Tìm Hiểu Khái Quát Về A-la-hán Đạo Và Bồ-tát Đạo
Thích Nữ Hằng Như
DẪN NHẬP
Phật giáo có hai hệ là Theravada và Phát-Triển. Hệ Theravada quan niệm quả vị cao nhất mà hành giả có thể đạt được là quả vị A-La-Hán. Vì thế đường tu quan trọng của họ là A-La-Hán đạo. Khi đạt được quả vị này thì các ngài nhập Niết-Bàn. Khi còn thân, thì gọi là Hữu-Dư-Y-Niết-Bàn. Trong thời gian này các ngài đi giáo hoá chúng sanh. Khi bỏ thân, thì nhập Vô-Dư-Y-Niết-Bàn không tái sanh nữa.
Hệ Phát-Triển chủ trương Bồ-Tát đạo. Những người có nguyện vọng tu thành Phật thì được gọi là Bồ-Tát, hoặc ai có nguyện vọng tự giác giác tha không nhập Niết-Bàn, “đời đời thừa hành Bồ-Tát đạo” cũng được gọi là Bồ-Tát. Mục tiêu tu hành của những vị này là nhắm tới quả vị Phật chứ không dừng ở quả vị A-La-Hán.
Trước khi khai triển đường lối tu tập của A-La-Hán đạo và Bồ-Tát đạo, chúng ta thử tìm hiểu lý do vì sao Giáo đoàn Phật Giáo dưới sự lãnh đạo của Đức Phật lại chia làm hai. Một bên là hệ Theravada và một bên là hệ Phát-Triển.
ĐẠI CƯƠNG VỀ HỆ THERAVADA VÀ HỆ PHÁT-TRIỂN
Mở lại trang Sử – Đức Phật đản sanh vào khoảng năm 624 trước Tây Lịch. Ngài thọ 80 tuổi và diệt độ vào năm 544, qua thế kỷ thứ 5 trước Tây Lịch. Trong thời gian 45 năm hoằng pháp, Giáo đoàn Phật giáo do một mình ngài lãnh đạo. Giáo đoàn thống nhất này kéo dài từ thời Phật còn tại thế đến sau khi ngài nhập diệt 100 năm, gọi là Giáo đoàn Phật giáo Nguyên Thuỷ hay Sơ Khai.
Kể từ khi Đức Phật nhập diệt cho tới đầu Tây-Lịch, Giáo đoàn Phật giáo trải qua 4 lần kết tập Kinh điển. Lần kết tập thứ Nhất, vào thời vua A-Xà-Thế, sau khi Đức Phật nhập diệt 3 tháng do tôn giả Đại Ca Diếp (Mahã Kassyapa) triệu tập. Lúc bấy giờ Giáo đoàn Phật giáo vẫn còn nguyên vẹn.
Đến kỳ kết tập kinh điển lần thứ Hai khoảng 100 năm sau khi Phật nhập diệt, tức là năm 444 trước Tây Lịch, vào khoảng năm thứ 10 của triều đại vua Kãlasoka. Hội nghị kéo dài 8 tháng. Giáo đoàn của Đức Phật bị chia làm hai nhánh là Theravada, Thera nghĩa là các cụ già, Vada là học thuyết, dịch là Thượng Toạ Bộ và Mahãsanghika dịch là Đại Chúng Bộ, gồm tăng ni và nam nữ cư sĩ.
Giáo đoàn chia làm hai, bắt nguồn từ việc ngài Da-Xá, vị đệ tử thứ 6 của Đức Phật, sau 5 anh em Kiều Trần Như lúc bấy giờ đã 165 tuổi, bắt gặp nhóm tăng trẻ gốc dân Bạt-Kỳ (bộ tộc Vajji), vi phạm 10 điều Luật của Đức Phật. Kinh ghi là “Thập sự phi pháp”, trong đó có việc thuyết pháp rồi nhận vàng bạc cúng dường từ các cư sĩ. Không khuyên được nhóm tăng trẻ Bạt-Kỳ, nên ngài Da-Xá triệu tập 700 vị Trưởng Lão kết tập Kinh Luật để củng cố nề nếp.
Như vậy nguyên nhân chia thành hai Bộ phái trong thời gian này là do bất đồng quan điểm về Giới Luật. Nhóm Thượng Toạ Bộ muốn duy trì Giới Luật theo cổ xưa. Nhóm Đại Chúng Bộ muốn thay đổi thích ứng với tình hình sinh hoạt cũng như hoàn cảnh mới. Đó là lý do Phật giáo chia làm hai gọi là “Sự phân liệt căn bản trong Phật Giáo”.
Từ cái mốc kết tập kinh điển lần thứ Hai này đến 100 năm sau, nghĩa là tới năm 344 trước Tây Lịch. Trong khoảng thời gian này Đại Chúng Bộ tiếp tục phân chia ra thêm 8 Bộ phái nữa. Trong lúc đó bên hệ Theravada nhờ bảo thủ nên vẫn giữ được sự thống nhất.
Từ đầu năm 344 đến 244 trước Tây Lịch, nghĩa là khoảng 200 đến 300 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, hệ Theravada mới phân chia ra 10 Bộ phái nữa.
Bấy giờ Giáo đoàn Phật Giáo có tổng cộng là 18 Bộ phái cộng với hai Bộ phái chánh là 20 Bộ phái, có ghi trong Sử liệu Phật Giáo. Đây là thời kỳ rực rỡ của Phật Giáo. Các vị Tổ tự viết ra các Luận thư (Abhidharma) nêu rõ chủ trương đường lối tu tập của Bộ phái mình. Về sau khi viết về thời kỳ này, ngài Nghĩa Tịnh một vị cao tăng ở Trung Hoa đã ví 18 Bộ phái là cây vàng ròng chia ra làm 18 khúc. Mỗi Bộ phái là một khúc, khúc nào cũng là vàng ròng.
Vào khoảng 236 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, dưới sự bảo trợ của vua A-Dục (Asoka), ngài Mục Kiền Liên Đế Tu (Moggaliputta Tissa) thuộc hệ Theravada được mời chủ trì kết tập kinh điển lần thứ Ba. Lý do là để thanh lọc tăng giả (false monks) ra khỏi hàng ngũ Giáo Hội, xây dựng chánh tín (true faith) và thống nhất Kinh, Luật, Luận. Lần này viết thành văn bản bằng tiếng Pàli gồm Kinh-Luật-Luận theo khuynh hướng của Theravada. Đó là Bộ Tam Tạng Kinh điển đầu tiên bằng tiếng Pàli, gọi là kinh Nikàya.
