Pháp Âm đồng vọng.
Tôi ngồi đây lắng nghe quý thầy cô tụng bài kinh Bát Nhã thật hay. Ví như ngài Huyền Trang ngày xưa tuyển dịch nhiều bài Tâm kinh như thế này để đại chúng tụng thì mình chỉ cần ngồi nghe thôi đã đủ hạnh phúc rồi. Đôi khi, sự truyền đạt của pháp không cần đến ngôn ngữ. Chúng ta lắng nghe một bài kinh, lắng nghe không gian của núi rừng tĩnh lặng, tiếng chim hót ngoài vườn cây cũng đủ làm tâm thức ta lắng dịu.
Có một câu chuyện thiền rất hay để chứng minh điều vừa kể trên. Trong thời nhà Đường, Phật giáo ở Trung Hoa rất thịnh. Vua Đuờng Hiến Tông rất thích ăn sò biển. Hình dung rằng từ miền Đông, người ta bắt những con sò rất to và phải vượt ngàn dặm đường dài đem đến kinh đô lúc bấy giờ đang nằm ở Lạc Dương, không phải ở Bắc kinh như bây giờ, và cũng chẳng có phi cơ để đi cho nhanh. Những con ngựa cứ thay phiên nhau chạy từ bờ biển Đông cho đến kinh đô nhà Đường để dâng những con sò sống cho nhà vua. Mỗi một ngày, buổi ngự thiện tức buổi ăn sáng của nhà vua đều có những con sò như vậy.
Một hôm, người dân biển bắt được một con sò vô cùng đẹp, ngũ sắc lóng lánh như năm sắc cầu vồng. Người ta nghĩ rằng đây là con sò ngon nhất nên liền nấu để dâng lên cho Hoàng đế ăn buổi sáng. Thế nhưng có một điều kỳ lạ vì luộc từ sáng đến trưa mà con sò vẫn không chín. Thông thường, loại sò khi gặp nước sôi đều mở miệng ra. Nhưng luộc một buổi, miệng sò vẫn khép kín. Nhà bếp hoảng loạn và không biết làm sao. Họ liền đem dâng lên Hoàng đế và trình bày sự việc rất ư lạ lùng này. Vua cũng ngẩn ngơ, không giải quyết được nên liền mời vị Thiền sư vốn là Quốc sư của triều đình để tham vấn việc này. Vai trò của một Quốc sư là cố vấn về tâm linh, về những hiện tượng kỳ lạ cho nên những việc gì không giải quyết được đều mời ông đến.
Khi nghe chuyện, vị Quốc sư nói rằng ông ta có thể làm cho con sò mở miệng ra cho nhà vua thấy. Ta thử nghĩ xem ông ta làm như thế nào để cho con sò mở miệng? Đập thì không được vì lòng từ bi, bỏ vào nồi luộc thì cũng đã nấu nửa ngày rồi mà nó vẫn khép miệng. Điều kỳ lạ nơi đây là vị quốc sư chỉ cần cầm ba nén hương khấn cầu hộ pháp thiện thần và thần lực Tam bảo rũ lòng từ, thể hiện pháp âm cho hoàng đế giác ngộ. Khi thiền sư khấn xong thì con sò tự mở vỏ ra. Bên trong không phải là thịt sò bình thường mà là tượng của Bồ Tát Quan Thế Âm hiển hiện trong vỏ sò. Người Tàu thường làm hình vỏ sò với tượng Quan Thế Âm hiện bên trong là lấy từ câu chuyện đó. Vua Đường Hiến Tông rất kinh ngạc và hỏi vị thiền sư:
– Vì lý do gì mà thịt sò lại hiện hình Quan Ầm?
Vị thiền sư đáp:
– Bệ hạ không thấy trong Kinh Phổ Môn dạy: Bồ Tát Quan Âm ưng hiện cư sĩ thân thì hiện cư sĩ thân, ưng hiện tỳ kheo thân thì hiện tỳ kheo thân, hiện thiên long bát bộ, hiện đồng nam hiện đồng nữ, hiện các loại chúng sinh, hiện cỏ hiện cây. Bệ hạ là người có tâm lành hướng về Tam bảo nhưng nghiệp của bệ hạ lại thích ăn sò. Hôm nay, Bồ Tát muốn cho bệ hạ biết rằng bệ hạ đã gieo nghiệp sát sanh rất nặng cho nên ngài đã hiện thân làm một con sò để khuyến cáo, làm cho bệ hạ ý thức rằng sinh mạng của một loài chúng sinh vô cùng đáng quý và để cho bệ hạ chấm dứt chuyện ăn thịt chúng sinh.
Nhà vua gật đầu và nói:
– Ngài dẫn kinh thì ta tạm tin vì trong Kinh Phổ Môn có một đoạn như vậy. Thế nhưng nói rằng Bồ Tát hiện muôn vàn ức thân để giáo hóa thì ta không tin vì có nói lời nào đâu mà giáo hóa ta.
Khi nghe câu hỏi được đặt ra, vị thiền sư liền đáp:
– Thưa bệ hạ! Có phải khi bệ hạ nhìn thấy vỏ sò màu sắc lóng lánh thì kinh ngạc, có phải khi bệ hạ nhìn thấy vỏ sò mở, tượng Quan Âm hiện ra thì cũng kinh ngạc? Thế rồi bệ hạ có hiểu đây là hình tượng Quan Âm không?
Vua trả lời:
– Ta hiểu.
– Con sò có nói cho bệ hạ biết đây là hình tượng Quan Âm không?
– Không cần phải nói! Ta thấy thì liền biết ngay.
Vị thiền sư nhìn nhà vua và mỉm cười:
– Thế thì pháp âm đang chuyển để làm cho tâm thức bệ hạ thay đổi. Bệ hạ hãy lắng nghe đi. Pháp âm không phải đi vào tai mà còn đi vào mắt nữa. Không phải từ tiếng nói mà vô thinh cũng là pháp âm.
Từ câu chuyện trên, ta trở lại việc tụng kinh. Nếu như ta lắng nghe một bài kinh Bát nhã bằng một trạng thái tâm yên bình tĩnh lặng thì có lẽ không cần nghe thêm một lời pháp thoại nào khác vì nó sẽ dư. Như thế thôi cũng xứng đáng cho một khóa tu rồi.
Trong những ngày tu, nếu ta thật sự hiện hữu thì có thể tiếp xúc được với sự im vắng của núi rừng. Và ta cũng có thể tiếp xúc được với các thầy cô nơi đây khi thấy họ đi tới đi lui bằng phong cách an nhiên tĩnh tại, vì năng lượng lành đó cũng đủ đi vào tâm thức ta để lòng ta bình yên và lắng lại. Đây là một loại pháp âm mà các thầy cô cống hiến cho ta. Thậm chí trong thiền đường này, các thiền sinh chỉ cần ngồi bình yên tĩnh lặng thì cũng đã là một bài pháp đi vào tâm thức chúng ta rất dễ. Đó là điều cụ thể thứ nhất.
Kỳ thực, tâm thức chung của thiền sinh khi dự khóa tu cứ nghĩ rằng thời pháp thoại là thời tu học chính nhưng thật sự không phải như vậy. Đặt chân lên tu viện, từ ngoài cổng bước vào là chúng ta đã bắt đầu sinh hoạt, bắt đầu hành trì công phu thiền tập rồi. Chứ không phải chờ nghe bài pháp hay được dạy điều gì thì mới là thời khóa chính. Có khi không cần như vậy. Sự mong đợi nơi bài pháp thoại dường như là một việc rất ư là tự nhiên nơi tâm thức của cộng đồng Phật tử Việt. Trái lại, với thiền sinh Tây phương thì họ không có nhu cầu như chúng ta. Khi đến tu viện, những giờ có mặt là những giờ thực tập chứ không phải đợi đến giờ tọa thiền, nghe pháp, tụng kinh, v.v.. mới thực tập.
Cho nên, điều thứ nhất xin gợi ý nơi đây rằng trong một khóa tu, nếu chúng ta có thể tiếp xúc được với điều này thì nguyên một khóa tu sẽ nuôi dưỡng chúng ta rất nhiều. Bằng không thì chừng như chúng ta mất mấy ngày mà lợi ích không thật sự thấm vào trái tim của mình. Quí thiền sinh hãy hiểu rằng nếu mình biết nghe pháp thì pháp âm đồng vọng giữa đất trời, pháp âm có mặt trong cỏ cây, pháp âm cũng có mặt nơi đời sống và nơi cách tiếp xử của các thầy các sư cô có mặt nơi đây. Đây là điều đẹp đẽ đầu tiên mà mỗi khóa tu, ta có thể tự nuôi dưỡng được mình.
Ý nghĩa thâm sâu của dòng tu Tiếp Hiện.
Điều thứ hai là ngày hôm qua có buổi lễ truyền giới Tiếp hiện. Đa phần ở đây có một số các vị thiền sinh đã thọ giới Tiếp hiện. Tiếc rằng thì giờ hôm qua không có đủ để Sư Cô Chân Không và Thầy Pháp Đăng chia sẻ ít nhiều về nội dung của giới Tiếp hiện. Mình chỉ nghe Sư Cô Chân Không nói vài điều thôi. Tuy nhiên, mình xin đóng góp một vài ý kiến. Dĩ nhiên, sẽ có cơ hội các vị tham vấn với Sư Cô Chân Không để biết thêm ý nghĩa và bề dày lịch sử của dòng tu Tiếp hiện.
Thật sự, mọi việc không phải đơn giản có mặt một cách dễ dàng như chúng ta thấy. Đa phần đối với những thiền sinh mới đến với Sư Ông, họ thấy rằng để thọ 14 giới và khoác áo Tiếp Hiện của dòng tu thì việc này quá ư là giản dị. Các vị không biết là trong quá khứ, dòng tu Tiếp hiện đã được bắt đầu từ thập niên 1960. Những vị trưởng lão bây giờ tức là những vị có thâm niên hạ lạp về dòng tu Tiếp Hiện dường như còn lại rất ít. Một trong những loài chim quý còn sót cần bảo vệ là Sư Cô Chân Không hiện tại. Mình nhớ có nghe Sư Ông kể lại rằng: trong một khóa tu ở châu Âu xa xưa, Tăng đoàn còn nhỏ, không ai mang theo văn bản giới Tiếp Hiện. Thế rồi, Sư Cô phải đánh máy lại. Và từ đâu mà Sư Cô có để đánh máy và in ra? Từ ngay trong lòng mà ra. Hóa ra, Sư cô đã thuộc từng chữ của 14 giới Tiếp hiện rất chính xác như được bảo lưu cẩn mật nơi kho tàng tâm thức.
Mình gợi ý điều này để thấy rằng văn bản giới không phải chỉ để cho chúng ta tụng đọc suông vào mỗi nửa tháng, mà đúng ra chúng ta nên học thuộc lòng. Từng lời, từng lời là một sự thành tựu được tuyển dụng, được tuôn chảy ra từ nguồn tuệ giác của một vị thầy đã thấm nhuần hai dòng văn học Nam tạng và Bắc tạng. Ví dụ, khi đọc vào những câu trong Kinh Kalama thuộc Tăng Chi Bộ Kinh, đức Thế Tôn dạy rằng: “Đừng vì lời nói ấy được những vị thầy chúng ta cung kính nói mà các vị tin. Đừng vì những lời nói ấy có mặt từ kinh sách cổ bốn năm nghìn năm mà chúng ta tin. Đừng vì lời nói ấy là lời được nhiều người truyền tụng mà chúng ta tin”. Tức là gồm có 12 câu với nội dung như vậy.
Thế rồi khi đọc vào giới thứ nhất của giới Tiếp hiện, Sư Ông bảo rằng: “Ý thức được những sự cuồng tín do cố chấp về chân lý đã làm khổ con người cho nên đối với một người Tiếp Hiện, việc đầu tiên là không được chấp chặt vào ý thức hệ cho dù đó là ý thức hệ đạo Phật”. Ngay giới đầu đã chứng minh đây là một văn bản được kết tinh từ tuệ giác của một bậc thầy dung hội được hai văn học A hàm (tức là văn học Nikaya) và văn học Phật giáo Đại thừa để hình thành được 14 giới cống hiến cho chúng ta. Thế nên không chỉ những thiền sinh Tiếp Hiện, mà những người Phật tử thọ 5 giới cũng nên học thuộc lòng văn bản này, vì từng lời từng lời mang hạnh nguyện vị tha của Bồ Tát, vận dụng trí tuệ và từ bi nhằm mang chánh pháp vào đời để làm định chuẩn cho đời sống tu học. Đây là nét thứ nhất.
Nét thứ hai. Chúng ta nên biết một chút về lịch sử của truyền thống Tiếp hiện. Vào những năm chiến tranh nghiệt ngã trên quê hương Việt nam, trường Thanh niên Phụng sự Xã hội ra đời như một mái ấm nuôi dưỡng những người thanh niên trẻ có lý tưởng phụng sự. Họ theo Sư Ông thọ giới Tiếp hiện làm tác viên của trường, mang trái tim yêu thương nóng hổi đi vào đời, mong rằng cứu vớt ít nhiều nỗi khổ niềm đau của con người, hàn vá lại vết thương do chiến cuộc tàn khốc gây nên. Các anh chị đầu tiên của dòng tu Tiếp Hiện đã hy sinh rất nhiều vì ba bên bốn phía người ta đều nghi ngờ, đối kháng thù nghịch và không mấy có thiện cảm với công trình hành đạo của Sư Ông, tức là công trình mang đạo vào đời. Những người giống như chị Nhất Chi Mai, như chị Phương Liên, chị Vui…đã nằm xuống vì vô minh, thù ghét và tàn độc của con người trút vào. Chị Nhất Chi Mai tự thiêu vì hòa bình, chị Phương Liên và chị Vui bị trúng lựu đạn ở chùa Pháp Vân. Thế nên trải trên con đường đi tới của dòng tu Tiếp Hiện, máu của nhiều tác viên trong quá khứ đã đổ xuống để xây dựng nền cho thế hệ chúng ta bước lên và hành Bồ tát đạo.
