Cùng Đi Chung Một Đoạn Đường


CÙNG ĐI CHUNG MỘT ĐOẠN ĐƯỜNG
Phạm Thanh Chương

 

 “tiễn đưa ngàn dặm rồi cũng phải chia tay”. (Tống quân thiên lý, chung hữu nhất biệt). Du Vũ Minh

Không ai có thể nói trước được chuyện gì sẽ xảy ra ở ngày mai, mặc dù ngày mai mặt trời vẫn lên, nắng vẫn lấp lánh trên cành lá và dòng sông vẫn lặng lẽ hiền hòa chảy quanh đồng cỏ như mọi ngày…

Thiền sư Ajahn Chah khuyên chúng ta rằng: “Rồi sẽ có một ngày bạn phải vào bệnh viện, bạn hãy tâm niệm rằng: lành bệnh thì tốt nếu không lành bệnh thì cũng tốt thôi, trường hợp xấu hơn, thầy thuốc nói bạn chỉ còn sống một thời gian ngắn nữa, bạn hãy bình tĩnh nhìn những người đang ở chung quanh bạn và nghĩ rằng: Dù mau hay chậm rồi họ cũng sẽ như mình. Được như vậy bạn sẽ thấy vơi bớt những lo âu đang nặng trĩu trong lòng”.

Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp những rủi ro và bất công nhưng cái chết luôn bình đẳng với mọi người, phải chăng đó là niềm an ủi trước khi rời bỏ người thân và cuộc đời… với những nỗi buồn trĩu nặng trên đôi vai?

Tác giả Du Vũ Minh nói về cuộc chia tay với người bạn thân thiết của ông rằng: “Sau cơn mưa hôm ấy, người bạn của tôi ngỏ lời từ giã, tôi đòi đưa bạn mình ra đến trạm chờ xe, bạn tôi nói, dù có đưa nhau ngàn dặm cuối cùng cũng phải chia tay, thế nào chăng nữa thì bạn chỉ có thể cùng tôi đi chung một đoạn đường. Vậy bạn đưa tôi ra khỏi cửa nhà cũng đủ rồi”.

Trước năm 1975, hồi tôi còn ở căn phòng nhỏ bề bộn trong thành Ô Ma, Saigon. Bạn tôi là Phạm Chu Sa thường đến chơi, và có lần nói với tôi rằng anh có một người bạn có một sở thích rất lạ lùng, cứ bốn giờ sáng là anh ấy thức dậy ra ngoài bến xe; anh chỉ ngồi đó với ly cà-phê bên quán cóc nhìn thiên hạ cho đến sáng trắng mới trở về. Anh ấy thích nhìn cảnh chia ly chăng? Hay anh bị ám ảnh một nỗi buồn nào đó từ trong sâu thẳm của tâm hồn?

Trước đây, Tế Hanh, một nhà thơ nổi danh từ thời tiền chiến cũng đã từng chìm đắm trong nỗi buồn như vậy: Những ngày nghỉ học tôi hay tới Đón chuyến tàu đi đến những ga Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt Lòng buồn đau xót nỗi chia xa.

Nỗi buồn cứ vướng theo từng bước chân của người ở lại : Kẻ về không nói bước vương vương Thương nhớ lan xa mấy dặm trường…

Âu cũng là sở thích của mỗi người, nhưng đó là những cuộc chia tay nhẹ nhàng để rồi có ngày còn gặp lại. Nhưng có những cuộc chia tay để rồi cách biệt không còn bao giờ gặp nữa. Lúc thấm đẫm nỗi buồn mất mát khi đã xa cách ngàn trùng người ta mới cảm nhận sự quý hóa của từng ngày được sống gần nhau:

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy Ta được thêm ngày nữa để yêu thương. (Kahil Gibran, Nguyễn Nhật Ánh dịch)

Vũ trụ, vạn vật cũng phải theo qui luật của “hợp tan, sinh diệt” không thể khác và cũng không thể thay đổi. Trăng tròn để rồi khuyết Hoa nở để rồi tàn Bèo hợp để rồi tan Người gần để rồi ly biệt.

