logo-buddha

Sự Khác Biệt Giữa Tưởng Tri, Thức Tri, Và Trí Tuệ


Sự Khác Biệt Giữa Tưởng Tri, Thức Tri, Và Trí Tuệ

Thích Trung Định

Sự Khác Biệt Giữa Tưởng Tri, Thức Tri, Và Trí Tuệ


Tưởng tri, thức tri và tuệ tri được đức Phật chỉ ra nhằm mục đích phân biệt rõ các cấp độ nhận thức về sự vật hiện tượng. Thông qua sự nhận thức này, hành giả dễ dàng phân biệt, để tâm không bị vướng mắc chấp thủ về cái nhìn chủ quan, loại bỏ những ảo tưởng, cố chấp theo quan kiến thường tình đưa đến những hệ lụy, khổ đau.

Tưởng tri (sanjānana)  thức tri (vijānana)  trí tuệ (pajānana), theo ý nghĩa chiết tự là quá rõ ràng rằng việc sử dụng các tiền tố khác biệt với gốc jna mang ý nghĩa là biết, hay nhận thức nói chung, tùy trong mỗi trường hợp tương ứng một cấp độ nhận thức khác biệt. Những cách thức của việc biết được đại diện bởi thức tri (vijanati) và tưởng tri (sanjanati) không được xem là đủ để đạt được mục tiêu của Phật giáo về Niết Bàn. Trong khi, trí tuệ hay tuệ tri và các cấp độ như thắng tri (pariññā) và liễu tri (abhiññā) mang một giá trị cao hơn so với thức tri và tưởng tri vì nó nhìn thấy bản chất như thật của vạn pháp và có khả năng đưa đến doạn diệt, Niết bàn.

Tưởng tri (sannājānāti): Là sự nhận biết thông qua hình dạng của sự vật.[1] Tưởng tri là cái thấy biết của tri thức thường nghiệm, cái thấy có hạn cuộc, mang đầy ngã tính, nhị nguyênphân biệt chủ thể và đối tượng.Tưởng tri (hoạt động nhận thức thể hiện bằng tưởng (sañjanati), là quá trình nhận thức thông qua kinh nghiệm về các khái niệm, phạm trù tư tưởng bao gồm các yếu tố tình cảm được xây dựng nên. Quá trình thứ hai có thể có sử dụng trong thực tế cuộc sống đời thường của cá nhân cũng như trong giao tiếp xã hội, nhưng có khả năng tạo ra sự trói buộc của một trong những người nắm những cấu trúc như thể chúng là thực tại tối hậu. Các nhận thức của màu xanh, vàng,… đỏ mà chúng ta có trong nhận thức ý nghĩa đã được đưa ra như một ví dụ về các hoạt động nhận thức liên quan trong quá trình tưởng tri như sau: “Này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là tưởng? Nhận rõ, này các Tỷ-kheo, nên gọi là tưởng. Nhận rõ gì? Nhận rõ màu xanh, nhận rõ màu vàng, nhận rõ màu đỏ, nhận rõ màu trắng. Nhận rõ, này các Tỷ-kheo, nên gọi là tưởng.”[2] Các nhận thức của niềm vui, đau khổ hoặc cảm giác trung tính đã được đưa ra như một ví dụ về kinh nghiệm của thức

Thức tri (viññāṇa): Cấp độ nhận thức bằng thức tri là sự nhận biết bằng kinh nghiệm được phát sinh từ sự tiếp xúc giữa các căn tương ứng với các đối tượng trần cảnh.[3] Cái thấy bằng thức tri chỉ là sự nhận biết đơn thuần, còn phân biệt, chấp thủ. “Và này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là thức? Rõ biết, này các Tỷ-kheo, nên gọi là thức. Rõ biết gì? Rõ biết chua, rõ biết đắng, rõ biết cay, rõ biết ngọt, rõ biết chất kiềm… rõ biết không phải chất kiềm, rõ biết mặn, rõ biết không mặn. Rõ biết, này các Tỷ-kheo, nên gọi là thức.”[4]