Kỳ kết tập kinh điển lần thứ Tư vào thế kỷ thứ Nhất Tây lịch, dưới triều đại vua Ca-Nị-Sắc (Kaniska). Trong thời gian này Bộ phái Nhất-Thiết Hữu-Bộ là Bộ phái tách ra từ hệ Theravada và rất hưng thịnh. Bộ phái này chủ trương : “Tất cả mọi thứ trên đời này đều Có, đều hiện hữu không biến mất theo quy luật Sinh-Trụ-Hoại-Diệt mà Trở-Thành cái khác, giống như hiện tượng năng lượng trở thành cái khác chứ không mất”, đã được vua Ca-Nị-Sắc mời kết tập kinh điển lần thứ Tư, do ngài Thế Hữu làm Thượng Thủ. Lần này, Tam Tạng Kinh điển ghi lại bằng tiếng Sanskrit gọi là kinh Àgama tức kinh A-Hàm, do ngài Mã Minh trong cương vị Phó Thượng Thủ, có nhiệm vụ nhuận sắc chỉnh sửa văn chương Kinh, Luật, Luận. Sau đó vua cho khắc lên bản đồng. Phải mất 12 năm mới hoàn thành. Các bản Kinh, Luật, Luận này được cất giữ trong bảo tháp lớn có người canh giữ ngày đêm. Như vậy chúng ta có hai Bộ kinh xưa nhất đều thuộc bên hệ Theravada.
Nhắc lại, trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ Hai. Theo Đảo Sử ngoài hội nghị của các vị Trưởng lão, một số rất đông các Tỷ Kheo chống đối Đại Hội xét vụ “Thập sự phi pháp” lên tới 10 ngàn vị, gồm tăng ni và nam nữ cư sĩ. Cuộc kết tập này được gọi là “Đại Chúng” hay “Đại Kết Tập“. Sau đó, họ thành lập luôn Đại Chúng Bộ. Tên Đại Chúng Bộ có nghĩa là những vị tăng này quy tụ được nhiều người đông hơn phía Trưởng Lão Bộ trong kỳ phân liệt đầu tiên. Kỳ kết tập kinh điển của Đại Chúng Bộ không được Sử liệu công nhận.
Khoảng từ đầu Tây Lịch trở về sau, Đại Chúng Bộ (Mahãsanghika) trở thành Đại Thừa (Mahàyana). Họ gọi Theravada là Tiểu Thừa (Hìnayana).
Đến kỳ Đại Hội Phật Giáo Thế Giới tại Miến Điện vào năm 1954 kéo dài đến năm 1956, Đại Hội quyết định đổi danh xưng Tiểu Thừa là Theravada và Đại Thừa là Phát-Triển. Người Việt Nam dịch từ Theravada là Nguyên Thuỷ. Đọc kinh điển chúng ta cần hiểu từ Nguyên Thuỷ này là Bộ phái Nguyên Thuỷ dịch từ chữ Theravada, chứ không phải Giáo đoàn Nguyên Thuỷ hay Giáo đoàn Sơ Khai thời Đức Phật còn tại thế đến 100 năm sau khi Đức Phật nhập diệt.
Danh xưng Đại Thừa, Tiểu Thừa kéo dài hàng ngàn năm. Từ đầu Tây Lịch tới giữa thế kỷ 20.
SỰ GIỐNG NHAU VÀ KHÁC NHAU
GIỮA HAI HỆ NGUYÊN THUỶ VÀ PHÁT TRIỂN
Giữa hệ Theravada và Phát Triển có nhiều điểm giống nhau. Về Giáo lý Căn bản của Đức Phật, cả hai đều có lối giải thích và thực hành theo đường lối Đức Phật giảng dạy. Thí dụ như các phương thức quan trọng “Giới-Định-Huệ, Văn-Tư-Tu, Quán-Chỉ-Định-Huệ”. Hay cùng chủ trương “Đối cơ thuyết pháp, Tự giác giác tha”. Và các chủ đề giáo lý quan trọng như: “Tứ Diệu Đế, Vô Ngã Tướng, Lý Duyên Khởi, Tương quan nhân quả, Nghiệp báo v.v…” đều đồng nhất.
Bên cạnh đó, hai hệ có những điểm khác nhau về chủ trương. Thí dụ như quan niệm về Đức Phật. Hệ Theravada thì cho rằng chỉ có một vị Phật lịch sử là Phật Thích Ca, và từ hơn 2,500 năm nay không có ai tu thành Phật ngoài Đức Phật Thích Ca. Hệ Phát-Triển thì chủ trương trong mười phương thế giới có mười phương chư Phật.
Phát-Triển cho rằng người tu có thể đạt tới quả vị Phật, trong khi hệ Theravada thì cho rằng người tu không thể đạt được quả vị Phật, mà chỉ đạt tới quả vị A-La-Hán mà thôi! Vì quan niệm này, nên hệ Theravada chủ trương đường tu quan trọng là A-La-Hán đạo. Sau khi đắc quả A-La-Hán rồi, vị này đi giáo hoá, nhưng khi mạng căn chấm dứt thì nhập Niết-Bàn chứ không tái sinh.
Trong khi đó bên hệ Phát-Triển chủ trương Bồ-Tát đạo, có nghĩa là ai có nguyện vọng tu đạt quả vị Phật, người đó được gọi là Bồ-Tát. Hoặc ai có nguyện vọng tự giác rồi giác tha, không nhập Niết-Bàn, phát nguyện “đời đời thừa hành Bồ–Tát đạo”, người đó được gọi là Bồ-Tát. Mục tiêu của hệ Phát-Triển là nhắm tới quả vị Phật, chứ không phải nhắm tới quả vị A-La-Hán.
Về A-La-Hán đạo của Theravada được các vị Tổ chia ra làm 4 cấp bậc:
1) Thánh quả Tu-Đà-Hoàn: Khi người tu đoạn trừ được 3 Kiết sử: Thân kiến, Nghi và Giới Cấm Thủ thì đạt được quả vị Tu-Đà-Hoàn, gọi là Nhập Lưu hay Dự Lưu, hay Thất Lai. Thất Lai, nghĩa là vị này sẽ tái sanh 7 đời nữa để tu tập mới đạt quả A-La-Hán. Lưu tức là dòng nước Thánh. Nhập lưu là bắt đầu bước vào dòng Thánh.
2) Thánh quả Tư Đà Hàm: Từ quả vị Tu-Đà-Hoàn, tiếp tục đoạn trừ phần thô của Dục và Sân thì đạt được quả vị này, còn gọi là thánh quả Nhất Lai nghĩa là còn tái sanh lại một lần nữa để tu tập sẽ đạt quả vị A-La-Hán.
3) A-Na-Hàm: Là quả Bất Lai, hoàn toàn đoạn trừ năm hạ phần Kiết Sử: Thân kiến, Nghi kiến, Giới cấm thủ, tận diệt luôn phần vi tế Dục Vọng và Sân. Bất lai nghĩa là sẽ không còn tái sanh ở cõi người nữa, mà sau khi mất rồi sanh lên cõi Trời. Từ cõi Trời tu tập sẽ đắc quả A-La-Hán.
4) A-La-Hán: Được định nghĩa là sạch hết 10 kiết sử. (5 hạ phần Kiết sử và 5 thượng phần Kiết sử là: Hữu ái, Vô hữu ái, Mạn, Trạo cử và Vô minh). Có khi các vị Tổ định nghĩa A-La-Hán là sạch hết Lậu hoặc. Có khi định nghĩa A-La-Hán là sạch hết tham, sân, si.