Tất nhiên, trong đây có rất nhiều vấn đề nhạy cảm vì nó đụng chạm và gây tổn thương uy tín cho bao vị Thầy hiện còn hoặc đã mất. Thậm chí Sư Ông hay Sư Cô Chân Không vì thương đạo nên đã chôn nó vào dĩ vãng và không hề nhắc lại. Nhưng chúng ta biết rằng dòng tu Tiếp Hiện duy trì được cho đến hôm nay, nó đã đi ngang qua chiều dài lịch sử vô cùng khó khăn của bao biến cố lịch sử đất nước, bao ganh tị thù ghét của con người.
Hiện tại, với người Phật tử Việt Nam thì sự có mặt của dòng tu Tiếp hiện không gây nhiều ấn tượng, họ dường như rất hững hờ. Nhưng đối với các thiền sinh Tây phương thọ 5 giới, thọ Tiếp hiện là một bước chuyển biến vô cùng to lớn trong công trình tu tập và phụng sự tha nhân, nên họ hết sức tự hào và rất mực nghiêm túc.
Kỳ thực, truy nguyên sâu xa thì dòng tu Tiếp hiện đã được ươm mầm từ rất sớm, bóng dáng của nó đã có trong quyển “Tình người” và biểu hiện đậm nét trong các quyển “Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời”, “Đạo Phật Hiện Đại Hóa”, “Đạo Phật Và Hướng Đi Nhân Bản Đích Thực”,… . Sư ông viết những quyển sách nầy vào đầu thập kỷ năm 60. Trong ấy, Sư ông đã phân ra hai dòng tu cho Đạo Phật Việt nam: dòng tu Tiếp hiện và dòng tu Thể nhập. Hai dòng tu nầy hình thành một Đạo Phật Việt nam tráng kiện, sức sống bừng bừng, nội lực thâm sâu để tồn tại và thực sự hữu ích cho cuộc sống con người trong hiện tại và tương lai. Ngay danh từ Tiếp hiện thôi cũng đã nói được nội hàm đa tầng chứ không phải đơn giản là một tổ chức hình thức sinh hoạt như chúng ta thấy. Xin giải thích vài điều để nhận ra rằng danh từ Tiếp Hiện có chiều sâu uẩn áo. Ở mức độ thông thường, chúng ta hiểu rằng vai trò của người Tiếp Hiện mang hình thái một gạch nối giữa chư Tăng và người Phật tử cư sĩ, hoặc các thành phần khác của xã hội. Họ có trách nhiệm mang đạo vào đời, hay nói một cách khác là ứng dụng đạo Phật vào nhân gian để làm cho cuộc đời bớt khổ, và làm đẹp cuộc đời. Thế nhưng điều này là một ý nghĩa rất cạn ở bình diện thông thường thôi.
Ý nghĩa thứ hai là thừa tiếp bản hoài của chư Bồ tát trong quá khứ, biểu hiện hạnh trí tuệ và từ bi trong nhân gian. Tầng nghĩa thứ ba sâu xa hơn là thừa tiếp và biểu hiện được bản chất Phật nơi chính chúng ta. Tức là sống được với năng lực vô sinh- hay sống được với năng lực tuệ tri tự hữu- an trú trong ấy để hành xử giữa nhân gian và vận hành bánh xe chánh pháp của Như lai cống hiến “đạo đức vô hành”(chữ dùng của Sư Ông trong quyển “Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời”) cho trần thế. Thế thì, nghĩa đích thực củaTiếp Hiện rất sâu xa. Đó là ta thừa tiếp năng lực Phật hay nói một cách khác, ta mang trong tự thân ta phẩm tính giác ngộ, phẩm tính Bồ đề và ta có quyền biểu hiện nó ra trong cuộc đời. Biểu hiện nó ra trong đời sống của ta, biểu hiện ra trên con đường làm đạo để giúp người cùng có khả năng đạt được giác ngộ như mình thì gọi đó là Tiếp Hiện.
Dĩ nhiên, trong vai trò Tiếp hiện thôi việc phải làm là thừa tiếp bản nguyện của các vị đại sĩ như Quan Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền làm công việc lợi sinh. Và điều vô cùng cần thiết phải thành tựu là chúng ta nương vào bản thể giác ngộ nơi chính tự tâm mình hoàn thiện được sự nghiệp giác ngộ cho chính mình và cho người.
Liên hệ giữa giới Bồ tát và giới Tiếp hiện.
Điều kế tiếp, tôi xin liên hệ một chút về Bồ Tát giới đối với dòng tu Tiếp Hiện để cho quý vị thấy được vai trò của chúng ta rất lớn. Tôi vừa nghe Sư Cô Chân Không khuyến khích những người Tiếp Hiện nên có một chương trình ăn chay. Dĩ nhiên, điều nầy phải xảy ra đối với các vị trong dòng tu Tiếp hiện. Tôi mới đọc một thông tin về việc Indonesia vừa bắt một con tàu của người Trung quốc chở vi cá. Họ đã cắt 70,000 vi cá trên những con cá mập trắng chỉ để cung cấp cho giai cấp giàu có thượng lưu ăn uống, hầu tăng cường sức mạnh tình dục theo sự bịa đặt của khẩu truyền . Dường như đây là một loại thức ăn mà người Trung hoa rất thích. Ta hình dung sự ác độc của con người đối với tình trạng sát sinh vô tội vạ đưa đến sự hủy hoại không những môi trường sống của chính mình mà còn nguy hiểm vì mất nhân tính, mất đạo đức của một xã hội.
Dòng tu Tiếp Hiện là một dòng tu mang chánh pháp của Phật cống hiến vào đời, là biểu hiện hạnh nguyện bi trí cứu khổ vạn loại của các vị Bồ tát, là gạch nối để cho công trình làm đạo của chư tăng có thể phổ biến vào nhân gian. Do vậy, trách nhiệm và vai trò của người Tiếp Hiện lớn hơn nhiều so với tầm tư duy ù lì lâu nay chúng ta có. Hành tinh này đang run sợ về chuyện bạo động, cuồng tín, khủng bố, giết người. Con người càng lúc càng mất đi nhân tính, càng khiếp đảm về sự cuồng tín của một tôn giáo chứ không phải vì các ý thức hệ chính trị.
Duy nhất chỉ có đạo Phật là một tôn giáo không bắt chúng ta cuồng tín đối với đức Phật, không bắt chúng ta cuồng tín với niềm tin chúng ta đang theo. Nền tảng đạo Phật là trí tuệ từ bi. Cho nên vai trò của những người làm công tác mang đạo vào đời rất quan trọng. Chúng ta có thể làm cho chánh pháp Đức Thế Tôn lây lan vào nhân gian. Một người có năng lực tu thật sự sẽ gầy dựng được một cộng đồng tu. Một cộng đồng tu có thể gầy dựng nên rất nhiều cộng đồng tu. Thế thì sự có mặt của dòng tu Tiếp hiện không phải là chúng ta lan rộng bằng cấp số cộng mà lan rộng bằng cấp số nhân mới mong vực dậy được hành tinh, mới mong cứu vãn được tình trạng con người càng ngày càng lâm vào nỗi bàng hoàng, lo lắng, hoảng loạn và bất an. Đó là điều tôi gợi ý để thấy rằng việc này rất quan trọng trong đường hướng của ta, trong công trình của chúng ta đang đi tới.
Theo truyền thống đạo Phật trong quá khứ từ Trung Hoa đến Việt Nam, người cư sĩ Phật tử hoặc các tăng ni thọ Sa di, thọ Tỳ kheo thông thường đều thọ thêm Bồ Tát giới. Trong lễ truyền giới hôm qua, quý Thầy chia sẻ rằng 14 giới Tiếp hiện được chế tác từ nền tảng tinh thần Bồ Tát giới để đáp ứng công trình hành đạo trên vùng đất Tây phương; nhất là mang văn phong mới mẽ, sáng sủa mà nội hàm sâu sắc chuyên chở được tinh hoa của Phật giáo Đại thừa.Tôi sẽ giải thích Bồ Tát giới để đối chiếu lại với công trình tu tập và hành đạo của chúng ta để các vị thấy có sự tương đồng.
Bồ Tát giới cổ gồm có 10 giới trọng và 48 giới khinh và được tôn phụng trong các quốc gia Đại thừa Phật giáo như Trung hoa, Nhật bản, Triều tiên và Việt nam. Những giới này vốn không phải là pháp chế do Như lai và Tăng đoàn thiết định, mà được sinh ra từ sự phát triển của dòng chảy đạo Phật sau khi Thế tôn niết bàn. Vào đầu thế kỷ thứ năm (401- 412) trên đất Hoa, ngài Cưu Ma La Thập dịch văn bản Bồ tát Giới kinh mở đầu cho công trình truyền và thọ Bồ tát giới. Nhưng phải đợi đến năm 519, lúc Hoàng đế triều Lương là Vỏ đế huy động thần dân thọ giới thì nó mới thành một dòng chảy mạnh như hiện tại. Tuy nhiên, nếu gói gọn lại nội dung Bồ tát giới, chúng ta chỉ cần bàn đến hai phần là đủ bao hàm tất cả. Một là Tam tụ tịnh giới, hai là Tứ hoằng thệ nguyện.
Tam tụ tịnh giới gồm:
Gìn giữ luật nghi
Tu tập thiện pháp
Cứu độ chúng sinh
Tứ hoằng thệ nguyện gồm:
Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành
Vô biên chúng sinh thề nguyện độ hết, không chừa một chúng sinh nào. Đó là nguyện thứ nhất của vị Bồ Tát. Nguyện thứ hai – phiền não bời bời tràn ngập thế gian này, khổ đau, ưu tư, sầu muộn, bất an trong con, trong thế gian này, con xin nguyện đoạn sạch. Nguyện thứ ba – vô lượng pháp môn của mười phương ba đời chư Như Lai, của các vị đạo sư, của các bậc thầy, con nguyện học hỏi, thọ trì. Cuối cùng, quả chánh giác cao vời, thể Niết bàn tịch tĩnh, con nguyện thành tựu. Đây là bốn đại nguyện của những vị Bồ Tát.
Thế rồi, chúng ta có thể giản lược bốn câu này thành vài chữ thôi. Vài chữ gì? Trí tuệ và từ bi. Nếu nói thật gọn thì chỉ còn hai chữ: Trí và Bi. Trong mọi khóa tu Sư Ông tổ chức, đầu tiên là niệm Quan Âm và cuối cùng là tụng Bát nhã. Thật vậy, trong một pháp hành trì dù là rất giản dị như nghi thức tụng niệm cũng có Bi và Trí. Nếu ta đọc hết 14 giới thì nền của nó là Bi và Trí. Và nếu ta đi vào pháp hành Lục độ Ba La Mật của Bồ tát thì cũng có Bi và Trí chứ không có gì khác cả.
Sáng hôm nay, trước lúc pháp thoại, có một người Phật tử hỏi tôi: “Lục độ Ba La Mật có thể chứng được quả Phật không?”. Tôi trả lời rằng: “Nền tảng để chở năm độ kia là trí tuệ Ba La Mật. Nếu bố thí mà không có trí tuệ thì ta chỉ được phước sinh thiên thôi. Nhưng nếu có nền của trí tuệ phía dưới thì phước lành không phải để sinh thiên mà phước lành này xây nền rất căn bản thành tựu được thánh quả, chứng nghiệm Niết bàn”.
Khi đọc 14 giới Tiếp Hiện của Sư Ông viết thì ta đều thấy giới nào cũng có Bi và Trí bên trong cả. Tôi trở lại giải thích phần này để chúng ta có thể ứng dụng trong sự tu tập. Bằng không chúng ta cứ nói chữ nghĩa mà thôi.
Câu đầu là “chúng sinh vô biên thệ nguyện độ”. Thậm chí, ta niệm danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng thì ngài có một câu là địa ngục chưa hết chúng sinh thì ngài nguyện không thành Phật. Bao giờ tất cả chúng sinh chứng quả Bồ đề thì ngài mới thành tựu quả vị Phật. Do vậy, cho nên người ta cứ nghĩ rằng mình cứ làm tội đi rồi có rớt xuống địa ngục thì cũng còn ngài Địa Tạng đang chờ ở đó để lôi mình lên. Ngài đang đứng dưới tầng 18 đợi ta cho nên cứ mặc kệ, tu không nên thân rớt xuống cũng có ngài Địa Tạng mà lo chi.
Nhưng ta đừng nghĩ như vậy vì rất sai lầm. Tại sao? Không có một vị Phật hay Bồ tát nào không có bản nguyện như vậy. Thế nhưng mà ngài đã thành Phật chưa? Đã chứng chánh giác từ xưa. Thế thì ngài dạy chúng ta điều này là ngài dạy thật hay là dạy dối? Chúng sinh như mình còn nheo nhóc, còn khổ đau nơi đây mà ngài đã thành Phật rồi. Thế thì đâu có đúng! Nếu ta hiểu một cách đơn giản như vậy thì oan uổng cho Ngài và thua thiệt cho ta. Nên hiểu rằng có hai loại chúng sinh chứ không phải một. Một loại là chúng sinh bên ngoài như con sâu cái kiến, loài động vật thấp hèn, loài động vật cao cấp cho đến loài người, cao hơn loài người là chư thiên, cao hơn chư thiên thì có nhiều vị trong cảnh giới vô sắc. Tuy nhiên, các vị Thiên vẫn còn trong sinh diệt.
Nhưng nếu chúng ta phải độ hết tất cả chúng sinh bên ngoài rồi mới thành Phật thì đời nào chúng ta mới thành Phật đây? Thậm chí, trong Kinh Kim Cang có câu:. Hãy độ tất cả chúng sinh vào vô dư Niết bàn thì Bồ Tát mới chứng được quả tịch diệt. Thế thì đời nào mà chúng ta có thể độ hết tất cả chúng sinh vào vô dư Niết bàn?