Theo Bách khoa toàn thư, Nhận thức là hành động hay quá trình tiếp thu kiến thức và những am hiểu thông qua suy nghĩ, kinh nghiệmgiác quan, bao gồm các qui trình như tri thức, sự chú ý, trí nhớ, sự đánh giá, sự ước lượng, sự lí luận, sự tính toán, việc giải quyết vấn đề, việc đưa ra quyết định, sự lĩnh hội và việc sử dụng ngôn ngữ. Theo “Từ điển Bách khoa Việt Nam”, nhận thức là quá trình biện chứng của sự phản ánh thế giới khách quan trong ý thức con người, nhờ đó con người tư duy và không ngừng tiến đến gần khách thể.[5] Có hai loại nhận thức, đó là nhận thức bằng cảm tính và nhận thức bằng lý tínhNhận thức cảm tính cung cấp những hiểu biết ban đầu về đối tượng nhận thức, nhưng những hiểu biết đó mới chỉ dừng lại ở những nét bề ngoài của đối tượng. Nhận thức lý tính có được nhờ sụ hoạt động của tư duy trừu tượng, nó được tiến hành qua ba hình thức: khái niệm, phán đoán, suy luậnNhận thức thông thường của thế gian đều ngang qua hai cấp độ ban đầu đó là tưởng tri và thức tri.

Một nỗ lực để giải thích sự khác biệt ý nghĩa của trí tuệ so với hai thuật ngữ khác là thức và tưởng được sử dụng khá phổ biến trong nhận thức của Phật giáo. Tưởng tri và thức tri được mô tả khá chi tiết trong Thanh Tịnh Đạo của Phật Âm. Trí tuệ được giải thích rõ ràng bằng cách so sách sự khác biệt lớn với thức tri và tưởng tri (sañjānanavijānaākā ravisiṭṭham). Nó cũng được giải thích như biết bằng nhiều cách (nānappakārato Nanam). Cách giải thích này cho thấy tuệ tri vượt xa những hạn chế áp đặt lên hoạt động nhận thức bình thường bởi sự non nớt của sự hiểu biết và những hạn chế áp đặt bởi những chướng ngại tầm thường cá nhân. Đi xa hơn những giới hạn tầm thường đó, tuệ tri làm cho con người có khả năng phát khởi những thành tựu tiến bộ tâm linh trên con đường giải thoát thông qua tinh tấn nỗ lực

Tuệ tri (paññā): Tuệ tiếng Pāli là paññā, Skt. Prajnā. Nó có nghĩa là sự nhận thức, phân biệt, nhưng sự nhận thức phân biệt này khác với sự nhận thức phân biệt thông thường, bởi nó được bắt đầu từ động từ căn Jñā là nhận biết, thấy rõ, thấu hiểu tường tận. Nó được dịch sang tiếng Anh là ‘Trí tuệ’ (wisdom), ‘giác ngộ’ (gnosis), minh sát tuệ (insight), hiểu biết rõ ràng (understanding) hoặc ‘kiến thức trực quan’ (intuitive Knowledge). Trong tiếng Pāli-chế độ nhận thức cụ thể liên quan được phân biệt bởi việc sử dụng các tiền tố pa (Skt. pra), thể hiện một ý nghĩa nhận thức khác biệt rõ ràng từ đó chúng ta có thể so sánh đối chiếu với các loại nhận thức khác như thức tri (vinñāṇa), tưởng tri (saññā), thắng tri (pariññā) và liễu tri (abhiññā) nơi các tiền tố tương ứng là vi-sam-pari- và abhi. Tuệ có nghĩa gì? Đó là hành vi hiểu biết (pajānana) khác với những kiểu tưởng tri (sanjānana) và thức tri (vijānana). Vì mặc dù trạng thái biết cũng có mặt trong tưởng, trong thức, và trong tuệ, song tưởng chỉ là sự nhận biết một đối tượng, như xanh hay vàng, nó không đem lại sự thấu hiểu sâu xa bản chất của đối tượng ấy là vô thường, khổ, vô ngã. Thức biết được đối tượng là xanh, vàng, vv. và cũng phát sinh được sự thấu hiểu bản chất, nhưng không phát sinh do tinh cần, sự xuất hiện đạo lộ siêu thế. Tuệ vừa biết đối tượng theo cách đã nói, vừa phát sinh sự thấu hiểu sâu xa, mà vừa đem lại sự thể hiện đạo lộ siêu thế do tinh cần tinh tấn.[6]