Khi đạt quả vị A-La-Hán rồi mặc dù vẫn còn sống nhưng tâm đã ở trong trạng thái Niết-Bàn gọi là Hữu-Dư-Niết-Bàn hoặc Hữu-Dư-Y-Niết-Bàn, tức là còn cái thân dư thừa nhưng tâm đã ở trong Niết-Bàn. Khi bỏ thân rồi thì gọi là nhập vào Vô-Dư-Niết-Bàn hay Vô-Dư-Y-Niết-Bàn.
Từ điểm này, chúng ta biết Niết-Bàn là trạng thái tâm hoàn toàn trong sạch, tức không còn Lậu hoặc, không còn phiền não, kiết sử, tuỳ miên.
Trong khi đó, hệ Phát-Triển chủ trương khi chứng được quả vị A-La-Hán rồi, không nhập Niết-Bàn, mà có nguyện vọng tái sanh lại cõi người để giáo hoá chúng sanh, thuật ngữ trong kinh gọi là “bất trụ Niết–Bàn”. Như vậy khởi thuỷ Bồ-Tát đạo bao gồm luôn A-La-Hán đạo. Nghĩa là phải xong A-La-Hán đạo, rồi mới phát tâm cầu quả vị Phật.
Học Sử Phật Giáo chúng ta còn biết thêm vài điểm khác biệt giữa hệ Theravada và Phát-Triển. Hệ Theravada lúc đầu bao gồm các vị Trưởng lão chủ trương giữ đúng nề nếp sinh hoạt trong thời Đức Phật về Giáo lý cũng như về Giới Luật cho nên hệ Theravada được xem như là hệ bảo thủ, giữ gìn đúng truyền thống thời Đức Phật.
Ví dụ như phải xuất gia mới có thể tu tập đến nơi rốt ráo, giống như Thái Tử Sỹ-Đạt-Ta từ bỏ gia đình xuất gia tu tập. Rồi cũng giống như Thái Tử Sỹ-Đạt-Ta phải vô rừng ở, phải đi khất thực để mà sống, không được giữ tiền bạc hay nữ trang châu báu. Những giới luật nhỏ như không được giữ muối, không giữ thức ăn qua đêm, không được ăn quá giờ ngọ, v.v… Tất cả những thứ đó, hệ Theravada gìn giữ một cách khắt khe, đúng y giới luật của Đức Phật. Về Giáo lý chỉ học theo những Giáo lý Đức Phật dạy, không dám khai triển ra, không dám viết Kinh. Một điểm nữa là họ chủ trương chỉ có người nam mới được xuất gia, không cho người nữ xuất gia. Sự kiện này kéo dài mấy ngàn năm. Gần đây người nữ mới được xuất gia trong hệ Theravada. Ngoài ra, chỉ có nam tu sĩ mới được học Giáo pháp sâu sắc của Đức Phật. Người cư sĩ chỉ có trách nhiệm hỗ trợ chư Tăng, cúng dường bố thí, chỉ học những pháp thông thường đơn giản.
Hệ Phát-Triển được xem như là cấp tiến, khai phóng, tâm mở rộng đón nhận những Giáo lý khác. Thí dụ Phật giáo qua Tây Tạng thì du nhập thêm tín ngưỡng dân gian Tây Tạng về thần linh, về thần chú. Khi qua tới Trung Hoa du nhập thêm tín ngưỡng dân gian của Trung Hoa như tín ngưỡng Quan Âm, tín ngưỡng Văn Thù, tín ngưỡng Phổ Hiền. Chứ thật ra, trong hai bộ Đại Tạng Kinh Phật Giáo không có những nhân vật đó.
Ngoài ra, bên hệ Phát-Triển, các vị Tổ thi nhau viết Kinh. Có thể bắt đầu từ sự kiện lịch sử là dưới thời vua A-Dục có một vị danh tăng tên là Đại Thiên (Mahãdeva) rất tài giỏi được vua A-Dục mời trụ trì ngôi chùa ở trong hoàng cung, ngay kinh đô Hoa Thị Thành. Ngài Đại Thiên là vị tăng trẻ có nhiều tư tưởng cấp tiến. Một hôm trong buổi hội thảo đông người, ngài Đại Thiên tuyên bố: “Ngày xưa, các vị đại đệ tử của Đức Phật giảng Kinh được Đức Phật chứng nhận, cho nên khi kết tập kinh điển, các bài giảng của các vị đệ tử cũng được ghi trong Kinh. Bây giờ Đức Phật không còn nữa, thì những ai giỏi Giáo lý, có tài thuyết pháp lưu loát có thể viết Kinh”. Khi ngài đưa ra chủ trương này, bị nhiều người phản đối, nhất là nhóm Theravada nhất quyết không đồng ý, gây ra sự tranh cải, ngay cả vua A-Dục cũng không giải quyết được.
Sau khi Tam Tạng kinh điển kết tập lần thứ Hai viết thành văn bản, vua A-Dục phái 9 đoàn Sứ Giả đem các Tạng Kinh Pàli truyền bá khắp nước Ấn Độ và các quốc gia lân cận. Trong số 9 đoàn Sứ Giả này, có một đoàn do ngài Đại Thiên cầm đầu cùng với nhóm đệ tử trẻ của ngài đi về miền Nam Ấn hoằng pháp. Tại nơi đây, về sau xuất phát ra hệ thống kinh Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa. Kinh Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa không có tên tác giả. Người ta dựa vào sự kiện do kinh xuất phát từ miền Nam Ấn, nên suy đoán có thể vị Tổ đầu tiên là ngài Đại Thiên. Trong vòng mấy trăm năm sau, các vị Tổ đời kế tiếp thi nhau viết kinh. “Bát Nhã Ba-La-Mật Đa Tâm Kinh” là bài kinh cuối cùng và ngắn nhất được dịch sang tiếng Việt gồm 262 chữ. Đó là hệ thống Kinh Phát Triển đầu tiên và đồ sộ nhất gồm 600 bộ kinh. Hệ Phát-Triển khai triển 3 chủ đề là Không, Chân Như và Huyễn.
Theo dòng thời gian, hệ Phát-Triển tung ra nhiều bộ kinh khác. Những bộ kinh này không có ghi lại trong hai Đại Tạng Kinh, nên chúng ta biết do các vị Tổ viết ra sau này. Thí dụ như kinh Hoa-Nghiêm, kinh Pháp-Hoa, kinh Duy-Ma-Cật, kinh Kim-Cang, kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ, kinh Thắng-Man, kinh Bảo-Tích, kinh Viên-Giác v.v… Tất cả những bộ kinh đó cũng được gọi là kinh, nhưng do hệ Phát- Triển sáng tác. Chỉ có bộ kinh mà người ta biết rõ tác giả đó là “Pháp-Bảo-Đàn-Kinh” ghi lại những lời giảng của Lục Tổ Huệ Năng trong thế kỷ thứ 7 do ngài Thần Hội là đệ tử trẻ nhất của Lục Tổ ghi lại. Còn những bộ kinh khác không biết tác giả là ai, chỉ được biết là xếp trong hệ kinh Phát-Triển.