Kỳ thực, không những có chúng sinh bên ngoài mà ta còn có chúng sinh bên trong của chính mình. Thế nào là chúng sinh bên trong? Ở mức độ cạn, nơi hình hài năm uẩn của chúng ta là tập hợp bao nhiêu chúng sinh. Thử nhìn vào ruột mình để thấy vô lượng chúng sinh đang sống lúc nhúc trong đó. Thế rồi từng chúng sinh là từng tế bào của chúng ta. Mỗi tế bào có một đời sống. Não có phần đời sống của nó. Tim gan có phần đời sống của nó, v.v… . Tức là toàn bộ hình hài này là một tập thể chúng sinh như một quốc độ. Cho nên độ chúng sinh ở mức độ cạn nhất là độ hình hài này.
Độ bằng cách nào? Mọi sinh vật giữa trần đời từ con người cho đến chư thiên, cho đến các bậc thánh đều nhờ thức ăn để sống còn. Thức ăn được chia làm hai phần: một là thức ăn rất tiêu cực. Nó tàn phá. Nó hủy hoại ta. Thế thì ta không biết độ chúng sinh. Chúng ta phải dùng những thức ăn nuôi dưỡng hình hài này để làm cho nó khỏe mạnh, làm cho tật bệnh không dám bén mảng. Đó là một loại độ chúng sinh rồi. Đừng nghĩ rằng mình phải bán cửa bán nhà cho người mới độ người. Thưa không! Ta hãy độ hình hài ta trước đi. Ta hãy thương ta trước đi. Hãy thương hình hài ta bây giờ, thương nó đời kế tiếp, thương nó nhiều đời. Nếu vì nó mà sát hại rất nhiều sinh mạng loài vật, vì sự khát thèm thịt động vật mà ta gây nợ xương máu với muôn loài, thì đây là cách tàn phá và hủy hoại thân tâm ta đời nầy và đời kế tiếp. Dĩ nhiên chúng ta chưa nói đến tội giết người hay tự sát là một trọng tội “phi Bồ tát hạnh”.
Do vậy, hình hài này là một tập thể chúng sinh. Các vị nuôi nó bằng nhân không lành thiện. Nếu các vị tàn sát những chúng sinh bên ngoài để nuôi sinh mạng này thì đâu thể gọi là việc làm của bậc đại sĩ có bi, trí giữa nhân gian. Và khi nuôi sinh mạng này bằng cách tước đoạt sinh mạng các loài khác thì điều thứ nhất, tâm thức thù oán, căm giận, sợ hãi của nó không hề tan mất trong từng thớ thịt ta ăn mà những dư hưởng còn lại sẽ đi vào cơ thể của ta, dễ làm cho tật bệnh phát sinh. Điều thứ hai là ảnh hưởng của nó làm cho tâm thức ta rất nặng nề u uẩn và rất khó tu. Chắc như vậy. Đừng nghĩ là tâm thức vô hình. Ta căm thù ai, ta ghét ai, ta giận dữ đối với ai thì những năng lượng tâm thức này đều tác động thẳng vào tâm của người khác.
Năng lượng tâm thức của loài động vật tuy có khác biệt thấp cao nhưng đều rung động và ảnh hưởng như nhau. Một đất nước nào mà con người tàn ác, tạo nghiệp sát nặng nề, người xưa gọi là oán khí lên đến trời cao. Chắc hẳn, sớm với muộn chi thì cả một dân tộc đó sẽ nhận lại quả báo họ đã gây. Nghiệp ác ta làm nơi tự thân thì ta thọ nhận. Nghiệp ác từ sự cộng hưởng cùng một gia đình thì gia đình đó phải trả. Nghiệp ác phổ biến trong một dân tộc thì dân tộc đó chẳng chóng thì chầy cũng nhận lại từ hoạn họa chiến tranh đổ xuống. Trong đời sống này, mức độ cạn nhất là ta hãy độ chúng sinh nơi hình hài của ta bằng một phương tiện sống thiện lành để càng ngày thân thể ta càng nhẹ. Không gây nợ máu xương, khéo chăm sóc thân của mình. Đây là bước đầu tiên của chúng sinh vô biên thệ nguyện độ.
Ở mức độ thâm sâu hơn, có một loại chúng sinh vô hình bên trong chúng ta. Nó là chi? Xin thưa, buồn là một chúng sinh. Giận là một chúng sinh. Ưu tư phiền muộn là một chúng sinh. Bất an là một chúng sinh. Khổ đau, tuyệt vọng là một loại chúng sinh. Vì nó tập hợp bao yếu tố để sinh khởi một cái buồn, một cái giận, một nỗi bất an, lo âu và phiền muộn. Kinh văn bảo rằng: “Hãy đưa tất cả chúng sinh vào biển vô dư Niết Bàn” thì gọi là tu Bồ Tát hạnh. Mình đừng tính cái chuyện là tôi phải độ ông A bà B. Hãy làm một việc vô cùng thông minh là ta độ chúng sinh khổ não đang có mặt ngay nơi tâm ta. Nguyên tắc của con đường Bồ Tát đạo là anh chưa biết lội mà xuống biển cứu người thì anh đang tự sát. Giống như ta đang đi xin ăn mà bảo rằng sẽ bố thí thì chỉ là sự lừa dối. Mình không có bản lĩnh của con người tu tập mà dạy người chữa trị để hết phiền não thì chỉ là câu chuyện nói cho vui thôi ! Có nhiều trường hợp các bác sĩ tâm lý trị liệu sau khi chữa trị cho người hết bệnh thì họ lại mất bình thường. Do vì bệnh nhân cứ trút những phiền muộn bất an vào họ mỗi ngày nên sự tải trọng khổ đau này nhận chìm họ xuống. Theo tình trạng này thì họ giống như chúng ta khi mình chưa độ được chúng sinh tự nội.
Tóm lại, hạnh nguyện Bồ tát là đầu tiên hãy độ hình hài, hãy chăm sóc hình hài bằng thiện pháp. Đây là đại bi tâm độ sinh. Kế tiếp, khi tất cả những chúng sinh vô hình bên trong sinh khởi trong ta như cái buồn, cái hờn, cái giận, cái bất an, ta hãy dùng pháp hành tuệ tri của Phật để độ cho nó vào vô dư Niết Bàn. Đây là đại trí lực của Bồ tát. Đó gọi là thành tựu bản nguyện của một người tu Bồ Tát hạnh. Tương ứng với tinh thần kinh Kim Cang “đưa hết chúng sinh vào vô dư Niết bàn thì người ấy chứng Phật quả”.
Pháp Học và Pháp Hành của Bồ Tát Đạo.
Dĩ nhiên, chúng ta sẽ phân ra hai tầng đi vào để thành tựu bồ tát hạnh. Tầng thứ nhất: từ pháp học. Tầng thứ hai: từ pháp hành.
Nền tảng trước tiên của công trình tu hay công trình Bồ Tát đạo được xây trên pháp học. Ví dụ, nếu ta chưa từng tiếp xúc với tăng thân, ta chưa từng học với Sư Ông về những bài kinh vô cùng căn bản như “Kinh Tứ Niệm Xứ” thì mình sẽ không biết đường đâu để hành trì. Cho nên nền tảng của công trình độ sinh được đặt lên pháp học. Quy chế cho các vị thọ giới Tiếp Hiện là nếu trong ba tháng mà không tụng giới thì coi như mất giới tướng. Giới Tiếp hiện không hề là chiếc áo các vị đang khoác trên thân cũng không phải tấm Điệp Hộ Giới các vị được nhận. Phẩm chất thực của người Tiếp hiện được đo bằng pháp học của các vị đủ nhuần nhuyễn hay chưa mà thôi.
Thế rồi từ pháp học chúng ta có được nền tảng vô cùng vững chắc để đi vào pháp hành. Pháp hành là chi ? Ví dụ như chúng sinh đó là buồn, là lo âu, là phiền muộn, là thất vọng, khổ đau đang cuồn cuộn sinh ra nơi tự tâm mình. Chúng ta có thể dùng một pháp là an trú ngay nơi hơi thở để độ tất cả chúng sinh vô hình ấy vào biển Niết bàn. Mình cũng có thể dùng một pháp như đi thiền hành để làm giảm nhẹ những nặng nề, những căng thẳng bên trong. Thông thường, ta cứ nghĩ rằng đây là những pháp phương tiện để dần dần đạt thẳng đến chân như, Niết Bàn hay tuệ giác. Nhưng đích thực không phải như vậy.
Kỳ thực, pháp hành của đức Thế Tôn chưa hề có pháp nào là phương tiện rồi từ phương tiện thành đạt được cứu cánh. Giống như các nhà Phật học Đại thừa thường lý luận là phải đi qua cánh cửa phương tiện, phải đến Hóa thành rồi mới đến Bảo sở của kinh Pháp Hoa dạy. Chúng ta mê văn học Đại thừa nên đã xô dạt những bài kinh thực tập vô cùng căn bản của văn học Nikaya về một hướng rồi gọi đó là Tiểu thừa. Trong thư pháp của Sư Ông có một câu rất hay: “Không có con đường đến hạnh phúc. Hạnh phúc chính là con đường”. Không có con đường dẫn đến an lạc mà an lạc nằm ngay trên con đường. Không phải ta bước chân đi rồi đến cuối đoạn đường mới thấy ánh sáng mà ngay trên con đường vừa đặt chân lên là ánh sáng có mặt. Ngay một bước hành trì là nếm được hương vị pháp giải thoát.
Từ điều đó, trở lại pháp hành của niệm hơi thở. “Thở vào, tôi biết tôi thở vào. Thở ra, tôi biết tôi thở ra”. Có khi người ta bỏ mất cả một tháng để học cái chuyện “thở vào, tôi biết tôi thở vào; thở ra, tôi biết tôi thở ra”. Người Việt Nam trưởng thành theo truyền thống đạo Phật trong quá khứ nên nghe nói một khóa thiền chỉ để học thở vào thở ra họ cười khì. Họ bảo: ” Tưởng cái chi xa lạ, một khóa tu chỉ học cái chuyện thở vào thở ra. Không học thở vào thở ra thì tôi cũng biết chứ mắc gì mà tôi phải đến khóa tu như vầy.” Xin nhớ. Đức Thế Tôn có một câu tuyên ngôn rằng: “Pháp của ta lành thiện ở phần đầu, lành thiện ở phần giữa, lành thiện ở phần cuối.” Câu nói này ứng dụng ngay trong pháp hành trì. Khi bước vào một pháp hành “thở vào biết thở vào, thở ra biết thở ra”, nó hàm nghĩa rằng đi vào một pháp này sẽ chứng nghiệm được tuệ giác, thành tựu được Niết Bàn. Biết rằng “Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc đáng làm đã làm, không còn trở lại hình hài này nữa”. Tột nguồn của tuệ giác bằng một pháp hành thở vào thở ra chứ không cần thêm gì nữa.
Để giải thích am tường hơn, bước đầu tiên của sự thực tập, ta thấy hơi thở đang đi vào, ta thấy hơi thở đang đi ra. Hàm nghĩa rằng ta là người đang thấy, ta là năng lực đang quan sát và hơi thở là đối tượng đang bị ta nhận diện. Ta nương với hơi thở để làm cho chúng sinh buồn giận bên trong ta lắng dịu đi. Nhưng mình đừng tưởng rằng pháp Phật chỉ dừng ngang ngần đó. Rồi sẽ đến một lúc những buồn, những vui, những lo âu phiền muộn lắng dịu lại và tự nhiên nó biến mất khỏi vùng trời tâm thức của ta.
Và còn cái gì nữa? Rồi sẽ đến một giai đoạn tinh tế hơn là những dòng ý thức trong ta cuồn cuộn chảy ngang như những dòng chữ in trên tường chạy ngang trước mặt. Khi ta làm được một việc là nhận biết hơi thở đang đi vào đi ra thì ta cũng nhận biết buồn vui đang đến đang đi. Rồi ta cũng nhận biết từng dòng ý thức đang cuồn cuộn chảy ngang. Hai tầng thâm sâu này được ta nhận diện. Điều đầu tiên khởi phát trong ta là: ta là người đang nhận diện những phần buồn vui, hờn giận, bất an. Những chúng sinh đang cuồn cuộn sinh ra trong ta sẽ trở thành những đối tượng bị ta thấy mà không phải là ta. Ngang đây, chuyện gì phát sinh? Ngang đây, những buồn, những vui, những hờn, những giận, những âu lo của ta lập tức rớt xuống. Nó không phải là ta. Nó đơn giản là những đối tượng bên ngoài, đến và đi, sinh và diệt. Còn ta đích thực là con người đang quan sát nó. Ta đích thực là con người đang nhận biết hơi thở vào ra thì ta sẽ làm được một việc rất thâm sâu là thấy từng cái buồn vui đến đi mà không bao giờ đồng nhất mình vào nó.
Thế thì một pháp hành hơi thở đoạn trừ được chi? Độ tận chúng sinh!
Một khi làm được pháp hành nhận biết hơi thở vào ra, ta sẽ đi vào tầng thâm sâu là nhìn được dòng ý thức đang cuồn cuộn ngược xuôi. Khi ta nhìn được nó thì nó là đối tượng bên ngoài ta. Tiến trình xảy ra là dần dần đối tượng kia rơi xuống, dần dần nó vắng mặt; nó tắt lịm; nó bốc hơi bay mất không còn dấu vết chi. Thế thì, cái gì còn lại ? Chỉ còn lại một năng lực tĩnh tại chói sáng hiện tiền, nhận biết đơn thuần mà không có nội dung gì để biết cả. Nó chỉ đơn thuần là một trạng thái biết mà không có nội dung gì để ta ghé vào. Ngang đây được gọi là gì? Ngang đây là chứng nghiệm được tuệ giác, thành tựu được chánh trí. Ngang đây là hành giả tan biến vào biển Niết bàn tĩnh tịch.
