, thôn của một người Bà-la-môn ở Câu-tát-la. Ngài nghỉ đêm tại rừng Y-xa. Tại đây, có một vị Phạm Thiên tự mình nói bài kệ rằng:
“Trong đời, Sát-lị nhất,
Với ai y chủng tánh
Minh, Hành thảy đầy đủ,
Tối thắng giữa Trời Người”[17].
Bấy giờ, đức Thế-Tôn bảo Ma nạp đệ tử 摩納弟子 (Pāli. māṇavo antevāsi) tức thiếu niên đệ tử người học trò hầu cận trẻ tuổi rằng:
“Phạm Thiên nói bài kệ này, thật là nói khéo chớ không phải không khéo. Ta công nhận như vậy. Vì sao? Nay, như Ta, Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chính Giác, cũng nói nghĩa đó:
Trong đời, Sát-lị nhất,
Với ai y chủng tánh.
Minh, Hành thảy đầy đủ,
Tối thắng giữa Trời Người“[18]*Kinh Khởi Thế Nhân Bổn, Trường Bộ Kinh[19].
Một thời Thế Tôn trú tại Xá-vệ, Thành Tín Viên lâm, ở lầu của Lộc Mẫu Giảng đường. Tại đây, Thế Tôn dạy Vāsettha về giai cấp bậc nhất như sau:
“Này Vāsettha, vì rằng nếu có ai trong bốn giai cấp là một vị Tỷ kheo, một vị A la hán, các lậu hoặc đã được tận diệt, phạm hạnh đã lập vững, những việc phải làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành tựu mục đích tối thượng, hữu kiết sử đã diệt, nhờ chánh trí đã được giải thoát, vị ấy sẽ được xem là tối thượng so sánh với bốn giai cấp, vì xứng với Pháp, không phải không xứng với Pháp.
“Này Vāsettha, bài kệ sau đây được Phạm thiên Sanamkumāra[20] tuyên thuyết:
“Chúng sanh tin giai cấp,
Sát đế lỵ tối thắng.
Ai đủ cả trí, đức,
Tối thắng giữa Nhân, Thiên.
“Này Vāsettha, bài kệ này được Phạm thiên Sanamkumāra, khéo hát chớ không phải vụng hát, khéo nói chớ không phải vụng nói, đầy đủ ý nghĩa chớ không phải không đầy đủ, được Ta chấp nhận.
“Này Vāsettha, Ta cũng nói như sau:
Chúng sanh tin giai cấp,
Sát đế lỵ tối thắng.
Ai đủ cả trí, đức,
Tối thắng giữa Nhân, Thiên.”
Như vậy, qua kinh Khởi Thế Nhân Bổn thuộc văn hệ Pāli, Thế Tôn đã xác chứng việc Phạm thiên Sanamkumāra tuyên thuyết về giai cấp tối thượng bằng cách nói cho Vāsettha nghe bài kệ giống như bài kệ của vị Phạm Thiên kia.
*Kinh Bà La Bà Đường[21]Một thời, Thế Tôn du hóa nước Xá-vệ, trú tại Đông viên, trong giảng đường Lộc tử mẫu. Lúc ấy Thế Tôn dạy cho Bà-tư-tra như sau:
“Này Bà-tư-tra, ở đây có ba giai cấp khiến cho không phải tất cả mọi người cùng tranh luận với nhau, thiện và bất thiện lẫn lộn, được các bậc Thánh khen ngợi hoặc không khen ngợi. Thế nào là ba? Đó là: dòng Sát-lợi, dòng Phạm chí, dòng Cư sĩ.
[…]
“Này Bà-tư-tra, như vậy, Ta đã phân biệt rộng rãi về ba chủng tánh này vậy.
“Phạm thiên đế chúa nói bài kệ:
Loài hai chân, Sát-lợi tối tôn,
Đấy là chủ trương có chủng tộc.
Những ai cầu học Minh và Hạnh,
Vị ấy, Thiên, Nhân đều tán thán.
“Này Bà-tư-tra, Phạm thiên đế chúa khéo nói bài kệ này chứ không phải không khéo, khéo ca ngơi, phúng tụng chứ không phải không khéo, khéo ngâm vịnh và nói, chứ không phải không khéo, nói như thế này:
Loài hai chân, Sát-lợi tối tôn,
Đấy là chủ trương có chủng tộc.
Những ai cầu học Minh và Hạnh,
Vị ấy, Thiên, Nhân đều tán thán.
“Vì sao? Vì Ta cũng nói như vậy:
Loài hai chân, Sát-lợi tối tôn,
Đấy là chủ trương có chủng tộc.
Những ai cầu học Minh và Hạnh,
Vị ấy, Thiên, Nhân đều tán thán.”[22]
Như vậy, qua kinh này Thế Tôn cũng dạy rằng, chủng tộc Sát-lợi là tối tôn trong các chủng tộc.
*Kinh Phạm Chúa[23]Một thời, Đức Thế Tôn ở dưới gốc cây bồ-đề, bên sông Ni-liên-thiền, tại tụ lạc Uất-bề-la, khi ấy ngài thành đạo chưa bao lâu.
Bấy giờ, có Phạm thiên vương, chúa của thế giới Ta-bà, với sắc thân tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu kính lễ dưới chân Thế Tôn, rồi ngồi lui qua một bên và nói kệ:
“Ở trong các chủng tánh,
Lưỡng túc tôn Sát-lợi;
Bậc Minh Hạnh đầy đủ,
Tối thắng trong loài người”[24].
Bấy giờ Thế-Tôn ngài đáp lại như sau: Đúng vậy, Phạm thiên! Đúng vậy, Phạm thiên!