Trong lúc đó, hệ Theravada hoàn toàn không có sáng tác Kinh. Các vị Tổ chỉ sáng tác Luận gọi là Luận Thư (Abhidharma). 7 bộ Luận thư bằng tiếng Pàli và 7 bộ Luận thư bằng tiếng Sanskrit. Tổng cộng 14 bộ Luận thư thuộc hệ Theravada. Ngoài ra, các vị Tổ còn sáng tác nhiều bộ Luận thư khác, tuy không kết tập nơi đây nhưng rất nổi tiếng.
Hệ Phát-Triển còn có những chủ trương khác với hệ Theravada, như ngay từ đầu đã chấp nhận người nữ được quyền xuất gia, cho nên trong hàng tu sĩ có tăng và ni. Giáo đoàn gồm tăng, ni và nam nữ Phật tử gọi chung là tứ chúng. Họ giảng dạy giáo pháp của Đức Phật cho tu sĩ cũng như cư sĩ.
Hệ Theravada chủ trương phải xuất gia, mới tu được tới nơi rốt ráo. Còn hàng tại gia chỉ có trách vụ cúng duờng, hộ thất cho chư Tăng tu, chứ không được học Giáo lý sâu sắc của Đức Phật.
DANH XƯNG ĐẠI THỪA và TIỂU THỪA
Về hai danh xưng Đại Thừa và Tiểu Thừa từ đâu mà có? Sau thế kỷ thứ Nhất, phong trào Đại Thừa bắt đầu khởi xướng, danh từ Đại Thừa có thể xuất phát từ bộ luận “Đại Thừa Khởi Tín Luận” của ngài Mã Minh. Ngài Mã Minh là người đã nhuận sắc điều chỉnh văn chương Tam tạng, bằng tiếng Sanskrit trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ Tư dưới thời vua Ca-Nị-Sắc.
Tại sao Đại Chúng Bộ tự xưng mình là Đại Thừa? Có lẽ là vì Đại Chúng Bộ có nguyện vọng là “đời đời thừa hành Bồ Tát đạo” tức là không muốn trụ Niết- Bàn, mà muốn tái sinh lại để giáo hoá chúng sinh, giúp đưa người hữu duyên từ chỗ khổ đau tới bờ giác ngộ. Họ cho cái tâm nguyện này là tâm nguyện rộng lớn, so sánh như chiếc xe lớn là đại thừa, có thể đưa được nhiều người đến bờ giác ngộ. Trong khi đó, bên hệ Theravada chủ trương tu để đạt giải thoát tối hậu, nhập Niết-Bàn không còn luân hồi sinh tử, chỉ lo tu giải thoát cho riêng mình nên bị ví như chiếc xe nhỏ là tiểu thừa.
Từ hai lý tưởng khác nhau đó, mà Đại Chúng Bộ tự xưng mình là Đại Thừa và gọi bên Theravada là Tiểu Thừa.
Thực ra, các vị đệ tử của Đức Phật thời đó, sau khi đắc quả A-La-Hán rồi, Đức Phật cho đi khắp nơi để hoằng pháp. Các ngài rày đây mai đó giáo hoá chúng sanh cho đến lúc thân hoại mạng chung. Các ngài đã có một đời sống thật xứng đáng, đã hy sinh hết cuộc đời mình, chứ đâu phải các ngài ích kỷ sống riêng tư, không giúp gì cho chúng sanh.
Còn việc nhập Niết-Bàn hay tái sinh? Dựa vào đâu, chúng ta có thể đoan chắc ai nhập Niết-Bàn luôn, ai tái sinh trở lại? Và ai tái sinh do nghiệp dẫn, ai tái sinh do tâm nguyện? Chính vì không chứng minh được, nên chúng ta không thể xét đoán lý tưởng A-La-Hán đạo, hay Bồ-Tát đạo là như thế nào? Chúng ta là hậu bối mấy ngàn năm sau, trộm nghĩ chúng ta nên có cái tâm khách quan khi học Sử. Nhìn chung hệ nào cũng có lý tưởng cao thượng, chỉ khác đôi chút về đường lối tu tập. Riêng chúng ta thuận duyên với đường lối nào, thì chọn tu tập theo đường lối đó, chứ không phê bình khen chê mà mắc lỗi.
BA-LA-MẬT (PARAMITÀ-PARAMÌ)
Ba-La-Mật dịch âm từ chữ Paramità (Sanskrit) hay Paramì (Pàli). Hai chữ này gốc từ chữ “Para”. Còn chữ “mità” hay “mì” chỉ là tiếp đầu ngữ. Chữ gốc “Para” nghĩa là “bờ bên kia”. Trung Hoa dịch là “đáo bỉ ngạn”, có nghĩa là “qua tới bờ bên kia (gone to the other shore)”.
Nghĩa thứ hai là “đạt sự kiện toàn, hoàn hảo”. – Nghĩa thứ ba, thường hiểu trong Phật giáo là “đạt tới Niết-Bàn, đạt được giải thoát tối hậu”.
Trong Phật Giáo thường dùng chữ Ba-La-Mật đi đôi với chữ Trí huệ. “Trí huệ Ba-La-Mật” là nói đến “trí huệ kiện toàn”.
Pháp Ba-La-Mật là những phương pháp tu, do các Tổ đề ra theo phương thức của Đức Phật là Giới-Định-Huệ. Từ con đường Giới-Định-Huệ, khai triển thành những phương thức tu gọi là Ba-La-Mật. Ba-La-Mật là pháp tu rốt ráo đưa đến quả vị Phật, là quả vị Giác Ngộ hoàn toàn.
Con đường tu Ba-La-Mật, được xem như quảng đường tu tập sau khi hành giả đã có kinh nghiệm “Nhận Thức Không Lời“, tức là kinh nghiệm trạng thái Tâm Như, mới thực tập những pháp gọi là Ba-La-Mật.
Trong Phật Giáo có 2 hệ quan trọng là Theravada và Phát-Triển. Hai hệ này đều có đường lối tu tập rốt ráo, có những điểm giống nhau và những điểm khác nhau, để hướng tới việc phát huy trí tuệ hoàn hảo, tức đạt được Ba-La-Mật theo đúng mục tiêu Đức Phật đưa ra là: Thoát khổ, giác ngộ, giải thoát.
Hệ Phát Triển có 6 phương thức gọi là Lục độ Ba-La-Mật. Đó là: 1) Bố Thí Ba-La-Mật. 2) Trì Giới Ba-La-Mật. 3) Nhẫn nhục Ba-La-Mật. 4) Tinh tấn Ba-La-Mật. 5) Thiền Định Ba-La-Mật. 6) Huệ Ba-La-Mật.
Hệ Theravada có 10 phương thức tu tập gọi là Thập độ Ba-La-Mật gồm: 1) Bố thí Ba-La-Mật. 2) Giới Ba-La-Mật. 3) Xuất gia Ba-La-Mật. 4) Nhẫn nhục Ba-La-Mật. 5) Tinh tấn Ba-La-Mật. 6) Chân thật Ba-La-Mật. 7) Quyết định Ba-La-Mật. 8) Huệ Ba-La-Mật. 9) Từ Ba-La-Mật. 10) Xả Ba-La-Mật.