Như vừa nêu ở trên, pháp của Đức Thế Tôn hoàn thiện ở phần đầu, hoàn thiện ở phần giữa, hoàn thiện ở phần cuối. Từ câu dạy đó để quy chiếu lại pháp hành trì nhận biết hơi thở vào ra, ta tưởng chừng như đơn giản ư? Không! Chỉ cần nhận diện hơi thở vào ra thôi thì ta sẽ nhận biết được rằng một ngàn hơi thở chưa hề có hơi thở nào giống hơi thở nào. Người ấy đã bắt đầu đi vào định. Người ấy sẽ khám phá ra một điều là từ nơi hơi thở, con đường Bồ Tát đạo mở ra. Đó là độ tận chúng sinh bên trong của ta. Này buồn, này vui, này hờn, này giận, không có điều kiện để sinh khởi. Nếu có sinh khởi thì nó liền bị ta đưa nó vào biển Niết Bàn giải thoát. Đây là chúng sinh vô biên thệ nguyện độ.
Thế thì có gì ghê gớm lắm không về chuyện “hành Bồ tát đạo”? Chẳng có chi là ghê gớm cả! Nó chỉ là việc rất bình thường như ăn cơm uống nước mà thôi. Nếu chúng ta có một chút đam mê tu tập thì nó xảy ra rất dễ. Đời sống nào cũng thế. Đến một lúc thì tất cả những đam mê trần thế như lợi, như danh, như vật dục trần gian tự nhiên rớt xuống. Tuổi trẻ có thể lao xao, có thể chạy ngược xuôi tham đắm. Ta muốn thế này, thế nọ, thế kia. Nhưng khi tâm thức người ta chín mùi đến một mức độ nào đó thì tự nhiên họ có niềm khắc khoải về đời sống, cảm thấy mặt trời chiều rồi cho nên họ bắt đầu con đường tâm linh. Khi ta bắt đầu đi vào con đường tâm linh, nó hàm nghĩa rằng ta đang đi con đường Bồ Tát. Ta muốn thành tựu sự giác ngộ nơi ta, và khi thành tựu sự giác ngộ thì năng lượng ấy sẽ tự động tìm cách lây lan đến với người. Do vậy, tự lợi là có lợi tha. Đây cũng chính là bước đầu tiên của chúng sinh vô biên thệ nguyện độ.
Điều thứ hai – Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Mọi thứ phiền não đều được đặt trên nền tảng gì của con người vậy? Trên bản ngã của ta, nhân cách của ta, niềm tự hào của ta, sự kiêu ngạo của ta, v.v… Nhưng nếu thấu đạt được pháp hành trì, an trú ngay trong một pháp hành niệm hơi thở, tức là ta luôn làm người đang quan sát hơi thở vào ra, luôn làm nhân chứng để thấy buồn vui đang đến đi, luôn làm nhân chứng nhìn từng dòng ý thức đang ngược xuôi thì phiền não không có điều kiện dính với ta. Cũng không còn điều kiện sinh khởi. Tại sao? Mọi thứ phiền não đều được dệt bằng ý thức của ta, ưu tư phiền muộn của ta, lo lắng bất an của ta.
Điều kỳ lạ là tâm thức của chúng ta có công năng nuôi dưỡng bản ngã. Mà bản ngã thì vô cùng láu cá. Láu cá là sao? Nó tìm mọi cách để xác lập sự tồn tại của chính nó. Cách đầu tiên là nó muốn mọi người phải quan tâm đến nó, chú ý đến nó, thương yêu nó. Điều này dường như rất đúng. Ta là một con người. Ở bình diện xã hội thì con người là một động vật liên hệ với nhiều người chứ không thể sống đơn độc. Khi anh đặt mình trong lòng xã hội loài người thì anh muốn người ta để ý tới và quan tâm tới anh, thương yêu anh. Điều này rất hẳn nhiên. Rời vòng tay yêu thương của bố mẹ thì ta cũng tìm một người khác để làm chỗ tựa đời ta. Dường như đây là nguyên lý vĩnh hằng. Tìm một người để có chỗ tựa, để tự hào là tối thiểu cũng có một người thương tôi.
Mặt trái của nó là chi? Ta có một người để làm lực đối kháng lại tại vì theo nguyên tắc bản ngã được xác lập, một là quy vào nó, hai là nếu kẻ nào vụng về trái ý, chống chế nó thì nó coi đó là lực đối kháng để củng cố sự tồn tại của nó. Một là nó cần thương, hai là nó cần ghét. Hai điều này luôn là con thuyền chòng chành. Chưa bao giờ có một đời sống gia đình nào mà không chòng chành. Hạnh phúc là một cái gì luôn lắc lư bất ổn. Tình bạn luôn xung đột. Tình cảm giữa cha mẹ con cái cũng luôn đòi hỏi sự xao động, bất an, giằng co như thế này. Dường như nó rất cần trò chơi kéo dây. Phải đung đưa qua về. Đây là cách để bản ngã tự xác lập.
Khi đi sâu vào công phu thực tập, ta sẽ nhìn ra được là mọi thứ phiền não đều phát sinh từ tâm thức bản ngã của ta muốn xác lập chính nó. Bản ngã này đòi hỏi mình phải nuôi từng ngày để tồn tại. Thế tôn đã từng dạy những bài pháp về bốn loại thức ăn. Cảm xúc của ta cần được nuôi từng ngày để sống còn. Cái nhìn của ta cũng cần được nuôi từng ngày để có thể nhận diện sắc màu. Lo âu phiền muộn của ta cũng phải được bơm hơi từng ngày để duy trì. Suy nghĩ cũng cần được cho ăn từng ngày để nó kéo thành từng tràng dài huyên thuyên không dứt.
Điều thứ nhất, tính năng của bản ngã luôn cần mọi xung đột và chất liệu phiền não để nuôi dưỡng nó. Điều thứ hai, bản chất của nó vốn không thực có do vì nó rất cần bồi dưỡng để được sống còn. Nếu không bồi dưỡng thì nó chết. Nguyên tắc của nó là như vậy. Không có xung lực thì nó tạo xung lực. Không có người thương thì nó cũng tạo cách cho có người thương hoặc ghét. Vì vậy, nếu mình thực tập bằng cách cắt nguồn nuôi dưỡng buồn giận từng bước từng bước một thì cũng chỉ là chặt trên ngọn mà thôi. Và đó cũng chỉ là một pháp tu vô cùng tiệm tiến chứ không phải là con đường trí tuệ chúng ta tu tập.
Con đường trí tuệ là chi? Khi các vị nhìn được bản ngã thì bản ngã là đối tượng bị nhìn, là cái bên ngoài mà không phải là ta. Ta chính là năng lực đang thấy bản ngã đang vận hành. Nếu đi vào chi tiết thì năng lực thấy là cái chi? Cái con người đang quan sát những dòng ý thức, những toan tính thì thầm đây, những lo âu phiền muộn đây. Những cái rầm rì độc thoại phê phán trách cứ người, v.v.. đều là những thức ăn nuôi dưỡng bản ngã. Nếu ta có thể tách mình riêng ra được, ta là người quan sát nó thì điều rất tự nhiên là buồn giận sẽ tự rơi, bản ngã sẽ tự rời ta ra đi. Ngang đây, ta đã làm được một điều là vô tận phiền não chặt ngay gốc! Không phải là cưa cành cưa nhánh, không phải là bẻ lá bẻ ngọn mà là đào hẳn tận gốc, đoạn đứt ngay tức khắc trong một tróc tay.
Từ điều này quy chiếu lại một câu trong Kinh Bát Nhã mà chúng ta vừa nghe tụng. “Khi Bồ Tát Quán Tự Tại soi thấy năm uẩn là không, ngài liền đoạn tất cả khổ ách.” Chỉ cần soi năm uẩn thì năm uẩn liền là không chứ không cần làm gì thêm cả. Đây là pháp hành trực tiếp bằng con đường tuệ giác của thiền tập, hàm nghĩa rằng: khi hành giả dùng con mắt tâm thấy năm uẩn thì năm uẩn liền trở thành đối tượng bị thấy ở bên ngoài họ. Ví dụ, tôi nhìn đại chúng nơi đây một ngàn người hay là năm trăm người hay là ba trăm người hay là vài ba người, khi tôi nhìn các vị thì các vị thành đối tượng trước mắt tôi, còn tôi là một người duy nhất đang nhận biết sự có mặt của các vị. Nếu xoay cái nhận biết ấy nhìn ngược lại, năm nhóm sắc thọ tưởng hành thức, khi tôi thấy nó thì nó là chi? Là đối tượng bên ngoài tôi mà tôi là người đang quan sát nó. Và cho dù người ta giải thích sắc có một ngàn mảnh nhỏ kết tụ, thọ gồm có vui buồn, hờn giận, bất an, ưu tư, sầu muộn, một ngàn tầng sai biệt, tưởng gồm có một ngàn tên khác nhau, dù cho người ta có chẻ mỏng năm uẩn thành từng lát nhỏ, thành hàng triệu miếng nhưng nó vẫn là đối tượng bị nhìn mà nó không phải là ta.
Thế thì ta là chi? Ta chính là bản chất tâm vô niệm chiếu sáng đang nhìn thấy năm uẩn, là con người đang quan sát. Ta dùng từ “con người đang quan sát” chỉ để dễ hình dung nhưng đích thực vốn không có con người chi cả. Chỉ đơn thuần là cái chi? Chỉ là cái nhận biết<, chỉ là cái thấy. Ta nhận biết hơi thở đang đi vào, hơi thở đang đi ra như thế nào thì ta nhận biết năm uẩn như thế ấy. Hơi thở là đối tượng để cho ta nhận biết nó vào ra, nhưng ta không phải là hơi thở đang vào ra. Ta chính là năng lực chánh niệm đang thấy hơi thở đang vào ra. Đi vào tầng sâu, ta không hề là cảm thọ vui buồn mà ta là năng lực chánh niệm đang thấy từng cái buồn vui đang đến đang đi trong ta. Đi vào một tầng sâu nữa, ta không phải là những dòng suy nghĩ mà ta là năng lực chánh niệm đang thấy những dòng suy nghĩ đang vận hành.
Ứng dụng được pháp quán chiếu này vào năm uẩn thì ta đích thực là tuệ giác, đích thực là tuệ tri, đích thực là năng lực đang quan sát. Năm uẩn trở thành cái bên ngoài ta, là đối tượng bị quan sát. Rồi nó còn hay mất vậy? Nó vẫn đi tới, vẫn đi lui, vẫn ăn, vẫn uống, vẫn bình thường nhưng tâm ta không dính chi năm uẩn cả. Ta luôn làm người quan sát năm uẩn đang vận hành trên mặt đại địa này. Thậm chí, nó buồn, nó vui, nó hờn, nó giận, những thứ ấy có thể sinh khởi trong ta nhưng ta luôn là người đang quan sát, đang thấy nó. Thế thì không dính gì nhau! Điều nầy không có hàm nghĩa rằng khi tu tập đến giai đoạn này rồi ta trở thành tàng hình, biến mất và vô cảm. Không! Vẫn là con người bình thường nhưng những buồn vui hờn giận không làm cho xao động, bất an. Tóm lại, không đồng nhất mình với năm uẩn thì năm uẩn là rỗng không trong hiện tiền dù nó đang hiện diện sờ sờ đấy.
Đây là phần thứ hai. Khi ta nắm được pháp hành trì thì gốc rễ phiền não sẽ bị đoạn tận. Bằng không, ta chỉ làm một việc vụng về là ta dẹp cái buồn này thì có cái buồn khác nổi lên. Đoạn trừ cái lo âu kia thì có cái lo âu nọ tràn về. Loại bỏ vọng thức lăng xăng này thì vọng thức lăng xăng khác lại cuồn cuộn kéo đến. Trong khi đó, nếu thấy được pháp, đi vào con đường hành trì thật sự thì buồn vui, vọng thức lăng xăng, chuyện đến đi sinh diệt không dính chi ta cả! Ta như người ngồi trên đỉnh núi nhìn dòng người đang ngược xuôi, nhìn dòng đường xe cộ đang qua lại chứ ta không hề leo lên những chiếc xe kia để nó dẫn mình đi đến ngút ngàn xa. Không hề!
Do vậy, thấu được pháp hành trì từ con đường niệm hơi thở đi vô thì chúng ta có thể đoạn sạch phiền não, cứu độ những loại chúng sinh trong ta. Điều quan trọng là ta có làm hay không mà thôi! Chứ đoạn phiền não không phải là chuyện khó.
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành. Đây là hai bước sau cùng của Bồ tát hạnh.
Vô lượng pháp môn làm sao học hết ? Trong thiên nhiên, dù rằng cơn bão cuồng nộ cấp mấy đi nữa thì tâm bão vẫn bất động. Nó luôn di chuyển theo cơn bão. Cơn bão đi đến đâu thì tâm bão theo đến đó. Tâm bão thì không có một chút gió. Cơn lốc xoáy ở vùng Trung Mỹ cuồn cuộn và có thể lôi cả chỉếc xe bồn chở xăng lên trời cao. Nhưng khi người ta thả những chiếc chong chóng vào giữa thì dường như nó không bay được và rớt xuống. Chứng tỏ rằng ngay giữa tâm của cơn lốc xoáy, không có một chút gió.
Từ ví dụ đó, ta trở lại pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Kỳ thực, pháp môn vô lượng nếu học từ cành từ nhánh những pháp đối trị, làm cái này để đối trị phiền não, làm cái kia để đối trị giận hờn, tu những phương pháp này để đoạn trừ ưu tư phiền muộn, để chứng nghiệm tầng tuệ nầy, tầng định kia thì đúng là nó có một triệu pháp môn để học. Thế nhưng, nếu ta thấu ngộ đạo, an trú trong một pháp niệm hơi thở hoặc niệm thân hành, hay dùng một từ khác là ta luôn luôn là người quan sát thì mọi thứ phiền muộn bất an, ưu tư sầu thảm của ta liền bị đốt cháy. Tóm lại, chỉ cần một pháp quan sát để đối trị thì vô lượng phiền não đều lặng lờ, không còn bóng dáng.