“Ở trong các chủng tánh,
Lưỡng túc tôn Sát-lợi;
Bậc Minh Hạnh đầy đủ,
Tối thắng trong loài người.”[25]Trong bài kệ có câu: “Ở trong các chủng tánh, lưỡng túc tôn Sát-lợi”, Pāli tương đương của câu này: “khattiyo seṭṭho janetasmiṃ, ye gottapaṭisārino”[26]: những ai tin vào chủng tộc, thì Sát-lợi là tối tôn.
III. KẾT LUẬN
Như vậy, qua vài ý tưởng viện dẫn từ kinh văn ở trên, chúng ta thấy rằng, đức Thế-Tôn dạy rằng: giai cấp Sát-lợi là chủng tánh tối tôn hay giai cấp bậc nhất trong bốn giai cấp.
Nhưng vấn đề này không nhất thiết cố định, tùy vào căn cơ, quốc độ hay thời điểm mà Thế Tôn sẽ diễn thuyết sai biệt. Cụ thể như ở trong Kinh Trung A-hàm, Kinh Nhất Thiết Trí, số 212, Đức Thế Tôn dạy rằng: “Có bốn chủng tộc này, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ và Công sư, chúng bình đẳng đối với đoạn, không hơn kém, không sai biệt đối với đoạn vậy“[27].
Và ở nơi khác, khi đức Đức Thế Tôn đang du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc, lúc bấy giờ Ngài nói rằng: “Này Ma-nạp, trước kia ngươi khen ngợi sự học hỏi, sau đó ngươi khen ngợi sự trì giới. Này Ma-nạp, như vậy Ta nói bốn chủng tánh thảy đều thanh tịnh, với sự giảng giải hiển thị, ngươi cũng nói bốn chủng tánh này đều thanh tịnh với sự giảng giải hiển thị.”[28]Nếu thấy được phương tiện thiện xảo[29] trong việc thuyết pháp mà đức Thế Tôn đã thi thiết kiến lập như vậy, chúng ta sẽ vượt ra khỏi được những cực đoan, chấp thủ và vững chắc trên trung đạo, trong lộ trình thể nhập Thánh đạo vô lậu, giải thoát sinh tử.
[1] Lăng-già, Bản 10 quyển; T16n0671, tr.526c8.
[2] Laṅkāvatāra, Nanjio tr. 64.
[3] Thừa Skt. yāna. Cần phân biệt: yāna: “cỗ xe” với yana, “một con đường”.
[4] T16n671, tr. 526c8. Cf. Skt. Laṅkā p. 63.
[5] Dẫn theo Thuật ký, ghi là Đại16, số 669, chưa tìm thấy số trang.
[6] T7n220, tr. 1066a29; Skt. Suvikrāntavikrāmaparipṛcchā.
[7] Ibid., tr. 527a29.
[8] Skt. ibid., tr. 66: icchantika.
[9] Cf. Trường, Tiểu Duyên Kinh, Đại 1, tr. 37a.
[10] Ibid., tr. 37a.
[11] Pāli, S.6.11. Sanaṃkumāra.
[12] Trường A-hàm, Đại 1, tr. 36b29.
[13] Ibid., tr. 39a.
[14] Ibid., tr. 39a.
[15] Ibid., tr. 39a.
[16] Trường A-hàm, Đại 1, tr. 83b.
[17] Đại 1, tr. 83b.
[18] Đại 1, tr. 83b.
[19] Digha Nikaya, Agganna sutta 27.
[20] Hán: Thường Đồng hình Phạm thiên.
[21] Cf. Kinh Trung A-hàm, kinh 154. Pali tương đương: Agaññasuttanta. Bản Hán, quyển 39. Pāli, D.27, Hán, biệt dịch, Trường A-hàm 5, “Kinh Tiểu Duyên”; No.10 Phật Thuyết Bạch Y Kim Tràng Nhị Bà-la-môn Duyên Khởi Kinh, Tống, Thi Hộ dịch.
[22] Kinh Trung A-hàm, kinh 154. Pali tương đương: Agaññasuttanta.
[23] Tạp A-hàm, Kinh 1190, Pāli, S.6.11. Sanaṃkumāra. Biệt dịch, №100 (103).
[24] Tạp A-hàm, Kinh 1190, Pāli, S.6.11.
[25] Tạp A-hàm, Kinh 1190, Pāli, S.6.11.
[26] Pāli, S.6.11. Sanaṃkumāra
[27] Đại 1, tr. 648a.
[28] Cf. Kinh Trung A-hàm kinh 151: Kinh Phạm chí A-nhiếp-hòa. Tương đương Pāli M.93 Assalāyana-sutta. Hán, biệt dịch No.71 Phạm Chí An-ba-la-diên Vấn Chủng Tôn Kinh, Đông Tấn, Trúc Đàm-vô-lan dịch.
[29] Skt. Upāyakauśalya , Hán phiên âm âu-hòa câu-xá-la, upāya: chỉ sự tiếp cận, động từ căn I, có nghĩa đi hay đến, và upa, tiền tố chỉ hướng đến gần, hay vị trí ở gần hay ở trên; kauśalya, mà gốc là do hình dung từ kuśala: thiện, lành, tốt đẹp hay khéo léo, Hán dịch là “thắng trí,” là chỉ nghĩa trí tuệ nhạy bén. Cf. Duy ma kinh nghĩa sớ, Gia Tường Cát Tạng, T38 N1781, tr. 931b18: 梵音稱漚和拘舍羅。此云方便勝智.
Nguồn : Source link
Hits: 23