_______________
LỤC ĐỘ BA-LA-MẬT
– Độ: Tiếng danh từ là “con đò” đưa người ta qua sông, từ bờ này đến bờ bên kia. Tiếng tĩnh từ nghĩa là “vượt qua, đi qua, tới bờ”. Lục độ Ba-La-Mật là 6 phương thức tu tập đưa đến giác ngộ giải thoát tối hậu.
Muốn kinh nghiệm Ba-La-Mật, đòi hỏi hành giả phải ở trong trạng thái Tâm bậc Thánh hoặc cao hơn là Tâm Như. Từ Tâm Như tu tập theo 6 phương thức sau:
1) Bố thí Ba-La-Mật : Bố là “rộng rãi, quảng đại”. Thí là “ban phát, tặng cho”. Bố thí Ba-La-Mật là một hạnh tu để đạt được giác ngộ giải thoát tối hậu. Cho nên, khi bố thí mà trong đầu có sự suy nghĩ, chọn lựa, so đo, tính toán trước khi quyết định cho hay không cho, hoặc nên cho nhiều hay cho ít, hoặc phải cho đúng người đúng cách, Bố thí như vậy chưa phải là Bố thí Ba-La-Mật. Hành động bố thí này là việc làm tốt, nhưng chưa được rốt ráo vì còn ở trong Tâm đời. Ở trong Tâm đời thì còn luân hồi sanh tử.
Để chuyên chở đầy đủ tinh thần Ba-La-Mật, bố thí phải mang ý nghĩa của thuật ngữ “tam luân không tịch” nghĩa là bố thí với 3 không: Không thấy người bố thí (năng thí), không thấy người nhận bố thí (sở thí), không thấy vật được bố thí (vật thí). Và việc bố thí phải như vòng tròn quay liên tục, thấy đâu cần thì sẵn lòng giúp, chứ không phải lâu lâu mới làm một lần để lấy tiếng.
Thực hành hạnh Bố Thí Ba-La-Mật đòi hỏi hành giả phải đang ở trong Tâm Không hay Tâm Như. Lúc đó bản thể người cho, người nhận và vật cho đều “vô ngã, trống không”. Bố thí như vậy mới là Bố thí Ba-La-Mật.
Về vật thí, có 3 loại là tài thí, pháp thí và vô úy thí.
1) Tài thí: Đem tiền bạc, của cải, vật thực của mình ra cho. Gồm hai loại Ngoại thí và Nội thí.
a-1) Ngoại thí: Những vật thường dùng của mình như tiền bạc, của cải, ruộng vườn, nhà cửa, quần áo, đồ ăn, thức uống v.v… Mang những thứ này cho những người nghèo khổ túng thiếu thì gọi là Ngoại thí.
b-1) Nội thí: Như hy sinh thân mạng, đời sống của mình để cứu người khác. Trong những câu chuyện về tiền thân của Đức Phật, ngài đã từng bố thí đầu, mắt, tay, chân cho người cần. Ngày nay chúng ta không làm nổi như Đức Phật thì có thể bố thí bằng cách “hiến máu” để cứu bệnh nhân, hoặc ký giấy tặng những bộ phận trong thân thể nếu mình chết bất đắc kỳ tử.
2) Pháp thí: Đem lời hay lẽ phải, những chân lý quý báu của Đức Phật để chỉ bày khuyên bảo người khác, hoặc y theo giới luật của Đức Phật tu hành để làm gương cho mọi người bắt chước, giúp người ta bỏ dữ làm lành, cải tà quy chánh đều là Pháp thí. Pháp thí được tán thán “Công đức vô lượng” vì nó có giá trị rất lớn, cao hơn cả tài thí. Tài thí chỉ giúp đỡ con người túng thiếu vật chất trong một thời gian, hay nhiều nhất là một đời người. Còn Pháp thí giúp đỡ người ta trên phương diện tinh thần rộng rải hơn, từ người nghèo khó đến người giàu sang, từ người thấp hèn đến người có địa vị trong xã hội. Giá trị của Pháp thí không phải chỉ ảnh hưởng trong một giai đoạn, mà những lời Phật dạy giúp cho người ta chuyển đổi nhận thức, gieo nhân lành cho nhiều đời kiếp về sau.
3) Vô Uý thí: Vô Uý nghĩa là không sợ. Vô Úy thí là giúp cho người khác không sợ hãi. Sống ở đời con người ta phải đối đầu với vô số sự sợ hãi. Nào là sợ bị la mắng, sợ bị đánh đập, sợ bị người ta buồn giận, sợ thiếu ăn, thiếu mặc, sợ mất công danh, sợ mất việc làm, sợ tiêu tan sự nghiệp, sợ nghèo, sợ mất vợ, mất chồng, mất con, sợ già, sợ xấu, sợ đau ốm, sợ chết, sợ thời buổi loạn lạc sự sống không được bảo đảm, sợ sưu cao thuế nặng v.v… Con người sinh ra sống ở đời vốn đã khổ, lại càng khổ hơn vì có quá nhiều nỗi sợ. Vì thế, nếu hành giả giúp cho một người nào đó hết sợ, là đã cứu người ấy bớt đi quá nửa khổ đau trong đời sống rồi!
Với lòng từ bi, Đức Phật không nỡ thấy chúng sanh khổ vì sợ, nên đã đặt ra hạnh tu Vô Úy thí. Muốn thực hành pháp môn này, hành giả phải tự tu tập, luyện cho mình đức tính không sợ hãi. Thông thường chết là nỗi sợ kinh khủng nhất của đời người. Khi đã thấu hiểu chân lý đạo Phật, xem tất cả mọi thứ trên cõi đời này chỉ giả tạm. Có đó rồi mất đó. Tiền tài, danh vọng rồi cũng sẽ tan theo mây khói, ngay cả thân mạng cũng không giữ mãi được. Biết cái chết không chừa một ai, nên hành giả không còn sợ chết nữa. Với tâm lý này hành giả sẽ giữ được sự bình tĩnh trước mọi sự đổi thay hay bất trắc ở đời.
Người tu hạnh Bố Thí Vô Uý sẵn sàng nhảy vào lửa để cứu người sắp chết cháy, hoặc xông vào đám cướp để giải cứu người lương thiện, dám gõ cửa công để minh oan người vô tội hoặc khai thị cho người hấp hối giúp họ bình tĩnh, không sợ hãi, ra đi một cách thanh thản.
Nói chung, có nhiều cách bố thí, nhưng quan trọng là cái Tâm lúc bố thí như thế nào? Bố thí bằng Tâm Phàm phu lậu hoặc thì được phước hữu lậu. Bố thí trong cái Tâm bậc Thánh thì được phước vô lậu. Nhân quả về tâm linh trùng trùng duyên khởi, nên công đức vô lượng vô biên.