Thanh Tịnh Đạo giải thích, giả sử có ba người, một đứa trẻ không biết gì, một người nhà quê, và một người đổi tiền, cùng thấy một đồng tiền kim loại nằm trên quầy của người đổi tiền. Đứa trẻ chỉ biết đồng tiền là có hình vẽ, trang trí, hình dài, vuông hay tròn, song nó không biết những đồng tiền ấy được xem là có giá trị cho con người sử dụng, hưởng thụ. Người nhà quê thì biết chúng có hình, có trang trí, có giá trị cho người hưởng sử dụng, nhưng không biết phân biệt đồng này thật, đồng này giả, đồng này bằng nửa giá trị, vv. Còn người đổi tiền thì biết tất cả những điều trên bằng cách nhìn đồng tiền, nghe tiếng kêu của nó khi gõ, ngửi, nếm, thử trọng lượng nó trong lòng tay, và biết nó được chế tạo tại làng nào, thành phố, đô thị nào, trên đỉnh núi hay bên bờ sông, do bậc thầy nào làm ra.[7]

Tưởng tri là giống như đứa trẻ không biết gì khi trông thấy đồng tiền, vì nó chỉ thấy cái tướng của đối tượng như màu xanh, vv. Thức tri là như người nhà quê trông thấy đồng tiền biết được nó màu gì, và còn đi xa hơn, thấu hiểu những đặc tính của nó. Còn tuệ tri là như người đổi tiền thấy đồng tiền biết được màu sắc, vv. mà còn đi xa hơn, đạt đến sự thể hiện đạo lộ.[8]

Về các pháp ấy có những cách nhận thức khác nhau tùy theo trình độ tu học: lối nhận thức sai lầm của phàm phu gọi là tưởng tri, của người biết qua sách vở là thức tri, của bậc thánh hữu học là thắng tri, của A-la-hán là tuệ tri. Và cuối cùng cái biết của Phật là liễu tri.[9]Như vậy trí tuệ có khả năng thắng tri, sự thấy biết như thật, không chấp thủ. Lại có khả năng liễu tri với sự hiểu biết rốt ráo trọn vẹn; và cuối cùng có khả năng đoạn trừ lậu hoặc (āsavas), dục lậu (kāmāsava), hữu lậu (bhavāsava), và vô minh lậu (avijjāsava), đoạn diệt được tham sân si, chấm dứt khổ đau.

Như chúng ta thấy, tưởng tri (sanjānàti) nhờ tưởng (sannā) đưa đến, và ý tri (jānāti) do ý (manas) đưa đến. Tưởng tri, thức tri và ý tri là ba sự hiểu biết thông thường của thế gian đưa đến sự hiểu biết về khoa học, kỹ thuật, triết học, bác học, v.v… Đạo Phật đóng góp thêm Thắng tri và Tuệ tri, sự hiểu biết ngang qua thiền định, tạo thêm sức mạnh cần thiết để con người làm chủ được bản thân, làm chủ được hoàn cảnh. Tuệ tri đưa đến một hiểu biết toàn diện, hoàn mãn, có khả năng đâm thủng vô minh, đoạn tận tham sân si, đưa đến chấm dứt khổ đau. Như vậy, chỉ có thắng tri, liễu tri, ly tham mới đoạn tân được khổ đau sanh tử luân hồi. “Này các Tỷ-kheo, thắng tri, liễu tri, ly tham, từ bỏ tất cả, thời có thể đoạn tận khổ đau.”[10]

 Thông thường người đời thường có những tri giác sai lầm về nhau. Người ta không giận mình cũng tưởng họ đang giận mình, người ta không thù oán cũng tưởng là người ta thù oán mình. Do tưởng tri sai lầm nên ngày càng tạo nên hố sâu ngăn cách giữa con người với nhau. Thành ra con người khó có sự đồng cảm chia sẽ nên khổ đau lại càng thêm khổ đau.

