Nhập môn Kim Cương thừa (ngày thứ hai)


 

Pháp tu mở đầu Ngondro là sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho hành giả Kim Cương Thừa trước khi vào phần tu tập chính Đại Thủ Ấn Mahamudra. Đây không phải là những bài thực tập mang tính “vỡ lòng” cho người mới bước chân vào cửa đạo, mà thực sự là chìa khóa để mở cánh cửa giác ngộ cho những ai muốn bước vào ngôi nhà Phật Pháp. Đã có rất nhiều bậc Thầy thực tập pháp tu Ngondro này và các Ngài đã chứng ngộ bản chất tâm ngay tại pháp tu mở đầu.

Trong phần giảng pháp ngày hôm nay, Đức Pháp Vương đi sâu vào giải thích ý nghĩa và nghi quỹ thực hành Nội Ngondro, mở đầu bằng phương pháp lễ lạy phát Bồ đề tâm phát nguyện nhanh chóng đạt giác ngộ để cứu độ hết thảy hữu tình, đây là phần Đại thừa. Nhờ quy y lễ lạy, chúng ta phát triển tâm sùng kính nơi Tam bảo. Đây là phương tiện duy nhất giúp chúng ta thoát khỏi luân hồi sinh tử. Thân tâm chúng ta rất phiền trược, ô uế, các kinh mạch hay luân xa bị tắc nghẽn. Nhờ rèn luyện tu tập lễ lạy này, thân tâm chúng ta trở nên trong sạch, giúp chúng ta dễ dàng nhận ra bản chất tâm tự nhiên của mình.

Phần tiếp theo là tu tập Kim Cương Thừa. Hành giả thực hành Kim Cương Tát Đỏa Vajrasattva để sám hối tịnh hóa tất cả những nghiệp chướng, báo chướng phiền não nhiễm ô đã tích lũy từ nhiều kiếp và để đón nhận được sự gia trì thanh tịnh. Tiếp đến, Đức Pháp Vương giảng về phần cúng dường Mandala để tích lũy vô số công đức và xả bỏ những bám chấp vào của cải vật chất thế gian. Mandala chính là biểu tượng của vũ trụ. Thực hành cúng dường Mandala là thực hiện hạnh bố thí, chia xẻ. Hành giả có thể cúng dường những vật phẩm thuộc sở hữu hoặc dùng tâm quán tưởng cúng dường những thứ không thuộc sở hữu trong vũ trụ như núi sông rừng biển…lên chư Phật Bồ tát, Căn Bản Thượng sư cùng tất cả pháp giới chúng sinh.  Đức Pháp Vương nhắc lại Đức Phật Thích ca đã từng giảng rằng việc cúng dường ko phụ thuộc phẩm vật nhiều hay ít mà phụ thuộc  động cơ cúng dường có thanh tịnh bình đẳng hay không, vì thế hành giả luôn phải quán chiếu, chấn chỉnh động cơ tâm một cách chân chính, luôn hoan hỉ bình đẳng trong sạch khi làm pháp cúng dường.


Đức pháp vương và chư tăng

Đề mục giảng pháp cuối cùng trong ngày liên quan đến phần “Guru Yoga”. Chữ “Gu” theo nghĩa gốc là “Chứng ngộ”, còn “ru” là “viên mãn”. “Guru” chỉ bậc Căn bản Thượng sư với sự chứng ngộ viên mãn. Chữ “Yoga” theo nghĩa gốc có nghĩa là các phương tiện được dẫn dắt bởi trí tuệ dưới sự hướng đạo của Căn bản Thượng sư. Các Yoga hay phương pháp tu tập có thể là Yoga của Khẩu qua việc trì tụng, Yoga của Thân qua việc lễ lạy và Yoga của Tâm qua việc quán tưởng. Qua pháp tu Guru Yoga, hành giả có thể xây dựng nhịp cầu nối, nhận ra bản chất tâm bất nhị giữa mình  và Căn bản Thượng sư, đồng thời đón nhận sự gia trì chân truyền của các Thượng sư trong dòng truyền thừa. Đức Pháp Vương cũng căn dặn trong việc thực hành Guru Yoga hành giả cần lưu ý 3 điểm: thứ nhất là Tâm chí thành hướng trọn lòng tin tha thiết về Thượng sư là bậc giác ngộ với đầy đủ phẩm hạnh, thứ hai là phát khởi và hướng lòng từ bi vô hạn về hết thảy chúng sinh, và thứ ba là tinh tấn luyện tập để có đạt khả năng tập trung, tâm an định, an trụ lâu nhất.

Pháp hội trong ngày kết thúc viên mãn với pháp quán đỉnh Tam Căn Bản, tạo nền tảng tu tập cho các hành giả và sự kết nối sâu sắc với Truyền thừa giác ngộ.
Kết thúc Pháp hội, các Chư ni Chùa Tây thiên Phù nghì đã có lời tạ pháp đầy tri ân và cảm động tới bậc Kim Cương Thượng Sư đã trao truyền những giáo pháp hi hữu và vô cùng tôn quý giúp khai mở tuệ giác để ni chúng có một phương hướng rõ ràng trên bước đường dẫn đến giác ngộ.

 





Nguồn : Source link

Hits: 70

Trả lời