Tác dụng: Tu hạnh Bố thí giúp bào mòn cái Ngã, bớt ích kỷ, dẹp lòng tham sân si.
2) Giới Ba La Mật: Giới là giới luật Đức Phật thiết lập để giúp hành giả giữ gìn cho thân tâm luôn trong sạch. Nếu không giữ giới thì dễ tạo 3 nghiệp: Ý, Lời, Thân. Đối với người cư sĩ Đức Phật đòi hỏi phải giữ 5 giới, tu sĩ nam 250 giới, tu sĩ nữ 348 giới. Đây là giới Tướng. Trì giới Ba-La-Mật là giữ giới Thể. Thấp là trụ trong Tánh Giác. Cao là trụ trong Tâm Như. Trụ trong Tâm Như là giữ Giới Ba-La-Mật rốt ráo.
3) Nhẫn nhục Ba-La-Mật: Nhẫn “là nhịn, là chịu đựng tất cả những chướng ngại trong cuộc đời xảy đến cho mình“. Nhục “là điều sỉ nhục, xấu hổ làm tổn thương lòng tự ái của mình“. Nhẫn nhục Ba-La-Mật là chịu đựng, nhẫn nhục đến tột cùng không còn ai có thể nhẫn nhục hơn.
Thành phần của Nhẫn nhục Ba-La-Mật gồm:
1-3) Thân nhẫn: Là sự chịu đựng về phần thể xác nghĩa, là chịu đựng sự đánh đập, hành hạ của người khác mà không phàn nàn chống cự. Đối với nghịch cảnh mưa gió, nóng lạnh, đói khát, đau ốm không than van trách cứ.
2-3) Khẩu nhẫn: Thân đau đớn nhẫn chịu mà miệng không thốt ra những lời thoá mạ lại người đang chưỡi rủa mắng nhiếc hay đánh đập tàn nhẫn mình.
3-3) Ý nhẫn: Nhẫn nhục cả trong tâm, không căm hờn, oán hận, không nổi lên ý chống cự phản đối, những tư tưởng đen tối trả thù.
Trong ba nhẫn này, Ý nhẫn là khó nhất. Vì Thân có thể chịu cực hình không trốn chạy được, nhưng trong lúc đó miệng vẫn có thể lẩm bẩm cằn nhằn, nguyền rủa. Có khi Thân và Khẩu nhẫn được, nhưng trong Tâm ngấm ngầm phản đối nuôi ý chí phục thù.
Ở đây Nhẫn nhục Ba-La-Mật là chấp nhận bằng trí huệ, không than van, không đau khổ, phiền muộn. Nhẫn nhục là tình nguyện chịu đựng chớ không cố gắng, không dùng ý chí để chịu đựng. Nếu dùng ý chí đè nén sự tức giận, nhục nhã mà chịu đựng, thì đến một lúc nào đó chịu đựng hết nổi sẽ bùng lên phản kháng, chống trả.
Người tu hạnh nhẫn nhục nhắm đến mục đích nâng cao lòng từ bi hỷ xả, tập nhẫn nhục không sân hận, không trả thù. Trong kinh có ghi lại câu chuyện nêu gương nhẫn nhục của tôn giả Phú-Lâu-Na (Purna), là vị đại đệ tử nổi tiếng “đệ nhất về thuyết pháp” trong Giáo đoàn của Đức Phật. Câu chuyện kể rằng, khi Phật còn tại thế, một vị đệ tử của ngài là tôn giả Phú-Lâu-Na tình nguyện xin Phật được đi truyền đạo tại xứ Chronaparanta, mà người dân ở xứ này nổi tiếng rất hung dữ. Đức Phật hỏi tôn giả Phú-Lâu-Na:
– Ông đã phát nguyện đem đạo pháp của Ta đến truyền bá cho dân xứ ấy, nhưng nếu họ không nghe, lại còn mắng chửi thì ông nghĩ sao? Tôn giả trả lời:
– Bạch Thế Tôn, con nghĩ họ là người tốt, vì đã không dùng gậy đánh đập hay chọi đá vào con. Phật hỏi tiếp:
– Nếu họ chọi đá hay lấy gậy đánh ông thì ông nghĩ sao?
– Bạch Thế Tôn, con nghĩ họ vẫn còn lòng nhân, vì đã không chém giết hay đánh con đến chết. Phật lại hỏi:
– Nếu họ chém giết hoặc đánh chết ông thì ông nghĩ sao?
– Bạch Thế Tôn, con nghĩ họ là ân nhân của con, vì nhờ họ mà con thoát được thân đau khổ, bỏ được bọc thúi tha, từ biệt đời sống tạm bợ này. Đức Phật khen:
– Hay lắm! Ông nhẫn nhục được như vậy thì mới có thể qua xứ ấy truyền đạo được.
Tôn giả Phú-Lâu-Na qua xứ Chronaparanta truyền đạo không bao lâu, dân chúng xứ ấy đều quay về với Phật pháp không còn hung dữ nữa. Nhẫn nhục như ngài Phú-Lâu-Na mới thật đúng là “Nhẫn nhục Ba-La-Mật” nghĩa là thân nhẫn, khẩu nhẫn và tâm nhẫn.
Nhẫn nhục Ba-La-Mật là nhẫn mà không thấy mình nhẫn. Nghĩa là lúc đó người chịu Nhẫn Ba-La-Mật đang an trú trong Tánh Giác hay Tâm Như. Còn như cố gắng nhẫn nhục tức là đè nén chịu đựng tức là còn cái Ngã. Tổ Bồ Đề Đạt Ma cũng có phương tiện tu tập là “Báo Oán Hạnh” dạy hành giả nhẫn nhục chịu oan ức mà không đau khổ.
4) Tinh tấn Ba-La-Mật: Tinh là “tinh chuyên, tinh ròng, không xen tạp”. Tấn là “tiến mãi không dừng, không gián đoạn”. Tinh tấn theo nghĩa thông thường là “siêng năng, chuyên cần”. Theo Duy Thức Học, tinh tấn là một trong các “thiện pháp sở” không thuộc về phần tội ác. Cho nên những ai siêng năng làm những điều ác như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, rượu chè cờ bạc thì không phải là tinh tấn mà là phóng dật hay buông lung.
Trong các sự nghiệp ngoài đời hay trong đạo, bí quyết thành công là pháp tinh tấn. Tinh tấn như chất dầu xăng làm cho xe hơi chạy. Máy xe dù tốt, người lái xe dù giỏi, con đường dù bằng phẳng, mục đích dù gần, mà không có dầu xăng thì xe vẫn nằm yên một chỗ. Trong vấn đề tu hành cũng vậy, nếu không tinh tấn Ba-La-Mật, hành giả sẽ không bao giờ đạt được kinh nghiệm thoát khổ, giác ngộ, giải thoát.
5) Thiền Định Ba-La-Mật: Tu tập thiền Định an trú trong Tánh Nhận Thức Biết không lời tức an trú trong trạng thái Tâm Như.