Do vậy, trong cách nhìn nhận về sự vật hiện tượng, các sự kiện xảy ra trong đời sống hằng ngày, chúng ta cần loại bỏ bớt cái quan kiến theo tưởng tri và thức tri, mà phải nhìn nhận bằng trí tuệ. Con mắt trí tuệ mới có thể nhìn nhận đúng sự thật, không suy đoán mù mờ dẫn đến hậu quả sai lầm. Con mắt tuệ, mới có sự thấu hiểu và thương yêu, cảm thông và chia sẽ, không tri giác sai lầm về nhau dẫn đến nghi ngờ xung đột mâu thuẩn. Cái thấy bằng tưởng tri dẫn đến phán đoán sai lầm, cái thấy bởi thức dẫn đến chấp thủ, cố hữu, thì cái thấy bởi tuệ là cái thấy biết viên dung tròn đầy. Nói như vậy không phải đạt đến địa vị Phật, Bồ tát mới có cái nhìn bằng tuệ tri. Trong mỗi chúng ta ai cũng có tố chất Phật, Bồ tát. Cái nhìn loại bỏ chấp thủ, cái nhìn có sự thấu hiểu và cảm thông đó là cái nhìn của Phật, Bồ tát. Cái nhìn như thật bao giờ cũng đưa đến sự tin tưởngbình an; cái thấy như thật luôn đưa đến sự hài hòa và cởi mở. Do vậy, chúng ta hãy tập nhìn bằng con mắt tuệ giác, đó gọi là “từ nhãn thị chúng sinh” (mắt thương nhìn cuộc đời). Đó là cái nhìn của Phật, Bồ tát. Luôn nhìn đời theo chiều hướng tích cực. Luôn nhìn thấu rõ tâm can, thấu rõ những nỗi khổ niềm đau để cảm thông chia sẽ. Con mắt tuệ mới nhìn thấy các khía cạnh tiềm năng trong con người để kích thích các hạt giống tiềm năng ấy phát triển. Đồng thời làm cho các hạt giống xấu, tiêu cực không có cơ hội trổi dậy.

Ghi chú:

[1]See, Maurice Walshe (trans.), Digha nikāya, The Long Discourses of the Buddha, Wisdom publications, Boston, 2012, p. 594.

[2]Bhikhu Bodhi, (trans.), Samyuttara nikāya, The Connected Discourses of the Buddha, Wisdom publications, Boston, 2000, p. 915.

[3]This is exemplified by the usage cakkhuñca paticca rūpe ca uppajjati cakkhuviññānam….Majhimanikāya, Vol. 1, p. 111.

[4] Ibid, p. 915.

[5] Nhận thức, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, https://vi.wikipedia.org.

[6] Buddhaghosa & Ñāṇamoli, Visuddhi- Magga, The Path of Purification, Buddhist Publication Society, Columbo, 2010, p. 432.

[7] Ibid, p. 432.

[8] Thích Nữ Trí Hải, (dich) Thanh Tịnh Đạo Luận, Chương XIV (a) Mô Tả Về Các Uẩn (Khandha-Niddesa).

[9] Thích Nữ Trí HảiToát Yếu Kinh Trung Bộ, tập 1, NXB. Tôn Giáo, 2010, p. 14.

[10] F.L. Woodward, The Book of the Kindred Sayings, Vol. 4, Motilal Banarsidass, Delhi, 2005, p. 10.

Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 319

Thích Trung ĐịnhTưởng tri, thức tri và tuệ tri được đức Phật chỉ ra nhằm mục đích phân biệt rõ các cấp độ nhận thức về sự vật hiện tượng.



Nguồn : Source link

Hits: 123

Trả lời