Nhưng ở tầng cạn thì xin gợi ý nơi đây. Đối với người tu học Phật pháp thì ta không từ nan một pháp hành, một quyển kinh nào của Đức Phật mà không đọc. Con đường tu tập ngoài việc thành tựu được tuệ giác nơi chính tự thân, việc rất cần là các vị có trách nhiệm mang đạo vào đời. Các vị là gạch nối giữa chư tăng và người cư sĩ Phật tử. Nhìn cách khác, các vị là gạch nối giữa cộng đồng người Việt và người Tây phương, có sứ mệnh và trách nhiệm cống hiến văn hóa và tuệ giác của Đạo Phật cho người Tây phương.
Thế nên, con đường dẫn vào Bồ Tát đạo là không từ nan một bộ môn học thuật nào của nhân gian mà không học. Cũng không từ nan tất cả pháp hành Phật dạy, và nội điển, kinh văn. Những vị Bồ Tát tái lai giữa cuộc đời này đều phải học pháp thế gian. Muốn hành đạo, muốn đem đạo vào đời thì phải học pháp thế gian và Phật pháp. Thậm chí, Bồ Tát đệ bát địa trở lại nhân gian cũng phải học thế gian pháp và Phật pháp. Các bậc tái sinh cũng đều như vậy. Học văn hóa thế gian, nghệ thuật thế gian, ngôn ngữ thế gian, các ngành nghề thế gian mới có thể đem đạo vào đời. Cho nên ở mức độ bình thường như chúng ta ngoài năng lực tu tập và hiểu sâu nội điển, muốn mang Phật pháp vào đời thì phải giàu có trình độ tri thức hiểu biết mới có đủ điều kiện mang ánh sáng chánh pháp tặng cho thế gian. Mình nghèo nàn quá, nói chuyện với thiên hạ giống như người ở dưới thung lũng sâu tăm tối rồi ngẩng đầu lên nói cho người ta nghe thì không phải là việc làm của người tu Bồ tát hạnh.
Là một người Phật tử thọ 14 giới Tiếp hiện, không cho phép con đường học Phật của ta dừng lại. Không cho phép trình độ nhân gian của ta yếu kém. Mỗi một ngày ta mỗi ăn, mỗi một ngày tri thức phải trưởng thành. Con đường tu tập đối với những người cư sĩ Phật tử thọ 5 giới hay 14 giới là tối thiểu trên đầu giường phải có một bộ Đại Tạng Kinh. Phải thỉnh một bộ Đại Tạng Kinh để tụng đọc. Đại tạng là sách gối đầu. Trước khi ngủ, mở kinh ra đọc một vài bài. Vừa thức giấc, mở kinh ra đọc một vài bài. Đọc trực tiếp vào văn học Nikaya được dịch Việt ngữ. Người giỏi tiếng Anh thì nên đọc qua văn bản tiếng Anh. Xin khuyên nhau một lời. Chúng ta chưa phải là những vị Bồ Tát tái lai. Ta học để giúp ích mình trong một đời này, giúp ích bao người chung quanh có liên hệ với ta. Học để cho trong tương lai khi tái sinh lại giữa nhân gian, ta có một vốn liếng Phật pháp giàu có để hành đạo giữa cuộc đời. Hình dung rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, mỗi lần tái lai ngài làm cái chi trước vậy? Người ta tìm được ngài về ngụ trong kinh đô Lhasa. Điều đầu tiên gồm có 4 hay 5 vị cố vấn dạy về Phật pháp, dạy trối chết, học ngày học đêm. Mà ngài tái sinh đến lần thứ 14, tức là bậc Bồ Tát tái lai còn phải học Phật pháp và học pháp thế gian.
Vì thế, đừng nghĩ rằng chúng ta chỉ học Phật pháp thôi là đủ. Thưa không! Mình dùng một ví dụ dễ hiểu như thế này. Một người có một trình độ tri thức đủ rộng và biết nhiều lĩnh vực thì khi trình bày Phật pháp, họ không chỉ đơn thuần nói thuần một ngôn ngữ Phật pháp. Ngôn ngữ họ sẽ có chất thi ca, có nhạc điệu, có chiều rộng và chiều sâu. Bằng một loại ngôn ngữ đa dạng, đa tầng như thế thì nó sẽ đi vào tâm thức của người nghe dễ hơn là trình bày Phật pháp bằng một loại ngôn ngữ chỉ đơn điệu Phật pháp.
Do vậy, pháp môn vô lượng thệ nguyện học hàm nghĩa hai phần là học nội điển và học ngoại điển, học thế pháp và học Phật pháp. Chỉ có một lúc ta không buồn học nữa. Đó là lúc nào? Lúc không còn thở vào thở ra! Thì cho phép được nghỉ! Nguyên tắc là như vậy.
Khi còn thở vào thở ra, bắt buộc từng ngày từng ngày, mình phải tự nuôi dưỡng đời sống mình bằng con đường trí tuệ. Ta chưa phát sinh được năng lực trí tuệ tự nội, hãy vận dụng trí tuệ của Phật. Đức Thế Tôn là bậc chánh biến tri, có mặt giữa trần đời này và lời của ngài tràn đầy tuệ giác. Hai mươi sáu thế kỷ qua, những bài kinh của ngài dạy làm cho con người đương thời chứng thánh quả A la hán như thế nào thì ngay thời hiện tại, lời Đức Phật vẫn còn chói sáng và vẫn còn giúp cho người người chứng được quả chánh giác.
Vậy thì tại sao ta không đọc từng lời từng lời của Đức Thế Tôn vào mỗi sáng, vào mỗi tối, vào mỗi trưa? Học một bài hát có thể làm cho tâm thức mình chìm xuống, hệ lụy, buồn thảm, bất an. Học một bài kinh thì không hề có tác dụng như vậy. Một là ta đọc chưa quen nên ta ngủ lên ngủ xuống, hai là ta sẽ cảm thấy lòng tràn đầy sự hưng phấn. Không hề có trạng thái thứ ba. Thế cho nên câu vô lượng pháp môn thệ nguyện học có hai phần học chúng ta cần nuôi dưỡng. Nếu thức ăn nuôi dưỡng đời sống mình như thế nào thì con đường tu tập cần rất nhiều, rất nhiều công trình nuôi dưỡng từ pháp học nội điển, pháp học thế gian.
Thành tựu Bản hoài.
Cuối cùng, con đường thành tựu được tuệ giác này không phải là quá khó. Nó không phải là xa vời ngoài tầm tay với. Tại sao? Do vì bản chất Phật là cái sẵn có nơi chúng ta. Bản chất tâm của ta vốn là năng lực chói sáng nhận biết và không hề dính chi với bao nhiêu thứ phiền não. Không hề dính chi với cảm thọ buồn giận bất an. Cụ thể là thế này. Buồn nào cũng đến rồi đi. Vui nào cũng đến rồi đi. Lo âu phiền muộn cũng đến rồi đi. Sầu khổ bất an cũng đến rồi đi. Nếu chúng ta có một chút kiên nhẫn thì tuyệt vọng nào cũng đến rồi đi cả. Một đời người sống đến 60 hoặc 70 tuổi thì chúng ta đã chạm tay vào biết bao nhiêu lần của nỗi buồn, của cơn giận, của sự bất an. Có những lúc ta thất vọng não nề nhưng với một chút kiên nhẫn thì mọi thứ đều đi ngang qua. Và rồi ta vẫn còn sống đến ngần này.
Thế thì điều rất dễ nhận ra rằng: Thứ nào cũng đến rồi đi. Chỉ có một thứ chưa hề đến đi. Thứ đó là chi? Bản chất thật của ta. Cũng chíng là con người đang quan sát buồn vui đến đi. Trạng thái này chưa hề vắng mặt trong ta. Bản chất thật đang quan sát được buồn vui nếu dùng danh từ chính xác thì nó là cái chi? Chính là vị Thế Tôn bên trong ta. Năng lực Phật của chính ta. Sự giác ngộ tự hữu mà ta đã có.
Từ điều này dẫn lại, danh từ Tiếp Hiện hàm một nghĩa sâu xa. Có một lần tôi nghe Sư Ông giải thích rằng nó hàm nghĩa thừa tiếp bản thể của chư Như Lai hiển hiện ra cuộc đời này. Thứ nhất là hiện ra một hình hài sinh diệt. Thứ hai là hiện ra vô vàn hạnh từ bi trí tuệ độ sinh. Chưa nói đến chuyện làm gì nhiều như các bậc đạo sư. Hãy nói đến chuyện rất bình thường như trong đời sống chúng ta. Bản chất bên trong rất thực của ta là bản chất Phật vô sinh bất động. Ta hãy thừa tiếp bản chất này. Ta hãy an trú trong tự thể tâm nhận biết chiếu sáng của mình ngay hiện tiền.
Để làm chi? Để chứng nghiệm được tuệ giác tức khắc, chứng nghiệm được thể pháp thân mà ta đang có. Và sống viên mãn được điều này gọi là hoàn thiện con đường của những vị thọ trì giới Tiếp Hiện. Hoàn thiện được điều này tương đương với các vị Bồ Tát đi vào đời hành đạo.
Chúng ta mang bản hoài vô cùng to lớn. Bản hoài cạn là giúp cho những người Tây phương, giúp cho những người cư sĩ Phật tử đến được với đạo bằng công phu hành trì, bằng nhân cách tu của chúng ta. Tiếp hiện ở tầng cao là chúng ta thừa tiếp bản hoài của mười phương ba đời các vị Bồ Tát có mặt trong không gian, mang ánh sáng chánh pháp tặng cho đời. Cuối cùng, thành tựu được Phật quả trong chính ta. Chứng nghiệm được thể Niết bàn đang có trong ta. Thế thì ta được gọi là người kế thừa được thể như như bất động trạm nhiên của tự tánh mình, trở lại nguồn vô sinh bất diệt. Đó gọi là con người thành tựu được quả vị Phật.
Dòng tu Tiếp Hiện có mặt từ thập kỷ 60 đến nay là bao nhiêu năm? Nửa thế kỷ! Ta hình dung rằng trong bề dày lịch sử như thế này, nó được khai sinh ra từ một bậc thầy tôn quý nếm trải hai dòng tư tưởng của Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Bắc truyền, cộng với cái nhìn rất sáng tỏ về công trình hành đạo ở các nước Tây phương. Văn phong của Sư Ông viết ra rất hợp với tâm thức của người Tây phương. Từng lời, từng lời chói sáng ! Dẫn dắt tâm thức người thời nay đi vào con đường Bồ tát đạo rất giản dị. Đây là điều gợi ý thứ nhất.
Điều thứ hai, bề dày lịch sử của dòng tu Tiếp hiện có vô vàn khúc mắc. Có những điều khá tế nhị mà chúng ta không muốn nói ra vì nó đụng chạm và tổn thương rất nhiều vị Thầy trong truyền thống Phật giáo. Sẽ có một buổi trà đàm và những người thân hữu thọ giới Tiếp Hiện lâu năm gặp Sư Cô Chân Không. Các vị nên sưu tập từng mảng rời sự kiện để viết lại lịch sử, tức là viết lại quá trình hình thành dòng tu Tiếp Hiện đến hôm nay. Bằng không thì chúng ta làm rơi rớt mất những điều vô cùng trân quý như kim cương. Chúng ta không lường được ngày mai sự việc gì sẽ xảy ra. Do vậy, điều quan trọng xin khuyên nhau là ta còn đang có cơ hội đây.
Điều thứ ba, nếu có điều kiện thì ta nên học hai văn bản của giới Bồ Tát và giới Tiếp Hiện và đối chiếu. Tôi có một niềm mơ ước là những khóa tu ở Florida có thể đem giới Tiếp Hiện và giới Bồ Tát dạy cho chúng Bồ Tát ở bên đó vì có khoảng vài trăm người thọ Bồ Tát giới. Nhưng việc này vẫn chưa làm được. Một chút gợi ý hôm nay để các vị thấy rằng nội dung của Bồ Tát giới và nội dung của giới Tiếp Hiện có những điều tương hợp và nặng nhẹ khác nhau. Từng câu chữ là một công trình tuệ giác đặc thù mà chúng ta chưa có điều kiện khai thác.
Điều thứ tư, hoàn thiện được phẩm chất của một vị Bồ Tát không phải là một cái gì xa vời. Nó không phải là cái gì khó khăn cả. Phàm là một con người sinh sống giữa trần đời này đến một lúc nào đó, đến một tuổi nào đó, đến một trình độ tri thức nào đó thì người ta cảm thấy mọi nhu cầu về đời sống dục lạc rất nhạt nhẽo. Hạnh phúc không phải chỉ bằng con đường của cải, vật chất, ngũ dục, lợi danh. Hạnh phúc đích thực của con người là chạm tay vào vùng đất vô sinh bất diệt nơi tự thân thì gọi đó là người đang đi vào hướng con đường Bồ Tát đạo.
Điều cuối cùng, đừng nghĩ rằng những điều chúng ta đang tu tập mang tính cách cá nhân. Thưa không! Các vị tu tập thành tựu được phẩm chất cao quý an lạc, hạnh phúc cho chính các vị thì tự nhiên con đường từ bi trí tuệ mở ra và các vị sẽ thấy việc cần phải làm. Chúng ta sẽ cống hiến cho con người bằng hai cách: Một là ta làm một cách rất ư thầm lặng, hai là chúng ta xông xáo vào đời. Hai con đường này đối với những người có được pháp hành trì thì họ tự có năng lực trí tuệ và tự định hướng cho việc họ làm. Đó là những điều gợi ý nơi đây. Xin cám ơn đại chúng.