6) Trí Huệ Ba-La-Mật: Trí huệ này là trí huệ trong đạo Phật chứ không phải trí huệ phổ thông ngoài đời. Trí dịch từ chữ Nana. Huệ là phiên âm của chữ Panna (Pàli) hay Prajna (Skt) là Bát Nhã. Trí là cái biết tục đế còn gọi là tục đế Bát Nhã. Cái biết này do học hỏi pháp Phật mà biết. Còn Huệ hay Trí Huệ Ba-La-Mật là Nhận thức biết siêu vượt thuộc Chân đế, không do học hỏi, mà do thiền Định phát sinh. Trong kinh có nhiều từ để chỉ trạng thái biết này là Trí huệ Bát Nhã, Trí huệ tâm linh, tiềm năng giác ngộ, Phật tánh v.v…
Công năng của Trí Huệ Ba-La-Mật ngoài việc dứt trừ phiền não, dẹp tan màn vô minh, mở cửa giác ngộ nhận ra thể tánh của hiện tượng thế gian trong đó có con người. Trí huệ tâm linh là sự hiểu biết vượt thế gian bao gồm: trực giác, siêu trực giác, tánh sáng tạo, tứ vô lượng tâm, biện tài vô ngại v.v.. và v.v… Trí huệ này phát triển đến vô lượng…
Trên con đường hoằng pháp hay hành Bồ-Tát đạo, ngoài việc tu tập 6 Ba-La-Mật, hành giả còn cần phải học hỏi phát huy 4 độ phụ thuộc. Đó là: 1) Phương tiện Ba-La-Mật (Ngũ Minh), 2) Nguyện Ba-La-Mật, 3) Lực Ba-La-Mật, 4) Trí Ba-La-Mật.
1) Phương tiện Ba-La-Mật: Muốn hoằng pháp lợi sanh, người hành đạo cần có những phương tiện hoằng pháp thích hợp với xã hội đương thời. Không có kiến thức và khả năng thích hợp với hoàn cảnh trong xã hội, thì đạo Phật sẽ khó đi vào lòng quần chúng. Phương tiện Ba-La-Mật hay Phương tiện thiện xảo là sự khéo léo toàn hảo trong lúc xử dụng các phương tiện giáo hoá. Có 5 phương tiện, trong kinh gọi là Ngũ Minh. Ngũ Minh là 5 kiến thức người hoằng pháp cần phải có. Đó là: Y phương minh; Công xảo minh, Nội minh, Nhân minh, Thanh minh.
a-1) Y phương minh: Là môn học về Y khoa, về bệnh lý trị liệu. Trong thời Đức Phật còn tại thế Y phương minh bao gồm những phương pháp và các thứ thuốc chữa những chứng bệnh ngoại khoa, thủ thuật, và các cách vệ sinh phòng ngừa bệnh ở trình độ sơ khai. Ngày nay, Y phương minh bao gồm tất cả các môn sinh vật học, sinh lý học, thể chất học, giải phẫu học, y dược học, tâm lý trị liệu v.v… Người hành đạo cần hiểu biết về thuốc men, dược thảo để khi cần có thể cho ý kiến, chỉ dẫn, giúp đỡ người bệnh, rồi sau đó mới mang Giáo pháp của Đức Phật ra hướng dẫn họ tu hành.
b-1) Công xảo minh: Môn học nghiên cứu sự phát triển các ngành nghề thủ công và công nghiệp tức là các kỷ xảo khéo léo tay chân, có cái nhìn mỹ thuật, chế ra hàng tư liệu tiêu dùng cần thiết cho mọi người. Thời đại ngày nay có kiến thức về giáo dục, địa ốc, xây cất nhà cửa, thuế má, bảo hiểm v.v… cũng là những phương tiện tốt hỗ trợ trong công tác hoằng pháp.
c-1) Nội minh: Muốn đem Giáo lý của Đức Thế Tôn đến cho mọi người, thì bản thân phải tự trau dồi kiến thức nội điển được ghi chép trong Tam tạng: Kinh, Luật, Luận. Ngoài ra còn phải trải nghiệm chứng ngộ pháp tu trên thân tâm của chính mình để làm tư lương cho cuộc đời hoằng pháp.
d) Thanh minh: Môn học không chỉ chú trọng về ngôn ngữ mà còn đề cập đến vai trò của văn học trong việc chú thích, trước tác, phiên dịch, giảng giải Kinh Luật Luận. Đặc biệt trong thời đại ngày nay việc trang bị cho mình những cổ ngữ Pàli, Sanskrit, Hán cổ còn thêm những sinh ngữ như tiếng Anh, Pháp, Hoa v.v… để hỗ trợ cho sự nghiệp truyền đạo. Đây là phương tiện cần thiết để xiển dương giáo nghĩa Phật đà trong thế giới Tây phương ngày nay.
g-1) Nhân minh: Là hiểu rõ, nắm vững chủ trương, phương pháp lập luận về đề tài mình bàn thảo, có những ví dụ chứng minh hợp lý (logic) về luận điểm mình nêu lên. Nói chung là có kiến thức luận lý học.
Tóm lại, muốn hoằng pháp trong thời đại mới. Hành giả cần phải y lời Phật dạy phát huy kiến thức Ngũ Minh. Nhờ sự hiểu biết về năm minh này hành giả mới có thể hoà mình giúp đỡ bá tánh. Và từ đó công việc truyền đạo Phật dễ được sự chấp nhận của quần chúng.
2) Nguyện Ba-La-Mật: Phát nguyện tự độ độ tha.
3) Lực Ba-La-Mật: Sức mạnh hoàn hảo về tinh thần.
4) Trí Ba-La-Mật: Hiểu biết thông suốt những điều bản thân học hỏi. Sự hoàn hảo của trí lực. Trí này chưa phải là Huệ Bát Nhã.
Tóm lại, tất cả đều đặt trên nền tảng Tâm Như thì đạt được Trí Huệ Kiện Toàn tức Trí Huệ Ba-La-Mật. Con đường tu tập từ Tâm Bậc Thánh (Tánh Giác) đi vào Tâm Như (Tánh Nhận Thức Biết không lời). Từ Tâm Như tu pháp Ba-La-Mật để đạt quả vị Phật.
THẬP ĐỘ BA-LA-MẬT
Thập độ Ba-La-Mật là 10 phương thức tu tập để đạt quả vị A-La-Hán. Mười Ba-La-Mật đó là: 1) Bố thí; 2) Trì giới; 3) Xuất gia; 4) Nhẫn nhục; 5) Tinh tấn; 6) Chân thật; 7) Quyết định; 8) Huệ; 9) Từ, 10) Xả.
Ngoài các Ba-La-Mật giống nhau với Bồ Tát đạo như: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Định, Trí Huệ. A-La-Hán đạo còn có các độ khác như: Xuất Gia Ba-La-Mật, Chân Thật Ba-La-Mật, Quyết Định Ba-La-Mật, Từ Ba-La-Mật và Xả Ba-La-Mật.