Đó gần như lẽ tự nhiên trong đời sống của mọi sinh vật hữu tình. Hơn thua, thành bại, được mất vốn rất mong manh. Có đó rồi không đó. Không có gì chắc chắn, trường cửu.

Trần gian thì mênh mông, thời gian thì không cùng nhưng vẫn có những ràng buộc trong một khuôn khổ vô cùng tinh tế và ảo diệu, đó là luật nhân quả. Nếu chúng ta ý thức được điều nầy thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn và đem lại những điều tốt đẹp cho tha nhân.

Rồi một ngày, bất chợt ta nhận ra rằng mắt ta bắt đầu đã mờ, răng ta bắt đầu đã long, tóc trên đầu ta bắt đầu chớm bạc, hai bên khóe mắt ta bắt đầu xuất hiện những nếp nhăn… ta bắt đầu bước vào tuổi già. Cuộc đời bắt đầu chuyển qua một giai đoạn khác.

Chúng ta không thể tránh khỏi cái chết, không thể tránh khỏi việc sanh ly tử biệt, cái chết là một điều chắc chắn. “… Nơi ta có thể sống để tránh khỏi cái chết quả là không có, nơi đó chẳng có trong không gian, dưới đại dương. Nơi đó cũng chẳng có trong lòng một quả núi”. (Lời Phật dạy trong kinh Pháp cú)

Tất cả mọi sinh vật có sự sống, kể cả cây cỏ trong thế gian này, không một sinh linh nào có thể sống mãi mà không chết.

Hành trang duy nhất ta mang theo khi lìa bỏ cõi trần là nghiệp. Cái mà ta đã gieo cấy, tạo ra trong suốt quãng đời đã sống.

Tùy theo nghiệp lành hay dữ, ta sẽ được dẫn dắt sang một đời sống khác tốt đẹp hơn hay khắc nghiệt hơn. “Chư Phật không tẩy sạch những hành vi độc ác, xấu xa cũng không xóa hết những khổ đau do chúng ta tạo nên, cũng không hoán chuyển được khổ đau của ta sang kẻ khác”.

Không có nơi nào thực sự an lạc cho con người nếu nơi đó không có sự chân thực, thiện lành và từ bi hỷ xả.

Trong đời sống của một kiếp người, niềm vui, hạnh phúc, viên mãn thường rất ít ỏi, hiếm hoi nhưng nỗi thống khổ, đau buồn, bất hạnh thì lúc nào cũng có, nơi nào cũng có, ở đâu cũng có. “… Kiếp sống nầy sẽ bị xóa đi rất nhanh, giống như ta dùng một cành cây để viết chữ trên mặt nước vậy”.

 Tác giả Jean D’Ormesson, viết một đoạn ngắn về “Chuyến tàu cuộc đời” (Le train de la vie); ông nói: Cuộc hành trình đầy niềm vui lẫn nỗi buồn, hội ngộ rồi chia ly. Ta chẳng biết rồi ta sẽ xuống ở ga nào? Thôi thì hãy sống vui, yêu thươngtha thứ, điều quan trọng là chúng ta phải để lại những kỷ niệm đẹp cho những người còn tiếp tục chuyến đi. Và cuối cùng xin cảm ơn bạn là người hành khách đã cùng với tôi chung một chuyến tàu.

Trong cuộc hành trình trên “chuyến tầu cuộc đời” dù phải xuống bất cứ ga nào, tôi cầu mong khi rời bỏ trần gian này chúng ta sẽ bước lên một chuyến tầu khác êm ái hơn, thân thiện hơn, sẽ đưa chúng ta về một nơi chốn bình yên đầy cỏ hoa và nắng ấm

Phạm Thanh Chương

 



Nguồn : Source link

Hits: 33

Trả lời