Pháp Bảo không phải là đối tượng quy y duy nhất, vì niềm tri ân sẽ tự hướng mỗi người tới bậc Thầy đã khai thị và truyền trao Pháp cho họ, tức là Đức Phật lịch sử và bậc Thượng sư giác ngộ của mình. Vì Thượng sư chỉ cho chúng ta con đường nên đương nhiên Ngài cũng là đối tượng để chúng ta quy y. Đây không phải sự áp đặt từ bậc Thầy hay theo niềm ham thích cá nhân mà chỉ đơn giản hợp với lẽ tự nhiên.
Thật vậy, bạn cần tìm một hướng đi đưa bạn tới chân hạnh phúc, giải thoát khỏi khổ đau phiền não. Tuy nhiên, để tìm được hướng đi này, bạn chắc chắn sẽ cần người chỉ dẫn. Chỉ có bậc Thượng sư chân chính, tức bậc Thầy giác ngộ, mới có thể hướng đạo cho chúng ta.
Vì lẽ này, bậc Thượng sư, bậc Thầy, hoặc nói rộng ra là chỉ Phật Bảo, mới thực sự là đối tượng để chúng ta nương tựa quy y. Dù Đức Phật Thích Ca đã thể nhập Niết bàn từ cách đây hơn hai nghìn sáu trăm năm, nhưng niềm trân trọng tri ân đối với Đức Phật nơi chúng ta vẫn còn nguyên vẹn.
Đối tượng quy y thứ ba là Tăng Bảo vì Tăng già có thể trợ duyên rất lớn cho chúng ta. Thiếu sự hỗ trợ của Tăng già, bạn sẽ không thể thực hành giáo pháp. Do vai trò trợ duyên quan trọng như vậy, nên chúng ta cũng cần quy y Tăng Bảo.
Tuy nhiên, phương diện quan trọng nhất vẫn là con đường, chúng ta gọi là Dharma tức là Pháp Bảo, nhưng các bạn có thể gọi bằng bất cứ từ nào theo tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Đức… Tên gọi là gì không quan trọng, điều quan trọng là ai đã cho bạn biết và hướng dẫn bạn trên con đường này? Câu trả lời: “Đó là Đức Phật hoặc bậc Thượng sư”. Do vậy nên các Ngài là đối tượng để chúng ta quy y. Cuối cùng đến Tăng Bảo: “Thượng sư đã chỉ ra con đường. Giờ tôi phải thực hành như thế nào? Liệu ai có thể giúp tôi? Phải rồi, đã có chư Tăng!”.
Nguồn : Source link
Hits: 46