Tu viện Lộc uyển ngày 08 tháng 11 năm 2015.
(phiên tả từ pháp thoại khóa tu người Việt)
Bản gốc: Tu Viện Lộc Uyển Deer Park Monastery
Xem thêm Chú giải Giới Tiếp Hiện:
https://thuvienhoasen.org/images/file/oeXYvp1G0QgQADky/gioi-tiep-hien-chu-giai.pdf
Văn bản 14 giới Tiếp Hiện tân tu – Làng Mai
By the Venerable Thich Phuoc Tinh
Dear community, today is the last day of the Vietnamese retreat. There was a Fourteen Mindfulness Trainings transmission ceremony yesterday. Most of the people here are practitioners who have already received the Fourteen Mindfulness Trainings. Regrettably, there was no time for Sister Chan Khong and Brother Phap Dang to share the meanings of the Fourteen Precepts. I only heard Sister Chan Khong talk about a couple of things, due to time constraints. Thus, I would like to contribute a few ideas. I think that there will be an opportunity for you to inquire of Sister Chan Khong to be more informed about the scope of the history of the Order of Interbeing.
In reality, things are not as simple as we may perceive. For the majority of practitioners who have just gotten to know Thay, they think that to receive the Fourteen Mindfulness Trainings and wear the Order of Interbeing jacket is a simple matter. They do not know that the Order of Interbeing began in the 1960s. Presently, it seems that only a few of the elders— those who are long-standing OI veterans—remain with us. One of the people remaining, whom we need to treasure, is Sister Chan Khong. Once I heard Thay mention that during a retreat in Europe, nobody had brought the text of the Fourteen Precepts. Therefore, Sister Chan Khong had to retype it. And from where did she retype it? It flowed out from her own heart. She had learned the text by heart very accurately, as if it had been meticulously stored in the museum of consciousness.
The text of the Fourteen Precepts is not a text to be recited every two weeks. It is a text that we must learn by heart. Every single word is an attainment that has been conscientiously selected and that flows eloquently from the insights of a spiritual teacher who is deeply imbued with both the Pali canon and the Chinese Buddhist canon. In the Kalama Sutta from the Anguttara Nikaya, the Buddha said: “Do not believe the words just because they come from the teacher that you respect. Do not believe the words just because they come from spiritual literature that has been there for thousands of years. Do not believe the words just because they are transmitted down from tradition.” There are ten phrases with similar content in that sutra.
As we read in the First Mindfulness Training, Thay says that we need to be aware of fanaticism due to intolerance for doctrines, which has caused suffering in mankind. Therefore, for OI members, the First Precept tells us not to be bound to any ideology, even if it is a Buddhist ideology. This proves that the OI text is crystallized from the insights of a great spiritual teacher who has integrated and merged the substratum of both the Agama scriptures (e.g., Nikaya Sutra) and the Mahayana scriptures in order to create the Fourteen Precepts. OI practitioners and Buddhists who have received the Five Mindfulness Trainings should learn the text by heart because each word embodies Thay’s selfless vow to apply wisdom and compassion to bring the Buddha’s teachings into everyday life, and serves as a fundamental principle for our practice.
Secondly, we should have some knowledge about the history of the Order of Interbeing. In the harrowing and agonizing years of the Vietnam War, the School of Youth for Social Service was born as a heartwarming home, nurturing the youth with altruistic ideals. To be a worker for this school, young people followed Thay to receive the OI precepts, bringing their fiery, fearless, loving hearts to a war-torn nation and hoping to relieve the suffering and pain of the people. They tried to heal the wounds created by the anguish and horror of the Vietnam War. The first OI generation sacrificed greatly because both sides of the war hardly had sympathy for Thay’s revolutionary concept of Engaged Buddhism. These people fell down due to the hatred, the cruelty, the insanity of mankind. Nhat Chi Mai immolated herself in the name of peace; Phuong Lien and Vui were hit by grenades at Phap Van temple while helping people in need. On the path of the Order of Interbeing, blood from the early generation spilled on the ground to form a foundation for us to walk on and continue the work of the bodhisattvas. For the Order of Interbeing to be sustained until the present time, it had to withstand the intensely violent period of the Vietnam War and the loathing and envy of many people.
Tracing far back to its origin, we can see that the Order of Interbeing was germinated very early. Its silhouette could be seen in books like The Novice and was reflected boldly in Thay’s books about Engaged Buddhism during the 1960s. It gave shape to a Vietnamese Buddhism embodying a steadfast, unwavering, vibrant vitality, plus a profound energy to survive and to be of benefit to the life of mankind in the present and in the future.
The words Tiep Hien have a multi-faceted connotation. The Order of Interbeing is not just a regular organization. I would like to offer a few explanations so we can see that these two words contain very profound insights. At the ordinary level, the role of OI members carries the form of a connection between monastics, laypeople, and people from all backgrounds. They have the responsibility of bringing the Dharma into real life, in other words, applying Buddhism in everyday life to relieve suffering and to beautify the world. However, this is only a very shallow meaning of the phrase.
The second definition of these words is to acquire and continue the bodhisattva vows from the past, manifesting the virtues of wisdom and compassion in this world. At the third level, a much more in-depth connotation is to fully realize the Buddha nature within ourselves, meaning to be able to live with the energy of no-birth, no-death, or to live with the energy of true awareness already inherent in us. Then we will dwell peacefully in this true presence to properly conduct ourselves in life, turning the Dharma wheels to contribute the fundamental truth of the ultimate reality to this world.
Thus, the true connotation of Tiep Hien is very profound. It is to realize and sustain the Buddha nature already existing in everyone. Expressed in a different way, we have always carried within ourselves the enlightened essence, the awakened bodhi nature. And from this formless presence, we have the power to manifest it into differentiated forms for the well- being of the world. We have the power to manifest it on our spiritual path of Engaged Buddhism in order to help others with the same capabilities to attain enlightenment like us. Now, that is the true connotation of Tiep Hien.
Naturally, an OI member’s task is to acquire and continue the vows of bodhisattvas like Avalokiteshvara, Manjushri, Samanta-bhadra, and Mahasthamaprapta, to engage in compassionate service for others. And the most imperative undertaking is to realize the true essence, the awakened nature inherent right within ourselves, to complete the spiritual path for ourselves and for others.
The Connection Between the Bodhisattva Vows and the Fourteen Mindfulness Trainings
There is a connection between the bodhisattva vows and the Fourteen Mindfulness Trainings. I just heard Sister Chan Khong encourage the OI members to follow a vegetarian diet. Of course, this has to happen if you are a member of the Order of Interbeing. I read a report about a Chinese boat carrying fins from sharks captured near Indonesia. These Chinese fishermen had cut 70,000 fins from white sharks for the sole reason of providing the wealthy class this unusual food to increase libido, a false but widespread belief transmitted by oral tradition. This is a type of food that Chinese people really want to have. The cruel act of brutally killing animals in such an irresponsible manner will create extreme danger, because it will consequently lead to not only the destruction of the environment but also the destruction of human morals and ethics in society.
The Order of Interbeing is a congregation whose primary purpose is to bring the Buddha’s teachings into real life, to manifest the bodhisattva vows of bringing compassion and wisdom to relieve suffering, and to be the connecting bridge so that teachings from the monastics can be widely spread to people. Therefore, the responsibility and role of an OI member is much more significant, challenging, and solemn compared to the lethargic and stagnant state of mind that we currently have. This planet is terror stricken from the unending violence, the extreme fanaticism, and the unbelievable human madness. Ironically, man has become more and more inhuman. Consequently, mankind has become more and more appalled about the fanaticism of religious doctrines, not political doctrines.
Fortunately, Buddhism is a religion that does not force the believers to be fanatical about the Buddha, nor does it force them to be fanatical about their faith. The foundation of Buddhism is wisdom and compassion. Therefore, the role of a religious advocate bringing the Buddha’s teachings to life is very important. We can share the words of the Buddha widely in this world. A person who embodies the true practice can build a Sangha. A Sangha can then build many Sanghas. Thus, the presence of the Order of Interbeing does not mean that we grow by the power of addition, but instead we grow by the power of multiplication. Only then can we awaken this planet. Only then can we save the human conditions that are falling more and more into a state of horrific fear and panic. These are my suggestions to emphasize the fact that understanding the true direction of the Order of Interbeing is very important in order to act accordingly.
In the tradition of Buddhist novice monks from China to Vietnam, there was a type of precept that they received besides the novice precepts and the great precepts of the fully ordained monks and nuns. In the transmission ceremony yesterday, the monastic Dharma teachers shared that the Fourteen Mindfulness Trainings of the Order of Interbeing are created from the spirit of the bodhisattva vows to meet the needs of Westerners, adapting to engaged Buddhism in the West, and especially to bring a new and clarified written text that still conveys and embodies the profound essence of Mahayana Buddhism. I will explain the bodhisattva vows to compare with our practice and our way of engaged Buddhism so that you can see the similarities.
Bodhisattva vows contain Ten Major Precepts and Forty-eight Minor Precepts. They are revered in countries with Mahayana Buddhism, such as China, Japan, Korea, and Vietnam. Actually, these precepts were not created by the Buddha or his monastic Sangha at that time, but were born from the development of Buddhism after the Buddha entered nirvana. In the beginning of the 5th century (401-412) in China, Kumarajiva had translated the Brahmajala Sutra (Brahma Net Sutra) and begun the process of transmitting the bodhisattva vows. But it was not until the year 519, when Emperor Wu of Liang prompted his people to receive these precepts, that they became a strong flow, as they are now.
If we condense the contents of the bodhisattva vows, we only need to discuss two components that will comprise everything in them. One is the Three Pure Precepts or the Three Root Precepts. The second is the Four Great Bodhisattva Vows.
The Three Pure Precepts are:
To comply and observe the precepts and ceremonies.
To practice wholesome Dharma.
To save all beings.
The Four Great Bodhisattva Vows are:
Beings are numberless; I vow to save them.
Afflictions are boundless; I vow to end them.
Dharma gates are immeasurable; I vow to learn them.
The path of awakening is unsurpassable; I vow to attain it.
Limitless sentient beings I vow to save, leaving no one behind. That is the first vow of a bodhisattva. The second vow—this world is overfilled with immense sufferings, and I vow to permanently end all afflictions, all agony, all sorrows within myself. The third vow—the immeasurable Dharma teachings of all Buddhas of the ten directions and three existences, of all spiritual masters, I vow to learn and practice. Lastly, the unsurpassable fruit of enlightenment, the stillness and serenity of nirvana, I vow to attain. These are the four great vows of the bodhisattvas.
You can condense this into two words. What are they? Wisdom and compassion. In every retreat that Thay held, we began by chanting Avalokiteshvara and ended with the Heart Sutra. Even just in the ceremony, we transmitted that spirit of love and understanding, or wisdom and compassion. All the practices, the great vows, come down to cultivating understanding and love. If you read the trainings that Thay has offered, they all embody these two words, understanding and love.
There is the practice of the Six Paramitas in Buddhism. One of the paramitas is practicing generosity. This morning, a lay friend asked me, “Does practicing the Six Paramitas lead to nirvana?” I answered, “The foundation of the other five paramitas is wisdom. Generosity without insights will only give merits to reincarnate as heavenly beings. However, with wisdom, these merits will build a solid substructure to attain Buddhahood.”
I will explain this part so that we can apply it in our practice. Otherwise, we only fleetingly skate through the subject with just words and definitions.
The First Bodhisattva Vow
The first vow says that there are countless beings and you vow to save them. The bodhisattva of great aspiration, Kshitigarbha, has that great vow. He vows that until he helps all people in darkness, in the realms of hell, he will not be willing to go to enlightenment. If there is one being left, he still doesn’t want to become enlightened. Some people tend to think that if they commit a sin and fall down to hell, they still have Kshitigarbha standing there to save them. He is residing in the 18th level of hell, always waiting, so why do they even care about wrongdoings? They can live recklessly because they still have Kshitigarbha. Why worry!
But please do not think like that, because it is very wrong. Why? Dear friends, there is no Buddha that does not keep this vow. However, has Kshitigarbha become Buddha yet? He definitely attained perfect enlightenment a long time ago. One might wonder what Kshitigarbha is teaching us through his vows. How can he become Buddha when there are still numerous destitute human beings with countless sufferings? That does not seem right at all!
If we took it with this kind of plain context, we would be doing injustice to Kshitigarbha and unknowingly putting ourselves at a great disadvantage. One must understand that there are not one but two kinds of sentient beings. One kind is the sentient beings outside, such as worms and ants, from the lower species to the higher species of animals to human species, then to the heavenly beings and to those in the formless realm. Nonetheless, even heavenly beings are still in the samsara circle.
But if we have to save all living beings outside before reaching Buddhahood, when will we actually become Buddha? In fact, the Diamond Sutra has this sentence: “One must liberate and lead all beings to nirvana before a bodhisattva can attain the fruit of no birth, no death.” Then, until when can we bring all beings to nirvana?
In truth, there are not only sentient beings outside but also sentient beings inside of us. What are the beings inside? At the most shallow level, how many beings are contained within our bodies of five skandhas? Take a look inside our intestines to see countless living beings swarming in there. Each living being is a cell of our body. Each cell has a life. Brain cells have a life; heart and liver have their own life, etc. This means that our whole body is a gathering of sentient beings in a kingdom.
Therefore, to save beings at the lowest level is to save this physical body. In what way can we liberate them? All living beings in this world, from humans to heavenly beings to holy individuals, all need food to live. Food is divided into two types. The first one is the negative food. It demolishes us. It destroys us. Then we do not know how to save living beings. We need to consume healthy foods that can nurture this body so that it will be in good health, making illness not even dare to approach us. That is a kind of saving of living beings.