1) Xuất gia Ba-La-Mật: Xuất gia Ba-La-Mật không phải chỉ đơn giản là lìa xa gia đình “ly gia cắt ái” cạo đầu, mặc áo nâu sòng, gia nhập đoàn người sống khất thực không nhà không cửa, hay là khước từ cuộc sống lạc thú trần gian chọn đời sống tu sĩ. Xuất gia Ba-La-Mật là người nuôi chí hướng thoát trần, tu tập pháp Phật để đi đến thoát khổ, giác ngộ, giải thoát, lìa xa tam giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới). Người xuất gia Ba-La-Mật là người đã nhận thức rõ ràng những xa hoa vật chất chỉ là trò ảo huyễn, thú vui dục vọng chỉ thoáng qua trong chốc lát.
Tóm lại hành giả xuất gia Ba-La-Mật là người tự thắng mình, vượt qua mọi thử thách về tham dục tài, sắc, danh, thực, thuỳ … nên những thứ thanh danh, tài sắc, quyền lực vinh hiển cao quý thế gian không còn quyến rủ, hay nói cách khác những tham ái dục vọng thế gian đó không thể làm cho hành giả quên lối sống thanh đạm của một người tu.
2) Chân thật Ba-La-Mật: Sống chân thật trên mọi mặt. Chân thật với chính bản thân mình và chân thật với những người chung quanh. Đức Phật đã nói về sự chân thật của Ngài như sau: “Ta làm sao thì ta nói vậy. Ta nói sao ta làm vậy!”. Giữa lời nói, ý nghĩ và việc làm phải giống nhau.
Trong vấn đề tu tập cũng hết sức Chân thật với chính mình, vì Chân thật là pháp hỗ trợ sự sinh khởi mọi thiện pháp. Khi trong tâm khởi lên vọng tưởng hay khởi lên ác ý, ta phải thành thật nhận ra rằng ta đang khởi vọng tưởng hay khởi lên ác ý. Không thể nói ác ý là thiện ý được. Nhờ sự chân thành nhận ra điều đúng hay sai, mới tạo duyên cho việc thực hành chánh niệm tỉnh giác ngày một vững chắc.
3) Quyết định Ba-La-Mật: Khi đã quyết định việc gì thì tâm không lay chuyển. Đây là ý chí sắt đá, không gì thay đổi được. Như muốn tu Định, thì quyết định hành trì, không lơ lửng. Sự quyết định này, do trí huệ chủ động, nó chính là năng lực thúc đẩy ta tinh tấn thực hành quyết định đã đưa ra.
4) Từ Ba-La-Mật: Thương yêu đối xử hài hoà đối với tất cả mọi người không phân chia ranh giới. Tâm Từ phát huy ra “Bi” và “Hỷ“. Tâm Từ Ba-La-Mật liên hệ với Bố-Thí Ba-La-Mật. Có lòng thương người mới sẵn sàng Bố thí giúp đỡ.
10) Xã Ba-La-Mật: Cao thượng nhất, vì Xả là Chánh niệm tỉnh giác, là Tâm Như, là trạng thái Tâm thanh thản, rổng rang, hoàn toàn khách quan
KẾT LUẬN
Lý tưởng và mục đích của hệ Theravada và Phát Triển đều như nhau nghĩa là tu tập rốt ráo để đạt được giác ngộ giải thoát, chỉ khác nhau về chủ trương và lập trường. Theravada thì tin rằng quả vị cao nhất là A-La-Hán và chọn 10 phương thức Ba-La-Mật để tu tập, gọi là A-La-Hán đạo. Khi còn sống thì hoằng pháp độ sinh. Khi mất thì nhập Niết-Bàn không tái sanh nữa. Còn hệ Phát-Triển sau khi đạt được quả vị A-La-Hán tiếp tục tu hành theo 6 phương thức Ba-La-Mật, để đạt quả vị Phật, đồng thời những vị này phát nguyện đời đời thừa hành Bồ-Tát đạo, nghĩa là không nhập Niết-Bàn mà nguyện tái sanh giáo hoá chúng sanh.
Chúng ta là Phật tử, thiền sinh còn non trẻ trên con đường tâm linh, vì thế việc tu tập cũng khởi đầu từ mức thấp. Chúng ta tập hạnh Bố thí, tập giữ gìn năm giới đã thọ, tập tánh Nhẫn nhịn. Về Tinh tấn thì siêng làm việc lành tránh việc dữ, siêng học hỏi Giáo lý tức những lời dạy của Đức Phật. Nỗ lực toạ thiền giữ tâm ý trong sạch. Ban đầu kinh nghiệm Định có Tầm không Tứ, lên Định Không Tầm Không Tứ, Chánh Niệm Tỉnh Giác rồi mới tới Định Bất Động là Tâm Như. Còn Trí huệ đây là trí hiểu biết vượt thế gian do Định phát sanh, nhưng trước khi phát Huệ thì ít ra chúng ta cũng có tuệ tri về những Chân lý mà Đức Phật đã giảng dạy.
Tu tập theo tinh thần Lục độ sẽ cho những kết quả như sau: Bố thí để trừ lòng tham. Trì Giới để trừ ô nhiễm. Nhẫn nhục, nhường nhịn để trừ giận hờn, sân hận. Tinh tấn là sốt sắng để trừ lười biếng. Thiền Định là chuyên chú để trừ loạn tâm. Trí Huệ là sáng suốt để trừ si mê. Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục là tu Phước. Thiền Định, Trí Huệ là tu Huệ. Hành trì Lục độ tức là “Phước Huệ ” đồng tu.
Theo tinh thần Thập độ, tuy chúng ta không xuất gia nhưng vẫn có thể áp dụng trên con đường tu tập. Chẳng hạn như chúng ta sống Chân thật sẽ trừ được bệnh nói dối, không gây khẩu nghiệp, tăng niềm tin nơi những người xung quanh. Tu tánh quyết định giúp chúng ta nỗ lực phát huy tu tập không thay đổi lập trường. Phát huy Tâm Từ sẽ dẹp được lòng sân hận, ganh tỵ, chán ghét, ích kỷ. Tâm Xả là tâm định vững chắc. Đây là trạng thái Tâm thanh thản, rổng rang. Có thể xem tâm này tương đương với trạng thái Niết Bàn.
Tóm lại, con đường Ba-La-Mật là con đường tu tập của bậc Thánh, bậc A-La-Hán. Nhưng trước khi trở thành bậc Thánh, bậc A-La-Hán, thì các ngài cũng là người phàm phu như chúng ta. Với niềm tin vững chắc các ngài làm được thì chúng ta cũng sẽ làm được. Tin như thế, thì ngay bây giờ chúng ta bắt đầu dấn thân vào con đường tu học Phật pháp. Thật may mắn là chúng ta có Giáo lý và các phương thức thực hành là tài sản quý báu của Phật Tổ để lại. Tài sản này giúp chúng ta rút ngắn thời gian trong vấn đề trạch pháp, không tốn công sức mò mẫm như Đức Phật khi xưa phải trải qua bao nhiêu gian khổ mới tìm ra pháp hành chứng quả Vô Thượng.
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
28-11-2019
Nguồn : Source link
Hits: 45