Do not think that we have to sell our houses to get money to help other people. Definitely not! We must take care of our body first. We must love ourselves first. Love this body now, love this body in the next life, love this body in the many lives to come. If, because of this body, we kill numerous animals due to our desire to eat meat, then we have created and owe a blood debt with all living things. This is the way to the destruction of both our mind and body in this life and many subsequent lives. Of course, the act of killing humans or committing suicide is a mortal sin that is definitely not the act of a bodhisattva.
This body is a gathering of sentient beings. If we kill other beings outside us to feed this body, this is not an act of a bodhisattva with compassion and wisdom. In fact, when we try to sustain our body by taking away the lives of other beings, then the first thing to be considered here is that their animosity, their rage, their extreme fear will never be dissolved in their flesh that we consume. Consequently, the repercussions from this ill will are soaked up by our body, causing all kinds of diseases for the body and mind. The second factor to be mentioned here is that the influence from this way of nourishing the body will make our mind feel desolate, gloomy, melancholic, and it will be very hard to practice meditation. This is definitely true.
The mind has no form, yet it can cause a strong effect. When we have anger, hatred, or loathing toward other people, these negative energies will directly impact their state of mind. Animals from lower to higher species also have this kind of energy and they will have direct influence on the minds of humans. In a country where man is very cruel to man, where the act of merciless and abominable killing is excessive, where outrage and indignation have accumulated and escalated all the way up to the sky, then definitely sooner or later, the people of that country will suffer the consequences of their actions according to karmic law. If we do unkind deeds, then we will suffer the bad outcomes ourselves. If a family has unkind deeds, it will have to pay this collective debt as a family. If a people commits countless inhumane acts that spread across its nation, eventually they will suffer the atrocity and disaster of wars in their country. So in this life, at a very shallow level, we need to save the sentient beings within our bodies by doing kind acts and living with good hearts so that our bodies will become lighter and lighter. No blood debt is created if we skillfully take care of the body. This is the first step of practicing, “Sentient beings are numberless; I vow to save them.”
At a deeper level, there is a kind of formless being inside ourselves. What is it? Sadness is a being. Anger is a being. Affliction is a being. Distress is a being. Pain or despair is a being. Many conditions accumulate in order for a sadness, an anger, an affliction, a distress, a pain, or a despair to arise. The Diamond Sutra has said, “Bring all sentient beings into the ocean of nirvana.” That is the practice of a bodhisattva. Do not think about saving other human beings now. Instead, we need to do an intelligent act of saving the suffering beings existing right within our mind first.
The ground rule of following the path of a bodhisattva is that if one does not know how to swim but still jumps into the ocean to save a drowning person, then he will kill himself without being able to save the other. Likewise, if one is a beggar asking for food but says that he wants to donate money, this is a false statement. We do not have the mastery of a true practitioner but we want to teach others the way to heal their pains – then we only say it for fun and it does not mean much! There are many cases of psychologists and psychiatrists who develop mental illness after their patients are cured. This is because the patients have poured all their afflictions and agonies into these specialists every day, to the point that the heavy weight of suffering has drowned these health care professionals in the ocean of afflictions. This condition is similar to ours when we have not been able to save the beings inside our mind.
In short, the bodhisattva vow means that first of all, we need to save our own bodies by nourishing them with good deeds. This is the great compassion. Next, when there are formless beings arising inside our mind, like sorrow, hatred, anger, or fear, we must apply the practice of awareness taught by the Buddha to bring all these beings into nirvana. This is great wisdom. This is fulfilling the vows of a person practicing the bodhisattva way, equivalent to the spirit of the Diamond Sutra: “One must guide all beings into nirvana because only then will one attain Buddhahood.”
The Studies and the Practice of the Bodhisattva Path
We will divide into two methods the way to achieve the vows of a bodhisattva. The first one is from Dharma studies. The second is from Dharma practice.
The foundation of the practice or the path of a bodhisattva is built on Dharma studies. For example, if we have never gotten in touch with the Sangha, if we have never learned with Thay about the basic sutras such as The Four Establishments of Mindfulness, then we will not know the way to practice. Therefore, the framework for the bodhisattva’s vows is based on learning the Dharma. The rule for the members of the Order of Interbeing is that if the Fourteen Mindfulness Trainings are not recited within three months, that person will lose the forms of the precepts. The Order of Interbeing is neither the brown jacket that one is wearing nor the mindfulness trainings certificate that one has received. The true substance of an OI member is measured by whether he or she thoroughly understands the Dharma studies or not.
Then from the studies, we have a very solid foundation to apply to the practice. What is the practice? For example, sentient beings like misery, anxiety, fear, afflictions, despair, sufferings, etc., are arising turbulently like rapids within our mind. We can use the practice of dwelling in our breath to carry all those formless beings into the ocean of nirvana. We can also use the practice of walking meditation to relieve the strain and tension inside of us. Usually, we tend to think that these are the means to eventually achieve the true essence, to reach nirvana, to attain wisdom. This is not the case, however.
In truth, there has never been any practice from the Buddha that is a means to attain liberation or a means to an end. The tradition of Mahayana Buddhism often rationalizes that one must go through the gate of skillful means to reach nirvana, as mentioned in the Lotus Sutra, Chapter 7 – the magic city and the great treasure. We tend to favor the Greater Vehicle Buddhism and often disregard the very basic sutras containing the practice in the Nikaya literature, naming it the Lesser Vehicle.
Among Thay’s calligraphies, there is a very good quote: “There is no way to happiness. Happiness is the way.” There is no path leading to true peace and joy, but peace and joy are found right on the path. It is not that we have to walk until the end of the road in order to see the light, but as soon as we put our feet on the road, the light is present. Right here. Right now. Right within one step of the practice is the taste of the fragrance of true liberation.
From that, we now return to the practice of breathing meditation. “Breathing in, I am aware that I am breathing in. Breathing out, I am aware that I am breathing out.” Sometimes, it can take one month for one to learn, “Breathe in, I know I am breathing in; breathe out, I know I am breathing out.” Vietnamese people who have grown up in traditional Buddhism often laugh when they hear about a retreat where one only learns how to breathe in and breathe out. They say, “I thought there would be something very new and different to learn at a retreat. Why do I have to come to a retreat just to learn something I already know, like breathing in and breathing out!” But please remember this. The Buddha said, “My teaching is perfect in the beginning, perfect in the middle, perfect in the end.” This saying applies in the way of the practice. When we step into breathing meditation, it means that this practice will bring about the attainment of true wisdom, the realization of true enlightenment. Knowing that “Birth has ended; the holy life has completed; what needs to be done has been done; there is no return to this body anymore.” The peak of wisdom is just by one practice of breathing in and out, and nothing else. The means is the end. The path is happiness.
For further explanation, in the first step of the practice, we see that the breath is going in and out – meaning that we are the observer, we are the energy that is observing, and the breath is the object being observed. We take refuge in our breath to calm down the sentient beings of unhappiness and anger inside of us. But do not think that the Buddha’s teachings stop at this level. There will be a time when the misery, the fear, and the suffering will quiet down and naturally disappear from the sky of our consciousness.
And what else is there? Next, there will be a subtle stage where the thoughts inside our head will flow rapidly, becoming the words printed on the wall in front of us. In fact, when we are aware of the in-breath and the out-breath, we are also aware of the emotions and feelings coming and going. And we are also aware of every single thought flowing fast through our mind. These two deeper levels will be recognized by us. The first thing that will arise is that we are the observers observing the afflictions, hatred, or unhappiness. The sentient beings emerging out from our mind will be the objects to be observed. They are not us. Right here, what will happen? Right here, the unhappiness, the anger, the fear will drop by themselves. They are simply the objects from outside, coming and going, living one moment and dying the next, whereas we are the ones who witness them. We are the ones who are aware of the in-breath and the out-breath. Subsequently, we will reach a deeper level of seeing every thought coming and going, and never identify ourselves with it.
So what can the practice of breathing meditation do? Save all sentient beings and bring them to nirvana!
Once we are able to practice awareness of our breath, we will have the ability to see the never-ending thoughts going back and forth. When we see them, they will be outside of us. In this process, eventually, the object will drop by itself. Eventually, the thought will disappear by itself. It will extinguish. It will vaporize, leaving no trace behind. Then what will remain? Stillness. Only stillness. Only the energy of serenity, of vibrantly alive peace, remains in the here and now. Only simple recognition without any content to be known. It is simply the state of awareness with no place for content to adhere to. Right here, what can it be called? Right here, deep insight is attained, true wisdom is achieved. Right here, the practitioner vanishes into the still and silent ocean of nirvana.
As mentioned above, the teaching of the Buddha is complete in the beginning part, complete in the middle part, and complete in the last part. From that saying, referring back to the practice of breath awareness, do you think it is simple? No! We only need to observe our breath in order to realize that in a thousand breaths, there has never been one breath that is exactly the same as another breath. The practitioner has begun to achieve right concentration or samadhi. He will discover that from the breath, the bodhisattva path has unfolded. That is to save all beings inside our mind. Distress, anger, sufferings have no conditions to arise. Even if they arise, we will carry them to the ocean of true liberation. This is, “Sentient beings are numberless; I vow to save them.”
In fact, is there anything that is so hard about practicing the bodhisattva vows? Nothing hard at all! It is a very normal and simple act, like eating food and drinking water. If we have some eager enthusiasm to practice, then it will happen very easily. There will be a time when all the desires of life, such as for money, fame, and material possessions, will drop by themselves. In our youth, we can run back and forth, chasing desire after desire. We want this; we want that. But when one reaches the ripening level of consciousness, he is longing to know more about life, feeling the gloominess and desolation of the sunset, so he wants to begin the spiritual path. To start down this road means to walk on the path of the bodhisattva. We long to achieve enlightenment in ourselves, and once it is attained, this energy will naturally find its own way to spread and permeate to others. Therefore, saving oneself is saving others. This is the first vow of the bodhisattva.
The Second Bodhisattva Vow
The second vow is: “Afflictions are boundless, I vow to end them.” On what ground of human nature are all sufferings based? On the ground of your concept of the self, your personality, your vanity, your arrogance, etc. However, if we thoroughly comprehend the way of the practice and dwell peacefully in breathing meditation, meaning we are always the ones that are observing our breath going in and out, are always the witnesses seeing afflictions coming and going, are always the observers watching every single thought racing back and forth, then sufferings will have no place to attach to. Nor there is any condition for a thought or an affliction to arise. Why? Because all sufferings are knitted by our thoughts, our unconsciousness, our fear, anger, and desires.
A strange thing worth mentioning here is that our consciousness has the ability to feed the self. But the self is extremely sly, deceitful, and devious. And how is it deceitful? The self will try all means to establish its existence. First of all, it wants everybody to pay attention to it, to recognize it, to love it. This is very true. We are human beings. At the evolutionary level, a human is a social animal and cannot live alone. When we live in society, we often want others to pay attention to us, to take care of us, and to love us. This is very normal. We leave the loving arms of our parents just to find another person to lean on. It seems that this principle is permanent. Finding someone to be dependent on, to rely on, so we feel proud that at least there is a person in this world who loves us.
What is the other side of the self? We need someone to be the force of resistance so the ego can establish itself according to its principle. One has to follow the ego’s desires, or if another person has opposing ideas, then the ego will regard this as the resisting and opposing force that it looks for to establish its existence. The self either needs to be loved or it needs to be hated. These two aspects are always a swaying and wobbling boat. There has never been a family life that is not shaking. Happiness is something that is always rocking and unstable. Friendship is always a clash, a conflict. The relationships between parents and their children always struggle with instability and imbalance. It seems that the ego really requires a tug of war contest. And one must pull back and forth all the time. This is the way that the self tries to construct and make itself known to the world.
Once the practice reaches a deeper level, we will realize that every kind of suffering arises from the consciousness of the ego longing to establish itself. The self demands that we nourish it every day in order for it to survive. The Buddha has taught us about the four nutriments of life. Our feelings and emotions need to be fed each day to live. Our eyesight also needs to be fed each day to recognize colors. Our afflictions and pain also need to be fed each day to sustain themselves. Our thoughts also require nourishment each day so that they can form unending strings of incessant thoughts as the voice in our heads.
First of all, the basic feature of the ego is that it always needs conflict and the substance of suffering to feed itself. Secondly, its true nature is emptiness because it needs nutriments in order to survive. If it is not nourished, then it will die. That is its principle. If there is no conflict, it will create conflict. If there is no one to love it, then it will create a lover. If there is no one to hate it, then it will create an enemy. However, if we practice by cutting the source of nutriments for anger and unhappiness step by step, then we are only cutting the branches and we are not digging all the way to the roots. Consequently, the tree of suffering will regrow again, sometimes even faster and bigger. This is an indirect practice that uses a lot of different means to transform suffering and not the direct path of true wisdom that the Buddha pointed to.
What is the path of true wisdom? When we see the self, then the self is the object to be seen. It is outside of us and not the inside. We are the energy that sees the self manifest. If we go into details, then what is the energy that is seeing? It is the observer who is observing the streams of thoughts, the whispering strings of words, the pain and suffering, etc. The murmurs from the self-dialogue of judging and blaming others are all the nutriments that feed the ego. If we can separate ourselves by just being the observers, then all afflictions will naturally drop by themselves; the ego will leave us by itself. Right here, we have succeeded in one thing: slashing all sufferings at the roots! Not trimming branches and offshoots, not plucking leaves and twigs but excavating all the way to the roots, terminating all afflictions immediately in one finger snap!
From this, we refer back to one sentence in the Prajnaparamita Heart Sutra that we just heard. “When the bodhisattva Avalokitesvara shines light and sees that the five skandhas are empty, he immediately ends all ills and sufferings.” One only needs to shine the light of insight onto the five skandhas, and then these five skandhas will become empty. Nothing else needs to be done. This is the direct meditation practice by the path of insight, meaning that when the practitioner uses the eye of true mind, the eye of wisdom to look at the five skandhas, then they will be objects to be seen outside of himself. For example, I can see everyone in the meditation hall whether there are one thousand or five hundred or just three people. Consequently, when I look, all friends in the community will become people to be seen, and I am the only one who is aware of the presence of everyone here. If I turn that awareness around and look inside myself and see the skandhas of body, feelings, perceptions, mental formations, and consciousness, then what are they when I can see them? They are but the objects outside of me and I am the one who is observing them. And even though people try to explain that the body is made from thousands and thousands of small parts combined; even though the feelings are composed of hundreds of different levels of unhappiness, anger, sorrows, anguish; even though people dissect the five skandhas into millions and millions of bits and pieces; they are still the objects to be observed and they are not who we are.
Then what are we? We are the true essence of pure awareness with no thoughts, shining light onto the five skandhas; we are the persons who are observing. We only use the term, “a person who is observing,” to illustrate this notion, but in reality, there is no person at all. It simply is what? It simply is the pure awareness, simply is the knowing, simply is the seeing. We are aware of the five skandhas in the exact same way as we are aware of the breath going in and out. The in-breath and the out-breath are only the objects of our awareness but we are not the in-breath and the out-breath. We are the energy of mindfulness seeing the breath coming in and out. At a deeper level, we are never the feelings of happiness and sorrow, but we are the energy of mindfulness seeing every single feeling of happiness and sorrow coming and going within ourselves. Then at a much deeper level, we are not the stream of thoughts, but we are the energy of mindfulness seeing the stream of thoughts passing back and forth.
By applying this practice of looking deeply into the five skandhas, we will be truly the deepest insight, truly the perfect wisdom, truly the energy of pure awareness. The five skandhas will be outside of us; they will be objects to be seen. Then are they still there or do they disappear? They are still walking back and forth, still eating, still drinking, still behaving as usual, but our mind will not be attached to these skandhas. We are always the seers who are seeing the five skandhas manifesting on the face of this Earth. Furthermore, anger and contentment, sadness and happiness, these emotions can arise inside of us but we are always the seer, the knower. Then obviously, nothing can attach to us! However, it does not mean that at this level of practice, we will disappear and vanish or become cold hearted and unloving. No! That is never the case! We still function as normal human beings, but the afflictions will not muddle or disturb us as they used to before. In short, when we do not identify ourselves with the five skandhas, then the five skandhas are empty in the here and now, in the present moment, although they still appear right in front of us.
This is the second part. When we thoroughly comprehend the true practice, then the roots of suffering will be terminated. Otherwise, we only do an unskillful act in which we clean this unhappiness and another unhappiness comes into existence. We stop one fear and another fear starts. We eliminate this unmindful thought and another unmindful thought turbulently rushes in like rapids of a river. On the other hand, if we realize the true Dharma, walk on the path of the true practice, then all negative emotions in the mind, all bustling thoughts in the head, all birth and death, and all impermanence have nothing to do with us! We are the persons who are sitting on top of the mountain, looking at the streams of people walking, seeing the endless flow of cars driving by, but we never climb into those cars and never let them take us to some far, far away place. Never!
Therefore, by understanding in depth the practice of breathing meditation, we can end all sufferings and save all sentient beings inside us. The important thing is whether we practice it or not! Because terminating all afflictions is not really a hard thing to do at all.
The Third Bodhisattva Vow
Dharma teachings are immeasurable; I vow to learn them. The path of awakening is unsurpassable; I vow to attain it. These are the last two steps of the bodhisattva vows.
How can we learn all the Dharma teachings if they are immeasurable? In nature, even in the strongest and most destructive hurricane, the eye of the storm is still very calm. It always moves along with the hurricane itself. Wherever the storm goes, the eye of the storm will follow. A tornado in the Mideast of America is a violent vortex that can lift an eighteen- wheeler up in the sky. Yet, right in the middle of the vortex, there is no wind. Everything is calm, with light and clear skies.
From that example, we go back to the third vow. In fact, the Dharma teachings are immeasurable. So if we have to study all the different ways to deal with all the suffering, if we have to do this to manage our worries, or do that to control our anger, or practice this to achieve wisdom, or practice that to reach certain stages of meditation, then there are millions of Dharma teachings to be learned. However, if we realize and understand clearly the true Dharma, dwelling peacefully in just one practice of full awareness of breathing or full awareness of the body—in other words, we are always the observer—then all sufferings and afflictions will be burned. In short, we only need the practice of simple observation to manage and get through every problem. Then the immeasurable sufferings will disappear, nowhere to be seen.
Nevertheless, one thing needs to be mentioned here. As practitioners in Buddhism, we cannot reject any practice, nor should we refuse to read the sutras of the Buddha. Besides attaining wisdom and enlightenment for oneself, following the path of a bodhisattva means that the members of the Order of Interbeing have the responsibility of bringing the Buddha’s teachings to application in real life. OI members are the bridge that connects the monastics with the laypeople. Moreover, Vietnamese OI members are also the bridge that connects the Vietnamese community with the Western community and have the mission and the responsibility to contribute the insights of Buddhism for Westerners.
Hence, the path of a bodhisattva is not to refrain from learning from the society that we live in. It is also not to refrain from learning all the teachings of the Buddha. The bodhisattvas who reincarnate have to relearn the schooling from this world. In order to apply Buddhism to everyday life, one must acquire sufficient knowledge both in life and in Buddhist studies. As a matter of fact, one needs to gain knowledge in culture, arts, languages, and different professions. At a standard level of bringing engaged Buddhism to life, besides the practice and the studies of Buddhist sutras, we also need to be proficient and have a clear understanding of the vast information of the world we live in. Only then can we bring the light of the Dharma to contribute to the world. If we are poor in these skills, then when we speak to others, it is just like a person standing at the bottom of a deep, dark valley, trying to lift his head up to speak and hoping people on the top will hear. This will be in vain. And it is not the work of a bodhisattva.
Being a Buddhist and receiving the Fourteen Mindfulness Trainings also means that the pathway to study Buddhism cannot stop. Do not allow your level of education to be deficient. Every day, we have to eat food; every day, our knowledge has to mature. The Buddhists who receive the Five Mindfulness Trainings or the Fourteen Mindfulness Trainings should have, at their bedside, a compilation of Buddhist scriptures such as the Nikaya (from Pali), the Agama (from Sanskrit), the Heart Sutra, the Lotus Sutra, the Diamond Sutra, etc. One should have these as bedside books. Before going to sleep, one should read a few chapters. Right after waking up, one should read a few chapters. We should read the Nikaya literature being translated into English or Vietnamese or other languages.
One word of advice here—we are not yet real bodhisattvas who reincarnate again to save sentient beings. We learn so that we can help ourselves in this life and also help others who come in contact with us. We study so that in the future when we are reborn into this world again, we will have a rich knowledge of Buddhism and will be ready to take part in engaged Buddhism. Imagine the Fourteenth Dalai Lama—what does he do first, every time he reincarnates? After he is found and brought back to Llasa, the first thing to be done is that four or five highly respected Tibetan monks teach the Dalai Lama about Buddhism day and night, following an intense and rigorous curriculum. Even though he has reincarnated fourteen times, he still has to learn Buddhist studies and the normal education and knowledge of this world.
Therefore, please do not think that just learning Buddhist studies is enough. Definitely not! We can use a simple example to illustrate this. If a person with a level of knowledge in various domains is extensive enough, he will present Buddhism without restricting himself in Buddhist terms only. His language will carry the rhythm of poetry with depth. With a type of language that is multifaceted and flexible for many different levels of understanding in the audience, it will be easier to go straight to the minds of the listeners than if he presents Buddhism in only one type of language that is monotonous, with just Buddhist terms.
Therefore, the sentence, “Dharma teachings are immeasurable; I vow to learn them,” means that we need to learn knowledge both from Buddhist scriptures for spiritual life and from worldly studies of ordinary life. There is only one moment when we will not be learning anymore. What moment is that? The moment of not breathing in and out anymore! Only then can we rest! That is the principle.
In fact, when we are still breathing in and out, every day, we must nourish ourselves with wisdom. If we have not achieved wisdom in ourselves, then we will have to take refuge in the wisdom of Buddha. The Buddha is the Enlightened One in this world and his words are completely filled with wisdom. Twenty-six centuries ago, his scriptures prompted his disciples to attain the fruit of Arhat. Now in the present time, the words of Buddha still shine brightly and still lead mankind to attain enlightenment.
Then why don’t we read every single sentence, every single word of the Buddha every morning, every afternoon, and every night? Learning to sing a song can drown our mind in sadness, agony, and bustling noise. Learning a sutra will never bring about this effect. We may not be used to reading sutras, so we might fall asleep, or we will feel very peaceful and vibrantly alive. There is no other effect besides these two. Hence, the third vow means that there are two areas that we need to study. If food can nourish our life, then the path of practice needs many nutriments from studies of the sutras and the education of the world that we live in.
Attaining The Original Vow
Lastly, the path to attain true wisdom is not too hard. It is not far beyond our reach. Why? Because Buddha nature is already inherent inside of us. Our true essence is the bright, alive energy of awareness. It has never adhered to any defilements. It has never adhered to feelings like anger or unhappiness. As a matter of fact, sorrows will come and go. Happiness will come and go. Fear and misery will come and go. Suffering and anxiety will come and go. If we have a little patience, then depression will also come and go. In a human life span of sixty or seventy years, we have touched countless agonies, countless angers, countless afflictions. There have been times when we fell deep into depression. But with patience, everything passed by in its natural course. And we are still alive.
One fact is very clear. Everything comes and goes. But only one thing has never come and gone. What is it? It is our essential nature. It is also the person who is observing sufferings come and go. This state of mind has never been absent in us. What is the correct term for this true essence watching all the objects of affliction? It is the Buddha inside of us. Our own Buddha nature. The enlightenment already inherent in us.
The term, Tiep Hien, has a very deep and broad connotation. One time I heard Thay explain that this phrase means to receive and continue the true essence of all Buddhas manifesting in this life. First of all, it manifests into an impermanent body. Secondly, it manifests into countless actions of compassion and wisdom to save sentient beings. Let us not talk about the extraordinary compassionate deeds of all those great spiritual teachers, but let us talk about the ordinary things in our everyday life. The true essence inside of us is the Buddha nature that has no birth, no death, and is perfectly in stillness. We should take upon ourselves this true essence. We should dwell in the state of being aware of the awareness that is shining vibrantly in the here and now.
And doing this is for what? It is for the realization of true wisdom in an instant, for the realization of the essential nature inherent in us. To live fully in this state of pure consciousness is to complete the path of a member of the Order of Interbeing. Completing this is equivalent to a bodhisattva stepping into life to do compassionate deeds.
We carry a great vow inside of us. At the first level, we are committed to help all laypeople to come to Buddhism through our practice and our conduct. At the next level, we carry and continue the vows of the bodhisattvas of the ten directions and three existences present in this universe, bringing the light of the Dharma to life. And the last level is to complete the path of enlightenment within ourselves, attaining the essence of nirvana already present in us. Consequently, we will be the persons who actually inherit the unshakable suchness and the serenity of our own Buddha nature, returning to the true source of no birth, no death. Such a person is one who has achieved Buddhahood.
How many years has the Order of Interbeing existed? Half a century! Imagine—in this long course of history, it was born from a highly respected spiritual teacher who has tasted the Dharma flavor of both traditions of Buddhism—Theravada and Mahayana. In addition, Thay has a very clear vision about ways to spread the Dharma in the West. Thay’s writings are very appropriate and well suited to the minds of Westerners. Every word brightly shines! Guiding the minds of humans living in modern society to the bodhisattva’s path, skillfully using very simple ways so most people can understand. This is the first aspect.
Secondly, the Order of Interbeing has undergone countless challenges and difficulties. Those who have long been OI members should have tea meditation with Sister Chan Khong to collect facts to write about the history of creating and building the Order of Interbeing. If we do not do this, we will lose much information that is as precious as diamonds. There is no way we can foresee what will happen tomorrow. Consequently, the important thing to be mentioned here is that we still have a chance right now.
Thirdly, if possible, we should compare and contrast the bodhisattva precepts and the Order of Interbeing precepts. This is just a suggestion so everyone can study these precepts and distinguish the depth of similarities and differences between the two traditions. Every word is a unique masterpiece of insight that we have not had the chance to explore and develop.
The fourth aspect here is that completely achieving the virtue of a bodhisattva is not something too far to reach. It is not hard at all. As humans living in this world, up to a certain point, up to a certain age, up to a certain level of consciousness, people will feel that all materialistic needs are insipid and tasteless. Happiness is not achieved by the way of material possessions, nor greed and desire, nor fame and power. True happiness is touching the pure land of no birth, no death, right within oneself. That is called a practitioner who is walking on the bodhisattva path.
And lastly, do not think that this practice carries an individual characteristic. Never! If one achieves the true virtues of peace and joy, then the path of wisdom and compassion will naturally open up, and one will know what needs to be done. One will contribute to the well-being of mankind in two ways. The first way is to do it quietly, and the second is to actively engage in real life. For those who already know the way to practice, they have the wisdom to determine the direction of their actions. These are the five aspects to be suggested here. Thank you very much, dear friends of the community.
The Venerable Thich Phuoc Tinh was born in 1947 in Vietnam. He received full ordination in 1980 and became abbot at the Temple of the Bodhisattva of Compassion (Quan The Am) in Da Lat in 1993. In 2001, he was invited by Thich Nhat Hanh to live at Deer Park Monastery, where he continues to reside. Collections of his talks in English are presented in Be Like A Tree: Zen Talks by Thich Phuoc Tinh and The Ten Oxherding Paintings: Zen Talk by Thich Phuoc Tinh. He is also the author of three books in Vietnamese, one on the Forty-Two Chapters Sutra and two of Dharma talks sharing wisdom for everyday life.
This Dharma talk was given on November 8, 2015, during a Vietnamese retreat at Deer Park Monastery. The talk was translated from Vietnamese into English by Monglan Ho and edited by Natascha Bruckner. An excerpt of this talk appeared in the Mindfulness Bell #71 (Winter/Spring 2016).
Nguồn : Source link
Hits: 76